Kệ Số 11: Vui Sống, Không Chấp Thủ Hay Khó Chịu
Cách Hành Xử Khi Gặp Người Khác, Trong Khi Đang Sống Ẩn Dật
Hãy diệt lòng thù hận và ác tâm, và hoan hỷ, khi đến bất cứ nơi nào.
Ở đây, A Đề Sa đang tiếp tục bàn luận về cách hành động, khi sống chung với người khác. Ngay cả khi sống ẩn dật, thì ta vẫn sẽ gặp người khác. Vì vậy, khi gặp gỡ họ thì điều rất quan trọng là không có lòng thù hận - “Bạn làm gián đoạn việc tu hành của tôi! Tại sao bạn đến làm phiền tôi?”, hay những tâm trạng khó chịu khác. Nếu như không thoải mái khi gặp gỡ người khác, thì ta sẽ không bao giờ vui vẻ.
Thường thì sự khó chịu này xảy ra, vì mình không xem mọi người bình đẳng, đó là điều đã được bàn luận trong vần kệ trước, nên phải xem mọi người đều bình đẳng. Chúng ta quyến luyến với một số người, có ác cảm với những người khác; và bỏ mặc một số người. Vì vậy, nếu như đó là người mà mình thấy hấp dẫn, hay quyến luyến, thì ta sẽ thấy vui vẻ, và muốn họ ở lại với mình. Nếu như không thấy họ hấp dẫn, thì ta không muốn gặp họ, mà muốn cự tuyệt và chối bỏ họ. Nếu như mình thờ ơ với họ, thì chỉ muốn bỏ mặc họ, thậm chí có thể bực bội, vì họ đã đến, hay đã yêu cầu mình giúp đỡ họ.
Tôi không nhớ là câu này ở trong sách nào, nhưng ngài Tịch Thiên hay một đạo sư vĩ đại khác đã nói rằng, “Một vị Bồ tát không bao giờ thấy điều gì đáng vui hơn, khi có ai cần sự giúp đỡ của mình.”. Giống như khi người nào học làm y tá, thì họ rất vui, khi có thể giúp đỡ người khác. Tương tự như vậy, nếu như chúng ta tu tập để trở thành bồ tát, và có người mà mình có khả năng giúp đỡ, lại yêu cầu mình giúp họ, thì đây là một cơ hội tuyệt vời để tùy hỷ, chứ không thấy bực mình. Vì vậy, hãy diệt lòng thù hận và ác tâm...
… và hoan hỷ khi đến bất cứ nơi nào. Nếu như mình đoạn trừ tâm tiêu cực, thì có thể vui vẻ đến bất cứ nơi nào. Tất nhiên, nếu như có quá nhiều người làm phiền mình, đặc biệt là những chuyện lặt vặt, thì đôi khi, mình cũng phải tự cô lập bản thân. Tông Khách Ba lúc nào cũng tự đi đây đi đó khi ngài còn trẻ. Khi ngài sống ở nơi nào, mà có quá nhiều người bắt đầu đến để cúng dường, vân vân, thì ngài sẽ dọn đi nơi khác. Khi cao tuổi hơn thì ngài đã sống trong các tu viện mà ngài đã thành lập. Vào thời điểm đó thì ngài có thể giúp đỡ người khác rất nhiều, và thành lập các học viện, là những nơi sẽ hoạt động trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong khi ngài đang tu tập ở nhiều tu viện khác nhau, thì nhiều người đã đến gặp ngài, vì ngài rất nổi tiếng. Ngài là học giả xuất sắc nhất trong thời đó.
Ngài giống như Tsenshap Serkong Rinpoche. Serkong Rinpoche sẽ đi đến một nơi, và nhiều người sẽ đến cả ngày, dâng những chiếc khăn nghi lễ (kata) và lễ lạy, và nhất định là họ phải lạy ngay trước mặt ngài, để ngài thấy họ lễ lạy. Ngài sẽ phải ngồi đó và ban lực gia trì cho họ, tặng cho họ một sợi dây màu đỏ để đeo trên cổ, hoặc những món giống như vậy. Đó là việc có thể chiếm hết thời gian của một người. Nó cũng không thật sự tạo ra lợi lạc cho ai ở mức độ sâu sắc, chắc chắn là không giống như việc giảng dạy cho ai. Vì vậy, nếu như điều đó xảy ra với Tông Khách Ba, khi người ta đến để cúng dường tịnh tài tương đương với một rupee, cúng dường các lễ vật, v.v..., cúng dường hộp nhang thứ 575, mà ngài không cần dùng, thì tốt hơn hết là nên dọn đi nơi khác. Khi một người quá nổi tiếng, thì quá nhiều người sẽ đến và mong muốn những điều nhỏ nhặt, và chiếm hết thời gian của họ.
Làm sao mà việc này sẽ nói về tình huống của mình ở phương Tây thì hơi khó để mà thấy được. Từ kinh nghiệm bản thân thì tôi biết là việc làm giảng sư đi khắp nơi rất khác với việc ở một chỗ để giảng dạy. Serkong Rinpoche luôn luôn nói, “Nếu như con đi giảng dạy ở khắp nơi, thì đừng ở lâu hơn thời gian mà người ta mời. Đừng ở lại nhiều hơn số ngày nhất định. Nếu con ở đó vài ngày, thì người ta sẽ thấy đó là một sự kiện đặc biệt, và sẽ đến nghe thuyết pháp. Nhưng nếu con ở lại quá lâu, thì một mặt, con sẽ trở thành gánh nặng cho những người chăm sóc cho con, và mặt khác thì người ta sẽ xem con là điều bình thường, nên sẽ không đến học nữa.”. Đó là điều tôi đã thấy, đặc biệt là nếu như bạn sống ở một nơi: “Tôi luôn luôn có thể đi học tuần tới”, “Ồ, tôi có tiệc sinh nhật”, hay “Ồ, có một bộ phim mà tôi muốn xem.”. Trong hoàn cảnh đó thì tốt nhất là nên dọn đến một nơi mà bạn có thể tạo ra nhiều lợi lạc hơn.
Hiển nhiên là luôn luôn phải xem xét hoàn cảnh của mình. Một mặt, nếu như mọi người cần mình giúp đỡ, thì ta sẽ sẵn sàng giúp. Mặt khác, nếu như không có ai cần sự giúp đỡ của mình, hay họ đến chỉ để làm phiền ta, và không ở trong vị trí để mình có thể giúp đỡ, thì hãy dọn đi nơi khác. Hãy nhìn vào cuộc đời của một nhà tu. Một người xuất gia là người đã rời bỏ nhà cửa, là người vô gia cư. Một lần nữa thì tất cả đều phụ thuộc vào mức độ tu tập của mình.
Từ Bỏ Của Cải Mà Mình Quyến Luyến
Vì vậy, hãy diệt trừ tâm chấp thủ vào bất cứ điều gì, và sống đời không chấp thủ.
Điều này đề cập đến của cải nói riêng. Nếu như có thứ gì mà mình rất chấp thủ, thì lời khuyên là hãy đem cho nó, hoặc để nó trong hộp, hay trong tủ, để không nhìn thấy nó hoài, và bận tâm vì nó.
Người ta nói nếu như có nhà cửa càng giản dị càng tốt, thì sẽ rất hữu ích. Giống như trong hang động thì mình sẽ không quyến luyến với bức tường bằng đá. Nếu như mình bỏ hết thì giờ để trang trí nhà cửa, và có đủ các thứ quý giá trong nhà, thì sẽ rất quyến luyến với chúng. Đúng là khi có một môi trường thoải mái thì tốt, nếu như nó giúp ích cho tâm mình, nhưng ta sẽ không muốn nỗ lực quá nhiều với việc cố làm cho mọi thứ trở nên tuyệt đẹp.
Những ngôi nhà của các Lạt ma vĩ đại ở Ấn Độ được trang trí bằng hình ảnh các vị thầy của họ, hay các Bổn tôn, yidam, chứ không phải là tác phẩm nghệ thuật. Điều đó giúp cái ngài chánh niệm về việc tu hành. Nhưng nếu như mình tích lũy những thứ này, chỉ để có những bộ sưu tập nghệ thuật nào đó, chỉ mua những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, v.v..., thì ta chỉ bận tâm đến đối tượng của tâm tham ái. Tất cả mọi việc đều tùy thuộc vào thái độ của mình.
Kệ Số 12: Lời Khuyện Để Sống Đời Hạnh Phúc
Khuyết Điểm Của Tâm Chấp Thủ
Tâm chấp thủ không chỉ ngăn trở tái sinh hạnh phúc, mà còn tiêu diệt đời giải thoát.
Tâm chấp thủ đối với các pháp thường dẫn đến ác nghiệp. Trong trường hợp tệ nhất thì mình phải trộm cắp để có thêm của cải. Khi rất chấp thủ thì mình sẽ có ý tham lam, mưu tính cách để tích lũy thêm nhiều của cải: “Làm sao để mình có bộ tranh đẹp hơn bộ tranh của hàng xóm đây?”, hay là “Làm sao để mình có một cái bàn thờ lộng lẫy hơn bàn thờ của cô ấy?”. Cứ như vậy thì mình không chỉ không thể có được tái sinh hạnh phúc, mà trên thực tế thì sẽ tiêu diệt cơ hội để thành tựu giải thoát. Cơ hội của mình sẽ bị tâm chấp thủ vào luân hồi ảnh hưởng một cách rất tiêu cực. Do đó, đôi khi Đức Dalai Lama nói rằng, nếu như mình sẽ quyến luyến với điều gì, thì nên cố gắng quyến luyến với những điều tích cực hơn, thay vì những điều tiêu cực.
Dòng này trong bản văn cũng nói đến lòng ham mê tình dục. Tình dục cũng tạo ra lòng tham ái mãnh liệt. Vì nó mà mình luôn luôn theo đuổi, để chiếm được những người tình tốt hơn và đẹp đẽ hơn. Điều đó chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn lớn cho những kiếp tương lai và giải thoát. Có một vài câu từ một bài hát về đề tài nóng bỏng thời xưa: “Nếu như muốn hạnh phúc cho đến hết đời, thì đừng bao giờ chọn một người phụ nữ xinh đẹp làm vợ.”.
Noi Theo Giáo Pháp Như Cội Nguồn Hạnh Phúc
Vì vậy, bất cứ lúc nào tìm ra phương tiện (tạo ra) hạnh phúc, hãy luôn nỗ lực thực hiện điều này.
Phương tiện tạo ra hạnh phúc đề cập đến đạo đức. Bằng cách kềm chế ác hạnh, nói cách khác là kềm chế hành vi dựa trên phiền não, và dấn thân vào thiện hạnh, thì ta sẽ tạo ra hạnh phúc. Ở đây, đạo đức là pháp đối trị với dục vọng, chấp thủ và tham lam. Nó ngăn cản mình trộm cắp, thông dâm với bạn tình của người khác, v.v...
Thế thì khi nhìn thấy một biện pháp đạo đức sẽ đem lại hạnh phúc, thì hãy luôn nỗ lực thực hiện điều này, cụ thể là kềm chế cách hành xử tiêu cực theo cách này hay cách khác. Điều đó cũng nói về bồ tát giới, để tránh việc tự ca ngợi mình và xem thường người khác. Việc nỗ lực kềm chế theo cách này không chỉ đem lại hạnh phúc cho tự thân, mà còn giúp mình đem lại nhiều hạnh phúc hơn cho người khác nữa.
Kệ Số 13: Hoàn Tất Điều Mình Đã Bắt Đầu
Khi thực hiện bất cứ điều gì, thì hãy hoàn tất nó trước tiên. Nhờ vậy, mọi việc sẽ được hoàn thành một cách tốt đẹp; nếu không thì không có điều gì sẽ thành công.
Chúng ta có thể nhận ra những dòng này. A Đề Sa đã kết hợp câu kệ 43 và nửa phần đầu của câu kệ 44 lại với nhau, trong chương 5 của tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của ngài Tịch Thiên.
(V.43) Khi đã cân nhắc và bắt đầu làm điều gì, thì không nên nghĩ đến điều gì khác. Rồi với chủ ý nhắm vào điều đó, hãy hoàn thành nó trước tiên.
(V.44) Nhờ vậy mà mọi việc sẽ được hoàn thành tốt đẹp; nếu không thì không có điều gì sẽ thành công.
Điều này khẳng định rằng trước tiên thì phải suy nghĩ rất kỹ, trước khi thực hiện điều gì, dù đó là việc học, hay hoạt động gì. Phải nghĩ xem lợi ích của việc đó là gì - và không chỉ lợi ích cho kiếp này, mà còn cho cả những kiếp tương lai. Hãy nghĩ về khả năng để làm điều đó, và phải cần bao nhiêu thời gian, như bao nhiêu năm và v.v... Nhờ vậy mà ta sẽ quyết định làm điều gì, và không làm điều gì, và những gì sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất cho mình và người khác.
Điều quan trọng là không vội vã lao vào công việc. Điều này đặc biệt nói về việc thọ giới. Đừng vội vàng thọ giới. Phải xem xét thật kỹ, xem mình có giữ giới được hay không. Và nếu như mình sẽ thọ giới, thì hãy giữ giới đàng hoàng. Geshe Ngawang Dhargyey thường nói một cách mỉa mai rằng, “Cũng may là chỉ có ba loại giới thôi. Nếu như có loại thứ tư, thì chúng ta sẽ thọ luôn giới này, rồi cũng không giữ gìn nó!”. Mặt khác thì phải tránh vấn đề cuồng tín, để giữ giới đàng hoàng. Nếu như cuồng tín thì mình sẽ không linh hoạt chút nào. Ngay cả trong giới luật (vinaya), cũng có những trường hợp ngoại lệ, những tình huống đòi hỏi mình phải linh hoạt. Ví dụ như một nhà sư không được phép đụng chạm vào phụ nữ, nhưng nếu như một người phụ nữ đang bị chết đuối, thì nhà sư sẽ không nói rằng, “Xin lỗi nhé, tôi không thể giúp cô, vì tôi không được phép đụng chạm vào phụ nữ.”, thì điều đó thật là vô lý.
Vấn đề cũng giống như vậy, khi mình suy nghĩ để làm một công việc, hay theo học một khóa học cao hơn. Trước tiên là phải suy nghĩ rất kỹ về lợi ích của việc này, và không vội vã. Và nếu như mình sẽ làm điều đó, thì hãy làm một cách đàng hoàng, hãy làm tốt việc này, nhưng không nên cuồng tín. Phải có khả năng buông bỏ, khi công việc kết thúc, mà không quyến luyến và bám víu vào đó. Geshe Ngawang Dhargyey thường nói, “Đời sống quá ngắn ngủi để nếm trải hết mọi thứ, nên đừng trở thành một du khách luân hồi chuyên nghiệp. Con không cần phải nếm thử và nhìn thấy tất cả mọi thứ trong luân hồi. Điều đó sẽ không đưa con đến đâu,”. Đó là lời khuyên rất hữu ích.
Khi chọn làm việc gì, cách sử dụng thời gian như thế nào, sẽ dành thời gian cho ai, vân vân, thì hãy chọn lựa theo tài năng của mình, những gì cần làm nhất, và điều gì chưa được nhiều người thực hiện, và điều gì sẽ có lợi cho nhiều người nhất. Đây là lời khuyên mà Đức Dalai Lama đã ban cho tôi. Và một lần nữa thì lợi ích mà chúng ta đang nghĩ đến không chỉ là lợi lạc mà mình sẽ nhận thức được trong kiếp này.
Ngoài ra, như Ringu Tulku đã tái khẳng định, khi ngài đến thăm nơi này ở Berlin một thời gian trước đây, khi chọn cách dành thời gian để làm gì, và giúp đỡ ai, thì một yếu tố khác mà mình phải xem xét, là bản thân ta sẽ có được điều gì. Đó là vì, trừ khi mình là đại bồ tát, ngoài ra thì luôn luôn có một phần ích kỷ trong động lực của mình. Vì vậy, chẳng hạn như có một số việc mà ta có thể làm, và điều đó sẽ tạo cho ta rất nhiều năng lượng. Cũng có một số người mà ta có thể giúp đỡ, hay dành thời gian với những người có nhiều năng lượng tích cực, và những người sẽ truyền cảm hứng cho mình, trong khi những người khác sẽ làm cạn kiệt năng lượng của mình, và khiến ta cảm thấy rất mệt mỏi, sau khi ở gần họ. Vì vậy, đây cũng có thể là những yếu tố trong việc lựa chọn cách sử dụng thời gian của mình, và ta sẽ giúp đỡ ai.
Khi nói đến việc chọn điều gì để cải thiện bản thân, thì lời khuyên là luôn luôn thiền quán về bồ đề tâm. Đó là điều tốt nhất, và là nguồn năng lượng to lớn nhất.
Kệ Số 14: Đoạn Trừ Lòng Tự Cao Và Kiêu Mạn
Đừng bao giờ hoan hỷ với ác nghiệp của tự thân, khi lòng tự cao về bất cứ điều gì phát sinh, Hãy tiêu diệt tâm kiêu hãnh, và nhớ đến chỉ giáo của tôn sư cao cả.
Bởi vì ta vẫn còn mắc kẹt trong luân hồi, nên luôn tạo ác nghiệp, và xa rời niềm vui của giải thoát và giác ngộ. Trong thời điểm như vậy, khi mình có lòng tự cao về bất cứ điều gì, như về việc thiền quán về bồ đề tâm, về hành trì của mình, như “Tôi rất thánh thiện”, và “Tôi đang tu hành rất tốt”, và v.v..., thì hãy tiêu diệt tâm kiêu hãnh, và nhớ đến chỉ giáo của tôn sư cao cả, rằng mình giống như thủy triều trên đại dương, luôn luôn lên xuống thất thường. Đôi khi, ta sẽ cảm thấy rất tự hào rằng mình đã tu tập rất tốt; và đôi khi thì chán nản, nghĩ rằng mình rất tệ.
Khi cảm thấy tự hào, thì lời chỉ giáo là hãy tư duy về cái chết và vô thường: “Mình rất tuyệt, nhưng sẽ bị bệnh, già nua và chết, và tất cả những điều mà mình rất tự hào sẽ không bền lâu.”. Hơn nữa, khi nghĩ về thực tế là cho dù mình có tốt đến đâu, thì vẫn luôn luôn có những người tốt hơn mình nhiều. Nếu như so sánh bản thân với họ, thì điều này sẽ làm giảm lòng kiêu hãnh. Khi ta chán nản, thì lời chỉ giáo là hãy tư duy về kiếp người quý báu, những cơ hội mà mình đang có, và rất nhiều người khác đang ở trong tình cảnh tồi tệ hơn mình rất nhiều. Điều đó sẽ giúp ta không quá nản lòng.