Pháp Tu Sơ Khởi Trước Khi HànhThiền

Week%203%20preliminaries%20to%20meditation%20%281%29

Môi Trường Thuận Lợi Cho Việc Hành Thiền

Để thật sự hành thiền thì cần có hoàn cảnh thuận lợi. Có nhiều danh sách gồm các yếu tố thuận lợi cho việc hành thiền, nhưng những yếu tố này thường được thảo luận hoặc trình bày trong bối cảnh của một khóa nhập thất, trong khi hầu hết chúng ta hành thiền tại nhà.

Ngay cả ở nhà thì điều hữu ích nhất là không có sự phiền nhiễu. Môi trường cần phải yên tĩnh càng nhiều càng tốt. Nhiều người trong chúng ta sống ở những con đường giao thông ồn ào, nên hãy thiền vào sáng sớm hay ban khuya, khi giao thông ít ồn ào hơn thì sẽ tốt hơn. Ngoài ra, môi trường không nên có âm nhạc và truyền hình ở phòng bên cạnh. Những điều này khá quan trọng. Nếu không thể có một môi trường yên tĩnh thì hãy thử dùng đồ bịt lỗ tai. Dụng cụ này không nhất thiết ngăn hết tiếng động, nhưng chắc chắn sẽ làm cho  bớt ồn ào hơn.

Nhiều người trong chúng ta không có đặc quyền để có một phòng thiền riêng. Bạn có thể sử dụng bất cứ không gian nào mình có được. Hãy ngồi thiền trên giường nếu như cần thiết, đó không phải là vấn đề. Hầu hết người Tây Tạng sống ở Ấn Độ ngồi thiền trên giường.

Một yếu tố khác khá quan trọng là có một gian phòng gọn gàng, sạch sẽ. Nếu môi trường sạch sẽ và gọn gàng thì điều đó sẽ giúp cho tâm thức được trong sáng và minh mẫn. Nếu như gian phòng luộm thuộm, bừa bãi hay bẩn thỉu thì tâm sẽ có xu hướng giống như vậy.

Vì vậy mà một trong những pháp sơ khởi luôn luôn được liệt kê như một yêu cầu trước khi hành thiền là dọn dẹp phòng thiền sạch sẽ và cúng dường, ngay cả khi đó chỉ là một cốc nước. Chúng ta muốn thể hiện sự tôn trọng đối với điều mình đang làm, và nếu như nghĩ đến việc thỉnh mời chư Phật và chư Bồ tát quang lâm thì ta sẽ muốn thỉnh mời chư vị đến một căn phòng sạch sẽ, chứ không đến một nơi bừa bộn, bẩn thỉu. Ngay cả ở mức độ tâm lý bình thường thì điều quan trọng là phải tôn trọng những gì mình đang làm, và xem nó là điều gì đặc biệt. “Đặc biệt” không có nghĩa là tạo ra một môi trường tỉ mỉ, giống như trong phim Hollywood có nhang và nến, mà là giản dị, đơn giản, gọn gàng, sạch sẽ và trang trọng.

Tư Thế

Ở khắp các nền văn hóa châu Á khác nhau thì tư thế hành thiền cũng khác nhau. Tư thế tọa thiền của Ấn Độ/Tây Tạng, Trung Quốc/Nhật Bản và Thái Lan đều khác nhau, nên không thể nói tư thế cụ thể nào là tư thế đúng đắn duy nhất. Người Ấn Độ và Tây Tạng ngồi xếp bằng. Thường thì người Nhật và một số người Trung Quốc ngồi theo cách gập chân lại dưới bàn tọa. Người Thái ngồi theo cách đưa hai chân sang một bên. Đối với pháp tu Mật tông làm việc với năng lượng của cơ thể thì đòi hỏi tư thế kiết già, nhưng hầu hết chúng ta chưa đến giai đoạn tu tập đó. Tuy nhiên, nếu như mong muốn có khả năng thực hành pháp tu này thì lời khuyên được đưa ra là nên khởi sự ngồi theo tư thế kiết già ngay từ lúc còn trẻ, vì việc bắt đầu sử dụng tư thế tọa thiền này vào lúc luống tuổi sẽ rất khó khăn. Đối với người phương Tây, nếu bạn có thể ngồi thiền theo bất kỳ tư thế truyền thống châu Á nào thì cũng tốt thôi; nếu không thì ngồi trên ghế cũng được. Điểm quan trọng nhất là lưng phải thẳng.

Tầm Nhìn

Đối với mắt thì một số pháp thiền được thực hiện bằng cách nhắm mắt lại, một số thì mở mắt, một số thì hạ tầm nhìn xuống, một số thì nhìn lên; tùy theo mỗi pháp thiền. Nói chung, người Tây Tạng không khuyến khích việc nhắm mắt trong khi hành thiền. Bên cạnh sự kiện nhắm mắt thì sẽ dễ ngủ gật hơn, nó cũng có xu hướng tích tập chướng ngại tinh thần, khi bạn cảm thấy cần phải nhắm mắt lại để thiền. Nếu có cảm giác như vậy thì việc kết hợp những gì bạn đang phát triển trong việc hành thiền vào đời sống thực tiễn sẽ khó khăn hơn. Ví dụ, nếu như đang nói chuyện với ai, và để tạo cảm giác yêu thương thì tôi cần phải nhắm mắt lại, điều đó sẽ hơi kỳ lạ. Vì vậy, theo truyền thống Tây Tạng, trong hầu hết các pháp thiền, bạn sẽ mở hé mắt, tập trung lỏng lẻo, nhìn xuống sàn nhà.

Tọa Cụ

Nếu ngồi xếp bằng thì điều quan trọng là phải chọn tọa cụ thích hợp. Một số người có thể ngồi bằng phẳng trên sàn một cách thoải mái, và chân của họ không bị tê. Chẳng hạn như Đức Dalai Lama ngồi như thế trên pháp tòa khi Ngài thuyết pháp. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, nếu như không có tọa cụ thì chân sẽ bị tê nhanh hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu gặp vấn đề đó thì hãy thử ngồi trên một cái gối, để hông của bạn cao hơn đầu gối. Hãy chọn loại gối thích hợp nhất cho mình: dày hay mỏng, cứng hay mềm, vân vân. Mỗi người đều khác. Điều quan trọng nhất là thấy thoải mái, và tọa cụ giúp cho chân không bị tê, vì điều đó có thể rất khó chịu. Nhiều trung tâm Phật giáo có zafu (bồ đoàn) dày, tròn hay vuông, nhưng các Zen zafu đó được dùng để ngồi theo tư thế Nhật Bản, hai chân xếp bên dưới. Có lẽ một số người có thể ngồi xếp bằng một cách thoải mái. Nhưng đối với hầu hết thiền giả thì zafu quá cao và quá cứng. Nếu trung tâm của bạn chỉ có zafu dày, và bạn ngồi xếp bằng thì có thể đem theo gối thiền của mình.

Chọn Thời Gian Hành Thiền

Đối với hầu hết mọi người thì thời gian tốt nhất để thiền là việc đầu tiên vào buổi sáng, hay cuối cùng vào ban đêm, để ít bị tán tâm vì các hoạt động trong ngày. Một số người tỉnh táo hơn vào buổi sáng, và những người khác thì tỉnh táo hơn vào ban đêm, được gọi là “người buổi sáng” và “chim cú ban đêm”. Bạn tự biết mình và cách sống của mình rõ hơn bất cứ ai khác, nên có thể xác định thời gian nào trong ngày là tốt nhất.

Đừng bao giờ ngồi thiền khi buồn ngủ. Nếu buồn ngủ vào buổi tối, nhưng lại cố gắng thiền trước khi đi ngủ thì bạn có thể bắt đầu ngủ gục giữa thời thiền, điều này không hữu ích chút nào. Và tương tự như vậy vào sáng sớm: nếu vẫn còn nửa thức nửa ngủ thì công phu hành thiền của bạn sẽ không hữu hiệu. Hãy tự lượng điều gì là tốt nhất cho mình. Việc uống cà phê hay trà trước khi ngồi thiền vào sáng sớm không có vấn đề gì, mặc dù hầu hết người Tây Tạng không có thói quen đó.

Thầy của tôi, Tsenshap Serkong Rinpoche, là một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama. Ngài mô tả cách chư tăng hành thiền trong các học viện Mật tông ở Tây Tạng, nơi ngài đã tu tập. Toàn thể chư tăng ngồi trong thiền đường, và sẽ ngủ ở đó, ngồi ở vị trí của họ, đặt đầu trên đùi người kế bên. Người Tây Tạng không có vấn đề với việc tiếp xúc thân thể. Chuông sẽ reo để các ngài thức dậy rất, rất là sớm vào buổi sáng, và họ sẽ phải ngồi dậy, bắt đầu hành thiền, trì tụng và vân vân. Tuy nhiên, trừ khi bạn là một bác sĩ đã quen thức dậy vào giữa đêm, ngồi dậy ngay lập tức và thực hiện phẫu thuật hay làm điều gì giống như vậy, ngoài ra rất khó bắt đầu hành thiền ngay khi thức dậy.

Hành Thiền Bao Lâu

Khi mới bắt đầu hành thiền thì điều quan trọng là thời thiền của bạn phải ngắn gọn, nhưng thường xuyên. Khi mới bắt đầu tu tập thì việc cố ngồi thiền hàng giờ liên tục sẽ trở thành một sự thử thách. Ở một số nơi thì người ta tuân theo chế độ đó, nhưng nói chung thì người Tây Tạng không khuyến khích điều đó, bởi vì nếu thiền là một thử thách thì bạn sẽ không muốn hành thiền nữa! Bạn sẽ lo lắng chờ đợi thời thiền chấm dứt. Vì vậy mà ngay từ đầu, hãy ngồi thiền  năm phút hay cỡ đó, vậy là đủ rồi. Trong các tu viện Nguyên thủy thì chư tăng thay đổi giữa việc ngồi thiền và đi thiền hành, nên không thực hiện cùng một pháp tu trong một thời gian quá dài.

Ví dụ tương tự mà người Tây Tạng sử dụng là nếu có một người bạn đến thăm và anh ấy hoặc cô ấy ở lại quá lâu thì bạn sẽ nóng lòng mong người đó đi về. Sau khi người đó đã đi về thì bạn không mong gặp lại họ cho lắm. Nhưng nếu như người bạn đi về khi bạn muốn tiếp tục có nhiều thời giờ để ở bên nhau hơn thì bạn sẽ rất vui khi sớm gặp lại người đó. Tương tự như vậy, tư thế tọa thiền, tọa cụ và thời gian hành thiền đều phải thoải mái, để ta cảm thấy hăng say khi tu tập.

Phát Khởi Chủ Ý

Trước khi hành thiền thì điều quan trọng là phát khởi chủ ý. Trên thực tế, việc phát khởi chủ ý là điều được khuyến khích ngay khi bạn vừa mở mắt ra, trước tiên vào buổi sáng. Ngay khi vừa thức dậy, khi vẫn còn ở trên giường, bạn có thể phát khởi chủ ý cho cả ngày. Bạn có thể nghĩ rằng: “Hôm nay tôi sẽ cố không sân hận. Tôi sẽ cố gắng khoan dung hơn. Tôi sẽ cố phát triển cảm xúc tích cực hơn đối với người khác. Tôi sẽ cố gắng biến ngày hôm nay thành một ngày có ý nghĩa và không lãng phí nó.”.

Có một công án Zen tuyệt vời, công án mà tôi yêu thích nhất: “Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nên hãy thư giãn!”. Nếu bạn nghĩ về nó thì đó là một ý tưởng rất sâu sắc. Nếu như rất bồn chồn, nếu như rất lo lắng và buồn bực rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào thì bạn không thể hoàn thành bất cứ việc gì. Bạn có thể có những ý nghĩ như: “Mình làm việc chưa đủ tốt. Mình chưa tốt đủ.”. Nhưng nếu bạn biết cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và cảm thấy thoải mái về điều đó thì bạn sẽ làm bất cứ điều gì bạn có thể thực hiện một cách có ý nghĩa, thực tế mà không phải băn khoăn, lo lắng hay bồn chồn. Vậy thì hãy cố nhớ rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và thư giãn!

Trước khi hành thiền, chúng ta sẽ phát khởi chủ ý là “Mình sẽ cố gắng thiền trong 'x' phút. Mình sẽ cố gắng chú tâm. Nếu như bắt đầu thấy buồn ngủ thì mình sẽ thức dậy. Nếu như tâm trí đi lang thang thì mình sẽ cố đưa nó trở lại.”. Hãy nghiêm túc với việc này, đừng chỉ nói bằng lời, hãy thật sự cố gắng giữ ý định trong đầu và làm theo. Việc giữ đúng ý định của mình có thể rất khó khăn. Nếu bạn có thói quen xấu sử dụng thời thiền để suy nghĩ về những vấn đề khác, ngay cả khi đó là những khái niệm khác về Phật pháp, thì đó là thói quen rất khó bỏ. Tôi đang nói từ kinh nghiệm bản thân, thật là khó bỏ một thói quen, nên hãy cố thiết lập và làm theo ý định đúng đắn trước thời thiền.

Động Lực

Tiếp theo là động lực. Trong bối cảnh Phật giáo Tây Tạng thì động lực gồm có hai phần. Trước tiên là mục tiêu: Chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì đây? Các mục đích tiêu chuẩn được mô tả trong “trình tự đường tu” (lam-rim). Như được mô tả trong lam-rim thì các mục tiêu là: (a) cải thiện những kiếp tương lai, (b) hoàn toàn giải thoát khỏi tái sinh và (c) đạt giác ngộ để có thể giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi tái sinh. Phần thứ hai là cảm xúc thúc đẩy mình đạt được mục tiêu đó.

Khi nghĩ về động lực thì điều quan trọng là phải trung thực với chính mình. Mình có thật sự tin vào tái sinh không? Hầu hết chúng ta đều không tin, nên khi nói rằng: “Tôi đang thực hiện điều này để đảm bảo mình sẽ có được kiếp người quý báu trong kiếp sau”, hay “Tôi đang làm việc này để hoàn toàn thoát khỏi tái sinh”, hoặc “Tôi đang làm việc này để thành tựu giác ngộ, để có thể giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi tái sinh” - đó chỉ là ngôn từ trống rỗng, nếu bạn không tin vào tái sinh.

Vì vậy, nếu như bạn hành thiền như một phần của cái mà tôi gọi là “Pháp Nhẹ Nhàng” (“Dharma-Lite”), thì đó là Phật pháp không có tái sinh, thì cũng tốt thôi. Bạn không cần phải nói cho ai biết, nhưng hãy thành thật với chính mình về động lực của mình: “Tôi làm điều này để cải thiện hoàn cảnh của mình trong kiếp này. Đó là một động lực chính đáng, miễn là chúng tôi thành thật về điều đó. Mặt khác, điều quan trọng là phải tôn trọng những điều là mục tiêu dài hạn đích thực, trong cái mà tôi gọi là “Pháp Thực Thụ” (“Real Thing Dharma”), và không nghĩ rằng việc tu tập Pháp chỉ là để cải thiện sự việc trong cuộc đời này mà thôi.

Còn về phần thứ hai của động lực thì đó là cảm xúc thúc đẩy ta hướng đến mục tiêu thì mức độ đầu tiên của động lực Thực Thụ là “Tôi đang nhắm vào tái sinh của kiếp người quý báu trong những kiếp tương lai (mục tiêu), bởi vì tôi sợ nếu phải tái sinh thành một con ruồi hay một con gián, hoặc bất kỳ tái sinh nào khác thấp hơn (cảm xúc) thì sẽ khủng khiếp biết bao nhiêu. Tôi thật sự muốn tránh một tương lai như vậy, và tôi tin rằng có cách để tránh nó.  Phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng này sẽ là “Tôi đang nhắm vào những điều sẽ tiếp tục một cách tốt đẹp trong cuộc sống sau này, và thậm chí còn tốt hơn nữa (mục tiêu), bởi vì tôi sợ nếu như sự việc trở nên tồi tệ hơn (cảm xúc) thì sẽ kinh khủng biết bao, và tôi biết có những điều mang tính xây dựng mà mình có thể làm để tránh điều đó.”. Trong cả hai trường hợp, đó không phải là nỗi sợ hãi tê liệt, chẳng hạn như “Tình hình đã mất hết hy vọng, nên tôi phải cam chịu”, mà lại là cảm giác lành mạnh như “Tôi thật không muốn điều đó và tôi thấy có cách để tránh điều đó.”. Tương tự như nỗi sợ gặp tai nạn khi lái xe, nên tôi sẽ cẩn thận, nhưng không cảm thấy tê liệt vì lo sợ đến nỗi không bao giờ lái xe nữa.

Mức độ Thực Thụ thứ hai là “Tôi hoàn toàn chán ghét, chán nản và chán ngấy với tất cả những nỗi khổ liên quan đến sự tái sinh (cảm xúc) và tôi muốn thoát khỏi điều đó (mục tiêu). Cốt tủy của cảm xúc đằng sau tâm xả ly là “Nếu phải trở thành em bé một lần nữa, phải học lại mọi thứ một lần nữa, phải có một nền giáo dục và biết cách kiếm sống thì chán kinh khủng. Việc đối phó với bệnh tật và già nua hết lần này đến lần khác thì thật là buồn tẻ. Nó giống như cứ phải xem đi xem lại một bộ phim dở. Ý của tôi là, chán chường biết bao nhiêu. Tôi đã chịu đựng đủ rồi!".

Động lực tiên tiến nhất nhắm vào bồ đề tâm để thành tựu giác ngộ (mục tiêu) và xúc động vì lòng bi (cảm xúc): “Tôi không thể chấp nhận là mọi người quá đau khổ. Tôi phải đạt được trạng thái mà tôi có thể giúp mọi người khắc phục khổ đau.”.

Động lực cũng bao gồm những gì ta sẽ làm, một khi đạt được mục tiêu của mình. Khi tu tập theo truyền thống Đại thừa thì mỗi mức độ động lực nằm trong bối cảnh nỗ lực để tiến đến giác ngộ sau cùng. Rồi thì việc đến đích của giác ngộ sẽ tô điểm cho những điều mình sẽ làm, một khi đạt được mục tiêu.

Ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng thì chúng ta sẽ muốn tiến triển càng nhiều càng tốt về phía giác ngộ trong cuộc đời này, mà không ngây thơ đến mức nghĩ rằng đó là điều dễ dàng, rồi lại thấy thất vọng và chán nản khi tiến đến gần cái chết mà vẫn chưa giác ngộ.

  • Trong số ba cấp độ động lực Thực Thụ thì trước tiên là “Tôi muốn có một kiếp người quý báu khác, để tiếp tục trên đường tu tiến đến giác ngộ, bởi vì phải mất nhiều kiếp sống để hoàn thành mục tiêu của mình.
  • Thứ hai là tôi muốn thoát khỏi nghiệp và phiền não, vì tôi không thể giúp đỡ người khác, nếu tôi sân hận với họ, nếu tôi luyến ái với họ, hay nếu tôi có hành vi bốc đồng. Tôi không thể thật sự giúp đỡ người khác, nếu như tôi cảm thấy tự hào và kiêu hãnh về điều đó. Nên tôi cần phải đạt được giải thoát cho riêng mình.”.
  • Động lực cao nhất là “Tôi muốn đạt giác ngộ để có sự hiểu biết đầy đủ về cách tốt nhất để giúp đỡ từng người một.” .

Động lực rất quan trọng. Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) nhấn mạnh rằng động lực là điều mà chúng ta cần phải có trong suốt cả ngày, không chỉ vào lúc thời thiền bắt đầu. Và động lực không nên chỉ là những lời tốt đẹp; mà chúng ta nên thật sự có ý như vậy. Và có ý như vậy có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là chúng ta đã hấp thụ động lực một cách triệt để qua việc hành thiền, rằng động lực là một cảm xúc chân thật, tự nhiên, và nó trở thành một phần trọn vẹn đối với cách mình sống hàng ngày.

Tĩnh Tâm Trước Khi Hành Thiền

Một khi đã tạo ra môi trường vật chất phù hợp và thiết lập chủ ý cùng động lực thì ta cần phải tĩnh tâm. Thường thì điều đó được thực hiện bằng bài   thiền thở nào đó, chẳng hạn như đếm hơi thở. Có nhiều bài tập phức tạp hơn mà ta có thể thực hiện bằng hơi thở, nhưng chỉ cần thở bình thường bằng mũi và đếm một vài vòng mười một hơi thở vào và ra thì thường là đủ. Làm lắng dịu tâm trí theo cách này sẽ tạo ra một không gian tĩnh lặng giữa những gì mình đã làm cho đến bây giờ và pháp thiền mình sẽ thực hành tiếp theo. Việc tạo ra một không gian như thế sẽ giúp ta tạo ra sự chuyển tiếp từ cuộc sống bận rộn sang việc hành thiền.

Video: Tiến sĩ Chonyi Taylor — “Một Bài Hướng Dẫn Hành Thiền Ngắn”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Hành Trì Thất Chi Nguyện

Thường thì chúng ta được khuyên nên tích tập một số năng lượng tích cực vào lúc bắt đầu thời thiền, vì vậy nên ta sẽ sử dụng pháp tu “thất chi nguyện”, hoặc “pháp tu thất chi”. Trong bối cảnh này, “chi”  có nghĩa là “bước”.

(1) Lễ Lạy, Với Quy Y Và Bồ Đề Tâm

Chi đầu tiên là lễ lạy, có nghĩa là thể hiện sự tôn kính đối với những người đã đạt giác ngộ; thể hiện sự tôn trọng đối với sự giác ngộ trong tương lai của chính mình, điều mà ta nhắm vào để thành tựu với bồ đề tâm; và thể hiện sự tôn trọng đối với Phật tánh của mình, điều này sẽ giúp ta đạt được mục tiêu ấy. Do đó, lễ lạy được thực hiện trong bối cảnh đưa phương hướng an toàn của tâm quy y và bồ đề tâm vào cuộc sống. Phương hướng an toàn mà chúng ta muốn noi theo được đề ra từ chư Phật, giáo pháp và sự chứng đắc của các ngài, và Tăng thân của những người đang trên đường thành tựu giải thoát và giác ngộ. Với bồ đề tâm, ta sẽ dồn hết tâm huyết vào việc tự mình thành Phật.

(2) Cúng Dường

Bước thứ hai là cúng dường, cũng là sự thể hiện lòng tôn kính.

(3) Sám Hối

Tiếp đến là công khai thừa nhận những lỗi lầm và thiếu sót của mình. Điều đó không có nghĩa là cảm thấy tội lỗi về những sai lầm của mình. Mặc cảm tội lỗi là điều không thích hợp. Mặc cảm tội lỗi là chấp chặt vào điều gì mình  đã làm và bản thân mình đã làm điều đó, rồi quy gán cho cả hai yếu tố này đều xấu xa, và không bao giờ buông bỏ được. Nó không giống như vứt rác ra ngoài, mà thay vì vậy, lại giữ nó ở trong nhà và nghĩ rằng: “Rác này thật là kinh khủng. Nó có mùi thật là hôi.”. Thay vì mang cảm giác tội lỗi thì chi thứ ba là hối hận vì những lỗi lầm của mình: “Tôi thấy hối hận về hành động của mình, và tôi sẽ cố gắng hết sức để không lặp lại chúng. Tôi sẽ cố gắng hết sức để khắc phục những thiếu sót của mình.”.

(4) Tùy Hỷ

Bước thứ tư là tùy hỷ về những điều tích cực mà mình và người khác đã làm, nên ta sẽ có thái độ tích cực hơn đối với bản thân và người khác.

(5) Thỉnh Chuyển Pháp Luân

Sau đó, ta sẽ thỉnh cầu các bậc thầy và chư Phật thuyết pháp: “Xin luôn luôn giảng dạy chúng con. Con là người cởi mở và dễ tiếp thu.”.

(6) Thỉnh Thầy Trụ Thế

Chi tiếp theo là: “Kính mong thầy đừng ra đi; xin đừng nhập diệt. Con rất nghiêm túc với việc học, và khẩn cầu thầy ở lại với chúng con.”.

(7) Hồi Hướng

Cuối cùng là hồi hướng. Theo ý nghĩa nào đó thì hồi hướng là dồn năng lượng vào một đường hướng nào đó. Chúng ta nghĩ rằng: “Nguyện cho bất kỳ công đức nào, bất kỳ sự hiểu biết nào đã được tích tập, đều góp phần cho việc thành tựu chủ ý của con.”. Ví dụ tương tự mà tôi muốn sử dụng là lưu trữ công việc của mình trong máy vi tính. Nếu không thể lưu trữ nó trong một thư mục đặc biệt, thư mục dành cho “Giải Thoát”, hay “Giác Ngộ”, thì hãy thiết lập mặc định là công việc của mình sẽ tự động được lưu trong thư mục “Cải Thiện Luân Hồi”. Lưu trữ công việc của mình trong thư mục “Cải Thiện Luân Hồi” thì tốt thôi, nhưng nếu đó không phải là mục đích của mình, nếu muốn công việc của mình được tính trong việc thành tựu giải thoát hay giác ngộ thì cần phải cố tình lưu trữ nó trong thư mục “Giải Thoát” hay “Giác Ngộ”. Đó là hồi hướng, và chúng ta thật sự có ý đó; không chỉ nói suông. Chúng ta sẽ hồi hướng năng lượng tích cực cùng với một số cảm xúc đằng sau nó, cùng với lòng bi mẫn, v.v.

Sau thất chi nguyện là thời thiền thật sự, và khi kết thúc thời thiền thì ta sẽ hồi hướng thêm một lần nữa.

Tóm Tắt

Thiền là một quá trình rất tinh vi, và chỉ giáo về cách hành thiền thì khá chính xác. Ở đây, một trong những chỉ giáo chung đã được trình bày; mỗi một pháp thiền cụ thể sẽ có chỉ giáo cụ thể riêng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp thì điều rất quan trọng là biết mình đang làm gì, cách thực hiện nó, và tại sao mình làm điều đó.

Có một số truyền thống Phật giáo, như Zen, chỉ cần nói, “Hãy ngồi thiền và bạn sẽ hiểu ra trong quá trình tu tập.”. Mặc dù điều này có thể hữu hiệu đối với một số người, nhưng nó có thể khá khó khăn đối với những người khác. Nhiều người thấy cách tiếp cận đó rất khó khăn, nên những gì đã được trình bày ở đây là truyền thống Ấn Độ-Tây Tạng.

Top