Study buddhism what is meditation

Thiền là một phương pháp để phát triển những tâm thái hữu ích. Điều này được thực hiện bằng cách phát khởi những tâm thái này nhiều lần, cho đến khi chúng trở thành tập khí. Như đã được chứng minh, về mặt thể chất thì thiền thật sự tạo ra những đường dây thần kinh mới.

Lợi Ích Của Thiền

Có nhiều tâm trạng hữu ích mà ta có thể phát triển nhờ việc hành thiền:

  • Thư giãn hơn và ít căng thẳng tinh thần hơn.
  • Tập trung tinh thần nhiều hơn và ít sao lãng tinh thần hơn.
  • Bình tĩnh hơn, không lo lắng triền miên.
  • Hiểu biết nhiều hơn về bản thân, cuộc sống, và về người khác.
  • Có nhiều cảm xúc tích cực hơn, như lòng từ bi.

Phần đông chúng ta đều muốn tâm trí được bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn và vui vẻ hơn. Ta sẽ không vui nếu như tinh thần bị căng thẳng hay trở nên tiêu cực. Điều này sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe, làm hại công việc, đời sống gia đình và tình bằng hữu.

Khi đã chán ngán tâm trạng căng thẳng và nóng nảy thì ta có thể tìm kiếm một phương pháp để cải thiện tinh thần, chẳng hạn như thiền. Thiền giúp ta khắc phục những khiếm khuyết về cảm xúc mà không tạo ra tác dụng phụ tiêu cực.

Nên tiếp cận việc hành thiền một cách thực tiễn. Ta có thể sử dụng thiền như một công cụ để đạt được kết quả tích cực, nhưng không phải là cách chữa trị bá bệnh ngay tức khắc. Không có kết quả nào được thành tựu nhờ một nguyên nhân, mà là nhờ vô số nhân duyên. Ví dụ, nếu có áp huyết cao thì chắc chắn thiền có thể giúp ích, nhưng kết quả sẽ không khả quan bằng cách vừa hành thiền, vừa thay đổi cách ăn uống, vừa tập thể dục và uống thuốc.

Các Phương Pháp Hành Thiền Trong Đạo Phật

Có nhiều cách để hành thiền, dù tất cả các pháp thiền đều giúp ta tĩnh tâm, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, việc giảm thiểu sự căng thẳng tinh thần chắc chắn là điều cần thiết, trước khi ta có thể thật sự tiến triển trong việc tạo lập những trạng thái tích cực, vì vậy nên thường có phần thư giãn và tĩnh tâm bằng cách tập trung vào hơi thở, trước khi bắt đầu luân phiên hành trì hai pháp thiền của nhà Phật: thiền quán và thiền chỉ.

Đối với pháp thiền quán, thường gọi là “phân tích”, ta sẽ sử dụng lý lẽ để đi từng bước một đến một tâm thái tích cực, chẳng hạn như lòng từ, hoặc dùng lý lẽ để phân tích hoàn cảnh và có sự hiểu biết đúng đắn về sự việc, chẳng hạn như về tính vô thường của hoàn cảnh ấy, hay ta có thể tạo ra một hình ảnh trong tâm thức mang phẩm chất tích cực, chẳng hạn như sắc tướng của một vị Phật, và cố gắng quán tưởng hình ảnh ấy một cách rõ rệt.

Tiếp theo, trong pháp thiền chỉ, ta sẽ sử dụng chánh niệm, sự chú ý và định tâm để duy trì trạng thái tích cực mà mình đã trưởng dưỡng càng lâu càng tốt, hay áp dụng những yếu tố tinh thần này để duy trì hình ảnh trong tâm thức mà ta đã quán tưởng.

Hai pháp thiền này sẽ được sử dụng luân phiên. Sau khi đã thiết lập và có thể quán tưởng tâm thái tích cực mà mình muốn trưởng dưỡng thì ta sẽ ổn định nó; và khi sức tập trung vào trạng thái này giảm sút hay mất đi thì ta sẽ trở lại tiến trình trưởng dưỡng và quán tưởng nó một lần nữa.


Video: Dr Alexander Berzin — “Thiền Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Thiền Trong Đời Sống Hàng Ngày

Điểm chính trong việc hành thiền không phải là để có sự bình tĩnh, chú tâm và lòng từ ái trong lúc ngồi thiền ở trong nhà, mà phải thật sự tạo ra ảnh hưởng trong đời sống hàng ngày. Nếu như hành thiền đều đặn thì các cảm xúc tích cực sẽ trở thành thói quen mà ta có thể áp dụng bất cứ khi nào cần thiết, dù là ngày hay đêm. Cuối cùng, nó sẽ trở thành một phần của bản thân, là điều gì vô cùng tự nhiên đến mức tâm thức luôn luôn bình tĩnh, từ ái và tập trung hơn mà không cần phải nỗ lực.

Có những lúc ta sẽ giận dữ và bực bội, nhưng chỉ cần nhắc nhở bản thân: “Hãy từ ái hơn.” Vì đã quá quen thuộc với tâm thái này qua việc hành thiền đều đặn, ta có thể phát khởi tâm từ ngay lập tức.

Không có ai là hoàn hảo, và tất cả mọi người đều có thể tìm ra một thói xấu nào đó mà họ muốn bỏ. Rất may là những thói quen này không được khắc ghi trên đá, nên chúng có thể thay đổi.

Sự thay đổi này không đòi hỏi điều gì ngoài nỗ lực. Nhiều người trong chúng ta bỏ ra hàng giờ ở phòng tập thể dục, nhưng lại quên tập luyện tài sản lớn nhất của mình, đó là tâm thức. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng khi đã thấy được lợi ích mà thiền có thể đem lại cho đời sống thì ta sẽ hoan hỷ đầu tư thời giờ để chuyển hóa tâm mình.

Top