Tứ Diệu Đế Là Gì?

What are four noble truths

Tứ Diệu Đế là những điều căn bản, vạch ra con đường để chúng ta khắc phục khó khăn. Đó là bài pháp đầu tiên của Đức Phật, tạo nên cấu trúc cho tất cả những giáo pháp khác của đạo Phật.

Diệu Đế Thứ Nhất: Khổ Đế

Nói chung, chân đế đầu tiên nói rằng cuộc đời bất mãn nguyện. Từ sinh tới tử, có rất nhiều khoảnh khắc vui vẻ, nhưng chúng không bao giờ kéo dài, và cũng có rất nhiều khoảng thời gian đau buồn:

  • Bất hạnh – bệnh tật, thất vọng, cô đơn, lo âu và bất mãn đều là những điều dễ hiểu và dễ nhận thức. Điều này thường không liên quan đến môi trường xung quanh, vì ta có thể ăn món mình thích nhất với người bạn thân, nhưng vẫn cảm thấy không vui.
  • Hạnh phúc ngắn ngủi – bất cứ điều gì mình yêu thích đều không kéo dài miên viễn hay làm cho ta thỏa mãn, và trước sau gì cũng trở thành niềm bất hạnh. Khi lạnh cóng thì ta vào một căn phòng ấm áp, rồi đến khi hơi ấm làm mình khó chịu thì ta lại muốn có không khí trong lành ở bên ngoài. Nếu như niềm hạnh phúc này kéo dài mãi mãi thì tốt biết bao nhiêu, nhưng vấn đề là nó không bao giờ được lâu dài.
  • Vấn đề tái diễn – điều tệ hại hơn nữa là cách mình đối phó với những thăng trầm trong cuộc đời lại tạo thêm khó khăn. Ví dụ, khi có một mối tình không vui và cách ta ứng xử chỉ làm cho quan hệ trở nên tồi tệ hơn. Thế là hai người chia tay, nhưng vì đã củng cố những tập khí xấu nên ta sẽ lập đi lập lại cách cư xử như thế trong mối tình kế tiếp, rồi nó cũng trở nên tồi tệ.

Video: Tsenshap Serkong Rinpoche thứ Hai — “Tứ Diệu Đế Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Diệu Đế Thứ Hai: Tập Đế

Niềm bất hạnh và hạnh phúc ngắn ngủi không hề phát sinh từ thinh không, mà từ vô số nhân duyên. Những yếu tố bên ngoài như xã hội, tạo ra điều kiện cho vấn đề phát sinh; nhưng đối với nguyên nhân chính thì Đức Phật dạy ta phải nhìn vào tâm thức của riêng mình. Những phiền não như sân hận, ganh tỵ, tham lam v.v... khiến ta suy nghĩ, nói năng và hành động theo cách tự phương hại đến bản thân.

Đức Phật còn nhìn thấy sâu xa hơn và đã tìm ra nguyên nhân thật sự là nền tảng của những cảm xúc này: đó là cách ta thấu hiểu thực tại. Điều này gồm có tâm vô minh và mê lầm về tác động lâu dài từ hành động của chúng ta, và sự lầm lẫn nặng nề về cách mình, người khác và thế giới hiện hữu. Thay vì nhìn thấy sự tương quan của vạn pháp thì ta lại có khuynh hướng nghĩ rằng các pháp tự chúng tồn tại, không dựa vào những yếu tố bên ngoài.

Diệu Đế Thứ Ba: Diệt Đế

Đức Phật dạy ta không cần phải chịu đựng đau khổ, bởi vì nếu có thể tận diệt nhân thì quả sẽ không trổ. Nếu ta diệt trừ tâm vô minh về thực tại thì vấn đề sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Ngài không chỉ nói về một hay hai vấn đề, mà chúng ta sẽ không tạo ra thêm vấn đề mới nữa..

Diệu Đế Thứ Tư: Đạo Đế

Để diệt trừ tâm si mê và vô minh, ta cần phải xem xét những yếu tố đối trị:

  • Có kế hoạch lâu dài, thay vì mù quáng lao mình vào vì sự thỏa mãn nhất thời.
  • Nhìn vào viễn ảnh rộng lớn hơn, thay vì chú tâm vào một khía cạnh nhỏ của cuộc đời.
  • Cân nhắc hậu quả mà hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến quãng đời còn lại của bản thân và các thế hệ tương lai, thay vì chỉ làm những điều dễ dàng cho mình trong hiện tại.

Đôi lúc, khi phải đối diện với những điều thất vọng trong đời, chúng ta nghĩ rằng cách duy nhất để lãng quên là uống rượu say sưa hay ăn vặt, mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Nếu những hành động này trở thành thói quen thì vấn đề sức khỏe nghiêm trọng không chỉ làm hại đời mình, mà còn ảnh hưởng đến gia đình mình một cách trầm trọng. Đằng sau điều này là ý tưởng rằng mình hoàn toàn cách biệt với hệ quả của những hành vi của bản thân. Vì vậy, yếu tố đối trị mạnh mẽ nhất đối với tâm mê lầm là:

  • Nhận thức rằng chúng ta có sự tương quan mật thiết với số người còn lại trong nhân loại và hành tinh này, và hiểu rằng ảo tưởng về cách chúng ta tồn tại không tương ứng với thực tế.

Nếu có thể quen thuộc với tuệ giác này bằng cách hành thiền nhiều lần thì cuối cùng, ta sẽ diệt trừ tâm mê lầm, là yếu tố hỗ trợ những vọng tưởng trống rỗng của mình.

Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, nhưng hạnh phúc cứ mãi lánh xa. Như đã phác họa trong Tứ Diệu Đế ở trên, cách tiếp cận để tìm cầu hạnh phúc của Đức Phật là một phương pháp phổ cập vẫn còn thích hợp sau 2500 năm, sau khi Đức Phật thuyết bài pháp này lần đầu tiên.

Không cần phải trở thành Phật tử mới có được lợi lạc nhờ cách áp dụng Tứ Diệu Đế để đối phó với khó khăn hàng ngày. Mọi việc không thể luôn luôn xảy ra theo ý muốn của mình, nhưng đó không phải là lý do để buồn rầu và vô vọng. Tứ Diệu Đế chứa đựng tất cả những điều ta cần có để tìm ra hạnh phúc chân thật và giúp cho cuộc sống thật sự có ý nghĩa.

Nói ngắn gọn là khổ đế phải được thấu hiểu; tập đế phải được tiêu diệt; diệt đế.

Video: 14. Dalai Lama — “Tâm An Lạc Từ Quan Điểm Của Một Phật Tử”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.
Top