Bát Phong Và Khuôn Khổ Khái Niệm

Bát Phong

Ngoài những kinh nghiệm và cảm xúc trong tâm trí, còn có nội dung của cuộc sống của chúng ta. Ở đây thì cũng vậy; chúng ta nên cố gắng không làm lớn chuyện đối với những điều này. Giáo lý nhà Phật nhấn mạnh một danh sách tám điều nhất thời trong cuộc sống, cái gọi là "bát phong" hay "tám pháp thế gian", tuân theo cùng một nguyên tắc rằng tất cả mọi việc luôn luôn chuyển động, thăng trầm.

Được Và Mất

Đôi khi, chúng ta được, và đôi khi, chúng ta mất. Về mặt tài chánh, có lúc chúng ta làm ra tiền và có lúc, chúng ta mất tiền. Thỉnh thoảng, chúng ta mua một thứ gì đó và nó rất tốt (đó là việc lợi lạc), nhưng đôi khi, nó sẽ nhanh chóng hư hỏng (đó là việc lỗ lã). Một lần nữa, không có gì đặc biệt về điều này. Nó giống như chơi một ván bài hay trò chơi của con nít; đôi khi, ta sẽ thắng và đôi khi, ta sẽ thua. Vậy thì sao? Không có gì đặc biệt.

Thật ra, chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân, đừng giống như một đứa bé khóc lóc khi thua cuộc, và hét lên rằng, “Tôi muốn thắng!”. Tại sao bạn phải luôn luôn thắng? Nó giống như hy vọng là mọi người sẽ yêu thích mình. Có một câu nói hữu ích trong đạo Phật, “không phải ai cũng thích Đức Phật, vậy thì chúng ta mong đợi điều gì cho bản thân mình, rằng mọi người sẽ thích mình?” Hiển nhiên là không. Không phải ai cũng bấm “thích” trên trang Facebook của chúng ta. Một số người sẽ không ưa mình. Vậy thì làm sao đây? Đó là chuyện hoàn toàn bình thường.

Đó là tất cả những điều được và mất. Khi ta có một mối quan hệ với ai thì cuối cùng, nó sẽ kết thúc. Chúng ta đã sử dụng hình ảnh một con chim rừng ở cửa sổ trước đây, khi mà nó xuất hiện một thời gian, nhưng vì nó tự do, nên nó sẽ bay đi. Sự việc cũng giống như vậy trong một mối quan hệ. Dù bạn có nói thế nào đi nữa, rằng, “Đừng bao giờ rời xa tôi, tôi không thể sống thiếu bạn”, và ngay cả khi bạn ở bên nhau trọn đời, thì một trong hai người chắc chắn sẽ chết trước người kia. Chúng ta có một người bạn, chúng ta mất một người bạn, không có gì đặc biệt về điều đó. Nó chỉ đơn giản là cách mà cuộc sống diễn ra. Không có nghĩa là chúng ta không thể cảm thấy vui khi có người bạn đó, hay không thể buồn khi mất họ. Việc không cảm nhận điều gì là thái độ “sao cũng được”,  và nó hoàn toàn không giống như thái độ “không có gì đặc biệt”, nhưng ta sẽ không đi đến cực đoan, và không làm cho nó trở thành chuyện lớn.

Video: Tiến sĩ Chonyi Taylor — “Tâm Bình Đẳng Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Thật thú vị khi nhìn vào bản thân và xem cách mình phản ứng với những điều được và mất. Tôi luôn xem bản thân mình là một ví dụ, bởi vì tôi bị ám ảnh vì trang mạng của mình; nó ở trong tư tưởng và hoạt động của tôi gần như cả ngày. Đương nhiên là chúng tôi có một chương trình thống kê, nên tôi biết mỗi ngày có bao nhiêu độc giả. Nếu ngày nào mà số độc giả tăng lên thì thật rất tốt, nhưng nếu nó không đạt được số lượng nào đó, hay con số mà tôi nghĩ nó nên có, thì không tốt lắm. Thế thì đó là được và mất.

Theo một ý nghĩa nào đó thì tôi ít khi thấy vui. Nó không phải là một điều bi thảm. Vài tuần trước, chúng tôi có được 6000 lượt truy cập trong một ngày, đó thực sự là, “Wow, 6000 thì rất là nhiều!”, nhưng niềm vui bắt nguồn từ đó thì rất tầm thường. Nó không phải là chuyện lớn, vì thực sự nó chẳng làm được gì cả. Cảm giác là, “Vậy thì tốt rồi. Giờ thì sao? Có gì mới mẻ không?” Rồi thì ngày khác, nó giảm xuống còn 4500 lượt xem và tôi hơi thất vọng, “Ồ, không có nhiều người xem trang mạng hôm nay.”. Nhưng điều có vẻ nổi bật hơn là sự bận tâm về bản thân, mà tôi phải thú nhận, là lúc nào tôi cũng muốn xem số liệu thống kê. Đạo Phật nói rằng mối bận tâm về bản thân thì mạnh mẽ hơn nhiều so với mối bận tâm về những điều khác, bởi vì việc nghĩ về cái “tôi” là một điều rất bản năng. Thậm chí, nó không phải biểu lộ bằng cách nghĩ rằng bản thân mình rất tuyệt vời hay cao quý, hay không ai thương mình, nhưng luôn luôn có ý nghĩ tiềm tàng ấy ở đó.

Tất cả các bạn đều có thể nghĩ về những ví dụ của riêng mình, có thể liên quan đến Facebook hay tin nhắn bằng điện thoại di động. Hôm nay, tôi nhận được bao nhiêu tin nhắn? Hôm nay có ai thích bài mình đăng lên không? Chúng ta có thường xuyên xem Facebook, hoặc lấy điện thoại ở trong túi ra để xem có tin tức gì mới hay không? Trước đó thì không có bất cứ hình thức Internet nào, nhưng mọi người đã làm điều tương tự đối với người phát thơ. “Bữa nay ông có lá thơ nào không? Nều như không có thơ thì: “Aw, không ai thích tôi hết.”. Hoặc chỉ có những tờ quảng cáo, và mình không muốn những thứ đó. Thái độ “không có gì đặc biệt” có thể giúp cho những cảm xúc thăng trầm bớt cực đoan hơn nhiều, bởi vì chúng ta sẽ có cảm xúc quân bình và bình thản hơn, đối với bất cứ điều gì đang xảy ra. Việc đối phó với mối bận tâm luôn luôn muốn kiểm tra và xem có tin tức gì mới hay không thì khó hơn nhiều.

Thay đổi thái độ là một quá trình chậm và lâu dài. Mọi thứ không chỉ thay đổi một cách nhanh chóng, mà là dần dần. Thật thú vị khi bạn bắt đầu nhận xét bản thân một cách thực tế hơn, khi mà bạn thấy rằng, “Tôi đã trở thành nô lệ cho máy vi tính và điện thoại di động, bởi vì tôi luôn luôn phải nhìn vào chúng. Tôi luôn luôn phải xem có bao nhiêu người hồi đáp lại cho mình. Tại sao tôi trở thành nô lệ? Hãy nhìn tất cả những người trên tàu điện ngầm xem có bao nhiêu người luôn luôn giữ điện thoại di động trong tay. Tại sao? Bởi vì người ta có tâm ái ngã và sự bất an, với tâm lý là, “Tôi không muốn bỏ lỡ điều gì hết.”. Tại sao vậy? Có  điều gì rất quan trọng hay sao? Một số việc có thể quan trọng, chúng ta không nói là không có gì quan trọng hết, nhưng ta đã phóng đại quá mức tầm quan trọng của việc liên tục liên lạc, liên tục trực tuyến. Việc phân tích điều này về mặt cân bằng cảm xúc là một điều tốt.

Vậy thì có lúc mình thắng, có lúc mình thua. Đây là một cặp.

Việc Suông Sẻ Và Việc Bất Trắc

Cặp thứ hai là đôi khi sự việc diễn tiến tốt đẹp, và đôi khi thì trở nên tồi tệ. Ta có thể hiểu điều này ở nhiều mức độ, nhưng sự phản ứng lại sẽ là “không có gì đặc biệt”. Một ngày thì mọi việc rất trôi chảy, và ngày kết tiếp thì đầy trở ngại, người ta làm khó mình, và mọi thứ dường như không ổn. Điều này bình thường thôi. Vào buổi sáng, năng lượng của mình có thể cao, và vào buổi trưa thì rất thấp. Đôi khi thì mình khỏe mạnh, đôi khi thì bị cảm. Không có gì đặc biệt.

Khen và Chê

Cặp kế tiếp là về lời khen, tiếng chê. Một số người khen ngợi ta, và những người khác thì chỉ trích ta. Chúng ta xử lý việc này như thế nào? Không phải ai cũng tán thán Đức Phật; một số người, đặc biệt là em họ của Ngài, lại có thái độ rất phê phán. Vậy thì tại sao ta lại mong đợi mọi người khen ngợi mình?

Tôi sẽ dùng ví dụ về bản thân mình một lần nữa. Tôi nhận được nhiều email (điện thư) về trang mạng của mình, và trong khi đa số nói rằng trang mạng này hữu ích như thế nào đối với họ, nhưng đôi khi, có những lời chỉ trích. Tất nhiên, đối phó với lời khen ngợi thì dễ hơn; trong khi những lời chỉ trích có thể làm mình phiền lòng nhiều hơn.

Đối với những lời khen ngợi thì không nên suy nghĩ một cách cực đoan rằng mình rất tuyệt vời hay ngược lại là, “Tôi không xứng đáng với điều đó. Nếu họ thật sự biết con người thật của mình thì họ sẽ không thích mình.”. Nhưng đối với lời khen thì dễ tiếp nhận hơn nhiều. Tại sao những lời chỉ trích thì lại khó khăn hơn nhiều? Đó là vì chúng ta có tâm ái ngã. Đối với việc rèn luyện thái độ thì ta sẽ nhìn vào họ, chứ không phải bản thân mình, nên ta sẽ nghĩ về những điều mình đã làm có thể khiến cho họ gởi cho mình những lời chỉ trích. Nếu mình có thể làm điều gì đó để giúp đỡ, ngay cả khi chỉ là lời xin lỗi như: “Tôi thừa nhận điều này có thể tạo ra một sự khó khăn cho bạn. Tôi thật xin lỗi, đó không phải là chủ ý của tôi.”, thì dần dần, ta có thể chuyển trọng tâm từ ái ngã sang ái tha.

Chúng ta có thể thực hiện điều này trong việc giao tế hàng ngày, bình thường với người khác. Đôi khi, họ sẽ vui vẻ với mình, và đôi khi thì họ không vui. Khi người ta vui vẻ với mình thì dễ thôi. Rồi có một số người không dễ đối phó trong đời sống, và luôn luôn chỉ trích hay tỏ ra tiêu cực với mình. Thái độ của mình đối với họ thì ra sao? Chúng ta có nhận thức họ là một người rất khó tính, khó chịu hay không? Hay chúng ta nhận thức rằng họ là một người rất bất hạnh? Tôi chắc rằng tất cả các bạn đều gặp những người như thế trong cuộc sống. Họ gọi điện thoại cho bạn hay muốn gặp mặt để ăn trưa, và bạn biết chắc 100% là họ sẽ nói về bản thân họ và phàn nàn. Bạn có thể nghĩ rằng, “Chao ơi, lại là người này nữa.”, nhưng bạn không thể nói với họ là lúc nào bạn cũng bận rộn!

Nếu phản ứng của chúng ta là nghĩ đến việc mình sẽ cảm thấy khó chịu như thế nào khi ở bên họ và lắng nghe lời phàn nàn của họ, thì ta có thể thay đổi quan điểm của mình: người này lúc nào cũng phàn nàn, vì họ thật sự rất bất hạnh, và cô đơn nữa. Những người thường phàn nàn là vì không ai muốn ở bên họ. Vì vậy, nếu cần phải dành thời gian cho họ thì ta có thể phát triển sự cảm thông nhiều hơn, và nó không phải là một kinh nghiệm khủng khiếp, vì ta sẽ nghĩ về họ, chứ không phải về “mình”.

Nghe Tin Tốt Và Tin Xấu

Cặp thứ tư là nghe tin tốt và xấu. Nó giống như trước đây, rằng mọi việc luôn luôn thăng trầm. Tất nhiên, bốn cặp này chồng chéo với nhau, và nguyên tắc “không có gì đặc biệt” đều được áp dụng đối với mỗi một điều trong tám yếu tố này. Không có gì đặc biệt khi nghe tin tốt hay xấu, đó là những điều xảy ra trong đời sống, cho tất cả mọi người.

Hiện nay, một số người phản đối hình thức rèn luyện này, tuyên bố rằng họ thích ngồi trên tàu lượn siêu tốc (rollercoaster) về mặt cảm xúc, vì nếu không có thăng trầm thì bạn sẽ không thật sự sống. Tuy nhiên, cần phải suy xét xem đó có phải là thái độ hữu ích hay không.

Trước hết, cho dù có ở trên tàu lượn siêu tốc về mặt cảm xúc hay không thì chúng ta vẫn còn sống. Đó là sự phản bác hơi ngớ ngẩn. Vậy thì chuyện gì xảy ra khi mình ở trên tàu lượn siêu tốc? Ta sẽ không suy nghĩ hợp lý, vì bị choáng ngợp vì những cảm xúc. Nếu như ta bình tĩnh hơn thì đời sống của mình sẽ không quá bi ai, và ta có thể xử lý các tình huống một cách tốt hơn nhiều. Nếu bạn không suy nghĩ một cách sáng suốt mà lại nổi giận thì bạn sẽ nói những lời mà mình sẽ hối hận về sau. Có cảm xúc quân bình nghĩa là không nên làm những điều này. Xét về khía cạnh tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc thì loại hạnh phúc tĩnh lặng, bình yên này ổn định hơn nhiều, so với loại hạnh phúc đầy kịch tính.

Khuôn Khổ Khái Niệm Dành Cho “Không Có Gì Đặc Biệt”

Hãy nhìn vào cơ sở, hay khuôn khổ khái niệm về thái độ mà chúng ta đã thảo luận. Ở đây, việc thấu hiểu niệm tưởng là điều quan trọng. Niệm tưởng là gì? Niệm tưởng là nhìn sự vật, hay trải nghiệm mọi thứ thông qua một phạm trù, có thể giống như “điều gì đặc biệt”. Giống như có một loại hộp tinh thần, và khi trải nghiệm điều gì thì mình đặt nó vào cái hộp tinh thần của “điều gì đặc biệt”.

Lúc nào mình cũng làm như vậy, bởi vì nó là cách mà mình có thể lãnh hội và xử lý sự việc. Có một chiếc hộp tinh thần về “phụ nữ”. Tôi thấy một người và đặt cô ấy vào chiếc hộp tinh thần về “phụ nữ”. Cứ thế, ta có thể đặt những thứ khác nhau mà mình trải nghiệm vào những chiếc hộp tinh thần khác nhau. Chẳng hạn, cùng một người mà mình đã đặt vào hộp “đàn ông” hay “đàn bà”, cũng có thể họ đặt vào trong hộp “người trẻ” hay “người già hơn”, hoặc “tóc vàng” hay “tóc đen”. Có rất nhiều, rất nhiều hộp.

Trên thực tế thì những điều đó không tồn tại trong hộp. Mặc dù điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng vẫn là một điều rất khó lãnh hội và tiêu hóa. Chẳng hạn như ta có thể đặt ai đó vào cái hộp “người ghê gớm”, nhưng không ai tồn tại như một người ghê gớm, bởi vì nếu họ thật sự tồn tại như vậy thì mọi người sẽ thấy họ như vậy, và họ sẽ phải giống như vậy từ lúc họ còn bé.

Những chiếc hộp tinh thần này giúp cho mọi thứ có ý nghĩa, và thái độ của mình đối với người khác được quyết định rất nhiều bằng loại hộp tinh thần mà chúng ta đặt sự vật vào trong đó. Cần phải lưu ý rằng những chiếc hộp tinh thần này chỉ đơn giản là một cấu trúc tinh thần, và không đề cập đến thực tế, vì không có cái hộp nào ở đó, đúng không?!

Làm Sao Để Tạo Ra Những Chiếc Hộp Này?

Bây giờ, hãy xem cách mình nhận diện và đặt các thứ vào loại hộp tinh thần này, thay vì loại hộp tinh thần kia. Chúng ta làm việc này dựa trên cơ sở của một đặc điểm nào đó về sự vật mà ta nghĩ sẽ giúp mình phân biệt giữa nó và những thứ khác. Điều này có thể được gọi là “đặc tính xác định”, một danh từ kỹ thuật dành cho nó. Một ví dụ đơn giản là để xem đặc tính xác định là gì, khi ta đặt các thứ vào hộp “hình vuông”. Nó phải có bốn cạnh bằng nhau, nên những thứ nào có đặc điểm này thì mình sẽ bỏ vào trong hộp tinh thần gọi là “hình vuông”.

Đó là thể loại đơn giản, nhưng còn về thể loại “người khó chịu” thì sao? Về phía người khiến cho mình thấy họ trong cái hộp “bạn là người khó chịu” thì có những đặc tính gì? Thật thú vị khi thử nhìn một cách chính xác điều gì là khó chịu. Con ruồi vo ve quanh đầu bạn và người này có đặc điểm gì giống nhau, khiến cho chúng ta đặt cả hai vào hộp “khó chịu”?

Điều tôi muốn nói là cả hai đều làm điều gì đó, khiến cho tôi mất sự thăng bằng về cảm xúc và bình an, đó là trạng thái bình tĩnh trong tâm tôi. Đúng ra thì chúng ta đang định nghĩa hộp tinh thần về phương diện của tôi, không thật sự về phương diện của họ, bởi vì những gì tôi thấy khó chịu thì có thể bạn không thấy khó chịu. Còn đối với những điều khiến cho tôi mất bình an thì cũng có thể là điều hoàn toàn lôi cuốn sự chú ý của tôi, khiến tôi thích điên lên. Nên điều thú vị là cách ta định nghĩa mọi thứ và đặt chúng vào những chiếc hộp thật ra đều liên quan đến bản thân mình.

Rồi thì ta có tất cả những cảm giác này. Bây giờ, nó bắt đầu trở nên thú vị (có lẽ nó đã thú vị rồi). Thế thì chúng ta có chiếc hộp tinh thần về “hạnh phúc”. Làm thế nào để bạn đặt các thứ vào hộp “hạnh phúc”? Điều đó rất khó nói. Ai đó sẽ hỏi ta, “Bạn có hạnh phúc không?”, và ta không biết phải trả lời như thế nào. Nếu chúng ta tự hỏi, “Tôi có hạnh phúc không?” thì thậm chí tôi còn không biết điều đó có nghĩa là gì nữa. Vậy thì đặc tính xác định của cảm giác hạnh phúc là gì? Chúng ta muốn rất hạnh phúc, nhưng thậm chí còn không biết hạnh phúc là gì. Thật là kỳ lạ, phải không? Định nghĩa là đó là điều gì mà khi trải nghiệm nó thì bạn không muốn rời xa; bạn muốn nó tiếp tục. Đó là định nghĩa mà chúng ta tìm thấy trong văn học Phật giáo, nên nó sẽ giúp mình một chút.

Còn Facebook thì sao? Làm sao để định nghĩa những việc như “thích?” Nó có thể là điều gì làm cho mình mỉm cười và thấy vui. Nhưng hãy tưởng tượng, nếu như bạn phải nhìn vào nó và không được nhìn thứ gì khác suốt ngày thì chúng ta sẽ không thích nó nữa, đúng không? Vậy thì lạ lắm, đúng không?

Khi bạn có một niệm tưởng thì luôn luôn có một hình ảnh tinh thần về những gì đại diện cho thể loại đó. Nên khi bạn nghĩ “con chó”, thì bạn sẽ có một hình ảnh tinh thần về một con chó mà tôi chắc chắn nó sẽ hiện ra khác biệt đối với mọi người. Nó giống như hình ảnh tinh thần của những gì đại diện cho một người gợi cảm, hay một người khó chịu.

Vậy thì điều gì đại diện cho cái mà tôi thích? Điều đó khó hơn. Dù sao thì chúng ta có cách nói  về “Tôi thích phong cách này, tôi thích loại thức ăn này, tôi thích loại phim này, cô gái đó không phải là mẫu người của tôi, anh chàng kia là mẫu người của tôi”, đúng không? Điều gì đại diện cho cái mà tôi thích? Đối với một hình ảnh trên Facebook thì chúng ta có so sánh nó với kinh nghiệm của mình về những gì mình thích, rồi đưa nó vào danh mục “thích” của mình không? Phải nhớ rằng tất cả đều xuất phát từ phía tâm thức của mình, không phải từ chính đối tượng. Nếu có điều gì xuất phát từ đối tượng, giống như khả năng thật sự bên trong đối tượng, thì mọi người sẽ đều thích nó. Vì vậy, tất cả đều là chủ quan.

Định Nghĩa “Đặc Biệt”

Bước kế tiếp là xem xét điều gì làm cho một cái gì đó đặc biệt. Có điều gì đó từ phía của đối tượng, hay chỉ có một chiếc hộp tinh thần về “điều gì đặc biệt”, mà chúng ta đã tự mình định nghĩa? Khi xem xét điều gì làm cho cái gì đó đặc biệt thì ta bắt đầu hiểu cơ sở lý thuyết cho việc “không có gì đặc biệt”. Hoàn toàn không có gì đặc biệt từ phía đối tượng. Bất kỳ ý tưởng nào về “đặc biệt” đều hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của mình, từ hộp tinh thần“đặc biệt” của riêng mình. Đó là cái máy lọc mà qua đó, chúng ta nhận thức sự vật: cái này đặc biệt và cái kia thì không.

Rồi chúng ta có thể tự hỏi, làm thế nào để định nghĩa đặc biệt? Một số người sẽ nói rằng đó là một điều gì độc đáo: “Đây là một bức tranh thật đặc biệt”, hay “Đây là một bữa ăn đặc biệt”. Nhưng không phải là mọi thứ đều độc đáo hay sao? Không có hai thứ nào giống hệt nhau. Mỗi một bắp cải trong đống bắp cải là một bắp cải đặc thù.

Rồi bạn có thể nghĩ, “Các thứ phải khác nhau. Để trở thành đặc biệt thì chúng phải khác biệt.” Nhưng chúng phải khác nhau như thế nào? Làm sao và từ vị trí nào mình sẽ vẽ lằn ranh giữa bình thường và đặc biệt? Làm sao chúng ta có thể quyết định được?

Rồi bạn có thể nói rằng điều gì đặc biệt thì phải là cái gì đó mới mẻ. Nhưng điều đó có mới mẻ đối với tôi, hay đối với vũ trụ không? Chúng tôi thường định nghĩa mọi thứ theo khía cạnh của “mình”, và tất cả những kinh nghiệm mà chúng ta có là mới mẻ, đúng không? Hôm nay, tôi sẽ không trải nghiệm cùng một điều mà tôi đã kinh nghiệm trong ngày hôm qua. Hôm nay không phải là ngày hôm qua. Nên theo ý nghĩa nào đó thì tất cả mọi thứ đều đặc biệt, điều đó thật ra có nghĩa là không có gì đặc biệt. Tất cả mọi thứ đều độc đáo, tất cả đều khác biệt, và mọi thứ đều là những cá thể, vậy thì không có gì để ta có thể coi là đặc biệt. Nếu như nói rằng điều gì đặc biệt là vì mình thích nó, thì tất cả chúng ta đều biết rằng những gì mình thích lúc nào cũng thay đổi; nếu như có quá nhiều thứ gì đó thì mình sẽ không thích nó nữa, và nếu như có thứ đó quá lâu thì mình sẽ chán.

Đây là những điều mà chúng ta suy luận, để giúp mình khắc phục cơn ghiền đối với việc đưa sự vật vào hộp “đặc biệt”. “Những gì tôi đang cảm nhận trong hiện tại QUÁ quan trọng”. Tại sao? Tại sao nó lại nằm trong hộp “quan trọng”? Vì vậy, điều mà chúng ta cố gắng làm là không xem bất cứ điều gì trong các hộp tinh thần không cần thiết. Tất nhiên là có những hộp hữu ích, cần thiết; chúng ta sẽ không thể hiểu ngôn ngữ, nếu như không có chúng. Người ta tạo ra những âm thanh khác nhau, với giọng nói và âm lượng khác nhau để nói cùng một chữ, điều mà chúng ta chỉ có thể hiểu nhờ có một hộp tinh thần cho chữ này.

Vậy thì ta không thể vứt bỏ tất cả những chiếc hộp. Một số hộp tinh thần nào đó thì không hữu ích, vì chúng hoàn toàn chủ quan, như “điều gì đặc biệt”. Khi bạn bắt đầu phân tích nó thì tất cả đều nằm ở thái độ của mình: điều mà chúng ta tin là đặc biệt, ngay cả khi ta không thể định nghĩa đặc biệt là gì.

Nhờ vậy, chúng ta không chỉ sử dụng khả năng tự chủ và kỷ luật để nói rằng, “Tôi sẽ không xem các thứ như điều gì đặc biệt”, bởi vì điều đó thật rất khó thực hiện. Nhưng nhờ có sự hiểu biết, nên ta có thể thấy rằng bởi tất cả chỉ là cấu trúc tinh thần, nên thật sự không có gì là đặc biệt.

Luyện Tâm Qua Việc Thấu Hiểu Niệm Tưởng

Có rất nhiều mức độ mà ta có thể cải thiện thái độ của mình qua pháp luyện tâm. Chúng ta có thể nhận thức mọi thứ qua các hộp tinh thần khác nhau, và có thể di chuyển các đối tượng mà mình cảm nhận từ hộp này sang hộp khác. Thế thì, thay vì đặt ai đó vào hộp “người khó chịu, phàn nàn” thì ta sẽ đặt họ vào hộp “người bất hạnh, cô đơn”, điều đó sẽ hoàn toàn thay đổi cách mình đối phó với họ. Ta sẽ nhận ra rằng không có gì cố hữu từ phía người tạo ra điều này hay điều kia, mà chính là thái độ về cách mình nhận thức đối tượng đã ảnh hưởng đến cách ta kinh nghiệm và đối phó với chúng.

Một số thể loại tinh thần, như “đặc biệt”, thì không giúp ích chút nào. Có những người đặc biệt, những dịp đặc biệt và đủ các loại. Nhưng bạn có nghĩ rằng nó độc đoán như thế nào, khi chúng ta nghĩ ngày sinh nhật hay năm mới thật là đặc biệt không? Điều gì làm cho nó đặc biệt? Chỉ cần mọi người quyết định là nó đặc biệt. Không có gì đặc biệt về ngày 1 tháng Giêng, và ngày đó thậm chí không tương ứng với bất cứ điều gì về mặt thiên văn. Trái đất quay quanh mặt trời, và bạn không thể đề ra một sự khởi đầu: “À! Đây là ngày đầu tiên trong năm”. Không có ngày đầu tiên, đó là lý do tại sao mỗi nền văn hóa đều có năm mới của riêng họ. Không có gì đặc biệt về điều đó. Nếu như bạn sống trong một nền văn hóa đang ăn mừng năm mới thì bạn không cần phải làm người cáu kỉnh, hay nghĩ rằng nó ngu xuẩn, nhưng cũng không cần phải quá phấn khởi và làm lớn chuyện.

Khi hiểu được bản chất cơ bản này về cách mà niệm tưởng hoạt động, cùng với các hộp tinh thần, các thể loại và những đặc điểm, hay đặc tính xác định này thì ta có thể sử dụng nó khi nó hữu ích, và buông bỏ nó, khi nó không có ích.

Cuối cùng, khi thay đổi và cải thiện thái độ của mình thì ta cần phải có động lực nào đó, và rất nhiều kiên nhẫn. Càng trở nên quen thuộc với sự thay đổi, nhờ cách lập đi lập lại việc thực hành, thì nó sẽ càng xảy ra tự nhiên hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả những gì chúng ta cần làm, khi cảm thấy không vui, là tự nhắc nhở mình, “Này, mình cứ nghĩ về tôi, tôi, tôi thôi.”.

Rèn luyện thái độ là một quá trình lâu dài, nhưng rất đáng giá.

Tóm Tắt

Mỗi sáng, chúng ta thức dậy với cùng một mục tiêu: chúng ta muốn có tương lai tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đối với điều này thì tất cả chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều bình đẳng với ý nghĩ “tôi” là trung tâm vũ trụ, một sự kiện tạo ra những vấn đề không kể xiết. Vì tâm ái ngã, là điều có vẻ quá hấp dẫn, bởi vì nó chăm sóc cho “mình”, mà ta chạy về phía bất hạnh và xa cách hạnh phúc mà mình luôn mong mỏi. Khi ta bắt đầu thấu hiểu thực tại, cách mọi thứ thật sự tồn tại thì tất cả những điều này sẽ xoay ngược lại. Cuộc sống luôn thăng trầm, và sẽ luôn luôn là như vậy; ta không thể khống chế điều này, nhưng những gì ta có thể kiểm soát là thái độ của mình, cách ta phản ứng trong mỗi một khoảnh  khắc, đối với những điều mà mình trải nghiệm. Với nỗ lực, ta có thể giúp cho đời sống trở nên hạnh phúc, khi mà mình thật sự quan tâm đến bản thân và tha nhân, bất kể hoàn cảnh bên ngoài ra sao.

Top