Vai Trò Thích Hợp Của Nghiệp Trong Đời Sống Hàng Ngày

Thấu Hiểu Nghiệp

Hôm nay, tôi muốn nói về vai trò thích hợp của nghiệp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đối với điều này, để bắt đầu thì chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của nghiệp. Có hai cách giải thích chung. Một là nghiệp đề cập đến những sự thôi thúc trong tinh thần, khiến cho mình tạo tác nhiều hành động khác nhau, cho dù đó là làm một việc gì, nói một lời gì, hoặc suy nghĩ về một điều gì đó. Giải thích thứ hai có một khẳng định khác, liên quan đến hành vi của thân và khẩu. Đối với những hành động như vậy thì nghiệp là hình dạng của hành động qua thân, âm thanh của hành động qua lời nói, và năng lượng tinh tế đi kèm với cả hai loại hành động này, và tiếp tục với dòng tâm thức. Điều quan trọng cần lưu ý là không có điều nào trong hai cách giải thích này là nghiệp, tự thân hành động thật sự, mặc dù trên thực tế thì từ ngữ Tây Tạng dành cho nghiệp là danh từ thông tục, có nghĩa là “hành động”.

Một khi một hành động được thực hiện theo cách thôi thúc của nghiệp thì sẽ để lại một số hậu quả trong dòng tâm thức của chúng ta. Hãy nói về những điều được thảo luận rộng rãi nhất về vấn đề này, nghiệp lực tích cực hay tiêu cực và chủng tử nghiệp. Có một sự khác biệt nhỏ giữa hai điều này, nhưng hiện tại thì không cần phải đi sâu vào chi tiết kỹ thuật đó. Một khía cạnh của tiềm năng và khuynh hướng của nghiệp là khả năng tạo ra một ảnh hưởng hay kết quả, khi hội đủ điều kiện. Trong thuật ngữ kỹ thuật thì giống như trái cây, chúng sẽ “chín”.

Điều Gì Chín Từ Nghiệp Lực Và Chủng Tử Nghiệp

Có nhiều loại kết quả khác nhau, xuất phát từ những nghiệp lực và chủng tử nghiệp này. Loại tổng quát nhất là cảm nhận một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh đi kèm với mỗi sát na trong kinh nghiệm của mình. Nếu nó là sự bất hạnh, thì đó là kết quả của hành vi phá hoại, và nếu nó là hạnh phúc, thì đó là kết quả của hành vi xây dựng.

Thêm vào đó, còn có một cảm giác lặp lại một loại hành động trước đó. Nghiệp không chín từ nghiệp quả một cách trực tiếp. Đầu tiên, một cảm giác xuất hiện, như cảm giác muốn la ai đó, hay ôm họ. Dựa vào cảm giác đó thì sẽ có một sự thôi thúc để thật sự làm điều đó, khiến ta hành động. Có một sự phân biệt đáng chú ý giữa cảm giác và sự thôi thúc. Cảm giác muốn làm điều gì thì giống như ý muốn hoặc ước mong được làm điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng “cảm giác” là, ít nhất trong tiếng Anh, có nhiều tính mô tả hơn một chút so với ý muốn hoặc ước mong. Nó ít cố ý hơn. Chúng ta cảm thấy muốn lặp lại một điều gì tương tự với những gì mình đã làm trước đây, và cũng cảm thấy muốn có một tình huống mà điều gì tương tự sẽ lại xảy ra với mình. Tuy nhiên, chắc chắn đó không phải là kết quả của nghiệp lực và chủng tử nghiệp của mình mà người khác lại đối xử với mình theo cách tương tự như cách mình đối xử với họ. Nói một cách rõ ràng thì điều đó chín từ nghiệp lực và chủng tử nghiệp của họ, không phải của chúng ta. Điều duy nhất chín muồi từ phía chúng ta là cảm giác của mình, để rơi vào tình huống đó, để gặp người này, v.v...

Trong trường hợp này, một điều nữa sẽ chín, đặc biệt từ nghiệp lực của mình, là hình thức của sự sống, thân thể và dạng hoạt động tinh thần mà chúng ta có. Ví dụ, chúng ta sẽ trải nghiệm những khả năng tinh thần khác nhau, nếu mình có bộ não của một con chó hay bộ não của con người. Nghiệp lực là cái thật sự đưa dòng tâm thức, trong trường hợp tái sinh thành động vật có vú, để kết nối với tinh trùng và trứng của một cặp cha mẹ nào đó. Theo cách đó thì hình thức sự sống và cơ thể mà mình có được là kết quả từ những nghiệp lực ấy.

Nghiệp Trổ Trong Kiếp Này Hầu Hết Bắt Nguồn Từ Nghiệp Tạo Ra Trong Tiền Kiếp

Khi nhìn vào những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghĩ rằng bất kỳ cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh nào mình đã trải qua, và bất kỳ cảm giác nào mình phải thực hiện hay nói điều gì là sự chín muồi của những nghiệp lực và chủng tử nghiệp từ những hành động trước đây của mình trong cuộc sống này. Nhưng chỉ một số loại hành vi nào đó sẽ tạo ra sự chín muồi của nghiệp lực và chủng tử nghiệp của chúng trong đời này. Chúng bao gồm hành vi tiêu cực và tích cực được thúc đẩy rất mạnh mẽ, đặc biệt là nếu hướng vào những người cực kỳ tử tế với chúng ta, chẳng hạn như vị thầy hay phụ huynh của mình. Phần lớn những gì chín và những gì mình trải qua như sự chín muồi này trong kiếp này là kết quả của nghiệp lực và chủng tử nghiệp được tích lũy từ những hành động trong những kiếp trước.

Điểm này có thể rất khó đối với nhiều người trong chúng ta, có lẽ hầu hết chúng ta đều hiểu. Là người phương Tây thì hầu hết chúng ta hoàn toàn không tin về kiếp trước và kiếp sau. Đó là một vấn đề riêng biệt và chẳng may là chúng ta không có thời gian để khảo sát về kiếp trước và kiếp sau, và làm thế nào để tin những điều đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ngay cả khi không tin vào tái sinh thì toàn bộ cuộc thảo luận về nghiệp có thể có liên hệ rất mạnh mẽ với cuộc sống của chúng ta, và cách ta đối phó với những gì xảy ra cho mình.

Phát Triển Sự Chú Ý, Chánh Niệm Và Trí Phân Biệt Về Hành Vi Thúc Bách

Để khởi sự đối phó với những gì mình trải nghiệm trong cuộc sống thì ta phải phát triển sự chú ý. Chú ý, hay để tâm chú ý, là tâm sở nối kết hoạt động tinh thần của mình với một đối tượng cụ thể. Khi đối tượng đó là điều mình đang trải qua từng sát na thì người phương Tây gọi đó là “chánh niệm”, mặc dù đó không thật sự là ý nghĩa của tâm sở “chánh niệm” trong nhà Phật. Khi chú tâm vào những gì đang xảy ra trong đời sống tinh thần và cảm xúc của mình thì chánh niệm là tâm sở, giống như chất keo tinh thần, giúp ta không mất đi sự chú ý đó. Khi càng chú ý hơn thì ta sẽ có khả năng nhận thấy nhiều hơn, khi ta cảm thấy muốn làm điều gì, hay muốn nói điều gì. Ta có thể nhận thức khi điều đó phát sinh và để ý một khoảng không nào đó giữa hai thời điểm, khi mà mình cảm thấy muốn làm điều gì và khi mình cảm nhận sự thôi thúc thật sự, khiến cho mình tạo tác hành vi tương ứng với ý muốn ấy.

Trong tiếng Anh thông tục thì chúng ta mô tả một số người chỉ nói ra điều gì xuất hiện trong đầu họ trước hết mà không cần suy nghĩ. Họ không có cơ chế kiểm soát nội tâm đối với những gì họ nói hay làm. Bất cứ điều gì nảy sinh trong đầu thì họ chỉ cần làm hoặc nói một cách bốc đồng. Nhưng khi chúng ta nhận thấy có một khoảng trống ở giữa hai thời điểm, khi cảm giác sinh khởi và khi chúng ta hành động dựa trên cảm giác đó, điều đó cho phép mình sử dụng cái gọi là “trí tuệ” để quyết định có hành động theo cảm giác đó hay không. Ta sẽ phân biệt liệu một hành động sẽ hữu ích hay chỉ gây ra nhiều vấn đề? Nếu nó sẽ gây ra nhiều vấn đề thì mình hiểu rằng nó là điều tiêu cực, nên sẽ không thực hiện điều đó. Ví dụ như mình không phải nói với ai rằng, “Cái áo đầm bạn đang mặc xấu quá”. Đó không phải là điều thật sự hữu ích, đúng không?

Vấn đề là mình hiểu rằng những cảm giác về việc hành động hay nói năng theo những cách nào đó xuất phát từ những tập khí, tôi sử dụng “tập khí”  ở đây như một từ ngữ chung cho nghiệp lực và chủng tử nghiệp. Dù những tập khí này xuất phát từ kiếp này hay những kiếp trước thì thật ra, không có quan hệ gì. Điều quan trọng là mình chỉ hành động một cách bốc đồng, dựa vào những kiểu cách, tập khí trước đây, và không có lý do tại sao mình phải làm nô lệ cho chúng. Chúng ta là con người, không phải là con thú hành động mà không biết kiểm soát bản năng chút nào. Là con người, chúng ta có trí thông minh; và điều đó có nghĩa là khả năng phân biệt giữa những gì có lợi và những gì có hại. Cho dù kiếp trước có tồn tại hay không thì chúng ta có thể thấy rằng hành xử theo những thói quen xấu thật là ngu ngốc, chỉ đem lại cho mình nhiều vấn đề hơn. Và vì không muốn tạo ra cho mình thêm vấn đề một cách vô tâm, nên ta sẽ cố khắc phục việc hành xử một cách bốc đồng, trên cơ sở của những tập khí xấu.

Theo cách nào đó thì cần phải xem xét những lề thói cứ lặp đi lặp lại một hành động của mình, như thể chúng là sự nghiện ngập. Chúng ta có thể nghiện rượu, thuốc lá hoặc ma túy, nhưng cũng có thể ghiền các hoạt động như cờ bạc hay tình dục, hoặc thậm chí la hét mọi người. Có nhiều phương pháp, cả trong Phật giáo và ngoại đạo, để khắc phục sự nghiện ngập. Cần phải áp dụng những phương pháp này một cách tận tâm, nếu không, ta sẽ mất kiểm soát và chỉ ngày càng tạo ra thêm nhiều vấn đề.

Bước đầu tiên trong bất kỳ chương trình cai nghiện nào là nhận ra và thừa nhận mình là người nghiện ngập. Điều này hoàn toàn cần thiết. Cần phải xác định vấn đề trước khi có thể loại bỏ nó. Tuy nhiên, một số chương trình cai nghiện có thể khiến mọi người tin rằng việc làm một người nghiện ngập là bản thể thật sự, không thay đổi của họ, và không ai có thể thật sự khắc phục sự nghiện ngập; chúng ta không bao giờ có thể thật sự chấm dứt hành vi nghiện ngập. Tuy nhiên, theo quan điểm của đạo Phật thì chúng ta có thể thật sự chấm dứt tất cả những sự nghiện ngập, bao gồm cả việc nghiện ngập các hành vi tự hủy hoại bản thân, để chúng không bao giờ phát sinh nữa. Là những hành giả đạo Phật thì đó là mục tiêu của chúng ta.

Từ Bỏ Thói Hành Xử Bốc Đồng

Đây là lúc mà tâm từ bỏ xuất hiện để khắc phục thói hành xử bốc đồng nghiện ngập của mình. Tâm từ bỏ là quyết tâm thoát khỏi một điều gì đó và sẵn sàng buông bỏ nó. Cảm xúc liên hệ với nó là sự ghê tởm và chán chường: chúng ta chỉ thấy chán những hành vi nghiện ngập của mình, cho dù đó là sự nghiện ngập tiêu cực tự hủy hoại bản thân, hay là tâm loạn thần tích cực. Ví dụ, chúng ta chán nản vì luôn mất bình tĩnh và la hét, hay chán nản vì sự ám ảnh cứ phải rửa tay cho sạch. Do đó, khi cảm thấy muốn la hét hoặc rửa tay  nữa, dù mình mới vừa rửa tay xong thì ta sẽ khẳng định lại quyết tâm dẹp bỏ những cảm giác như vậy. Bước đầu tiên, ta sẽ tái khẳng định quyết tâm của mình ít nhất là không hành xử theo những cảm xúc như vậy, rồi áp dụng tính tự chủ và chỉ cần không làm điều đó. Nhưng dĩ nhiên việc tự chủ chỉ là bước đầu. Cần phải đi sâu hơn để loại bỏ nguyên nhân sâu xa nhất của hành vi bốc đồng.

Những Sự Hiểu Lầm Về Nghiệp

Trong khi cố áp dụng những giáo pháp về nghiệp trong đời sống hàng ngày  thì cần phải cảnh giác về sự hiểu lầm là dù sao thì mình cũng đáng để nhận lãnh bất kỳ điều gì mình đã kinh qua, vì đó là sự chín muồi của nghiệp. Với thái độ của người bại trận thì ta sẽ nghĩ mình là một cậu bé hay cô gái xấu xa trong quá khứ, nên giờ đây, mình đáng để nhận lãnh những gì đang xảy ra như là hình phạt. Chúng ta thấy những lời dạy của ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng nếu không dựng lên mục tiêu thì sẽ không có ai bắn mũi tên vào đó. Nếu không có hành động tiêu cực trong quá khứ thì ta sẽ không bị người khác tức giận với mình và đối xử tệ với ta, v.v...  Ý của ngài Tịch Thiên là không đổ thừa người khác, mà là đổ lỗi cho mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nên có cảm giác cực đoan rằng mình là người xấu, đáng để nhận lấy những khổ đau xảy ra cho mình, nên chúng ta nên im lặng, không phàn nàn và chấp nhận hình phạt. Tôi không nghĩ đó là cách lành mạnh nhất để đối phó với những lời dạy về nghiệp, cũng không phải là cách được trù liệu để đưa chúng vào việc thực hành.

Thay vì có quan điểm chết người này thì ta cần phải khảo sát những khía cạnh khác của giáo pháp về nghiệp, để xem làm cách nào chúng có thể tạo ra lợi lạc cho mình trong cuộc sống hàng ngày. Khi kinh qua điều gì đang xảy ra với mình trong hiện tại thì ta có thể suy ra từ những lời dạy về nghiệp rằng nguyên nhân là hành vi trước đây của mình. Nhiều giáo huấn mô tả chi tiết mối liên hệ giữa những gì mình trải nghiệm và hành vi trước đó. Ví dụ như, nếu luôn luôn có những mối quan hệ không bền lâu, không thể sống với những người thân yêu, hoặc người khác luôn chia tay với mình thì đó là hậu quả của việc nói lời chia rẽ người khác. Ta đã nói những điều xấu xa về bạn bè của người khác, khiến họ chia tay nhau. Khi bạn bè rời bỏ ta thì đây là nghiệp trổ từ điều đó, ta đang kinh qua những tình huống mà người khác đang làm điều gì tương tự như mình đã làm.

Một quả nữa sẽ chín từ việc nói lời chia rẽ là cảm giác thúc bách để lặp lại hành vi này. Nếu có điểm này thì ta phải quán sát bản thân một cách trung thực, để biến sự hiểu biết về nghiệp thành một công cụ xây dựng. Mình có xu hướng chỉ trích hay nói xấu người khác với những người làm việc, học tập hay thân thiện với họ hay không? Có lẽ ta sẽ thấy mình có xu hướng quá phê phán. Ta ít khi nào nói những điều tốt đẹp về bất cứ ai, và chỉ nói những điều xấu về họ. Điều này rất thông thường, đúng  không? Ta chỉ muốn nêu ra những thiếu sót của người khác cho mọi người nghe, và phàn nàn về điều đó. Nhưng mình có thường chú tâm vào những phẩm chất tốt đẹp của người kia và khen họ trước mặt người khác không? Đối với hầu hết chúng ta thì điều đó khá hiếm hoi.

Đây là một trong những điểm hữu ích nhất mà chúng ta có thể học hỏi từ những giáo pháp về nghiệp, và có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày. Ta có thể thấy những lề thói trong hành vi tiêu biểu của mình tương ứng với những việc xảy ra cho mình. Thay vì có thái độ của người thất bại như “Mình đáng nhận lãnh điều này, vì mình rất tệ trong một kiếp trước, đi chỉ trích người khác”, thì ta có thể tập trung vào việc xử lý hành vi của mình trong hiện tại. Khi cảm thấy muốn nói điều gì xấu xa về người khác thì thay vì vậy, ta có thể nghĩ nhiều hơn về những phẩm chất tốt đẹp của họ, và khen ngợi họ.

Có nhiều ví dụ về các loại hội chứng nghiệp khác nhau mà ta có thể nhận diện. Ta có thể nghèo, ví dụ vậy. Khi xem xét vấn đề thì ta có thể thấy mình luôn luôn lợi dụng và sử dụng đồ của người khác, bóc lột họ, không bao giờ trả tiền cho ai, luôn mong đợi họ sẽ trả tiền cho mình, những điều đại loại như vậy. Tôi đang đề cập cụ thể đến việc sử dụng những thứ gì thuộc về người khác mà không xin phép họ, như lấy thức ăn trong tủ lạnh của họ mà không xin phép, đại loại là những điều như vậy. Ta có thể nhận thấy những mối tương quan giữa những điều xảy ra với mình, và cảm xúc cũng như khuynh hướng hành động theo những cách tương tự. Vị đạo sư Ấn Độ Pháp Xứng (Dharmarakshita) đã nêu ra nhiều sự tương quan trong tác phẩm luyện tâm, Pháp Luân Của Vũ Khí Sắc Bén.

Ngoài ra, phải nhận thức rằng kết quả không xuất phát từ chỉ một nguyên nhân. Đức Phật nói rằng giọt nước đầu hay giọt cuối không làm đầy xô nước. Xô nước được đầy là nhờ sự hội tụ của tất cả các giọt nước. Bất cứ đau khổ nào mà ta trải qua không chỉ là kết quả của một điều xấu ác mà mình đã làm trong quá khứ, hay thậm chí là sự tích lũy của một số điều xấu ác mà trước đây chúng ta đã làm, mà đúng hơn là hầu như có vô số nhân duyên phải kết hợp với nhau để mình trải nghiệm điều gì đó.

Ví dụ như mình bị xe đụng. Nó không chỉ là vấn đề mình có thể làm cho ai bị thương, dù có lái xe hay không lái xe. Không chỉ có vậy, mà còn gồm có tất cả nghiệp lực của người đã tông xe vào mình. Rồi thì có thời tiết, điều kiện giao thông và lý do mà chúng ta ra đường vào thời điểm đó. Có những người xây đường. Có rất nhiều nhân duyên phải tụ họp lại với nhau để mình kinh qua việc bị xe đụng.

Khi mở rộng quan điểm về nhân quả và hiểu nó theo khía cạnh nhiều nhân duyên phải kết hợp với nhau để tạo ra kết quả cụ thể nào đó thì ta sẽ bắt đầu làm tan rã sự kiên cố của cái “tôi” như người đáng để cho điều này xảy ra, và nó hoàn toàn là lỗi của mình. Tất nhiên, chúng ta có trách nhiệm, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc chịu trách nhiệm về hành vi của mình ở một mặt, và mặt khác, xác định một cái “tôi” vững chắc, người có lỗi và xấu xa, đối với tất cả mọi thứ xảy ra cho mình.

Thấu Hiểu Mối Quan Hệ Giữa Tánh Không Và Nghiệp

Cùng với việc mở rộng quan điểm về nhân quả, chúng ta còn phải giải tỏa kết cấu của cái được gọi là “ba vòng tròn” liên quan trong đó. Có rất nhiều cách để hình thành ba vòng tròn này, nhưng trong bối cảnh nghiệp chín thì có thể chỉ định chúng là “tôi”, người trải nghiệm sự chín muồi của nghiệp, điều đã chín từ nghiệp mà mình đang kinh qua trong hiện tại, và điều mà mình đã làm trong quá khứ, là nguyên nhân cho những gì đã chín. Khi không hiểu rằng ba vòng tròn này phát sinh dựa vào nhau, và không có sự tự lập, độc lập với tất cả mọi thứ, mà chúng sinh khởi một cách tương thuộc thì tâm mình đã bịa đặt và bám chấp vào một cái “tôi” hiện hữu một cách vững chắc, rất xấu xa trong quá khứ, nên giờ đây xứng đáng để nhận lãnh những gì đang xảy ra. Theo ý nghĩa nào đó thì chúng ta trở thành nạn nhân, hay tội phạm đang bị trừng phạt, và ta bám vào bản thể có vẻ vững chắc đó. Đây là một trạng thái bất  hạnh của tâm thức, đúng không? Chúng ta làm cho điều mình đang kinh qua trở thành chuyện lớn quá khủng khiếp, và làm cho điều mình đã tạo ra trong quá khứ trở thành chuyện lớn kinh khiếp. Toàn bộ sự việc thấm đầy cảm giác tội lỗi và buồn phiền với chính mình. Tất cả những điều này chỉ làm cho kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của mình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Vì vậy, điều rất quan trọng là có một ít hiểu biết về tánh Không. Nếu không có điều này thì mọi thứ trở nên quá vững chắc, và rất dễ đi đến những thái cực tạo ra thêm vấn đề và đau khổ như chúng ta đã mô tả. Nhưng ngay cả khi không hiểu tánh Không thì ta cần phải hành động và nhớ rằng bất cứ điều gì mình nghĩ, nói hay làm sẽ có hậu quả. Nếu như ghi nhớ điều này ở trong lòng thì mình cần phải tránh hành động tiêu cực và thay vì vậy, sẽ hành xử một cách xây dựng, và chỉ thực hiện điều đó.

Tránh Hành Vi Phá Hoại

Nguyên nhân để kềm chế bất cứ hành vi phá hoại nào đã được giảng dạy trong kinh sách nhà Phật là tư duy về những bất lợi của việc thực hiện điều đó, bởi vì chúng ta không muốn trải qua quả khổ của hành vi đó, nên khi cảm giác muốn làm hay nói điều gì tiêu cực phát sinh thì ta sẽ tránh làm điều đó. Tuy nhiên, nhiều khi mình không thật sự nghĩ như vậy. Chúng ta kềm chế bản thân vì cảm thấy đúng khi không làm điều gì phá hoại. Thật ra thì điều này rất thú vị, bởi vì có một số hình thức của hành vi tiêu cực mà mình đơn giản không cảm thấy việc đó là đúng, chẳng hạn như gian lận, phá hoại những công trình văn hóa và những điều giống như vậy. Nếu là vậy thì cũng tốt thôi. Có lẽ chúng ta chưa chủ động nghĩ đến những hậu quả tiêu cực, nhưng vẫn không tạo ra những hành vi đó.

Tuy nhiên, còn việc giết muỗi thì sao? Không biết bạn thì sao, nhưng chắc chắn tôi đã có kinh nghiệm mình cảm thấy đúng khi đập con muỗi, hoặc đi vòng quanh như đi săn ở Châu Phi, lùng bắt và cuối cùng là giết con muỗi ở trong phòng đã khiến tôi thức giấc giữa đêm. Điều đó cảm thấy đúng. Ngay cả khi nhận ra việc đi săn bắt con muỗi này là điều lố bịch biết bao nhiêu; nhưng ta vẫn tiếp tục việc lùng bắt nó, đúng không? Thật ra việc nghĩ về những ví dụ ngớ ngẩn như vậy có thể khá hữu ích trong trường hợp này.

Đối với loại hành vi phá hoại này thì việc nghĩ về những bất lợi của việc giết muỗi và không  tha thứ cho chúng là điều hoàn toàn cần thiết. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là ta phải nuôi muỗi bằng máu của mình, nhưng phải cố sử dụng một phương pháp êm thắm để đối phó với chúng. Ta có thể chụp một cái lọ lên trên con muỗi, khi nó đậu trên tường, rồi để một mảnh giấy bịt lại cái lọ và đem nó ra khỏi phòng. Đó là một phương pháp rất thiết thực, nhưng phải cẩn thận là mình vẫn không tiếp tục chuyến đi săn. Chúng ta vẫn có thể có một cuộc săn bắt trong đầu, trong khi sử dụng cái lọ và mảnh giấy.

Thật ra thì tình huống này là đáng để phân tích. Có phải chúng ta đuổi muỗi ra khỏi phòng chỉ vì không muốn bị ngứa khi muỗi cắn, hay đang nghĩ về muỗi? Rõ ràng là mình đang làm cho con muỗi mất đi thức ăn. Nên suy xét là nếu cứ tiếp tục giết muỗi hay ruồi, hay bất cứ con gì thì ta đang vân tập thói quen gì? Tập khí mà ta đang vân tập là khi bất cứ điều gì làm mình khó chịu thì phản ứng đầu tiên của mình là giết nó. Xu hướng sẽ là sử dụng biện pháp bạo động để loại bỏ sự khó chịu, thay vì cố gắng sử dụng một biện pháp hòa giải. Thế thì khi bắt muỗi bằng cái lọ và tờ giấy thì ít nhất là đừng làm điều đó với lòng căm thù con muỗi. Không nên nghĩ rằng đó là một dạng sống không thể chấp nhận được, và ta phải diệt trừ nó, vì nó đã xâm chiếm không gian của mình.

Rồi thì đương nhiên là có những phương pháp tiên tiến hơn mà mình có thể áp dụng, chẳng hạn như thấy con muỗi này là mẹ của mình trong những kiếp trước, v.v... Nhưng đối với hầu hết chúng ta thì điều đó khá khó khăn để thực hiện một cách chân thành. Vấn đề là đối với một số điều nào đó thì mình sẽ thấy việc không hành xử một cách tiêu cực là đúng, nhưng đối với những điều khác thì ta phải thật sự có ý thức khẳng định lại động lực của mình.

Các Yếu Tố Kích Hoạt Chủng Tử Nghiệp Và Nghiệp Lực

Một điểm khác mà tôi muốn đề cập đến là các yếu tố cụ thể kích hoạt chủng tử nghiệp và nghiệp lực của mình, khiến cho chúng chín muồi. Chúng được thảo luận trong thập nhị nhân duyên về mặt các yếu tố kích hoạt nghiệp lực vào lúc chết. Những yếu tố này sẽ “đẩy” dòng tâm thức của mình vào một tái sinh trong tương lai.

Yếu tố đầu tiên của những yếu tố này là khoen ái. “Ái” là cách dịch thuật ngữ tiếng Tây Tạng cho khoen này, nhưng từ ngữ tiếng Phạn chánh gốc đối với chữ này thật ra có nghĩa là “khát khao”. Một yếu tố khác thường được dịch là “thủ”. Nó không phải là cách dịch rõ ràng nhất, vì có những thuật ngữ khác cũng thường được dịch là “chấp thủ”, như trong “chấp vào sự hiện hữu chân thật”, và nó không giống như các thuật ngữ khác. Từ này theo nghĩa đen là có nghĩa là “để đạt được điều gì”, hay “để lấy được thứ gì”. Tôi thích sử dụng chữ “người đạt được”. Đó là cảm xúc của người đạt được, hay thái độ của người đạt được, mà nếu được phát triển thì nó sẽ đạt được cho mình, hay đem lại cho mình một sự tái sinh trong tương lai. Mặc dù trong bối cảnh mười hai khoen thì những điều này được giải thích là cái sẽ kích hoạt phóng nghiệp cho một tái sinh trong tương lai, có những cách trình bày khác rằng chúng cũng kích hoạt nghiệp lực và chủng tử nghiệp của mình trong từng sát na.

Điều này khá phù hợp với chủ đề của mình về cách giáo lý về nghiệp có liên hệ đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trước hết, ái là gì? Sự khát khao ấy là gì? Đó là một tâm sở nhắm vào một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh nào đó mà ta cảm nhận, và tạo ra một vấn đề lớn; nó phóng đại điều này. Khi chú tâm vào hạnh phúc thì mình khao khát nó sẽ không kết thúc. Trong trường hợp bất hạnh hay khổ đau thì mình khát khao nó sẽ kết thúc. Đối với một cảm giác trung hòa thì điều này nói về điều mà ta trải nghiệm, khi nhập định trong những trạng thái cao hơn, cái gọi là “thiền na” (“dhyana”). Trong những trạng thái đó thì mình khao khát cảm giác trung hòa sẽ không suy giảm. Rõ ràng là mình có thể có sự khát khao và bám chấp ở những mức độ khác nhau.

Thủ nói về một danh sách các cảm xúc và thái độ phiền não. Một hay nhiều yếu tố trong số này, khi được kết hợp với ái, sẽ gây ra sự kích hoạt các nghiệp lực và chủng tử nghiệp của chúng ta. Điều quan trọng nhất trong danh sách này là việc xem bản thân mình như một cái “tôi” thật sự tồn tại, giống hệt với điều mình đang trải nghiệm trong các uẩn của mình như cơ thể, tâm trí, cảm xúc, v.v..., hay như người sở hữu thật sự tồn tại của nó là “của tôi”.

Tóm lại, ái tập trung vào một số cảm giác về một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh nào đó, rồi thái độ của thủ tập trung vào cái “tôi”, người đang trải nghiệm nó. Ngay cả khi không có sự hiểu biết về tính vô tự tánh của cảm xúc và vô tự tánh của “tôi”, ta vẫn có thể áp dụng sự phân tích về những gì kích hoạt nghiệp lực của mình trong cuộc sống hàng ngày. Trong mỗi sát na, mình đang cảm nhận một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh nào đó. Chúng ta vẫn có thể áp dụng giáo huấn về cái được gọi là “tám pháp thế gian” vào đó, chẳng hạn vậy.

Danh từ Tây Tạng được dịch là “thế gian” “jigten”(’jig rten) trong thuật ngữ “các pháp thế gian” được tạo thành từ hai âm tiết. “Ten” có nghĩa là nền tảng, và “jig” có nghĩa là một cái gì đó sụp đổ và diệt vong. Tám pháp thế gian hoặc tám mối bận tâm thế gian đề cập đến thái độ mà mình có đối với những điều luôn biến hoại xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta sẽ vui mừng hay hoàn toàn đau buồn trước những điều xảy ra trong cuộc sống mà thiếu một cơ sở ổn định, nên chỉ tạm bợ.

Trong trường hợp của những yếu tố kích hoạt nghiệp lực thì các pháp thế gian liên hệ đến là vui mừng khi cảm thấy hạnh phúc và buồn phiền khi không vui. Trong những trường hợp này thì cái gì có cơ sở không ổn định? Đó là niềm hạnh phúc hay bất hạnh mà mình cảm nhận. Vì thiếu một nền tảng ổn định, nên chúng chỉ tạm bợ. Tuy nhiên, vì xem chúng là chuyện lớn, như thể chúng tồn tại một cách vững chắc và nghĩ rằng chúng sẽ tồn tại mãi mãi, nên ta có phản ứng thái quá bằng cách vui mừng hay phiền muộn khi chúng xảy ra. Giống như một người khát nước chỉ được uống một ngụm nước thì chúng ta sẽ vui mừng khi được nếm trải hạnh phúc, và muốn chẳng bao giờ đánh mất nó. Và giống như một người khát nước vì không có nước để uống, ta sẽ buồn phiền khi cảm thấy không vui và mong muốn cảm giác ấy biến mất.

Bình Đẳng Với Cảm Giác Hạnh Phúc Và Bất Hạnh

Vị đạo sư Ấn Độ Tịch Thiên (Shantideva) xem những thái độ này là trẻ con. Cần phải khắc phục những phản ứng quá trẻ con này đối với niềm hạnh phúc hay bất hạnh mà mình cảm nhận. Để thực hiện điều này thì cần phải phát triển tâm bình đẳng. “Bình đẳng” nghĩa là không phản ứng thái quá với bất kỳ cảm giác hạnh phúc nào và vân vân mà mình cảm nhận, bởi vì, nói theo ngôn ngữ đơn giản thì bản chất của luân hồi là thăng trầm. Đôi khi, ta sẽ thấy hạnh phúc và đôi khi, ta sẽ thấy bất hạnh. Đó chỉ là điều tự nhiên. Và không có cách nào để dự đoán khi nào mình sẽ cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh. Tâm trạng của mình có thể thay đổi ngay lập tức mà không có lý do rõ ràng. Mức độ hạnh phúc hay bất hạnh mà mình trải nghiệm không nhất thiết phải cao lắm. Nó có thể ở mức rất thấp. Những từ ngữ chủ chốt ở đây là, dù mình có cảm thấy thế nào đi nữa thì điều đó “không có gì đặc biệt”.

Thật ra thì đó là một điểm rất sâu sắc. “Không có gì đặc biệt” có nghĩa là không có gì đáng ngạc nhiên, không có gì phi thường. Chúng ta mong đợi điều gì? Đương nhiên là mọi việc sẽ thăng trầm, nên không cần phải xem nó là chuyện lớn. Bất cứ điều gì mình trải nghiệm trong cuộc sống, đôi khi mình sẽ hạnh phúc và đôi khi thì không. Chắc chắn là ta nhận thức được khổ đau xuất phát từ hành vi phá hoại, và hạnh phúc xuất phát từ hành vi xây dựng, v.v..., nhưng không cần phải bám chấp vào những gì mình cảm nhận là thật tuyệt vời hay quá kinh khủng. Và chắc chắn là không cần phải bám lấy một cái “tôi” to lớn vững chắc, như là “tôi rất hạnh phúc”, hay “tội nghiệp cho tôi quá, tôi rất đau khổ”.

Rõ ràng thông thường thì chúng ta muốn được hạnh phúc và không muốn bất hạnh. Ngoài ra, thông thường đối với các pháp tu trong đạo Phật thì chúng ta hướng về giải thoát và giác ngộ, khi mà mình sẽ thoát khỏi bất hạnh và đau khổ. Nhưng chúng ta không xem đó là chuyện lớn. Đây là vấn đề. Điều này cho thấy sự phù hợp của giáo lý về nghiệp trong đời sống hàng ngày, và điều gì sẽ giúp cho ta bình an hơn. Tâm an lạc xuất phát từ sự bình thản đối với tâm trạng thay đổi thất thường, khi chúng ta trải qua mỗi một ngày, bởi vì đôi khi, mình sẽ thấy vui ve và đôi khi thì không vui vẻ một cách tự nhiên. Đó là một phần của luân hồi; là điều mình phải trông đợi. Chỉ cần tiếp tục tu tập bất kỳ pháp tu nào mà mình đang thực hành. Khi không thấy quá hạnh phúc ở bất kỳ thời điểm nào thì đã sao?

Những Thăng Trầm Trong Cuộc Sống

Điều này không có nghĩa là nên chấm dứt bất kỳ cảm giác nào, nên ngưng cảm nhận hạnh phúc hay không hạnh phúc, và trở thành một người vô cảm. Chắc chắn không phải như vậy. Hạnh phúc hay không hạnh phúc cũng được. Điều gì tốt đẹp xảy ra, nên ta cảm thấy vui vẻ. Một điều gì đó không tốt đẹp xảy ra thì ta thấy không vui. Ví dụ như chúng ta đến một nhà hàng và muốn gọi món ăn mình thích nhất, nhưng không có món đó nữa. Nhà hàng đã hết món đó và mình không vui lắm. Đó là điều đáng buồn, nhưng ta sẽ không làm lớn chuyện. Nếu không vui thì cũng được thôi, nhưng đừng bám vào đó và mắc kẹt trong một tâm trạng tồi tệ.

Có thể đó là một ví dụ ngớ ngẩn, nhưng một ví dụ phù hợp hơn là khi người thân qua đời. Tự nhiên mình sẽ thấy buồn và đau khổ. Điều đó không có gì sai trái. Trên thực tế thì không than khóc mới là không lành mạnh. Nhưng đừng bám vào nó và tự đồng hóa mình với nỗi buồn đó là bản thể thật sự của một cái “tôi” vững chắc, vô cùng đau khổ. Từ một quan điểm khác thì khi mình ở bên cạnh người nào và liên tục nói rằng, “Tôi rất hạnh phúc. Không phải là chúng ta đang có một thời gian tuyệt vời hay sao?”, điều này chỉ hủy hoại tâm trạng đó, đúng không? Chỉ cần trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta hạnh phúc hay không hạnh phúc, không có chuyện gì lớn, không có gì đặc biệt.

Cùng với tính bình đẳng này thì những thái độ và quan điểm khác mà chúng ta có thể trưởng dưỡng khi mình không vui, và mọi thứ trở nên tồi tệ, là xem xét những gì có thể là nguyên nhân gây ra điều đó. Như đã thảo luận, ta có thể khảo sát và thử tìm ra những lề thói, xem cách mình lặp đi lặp lại điều gì tương tự như vậy, và thay đổi nó.

Ba Cấp Độ Động Lực Trong Lam-rim, Đường Tu Tuần Tự

Một điều nữa mà tôi muốn đề cập đến liên quan đến ba cấp độ động lực được trình bày trong lam-rim, đường tu tuần tự. Nói chung, các giáo lý về nghiệp được trình bày trong phạm vi động lực sơ căn. Ta sẽ kềm chế hành vi tiêu cực, vì sợ hậu quả đau khổ mà mình sẽ phải trải qua, nếu như không kềm chế nó. Chúng ta không biết kết quả từ hành động của mình sẽ khiến cho người khác phải trải nghiệm điều gì. Chúng ta không thể đảm bảo hậu quả của những điều mình làm đối với tha nhân sẽ ra sao, nhưng từ phía tự thân thì ta thật sự không muốn nếm trải hậu quả khổ đau và bất hạnh mà mình sẽ gánh lấy, từ hành vi phá hoại của mình. Ta sợ hãi hay cảm thấy khiếp đảm về điều đó, nhưng lại thực hiện nó một cách thoải mái. Chúng ta không nói về nỗi sợ bị trừng phạt. Vấn đề là mình thật sự muốn tránh khổ đau và bất hạnh. Cụ thể hơn là muốn tránh nỗi khổ và bất hạnh trong những kiếp tương lai. Đây là động lực của phạm vi sơ căn.

Ở cấp độ trung căn, chúng ta muốn tránh tất cả các loại nghiệp, bởi vì mình muốn đạt được giải thoát. Nếu không thành tựu giải thoát thì những thăng trầm của hạnh phúc và đau khổ trong luân hồi cứ tiếp diễn mãi mãi. Điều đó thật là khủng khiếp.

Với động lực của phạm vi thượng căn thì chúng ta muốn kềm chế tất cả các loại nghiệp, bởi vì chúng thật sự ngăn trở khả năng giúp đỡ người khác. Làm sao mình có thể giúp đỡ người khác, nếu chúng ta liên tục trải qua những thăng trầm này, khi một số điều khá khó chịu liên tục xảy ra với mình? Ý tưởng chủ yếu là điều này sẽ có tác động tiêu cực đối với khả năng giúp đỡ người khác. Thật ra thì mình không nghĩ đến việc làm tổn thương người khác về mặt nhân đạo. Chúng ta đang nghĩ nhiều hơn về sự cản trở đối với khả năng để mình có thể giúp đỡ tha nhân.

Có một sự khác biệt lớn giữa thái độ của Phật giáo đối với hành vi đạo đức và cách tiếp cận nhân đạo của phương Tây, “Miễn là những điều tôi thực hiện không làm tổn thương bất cứ người nào là được rồi.”.  Không có gì sai trái với cách tiếp cận đó, ngoại trừ việc mình không thể đảm bảo tác động của hành vi của mình đối với người khác sẽ ra sao. Ví dụ, chúng ta có thể lấy cắp thứ gì của ai đó, và họ rất vui, vì tình trạng của nó rất tồi tệ, và họ có thể lãnh tiền bảo hiểm. Mặt khác, chúng ta có thể cho ai đó một khoản tiền lớn, nhưng họ lại bị cướp giật và bị sát hại.

Đương nhiên là mình sẽ phát tâm từ bi trong đạo Phật, và dĩ nhiên là mình không muốn làm hại người khác. Tuy nhiên, với phạm vi động lực thượng căn thì điểm nhấn mạnh chủ yếu là mình không muốn làm bất cứ điều gì có thể hạn chế khả năng giúp đỡ người khác. Loại động lực đó rất phù hợp với toàn bộ con đường tâm linh của nhà Phật, tu tập để hướng đến giác ngộ, và chúng ta đang cố giúp đỡ tha nhân một cách đầy đủ nhất theo khả năng của mình. Đây là điểm nhấn chính trong cuộc thảo luận về nghiệp trong đạo Phật.

Về mặt hành vi hàng ngày thì vai trò thích hợp của động lực Đại thừa này là làm tăng thêm sức mạnh cho việc trì giới. Nếu như hành xử một cách tiêu cực thì làm sao mình có thể thật sự giúp đỡ người khác? Chẳng hạn, nếu như luôn khoe khoang hay lừa gạt người khác thì không ai có thể tin tưởng mình. Rồi thì làm sao ta có thể thật sự giúp đỡ bất cứ ai? Cụ thể hơn, với tư cách là thầy, nếu ta đang kinh qua nghiệp chín dưới hình thức các học sinh đột nhiên rời bỏ mình, sử dụng ví dụ trước đây, thì làm sao ta có thể giúp đỡ họ? Học trò của chúng ta sẽ không bao giờ ở lại với mình. Họ sẽ luôn luôn ra đi. Rõ ràng là điều đó sẽ thúc đẩy ta một cách mạnh mẽ, để ngưng chỉ trích người khác và vân vân, thay thì vậy thì sẽ nói về những phẩm chất tốt đẹp của họ.

Hai Tâm Sở Có Mặt Với Hành Vi Xây Dựng

Có một điểm cuối cùng. Trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, Kho Tàng Tri Thức Đặc Biệt (Abhidharmakosha, the Treasure-House of Special Topics of Knowledge), đạo sư vĩ đại của Ấn Độ là Thế Thân (Vasubandhu) nói rằng có hai tâm sở luôn hiện diện với bất cứ hành vi xây dựng nào. Mặc dù Vô Trước (Asanga), trong bản văn của ngài, định nghĩa các tâm sở này theo cách khác, nhưng chúng ta cũng cần hiểu định nghĩa của Thế Thân. Tâm sở đầu tiên của những yếu tố này là tôn trọng những phẩm chất tốt đẹp và những ai có những phẩm chất ấy. Tâm sở thứ hai là kềm chế việc phá hoại vô liêm sỉ. “Vô liêm sỉ” có nghĩa là không quan tâm. Chúng ta sẽ không thực hiện bất kỳ sự tự chủ nào. Vì không quan tâm nên không kềm chế việc phá hoại chút nào. Ta chỉ làm bất cứ điều gì mình muốn làm.

Đối với hành vi xây dựng thì mình có thái độ ngược lại: chúng ta tôn trọng những phẩm chất tích cực và những người có những phẩm chất ấy, và áp dụng tính tự chủ. Hành vi của mình sẽ không bao giờ phá hoại một cách trơ trẽn; chúng ta quan tâm đến những gì mình nói và làm. Có lẽ điều này nhắc nhở chúng ta về việc “cảm thấy điều đó là đúng”.

Điều này cho thấy những gì mình cần nhấn mạnh và luôn nhắc nhở bản thân trong đời sống hàng ngày. Chúng ta cần phải tái khẳng định sự tôn trọng cao  cả đối với những phẩm chất tốt đẹp, như lòng kiên nhẫn và nhân từ, và đối với những người có phẩm chất đó. Họ là nguồn cảm hứng tuyệt vời. Ngoài ra, còn phải tái khẳng định rằng mình muốn áp dụng tính tự chủ và quan tâm đến những gì mình nói và làm, và không chỉ hành xử một cách hoàn toàn tiêu cực và khủng khiếp.

Lời Kết

Chúng ta đã bàn luận rất nhiều về nghiệp và cách mình có thể làm cho những giáo pháp này phù hợp với cuộc sống hàng ngày. Hãy dành một thời gian để tiếp thu cả hai yếu tố này. Nói tóm lại, về mặt hành xử một cách tích cực thì ta sẽ không làm điều đó chỉ dựa trên cơ sở là mình muốn làm một chàng trai tốt hay một cô gái tốt. Đó không phải là cơ sở. Thay vì vậy, ta sẽ hành động một cách tích cực trên cơ sở tôn trọng những phẩm chất tốt đẹp, và những người có những phẩm chất ấy, và cảm thấy việc kềm chế hành động tiêu cực một cách công khai, thiếu tự chủ nào là điều đúng đắn. Chúng ta chỉ cần thực hiện điều đó và hành động như vậy!

Top