Mật chú. Đối với một số người thì chữ này gợi lên hình ảnh của những âm tiết như ý kỳ diệu (wish-granting syllables). Người khác thì nghĩ về việc trì tụng mật chú như một hình thức cầu nguyện hay sùng mộ. Ngày nay, các đảng chánh trị và thương hiệu thương mãi quảng bá “mật chú” của họ dưới hình thức của các khẩu hiệu hấp dẫn. Tuy nhiên, không có điều nào trong số này là chủ ý của mật chú trong pháp tu nhà Phật. Trong đạo Phật, mật chú được sử dụng như những công cụ tinh vi, để giúp ta phát khởi và tập trung vào những tâm trạng hữu ích, như lòng bi mẫn với người khác, hay tư tưởng sáng suốt [Xem: Đạo Phật Là Gì?].
Mật chú là cụm từ của những từ ngữ và âm tiết được tụng đi tụng lại như một sự hỗ trợ cho việc chú tâm vào một tâm trạng ích lợi, để giúp tâm thoát khỏi những trạng thái tiêu cực.
Chữ mật chú trong tiếng Phạn được tạo thành từ gốc của nó, man, có nghĩa là “tâm thức”, với hậu tố -tra, nghĩa là “công cụ” - mô tả một cách chính xác loại “công cụ tâm thức” mà mật chú đóng vai trò trong đạo Phật. Chúng cũng được tìm thấy trong tất cả các truyền thống tâm linh Ấn Độ khác, và hơn thế nữa. Chẳng hạn như người Tây Tạng hiểu chúng như một hình thức “bảo vệ tâm thức” một công cụ để bảo vệ tâm trí thoát khỏi những tư tưởng và cảm xúc phiền não.
Khi được trì tụng bằng lời hay trong đầu, trong hay ngoài thời thiền thì mật chú giúp cho tâm ổn định và duy trì chánh niệm trong một trạng thái tích cực [Xem: Thiền Là Gì?]. Ở đây, chánh niệm đề cập đến một nhận thức đóng vai trò như chất keo tinh thần, cột tâm ý vào câu mật chú và tâm trạng liên quan với nó, không cho tâm bị tán loạn hay hôn trầm.
Ta có thể đi xa hơn với pháp tu mật chú, sử dụng nó để kết hợp lời nói với thân và tâm. Chẳng hạn, nếu như mình đi giúp đỡ hoặc an ủi ai, và muốn tạo ra cảm giác từ bi mạnh mẽ (mong cho họ thoát khỏi những vấn đề của họ), thì có thể tụng mật chú “om mani padme hum” (có lẽ là mật chú phổ biến nhất trong tất cả các mật chú trong đạo Phật) một cách nhẹ nhàng theo hơi thở, hay trong đầu. Điều này sẽ giúp ta tập trung vào lòng bi mẫn, và chuẩn bị để mình nói năng, cư xử một cách từ bi, trong khi cố gắng giúp đỡ người khác.
Một số mật chú chứa đựng những chữ tiếng Phạn, pha trộn với các âm tiết, trong khi một số chỉ chứa đựng các âm tiết. Các từ ngữ và âm tiết đại diện cho những khía cạnh khác nhau trong giáo lý nhà Phật, như trong ví dụ này về “om mani padme hum”:
- Om – âm tiết này được tạo thành từ ba âm a, u và m, đại diện cho thân, khẩu, ý được thành tựu qua giác ngộ, và thân, khẩu, ý tầm thường của chúng ta, mà trước tiên thì những khiếm khuyết của chúng phải được tịnh hóa.
- Mani– chữ này có nghĩa là “ngọc quý” và nó đề cập đến yếu tố đầu tiên, hay mặt phương tiện, trong hai yếu tố đem lại sự tịnh hóa nói trên. Trong bối cảnh này thì phương tiện là lòng bi, dựa vào đó mà mình có bồ đề tâm để đạt giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh càng nhiều càng tốt.
- Padme – chữ này có nghĩa là “hoa sen”, đại diện cho yếu tố thứ hai, trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Không tướng (tánh Không) là sự vắng bóng của những cách tồn tại bất khả dĩ. Thông thường thì mình phóng chiếu đủ điều vô nghĩa liên quan đến cách chúng ta, người khác và thế giới tồn tại như thế nào, nhưng những vọng tưởng này không tương ứng với thực tại. Chúng ta tin rằng những vọng tưởng này là đúng, rồi trở nên vị kỷ, và không thể phát triển lòng bi mẫn vị tha chân thành.
- Hum – âm tiết này chỉ tánh bất khả phân, ở đây là giữa phương tiện và trí tuệ, sẽ đem đến giác ngộ, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.
Tuy nhiên, mật chú này, giống như hầu hết những mật chú khác, có những mức độ ý nghĩa khác nhau. Thậm chí, người ta có thể làm cho việc tu tập lòng bi hiệu quả hơn nữa, bằng cách hướng bài thiền về những người có những vấn đề cụ thể, trong khi trì tụng mật chú [Xem: Lòng Bi Là Gì?]. Mỗi âm tiết tương quan với một nhóm phiền não chính:
- Om – tự hào và kiêu hãnh
- Ma – đố kỵ và ganh tỵ
- Ni – dục vọng, tham lam và luyến ái
- Pad – vô minh và bướng bỉnh cố chấp
- Me – keo kiệt và bủn xỉn
- Hum – thù địch và sân hận
Rồi một bước xa hơn nữa là khai triển tâm bi nhiều hơn nữa, bằng cách duy trì chánh niệm về lục độ ba la mật (sáu thái độ sâu rộng), cũng tương quan với sáu âm tiết:
- Om – bố thí
- Ma – trì giới
- Ni – nhẫn nhục
- Pad – tinh tấn
- Me – thiền định
- Hum – trí tuệ
Việc tụng đọc thần chú liên quan đến hơi thở, điều mà theo quan điểm nhà Phật, sẽ ảnh hưởng đến năng lượng vi tế trong cơ thể. Ngay cả việc niệm chú trong đầu cũng có thể ảnh hưởng đến những năng lượng này. Bằng cách tạo ra nhịp điệu đều đặn cho hơi thở và năng lượng vi tế thì việc trì tụng mật chú có thể làm cho những ý tưởng và cảm xúc phiền não lắng dịu, giúp cho ta bình tĩnh và giúp cho tâm nhạy bén hơn và sáng suốt hơn.
Một pháp tu mật chú cao cấp hơn là khi mình uốn nắn hơi thở và năng lượng vi tế, để tiếp cận với tâm vi tế nhất. Khi tâm vi tế này tập trung vào tánh Không thì sẽ trở thành một công cụ vô cùng mạnh mẽ, mạnh mẽ nhất, để đoạn trừ tất cả tâm vô minh và mê lầm về thực tại mãi mãi, và đưa ta đến giác ngộ. Vị thầy chánh của tôi, Tsenshap Serkong Rinpoche, thường nói rằng, “Có ba thứ mạnh mẽ nhất trên thế giới này, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, đó là y học, công nghệ và mật chú.”. Khi nói về mật chú thì ngài đang nói đến Tâm Kinh (The Heart Sutra) nói rằng trí tuệ ba la mật (trí bát nhã về tánh Không) là “thị vô thượng chú ... thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ.”.
Có các ứng dụng rộng rãi để hành trì mật chú trong đạo Phật. Trước hết thì mật chú điều chỉnh hơi thở và năng lượng vi tế, giúp cho tâm lắng dịu. Sau đó, nó giúp ta chú tâm vào tâm trạng hay cảm xúc tích cực, như lòng từ và lòng bi. Hơn nữa, mật chú sẽ giúp ta kết hợp và làm hài hòa thân, khẩu, ý. Cuối cùng, nhờ hành trì sâu sắc hơn thì mật chú sẽ giúp ta tiếp cận với tâm vi tế nhất, chú trọng vào tánh Không, đưa ta đến thành tựu giác ngộ thật sự vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.