Trong đạo Phật, vấn đề thực tại là gì là trọng tâm trong cách tiếp cận đời sống của con người. Có một sự khác biệt lớn giữa thế giới hiện tướng do tâm mình tạo ra và thế giới thực tại do luật nhân quả tạo ra. Khi nhầm lẫn điều thứ nhất với điều thứ hai, và tin rằng cách vạn pháp hiện ra đối với mình tương ứng với thực tại, thì ta sẽ tạo ra vấn đề và nỗi khổ cho tự thân và tha nhân. Nhưng không ai muốn bất hạnh và đau khổ; tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc. Đây là mục tiêu của tất cả đời sống, và về mặt này, tất cả chúng ta đều giống nhau – con người cũng như loài thú. Tất cả các đời sống đều phấn đấu vì phúc lạc và hạnh phúc; và tất cả các tôn giáo, cả những tôn giáo khẳng định có Thượng Đế, đấng sáng tạo và những tôn giáo không khẳng định điều này như Phật giáo và Kỳ Na giáo, cũng như tất cả các hệ thống thế tục, đều chia sẻ mục tiêu này, vì vậy, các tôn giáo này cung cấp những phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu chung.
Phật Giáo Nhấn Mạnh Về Việc Phân Tích Bằng Tính Hợp Lý
Cách tiếp cận của nhà Phật để đạt được mục tiêu chung này, đặc biệt là trong các truyền thống Ấn Độ-Tây Tạng, chú trọng vào việc phân tích cách mà vạn pháp hiện ra đối với chúng ta, và bằng cách sử dụng tính hợp lý và lý lẽ, để làm tan rã bất cứ hiện tướng giả dối nào mà tâm mình phóng chiếu ra. Sau đó, dựa vào việc nhìn thấy và chấp nhận thực tại, thì trọng tâm là sử dụng các phương pháp hợp lý, thực tế để đạt được mục tiêu hạnh phúc và phúc lạc này.
Trong thời đại hiện tại của chúng ta, cái gọi là thời đại “hậu-chân lý”, khi mà các lý thuyết âm mưu và thông tin sai lệch lan tràn khắp nơi, thì cách tiếp cận này rất quan trọng, bất kể tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng của chúng ta là gì. Đó là điều thiết yếu, ngay cả khi mình không theo tôn giáo nào cả. Do đó, trong đạo Phật, vấn đề về sự hiện hữu của Thượng Đế không phát sinh đối với mối quan tâm cốt yếu, đó là đem lại giải thoát cho tất cả chúng sinh, thoát khỏi nỗi khổ cứ tái diễn một cách vô tự chủ. Vì cả hai thế giới giả tướng và thế giới thực tại sinh khởi do nhân quả, nên mỗi thế giới đều bị tác động bằng nhân quả, do thái độ và hành vi của những người trải nghiệm chúng. Thế thì việc khắc phục nỗi khổ bằng cách tin vào thực tại của điều thứ nhất, và đem lại hạnh phúc bằng cách tin vào thực tại của điều thứ hai, chỉ có thể phát sinh dựa vào nỗ lực nhân quả của chính mình. Đây là niềm tin cốt yếu trong đạo Phật.
Về mặt thực tại, tất cả chúng ta đều sống trong cái có thể nói là “thực tại chân thật hay thật sự”, có thể được kiểm chứng bằng phương pháp khoa học, điều mà đạo Phật cũng đồng ý. Sau cùng thì Đức Phật đã dạy đừng chấp nhận những điều Ngài dạy bằng tín tâm, mà hãy khảo sát chúng như khi mua vàng. Do đó, trong đạo Phật, việc khảo sát và phân tích là phương pháp tối thượng để khám phá và kiểm chứng thực tại. Vấn đề sẽ phát sinh khi người ta tạo ra một thực tai khác, sai lầm và nhầm lẫn nó với những gì thật sự là chân lý. Chúng ta có thể thấy điều này xảy ra trong lãnh vực chính trị, nhưng đạo Phật nhìn hiện tượng này ở mức độ rộng lớn hơn, phổ quát hơn.
Thực Tại Sai Lầm Rằng Chúng Ta Đặc Biệt
Một thực tại sai lầm mà nhiều người tạo ra là họ đặc biệt theo cách nào đó. Điều này đưa đến thái độ tự cho mình là trung tâm vũ trụ, dựa vào đó mà ta nghĩ rằng bất cứ điều gì xảy ra với mình, đặc biệt là những điều tồi tệ, chỉ xảy ra với mình thôi. Chẳng hạn, ta cảm thấy mình là người duy nhất bị bệnh, mất việc làm, mất người thân, hay đối diện với cái chết. Làm sao Đức Phật giúp một người như vậy nhìn thấy thực tại? Hãy xem một ví dụ có thể giúp ta hiểu cách tiếp cận của đạo Phật.
Một lần nọ, một người mẹ mang đứa con đã qua đời đến gặp Đức Phật, và xin Ngài làm cho con của bà sống lại. Đức Phật đồng ý, nhưng trước tiên, bảo bà mang cho Ngài một hạt gạo từ một gia đình mà cái chết chưa bao giờ viếng thăm. Người phụ nữ đi khắp làng, từng nhà một, tìm một gia đình như vậy, nhưng chẳng bao lâu phát hiện ra nhà nào cũng có người chết, dù già hay trẻ. Khi nhận ra mình không đơn độc khi mất đi người thân yêu, cuối cùng, bà cũng hiểu và chấp nhận thực tại là cái chết xảy ra với tất cả mọi người. Nhờ vậy, bà đã có thể buông bỏ và để con mình được hỏa táng.
Khi đối mặt với tình huống khó khăn – có thể là nghiện ngập, ung thư, có con mắc hội chứng Down, v.v... – người ta thường cảm thấy cô đơn. Chúng ta nghĩ mình là người duy nhất đã từng gặp vấn đề này. Việc tin vào thực tại sai lầm như vậy sẽ dẫn đến việc cô lập bản thân về mặt cảm xúc đối với người khác, và đưa đến tình trạng rối loạn tinh thần nặng nề. Thực tại chân thật là có rất nhiều người khác phải đối diện với tình huống tương tự. Một cách để nhận ra thực tại này là tham gia một nhóm hỗ trợ dành cho những người có cùng cảnh ngộ. Điều này đã chứng minh một cách khoa học rằng việc tham gia vào những nhóm như vậy vô cùng lợi lạc cho việc giải quyết những vấn đề như vậy. Điều này rõ ràng là như vậy, bất kể khó khăn của mình là gì.
Thậm chí, không cần phải tham gia nhóm hỗ trợ để nhận ra mình không phải là người duy nhất phải đối phó với khó khăn mà mình đang đối mặt. Việc nhìn thấy thực tại này giúp ta mở rộng tầm nhìn, để bao gồm những người khác, và khi làm như vậy, ta sẽ nhận ra khi mình muốn khắc phục khó khăn và có được hạnh phúc, thì những người khác cũng vậy. Khi mình không muốn khổ, thì người khác cũng vậy. Điều này giúp ta phát triển tâm bi.
Tâm Bi
Lòng bi là mong muốn mọi người thoát khổ và bất hạnh, kể cả chính mình. Khi chỉ hẹp lượng nghĩ cho riêng mình, thì tinh thần sẽ thu hẹp lại, do đó giảm bớt năng lượng cảm xúc của mình. Chúng ta sẽ trải nghiệm sự xáo trộn này như tâm bồn chồn, khốn cùng và bất an. Việc mở lòng với tha nhân sẽ đoạn trừ hội chứng này. Lòng bi mẫn, cộng thêm việc nhận ra mình không đơn độc, sẽ giúp ta bình tĩnh lại. Điều này giúp ta thấy rõ hơn thực tại về hoàn cảnh của mình, và những biện pháp thực tế mà mình có thể thực hiện để giảm thiểu những vấn đề liên quan trong đó. Do đó, lòng bi sẽ giúp cho mình tự tin để đối phó với bất kỳ thử thách nào có thể xảy ra.
Suy cho cùng, là con người thì chúng ta là động vật xã hội. Đây là thực tại. Phúc lợi của chúng ta phụ thuộc vào người khác, khởi đầu từ thời thơ ấu và suốt cả đời. Tất cả mọi thứ mà chúng ta sử dụng hay tiêu thụ hàng ngày đều bắt nguồn từ công lao của người khác, và nếu như không có họ, thì chúng ta không thể tồn tại. Hơn nữa, đời sống của tất cả mọi người đều liên kết với nhau. Điều gì ảnh hưởng đến người dân ở một nơi trên thế giới, sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Những vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như khí hậu thay đổi và không chú trọng đủ đến điều mà Đức Dalai Lama gọi là “vệ sinh cảm xúc”, sẽ ảnh hưởng tất cả mọi người trên hành tinh này. Đây là thực tại. Do đó, cách tiếp cận toàn diện để giải quyết vấn đề, dựa trên mối quan tâm bi mẫn về phúc lợi của tất cả mọi người, là cách thực tiễn duy nhất để tiến tới việc đem lại hạnh phúc và phúc lạc mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Những điểm này và cách tiếp cận này không chỉ dành riêng cho đạo Phật, mà như Đức Dalai Lama đã nhấn mạnh, dựa trên lý lẽ thông thường và giá trị phổ quát.
Phá Vỡ Hiện Tướng Giả Dối
Tuy nhiên bây giờ, hãy nhìn vào cách tiếp cận riêng biệt của đạo Phật, để làm tan rã hiện tướng giả dối của thực tại sai lầm, mà khi mình tin vào chúng, thì sẽ tạo ra rắc rối và đau khổ cho mình và người khác.
Thật ra, vấn đề về hiện tướng giả dối và thực tại sai lầm có nhiều tầng lớp và khá phức tạp. Đạo Phật phân tích vấn đề bằng cách trước tiên phân loại các loại hiện tướng giả dối khác nhau mà ta có thể lầm tưởng là tương ứng với thực tại. Nguyên tắc đằng sau cách tiếp cận này là không thể giải quyết bất cứ vấn đề nào, nếu như trước tiên, mình không xác định và thấu hiểu nó.
Nói chung, một vài thực tại sai lầm dựa trên sự xuất hiện méo mó hay lừa dối về những gì có tồn tại, trong khi những thực tại khác chỉ thuần túy là sự phóng chiếu của ảo tưởng. Một số hiện tướng sai lầm là giác quan, nên được nhận thức bằng vô niệm, trong khi những hiện tướng khác hoàn toàn là khái niệm. Một số phát sinh dựa trên sự truyền bá từ các nguồn thông tin sai lệch, tạo ra sự hiểu lầm, trong khi một số khác thì tự động sinh khởi, chẳng hạn như những sự biến dạng xuất phát từ tập khí sân hận. Hãy khảo sát một vài biến dạng này.
Phá Vỡ Hiện Tướng Giác Quan Của Thực Tại Sai Lầm
Những hiện tướng giác quan sai lầm có thể phát sinh từ bốn nguồn khác nhau: sự phụ thuộc của chúng, đối tượng của chúng, hoàn cảnh mà chúng xảy ra và cận duyên của tâm thức phóng chiếu ra chúng:
- Sự phụ thuộc của một hiện tướng giác quan sai lầm là thiết bị nhận thức mà qua đó nó phát sinh và được nhận thức. Hiện tướng giác quan sai lầm có thể là sự biến dạng của những gì hiện hữu. Ví dụ, vì chứng loạn thị, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh mờ, và vì thính giác kém, nên ta có thể nghe những âm thanh không rõ rệt từ những người đang nói rõ. Những hiện tướng giác quan sai lầm này cũng có thể là điều không tồn tại. Ví dụ, sau khi bị cắt một phần trong tứ chi, ta vẫn có thể có cảm giác về một chi ảo, hay một vài cảm giác trong bộ phận giả thay thế cho chi đó.
- Những hiện tướng sai lầm bắt nguồn từ đối tượng bao gồm ảo ảnh quang học về các kiểu màu sắc và ánh sáng, khiến não bộ bối rối, cũng như những thứ như ngọn đuốc được quay nhanh sẽ hiện ra như vòng tròn ánh sáng.
- Những hiện tướng sai lầm từ các tình huống có thể do hoàn cảnh bên ngoài như sương mù hoặc bóng tối, hay có thể do hoàn cảnh của người nhận thức nó, chẳng hạn như họ đang ở trong xe lửa đang chạy và nhìn thấy các thứ bên ngoài có vẻ như đang đi ngược lại.
- Các hiện tướng sai lầm từ cận duyên của tâm thức có thể là ảo giác vì bị sốt, sử dụng ma túy hay sợ hãi.
Phương pháp mà đạo Phật sử dụng để chứng minh những hiện tướng giác quan sai lầm này không tương ứng với thực tế là dựa vào sự kiện rằng chúng mâu thuẫn với nhận thức giác quan xác thực của những người không trải qua những nguyên nhân lừa đảo như vậy. Khi đeo kiếng thì chúng ta không còn thấy cảnh trước mặt bị mờ nữa. Khi xe lửa dừng lại thì ta không còn thấy những thứ bên ngoài cửa sổ đi lùi lại nữa. Hơn nữa, cũng như phương pháp khoa học, nhận thức đúng đắn về thực tại cần phải được chứng thực và kiểm chứng bằng sự quan sát lặp đi lặp lại của nhiều người, không chỉ của bản thân mình và không chỉ một lần.
Không Tướng
Đạo Phật nói rất nhiều về Không tướng, thường được dịch là “tánh Không”. Không tướng nói về điều gì hoàn toàn vắng bóng, cụ thể là sự vắng bóng của bất cứ điều gì tương ứng với những hiện tướng giả dối này mà tâm thức mình tạo ra. Các pháp tồn tại, nhưng chúng không tồn tại theo cách sai lầm nào mà tâm thức mình làm cho chúng có vẻ tồn tại như vậy.
Ví dụ như một cây bên ngoài xe lửa đang chạy có tồn tại, nhưng cái cây mà chúng ta thấy như đang chạy lùi lại thì không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Không có cái gì gọi là cây chạy thụt lùi; nhưng điều này không có nghĩa là không có những thứ như cây cối. Như vậy, Không tướng không phải là đoạn kiến; nó không phủ nhận vạn pháp. Thậm chí, nó không phủ nhận sự thật là những hiện tướng giả dối như vậy phát sinh trong tâm trí con người, và người ta trải nghiệm việc nhận thức chúng và phản ứng dựa trên những điều họ trải nghiệm. Không tướng chỉ đơn thuần bác bỏ điều gì bất khả – cụ thể là một thực tại có thật tương ứng với hiện tướng giả dối, lừa đảo mà tâm mình tạo ra.
Phá Vỡ Hiện Tướng Khái Niệm Của Thực Tại Sai Lầm
Đối với việc làm tan rã và sửa sai các hiện tướng có khái niệm của thực tại giả dối, thì đạo Phật sử dụng phương pháp tương tự như phương pháp được sử dụng để làm tan rã các hiện tướng giác quan giả dối, vô niệm. Nếu như điều tương ứng với những hiện tướng như vậy được xem là mâu thuẫn với nhận thức xác thực, qua việc quan sát hay tính hợp lý, thì những hiện tướng đó là thực tại giả dối. Những hiện tướng giả dối như vậy khác nhau từ thô đến cực kỳ vi tế, và phải được đoạn trừ từng lớp một, giống như bóc vỏ củ hành. Nhưng trước tiên, chúng ta cần phải hiểu nhận thức khái niệm là gì.
Ví Dụ Về Một Người Bạn
Một nhận thức khái niệm chỉ thuần túy về mặt tinh thần, và xảy ra qua phương tiện của một phạm trù. Ví dụ như chúng ta có phạm trù khái niệm về “một người bạn”, với định nghĩa tự điển về bạn bè là gì, hay có thể là ý tưởng riêng của mình đối với định nghĩa đó. Theo thuật ngữ Tây phương thì chúng ta sẽ nói rằng mình có một “ý tưởng” thế nào là một người bạn, thật ra là một “ý tưởng cố định”. Nếu được yêu cầu nghĩ về một người bạn, thì ta có thể đại diện phạm trù đó bằng một tâm ảnh trong đầu, giống như hình ảnh ba chiều trong tâm trí, về một người phù hợp với mô tả đó – một người bạn tốt lý tưởng. Tâm ảnh ba chiều có thể không phải là tâm ảnh về một người bạn cụ thể mà mình có, và thậm chí có thể nó không phải là tâm ảnh rõ ràng, mà giống như một cảm giác, hay thậm chí chỉ là sự đại diện trong tâm trí về âm thanh của chữ “bạn”.
Hãy xem cách nhận thức thông qua khái niệm về một người bạn như vậy diễn ra như thế nào. Khi gặp một người mà mình xem là bạn, và thấy họ làm hoặc nói điều gì không được hoan nghênh, chẳng hạn như không làm điều gì ta yêu cầu, thì mình cảm thấy không vui và có thể giận họ. Khi bị thúc đẩy vì sự tức giận đó, ta có thể nặng lời trách mắng họ. Nếu như phân tích phản ứng của mình đã phát sinh như thế nào, thì đó là vì ta đã nhận thức người bạn này theo khái niệm thông qua phạm trù mà mình có về bạn bè, và một người bạn tốt nên là người như thế nào và nên làm gì. Bởi vì họ không phù hợp với phạm trù đó trong lúc này, nên không đáp ứng mong đợi của mình, và ta đã phản ứng bằng cách không vui và bực bội. Rồi khi bị những tập khí xấu lấn át, ta sẽ nói những điều bốc đồng mà sau này, mình có thể hối tiếc.
Để khắc phục hay tránh cách phản ứng bốc đồng này, ta phải nhận ra tuy người này là bạn, nhưng tâm ảnh của mình về một người bạn lý tưởng - một người luôn đáp ứng mong đợi của mình, trên thực tế, là điều dựa trên cách mình định nghĩa “bạn bè” - không tương ứng với bất cứ người nào có thật. Với nhận thức này trong tâm trí, ta có thể làm tan rã tình huống này ở nhiều cấp độ, nhờ vậy mà không nổi giận, hay thậm chí không thất vọng với bạn mình; hoặc ít nhất thì ta có thể tiết chế và mau hết giận, nếu cơn giận đã phát sinh. Nếu muốn làm được điều này, thì phải phân tích bất cứ hiện tướng sai lầm nào mà tâm mình đã tạo ra và khám phá ra thực tại là điều gì đã xảy ra.
Trước tiên, ở mức độ cơ bản nhất, cần phải điều tra xem thông tin của mình có chính xác hay không. Có phải thật sự họ đã không thực hiện điều mình yêu cầu, hay chỉ không báo cho mình hay, hoặc đơn thuần mình không chú ý hay nhận ra những điều họ đã làm? Để khắc phục sự hiểu lầm và cáo buộc sai lầm, cần phải xem xét bằng chứng. Đây là phương pháp tương tự được sử dụng trong các phiên tòa pháp lý, để tránh lời buộc tội sai lầm.
Nếu như trên thực tế, họ không làm những điều mình yêu cầu, thì tiếp theo, chúng ta phải xem xét lý do tại sao. Hiện tướng khái niệm mà tâm mình tạo ra là họ không phải là bạn tốt, bởi vì trong trí tưởng tượng của chúng ta, dường như việc trở thành bạn tốt được thiết lập bằng đặc điểm xác định về một người bạn tốt được tìm thấy từ phía người đó. Ở đây, một trong những đặc điểm xác định về một người bạn tốt mà mình đã tạo nên là một người luôn ở bên mình và luôn luôn làm những điều mình nhờ vả. Nhưng đây có phải là đặc điểm xác định hợp lý không?
Khi phân tích vấn đề thì ta sẽ nhận ra hành vi của con người phát sinh dựa trên nhân duyên. Nó không bị chi phối bởi một số đặc điểm xác định có thể tìm thấy bên trong con người họ, để xác định hành vi của họ, không cần biết đó là hoàn cảnh nào. Đó là điều bất khả; nếu không thì tất cả mọi người, kể cả chúng ta, sẽ luôn luôn nhất quán trong hành vi của mình, không cần biết đó là hoàn cảnh nào. Ví dụ, mình sẽ luôn đến đúng giờ, ngay cả khi bị kẹt xe vì tai nạn xảy ra trên đường. Bằng chứng, thậm chí chỉ từ kinh nghiệm cá nhân của mình, rõ ràng là mâu thuẫn với kỳ vọng rằng hành vi của bất cứ người nào sẽ luôn luôn giống nhau, và không bị ảnh hưởng vì nhân duyên.
Để đi đến thực tại về tình huống và làm tan rã bất cứ thực tại sai lầm nào mà có thể tâm mình đã tạo ra – giống như họ không làm những điều ta nhờ vả, vì không thích mình, và không còn là bạn của mình nữa – rồi thì mình chỉ cần hỏi người bạn này tại sao họ không làm điều mình nhờ vả. Có thể có rất nhiều tình huống khiến họ không làm theo mong muốn của mình. Họ có thể giải thích là họ quá bận rộn hay quá căng thẳng, hoặc có những việc khẩn cấp hơn xảy ra, hay họ buồn phiền về điều gì đó, hoặc bị bệnh, hay đơn giản là đã quên, hoặc vì lười biếng nên cứ trì hoãn việc này. Thậm chí, có thể họ nghĩ rằng, dù đúng hay sai, những điều ta yêu cầu không hợp lý, nên bực bội với mình, bỏ mặc yêu cầu của mình. Khi phân tích sâu hơn, ta sẽ phát hiện ra mỗi một lý do này tự nó đã phát sinh vì nhiều nhân duyên. Chẳng hạn như họ quá bận rộn và căng thẳng vì có rất nhiều việc khẩn cấp trong công việc của họ, và họ phải hoàn thành đúng hạn.
Rồi thì thực tại về điều gì đã xảy ra là họ không thực hiển điều mà ta nhờ vả, điều mà nhà Phật gọi là “một sự kiện duyên khởi”. Nó phát sinh dựa vào nhiều nhân duyên, và không phải vì một số đặc tính xác định có thể tìm thấy từ phía họ, bằng tự lực của họ, khiến họ trở thành một “người bạn xấu”. Hơn nữa, không phải vì họ là “bạn xấu” một cách cố hữu, tự thiết lập, nên không phù hợp với khái niệm và ý tưởng của mình về thế nào là bạn tốt. Đó là vì khái niệm của chúng ta về bạn tốt dựa trên đặc điểm xác định không hợp lý, vì vậy nên không có ai phù hợp với phạm trù này. Tâm ảnh mà mình có về bạn tốt không tương ứng với bất cứ người thật nào.
Sự vắng mặt của bất kỳ điều gì tương ứng với hiện tướng giả dối này là tánh Không của hiện tướng. Khi chú tâm vào tánh Không đó – vào sự thật là không có điều gì như vậy – thì hiện tướng giả dối không còn phát sinh nữa. Ngay cả khi gặp lại người bạn này, dù tánh Không đó không còn xuất hiện nữa, nhưng ta phải duy trì chánh niệm về nó, trong khi quan sát họ với sự hiểu biết về bản chất duyên sinh của hành vi của họ. Nhờ vậy mà ta không sân hận, hay tiếp tục tức giận nữa, và sẽ đối phó với tình huống một cách bình tĩnh, hợp lý và bi mẫn.
Nếu họ không thể thực hiên điều mình nhờ vả vì tình huống khẩn cấp hay căng thẳng trong công việc hay đời tư, thì ta sẽ bày tỏ lòng trắc ẩn và đồng cảm, mong họ thoát khỏi khó khăn. Nếu họ chỉ bị chi phối vì lười biếng, thì ta cũng tỏ lòng trắc ẩn, mong họ khắc phục điều này, và cho họ lời khuyên để khắc phục lười biếng. Nếu họ thấy yêu cầu của mình không hợp lý, thì ta sẽ xem xét tại sao. Nếu yêu cầu của mình không hợp lý hay có vẻ là một sự đòi hỏi trên thực tế, thì ta sẽ xin lỗi và không đưa ra những yêu cầu hay đòi hỏi bất hợp lý. Nếu họ thấy điều đó không hợp lý vì định nghĩa của họ về điều hợp lý mà họ mong đợi từ một người bạn, thì ta sẽ tôn trọng quan điểm này và bàn bạc với họ để có thể tìm ra một định nghĩa mà hai bên đều thỏa thuận. Tất cả các phương pháp này đều giống với cách mà nói chung, các nhân viên hòa giải sẽ sử dụng để giải quyết xung đột.
Ví Dụ Về Người Bị Ung Thư
Phân tích ở trên về những hiện tướng khái niệm sai lầm giúp ta hiểu ví dụ được trích dẫn trước đó về việc tưởng tượng và tin rằng mình là người duy nhất gặp khó khăn trong đời sống, chẳng hạn như bị ung thư. Trong ví dụ này, chúng ta có khái niệm về một người mắc bệnh ung thư, và lúc đầu, thậm chí ta không muốn thừa nhận mình thuộc loại này. Chúng ta sống trong phủ nhận. Nhưng khi mình mắc bệnh ung thư, thì rõ ràng việc mình là người không thuộc về nhóm người mắc bệnh ung thư là thực tại sai lầm.
Tuy nhiên, giả sử như cuối cùng ta thừa nhận mình thuộc về phạm trù này. Nếu ta tạo ra thực tại sai lầm rằng mình là ví dụ duy nhất về một người như vậy, thì ngay cả khi biết thực tại này không phải là sự thật, mình vẫn có thể đồng tình với nó, và kết quả là cảm thấy bị cô lập và đắm chìm trong sự tủi thân và trầm cảm. Nhưng khi mở rộng ý thức của mình và bao gồm tất cả những người khác nằm trong phạm trù này, dù là nhờ việc tham gia nhóm hỗ trợ bệnh ung thư, hay chỉ bằng sự phân tích của riêng mình, ta sẽ giúp cho bản thân buông bỏ thực tại sai lầm mà mình đã tạo ra. Nếu chúng ta tiếp tục phát triển lòng bi đối với tất cả bệnh nhân bị ung thư, thì cũng có thể chấm dứt sự tủi thân và trầm cảm.
Ta sẽ tạo ra một thực tế sai lầm hơn nữa, nếu như bổ sung thêm vào trong phạm trù này người nào mắc bệnh ung thư cũng có đặc điểm xác định là chắc chắn sẽ chết vì căn bệnh này. Việc tin rằng mình và tất cả những người khác mắc bệnh ung thư đều thuộc về phạm trù này sẽ gia tăng thêm yếu tố sợ hãi đối với kinh nghiệm của mình về căn bệnh này. Ta có thể phủ nhận đặc điểm xác định không thích hợp này bằng cách kiểm tra số liệu thống kê liên quan đến những người sống sót sau khi bị ung thư. Chứng cớ có thể kiểm chứng được sẽ mâu thuẫn với niềm tin sai lầm của mình.
Hai Khía Cạnh Của Hiện Tướng Và Hai Khía Cạnh Của Thực Tại
Thậm chí đạo Phật còn đi sâu hơn về việc phân tích thực tại giả dối và thực tại chân thật. Đối với vấn đề này, đạo Phật khẳng định hai khía cạnh đối với mỗi một trong hai thực tại này. Có sự xuất hiện của điều gì là gì, và thực tại chân thật của nó là gì. Rồi thì có sự xuất hiện của cách mà điều gì tồn tại - về cả hai yếu tố nó là gì, và như đối tượng được tri giác một cách xác thực nói chung - được thiết lập và thực tại chân thật về cách nó được thiết lập. Hai khía cạnh này của mỗi một trong hai thực tại là điều bất khả phân; chúng luôn luôn xuất hiện với nhau.
Hơn nữa, cả hai khía cạnh của thế giới hiện tướng đều có thể chính xác, trong trường hợp này thì chúng sẽ tương ứng với hai khía cạnh giống nhau bất khả phân của thực tại chân thật; hoặc có thể không chính xác, trong trường hợp này thì chúng không tương ứng. Ví dụ, nếu như mình có một căn bệnh, thì việc nó là ung thư có thể đúng, và việc nó chỉ là bệnh nhiễm trùng thì không đúng. Sự tồn tại của nó đã được xác định là ung thư hay nhiễm trùng là chính xác, nếu nó đã được xác lập và chứng thực là đã phát sinh dựa vào nhân duyên, dựa vào quy ước rằng những triệu chứng như vậy và như vậy là đặc điểm xác định của bệnh ung thư hay nhiễm trùng. Cách không chính xác là vì điều gì đó có thể tìm thấy từ phía căn bệnh, mà tự lực của nó khiến nó trở thành bệnh ung thư hay nhiễm trùng, không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào khác. Điều này thường xảy ra với những người mắc chứng lo âu bất thường về sức khỏe, khi họ tin rằng mình bị bệnh và mắc bệnh ung thư, chỉ vì họ nghĩ như vậy.
Phá Vỡ Hiện Tướng Sai Lầm Về Bản Ngã
Tuy nhiên, hãy xem xét một ví dụ sâu sắc hơn, đặc trưng hơn trong nhà Phật, đó là ví dụ về bản ngã, cái mà chúng ta gọi là “tôi”. Theo đạo Phật thì có một thứ gọi là bản ngã, “tôi”. Khi tôi bị bệnh, có vẻ như là “tôi” là người bị bệnh, đó là hiện tướng chính xác của người bị bệnh. Không phải “bạn” bị bệnh, hay không có ai bị bệnh. Suy nghĩ theo một trong hai cách này là tin vào một thực tại sai lầm. Nhưng bản ngã này là gì, người này được gọi là “tôi”, và sự tồn tại của nó được thiết lập ra sao?
Theo đạo Phật thì bản ngã là một hiện tượng cá nhân, biến đổi liên tục, không phải là hiện tượng vật chất, cũng không phải là cách nhận thức điều gì. Về vấn đề này thì giống như tuổi tác. Đôi khi, nó được gọi là “hiện tượng quy gán.” Điều đó có nghĩa là cả hai bản ngã hay tuổi tác đều không thể tự tồn tại, mà là loại hiện tượng luôn bị ràng buộc, do đó phụ thuộc vào điều gì khác. Tuổi tác luôn gắn liền với một đối tượng; nó phải là tuổi của thứ gì đó. Tương tự như vậy, một bản ngã luôn gắn liền với một cá nhân, dòng tương tục luôn biến đổi của một cơ thể sống và một tâm thức đang hoạt động trên nền tảng vật chất của cơ thể đó. Nói cách khác thì bản ngã là cá nhân, được trải nghiệm một cách chủ quan như là “tôi”, tồn tại một cách phụ thuộc đối với dòng tương tục đó là nền tảng của nó.
Đạo Phật còn khẳng định thêm là mỗi một bản ngã cá nhân tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác, vô thủy vô chung, thay đổi nền tảng thô trọng mà nó bị ràng buộc trong mỗi kiếp sống. Nhưng ngay cả giữa các kiếp sống, nó được gắn liền với một nền tảng - cụ thể là tâm cực kỳ vi tế và khí trợ sinh.
Trên thực tế, khi phân tích nhân và quả thì tâm cực kỳ vi tế, khí trợ sinh cực kỳ vi tế và bản ngã là những điều vô thủy vô chung, là kết luận hợp lý. Điều gì biến đổi trong từng sát na thì không thể phát sinh từ hư vô, không có tác nhân, và bất cứ nhân nào mà từ đó nó phát sinh cũng phải biến đổi theo từng sát na, để phát sinh ra nó. Điều đó có nghĩa là bất cứ nhân nào như vậy phải chịu sự tác động của những duyên trước đó để phát sinh ra bất cứ điều gì. Hơn nữa, chỉ có điều gì thuộc về cùng một phạm trù của hiện tượng đó mới có thể chuyển hóa và phát sinh ra điều khác trong cùng một phạm trù theo trình tự. Tâm sân không thể chuyển hóa thành mầm, mà chỉ hạt giống mới có thể trở thành mầm. Vì vậy, chỉ một khoảnh khắc trước của tâm vi tế nhất, khí trợ sinh vi tế nhất và một bản ngã riêng rẽ gắn liền với chúng mới có thể phát sinh ra khoảnh khắc đầu tiên của chúng trong kiếp sau.
Đây là một vài điểm hợp lý phát sinh trong pháp phân tích của nhà Phật về việc tạo ra không chỉ vật chất và năng lượng, mà còn cả ý thức và bản ngã, bởi một Thượng đế toàn năng hay Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Một sự khởi đầu tuyệt đối, từ hư không, của bất cứ điều gì biến đổi từ sát na này đến sát na khác sẽ mâu thuẫn với lý lẽ. Việc khẳng định đó là điều khả dĩ là điều bí ẩn ngoài tầm hiểu biết của chúng ta thì không phù hợp với các nguyên tắc trong nhà Phật.
Khi phân tích sâu hơn, ta sẽ thấy bản ngã không đồng nhất với nền tảng của nó, cũng không hoàn toàn tách biệt và không liên quan đến nền tảng của nó. Chúng ta đang tin vào một thực tại sai lầm, khi nhận diện với, chẳng hạn như cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung của mình, trong khi thật ra thì mình già nua và mắc bệnh ung thư, hoặc khi ta không chấp nhận rằng căn bệnh ung thư được chẩn đoán cho mình không xảy ra đối với “mình”.
Hơn nữa, vì không phải là hình thức của hiện tượng vật chất, nên cái tôi không có hình tướng riêng của nó, nên không thể được nhận thức mà không có một vài khía cạnh về nền tảng của nó cũng xuất hiện, đồng thời được nhận thức. Tôi không thể nhìn thấy chính mình, nếu không thấy một phần cơ thể của tôi; tôi không thể nghĩ về bản thân mà ít nhất là không nghĩ đến âm thanh “tôi” trong tâm mình. Tôi không thể chỉ “hiểu biết về chính mình” một cách độc lập với việc hiểu biết điều gì đó về bản thân. Tuy nhiên, dù có nhận thức hay nghĩ về tự thân hay không, thì tôi không bao giờ ngưng tồn tại. Nhận thức hay suy nghĩ của tôi về bản thân không tạo ra tôi.
Làm thế nào để thiết lập rằng có một thứ như bản ngã, một cá nhân gọi là “tôi”? Nếu mổ xẻ cơ thể, bộ não hay ý thức, thì không thể tìm thấy bản ngã. Thậm chí không thể tìm thấy một đặc điểm xác định, trong chính bản ngã hay trong bất cứ phần nào trong nền tảng của nó, mà từ chính phía nó là đặc điểm xác định của một bản ngã, độc lập với việc nó được chỉ định là đặc điểm xác định của một bản ngã.
Định Danh Tinh Thần
Hãy phân tích điều này kỹ hơn. Tất cả chúng ta đều có khái niệm về một bản ngã mà mình chỉ định bằng chữ “tôi”. Khái niệm này tự động phát sinh như một phạm trù, bất cứ lúc nào mình nghĩ đến bất cứ ý nghĩ nào có sự thể hiện tinh thần về âm thanh của chữ “tôi” hoặc “mình”, chẳng hạn như khi xem một loạt ảnh về đời mình, và nghĩ về mỗi một tấm ảnh, "Đó là mình.". Mỗi âm thanh tinh thần “mình” này là một khái niệm đại diện của phạm trù “mình” đó.
Như đã đề cập trước đây, mọi hiện tướng đều có hai khía cạnh: chúng có vẻ là gì, và cách chúng có vẻ được thiết lập như hiện hữu. Hãy nhớ rằng, cả hai khía cạnh đều không thể tách rời nhau. Khi nghĩ về tất cả những bức ảnh đó như “Đó là mình”, điều đó có thể chính xác hay không chính xác khi mỗi một ý tưởng bằng lời nói “mình” thật sự ám chỉ mình chứ không phải anh chị em của mình, những người trông rất giống mình, khi chúng ta là trẻ thơ. Nhưng còn cách những cái “mình” đó được thiết lập như hiện hữu thì sao?
Ở mức thô thiển nhất, có vẻ như cái “mình” xuất hiện trong mỗi tấm hình đó luôn là cái “mình” đã có mặt trong suốt đời tôi, mà không hề bị ảnh hưởng vì những điều đã xảy ra, bất kể về thành phần nào hay giai đoạn nào trong đời, và sẽ tiếp tục như vậy cho đến hết kiếp này và mãi mãi về sau, không phụ thuộc vào cơ thể hay tâm thức. Nhưng khi phân tích thì ta sẽ nhận ra điều đó không có ý nghĩa gì cả. Có thể ta đã được dạy là mình tồn tại như vậy, nhưng nó không tương ứng với thực tế. Không có bản ngã nào được thiết lập như cách tồn tại như vậy. Có một sự trống rỗng về một bản ngã như vậy.
Ở mức độ vi tế hơn, điều tự động phát sinh, có vẻ như khi tôi chỉ nghĩ về “mình”, sau khi xem những bức ảnh này, rằng tôi có thể nghĩ về “mình” mà đồng thời không nghĩ về nền tảng nào dành cho “mình”, ngay cả khi đó là chỉ là âm thanh tinh thần của chữ “mình”. Một bản ngã có thể xuất hiện và được nghĩ đến riêng mình nó là điều bất khả. Không có điều gì như vậy.
Ở mức độ thậm chí còn vi tế hơn, khi nhìn vào những bức ảnh cũ mà tâm thức quy gán là phạm trù “mình”, được đại diện bằng âm thanh tinh thần “mình”, trên cơ sở của mỗi bức ảnh đó. Trên thực tế, nếu tất cả những bức ảnh này thật sự là về mình, thì việc tâm ta quy gán chúng là ảnh của “mình” sẽ tương ứng với thực tế, vậy thì điều gì thiết lập chúng đều là “mình”? Chúng có vẻ là “mình”, nhưng làm thế nào để chứng minh điều đó?
Khi phân tích từng bức ảnh, ta không thể tìm ra bất cứ đặc điểm xác định bất biến nào có mặt trong mỗi bức ảnh mà bằng tự lực của nó, sẽ thiết lập hay chứng minh rằng người trong ảnh là “mình”. Mỗi bức ảnh trông khác nhau. Chúng ta chỉ định mỗi tấm ảnh đó là “mình” một cách đồng đều, nhưng không có thực thể “mình” bất biến nào có thể tìm thấy, đã được chụp hình và tương ứng với mỗi một âm thanh tinh thần “mình” một cách đồng đều. Vậy thì ai đã được chụp hình trong mỗi tấm ảnh đó? Thông thường, ta sẽ phải trả lời là “tôi”.
Còn điều gì xác lập rằng tất cả đều là hình của “mình”, thì được xác lập hoặc chứng minh chỉ bằng mãnh lực của việc chúng được quy gán và chỉ định trong tâm thức là “mình”, và không mâu thuẫn với điều mà những người quen biết mình trong đời có thể chứng thực. Con người “mình” chỉ đơn thuần là điều mà phạm trù và chữ “mình” đề cập đến, trên cơ sở tất cả những bức ảnh này, mà không có một cái “mình” có thể được tìm thấy đằng sau mỗi bức ảnh, tương ứng với điều mà chúng được gọi là “mình” có vẻ gợi ý. Sự hoàn toàn vắng bóng của một thực thể có thể được tìm thấy như vậy với một đặc tính xác định có thể được tìm thấy sẽ hỗ trợ cho nhận thức về một bản ngã, ngay cả những nhận thức giác quan vô niệm, là tri kiến sâu sắc nhất về tánh Không.
Nhưng tánh Không chỉ là một khía cạnh của thực tại, bởi vì tất cả chúng ta đều hiện hữu, và luật nhân quả có vận hành. Thế thì sự tồn tại quy ước của vạn pháp có thể được tri giác một cách xác thực, sinh khởi dựa vào nhau, dựa vào nhân, duyên, các thành phần và điều mà khái niệm và từ ngữ dành cho chúng đề cập đến. Với sự phân tích này về thực tại giả và thật, đạo Phật không cần phải nói đến vai trò của Thượng Đế sáng tạo.
Tóm Tắt
Tóm lại, cách tiếp cận của đạo Phật để phân biệt giữa thực tại và ảo tưởng là dựa vào phân tích hợp lý và lý lẽ. Con đường đưa đến hạnh phúc và phúc lạc của tất cả mọi người phụ thuộc vào việc tất cả đều nhìn thấy và chấp nhận thực tại, bằng cách hợp tác với nhau, tìm ra và áp dụng những phương pháp thực tiễn để giải quyết các vấn đề phổ quát đang tạo ra khó khăn cho tất cả chúng ta. Xin cảm ơn.