Không tướng (Phạn ngữ: shunyata), thường được biết thông dụng hơn như “tánh Không” trong tiếng Anh, là một trong những tuệ giác chính của Đức Phật. Ngài đã chứng ngộ rằng nguồn gốc sâu xa nhất tạo ra vấn đề trong đời sống của mọi người là vô minh về cách họ, người khác và vạn pháp tồn tại. Tâm họ phóng chiếu những cách tồn tại bất khả vào vạn pháp. Vì không ý thức rằng những gì họ phóng tưởng không tương ứng với thực tại, nên người ta tạo ra vấn đề và nỗi khổ cho chính mình, vì vô mình. Ví dụ, nếu như cho rằng mình là kẻ thua cuộc, và dù có làm gì đi nữa thì mình sẽ không bao giờ thành công trong cuộc sống, thì mình không chỉ bị trầm cảm với lòng tự ti, mà còn thiếu tự tin, thậm chí có thể bỏ cuộc và không cố gắng cải thiện bản thân. Ta sẽ tự đặt mình ở một vị trí thấp kém trong cuộc sống.
Tánh Không có nghĩa là sự vắng mặt hoàn toàn, sự vắng bóng của một cách tồn tại tương ứng với những gì mình phóng tưởng theo bản năng. Chúng ta bắt buộc phải phóng chiếu chúng, vì tập khí sâu dày của việc tin rằng những ảo tưởng trong trí tưởng tượng của mình là thực tại. Ví dụ như, “kẻ thua cuộc” chỉ là một từ ngữ và khái niệm. Khi chúng ta tự gán cho mình khái niệm về “một kẻ thua cuộc”, và chỉ định bản thân với từ ngữ hay cái tên “kẻ thua cuộc”, thì cần phải nhận ra rằng đây chỉ là những quy ước. Có thể đúng là mình đã thất bại nhiều lần trong đời, hoặc có thể không thất bại, nhưng vì chủ nghĩa cầu toàn nên ta thấy mình thất bại, vì chưa đủ tốt. Trong cả hai trường hợp thì rất nhiều điều đã xảy ra trong cuộc sống, bên cạnh những thành công và thất bại. Nhưng ta sẽ tự nhốt mình trong một chiếc hộp được gọi là “kẻ thua cuộc”, bằng cách dán nhãn cho mình là kẻ thua cuộc, và tin rằng mình thật sự tồn tại như một người trong chiếc hộp này. Trên thực tế, ta tưởng tượng rằng có một cái gì đó sai lầm hay xấu xa một cách cố hữu về bản thân mình, nên nó chắc chắn đặt mình trong chiếc hộp này. Nó đặt mình trong chiếc hộp này bằng tự lực của nó, độc lập với bất kỳ điều gì khác mà mình đã thực hiện trong đời sống, hay điều gì mà người khác nghĩ.
Cách tồn tại này như người mắc kẹt trong chiếc hộp của những kẻ thua cuộc, và đáng để ở trong đó hoàn toàn là một ảo tưởng. Nó không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Không có ai bị mắc kẹt trong cái hộp cả. Sự tồn tại của mình như một kẻ thua cuộc đã phát sinh chỉ phụ thuộc vào một khái niệm và chữ “kẻ thua cuộc” mà ta đã áp dụng cho mình. Khái niệm về “kẻ thua cuộc”, và chữ “kẻ thua cuộc”, chỉ là những quy ước. Chúng có thể được áp dụng một cách thích hợp cho một người nào đó, ví dụ như khi họ thua bài, và trong tình huống đó thì nói một cách thông thường thì họ là người thua cuộc. Nhưng không ai tồn tại như một kẻ thua cuộc cố hữu, người mà không bao giờ có thể thắng cuộc, vì họ thật sự là người thua cuộc.
Khi chứng ngộ tánh Không của việc mình thật sự tồn tại như một kẻ thua cuộc, thì ta sẽ hiểu rằng không có điều gì tồn tại theo cách này. Nó không tương ứng với thực tại. Cảm giác mình thật sự là kẻ thua cuộc chỉ có thể được mô tả bằng khái niệm và chữ “kẻ thua cuộc” mà ta đã áp dụng cho chính mình, bởi vì có lẽ đôi khi, mình đã thất bại với điều gì đó. Nhưng không có gì sai trái một cách cố hữu với mình, đến mức nó khiến cho ta vĩnh viễn là kẻ thua cuộc và không là điều gì khác, bằng tự lực của nó. Thế thì tánh Không là sự vắng bóng hoàn toàn của cách hiện hữu bất khả này. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, không ai có thể tồn tại theo cách này.
Phải rất quen thuộc với tánh Không, trước khi có thể làm tan rã ảo tưởng của mình, và ngưng tin tưởng vào chúng. Nhưng nếu kiên trì thiền quán về tánh Không thì dần dần, ta sẽ nhận ra là vì thói quen mà ta tự gọi mình là kẻ thua cuộc, đó là điều vô nghĩa, và sẽ tiêu diệt ảo tưởng của mình. Cuối cùng, thậm chí mình có thể bỏ thói quen này, và không bao giờ nghĩ mình là kẻ thua cuộc nữa.
Tóm Tắt
Chỉ vì không có điều gì tồn tại theo những cách bất khả dĩ, không có nghĩa là không có gì tồn tại. Tánh Không bác bỏ những cách tồn tại bất khả, chẳng hạn như sự tồn tại tự lập một cách cố hữu. Nó không bác bỏ sự tồn tại của các pháp như “cái này” hay “cái kia”, theo quy ước của từ ngữ và khái niệm.