Đức Phật đã chỉ ra sáu tâm trạng quan trọng mà chúng ta cần phải phát triển, nếu muốn đạt được bất kỳ mục tiêu tích cực nào trong đời sống. Chúng thường được dịch là “các hạnh hoàn hảo”, bởi vì khi đã hoàn thiện chúng một cách trọn vẹn như Đức Phật đã làm thì ta cũng có thể đạt được giải thoát và giác ngộ. Tôi thích gọi đó là “những thái độ sâu rộng”, phù hợp với tên Phạn ngữ paramita, bởi vì với những thái độ này thì mình có thể sang bờ bên kia của đại dương đầy dẫy khó khăn của mình.
Chúng ta không chỉ giữ sáu tâm trạng này như một danh sách để nhìn cho đẹp. Đúng hơn thì chúng là những tâm trạng mà ta cần phải kết hợp với nhau và sử dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày. Phù hợp với ba mức độ động lực được tìm thấy trong lam-rim (trình tự đường tu), việc phát triển những tâm trạng này trong đời sống hiện nay sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho mình.
- Chúng giúp ta tránh các vấn đề hay giải quyết vấn đề.
- Chúng giúp ta đoạn trừ những cảm xúc hay tâm trạng phiền não.
- Chúng trao cho ta sức mạnh để trở thành sự hỗ trợ tốt nhất cho người khác.
Khi rèn luyện để phát triển những thái độ tích cực này thì cần phải ghi nhớ một hay nhiều mục tiêu này. Đó là điều mang lại cho ta sự khích lệ mạnh mẽ để tiếp tục việc củng cố chúng thêm nữa.
1. Bố thí
Bố thí là sự sẵn sàng cống hiến những gì cần thiết cho người khác. Lợi ích của nó là:
- Cho chúng ta cảm giác về giá trị tự thân rằng mình có điều gì đó để đóng góp cho người khác, giúp ta tránh né hay thoát khỏi những vấn đề tự ti và trầm cảm.
- Giúp ta khắc phục tâm tham ái, nỗi khốn khổ và tính keo kiệt, vốn là những tâm trạng bất hạnh, khiến cho vấn đề cứ tái diễn.
- Giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn.
2. Trì giới
Kỷ luật đạo đức tự giác là khi mình kềm chế hành vi phá hoại, nhờ nhận thức được những bất lợi của nó. Những lợi ích là nó:
- Giúp ta tránh được tất cả những rắc rối phát sinh từ việc hành động, nói năng và suy nghĩ có hại. Nó tạo nên căn bản của lòng tin cậy người khác, là nền tảng của tình bạn đích thực.
- Giúp ta khắc phục hành vi tiêu cực bốc đồng và phát triển tính tự chủ, đem lại một tâm thức bình tĩnh hơn, ổn định hơn.
- Ngăn ngừa mình làm hại kẻ khác.
3. Nhẫn nhục
Nhẫn nhục là khả năng chịu đựng những khó khăn mà không hề giận dữ hay buồn bực. Lợi ích của nó là:
- Giúp ta có khả năng tránh một tình huống xấu, khi sự việc trở nên tồi tệ, hay khi ta hoặc người khác phạm lỗi.
- Giúp ta khắc phục cơn giận dữ, thiếu kiên nhẫn và khoan dung, là những tâm trạng phiền muộn. Chúng ta có thể bình tĩnh khi đối diện với khó khăn.
- Cho phép mình giúp đỡ người khác một cách tốt đẹp hơn, bởi vì mình không giận dữ khi họ không nghe theo lời khuyên của mình, tạo ra lỗi lầm, hành động hay nói năng vô lý, hoặc tạo khó khăn cho mình.
4. Tinh tấn
Tinh tấn là sự can đảm anh hùng, không đầu hàng trước nghịch cảnh, mà tiếp tục phấn đấu bền bỉ cho tới cùng . Lợi ích của nó là:
- Cho ta sức mạnh để hoàn tất những gì mình đã bắt đầu, không hề nản chí.
- Giúp mình khắc phục cảm giác thiếu kém và lười biếng trì hoãn công việc, khi bị phân tâm vì những việc nhỏ nhặt.
- Giúp ta có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn nhất, và ngăn cản mình bỏ cuộc với những người khó giúp đỡ nhất.
5. Thiền định
Tâm ổn định (thiền định) là tâm trạng hoàn toàn thoát khỏi tâm lang thang, hôn trầm và trạo cử. Lợi ích của nó là:
- Giúp ta tập trung vào việc đang làm, nên tránh được lỗi lầm và tai nạn.
- Giúp ta khắc phục sự căng thẳng, lo lắng và hưng phấn thái quá, lơ đãng hay kích động.
- Cho phép mình chú tâm vào lời nói và cách cư xử của người khác, nên ta sẽ hiểu rõ hơn làm thế nào để giúp họ.
6. Trí tuệ
Trí tuệ là tâm phân biệt một cách đúng đắn, và biết chắc điều gì là thích đáng và không thích đáng, điều gì là đúng hay không đúng. Lợi ích của nó là:
- Cho phép mình thấy rõ và đúng việc gì mình phải làm và cách hành xử trong bất cứ tình huống đặc biệt nào, ngăn cản mình làm những điều sẽ hối hận về sau.
- Giúp ta khắc phục tâm lưỡng lự và bối rối.
- Giúp ta có khả năng đánh giá chính xác hoàn cảnh của người khác, để biết mình phải nói và làm những gì để mang lại lợi ích tốt nhất.