Dẫn Nhập
Ba la mật thứ tư trong sáu ba la mật (các hạnh hoàn hảo) là tinh tấn. Nó được định nghĩa là một tâm trạng hăng hái dấn thân vào hành vi có tính cách xây dựng, và tiếp tục nỗ lực đối với điều đó. Tuy nhiên, nó đòi hỏi không chỉ là việc theo sát một số công việc tích cực, mà còn kể cả lòng can đảm, không bỏ cuộc, và tâm hoan hỷ, khi làm một điều gì có tính xây dựng.
Đây không phải là thái độ làm việc thật siêng năng, dù mình ghét công việc đó, nhưng vẫn làm vì tinh thần trách nhiệm, cảm giác tội lỗi, nghĩa vụ, hay điều gì giống như vậy. Cũng không phải cách làm việc hàng ngày một cách máy móc, như một người mê công việc. Nó không phải là điều mà ta gọi là “lòng nhiệt tình ngắn hạn”, khi mình rất hứng thú làm một việc gì đó, bỏ rất nhiều công sức, rồi lại kiệt sức và bỏ cuộc sau một tuần. Ở đây, chúng ta đang nói về sự nỗ lực và nhiệt tình bền bỉ, đó là lý do nó cũng được gọi là tinh tấn. Lý do mà nó bền bỉ là vì mình thích thú với điều mình đang làm, tất cả những việc tích cực mà mình đang tham gia. Tinh tấn đi kèm với lòng can đảm là đối thủ tốt nhất, đối với tâm giải đãi và trì hoãn.
Phi Giáp Tinh Tấn
Có ba loại tinh tấn, loại thứ nhất giống như áo giáp. Đó là sự sẵn sàng tiếp tục và luôn luôn dấn bước, bất kể mất bao nhiêu thời gian, hay khó khăn ra sao. Bất cứ điều gì xảy ra thì mình cũng không lười biếng hay nản chí. Nếu biết rằng con đường đạo sẽ mất một thời gian thật, thật là dài, và nếu sẵn sàng xuống địa ngục để có thể giúp chúng sinh thì mình không thể nào lười biếng hay nản lòng vì bất cứ vấn đề nhỏ nhoi nào có thể xảy ra. Chúng ta có thái độ như áo giáp rằng, “Không có điều gì, không có bất cứ điều gì sẽ làm mình lung lạc!”. Lòng can đảm ấy sẽ bảo vệ ta trước bất kỳ sự khó khăn nào mình sẽ phải đương đầu, bởi vì ta đã quyết định dù có khó khăn bao nhiêu, hay mất bao nhiêu thời gian thì mình vẫn làm điều đó.
Nói theo một cách là càng mong giác ngộ xảy ra chậm hơn thì nó sẽ càng xảy ra nhanh hơn; trong khi nếu chúng ta mong nó đến ngay lập tức, một cách dễ dàng thì sẽ mất biết bao nhiêu thời gian. Nhiều bản văn và các vị thầy vĩ đại nói rằng nếu ta tìm cầu sự giác ngộ tức thì, dễ dàng thì trên cơ bản, đó là dấu hiệu của lòng vị kỷ và lười biếng. Chúng ta muốn kết quả, nhưng lại không dành nhiều thời gian để giúp đỡ người khác. Chúng ta chỉ muốn được món tráng miệng ngon của giác ngộ. Trên cơ bản là mình lười biếng! Chúng ta không muốn làm việc nặng nhọc. Chúng ta muốn giác ngộ hạ giá, và muốn nó càng rẻ càng tốt, nhưng loại giá rẻ này không bao giờ có.
Khi có lòng trắc ẩn, với thái độ, “Tôi sẽ làm việc ba tỷ a tăng kỳ kiếp, để tích tập công đức về việc giúp đỡ chúng sinh”, thì phạm vi to lớn của lòng can đảm này sẽ giúp ta đi đến giác ngộ nhanh hơn nhiều.
Nhiếp Thiện Pháp Tinh Tấn
Loại tinh tấn thứ nhì là nỗ lực mạnh mẽ để tham gia các hành động tích cực, có tính cách xây dựng, để tích lũy khối công đức cần thiết, nhằm đưa ta đến giác ngộ. Điều này có nghĩa là ta sẽ không lười biếng với việc tu tập pháp tu sơ khởi, lễ lạy và vân vân, cũng không lười biếng với việc nghiên cứu, học hỏi và hành thiền. Chúng ta cần phải làm tất cả những điều này, và nên hoan hỷ khi thực hiện chúng.
Lợi Lạc Hữu Tình Tinh Tấn
Loại tinh tấn thứ ba là nỗ lực mạnh mẽ trong các hoạt động giúp đỡ và làm lợi lạc tha nhân, nói về 11 cách giúp đỡ người khác và 4 cách để trở thành ảnh hưởng tích cực, điều cũng đã được bàn luận về mặt trì giới ba la mật. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn giống y như nhau. Trên cơ bản, ở đây, nó có nghĩa là tích cực giúp đỡ những loại người này bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với loại tinh tấn này. Ta lấy làm vui lòng khi thực hiện tất cả những điều này, cảm thấy thật sự hạnh phúc, khi có thể làm lợi lạc cho người khác. Thêm vào đó, với hạnh nhẫn nhục, ta sẽ chịu đựng bất kỳ sự khó khăn nào, và với hạnh trì giới, ta sẽ tránh mọi phiền não, ngăn cản mình thật sự giúp đỡ họ. Cách mà các ba la mật hỗ trợ lẫn nhau như thế nào thì rất rõ rệt.
Ba Loại Giải Đãi
Có ba loại giải đãi có thể làm gián đoạn sự tinh tấn. Cần phải khắc phục tâm giải đãi lười biếng, để thực hành và phát triển hạnh tinh tấn.
1. Giải Đãi Vì Hôn Trầm Và Trì Trệ
Nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm đầu tay về loại giải đãi này, khi mà ta luôn luôn muốn trì hoãn mọi việc đến ngày mai. Nên tư duy và thiền quán về cái chết và vô thường, để khắc phục điều này. Cần phải hiểu rằng chắc chắn mình sẽ chết, rằng chúng ta hoàn toàn không có manh mối gì về thời khắc mà cái chết sẽ đến, và kiếp người quý giá này cho ta cơ hội để làm rất nhiều điều tuyệt vời, rất khó xảy ra.
Công án Zen mà tôi yêu thích là, “Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Hãy thoải mái đi.”. Suy ngẫm về câu này là tốt. Đúng là cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhưng nếu quá căng thẳng, lo âu và khẩn trương về điều đó thì ta sẽ không bao giờ hoàn thành bất cứ điều gì. Ta sẽ cảm thấy, “Mình phải làm tất cả mọi việc ngay hôm nay!” và trở thành người cuồng tín, đó là điều không hữu ích. Đúng, chúng ta sẽ chết, và điều đó thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng nếu muốn tận dụng cuộc sống này thì ta phải thoải mái về hai sự thật này. Nếu cứ luôn ôm ấp nỗi sợ hãi mạnh mẽ về cái chết thì ta sẽ luôn cảm thấy mình chẳng bao giờ có đủ thời gian.
2. Giải Đãi Vì Bám Chấp Vào Những Điều Nhỏ Nhặt
Loại giải đãi thứ hai là ham mê những chuyện tầm thường, cũng là điều mà nhiều người trong chúng ta sẽ hiểu một cách dễ dàng. Chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian để xem truyền hình, nói chuyện thị phi và vô nghĩa với bạn bè, nói về thể thao, vân vân. Những điều này được xem là lãng phí thời gian, và trên cơ bản, là một hình thức giải đãi lười biếng. Đơn giản là ngồi trước máy truyền hình thì dễ hơn ngồi thiền rất nhiều. Đúng không? Chúng ta ham mê những chuyện bình thường, thế tục này vì lười biếng, không muốn thử làm điều gì đó có thể khó khăn hơn, nhưng có ý nghĩa hơn nhiều.
Điều này không có nghĩa là mình không thể ngừng làm việc để giải trí, hoặc thư giãn, bởi vì đôi khi, chúng ta cần phải làm như vậy, để phục hồi năng lượng. Vấn đề là không đam mê tất cả những điều này thái quá vì lười biếng. Chúng ta luôn có thể nghỉ ngơi, đi dạo, xem một chương trình truyền hình, nhưng không cần bám chấp nó. Khi giải trí đủ rồi thì hãy trở lại với những điều tích cực hơn mà mình đã làm trước đó.
Cách tốt nhất để khắc phục tâm bám chấp vào những điều nhỏ nhặt là nghĩ rằng những niềm vui và sự toại nguyện mà mình có được từ những thành tựu và hoạt động thế tục không bao giờ mang lại hạnh phúc lâu dài. Không cần biết mình xem bao nhiêu bộ phim, hoặc bàn tán bao nhiêu về những người nổi tiếng, hay đi du lịch đến những nơi khác ra sao thì điều đó cũng không bao giờ đem lại cho chúng ta một chút hạnh phúc lâu dài nào. Cách duy nhất để có được niềm hạnh phúc lâu dài này là tự rèn luyện bản thân theo các phương tiện của giáo pháp, để đem lại hạnh phúc ấy. Ta có thể dành toàn bộ thời giờ tập luyện để đá một quả bóng vào lưới, nhưng điều đó không bao giờ giúp ta có một tái sinh tốt hơn.
Thế nên điểm chánh để ghi nhớ là không nên tham luyến. Ta có thể làm điều gì đó để thư giãn tinh thần, và như vậy là tốt thôi, nhưng nếu bị lôi cuốn vào việc đó và bỏ hết sức lực vào đó, bởi vì mình quá lười biếng để làm bất cứ điều gì có tính xây dựng hơn thì đó là một sự lãng phí. Loại giải đãi này thật sự là một trở ngại cho việc phát tâm hoan hỷ, khi mình thực hiện những điều có tính cách xây dựng.
3. Giải Đãi Vì Thối Chí
Loại giải đãi thứ ba là khi ta có những ảo tưởng về sự bất lực, rằng sự việc quá khó khăn, nên sẽ không bao giờ thực hiện được điều đó. Chúng ta thường nghĩ như vậy bao nhiêu lần, “Ồ, thậm chí mình sẽ không làm thử điều đó, làm sao một người như mình lại có thể làm được điều đó?” Một mục tiêu lớn như giác ngộ có thể dễ khiến mình nản lòng, nhưng ngay cả việc không cố gắng là một hình thức lười biếng.
Để khắc phục điều này, chúng ta cần nhớ đến Phật tánh, thực tế là mỗi một người trong chúng ta đều có những phẩm chất và tiềm năng đáng kinh ngạc mà ta có thể thành tựu. Nếu rất nhiều người có khả năng làm việc từ sáng đến tối, chỉ để kiếm chút lợi nhuận từ việc bán kẹo cao su, hay ai biết họ làm việc gì, thì chắc chắn chúng ta có khả năng dành thời gian để đạt được điều gì quan trọng hơn nhiều. Nếu có thể xếp hàng bao nhiêu giờ đồng hồ để mua một vé xem buổi hòa nhạc chỉ kéo dài 90 phút, thì đừng bao giờ nghĩ mình không thể làm điều gì đó mang tính xây dựng để đưa đến mục tiêu giác ngộ lâu dài.
Bốn Điều Hỗ Trợ Cho Việc Phát Tâm Tinh Tấn
Ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã mô tả bốn điều hỗ trợ, giúp ta phát tâm tinh tấn.
1. Chủ Ý Mạnh Mẽ
Việc mình có được chủ ý mạnh mẽ để đưa giáo huấn vào thực hành bắt nguồn từ niềm tin vững chắc về những phẩm chất tích cực của giáp pháp, và lợi ích mà Pháp sẽ đem lại cho mình.
2. Lòng Kiên Định Và Tự Hào
Chúng ta cần có lòng kiên định và vững chãi, dựa trên lòng tự tin và hiểu biết về Phật tánh. Khi thật sự vững tin về Phật tánh, tiềm năng cơ bản trong tất cả chúng ta, thì ta sẽ tự động có lòng tự tin lạ thường, mà ngài Tịch Thiên gọi là "niềm tự hào" hay "tự hào về bản thân". Nếu như có tự tin thì nỗ lực của ta sẽ vững vàng và ổn định. Bất kể dù có những thăng trầm gì thì chúng ta sẽ tinh tấn với lòng can đảm.
3. Hoan Hỷ
Điều hỗ trợ thứ ba là hoan hỷ với những điều mình làm. Đó là cảm giác thỏa mãn và toại nguyện với những gì mình đang thực hiện trong cuộc đời này. Đó là điều toại nguyện đối với bản thân và thỏa mãn nhất, để phát triển tự thân và giúp đỡ tha nhân. Khi chúng ta thực hiện điều này thì tự nhiên, nó sẽ tạo ra một niềm hoan hỷ lớn lao trong lòng.
4. Buông Bỏ
Điều hỗ trợ cuối cùng là biết khi nào nên nghỉ ngơi. Không nên cố gắng đến mức mà mình chỉ buông tay, bỏ cuộc và không thể chấp nhận quay trở lại với những gì mình đang làm. Cần phải tìm ra trung đạo, giữa việc thúc đẩy bản thân quá mạnh mẽ và đối xử với bản thân như một đứa bé. Điểm này không nói rằng mỗi khi cảm thấy hơi mệt là nên nằm xuống ngủ một chút!
Dù sao đi nữa thì Trijang Rinpoche, vị cố Trợ Giáo Phụ của Đức Dalai Lama, nói rằng khi ở trong tâm trạng thật tệ hại và tiêu cực, mà không có một phương tiện giáo pháp nào khác có thể giúp ích cho mình thì việc tốt nhất là ngủ một giấc. Khi thức dậy thì tâm trạng của mình sẽ khác đi, chỉ nhờ tính chất của giấc ngủ. Đây là một lời khuyên rất thực tế.
Hai Yếu Tố Khác Để Phát Tâm Can Đảm
Ngài Tịch Thiên nêu ra hai yếu tố khác có thể giúp ích.
1. Sẵn Sàng Chấp Nhận
Điều thứ nhất là sẵn sàng chấp nhận những gì mình cần tu tập, và chấp nhận những điều mình phải từ bỏ. Thêm vào đó, cần phải chấp nhận khó khăn. Tất cả những điều này dựa vào việc khảo sát mỗi một điểm một cách thực tế, và khả năng đối phó với chúng. Điều này đòi hỏi việc chấp nhận rằng hành vi có tính cách xây dựng là điều mình thật sự cần có, và hành vi ấy sẽ giúp ta hỗ trợ tha nhân và đạt giác ngộ. Ta sẽ chấp nhận có những việc mình phải dừng lại, và sẽ gặp khó khăn khi làm như vậy.
Khi biết rõ khả năng của mình và những điều liên quan trên thực tế thì ta sẽ chấp nhận và nhận lấy điều đó cho bản thân. Không nên có thái độ không thực tế. Nếu dự tính lạy 100,000 lạy thì phải biết rằng nó sẽ không dễ dàng. Chân ta sẽ đau, lòng bàn tay sẽ đau, chắc chắn ta sẽ mệt mỏi. Vì vậy, phải nhắc nhở bản thân về những điều lợi lạc của pháp tu này.
Còn những điều mình phải ngưng làm thì sao? Bước đầu tiên là phải cho mình thời gian để làm việc này, và nó có thể khó đủ rồi, vì đó là việc từ bỏ một số việc, để có thời giờ cho những việc khác. Ta sẽ tự vấn mình một cách thành thật, để xem, “Mình có thể làm việc này hay không?” Ta sẽ chấp nhận thực tại về những điều mình phải làm, và bỏ tâm huyết vào đó, với sự hăng say vui vẻ.
2. Chủ Động
Điểm thứ hai để phát tâm tinh tấn của ngài Tịch Thiên là, một khi đã có thái độ thực tế, chấp nhận những điều ở trên thì ta sẽ chủ động, để thật sự dấn thân hành động. Nếu có ý chí thì ta sẽ không chỉ cho phép mình hành động theo bất cứ thói quen cũ nào, đặc biệt là lười biếng. Ta sẽ chủ động và dấn thân vào công việc tích cực mà mình muốn hoàn thành. Như chúng ta thường nói bằng tiếng Anh là ta sẽ “đặt hết tâm trí vào đó”.
Tóm Tắt
Khi ta thật sự tin tưởng vào lợi ích của việc thực hành Pháp, và xem niềm hạnh phúc mà nó có thể đem lại là vô song thì hạnh tinh tấn trong việc tu tập sẽ tự nhiên phát triển. Bất kể điều gì xảy ra trong đời sống, nếu như có động lực mạnh mẽ, kết hợp với hạnh tinh tấn thì ta sẽ đạt được mục tiêu của mình, giống như một anh hùng.
Hạnh tinh tấn giúp ta khắc phục một trong những chướng ngại to lớn nhất mà nhiều người trong chúng ta phải đương đầu, khi cố đạt được mục tiêu của mình, đó là sự giải đãi lười biếng. Các phương pháp được mô tả ở đây không chỉ hữu ích khi mình tiến triển trên đường tu giác ngộ, mà còn dành cho những mục tiêu có tính cách thế tục hơn trong đời sống của chúng ta.