Trì Giới Ba La Mật: Shilaparamita

Kỷ luật. Chữ này có thể gợi lên hình ảnh bị phạt ở trường học đối với một số người, hoặc chế độ ăn kiêng cho những người khác. Trong Phật giáo thì việc trì giới giúp cho ta nhận thức được ảnh hưởng của những hành vi của mình đối với bản thân và người khác. Thay vì tạo ra sự hạn chế cho bản thân thì việc trì giới lại cho ta sự tự do để đem lại lợi ích tốt đẹp nhất cho bản thân và những người xung quanh.

Dẫn Nhập

Ba la mật thứ hai trong lục độ ba la mật (các hạnh hoàn hảo) là trì giới. Nó không phải là loại kỷ luật cần thiết để học một nhạc cụ, hay xuất sắc về môn thể thao, nhưng lại liên quan đến hành vi đạo đức. Nó cũng không quan hệ đến việc kiểm soát người khác, huấn luyện con chó của mình, hay kiểm soát những người trong quân đội. Chúng ta chỉ nói về kỷ luật của riêng mình, trong đó có ba loại.

Tránh Hành Vi Phá Hoại

Loại trì giới thứ nhất là tránh tạo ra những hành vi phá hoại, nói về cách mình hành động, nói năng và suy nghĩ. Nói chung có nghĩa là tránh thập ác, chẳng hạn như giết hại, trộm cắp, nói láo và vân vân, và nếu đã thọ giới để tránh những hành vi làm trở ngại việc phát triển tâm linh thì mình sẽ giữ những giới này.

Khi nói về việc tránh những hành vi phá hoại nào đó thì có hai loại. Một là hành vi phá hoại một cách tự nhiên, như giết hại và trộm cắp, là những điều dễ hiểu. Rồi có những hành vi có thể tự thân chúng không có tính cách phá hoại, nhưng Đức Phật dạy tốt hơn là nên tránh những loại người nào đó, hay những thời gian nào đó. Ví dụ như chư tăng ni nên tránh ăn buổi tối, nhưng điều này không áp dụng cho tất cả mọi người. Luật lệ này bắt nguồn từ sự kiện là nếu muốn có trí óc sáng suốt vào buổi tối và buổi sáng để hành thiền, thì đơn giản là không nên ăn vào buổi tối thì tốt hơn. Một ví dụ khác là lời khuyên chư tăng ni không nên để tóc dài, bởi vì làm như vậy có thể tăng thêm tâm luyến ái với sắc đẹp của mình, và còn tốn thời gian chải chuốt mỗi ngày nữa! Hiển nhiên là lời khuyên này không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ dành cho chư tăng ni.

Thực Hiện Hành Vi  Có Tính Cách Xây Dựng

Loại trì giới thứ hai là thực hiện hành vi tích cực, có tính cách xây dựng, là những điều tích tập công đức mà mình cần phải có, để đạt giác ngộ. Nó có nghĩa là có kỷ luật để đi dự các buổi thuyết pháp và tu học, suy tư và thiền quán về giáo pháp, và hoàn tất ngondro (các pháp tu sơ khởi để tu tập pháp tu Mật tông cao hơn), như lễ lạy, cúng dường vân vân.

Hơn nữa, trì giới là một tâm thái nhiều hơn hành vi thật sự. Đó là kỷ luật xuất phát từ tâm mình, và uốn nắn cách mình hành xử, để bảo đảm mình sẽ làm điều tích cực, tránh những hành vi phá hoại và không thích đáng. Không có kỷ luật này thì mình sẽ hoàn toàn mất tự chủ, và dễ dàng bị phiền não tác động.

Trì giới dựa vào trí phân biệt và trí bát nhã. Ta sẽ phân biệt và quyết đoán sự bất lợi của hành vi phá hoại, để tránh việc hành xử một cách tiêu cực. Khi dấn thân vào hành vi tích cực thì nên phân biệt lợi ích của việc hành thiền, thực hành các pháp tu sơ khởi và vân vân. Khi có trí phân biệt thì mình sẽ tự động biết cách hành xử, và tự tin về điều đó.

Làm Việc Để Tạo Lợi Lạc Cho Tha Nhân

Loại trì giới thứ ba là làm việc để thật sự tạo lợi lạc và giúp đỡ tha nhân. Ở đây, chúng ta có sự phân biệt về lợi ích của việc giúp đỡ người khác và không giúp họ, bởi vì mình không thích làm, hay không thích một người nào đó.

Có nhiều khía cạnh liên quan đến việc giúp đỡ người khác, nhưng nói chung thì chúng ta có kỷ luật để tham gia vào việc gọi là "bốn cách để tập họp quần chúng bằng ảnh hưởng tích cực của mình". Nói cách khác là chúng ta sẽ hành động theo cách giúp cho người khác tiếp nhận mình nhiều hơn, để ta có thể giảng dạy cho họ nhiều điều hơn, về những điều sâu sắc hơn.

Bốn cách này là:

  1. Rộng lượng
  2. Nói năng êm ái
  3. Thúc đẩy người khác đạt mục tiêu của họ
  4. Nhất quán với những mục tiêu này

Các giáo huấn về lục độ ba la mật nêu ra một danh sách gồm 11 loại người mà ta cần phải làm việc với họ một cách đặc biệt hơn, để cố gắng giúp đỡ và làm lợi lạc cho họ. Không nên nghĩ về điều này như một danh sách, mà như lời chỉ dẫn rất cụ thể, để thật sự giúp đỡ những người như vậy, khi gặp họ, thay vì bỏ mặc họ.

  1. Những người đang đau khổ
  2. Những người đang rối trí về cách tự giúp mình
  3. Những người đã giúp đỡ ta
  4. Những người tràn đầy sợ hãi
  5. Những người bị nỗi đau tinh thần lấn áp
  6. Những người nghèo khó và thiếu thốn
  7. Những người gắn bó với ta
  8. Những người mà ta có thể giúp đỡ theo ý nguyện của họ
  9. Những người sống đời ngay thẳng
  10. Những người sống đời tiêu cực
  11. Những người mà ta cần phải sử dụng bất kỳ khả năng phi thường nào mình có thể sở hữu.

Tịch Thiên Nói Về Trì Giới

Ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã bàn luận về trì giới trong hai chương sách của ngài, trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior). Chương thứ nhất, có tựa đề “Thái Độ Chăm Sóc”, là nền tảng của việc trì giới, khi mình quan tâm đến ảnh hưởng của hành vi của mình, và quan tâm đến việc không bị phiền não tác động. Ta sẽ có thái độ nghiêm túc rằng người khác cũng có cảm xúc, và nếu như tạo ra hành vi phá hoại thì ta sẽ làm tổn thương họ. Ta sẽ quan tâm đến hậu quả mà hành vi của mình sẽ tạo ra đối với bản thân trong tương lai. Tất cả những điều này tạo ra nền tảng cho việc trì giới. Nếu thực sự không quan tâm đến việc làm tổn thương người khác, hay về tương lai của bản thân mình thì ta sẽ không thấy cần thiết phải hành động một cách đạo đức.

Trong nhiều ngôn ngữ thì thái độ chăm sóc là một từ rất khó dịch. Nó gồm có sự chăm sóc, và vì vậy mà cẩn thận về cách mình cư xử, nhưng cũng nói về những gì theo sau đó, đó là việc nghiêm túc về việc hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Trong chương thứ hai thì ngài Tịch Thiên chú trọng vào đề tài liên quan đến chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm là tâm trạng giữ kỷ luật về mặt tinh thần, không khuất phục vì phiền não. Nó là loại keo dán chặt tinh thần vào kỷ luật, giống như lúc mình đang ăn kiêng mà khi đi ngang tiệm bánh, và nhìn thấy chiếc bánh mà mình thích, nhưng dù sao đi nữa thì vẫn không mua. Chúng ta sẽ không bỏ chế độ ăn kiêng: “Mình sẽ không mua cái bánh đó, vì tác động của lòng tham và chấp thủ.”. Đó là vì chánh niệm, và điều này rất quan trọng đối với việc trì giới.  Với tâm tỉnh giác, ta sẽ cảnh giác, khi tâm bắt đầu lung lay với chế độ ăn kiêng và nói rằng, “Có lẽ chỉ một miếng bánh nhỏ thôi!”. Tâm tỉnh giác sẽ rung một hồi chuông cảnh tỉnh bên trong, để mình tự kềm chế và trở về với sự tự chủ. Cần phải coi chừng những điều này. Chánh niệm và tỉnh giác là sự hỗ trợ cho việc trì giới. Chúng là công cụ giúp mình giữ kỷ luật, và sau đó, có thể dùng chúng để phát triển định tâm.

Cuối cùng, ngài Tịch Thiên nêu ra ba yếu tố giúp ta phát triển và duy trì chánh niệm:

  • Gần gũi các vị thầy tâm linh. Nếu không thể làm như vậy thì có thể nghĩ rằng các ngài đang hiện diện với mình. Nếu chúng ta ở trước mặt các ngài thì đơn giản là mình sẽ không hành động một cách ngu ngốc hay phá hoại, vì lòng tôn kính đối với các ngài. Nếu bạn nghĩ như vầy thì rất tốt, “Liệu mình sẽ hành động như vậy hay nói những điều này trước sự hiện diện của thầy mình hay không?”. Nếu mình sẽ không làm như vậy thì ngài Tịch Thiên khuyên ta hãy “đứng yên như khúc gỗ”. Đừng làm việc đó. Điều đó giúp ta có chánh niệm, rõ ràng là nếu đang ăn tối với thầy của mình thì ta sẽ không ăn thật nhiều bánh, hoặc la mắng ai đó.
  • Theo lời khuyên và chỉ giáo của thầy. Việc cố gắng ghi nhớ những gì các ngài nói sẽ giúp ta có chánh niệm.
  • Sợ những hệ quả khi thiếu chánh niệm. Không phải là mình sợ, mà là không muốn kinh qua những kết quả khi mình không có chánh niệm, dựa trên ý thức về lòng tự trọng và giá trị bản thân. Ta đã nghĩ về bản thân mình một cách tích cực, đủ để không muốn lao xuống dốc bằng cách hành xử dưới sự tác động của tâm sân hận, tham lam và vân vân.

Song song với những điều ở trên, cần phát triển ý thức về sự kính sợ đối với các vị thầy tâm linh. “Kính sợ” là một từ rắc rối. Nó không có nghĩa là chúng ta sợ các vị thầy tâm linh của mình, như thể họ sẽ trách mắng chúng ta. Kính sợ ngụ ý rằng chúng ta tôn trọng các vị thầy và Phật giáo đến mức nó sẽ khiến mình cảm thấy kinh khiếp, nếu hành vi tiêu cực của mình sẽ phản ánh xấu về các ngài. Ta lo sợ nó sẽ kinh khủng đến mức nào, nếu như vì mình mà mọi người nghĩ rằng, “Ồ, đệ tử của vị thầy này hành xử như vậy sao?” hay là “Bạn được xem là một Phật tử à? Nhưng bạn cứ tiếp tục say rượu, đánh lộn và tức giận.”. Vì ý thức kính sợ và tôn trọng, nên ta sẽ giữ chánh niệm và hành động phù hợp với giới luật.

Tóm Tắt

Chúng ta đều có kinh nghiệm rằng kỷ luật là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tạo ra sự tiến bộ trong đời sống. Dù đó là việc học bảng chữ cái, học thi hay cố giảm cân, mà nếu không có kỷ luật thì khó mà đi đến đâu. 

Đối với việc tu tập Phật pháp thì cũng giống y như vậy, khi mà mình cần có kỷ luật về mặt hành vi, để có sự tiến triển trên đường tu. Nếu ta quan tâm đến bản thân và người khác thì việc trì giới không phải là ý tưởng xa xôi nào, mà là điều tự nhiên, lý lẽ thông thường. Nhờ trau dồi hành vi có tính cách xây dựng một cách cẩn thận, và cố hết sức mình không làm hại người khác mà ta sẽ tạo ra nền tảng và nguyên nhân cho một hiện tại hạnh phúc hơn, và một ngày mai hạnh phúc hơn.

Top