Tu Tập Để Bồ Đề Tâm Không Suy Thoái, Hay Mất Đi

Chúng ta đã bàn luận về bồ đề tâm, về ý nghĩa của việc trở thành Bồ tát, đã thấy việc thọ bồ tát giới đóng vai trò gì trong tiến trình phát triển bồ đề tâm, và các giai đoạn phát triển bồ đề tâm. Điều thật sự quan trọng là hiểu vai trò của những giới nguyện này, và khi mình thọ giới. Nhiều người trong chúng ta có thể thọ giới hơi sớm một chút, khi thậm chí chưa phát triển đầy đủ những giai đoạn đầu của bồ đề tâm. Dù sao đi nữa, ngay cả với sự hiểu biết hạn hẹp về bồ đề tâm và không thật sự nghĩ đến tất cả chúng sinh một cách chân thành, thì việc cố gắng noi theo tôn chỉ của bồ tát giới rất ích lợi. Nhưng ngay cả khi đã thọ bồ tát giới, thì phải tiếp tục tu tập để cải thiện việc phát khởi và phát triển bồ đề tâm, và không bao giờ xem thường những điều liên quan đến bồ đề tâm, bởi vì nó không chỉ hướng về tất cả chúng sinh vào lúc đầu một cách bình đẳng, mà còn hướng đến giác ngộ - với sự giác ngộ chưa xảy ra của mình - nhưng giác ngộ là một thành tựu to lớn mà ta phải có khái niệm chính xác về nó.

Bây giờ, câu hỏi là khi nào thì mình sẽ thọ bồ tát giới. Hay làm thế nào để thọ giới? Ta sẽ thọ giới trong một buổi lễ để thọ bồ tát giới, hay trong một phần của lễ điểm đạo Mật tông (hay quán đảnh). Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về các loại quán đảnh khác nhau và lễ gia trì, và tất cả các nghi thức Mật tông khác, nhưng tất cả đều có phần thọ bồ tát giới. Các lễ quán đảnh liên quan đến hai bộ Mật điển cao nhất, dù cho nói về truyền thống Nyingma, thì đó là bộ Mật điển cao nhất, hay nói về các truyền thống mới (Gelug, Sakya và Kagyu), thì cũng giống nhau. Nếu như đó là quán đảnh liên quan đến Du già Mật điển (yoga tantra), thì có bồ tát giới và Mật giới. Ý tôi là, nếu như nó thuộc về Mật điển Hành động (kriya) hay Mật điển Thực hiện (charya), thì có bồ tát giới. Nếu như đó là Du già Mật điển, thì có cả hai bồ tát giới và Mật giới. Nếu như nó thuộc về Tối thượng Du già Mật điển (anuttarayoga) của các trường phái mới, hoặc trong Đại du già (mahayoga), A nậu du già (anuyoga), hoặc A tỳ du già (atiyoga; dzogchen) của phái Nyingma, thì sẽ có bồ tát giới và Mật giới.

Sakya Pandita, bậc thầy vĩ đại, đã nói rất rõ ràng, “Nếu như không thọ giới thì không có lễ quán đảnh, không có lễ điểm đạo. Nếu muốn thọ giới thì bạn phải có ý thức biết mình đang làm, và chấp nhận chúng; nếu không thì bạn chưa thọ giới. Nếu như bạn không biết mình đang làm gì trong lễ điểm đạo, tất cả xảy ra trong ngôn ngữ mà bạn không hiểu, rồi sau đó, có người nói với bạn rằng, “Thật ra là bạn đã thọ bồ tát giới và Mật giới rồi.”. Đừng tự lừa gạt mình. Bạn chưa thọ giới, và chưa nhận lễ quán đảnh. Bạn đã có mặt ở đó; bạn đã nhận được cái thường được gọi là “lực gia trì của lễ quán đảnh” ở phương Tây, mà về mặt kỹ thuật là nguồn cảm hứng từ việc tham dự nó, nhưng bạn chưa thật sự nhận lễ quán đảnh, vì bạn đã không thọ giới một cách có ý thức, và có ý thức tham dự lễ quán đảnh.

Nếu như đã tham dự các lễ quán đảnh theo cách này. mà không thật sự biết mình đang làm gì, hay biết điều gì đang xảy ra, thì tuy việc tham dự này không khác gì một con chó cưng mà người Tây Tạng thường dẫn theo trong lễ điểm đạo, thì khi tham dự lễ điểm đạo, con chó sẽ không nhận được lễ quán đảnh. Tuy nhiên, nếu như mình đang cố gắng hành trì pháp tu (mật chú, các pháp quán tưởng và nghi quỹ, v.v...) từ lễ quán đảnh, thì ổn thôi, miễn là ta hoàn toàn có chủ ý sẽ nhận lễ điểm đạo một cách đúng đắn, khi có cơ hội trong tương lai. Vậy là được rồi. Điểm chính là không nên tự phụ và nghĩ rằng, “Ồ, mình đã hoàn thành rất nhiều việc!”, trong khi thật sự thì mình chưa hoàn thành điều gì cả.

Nếu như muốn thọ bồ tát giới thì việc thọ Biệt giải thoát giới (pratimoksha) ở một mức độ nào trước đó là điều rất cần thiết. “Biệt giải thoát giới” có nghĩa là giới dành cho việc giải thoát cá nhân. Điều này tạo ra cơ sở hay nền tảng cho bồ tát giới, nên nó có thể ở mức độ của giới cư sĩ, hay giới sa di, sa di ni, hoặc giới tỳ kheo, tỳ kheo ni; cũng có Thức xoa ma na ni giới (provisional nun vows). Đối với giới cư sĩ thì có năm giới; và ta có thể thọ tất cả năm giới, hay bốn, ba, hay hai, hay một giới, không có gì khác biệt - ít nhất là một mức độ của loại giới này. Khi thọ những giới cư sĩ này thì không bắt buộc mình phải thọ tất cả năm giới. Điều đó tùy theo mình, và đó là quyết định riêng của mình. Bạn không phải cho ai biết, kể cả thầy. Bạn có thể nói ra, nhưng không cần thiết.

Các giới cư sĩ là không được cướp sinh mạng của người khác, không được giết hại; không được lấy thứ gì mà không ai cho, nói cách khác là không trộm cắp; không nói hay nêu ra những điều không đúng sự thật, nói cách khác là không nói dối; không đam mê hành vi tình dục không phù hợp – chữ “không phù hợp” hơi khó dịch một cách chính xác, nhưng hãy tạm thời gọi nó như vậy - và không dùng các chất làm say, cụ thể là rượu, nhưng có thể được mở rộng thành những thứ mà mình gọi là thuốc giải trí (recreational drugs), như cần sa, heroin, cocaine, v.v... Chúng ta gọi chúng là thuốc giải trí trong tiếng Anh, là những thứ mà bạn dùng để giải trí một cách thuần túy, chứ không phải là thuốc, chẳng hạn như khi người bệnh bị ung thư ở giai đoạn cuối, thì được sử dụng morphine để giảm đau. Chúng ta không đề cập đến điều này, hay uống aspirin vì bị nhức đầu.

Đây không phải là lúc để đi sâu vào chi tiết về năm giới này, nhưng Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã viết trong Thơ Gởi Lời Khuyên Thiết Thực Về Kinh Điển Và Mật Điển (Letter of Practical Advice on Sutra and Tantra) rằng, trước hết là, “Bất cứ khi nào bước vào cửa của thừa nào trong nhà Phật” - Tiểu thừa, Đại thừa Kinh điển, hay Đại thừa Mật tông - “thì phải đặt nền tảng là giới luật của những giới nguyện riêng của thừa đó.”. Điều đó đề cập đến Biệt giải thoát giới cho Tiểu thừa, hay bồ tát giới cho Đại thừa, và Mật giới cho các bộ Mật điển cao nhất. Rồi ngài nói tiếp rằng, “Đặc biệt là khi thể nhập Mật chú bí mật” - đó là Mật tông - “thì vì bồ đề tâm là điểm trọng yếu cứu cánh cho tất cả đạo lộ tâm thức trong Đại thừa, nên việc làm cho bồ tát giới vững chắc là điều rất quan trọng.”.

Vậy thì Tông Khách Ba nhấn mạnh nhu cầu của bồ tát giới trong Mật tông. Ngài cũng nói tiếp rằng, “Sự viên thành mà mình đã đạt được là nhờ thọ bồ tát giới, trong khi đã được xuất gia theo một trong những cấp độ dựa theo giới luật” - nói cách khác là giới cư sĩ hay giới sa di, sa di ni, hoặc giới tỳ kheo, tỳ kheo ni - “đây là điều tốt nhất” - nói cách khác là việc thọ bồ tát giới, sự viên thành mà bạn đạt được từ bồ tát giới, dựa trên một trong những Biệt giải thoát giới này - “là tốt nhất, so với những điều mình đạt được, khi chỉ giữ bồ tát giới thôi.”. Nói cách khác thì bạn sẽ có nhiều chứng ngộ vững chắc hơn, đúng đắn hơn, cao hơn, nếu như bạn có một cơ sở vững chắc của Biệt giải thoát giới, so với khi chỉ có bồ tát giới.

Tông Khách Ba tiếp tục rằng, “Đây là tôn ý của Đức Phật, khi Ngài nói trong nhiều kinh điển rằng nếu có hai vị Bồ tát ngang hàng nhau về mọi phương diện, ngoại trừ việc một người là cư sĩ, không có Biệt giải thoát giới” - nói cách khác là không có Ba la đề mộc xoa (pratimoksha) - “và người kia thì xuất gia” - nghĩa là vị này đã có một trong những mức độ Biệt giải thoát giới, cư sĩ hay tăng ni, - “thì vị thứ hai” - người có cấp độ giới nguyện này - “sẽ đáng khen ngợi hơn. Đức Phật đã nêu ra tất cả những điểm này một cách rõ ràng trong giáo huấn của Ngài về giới nguyện.”.

Vậy thì cần có Biệt giải thoát giới ở mức độ nào đó, trước khi thọ bồ tát giới, thêm vào đó thì tất nhiên là đã phải phát bồ đề tâm ở mức độ nào đó. Hãy nhớ rằng khi mình đạt được (hay thành tựu) bồ đề tâm hành, thì sẽ thọ bồ tát giới. Trước đó thì ta đã phải phát bồ đề tâm nguyện rồi. Và chúng ta đã thấy bồ đề tâm nguyện có hai giai đoạn: giai đoạn đơn thuần ước nguyện - chỉ muốn thành Phật, để tạo lợi lạc cho tha nhân; và trạng thái cam kết - không bao giờ từ bỏ mục tiêu này, cho đến khi mình thành tựu giác ngộ. Khi mình phát tâm cam kết này, là điều có thể được thực hiện trong một buổi lễ riêng - Đức Dalai Lama thường làm điều này, để ban một buổi lễ cho sự phát triển của bồ đề tâm nguyện này, bao gồm cả hai, trạng thái đơn thuần ước muốn và cam kết, trước khi Ngài ban bồ tát giới - rồi về trạng thái cam kết của bồ đề tâm nguyện thì mình sẽ hứa để cố gắng tuân theo năm pháp tu tập.

Điều này có nghĩa là bốn pháp tu tập để bồ đề tâm không suy thoái trong kiếp này, và một pháp tu để không mất bồ đề tâm trong những kiếp sau. Điều cuối cùng đòi hỏi mình phải tránh bốn điều, và tu tập bốn điều trái ngược với nó. Điều này có nghĩa là trước khi thọ bồ tát giới thì mình đã tuân theo một hình thức tu tập, một loại kỷ luật nào đó, không chỉ về Biệt giải thoát giới, mà còn về những lời hứa này, những pháp tu tập này. Vậy thì những pháp tu tập này là gì?

Trước tiên là bốn pháp tu để bồ đề tâm không suy thoái trong kiếp này. Điều mà ta muốn làm là luôn luôn có bồ đề tâm mạnh mẽ. Chúng ta không muốn làm cho điều này suy yếu. Vậy thì làm thế nào để giúp cho điều này mạnh mẽ? Cách đầu tiên là ghi nhớ mỗi ngày những lợi lạc và ưu điểm của việc phát triển bồ đề tâm. Có một danh sách dài về những lợi lạc này trong chương Một của Nhập Bồ Tát Hạnh của ngài Tịch Thiên, nhưng nếu như mình đọc chương này, thì hiển nhiên là rất ích lợi, và đọc nó mỗi ngày. Nhưng ngay cả khi không đọc sách này như một phần của pháp tu hàng ngày, thì ta có thể tư duy về những điểm chính, nhắc nhở bản thân. Cách duy nhất mình có thể thành tựu giác ngộ là có bồ đề tâm: “Tôi muốn thành tựu nó, đang tu tập để thành tựu nó, và tin chắc là tôi có thể đạt được nó, và điều mà tôi sẽ làm, khi có được nó là giúp đỡ tất cả chúng sinh.”.

Khi tu tập với phạm vi này thì ta có thể đem lại hạnh phúc không chỉ cho tự thân - bởi vì rõ ràng ta đang tu tập để vượt qua giới hạn của chính mình, nếu như ta sẽ thành tựu giác ngộ – mà sẽ có khả năng làm lợi lạc và đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh nữa. Ngay cả khi mình chỉ nghĩ về giá trị thế tục, như được người khác ca ngợi và xem trọng, v.v..., như ngài Tịch Thiên nói rằng: “Nếu như người nào đáng được khen ngợi, chỉ vì đã bố thí một ít thức ăn cho một vài người đói khát một lần thôi” - như cứu trợ sau một trận động đất, hay điều gì tương tự như vậy - “nếu như đó là điều đáng khen, còn việc đem lại hạnh phúc bất tận cho tất cả chúng sinh trên vũ trụ, điều sẽ tồn tại mãi mãi, và đưa họ đến giác ngộ thì sao?”.

Nếu như đang tu tập để hướng về giác ngộ, thì ta sẽ không nản lòng hay mệt mỏi (tôi không có ý chỉ nói về mức độ bình thường vào cuối ngày, khi bạn cảm thấy mệt mỏi), mà mình sẽ có sức mạnh: “Tôi phải đạt được điều này, để giúp đỡ tất cả chúng sinh.”. Điều đó đem lại cho bạn một sức mạnh không tưởng tượng nổi trong tất cả mọi lúc, để có thể tu tập hướng về điều đó, để giúp đỡ tha nhân. Nó là sự bảo vệ tốt nhất, và là pháp đối trị với hành vi tiêu cực, hay hành động như một thằng ngốc. “Làm sao tôi có thể hành động như một thằng ngốc? Làm sao tôi có thể ích kỷ? Làm sao tôi có thể hành động một cách tiêu cực và làm tổn thương bất cứ người nào, nếu như tôi đang thật sự tu tập để thành tựu giác ngộ, nhằm tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh?”. Có rất nhiều lợi ích, nên hãy cố nhắc nhở bản thân về điều này mỗi ngày. Ý của tôi là thật ra, nó không chỉ là việc cố gắng, mà mình hứa sẽ thực hiện điều đó, và trên cơ sở của lời hứa đó, ta sẽ cố gắng thực hiện điều này.

Rồi pháp tu tập thứ hai là khẳng định lại và củng cố động lực này bằng cách dâng hiến lòng mình mỗi ngày, thọ bồ đề tâm và phát bồ đề tâm mỗi ngày, ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm. Nó không có nghĩa là chỉ đơn thuần là tụng câu kệ một cách vô hồn. Chúng ta có thể trì tụng một vần kệ bằng tiếng Tây Tạng, hay ngôn ngữ của mình một cách vô hồn. Chỉ vì nó là ngôn ngữ của mình, nhưng không có gì đảm bảo là nó sẽ không trở nên vô hồn. Vô hồn có nghĩa là chỉ cần tụng “blah blah blah”, và không cảm nhận bất cứ điều gì, hay phát khởi bất cứ điều gì trong tâm, ngoài những ngôn từ. Vậy thì điều đó có nghĩa là tư duy về lợi ích, rồi thiền quán các giai đoạn như tâm bình đẳng; cởi mở với tất cả chúng sinh một cách bình đẳng; tất cả chúng sinh đều tử tế như một người mẹ và những thời điểm khác, v.v..., quán chiếu tất cả những điều này. Rồi nhờ vậy mà điều này sẽ củng cố bồ đề tâm của mình. Nếu như mình tu tập như vậy mỗi ngày, thì tâm bồ đề sẽ không suy thoái, không yếu kém hơn.

Vậy thì tuy mình có một số pháp tu nào đó, một số vần kệ tiêu chuẩn mà ta có thể sử dụng để phát khởi ước nguyện này, để phát bồ đề tâm, mà mình có thể tụng ba lần vào buổi sáng và ba lần vào buổi tối, xin hãy làm như vậy, vì phải cố gắng không chỉ làm điều đó ở mức độ “blah blah blah”, và đừng tự lừa gạt mình. Điều đó không dễ thực hiện mỗi ngày và mỗi đêm. Nó đòi hỏi khá nhiều nỗ lực, đúng không?

Pháp tu tập thứ ba là cố tích tập công đức và trí tuệ. Nó thường được dịch là “hai bồ công đức và trí tuệ”. Nói cách khác là với bồ đề tâm nguyện, hãy cố gắng càng nhiều càng tốt để giúp đỡ người khác. Điều này sẽ tích tập công đức, chứ không chỉ ngồi trên tọa cụ và chúc mọi người khỏe mạnh, mà ngay cả trước khi thọ bồ tát giới, thì mình cũng cố gắng giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt. Đây là việc tích lũy công đức.

Nói cách khác là nếu chỉ ở nơi hành thiền an toàn của mình: “Tôi chúc lành tất cả mọi người. Tôi sẽ đạt giác ngộ và giúp đỡ mọi người”, nhưng trong đời sống hàng ngày, khi người khác nhờ ta giúp đỡ, thì mình nói với họ rằng “Tôi quá bận rộn”, và “Xin đừng làm phiền tôi”, và v.v..., vậy là không xong. Phải cố giúp đỡ càng nhiều càng tốt. “Càng nhiều càng tốt” có nghĩa là thực tế, không hứa hẹn sẽ làm nhiều hơn khả năng mà ta có thể thực hiện ở giai đoạn hiện thời và hoàn cảnh hiện tại của mình. Ngài Tịch Thiên nhấn mạnh điều đó khá rõ ràng. Đừng hứa hẹn giúp đỡ nhiều hơn khả năng của mình. Thành ngữ được sử dụng là “Tôi xin mời tất cả chúng sinh làm khách tham dự buổi tiệc giác ngộ.”. Tịch Thiên nói điều này bằng một cách rất thi vị, có nghĩa là tôi đang làm việc cho sự giác ngộ của các bạn, nên tôi mời bạn với tư cách là vị khách này, cũng sẽ đi đến giác ngộ. Chúng ta hứa hẹn điều này, và sẽ không bao giờ từ bỏ nó, và tôi sẽ mang lại điều này cho bạn, khi tôi thành tựu giác ngộ. Điều đó khác với những gì tôi đã đề cập, khi mà một vị Bồ tát ở một mức độ nào đó không cố gắng thử thực hiện bồ tát hạnh của một Bồ tát ở một mức độ cao hơn. Điều này được nói một cách thi vị như là “Một con cáo sẽ không nhảy ở nơi mà một con sư tử có thể nhảy.”.

Ngài Tịch Thiên nói rằng hãy quán xét bản thân một cách cẩn thận, trước khi hứa làm điều gì như là, “Tôi sẽ dịch toàn bộ Kangyur (King tạng) ra tiếng Nga”, khi ta không thể thực hiện lời hứa đó trong khoảng thời gian ngắn này. Rồi hãy quán sát rất kỹ càng là bạn có thể làm điều đó hay không, và tốt hơn là nên nói rằng “Tôi không thể làm việc này” trước đó, thay vì hứa hẹn và bắt đầu công việc, rồi bỏ cuộc nửa chừng, vì bạn không thể làm điều đó. Vậy thì điều này khác với việc hứa hẹn đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ. Thế thì hãy cố gắng càng nhiều càng tốt để giúp đỡ người khác, để tích tập công đức, và thiền quán về tánh Không, để tích tập trí tuệ ở mức độ hiểu biết nào đó về tánh Không mà mình có được. Tại sao tôi lại làm điều này? Tôi đang làm điều này để có thể thành tựu giác ngộ, để giúp đỡ chúng sinh. Vậy thì nó sẽ giúp cho bồ đề tâm không suy giảm.

Rồi đến pháp tu thứ tư. Đừng bao giờ từ bỏ việc cố gắng (hay ít nhất là mong muốn) giúp đỡ ai, dù người đó có khó khăn đến mức nào đi nữa. Hãy nhớ đến bồ đề tâm: chúng ta đang làm việc để tạo lợi lạc cho tuyệt đối tất cả chúng sinh, bất kể họ có khó khăn đến đâu. Vậy thì dĩ nhiên mình có thể mở rộng điều này cho con muỗi đang vo ve ngay đầu, trong khi mình đang cố gắng ngủ. “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc cố gắng đưa bạn đến giác ngộ, muỗi ơi, bởi vì trong kiếp trước, bạn đã là mẹ của tôi.”. Điều này khá tiên tiến, phải không? Nhưng ít nhất thì mình có thể cố gắng mở rộng điều này cho những người khác.

Tôi sẽ cho một ví dụ từ kinh nghiệm riêng của mình. Có một người phụ nữ ở Đức, và cô ấy bị chứng tâm thần phân liệt nặng (schizophrenia), ở trong tình trạng khá tồi tệ, và từ chối không đi gặp chuyên gia tâm thần để chữa bệnh. Cô luôn luôn tìm đến các cơ quan Phật giáo và đạo sư để được giúp đỡ, và thậm chí không thừa nhận là mình bị chứng tâm thần phân liệt. Cô đặc biệt gắn bó với tôi, nên gọi điện thoại cho tôi và gởi email cho tôi hoài. Cô đã bị đuổi ra khỏi rất nhiều trung tâm và tổ chức Phật giáo, vì cô có thể khá khó chịu với người khác khi ở gần họ, và cư xử một cách khó chịu. Khi cô gọi cho tôi, thì tôi luôn nói rất rõ ràng với cô rằng: “Tôi không có khả năng giúp cô. Điều này là vượt quá khả năng của tôi. Tôi không phải là một bác sĩ tâm thần chuyên nghiệp. Tôi không biết cách giúp cô. Cô phải đi gặp người nào chuyên nghiệp.”. Việc cho cô ấy một số mật chú để tụng, hay cái gì đại loại như vậy, là điều lố lăng. Điều đó sẽ không giúp cô trong giai đoạn rối loạn tâm thần này. Bây giờ, việc rất dễ dàng là nếu như cô ấy gọi điện thoại thì tôi chỉ cần cúp máy, và nói rằng: “Đừng bao giờ gọi lại cho tôi nữa”, và quên nó đi, nhưng có cách tu tập này. Tôi đã nói rất rõ là hiện giờ thì tôi không thể giúp bạn, nhưng ít nhất, tôi có ước muốn, ước gì tôi có thể giúp bạn.”. Tôi không có khả năng làm điều đó ngay bây giờ. Thế là tôi không chỉ ném cô ấy vào thùng rác. Tất nhiên là điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng rất lớn, nhưng đây là điều mà chúng ta sẽ tu tập ở đây, trong khóa tu này. Ít nhất là việc tôi không bảo cô ấy đi khuất mắt là điều đã giúp đỡ cô ấy. Mặc dù, như tôi mới nói trước đây, tôi không giả vờ có thể làm nhiều hơn khả năng của mình. Tôi không thể giúp cô ấy.

Đó là bốn pháp tu tập để bồ đề tâm không suy giảm trong kiếp này. Rồi pháp tu thứ năm mà mình hứa sẽ noi theo, là để không mất bồ đề tâm trong những kiếp sau. Điều này liên quan đến bốn cặp hành vi tương phản. Nó có nghĩa là tránh hay ngưng hành động theo một cách nào đó, thay vì vậy thì hành động ngược lại. Đó là điều mà ta gọi là hành vi tương phản.

Đầu tiên là đừng lừa dối chư bổn sư (guru), cha mẹ và Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng). Thay vì vậy thì hãy luôn trung thực với họ, đặc biệt là về động lực và nỗ lực giúp đỡ người khác. Điều này rất quan trọng. Hãy bắt đầu với cha mẹ mình. Cha mẹ là những người đã chăm sóc ta, khi mình còn bé và nuôi nấng ta, v.v... Mình sẽ phải luôn luôn phụ thuộc vào cha mẹ, trừ khi mình đản sinh trong một hoa sen, giống như Guru Rinpoche, nhưng hãy nói nhiều hơn về những điều sẽ thường xảy ra hơn. Vì lòng tốt của họ đối với mình, và nhu cầu phải nương tựa vào cha mẹ trong tương lai mà bạn không muốn cư xử theo cách lừa dối họ, gạt gẫm họ, giả vờ là người khác, đặc biệt là về mặt tâm linh, đó là điều mà chúng ta đang đề cập đến. Như tôi đã nói, thay vì vậy, thì ta sẽ thành thật với họ. Điều này rất rõ ràng và đơn giản, nếu như mình đang nói về đạo sư. Bạn không muốn lừa gạt các ngài, nói dối rằng, “Con đang tu tập pháp này hay pháp kia”, khi mà mình không hề làm như vậy. Hay khấn với Phật, Pháp, Tăng, (Tam Bảo) rằng: “Con đang quy y, đang đưa phương hướng này vào trong đời sống của mình”, rồi thì không làm như vậy. Chúng ta chỉ hoạt động vì một số mục tiêu có hại. Nếu như muốn tiếp tục với bồ đề tâm trong những kiếp sau, thì mình phải nương tựa vào cha mẹ, nương tựa vào chư bổn sư, nương tựa vào pháp quy y, phương hướng an toàn của Phật, Pháp và Tăng. Đó là lý do tại sao mình không lừa gạt họ. Ta sẽ thành thật với họ, để tiếp tục có đúng nhân duyên trong những kiếp tương lai để phát triển bồ đề tâm, để làm mới nó, tái tạo nó trong những kiếp tương lai.

Bồ tát giới và Mật giới không giống như Biệt giải thoát giới. Chúng ta chỉ thọ Biệt giải thoát giới cho kiếp này. Còn bồ tát giới và Mật giới nguyện thì bạn sẽ thọ cho tất cả các kiếp, cho đến khi giác ngộ. Nếu như mình thọ bồ tát giới trong kiếp này, thì trong kiếp sau, vào lúc đầu, chúng sẽ không hoạt động, sẽ ngủ yên, im lìm. Hãy cho là mình sinh ra như một con gián đi. Con gián có bồ tát giới không? Nếu con gián đã thọ bồ tát giới trong kiếp trước thì nó có bồ tát giới, nhưng chúng không hoạt động. Chúng ở đâu đó trong dòng tâm thức của con gián. Con gián không tu tập bồ tát hạnh.

Bạn sẽ thọ bồ tát giới cho đến khi giác ngộ. Vậy thì nếu như bây giờ tôi chết, và có bồ tát giới nguyên vẹn, rồi tái sinh thành một con gián. Tôi có còn bồ tát giới như con gián trong kiếp làm gián hay không? Còn chứ. Chúng có hoạt động không? Không. Mình sẽ phải phát bồ đề tâm, phát triển nó một lần nữa, và thọ bồ tát giới thêm một lần nữa, ngay cả khi mình được tái sinh làm người. Và điều đó có nghĩa là mình sẽ phải phụ thuộc vào cha mẹ, vào đạo sư và Tam Bảo. Vì vậy mà bạn muốn có một mối quan hệ thẳng thắn, trung thực với họ, không phải là mối quan hệ lừa dối. Bởi vì điều gì sẽ xảy ra, nếu như bạn có một vị thầy lừa đảo? Rồi thì bạn sẽ rơi vào những tình huống bị lạm dụng, vào các giáo phái, vân vân, và cha mẹ có thể hành hạ bạn, và tất cả những điều như vậy. Nên bạn muốn tránh điều đó, để có thể phát triển bồ đề tâm thanh tịnh một lần nữa, trong những kiếp sau.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, đối với cha mẹ thì đó là vấn đề hơi tế nhị đối với nhiều người trong chúng ta, những người có thể có cha mẹ mà không nhất thiết thấu hiểu về con đường tâm linh của mình, hay ủng hộ nó. Chúng ta không nói về việc phải kể cho cha mẹ mình nghe mỗi một chi tiết nhỏ nhặt về đời tư của mình. Mình không phải nói dối, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải nói tất cả mọi việc, nhưng điều mà nó đề cập đến là về những điều thuộc về lãnh vực tâm linh, về mặt giúp đỡ họ. Nếu như tôi nói rằng sẽ giúp cha mẹ đem rác ra ngoài mỗi ngày, thì tôi sẽ làm như vậy. Đừng lừa dối họ, đại loại là như vậy, về mặt giúp đỡ họ, còn nếu họ hỏi về việc tu hành của mình, thì “Vâng, con đang tu tập...”. Ta sẽ không nói dối rằng nó không phải là điều quan trọng trong đời mình.

Sau đó, điều thứ hai là hãy ngưng bắt lỗi và khinh miệt chư Bồ tát. Khinh miệt có nghĩa là tôi không thích bạn, tôi đang bắt lỗi bạn, vì tức giận với họ. Nhưng vấn đề ở đây là trừ khi mình là Phật, còn không thì chẳng thể nào biết chắc ai là Bồ tát. Điều ngược lại là xem mọi người như thầy của mình. Ngay cả khi người ta hành xử một cách thô lỗ và kinh tởm, thì họ vẫn dạy cho mình đừng cư xử như vậy. Bây giờ, bạn phải rất cẩn thận với điều này, bởi vì ta có thể sai lầm, khi nói đây là luật lệ, và nó tự tồn tại từ phía nó, và mình không cố gắng nhìn thấy tính tương đối của điều này. Bởi vì điều này không nói rằng nếu có ai làm điều gì có hại, thì bạn không nên cố gắng ngăn cản họ. Nếu như có ai phạm sai lầm, hay người nào làm điều gì có hại, thì điều sau đây là một phần của bồ tát giới: nếu như có khả năng ngăn chận họ, thì bạn sẽ làm như vậy. Đức Phật đã làm như vậy hoài. Vấn đề là không bươi móc lỗi lầm của người khác, vì tức giận và hận thù. “Bạn là người xấu, và bây giờ tôi sẽ trừng phạt bạn, tôi sẽ đánh bạn.”. Người này đang hành xử một cách tiêu cực, nên họ là thầy của mình. Dĩ nhiên rồi, vì họ đang dạy tôi đừng hành động như vậy. Tuy nhiên, tôi muốn giúp đỡ họ, và để giúp họ, thì tôi phải giúp họ chấm dứt việc tạo ra ác nghiệp, và không làm hại ai. Thế thì tôi đang làm điều này vì lòng từ bi.

Tôi nhớ là thầy của tôi, Serkong Rinpoche, tôi sẽ không nhắc đến danh tánh của ai, khi có một đạo sư Tây Tạng khác dạy đệ tử của mình làm một điều gì đó, để hành trì một pháp tu nào đó rất cao cấp, vượt qua trình độ của các đệ tử này, thì Serkong Rinpoche nói rằng: “Đúng, động lực của vị thầy có thể thanh tịnh, là động lực bồ đề tâm để giúp đỡ người khác, nhưng ông không có phương tiện rất là thiện xảo.”. Vậy thì ngài đã nêu ra một lỗi lầm, thậm chí không phải là nêu ra điều này với vị thầy ấy, mà là với tôi, đệ tử của ngài. Đây có phải là việc nói chuyện nhảm nhí không? Không. Serkong Rinpoche đã làm gì vậy? Ngài đã nêu ra, tuy không hề tức giận với vị thầy này, nhưng đã dạy tôi rằng không cần biết ý tốt của bạn ra sao, động lực bồ đề tâm và mục  tiêu của bạn như thế nào, nhưng phải thiện xảo với các phương tiện mà bạn sử dụng để giúp đỡ người khác. Hãy suy nghĩ cẩn thận về những điều bạn dạy cho người khác.

Vậy thì ta sẽ thừa nhận rằng người nào đang lầm lỗi, khi họ có lỗi lầm, mà không giận dữ, và cố gắng học hỏi điều đó. Nếu như người kia chấp nhận thay đổi, thì ta sẽ nêu ra sai lầm của họ. Nếu họ là một Bồ tát, hay ước mong trở thành một vị Bồ tát, thì không có nghĩa là họ thiện xảo như một vị Phật, và biết rõ cách tốt nhất để hành động, và lợi ích của việc này là gì. Ta sẽ làm việc này, mà không tạo ra một hình tượng cho mình như là: “Tôi là người có thẩm quyền thánh thiện” và “Tôi thánh thiện, thiêng liêng biết bao nhiêu! Tôi biết điều gì là tốt nhất.”. Chắc chắn không phải theo kiểu tự phụ đó, mà rất khiêm tốn, để đưa ra lời khuyên. Vậy thì điểm chính là đừng chỉ trích, đừng bươi móc lỗi lầm của người khác vì tức giận; người ta nói rằng “với lòng khinh miệt”, thù ghét người đó, tức giận họ. Bởi vì họ đang cố gắng. Mình không biết được. Tôi không phải là Phật, nên không biết bạn hành động theo cách này, vì bạn là một Bồ tát thiếu thiện xảo, hay chỉ vì bạn vô cùng si mê. Nhưng vấn đề là không nổi giận với người đó, vì họ có thể là một người có tiềm năng làm Bồ tát, nên có thể điều họ đang làm sẽ dạy cho ta điều gì đó, rồi thì mình sẽ tiếp tục tôn trọng bồ tát hạnh, và điều đó sẽ giúp ta tiếp tục có tâm bồ đề trong những kiếp sau.

Điều thứ ba là đừng làm cho người khác hối hận về điều gì tích cực hay có tính xây dựng mà họ đã làm. Thay vì vậy, hãy khuyến khích họ có hành động xây dựng và giúp ích, và nếu như họ cởi mở, thì mình sẽ khuyến khích họ tu tập, để phát triển bồ đề tâm, noi theo đường tu giác ngộ. Vậy thì khi người nào đang làm điều gì có tính xây dựng, hãy cho là họ đang tu tập một pháp tu nào đó, và theo một vị thầy mà không phải là thầy của mình. Điều ta phải tránh là làm cho họ hối hận rằng: “Bạn thật là ngu ngốc, vì đã theo học với vị thầy đó, hành trì pháp tu đó, hay thuộc về trung tâm Phật giáo đó” - khiến cho họ hối hận vì đã làm điều đó. Họ có thể rất, rất là nản lòng, và không muốn tiếp tục chút nào, nên hãy khuyến khích họ, giúp họ. Nếu như những gì họ đang làm có tính cách xây dựng, tích cực thì tuyệt vời! Và nếu như họ cởi mở, thì ta có thể đề nghị thêm những điều mà họ có thể làm. Nếu họ không cởi mở, thì đừng làm như vậy. Nếu như mình muốn mọi người thành tựu giác ngộ, thì điều sẽ giúp họ đạt giác ngộ là hành vi tích cực của họ, nên nếu như họ đã làm điều gì thiện hảo, thì hãy khuyến khích họ - thật là tuyệt! Đừng làm họ nản lòng, bằng cách khiến cho họ hối hận. Họ đã đóng góp tịnh tài cho trung tâm Phật giáo khác, chứ không phải cho trung tâm của tôi! “Ồ, bạn không nên đóng góp cho họ, mà nên đưa tiền cho tôi.”. Đó không phải là điều nên làm.

Sau đó là pháp tu tập cuối cùng, pháp cuối cùng trong bốn pháp này, là ta sẽ không đạo đức giả và giả tạo, trong khi giao tiếp với người khác. “Đạo đức giả” là che giấu lỗi lầm của mình, trong khi mình có lỗi lầm, và giả vờ là mình không có, và “giả tạo” nghĩa là giả vờ có những phẩm chất mà mình không có. Tôi là người đạo đức giả: Tôi bảo bạn đừng hút thuốc lá, nhưng lại hút thuốc lúc đi ra ngoài, hay ở trong phòng riêng của mình. Đó là đạo đức giả. Tôi đang che giấu khuyết điểm của mình.

Vậy thì thay vì hành động như vậy trong việc giao tiếp với người khác, nếu như mình có trách nhiệm giúp đỡ người khác, thì phải luôn luôn trung thực và cởi mở với họ. Nhược điểm của mình là gì? Khả năng của mình là gì? Điều đó rất, rất là quan trọng. Nhiều người khác nhau, đặc biệt nếu bạn ở trong lãnh vực giáo pháp, và cố gắng giúp đỡ người khác, với tư cách là một người thầy, hay một hành giả tu tập Pháp, thì đừng giả vờ như mình là một bậc thánh thiện, khi mà bạn không được như vậy. Khi nhiều người hết sức muốn được giúp đỡ, thì sẽ rất dễ phóng chiếu mọi điều lên người mà họ thấy có thể giúp được họ. Họ sẽ lãng mạn hóa, lý tưởng hóa, và có đủ loại hy vọng sai lầm. Thường thì họ vô cùng thất vọng, và cuối cùng thì rất nản lòng - “vỡ mộng” như cách mình nói trong tiếng Anh - và thậm chí có thể bỏ cuộc. Nhưng nếu như mình ở trong địa vị giúp đỡ người khác, hoặc nếu như mình là thầy, thì không nhất thiết phải tiết lộ tất cả mọi thứ về những nhược điểm của mình; nhưng khi nó có liên quan đến người khác, thì ta sẽ thừa nhận thiếu sót của mình. “Tôi chưa nghiên cứu đề tài này. Tôi vẫn thiếu kiên nhẫn. Tôi vẫn còn tức giận.”. Hãy thừa nhận những thiếu sót này. Bạn không thể giấu chúng, nhưng bạn nói rằng tôi đang cố gắng cải thiện chúng. Bởi vì nếu như mình đang cố giúp đỡ người khác thường xuyên - mặc dù họ có thể có cảm hứng từ một sự lý tưởng hóa - thường thì điều sẽ truyền cảm hứng hơn ở mức độ ổn định, là tấm gương về một người đang cải thiện những thiếu sót của họ một cách rất chân thành. Khi bạn là một đệ tử cần sự giúp đỡ, thì đó là điều mà bạn có thể liên hệ đến nhiều hơn,

Đây là năm hình thức tu tập mà mình hứa sẽ tuân theo, khi có bồ đề tâm nguyện, cụ thể là tâm nguyện cam kết. Bốn pháp tu tập để bồ đề tâm không suy thoái trong kiếp này; và một pháp tu tập (thật ra thì có bốn phần này) để không mất bồ đề tâm trong những kiếp tương lai.

Top