Câu Hỏi Về Giới Là Gì

Chúng ta đã nói về những điều cơ bản mà mình cần phải có, trước khi thọ bồ tát giới. Chúng ta đã nói về các nền tảng trong lam-rim, trình tự đường tu đến giác ngộ, và đã nói về quá trình và bài thiền để phát động lực bồ đề tâm. Chúng ta đã nói về cách mà sự phát triển của bồ đề tâm tiến triển qua các giai đoạn khác nhau, giai đoạn tâm nguyện của bồ đề tâm, gồm có hai phần, trạng thái chỉ đơn thuần ước nguyện và trạng thái cam kết; và cách thực hiện giai đoạn này liên quan đến năm hình thức tu tập để giúp cho việc phát triển của bồ đề tâm không bị suy yếu trong kiếp này, hay trong những kiếp tương lai; và cách mà mình cũng cần có một nền tảng của một số biệt giải thoát giới (pratimoksha vows) ở mức độ nào đó, với tư cách là cư sĩ, hay tăng ni. Trên cơ sở của tất cả những điều này, rồi khi phát bồ đề tâm hành, thì mình sẽ thọ bồ tát giới.

Trước khi bàn luận về giới, các bạn có câu hỏi nào về những gì chúng ta đã đề cập đến không? 

Ông nói rằng khi mình thọ những biệt giải thoát giới đầu tiên này, thì không bắt buộc phải nói cho thầy biết mình đã thọ những giới nào. Không phải là mình nên thọ giới này trước mặt thầy hay sao?

Đúng, chúng ta sẽ thọ giới trước mặt thầy, nhưng thường là trong một nhóm đông người đang thọ giới, nên trong tình huống đó thì mình không có cơ hội để nói bất cứ điều gì, và ngay cả khi mình thọ những giới này riêng tư với thầy, thì việc nói ra mình đang thọ bao nhiêu giới vẫn không phải là một phần của nghi thức ấy. Hiển nhiên, nếu như bạn muốn nói với thầy thì không có vấn đề gì cả, nhưng không bắt buộc phải làm như vậy. Ngoài ra, có thể là đối với sự phát triển vào lúc đầu của mình, thì ta chỉ có thể thọ, cho là ba hoặc bốn giới thôi, rồi sau này, có thể cảm thấy sẵn sàng thọ những giới khác, hay chỉ thọ thêm một giới nữa thôi; và có thể thọ giới lại, vì lễ thọ giới thường xảy ra, và có thể thọ thêm một giới khác trong lần thọ giới thứ hai. Hoặc là ngược lại, nếu như đã thọ hết năm giới, và thấy rằng mình không giữ được một trong những giới này, thì có thể bỏ bớt một giới trong lần thứ hai mà mình thọ giới. Không có gì xấu hổ khi làm điều đó.

Tất nhiên, càng giữ nhiều giới thì kỷ luật của mình càng mạnh mẽ hơn. Ngài Tông Khác Ba đã nói rằng nếu như là một vị tỳ kheo hay tỳ kheo ni, thì đây là nền tảng tốt nhất để có được chứng ngộ, bởi vì mình không có trách nhiệm nào khác, ngoài việc tu hành (dù có thể có trách nhiệm đối với tu viện). Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu như mình thọ ít biệt giải thoát giới hơn, thì không thể đạt được chứng ngộ, chỉ là vấn đề việc này có dễ dàng hay không thôi. Thế thì vì lợi lạc của bản thân, khi giới luật của mình càng mạnh mẽ hơn, thì việc tiến triển tâm linh càng dễ dàng hơn. Nhưng đó là vì lợi ích của bản thân nên mình mới làm điều đó, để tạo lợi lạc cho người khác nhiều hơn, chứ không phải để làm vui lòng thầy, để cho Đức Phật hài lòng, mà mình mới giữ nhiều giới hơn.

Video: Thubten Chodron — “Tất Cả Mọi Người Có Cần Trở Thành Tăng Ni Hay Không?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Khi thọ giới thì một trong những điều mà giới sẽ làm là giúp cho mình không do dự. Chẳng hạn như uống rượu, ngay cả khi tôi đã nhất quyết không uống rượu, hay tôi sẽ cố gắng ngưng uống; mỗi khi được ai mời rượu, thì mình vẫn phải quyết định là tôi có nên uống hay không? Đó là một tâm trạng phiền não. Sự do dự, không quyết đoán là một thái độ phiền não. Chúng ta không an lạc, vì thật sự không biết mình phải làm gì. Nhưng nếu như đã thọ giới, thì vấn đề sẽ rõ ràng, vì như vậy thì mình đã có quyết định một lần và dứt khoát mãi mãi, thế là xong. Nên ngay cả ở mức độ ban đầu thì nó sẽ giúp mình không do dự, phân vân. Nó rất hữu ích, đối với vấn đề giải thoát cá nhân: pratimoksha, biệt giải thoát. Giải thoát ở đây là nói đến giải thoát khỏi luân hồi. Nhưng ngay cả ở mức độ thiển cận hơn thì nó sẽ giúp mình thoát khỏi tâm do dự, phân vân, ít nhất là do dự về hành vi cụ thể này.

Nếu chỉ gặp gỡ bổn sư Mật tông của mình 15 phút mỗi năm thì việc cố gắng tu tập Mật tông có hiệu quả hay không? Nếu chỉ đọc một số sách về pháp tu Mật tông, và không có liên hệ toàn thời với một vị thầy thì có hiệu quả hay không?

Đúng, nó có thể vẫn rất hiệu quả. Hầu hết chúng ta không có liên lạc lâu dài với thầy, hay đạo sư Mật tông của mình. Dĩ nhiên, công năng chính của đạo sư Mật tông là ban cho mình lễ quán đảnh, giới nguyện, và tạo nguồn cảm hứng, đó là công năng chính của chư đạo sư. Đạo sư Mật tông cũng truyền khẩu các giáo pháp và luận giải. Nhưng đối với việc tu tập hàng ngày vân vân thì có thể mình phải tham khảo ý kiến của người khác. Có rất nhiều sách vở về Mật tông. Đó cũng là trường hợp ở Tây Tạng, nên bất cứ người Tây Tạng nào cũng có thể đi mua một cuốn sách, hay mượn một cuốn sách trong thư viện, sẽ giải thích rất nhiều điều về hành trì Mật tông.

Như Đức Dalai Lama nói đùa rằng ngay cả những giáo pháp được cho là không bao giờ được phép viết xuống, mà đôi khi bạn còn thấy chúng bằng tiếng Tây Tạng, không chỉ được viết ra và in ấn, mà thậm chí người ta còn ngớ ngẩn đến mức viết thêm hàng chữ ở phần đầu của quyển sách là: “Tài liệu này không được in ấn; không được viết xuống.”. Điều này hoàn toàn vô lý. Vì vậy nên không chỉ những người Tây phương đang làm cho các giáo pháp đáng lẽ phải được giữ bí mật, thì lại lan truyền khắp nơi, mà cả người Tây Tạng cũng đã làm điều đó. Do đó, như Đức Dalai Lama đã nói, nếu như thông tin sẽ có mặt khắp nơi, thì tốt hơn là nên có thông tin chính xác, còn hơn là không chính xác.

Nguy cơ của việc có sẵn tất cả những thông tin này - bạn chỉ cần đến cửa hàng để mua sách, hay tải xuống từ Internet – là bạn có thể có ấn tượng sai lầm là mình có thể tu tập Mật tông mà không cần có thầy, cái được gọi là Mật tông “tự-mình-tu-tập”. Và điều này rất nguy hiểm, bởi vì không những mình có thể phạm sai lầm trong khi tu tập, và không có ai để tham vấn, khi có vấn đề hay thắc mắc, mà còn thiếu nguồn cảm hứng sống động nữa. Đừng bao giờ đánh giá thấp vai trò ban nguồn cảm hứng từ tấm gương của vị thầy. Tất cả sách vở đều nói về tầm quan trọng của điều này.

Tất nhiên, hiện nay thì vấn đề là ngay cả khi mình gặp khó khăn với việc tu tập và lầm lỗi, thì thường là bạn không có cơ hội đến gặp thầy, và thầy không có cơ hội để quan sát những điều mình đang tu tập, hay hỏi han mình. Thật ra thì rất hiếm khi có một mối quan hệ chặt chẽ giữa thầy và trò. Hiện tại, chúng ta đang nói về vấn đề của mình ở phương Tây, nơi mà các đạo sư đến ban lễ điểm đạo cho đại chúng đông đảo, rồi lại tiếp tục đi nơi khác, và không có ai ở thành phố của mình hội đủ điều kiện để hướng dẫn mình tu tập.

Ở Tây Tạng thì hầu hết các hành giả, những hành giả nghiêm túc, đều sống trong tu viện. Hoặc nếu như không sống trong tu viện, thì họ là những cư sĩ sống rất gần tu viện, nên luôn luôn có rất nhiều người xung quanh để bạn nêu ra thắc mắc. Đối với chúng ta thì việc này khó khăn hơn nhiều. Điều nguy hiểm hơn nữa là xung quanh ta có những người không hội đủ trình độ, nếu như mình đặt câu hỏi, thì họ có thể cho những lời khuyên rất sai lầm, giả vờ là họ biết mình phải làm gì, trong khi họ thật sự không biết. Trong tình huống này thì ta phải đánh giá: Mình đang nghiêm túc đến mức nào? Mình sẽ sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức? Và nó có phải là điều quan trọng nhất trong đời mình hay không?

Đối với hầu hết người Tây phương thì chẳng may, nó không phải là điều quan trọng nhất trong đời họ. Vậy thì theo quan điểm của người Tây Tạng, rất khó nhìn những đệ tử như vậy một cách nghiêm túc, khi việc tu hành của họ là thứ yếu, hoặc giống như một sở thích mà họ chỉ làm trong lúc rảnh rỗi. Nhưng nếu như mình thật sự nghiêm túc, và đây là điều quan trọng nhất trong đời, thì người đệ tử phải nỗ lực để cố gắng tạo ra mối quan hệ với thầy, và đi đến nơi mà thầy đang ở. Hãy nhìn vào nỗ lực mà người Tây Tạng trong quá khứ đã thực hiện, để đi sang Ấn Độ thọ pháp, và Milarepa đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức, để được thọ pháp với Marpa. Do đó, không có lý do gì để mong đợi là mình sẽ thọ nhận giáo pháp và chỉ giáo cá nhân một cách dễ dàng hơn. Chúng ta phải chứng minh với thầy rằng mình thật sự, thật lòng sẵn sàng nỗ lực với điều này. Ngay cả khi có thể đến nơi thầy thuyết Pháp - giả sử như mình đã nhận các lễ quán đảnh từ Đức Dalai Lama – thì không có nghĩa là ta sẽ có cơ hội nhận được chỉ giáo riêng của Ngài, nhất là hiện giờ, khi Ngài đã quá cao tuổi. Tuy nhiên, có những vị thầy khác hội đủ trình độ, ở cấp bậc thấp hơn Đức Dalai Lama, có khả năng hướng dẫn mình.

Vậy nếu như bạn dựa vào sách vở để có được chỉ giáo và giáo pháp, thì xin đừng xem đó là việc thay thế cho mối quan hệ với một vị thầy. Tuy nhiên, đối với việc tu tập trong đạo Phật thì không cần có thầy luôn cầm tay và dẫn dắt mình qua từng bước nhỏ. Thầy sẽ thuyết Pháp, rồi sau đó, bạn sẽ tự tu tập, và liệu mình có áp dụng giáo pháp này hay không là tùy mình. Không phải tùy theo thầy có bắt mình tu tập hay không, có canh chừng mình hay không. Cuối cùng thì ta phải phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân, để đạt được bất cứ điều gì.

Video: Thubten Chodron — “Học Phật: Ở Ngoài Đời Thật Hay Trên Mạng?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.
Một số người nói rằng khi thọ biệt giải thoát giới, năm giới tại gia, thì thầy giống như một nhân chứng trước mặt, trong khi mình đang thọ những giới này, và mãnh lực chính làm mình rung động là quyết tâm thọ những giới này. Vậy thì khi thọ biệt giải thoát giới, mình chỉ cần có thầy như một nhân chứng. Nếu không có thầy ở đó, thì ta sẽ tự lừa dối mình, còn nếu như có một vị thầy thì khi mình phạm giới, ta sẽ tự lừa dối mình vị thầy. Người ta nhấn mạnh rằng thầy chỉ giống như một nhân chứng, không phải là người ban cho mình điều gì. Quan điểm này có đúng không?

Bây giờ thì chúng ta đang đi vào vấn đề hơi kỹ thuật một chút. Xét về biệt giải thoát giới thì thật ra mình thọ giới trước Phật, Pháp và Tăng, nên điều mình đang hứa nguyện là với Phật, Pháp, Tăng, và vị thầy là người trung gian để giúp ta làm điều đó. Thầy đại diện cho dòng truyền thừa không gián đoạn. Điều rất quan trọng là có một dòng truyền thừa không gián đoạn. Bây giờ, hãy cho rằng nó là một dòng truyền thừa thanh tịnh, mà rất khó đảm bảo được điều này, rằng tất cả mọi người trong dòng truyền thừa đã giữ tất cả giới nguyện hoàn toàn thanh tịnh. Khó mà biết được, đúng không? Nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì đó là điều kiện tiên quyết, rằng dòng truyền thừa phải nguyên vẹn, và trên lý thuyết là thuần tịnh, không bị gián đoạn. Đây là vấn đề đối với việc khôi phục lại giới tỳ kheo ni của truyền thống Tây Tạng, khi dòng truyền thừa đã bị gián đoạn rất nhiều. Nhưng nếu không đi sâu vào chi tiết kỹ thuật của việc này, thì dòng truyền thừa không gián đoạn là điều rất quan trọng. Chúng ta sẽ kết thúc đoạn văn ấy với lời phát biểu này.

Đối với Mật giới thì bạn sẽ xem bổn sư (guru) là Bổn tôn Mật tông, nên theo nghĩa này thì người ta sẽ thọ giới trước sự hiện diện của vị thầy như Bổn tôn. Nhưng vấn đề ở đây trong câu hỏi của bạn là sự hiểu biết của mình về ý nghĩa của việc thọ giới. Giới không giống như thứ mà thầy có, như một trái banh - và tôi có trái banh này ở đây, tức là giới nguyện này, và bây giờ tôi sẽ trao nó cho bạn, nên bạn đã có trái banh. Nó không phải là “thứ” gì mà tất cả vị thầy đều có, một thứ thật sự tồn tại rất vững chắc, và bây giờ, ở đây, tôi đang trao nó cho bạn, rồi bạn nhận lấy nó, và sẽ thẩm thấu nó bằng cách nào đó – tôi ném cái gì cho bạn, và bạn chụp lấy nó. Đúng hơn là giới sinh khởi trong dòng tâm thức của bạn như điều gì đã phát sinh phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh và nhân duyên. Vì vậy, điều này đưa đến điều mà tôi muốn thảo luận tiếp theo, đó là giới.

Giới là gì? Nó không phải là điều gì thật sự tồn tại, hiện hữu bằng tự lực của nó, hoàn toàn tự mình nó, có mặt ở phía vị thầy một cách thanh tịnh, rồi đi qua phía mình. Vậy thì phải phủ nhận điều đó. Đó là một cách tồn tại bất khả của một giới nguyện, như thái độ này: “Tôi đã giữ nó một cách trong sạch và tinh khiết, và bây giờ, tôi trao nó cho bạn, và bạn phải giữ nó một cách trong sạch và tinh khiết, rồi truyền lại cho các môn đệ của mình.”. Không phải là như vậy, dù nó có thể là quan điểm trẻ con của chúng ta về nó, mà đúng hơn, như tôi đã nói, nó là cái gì phát sinh như một pháp phụ thuộc. Vậy thì nó phụ thuộc vào cái gì? Nó phụ thuộc vào một dòng truyền thừa không gián đoạn, một sự đại diện của dòng truyền thừa không gián đoạn, mà sự hiện diện của dòng truyền thừa sẽ tạo ra giới nguyện này.

Bồ tát giới thì khác với biệt giải thoát giới và Mật giới. Có hai cách thọ bồ tát giới. Một là với một vị thầy, hai là không có thầy, mà chỉ quán tưởng chư Phật và Bồ tát. Vậy thì ngay cả ở đây, trong trường hợp bồ tát giới, bạn không thật sự cần một vị thầy. Vì một số lý do mà dòng truyền thừa không gián đoạn là điều rất trọng yếu đối với biệt giải thoát giới và Mật giới, về vai trò của vị thầy, và sự hiện diện của thầy. Đối với bồ tát giới thì phải thọ giới từ một người có bồ tát giới thanh tịnh, không gián đoạn. Bạn có thể làm mới bồ tát giới của mình bất cứ lúc nào, và đúng ra, ta có thể tự làm mới chúng mỗi ngày bằng pháp quán tưởng và trì tụng trong một buổi lễ nhỏ. Nhưng đối với bồ tát giới thì mình sẽ thọ giới trước sự chứng kiến của chư Phật và Bồ tát – vì các ngài có bồ tát giới không gián đoạn. Vậy thì đây là điều khác biệt. Tôi không thể giải thích điều này, bởi vì tôi không biết tại sao lại là như vậy, rằng đối với bồ tát giới thì mình có khả năng thọ giới mà không cần có thầy. Tại sao lại như vậy, tôi chưa bao giờ nghe một lời giải thích rõ ràng, bất cứ lời giải thích nào về vấn đề này.

Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, nếu như nói nhiều hơn, nói chung thì cần có một người có giới nguyện không gián đoạn, dù đó là một vị thầy, hay trong trường hợp này là chư Phật và Bồ tát. Đối với biệt giải thoát giới thì chắc chắn mình phải có tâm xả ly ở mức độ nào đó, quyết tâm để thoát khỏi luân hồi. Đối với bồ tát giới thì chắc chắn mình phải phát bồ đề tâm một cách chân thành ở một mức độ nào đó, cụ thể là bồ đề tâm hành. Đối với Mật giới thì thậm chí còn có nhiều điều kiện tiên quyết hơn mà mình phải có – bên cạnh tâm xả ly và bồ đề tâm thì còn có sự hiểu biết cơ bản về tánh Không, về pháp tu sơ khởi, có nhiều điều mà mình cần phải có. Phải có chủ ý để phát khởi giới nguyện trong dòng tâm thức của mình, và giữ giới càng nghiêm ngặt càng tốt. Đối với giới xuất gia của chư tăng ni thì có nhiều điều cần thiết hơn về mặt những người hiện diện trong lễ xuất gia. Nhưng cách thọ giới xuất gia không phải là chủ đề của chúng ta.

Vậy thì thật ra giới là gì? Có hai quan điểm về điều này. Một quan điểm là từ giới nguyện của trường phái Kinh Lượng Bộ (Sautrantika). Theo các trường phái này thì đó là một tâm sở - giới là một tâm sở - để kềm chế một loại hành vi bất lợi nào đó, mà mình chính thức hứa nguyện sẽ kềm chế, trong một buổi lễ cụ thể. Vậy thì theo một nghĩa nào đó, nó giống như một hình thức giới luật mạnh mẽ hơn, dựa vào một lời hứa nguyện mạnh mẽ, được thực hiện trong một buổi lễ. Nhưng theo quan điểm của Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika), Duy thức (Chittamatra), Kinh Lượng Bộ Phái y tự khởi (Sautrantika Svatantrika) và Trung Quán Cụ Duyên (Prasangika Madhyamaka), thì giới là một vô biểu sắc (non-revealing form), mà tôi sẽ giải thích đó là gì, và đó là một vô biểu sắc trong dòng tâm thức của một người, và nó thực hiện chức năng tương tự như tâm sở này. Nó sẽ định hình hành vi của mình.

Thế thì vô biểu sắc (rig-byed ma-yin-pa’i gzugs) là gì? Nó là một sắc tướng vô cùng vi tế. Nó không được cấu tạo bằng nguyên tử, và được gọi là “vô biểu sắc”, vì nó không tiết lộ động lực ban đầu mà dựa vào đó, hành vi được thực hiện. Còn vô biểu sắc khởi đầu từ lúc bắt đầu hành động, khi mình bắt đầu hành động, và sẽ tiếp tục sau khi mình kết thúc hành động - nó tiếp tục đi xa hơn nữa trong dòng tâm thức của mình, và sẽ tiếp tục ở đó, chừng nào mình còn có ý định lặp lại loại hành vi đó. Nếu như mình quyết định sẽ không bao giờ thực hiện hành động đó nữa, thì sẽ mất đi vô biểu sắc ấy.

Công năng của vô biểu sắc này là gì? Giới thường là để tránh làm điều gì tiêu cực, tạo ra bất lợi. Giới nguyện này sẽ đóng vai trò như nguyên nhân khiến cho mình không lặp lại hành vi đó. Ta sẽ mất giới này, trong số những điều khác, khi quyết định sẽ không bao giờ làm điều đó nữa. 

Nếu như tôi thọ giới không ăn sau buổi trưa, thì điều này sẽ tạo ra nhân để tôi không ăn sau buổi trưa. Nếu tôi quyết định là điều này hoàn toàn ngu ngốc, những điều mà tôi đã làm, và sẽ không bao giờ tuân theo kỷ luật đó nữa, tôi sẽ luôn luôn ăn vào buổi tối, thì không còn giới này nữa. Thế thì giới là như vậy, và là sắc tướng rất vi tế tiếp tục trong dòng tâm thức. Nhưng sắc tướng vi tế này không phải là thứ gì giống như một quả bóng đi từ dòng tâm thức của vị thầy, hay chư Phật, hay Bồ tát, sang dòng tâm thức của mình. Không phải là các ngài ban cho ta điều gì, như là “truyền” giới, và không phải là mình nhận lấy nó từ các ngài.

Từ ngữ được sử dụng trong tiếng Tây Tạng là để “nhận” một giới trong dòng tâm thức của mình. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là mình nhận được nó từ người khác, như nhận một lá thư. Nó có nhiều ý nghĩa hơn về việc “đạt được” điều đó. Nó sinh khởi trên cơ sở của rất nhiều yếu tố phải hiện diện, như tôi đã giải thích. Rồi thì nó sinh khởi trong dòng tâm thức của mình, ta đã tạo ra nó, và sẽ cố gắng giữ gìn cho nó càng mạnh mẽ càng tốt. Vậy thì toàn bộ thuật ngữ mà chúng ta thường sử dụng trong việc “phá” giới là khá sai lầm, bởi vì nếu như mình không tuân theo loại hành vi mà giới nguyện này sẽ tuân theo - loại hành vi này, nếu như mình không làm điều đó - thì sẽ khiến cho giới này suy yếu. Vậy thì việc này được gọi là “phạm” giới, tôi nghĩ đó là thuật ngữ tốt nhất để sử dụng. Mình đã vượt qua nó, đã vượt qua khỏi ranh giới của giới nguyện, và có nhiều yếu tố khác nhau sẽ ảnh hưởng đến mức độ mình đã làm cho giới suy yếu. Khi làm cho giới suy yếu, thì nó sẽ có ít oai lực hơn, ít sức mạnh hơn để tạo ra một loại hành vi nào đó mà mình sẽ lặp lại hoài, như không ăn sau buổi trưa.

Hãy cho là tôi đang giữ giới rất, rất là nghiêm ngặt “Tôi không ăn sau buổi trưa”, rồi thì một ngày nọ, tôi đã ăn sau buổi trưa, và cũng làm như vậy trong một ngày khác nữa. Rồi thì cường độ của nó yếu hơn, bởi vì ta thấy rằng đôi khi thì mình không làm theo giới nguyện. Phải hiểu ý nghĩa của nó, rằng mình đã làm suy giảm sức mạnh của giới. Nó sẽ có ít năng lượng hơn ở phía sau, để tạo ra một loại hành vi tương tự, lặp đi lặp lại hoài. Và phải có rất nhiều yếu tố kết hợp lại để làm mất giới nguyện đó trong dòng tâm thức, nhưng chúng ta sẽ nói đến điều đó sau.

Điều này có rõ ràng hơn một chút không? Việc giới là gì thì hơi tinh vi và vi tế một chút, nhưng tôi nghĩ nó rất quan trọng để hiểu điều này. Đó là một sắc tướng vi tế mà ta tạo ra trong dòng tâm thức của mình, sẽ định hình hành vi của mình trong tương lai, và nó khá mạnh mẽ, vì ta đã tạo ra nó, dựa trên một lời hứa nguyện rất mạnh mẽ.

Trong việc bàn luận về giới trong A tỳ đạt ma (abhidharma), có một điều có lẽ rất khó dịch (có thể là điều “đối nghịch giới” hay điều gì giống như vậy), rồi thì có điều gì trung dung. Vậy thì giới là điều mà Đức Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã đặt ra, nên chúng gồm có biệt giải thoát giới (pratimoksha); bồ tát giới; và Mật giới. Rất cụ thể. Chúng ta không nói về lời thề kết hôn trong đạo Cơ Đốc, hay đại loại như vậy. Điều đó không được xem là giới nguyện ở đây, theo cách phân loại này, mà là thể loại trung dung. Một điều đối nghịch giới (anti-vow), (như tôi đã nói, rất khó để có được một chữ để dịch nó) là một giới nguyện sẽ làm điều gì phá hoại, chẳng hạn như tôi gia nhập quân đội, và thề sẽ giết kẻ thù. Vậy thì trên cơ bản, nó là lời thề sẽ làm điều gì hoàn toàn trái ngược với giới trong nhà Phật, mà mình thề sẽ không làm. Sau đó, điều trung dung là một lời hứa, một lời hứa mạnh mẽ, để làm cái gì thường không được kể đến trong một trong hai yếu tố kể trên.

Tôi sẽ cho một ví dụ của giới về đạo đức tình dục. Giới nguyện sẽ kềm chế những hành vi tình dục không thích hợp là cả một danh sách dài về những điều không phù hợp. Hãy cho là mình đã sẵn sàng kềm chế một vài điều trong danh sách này, chẳng hạn như hãm hiếp người nào. Tất nhiên là tôi sẽ không làm điều đó, nhưng có một số điều khác mà tôi không hoàn toàn sẵn sàng tiết chế. Vậy thì ta sẽ nói, chẳng hạn như, “Được, tôi chỉ muốn thọ một phần của giới nguyện thôi.”. Bạn không thể làm như vậy về mặt giới nguyện. Một là bạn thọ giới, có nghĩa là nguyên một giới, hai là không thọ giới. Không có ai nói bạn phải thọ giới cả. Nhưng điều ta có thể làm là thọ thể loại trung dung của giới này, đó là một lời hứa nguyện rất mạnh mẽ rằng tôi sẽ tránh một phần trong toàn bộ giới nguyện. Vậy thì nó không mạnh mẽ như cách thọ giới trong nhà Phật, nhưng nó vẫn mạnh hơn nhiều, so với việc đôi khi không làm điều đó. Nên việc hứa nguyện mạnh mẽ như vậy là điều rất tích cực để thực hiện, và thệ nguyện là mình sẽ không cưỡng hiếp ai, chẳng hạn vậy; và điều này sẽ tích tập nhiều công đức hơn nhiều, so với việc chỉ tránh việc hãm hiếp người khác. Thật ra mình có thọ giới này, nhưng nó không mạnh mẽ như việc thệ nguyện sẽ không cưỡng hiếp ai, như một phần của kiện hàng lớn hơn của giới nguyện trọn vẹn trong nhà Phật, để tránh hành vi tình dục không phù hợp.

Cách hiểu của tôi có đúng không? Nếu như tôi nghĩ rằng một giới nào không đúng, hoặc ngu ngốc, nên không giữ giới này nữa, thì tôi sẽ mất giới đó? Nhưng nếu như tôi chỉ không thể tuân theo giới này trong một vài trường hợp, vì một số điều kiện nào đó, nhưng có lẽ lần sau thì tôi sẽ đi tuân theo nó, thì tôi chỉ làm suy yếu nó thôi, chứ không mất giới?

Đúng vậy. Có nhiều chi tiết hơn về điều đó, và chúng ta sẽ nói về điều này sau, để hiểu nó chính xác hơn.  

Top