Bồ Tát Giới Khinh

Dẫn Nhập

Bồ tát giới khinh là để kềm chế 46 hành vi sai lầm (nyes-byas). Những hành vi sai lầm này được chia ra thành bảy nhóm bất lợi, mỗi một nhóm dành cho mỗi một ba la mật, trong việc tu tập lục độ ba la mật (pha-rol-tu phyin-pa, Phạn ngữ: paramita, thái độ sâu rộng) và tạo lợi lạc cho người khác.

Lục độ ba la mật là:

  1. Bố thí
  2. Trì giới
  3. Nhẫn nhục
  4. Tinh tấn
  5. Thiền định
  6. Trí tuệ

Dù các hành vi sai lầm này trái ngược và ngăn cản sự tiến triển đến giác ngộ, nhưng việc vi phạm chúng, ngay cả hội đủ bốn yếu tố ràng buộc (kun-dkris bzhi), vẫn không khiến cho mình mất bồ tát giới. Tuy nhiên, các yếu tố này càng không hội tụ đầy đủ, thì càng ít gây thiệt hại cho sự phát triển trên bồ tát đạo hơn. Nếu lỡ tạo tác bất cứ hành vi sai lầm nào trong số này, thì hãy thừa nhận lỗi lầm và áp dụng các lực đối trị, như trong trường hợp của bồ tát giới trọng.

[Để biết thêm chi tiết về bốn yếu tố ràng buộc và các lực đối trị, xin xem: Bồ Tát Giới Trọng]

Có nhiều chi tiết để tìm hiểu về 46 giới này, với nhiều trường hợp ngoại lệ, khi mình sẽ phạm giới, nhưng không có lỗi. Tuy nhiên, nói chung thì sự thiệt hại đối với việc phát triển các ba la mật, và lợi ích mà mình có thể tạo ra cho người khác, phụ thuộc vào động lực đằng sau những hành vi sai lầm này. Nếu như động lực đó là tâm trạng phiền não, chẳng hạn như tham ái, sân hận, thù hằn, hay kiêu hãnh, thì sự tổn hại sẽ lớn lao hơn nhiều, so với khi nó không phải là phiền não, dù vẫn có hại, như lòng dửng dưng, lười biếng hay lãng trí. Đối với lòng dửng dưng thì mình không có đủ tín tâm hay lòng tôn trọng đối với pháp tu, để muốn dấn thân tu tập. Đối với sự lười biếng thì ta sẽ bỏ bê việc tu tập, vì thấy khi không làm gì hết thì dễ chịu hơn và dễ dàng hơn. Khi thiếu chánh niệm thì hoàn toàn quên đi cam kết sẽ giúp đỡ người khác. Đối với nhiều giới trong số 46 giới thì mình không có lỗi, nếu như có chủ ý loại bỏ chúng ra khỏi hành vi của mình một ngày nào đó, nhưng phiền não vẫn còn quá mạnh, để có đủ khả năng tự chủ.

Bài pháp ở đây noi theo khai thị của đạo sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) của phái Gelug, vào thế kỷ thứ 15, trong Giảng Giải Về Bồ Tát Giới: Chánh Đạo Đến Giác Ngộ (An Explanation of Bodhisattvas' Ethical Discipline: The Main Path to Enlightenment; Byang-chub sems-dpa'i tshul-khrims-kyi rnam-bshad byang-chub gzhung-lam).

Bảy Hành Vi Sai Lầm, Bất Lợi Cho Việc Tu Tập BỐ Thí Ba La Mật

Hạnh bố thí (sbyin-pa, Phạn ngữ: dana) được định nghĩa là thái độ sẵn sàng bố thí. Nó bao gồm việc sẵn sàng bố thí tài vật (tài thí), bố thí tâm không sợ hãi (vô úy thí), và bố thí Pháp (Pháp thí).

Trong bảy hành vi sai lầm ảnh hưởng đến việc phát triển hạnh bố thí một cách tiêu cực thì 2 hành vi sẽ làm tổn hại tâm sẵn sàng bố thí tài vật cho người khác, 2 hành vi làm tổn hại việc sẵn sàng bố thí tâm vô úy, để bảo vệ người khác trong những tình huống đáng sợ, 2 hành vi liên quan đến việc không tạo ra hoàn cảnh để người khác trưởng dưỡng và hành trì hạnh thí, và 1 hành vi làm tổn hại sự phát triển của Pháp thí. 

Hai Hành Vi Bất Lợi Cho Việc Phát Tâm Sẵn Sàng BỐ Thí Tài Vật Cho Người Khác

(1) Không cúng dường Tam Bảo bằng ba cửa thân, khẩu, ý

Vì đang có tâm trạng xấu, như bực bội về điều gì, hay vì lười biếng, thờ ơ, hay lãng trí, nên không cúng dường Phật, Pháp, Tăng ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm, ít nhất là lễ lạy bằng thân, tán thán bằng lời, và nhớ nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của Tam Bảo. Nếu như mình không có đủ tâm bố thí để hoan hỷ cúng dường những điều này ít nhất là mỗi ngày và mỗi đêm cho Tam Bảo, làm sao có thể hoàn thiện tâm sẵn sàng bố thí tất cả mọi thứ cho tất cả chúng sinh?

(2) Chạy theo dục vọng

Vì dục vọng lớn, tham ái, hay bất toại nguyện mà đắm chìm trong bất cứ đối tượng nào trong năm đối tượng của giác quan - sắc, thanh, hương, vị, hay xúc. Ví dụ như vì quyến luyến hương vị thơm ngon, nên ta mới ăn bánh trong tủ lạnh, ngay cả khi không đói. Điều này gây bất lợi cho việc đối trị tâm keo kiệt. Rồi mình sẽ dự trữ bánh, thậm chí giấu nó ở đằng sau kệ tủ, để không phải chia sẻ với ai. Nếu như toàn tâm toàn ý khắc phục tập khí xấu này, nhưng vẫn chưa thể kiểm soát nó, vì tâm tham luyến đối với thức ăn quá mạnh, thì ta không có lỗi khi lấy một miếng bánh. Tuy nhiên, hãy cố gia tăng khả năng tự chủ, bằng cách lấy những miếng nhỏ hơn, và không quá thường xuyên.

Hai Hành Vi Bất Lợi Cho Việc Phát Tâm Vô Úy Thí 

(3) Không tôn trọng người lớn tuổi 

Đối tượng của hành vi này gồm có cha mẹ, thầy cô, những người có phẩm chất tuyệt vời, và nói chung là bất cứ người nào thâm niên hay lớn tuổi hơn mình. Khi không nhường chỗ ngồi cho họ trên xe buýt, không đón họ ở sân bay, không xách giỏ cho họ, v.v..., vì lòng kiêu hãnh, sân hận, thù hằn, lười biếng, dửng dưng hay lãng trí, để họ rơi vào hoàn cảnh sợ sệt và lo âu, khó xoay sở.

(4) Không giải đáp câu hỏi của người có thắc mắc

Không hoan hỷ trả lời những câu hỏi chân thành của người khác, vì lòng kiêu hãnh, sân hận, thù hằn, lười biếng, dửng dưng hay lãng trí. Khi bỏ mặc họ thì ta sẽ khiến cho họ ở trong tình trạng khó khăn, không biết hướng về đâu, đó cũng là hoàn cảnh đáng sợ và bất an.

Như việc minh họa về chi tiết được thấy trong luận giải của Tông Khách Ba về những giới này, hãy xem xét những trường hợp ngoại lệ, khi mình giữ im lặng mà không có lỗi, hay trì hoãn việc trả lời. Khi ta là cơ sở cho hành động này, thì không cần phải trả lời, nếu như mình bị bệnh quá nặng, hoặc người đặt câu hỏi cố tình đánh thức ta giữa đêm khuya. Trừ khi có trường hợp khẩn cấp, còn không thì mình không có lỗi, khi nói với người đó hãy đợi cho đến khi ta thấy khỏe hơn, hay chờ đến sáng.

Có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như khi có ai ngắt lời mình bằng một câu hỏi, trong khi ta đang dạy người khác, giảng bài, chủ trì một buổi lễ, an ủi người khác, tham dự một lớp học, hay nghe một bài diễn văn. Hãy nói với họ một cách lịch sự là nên đặt câu hỏi sau đó.

Trong một số tình huống, vì cần thiết, nên đòi hỏi sự im lặng hay trì hoãn câu trả lời. Ví dụ, nếu như đưa ra giải thích sâu xa cho một câu hỏi về địa ngục, trong một bài thuyết Pháp cho đại chúng ở phương Tây về đạo Phật, thì có thể khiến nhiều người không thích thú, khiến cho họ gặp trở ngại trong việc kết nối với giáo pháp. Nếu như phải trả lời câu hỏi của ai, thì tốt hơn là nên im lặng, ví dụ như thắc mắc của một người cố chấp về sắc tộc của mình, thì ta sẽ khiến họ không ưa mình, nên không chấp nhận sự giúp đỡ của mình. Việc im lặng cũng tốt hơn, nếu như sẽ giúp cho người khác chấm dứt hành vi phá hoại, và dẫn dắt họ đến hành động có tính cách xây dựng hơn - ví dụ như khi những người nương tựa vào mình về mặt tâm lý, muốn ta trả lời tất cả những câu hỏi trong cuộc sống của họ, và ta muốn dạy họ tự quyết định, để tìm ra giải pháp cho chính họ.

Hơn nữa, nếu đang ở trong một khóa thiền nhập thất, phải giữ im lặng, và có ai đặt câu hỏi, thì mình không cần phải nói chuyện. Cuối cùng, tốt nhất là nên chấm dứt phần vấn đáp ở cuối buổi giảng, nếu như người ta sẽ phẫn nộ và tức giận, nếu mình cứ tiếp tục nói, trong khi đã trễ giờ, và mọi người đã mệt mỏi.

Hai Hành Vi Không Tạo Ra Hoàn Cảnh Để Người Khác Trưởng Dưỡng Và Hành Trì Hạnh Thí

(5) Không nhận lời mời của người khác 

Nếu như ta từ chối đi thăm viếng hay dùng một bữa ăn vì lòng kiêu hãnh, sân hận, thù hằn, lười biếng hay dửng dưng, thì sẽ khiến cho người khác mất đi cơ hội tích tập công đức (bsod-nams, Phạn ngữ: punya, tiềm năng tích cực, công đức) bằng việc cúng dường lòng hiếu khách. Trừ khi có những lý do chính đáng để từ chối, còn không thì hãy chấp nhận, dù nhà cửa của gia chủ có thấp hèn đến đâu.

(6) Không nhận phẩm vật cúng dường

Vì những lý do giống như trường hợp ở trên.

Một Hành Vi Bất Lợi Cho Hạnh Pháp Thí 

(7) Không bố thí Pháp cho những người muốn học hỏi

Ở đây, động lực để từ chối thuyết giảng về đạo Phật, cho người khác mượn kinh sách, chia sẻ bài ghi chép giáo pháp của mình, v.v..., là tâm sân hận, thù hằn, ganh tỵ là cuối cùng, người kia sẽ giỏi hơn mình, lười biếng hay dửng dưng. Trong trường hợp của bồ tát giới trọng thứ 2, thì ta sẽ từ chối vì tâm tham ái và keo kiệt. 

Chín Hành Vi Bất Lợi Cho Việc Tu Tập Trì Giới Ba La Mật

Giới (tshul-khrims, Phạn ngữ: shila) là thái độ kềm chế những hành vi bất thiện. Nó cũng bao gồm kỷ luật để tham gia vào các thiện hạnh và giúp đỡ người khác.

Trong số chín hành vi sai lầm, cản trở sự phát triển giới luật, có bốn hành vi liên quan đến hoàn cảnh mà người khác là đối tượng chính của mình, ba hành vi liên quan đến hoàn cảnh của mình, và hai hành vi liên quan đến cả hai, mình và người khác. 

Bốn Hành Vi Liên Quan Đến Hoàn Cảnh Mà Người Khác Là Đối Tượng Chính

(1) Bỏ Bê Người Phạm Giới

Nếu vì lòng kiêu hãnh, sân hận, thù hằn, lười biếng, dửng dưng hay lãng trí, mà ta phớt lờ, bỏ bê hay hạ nhục những người đã phá giới, thậm chí tạo nghiệp vô gián, và giới hạnh của mình sẽ suy yếu đi, nếu như dấn thân vào thiện hạnh và giúp đỡ khác. Những người như vậy rất cần có sự quan tâm và chú ý của mình, vì họ đã tích tập nhân tạo ra nỗi khổ và bất hạnh cho hiện tại và tương lai. Hãy cố gắng giúp họ, mà không tự cao tự đại hay phẫn nộ, chẳng hạn như bằng cách dạy thiền cho các tù nhân muốn học thiền trong tù.

(2) Không đề cao việc tu hành đức hạnh, vì tín tâm của người khác

Đức Phật đã ngăn cấm nhiều hành vi, dù không phải là hành vi tiêu cực tự nhiên, nhưng lại bất lợi cho việc tiến triển tâm linh của mình - ví dụ như hàng cư sĩ và giới xuất gia uống rượu, hoặc giới xuất gia ở chung phòng với một người khác giới. Việc tránh những hành vi như vậy là pháp tu chung của các hành giả Tiểu thừa và Bồ tát. Nếu là Bồ tát mới tu tập, mà lại bỏ qua những lời nghiêm cấm này, vì không có lòng tôn trọng, hay không tin vào giáo lý về đạo đức của Đức Phật, hoặc vì lười biếng với việc tự chủ, nên ta khiến cho người khác nhìn thấy hành vi của mình, rồi mất tín tâm và lòng ngưỡng mộ đối với Phật tử và đạo Phật. Do đó, vì quan tâm về ấn tượng mà hành vi của mình sẽ tạo ra cho người khác, ta sẽ tiết chế, ví dụ như không sử dụng ma túy.

(3) Nhỏ mọn đối với phúc lợi của người khác

Đức Phật đã đưa ra nhiều quy luật nhỏ cho giới xuất gia, để rèn luyện hành vi, chẳng hạn như luôn luôn mang theo ba bộ y áo ở nơi mình sẽ ngủ lại. Tuy nhiên, đôi khi, nhu cầu của người khác sẽ vượt qua nhu cầu phải tuân theo quy luật nhỏ này, ví dụ nếu như có người bị bệnh, và ta phải ở lại qua đêm để chăm sóc người đó. Nếu như vì tức giận hay thù hằn với người đó, hay lười biếng về việc phải thức cả đêm, nên mình từ chối giúp họ, vì lý do không mang theo ba bộ y, thì ta đã phạm hành vi sai lầm này. Là một người cuồng tín cứng nhắc về quy luật sẽ cản trở việc phát triển giới luật của mình một cách quân bình. 

(4) Vì lòng từ bi mà phải tạo ác nghiệp, nhưng lại không làm 

Đôi khi, một vài tình huống cực đoan sẽ xảy ra, mà phúc lợi của người khác sẽ bị nguy hiểm một cách nghiêm trọng, và không còn cách nào khác để ngăn ngừa thảm kịch, ngoài việc thực hiện một trong bảy ác nghiệp bằng thân hay ngữ. Bảy ác nghiệp này là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, nói nặng lời, hay nói lời vô nghĩa. Nếu thực hiện một hành vi như vậy mà không có phiền não vào lúc đó, chẳng hạn như tham, sân, si về nhân quả, mà chỉ được thúc đẩy vì ước muốn ngăn chận khổ đau cho người khác - hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận bất cứ hậu quả xấu nào có thể xảy ra cho mình, thậm chí là nỗi đau trong địa ngục – thì ta sẽ không làm tổn hại trì giới ba la mật của mình. Trên thực tế, ta sẽ tích tập công đức lớn lao, giúp mình tiến nhanh hơn trên đường tu.

Khi có nhu cầu cần thiết, thì việc từ chối thực hiện những ác nghiệp này là một sự sai lầm, tuy nhiên, chỉ khi nào mình đã thọ giới và giữ bồ tát giới thanh tịnh. Sự dè dặt đối với việc hoán chuyển hạnh phúc của mình cho phúc lợi của người khác sẽ cản trở trì giới ba la mật, để luôn luôn giúp đỡ người khác. Mình sẽ không có lỗi, nếu chỉ có lòng bi thiển cận, và không giữ bồ tát giới, hay tu tập theo hành vi mà bồ tát giới nêu ra. Ta sẽ nhận thức là vì lòng bi của mình yếu ớt và không vững chãi, nên nỗi khổ mà mình sẽ trải qua từ những ác nghiệp này có thể dễ dàng khiến cho mình miễn cưỡng với bồ tát hạnh. Thậm chí, ta có thể từ bỏ đường tu giúp đỡ người khác. Giống như lệnh huấn thị mà chư Bồ tát ở giai đoạn phát triển thấp hơn chỉ làm tổn hại cho bản thân và khả năng giúp đỡ người khác, nếu như họ cố gắng thực hành pháp tu của chư Bồ tát ở giai đoạn cao hơn - chẳng hạn như cho cọp đói ăn thịt của mình – tốt hơn là nên thận trọng và do dự về việc này.

Vì có thể nhầm lẫn về những hoàn cảnh nào sẽ đòi hỏi bồ tát hạnh như vậy, nên hãy xem xét các ví dụ từ văn học luận giải. Xin lưu ý rằng đây là những hành vi cuối cùng, khi tất cả những phương tiện khác không thể làm giảm thiểu hay ngăn ngừa nỗi khổ của người khác. Là một vị Bồ tát mới tu tập, ta sẽ sẵn sàng giết một người sắp phạm tội giết người hàng loạt. Ta sẽ không ngần ngại tịch thu các loại thuốc dành cho việc cứu trợ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, mà người nào đã đem bán ở chợ đen, hay tịch thu quỹ từ thiện từ một nhân viên hành chánh đang phung phí hay quản lý quỹ một cách sai lầm. Nếu là nam giới thì mình sẽ sẵn sàng quan hệ tình dục với vợ của người khác - hoặc với một người phụ nữ chưa kết hôn, mà cha mẹ của cô ngăn cấm điều này, hoặc với bất cứ người nào khác không thích hợp - khi người phụ nữ có ước nguyện mạnh mẽ để phát tâm bồ đề, nhưng lại tràn đầy dục vọng với mình, và nếu cô ấy chết đi mà không được quan hệ tình dục với mình, thì sẽ mang theo ác cảm như bản năng vào trong những kiếp tương lai. Hệ quả là cô sẽ vô cùng thù hận chư Bồ tát và bồ tát đạo.

Việc chư Bồ tát sẵn sàng tham gia các hành vi tình dục không phù hợp, khi tất cả những giải pháp khác không thể ngăn cản người nào phát triển thái độ vô cùng tiêu cực đối với đường tu của lòng vị tha, sẽ nêu ra một điểm quan trọng mà những cặp vợ chồng đang tu tập bồ tát đạo nên xem xét. Đôi khi, một cặp vợ chồng đều tu tập, và một trong hai người, chẳng hạn như người phụ nữ muốn sống độc thân, chấm dứt quan hệ tình dục với chồng, trong khi chồng của cô không có cùng quan điểm. Anh vẫn quyến luyến tình dục, và xem quyết định của cô là một sự từ chối cá nhân. Đôi khi, sự cuồng tín và thiếu nhạy cảm của người vợ khiến cho người chồng vì sự bực bội và không vui của mình mà đổ lỗi cho Phật pháp. Người chồng sẽ bỏ vợ, và từ bỏ đạo Phật, với tâm oán hận cay đắng. Nếu không có cách nào khác để tránh phản ứng thù hằn của anh đối với đường tu, và người vợ đang giữ bồ tát giới, thì người vợ sẽ làm một việc tốt, khi đánh giá xem lòng bi mẫn của mình có đủ mạnh mẽ hay không, để cho phép cô quan hệ tình dục với chồng, mà không làm hại khả năng giúp đỡ người khác một cách nghiêm trọng. Điều này rất liên quan đến Mật giới, về mặt hành vi tiết hạnh.

Là Bồ tát mới tu tập, ta sẽ sẵn sàng nói dối để cứu mạng người khác, hoặc giúp cho người khác không bị tra tấn và đánh đập. Ta không ngần ngại nói lời chia rẽ, để đưa con mình ra khỏi nhóm bạn xấu - hay giúp đệ tử lánh xa vị thầy sai trái - những người đang tạo ảnh hưởng tiêu cực cho người khác, khuyến khích thái độ và hành vi có hại. Ta sẽ không kềm chế việc nói nặng lời, để giúp cho con cái thức tỉnh và tránh những cách hành xử tiêu cực, như không làm bài tập ở nhà, khi chúng không nghe theo lẽ phải. Khi những người quan tâm đến đạo Phật hoàn toàn nghiện ngập với việc uống rượu, trò chuyện, liên hoan, ca hát, nhảy múa, kể chuyện cười dung tục hay những chuyện bạo lực, thì ta sẽ sẵn sàng tham gia, vì nếu từ chối thì sẽ khiến những người này cảm thấy rằng Bồ tát và Phật tử nói chung không bao giờ giải trí vui vẻ, nên đường tu này không thích hợp với họ. 

Ba Hành Vi Sai Lầm Liên Quan Đến Hoàn Cảnh Của Mình

(5) Sinh nhai bằng bất chánh mạng

Những cách sinh nhai như vậy là bằng các phương tiện không trung thực, hay tráo trở, chủ yếu gồm năm loại chính: (a) giả vờ hay đạo đức giả; (b) nịnh hót hay dùng lời dịu ngọt để lừa gạt người khác; (c) hăm dọa, tống tiền hoặc lợi dụng cảm giác tội lỗi của người khác; (d) đòi hối lộ hay phạt tiền vì các hành vi phạm tội không có thật; và (e) hối lộ, để có được món gì lớn hơn. Ta sẽ sử dụng những phương tiện như vậy, vì hoàn toàn không có ý thức về phẩm giá đạo đức, hay thiếu sự dè dặt. 

(6) Sôi nổi và chạy theo sinh hoạt phù phiếm

Vì bất mãn, bồn chồn, buồn chán hay hiếu động, và muốn có sự sôi nổi, nên chạy theo những điều phóng dật phù phiếm, như lang thang trong một trung tâm thương mãi, xem hết các đài truyền hình, chơi trò chơi bằng máy vi tính, v.v..., hoàn toàn hăng say và mất tự chủ. Nếu như mình tham gia những hoạt động này với người khác, để giúp cho họ bớt sân hận, hay bớt trầm cảm, để giúp họ, nếu như họ nghiện những việc này, để có lòng tin của họ, nếu như ta nghi ngờ họ thù nghịch với mình, hay để giúp cho tình bạn cũ thân mật hơn, thì sẽ không làm tổn hại việc tu tập giới luật của mình, để hành động một cách tích cực và giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, nếu như mình chạy theo những sinh hoạt này, vì thấy không có gì tốt hơn để làm, thì ta đang tự lừa dối mình. Luôn luôn có điều gì tốt hơn để làm. Tuy nhiên, đôi khi, mình cần phải nghỉ ngơi, để phục hồi lòng nhiệt tình và năng lượng, khi mệt mỏi hay chán nản. Miễn là có giới hạn hợp lý, thì không có lỗi khi làm như vậy. 

(7) Chỉ muốn trôi lăn trong luân hồi

Nhiều kinh điển giải thích rằng chư bồ tát muốn ở lại trong luân hồi hơn, thay vì đạt giải thoát. Việc hiểu điều này theo nghĩa đen, có nghĩa là không tu tập để khắc phục phiền não và đạt giải thoát, mà chỉ ôm giữ vọng tưởng của mình và làm việc để giúp đỡ người khác là một sự sai lầm. Điều này khác với bồ tát giới trọng thứ 18 là từ bỏ tâm bồ đề, vì vậy mà nhất quyết chấm dứt việc tu tập để giải thoát và giác ngộ. Ở đây, ta chỉ xem đó là điều không quan trọng, không cần thiết để giúp mình thoát khỏi phiền não, điều này làm cho giới luật của mình suy yếu một cách nghiêm trọng. Dù trong bồ tát đạo, đặc biệt là trong Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga) thì mình sẽ chuyển hóa và sử dụng năng lượng của dục vọng, để phát huy sự tiến triển tâm linh, nhưng điều này không có nghĩa là thả lỏng dục vọng, và không tu tập để đoạn trừ nó.

Hai Hành Vi Sai Lầm Liên Quan Đến Tự Thân Và Người Khác

(8) Không loại bỏ hành vi khiến cho mình mang tiếng xấu

Giả sử như chúng ta thích ăn thịt. Nếu như mình ngồi chung bàn với các Phật tử ăn chay, và cứ khăng khăng đòi ăn thịt nướng, thì sẽ mời mọc lời chỉ trích và xem thường của họ. Họ sẽ không xem trọng lời mình nói về giáo pháp, và sẽ loan truyền những chuyện của mình, khiến cho người khác cũng không chấp nhận sự giúp đỡ của mình. Là bồ tát mới tu tập, nếu như không loại bỏ những hành vi như vậy, thì đó là một lỗi lầm lớn.

(9) Không sửa sai những người hành động vì phiền não

Là người có quyền trong một văn phòng, trường học, tu viện hay gia đình, mà vì quyến luyến với một số thành viên nào đó, hay muốn được họ yêu chuộng, nên mình không la mắng hay trừng phạt những người hành xử một cách hỗn loạn vì phiền não, thì ta đã làm hỏng kỷ luật và tinh thần của cả nhóm.

Bốn Hành Vi Bất Lợi Cho Việc Tu Tập Nhẫn Nhục Ba La Mật

Kiên nhẫn (bzod-pa, Phạn ngữ: kshanti) là sẵn sàng đối phó với những người làm hại mình, với những khó khăn trong việc tu tập, với nỗi khổ của mình, mà không sân hận.

(1) Bỏ qua bốn pháp tu tích cực

Những pháp tu này là không được trả đũa khi (a) bị mắng chửi hay chỉ trích; (b) trở thành mục tiêu cho người khác trút cơn giận dữ; (c) bị đánh đập; hay (d) bị làm nhục. Vì việc rèn luyện bản thân để không trả đũa trong bốn tình huống phiền phức này là nhân, khiến cho hạnh nhẫn của mình sẽ tăng trưởng, nên nếu như để mình pháp tu này sang một bên, thì sẽ làm hỏng việc phát triển đặc điểm tích cực này.

(2) Bỏ mặc những người đang giận dữ với mình

Khi bị người khác bực tức và oán hận, nếu như mình không làm gì cả, và không cố gắng làm cho họ dịu giận, vì lòng kiêu hãnh, sân hận, thù hằn, lười biếng, dửng dưng, hay không quan tâm đến họ, thì sẽ làm trở ngại cho nhẫn nhục ba la mật mà mình đang tu tập, vì đã để cho sự đối nghịch với lòng kham nhẫn, cụ thể là tâm sân hận, tiếp tục không suy giảm. Dù cho mình có xúc phạm họ, hay có làm điều gì sai trái hay không thì cũng nên xin lỗi họ, để tránh lỗi lầm này.

(3) Không nhận lời xin lỗi của người khác

Việc vi phạm bồ tát giới trọng thứ 3 là không lắng nghe lời xin lỗi của người khác, khi họ cầu xin mình tha thứ, khi mình đang tức giận với họ. Ở đây thì ta không chấp nhận lời xin lỗi của họ, sau khi sự việc đã xảy ra, khi mình đang hận họ.

(4) Ôm ấp hận thù

Một khi tức giận trong bất cứ tình huống nào, thì mình sẽ hành động trái ngược với sự phát triển về hạnh nhẫn khoan dung, nếu như cứ ôm ấp hận thù, mà không áp dụng các lực đối trị để chống lại nó. Nếu như chịu áp dụng những lực đối trị này, chẳng hạn như thiền quán về lòng từ đối với những đối tượng làm cho mình bực bội, nhưng lại không thành công, thì mình không có lỗi, vì ít nhất là đã cố gắng, và không làm suy yếu việc trưởng dưỡng hạnh nhẫn.

Ba Hành Vi Bất Lợi Cho Việc Tu Tập Tinh Tấn Ba La Mật

Tinh tấn (brtson-grus, Phạn ngữ: virya, lòng nhiệt tình tích cực) là sức mạnh trong việc làm những điều có tính xây dựng.

(1) Tập họp những người theo mình, vì muốn được tôn kính

Khi tập họp một nhóm bạn, người ngưỡng mộ hay đệ tử, hoặc quyết định kết hôn hay sống với ai, nếu như động lực của mình là muốn người khác thể hiện lòng tôn trọng, có lòng thương yêu và tình cảm với mình, tặng quà, phục vụ mình, xoa bóp lưng mình và làm những công việc hàng ngày của mình, thì ta đã mất đi lòng nhiệt tình để làm điều gì tích cực cho bản thân, chẳng hạn như giúp đỡ người khác. Ta đã bị lôi cuốn vào cách sinh hoạt thấp kém hơn, cụ thể là bắt người khác phải làm việc gì cho mình.  

(2) Không làm gì cả, vì lười biếng, vân vân

Nếu như mình nhượng bộ cho sự lười biếng, dửng dưng, lãnh đạm, tâm trạng không thích làm gì cả, hoặc không hứng thú với bất cứ điều gì, hay thích ngủ nhiều, nằm trên giường cả ngày, ngủ một chút, hoặc nằm dài không làm gì cả, thì sẽ nghiện ngập vì những điều này, và mất hết nhiệt tâm giúp đỡ người khác. Dĩ nhiên, ta sẽ nghỉ ngơi khi bị bệnh hay kiệt sức, nhưng nếu như tự làm hư thân vì quá mềm yếu, thì đó là một lỗi lầm lớn.

(3) Vì tham ái nên lãng phí thời giờ với những câu chuyện

Chướng ngại thứ ba ngăn cản sự phát triển của lòng nhiệt tình giúp đỡ người khác là lãng phí thời gian một cách vô nghĩa. Điều này đề cập đến việc kể chuyện, nghe chuyện, đọc chuyện, xem chuyện trên truyền hình hay trong các bộ phim, hoặc lên Internet để xem những câu chuyện về tình dục, bạo lực, về những người nổi tiếng, mưu đồ chính trị, v.v...

Ba Hành Vi Bất Lợi Trong Việc Tu Tập Thiền Định Ba La Mật

Định (bsam-gtan, Phạn ngữ: dhyana, thiền na) là tâm trạng không mất đi trạng thái cân bằng hay tập trung, vì phiền não, trạo cử hay hôn trầm.

(1) Không tìm cầu phương tiện tu tập để thành tựu định tâm

Nếu vì lòng kiêu hãnh, thù hận, lười biếng hay dửng dưng mà không tham dự các buổi thuyết pháp của một vị đạo sư về cách định tâm (ting-nge-'dzin, Phạn ngữ: samadhi), thì làm sao ta có thể trưởng dưỡng hay phát huy định tâm? Nếu như mình bị bệnh, hay nghi ngờ chỉ giáo không đúng, hay đã thành tựu định tâm hoàn hảo, thì không cần phải nghe thuyết Pháp.

(2) Không đoạn trừ chướng ngại cản trở định tâm

Khi hành thiền để đạt được định tâm, thì ta sẽ gặp năm chướng ngại lớn (năm triền cái). Nếu như nhượng bộ và không cố đoạn diệt chúng, thì ta sẽ làm hỏng sự phát triển của định tâm. Nếu như đang cố gắng loại bỏ chúng, nhưng chưa thành công, thì không có lỗi. Năm chướng ngại là (a) có chủ ý theo đuổi bất cứ đối tượng nào trong số năm loại đối tượng của giác quan (tham dục), (b) có ý tưởng sân hận, (c) hôn trầm và thụy miên, (d) trạo cử và hối hận, và (e) nghi ngờ.  

(3) Xem hỷ lạc của định tâm là lợi điểm chính của việc thiền định

Thường thì rất nhiều năng lượng của mình bị tiêu hao vì sự bồn chồn, lo âu, do dự, khao khát hay oán hận, vân vân, hay năng lượng bị trì trệ vì hôn trầm và thụy miên. Khi tập trung tinh thần và chú tâm một cách sâu xa hơn bao giờ hết, thì ta sẽ giải tỏa một số năng lượng to lớn hơn bao giờ hết. Ta sẽ trải nghiệm điều này như một cảm giác hỷ lạc trong thân tâm. Khi tâm hỷ lạc này càng mạnh mẽ hơn, thì nó càng lôi cuốn mình vào trong nhập định. Vì lý do này mà trong Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga tantra), ta sẽ phát khởi và sử dụng những trạng thái hỷ lạc mãnh liệt hơn nữa, so với những trạng thái chỉ đạt được từ định tâm hoàn hảo, để đạt được tâm thanh quang vi tế nhất, và hòa nhập nó với sự chứng ngộ về tánh Không. Nếu như sanh tâm quyến luyến với tâm hỷ lạc mà mình đã đạt được ở bất cứ giai đoạn nào trong việc phát triển định tâm, thì dù có kết hợp với pháp tu Mật tông hay không, và xem việc tận hưởng niềm vui mà mình đạt được từ niềm hỷ lạc ấy là mục tiêu chính của việc tu hành, thì mình sẽ ngăn trở sự phát triển thiền định ba la mật một cách nghiêm trọng. 

Tám Hành Vi Bất Lợi Cho Việc Tu Tập Trí Tuệ Ba La Mật

Trí tuệ (shes-rab, Phạn ngữ: prajna, trí phân biệt) là tâm sở phân biệt rõ ràng giữa điều gì đúng và điều gì sai, điều gì thích hợp và không thích hợp, có lợi hay có hại, v.v... 

(1) Từ bỏ Thanh văn thừa

Việc phạm bồ tát giới trọng thứ 6 là tuyên bố rằng kinh sách thuyết giảng trong Thanh văn thừa (shravaka vehicle) không phải là lời Phật dạy, trong khi giới trọng thứ 14 là nói rằng các chỉ giáo trong đó không hữu hiệu để đoạn trừ tâm tham ái v.v... Giới trọng thứ 13 là nói với chư Bồ tát trong giới cư sĩ hay hàng xuất gia đang giữ giới Ba la đề mộc xoa (biệt giải thoát giới) – một phần trong giáo lý của Thanh văn thừa - rằng khi làm Bồ tát thì không cần có nó, không phải giữ giới này. Khi chư Bồ tát thật sự từ bỏ Biệt giải thoát giới, khi nghe lời mình nói, thì việc phạm trọng giới này sẽ xảy ra. Ở đây, hành vi sai lầm là nghĩ hay nói với người khác rằng chư Bồ tát không cần phải nghe giáo pháp của Thanh văn thừa - đặc biệt liên quan đến kỷ luật của biệt giải thoát giới - hay giữ giới, hoặc tu tập theo chúng. Không có ai phải từ bỏ giới nguyện này cả.

Nhờ nghiên cứu và giữ giới mà mình sẽ gia tăng khả năng phân biệt giữa những hành vi nên được áp dụng hay từ bỏ. Khi phủ nhận nhu cầu rèn luyện bản thân bằng Biệt giải thoát giới (pratimoksha), ta sẽ làm suy yếu sự phát triển của trí tuệ. Mình cũng phân biệt sai lầm rằng giáo lý của Thanh văn chỉ cần thiết cho hàng Thanh văn, và không có giá trị đối với chư Bồ tát.

(2) Nỗ lực tu tập biệt giải thoát giới, trong khi đã có phương pháp riêng của mình

Nếu như nỗ lực hết sức để nghiên cứu và giữ biệt giải thoát giới, rồi bỏ bê việc nghiên cứu và tu tập giáo pháp Bồ tát hạnh quảng đại, liên quan đến lòng bi và trí tuệ, thì ta cũng khiến cho trí tuệ suy giảm. Trong khi nỗ lực tu tập giáo pháp Thanh văn thừa, thì đồng thời, hãy tu tập giáo pháp dành cho Bồ tát.

(3) Nỗ lực nghiên cứu sách vở ngoại đạo, khi không được làm như vậy

Theo các luận giải thì sách vở ngoại đạo nói về các tác phẩm về luận lý học và ngữ pháp. Chắc chắn nó cũng có thể bao gồm sách dạy ngoại ngữ hay bất cứ đề tài nào, từ chương trình giáo dục hiện đại như toán học, khoa học, tâm lý học hoặc triết học. Lỗi lầm ở đây là dồn hết sức lực nghiên cứu những môn học này, và bỏ bê việc tu học Đại thừa, để cuối cùng sẽ quên đi giáo pháp. Nếu như mình cực kỳ thông minh, có thể học hỏi mọi điều một cách nhanh chóng, có sự hiểu biết đúng đắn và vững chãi về giáo pháp Đại thừa, dựa vào Nhân minh học, và có thể ghi nhớ những điều này trong ký ức lâu dài, thì không có lỗi khi nghiên cứu sách vở ngoại đạo, nếu như mình cũng duy trì việc tu học Đại thừa mỗi ngày.

Các Phật tử không phải là người Tây Tạng muốn học tiếng Tây Tạng thì sẽ ghi nhớ tôn chỉ này, để thực hiện đúng mục tiêu. Nếu họ có thể học ngôn ngữ một cách nhanh chóng và dễ dàng, đã có nền tảng vững chắc về Phật pháp, và có đủ thời gian để học cả hai môn, ngôn ngữ và giáo pháp, thì sẽ có nhiều lợi lạc từ việc học Tạng ngữ. Họ có thể sử dụng nó như một công cụ cho việc nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, nếu như họ thấy ngôn ngữ khó khăn, chỉ có thời gian và năng lượng hạn hẹp, và chưa hiểu rõ về Phật pháp, hoặc chưa hành thiền ổn định hàng ngày, thì sẽ làm hư hoại và cản trở việc phát triển tâm linh, bằng cách nghiên cứu tiếng Tây Tạng. Điều quan trọng là phải phân biệt những điều ưu tiên của mình.

(4) Ngay cả khi có thể nỗ lực cho cả hai môn học, nhưng lại say mê môn ngoại đạo

Nếu có khả năng nghiên cứu tài liệu ngoại đạo, như Tạng ngữ, với tất cả các quy định như trên, nếu như say mê với đề tài này, thì ta có thể từ bỏ việc tu hành, và tập trung hoàn toàn vào đề tài ít quan trọng hơn này. Việc thông thạo tiếng Tây Tạng hay toán học không giúp cho mình thoát khỏi phiền não, cũng như những vấn đề và nỗi khổ mà chúng gây ra. Nó không giúp cho ta có khả năng giúp đỡ người khác một cách trọn vẹn nhất. Chỉ có việc hoàn thiện bồ đề tâm và các ba la mật, đặc biệt là trí tuệ chứng ngộ tánh Không, mới có thể đưa mình đến mục tiêu này. Do đó, để chống lại lòng say mê các đề tài ngoại đạo - có thể hữu ích để học hỏi, nhưng không phải là điều chủ yếu để tập trung vào đó – thì hãy nghiên cứu chúng một cách tỉnh táo và có quan điểm đúng đắn. Nhờ vậy mà ta sẽ phân biệt đúng đâu là điều thiết yếu, và giúp cho mình không bị lôi cuốn vào những vấn đề ít hệ trọng hơn.

(5) Từ bỏ Đại thừa

Việc vi phạm bồ tát giới trọng thứ 6 là cho rằng kinh sách Đại thừa không phải là lời Phật dạy. Ở đây thì ta sẽ chấp nhận rằng nói chung thì kinh sách Đại thừa là xác thực, nhưng sẽ chỉ trích một vài khía cạnh trong đó, cụ thể là kinh sách nói về những công hạnh quảng đại khó tưởng tượng được của chư Bồ tát, và giáo pháp thậm thâm bất khả tư nghì về tánh Không. Điều thứ nhất gồm có sự tường thuật về việc chư Phật hóa thân thành vô lượng sắc tướng, phổ độ vô lượng chúng sinh trong vô số thế giới trong cùng một lúc, trong khi điều thứ hai bao gồm những vần kệ ngắn gọn và vô cùng khó hiểu. Ta sẽ khiến cho trí tuệ của mình suy giảm, bằng cách bác bỏ chúng bằng bất cứ cách nào trong bốn cách sau đây, rằng (a) nội dung của chúng thấp kém – vì chúng nói về những điều vô nghĩa; (b) cách thể hiện của chúng thấp kém - đó là tài liệu dở, không có ý nghĩa; (c) tác giả của chúng thấp kém - chúng không phải là lời của một vị Phật giác ngộ; hay (d) ứng dụng của chúng thấp kém -  không có lợi cho ai. Khi phân biệt sai lầm như vậy, với tâm lượng hẹp hòi và nóng nảy, ta sẽ làm hư hoại khả năng phân biệt bất cứ điều gì một cách đúng đắn.

Khi gặp những giáo pháp hoặc kinh sách mà mình không hiểu, thì hãy có thái độ cởi mở. Hãy nghĩ rằng tuy hiện giờ mình không thể xem trọng hay hiểu điều này, nhưng chư Phật và Bồ tát có chứng ngộ cao hiểu những giáo pháp này, và nhờ việc chứng ngộ ý nghĩa của chúng, mà các ngài đã tạo vô lượng lợi lạc cho người khác. Nhờ vậy mà mình mới quyết tâm (mos-pa) cố gắng lãnh hội chúng trong tương lai. Nếu như thiếu quyết tâm này thì không có lỗi lầm gì, miễn là đừng coi thường và chê bai giáo pháp ấy. Ít nhất là phải giữ tâm bình đẳng, thừa nhận rằng mình không hiểu điều đó.

(6) Khen mình và/hay chê người

Việc vi phạm bồ tát giới trọng thứ nhất là làm điều này, khi được thúc đẩy vì lòng ham muốn lợi lộc, hay ganh tỵ. Ở đây thì động lực là lòng kiêu hãnh, tự phụ, ngạo mạn hay sân hận. Động lực như vậy sẽ phát sinh, khi phân biệt sai lầm rằng bản thân mình tốt hơn người khác.

(7) Không đến với giáo pháp

Việc vi phạm bồ tát giới trọng thứ 2 là không chia sẻ giáo pháp vì tâm tham ái và keo kiệt. Ở đây thì lỗi lầm là không đi thuyết Pháp, thực hiện các nghi lễ nhà Phật, tham dự các buổi lễ, hoặc không nghe thuyết Pháp vì lòng kiêu hãnh, sân hận, thù hằn, lười biếng hay dửng dưng. Với động lực như vậy thì mình không phân biệt đúng điều gì có giá trị. Tuy nhiên, ta sẽ không có lỗi lầm gì, nếu như không đi vì cảm thấy mình không phải là thầy, hay quá bệnh hoạn, hoặc vì nghi ngờ những giáo pháp mà mình sẽ nghe hay thuyết giảng sẽ không chính xác, hay biết rằng đại chúng đã nghe những điều này nhiều lần, và đã biết hết rồi, hoặc mình đã thọ nhận những giáo pháp này đầy đủ rồi, đã hoàn toàn lãnh hội và quán triệt chúng, nên không cần nghe thêm nữa, hay mình đã tập trung vào giáo pháp này và thẩm thấu nó rồi, nên không cần phải được nhắc nhở về chúng, hoặc chúng vượt qua mức lãnh hội của mình, nên ta chỉ thấy bối rối khi lắng nghe. Hơn nữa, nếu như thầy mình sẽ không hài lòng, nếu như ta đi học - chẳng hạn như nếu thầy đã bảo ta nên làm điều gì khác - thì chắc chắn mình sẽ không đi.   (8) Dựa vào ngôn ngữ để chế nhạo thầy   Ta sẽ làm suy yếu khả năng phân biệt chính xác, khi đánh giá chư đạo sư bằng ngôn ngữ của họ. Chúng ta chế giễu và chối bỏ các vị thầy nói giọng nặng, mắc nhiều lỗi ngữ pháp, dù những điều thầy giải thích là đúng, và chạy theo những người ăn nói tao nhã, nhưng vô nghĩa. 

Mười Hai Hành Vi Sai Lầm, Mâu Thuẫn Với Việc Hoạt Động Để Tạo Lợi Lạc Cho Người Khác

(1) Không giúp người cần sự giúp đỡ

Vì tâm sân hận, thù hằn, lười biếng hay dửng dưng mà không đi giúp đỡ bất cứ người nào trong số tám loại người cần sự giúp đỡ: (a) trong việc đưa ra quyết định về điều gì tích cực, ví dụ như trong một cuộc họp; (b) trong khi đi du lịch; (c) trong việc học một ngoại ngữ mà mình biết; (d) trong việc thực hiện một số nhiệm vụ không có lỗi lầm về mặt đạo đức; (e) trong việc trông chừng một ngôi nhà, ngôi chùa hay tài sản của họ; (f) trong việc ngăn cản một cuộc chiến hay tranh cãi; (g) trong việc ăn mừng một sự kiện nào đó, như một đám cưới; hay (h) trong việc làm từ thiện. Tuy nhiên, việc từ chối sẽ không làm hư hoại nỗ lực giúp đỡ người khác, nếu như mình bị bệnh; đã hứa giúp đỡ người khác; đã nhờ người khác có khả năng làm việc đến giúp người kia; bận rộn với một vài nhiệm vụ tích cực cấp bách hơn; hoặc không đủ khả năng để giúp đỡ. Ta cũng không có lỗi, nếu như việc này có hại cho người khác; mâu thuẫn với giáo pháp; hay không hợp lý; hoặc nếu người yêu cầu mình trợ giúp có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ ở nơi khác; hoặc có ai đáng tin cậy để tìm sự giúp đỡ cho họ.

(2) Không chăm sóc người bệnh

Vì lòng sân hận, thù hằn, lười biếng hay dửng dưng.

(3) Không làm vơi nỗi khổ

Cũng vì những lý do giống như trên. Bảy loại người gặp khó khăn, cần có sự chăm sóc đặc biệt là: (a) người mù; (b) người điếc; (c) người tàn tật và người què; (d) người đi xa mệt mỏi; (e) những người vướng vào bất cứ điều nào trong năm triền cái cản trở định tâm; (f) những người có ác ý và định kiến mạnh mẽ; và (g) những người có địa vị cao đã bị sa cơ thất thế.

(4) Không dạy người khinh suất theo cá tính của họ

Những người khinh suất (bag-med) nói về những người không quan tâm đến luật nhân quả, nên hành vi của họ sẽ tạo ra cho họ nỗi bất hạnh và những vấn đề trong kiếp này, và những kiếp tương lai. Chúng ta không thể giúp đỡ những người như vậy, nếu như mình thấy phẫn nộ và không tán thành. Nếu muốn giúp đỡ họ thì phải có phương tiện thiện xảo và sửa đổi cách tiếp cận của mình, để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ. Ví dụ, nếu như hàng xóm của mình là một thợ săn sốt sắng, thì ta sẽ không thuyết pháp một cách phẫn nộ rằng anh ta sẽ bị thiêu đốt trong địa ngục. Có lẽ người này sẽ không bao giờ dính líu với mình nữa, nếu như mình nói như vậy. Thay vì vậy thì ta sẽ kết bạn với họ bằng cách nói cho anh ấy biết việc cung cấp thịt tươi cho gia đình và bạn bè của anh là điều tử tế ra sao. Một khi người này tiếp thu lời khuyên của mình, thì ta sẽ từ từ đề nghị những cách tốt hơn để thư giãn, và làm cho họ vui vẻ, mà không cần phải giết hại thú vật.

(5) Không giúp đỡ người đã giúp mình

Không muốn giúp đỡ người khác để đáp lại sự giúp đỡ của họ, hoặc không nhớ, hay thậm chí không nghĩ đến việc đền đáp bất cứ điều gì. Tuy nhiên, nếu trong khi cố gắng để giúp đỡ lại người kia, chẳng hạn như khi họ đang sửa xe, mà mình thiếu kiến thức và khả năng, hoặc quá yếu đuối, thì không có lỗi. Hơn nữa, nếu người đã giúp mình không mong cầu việc đền đáp, thì không nên bắt họ chấp nhận sự giúp đỡ của mình.

(6) Không làm vơi nỗi khổ tâm của người khác 

Nếu như không cố gắng an ủi những người đã mất người thân, tiền bạc hay tài sản quý giá vì lòng thù hận, lười biếng hay dửng dưng, thì sẽ có lỗi. Những người buồn bã hay chán nản cần có tình cảm chân thành, sự cảm thông và hiểu biết của mình, nhưng chắc chắn không cần lòng thương hại.

(7) Không bố thí cho những người cần sự giúp đỡ

Vì tâm sân hận, thù hằn, lười biếng hay dửng dưng. Nếu là vì tâm keo kiệt, thì đó là việc phạm trọng giới.

(8) Không quan tâm đến nhu cầu của người thân quanh mình

Khi bỏ bê những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên, đệ tử, v.v... vì tâm thù hận, lười biếng hay dửng dưng, đặc biệt khi mình lại tham gia công tác xã hội giúp đỡ người khác, thì đó là một lỗi lầm lớn. Phải chu cấp cho nhu cầu vật chất của họ, và chăm sóc cho hạnh phúc tâm linh của họ. Làm sao mình có thể giả vờ giúp đỡ tất cả chúng sinh, trong khi lại bỏ mặc nhu cầu của những người gần gũi với mình nhất?

(9) Không tùy thuận với sở thích của chúng sinh

Miễn là điều mà người khác muốn mình làm, hay những điều họ thích, không có hại cho họ hay người khác, thì bạn sẽ phạm lỗi, nếu như không đồng ý giúp họ. Tất cả mọi người đều làm việc theo cách khác nhau, hay có sở thích cá nhân. Nếu như không tôn trọng điều này vì lòng thù hận, lười biếng hay dửng dưng, thì mình sẽ bắt đầu gây gỗ với họ về những chuyện nhỏ như nên đi ăn ở đâu, hoặc không nhạy cảm về sở thích của họ, và khiến cho họ khó chịu hay bực bội, khi gọi món ăn.  

(10) Không khen ngợi tài năng hay đức hạnh của người khác

Nếu như không khen ngợi người khác, khi họ đã làm điều gì tốt đẹp, hay không đồng tình với việc những người khác hoan nghênh họ, vì lòng sân hận, thù hằn, dửng dưng hay lười biếng, thì ta sẽ làm suy yếu lòng quan tâm và nhiệt tình mà mình dành cho họ, để giúp họ tiếp tục phát triển. Nếu như người khác cảm thấy xấu hổ khi được ca ngợi một cách kín đáo hay công khai, hoặc sẽ trở nên kiêu hãnh hay tự phụ, nếu như mình khen ngợi họ một cách trực tiếp, thì ta sẽ không làm như vậy.  

(11) Không trừng phạt theo đúng hoàn cảnh

Nếu muốn giúp đỡ người khác thì điều quan trọng là phải áp dụng kỷ luật với họ, khi họ có hành động ngang ngược. Nếu không làm như vậy, vì vấn đề tình cảm với họ, hay vì lười biếng, dửng dưng, hay không quan tâm, thì mình sẽ phá hoại khả năng trở thành một người chỉ đạo hữu hiệu.   

(12) Không thi triển thần thông khi cần thiết

Một số tình huống cần có những phương pháp đặc biệt để giúp đỡ người khác, chẳng hạn như sử dụng thần thông (rdzu-'phrul). Nếu như mình có những phương tiện này, mà lại không sử dụng, khi chúng có hiệu quả và thích hợp với hoàn cảnh, thì ta sẽ làm giảm bớt khả năng giúp đỡ người khác. Hãy cố gắng sử dụng bất cứ tài năng, khả năng và thành tựu nào mà mình có được, để làm lợi lạc cho người khác.

Top