Mật Giới Trọng Phổ Biến

Tổng Quan

Giống như Bồ tát giới, thì Mật giới cũng có Mật giới trọng và Mật giới khinh, và mình sẽ hứa giữ những giới này cho đến khi đạt giác ngộ, và những Mật giới này sẽ tiếp tục tồn tại trong dòng tâm thức trong những kiếp sau. Các truyền thống Gelug, Kagyu và Sakya ban những giới này trong bất cứ lễ quán đảnh (dbang, điểm đạo), lễ gia trì (rjes-snang, cho phép) hay pháp tích lũy mật chú (sngags-btus) cho bất cứ pháp tu nào từ một trong hai bộ cao nhất của Mật tông – Du già (yoga) hay Tối thượng du già mật điển (anuttarayoga) - theo bốn phân loại của Mật điển. Truyền thống Nyingma ban Mật giới cho bất cứ buổi lễ nào trong ba nghi lễ trên, đối với bất cứ pháp tu nào từ một trong bốn bộ Mật điển cao hơn – Du già (yoga), Đại du già (mahayoga), A nậu du già (anuyoga), hoặc A tỳ du già (atiyoga; dzogchen) - theo sơ đồ sáu loại Mật điển. 

Hầu hết các chi tiết từ việc bàn luận về Bồ tát giới cũng liên quan đến Mật giới.

[Xem: Bồ Tát Giới Trọng]

Mật giới trọng được sử dụng để kềm chế mười bốn hành vi, nếu như chúng được thực hiện với bốn yếu tố ràng buộc (kun-dkris bzhi) thì sẽ tạo ra một sự suy đồi tận gốc (sngags-kyi rtsa-ltung) và làm mất Mật giới một cách nhanh chóng. Nếu như không có những giới nguyện này để định hình đời sống, thì không thể đạt được những thành tựu hay chứng ngộ từ pháp tu Mật tông. Đó là vì pháp tu của mình thiếu bối cảnh hỗ trợ cần thiết. Ngoại trừ một hành vi phạm Mật giới trọng ra, đó là từ bỏ bồ đề tâm - giống như trong bồ tát giới trọng – còn việc vi phạm bất cứ Mật giới nào trong mười ba giới khác, mà không hoàn tất với bốn yếu tố ràng buộc, thì chỉ làm suy yếu Mật giới, chứ không loại bỏ chúng ra khỏi dòng tâm thức của mình.

Có hai thể loại Mật giới trọng, một loại cụ thể trong Kalachakra (Thời Luân) và một loại phổ biến cho tất cả các pháp Du già mật điển và A nậu du già mật điển, bao gồm cả Kalachakra. Ở đây, chúng ta sẽ noi theo lời giải thích về Mật giới trọng phổ biến, được nêu ra trong Giảng Giải Về Mật Giới Bí Mật: Thành Tựu Đơm Quả (Explanation of Secret Mantra Ethical Discipline: A Cluster of Fruit of Actual Attainments; gSang-sngags-kyi tshul-khrims-kyi rnam-bshad dngos-grub-kyi snye-ma) của người sáng lập ra phái Gelug vào đầu thế kỷ 15, ngài Tông Khách Ba (Tsong-kha-pa Blo-bzang grags-pa). Chúng ta sẽ bổ sung nó với tác phẩm Ngọn Đèn Soi Sáng Pháp Tu Tam Muội Da Giới (A Lamp to Illuminate the Closely Bonding Practices; Dam-tshig gsal-ba'i sgron-me) của đại sư Kedrub Norzang Gyatso (mKhas-grub Nor-bzang rgya-mtsho) của phái Gelug vào cuối thế kỷ 15. 

Mười Bốn Mật Giới Trọng

(1) Khinh bỉ hay nhạo báng đạo sư kim cang

Đối tượng là bất cứ vị thầy nào mà mình đã nhận lễ quán đảnh, lễ gia trì hay tích lũy mật chú trong bất cứ bộ Mật điển nào, đã thọ nhận luận giải đầy đủ hay một phần nào bất cứ bản văn nào của bộ Mật điển ấy, hay chỉ giáo truyền khẩu cho bất cứ pháp tu nào của họ. Việc khinh bỉ hay phỉ báng những bậc thầy như vậy có nghĩa là biểu lộ sự khinh miệt, chê trách hay chế nhạo họ, bất kính hay bất lịch sự, hoặc suy nghĩ hay nói rằng lời dạy hoặc lời khuyên của họ vô ích. Một khi đã suy tôn các ngài với lòng kính trọng và danh dự trước đó, thì ta sẽ hoàn tất việc phạm trọng giới này, khi từ bỏ thái độ đó, không xem các ngài như thầy nữa, và nhìn họ với thái độ ngạo mạn, khinh khi. Hành vi khinh bỉ như vậy hoàn toàn khác với việc noi theo lời khuyên trong Mật Điển Thời Luân (Kalachakra Tantra), là giữ một khoảng cách tôn trọng, và không theo học hay liên hệ với một đạo sư Mật tông mà mình quyết định là không phù hợp với mình, không có đủ điều kiện làm thầy, hay hành xử không đúng cách. Việc khinh khi hay coi thường thầy mình về những đề tài không nằm riêng trong Mật tông, chẳng hạn như lòng bi hay tánh Không, hoặc người chỉ ban giới quy y (phương hướng an toàn), hay một là pratimoksha (biệt giải thoát giới) hai là bồ tát giới, về mặt kỹ thuật thì không phải là việc phạm Mật giới trọng đầu tiên này. Tuy nhiên, những hành vi như vậy sẽ làm cản trở việc tiến triển tâm linh.

(2) Vi phạm lời của một bậc giác ngộ

Đối tượng của hành vi này cụ thể là nội dung của những giáo pháp liên quan đến biệt giải thoát giới, bồ tát giới hay Mật giới của một bậc giác ngộ, cho dù vị này là Đức Phật, hay một đạo sư vĩ đại sau này. Việc phạm trọng giới này không chỉ đơn giản là phạm một giới cụ thể nào từ một trong những loại giới này, sau khi đã thọ giới, mà sẽ phạm trọng giới với hai yếu tố bổ sung. Điều này hoàn toàn thừa nhận rằng giới nguyện bắt nguồn từ một người đã đoạn trừ tất cả ám chướng về mặt tinh thần, và xem thường nó bằng cách nghĩ hay nói rằng việc phạm giới không đem lại hậu quả tiêu cực. Việc xem thường và vi phạm một trong hai lệnh huấn thị mà ta biết rằng một đấng giác ngộ đã truyền thụ thì khác với những điều trong bất cứ loại giới nào thuộc về ba loại giới mà mình đã thực hiện, hoặc lời khuyên mà mình không nhận ra là của một đấng giác ngộ đã ban cho, thì không phải là phạm một Mật giới trọng, nhưng sẽ tạo ra chướng ngại trên đường tu.

(3) Vì sân hận mà chê trách anh chị em kim cang

Những người đang giữ Mật giới, và đã cùng với mình nhận một lễ quán đảnh trong bất cứ hệ thống Bổn tôn nào của bộ Mật điển nào từ cùng một vị đạo sư Mật tông, là anh chị em kim cang của mình. Các lễ quán đảnh không cần được nhận trong cùng một lúc, và cũng không cần phải thuộc về cùng một hệ thống, hay bộ Mật điển. Việc phạm giới sẽ xảy ra, khi ta biết rõ những người là anh chị em kim cang của mình, mà lại trực tiếp chế nhạo hay chửi mắng họ về những lỗi lầm, thiếu sót, thất bại, sai lầm, vi phạm, vân vân mà họ có thể có, hay không vi phạm, và họ hiểu lời nói của mình. Động lực phải là lòng thù địch, tức giận hay oán ghét. Nếu như mình nêu ra yếu điểm của những người như vậy một cách tử tế, với ước muốn giúp họ khắc phục khuyết điểm thì không phải là lỗi lầm.

(4) Từ bỏ lòng từ đối với chúng sinh

Lòng từ là ước mong cho chúng sinh được hạnh phúc và nhân hạnh phúc. Việc phạm giới là mong muốn điều ngược lại cho bất cứ chúng sinh nào, ngay cả kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất, cụ thể là muốn cho người nào bị tước đoạt hạnh phúc và nhân hạnh phúc. Nhân tạo ra hạnh phúc là sự thấu hiểu trọn vẹn về thực tại và luật nhân quả. Ít nhất là hãy mong cho một kẻ giết người có đủ chứng ngộ về những điểm này, để không bao giờ lặp lại hành vi tàn bạo như vậy trong những kiếp tương lai, và cuối cùng sẽ được hạnh phúc. Tuy đây không phải là việc phạm Mật giới trọng, khi bỏ mặc một người mà mình có khả năng giúp đỡ, nhưng khi mình nghĩ rằng nếu như một chúng sinh nào đó không bao giờ có được hạnh phúc, thì sẽ tuyệt biết bao nhiêu, thì sẽ phạm giới.

(5) Từ bỏ bồ đề tâm

Điều này cũng giống như phạm bồ tát giới trọng thứ 18, có nghĩa là từ bỏ tâm bồ đề, khi nghĩ rằng mình không có khả năng thành tựu Phật quả, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Ngay cả khi không có mặt bốn yếu tố ràng buộc, thì một ý nghĩ như vậy sẽ khiến cho mình mất luôn bồ tát giới và Mật giới.

(6) Chế giễu học thuyết của mình hay của người khác

Điều này cũng giống như phạm bồ tát giới trọng thứ 6, từ bỏ thánh Pháp, và nói về việc tuyên bố bất cứ giáo pháp nào trong Kinh điển nhà Phật không phải là lời Phật dạy. "Học thuyết của người khác" đề cập đến Kinh điển của Thanh văn thừa (shravaka), Duyên giác thừa (pratyekabuddha) hay Bồ tát thừa (Đại thừa), trong khi "của mình" là Mật điển, cũng nằm trong thể loại Đại thừa.             

(7) Tiết lộ giáo pháp bí mật cho những người chưa hội đủ điều kiện

Các giáo pháp kín mật (bí mật) liên quan đến các pháp tu cụ thể như giai đoạn phát khởi (bskyed-rim) hay giai đoạn viên mãn (rdzogs-rim) để chứng ngộ tánh Không, mà không được chia sẻ với những mức độ tu tập thấp hơn. Chúng bao gồm những chi tiết về các nghi quỹ (sadhanas) cụ thể, và kỹ thuật để viên thành trí tuệ chứng ngộ tánh Không hỷ lạc lớn lao, với tâm thanh quang. Những người chưa hội đủ điều kiện đối với những điều này là những người chưa nhận lễ quán đảnh ở mức độ thích hợp, cho dù họ có tín tâm vào những pháp tu này hay không, nếu như họ đã biết chúng. Nếu như mình giải thích bất cứ quy trình bí mật, phi thường nào, với đầy đủ chi tiết cho người mà mình biết rõ là chưa hội đủ điều kiện, để họ có đủ chi tiết và thử tu tập, và người này sẽ hiểu chỉ giáo này, thì mình sẽ phạm trọng giới. Ngoại lệ duy nhất là khi có nhu cầu giải thích rõ ràng, ví dụ như để bác bỏ thông tin lệch lạc và quan điểm méo mó, đối nghịch về Mật tông. Việc giải thích lý thuyết Mật tông nói chung theo cách học thuật, không đủ để người khác áp dụng vào pháp tu, thì không phạm trọng giới, nhưng sẽ làm hiệu quả của pháp tu Mật tông suy giảm. Tuy nhiên, việc tiết lộ những giáo pháp bí mật cho những người có lòng quan tâm, đang quan sát lễ quán đảnh Mật tông thì không có lỗi lầm gì.

(8) Lăng mạ hay lạm dụng các uẩn của mình

Ngũ uẩn(tiếng Phạn: skandha) tạo ra mỗi sát na kinh nghiệm của mình. Ngũ uẩn này là: (a) sắc tướng của các pháp thể chất, chẳng hạn như cảnh vật hay âm thanh (sắc); (b) cảm thọ hạnh phúc hay bất hạnh (thọ); (c) phân biệt giữa điều này và điều kia (tưởng); (d) các tâm hành khác, chẳng hạn như từ ái hay thù hận (hành); và (e) các loại thức, chẳng hạn như nhãn thức hay ý thức (thức). Tóm lại, các uẩn bao gồm thân, tâm, và cảm xúc. 

Các uẩn này thường liên hệ với sự cấu uế (zag-bcas) - thường được dịch là "ô nhiễm". Nhờ có pháp tu Tối thượng du già mật điển thì mình sẽ đoạn trừ tâm vô minh về thực tại, nên hoàn toàn chuyển hóa các uẩn. Thay vì mỗi sát na của kinh nghiệm bao gồm ngũ uẩn ô nhiễm, thì mỗi sát na cuối cùng sẽ trở thành một hợp thể của ngũ trí tách rời vô minh (zag-med ye-shes), và đó là bản tánh của ngũ uẩn. Đây là các trí giống như một tấm gương, về tánh bình đẳng của các pháp, của cá nhân, về cách thành tựu mục tiêu và pháp giới (Phạn ngữ: dharmadhatu). Mỗi một trí trong ngũ trí được đại diện bằng một Bổn tôn (yi-dam): Tỳ Lô Giá Na (Vairochana), v.v..., được gọi là "ngũ bộ Phật" ở phương Tây.

Một lễ quán đảnh Tối thượng du già mật điển sẽ gieo hạt giống để thành tựu sự chuyển hóa này. Trong pháp tu của giai đoạn phát khởi, ta sẽ tưởng dưỡng những chủng tử này bằng cách tưởng tượng các uẩn của mình đã ở trong dạng tịnh hóa, nhờ cách quán tưởng chúng như những Bổn tôn tương ứng với các uẩn đã được tịnh hóa này. Trong pháp tu của giai đoạn viên mãn thì mình sẽ làm cho những chủng tử này thành thục, bằng cách đưa các uẩn vào những phương pháp du già (yoga) đặc biệt, để làm hiển lộ tâm thanh quang, để chứng ngộ ngũ trí.

Việc phạm trọng giới thứ 8 là xem thường các uẩn của mình, nghĩ rằng chúng không thể trải qua sự chuyển hóa này, hay cố ý làm cho chúng hư hoại vì lòng hận thù hay khinh miệt. Việc tu tập Mật tông không kêu gọi việc phủ nhận hay bác bỏ tri kiến của Kinh điển, vì việc xem thân này là trong sạch và có bản chất hạnh phúc là một hình thức của tư tưởng sai lầm (tshul-min yid-byed). Rõ ràng là thân mình sẽ nhơ bẩn một cách tự nhiên, và tạo ra nỗi khổ như bệnh tật và đau đớn về thể xác. Tuy nhiên, trong Mật tông thì chúng ta nhận thức rằng thân người cũng có bản tánh sâu sắc hơn, khiến cho nó phù hợp để được sử dụng ở nhiều mức độ trên đường tu, để tạo lợi lạc cho người khác một cách trọn vẹn hơn. Khi không nhận thức, hay không thừa nhận bản tánh sâu sắc hơn này, thì ta sẽ ghét bỏ thân mình, nghĩ rằng tâm mình không tốt, và xem cảm xúc của mình là xấu xa. Khi có thái độ tự ti như vậy, hoặc thêm vào đó, còn lạm dụng thân hay tâm bằng hành vi bạo dâm, nguy hiểm không cần thiết, hay lối sống trừng phạt, hoặc làm ô nhiễm chúng bằng thuốc giải trí hay ma túy, thì sẽ phạm Mật giới trọng này.

(9) Bác bỏ tánh Không

Tánh Không (tánh Không) ở đây đề cập đến giáo pháp chung của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Phạn ngữ: Prajnaparamita Sutras) rằng vạn pháp, không chỉ con người, đều không có cách tồn tại bất khả nào, hay đối với giáo pháp Đại thừa của trường phái Duy thức (Chittamatra) hay bất cứ trường phái Đại thừa nào liên hệ đến các pháp đều không có cách tồn tại bất khả nào. Việc phủ nhận những giáo pháp như vậy có nghĩa là nghi ngờ, không tin hay bác bỏ chúng. Dù có noi theo hệ thống học thuyết Đại thừa nào trong khi tu tập Mật tông, thì mình phải hoàn toàn tin tưởng vào giáo pháp của học thuyết đó về tánh Không. Nếu không, nếu như mình bác bỏ Không tánh trong quá trình tu tập, hay thử áp dụng bất cứ quy cách nào bên ngoài bối cảnh của nó, thì ta có thể tin rằng pháp quán tưởng của mình là chân thật một cách cụ thể, ví dụ vậy. Quan niệm sai lầm như vậy chỉ làm cho nỗi khổ luân hồi tồn tại mãi mãi, thậm chí có thể tạo ra tinh thần chao đảo. Trên đường tu thì có thể phải nâng cấp hệ thống học thuyết của mình từ Duy thức lên Trung quán (Madhyamaka) – hoặc là trong Trung quán thì từ Y tự khởi (Svatantrika) đến Cụ duyên (Prasangika) - và, trong quá trình này thì bác bỏ những giáo pháp tánh Không của hệ thống học thuyết cũ của mình. Tuy nhiên, việc loại trừ lời giảng giải ít tinh vi hơn không có nghĩa là không có một tri kiến đúng đắn về tánh Không của vạn pháp, phù hợp với mức độ hiểu biết của mình.

(10) Thương yêu người độc ác

Người độc ác là những người xem thường các vị thầy của chúng ta, chư đạo sư nói chung, hay Phật, Pháp, hay Tăng, và thêm vào đó, còn làm hại hay gây tổn hại cho bất cứ vị nào trong số kể trên. Dù việc từ bỏ mong muốn cho những người như vậy được hạnh phúc và có nhân hạnh phúc là không đúng đắn, nhưng ta sẽ phạm trọng giới, khi hành xử hay nói năng một cách trìu mến với họ. Những hành động như vậy bao gồm việc thân thiện với họ, hỗ trợ họ bằng cách mua hàng hóa họ sản xuất, sách họ viết, v.v... Nếu như mình có động lực hoàn toàn từ bi, và có phương tiện để ngăn chận hành vi phá hoại của họ, và chuyển tâm họ thành tích cực hơn, thì chắc chắn hãy cố gắng làm điều đó, ngay cả khi có nghĩa là phải sử dụng biện pháp mạnh tay. Tuy nhiên, nếu như không có đủ khả năng này, thì mình không có lỗi khi tẩy chay những người như vậy. .

(11) Không thiền quán liên tục về tánh Không

Về việc phạm Mật giới trọng thứ 9 thì tánh Không có thể được hiểu theo trường phái Duy thức hay Trung quán. Một khi đã lãnh hội một tri kiến như vậy, thì việc để cho một ngày và đêm trôi qua mà không thiền quán về nó là phạm trọng giới. Phong tục thông thường là thiền quán về tánh Không ít nhất ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm. Phải tiếp tục hành trì như vậy, cho đến khi đoạn trừ mọi chướng ngại ngăn trở tâm toàn tri (shes-sgrib) - là thời điểm mà mình sẽ luôn luôn trực tiếp chánh niệm về tánh Không. Nếu như đặt ra một giới hạn và nghĩ rằng mình đã thiền quán đủ về tánh Không rồi, trước khi đạt được mục tiêu này, thì không bao giờ có thể thành tựu được nó. 

(12) Phá hoại tín tâm của người khác

Điều này đề cập đến việc cố tình làm cho người khác nản lòng về một pháp tu Mật tông mà họ có tín tâm, và là người thích hợp với pháp tu ấy, đã nhận lễ quán đảnh đúng đắn, v.v... Nếu mình làm cho họ không muốn hành trì pháp tu này nữa, thì sẽ hoàn tất việc phạm trọng giới. Tuy nhiên, nếu họ chưa sẵn sàng với một pháp tu như vậy, thì việc phác thảo cho họ thấy những điều mà trước hết, họ phải nắm vững một cách thực tế, dù cho điều này không dễ làm, thì không có lỗi lầm gì. Việc thu hút người khác bằng cách này, xem bản thân họ và lợi ích của họ một cách nghiêm túc, thay vì coi thường họ là không có khả năng, sẽ giúp cho lòng tự tin của họ tăng lên, để tiến bước trên đường tu tập.

(13) Không nương tựa vào các chất liệu thuộc về tam muội da giới trong pháp tu Mật tông một cách đúng đắn (dam-rdzas)

Pháp tu Tối thượng du già mật điển gồm có việc tham gia các lễ cúng dường định kỳ được gọi là tsog puja. Chúng liên quan đến việc nếm rượu và thịt đã được gia trì một cách đặc biệt. Những chất liệu này tượng trưng cho các uẩn, các đại trong thân thể, và trong Kalachakra là các luồng khí - các yếu tố phiền não thông thường, có bản tánh có thể ban truyền trí tuệ, khi chúng được tách rời khỏi vô minh, và được sử dụng cho đường tu. Khi thấy ghê tởm những chất liệu này, không chịu nếm chúng, vì lý do là người hoàn toàn kiêng rượu hoặc ăn chay, hay nếm thật nhiều, vì thấy thích thú và sinh tâm tham ái, là phạm trọng giới.

Nếu là người cai rượu, và nếu như ngay cả việc nếm một giọt rượu cũng có thể làm cho mình nghiện rượu trở lại, thì ta có thể tưởng tượng là mình đang nếm rượu khi tham dự buổi cúng tsog với người khác. Khi làm như vậy thì mình sẽ chỉ thực hiện cử chỉ nếm rượu, nhưng không thực sự nếm nó. Khi cúng dường tsog tại nhà thì có thể dùng trà hoặc nước trái cây thay thế cho rượu.

(14) Khinh thường nữ giới

Mục tiêu của Tối Thượng Du Già Mật Điển là tiếp cận và khai thác tâm thanh quang, để lãnh hội tánh Không, để khắc phục vô minh và tập khí của nó càng nhanh càng tốt – đó là những yếu tố chính ngăn trở giải thoát, tâm toàn tri và khả năng tạo lợi lạc cho tha nhân một cách trọn vẹn. Tâm cực lạc là điều cực kỳ thuận lợi để đạt được tâm thanh quang, vì nó đưa ta vào những mức độ ý thức và năng lượng sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, và tinh tế hơn. Hơn nữa, khi tâm hỷ lạc đạt đến mức độ thanh quang, và chú trọng vào tánh Không với sự lãnh hội đầy đủ, thì sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ nhất để đoạn trừ tập khí của vô minh.

Trong quá trình để thành tựu đại định, thì ta sẽ có được tâm hỷ lạc ngày càng gia tăng, là kết quả của việc đoạn trừ hôn trầm và trạo cử. Điều tương tự cũng xảy ra, khi mình có được sự hiểu biết sâu sắc hơn và chứng ngộ về tánh Không, là kết quả của việc đoạn trừ phiền não. Khi kết hợp cả hai yếu tố này, thì ta sẽ cảm nhận tâm hỷ lạc ở mức độ ngày càng mãnh liệt và tinh tế hơn, khi có được định tâm ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, về sự hiểu biết sâu sắc hơn về tánh Không.

Trong Tối thượng du già mật Điển thì người nam sẽ nâng cao tâm hỷ lạc của định tâm trong tánh Không hơn nữa, bằng cách dựa vào người nữ. Pháp tu này liên quan đến việc dựa vào một người nữ thật sự như một nghiệp ấn (las-kyi phyag-rgya, Phạn ngữ: karmamudra), được quán tưởng như Bổn tôn nữ, để tránh việc nhầm lẫn; hay đối với những người có giác quan tinh tế hơn, thì chỉ là một người nữ được quán tưởng như một tuệ ấn (ye-shes phyag-rgya, Phạn ngữ: jnanamudra). Người nữ sẽ nâng cao tâm hỷ lạc, nhờ vào một người nam, theo cách tương tự, dựa vào sự kiện mình là phụ nữ. Do đó, việc coi thường, chế giễu, nhạo báng hoặc xem một người nữ cụ thể nào, hay phụ nữ nói chung, hay một nữ Bổn tôn là thấp kém, là phạm Mật giới trọng. Khi mình phát biểu ý kiến và trực tiếp xem thường, khinh miệt một người phụ nữ, với ý định chế giễu nữ tính, và cô ấy hiểu điều mình nói, thì ta đã phạm trọng giới này. Tuy việc nhạo báng nam giới cũng không đúng đắn, nhưng điều này không phạm Mật giới trọng.

Top