Việc Thành Lập Dòng Tu Tỳ Kheo Ni Tại Ấn Độ

05:19

Chính Đức Phật đã ban lễ xuất gia cho những vị sư đầu tiên, bằng cách trì tụng câu “Ehi bhikkhu” (Này tỳ kheo, hãy đến đây).”. Khi một số nhà sư đã được xuất gia theo phương cách này, thì Ngài đã thành lập lễ thọ cụ túc giới (bsnyen-par rdzogs-pa, Phạn ngữ: upasampada, Pali: upasampada) cho chư Tỳ kheo.  

Theo nhiều bài tường thuật truyền thống thì lúc đầu, khi bà dì của Đức Phật, là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahaprajapati Gautami, Go'u-ta-mi sKye-dgu'i bdag-mo chen-mo, Skye-dgu'i bdag-mo, Pali: Mahapajapati Gotami), thỉnh cầu ngài cho bà xuất gia, thì Ngài đã từ chối. Tuy nhiên, cùng với năm trăm nữ tín đồ, Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã cạo đầu, đắp y vàng và đi theo Ngài như những người thoát tục vô gia cư (rab-tu byung-ba, Phạn ngữ: pravrajita, Pali: pabbajja). Khi bà xin xuất gia lần thứ hai, rồi lần thứ ba, và lại bị Đức Phật từ chối nữa, thì đệ tử của Ngài là tôn giả A Nan (Ananda, Kun-dga'-bo) đã thay mặt bà để thỉnh cầu Đức Phật.

Với lời thỉnh cầu lần thứ tư thì Đức Phật đã đồng ý, với điều kiện bà và chư Ni phải tuân theo Bát kính pháp (lci-ba’i chos, Phạn ngữ: gurudharma, Pali: garudhamma). Những điều này gồm có việc địa vị của chư Ni sẽ luôn luôn thấp hơn địa vị của chư Tăng trong Tăng đoàn, không cần biết chư Tăng hay Ni đã thọ giới được bao lâu. Đức Phật đã nêu ra những hạn chế như vậy, để thích hợp với giá trị văn hóa của Ấn Độ vào thời của Ngài, để tránh vấn đề xã hội sẽ không tôn trọng Tăng đoàn, rồi vì vậy mà sẽ không tôn trọng giáo pháp của Ngài. Ngài cũng làm như vậy, để bảo vệ chư Ni, và đảm bảo chư Ni sẽ được giới cư sĩ tôn trọng. Vào thời Ấn Độ cổ xưa, trước hết thì phụ nữ sẽ chịu sự bảo vệ/giám sát của người cha, sau đó là chồng, và cuối cùng là con trai của họ. Phụ nữ độc thân được xem là gái mãi dâm, và có nhiều trường hợp trong Giới luật (Vinaya) của chư Ni, mà các vị đã được gọi là gái mãi dâm, chỉ vì không có sự bảo vệ của người thân, là một nam giới. Việc liên kết Ni đoàn với Tăng đoàn đã khiến cho địa vị độc thân của chư Ni trở nên đáng kính, trong mắt của xã hội.

Theo một số truyền thống thì việc chấp nhận Bát kính pháp đã tạo thành lễ xuất gia đầu tiên này. Theo các truyền thống khác thì Đức Phật đã giao phó lễ xuất gia đầu tiên của Ma Ha Ba Xà Ba Đề và năm trăm nữ tín đồ của bà cho mười vị Tỳ kheo, dưới sự lãnh đạo của ngài A Nan. Trong cả hai trường hợp thì phương pháp tiêu chuẩn sớm nhất để ban lễ xuất gia cho Tỳ kheo ni đã được thực hiện bằng một nhóm, gồm mười vị Tỳ kheo. Cách ban lễ xuất gia này thường được biết như “lễ thọ giới đơn” (pha’i dge-’dun rkyang-pa’i bsnyen-par rdzogs-pa). Thủ tục xuất gia gồm có việc nêu ra một danh sách về những câu hỏi liên quan đến những điều chướng ngại (bar-chad-kyi chos, Phạn ngữ: antarayikadharma, Pali: antarayikadhamma) mà các giới tử có thể có, khiến cho họ không thể giữ tất cả giới nguyện. Ngoài những câu hỏi được áp dụng chung cho các giới tử thọ giới Tỳ kheo, danh sách này còn có những câu hỏi khác, liên quan đến nhân dạng của một người nữ.

Khi một số ni chúng sắp nhận giới Tỳ kheo ni bày tỏ sự khó chịu tột cùng, khi phải trả lời những câu hỏi riêng tư như vậy với các nhà sư, thì Đức Phật đã lập ra “lễ thọ giới kép” (gnyis-tshogs-kyi sgo-nas bsnyen-par rdzogs-pa). Ở đây thì trước tiên, chư Tỳ kheo ni sẽ đặt câu hỏi liên quan đến việc giới tử có thích hợp để trở thành một Tỳ kheo ni hay không. Sau đó thì trong cùng một ngày, chư Tỳ kheo ni sẽ phối hợp với chư Tỳ kheo, để thành lập một hội đồng. Chư Tỳ kheo sẽ ban giới xuất gia, còn chư Tỳ kheo ni thì làm nhân chứng.

Lúc đầu, giới nguyện dành cho Tăng đoàn chỉ bao gồm việc tránh “tánh tội” (rang-bzhin kha-na-ma-tho-ba) - những hành vi của thân và khẩu có tính tiêu cực đối với mọi người, dù là hàng cư sĩ hay xuất gia. Tuy nhiên, đối với những vị xuất gia, thì những điều này bao gồm giới nguyện độc thân. Sau một thời gian, Đức Phật đã ban càng ngày càng nhiều giới nguyện bổ sung, liên quan đến những “giá tội” (bcas-pa'i kha-na ma-tho-ba) - những hành vi của thân và khẩu không có tính cách tiêu cực một cách tự nhiên, mà chỉ bị cấm đoán đối với người xuất gia, để tránh vấn đề xã hội sẽ không tôn trọng Tăng đoàn và giáo pháp của Đức Phật. Chỉ có Phật mới có thẩm quyền ban hành những sự cấm đoán như vậy. Chư Ni thọ thêm nhiều giới bổ sung hơn chư Tăng, bởi vì mỗi một giới bổ sung đã được thành lập, sau khi một vấn đề cụ thể đã xảy ra, liên quan đến hành vi không đúng đắn của một vị Tăng hay Ni. Các giới nguyện của chư Ni bao gồm các giới đã được thành lập, dựa vào hành vi không đúng đắn của chư Ni, trong khi tiếp xúc với chư Tăng, trong khi giới nguyện của chư Tăng thì không bao gồm những quy định tương ứng như vậy, đối với cách hành xử với chư Ni.

Video: Khandro Rinpoche — “Phụ Nữ Trong Kinh Sách Phật”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.
Top