Bối Cảnh
Giới (sdom-pa) là sắc tướng vi tế vô hình trong dòng tâm thức, có khả năng ảnh hưởng hành vi của con người. Nói cụ thể hơn, giới là việc tự chế, không phạm vào những điều "không được tán thành" (kha-na ma-tho-ba), bao gồm những hành vi tiêu cực một cách tự nhiên (rang-bzhin-gyi kha-na ma-tho-ba), hay những điều Đức Phật đã ngăn cấm (bcas-pa'i kha-na ma-tho-ba) đối với một số đệ tử đang tu tập, để đạt được những mục tiêu cụ thể nào đó. Ví dụ của điều thứ nhất là cướp đi mạng sống của người khác; ví dụ của điều thứ hai là người xuất gia không thọ thực sau giờ ngọ, để tâm trí được sáng suốt khi tọa thiền vào buổi tối, hay sáng sớm.
Phát tâm bồ đề có hai giai đoạn, tâm nguyện (smon-pa'i sems-bskyed) và tâm hành ('jug-pa'i sems-bskyed), chỉ khi nào phát tâm hành thì mới thọ bồ tát giới.
[Về sự khác biệt giữa hai giai đoạn, xin xem: Tu Tập BỒ Đề Tâm]
Việc thọ bồ tát giới (byang-sems sdom-pa) là hứa nguyện giữ mình, không phạm hai loại hành vi bất thiện mà Đức Phật đã ngăn cấm, đối với hàng đệ tử tu tập như bồ tát, để đạt giác ngộ và tạo lợi lạc tối đa cho chúng sinh, đó là:
- 18 hành vi, nếu như vi phạm những hành vi này, thì sẽ tạo thành một sự “suy đồi tận gốc” [phạm trọng giới] (byang-sems-kyi rtsa-ltung)
- 46 loại hành vi sai lầm (nyes-byas).
Suy đồi tận gốc có nghĩa là mất hết bồ tát giới. Đó là một sự "suy đồi", vì nó sẽ khiến cho việc phát triển tâm linh suy giảm, và cản trở sự phát triển của những phẩm chất thiện hảo. Chữ tận gốc cho thấy nó là cái gốc phải được đoạn trừ. Để dễ diễn đạt thì hai bộ giới này thường được gọi là bồ tát giới trọng và giới khinh. Hai bộ giới này là tôn chỉ thù thắng về loại hành vi cần phải tránh, nếu như mình muốn tạo lợi lạc cho người khác một cách thanh tịnh và trọn vẹn nhất.
A Đề Sa (Atisha), vị đạo sư Ấn Độ sinh tiền vào cuối thế kỷ thứ 10, đã nhận được phiên bản bồ tát giới đặc biệt này từ sư phụ của ngài ở Sumatran, là đại sư Pháp Xứng (Dharmakirti; Dharmapala) của Suvarnadvipa, mà sau này, ngài đã truyền sang Tây Tạng. Phiên bản này bắt nguồn từ Kinh Quán Hư Không Tạng Bồ Tát (Sutra of Akashagarbha; Nam-mkha'i snying-po mdo, Phạn ngữ: Akashagarbhasutra), như được trích dẫn trong Giáo Tập Yếu (Compendium of Trainings, bSlabs-btus, Phạn ngữ: Shikshasamuccaya), được ngài Tịch Thiên (Shantideva) biên soạn ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 8. Tất cả các truyền thống Tây Tạng hiện đang noi theo phiên bản này, trong khi các truyền thống Phật giáo xuất phát từ Trung Quốc thì noi theo các phiên bản khác về bồ tát giới.
Lời hứa nguyện giữ bồ tát giới không chỉ áp dụng cho đời này, mà còn cho mỗi một kiếp sau, cho đến khi giác ngộ. Do đó, vì mang sắc tướng vi tế, nên những giới nguyện này sẽ tiếp tục trong dòng tâm thức của mình, để đi đến những kiếp tương lai. Nếu đã thọ giới trong một kiếp trước, thì mình sẽ không mất giới, khi vô tình phạm giới hoàn toàn trong hiện tại, trừ khi mình đã thọ giới trở lại trong kiếp này. Việc thọ giới lại lần đầu tiên trong kiếp này sẽ tăng cường thêm nỗ lực hướng về giác ngộ, điều đã phát triển, kể từ lần đầu tiên thọ giới. Do đó, chư đạo sư Đại thừa nhấn mạnh tầm quan trọng khi bồ tát giới còn nguyên vẹn và mạnh mẽ vào phút lâm chung. Sự hiện diện của giới trong dòng tâm thức sẽ tiếp tục tích tập năng lực tích cực (công đức) trong những kiếp tương lai, ngay cả trước khi mình đem lại sức sống mới cho chúng, bằng cách thọ giới lại.
Noi theo người sáng lập phái Gelug, bài luận giải vào thế kỷ 15 của Tông Khách Ba (Tsongkhapa) về bồ tát giới, Giảng Giải Về Bồ Tát Giới: Chánh Đạo Đến Giác Ngộ (An Explanation of Bodhisattvas' Ethical Discipline: The Main Path to Enlightenment; Byang-chub sems-dpa'i tshul-khrims-kyi rnam-bshad byang-chub gzhung-lam), thì hãy khảo sát mười tám hành vi bất thiện, tạo ra việc phạm trọng giới. Mỗi hành vi có một số điều kiện mình cần phải biết.
18 Bồ Tát Giới Trọng
(1) Khen mình và/hoặc chê người
Việc phạm giới này đề cập đến việc nói những lời như vậy với một người ở địa vị thấp hơn mình. Mình phải có động lực muốn được lợi nhuận, khen ngợi, được yêu thích, tôn trọng, v.v... từ người này, hay ganh tỵ với họ, nên mới chê bai họ. Dù điều mình nói là đúng hay sai thì không có gì khác biệt. Các chuyên gia tự quảng cáo mình là Phật tử cần phải thận trọng về việc phạm giới này.
(2) Không chia sẻ Phật pháp hay tài vật
Ở đây, động lực phải nhất thiết là lòng tham ái và keo kiệt. Hành vi bất thiện này bao gồm việc không chỉ khư khư giữ lấy bài ghi chép hay ghi âm cho riêng mình, mà còn hà tiện thời gian, từ chối giúp đỡ người khác khi cần thiết.
(3) Không nhận lời xin lỗi của người khác, hay đánh đập người khác
Động lực cho một trong hai điều này phải là tâm sân hận. Việc không nhận lời xin lỗi của người khác là trường hợp cứ tiếp tục la mắng hay đánh đập người khác, dù người đó đã xin lỗi, hoặc có ai can ngăn, nhưng mình vẫn không chịu ngừng. Còn đánh đập người khác chỉ đơn giản có nghĩa là đánh người. Thỉnh thoảng, cần phải đét đít trẻ con hay thú vật, khi chúng không chịu nghe lời mà cứ chạy ra đường, nhưng nếu như đánh người vì sân hận thì không bao giờ là điều thích hợp hay hữu ích.
(4) Từ bỏ pháp Ðại thừa và tự đề xuất giáo pháp mới
Điều này có nghĩa là bác bỏ giáo pháp đúng đắn về một số đề tài liên quan đến chư Bồ tát, chẳng hạn như hành vi đạo đức của họ, thay vào đó thì tự tạo ra giáo pháp mới, tuy có vẻ hợp lý, nhưng lại là chỉ giáo sai lầm về cùng một đề tài, và tuyên bố đó là chánh pháp, rồi thuyết giảng nó cho người khác, để dụ dỗ tín đồ. Một ví dụ về việc phạm giới này là khi sư phụ bỏ qua hành vi phóng túng, vô đạo đức của những người có thể trở thành đệ tử trong tương lai, vì không muốn họ bỏ đi, nên giải thích là muốn làm gì cũng được, miễn là đừng gây hại cho người khác. Không cần phải làm thầy mới phạm giới này. Chúng ta có thể phạm giới, ngay cả khi nói chuyện bình thường với người khác.
(5) Lấy thức cúng dường dành cho Tam Bảo
Việc phạm giới này là tự mình hay khiến người ăn cắp hoặc biển thủ bất cứ món gì được cúng dường cho Tam Bảo, hay thuộc về Phật, Pháp, Tăng, rồi xem nó là của mình. Trong bối cảnh này thì Tăng đề cập đến một nhóm gồm bốn vị xuất gia trở lên. Các ví dụ bao gồm việc biển thủ quỹ cúng dường để xây chùa tháp, in kinh sách, hay nuôi chư tăng ni.
(6) Từ bỏ thánh Pháp
Ở đây, việc phạm giới là bác bỏ hay phát biểu ý kiến, khiến cho người khác phủ nhận việc giáo pháp kinh điển của hàng Thanh văn (shravaka; nyan-thos), Duyên giác (pratyekabuddha; rang-rgyal), hay Bồ tát là lời Phật dạy. Thanh văn là những vị lắng nghe Phật thuyết Pháp, khi Phật pháp vẫn còn tồn tại, trong khi Duyên giác là các hành giả tự tu tự tiến, chủ yếu sống trong thời kỳ đen tối, khi Pháp không còn trực tiếp hiện hữu. Muốn tu tập tiến bộ thì các ngài phải dựa vào sự hiểu biết bằng trực giác đã tích tập được nhờ công phu tu học trong những kiếp trước. Giáo pháp dành cho Thanh văn và Duyên giác gộp chung lại thành Tiểu thừa (Hinayana), hay "cỗ xe khiêm nhường" để thoát khỏi luân hồi cho riêng mình. Cỗ xe Đại thừa (Mahayana) nhấn mạnh các phương pháp để thành tựu giác ngộ viên mãn. Việc phủ nhận rằng tất cả, hay chỉ có một số kinh điển của một trong hai thừa mới bắt nguồn từ Đức Phật đều phạm trọng giới.
[Xem: Thuật Ngữ Tiểu thừa và Đại thừa]
Việc duy trì giới nguyện không có nghĩa là từ bỏ viễn cảnh lịch sử. Giáo pháp của Đức Phật đã được truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, trước khi được ghi chép xuống, nên đương nhiên việc sai sót và ngụy tạo đã xảy ra. Chư đạo sư vĩ đại kết tập kinh điển Phật giáo Tây Tạng chắc chắn đã bác bỏ những bài kinh mà các ngài cho là không xác thực. Tuy nhiên, thay vì dựa vào thành kiến để quyết định thì các ngài đã sử dụng tiêu chuẩn trạch pháp của đại sư Pháp Xứng (Dharmakirti) người Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7, để đánh giá tính hợp lệ của bất cứ kinh điển nào, bằng cách xem xét pháp tu có khả năng giúp cho hành giả thành tựu mục tiêu tái sinh, giải thoát hay giác ngộ tốt hơn hay không. Văn phong khác biệt trong các kinh điển, thậm chí trong cùng một bài Kinh, thường là yếu tố cho thấy sự khác biệt về thời gian, khi những phần khác nhau trong bài kinh đã được ghi chép, hay dịch ra các ngôn ngữ khác nhau. Do đó, việc áp dụng phương pháp phân tích văn bản hiện đại để nghiên cứu kinh điển thường có hiệu quả, và không mâu thuẫn với giới này.
(7) Khiến cho tăng ni hoàn tục, hay có những hành vi như lấy trộm y áo của tăng ni
Việc phạm giới này đặc biệt nói về việc làm điều gì gây hại cho một, hai hoặc ba vị tăng hay ni, bất kể tình trạng giới hạnh hay trình độ tu học của vị này. Những hành động như vậy phải được thúc đẩy bằng ác ý hay dã tâm, bao gồm việc đánh đập hay chửi mắng hiếp đáp, tịch thu vật dụng, hay trục xuất khỏi tu viện. Tuy nhiên, việc trục xuất tăng ni sẽ không phạm giới, nếu như vị này đã phạm một trong bốn trọng giới là: không sát sinh, đặc biệt là giết người; không trộm cắp, đặc biệt là trộm cắp tài vật thuộc về tăng đoàn; không nói dối, đặc biệt về thành tựu chứng ngộ; và duy trì đời sống độc thân hoàn toàn.
(8) Phạm bất cứ tội nào trong ngũ nghịch
Ngũ nghịch (mtshams-med lnga) là (a) giết cha; (b) giết mẹ; hoặc (c) giết A la hán (bậc giải thoát); (d) có ác ý làm đổ máu thân Phật; hay (e) khiến Tăng đoàn chia rẽ. Tội vô gián sau cùng đề cập đến việc bác bỏ giáo pháp và thể chế Tăng đoàn của Đức Phật, lôi kéo Tăng chúng ra khỏi Tăng đoàn, để đi theo tôn giáo và truyền thống Tăng đoàn mới mà mình tự sáng lập. Đây không phải là việc rời khỏi một trung tâm hay tổ chức Phật giáo - đặc biệt là vì vấn đề tham nhũng trong tổ chức hay từ các vị thầy - để thành lập một trung tâm khác, mà vẫn tuân theo Phật pháp. Hơn nữa, chữ sangha (Tăng già) trong tội vô gián này đặc biệt nói về Tăng đoàn, chứ không đề cập đến chữ "sangha" mà Phật tử Tây phương thường dùng một cách phi truyền thống, tương đương với hội chúng của một trung tâm hay tổ chức Phật giáo.
(9) Có tà kiến
Điều này có nghĩa là phủ nhận những điều đúng và có giá trị - chẳng hạn như luật nhân quả, quy y, tái sinh và giải thoát khỏi tái sinh – có khái niệm đối nghịch với những ý tưởng này, và những người tin vào chúng.
(10) Phá hoại những nơi như thành thị
Việc phạm giới này bao gồm việc cố tình phá hủy, ném bom hay làm suy thoái môi trường của một thị trấn, đô thị, quận hay miền quê, khiến cho nơi này trở nên độc hại, không thích hợp hay khó khăn cho con người hay thú vật sinh sống ở đó.
(11) Giảng tánh Không cho những người tâm chưa thuần thục
Đối tượng chính đối với việc phạm giới này là những người có động lực bồ đề tâm, nhưng chưa đủ khả năng để hiểu tánh Không. Những người như vậy sẽ hoang mang hay sợ hãi vì giáo pháp này, do đó, sẽ từ bỏ bồ tát đạo, để noi theo đường tu biệt giải thoát. Điều này có thể xảy ra, vì họ nghĩ rằng nếu như vạn pháp đều không có tự tánh, không có sự hiện hữu có thể tìm thấy được, thì không có ai tồn tại, tại sao phải tu tập vì lợi lạc của người khác? Hành vi này cũng kể cả việc giảng tánh Không cho người nào sẽ hiểu lầm về nó, vì vậy mà hoàn toàn từ bỏ giáo pháp, ví dụ như bằng cách nghĩ rằng Phật giáo dạy không có pháp gì tồn tại, nên đó là điều vô nghĩa. Nếu không có thần thông thì khó mà biết được tâm thức của người khác đã được rèn luyện đầy đủ chưa, để không hiểu sai giáo pháp về tánh Không của vạn pháp. Do đó, điều quan trọng là phải hướng dẫn người khác đến với giáo pháp này bằng cách giải thích về từng bước tuần tự về tính phức tạp của nó, và thường xuyên theo dõi sự hiểu biết của họ.
(12) Khiến người khác từ bỏ giác ngộ viên mãn
Đối tượng của hành động này là những người đã phát tâm bồ đề, và đang nỗ lực tiến đến giác ngộ. Việc phạm giới là nói với họ rằng họ không có khả năng thực hành hạnh thí, hạnh nhẫn, v.v... trong mọi lúc - nói rằng họ không thể thành Phật, nên hãy cố thành tựu giải thoát cho riêng mình thì sẽ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, trừ khi họ thật sự từ bỏ mục tiêu giác ngộ, nếu không thì giới này vẫn chưa bị phá hoàn toàn.
(13) Khiến người khác từ bỏ Biệt giải thoát giới
Ba la đề mộc xoa (pratimoksha), hay biệt giải thoát giới (so-thar sdom-pa), bao gồm những giới nguyện dành cho cư sĩ, ưu bà tắc (cận sự nam), ưu bà di (cận sự nữ), chư ni thọ giới Thức xoa ma na, sa di, sa di ni, tỳ kheo và tỳ kheo ni. Đối tượng ở đây là những người đang giữ một trong những bộ giới biệt giải thoát này. Việc phạm giới là nói với họ rằng đã làm Bồ tát thì việc giữ biệt giải thoát giới không có ích lợi gì, bởi vì đối với Bồ tát thì mọi hành vi đều thanh tịnh. Nếu như người này thật sự từ bỏ giới nguyện, thì mình đã hoàn toàn phạm giới này.
(14) Xem thường Thanh văn thừa
Việc phạm trọng giới thứ sáu là cho rằng kinh điển của Thanh văn thừa hay Duyên giác thừa không phải là lời Phật dạy xác thực. Ở đây, chúng ta chấp nhận đó là lời Phật dạy, nhưng phủ nhận hiệu quả của những giáo pháp này, và bảo vệ quan điểm rằng không thể đoạn trừ phiền não bằng cách áp dụng chỉ giáo này, ví dụ như giáo pháp liên quan đến vipassana (thiền minh sát).
(15) Mạo nhận mình đã chứng ngộ tánh Không
Giới này sẽ bị phá, nếu như mình chưa hoàn toàn chứng ngộ tánh Không, mà vì ganh tỵ với chư đạo sư vĩ đại, nên thuyết giảng hay viết lách về đề tài này, giả vờ mình đã chứng ngộ. Không có sự khác biệt nào, dù có đệ tử hay độc giả nào bị lừa vì việc giả vờ này hay không. Tuy vậy, họ phải hiểu điều mình giải thích. Nếu họ không hiểu việc bàn luận của mình, thì việc phạm giới chưa hoàn tất. Tuy giới này nói về việc mạo nhận mình đã chứng ngộ, nhất là về tánh Không, nhưng rõ ràng cũng phải tránh điều này, khi thuyết giảng về bồ đề tâm hay những đề tài khác trong giáo pháp. Tuy nhiên, ta không có lỗi về việc thuyết giảng tánh Không, trước khi chứng ngộ điều này một cách đầy đủ, miễn là mình công khai thừa nhận điều này, và chỉ giải thích ở mức độ hiểu biết tạm thời trong hiện tại.
(16) Nhận tài vật của Tam Bảo, đã bị đánh cắp
Việc phạm giới này là chấp nhận tặng vật, các thức cúng dường, tiền lương, tiền thưởng, tiền phạt, tiền hối lộ, hay bất cứ món gì mà người khác đã trộm cắp hay biển thủ tài vật của Phật, Pháp, Tăng. Một là tự mình làm, hai là xúi bảo người khác làm, kể cả khi như nó chỉ thuộc về một, hai hoặc ba vị tăng hay ni.
(17) Tạo ra nguyên tắc bất công
Điều này có nghĩa là bất công với các hành giả nghiêm túc, vì sân hận hay thù hằn với họ, và ủng hộ những người có thành tựu ít hơn, hay không có thành tựu gì cả, vì lòng tham luyến với họ. Một ví dụ về việc phạm giới này là dành hầu hết thời gian để dạy riêng cho đệ tử không tu học thường xuyên, có thể trả học phí cao. và bỏ bê các đệ tử nghiêm túc, nhưng không thể trả học phí.
(18) Từ bỏ bồ đề tâm
Đây là việc từ bỏ ước nguyện đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả. Trong hai mức độ của tâm bồ đề, bồ đề tâm nguyện và tâm hành thì giới này đặc biệt nói về đến việc từ bỏ bồ đề tâm nguyện. Khi làm như vậy thì ta cũng từ bỏ bồ đề tâm hành luôn.
Đôi khi, trọng giới thứ 19 được nêu ra:
(19) Miệt thị người khác bằng câu kệ hay lời mỉa mai
Tuy nhiên, giới này có thể được gộp chung vào bồ tát giới trọng thứ nhất.
Giữ Giới
Khi học hỏi về những giới nguyện như thế này thì đôi khi người ta sẽ thấy khó giữ được giới, và sợ phải thọ giới. Tuy nhiên, phải tránh sự đe dọa này, bằng cách hiểu rõ giới là gì. Có hai cách để giải thích về giới. Theo cách thứ nhất thì giới là một thái độ mà mình áp dụng trong đời sống, để kềm chế những hành vi bất thiện nào đó. Cách thứ hai thì giới là hình tượng hay sắc tướng vi tế mà mình tạo ra cho đời sống. Trong cả hai trường hợp, việc giữ giới đều liên quan đến chánh niệm (dran-pa), tỉnh giác (shes-bzhin) và tự chủ. Nhờ có chánh niệm mà ta sẽ giữ giới trong tâm mỗi ngày. Nhờ tâm tỉnh giác mà ta sẽ trông chừng hành vi của mình, để xem nó có phù hợp với giới hay không. Nếu như phát hiện mình đang phạm giới, hay sắp phạm giới, thì phải áp dụng tính tự chủ. Nhờ vậy mà ta sẽ ấn định và duy trì phong cách đạo đức trong đời sống.
Việc giữ giới và duy trì chánh niệm về giới thì không quá xa lạ hay khó thực hiện. Nếu như mình lái xe, thì sẽ đồng ý tuân theo một số luật lệ nào đó, để giảm thiểu tai nạn và bảo đảm an toàn tối đa. Những luật lệ này sẽ ấn định cách lái xe của mình – ta sẽ không tăng tốc độ, đi theo chiều dành cho mình, và tìm ra cách thực tế và thuận tiện nhất để đi đến nơi mình muốn đến. Sau khi đã có một số kinh nghiệm, thì việc tuân theo luật lệ sẽ trở thành tự nhiên đến mức không cần để ý mà vẫn có thể giữ đúng luật, không bao giờ là gánh nặng. Việc giữ bồ tát giới hay bất cứ giới nào khác cũng tương tự như vậy.
Bốn Yếu Tố Ràng Buộc Đối Với Việc Mất Giới
Chúng ta sẽ mất giới, khi hoàn toàn buông bỏ hình tượng của giới trong đời sống, hay chấm dứt việc cố gắng giữ giới. Điều này được gọi là phạm trọng giới. Khi nó xảy ra, thì cách duy nhất để lấy lại hình tượng đạo đức này là cải thiện thái độ, hành trì một pháp tu tịnh hóa, chẳng hạn như thiền quán về lòng từ bi, thọ giới lại. Trong 18 bồ tát giới trọng thì ngay khi phạm giới thứ 9 hay 18 – có tri kiến lệch lạc, đối nghịch, hay từ bỏ bồ đề tâm – thì đã mất giới, bởi vì mình đã đổi ý, hình tượng đạo đức trong đời sống được uốn nắn theo bồ tát giới, nên đã chấm dứt mọi nỗ lực để duy trì nó. Do đó, ta sẽ mất hết bồ tát giới ngay lập tức, không chỉ là một giới cụ thể mà mình đã từ bỏ.
Việc vi phạm 16 bồ tát giới kia không tạo thành việc phạm trọng giới, trừ khi thái độ đi kèm với hành động chứa đựng bốn yếu tố ràng buộc (kun-dkris bzhi). Những yếu tố này phải được giữ gìn và duy trì ngay lập tức, sau khi phát triển động lực phá giới, cho đến lúc ngay sau khi đã hoàn thành hành vi phạm giới.
Bốn yếu tố ràng buộc là:
- Không xem hành vi bất thiện là có hại, mà chỉ thấy nó có lợi, và hành động mà không hối hận
- Đã có thói quen phạm giới trước đây, và không có ý muốn hay ý định kềm chế việc này trong hiện tại, hay tương lai
- Cảm thấy vui sướng vì hành vi bất thiện, và vui vẻ khi hành động như vậy
- Không có lòng tự trọng (ngo-tsha med-pa, không có ý thức về danh dự) và không quan tâm đến việc hành động của mình sẽ phản ánh về người khác như thế nào (khrel-med, không có ý thức về mặt mũi), như thầy cô và cha mẹ mình, nên không có ý định tu sửa việc thương tổn mà mình đang tạo ra cho tự thân
Nếu cả bốn thái độ không đi kèm với việc vi phạm bất cứ giới nào trong 16 giới này, thì hình tượng bồ tát trong đời sống của mình, cũng như nỗ lực để duy trì nó vẫn còn đó, nhưng cả hai đều trở nên yếu kém. Đới với 16 giới thì có một sự khác biệt lớn giữa việc chỉ phá giới, và mất giới.
Ví dụ, giả sử mình không cho ai mượn một cuốn sách, vì lòng lưu luyến và keo kiệt. Ta thấy điều này không có gì sai trái - sau cùng thì người này có thể làm đổ cà phê lên sách, hoặc không trả sách. Trước đây, mình chưa bao giờ cho ai mượn sách này, và không có ý định thay đổi nguyên tắc này hiện nay, hoặc trong tương lai. Hơn nữa, ta thấy vui vẻ với quyết định không cho mượn sách. Vì thiếu lòng tự trọng, nên ta không biết xấu hổ khi nói 'không'. Ta không quan tâm là việc này sẽ phản ánh như thế nào về bản thân, dù trên thực tế thì đáng lẽ mình là người muốn đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ, vậy thì làm sao ta lại không sẵn sàng chia sẻ bất cứ kiến thức nào mà mình có được? Vì không thấy xấu hổ, nên ta không quan tâm là việc này sẽ phản ánh như thế nào về chư đạo sư của mình, hay về đạo Phật nói chung, và không có ý định làm điều gì để đối trị với hành vi ích kỷ ấy.
Nếu như có những thái độ này, khi không cho người khác mượn sách, thì chắc chắn ta đã mất hình tượng bồ tát trong đời sống. Ta đã hoàn toàn gục ngã đối với việc tu tập Đại thừa, và mất hết bồ tát giới. Mặt khác, nếu như không có một vài thái độ trong số này, và không cho mượn sách, thì ta chỉ làm giảm nỗ lực duy trì hình tượng bồ tát trong đời sống thôi. Giới nguyện vẫn còn, nhưng ở trong hình thức suy yếu hơn.
Làm Giới Suy Yếu
Việc vi phạm một trong 16 giới, mà không có một trong bốn yếu tố ràng buộc hiện diện thì sẽ không làm suy yếu bồ tát giới của mình. Ví dụ như không cho mượn sách, khi có người muốn mượn, nhưng ta biết trên cơ bản là mình sai. Ta không có ý định không cho họ mượn sách như một nguyên tắc, cảm thấy không vui vì việc từ chối, và lo ngại rằng cách từ chối của mình sẽ phản ánh về tự thân và đạo sư của mình ra sao. Ta có lý do hợp lệ để không cho mượn sách, chẳng hạn như mình cần có cuốn sách trong lúc đó, hay đã hứa cho người khác mượn sách này. Động lực của mình không phải là vì quyến luyến với cuốn sách, hay tâm keo kiệt. Ta sẽ xin lỗi vì không thể cho mượn sách ngay bây giờ, và giải thích lý do, đảm bảo với người đó là sẽ cho họ mượn sách càng sớm càng tốt. Để đền bù cho họ, thì ta sẽ đề nghị chia sẻ cho họ giáo pháp mà mình đã ghi chép. Khi làm như vậy thì mình sẽ duy trì hình tượng bồ tát trong đời sống một cách trọn vẹn.
Dần dần, ta sẽ bắt đầu làm suy yếu hình tượng đó, và lơi lỏng việc giữ giới, khi ngày càng chịu ảnh hưởng của tâm tham ái và keo kiệt. Xin lưu ý rằng việc giữ giới để tránh việc không chia sẻ giáo pháp hay bất cứ kiến thức nào khác sẽ không giúp ta đoạn trừ tâm tham ái hay keo kiệt đối với sách vở của mình. Nó chỉ giúp cho mình không hành xử theo tác động của tâm tham ái và keo kiệt thôi. Ta có thể cho mượn sách, hay vì một nhu cầu cấp thiết mà không cho mượn ngay bây giờ, nhưng vẫn quyến luyến với cuốn sách, và trên cơ bản là một người keo kiệt. Tuy nhiên, giới sẽ giúp mình trong quá trình đấu tranh để đoạn trừ những phiền não này, và giải thoát khỏi những vấn đề và nỗi khổ mà chúng tạo ra. Tuy nhiên, khi những kẻ tạo ra rắc rối này càng mạnh mẽ hơn, thì ta càng khó áp dụng quyền tự chủ, không để cho chúng làm chủ hành vi của mình.
Ta sẽ ngày càng bị tâm tham ái và keo kiệt chi phối nhiều hơn - và giới nguyện của mình ngày càng suy yếu hơn - khi mà không cho mượn sách thì ta biết rằng làm như vậy là sai, nhưng sẽ vướng vào một, hai hoặc cả ba yếu tố ràng buộc khác. Những điều này sẽ tạo thành những mức độ suy đồi nhỏ, trung bình và lớn (zag-pa chung-ba) trong giới nguyện của mình. Ví dụ như ta biết việc không cho mượn sách là sai, nhưng đó là nguyên tắc của mình, và không có ngoại lệ nào cả. Nếu như ta cảm thấy tồi tệ về điều đó, và xấu hổ về việc không cho mượn sách sẽ phản ánh như thế nào về bản thân mình và đạo sư của mình, thì hình tượng bồ tát mà mình đang cố gắng tạo ra trong đời sống vẫn không quá yếu ớt. Nhưng nếu cộng thêm vào đó, ta còn cảm thấy vui vẻ về nguyên tắc của mình, rồi không còn quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình hay thầy của mình, thì ta sẽ ngày càng trở thành nạn nhân của tâm tham ái và keo kiệt nhiều hơn. Một mức độ thậm chí còn yếu hơn của việc duy trì hình tượng này trong đời sống của mình sẽ bắt đầu, khi ta không thừa nhận đã làm điều gì sai trái, khi không cho mượn sách. Đây là mức độ suy đồi trung bình (zag-pa 'bring). Khi bổ sung thêm một hay hai yếu tố trong các yếu tố ràng buộc khác, thì sẽ làm suy yếu hình tướng này hơn hơn nữa, thành sự suy đồi lớn trung bình và suy đồi lớn (zag-pa chen-po), theo đúng thứ tự tương ứng với số yếu tố ràng buộc được bổ sung thêm. Khi tất cả bốn yếu tố ràng buộc đều có mặt, thì mình sẽ phạm trọng giới, và mất hết tất cả bồ tát giới. Bây giờ thì ta hoàn toàn chịu ảnh hưởng của tâm tham ái và keo kiệt, nghĩa là không còn dấn thân vào việc khắc phục chúng, hay chứng ngộ tiềm năng của mình, để tạo lợi lạc cho người khác. Khi từ bỏ giai đoạn bồ đề tâm hành thì mình sẽ mất đi bồ tát giới, là điều tạo ra cấu trúc cho mức độ này.
Củng Cố Giới Nguyện Đã Suy Yếu
Nếu đã làm cho bồ tát giới của mình suy yếu hay mất giới, thì bước đầu tiên để tu sửa chúng là thừa nhận rằng việc phạm giới là một lỗi lầm. Có thể làm điều này bằng một nghi thức tu sửa (phyir-'chos, phyir-bcos). Một nghi thức như vậy không đòi hỏi ta phải thú nhận lỗi lầm với người khác, hay mong chư Phật tha thứ cho mình, mà phải trung thực với bản thân, với cam kết của mình. Nếu như cảm thấy việc mình phạm một giới cụ thể nào là sai, thì hãy thừa nhận lại lỗi lầm. Sau đó, hãy phát khởi bốn yếu tố đóng vai trò của lực đối trị (gnyen-po'i stobs-bzhi). Bốn yếu tố này là:
- Cảm thấy hối hận vì hành vi của mình. Hối hận ('gyod-pa), dù là ở thời điểm phạm giới hay sau đó, không giống như cảm giác tội lỗi. Hối hận là ước gì mình đã không tạo tác hành vi mà ta đang làm, hay đã làm. Đó là điều trái ngược với việc xem đó là niềm vui, hay sau đó tùy hỷ với hành động của mình. Mặt khác, cảm giác tội lỗi là một cảm giác mạnh mẽ rằng hành động của mình thật sự xấu xa, nên ta là một người thật xấu xa. Khi xem những bản sắc này như có tự tánh và thường hằng, thì ta sẽ bám chấp vào chúng một cách không làm mạnh, và không buông bỏ chúng. Tuy nhiên, cảm giác tội lỗi không bao giờ là một phản ứng thích hợp hay hữu ích cho lỗi lầm của mình. Chẳng hạn, nếu như ăn món gì làm cho mình bị bệnh, thì ta sẽ hối hận vì đã ăn món đó, vì đó là một sự sai lầm. Tuy nhiên, việc ăn món đó không làm cho mình xấu xa một cách cố hữu. Ta sẽ chịu trách nhiệm cho hành động của mình, và hậu quả của nó, nhưng không tội lỗi vì việc này, theo nghĩa lên án bản thân, làm mất đi cảm giác về giá trị hay nhân phẩm của mình.
- Hứa sẽ cố gắng hết sức để không lặp lại lỗi lầm. Ngay cả khi đã có ý định như vậy khi phạm giới, ta sẽ có ý thức khẳng định lại quyết tâm này.
- Quay trở lại nền tảng. Điều này có nghĩa là khẳng định lại phương hướng an toàn và tích cực trong đời sống, và dâng hiến lòng mình một lần nữa cho mục tiêu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh - nói cách khác là hồi sinh lại và củng cố tâm quy y và bồ đề tâm nguyện.
- Áp dụng các pháp đối trị để làm quân bình việc phạm giới. Các pháp đối trị bao gồm việc thiền quán về lòng từ và hạnh bố thí, xin lỗi về hành động không tử tế của mình, và tham gia vào những hành vi tích cực khác. Vì hành vi xây dựng đòi hỏi ý thức về lòng tự trọng, và quan tâm đến cách mà hành vi của mình sẽ phản ánh về những người mà mình tôn trọng ra sao, nên nó sẽ đối trị với sự thiếu sót về những điều này, là những việc có thể đi kèm với hành vi tiêu cực của mình. Ngay cả khi ta thấy hổ thẹn và ngượng ngùng vào lúc phạm giới, thì những bước tích cực này sẽ củng cố lòng tự trọng của mình, và quan tâm đến cách người khác có thể nghĩ gì về đạo sư của mình.
Lời Kết
Ta có thể thấy trên thực tế thì việc mất hết bồ tát giới là điều khá khó khăn. Miễn là mình chân thành tôn trọng và cố giữ giới như kim chỉ nam, thì sẽ không bao giờ mất giới. Đó là vì bốn yếu tố ràng buộc không bao giờ hội tụ đầy đủ, ngay cả khi phiền não khiến cho mình phạm một giới. Ngay cả trong trường hợp mình có thái độ lệch lạc, đối nghịch hay từ bỏ bồ đề tâm, nếu như ta thừa nhận sai lầm, tập họp các lực đối trị của tâm hối hận, vân vân, và thọ giới lại, thì có thể phục hồi và tiếp tục đường tu.
Do đó, khi cố gắng quyết định mình sẽ thọ giới hay không, thì việc dựa quyết định này trên việc đánh giá khả năng của mình, để duy trì nỗ lực tiếp tục cố gắng giữ giới như kim chỉ nam sẽ hợp lý hơn, thay vì dựa vào khả năng giữ giới hoàn hảo. Tuy nhiên, tốt nhất là đừng bao giờ làm cho giới suy yếu hay mất giới hoàn toàn. Dù sau khi bị gẫy chân thì ta có thể đi lại được, nhưng có thể phải đi khập khiễng suốt đời.