Thuật Ngữ Tiểu thừa và Đại thừa

Thuật ngữ Tiểu thừa (Hinayana, theg-dman, tiểu thừa, cỗ xe hạng trung) và Đại thừa (Mahayana, theg-chen, đại thừa, cỗ xe lớn), xuất hiện lần đầu tiên trong các Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita Sutras, Sher-phyin mdo, Kinh Trí Tuệ Siêu Việt, Kinh Trí Tuệ Hoàn Hảo), ở khoảng thế kỷ thứ hai của kỷ nguyên cận đại. Những kinh này này nằm trong số những bản kinh văn Đại thừa có trước nhất, và chúng sử dụng hai thuật ngữ này để khẳng định tầm sâu rộng của những lời dạy trong kinh, vượt xa các giáo huấn của những tong phái Phật giáo có mặt trước đó.

Mặc dù hai thuật ngữ này có ý nghĩa bộ phái và chỉ xuất hiện trong những kinh văn Đại thừa, khó mà tìm ra những thuật ngữ khác đầy đủ ý nghĩa để thay thế chúng. “Tiểu thừa” đã trở thành một thuật ngữ chung cho mười tám tông phái Phật giáo, chỉ có một tông phái trong số đó vẫn còn tồn tại hiện nay, đó là Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada). Tương tự như vậy, “Đại thừa” cũng mở rộng thành vài tông phái. Khi truyền thống Ấn Độ – Tây Tạng nghiên cứu và thảo luận về các hệ thống giáo điều triết học Tiểu thừa, sự tham khảo của họ dựa vào Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika) và Kinh Lượng Bộ (Sautrantika), tức là phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada), một tông phái khác trong số mười tám tông phái. Vì có một số tông phái Tiểu thừa xuất hiện muộn hơn Đại thừa, nên chúng tôi không thể gọi Tiểu thừa là "Phật Giáo Ban Sơ" (Early Buddhism) hay "Phật Giáo Bổn Lai" (Original Buddhism) và Đại thừa là "Phật giáo Đến Sau" (Later Buddhism).

Phật Giáo Nguyên Thủy hiện nay được tìm thấy tại Tích Lan và Đông Nam Á. Phái Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka), một tông phái khác trong số mười tám tong phái Tiều thừa, lan truyền đến Trung Á và Trung Quốc. Truyền thống tu viện Trung Quốc tuân theo những giới luật giống như của Pháp Tạng Bộ. Ngoài ra, Đại thừa đã lan truyền đến Nam Dương, mặc dù không còn tồn tại ở đây nữa. Do đó, gọi Tiểu thừa là "Phật Giáo Phía Nam" và Đại thừa là "Phật Giáo Phía Bắc" cũng không thỏa đáng.

Cả hai tông phái Tiểu thừa và Đại thừa đều phác thảo những con đường cho Thanh Văn (shravakas) (những người lắng nghe lời dạy của Đức Phật) và Độc Giác Phật (pratyekabuddhas) (những người tự chứng ngộ) để đạt đến trạng thái thanh tịnh của một A La Hán (arhat) (chúng sinh đã giải thoát), và cho Bồ Tát (bodhisattvas) để thành tựu Phật quả. Vì vậy, nếu gọi Tiểu thừa là “Thanh Văn thừa” ("Shravakayana") và Đại thừa là “Bồ Tát thừa” ("Bodhisattvayana") thì sẽ gây ra sự nhầm lẫn.

Do đó, mặc dù các hành giả theo Phật Giáo Nguyên Thủy có thể cảm thấy khó chịu vì những thuật ngữ Tiều thừa và Đại thừa, chúng ta sẽ sử dụng chúng một cách miễn cưỡng để nói đến sự xếp loại các tông phái Phật giáo, mặc dù có sự thiếu chính xác của những thuật ngữ này như đã được đề cập ở trên.

Top