Tứ Niệm Xứ Trong Phật Giáo Nguyên Thủy

Có tứ niệm xứ (dran-pa nyer-bzhag, Phạn ngữ: smrtyupasthana, Pali: satipatthana): về thân, thọ, tâm và pháp (chos, Phạn ngữ: dharma, Pali: dhamma). Chánh niệm (dran-pa, Phạn ngữ: smrti, Pali: sati) là tâm sở, giống như chất keo tinh thần, ngăn ngừa việc mất đi đối tượng của thiền định. Tuy có một số phương pháp khác nhau để tu tập tứ niệm xứ, nhưng ở đây, chúng ta sẽ xem xét phương pháp của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) Thái Lan, được Tỳ Kheo Phật Lệ (Buddhadasa Bhikkhu) giảng dạy.

Chánh Niệm Về Thân

Nhờ có chánh niệm về các loại hơi thở, mà mình mới hiểu rằng hơi thở ảnh hưởng đến thân thể. Chúng ta sẽ học hỏi rằng việc làm chủ hơi thở sẽ đưa đến việc làm chủ thân thể. 

Chánh Niệm Về Thọ

Nhờ có chánh niệm về các loại lạc thọ và khổ thọ, mà mình mới hiểu rằng những cảm thọ đó ảnh hưởng đến tâm thức. Chúng ta sẽ học hỏi rằng việc làm chủ cảm thọ sẽ đưa đến việc làm chủ tâm thức.

Chánh Niệm Về Tâm

Nhờ có chánh niệm về những ý tưởng khác nhau, mà mình mới nhận ra khi nào thì tư tưởng bị khống chế vì tâm tham ('dod-chags, Phạn ngữ: raga, Pali: raga), sân (zhe-sdang, Phạn ngữ: dvesha, Pali: dosa) và si (gti-mug, Phạn ngữ: moha, Pali: moha), và khi nào thì tư tưởng không bị chúng khống chế. Chúng ta sẽ nhận ra khi nào thì tâm có trạng thái trạo cử (rgod-pa, Phạn ngữ: auddhatya, Pali: uddhacca, trạo cử) hay hạnh phúc (bde-ba, Phạn ngữ: su:kha, Pali: sukkha, hạnh phúc) và có minh sát tuệ (lhag -mthong, Phạn ngữ: vipashyana, Pali: vipassana), khi tâm phóng dật hay an định, khi tâm bị ràng buộc hay tự do. Chúng ta sẽ học cách làm chủ tâm thức, bằng cách kiểm soát tư tưởng, để tâm có thể đạt được trạng thái giải thoát tối thượng. Do đó, ở giai đoạn này, ta sẽ học cách thành tựu tam muội (ting-nge-'dzin, Phạn ngữ: samadhi, Pali: samadhi, đại định). Ta sẽ thành tựu tam muội, bằng cách buông bỏ tâm trạo cử và vọng tưởng. Một định tâm như vậy có ba phẩm chất là ổn định hay vững chãi, tịnh hóa, nên thoát khỏi bất cứ yếu tố phiền nhiễu nào, và thích hợp để áp dụng cho bất cứ điều gì.

Sau đó, chúng ta sẽ áp dụng cách xả bỏ, để buông bỏ bốn loại đối tượng của tâm sở thủ (len-pa, Phạn ngữ: upadana) – tâm sở mà qua đó, mình sẽ kinh qua luân hồi tiếp diễn. Nhờ thấy được nỗi khổ mà tâm chấp thủ tạo ra cho mình, thì ta mới buông bỏ:

  • Các đối tượng giác quan mà mình quyến luyến 
  • Tà kiến, tà thuyết, ý kiến và niềm tin mê lầm
  • Các hoạt động và hành trì dựa vào mê tín tôn giáo và thế tục, và tri kiến sai lầm
  • Tất cả những điều mà mình quyến luyến như là “tôi” và “của tôi”.

Chánh Niệm Về Pháp

Nhờ có chánh niệm chặt chẽ về ba đối tượng đầu một lần nữa, nhưng bây giờ, với định tâm, thì mình sẽ có được chánh niệm về bản tánh của chúng. Một lần nữa, chánh niệm sẽ chú trọng (1) vào hơi thở; (2) vào cảm thọ hoan hỷ (dga'-ba, Skt. priti, Pali: piti, hỷ) và cảm thọ hạnh phúc (vui sướng) của sự mãn nguyện, là kết quả của chánh niệm có định tâm, và sau đó là (3) vào các tư tưởng. Ta sẽ quan sát sự biến đổi liên tục của chúng, và sự biến đổi liên tục của tất cả các pháp mà chúng ảnh hưởng đến, nên sẽ chứng ngộ tánh vô thường (mi-rtag-pa, Phạn ngữ: anitya, Pali: anicca) của tất cả pháp hữu vi ('dus-byas, Phạn ngữ: samskara, Pali: sankhara, pháp duyên sinh). Các pháp hữu vi bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến những yếu tố khác, các yếu tố bị chúng ảnh hưởng, và hoạt động hay quá trình của điều gì ảnh hưởng đến điều khác. Khi chứng ngộ tánh vô thường của tất cả những pháp này, thì mình cũng chứng ngộ bản chất khổ của chúng (bản chất bất toại nguyện của chúng) (sdug-bsngal, Phạn ngữ: duhkha, Pali: dukkha).

Chúng ta chỉ chứng ngộ trọn vẹn tánh vô thường tất cả các pháp hữu vi, khi mình chứng ngộ rằng nhờ vào việc có chánh niệm liên tục và quán sát các đối tượng của mình, đó là bốn đặc điểm xa hơn về tất cả các pháp hữu vi. Việc chứng ngộ tánh vô thường và khổ sẽ đưa đến việc chứng ngộ đặc điểm xa hơn đầu tiên, và việc chứng ngộ điểm đầu tiên sẽ dẫn đến việc chứng ngộ điểm thứ hai, v.v...

  • Tánh vô ngã (bdag-med, Phạn ngữ: anatmya, Pali: anatta) – nhờ việc chú tâm, với chánh niệm và chứng ngộ, vào các pháp hữu vi vô thường, bất toại nguyện, mà mình nhận ra là chúng ở ngoài tầm kiểm soát của mình.
  • Không tướng (stong-nyid, Phạn ngữ: shunyata, Pali: sunnata; tánh Không) – nhờ việc chú tâm, với chánh niệm và chứng ngộ, vào các pháp hữu vi vô thường, bất toại nguyện ở ngoài tầm kiểm soát của mình, mà ta nhận ra rằng chúng không phải là "tôi" hay “của tôi".
  • Chân như (de-bzhin-nyid, Phạn ngữ: tathata, Pali: tathata) – nhờ chú tâm, với chánh niệm và chứng ngộ, vào các pháp hữu vi vô thường, bất toại nguyện ngoài tầm kiểm soát của mình, và không phải là "tôi" hay "của tôi", mà mình nhận ra chúng chỉ là như vậy. Đó là chân như của chúng.
  • Duyên sinh (de-rkyen-nyid, Phạn ngữ: idampratyayata, Pali: idappacayata) – nhờ chú tâm, với chánh niệm và chứng ngộ, vào các pháp hữu vi vô thường, bất toại nguyện, ngoài tầm kiểm soát của mình, không phải là "tôi" hay "của tôi", chỉ là như thế, mà mình sẽ nhận ra trạng thái mà chúng có những nghiệp nhân chân thật làm duyên cho sự sinh khởi của chúng. Cụ thể là ta sẽ nhận ra mối liên hệ giữa các khoen tác nhân của thập nhị nhân duyên, và các khoen kết quả của các pháp hữu vi trong luân hồi, đã trổ từ chúng.

Chỉ có chứng ngộ về tánh vô thường của các pháp hữu vi, có tất cả các đặc điểm này, thì mới là chứng ngộ trọn vẹn về tánh vô thường, nhờ chánh niệm.

  • Theo truyền thống Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika) và Kinh Lượng Bộ (Sautrantika) của Tiểu thừa, thì mình sẽ chứng ngộ tánh Không trước, rồi đến tánh vô ngã. Tánh Không đề cập đến một chúng sinh (gang-zag) không có một hay nhiều bản ngã được tri giác một cách tự túc (rang-rkya thub-dzin-pa'i rdzas-yod-kyi bdag). Ta sẽ chứng minh điều này bằng tỷ lượng, dựa vào mãnh lực của luận lý. Vô ngã là kết luận mà mình phải suy ra một cách hợp lý từ điều này: một chúng sinh thì không có bất cứ điều gì là một bản ngã được tri giác một cách tự túc.

Theo Phật giáo Nguyên thủy thì việc chứng ngộ trọn vẹn về tánh vô thường của các pháp hữu vi sẽ dần dần làm tan biến bốn loại tâm sở thủ:

  • Nhờ chú tâm, với chánh niệm và chứng ngộ, vào sự biến hoại dần dần của chúng, mà mình sẽ chứng ngộ tâm vô tham đối với chúng (‘dod-chags med-pa, Phạn ngữ: viraga, Pali: viraga).
  • Nhờ chú tâm, với chánh niệm và chứng ngộ, vào tâm vô tham đối với các pháp hữu vi mà mình kinh nghiệm, mình sẽ chứng ngộ tâm xả (btang-snyoms, Phạn ngữ: upeksha, Pali: upekkha) đối với chúng. Ta sẽ chú tâm vào chúng, mà không có tâm tham, sân, si, hay bất cứ phiền não nào khác.
  • Sau đó, ta sẽ chú tâm vào diệt đế mà mình đã đạt được (‘gog-pa, Phạn ngữ: nirodha, Pali: nirodha) về tâm tham ái đối với “tôi”, về những phiền não, về mọi nỗi khổ. Sự chấm dứt của mọi nỗi khổ có nghĩa là sự chấm dứt của (1) mọi nỗi lo sợ về sinh, lão, bệnh, tử; (2) tất cả các triệu chứng của nỗi khổ như đau đớn, ưu phiền, buồn bã và tuyệt vọng; (3) mọi niềm hy vọng hay ham muốn các pháp quyến rũ, hoặc thậm chí các pháp không quyến rũ; và (4) mọi cách xem bất kỳ uẩn nào trong ngũ uẩn là "tôi" hay "của tôi". Đây là thành tựu niết bàn (nibanna; Phạn ngữ: nirvana).
  • Bước cuối cùng là từ bỏ (Pali: patinissagga), có nghĩa là từ bỏ tất cả những gì mình đã chiếm đoạt như là "của tôi". Chúng ta sẽ buông bỏ tất cả những gánh nặng đã giam giữ mình trong hiện hữu luân hồi ('jig-rten-pa, Phạn ngữ: lokita, Pali: lokiya, hiện hữu thế gian) và có sự hiện hữu hoàn toàn tự do và giải thoát, vượt thoát luân hồi ('jig-rten-las' das-pa, Phạn ngữ: lokottara, Pali: lokuttara, hiện hữu xuất thế gian).
Top