Bồ tát giới thứ hai, hành vi tiêu cực mà chúng ta nguyện tránh, là không chia sẻ giáo pháp hay của cải của mình. Ở đây thì động lực là tâm tham ái và keo kiệt. Thế thì mình có thể khư khư giữ lấy bài ghi chép về giáo pháp, hoặc máy vi tính, tập hồ sơ trong máy vi tính của mình, và không muốn chia sẻ điều đó với người khác, và viện đủ lý do cho việc này. “Nếu tôi cho bạn mượn sách, thì bạn sẽ làm đổ cà phê lên sách, nên tôi không muốn cho bạn mượn.”. Chắc chắn là ta có thể có lòng chiếm hữu và không chia sẻ tiền bạc với người khác. Giống như khi bạn nói với người khác rằng, “Bạn không thể tham dự những buổi thuyết Pháp này, vì bạn không có tiền để trả học phí.”. Vậy thì mình đang ôm giữ giáo pháp cho bản thân bằng cách nào đó, không chia sẻ tiền bạc để giúp người khác tham gia khóa thuyết Pháp với mình.
Chúng ta cũng có thể rất quyến luyến với thời gian của mình, và không chia sẻ nó với người khác, để giúp đỡ họ. Chẳng hạn như có một số người rất quyến luyến với những ngày cuối tuần: “Đây là ngày nghỉ của tôi. Đừng có nhờ vả tôi nhé.”. Và đây là điều mà chúng ta thường thấy. Tôi có trang mạng này, đề án trang mạng này, và đôi khi những việc khác sẽ xảy ra, khi mà tôi phải giải quyết vấn đề tình nguyện viên và nhân viên làm việc cho trang mạng. Đôi khi, người ta sẽ nói rằng, “Xin đừng kêu tôi làm điều gì vào cuối tuần, vì đó là thời gian thiêng liêng của tôi.”. Điều đó thật sự không phải là bồ tát hạnh, đúng không? Nếu có ai cần sự giúp đỡ của mình, và chúng ta không nói về việc ai đó liên tục lạm dụng thời gian của người khác, nhưng nếu có ai thật sự cần sự giúp đỡ của mình, thì dù đó là ngày hay đêm, hay cuối tuần, hoặc bất cứ lúc nào, thì mình cũng sẽ giúp đỡ người đó. Giống như nếu như đứa bé của mình đang khóc, hay té xuống giường, thì mình sẽ không nói rằng, “Xin lỗi con nhé, bây giờ là giờ đi ngủ, nên sáng mai mẹ sẽ ẵm con lên giường.”. Nếu như mình thật sự giúp đỡ người khác, thì không nên lúc nào cũng phàn nàn. Từ quan điểm của bồ tát hạnh thì ta nên rất vui vẻ, khi người khác cần mình giúp đỡ, và nhờ vả mình. Đây là điều mà chúng ta đang tu tập để có thể thực hiện, đó là giúp đỡ mọi người trong mọi lúc như một vị Phật. Vậy thì nếu như người nào muốn mình giúp họ, thì rất tuyệt vời. Nếu như có ai muốn học hỏi điều gì với mình, hoặc muốn mượn bài chép Phật pháp của mình, hay bất cứ điều gì, thì ta sẽ rất vui khi có thể chia sẻ điều đó với họ, dĩ nhiên là nếu như họ chân thành, và nếu những giáo pháp này thích hợp với họ Đôi khi, người ta có thể có động lực hơi lạ lùng một chút, về những điều mà họ yêu cầu.
Một lần nọ, khi tôi đang dịch cho Serkong Rinpoche, thầy của tôi (đó là vào thời hippy), thì một anh chàng hippy rất nghiện ngập đã đến gặp Serkong Rinpoche và nói rằng, “Con muốn học sáu pháp du già của Naropa. Xin thầy dạy cho con sáu pháp du già.”. Rinpoche đã rất nghiêm túc với anh này và nói rằng, “Con muốn học hỏi điều này thì rất tốt. Đó là một nguyện vọng tuyệt vời. Nhưng nếu muốn học hỏi pháp này thì trước tiên, con phải tu học pháp này và pháp kia, trải qua toàn bộ quá trình và chuẩn bị bản thân để thọ nhận pháp tu này.”. Thế thì Thầy đã không keo kiệt về giáo pháp, về việc không dạy cho anh chàng này sáu pháp du già của Naropa. Tất nhiên là anh ta đã không sẵn sàng để thọ nhận giáo pháp này, nhưng Thầy đã hướng dẫn anh ấy theo cách mà cuối cùng thì sẽ dẫn dắt anh đến giáo pháp này, đó là cách xử lý phù hợp với anh ta.
Hãy nhớ nguyên tắc chung mà tôi đã đề cập trước đây: một vị Bồ tát có thành tựu ở mức thấp hơn, sẽ không cố gắng thực hiện pháp tu của một vị Bồ tát có thành tựu cao hơn, khi họ không có khả năng làm việc đó. Vậy thì nếu có ai yêu cầu mình giúp đỡ họ, mà ta không có khả năng làm điều đó, thì không được giả vờ là mình có thể làm nhiều hơn những điều mình có thể thực hiện, mà phải nói rằng, “Ước gì tôi có thể làm điều đó nhưng tôi thật sự không đủ điều kiện.”. Nếu bạn nói điều đó với một người Tây Tạng, thì họ sẽ thấy rằng bạn chỉ khiêm tốn, vì thật ra thì bạn có trình độ, nhưng bạn chỉ nói rằng, “Ồ, không, không, không, tôi không có đủ tiêu chuẩn. Tôi không thể làm điều đó”, và họ sẽ nài nỉ. Nhưng rồi thì bạn thật sự phải nhấn mạnh rằng, “Không đâu, không phải là tôi khiêm tốn, mà thật sự là không có đủ điều kiện để làm việc này.”.
Tôi sẽ lấy một ví dụ. Tại một học viện Phật pháp ở Ý, Học Viện Lama Tzong Khapa, có một chương trình gọi là Chương Trình Thạc Sĩ, để nghiên cứu các chủ đề chính của chương trình tu học trong tu viện, dành cho các cư sĩ và giới xuất gia. Đây là một chương trình sáu năm. Họ có một vị Geshe để dạy đề tài đầu tiên của khóa học này; nhưng sau đó, khi đến lúc bắt đầu đề tài thứ hai, đó là Trung quán (Madhyamaka), thì Geshe la nói rằng, “Tôi không đủ điều kiện để dạy môn này.”, và tất nhiên mọi người đều khăng khăng là dù sao thì Thầy sẽ cũng dạy môn đó, rằng Geshe la chỉ khiêm tốn thôi, nhưng Geshe la nói rằng, “Không, thật sự là tôi không đủ điều kiện.”. Và họ đã phối kiểm với các bạn cùng lớp và các thầy của Geshe la, và đúng là Thầy thật sự không có đủ trình độ, đó không phải là môn mà Thầy giỏi, dù Thầy là một Geshe. Tuy nhiên, Geshe la đã nói Thầy sẽ ở lại và giúp một Geshe khác có đủ điều kiện hơn, nếu như học viện có thể tìm được một Geshe như vậy để đến đây giảng dạy. Thế là học viện đã tìm ra một Geshe khác, người đã đến và đồng ý dạy môn này. Và vị Geshe đầu tiên, người đã nói rằng “Tôi không đủ điều kiện”, đang ở lại để giúp đỡ vị Geshe đến sau. Vậy thì vị Geshe đầu tiên không phạm bồ tát giới, khi không chia sẻ giáo pháp, mà trên thực tế thì Thầy đã noi theo pháp tu về lòng cam kết của bồ đề tâm nguyện, là không giả vờ có những phẩm chất mà Thầy không có.
Vậy thì nếu có ai nhờ mình giải thích giáo pháp, hay chia sẻ bài ghi chép của mình, thì bạn có thể nói, “Rất tốt, bạn có thể xem bài của tôi, nhưng chúng không tốt lắm nhé”, hoặc là “Bài của tôi không rõ ràng lắm”, hay “Hiểu biết của tôi không tốt lắm”. Hãy trung thực về điều đó. Nếu như không hiểu điều đó, thì hãy nói rằng, “Tôi không hiểu điều đó. Tôi không thể giải thích cho bạn.”. Đối với việc không chia sẻ thời gian của mình, v.v..., thì cũng phải dùng trí tuệ. Một phần của việc tu bồ tát hạnh là phải biết khi nào thì mình phải nghỉ ngơi, để có đủ sức tiếp tục giúp đỡ người khác. Trong những trường hợp như vậy thì mình sẽ nói rằng, “Tôi muốn giúp bạn, nhưng thật sự là tôi kiệt sức rồi. Tôi cần phải nghỉ ngơi. Tôi thật sự không thể giúp bạn.”.
Điều cũng khó khăn là khi nhiều người yêu cầu sự giúp đỡ của mình trong cùng một lúc, và ta không thể phân thân ra hàng ngàn thân tướng khác nhau để giúp đỡ mọi người trong cùng một lúc. Vậy thì mình không phải là Phật. Tôi không thể giúp tất cả mọi người trong cùng một lúc, tất cả chúng sinh trong cùng một lúc. Trong những trường hợp như vậy thì điều không may là mình phải chọn lựa. Vậy thì làm sao để chọn, làm sao để quyết định mình phải ưu tiên cho ai? Đức Dalai Lama đã đưa ra một số tôn chỉ về việc này. Ngài nói rằng: “Hãy xem bạn có trình độ tốt nhất để giúp đỡ về mặt nào, và không có rất nhiều người khác đang làm cùng một công việc giống như vậy, thì hãy chú trọng vào lãnh vực đó. Đối với những việc mà người khác có thể làm tốt như bạn có thể làm, thì hãy giới thiệu họ. Hãy tập trung vào những điều mà chỉ có bạn mới có thể làm được thôi.”. Tôi sẽ lấy ví dụ riêng về mình. Nếu như có ai đến gặp tôi và nói rằng, “Tôi muốn học tiếng Tây Tạng. Xin hãy dạy tiếng Tây Tạng cho tôi”, thì có nhiều người khác dạy tiếng Tây Tạng, và có nhiều điều khác tôi có thể dạy, mà không có nhiều người dạy. Vậy thì trong tình huống đó, tôi sẽ nói rằng, ”Có những người khác có thể dạy bạn tiếng Tây Tạng.”, và tôi sẽ giới thiệu họ cho một vài người khác, để họ đi học tiếng Tây Tạng với những người đó, đặc biệt là lớp Tạng ngữ vở lòng.
Một nguyên tắc khác, về cách ưu tiên sự việc, là nếu như mình có mối liên hệ rất, rất đặc biệt với người kia, và họ rất cởi mở với mình. Vậy thì tôi sẽ cho một ví dụ rất hay. Đức Dalai Lama có các vị trợ giáo, nên có vị tái sinh của vị trợ giáo chánh là Ling Rinpoche, và tái sinh của những vị được gọi là trợ giáo phụ, như thầy của tôi, Serkong Rinpoche. Thật ra danh hiệu của Serkong Rinpoche không phải là trợ giáo phụ, mà là “Thầy đối tác tranh luận”, nhưng không cần phải đi sâu vào những chi tiết này. Ngài là một vị thầy của Đức Dalai Lama. Và hai ngài ra đời cách nhau khoảng một năm, nên tuổi tác rất gần nhau. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ khi các ngài lên ba hay bốn tuổi, thì Đức Dalai Lama đã dạy cho ngài bài học đầu tiên về cách đọc bảng chữ cái Tây Tạng. Hiển nhiên là Đức Dalai Lama đã không tiếp tục trở thành thầy dạy bảng chữ cái, và dạy cho ngài cách đọc chữ, nhưng xét về mối quan hệ gần gũi rất đặc biệt mà Đức Dalai Lama đã có với các vị thầy của mình, nên khi tái sinh của các vị được tìm thấy, thì Ngài là người đã dạy cho họ bài học đầu tiên.
Người bạn của tôi, Alan Turner, có mối liên hệ rất mật thiết với Serkong Rinpoche. Alan chưa bao giờ học tiếng Tây Tạng, nhưng Serkong Rinpoche đã dạy cho anh bài học đầu tiên, để gieo chủng tử về tiếng Tây Tạng cho anh. Dĩ nhiên là ngài đã không làm điều đó với người khác. Đức Dalai Lama đã không dạy tiếng Tây Tạng cho người khác, ngoại trừ thầy của mình, người mà Ngài có mối quan hệ mật thiết như vậy. Thế thì mình sẽ ưu tiên như vậy. Đâu là nhu cầu đặc biệt? Nếu tôi dạy người này, thì họ sẽ có thể mang lại bao nhiêu lợi ích cho người khác? Về cách sử dụng thời gian, thì mình có một mối liên hệ rất gần gũi hay không? Liệu người đó có thật lòng cởi mở với mình không? Hay nói chung hơn thì tôi hội đủ điều kiện để làm việc gì tốt nhất, mà không có rất nhiều người đang làm việc đó? Về mặt người khác yêu cầu mình dành thời gian cho họ, thì ta có thể cố gắng làm một chút, và đưa ra đề nghị. Mình sẽ không nổi giận và nói rằng: “Hãy để tôi yên. Đi chỗ khác đi.", bạn biết mà, vì điều đó đối nghịch với bồ tát hạnh.
Điều rất thú vị là tôi đã nêu ra thắc mắc này với Ringu Tulku, là một đạo sư Kagyu rất vĩ đại, và ngài nói rằng đó cũng là một yếu tố mà mình có thể thấy trên thực tế là mình vẫn là chúng sinh, không phải là Phật, về mặt làm sao để sắp xếp thời giờ của mình, cũng là về vấn đề mình thích làm việc gì, và một chút động lực ích kỷ này thì cũng ổn thôi, vì nó sẽ giúp cho mình có thêm sức mạnh và nhiệt huyết. Điều đó tốt thôi, miễn là nó không phải là điều chủ yếu mà mình quan tâm đến.
Vậy thì có một số yếu tố mà mình có thể xem xét về cách dành thời gian để giúp đỡ người khác, làm việc vì lợi lạc của người khác.
Sau đó thì mình phải xem xét: Liệu mình có thể giữ gìn điều này hay không, mình có thể làm việc này không? Nếu như sẽ thọ bồ tát giới, thì liệu mình có thể làm điều đó hay không? Hãy xem xét, liệu tôi có thể giữ giới này hay không? Được rồi, vậy thì mình muốn tránh việc ca ngợi bản thân và xem thường người khác vì tâm luyến ái, tham lợi và ganh tỵ với người khác. Phải tránh việc không chia sẻ giáo pháp, hay tiền của, tài sản của mình, hoặc thời gian, hay bất cứ điều gì, vì tâm tham ái và keo kiệt.
Nếu như mình không chia sẻ giáo pháp vì những động lực khác, như lười biếng hay sân hận, “Tôi không thích bạn, nên sẽ không giúp bạn, hay chia sẻ điều gì với bạn”, thì đó là một trong những bồ tát giới khinh, để tránh điều đó. Nó không phải là một giới trọng. Thế thì câu hỏi là tại sao? Tại sao điều này là giới trọng, và điều kia là giới khinh? Bởi vì là một Bồ tát thì mình phải sẵn sàng bố thí cho tất cả mọi người, không chỉ giữ nó cho riêng mình. Vì vậy, khi mình có tâm tham ái và keo kiệt, thì có nghĩa là tôi không muốn chia sẻ, điều đó thật sự đi ngược lại toàn bộ mục tiêu của Bồ tát. Nếu như chỉ đơn giản là vì tôi quá lười biếng, thì đó chỉ là một cách suy nghĩ hoàn toàn khác, phải không? “Tôi có thể giúp bạn, nhưng tôi rất làm biếng.”.