Chúng ta đã nói về bồ tát giới, và xem xét vai trò của nó trên đường tu. Chúng ta đã thấy rằng nếu muốn thọ bồ tát giới, thì phải phát triển tự thân theo đường tu nhà Phật trước, qua những giai đoạn của Lam-rim, trình tự đường tu đến giác ngộ trước đó. Phải tự tu tập để phát triển bồ đề tâm, và đối với việc này thì, trước tiên phải có tâm nguyện đạt giác ngộ vì lợi lạc của tha nhân, đó là chỉ có phần ước nguyện; và phần cam kết là khi mình cam kết không bao giờ từ bỏ tâm bồ đề. Chúng ta đã thấy những pháp tu đi kèm với lòng cam kết đó. Rồi sau đó, đã xem xét cách thọ bồ tát giới một cách rất ngắn gọn, và bản chất của giới là gì.
Sau đó, chúng ta đã bắt đầu bàn luận về bồ tát giới, và đã nói về ba giới đầu tiên. Giới thứ nhất là khen mình và/hoặc chê người. Điều đó có nghĩa là một là làm cả hai, hai là làm việc này hay việc kia, và ta đã thấy điều được quy định ở đây là người mà ta nói những lời như vậy là một người có địa vị thấp kém hơn mình. Động lực của mình, về mặt tự khen ngợi bản thân, là dục vọng và tham lam, để nhận được điều gì từ người này, có địa vị thấp kém hơn – một là có được lợi nhuận vật chất, hai là lời khen, hoặc tình yêu, hay lòng tôn trọng. Động lực để coi thường người khác là lòng ganh tỵ, mình ganh tỵ với người đó. Và những điều mà mình nói có thể đúng hay sai thì không quan trọng.
Có một bồ tát giới khinh tương tự như vậy (khen mình và/hoặc chê người), nhưng động lực trong trường hợp đó thì khác. Trong trường hợp đó thì động lực là niềm tự hào: mình rất tự hào về bản thân và rất kiêu căng, nói cách khác là hách dịch. “Tôi rất tuyệt vời”, giống như vậy, rồi tự khen ngợi mình. Vậy thì đó là động lực để tự khen ngợi bản thân, thay vì muốn nhận được điều gì từ những người nghe mình ca ngợi bản thân. Và động lực để coi thường người nào là sân hận (mình chỉ không thích họ), thay vì ganh tỵ với họ.
Vậy thì ta có thể thấy giới đầu tiên là một giới trọng, động lực đầu tiên, nếu như mình đang khen ngợi bản thân, vì muốn có được điều gì từ người nghe mình tự khen ngợi, đó là việc lợi dụng người kia, không phải là giúp đỡ họ, mà là để có được thứ gì của họ. Vậy thì điều này sẽ làm hại cho bồ tát hạnh của mình nhiều hơn là chỉ ca ngợi bản thân, vì rất tự hào và kiêu căng, cũng như coi thường người khác, vì ganh tỵ với người khác - một lần nữa, điều đó liên quan đến việc mình ganh tỵ, vì muốn có được thứ gì mà người kia có, chẳng hạn như có rất nhiều người đi theo họ. Vậy thì một lần nữa, nó sẽ làm hại những người khác, những người mà ta có thể giúp đỡ. Trong khi việc coi thường ai đó chỉ đơn giản là vì mình không thích họ, hay tức giận với họ, mà không liên quan đến những người khác mà mình đang cố gắng giúp đỡ. Vậy thì ta có thể thấy tại sao một vấn đề là bồ tát giới trọng, và vấn đề kia là bồ tát giới khinh. Điều quan trọng hơn là làm tổn hại cách mình giúp đỡ người khác.
Điều thứ hai là không chia sẻ giáo pháp, hoặc tài vật, hay thời gian của mình. Ở đây, động lực là lòng tham ái và keo kiệt, có nghĩa là muốn nắm giữ tất cả cho riêng mình. Vậy thì điều đó rất có hại cho khả năng giúp đỡ người khác. Trong khi đó, có một bồ tát giới khinh khá tương tự, được gọi là “không bố thí Pháp cho người muốn học hỏi”. Đối với điều này thì động lực không phải là muốn nắm giữ tất cả cho riêng mình, mà là “Tôi tức giận, hay không thích người kia, nên không muốn dạy cho họ”; hay vì thù hằn, “Họ đã làm điều gì mà tôi không thích, nên tôi sẽ chơi xấu với họ”; hay ganh tỵ rằng nếu như mình dạy người này, thì họ sẽ giỏi hơn và nổi tiếng hơn mình; hoặc có thể vì mình lười biếng, hay dửng dưng, “Tôi không quan tâm đến điều đó.”. Vậy thì các giới nguyện không dạy hay chia sẻ Pháp vì những động lực này trên cơ bản là vì phiền não, trong khi nếu như không chịu dạy người khác vì muốn nắm giữ điều đó cho mình, thì đó là vì ích kỷ. Vậy thì việc không làm điều đó vì lòng ích kỷ, muốn giữ nó cho riêng mình, là điều đi ngược với hạnh bố thí cho người khác của Bồ tát.
Sau đó, giới thứ ba là không lắng nghe người khác xin lỗi hay đánh đập họ, và động lực chủ yếu cho một trong hai điều này là tâm sân. Đó là thời điểm mà mình đang la hét hay đánh đập ai, và người này cầu xin, “Xin hãy tha thứ cho tôi. Xin hãy dừng tay”, hay người nào thay mặt họ cầu xin mình, mà mình không chịu làm như vậy, không chịu dừng lại. Trong khi có một giới khinh, đó là không nhận lời xin lỗi của người khác, và việc này nói về thời gian sau, khi mình oán hận người kia, và họ xin mình tha thứ, hoặc xin lỗi sau này. Là bồ tát giới trọng thì giới đầu tiên nặng nề hơn, bởi vì khi giận dữ và làm tổn thương người khác, thì tất nhiên là mình phải dừng lại. Về sau thì ta chỉ oán hận, nhưng không thật sự làm tổn thương họ, hay hành hạ họ bằng lời nói vào lúc đó, nên đó là giới khinh, ít mạnh mẽ hơn, không nặng nề bằng. Nói cách khác thì trong tình huống đầu, mình thật sự làm tổn thương người kia, trong tình huống thứ hai thì có lẽ ta chỉ bỏ mặc họ.
(4) Từ Bỏ Giáo Pháp Đại Thừa Và Tự Đề Xuất Giáo Pháp Mới
Bồ tát giới thứ tư là tránh việc từ bỏ giáo pháp Đại thừa, và tự lập ra giáo pháp mới. Ở đây, mình đang bác bỏ giáo pháp Đại thừa đúng đắn dành cho chư Bồ tát, nên đó là một việc, và tạo ra điều gì sai lầm, giống như giáo pháp Đại thừa, cho rằng đây là giáo pháp đích thực trong đạo Phật. Đây không chỉ là về tự thân - mình đang tạo ra sự hiểu biết sai lầm mà không biết, vì không hiểu đó là gì – mà lại liên quan đến việc mình biết giáo pháp đúng là gì, mà lại vứt bỏ nó, vì không thích nó, và tạo ra điều gì khác thoải mái hơn cho mình. Nó không chỉ là nắm giữ điều này cho bản thân, mà còn dạy nó cho người khác, để khiến họ theo mình như thầy của họ. Như vậy là phá Bồ tát giới này.
Một ví dụ là vì muốn trở thành một đạo sư rất nổi tiếng trong số những người có thái độ rất tự do về tình dục, nên mình đã loại bỏ giáo lý về tà dâm, liệt kê tất cả những hành vi tình dục thường được thực hiện, mà hầu hết mọi người sẽ không vui, khi phải từ bỏ chúng. Thay vì vậy thì lại dạy rằng bồ tát hạnh đúng đắn về mặt tình dục chỉ là không làm tổn thương ai với hành vi của mình. Ta biết giáo pháp chính xác là gì, nhưng lại nghĩ rằng, “Nếu như mình dạy điều này, thì mọi người sẽ bỏ đi, không ai sẽ chấp nhận đạo Phật nữa, nên mình sẽ dạy một phiên bản nhẹ nhàng hơn, và nói rằng ý của Đức Phật nghĩa là như vậy”, để có thêm nhiều người theo học với mình. Nền tảng đạo đức nhà Phật là chỉ cho ta nhiều loại hành vi mà mình nên tránh, vì chúng bị thúc đẩy vì phiền não rất mạnh mẽ. Trong trường hợp hành vi tình dục thì nó thường bị thúc đẩy vì lòng ham muốn và dục vọng rất mạnh mẽ, nên nền tảng của đạo đức tình dục trong nhà Phật đều hướng đến việc giúp mình giảm bớt hành vi bắt nguồn từ lòng ham muốn và dục vọng. Nó rất khác với quan điểm tự do nhân đạo phương Tây của chúng ta, đó là đạo đức dựa trên việc không gây hại cho người khác.
Việc đặt ra những giáo pháp như vậy và tuyên bố rằng đây là những điều Phật dạy, và giảng dạy nó cho người khác, để họ đi theo mình, là lừa dối họ. Việc này không trao truyền cho họ giáo pháp đích thực và chân thật. Hiện nay, nếu như bạn giảng dạy và nêu ra sự khác biệt như tôi đang làm, giữa “Pháp Nhẹ Nhàng” (“Dharma-Lite”) và “Pháp Thực Thụ” (“The Real Thing” Dharma), và nói rõ rằng Pháp Nhẹ Nhàng không phải là Pháp “Thực Thụ”, mà là một cấp độ dễ dàng hơn, để tu tập chỉ trong kiếp này, với ý nghĩ chỉ tạo ra lợi lạc cho kiếp này, rồi dạy rằng việc không làm tổn thương ai với hành vi tình dục của mình là bước đầu tiên trên đường đi đến đạo đức nhà Phật - miễn là mình không nói rằng đây là giáo pháp của Đức Phật, rằng đây là tất cả những điều mà đạo Phật hướng đến – vậy thì được. Bởi vì, tất nhiên là đạo Phật và Đức Phật sẽ đồng ý là đừng làm tổn thương người khác, vì hành vi tình dục của mình. Nhưng đó không phải là điểm duy nhất trong Đại thừa, nó không chỉ là Đại thừa ở đây, mà là Phật pháp nói chung. Phật pháp chủ ý đưa tha nhân đến giải thoát và giác ngộ, nên người ta phải khắc phục lòng ham muốn và dục vọng khát khao.
(5) Lấy Thức Cúng Dường Dành Cho Tam Bảo
Bồ tát giới thứ năm là lấy những thức cúng dường dành cho Tam Bảo (cho Phật, Pháp và Tăng), và đây là điều mà mình thề sẽ không làm. Điều đó có nghĩa là trộm cắp hay biển thủ - có nghĩa là sử dụng nó cho lợi nhuận của mình, một là tự mình làm, hai là bảo người khác làm việc đó cho mình - bất cứ thứ gì được cúng dường, hay thuộc về Phật, Pháp, Tăng, rồi xem nó là của mình. Vậy nếu như có người cúng dường Tam Bảo, chẳng hạn cho một trung tâm Phật giáo, hoặc để xây một bức tượng, hay in sách Phật, hay dịch sách, hoặc để bảo trợ một nhóm tăng ni, mà mình lấy số tịnh tài hay thức cúng dường này, thì không đúng. Ta sẽ phạm giới này. Trong bối cảnh này thì Tăng đoàn đề cập đến bất cứ nhóm nào gồm bốn vị tăng ni hay nhiều hơn. Chúng ta không đề cập đến thánh Tăng ở đây.
Tất nhiên, hiện nạy, nếu như mình đang làm Phật sự, hãy cho là mình đang dịch thuật hay ấn tống sách Phật, rồi nếu như có ai cúng dường, và số tịnh tài này được sử dụng làm tiền lương cho mình, thì đó là một chuyện khác, bởi vì mình đang thật sự làm việc để truyền bá Tam Bảo nhiều hơn nữa, nếu như đây là quy cách tiêu chuẩn, rằng mình sẽ được trả lương cho công việc này. Nhưng ở đây, chúng ta đang nói về việc khi mình không làm Phật sự, mà chỉ nhận tịnh tài cúng dường và quyên góp cho bản thân mình.
Tại sao đây là một bồ tát giới trọng? Bởi vì khi các phẩm vật được cúng dường để truyền bá Phật, Pháp và Tăng nhiều hơn nữa, đó là để giúp cho Phật pháp tồn tại, để giúp cho người khác thành tựu giải thoát và giác ngộ, đây là điều mà mình đang cố gắng thực hiện như một Bồ tát, để giúp cho những phương tiện này có mặt sẵn sàng. Nó không có nghĩa là làm một nhà truyền giáo, mà là giúp cho những phương tiện này có mặt sẵn sàng, để giúp đỡ người khác, và ta sẽ ngăn chận việc này, bằng cách trộm cắp thức cúng dường. Đó là bồ tát giới thứ năm.
(6) Từ Bỏ Thánh Pháp
Giới thứ sáu là để tránh việc từ bỏ thánh Pháp. Điều này đề cập đến việc cự tuyệt - “cự tuyệt” có nghĩa là không chỉ phủ nhận, mà còn cố gắng bác bỏ điều gì một cách giận dữ – nên ta cự tuyệt, hay bằng cách phát biểu ý kiến, nên mình sẽ khiến cho người khác cự tuyệt giáo pháp. Chúng ta đang nói về điều gì ở đây? Chúng ta đang cự tuyệt điều gì đây? Đó là cự tuyệt rằng giáo pháp trong kinh sách của hàng Thanh văn (shravaka), Duyên giác (pratyekabuddha) - đó là hai nhánh trong Tiểu thừa - hay của Đại thừa, là lời Phật dạy. Vậy thì mình đang cố bác bỏ rằng đây là lời Phật dạy. Ở đây chúng ta đang phủ nhận, và sẽ tranh luận rất mạnh mẽ rằng tất cả kinh sách của một trong hai thừa này, Tiểu thừa hay Đại thừa, không phải là lời Phật dạy - một là tất cả kinh sách, hai là chỉ một số trong những kinh sách này. Vấn đề là tất cả các kinh sách khác nhau, tất cả các thừa khác nhau mà Đức Phật đã dạy là để giúp cho người ta thành tựu giải thoát hay giác ngộ - không chỉ con người, mà tất cả chúng sinh - và khi nói rằng chúng không phải là lời Phật dạy, thì mình đang nói rằng đây không phải là Phật pháp, nên không khuyến khích người khác tuân theo những giáo pháp nào đó, mà có thể rất lợi lạc và thích hợp với họ.
Phải xem xét kỹ hơn một chút, bởi vì nếu như mình xem xét nó từ cái gọi là quan điểm khoa học Phật giáo hợp lý, quan điểm lịch sử, trên cơ sở ngôn ngữ của những kinh sách khác nhau, v.v..., thì các học giả được đào tạo theo phương pháp phương Tây sẽ lập luận rằng nhiều kinh sách, như Đại thừa và Mật tông, về mặt ngôn ngữ, đã được ghi chép muộn hơn nhiều, so với thời Đức Phật tại thế. Vậy thì chúng không thể nào đã được Đức Phật lịch sử thuyết giảng. Nhưng vấn đề là không có giáo pháp nào được ghi chép vào thời Đức Phật cả, và tất cả đều được truyền khẩu, điều đó ngụ ý rằng vào thời đó, người ta có ký ức phi thường, và có thể ghi nhớ tất cả giáo pháp của Đức Phật - không nhất thiết là một người đã ghi nhớ tất cả - và nó đã được trao truyền lại và học thuộc lòng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thật ra thì điều này không quá xa vời hay vô lý, nếu như bạn nghĩ về phong tục hiện đại trong các tu viện Tây Tạng. Nó không quá khó tin, bởi vì trong các tu viện hiện nay thì mỗi chi nhánh của một tu viện - tôi đang nghĩ về các tu viện chính trong phái Gelugpa – sẽ chịu trách nhiệm cho một kinh sách Mật tông nào đó, và nghi lễ của nó, v.v... nên tất cả các nhà sư được yêu cầu học thuộc lòng tất cả kinh sách của bộ kinh đó, nên nếu bạn lấy tất cả Phật pháp, và mỗi một chi nhánh nhỏ của mỗi tu viện sẽ chịu trách nhiệm về bộ kinh này hay kinh kia, thì bạn hoàn toàn có thể tin rằng có thể có một bài truyền khẩu của tất cả giáo pháp của Đức Phật theo cách đó, mà không có bất cứ điều gì đã được viết ra. Ngay cả hiện nay, các nhà sư Tây Tạng vẫn học thuộc lòng hàng ngàn trang kinh sách, bởi vì họ đã bắt đầu học thuộc lòng khi còn nhỏ tuổi, khoảng bảy hay tám tuổi, và bộ não của con người có khả năng ghi nhớ và lưu trữ nhiều nhất những điều mà bạn đã học từ lúc nhỏ, trong suốt quãng đời còn lại.
Theo truyền thống thì kinh điển Tiểu thừa được trì tụng một cách cởi mở hơn kinh điển Đại thừa, và ngay cả kinh điển Đại thừa còn được trì tụng cởi mở hơn kinh điển Mật tông; nhưng dù sao đi nữa thì tất cả kinh sách đều được truyền khẩu như vậy. Và cuối cùng, khi kinh sách được ghi chép xuống, thì một trong những lệnh huấn thị của Đức Phật cũng là hãy ban truyền giáo pháp bằng tất cả các ngôn ngữ khác nhau, nên hãy đưa nó vào ngôn ngữ của bạn. Vậy thì không có mâu thuẫn gì về sự kiện là ngôn ngữ mà kinh sách xuất hiện lần đầu tiên sẽ là ngôn ngữ của một thời kỳ lịch sử cụ thể nào đó, khi nó xuất hiện. Vì vậy nên một số kinh sách được viết bằng tiếng Pali, một số (cuối cùng, khi chúng được viết ra) thì được viết bằng tiếng Phạn, một số được viết theo phong cách tiếng Phạn về sau. Điều này phù hợp với phương pháp mà chính Đức Phật đã đề xuất, nên không nhất thiết phải chứng minh rằng kinh điển đã không bắt nguồn từ Đức Phật.
Ở đây, chính ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã đưa ra lời bác bỏ rất xuất sắc đối với những người tranh cãi rằng kinh điển Tiểu thừa là hợp lệ hay xác thực, còn kinh điển Đại thừa thì không. Ngài nói rằng bất cứ lý do nào mà quý vị sử dụng để bác bỏ, hay cố gắng bác bỏ việc kinh điển Đại thừa là lời Phật dạy xác thực, thì tôi cũng có thể sử dụng những lý lẽ đó để chứng minh rằng kinh điển của quý vị, tức kinh điển Tiểu thừa, không phải là lời Phật dạy xác thực, bởi vì chúng cũng dựa vào truyền thống khẩu truyền, và không được ghi chép xuống, cho đến nhiều thế kỷ sau. Tương tự như vậy, bất cứ lý lẽ nào mà quý vị sử dụng để chứng minh rằng kinh điển của quý vị là lời Phật dạy xác thực, thì tôi có thể sử dụng lập luận tương tự, để chứng minh rằng kinh điển Đại thừa là kinh điển của Đức Phật. Vậy thì đây rõ ràng là lý luận rất hợp lệ. Hơn nữa, nếu như phân tích ý nghĩa của một bài kinh đã được Đức Phật dạy, thì phải xem vị Phật trong kinh điển Tiểu thừa thuộc về loại người nào. Ai đang thuyết giảng cho họ? Vị Phật trong kinh điển Đại thừa giảng dạy pháp Đại thừa là loại người nào? Và vị Phật trong kinh điển Mật tông đang giảng dạy Mật thừa là vị Phật nào? Những điều này sẽ tiết lộ ba cách mô tả rất khác nhau về một vị Phật.
Vậy thì thể loại Phật nào ban giáo pháp Tiểu thừa, sẽ được mô tả trong giáo pháp Tiểu thừa. Trong kinh điển Đại thừa thì có một sự mô tả khác về vị Phật, là người đã thuyết Pháp. Rồi còn có vị Phật thứ ba trong Mật tông. Đây là ba hình ảnh rất khác nhau về việc một vị Phật là gì. Vậy thì vị Phật thuyết pháp Tiểu thừa là vị Phật lịch sử đã giác ngộ trong kiếp đó, là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và sau khi Ngài nhập niết bàn (parinirvana), thì đó là khi Ngài chấm dứt, dòng tâm thức của Ngài chấm dứt. Thế thì khi nói rằng Kinh điển Đại thừa và Mật điển Đại thừa đã được Đức Phật thuyết giảng, điều đó không nhất thiết có nghĩa là nó đã được Đức Phật lịch sử giảng dạy - hay một quan điểm về Phật, mà chỉ hạn chế chữ Phật là Đức Phật lịch sử, nói một cách chính xác hơn.
Vị Phật thuyết kinh điển Đại thừa là một người không chỉ hiển lộ như Đức Phật lịch sử, mà còn đạt giác ngộ bao nhiêu a tăng kỳ kiếp trước đây, và có thể hiển lộ trong hàng triệu hóa thân khác nhau trong mọi lúc, trong thời gian vô hạn, với tất cả sắc tướng Hóa thân (Nirmanakaya) và Báo thân (Sambhoghakaya), thuyết Pháp ở các tịnh độ, và tất cả những nơi như vậy. Vị Phật trong Đại thừa không chỉ giới hạn ở Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử. Vì vậy, phải áp dụng tính duyên khởi ở đây để thấy rằng vị bổn sư của kinh điển Đại thừa là vị Phật được mô tả trong kinh điển Đại thừa, nên không có mâu thuẫn nào ở đây, về việc Phật thuyết Pháp Đại thừa, ngay cả khi đó là vị Phật xuất hiện vào một thời điểm khác. Trong bất kỳ trường hợp nào thì trong kinh điển (Đại thừa, tôi không chắc là nó ở trong kinh điển Tiểu thừa hay không), Đức Phật đã gia trì cho những vị khác thuyết Pháp, và Ngài cũng có mặt ở đó, như trong Bát Nhã Tâm Kinh, rồi sau cùng, chỉ xác nhận rằng đây là giáo pháp đích thực.
Có nhiều loại giáo pháp khác nhau được bao gồm trong lời Phật dạy. Nó không có nghĩa là chính Đức Phật đã nói những lời này. Nếu như nhìn vào sự mô tả về vị Phật trong kinh sách Mật tông, thì còn có một sự miêu tả thậm chí còn rộng lớn hơn về việc vị nào là Phật, và Phật là gì. Rồi chúng ta có Đức Phật như Đức Kim Cang Trì (Vajradhara) hay Đức Phổ Hiền (Samantabhadra), tánh thanh tịnh nguyên sơ của mức độ tâm thức tinh vi nhất trong tâm trí của tất cả chúng sinh, v.v..., nên không có mâu thuẫn là Đức Phật Kim Cang Trì sẽ hiển bày giáo pháp, trong những linh kiến thanh tịnh và đủ mọi hình thức, để người khác ghi chép lại, và bạn mới có được các pháp Mật tông. Không có mâu thuẫn là người nào có thể thọ nhận giáo lý được hiển lộ trong một linh kiến thanh tịnh, hay bằng những cách khác, từ Pháp thân thanh tịnh của Phật, tánh quang minh của tâm vi tế nhất, v.v..., bởi vì đây là cách mà Mật tông bắt nguồn. Đức Kim Cang Trì đã nói với ai bằng một cách nào đó, rồi họ đã ghi chép điều đó xuống, thường là ở một tịnh độ.
Có một sự mô tả trong một số Mật điển rằng vào lúc Đức Phật đang thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita Sutras) trên đỉnh Linh thứu, thì đồng thời, Ngài đã xuất hiện ở bảo tháp Dhanyakataka ở Nam Ấn Độ, như Heruka Chakrasamvara, có bốn mặt, và với mỗi một mặt trong số bốn mặt này, Ngài đã thuyết một bộ Mật điển khác nhau. Vậy thì đây là vị Phật đang thuyết Pháp Mật tông, khá khác biệt với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử. Nên tất cả đều tùy thuộc. Thể loại vị Phật nào đã thuyết mỗi một loại giáo pháp này – Tiểu thừa, Đại thừa và Mật điển Đại thừa – phải liên quan đến sự mô tả về vị Phật được nêu ra trong mỗi một Kinh điển này.
Nếu muốn nói một cách công bằng ai là vị Phật đã thuyết một Kinh điển nào, thì điều này phải tùy theo sự mô tả về vị Phật trong chính Kinh điển ấy. Nếu như xem Phật như Đức Phật lịch sử tồn tại một cách chân thật, và thuyết giảng tất cả các thừa khác nhau - bằng chính tự lực của ngài – thì không công bằng. Cách mà người ta nhận thức về Phật phải phụ thuộc vào sự mô tả trong Kinh điển về vị Phật đang thuyết giảng nó. Thế thì chúng ta có sự hiểu biết và mô tả rộng rãi nhất về vị Phật trong Mật điển; và nó bao gồm trong đó sự mô tả về vị Phật trong Mật điển, mô tả về vị Phật trong Kinh điển Đại thừa, và trong sự mô tả về vị Phật trong Kinh điển Đại thừa, thì nó cũng gồm có Đức Phật lịch sử, bởi vì Đức Phật cũng hiển lộ trong thân tướng như vậy. Vì vậy, khi nói rằng Đại thừa là một thừa rộng lớn, thì nó cũng rộng lớn trong việc mô tả một vị Phật, rộng lớn hơn nhiều so với mô tả về một vị Phật mà chúng ta sẽ tìm thấy trong Kinh điển Tiểu thừa.
Bây giờ, có người hỏi làm sao để biết một giáo pháp mà người nào tuyên bố họ đã thọ nhận trong một linh kiến thanh tịnh là giáo pháp đích thực, đã được Đức Kim Cang Trì, Đức Phổ Hiền hay bất cứ vị nào tiết lộ cho họ? Đối với vấn đề này thì chỉ giáo được nêu ra khá rõ ràng. Giáo pháp trong một linh kiến thanh tịnh, hay một terma (gter-ma), tức kinh sách được hiển lộ, kinh sách được chôn giấu, phải phù hợp với những điểm chánh trong Phật pháp, không mâu thuẫn với những điểm này. Về mặt quy y, tâm xả ly, bồ đề tâm, và giải thoát, giác ngộ - những chủ đề chánh của Đức Phật, như bạn biết đó. Bồ đề tâm, tứ diệu đế, tất cả các pháp hữu vi thì vô thường và khổ, là những giáo pháp cơ bản. Nó phải phù hợp với những điều đó.
Tất nhiên, nó có thể có những diễn giải về mặt triết học hơi khác nhau, về những điểm khác nhau, nhưng các chủ đề chính thì nhất quán, và các hành giả du già (yogi) và hành giả có trình độ cao có thể đạt được những chứng ngộ và thành tựu như đã được mô tả trong những kinh sách ấy, bằng cách tuân theo các phương tiện được mô tả trong những kinh sách này, nên về mặt suy luận thì nó được xác nhận là giáo pháp đích thực của Đức Phật. Nếu như nó chứa đựng tất cả những chủ đề chính, và dựa vào nhận thức xác thực của những đã người tu tập nó, đã có những chứng ngộ được miêu tả trong kinh sách ấy, thì người ta sẽ suy ra đó là giáo pháp của Đức Phật. Đó là tiêu chuẩn.
Có một bồ tát giới khinh tương tự như vậy, được gọi là “từ bỏ Đại thừa”, và ở đây, chúng ta chấp nhận rằng Đại thừa là giáo pháp đích thực của Đức Phật, nên đó là giới khinh. Không giống như giới trọng, khi mà ta chấp nhận rằng Pháp Đại thừa là lời Phật dạy, nhưng lại chỉ trích những khía cạnh nào đó mà mình không thích. Và điều đó đề cập một cách cụ thể đến tất cả những công hạnh quảng đại này của Đức Phật, được mô tả trong Kinh điển Đại thừa, giống như Đức Phật có thể hóa thân thành vô số sắc tướng khác nhau trong cùng một lúc, đồng thời có mặt ở khắp nơi; và có thể hiểu mọi ngôn ngữ; và khi Ngài nói thì mọi người sẽ hiểu lời nói ấy bằng ngôn ngữ riêng của họ. Chúng ta sẽ nói rằng, “Đó là điều vô lý. Tôi thích Đại thừa, tôi thích toàn bộ khái niệm bồ đề tâm và lòng từ bi, nhưng xin lỗi nhé, điều này thì quá mức.”. Nếu như mình chỉ trích điều đó, hoặc chỉ trích giáo pháp thậm thâm về tánh Không - bạn biết đó, điều này quá phức tạp, ai mà cần nó? - những điều như vậy, thì đó là giới khinh này.
Chúng ta có thể chỉ trích nó theo một trong bốn cách khác nhau. Cách đầu tiên là nội dung của nó thấp kém, nói cách khác là họ nói những chuyện hoàn toàn vô nghĩa, rằng Đức Phật có thể hóa thân ra nhiều sắc tướng khác nhau. Thấp kém có nghĩa là không tốt, ngu ngốc. Giống như Milarepa có thể thu mình lại và chui vào mũi nhọn trong sừng con yak. Chúng ta sẽ nói rằng “Đó là điều vô lý. Đây là giáo pháp thấp kém, không dành cho những người tinh tế, có thể dành cho những người du mục, hay những người như vậy.”. Nói như vậy thì rất kiêu căng. Thứ hai là cách thể hiện của nó thấm kém – thấp kém có nghĩa là chất lượng kém, chất lượng thấp. Nói rằng đây là tác phẩm dở, vì cách mà nó được viết không có ý nghĩa gì. Thứ ba là tác giả thấp kém. Có rất nhiều luận giải và những điều như vậy. Chúng nói rằng tác giả này không hay. Thứ tư là áp dụng của nó thấp kém, vì điều này không có lợi cho ai cả. Việc nói rằng Milarepa chui vào mũi nhọn trong sừng con yak thì không có ích lợi gì cho ai. Vậy thì đây là bồ tát giới khinh, và ta hứa sẽ không làm điều này.
Thật ra điều đó khá phổ biến, để phá giới này, để có thái độ rằng những khía cạnh nào đó của giáo pháp là lố bịch, và chỉ muốn bỏ mặc chúng. Chúng ta chỉ muốn những phần tốt đẹp của giáo pháp, và bỏ qua những điều mà mình không thích, như về địa ngục hay đạo đức tình dục. Người Tây Tạng có một câu tục ngữ: “Đừng giống như một ông già không có răng mà cố ăn uống, nên chỉ ăn khoai tây luộc, và nhả thịt ra.”. Nói cách khác là chỉ ăn những thứ dễ nhai, và nhả những món khó nhai ra.
(7) Khiến Cho Tăng Ni Hoàn Tục, Hay Có Những Hành Vi Như Lấy Trộm Y Áo Của Tăng Ni
Trong giới kế tiếp, bồ tát giới thứ bảy, thì điều mà mình muốn làm là tránh làm cho giới xuất gia phải hoàn tục, chẳng hạn như lấy trộm y áo của tăng ni. Ở đây, mình sẽ làm hại một, hai, hoặc ba vị tăng ni. Các bạn có nhớ là chúng ta có giới lấy các thức cúng dường dành cho Tam Bảo? Đó là các thức cúng dường dành cho bốn vị tăng ni hay nhiều hơn, còn ở đây là một, hai hoặc ba vị tăng ni. Dù cho giới hạnh của chư tăng ni này có suy đồi hay không thì không cần biết - bạn biết mà, dù họ không mặc y áo chỉnh tề, hay những vấn đề như vậy - dù họ có tu học nhiều hay không cũng không cần biết. Trong bất cứ trường hợp nào thì điều mà nó đang đề cập ở đây là vì mình có ác ý, vì mình không thích họ, tức giận với họ, đánh đập họ, hay chửi mắng họ vì tức giận, hay tịch thu tài sản của họ.
Một ví dụ hiện đại là tịch thu hay lấy trộm radio của người xuất gia, là hàng xóm của mình, vì radio phát thanh ồn ào, khiến cho mình không hành thiền được, nên ta đập vỡ chiếc radio, hay lấy trộm nó. Nếu một vị tăng hay ni đã phá một trong bốn giới trọng, thì họ không còn là người xuất gia nữa, và sẽ bị trục xuất khỏi tu viện. Chúng ta không nói về trường hợp đó. Nhưng nếu như họ chưa phá một trong bốn trọng giới này, mà mình không thích họ, hay không hòa hợp với họ, v.v..., rồi đuổi họ ra khỏi chùa, hoặc lấy y áo của họ, và nói rằng họ không thể sống ở đây nữa, thì đã phá giới nguyện này. Vậy thì rõ ràng vấn đề là phải tôn trọng Tăng đoàn, và cố gắng giúp đỡ những người ít nhất đã đi một bước theo đúng phương hướng, để trở thành một vị tăng hay ni, ngay cả khi họ không tuân theo giới luật rất đàng hoàng.
(8) Phạm Bất Cứ Tội Nào Trong Ngũ Nghịch
Bồ tát giới thứ tám là để không phạm bất cứ tội nào trong ngũ nghịch. “Tội ác ghê tởm” không phải là cách dịch hay, nhưng đó là những hành vi phá hoại rất mạnh mẽ, mà nếu như không bị gián đoạn, thì khi chết, người này sẽ đọa vào một tái sinh khủng khiếp ngay lập tức. Vì vậy mà đây là những hành vi tiêu cực mạnh mẽ nhất. Đó là giết cha; giết mẹ; giết A la hán (một bậc giải thoát); và làm một vị Phật đổ máu vì ác ý. Chúng ta không nói về việc một vị Phật hiến máu hay đại loại như thế, mà nói về việc cố làm tổn thương thân Phật. Và điều thứ năm là tạo ra sự chia rẽ trong Tăng đoàn.
Phải hiểu việc tạo ra sự chia rẽ hay ly giáo trong Tăng đoàn có nghĩa là gì. Nó không có nghĩa là tách ra khỏi trung tâm Phật giáo của mình, và thành lập một trung tâm Phật giáo khác, đó không phải là vấn đề. Nó cũng không đề cập đến việc chỉ quy định thêm quy luật cho tăng ni, mà nói về việc làm điều này với ác ý, rằng từ Tăng đoàn của nhà Phật mà bạn lại thành lập một nhóm tăng đoàn khác, và có thái độ rất tiêu cực đối với tăng đoàn của Đức Phật, và đối với Đức Phật, bởi vì có một ví dụ về một hình thức tu hành nghiêm ngặt hơn trong đạo Phật. Có mười ba - chữ tiếng Phạn và tiếng Pali là “dhutanga”, nghĩa là các nhánh của pháp tu được tuân theo. Dựa trên cơ sở tuân theo mười ba điều này, mà chúng ta có, chẳng hạn như truyền thống tu trong rừng ở Thái Lan. Một số trong những điều này được các hành giả nhập thất ba năm theo truyền thống Tây Tạng hành trì. Những điểm này đã được Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), anh em họ của Phật, đề nghị, ông là người có thái độ rất tiêu cực đối với Phật. Vậy thì việc hình thành một truyền thống noi theo mười ba điểm này không tạo ra sự ly giáo trong giáo pháp, nhưng khi bạn làm điều đó, và nói rằng Tăng đoàn của Đức Phật là không tốt, và làm như vậy vì lòng sân hận và ác ý đối với Tăng đoàn của Phật, thì đó là một sự ly giáo.
Mười ba điều này là gì? (1) Điều thứ nhất trong số mười ba điều này - nói về chư tăng ni – là mặc y vá từ vải vụn (chỉ được may bằng vải vụn); (2) Chỉ mặc ba chiếc y mà thôi, nên không được mặc áo len, hay bất cứ áo gì tương tự như vậy; (3) Đi khất thực, nói cách khác là đi xin thức ăn, và không bao giờ chấp nhận lời mời đi thọ trai; nói cách khác là chỉ cần cầm bình bát để đi khất thực, mà không chấp nhận lời mời vào trong nhà, ngồi xuống và thọ trai; (4) Điều thứ tư là không bỏ sót nhà nào, khi đi khất thực. Đôi khi, có thể có những gia chủ không cúng dường thức ăn ngon, hoặc la mắng bạn, hay rất khó chịu, đại loại như vậy, và chúng ta có thể nói, “Hôm nay, tôi sẽ không đi khất thực ở ngôi nhà đó.”; (5) Điều thứ năm là dùng hết những thức ăn đã thọ bát. Nói cách khác là không để dành thức ăn để ăn sau này, hay để dành nó, bỏ vào trong hộp nhựa trong tủ lạnh, để có thể dùng nó vào ngày hôm sau, trong trường hợp bạn không khất thực đủ thức ăn trong ngày hôm sau; (6) Điều kế tiếp là chỉ ăn từ bình bát của mình; và (7) Từ chối mọi thức ăn khác được cúng dường thêm, sau khi đã bắt đầu thọ trai. Vậy thì trừ khi mình có một chiếc bình bát rất lớn, nếu không thì điều này sẽ hạn chế số lượng thực phẩm mà mình sẽ ăn; (8) Điều tiếp theo là chỉ sống trong rừng; (9) Sống dưới tàng cây; (10) Điều tiếp theo là sống ngoài trời, không ở trong nhà, hay nơi trú ẩn; (11) Điều kế tiếp là chủ yếu sống trong khu mộ địa. Mộ địa là loại nghĩa trang, nơi người ta thiêu xác chết, hay chặt chúng ra từng mảnh, để cho chó và kền kền ăn. Đây là giáo huấn về cái chết và vô thường mạnh mẽ hơn, ở trong những nơi như vậy, chứ không phải trong nghĩa trang, là một công viên sạch đẹp với hoa lá và cây cối, ghế đá, và chỉ có những ngôi mộ làm bằng đá, được xây dựng một cách nghệ thuật; (12) Điểm tiếp theo là hài lòng với những nơi trú ngụ nào mà mình tìm được, trong khi đi từ nơi này đến nơi khác. Vì vậy, ta không chỉ ở một nơi cố định, giống như sống dưới một gốc cây đẹp đẽ nào mà mình tìm được, mà sẽ di chuyển từ nơi này sang nơi khác; (13) Điểm cuối cùng - đây là điều mà mình có trong khóa nhập thất ba năm – là phải ngủ ngồi, không bao giờ được ngủ nằm. Ngủ trong tư thế hành thiền.
Thật ra, Serkong Rinpoche nói với tôi rằng ở Học Viện Mật Điển Hạ (Lower Tantric College), nơi ngài đã tu học ở Tây Tạng, thì chư tăng phải ngủ trong tư thế ngồi như thế này trong chánh điện rộng lớn, tất cả các thầy ngồi cạnh nhau trong đám đông này. Khi đến giờ thức dậy thì chuông sẽ reo, và các thầy chỉ cần mở mắt ra, rồi bắt đầu cầu nguyện hay hành thiền. Rinpoche nói rằng các nhà sư thường dựa vào nhau để ngủ, tựa đầu vào người kế bên. Vậy thì rõ ràng, đó là kỷ luật khó mà tưởng tượng được. Nếu bạn đang ngồi thẳng lưng, mà không thể dựa vào tường, hay cái gì giống như vậy, thì tự nhiên là bạn sẽ bị ngã nhào, nhưng vì không có chỗ trống, nên các thầy sẽ dựa vào nhau.
Để tuân theo kỷ luật như bạn có trong truyền thống tu trong rừng - tôi không biết người ta có tuân theo tất cả những điều này một cách nghiêm ngặt hay không - nhưng như một nhánh đặc biệt trong Tăng đoàn, thì đó không phải là vấn đề. Bạn biết đó, vấn đề là, “Arrgh, những nhà sư khác không tốt và...”. Như vậy đó. Vậy thì đó là tạo ra sự chia rẽ hay ly giáo trong Tăng đoàn.
(9) Có Tà Kiến
Sau đó, giới thứ chín là có tà kiến. Điều này không chỉ phủ nhận điều gì là đúng và có giá trị. Giống như luật nhân quả, quy y (Phật, Pháp, Tăng), tái sinh, giải thoát, giác ngộ, đối xử tử tế với người khác, giúp đỡ tha nhân. Mình không chỉ phủ nhận rằng điều này đúng, hay có giá trị và lợi ích, mà còn đối nghịch với nó, và muốn chứng minh rằng điều này (và cho rằng điều này) là không tốt. Đó là đầu óc rất hẹp hòi, vô minh, khiến cho mình rất cứng đầu và cự tuyệt, cố gắng tranh luận và bác bỏ điều gì là đúng, hay có giá trị. Thế thì đối tượng của việc này phải là điều gì tồn tại, hay là sự thật, và ta phải hoàn toàn tin rằng sự phủ nhận của mình là đúng, và phải muốn tranh cãi để chống lại chánh kiến.
Như Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã nói thêm về tà kiến, thì động lực của điều này phải bao gồm năm thái độ phiền não khác. Ở đây, chúng ta đang nói về cách suy nghĩ, không có nghĩa là mình thật sự ra tòa vì điều gì, mà là đã dự tính kế hoạch, suy nghĩ về nó. Điểm đầu tiên là mù quáng, vì không biết cách mà một số hiện tượng cao quý tồn tại ra sao, hay là như thế nào. Chúng ta không biết, và mù quáng. Không chấp nhận điều gì là sự thật. Điểm thứ hai là tranh cãi. Điều đó có nghĩa là cảm giác ngoan cố, vui vẻ về thái độ tiêu cực của mình. “Tôi thích tranh cãi. Tranh cãi với bạn rất là vui. Bạn có nói gì thì cũng không sao.”. Có những người như thế. Đó là một thái độ, đúng không? Có những người chỉ thích có thái độ tiêu cực, và tranh cãi với bất cứ điều gì bạn nói, đúng không? Họ thích tạo khó khăn cho người khác. Điểm thứ ba là hoàn toàn thấm nhuần - hoàn toàn vững tin vào tà kiến của mình - về điều gì là đúng, hay là thực tế, sau khi đã phân tích một số hiện tượng một cách dứt khoát, nhưng lại dựa vào sự cân nhắc không đúng đắn, nên ta hoàn toàn tin tưởng - dựa trên phân tích sai lầm của mình - rằng tri kiến của mình là chính xác, và nắm giữ nó một cách ngoan cố. Điểm thứ tư là hoàn toàn ác ý, đó là thái độ xấu xa, khó chịu, bởi vì mình nói rằng việc có lòng từ thiện chẳng có ý nghĩa gì, giúp đỡ người khác không có ý nghĩa gì, việc tu tập hay bất cứ điều gì tương tự không có ý nghĩa gì cả. Điểm thứ năm là một thái độ cứng đầu, muốn thắng người khác mà không thấy xấu hổ chút nào, về việc đối kháng và cố bác bỏ niềm tin của họ. “Tôi muốn thắng bạn trong cuộc bàn luận này.”. Chúng ta có một cuộc thảo luận. Bạn nói rằng việc giúp đỡ người khác là có ích, và tôi có thái độ lệch lạc này, nên mới nói rằng, “Tôi không cần biết bạn nói gì, nhưng tôi sẽ tranh luận với bạn, và muốn thắng bạn trong cuộc tranh luận này. Trên thực tế thì tôi rất hoan hỷ khi phá hủy được niềm tin của bạn. Và tôi không thấy xấu hổ chút nào về sự kiện là mình đang cố gắng hủy diệt niềm tin của bạn về điều gì tích cực, và không nghĩ rằng có điều gì sai trái về việc này, trên thực tế thì tôi nghĩ đó là điều rất vui vẻ.”. Đó là tà kiến. Vậy thì khi bạn thường nghe điều này được dịch là “tà kiến”, thì hãy hiểu rằng nó phức tạp hơn nhiều, so với việc hiểu sai về điều gì. Từ tất cả các quan điểm thì đây là hành vi rất, rất là nặng nề và tiêu cực.
(10) Phá Hoại Những Nơi Như Thành Thị
Giới tiếp theo, giới thứ mười, là tàn phá những nơi như thành thị. Trên cơ bản thì việc này làm tổn hại môi trường của một thành phố, thị trấn, nông thôn, hoặc ném bom và phá hủy nó, nhưng về cơ bản là làm cho một số nơi trở nên có hại, hoặc khó khăn, hay không lành mạnh cho con người hay thú vật sinh sống ở đó. Hiển nhiên là mình muốn chu cấp cho phúc lợi của người khác, không phá hủy những nơi họ sống. Chúng ta muốn chu cấp nhà cửa. Chúng ta muốn bố thí tất cả mọi thứ cho người khác, chứ không muốn phá hủy nơi sinh sống của họ.