Giới luật là một phần cơ bản của đường tu nhà Phật, nhưng đạo đức là điều mà ta sẽ tìm thấy trong tất cả truyền thống tâm linh, và không chỉ trong những truyền thống tâm linh, mà đạo đức còn được thấy trong tất cả các xã hội. Để xác định điều gì khiến cho đạo đức nhà Phật là “đạo Phật”, thì phải xem xét nó trong bối cảnh Tứ diệu đế, giáo pháp cơ bản mà Đức Phật đã thuyết giảng.
Hành Vi Đạo Đức Trong Bối Cảnh Tứ Diệu Đế
Diệu Đế Thứ Nhất: Tất Cả Chúng Ta Đều Phải Đối Diện Với Nỗi Khổ
Diệu đế thứ nhất trong đời sống là tất cả chúng ta đều phải đối diện với chân khổ. Thứ nhất, có nỗi khổ vì đau đớn và bất hạnh thông thường (khổ khổ). Rồi có những vấn đề liên quan đến loại hạnh phúc bình thường, chẳng hạn như thực tế là hạnh phúc này không bao giờ bền lâu, và chẳng bao giờ mãn nguyện (hoại khổ). Chúng ta chẳng bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra sau đó, và khi đạt được hạnh phúc này, thì nó thường trở thành nỗi khổ. Ví dụ, khi mình ăn quá nhiều kem, thì sẽ bị đau bụng. Cuối cùng là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ), là cơ sở cho hai loại khổ đầu. Hành khổ là luân hồi (Phạn ngữ: samsara) do nghiệp của mình tạo ra, và được thúc đẩy vì phiền não. Những phiền não này phát sinh là vì tâm vô minh về nhân quả, và cách vạn pháp tồn tại. Tâm vô minh này khiến cho mình tiếp tục có những tái sinh, là cơ sở để trải qua hai loại khổ đầu. Vậy thì tâm vô minh khiến cho phiền não phát sinh, khiến cho mình tạo ra hành động, và điều này tạo ra nghiệp lực, khiến cho mình phải tái sinh một cách bất tự chủ. Tái sinh bất tự chủ là cơ sở để trải qua những thăng trầm của hai loại khổ đầu: khổ đau và hạnh phúc thông thường không lâu bền và bất toại nguyện.
Diệu Đế Thứ Hai: Nhân Tạo Khổ
Diệu đế thứ hai là nguyên nhân chân thật tạo ra nỗi khổ (tập đế). Tập đế chính là tâm vô minh (vô minh về nhân quả, và vô minh về thực tại), phiền não (tham lam, tham dục, sân hận, si mê) do vô minh gây ra, và nghiệp được thúc đẩy vì tâm vô minh này.
Diệu Đế Thứ Ba: Có Thể Chấm Dứt Nỗi Khổ
Diệu đế thứ ba là có thể đạt được chân diệt của tâm vô minh đó, để không có nỗi khổ nào trong ba loại khổ sẽ tái diễn nữa.
Diệu Đế Thứ Tư: Đạo Lộ Đưa Đến Sự Chấm Dứt Của Nỗi Khổ
Diệu đế thứ tư là chân đạo, hay chánh kiến, sẽ tạo ra chân diệt của nỗi khổ. Chân đạo là chánh kiến về luật nhân quả và thực tại. Nếu có thể phát triển chánh kiến này, với quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi luân hồi, thì ta sẽ thoát khỏi hai diệu đế đầu (khổ đế và tập đế), và sẽ thành tựu cái gọi là giải thoát. Nhưng nếu muốn giúp đỡ tha nhân một cách tốt nhất, thì phải đi sâu hơn, phải khắc phục chướng ngại, khiến cho tâm mình không lãnh hội được tính tương quan của vạn pháp.
Nếu như hiểu cách vạn pháp liên hệ với nhau như thế nào, thì ta sẽ hiểu luật nhân quả một cách trọn vẹn, nghĩa là biết cách tốt nhất để giúp đỡ tha nhân, hiểu được kết quả của bất cứ điều gì mình đã dạy cho họ. Dựa vào lòng từ (mong muốn tha nhân có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc) và lòng bi (mong muốn tha nhân thoát khổ và nhân tạo khổ), ta sẽ phát triển quyết tâm phi thường, nhờ đó mà sẽ gánh lấy trách nhiệm dẫn dắt tất cả chúng sinh đến giải thoát và giác ngộ. Nhưng khi nhận ra là trong tình trạng hiện giờ của mình, thì ta không thể thực hiện điều này, nên sẽ phát bồ đề tâm. Với bồ đề tâm, ta sẽ có mục tiêu thành tựu giác ngộ, để có thể hoàn thành mục tiêu dẫn dắt tất cả chúng sinh đến quả vị giác ngộ. Nếu như kết hợp trí tuệ chứng ngộ tánh Không với động lực bồ đề tâm, thì ta sẽ thành tựu giác ngộ, trở thành một vị Phật.
Vậy thì đó là đường tu nhà Phật, trong một vài câu ngắn gọn. Với giới luật, ta sẽ không tạo ác nghiệp, để tránh những tái sinh tồi tệ hơn, và thay vì vậy, sẽ có những tái sinh hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, nhiều truyền thống tâm linh khác sẽ giảng dạy giới luật để đạt được tái sinh cao hơn trên thiên đàng, nên mục tiêu để đạt được tái sinh cao hơn không chỉ dành riêng cho đạo Phật. Trong nhà Phật thì mức độ thực hành đạo đức này (để tránh tạo tác ác nghiệp, để có được tái sinh tốt hơn) là một bước đệm trên đường tu, để thành tựu giải thoát và giác ngộ. Chúng ta cần có nhiều tái sinh cao hơn, để thực hiện những điều cần thiết, để thành tựu giác ngộ, nên có mục tiêu rất tích cực, để tu tập hành vi đạo đức. Vậy thì điều tạo ra mức độ tu tập này trong nhà Phật, là mình đang hành trì giới luật, với động lực bồ đề tâm, để sau cùng, có thể thành tựu giải thoát và giác ngộ.
Tam Vô Lậu Học
Trong đạo Phật, chúng ta nói đến tam vô lậu học, có thể được tu tập với động lực để thành tựu biệt giải thoát, hay với động lực để đạt giác ngộ. Vô lậu học cao nhất là tuệ vô lậu học. Đây là khả năng phân biệt đâu là thực tại, đâu là ảo tưởng hay ảo ảnh, nên trí tuệ giống như chiếc rìu sắc bén, chặt đứt tâm mê lầm, hay vô minh.
Cơ sở để áp dụng tuệ vô lậu học này được gọi là định vô lậu học. Định có nghĩa là có thể chú tâm vào một đối tượng, đặc biệt là thực tại của các pháp, mà tâm ý của ta sẽ không chạy theo những pháp khác, hay trở nên hôn trầm, để có thể tập trung như vậy bao lâu, tùy theo ý của mình. Khả năng định tâm này giống như việc nhắm đúng vào mục tiêu với chiếc rìu, và phải luôn luôn đánh trúng mục tiêu, để đánh trúng điểm mà mình muốn chặt đứt vô minh.
Cơ sở của định vô lậu học là giới vô lậu học, và đây là lúc mà chủ đề về đạo đức và kỷ luật được đề cập đến. Để có được định tâm, thì phải có kỷ luật, để điều chỉnh tâm ý của mình, khi nó đi lệch hướng, và phải có khả năng điều chỉnh sự chú ý, khi tâm rất hôn trầm và buồn ngủ. Đối với việc này thì phải có kỷ luật, tương tự như có sức mạnh, để có thể sử dụng chiếc rìu. Vì vậy, giới là cơ sở, hay điều kiện tiên quyết cho định, và định là nền tảng cho tuệ vô lậu học.
Định không chỉ được áp dụng trong khi thiền quán về tánh Không, hay về một đối tượng khác, mà có nghĩa là chú tâm vào mọi tình huống một cách hữu hiệu. Ví dụ, nếu như đang cố gắng giúp đỡ cho ai, thì bạn phải chú ý vào những điều người này đang nói. Bạn phải lắng nghe, và không thể chú tâm vào những điều gì khác, chẳng hạn như: “Khi nào thì đến giờ ăn trưa?”. Bạn phải chú ý, để luôn luôn tỉnh táo, và không ngớ ngẩn. Phải có khả năng tập trung, để phân biệt (đây là một ý nghĩa khác của trí tuệ) đâu là điều thích hợp để nói, đâu là điều hữu ích để nói, đâu là điều hữu ích để làm, đâu là điều không đúng đắn và không hữu ích. Vậy thì một lần nữa, phải có kỷ luật, để không nghĩ về những điều bạn muốn làm (có thể là đi ăn trưa), thay vì vậy, thì sẽ nghĩ về những điều tốt nhất cho người kia.
Vì vậy, giới luật rất cần thiết, và trong bối cảnh đạo Phật, nó có nghĩa là mình có khả năng để định tâm, để chú trọng vào trí tuệ về thực tại, và giúp đỡ người khác.
Hiện nay, nếu nói về định tâm, thì chúng ta đang nói về một tâm hành, và cần có kỷ luật, chủ yếu là kỷ luật trong tâm thức. Rõ ràng là mình cần có kỷ luật, để có thể ngồi thiền, để khắc phục tính lười biếng và tán tâm. Tuy nhiên, việc rèn luyện kỷ luật cho tâm thức thì khó hơn nhiều, so với việc rèn luyện kỷ luật cho hành vi của thân và khẩu. Vì vậy, làm sao để có được sức mạnh, để rèn luyện kỷ luật cho hành vi trong tâm thức? Chúng ta sẽ đạt được điều đó, nhờ có kỷ luật về thân và khẩu trước tiên.
Đạo Đức Trong Bối Cảnh Tây Phương
Điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa cách tiếp cận của đạo Phật đối với đạo đức, và những cách tiếp cận khác. Hầu hết chúng ta đều lớn lên trong nền văn hóa phương Tây hoặc Trung Đông, và trong nền văn hóa phương Tây và Trung Đông thì trên cơ bản, đạo đức là vấn đề luật pháp. Có những quy luật thiêng liêng do Thượng Đế hay Allah ban cho, và trong lãnh vực dân sự, có những luật lệ được vua hay chánh phủ lập pháp đưa ra. Trong văn hóa Tây phương thì toàn bộ khái niệm về đạo đức dựa trên sự vâng lời - tuân theo luật thiêng liêng, luật dân sự, hoặc cả hai. Nếu như mình tuân theo luật lệ, thì được xem là người tốt, công dân tốt; nếu không tuân theo, thì được xem là người xấu, hay công dân xấu. Trong địa hạt tôn giáo, thì đương sự sẽ bị gán ghép là tội nhân, và trong địa hạt dân sự, người đó được xem là tội phạm.
Vậy thì trong bối cảnh Tây phương hoặc Trung Đông, những người phạm luật được xem là có đạo đức xấu, và văn hóa nhấn mạnh hiện tượng tội lỗi. Chúng ta bị phán xét là tội lỗi về mặt pháp lý và tâm lý. Ở phương Tây, phần lớn đạo đức của chúng ta dựa trên khái niệm tuân theo luật pháp. Một số thành viên của xã hội có thể tránh sự trừng phạt, nếu rất tài tình và có đủ tiền, để thuê một luật sư và tìm ra kẽ hở của luật pháp, để có thể tránh hình phạt, bằng cách nào đó.
Đạo Đức Trong Bối Cảnh Đạo Phật
Thái độ của Tây phương hay Trung Đông đối với đạo đức rất khác với quan điểm của đạo Phật. Đạo đức trong nhà Phật không dựa vào sự vâng lời, mà đúng hơn là dựa trên cái gọi là “trí tuệ” (shes-rab). Trước đây, chúng ta đã thấy thuật ngữ này, về việc phân biệt giữa thực tại và ảo tưởng, nhưng ở đây, nó chủ yếu phân biệt giữa những điều có lợi và có hại, hoàn toàn khác với việc phân biệt giữa đâu là điều hợp pháp, đâu là điều bất hợp pháp, trong bối cảnh tòa án. Hãy nhớ rằng, toàn bộ bối cảnh trong đạo Phật là mình muốn thoát khỏi, hay diệt trừ nỗi khổ, và cách để làm điều đó là đoạn trừ nhân tạo khổ. Điều đó có nghĩa là phải phân biệt chính xác đâu là nhân tạo khổ, rồi phải có động lực để đoạn trừ nguyên nhân đó, hay khắc phục nó. Tất nhiên, tất cả chúng sinh đều muốn được hạnh phúc; đó là một xung động tự nhiên, gắn liền với bản năng sinh tồn, là một bản năng rất cơ bản. Nhưng hầu hết thì chúng ta không thật sự hiểu điều gì sẽ giúp cho mình đoạn trừ nỗi khổ, hay đem lại hạnh phúc.
Vậy thì trí tuệ đi đôi với giới luật. Chúng ta sẽ phân biệt một cách chính xác: “Nếu tôi hành động như thế này, thì sẽ tạo ra vấn đề - có thể là vấn đề cho người khác, nhưng chủ yếu là cho mình. Và nếu tôi hành động một cách tích cực, nó sẽ giúp ích cho mình, và có thể giúp ích cho người khác nữa.”. Rồi thì mình sẽ không tạo ra hành vi tiêu cực hay không, là tùy theo sự lựa chọn của mình; tùy theo mức độ nghiêm túc đối với bản thân, và mức độ mà mình quan tâm đến nỗi khổ mà ta có thể trải qua trong tương lai. Có thể có trường hợp người ta không biết đâu là điều hữu ích, nên nếu thấy ai đang hành động một cách tiêu cực, chỉ vì không biết có cách nào tốt hơn để hành xử, thì ta có thể cố gắng giúp họ hiểu biết tốt hơn.
Ví dụ phổ biến nhất là trẻ con. Chúng không biết là không được làm hư đồ chơi của những đứa bé khác, hay lấy đồ chơi của chúng, ví dụ vậy, nên mình phải dạy chúng. Cách dạy dỗ của phương Tây có thể khiến cho mình gán ghép cho đứa bé nghịch ngợm đó là “con gái hư” hoặc “con trai hư”, nhưng thật ra thì chúng chỉ không biết cách để hành xử tốt hơn, nên không cần thiết phải làm cho đứa bé cảm thấy tội lỗi, đó không phải là vấn đề tội lỗi, mà chỉ là vấn đề giáo dục. Nếu như dạy đứa bé rằng nó sẽ phải gánh chịu hậu quả từ hành vi của mình, nếu có thể giúp cho đứa bé hiểu rằng khi nó cư xử một cách tồi tệ, thì những đứa trẻ khác sẽ không ưa thích nó, thì đứa bé sẽ học được điều này.
Nếu thấy người nào có hành động tiêu cực vì mê lầm, thì đó là đối tượng thích hợp với lòng bi mẫn, chứ không phải là đối tượng để mình tức giận hay trừng phạt. Hình thức mà lòng bi mẫn có thể biểu hiện có thể bao gồm việc bỏ tù người đó, nếu họ làm tổn thương người khác, nhưng hành động đó nên được thực hiện vì lòng bi mẫn, bỏ họ vô tù, để ngăn cản họ làm tổn thương, hay giết người khác, và ngăn chận việc họ sẽ tạo ra thêm vấn đề cho chính mình. Cách tiếp cận của đạo Phật là một thái độ rất khác biệt với tình trạng mất trật tự trong dân sự, so với bối cảnh tư pháp về tội lỗi và hình phạt.
Đừng Phóng Chiếu Đạo Đức Tây Phương Vào Đạo Phật
Khi tu tập đạo Phật, thì điều rất quan trọng là không phóng chiếu những tư tưởng đạo đức phương Tây của mình lên đạo Phật. Nhiều vấn đề đã phát sinh trong việc tu hành đạo Phật, vì với tư cách là người Tây phương, mình sẽ phóng chiếu ý tưởng đạo đức của phương Tây vào việc tu tập đạo Phật một cách không thích hợp. Một số người có thể cảm thấy họ phải hành thiền, để trở thành Phật tử “tốt”. Một số người Tây phương có thể cảm thấy họ nên vâng lời thầy, đây là một khái niệm khá xa lạ, theo quan điểm đạo Phật. Thật ra, chúng ta nên nghe lời khuyên của thầy, nhưng cũng nên sử dụng trí tuệ của mình. Đôi khi, thầy sẽ nói những điều thái quá, để khuyến khích mình sử dụng trí thông minh.
Có một câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật, khi Ngài còn là một đệ tử trong số rất nhiều người đang tu học với một vị thầy nào đó. Vị thầy đã bảo tất cả đệ tử vào làng để ăn cắp thứ gì cho ngài. Tất cả đệ tử đều ăn trộm một món gì đó, và mang về cho thầy, ngoại trừ hóa thân trước đó của Đức Phật, chỉ ở trong phòng của mình. Vị thầy đã vào phòng và hỏi anh: “Tại sao con không đi ăn trộm cho ta? Con không muốn làm hài lòng ta, và làm cho ta vui hay sao?", và hóa thân trước đây của Đức Phật đã nói: "Làm sao việc trộm cắp có thể làm cho ai vui vẻ?". Bài học của chuyện này là việc vâng theo lời thầy một cách mù quáng, như thể thầy là cảnh sát hay sĩ quan quân đội, không phải là cách trong nhà Phật, mà đúng hơn là vị thầy sẽ khuyên bảo và hướng dẫn. Thầy đang giúp ta học cách sử dụng trí tuệ của chính mình, để tự mình trở thành Phật. Chúng ta không nhắm vào mục tiêu trở thành người hầu hạ cho một vị Phật, mà đang nhắm vào việc trở thành một vị Phật.
Khái Niệm Tây Phương Rằng Luật Lệ Là Điều Bất Biến
Một điểm khác biệt nữa giữa đạo đức phương Tây và đạo đức nhà Phật là niềm tin ở phương Tây rằng luật pháp là điều thiêng liêng, hầu như có một đời sống riêng của nó. Người ta cảm thấy luật lệ thiêng liêng, được Thượng Đế ban cho thì không thể thay đổi. Và luật dân sự, trong khi có hiệu lực, cũng được xem là khá thiêng liêng, mặc dù chúng có thể thay đổi, bằng cách làm việc với quy trình lập pháp. Điều mà ta phải nhận ra ở đây cũng tương tự như điều mà mình thực hiện với bài thiền quán về tánh Không. Tánh Không nói về sự vắng bóng của những cách tồn tại bất khả. Nếu muốn hiểu tánh Không, thì phải nhận diện những cách tồn tại bất khả, và chứng ngộ rằng chúng không đề cập đến điều gì chân thật. Một trong những cách tồn tại bất khả chủ yếu nhất là có cái gì bên trong một vật (trong trường hợp này là luật lệ) thiết lập ra nó, hay làm cho nó tồn tại, bằng tự lực của nó, độc lập với bất cứ yếu tố nào khác. Trong bối cảnh của luật dân sự, thì tư tưởng bất khả dĩ là: “Đây là luật. Không cần biết hoàn cảnh ra sao, không cần biết tình huống cụ thể là như thế nào, hay bối cảnh là gì. Luật lệ tự nó được thiết lập, và tự đứng vững.”.
Gần đây, có một trường hợp ở Thụy Sĩ, khi đạo diễn quay phim Roman Polanski bị bắt, theo yêu cầu của chánh phủ Mỹ, để bị dẫn độ về Mỹ, vì tội lạm dụng tình dục, mà ông bị cáo buộc là đã vi phạm hơn 30 năm trước. Đây là một ví dụ điển hình về tư tưởng: “Không cần biết việc thưa kiện đã được đưa ra 30 năm về trước. Không cần biết người phụ nữ liên quan đến vụ án đã muốn bãi bỏ việc thưa kiện ông. Luật là luật. Không ai đứng trên pháp luật. Ông ta phải bị trừng trị.”. Đây là một ví dụ rất hay về ý tưởng luật lệ có đời sống riêng của nó, không phụ thuộc vào yếu tố nào khác, luật là luật, và nó phải được tuân theo. Theo quan điểm nhà Phật thì đây là niềm tin sai lầm.
Đạo Đức Nhà Phật Như Phương Châm
Đức Phật đã nêu ra những chỉ giáo liên quan đến những hành vi sẽ tạo ra nỗi khổ một cách tự nhiên, hay sẽ gây bất lợi cho việc tiến triển tâm linh. Ví dụ như chư Tăng Ni không được thọ trai sau buổi trưa, vì điều đó khiến cho tâm hôn trầm, khi hành thiền vào buổi tối. Tuy Đức Phật đã giảng dạy nhiều chỉ giáo về hành vi, nhưng giới luật nhà Phật (ví dụ như giới không sát sinh) không phải là luật lệ như điều răn được khắc trên đá. Nó không phải là chỉ giáo thiêng liêng và hoàn toàn độc lập với tình huống, bối cảnh, hay bất cứ yếu tố châm chước nào. Thay vì vậy, phương châm đạo đức trong nhà Phật là các pháp do “duyên sinh”. Chúng đã phát sinh, hay xảy ra, dựa vào nhân duyên và hoàn cảnh.
Ta có thể thấy điều này rất rõ ràng, từ sự tiến hóa của giới xuất gia. Trong những ngày đầu tiên của Tăng đoàn, thì không có giới, nhưng nhiều tình huống đã xảy ra trong Tăng đoàn, tạo ra vấn đề – một là vấn đề giữa các thành viên trong Tăng đoàn, hai là vấn đề giữa giới xuất gia và giới cư sĩ, đang bảo trợ người xuất gia, nên Đức Phật nói rằng: "Để tránh vấn đề này, thì đừng tạo ra hành vi ấy.", rồi từ đó, mới có giới nguyện. Khi nghiên cứu Vinaya (Luật tạng) thì bạn sẽ thấy đối với mỗi giới, kinh sách thường đưa ra giải thích về cách mà giới nguyện này đã được đặt ra như thế nào, hoàn cảnh khiến cho Đức Phật phải ban giới này. Tuy nhiên, với tất cả những giới này luôn có điều khoản là khi những yếu tố khác vượt qua chỉ giáo, thì người ta có thể phạm giới, để ứng phó với tình hình.
Ví dụ như Luật tạng nói rằng một nhà sư không được đụng chạm vào phụ nữ, để tránh dục vọng, nhưng nếu như người phụ nữ bị chết đuối, thì nhà sư không được đứng nhìn, mà phải cứu cô ấy. Rất rõ ràng là đôi khi sự cấp thiết sẽ vượt qua cấm đoán, và điều đó sẽ được cho phép một cách cụ thể trong Luật tạng. Trong đạo Phật thì đạo đức và phương châm là điều tương đối, đối với hoàn cảnh cụ thể. Nếu cần thiết để hành động một cách tiêu cực, và hành vi đó sẽ tạo ra đau khổ, thì ta sẽ tiến hành một cách rất có ý thức. Chúng ta ý thức rằng "Tôi sẽ chấp nhận nỗi khổ do hành động này gây ra, để làm lợi lạc cho người khác.".
Một câu chuyện khác về tiền kiếp của Đức Phật minh họa điểm này. Hóa thân trước đây của Phật Thích Ca là người lái thuyền, và chiếc thuyền chở 500 thương nhân. Có một người chèo thuyền dự định sẽ giết tất cả các thương nhân, để cướp tài sản của họ, và nhờ có thần thông, nên Đức Phật biết được điều này. Ngài biết rằng không có cách nào để ngăn chận vụ giết người này, ngoại trừ cách giết người chèo thuyền, nên ngài sẵn sàng, và có ý thức nhận lấy nghiệp quả của việc giết người chèo thuyền, để cứu 500 sinh mạng, và cũng để ngăn người này phải gánh lấy hậu quả khủng khiếp của hành vi giết hại này.
Đạo Đức Và Bồ Tát Giới
Bồ tát giới gồm có các giới trọng và giới khinh. Hầu hết các giới khinh được sắp xếp theo phạm trù của Lục độ ba la mật, còn được gọi là sáu hạnh hoàn hảo (Phạn ngữ: paramitas). (Lục độ ba la mật là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ). Bồ tát giới là cam kết không tạo tác hành vi sai lầm, có thể tạo bất lợi cho việc phát triển bồ đề tâm. Hai trong số những giới này có liên quan đến sự phát triển của giới luật. Trước tiên, phải tránh việc nhỏ nhen hay tâm hẹp hòi, khi sự việc liên quan đến phúc lợi của người khác. Thái độ nhỏ nhen có thể khiến ta nghĩ rằng: “Người này không đáng để mình giúp đỡ. Cô ấy có quá nhiều khuyết điểm, tại sao tôi phải cố gắng giúp cô ấy?”, hay: “Đã đến giờ hành thiền, nên tôi không thể giúp bạn. Theo thời khóa biểu, thì tôi nên hành thiền, và không thể xem bạn là điều ngoại lệ, nên có lẽ là lúc khác đi nhé.”. Đó là tâm nhỏ nhen.
Một ví dụ khác về thái độ nhỏ nhen là: Có thể một nhà sư ở trung tâm Phật giáo cần sự giúp đỡ, để khiêng thứ gì rất nặng, nhưng thầy không đắp y đúng cách. Thái độ nhỏ nhen là: Tôi sẽ không giúp thầy, cho đến khi thầy sửa lại y áo đàng hoàng.”. Đây là việc chấp nhặt những chuyện không quan trọng, thay vì để ý đến chuyện quan trọng nhất, trong trường hợp này là giúp thầy khiêng đồ. Trong một ví dụ khác, giả sử như một thiện nguyện viên đang thông dịch bài giảng của tôi từ tiếng Anh sang tiếng Đức, nếu như tôi bắt đầu sửa ngữ pháp, hay cách phát âm của anh ấy, thì đó là điều rất nhỏ nhen. Cách chỉ trích đó sẽ không giúp mình đạt được mục tiêu thật sự, đó là giúp cho đại chúng hiểu điều tôi nói.
Bồ tát giới thứ hai có liên quan là không được tránh việc tạo ra hành vi tiêu cực, khi lòng từ bi đòi hỏi hành động này phải được thực hiện. Nếu con tôi bị bệnh vì ký sinh trùng trong đường ruột, thì tôi có thể quyết định không cho con mình uống thuốc, để giết ký sinh trùng, bởi vì một trong thập ác trong nhà Phật là sát sinh. Tôi có thể tin rằng điều quan trọng là phải tuân theo giới luật, không có ngoại lệ. Nhưng rõ ràng là tôi nên phát tâm từ bi với đứa bé, nên đưa trẻ đi bác sĩ, và nên cho con mình uống thuốc để giết ký sinh trùng. Tất nhiên là con lãi đã từng là mẹ của tôi trong những kiếp trước, đúng là nên đối xử tử tế với nó, nhưng việc có quyết định cực đoan để không trị bệnh cho đứa bé là trở thành tên ngốc đối với giáo pháp, một kẻ cuồng tín. Rõ ràng là trong kiếp hiện tại của đứa bé, thì nó có thể mang lại lợi ích nhiều hơn cho người khác, so với con lãi trong bụng. Vậy thì ta sẽ không giết con lãi bằng lòng căm thù và sân hận (“Con lãi xấu xa!”), mà sẽ phát tâm bi với nó, cầu chúc mọi việc tốt lành cho nó, và không thấy vui, khi giết hại nó. Nhưng ngay cả như vậy, thì đôi khi, ta vẫn phải thực hiện hành vi tiêu cực, vì lòng từ bi.
Điểm Bất Lợi Khi Thiếu Linh Hoạt
Đây là vấn đề mà ta sẽ gặp phải, nếu như có ý nghĩ rằng: “Luật là luật, đạo đức nhà Phật dựa vào luật lệ, và nếu đã được viết thành văn tự, thì đó là điều thiêng liêng, và không linh hoạt.”. Chúng ta luôn được dạy phải phân tích tình hình, và xác định vấn đề thật sự. Nếu phân tích hoàn cảnh này, về việc nhất quyết tuân theo luật lệ, thì đâu là vấn đề thật sự, hay nguyên nhân sâu xa của sự cuồng tín về luật pháp? Vấn đề là việc bám chấp vào một cái "tôi" giả dối. Chúng ta có tri kiến nhị nguyên về bản thân. Có một “cái tôi” vững chắc, là người hư hỏng, và phải bị trừng phạt; rồi có một cái “tôi” khác, là người quản giáo. Ta nghĩ rằng: “Tôi phải không để cho mình làm điều đó.”, như thể có một cái “tôi” ở một bên, người sẽ ngăn chận “bản thân mình” ở bên kia, để không làm điều ngu dại. Khi có đầu óc như vậy, thì ta sẽ có niềm tin mạnh mẽ vào hai “cái tôi” vững chắc – người có tiềm năng làm tên tội phạm, và cảnh sát, và tâm tỉnh giác mà mình gởi đi để canh chừng cái “tôi” đó, giống như có một điệp viên KGB thật sự tồn tại trong tâm mình, người đang theo dõi hành vi của chính mình. Ta cũng tin rằng luật pháp tồn tại một cách vững chắc. Kết quả của niềm tin vào cái “tôi” tồn tại một cách vững chắc như một điệp viên là gì? Kết quả là mình rất cứng nhắc, và không linh hoạt.
Sự hiểu biết sai lầm này về kỷ luật có thể được củng cố, vì hiểu lầm một vài câu kệ trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior) của Tịch Thiên (Shantideva). Nếu như bạn sắp làm điều gì ngu ngốc, hay sắp nói điều gì tiêu cực (có một danh sách dài về những hành vi tiêu cực trong sách), thì tác phẩm này có nói rằng: "Hãy trơ trơ như khúc gỗ.". Ta có thể hiểu lầm điều đó có nghĩa là: “Hãy cứng ngắc như khúc gỗ, như người máy.”. Nếu xem xét tư thế cứng đơ này, thì ta có thể nghĩ rằng “Tôi sẽ không hành động; tôi sẽ không phản ứng; tôi sẽ không làm gì cả.”, thì đó không phải là cách diễn dịch đúng về lời khuyên. Giống như khúc gỗ có nghĩa là “hãy kiên quyết kềm chế hành động tiêu cực đó”, chứ không có nghĩa là "hãy cứng ngắc như khúc gỗ." Khi nghĩ về cái “tôi” sai lầm này, thì ta sẽ cứng đơ như người máy, và nghĩ rằng: “Mình phải huấn luyện cái ‘tôi’ hư hỏng này, nếu không thì mình thật tệ.”.
Phương Pháp Thiện Xảo Để Tiếp Cận Đạo Đức Nhà Phật
Vậy thì phải thư giãn, và điều quan trọng là phải thư giãn, trong khi vẫn duy trì giới luật thích hợp. Làm sao để làm việc đó? Trước hết, phải hiểu rằng chúng ta không nói về luật lệ, mà đang nói về chỉ giáo. Một chỉ giáo nói rằng nếu muốn tránh hay giảm thiểu nỗi khổ, thì không nên tạo ra hành vi này, nếu có thể làm như vậy. Đó không phải là luật lệ mà mình bắt buộc phải tuân theo, tuy không biết mục tiêu của luật là gì, dù nghĩ rằng đó là luật ngu ngốc. Nó không giống như vậy. Đạo đức nhà Phật không phải là luật ngu ngốc. Vì lòng từ bi, nên Đức Phật đã nêu ra một số vấn đề, để giúp mình không tạo ra rắc rối cho bản thân. Các chỉ giáo sinh khởi dựa vào tâm bi, phụ thuộc vào sự hiểu biết về điều gì sẽ tạo ra vấn đề, và điều gì sẽ tránh được vấn đề. Mỗi một tình huống mà mình gặp sẽ khác biệt, nên phải sử dụng trí tuệ, để quyết định cách hành động có lợi là gì, hay ngược lại, ta phải kềm chế hành động nào, trong mỗi tình huống. Sự hiểu biết này (biết phải làm gì, hay không nên làm gì), phải phát sinh một cách tự nhiên, tự phát, không theo cách nhị nguyên của cảnh sát trừng trị người có khả năng trở thành tội phạm.
Giới Luật Như Tâm Sở
Thật ra thì giới luật trong nhà Phật có nghĩa là gì? Trong bối cảnh Phật giáo, thì mỗi một sát na trong kinh nghiệm của mình được tạo ra bằng rất nhiều thành phần khác nhau. Những thành phần này có thể được sắp xếp thành năm nhóm, gọi là ngũ uẩn. Ngay bây giờ, chúng ta đang trải qua một sát na. Ngay bây giờ, vào lúc này, điều gì tạo ra kinh nghiệm của tôi? Có rất nhiều thành phần trong đó. Rõ ràng cơ thể của tôi là một phần trong kinh nghiệm của mình; các hệ thống giác quan cũng có mặt, chẳng hạn như các tế bào mắt của mình. Tôi nhận biết các đối tượng, bằng cách sử dụng một vài loại ý thức khác nhau, chẳng hạn như thị giác và thính giác. Có những cảm xúc khác nhau liên quan trong đó, những loại tâm sở khác nhau như tập trung, chú ý và thích thú. Vì vậy, tất cả những hiện tượng này tạo nên mỗi sát na trong kinh nghiệm của mình, có thể được sắp xếp thành năm nhóm, gọi là “ngũ uẩn”. Điều được phân phối giữa các uẩn này là cái gọi là “tâm sở”. Giới luật là một tâm sở.
Trước hết, tâm sở là gì? Phải phân biệt tâm sở với cái gọi là “tâm vương”. Trong mỗi sát na, chúng ta đang tiếp nhận và xử lý thông tin. Thông tin đó sẽ đi vào não, dưới dạng các xung điện và hóa học. Tâm vương là điều có khả năng biết loại thông tin nào đang đi vào não. Tâm vương sẽ ý thức rằng một phần thông tin cụ thể là thông tin hình ảnh, ví dụ vậy, hay đó là thông tin âm thanh, hoặc là một cảm giác thể chất như nóng hay lạnh. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với hiện tượng “biết” đang xảy ra này - nếu như không có tâm vương, thì chỉ có những xung điện thô sơ, mà không có sự diễn dịch nào.
Các tâm sở đi kèm với tâm vương. Chúng giúp cho ý thức đó xử lý các thông tin đi vào. Các tâm sở có thể bao gồm sự chú ý, thích thú hay vui vẻ, hoặc không hài lòng về thông tin ấy. Các tâm sở có thể là một cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Có nhiều tâm sở, và hàng loạt các tâm sở sẽ đồng hành với mỗi sát na trong kinh nghiệm của mình. Giới luật là một trong những tâm sở này.
Giới là một thể loại nhỏ hơn của tâm sở, gọi là “tư” (sự thôi thúc trong tinh thần). Tư là nguyên nhân khiến cho tâm hành của mình đi theo hướng của điều gì cụ thể, là nguyên nhân khiến cho mình làm điều gì đó. Tư có thể là một sự thôi thúc, khiến cho mình gãi đầu; có thể là sự thôi thúc để nói điều gì; hoặc có thể là sự thôi thúc để không nói điều gì đó, kềm chế để không nói điều gì; hay có thể là sự thôi thúc muốn đi đến tủ lạnh.
Sự thôi thúc để đi đến tủ lạnh là một sự thôi thúc trong tinh thần, có thể đi kèm với việc xem truyền hình. Trong khi xem truyền hình, thì có nhiều hình ảnh truyền đến não, qua cơ thể (tế bào cảm quang của mắt) và nhãn thức (thị giác), nhưng cũng có nhu cầu đi đến tủ lạnh. Xung động muốn đứng dậy đang đi kèm với kinh nghiệm xem truyền hình, nên ta có thể hành động theo sự thôi thúc đó, hay không làm như vậy. Khi ý muốn đi đến tủ lạnh phát sinh, thì ta có thể giữ kỷ luật, để không làm điều đó, dựa vào quyết định “Không, tôi sẽ không đi đến tủ lạnh, dù muốn làm như vậy. Tôi muốn mở tủ lạnh và lấy một miếng bánh, nhưng sẽ không làm như vậy, vì đang ăn kiêng.”.
Bây giờ, chúng ta có thể xem xét định nghĩa của giới luật. Giới luật là sự thôi thúc trong tinh thần để bảo vệ hành vi của thân, khẩu, ý của một người. “Bảo vệ” có nghĩa là đề phòng để không làm điều gì; ý muốn bảo vệ xuất phát từ việc một người đã chối từ mọi ý muốn làm hại người khác. Vì không muốn làm tổn thương người khác, nên tôi sẽ bảo vệ hành vi của mình, sẽ không hành động một cách tiêu cực. Đó là sự thôi thúc để nói rằng: “Không, tôi sẽ không làm điều đó. Tôi sẽ không đánh con gái của mình, vì nó đã làm đổ ly nước trái cây. Tôi sẽ không la mắng nó, vì nó đã làm sai.". Sự thôi thúc này cũng có thể xuất phát từ việc đã phát tâm buông bỏ những tâm sở phiền não, đã thúc đẩy họ làm hại người khác trong quá khứ. Ta có thể có nhu cầu kềm chế, để không hành động vì tức giận. Dựa vào việc cố gắng khắc phục cơn giận, tôi có sự thôi thúc của kỷ luật bản thân, điều này sẽ giúp tôi kềm chế, và không hành động vì tức giận.
Giới luật không chỉ đơn giản là sự thôi thúc phát sinh trong thời điểm này (ví dụ như vào lúc muốn la mắng con gái của mình, thì tôi sẽ ngưng lại), mà là hình thức chung của nguyên tắc này, có mặt trong dòng tâm thức của mình, như sự hướng dẫn chung: “Tôi sẽ kềm chế một loại hành vi nào đó. Tôi sẽ sử dụng chánh niệm, giống như chất keo tinh thần, để không la hét, và sẽ sử dụng tâm tỉnh giác, để quan sát bản thân, nếu như mình đi lệch hướng.".
Ngoài việc kềm chế hành vi tiêu cực, có thể làm hại người khác, còn có nhiều đề mục phụ về giới luật, nên nói một cách tổng quát hơn, thì kỷ luật có nghĩa là kềm chế hành vi tiêu cực, có thể làm hại bản thân, không chỉ cho người khác, và không tránh né hành vi tích cực. Nói cách khác là tôi có kỷ luật để làm những điều tích cực như hành thiền, học hỏi, hay hành trì những pháp tu khác nhau, và còn có giới luật để giúp đỡ người khác.
Vậy thì có ba loại giới luật: kềm chế ác nghiệp, tạo tác thiện nghiệp, và giúp đỡ tha nhân. Giới là tâm sở đang hướng tâm về một chiều hướng nhất định, nhằm bảo vệ hành vi của mình về mặt không tạo ác nghiệp, chỉ tạo thiện nghiệp, và giúp đỡ tha nhân. Giới bảo vệ hành vi của mình, trông chừng nó một cách cẩn thận.
Tâm Sở “Bất Phóng Dật”
Một tâm sở khác đi kèm với kỷ luật tự giác được gọi là “bất phóng dật”. Bất phóng dật được định nghĩa là một tâm sở xem xét hoàn cảnh của tha nhân và tự thân một cách nghiêm túc, nên bất phóng dật khiến cho người ta hình thành tập khí có thái độ tích cực và hành vi hữu ích, chống lại thái độ tiêu cực và hành vi có hại. Bất phóng dật đôi khi có thể được dịch là "hãy cẩn thận." Ví dụ như tôi có thái độ nghiêm túc là nếu tôi la mắng bạn, thì sẽ làm cho bạn không vui. Ngoài việc bạn cảm thấy tồi tệ, nếu tôi la mắng bạn, thì tôi cũng cảm thấy rất khó chịu. Sau đó, có thể tôi không ngủ được, nên sẽ khổ. Liệu ta có coi trọng điều này không? Bất phóng dật sẽ giúp tôi xem xét hậu quả từ hành vi của mình đối với người khác, và đối với bản thân. Nó giúp tôi hình thành một số hành vi tích cực, và tránh những hành vi tiêu cực.
Bất phóng dật là điều cần thiết, để có giới luật. Nó giúp mình có thái độ nghiêm túc, rằng nếu tôi tạo ác nghiệp, thì sẽ tạo ra vấn đề, hoặc nếu không giúp đỡ người khác, thì cũng sẽ tạo ra vấn đề. Ví dụ, hãy tưởng tượng là tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang gặp khó khăn, khi đẩy chiếc xe của em bé lên cầu thang, thì tâm bất phóng dật sẽ khiến tôi nghĩ rằng: “Nếu mình không giúp cô ấy bế con và khiêng chiếc xe lên cầu thang, thì mình ích kỷ. Nếu tôi là người đi chung với đứa bé, thì chắc chắn tôi cũng muốn người khác giúp đỡ mình.”.
Với giới luật thì tôi luôn muốn đi theo chiều hướng hữu ích. Vậy thì tôi sẽ luôn giữ kỷ luật, vì có tâm bất phóng dật này. Tôi đang sử dụng chánh niệm, để gắn bó với kỷ luật. Tôi đang sử dụng tâm tỉnh giác, để biết được, khi có sự lệch hướng nào, và sẽ sử dụng trí tuệ, để xác định đâu là điều thích hợp, đâu là điều không thích hợp, và điều gì phù hợp với hoàn cảnh, chứ không tuân theo luật lệ một cách mù quáng. Hãy làm như vậy mà không cứng nhắc, bởi vì không có cảm giác nhị nguyên về cái “tôi” có khả năng là tội phạm ở một mặt, và mặt khác là cái “tôi” làm cảnh sát, người luôn phải canh chừng người có khả năng là tội phạm.
Khi nói về “tôi” theo quan điểm đạo Phật, thì có cái gọi là “cái tôi quy ước”. Vì vậy, chúng ta có thể gọi mỗi sát na đó là “tôi” - Tôi đang làm điều này, tôi đang làm điều kia, và “tôi” không chỉ là từ ngữ hay khái niệm, mà đề cập đến điều gì đó. Nó không phải là một thực thể độc lập, đang ngồi ở đâu đó, bên trong chúng ta. Nếu bạn tách rời thân thể hay bộ não, thì không thể tìm thấy “tôi”. Chúng ta có tất cả các chức năng như thân, tâm và cảm xúc đang hoạt động, nên có thể phân biệt giữa “tôi” và “người khác”. Với tâm bất phóng dật, ta sẽ quan tâm đến ảnh hưởng mà hành vi của mình sẽ tạo ra với cái “tôi” quy ước. Nếu không có ý thức nào về cái “tôi” quy ước, hay nhận thức nào về cái “tôi” quy ước, thì ta sẽ không quan tâm đến bất cứ điều gì. Tôi sẽ không quan tâm đến giác ngộ, không quan tâm đến việc ra khỏi giường vào buổi sáng. Vậy thì không thể phủ nhận cái “tôi” quy ước này. Tuy nhiên, khi xem mình như một cái “tôi” vững chắc, thì ta sẽ có thuyết nhị nguyên: người có khả năng là tù nhân, và cảnh sát phải canh giữ tù nhân; ta sẽ trở nên rất cứng nhắc, rất thiếu linh hoạt, và điều đó sẽ tạo ra vấn đề.
Việc muốn phân biệt giữa cái “tôi” quy ước có tồn tại, và cái “tôi” bất khả, giả dối, không hề tồn tại, là điều khá khó khăn. Nó đòi hỏi việc khảo sát và tỉnh giác, nhưng khi là người đạo đức, và có giới luật, nếu trong quá trình này, mà mình rất cứng nhắc, thiếu uyển chuyển và không tự tại, nói cách khác là không thoải mái, thì có lẽ mình đang áp dụng kỷ luật, khi đang nghĩ về một cái “tôi” bất khả, cái “tôi” vững chắc. Nếu như thư giãn hơn, thì có lẽ mình đang áp dụng giới luật một cách lành mạnh hơn. "Thư giãn" không có nghĩa là cẩu thả, mà có nghĩa là linh hoạt hơn và thoải mái hơn về mặt giới luật. Nếu có thể hành động theo cách phù hợp với mỗi hoàn cảnh, cân nhắc điều gì có lợi cho người khác, điều gì có lợi hay có hại cho bản thân, thì rất có thể mình đang áp dụng giới luật theo tôn ý của giáo pháp về các ba la mật.
Lục Độ Ba La Mật
Các ba la mật, hay paramitas về trì giới, nhẫn nhục, bố thí, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, sẽ trở thành ba la mật, khi được thực hành với động lực bồ đề tâm. (Cũng có ba la mật trong Tiểu thừa. Tiểu thừa có nghĩa là tu tập với quyết tâm để được tự do, tu tập với tâm xả ly. Đại thừa là khi tu tập với bồ đề tâm, nên paramitas, hay các ba la mật, tồn tại trong cả Tiểu thừa và Đại thừa.). Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, nếu bạn tu tập Lục độ ba la mật, sáu hạnh hoàn hảo, thì lời khuyên luôn luôn là đối với mỗi một ba la mật, hãy thực hành năm ba la mật kia trong cùng một lúc. Vì vậy, với ba la mật trì giới, thì phải có trí tuệ ba la mật về cái “tôi” và “bạn” liên quan trong đó, giới luật và nhận thức về cách mà tất cả những yếu tố này tồn tại như thế nào là điều rất quan trọng.
Tóm Tắt
Đây là khai thị cơ bản về giới luật của đạo Phật. Đó là pháp tu rất trọng yếu. Giới luật được hành trì và phát triển, để thành tựu giải thoát và giác ngộ, không chỉ để trở thành một công dân tốt, hay người tốt. Nó không dựa trên việc tuân theo luật lệ, luật pháp do oai lực thiêng liêng, hay chánh phủ ban hành. Không có khái niệm làm người tốt hay người xấu, không có tội lỗi, cũng không có phần thưởng hay hình phạt. Giới luật là tâm sở bao gồm một trong ba hoạt động: (1) không tạo ác nghiệp (với tha nhân và tự thân); (2) tạo thiện nghiệp (chẳng hạn như hành thiền); hay (3) giúp đỡ người khác, bằng bất cứ cách nào. Đó là sự thôi thúc trong tâm, dẫn dắt hành vi của mình theo một chiều hướng cụ thể. Ta sẽ dựa vào giới luật, để đề phòng cách hành xử tiêu cực, để tránh những hành động không có tính xây dựng, và không giúp đỡ người khác. Tâm sở của giới luật này đi kèm với tâm bất phóng dật, chánh niệm, tỉnh giác và trí tuệ.
Câu Hỏi
Nếu biết phương pháp để phát triển những trạng thái này, thì chúng ta có phải áp dụng phương pháp này mãi mãi hay không, hay đến một lúc nào đó, có thể duy trì những tâm trạng này, mà không cần nỗ lực, không cần bất cứ phương pháp nào?
Đúng, cuối cùng thì nó sẽ phát sinh một cách tự nhiên. Quy trình của tất cả những điều tích cực mà ta cố gắng phát triển trong việc tu tập trong nhà Phật là (1) trước tiên, mình sẽ lắng nghe giáo pháp (văn), nên sẽ tu tập dựa vào việc nghe thuyết Pháp. Nhưng sau đó, phải (2) tư duy về nó (tư), cho đến khi thấu hiểu, và tin chắc rằng nó đúng. Nếu bạn chỉ nghe nói về giới luật, thì có thể không áp dụng nó. Nhưng sau khi lắng nghe và tư duy về nó, thì phải (3) thực hành trên cơ sở thiền định (tu), nghĩa là thật sự làm cho giới luật sinh khởi, nhờ các nguyên nhân, quy trình và phương pháp. Vậy thì nhờ cách sử dụng chánh niệm, tỉnh giác và nhiều phương pháp khác, ta sẽ phát triển tâm bất phóng dật, hỗ trợ giới luật. Có nhiều phương pháp giúp mình phát triển giới luật. Các phương pháp gồm có: ở gần đạo sư, hoặc luôn chánh niệm về thầy; sống trong một cộng đồng thích hợp, để hỗ trợ sự phát triển của mình, và có những người xung quanh cũng đang tu tập như mình. Điều này được gọi là sự phát triển có dụng công, phải phát triển bản thân bằng cách dụng công, tu tập và nỗ lực. Cuối cùng thì việc tu hành sẽ trở nên bất dụng công; có nghĩa là không cần phải trải qua một số quá trình để nhắc nhở bản thân về mục tiêu của mình, mà nó sẽ xảy ra một cách tự nhiên.
Trong bồ tát giới (cụ thể là trong các giới khinh) có một danh sách về chín điều phải tránh, đó là những hành vi có thể làm hại sự phát triển về giới luật. Tôi đã đề cập đến một vài điều trong số này; ví dụ như nhỏ nhen, khi vấn đề liên quan đến phúc lợi của tha nhân. Phải nhắc nhở bản thân về những điều này. Phải nhắc nhở bản thân thực hiện điều này, vì muốn tránh kết quả tiêu cực, làm hại sự phát triển của mình. Khi giới luật trở nên bất dụng công, thì không có nghĩa là mình sẽ bỏ mặc bồ tát giới, không có nghĩa là không cần chúng nữa. Nó chỉ có nghĩa là không cần phải nhắc nhở bản thân, bởi vì ta sẽ tự động ghi nhớ giới nguyện, nó luôn luôn hiện diện, và không chỉ là "Tôi nhớ nó", như là "Tôi nhớ từ ngữ" hay "Tôi có thể tụng thuộc lòng", mà đúng hơn là giới luật sẽ được kết hợp vào hành vi của mình, mà không bị ép buộc. Lúc đầu, ta sẽ cảm thấy có nhiều hành trì trong những pháp tu này có vẻ rất giả tạo. Chỉ nhờ việc quen thuộc lặp đi lặp lại, thì chúng mới trở nên tự nhiên và hội nhập với mình. Nếu sử dụng thuật ngữ một cách lỏng lẻo, thì đó là sự khác biệt giữa sự hiểu biết bằng khái niệm và vô niệm. (Đó không phải là cách sử dụng đúng về mặt kỹ thuật của những từ khái niệm và vô niệm, nhưng ở phương Tây, chúng ta có xu hướng sử dụng những chữ này một cách lỏng lẻo như vậy.). Nói cách khác thì lúc đầu, ta có một sự hiểu biết bằng khái niệm về giới luật, nhưng cuối cùng thì sẽ đạt được chứng ngộ vô niệm về nó, và kỷ luật tự giác sẽ được kết hợp vào hành vi của mình một cách tự nhiên và tự phát.