Tái Khẳng Định Quy Y Và Bồ Đề Tâm

Dẫn Nhập

Để phác thảo pháp tu thứ ba trong số sáu pháp tu dự bị này, thì sách vở nói rằng trước tiên là lễ lạy, rồi ngồi xuống và làm cho tâm sáng suốt, bằng cách tập trung vào hơi thở, và rồi mới khẳng định lại động lực quy y (phương hướng an toàn) và bồ đề tâm. Nhưng từ kinh nghiệm của bản thân thì tôi thấy rằng trước buổi thuyết Pháp hay trước thời thiền, khi mọi người chỉ lễ lạy mà không làm điều gì trước đó, rồi ngồi xuống, thì việc lễ lạy sẽ khá máy móc. Bởi vì sách vở nói rằng hãy ngồi xuống trước, rồi chú tâm vào hơi thở, rồi mới đến quy y và bồ đề tâm, thì tôi nghĩ rằng điều này cho thấy bạn cũng cần phải khẳng định lại động lực của mình, trước khi lễ lạy vào lúc đầu; nếu không thì bạn sẽ không có động lực.

Toàn bộ mục tiêu của việc chú tâm vào hơi thở là đưa tâm vào trạng thái trung lập - điều được gọi là không xác định (nó không được Đức Phật xác định là tích cực hay tiêu cực) - và trên cơ sở đó thì bạn có thể tạo ra tâm trạng tích cực. Nếu bạn chỉ cố tạo ra một tâm trạng tích cực, dựa trên cơ sở khởi đầu với tâm trạng rối bời vì công việc bận rộn trong ngày, hay bị kẹt xe trên đường đi đến đây, v.v..., thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy nên trước tiên là trạng thái trung lập, được tạo ra bằng việc chỉ chú tâm vào hơi thở, rồi đến động lực tích cực. Do đó, theo cách mà tôi dạy thì tôi đã bổ sung thêm bước sơ khởi hay dự bị này vào việc chú tâm vào hơi thở và phát khởi động lực, trước khi lễ lạy lúc đầu và ngồi xuống. Dĩ nhiên là người ta có thể lặp lại nó theo đúng thứ tự. Tôi nghĩ rằng không có sai lầm gì trong việc thực hiện điều này hai lần.

Điều nên tránh là làm cho việc tu hành trở thành máy móc, và đó là điều rất, rất là dễ xảy ra, một hình thức tu hành máy móc, có rất ít cảm giác. Bạn chỉ vội vàng hành trì cho xong, vì cảm thấy bắt buộc phải tu tập, vì lý do nào đó, và cảm thấy tội lỗi, nếu như không hành trì, hay nó trở thành một thói quen mạnh mẽ, giống như việc đánh răng, và bạn sẽ không nghĩ đến việc không làm điều đó, nhưng lại không có cảm giác gì cả. Một khi việc tu tập trở nên máy móc, và bạn đã tạo ra thói quen hành trì một cách máy móc, thì rất khó để bỏ thói quen đó.

Nếu như bạn chỉ mới bắt đầu tu tập, thì hãy cố gắng cẩn thận, để không tạo ra thói quen tu hành một cách máy móc, mà không có cảm giác gì đối với việc này, bởi vì rất dễ tạo ra thói quen này. Tại sao? Vì đời sống của mình rất bận rộn. Chúng ta không có nhiều thời gian. Bạn phải chuẩn bị vào buổi sáng để đi làm, hoặc chăm sóc con cái. Bạn muốn thực hành cho xong pháp tu, và tuy có ý định rất mạnh mẽ là bạn sẽ luôn luôn hành trì mỗi ngày, thì xu hướng là bạn muốn tu tập cho mau, để kết thúc thời khóa công phu càng nhanh càng tốt, bởi vì bạn phải làm rất nhiều việc khác trong ngày. Đây là thực tế mà mình phải đối phó. Đây là lý do tại sao việc phát khởi động lực, tác ý, cảm giác, v.v., ngay lập tức là điều rất quan trọng, dù cho điều đó chỉ có thể xảy ra sau rất nhiều sự quen thuộc và hành thiền. Tuy đã khẳng định lại động lực, nhưng động lực của mình phải có mặt ở đó trong mọi lúc, ở mức độ gần như vô thức. Vậy thì trước khi lễ lạy và ngồi xuống, hãy quán tưởng một đối tượng quy y trước mặt mình, rồi thì ta sẽ quy y và tái khẳng định động lực bồ đề tâm. 

Phương Hướng An Toàn (Quy Y)

Dù đây không phải là dịp để giải thích nhiều về quy y và bồ đề tâm, nhưng không nên xem thường những điều này. Tôi thích dùng chữ phương hướng an toàn hơn là quy y, bởi vì nó tích cực hơn một chút. Quy y (refuge) là một chữ khá thụ động, ít nhất là bằng tiếng Anh. Nó không phải là mình chỉ thụ động, và “Xin Phật, Pháp, Tăng cứu con!”, mà đúng hơn là tự bảo vệ bản thân mình, bằng cách noi theo phương hướng của Phật, Pháp và Tăng, Tam Bảo, phương hướng mà các ngài đã nêu ra.

Có nhiều cấp độ khác nhau của Tam Bảo quý hiếm này (dkon-mchog gsum). Đây là cách mà người Tây Tạng dịch chữ ngọc quý - hiếm (dkon) và tối thượng (mchog). Nên đó là ý nghĩa của Pháp Bảo. Nói một cách rất đơn giản thì cấp độ sâu sắc nhất của Pháp Bảo, là diệu đế thứ ba và thứ tư. Điều này nói về sự chân diệt của nỗi khổ và nhân tạo khổ. Và khi nói về chân đạo, thì nó không phải là điều mà bạn bước đi trên đó; mà là một tâm trạng - một sự hiểu biết, nhận thức sâu sắc - sẽ vận hành như một đạo lộ đưa mình đến mục tiêu. Vậy thì chúng ta đang nói về sự hiểu biết sẽ mang lại những chân diệt và mức độ hiểu biết hay tâm thức, là mức độ thành quả, một khi các chân diệt đã được thành tựu.

Thật ra, đây là điều khó khăn và sâu sắc về Tam Bảo, mà mình phải hiểu, và tin chắc rằng một sự chân diệt của các vấn đề và nhân tạo ra chúng là điều khả dĩ - ý tôi là, hiển nhiên là mình phải hiểu về nhân quả - rằng bản tánh cơ bản của tâm thì thanh tịnh, theo nghĩa là có thể thành tựu được sự chân diệt này. Có nhiều cấp độ khác nhau mà chúng ta có thể tiếp cận, để cố gắng hiểu điều này:

  • Trong bài Tán Thán Mười Bảy Học Giả Na Lan Đà (Praise to the Seventeen Nalanda Pandits), Đức Dalai Lama có nói rằng nếu như bạn hiểu nhị đế – chân lý tối hậu và chân lý quy ước của vạn pháp - thì bạn có thể hiểu được tứ diệu đế, và nếu như hiểu tứ diệu đế, thì bạn có thể hiểu Tam Bảo. [Xem: Chủ Nghĩa Hiện Thực: Cơ Sở Cho Đường Tu Nhà Phật, Và Mục Tiêu Của Đường Tu]
  • Một cách tiếp cận khác là trong Tánh Bất Khả Phân Giữa Đức Quán Thế Âm Và Đạo Sư Tâm Linh (The Inseparability of Avalokiteshvara and the Spiritual Master), thì sự hiểu biết về bốn thân Phật sẽ cho mình cảm giác vững chắc hơn về pháp quy y này, phương hướng an toàn này.
  • Hay là chúng ta có thể tiếp cận điều này, bằng việc có niềm tin xác tín về khả năng của chân diệt và chân đạo, từ quan điểm của Đại Thủ Ấn (Mahamudra) hay Đại Viên Mãn (Dzogchen), bản tánh tự nhiên thanh tịnh của tâm.

Vấn đề là nếu như đang noi theo phương hướng này, thì mình phải tin chắc rằng có thể đi theo phương hướng đó, và không chỉ là “Tôi có thể noi theo và cố đoạn trừ đau khổ, v.v..., nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu” (có rất nhiều người nói như vậy). Nhưng để có được nó một cách vững chắc, thì ta phải vững tin rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ, là một chân diệt.

Ngay từ đầu thì hầu hết chúng ta đều giả định rằng đó là sự thật - thậm chí khi bạn nghĩ về nó, nhưng tốt nhất là bạn bắt đầu với sự giả định rằng nó là sự thật, hy vọng là nó đúng – rồi tu tập theo chiều hướng đó. Nhưng nếu như pháp quy y này là điều chân thành trong lòng, thì nó sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong đời sống của mình. Không chỉ là mình đang tu tập để cải thiện bản thân, đó là một sự thay đổi đủ lớn rồi, mà còn vững tin là mình có thể đạt được giải thoát và giác ngộ. Vậy thì tại sao phải đau khổ? Như người ta nói: Nếu như bạn ở trong một ngôi nhà đang cháy, và biết rằng có thể thoát ra khỏi đó, thì tại sao bạn lại không cố gắng làm như vậy?

Chư Phật là những người đã đạt được các chân diệt và chân đạo viên mãn, và đã nêu ra cách để thực hiện điều đó. Tăng đề cập đến Thánh Tăng (Arya Sangha), những người đã đạt được một số chân diệt và chân đạo, nhưng chưa viên mãn. Vậy thì chắc chắn là mình không nói về cách sử dụng chữ Tăng thân của phương Tây, để chỉ những người đến trung tâm Phật giáo. Nó cũng không chỉ là mức độ thông thường, đó là cộng đồng tăng chúng. Đó là một sự đại diện của Thánh Tăng, nhưng phương hướng thì được chư Thánh Tăng nêu ra.

Quán Tưởng Tam Bảo

Đối với pháp quy y thì phải quán tưởng điều gì trước mặt mình, đại diện cho phương hướng mà mình muốn noi theo. Đây có thể là một pháp quán tưởng cực kỳ sâu rộng, nhưng cũng có truyền thống được gọi là truyền thống “Toàn Thể Tam Bảo”, trong đó thì bạn chỉ quán tưởng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người mà bạn xem là bất khả phân với bổn sư của mình. Ngài an tọa trên một ngai vàng, trên một hoa sen, mặt trăng và mặt trời, đại diện cho tâm xả ly, bồ đề tâm và trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Thân Phật đại diện cho Tăng, lời của Phật là Pháp, và tâm là Phật.

Tôi phải nhấn mạnh rằng đừng quá lo lắng về pháp quán tưởng. Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc quán tưởng. Đó không phải là điểm chính. Điểm chính là chỉ cần có một số đối tượng chính, đại diện cho những gì mình đang hướng về. Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) giải thích rất hay về cách luyện tập pháp quán tưởng. Ngài nói rằng: Chỉ cần có điều gì chung chung, điều gì mơ hồ, và khi định tâm của mình cải thiện, thì sự chú tâm và chi tiết sẽ tự động xảy ra (hiển nhiên là bạn phải biết nó nhìn ra sao, để cho điều này xảy ra). Vậy thì hãy cố tránh cạm bẫy của việc bị lôi cuốn vào các chi tiết của pháp quán tưởng, rồi bị choáng ngợp và nản lòng, vì bạn không thể quán tưởng chúng.

Bồ Đề Tâm

Sau khi đã khẳng định lại tâm quy y, thì hãy khẳng định lại động lực bồ đề tâm. Có hai khía cạnh tạo ra một động lực, điều được dịch là động lực. Thật ra động lực (kun-slong) trong tiếng Tây Tạng là “điều gì khiến cho bạn vươn lên và hướng đến một mục tiêu.”. Vậy thì có hai phần: Một là mục tiêu, hai là cảm xúc sẽ thúc đẩy mình đạt được mục tiêu đó. Động lực có hai khía cạnh này.

Ở đây, mục tiêu không chỉ là quy y cho đến khi thành tựu giải thoát, bởi vì mục tiêu của quy y là ba điểm, một là:

  • Giải thoát, có nghĩa là trở thành một vị A la hán, như một vị shravaka (Thanh văn) - một người nghe thuyết Pháp, khi giáo pháp của chư Phật hiện hữu ở đây.
  • Giải thoát như một vị pratyekabuddha (Duyên giác) - trong thời kiếp đen tối, khi chư Phật không có mặt ở đây, và bạn phải dựa vào bản năng của mình.
  • Hay như một vị Bồ tát – hướng đến giác ngộ, không chỉ giải thoát.

Quy y là để nhắm vào ba mục tiêu khả thi này.

Theo quan điểm của Đại thừa thì mình đang hướng về giác ngộ; nhưng dù sao đi nữa thì phải đạt được giải thoát, để thành tựu giác ngộ. Vậy thì đừng nghĩ rằng mục tiêu của hàng Thanh văn không có liên hệ gì đến mình. Bạn có thể nhắm vào mục tiêu của hàng Thanh văn, với động lực Đại thừa của lòng từ bi, v.v., nhưng cũng phải đạt được mục tiêu đó. Và có thể sẽ mất rất nhiều thời gian - ba vô lượng a tăng kỳ kiếp – cho việc tích lũy công đức, để đạt giác ngộ, nên có lẽ mình sẽ phải tu hành trong thời kiếp đen tối, khi giáo pháp không có mặt, và phải có bản năng mạnh mẽ, để có thể tu tập như một vị Duyên giác. Vậy thì không phải là điều này không có liên quan gì đến mình.

Tôi nghĩ điều rất quan trọng là không có thái độ kiêu căng này: “Ồ, tôi muốn trở thành Bồ tát. Tôi muốn đạt được giác ngộ. Còn những chúng sinh thấp hơn này, hàng Thanh văn và Duyên giác thì không những là không đáng được tôn trọng, mà còn không liên hệ gì cả.”. Họ không có liên hệ gì hết, đặc biệt là hàng Duyên giác - đây là chư vị mà người ta thường thờ ơ nhất. Nhưng nếu như bạn nghĩ về điều này, thì thật ra, khi nói về thời gian cần thiết để đạt giác ngộ, thì chắc chắn chúng ta sẽ có mặt trong những thời kiếp đen tối. Bây giờ thì bạn có thể nói, “Chư Phật thuyết Pháp trong vô lượng vũ trụ, v.v... Vậy thì khi thời kiếp đen tối xảy ra ở đây, thì một vị Phật sẽ thuyết Pháp ở một nơi khác, và mình có thể được tái sinh ở nơi đó.”, nhưng dù sao đi nữa thì bạn cũng không bao giờ biết chắc được. Bạn chẳng bao giờ biết mình sẽ tái sinh ở đâu. “Ngay cả khi chư Phật không có mặt ở đây, khi giáo pháp không tồn tại ở đây, thì nguyện cho bản năng của con sẽ mạnh mẽ đến mức mà bằng cách nào đi nữa thì con cũng sẽ đi theo phương hướng này.”.

Tôi nghĩ những người đã sống trong các chế độ chống đối tôn giáo toàn trị mạnh nhất, sẽ có một chút ý niệm về mối liên hệ của những điều tôi vừa giải thích.

Bây giờ, với bồ đề tâm thì mục tiêu là giác ngộ. Và một lần nữa thì vị Phật mà ta quán tưởng trước mặt mình thì bất khả phân với vị thầy, đại diện cho giác ngộ, đó là mục tiêu. Và cảm xúc đang thúc đẩy ta hướng về điều đó là lòng từ, lòng bi và quyết tâm phi thường này, mà mình sẽ gánh lấy trách nhiệm không chỉ giúp đỡ người khác trong đời sống thăng trầm, mà còn đưa họ đến giải thoát và giác ngộ. Đó là lý do tại sao tôi luôn nhấn mạnh điều đó, khi nói về động lực. Đó không chỉ là việc thường giúp đỡ khi người ta đói khát, vân vân, mà còn giúp họ vượt qua nền tảng của nỗi khổ vì đau khổ, và khổ vì thay đổi (loại hạnh phúc thông thường), cụ thể là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (tái sinh bất tự chủ). Vậy thì hãy gánh lấy trọn vẹn trách nhiệm, để giúp đỡ họ suốt cả con đường, để vượt qua điều đó. Đó là quyết tâm phi thường.

Tuy nhiên, mình không nhắm đến việc đạt được giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay giác ngộ nói chung, mà là giác ngộ của riêng mình, mà ta đang hướng đến, để thành tựu. Tuy nhiên, sự giác ngộ này chưa xảy ra, nhưng nó có thể xảy ra, trên cơ sở của tánh thanh tịnh tự nhiên của tâm thức, tánh Không của tâm - rằng có thể đạt được sự chân diệt của khổ và nhân tạo khổ - và cái gọi là hai bồ tư lương của công đức và trí tuệ. Nếu như mình vững tin rằng có thể đạt được mục tiêu, về mặt tánh thanh tịnh tự nhiên của tâm thức, và vân vân, thì các yếu tố Phật tánh sẽ là  nguyên nhân liên quan đến điều đó. Suy cho cùng thì một nhân chỉ có thể là nhân liên quan đến khả năng của việc có một quả.

Thật ra thì càng nghĩ sâu hơn, ngoài khía cạnh cảm giác của lòng từ bi, v.v..., thì bồ đề tâm đòi hỏi một sự hiểu biết to lớn - dựa vào việc quy y chân diệt và chân đạo, dẫn đến điều khả dĩ, là thấu hiểu nhân quả, và tánh Không của nhân quả, về cách mà những yếu tố trong dòng tâm thức của tôi có thể đóng vai trò như nhân tạo ra điều này. Điều này trở thành một chủ đề rất sâu sắc, thâm sâu, mà rất tiếc là mình không có thời gian để nói đến. Nhưng khi nói về bồ đề tâm, bồ đề tâm quy ước và bồ đề tâm tối hậu, thì bồ đề tâm tối hậu là trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Thật ra thì đó là điều rất quan trọng để có được, để bồ đề tâm quy ước nhắm đến giác ngộ cá nhân của mình trở nên vững chắc.

Hiện giờ, vị bổn sư (guru) và Đức Phật ở trước mặt mình thì bất khả phân, đại diện cho mục tiêu của những điều mà mình đang phấn đấu để thành tựu. Điều này rất thú vị. Gampopa có sự nhận xét này: “Khi chứng ngộ tánh bất khả phân giữa tâm mình và tâm của vị bổn sư và Đức Phật, thì tôi đã lãnh hội Đại Thủ Ấn.”.

Sau khi khẳng định lại quy y và bồ đề tâm, rồi thì theo chỉ giáo của Serkong Rinpoche, chúng ta có thể thực hành một trong những điều sau đây:

  • Ta có thể tưởng tượng là một bản sao của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hòa tan vào trong thân mình.
  • Ta sẽ chuyển hóa thành một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có mẫu tự HUM ở trong tim. 
  • Thân ta sẽ tỏa ra nhiều tia sáng, và điều này tịnh hóa, chuyển hóa và đưa tất cả chúng sinh đến Phật quả, và họ đều chuyển hóa thành Đức Thích Ca Mâu Ni (nên mình tưởng tượng tất cả chúng sinh trong sắc tướng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).

Rồi thì ta sẽ nhận thức và hiểu rằng đây chỉ là một sự quán tưởng, vì chúng sinh chưa giác ngộ (và mình cũng vậy). Vậy thì tại sao họ chưa giác ngộ? Bởi vì trước hết là họ không có tâm xả (tâm bình đẳng). Nên điều này sẽ dẫn đến bài thiền quán về tứ vô lượng tâm, theo tiến trình hợp lý:

1. Xả vô lượng - “Nếu như chúng sinh có được tâm xả thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Nguyện cho chúng sinh có tâm xả. Chắc chắn con sẽ đem tâm xả đến cho chúng sinh. Hỡi chư Phật, xin ban nguồn cảm hứng cho con, để thực hiện điều này.”.

2. Từ vô lượng - “Nguyện cho chúng sinh có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc.”.

3. Bi vô lượng - “Nguyện cho chúng sinh đều thoát khổ và nhân tạo khổ.”.

4. Hỷ vô lượng - không chỉ là những hình thức đau khổ và hạnh phúc thông thường, mà “Nguyện cho chúng sinh đạt được hạnh phúc giác ngộ, và không bao giờ xa lìa niềm hạnh phúc ấy.”. 

Sau đó là các chỉ giáo thông thường hơn mà bạn sẽ thấy, và tiếp theo đó, là bước kế tiếp:

  • Đức Phật được quán tưởng trước mặt mình càng ngày càng thu nhỏ lại hơn, và đi vào giữa hai chân mày, biến mất như bơ tan chảy. Đó là một cách thực hành ít mang hương vị Mật tông hơn.
  • Pháp quán tưởng khác là Đức Phật bay lên, và khi quán tưởng ruộng phước trong bước tiếp theo, thì Đức Phật sẽ hạ xuống, và hòa nhập vào ruộng phước.

Vậy thì có hai phiên bản.

Top