Nơi Tọa Thiền, Lễ Lạy Và Tư Thế Ngồi Thiền

Sắp Xếp Một Chỗ Tọa Thiền Đàng Hoàng

Theo sách vở thì tốt nhất (nếu như bạn có thể làm được) là để bồ đoàn trên một bục gỗ hơi nâng lên, để phía dưới được thông thoáng. Nếu như bạn nhìn vào hầu hết những người Tây Tạng ở Ấn Độ, thì chủ yếu là họ ngồi thiền trên giường, nên có sự thông thoáng phía dưới. Họ không có phòng thiền riêng, hay nơi nào như vậy. Vì những lý do cát tường, nên người ta phải để cỏ kusha đặc biệt và những thứ khác dưới bục gỗ, nhưng đối với hầu hết chúng ta thì điều đó sẽ không thuận tiện.

Nếu như bạn ngồi xếp bằng thì nên để bồ đoàn hơi nâng lên ở phía sau, để giảm bớt áp lực ở hai chân, và chân bạn sẽ không bị tê quá nhanh. Tôi luôn luôn thấy khó tin là nhiều người Tây Tạng, bao gồm cả Đức Dalai Lama, có thể ngồi xếp bằng, lưng không cần nâng cao lên, mà chân của các ngài lại không bị tê. Tôi thấy điều này bất khả dĩ thi đối với bản thân tôi.

Tôi đã có một sự cố rất xấu hổ về điều đó. Tôi đã được gọi để đi thông dịch cho Đức Dalai Lama, vì Ngài đang gặp người nào đó. Tôi phải ngồi bệt xuống đất, và cả hai chân đã tê cứng. Khi buổi diện kiến kết thúc thì bạn phải đứng dậy và ra khỏi phòng rất nhanh. Thế là tôi cố gắng đứng dậy, và đã sụm xuống, nên phải bám vào tường và lê gót ra ngoài. Ngài đã cười ngất lên. Thật đáng kinh ngạc là tôi đã không té xuống, và cảm thấy hoàn toàn lố bịch.

Vậy thì chúng ta có thể ngồi với lưng nâng lên cao hơn một chút, và nó sẽ giúp cho hai chân không bị tê.

Tôi không thấy nó ở đây, nhưng trong rất nhiều trung tâm Phật giáo thì người ta có những cái gối Zen zafu rất cứng và khá dày. Chúng không dành cho tư thế ngồi xếp bằng mà chúng ta hay ngồi thiền. Chúng được sử dụng trong tư thế tọa thiền của người Nhật (hai chân xếp lại dưới bàn tọa) và vì hai chân ở phía dưới, nên bạn được nâng cao hơn. Nếu như bạn cố gắng ngồi xếp bằng trên những cái gối zafu này, thì tư thế của bạn sẽ rất tệ hại, đến mức bạn sẽ sắp ngã xuống. Vì vậy, nếu nghĩ về chỗ ngồi thiền thì điều quan trọng là chọn một cái bồ đoàn có đúng độ dày, đúng chiều cao, đúng độ cứng phù hợp với mình. Điều tối ưu là bạn muốn giúp cho chân không bị tê, và đối với mọi người thì việc này sẽ hơi khác biệt một chút.

Lễ Lạy

Sau đó, trước khi ngồi xuống thì người ta sẽ lạy. Đúng ra thì Geshe Ngawang Dhargyey luôn nhấn mạnh rằng điều rất hữu ích khi thức dậy vào buổi sáng là thay vì chỉ nửa tỉnh nửa mê để đi đến bình cà phê, thì điều đầu tiên bạn sẽ làm khi ra khỏi giường là lạy ba lạy trước biểu tượng của Đức Phật, hay bất cứ biểu tượng nào mà bạn trưng bày. Đó cũng là điều rất tốt để bạn thực hiện như việc cuối cùng trong ngày, trước khi đi ngủ. Đừng nên làm điều đó như một thây ma, nửa tỉnh nửa mê. Vấn đề là sử dụng điều này như cơ hội để phát khởi động lực trong ngày, khi bạn làm điều này vào sáng sớm. Đức Dalai Lama nói rằng Ngài sẽ làm việc này ngay khi vừa mở mắt ra vào buổi sáng: ý nghĩ đầu tiên là phát khởi động lực cho ngày hôm đó.

Sẽ không hữu ích khi mình thức dậy với câu “Ồ, đồng hồ báo thức. Tôi phải ra khỏi giường và đối diện với một ngày.”. Đó không phải là vấn đề, mà thay vì vậy thì khi bạn đi ngủ, hãy nghĩ rằng: “Tôi chỉ mong cho mau đến giờ thức dậy, để có thể tu tập, hay làm bất cứ điều gì mà tôi đang làm, để tạo lợi lạc cho người khác.”. Và bạn thật là vui vẻ khi buổi tối kết thúc, để có thể thức dậy. Tôi không nói về một người bị chứng mất ngủ, nên không ngủ được. Nhưng hãy thật sự hoan hỷ rằng “Mình đã hành trì xong rồi. Không còn lãng phí thời giờ nữa.”. (Thật ra thì tôi làm như vậy đối với trang mạng của mình. Tôi thích làm việc với nó. Nó rất lợi lạc, tôi thật sự mong đến giờ thức dậy vào buổi sáng, để trở lại với trang mạng.). Vậy thì đó là hạnh tinh tấn. Điều rất quan trọng là hưởng thụ điều bạn đang làm, bởi vì bạn thấy nó tích cực ra sao, nó có lợi cho người khác như thế nào, nên bạn tùy hỷ với nó, cảm thấy rất tích cực và hạnh phúc khi làm điều đó.

Vậy thì mình đã có một chỗ ngồi tốt để ngồi xuống. Và trước khi ngồi xuống thì ta sẽ lễ lạy. Đó là trước khi bắt đầu thời thiền. Đó là một thói quen tốt để tập tành.

Cái Lạy Ngắn

Có nhiều cách lễ lạy khác nhau. Cái lạy ngắn, như nó được gọi, là khi mình chắp hai tay lại với nhau. Hai ngón cái co vào bên trong, cho cái gọi là phương tiện và trí tuệ. Sau đó thì bạn chạm vào bốn vị trí trên cơ thể. Hãy lưu ý là có những hình thức khác – ý của tôi là, đối với bất cứ điều gì trong đạo Phật thì bạn sẽ thấy những hình thức khác nhau - nhưng đây là điều mà bạn sẽ thấy trong sách lam-rim. Bạn sẽ chạm vào bốn điểm:

1. Đỉnh đầu. Đó là với ước nguyện để có được nhục kế (gtsug-tor, Phạn ngữ: ushnisha) của một vị Phật. Một trong những dấu hiệu thể chất là một khối u, hay cái gì giống như vậy trên đỉnh đầu Phật. Tôi nhớ là đã gặp một Lạt ma Tây Tạng, người thật sự có nhục kế. Rất đáng kinh ngạc (và tôi không nghĩ đó là một khối u, hay bất cứ cái gì tương tự như vậy). Vậy thì chúng ta muốn phát triển phẩm chất này của một vị Phật.

2. Sau đó thì hãy chạm hai tay vào trán, để có được lọn tóc quý báu (mdzod-spu, Phạn ngữ: urnakesha). Có một lọn tóc quăn nhỏ mọc ở giữa hai chân mày của bạn, và nó được uốn cong. Giả sử nó giống như một cái thước dây dài vô tận - bạn có thể kéo nó ra, và nó sẽ kéo dài mãi mãi, rồi sau đó sẽ xoăn lại.

Bạn có thể thấy những điều này buồn cười, nhưng có lời khai thị về những tướng tốt, các đặc điểm về thể chất của một vị Phật và mỗi một trong những đặc điểm này biểu thị cho một nguyên nhân. Từ việc luôn thể hiện lòng tôn trọng với thầy của mình, luôn tưởng tượng ngài trên đỉnh đầu của mình, bạn sẽ có một cái bệ nhỏ mà bổn sư an tọa trên đó. Và cái ở giữa hai chân mày thì giống như mắt trí tuệ, con mắt thứ ba - không phải là thứ vô nghĩa của Lobsang Rampa, mà nó là đầu trên của kinh mạch trung ương, trong Kalachakra (Thời Luân) thì trước tiên, bạn sẽ tạo ra sắc tướng trống rỗng.

3. Sau đó, mình sẽ chạm tay vào cổ họng, để phát triển những phẩm chất trong lời nói của Phật.

4. Rồi hãy chạm hai tay vào trái tim, để có những phẩm chất của tâm Phật.

Sau đó, hãy quỳ xuống, và phải chạm vào mặt đất ở bảy điểm - hai tay, hai đầu gối, hai chân và trán. Vậy thì chắc chắn là bạn phải chạm trán vào mặt đất.

Sau đó, người ta nói điều rất quan trọng là phải đứng dậy rất nhanh. Bạn không muốn tạo ra thói quen nằm trên mặt đất, đó là loại hình ảnh của tái sinh thấp hơn, nên hãy mau mau đứng dậy, và đứng thẳng lên. Tôi có thể nghe mẹ tôi nói, “Hãy đứng thẳng lên. Con sẽ trở thành một thằng gù.”. Nên bạn không muốn trở thành một người gù, hãy đứng thẳng lên. Một lần nữa, theo ý nghĩa nào đó thì đây là điều có lòng tôn trọng hơn. Bạn muốn đứng thẳng và đạt được giải thoát, giác ngộ, chứ không khom lưng.

Sau khi đã lạy ba lần thì bạn sẽ chạm tay vào những vị trí này một lần nữa.

Bảy Vị Trí Và Bảy Thánh Bảo 

Bạn muốn có bảy điểm chạm vào sàn nhà hay mặt đất, và điều này đại diện cho... Có rất nhiều bộ có bảy điểm mà nó có thể đại diện. Thường thì chúng ta nghe về bảy thánh bảo. Đây là những điều quý giá mà chư thánh nhân - những người đã có nhận thức vô niệm về tứ diệu đế - xem là rất có giá trị. Điều này sẽ trang nghiêm cho họ như một viên ngọc quý. Thật ra thì đây là một danh sách rất thú vị về mặt tư duy điều gì sẽ là thứ quý giá nhất mà mình có thể sở hữu:

1. Niềm tin vào sự thật - đôi khi điều này được dịch là tín tâm, nhưng nếu như nhìn vào định nghĩa, thì đó là việc xem điều gì là sự thật, là đúng, và sau đó tin rằng nó đúng. Hãy nghĩ về điều đó. Chúng ta không tin vào điều gì, nếu nó là ảo tưởng. Chúng ta không nói về Ông Già Noel, hay Thỏ Phục Sinh (Easter Bunny). Chúng ta không tin rằng thị trường chứng khoán sẽ đi lên, hoặc có lẽ ngày mai trời sẽ mưa. Chúng ta đang nói về việc chấp nhận thực tại. “Đây là thực tại, đây là sự thật, và tôi chấp nhận nó. Tôi rất tự tin rằng thực tại này là đúng.”. Bây giờ thì hãy lưu ý là mình có thể có một ý tưởng kỳ lạ về việc thực tại là gì, nhưng ở đây thì mình đang nói về những gì thật sự là đúng.

Thật ra điều đó không dễ dàng, khi bạn nghĩ về những đề tài mà mình phải có tín tâm vào đó. Chẳng hạn như nhân quả, hành vi nhân quả: nếu như bạn hành động một cách tiêu cực, thì nó sẽ làm cho bạn không vui. Điều đó thật sự không dễ dàng, không dễ chấp nhận, bởi vì “Thầy của tôi nói như vậy, và sách vở nói như vậy”, mà phải thật sự tự tin rằng điều đó đúng. Chư thánh nhân đã đạt được điều này một cách vô niệm - không chỉ nghĩ về phạm trù chung của tứ diệu đế, rồi thì điều gì đại diện cho nó (đó là tư tưởng khái niệm) – các ngài đã thấy rằng đây là sự thật, nhân quả, một cách vô niệm. Đó là toàn bộ cấu trúc của tứ diệu đế.

2. Trì giới - nếu bạn có lòng tự tin tuyệt đối, và niềm tin rằng đó là sự thật, hành vi nhân quả, thì tự nhiên bạn sẽ giữ giới. Bạn sẽ kềm chế hành động tiêu cực, phá hoại, vì tác động của phiền não hay si mê.

3. Bố thí – chia sẻ với người khác những điều mình đã học, những gì mình có, vân vân.

4. Lắng nghe – nói về việc nghiên cứu và học rộng, để thật sự thấu hiểu giáo pháp.

5. Quan tâm đến cách hành động của mình sẽ phản ánh về người khác ra sao - nói cách khác là nếu tôi hành động một cách tiêu cực thái quá, thì điều này sẽ phản ánh những điều không tốt về đạo sư của mình, sẽ phản ánh xấu về đạo Phật, và bất cứ nhóm nào lớn hơn mà mình có liên hệ đến - gia đình tôi và vân vân. Điều này và thánh bảo kế tiếp là cơ sở cho hành vi đạo đức.

Dù người ta có thể nói rằng đây là một kiểu suy xét có tính cách rất Á châu - “Tôi làm cho gia đình xấu hổ vì đã hành động như thế này” - Tôi nghĩ điều này cũng phù hợp với chúng ta. Chúng ta sẽ mang tiếng xấu cho đạo Phật, nếu như mình đi uống rượu say sưa, và hành động ồn ào trong quán bar, v.v... và mọi người biết mình là Phật tử.

6. Ý thức về lòng tự trọng - “Tôi rất tự trọng, đến nỗi sẽ không hành động một cách tiêu cực.”. Ở Berlin, tôi đã thách thức lớp học của mình, khi chúng tôi nói về lý do tại sao mình không hành động một cách tiêu cực: Tại sao bạn không lừa đảo? Tại sao bạn không nói dối và ăn cắp, làm những điều đại loại như vậy? Và nhiều người nói rằng, “Vì tôi không cảm thấy điều đó đúng.”. Vậy thì chỉ có cảm giác không thấy đúng. Chúng ta không nói về vấn đề này ở đây. “Có luật pháp, và tôi không muốn phạm pháp.”, dù đó là giới luật trong Kinh điển, hay luật dân sự. Nhưng đúng hơn thì đó là tâm sở về ý thức tự trọng (tàm), rằng “Tôi rất tự trọng, đến mức tôi sẽ hành động như vậy. Tôi không cảm thấy điều đó đúng.”. Thế thì chúng ta không nói về việc kềm chế hành vi vì sợ hãi hay vì điều gì - “Tôi sẽ cảm thấy  tội lỗi” - hay “Tôi không muốn làm người xấu.”, loại thái độ này. Đây là một thái độ rất lành mạnh về lòng tự trọng, giữ gìn phẩm giá của mình, là cách mà chúng ta sẽ nói theo tiếng Anh.

Tôi nghĩ rằng tính cách này, tính cách về lòng tự trọng, là một trong những đặc điểm thể hiện cách tiếp cận của đạo Phật. Nó bắt đầu từ toàn bộ việc bàn luận về Phật tánh. Không phải “Tôi là người tội lỗi, và tôi là người xấu” là hình ảnh chính về tự thân mà ta sẽ trưởng dưỡng, mà đúng hơn thì đó là lòng tự trọng, đối với khả năng của mình, để phát triển và v.v..., ý thức tự trọng này. Về mặt khuyết điểm của mình, thì ta sẽ có lòng trắc ẩn đối với điều này, và muốn khắc phục chúng, vì chúng dựa vào tâm vô minh. Chúng không dựa vào việc làm người xấu, không tuân theo luật pháp.

7. Trí tuệ - như Đức Dalai Lama luôn nói, hãy sử dụng trí thông minh tuyệt vời của con người để phân biệt giữa những điều có lợi và có hại, đâu gì là thực tế, đâu là giả tưởng. Chúng ta thật sự phải trưởng dưỡng điều này. Chúng ta không phải là con nít, và cần người khác nói cho mình biết điều gì có lợi, điều gì có hại. Phải phát triển khả năng đó, và phát huy nó hơn nữa trong tự thân, bởi vì mình có trí thông minh để phân biệt.

Lễ Lạy Toàn Thân

Sau đó là lễ lạy toàn thân. Bạn cũng làm y như vậy, nhưng một khi bảy điểm này chạm vào mặt đất, thì bạn sẽ đưa hai tay ra đằng trước, hơi cách nhau, lòng bàn tay úp xuống đất. Đây là cách lạy mà chúng ta thường làm, khi thực hiện hàng loạt lễ lạy, như 100,000 lạy. Khi ở trong vị trí đó thì một số người sẽ chắp hai tay lại, và cong hai ngón cái vào bên trong, rồi chạm vào đỉnh đầu, rồi đưa hai tay xuống. Sách vở và Đức Dalai Lama luôn luôn nói điều này hoàn toàn không cần thiết; tốt hơn là mau mau đứng dậy. Tuy có nhiều người làm điều đó, nhưng nó không cần thiết.

Một số Kinh điển nói rằng nếu như bạn nhân con số nguyên tử hay những hạt trên mặt đất mà cơ thể bạn bao phủ lên trong khi lễ lạy với một con số to lớn nào đó, thì nó sẽ tương đương với công đức hay lực tích cực mà bạn đã tích tập. Vậy thì có vẻ như nếu bạn là một người rất cao to, thì bạn sẽ tạo ra nhiều công đức hơn, so với một người nhỏ con hơn, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là vấn đề được nói đến ở đây.

Xét về số lượng công đức lớn lao không tưởng tượng được mà mình đã tích tập được, thì bạn rất thường có ẩn dụ về việc tích lũy nhiều công đức hơn số cát ở bờ sông Hằng. Vậy thì có hình ảnh đó chỉ đại diện cho một con số lớn. Tuy nhiên, sách vở luôn đưa ra một con số cụ thể mà không dễ liên hệ đến, tôi phải nói như vậy. Bạn sẽ lễ lạy Đức Phật này, rồi bạn có con số này, và nó được nhân lên, và Đức Phật kia có một con số khác, và Đức Phật khác lại có một số khác nữa. Phải nói là điều này hoàn toàn khó hiểu.

Tuy nhiên, khi theo đuổi nhiều điểm hơn trong số điểm được gọi là công đức - đó là lý do tại sao tôi không thích chữ công đức, bởi vì nó nêu ra ý tưởng rằng bạn đang thu thập điểm – thì bạn sẽ nói, “Tôi không muốn lễ lạy Đức Phật này trong pháp sám hồng danh 35 vị Phật, vì đó không phải là một món hời, vì bạn sẽ có ít công đức hơn. Vậy thì tôi sẽ chọn vị Phật đem lại nhiều công đức nhất cho mình. Tôi sẽ lạy vị Phật này, để không cần phải lạy nhiều, để có được nhiều điểm hơn.”. Thế thì bạn đang tìm kiếm một món hời. Chắc chắn là tôi không nghĩ đó là tác ý của bạn. Tôi không nghĩ đó là vấn đề.

Tôi nghĩ việc phân tích những điều như vậy rất hữu ích. Đừng chấp nhận những điều bạn thấy trong sách vở, mà không có thắc mắc gì. Đức Phật đã dạy hãy thắc mắc về tất cả mọi việc. Phương pháp của đạo Phật là đưa ra một giả thuyết, rồi cố gắng xem có sự phản đối nào về nó hay không. Đây là điều mà bạn sẽ thấy trong tất cả sách vở. “Một số người nói rằng...”, rồi họ đưa ra một giả thuyết, và sau đó, “Nhưng nếu như bạn nghĩ như vậy, thì điều này, điều nọ, và kết luận vô lý kia sẽ theo sau.”. Vậy thì đó là phương pháp để phân tích. Đó là điều được thực hiện trong những cuộc tranh biện. Một người sẽ đưa ra giả thuyết, rồi người kia sẽ thách thức họ, để cố gắng tìm hiểu xem liệu có điều gì không nhất quán trong ý nghĩ của họ hay không, đó là một sự phản bác về giả thuyết này.

Chẳng hạn như nhiều kinh điển Đại thừa nói rằng có một vị Phật trong mỗi một lỗ chân lông trên thân Phật. Hoặc có vô lượng thế giới, và trong các lỗ chân lông của chư Phật trong những thế giới này thì có nhiều hơn nữa, v.v... Thế thì bạn có hình ảnh đáng kinh ngạc này, và nó sẽ mở rộng tâm trí của mình rất nhiều, nếu như bạn sẽ mở rộng nó theo ý nghĩa Đại thừa. Thật ra điều này không quá kỳ lạ, nếu như bạn nghĩ về nó. Bạn có bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về kích thước của vũ trụ, và mỗi một chấm nhỏ li ti ở xa mà bạn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà phải dùng kính viễn vọng mạnh nhất để nhìn thấy hay không? Có cả một thiên hà gồm hàng ngàn tỷ ngôi sao, và thậm chí nhiều hành tinh khác ở trong đó. Nếu như nghĩ về phạm vi của toàn bộ vũ trụ, thì khó mà tin nổi. Và bạn có cùng một hình ảnh như trong các sách vở cổ xưa của nhà Phật - trong mỗi một lỗ chân lông của Đức Phật có toàn bộ vũ trụ. Đây là một hình ảnh rất mạnh mẽ mà mình thấy trong đạo Phật. Tuy nhiên, tôi không biết rằng nó liên quan đến số lượng cát bụi dưới cơ thể của bạn ra sao, khi bạn lễ lạy.

Suy nghĩ của tôi về điểm này liên quan đến cát bụi, khi nghĩ một cách rất thực tế, thì đó là một trong những chướng ngại trong việc lễ lạy - đặc biệt là nếu như bạn đang ở một nơi như Bồ Đề Đạo Tràng, chẳng hạn vậy, mà có một buổi lễ lớn, và mặt đất thì bẩn thỉu hay sình lầy, hay bất cứ điều gì, thì “Ồ, tôi không muốn lạy. Người tôi sẽ bị dơ bẩn.”. Nếu như bạn có ý tưởng rằng việc chạm vào đất là điều rất tích cực, rằng bạn sẽ tích tập rất nhiều công đức, vân vân, và nhờ vào số cát bụi mà cơ thể của bạn chạm vào, thì nó sẽ giúp cho bạn vượt qua sự dè dặt rằng “Tôi không muốn làm dơ quần áo. Tôi không muốn làm bẩn tay mình bằng cách để tay trên mặt đất”, rồi sau đó bạn phải lau tay, và phủi bụi trên quần áo. Mặc dù cách nói của tôi có thể rất tầm thường, nhưng tôi hiểu nó theo một cách rất thực tế, không phải theo kiểu phù phép.

Hãy nghĩ về những người hành hương ở Tây Tạng, những người sẽ đi hàng ngàn cây số và lễ lạy mỗi khi đi một bước, và người của họ sẽ dơ bẩn ra sao. Hiển nhiên là nếu như họ sợ bị dơ, thì không có cách nào họ sẽ làm điều đó. Vậy thì nếu như bạn xem đó là “Mình sẽ tích tập nhiều công đức như những hạt bụi này”, thì điều này sẽ thay đổi toàn bộ thái độ của bạn về điều mà mình đang làm, phải không? Dù sao thì đó là cách suy nghĩ của tôi.

Các Loại Thủ Ấn Để Lễ Lạy

Có các loại thủ ấn để lễ lạy: 

  • Hai tay chắp lại, cong hai ngón cái vào bên trong và chạm tay vào tim mình.
  • Hay là đưa bàn tay phải lên, ngón cái gập vào bên trong, tất cả các ngón tay kia chĩa thẳng lên ngang tầm mũi, và hãy cúi đầu.
  • Hoặc cách thứ ba là một ngón tay chĩa thẳng lên và giống như thế, nhưng cách này thường không được thực hiện.

Vậy thì khi ở trong những tình huống mà nếu như việc lễ lạy đầy đủ hơn trên sàn nhà sẽ nhìn rất kỳ cục, chẳng hạn như khi bạn ở trên một chuyến xe lửa đêm đi đâu đó, hoặc đang trên máy bay, hay đại loại như vậy, thì hãy sử dụng thủ ấn. Hoặc nếu như bạn bị bệnh, và không thể thực hiện những hình thức lễ lạy đầy đủ hơn, ngay cả khi đang nằm trên giường, thì bạn có thể làm dùng thủ ấn. Vậy thì luôn luôn có cách để lạy. Có rất nhiều cách khác nhau, và chúng rất, rất là hữu ích.

Điều quan trọng là phải linh hoạt và sử dụng bất cứ cách lạy nào phù hợp với tình huống. Tôi nghĩ không thể nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của việc linh hoạt và không cứng nhắc với hành trì của bạn, mà phải rất, rất là linh hoạt, rất thoải mái. Bạn thấy người Tây Tạng hoàn toàn thoải mái về cách tu tập. Họ làm điều đó một cách đúng đắn, nhưng lại linh hoạt, để thích ứng với tình huống.

Tôi sẽ cho một ví dụ tuyệt vời. Một lần nữa thì gương mẫu của tôi luôn luôn là Tsenshap Serkong Rinpoche. Tôi đã sống chín năm với Thầy, nên tôi đã tiếp xúc rất nhiều với Thầy hàng ngày. Khi nhận lễ quán đảnh Vajrayogini, và đôi khi với Chakrasamvara, thì bạn có một cam kết cúng dường tsog (tshogs), một loại nghi lễ cúng dường, một nghi lễ, hai lần một tháng, vào ngày 10 và 25 trong tháng, theo lịch Tây Tạng. Có người đã hỏi Thầy, một số người Tây phương, “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như chúng con không có thể xem lịch Tây Tạng, và không biết ngày nào là mùng 10 và 25 tháng âm lịch?” Và Rinpoche trả lời rằng, “Vậy chứ không phải là tháng trong lịch Tây phương của con cũng có ngày 10 và 25 hay sao?” Vậy thì rõ ràng người ta có thể linh hoạt, chứ không phải là “Nếu như con không làm điều đó vào đúng những ngày này, thì con sẽ đọa địa ngục.”. Không phải như vậy. Thế thì ngài rất, rất là linh hoạt, như tôi đã nói, Ngài đã sử dụng một bình sữa để ban lễ điểm đạo, thay thế cho một chiếc bình chạm ngọc tinh xảo. Tôi nghĩ đó là lý do mà mọi người rất thương yêu ngài, bởi vì ngài rất thực tế. Khuôn mặt của ngài là kiểu mẫu cho Yoda trong phim Star Wars (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao), để bạn có một vài ấn tượng là ngài nhìn ra sao.

Lễ Lạy Bằng Thân, Khẩu, Ý

Khi lễ lạy thì mình phải lạy bằng thân, khẩu và ý.

Lạy Bằng Thân

Lễ lạy bằng thân không chỉ là điều tôi đã giải thích, mà còn là một cách thể hiện lòng tôn kính với Tam Bảo, đó là việc dùng một quyển sách Phật pháp hay một tôn tượng để chạm vào đỉnh đầu mình. Bạn sẽ thấy người Tây Tạng làm điều đó hoài. Và nếu như không tự làm điều đó, thì đôi khi, họ thích được một vị thầy dùng kinh sách chạm vào đỉnh đầu của họ.

Tôi đang nghĩ về một ví dụ. Tôi đã có mặt vào năm 1971, khi Đức Dalai Lama đã ban luận giải kết hợp về Guhyasamaja. Mọi người đều hoàn toàn ngạc nhiên về mức độ sâu sắc lạ thường của việc này, nếu như nhìn vào việc Đức Dalai Lama trẻ tuổi như thế nào vào thời đó. Chắc là đã có, tôi không biết nữa, cứ cho là năm ngàn hay tám ngàn chư tăng có mặt ở đó đi. Tôi không biết con số chính xác. Dù sao đi nữa thì vào cuối buổi thuyết Pháp này, Đức Dalai Lama đã ngồi xếp bằng trên ngai (nên nó khá cao), và cúi xuống, trong một tư thế rất khó chịu, cúi gập người suốt, cầm các bản văn, mà không phải là nhẹ, không nhúc nhích, không nghỉ ngơi, trong khi mọi người trong đại chúng đã đi qua, để bản văn chạm vào đầu họ. Điều này thật khó tin, nên khi nghĩ về những phẩm chất của Đức Dalai Lama, thì đó không chỉ là những phẩm chất của lời nói và tinh thần của Ngài, mà phẩm chất về thân của Ngài thật sự không thể tưởng tượng nổi.

Serkong Rinpoche thường nói rằng khi Thầy du hành với Đức Dalai Lama ở Ấn Độ bằng xe hơi, thì các ngài sẽ đi đến một khu định cư khác, hay đại loại như vậy, và Thầy nói rằng có lẽ là mất 12 hoặc 13 tiếng lái xe, đi qua những con đường ngoằn ngoèo trên núi Hy Mã Lạp Sơn thật là khó khăn. Và khi chuyến đi kết thúc, Thầy nói Đức Dalai Lama đã bước ra khỏi xe, hoàn toàn tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng, v.v..., và Serkong Rinpoche thì đi lại rất khó khăn, vì Thầy bị say xe, mỗi khi đi xe.

Về việc lễ lạy bằng thân, như là thể hiện lòng tôn trọng, chạm vào những kinh sách và tôn tượng, thì một lần nữa, không nên phô trương về điều đó. Nếu bạn sống với gia đình hay bố mẹ, hoặc những người tương tự như vậy, và họ sẽ nghĩ điều đó thật là kỳ lạ, thì đừng làm những việc này trước mặt họ. Ý tôi là, đây là vấn đề về mặt đạo đức, quan tâm đến cách mà hành vi của mình sẽ phản ánh như thế nào. Bạn không muốn tạo ra cho họ ấn tượng kỳ lạ về đạo Phật, rằng đây là một giáo phái nào đó, đây là một điều kỳ lạ mà các con của tôi tham gia vào, đặc biệt là với cha mẹ của mình. Vậy thì hãy tu tập một cách kín đáo, như người ta thường nói.

Khi nói về giáo lý Mật tông thì chúng ta thường nghe chữ bí mật liên quan đến nó. Tôi nghĩ một chữ tốt hơn nhiều dành cho Mật tông trong nhiều bối cảnh là riêng tư. Nó là điều được thực hiện một cách riêng tư, không phô trương để mọi người đều nhìn thấy. Nếu như người khác không tu tập nó, không phải là một thành phần trong xã hội mà tu tập nó, thì họ sẽ có những ý tưởng thật là kỳ lạ. Đó là lý do tại sao mình không nên trưng bày tranh hay ảnh của chư Hộ Phật khỏa thân, chư Hộ Phật nam hay nữ khỏa thân, đứng đó với mọi thứ được phơi bày ra, hoặc ôm ấp nhau, hay bất cứ điều gì, trong những gian phòng mà khách của bạn sẽ ngồi chơi, hoặc con cái của bạn, hay khách của bạn dẫn theo con cái của họ, v.v..., bởi vì mọi người sẽ nghĩ rằng “Trời đất ơi, cái này đúng là tranh ảnh khiêu dâm kỳ lạ.”. Hay là việc thờ phượng ma quỷ, vì Yamantaka có sừng, đầu trâu và ngọn lửa, v.v..., thì họ sẽ nghĩ rằng “Đây là việc tôn thờ quỷ.”. Vì vậy mà bạn không nên treo những tranh ảnh này trên tường, để những người bước vào nhà sẽ có những ý tưởng thật là kỳ lạ như vậy.

Tranh thangka của Tây Tạng thường có một tấm màn ở phía trước, nên bạn hãy che màn lại, nếu như muốn treo thangka trên tường, và không hành trì pháp tu trong lúc đó. Nếu như bạn sẽ có thangka, thì hãy treo thangka của Đức Phật, của những vị Phật xinh đẹp, an hòa như Đức Quán Âm, Đức Văn Thù, Tara, v.v... Hơn nữa, đừng treo thangka trong phòng tắm, kế bên nhà vệ sinh, bạn biết mà, vì điều đó được xem là hoàn toàn bất kính.

Lễ Lạy Bằng Lời

Sau đó là lễ lạy bằng lời. Sách vở mô tả điều này là: hãy quán tưởng mình có rất nhiều đầu trên thân thể, và mỗi một mặt có rất nhiều miệng, và tất cả những cái miệng này đều cúng dường lời tán thán Tam Bảo.

Phải nói rằng tôi luôn luôn thấy ý tưởng tán thán này hơi kỳ lạ chút xíu. “Hỡi Đức Phật, Ngài rất cao cả. Ngài rất tuyệt vời”, và như thế. Bạn cũng thấy điều này trong những tôn giáo khác, với tất cả những lời tán thán như vậy. “Ồ, ngài thật là xuất sắc, hỡi Đức Phật.”. Không phải như vậy. Tôi nghĩ người ta phải xem trọng những điều liên quan ở đây. Nếu bạn xem xét bát phong, tám pháp thế gian, thì có lời khen hay tiếng chê. Hãy hoàn toàn bình đẳng đối với điều đó, có cùng một thái độ. Vậy thì Đức Phật không cần lời tán thán của chúng ta, và Ngài sẽ không nói rằng, “Ta rất vui, vì con đã tán thán ta. Ta tuyệt vời biết bao." Chúng ta dâng lời tán thán vì lợi lạc của riêng mình, không phải vì lợi lạc của Phật. Vấn đề là ghi nhớ những phẩm chất tốt đẹp, và thật sự phát khởi lòng tôn kính, xem trọng và ngưỡng mộ, rằng đây là những gì mình muốn phát triển cho tự thân. Đó là điểm chính của lời tán thán.

Lễ Lạy Trong Tâm 

Về mặt tâm thức thì điều mình sẽ làm sau đó là nghĩ về những phẩm chất tốt đẹp của Phật, Pháp và Tăng. Việc tưởng tượng tất cả những cái miệng và những khuôn mặt này, v.v..., tất cả những điều này chỉ giúp cho mình phóng đại cảm giác xem trọng những phẩm chất tốt đẹp này, và ghi nhớ chúng. Chúng cũng nói những lời tán thán. Theo một nghĩa nào đó thì nó cũng giống như tùy hỷ với những phẩm chất tuyệt vời này. 

Tư Thế Tọa Thiền: Bát Điểm Tỳ Lô Giá Na

Rồi đến tư thế. Vậy thì bạn ngồi xuống. Và chúng ta có tám tư thế của Tỳ Lô Giá Na (Vairochana). Nó được nêu ra trong Trình Tự Tu Thiền, Phần Giữa Và Phần Sau (Middle and Later Stages of Meditation) của ngài Liên Hoa Giới (Kamalashila).

1. Chân – xếp bằng trong tư thế kim cang. Trong pháp du già (yoga) của Ấn Độ giáo thì nó được gọi là tư thế hoa sen (kiết già). Trong truyền thống đạo Phật thì nó được gọi là tư thế kim cang. Chân của bạn đang nghỉ ngơi và ngửa lên như thế này ở trên đùi. Nó tạo ra hình ảnh của chày kim cang.

Đối với hầu hết chúng ta thì điều đó không dễ thực hiện, và sẽ hữu ích khi mình luyện tập lúc còn trẻ hơn, để ngày càng dẻo dai hơn. Thời gian duy nhất mà nó thật sự cần thiết là khi bạn đang hành trì các pháp tu ở giai đoạn viên mãn, với các năng lượng trong cơ thể. Rồi thì bạn phải có khả năng ngồi theo tư thế đó. Nếu không thì tùy ý bạn. Vậy thì bạn có thể ngồi trong tư thế gọi là một bán già, chỉ vắt một chân lên đùi.

Rất buồn cười, khi bạn nhìn vào những Lạt ma đã dành rất nhiều thời gian ngồi xếp bằng như thế. Nếu như không thể vắt chéo một chân lên, thì hãy ngồi xếp bằng theo cách bình thường. Nhưng nếu các ngài đã ngồi như vậy hầu như suốt đời, thì bạn sẽ thấy bàn chân của các ngài đã bị biến dạng, theo một nghĩa nào đó, rằng khi đặt chân xuống, thì bàn chân của các ngài chĩa ra ngoài, hướng ra ngoài. Người Nhật thì ngồi theo kiểu xếp hai chân dưới bàn tọa, và quay vào trong. Bạn luôn luôn có thể nhận ra đó là một người Nhật, vì khi họ đứng thì chân họ bị biến dạng, và quay vào trong.

Phải nói rằng điều này sẽ tạo ra một chút vấn đề trong tư thế của bạn, và cách bạn đi bộ. Ý tôi là đôi chân của tôi sẽ chĩa ra ngoài như vậy, nên khi để chân thẳng lại thì rất khó khăn và khó chịu. Thật ra thì điều đó có thể tạo ra vấn đề sau này. Về sau thì đầu gối của nhiều người sẽ có vấn đề. Dù sao thì người Tây Tạng sẽ ngồi như vậy. Ý của tôi là, Đức Dalai Lama ngồi như vậy, và Ngài có vấn đề với đầu gối. Còn các thiền giả và giảng sư người Tây phương lớn tuổi hơn, có kinh nghiệm v.v..., những người đã ngồi như vậy rất nhiều trong suốt đời, thì thấy rằng khi đến tuổi già, họ không thể ngồi xếp bằng rất lâu. Điều đó sẽ khiến cho việc tham dự các buổi thuyết Pháp ở Ấn Độ trở nên rất khó khăn, ví dụ vậy. Tôi cũng kinh nghiệm điều đó. Nên mặc dù người Tây Tạng hoàn toàn không nhấn mạnh điều này, nhưng tôi nghĩ là việc cân bằng nó với việc tập thể dục, nếu như mình đang hành thiền nhiều, và ngồi nhiều, là điều rất quan trọng.

Dĩ nhiên, bạn sẽ thấy là dù cho có tư thế này, đó là ngồi xếp bằng, nhưng người Nhật lại không ngồi như vậy, mà lại xếp hai chân dưới bàn tọa, và người Thái thì để hai chân sang một bên. Vậy thì có nhiều tư thế khác nhau.

2. Tay – để hai tay trên bàn chân, đặt bàn tay trái ở dưới, để bàn tay phải trên bàn tay trái, hai ngón cái chạm vào nhau - có một số người để hai tay cao hơn, không để trên bàn chân. Điều này sẽ khiến cho các bắp thịt ở vai rất căng thẳng, và sẽ bị đau sau một thời gian. Tốt hơn là nên để tay trên bàn chân của mình.

3. Cột sống - xương sống của bạn phải thẳng. Nếu bạn ngồi theo tư thế kiết già, thì tự nhiên cột sống sẽ thẳng. Tôi thấy nếu như bạn ngồi bằng phẳng, thì việc giữ cho cột sống thẳng sẽ khó hơn nhiều.

4. Răng, môi và lưỡi - bạn không muốn nghiến răng chặt như vừa mới uống bốn ly cà phê espresso. Cũng không nên mím môi, mà đúng hơn là thư giãn. Lưỡi nên chạm vào vòm miệng phía sau răng, nơi nó tạo ra một vòm cong. Mục tiêu của việc này là để nước miếng không tiết ra nhiều. Nếu không thì bạn cứ ngồi đó, rồi nước miếng sẽ tuôn ra, thì nhìn không đẹp lắm. Bạn cứ phải nuốt nước miếng hoài - đó là một yếu tố làm tán tâm - bởi vì miệng cứ tiết ra nhiều nước miếng hơn nữa. Điều này sẽ giảm thiểu lượng nước miếng tiết ra trong miệng, nên sẽ giảm bớt lượng nước miếng mà bạn phải nuốt.

5. Đầu - hơi cúi xuống - không phải là hoàn toàn cúi xuống, cũng không hoàn toàn ngẩng lên. Nếu như cúi đầu quá thấp, thì bạn sẽ bị chóng mặt.

6. Mắt - điều luôn luôn được khuyên là nên hé mắt phân nửa, nhìn theo hướng mũi của mình. Một số người nghĩ rằng điều đó có nghĩa là lé mắt, khi nhìn vào chóp mũi của mình. Nó không có nghĩa như vậy. Nó có nghĩa là nhìn theo hướng đó, nên nhìn xuống sàn nhà.

Có nhiều lý do để không nhắm mắt trong khi hành thiền. Tất nhiên, lý do tổng quát nhất là khi nhắm mắt thì sẽ dễ buồn ngủ hơn, và ngủ thiếp đi, mặc dù nó có thể giúp mình bớt tán tâm hơn, vì những yếu tố bên ngoài.

Đức Dalai Lama đã nêu ra rằng khi nhắm mắt lại thì bạn sẽ bị phân tâm vì những yếu tố bên trong. Nó rất thú vị. Nếu như bạn chú ý thì bây giờ, phải quan sát kỹ, là khi nhắm mắt lại thì có một số tia sáng nhỏ lấp lánh. Ngài nói rằng đây là sự tán tâm bên trong, và là điều mà bạn muốn tránh, bằng cách không nhắm mắt trong khi hành thiền, đặc biệt là khi bạn đang cố gắng đạt được định tâm.

Một điều tổng quát hơn mà tôi muốn nhấn mạnh là nếu bạn phải nhắm mắt lại để tĩnh tâm, và tạo ra tâm trạng tích cực, thì đó là một chướng ngại lớn, để có thể làm như vậy trong đời sống bình thường – nếu như bạn có thói quen phải nhắm mắt lại để bình tĩnh lại, hay để có lòng trắc ẩn đối với người nào, thì việc này sẽ không hữu hiệu ở ngoài đời. Phải nói là tôi không bao giờ thấy điều này trong kinh sách nào cả, nhưng nó có khá nhiều ý nghĩa đối với tôi.

7. Vai – hạ vai xuống, không rút vai lên trong khi chú ý. Thật ra điều này khá quan trọng trong đời sống hàng ngày. Khi rất khẩn trương và căng thẳng, thì vai của mình có xu hướng rút lên trong khi chú ý, và sẽ có sự căng thẳng ở cổ, v.v... Nếu như bạn có thể nhận thức được tư thế của vai trong suốt ngày, hoặc trong khi trò chuyện với ai, thì hãy hạ vai xuống.

Đối với biểu hiện trên mặt thì cũng giống như vậy. Có một số người có gương mặt lạnh như tiền, không có biểu hiện gì cả, và điều này rất khó chịu, khi bạn đang trò chuyện với ai. Có những người khác thì ngay cả khi bạn không nói chuyện với họ và đang ngồi đó, thì họ nhíu mày, và có sự căng thẳng trên trán, mắt, miệng, vân vân. Hãy cố gắng thư giãn các bắp thịt. Cơ bắp của bạn càng thư giãn, thì tâm trí bạn sẽ càng thư giãn hơn. Hãy hạ vai xuống. Nếu bạn có gương mặt lạnh như tiền, thì không có nghĩa là bây giờ bạn phải trở thành một người đóng trò bắt chước trong gánh xiếc, và phải biểu lộ đủ loại cảm giác giả tạo, mà hãy cố gắng có nhiều nhân tính hơn một chút.

Ngoài ra, tôi không biết bạn thì sao, nhưng nếu như bạn sử dụng con chuột của máy vi tính, và cánh tay của bạn phải nâng lên như thế này, đặc biệt là nếu như ghế ngồi của bạn thấp, còn bàn làm việc thì lại cao, thì vai và cổ của bạn sẽ bị căng thẳng nhiều. Giải pháp tốt nhất mà tôi tìm ta là nâng ghế lên cao hơn, để cánh tay của mình hạ xuống, thay vì nâng lên, trong khi sử dụng con chuột.

8. Hít thở - đừng thở nhanh quá, mà chỉ thở bình thường bằng mũi thôi - không quá nhanh, không quá chậm.

Sau đó thì bạn sẽ thực hiện một bài tập hít thở. Có rất nhiều bài tập mà bạn có thể làm, một là chỉ chú tâm vào hơi thở:

  • Bằng mũi, nếu bạn cảm thấy hơi hôn trầm, nên muốn tập trung vào hơi thở nhiều hơn một chút.
  • Hai là chú tâm vào rốn, với dạ dày phình ra, xẹp xuống, điều này sẽ giúp cho bạn tập trung nhiều hơn, nếu như cảm thấy hơi căng thẳng.

Có nhiều cách chỉ tập trung vào hơi thở thôi. Cũng có cả việc đếm hơi thở. Vấn đề là nó không phải là một bài tập đếm, nhưng thường thì người ta chỉ đếm đến mười một hoặc bảy, hay hai mươi mốt (điều này thật sự không quan trọng), rồi sau đó thì bạn có thể lặp lại chu kỳ.

Rồi còn có chín vòng thở, và một pháp quán tưởng rất phức tạp đi kèm với nó. Khi Đức Dalai Lama dạy điều này cho đại chúng, khi thuyết Pháp thì Ngài hoàn toàn bỏ qua pháp quán tưởng. Điều đó nói lên điều gì? Điều đó cho thấy là nếu như quá chú trọng vào pháp quán tưởng, thì bạn sẽ đánh mất mục tiêu của pháp tu, bởi vì bạn đang lo lắng “Ồ, tôi không thể thực hành pháp quán tưởng một cách chính xác. Có phải là kinh mạch này đi đến đây, và kinh mạch kia đi đến đó không?”, rồi bạn rất lo lắng và buồn phiền.

Chúng ta có tất cả những pháp quán tưởng Mật tông này, để quán tưởng quá trình của cái chết (bắt đầu với vị Hộ Phật và tất cả những điều này), và Đức Dalai Lama nói rằng trừ khi bạn là một hành giả siêu việt, rất siêu việt, còn không thì hãy quên điều đó khi bạn đang hấp hối, bởi vì bạn sẽ rất lo lắng và buồn bã về việc không thể thực hiện pháp quán tưởng một cách đúng đắn - “Làm sao tôi có thể thực hành pháp quán tưởng? Có phải nó nhìn giống như vậy hay không? Và bây giờ thì tới bước này”, và bạn sẽ chết trong tâm trạng rất bất ổn. Ngài nói rằng nếu như chú trọng vào bồ đề tâm khi bạn hấp hối thì sẽ tốt hơn nhiều: “Nguyện cho con tiếp tục đi theo đường tu. Nguyện cho con có thể tiếp tục giúp đỡ người khác, được kề cận chư đạo sư.”, và v.v... Đừng lo lắng. Đừng làm lớn chuyện về pháp quán tưởng, bởi vì nó rất khó. Không có nghĩa là pháp quán tưởng hoàn toàn không quan trọng. Nó chỉ có nghĩa là điều đó không phải là điểm được nhấn mạnh.

Đối với chín vòng thở này thì cách mà Đức Dalai Lama giải thích là bạn bắt đầu bằng cách đặt hai tay trên đầu gối và vuốt từ đó lên đùi, rồi tạo ra nắm đấm và đấm vào nách. Sau đó, dùng một ngón tay bít một lỗ mũi, hít vào từ từ; sau đó thở ra bằng lỗ mũi kia. Không phải là bạn đang đổi tay – điều này sẽ làm cho tâm rất sao lãng – mà là làm như vậy ba lần. Rồi hãy làm giống như vậy cho lỗ mũi bên kia ba lần. Sau đó, hãy để tay thành nắm đấm trên đùi, xòe tay ra và nắm lại, hít vào thở ra bằng cả hai lỗ mũi. Vậy là đủ rồi. Không cần phải thực hiện pháp quán tưởng phức tạp này, để đưa tâm đến một trạng thái vô xác định, trạng thái trung lập - đó là toàn bộ vấn đề ở đây - để rồi sau đó, có thể phát khởi một tâm trạng tích cực.

Top