Quét Dọn Và Lau Chùi Phòng Thiền

Dẫn Nhập

Sáu pháp tu dự bị (jorcho, sbyor-chos) bắt nguồn từ A Đề Sa (Atisha), người đã thọ giáo những pháp tu này từ sư phụ của mình ở Nam Dương (Indonesia), ngài Serlingpa, và đã ban truyền chúng đến Tây Tạng. Chúng là sự chuẩn bị cho bất cứ thời thiền nào mà mình hành trì. Chúng được bàn luận trong các tác phẩm tiêu chuẩn của Lam-rim Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ. Trong Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ: Chỉ Giáo Riêng Từ Đức Văn Thù (Lam-rim 'jam-dpal zhal-lung), Đức Dalai Lama thứ Năm có dạy là phải thực hiện tất cả sáu pháp tu dự bị này trước mỗi thời thiền vào buổi sáng. Sau đó, nếu như bạn sẽ thực hành những thời thiền tiếp theo trong ngày, thì chỉ hành trì bốn pháp tu dự bị cuối cùng thôi.

Sáu pháp này là:

1. Quét dọn và lau chùi phòng thiền, trưng bày các món biểu trưng cho thân, khẩu, ý của Phật. 

2. Sắm sửa các thức cúng dường mà không có đạo đức giả, và sắp xếp chúng một cách đẹp đẽ.

3. Sắp xếp nơi tọa thiền, ngồi trong tư thế bát điểm, rồi quy y (phương hướng an toàn) và khẳng định lại bồ đề tâm, với lòng tích cực.

4. Quán tưởng ruộng công đức, dành cho sự tiến hóa tâm linh (tshogs-zhing) - người ta thường gọi nó là ruộng phước, hay cây bổn sư (guru-tree), nhưng theo nghĩa đen thì đó là một cánh đồng, theo một nghĩa nào đó, mà mình sẽ gieo những hạt giống, và chúng sẽ phát triển thành sự tiến hóa tâm linh.

5. Thất chi nguyện và cúng dường mạn đà la.

6. Đưa nguồn cảm hứng từ các bậc thầy của dòng truyền thừa, phù hợp với chỉ giáo cụ thể vào trong tâm thức, để dâng lời thỉnh cầu.

Điều quan trọng đối với việc này là chỉ cần thực hiện sáu pháp này là đã khá đủ, để bắt đầu hành trì của mình.

Quét Dọn Và Lau Chùi Phòng Thiền

Phần trước tiên của pháp tu đầu trong sáu pháp tu dự bị là quét dọn nơi mà bạn sẽ tu tập, và đem rác ra ngoài. Đây là điều được nhấn mạnh nhiều lần. Tại sao bạn muốn dọn dẹp phòng ốc? Đó là một cách để thể hiện lòng tôn trọng. Nó thể hiện lòng tôn trọng đối với giáo pháp và những điều bạn đang làm, và tôn trọng bản thân, khi mình thực hiện điều này. Nếu như quang cảnh xung quanh bạn hỗn loạn và bẩn thỉu, thì sẽ có xu hướng ảnh hưởng đến tâm mình, nên tâm bạn hơi hỗn loạn. Nếu như mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ, thì tâm sẽ có xu hướng đi theo trật tự và sạch sẽ hơn.

Hãy nghĩ xem điều này có đúng hay không? Bạn thấy đó, đây là quá trình mà bạn phải luôn thực hiện. Đừng chỉ lấy một điểm trong giáo pháp và nói rằng “Ồ, đúng, đúng”, hay nhiều nhất là viết nó xuống - hầu hết mọi người còn không ghi chép nó nữa (hoặc gởi nó cho ai đó). Nhưng hãy nghĩ về nó: “Nó có phải là sự thật không? Liệu nó có ý nghĩa gì không?". Phải xem xét từng điểm một và quán xét: “Liệu nó có ý nghĩa gì không, hay chỉ vô nghĩa?”. Nếu bạn nghĩ là nó vô nghĩa, hay thậm chí không xem xét liệu nó có vô nghĩa hay không, nó có ý nghĩa gì hay không, có lợi ích gì, thì tại sao bạn học hỏi nó?”

Một ví dụ hoàn hảo là: Ở đây, tại Mạc Tư Khoa, có lẽ là bạn có điều kiện giao thông tồi tệ nhất, so với bất cứ thành phố nào khác trên thế giới. Khi bạn bị kẹt xe, và mọi việc đều hỗn loạn, không nhúc nhích gì được hết, và xe nào cũng muốn đổi qua tuyến khác, vân vân, thì tâm trạng của bạn là gì? Bạn có cảm thấy bình tĩnh, cởi mở và sáng suốt không? Hay nó sẽ ảnh hưởng đến tâm trí của bạn? Hãy nghĩ về điều đó. Tôi nghĩ rồi thì sự việc sẽ rõ ràng, là khi mọi việc xung quanh bạn hỗn loạn, thì tâm bạn sẽ trở nên hỗn loạn, bạn sẽ lo lắng - đó không phải là một trạng thái bình tĩnh bên ngoài hay bên trong – mà chúng sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Và ngay cả khi mình không muốn bực bội, và tâm không điên rồ vì bị kẹt xe, thì mình vẫn cảm thấy ngột ngạt; bạn cảm thấy nặng nề. Không phải là bạn thấy nhẹ nhàng và thăng hoa vì bị kẹt xe, đúng không?

Vậy thì hãy quét dọn phòng, hoặc hút bụi, hay làm bất cứ điều gì, để làm cho mọi thứ gọn gàng và ngăn nắp. Tôi làm việc này mỗi ngày trong gian phòng mà tôi hành thiền, cũng như trong văn phòng, nơi mà tôi làm việc. Mỗi ngày, tôi đều làm việc đó mà không bao giờ quên, giống như bạn đánh răng. Trong khi bạn làm điều đó, thì đừng chỉ làm người lao công, mà còn cố gắng chuyển hóa nữa. Bạn không phải là lao công. Vì vậy, hãy tưởng tượng rằng đất cát hay bụi bậm là sự vô ý thức, cái gọi là vô minh, vô ý thức về thực tại, về nhân quả, vân vân, và cây chổi là sự hiểu biết về tánh Không. Rồi một khi bạn thu thập tất cả bụi bậm, thì hãy chuyển hóa nó thành cam lồ của trí bát nhã, sau đó là sự hiểu biết về tánh Không bằng OM AH HUM, rồi đưa nó vào trong miệng của Diêm Ma Vương (Yama), Thần Chết. Thần Chết là thùng rác.

Đó là phiên bản Thực Thụ của nó, như Tsenshap Serkong Rinpoche đã từng dạy, nhưng rõ ràng là điều đó không rất dễ thực hiện. Nếu như mình không có chút ít hiểu biết về tánh Không, và không hiểu toàn bộ quá trình chuyển hóa này trong Mật tông, thì có thể thấy nó hơi ngớ ngẩn, hay giả tạo. Vậy thì đâu là phiên bản sơ khởi, dễ chấp nhận hơn của pháp tu này, Pháp Nhẹ Nhàng (Dharma-lite) của hành trì này? Hãy đơn giản xem sự bẩn thỉu như là sự hôn trầm và hỗn loạn, vân vân, trong tâm trí và cảm xúc của bạn, và mình đang quét sạch điều đó với chánh kiến, rồi cố gắng có một thái độ tích cực hơn.

Nếu như bạn xem các chướng ngại, vân vân như kẻ thù khủng khiếp, và phóng đại chúng một cách tệ hại như thế nào, và “Khi rơi vào tâm trạng đó thì mình tệ hại như thế nào.”, thì điều này có thể tạo ra một vấn đề lớn. Đó là cảm giác tội lỗi. Nó giống như bụi bậm. “Bụi bậm rất kinh khủng. Ây da! Hãy đem nó ra khỏi đây.”. Đúng không? Điều được nêu ra ở đây là bạn sẽ chuyển hóa nó bằng cách nào đó. Vậy thì bạn nói rằng, “Được rồi, tôi có những trở ngại này, và có sự hôn trầm này”, và vân vân, nhưng theo một ý nghĩa nào đó thì người ta có... Làm sao để mô tả nó đây? Nó giống như là cảm giác bình đẳng. Tâm bình đẳng không có nghĩa là bạn không làm gì hết đối với điều đó, nhưng không buồn bực về nó.

Giống như ví dụ về nỗi khổ của tuổi già mà tôi đang trải qua, và điều gì sẽ xảy ra? Thị lực của bạn yếu đi. Thính giác của bạn giảm dần. Trí nhớ ngắn hạn của bạn yếu đi. Bạn bước vào một căn phòng, và quên mất là bạn đã vô trong đó để lấy cái gì. Còn tên của mọi người thì dẹp hết đi! Chúng rất khó nhớ. Bạn sẽ không nhớ tên người khác. Thế là bạn có thể nghĩ rằng “Ồ, thật là tệ hại”, và “Tôi quá tệ, vì đã quên trước quên sau, và cứ bị như vậy hoài”, rồi thì bạn tức giận với bản thân, và đó là tâm trạng rất tiêu cực. Nó dẫn đến chứng trầm cảm. Bạn phải làm gì đây? Thái độ hữu ích ở đây là “Không có gì đặc biệt. Tôi kỳ vọng điều gì khi già nua (già hơn)?”. Khi có thái độ thân thiện đối với việc này, thì bạn sẽ đối phó với nó, bù đắp và cố gắng sử dụng các thủ thuật nhỏ để ghi nhớ sự việc, vân vân.

Hướng dẫn riêng của tôi là để nhớ tên của người khác, thì tôi sẽ duyệt lại bảng chữ cái, và nói thầm trong đầu chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái, v.v., và thường là chữ cái mà tên của người đó bắt đầu sẽ nghe có vẻ quen thuộc, rồi thì tôi sẽ nhớ tên (không phải lúc nào tôi cũng nhớ được, nhưng phần nhiều thì sẽ nhớ), và lúc nào tôi cũng sử dụng cách này hết. Tôi nghĩ là nên chia sẻ điều đó với các bạn.

Vấn đề là sau đó thì bạn sẽ đối phó với nó bằng một thái độ thân thiện. Bạn sẽ áp dụng một số pháp đối trị. Đối với việc dọn dẹp phòng ốc thì cũng vậy. “Tôi đang dọn dẹp tất cả những sự hôn trầm này trong tâm mình, và cố gắng để giúp cho tâm trí bén nhạy, vân vân. Vậy thì cũng ổn thôi, tôi chấp nhận nó. Điều này sẽ hiện diện mỗi ngày.”. Bạn sẽ đối phó với nó, và ném nó ra. Điều đó sẽ chuyển hóa nó từ ý tưởng về việc gian phòng này quá tệ hại và bẩn thỉu, thành tâm trạng ích lợi hơn. Vậy thì đừng chỉ làm người lao công dọn dẹp.

Sách vở đề cập đến năm lợi ích:

1. Tâm mình sẽ trở nên sạch sẽ, trật tự và gọn gàng. Đây là những điều tôi đã giải thích.

2. Tâm trí của những người khác cũng sẽ được như vậy, khi bước vào phòng, vào không gian của bạn. Nên đó là cách tôn trọng người khác, những người có thể đến thăm bạn. Bạn không chỉ chào đón họ đến một nơi hỗn loạn và bụi bậm.

3. Chư Hộ Phật và Hộ Pháp sẽ hài lòng và hoan hỷ khi viếng thăm phòng của bạn. Nói cách khác là nếu như bạn đang mời một vị khách thật là đặc biệt như thầy của bạn, hay người nào thật là quan trọng (ví dụ như mẹ của bạn), thì bạn sẽ muốn dọn dẹp nhà cửa. Khi đến thăm bạn thì họ sẽ hài lòng hơn. Mình phải tôn trọng họ. Đúng không? Mẹ của bạn sẽ không hài lòng, nếu như bà đến căn hộ của bạn, và thấy nó là một nơi hoàn toàn hỗn độn và bẩn thỉu, nên chư Phật sẽ không hài lòng, khi bạn thỉnh mời các ngài trong pháp quán tưởng.

Hai lợi điểm cuối cùng thì hơi khó khăn, ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng:

4. Bạn sẽ tích lũy công đức để được tái sinh với một thân tướng đẹp đẽ.

5. Bạn sẽ tích tập công đức để được tái sinh trong một tịnh độ (dag-zhing).

Nói cách khác là nếu như bạn làm cho mọi thứ quanh mình trở nên rất dễ chịu, thì chính bạn cũng sẽ hài lòng về cách mà người khác nhìn bạn ra sao.

Chỉ còn một điểm cuối cùng là Đức Dalai Lama không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dọn dẹp này trước khi hành trì bất cứ pháp tu nào, mà còn nói rằng Ngài sẽ rửa tay và rửa mặt trước khi đọc một cuốn sách. Trước khi thực hiện bất cứ pháp thiền nào thì Ngài cũng rửa tay và rửa mặt, để tỏ lòng tôn trọng với những gì Ngài sẽ làm. Đây là một chỉ giáo rất hữu ích, đó là hãy thể hiện lòng tôn trọng, gọn gàng, sạch sẽ.

Sắp Xếp Các Biểu Tượng Thân, Khẩu, Ý Của Phật

Phần thứ hai của pháp tu dự bị đầu tiên này là trưng bày các biểu tượng thân, khẩu, ý của Phật. Chúng ta thường nghe điều này được dịch là “lập bàn thờ”. Tôi luôn thấy chữ bàn thờ hơi lạ. Nó xuất phát từ Cơ Đốc giáo, hoặc trong các tôn giáo mà họ tế thần một con cừu non, hay một con người ở trên bàn thờ, nên khi nghĩ về nó theo cách như vậy thì hơi buồn cười. Nhưng đúng hơn thì thuật ngữ được sử dụng là một cái kệ để cúng dường lễ vật, nên điều mà mình muốn làm là có một nơi tốt đẹp, sạch sẽ, tôn trọng. Bạn có thể thấy ở hầu hết các ngôi nhà tại Tây Tạng hay Mông Cổ luôn luôn có một nơi, không có chữ nào khác ngoài chữ bàn thờ, một nơi đặc biệt. 

Người ta có thể thắc mắc là lợi ích hay mục tiêu của việc này là gì. Đây là việc đại diện cho những đối tượng mà mình đang thể hiện lòng tôn trọng, các đối tượng đã nêu ra hướng đi, đó là quy y, phương hướng an toàn, mà mình muốn thể nhập, nên đó là điều nhắc nhở rất tốt. Cũng vì đó là đối tượng của lòng tôn trọng - trừ khi mình cư xử rất thô lỗ – nên tự nhiên là bạn sẽ hành xử đàng hoàng hơn một chút, trước sự hiện diện của những đối tượng này. Bạn sẽ không hút thuốc lá, say rượu và hành động một cách tệ hại.

Bây giờ, dĩ nhiên là rất khó để có một phòng thiền riêng, nếu bạn sống trong một gian phòng, hay túp lều ger của người Mông Cổ. Vậy thì ít nhất một phần của căn phòng nên là nơi để thờ phượng. Nhưng điều luôn được nhấn mạnh là không nên biến bàn thờ thành việc cạnh tranh, vì bạn cố gắng có bàn thờ tốt hơn, giàu sang hơn, tỉ mỉ hơn bàn thờ của người khác. Trên thực tế thì Đức Dalai Lama hoàn toàn chỉ trích các tu viện và chùa chiền cố gắng qua mặt nhau, và mọi người phải xây dựng một bàn thờ lớn nhất, công phu nhất, có nhiều lễ vật bằng vàng và châu báu nhất trên các tôn tượng, v.v... Dĩ nhiên là kinh sách nói rằng bạn sẽ tích tập công đức lớn lao khi làm như vậy, nhưng dù sao đi nữa thì điều đó thật sự rất là thô thiển, rất thiếu suy nghĩ, khi người Tây Tạng sống như người tị nạn, và sinh sống với những người Ấn Độ rất nghèo nàn. Vậy thì điều được đề nghị là nên có bàn thờ đơn giản và đẹp đẽ, thay vì trang trí công phu và tỉ mỉ.

Chính Serkong Rinpoche đã chống lại việc sử dụng những pháp khí trang trí công phu này, v.v... Khi chúng tôi đi du lịch khắp phương Tây, và Rinpoche phải ban lễ điểm đạo, thay vì có một chiếc bình trang trí rất công phu, thì ngài chỉ dùng một chai sữa hay bất cứ thứ gì mà người ta có. Bạn có thể chuyển hóa nó bằng cách nào đó trong pháp quán tưởng, miễn là bạn có một dụng cụ nào đó, thì không cần phải mang theo pháp khí gì rất mắc tiền và trang trí công phu. Nó chỉ làm cho người ta để ý, rồi ăn cắp nó thôi.

Hình thức truyền thống của điều này là đặt biểu tượng của Phật ở giữa. Nó có thể là một bức tranh, hay một bức tượng, bất cứ thứ gì mà mình có thể có - một bức tranh, một bức ảnh. (Ngày nay thì điều đó khá đơn giản. Bạn có thể in một tấm hình nào đó trên internet. Vậy thì không có lý do gì mà mình không thể tìm ra một cái gì đó.). Và món này sẽ được đặt ở giữa, rồi đến một quyển kinh sách bên phía tay mặt của Đức Phật (từ quan điểm của Đức Phật), và một bảo tháp hay chày và chuông bên trái của Đức Phật. Đức Phật sẽ đại diện cho thân; kinh sách đại diện cho lời nói của Phật; và bảo tháp, chày và chuông đại diện cho tâm thức. Và hãy nhớ rằng bạn không chỉ sắp xếp thứ gì để trang hoàng, mà hãy cố ghi nhớ chúng đại diện cho điều gì.

Người Tây Tạng luôn treo hình của chư đạo sư. Không nên đặt chư Phật ở giữa và các vị thầy ở bên cạnh. Đạo sư là cội nguồn của tất cả giáo pháp, nên các ngài nên là nhân vật trung tâm, hoặc cao hơn. Vấn đề là có một điều gì đó để nhắc nhở mình, khi ta bước vào phòng và nhìn thấy nó, về việc mình noi đi theo phương hướng nào trong đời sống, và đang cố gắng phát triển những phẩm chất trong thân, khẩu, ý của Phật.

Nếu chỉ có một phòng thôi, và bạn sẽ đặt bàn thờ trong phòng ngủ, nếu đó là phòng mà bạn ngủ trong đó, thì không nên để bàn thờ ở chân giường. Bạn biết mà, khi hai chân của mình hướng về phía bàn thờ. Điều đó được xem là thiếu tôn trọng. Vấn đề là thể hiện lòng tôn trọng. Vậy thì điều quan trọng là thể hiện lòng tôn trọng đối với điều này bằng bất cứ cách nào.

Có một điều về kinh sách, hay sách vở nói chung, là chúng không phải là cái bàn. Bạn không để những thứ khác lên trên đó, thậm chí không để mala, chuỗi tràng hạt của bạn lên trên kinh sách, và không để chúng trên sàn nhà. Nếu như bạn phải để kinh sách xuống đất, thì hãy lót một miếng vải, hay thứ gì đó bên dưới, để chúng không bị bẩn.

Top