Thấu Hiểu Tánh Không Với Mãnh Lực Bồ Đề Tâm

Bình Luận 

Chúng ta đang thảo luận về ba đạo lộ chính trong tâm thức. Đầu tiên là tâm xả ly, với một bước sơ khởi được bổ sung, hữu ích cho người Tây phương chúng ta, đó là quay lưng với tâm mê đắm sự thỏa mãn tức thời và quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra với mình về sau trong kiếp này và những thế hệ tương lai.

Rồi thì đến việc quay lưng với tâm mê đắm kiếp này, thay vì vậy, thì mối quan tâm chính là những kiếp sau, và đảm bảo mình sẽ tiếp tục có được kiếp người quý báu và cơ hội để tiếp tục đường tu. Kế đó, ta sẽ quay lưng với tâm mê đắm những kiếp tương lai, thay vì vậy, thì mối quan tâm chính của mình là hoàn toàn thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi tái sinh cứ tái diễn một cách bất tự chủ.

Nếu muốn chăm lo cho điều gì sẽ xảy ra sau này trong đời, thì phải kềm chế hành vi tiêu cực, hành xử một cách xây dựng, và đưa phương hướng tích cực và ý nghĩa vào trong đời sống, và đó là phương hướng an toàn của việc quy y Phật, Pháp, Tăng. Chúng ta cũng phải làm như vậy đối với việc quay lưng với tâm mê đắm kiếp này và quan tâm đến những kiếp tương lai. Điều này có lý hơn một chút, bởi vì sự chín muồi của hành vi của mình trong đời này thường không xảy ra trong kiếp này, mà xảy ra trong những kiếp tương lai.

Để hoàn toàn thoát khỏi sự tái sinh cứ tái diễn một cách bất tự chủ, thì không chỉ phải đoạn trừ tâm vô minh về nhân quả này, mà còn phải đoạn trừ vô minh về thực tại – chúng ta tồn tại như thế nào, người khác tồn tại như thế nào, và theo trường phái Phật giáo tinh vi nhất, thì đó là vô minh về thực tại của vạn pháp. Với sự hiểu biết về tánh Không như vậy, ta có thể vĩnh viễn đoạn trừ cái gọi là ám chướng ngăn cản giải thoát. Nói về mặt kỹ thuật thì những ám chướng này được gọi là “ám chướng là cảm xúc và thái độ phiền não”, chúng là phiền não chướng.

Chân Diệt Của Ám Chướng Ngăn Trở Giải Thoát

Khi nhìn vào trạng thái đã đoạn trừ các ám chướng này – trong Tứ diệu đế mà Đức Phật dạy thì điều này nói về diệu đế thứ ba, chân diệt của những ám chướng này – chúng được thành tựu bằng chân đạo trong tâm, diệu đế thứ tư. Điều này đòi hỏi nhiều loại hiểu biết, nhiều cách giao tiếp và ứng xử khác nhau tiếp nối sau đó. Nhưng chủ yếu thì chân đạo quan trọng nhất trong tâm là nhận thức vô niệm về tánh Không – và không chỉ lần đầu tiên mình có nhận thức đó. Mình phải hoàn toàn quen thuộc với nó, để giúp ta thoát khỏi những ám chướng này, vốn xảy ra theo các giai đoạn.

Hai diệu đế này, các diệt đế được thành tựu bằng chân đế trong tâm, tạo thành việc quy y Pháp. Nói cách khác thì đây là Pháp Bảo mà chúng ta đang nhắm vào để thành tựu. Khi quy y, chúng ta sẽ đưa phương hướng đó vào trong đời sống, để đi đến việc thành tựu chúng.

Giờ đây, các chân diệt và chân đạo này không chỉ tồn tại đâu đó ở trên trời, mà vị trí của chúng là ở trong một dòng tâm thức. Dòng tâm thức mà trong đó chúng tồn tại một cách viên mãn là của chư Phật, nên chúng ta có Phật Bảo, quy y Phật. Chư Phật chỉ cho chúng ta cách tự mình thành tựu các chân đạo và chân diệt này bằng giáo huấn của chư vị, và cũng bằng tấm gương của mình.

Những người đang ở nửa đường, những vị đã đạt được một vài chân diệt, nhưng chưa phải là toàn bộ chân diệt, là các bậc thánh nhân. Chư vị đã có nhận thức vô niệm về tánh Không, nhưng chưa hoàn toàn quen thuộc với nó; mà chỉ thành tựu các chân diệt và chân đạo đầu, và chỉ đạt được một số, chứ không phải toàn bộ. Các ngài tạo ra Tăng Bảo, quy y Tăng. Ba Điều Quý Hiếm này là cái mà chữ “bảo châu” trong Tạng ngữ thật sự ngụ ý, là điều nêu ra cho mình phương hướng an toàn để áp dụng trong đời sống, đó là trở nên giống như họ.

Nếu muốn thành tựu giải thoát thì điều thiết yếu là phải noi theo các chỉ giáo và giáo huấn trên đường tu, cũng như kềm chế ác hạnh. Khi kềm chế ác hạnh thì không phải vì mình không muốn phạm luật - luật thiêng liêng hay dân sự - mà vì mình có một chút hiểu biết về nhân quả và mức độ sâu hơn về thực tại. Chúng ta muốn kềm chế những hành vi tiêu cực, để có thể đạt được hoàn cảnh thuận lợi là kết quả, để có thể đi trọn đường tu và tự mình thành tựu Tam Bảo.

Khi thành tựu giải thoát, chúng ta chỉ mới đoạn trừ ám chướng đầu tiên, đó là những cảm xúc, thái độ phiền não và khuynh hướng của chúng (phiền não chướng). Chúng ta đạt được trạng thái đó, chân diệt đó, trong số ba đạo lộ trong tâm, thì đó là nhờ tâm xả ly và chánh kiến về tánh Không. Đương nhiên, là nền tảng cơ bản để có thể áp dụng chúng, thì mình phải có giới vô lậu học và định vô lậu học.

Thấu Hiểu Tánh Không Về Mặt Quy Gán Trong Tâm

Tâm thấu hiểu tánh Không ở đây là tâm có mãnh lực xả ly ở đằng sau. Là mãnh lực đằng sau sự hiểu biết đó, tâm từ bỏ là động lực theo cả hai nghĩa về cảm xúc thúc đẩy: chúng ta chán ghét và chán ngán nỗi khổ của mình, và mục tiêu thúc đẩy, đó là thành tựu giải thoát.

Khi nói về tánh Không, chúng ta đã lưu ý vì tập khí vô minh này mà tâm mình phóng chiếu hiện tướng về những cách tồn tại bất khả. Nó sẽ xuất hiện và có cảm giác như thể tất cả mọi thứ – tôi, bạn, và mọi thứ mà mình gặp – nói một cách đơn giản nhất, đều có đường viền xung quanh, từ chính phía của chúng, biến chúng thành một vật rắn chắc. Ngay cả khi hiểu rằng mọi thứ đều liên quan với nhau và phụ thuộc lẫn nhau, ta vẫn có xu hướng nghĩ rằng những thứ phụ thuộc lẫn nhau đều có những đường viền vững chắc xung quanh chúng, rằng chúng là những thứ riêng biệt, độc lập.

Tất nhiên, chúng ta phải hiểu sâu hơn một chút điều đó có nghĩa gì, nhưng hiện tại, hãy để nó ở mức đơn giản này. Tâm ta phóng chiếu cái gọi là “hiện tướng của sự tồn tại chân thật”. Rồi thì vì vô minh và mê lầm mà tâm mình cho rằng sự phóng chiếu hay hiện tướng của sự tồn tại chân thật tương ứng với cách mà các pháp thật sự tồn tại, và điều đó được gọi là “bám chấp vào sự tồn tại chân thật”. Với giải thoát, ta sẽ đoạn diệt tâm bám chấp vào sự tồn tại chân thật này và tâm vô minh hỗ trợ nó, để không còn tin vào thứ rác rưởi mà tâm mình phóng chiếu, hiện tướng lừa dối này; không còn bị nó lừa gạt nữa.

Tuy nhiên, thậm chí là một bậc giải thoát, một vị A-la-hán, thì tâm mình vẫn phóng chiếu những hiện tướng lừa dối này; nó vẫn phóng chiếu những đường viền bao quanh các thứ. Đừng chỉ nghĩ về điều này theo khái niệm “cái bàn”, với đường viền xung quanh “cái bàn”. Hãy nghĩ về bạn bè, kẻ thù, tình yêu, tâm sân hận và những thứ tương tự. Chúng có vẻ giống như các thứ, phải không, với những đường viền bao quanh, với định nghĩa xuất phát từ phía chúng. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ thì tất nhiên đó là hiện tướng lừa dối; đó là điều bất khả. Hoàn toàn không có điều này, hoàn toàn không có điều này, tương ứng với bất cứ điều gì chân thật.

Chúng ta có thể hiểu điều này qua mô hình này. Nếu nghĩ về cảm xúc thì có hàng loạt kinh nghiệm. Không chỉ là kinh nghiệm của con người; mà loài thú cũng có cảm xúc. Nếu nghĩ về những người sống trong hang, khi bắt đầu hình thành ngôn ngữ, họ đã tập họp thành nhóm, một loại ủy ban, và đặt ra chữ từ những âm thanh vô nghĩa, cái mà ta có thể gọi là “mô hình âm thanh”. Đây chỉ là những âm thanh tùy tiện mà họ có thể tạo ra, và như thể họ lấy con dao cắt xẻ toàn bộ chuỗi cảm xúc đó và đặt đường viền quanh một loại cảm xúc từ ranh giới này đến ranh giới kia, đặt cho nó định nghĩa, và gán cho nó một dạng âm thanh như một từ ngữ.

Họ quyết định rằng những âm thanh vô nghĩa này có nghĩa là điều gì được xác định bằng định nghĩa này. Họ đề cập đến phần này trong trải nghiệm thông thường của con người. Nó không nhất thiết chỉ là những phần kinh nghiệm của con người, bởi vì rõ ràng loài chó cũng có những cảm xúc mà những từ này đề cập đến. Vì những người khác nhau có giọng nói khác nhau khi phát âm những âm thanh này, nên họ quy định các phạm trù âm thanh cho mỗi một từ, để khi bất kỳ ai thốt ra những âm thanh này bằng giọng của họ, thì người ta có thể hiểu rằng họ đang nói cùng một chữ. Hơn nữa, vì những người khác nhau trải nghiệm những điều tương tự có những đặc điểm giống nhau, nên họ đã hình thành các phạm trù ý nghĩa phù hợp với chúng như điều mà phạm trù âm thanh đang đề cập đến. Dựa vào cách này, họ đã xây dựng các phạm trù âm thanh và ý nghĩa như những quy ước khái niệm.

Những thứ được gọi là “quy ước” này là sự tạo tác tinh thần thuần túy, được tạo ra để thuận tiện cho việc giao tiếp, hoàn toàn do tâm khái niệm phát minh ra, vì mục tiêu giao tiếp. Chúng rất hữu ích, khi chúng hoạt động, làm việc, chúng truyền đạt, nhưng mỗi nhóm người sống trong hang chia hàng loạt kinh nghiệm của con người thành những phần khác nhau, và gán cho chúng những mẫu âm thanh khác nhau, và định nghĩa những phần nhỏ đó theo cách khác nhau. Họ tìm kiếm một số đặc điểm mà họ có thể sử dụng để định nghĩa chúng; đặt ra điều đó và chọn nó. Dựa vào cách này, chúng ta có các ngôn ngữ khác nhau, từ ngữ khác nhau, khái niệm khác nhau, quy ước khác nhau.

Đương nhiên, những quy ước này không tương ứng với nhau, từ nhóm sống trong hang này đến nhóm sống trong hang khác. Tất cả mọi người đã phân chia chuỗi kinh nghiêm ở những điểm khác nhau, tạo ra ranh giới khác nhau giữa các phạm trù ngôn từ. Ví dụ: chúng ta có "ganh tỵ" và "thèm muốn", tất nhiên, trong tiếng Anh có ý nghĩa rất khác với ý nghĩa của các từ ngữ trong tiếng Tây Ban Nha. Hơn nữa, cả hai đều có ý nghĩa khác nhau, ranh giới khác nhau với ý nghĩa của những chữ tương ứng trong tiếng Đức. Những từ này hoàn toàn không tương ứng với thuật ngữ Tây Tạng, thường được dịch là “ganh tỵ”. Thật là rắc rối. Các định nghĩa hơi khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau.

Điều rất thú vị là, ngoài các phạm trù âm thanh và phạm trù ý nghĩa này, còn có “phạm trù đối tượng”. Bất cứ ai có kinh nghiệm nào đó, thì họ đang trải nghiệm một điều, ganh tỵ. Tất nhiên, sự ganh tỵ đó có vẻ là điều từ chính phía nó mà mình trải nghiệm, đúng không? Đó là điều mà tôi đang đề cập đến với cụm từ, “như thể nó có đường viền bao quanh,” nhưng không có gì từ phía sự ganh tỵ này đang thiết lập nó từ phía chính nó. Chỉ có hàng loạt cảm giác và cảm xúc tinh thần.

Ganh tỵ là điều gì chỉ phát sinh dựa vào ngôn từ và khái niệm. Ngôn từ và khái niệm “ganh tỵ” được một số người trong hang động phát minh như một quy ước. Phạm trù âm thanh và phạm trù đối tượng đó đề cập đến điều gì đó; chứ không phải không đề cập đến điều gì cả. Chúng đề cập đến điều gì? Chúng đề cập đến lòng ganh tỵ, nhưng đối tượng ám chỉ đó, lòng ganh tỵ, không phải là thứ mà ta có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào, bởi vì không có điều gì tồn tại với đường viền quanh nó như một vật. Nó giống như ảo ảnh rằng lòng ganh tỵ có vẻ là một thứ có đường viền bao quanh, nhưng nó không thật sự là thứ có thể được tìm thấy. Điều này đặc biệt đúng, nếu ta nghĩ đến mỗi khi mình cảm thấy ganh tỵ, hay mỗi khi có ai đó cảm thấy ganh tỵ, kể cả con chó. Nó ở đâu? Nó là gì? Dù sao đi nữa, dù nó giống như ảo ảnh – đây là một từ rất quan trọng – nhưng nó hoạt động; chúng ta trải nghiệm nó, con chó trải nghiệm nó, và điều đó khiến cả hai chúng ta đều không vui.

Điều duy nhất chứng minh rằng có một thứ gọi là ganh tỵ là sự thật là có một từ dành cho nó và một khái niệm dành cho nó, và chúng đề cập đến điều gì đó. Chúng ta không thể tìm ra điều gì tương ứng với chúng, và chứng minh rằng lòng ganh tỵ tồn tại, bằng cách chỉ vào nó, “Nó ở đó với đường viền bao quanh.”. Nếu muốn nó tồn tại như vậy, và có thể thiết lập sự tồn tại của nó như thế từ chính phía nó là điều bất khả. Hoàn toàn không có điều đó. Đó chính là điều mà Không tướng nói đến; trống rỗng, thường được gọi là “tánh Không” hơn, là sự vắng mặt hoàn toàn đó. Rõ ràng là nếu điều này mới mẻ đối với bạn, thì phải nghiền ngẫm một thời gian dài để hiểu nó.

Chân Diệt Của Các Ám Chướng Ngăn Trở Tâm Toàn Tri

Bây giờ, nếu như đã được giải thoát, thì dù tâm mình tạo ra bề ngoài của vạn pháp như những thứ có những đường viền bao quanh, nhưng ta lại không tin mọi thứ thật sự là như vậy. Chúng ta hiểu rằng không có gì có thể hoạt động, nếu như nó có đường viền bao quanh. Chẳng hạn như việc có đường viền bao quanh nó sẽ giống như nó được bọc trong nhựa cứng, biến nó thành một vật. Ví dụ, nếu hai vật được bao bọc và đông đặc trong nhựa cứng, thì làm sao chúng có thể tương tác với nhau? Làm sao một cái có thể là nhân và cái kia có thể là quả từ cái nhân đó? Chúng chỉ đông đặc ở đó, giống như những thứ được vẽ trên sách tô màu. Không có gì có thể hoạt động. Là một bậc giải thoát, A-la-hán, chúng ta hiểu điều đó, nên không tin vào thứ rác rưởi mà tâm mình phóng chiếu; tuy nhiên, không thể ngăn tâm mình phóng chiếu ra nó.

Vấn đề với kiểu phóng chiếu này là gì? Vấn đề ở đây là hiện giờ tâm mình rất hạn hẹp về những điều nó có thể hiểu, những gì nó có thể bao gồm. Ví dụ mà tôi thường sử dụng là với kiểu phóng chiếu này, thì nhận thức của mình về vũ trụ giống như nhìn qua kính tiềm vọng. Nó rất hạn chế. Chúng ta chỉ thấy các thứ. Tầm nhìn của mình rất ít, và tầm hiểu biết cũng rất hạn hẹp. Chúng ta nói điều đó theo ngôn ngữ thông tục là "Bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì trước mũi của mình.".

Điều này ngăn cản mình giúp đỡ mọi người theo cách tốt nhất, bởi vì nếu như nghĩ về vô thỉ và vô lượng chúng sinh - nhưng hữu hạn, dù là cực kỳ to lớn - nếu muốn biết cách tạo lợi lạc dù chỉ cho một chúng sinh nào đó, thì mình phải hiểu họ đang ở đâu, mức độ vấn đề của họ là gì, v.v... Chúng ta phải hiểu tất cả mọi việc đã từng xảy ra trước đây trong toàn vũ trụ, cách nó ảnh hưởng đến dòng tâm thức cụ thể này như thế nào, tất cả các nguyên nhân khiến cho tại sao hiện giờ họ lại trở nên như vậy. Nếu như muốn dạy họ điều gì, tạo lợi lạc cho họ và giúp họ thành tựu giải thoát và giác ngộ, nếu muốn quyết định dạy họ điều gì hiệu quả nhất, thì thật sự phải biết hệ quả của việc dạy cho người này bài Pháp cụ thể này.

Dĩ nhiên, người mà chúng ta dạy sẽ không tồn tại với đường viền vững chắc xung quanh họ, chẳng bao giờ tương tác với ai khác trong tương lai. Chúng sinh này sẽ tương tác với người khác từ giờ cho đến khi thành tựu giác ngộ và thậm chí sau đó nữa, bị ảnh hưởng vì những điều mình dạy, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người mà người này gặp. Để có thể tạo lợi lạc cho bất cứ người nào một cách trọn vẹn nhất, ta phải có dạng tâm thức hiểu biết tất cả những điều này, tâm toàn tri, tâm của một vị Phật.

Chúng ta phải có dạng tâm thức này, để thật sự biết cách giúp đỡ tha nhân. Nếu không thì mình chỉ nhìn qua kính tiềm vọng; chỉ nhìn thấy những gì ở trước mũi mình. Phải khiến cho tâm mình ngưng phóng chiếu những đường viền quanh vạn pháp; nếu không thì sẽ không bao giờ nhìn thấy toàn bộ phạm vi nhân quả và mối tương quan của vạn pháp đã từng tồn tại hay sẽ tồn tại. Đây là hạn chế bắt nguồn từ sự phóng chiếu của những đường viền này, xuất phát từ tập khí chấp vào sự tồn tại chân thật, tập khí tin rằng những đường viền này là thật.

Đó là các ám chướng ngăn cản tâm giác ngộ, tâm toàn tri. Chúng được gọi là “ám chướng về vạn pháp”, sở tri chướng. Điều mà ta muốn làm là thành tựu sự chân diệt của loạt ám chướng thứ hai này. Nếu có thể thành tựu được chân diệt đó, thì ta sẽ thành Phật. Cùng với tâm toàn tri mà mình sẽ thành tựu thì sẽ có một thân vô hạn. Về mặt năng lượng thì ta có thể hiển lộ bất cứ sắc tướng nào, và giao tiếp bằng bất cứ ngôn ngữ nào. Chúng ta sẽ thành tựu thân, khẩu, ý giác ngộ của một vị Phật.

Nói một cách chi tiết hơn, tâm vô hạn ấy sẽ tạo ra năng lượng vô hạn của tâm thức ấy, rồi có thể hiển lộ trong bất kỳ sắc tướng nào, nên ta có vô lượng thân tướng hay biểu hiện. Năng lượng đó rung động, được gọi là âm thanh vi tế, đó là sự giao tiếp, là lời nói. Sự rung động của năng lượng cũng trở nên vô hạn. Năng lượng có thể biểu hiện dưới mọi hình thức và sự rung động của năng lượng đó, đó là sự giao tiếp, lời nói có thể giao tiếp theo bất cứ hình thức nào.

Chân đạo nào trong tâm thức sẽ mang lại chân diệt thứ hai này? Đó lại là nhận thức vô niệm về tánh Không, hiện đang được nắm giữ bằng mãnh lực của bồ đề tâm.

Một điều tôi nên bổ sung là trạng thái giác ngộ đó không phải là trạng thái toàn năng. Nó có những khả năng khó tưởng tượng được, nhưng một trong những số đó không phải là toàn năng. Toàn năng sẽ là điều không tuân theo luật nhân quả, theo cách là một đấng toàn năng có thể làm bất cứ điều gì mà không cần bất cứ nguyên nhân nào. Ngài Tông Khách Ba nói rất rõ ràng trong sách rằng “luật nhân quả không bao giờ sai chạy”, không bao giờ bị vi phạm; vạn pháp chỉ xảy ra vì tác nhân.

Một vị Phật có thể giảng dạy, một vị Phật có thể truyền cảm hứng, một vị Phật có thể giải thích, nhưng không thể hiểu giùm mình. Chúng ta phải tự hiểu, và nếu muốn hiểu thì phải tiếp thu và tạo tác nhân duyên. Chúng ta chỉ có thể đoạn trừ vô minh và dựa vào đó, đoạn trừ nỗi khổ bằng sự hiểu biết của chính mình.

Điều sẽ đoạn trừ ám chướng thứ hai cũng là sự thấu hiểu điều sẽ đoạn diệt ám chướng đầu tiên. Sự khác biệt duy nhất là động lực tạo ra năng lượng phía sau nó – tâm xả ly đối với ám chướng ngăn cản giải thoát, và bồ đề tâm đối với ám chướng ngăn cản tâm toàn tri. Điều này dựa trên lý thuyết tinh vi nhất, Prasangika. Có nhiều mức độ lý thuyết và giải thích khác nhau mà tôi sẽ không đi sâu vào, nhưng mức độ phức tạp nhất được gọi là Trung Quán Cụ Duyên (Prasangika Madhyamaka). Nói cách khác thì sự hiểu biết đoạn trừ cả hai loại ám chướng này là nhận thức vô niệm về tánh Không, nhận thức rằng tất cả những sự phóng chiếu về các pháp bị bao bọc này không tương ứng với bất cứ điều gì có thật.

Khi chú tâm vào “Điều này không tương ứng với bất cứ điều gì có thật”, một cách vô niệm, thì mình đang chú tâm vào sự vắng mặt hoàn toàn. Trong sự vắng mặt hoàn toàn đó, thì sự phóng chiếu này không có mặt ở đó. Không những niềm tin không có mặt ở đó, mà cả sự phóng chiếu cũng không có luôn. Chúng ta chỉ hoàn toàn chú tâm vô niệm, nghĩa là không thông qua phạm trù nào đó, như chữ “tánh Không” hay tâm ảnh nào đó, mà chỉ chú tâm vô niệm vào “Không có cái gì như vậy”, sự vắng mặt của nó theo cách này.

Khi đạt được điều đó, thì đó là trạng thái thánh nhân (arya). “Arya” là “bậc cao quý”, nhưng đó là một thuật ngữ hơi ngớ ngẩn, nên tôi dịch nó là “bậc chứng ngộ cao”. Nó không liên hệ gì đến tầng lớp quý tộc. Một thánh nhân không thể luôn luôn an trụ trong “đại định” như cách nó được gọi, mà phải thoát ra khỏi trạng thái đó, phải ăn, phải đi vệ sinh và tham gia nhiều công hạnh để làm lợi lạc tha nhân. Tuy nhiên, trong khi làm tất cả những điều này thì vị thánh nhân này vẫn có tập khí phóng chiếu hiện tướng của sự tồn tại chân thật, bởi vì đó là điều mà tâm thức sẽ tự động làm việc, khi không nhập định trong sự vắng bóng của điều này.

Nếu có thể an trụ trong đại định, trong sự vắng bóng hoàn toàn này trong mọi lúc, mãi mãi, không bao giờ thoát ra khỏi đó, đồng thời giúp đỡ người khác và làm đủ mọi việc để tạo lợi lạc cho tha nhân, chứ không cứ ngồi thiền, nếu có thể làm được điều này thì mình đã đoạn trừ được tập khí phóng chiếu tính tồn tại chân thật, vì nó không thể quay lại nữa. Chúng ta không bao giờ ra khỏi đại định. Đó là trạng thái Phật quả.

Tập khí là gì? Tất cả những gì mình có thể nói là có những ví dụ về những sự kiện giống nhau, chẳng hạn như uống những tách cà phê. Làm thế nào để có thể kết hợp chúng lại với nhau, để đề cập đến trình tự cứ tái diễn, để truyền đạt nó, để nghĩ về nó, v.v...? Chúng ta sẽ kết nối các điểm của từng sự kiện trong đầu, tạo ra một điểm trừu tượng trong đầu, và đó là một tập khí. Tất nhiên là không có giới hạn nào xung quanh một tập khí. Đó là một pháp quy ước giúp ta đề cập đến một loạt sự kiện giống nhau.

Thế thì, miễn là một sự kiện tương tự có thể tái diễn trong tương lai, miễn là điều này có thể xảy ra, thì có thể nói rằng vẫn còn một tập khí như một pháp quy gán trong dòng tâm thức. Pháp quy gán là pháp được gắn liền với một nền tảng - trong trường hợp này là một dòng tâm thức - và không thể tồn tại hay được tri giác khi tách rời khỏi nền tảng đó. Chừng nào còn có khả năng xảy ra một sự kiện tương tự khác, thì mình vẫn còn tập khí, và nó có thể tạo ra sự tái diễn của sự kiện tương tự trong tương lai.

Nếu một sự kiện tương tự không thể tái diễn trong tương lai, thì tất cả những gì mình có thể nói là một tập khí trong quá khứ, “Tôi không còn thói quen đó nữa”. Đó là cách chúng ta thoát khỏi tập khí. Tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này, nhưng đó là cách tịnh hóa nghiệp. Với sự hiểu biết về tánh Không, ta sẽ đoạn trừ tập khí phóng chiếu sự tồn tại chân thật và tạo nghiệp.

Bồ Đề Tâm: Hướng Về Tâm Giác Ngộ Chưa Xảy Ra 

Hãy nhớ là chúng ta đã nói về tâm xả ly như động lực thúc đẩy đằng sau hiểu biết về tánh Không, mang lại cho nó đủ sức mạnh hay mãnh lực để có thể đoạn trừ ám chướng đầu tiên, đoạn diệt các phiền não như sân hận, tham lam, si mê, v.v... và thành tựu giải thoát. Tuy nhiên, năng lượng này không đủ; không đủ sức mạnh để sự hiểu biết vô niệm về tánh Không có thể cắt đứt ám chướng thứ hai và chú tâm mãi mãi vào sự vắng mặt hoàn toàn của sự tồn tại đích thực, được thiết lập một cách độc lập này và vẫn mang lại lợi ích cho mọi người. Nó không có đủ năng lượng để duy trì trạng thái ấy. Cách duy nhất nó có thể làm được điều đó là với bồ đề tâm.

Bồ đề tâm là tâm hướng về giác ngộ. Nó không nhắm vào phạm trù “giác ngộ”, một thứ chung chung như một phạm trù, và chắc chắn nó không nhắm vào đó như một vật. Nó không nhắm vào sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; mà nhắm vào giác ngộ trong tương lai của chính mình, được gọi là - phải rất cẩn thận về ngữ pháp và nói đúng - sự giác ngộ “chưa xảy ra” của cá nhân mình, đó là một pháp quy gán trên nền tảng dòng tâm thức của mình.

Chúng ta cần phải hiểu những điều “chưa xảy ra”, chẳng hạn như lễ Giáng Sinh năm nay chưa xảy ra. Có thể khái niệm hóa một Giáng sinh chưa xảy ra, đúng không? Đó là một khái niệm, và mình không thật sự biết nó theo chi tiết một cách rõ ràng. Lễ Giáng sinh chưa xảy ra đó hiện giờ không diễn ra, phải không? Nó không xảy ra ở một nơi nào đó trong một chiều không gian khác, mà đang đến gần hơn, và sau đó sẽ xảy ra ở đây, đúng không? Dù sao đi nữa, chúng ta có thể nghĩ về một Giáng sinh chưa xảy ra, và có thể đi mua sắm, chuẩn bị đủ mọi thứ, để cho Giáng sinh chưa xảy ra đó sẽ biến thành một Giáng sinh đang xảy ra.

Không phải là có một Giáng sinh tồn tại với một đường viền lớn xung quanh, rồi có thể được mô tả là “chưa xảy ra”, hay “hiện đang xảy ra”, hoặc “không còn xảy ra nữa”. Đừng dùng từ ngữ Tây phương như “tương lai” và “quá khứ”, vì chúng rất dễ tạo ra hiểu lầm. Những Giáng sinh chưa xảy ra, đang xảy ra và không còn xảy ra nữa không phải là cùng một lễ Giáng sinh tồn tại một cách vững chắc và trôi qua theo thời gian. Không phải chúng là một thứ vững chắc.

Bồ đề tâm chú trọng vào điều gì? Nó chú trọng vào sự giác ngộ chưa xảy ra, mà có thể xảy ra một cách xác thực sau này, trong dòng tâm thức của mình. Tuy nhiên, nó sẽ không tự nó xảy ra; nó không giống như cái chết của chúng ta, mỗi một sát na, bất kể mình làm gì, sẽ tự động xảy ra. Sự giác ngộ chưa xảy ra đó sẽ không tự động xảy ra. Chúng ta phải hạ thủ công phu và tu tập để đoạn trừ những ám chướng này. Nền tảng tu tập có mặt ở đó, và những yếu tố mình cần cũng có ở đó. Chúng tạo thành cái gọi là các yếu tố “Phật tánh” của mình. Dựa trên dòng tâm thức của mình trong thời điểm hiện tại, điều duy nhất đang xảy ra lúc này, và tất cả các yếu tố Phật tánh là một phần của nó, sự giác ngộ chưa xảy ra nhưng có thể được thành tựu là một pháp quy gán có thể được tri giác một cách xác thực.

Bồ đề tâm được hai chủ ý đi kèm. Trước tiên là ước nguyện và chủ ý thành tựu nó. Chúng ta được thúc đẩy bằng lòng từ và lòng bi, và muốn có khả năng tạo lợi lạc cho tất cả mọi người, giúp họ thoát khổ, vì vậy mà nhận ra rằng cách duy nhất để làm được điều đó một cách trọn vẹn nhất là thành tựu giác ngộ, hay nói cách khác là thoát khỏi tầm nhìn ngu ngốc bằng kính tiềm vọng này; nên ta nhắm vào việc thành tựu giác ngộ. Chủ ý thứ hai là câu trả lời phát sinh từ việc tự vấn mình: “Mình sẽ làm gì sau khi đạt được trạng thái đó?”. Ta sẽ giúp đỡ tất cả mọi người càng nhiều càng tốt.

Chúng ta nhắm vào hay chú trọng vào trạng thái giác ngộ chưa xảy ra, trạng thái mà hoàn toàn không có tâm bám chấp vào chân hiện hữu trong đó, mà còn là sự vắng bóng của hiện tướng của chân hiện hữu trong tâm mình, và trạng thái khi mình luôn luôn có điều đó. Nếu muốn đi đến mức đó thì phải hiểu và tin chắc là mình có thể thành tựu trạng thái đó, về mặt dòng tâm thức của mình, về mặt của điều mà mình thường gọi là “tâm”.

Tâm Là Gì?

Chúng ta có ý gì khi nói về tâm? Đó không phải là một chủ đề dễ dàng. Không mất hàng giờ để giải thích, chúng ta đang nói về hoạt động tinh thần (tâm hành). Nó có thể được mô tả về mặt tất cả những thứ điện lực và hóa học đang diễn ra, nhưng chúng ta đang nói về chính hoạt động đó từ quan điểm nó là một trải nghiệm cá nhân, chủ quan về mọi thứ. Đó là một hoạt động. Chúng ta đang trải nghiệm; nó không phải là danh từ “trải nghiệm”.

Nó không giống như “Tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm” và “Người này có nhiều kinh nghiệm”. Chúng ta đang trải nghiệm, động từ. Chúng ta không nói về một điều gì; chúng ta đang nói về điều gì đó đang xảy ra trong mỗi một sát na này đến sát na khác. Chúng ta không nói về những trải nghiệm mà mình thu thập được trong một chiếc hộp. Điều này rất quan trọng để hiểu và phải cẩn thận để không có ý tưởng sai lầm, dựa trên điểm chính xác này.

Hoạt động này đang diễn ra mọi lúc. Hoạt động đó là gì? Nó có thể được mô tả bằng hai quan điểm. Một là sự xuất hiện của một hình tướng. Ngoại hình không chỉ là hình ảnh. Sự xuất hiện này giống như một tâm ảnh ba chiều. Nếu chúng ta nghĩ về nó, thì nó khá rõ ràng. Trong tầm nhìn, có tất cả những điểm ảnh (pixel) của ánh sáng chạm vào các tế bào khác nhau của võng mạc, và chúng gởi thông tin về điện, và mình thấy một tâm ảnh ba chiều; chứ không chỉ thấy các điểm ảnh của ánh sáng hay phóng điện. Đó là một tâm ảnh ba chiều.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với thính giác hay bất kỳ giác quan nào khác. Trong bất kỳ một phần ngàn giây nào khi nghe lời nói, tất cả những gì mình nghe được là âm thanh của một nguyên âm hoặc phụ âm. Đó là tất cả những gì mình nghe thấy ở một thời điểm, tuy nhiên mình lại tạo ra một tâm ảnh ba chiều không chỉ của nguyên một từ, mà còn của nguyên một câu, và hiểu ý nghĩa của nó. Điều đó xảy ra nhờ một tâm ảnh ba chiều. Chúng ta không thể nghe nguyên câu trong một phần ngàn giây trong cùng một lúc. Đó là cách chúng ta hiểu ngôn ngữ, nhờ việc tạo ra tâm ảnh ba chiều trọn vẹn, dù mỗi lần chỉ có một âm thanh xuất hiện, và ở một thời điểm thì mình chỉ nghe được một âm thanh thôi. Thật là kỳ quái, phải không?

Trong trường hợp nào đi nữa, đó là một khía cạnh của tâm hành. Nó cũng có thể được mô tả về sự chú tâm đến một đối tượng.” Đó là cái thấy, đó là cái nghe, đó là suy nghĩ. Không phải là một ý nghĩ như cái gì phát sinh, rồi mình nghĩ về nó. Tâm hành này hay sự phát sinh của một tâm ảnh ba chiều tương đương với việc nhận thức điều gì, và đó là tất cả những gì đang xảy ra. Không có cái tôi riêng rẽ nào có đường viền bao quanh nó, riêng biệt với ý niệm này, khiến nó xảy ra bằng cách sử dụng một tâm thức, giống như cỗ máy có đường viền bao quanh, nhấn nút và “Bây giờ tôi sẽ nghĩ về ý tưởng này,” dù nó có vẻ như vậy, có cảm giác như thế. Cách mà ý niệm xảy ra như thế là điều bất khả.

Tâm hành luôn luôn diễn ra với sự tạo tác các tâm ảnh ba chiều. Thông thường, nó là sự tạo tác của hiện hữu chân thật, của những thứ có đường viền bao quanh, và sự tri giác của mình là chúng ta thấy nó, nghe nó hoặc nghĩ về nó. Tuy nhiên, nó đi kèm với vô minh; chúng ta không biết rằng nó không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật.

Bây giờ, có phải tâm vô minh đó là cái mà ta gọi là một phần trong bản tánh của tâm hành? Nói cách khác, đó có phải là điều gì luôn luôn phải có mặt ở đó không? Không. Tại sao? Bởi vì nó có thể được thay thế bằng điều gì hoàn toàn đối lập với nó; nói cách khác, một tâm hành mà không có sự xuất hiện của sự tồn tại chân thật trong đó, và không tin rằng nó tương ứng với thực tại, một tâm hành không có bất kỳ sự vô minh hay bám chấp nào vào chân hiện hữu. Đây là thời nhập định trong tánh Không của một thánh nhân.

Cái nào mạnh hơn? Trạng thái mê lầm của mình hay tâm nhập định của vị thánh nhân đó? Tâm hành có rác rưởi hay tâm hành không có rác rưởi? Vậy thì chúng ta sẽ khảo sát: Cái nào có sự hỗ trợ của sự hiểu biết xác thực, lý luận xác thực? Cái nào đứng vững sau khi bị khảo sát? Cái nào có cơ sở hợp lý và lý lẽ? Cái nào tạo ra đau khổ và cái nào thoát khổ? Cái nào khiến cho mình không giúp đỡ mọi người một cách rất tốt đẹp, bởi vì mình phạm sai lầm, lười biếng và tất cả những điều khác, và cái nào cho phép mình tạo lợi lạc cho tha nhân một cách càng trọn vẹn càng tốt, nếu như họ tiếp nhận điều đó?

Mãnh lực của tập khí phóng chiếu và tin tưởng vào những điều vụn vặt thì mạnh mẽ hơn nhiều, so với mãnh lực của tập khí không làm điều đó, vì ta đã tích tập thói quen qua bao nhiêu kiếp luân hồi từ vô thỉ đến nay. Tuy nhiên, mãnh lực của bồ đề tâm hỗ trợ cho sự hiểu biết về tánh Không thậm chí còn mạnh mẽ hơn thế, nếu như mình có thể có bồ đề tâm liên tục và tự phát – chứ không chỉ là cái gọi là “bồ đề tâm dụng công”.

Bồ đề tâm dụng công là khi mà mình phải tạo dựng nó bằng cách dựa vào dòng lý luận như khi nghĩ rằng: “Tất cả mọi người đều là mẹ của mình, và họ đã tử tế với mình” – đó là tâm dụng công, và mình phải tạo dựng nó từng bước một. Chúng ta không có nó trong mọi lúc. Nếu như nhờ sự quen thuộc mà mình có thể đi đến mức bất dụng công, không phải sử dụng dòng lý luận, không cần nỗ lực để cảm nhận nó, mà chỉ cảm nhận nó, chỉ như thế, thì ta có cái gọi là đạo lộ thứ nhất – thường được dịch là “tư lương đạo” hay “tích tập đạo” – thì mình đã thật sự thể nhập vào đường tu. Bây giờ thì mình mới có một đạo lộ hữu hiệu trong tâm.

Ở thời điểm đó, bồ đề tâm luôn có mặt, cả ngày lẫn đêm. Dù mình ngủ hay thức, dù thế nào đi nữa, nó vẫn hiện hữu. Đó là vì ngay cả khi không nghĩ đến nó, ngay cả khi mình không ý thức, cũng không bao giờ đánh mất mục tiêu và chủ ý của bồ đề tâm như mục tiêu tuyệt đối, an toàn của những gì mình đang làm. Không cần phải ý thức về nó và không phải thiền quán về nó. Nó được thiết lập ở cái mà mình gọi là mức độ tiềm thức.

Loại tâm thức đó, loại mục tiêu đó, nhắm vào cái gì? Nó nhắm vào trạng thái không phóng chiếu rác rưởi và không tin vào rác rưởi, và chúng ta nghĩ rằng: “Tôi muốn thành tựu giác ngộ đó, bởi vì tất cả những nỗi khổ của tha nhân là điều không thể chịu đựng nổi.”. Rồi bồ đề tâm đó sẽ đem lại sự hiểu biết về tánh Không, điều sẽ đưa mình đến trạng thái giác ngộ đó, với nhiều sức mạnh hơn. Nó có nhiều mãnh lực đến mức có thể chế ngự ngay cả tập khí phóng chiếu rác rưởi, để cuối cùng điều này không bao giờ xảy ra nữa.

Điều này xác thực, vì tất cả những điều hỗ trợ quá trình này – lý lẽ, nhân minh học, khả năng tạo lợi lạc cho tha nhân và vân vân – đều hỗ trợ mặt không có rác rưởi. Vì vậy mà giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ, và bởi vì bản tánh của tâm không có những “cấu nhiễm bất định” của rác rưởi, nên những ám chướng này có thể được đoạn trừ không chỉ tạm thời, mà là mãi mãi. Tất cả những trạng thái tinh thần tiêu cực và phá hoại, cảm xúc phiền não và thái độ phiền não v.v..., đều dựa trên hoạt động tinh thần với rác rưởi đó, tức vô minh. Vì vậy, chúng có thể được đoạn trừ. Không có điều gì hỗ trợ chúng.

Tất cả những phẩm chất tích cực, có tính xây dựng như lòng từ, lòng bi, nhẫn nhục, v.v..., dù dĩ nhiên chúng có thể bị trộn lẫn với rác rưởi, nhưng điều hỗ trợ chúng là tâm hành không rác rưởi. Nói cách khác thì càng đoạn trừ rác rưởi nhiều hơn thì những phẩm chất tích cực này càng mạnh mẽ hơn, và những phẩm chất tiêu cực ngày càng suy yếu. Vì lý do đó, các phẩm chất tiêu cực có thể được tịnh hóa và đoạn trừ, nhưng các phẩm chất tích cực thì không. Khi tiến đến giác ngộ thì các phẩm chất tích cực ngày càng mạnh mẽ hơn, cho đến khi chúng trở thành phẩm chất cao cả của một vị Phật.

Xin đừng quên rằng bồ đề tâm là điều được phát triển trên cơ sở đã có sẵn tâm xả ly. Chúng ta phải ngoảnh mặt với luân hồi và hướng về việc thành tựu các chân diệt, nên bồ đề tâm này chỉ là một phần mở rộng hơn nữa của điều đó. Chúng ta sẽ ngoảnh mặt với việc vẫn là một chúng sinh hữu hạn như một vị A la hán, thay vì vậy thì hướng về thành tựu giác ngộ. Đây là sự kết hợp giữa tâm xả ly và bồ đề tâm với sự hiểu biết về tánh Không, hay ba đạo lộ chính trong tâm thức.

Điều Mà Mật Tông Bổ Sung

Đây là trình bày tổng quát về ba đạo lộ chính trong tâm thức, và có thể thấy đây là những chủ đề rất sâu sắc, và chúng cung cấp cho mình bối cảnh mà trong đó, mình có thể thấu hiểu đường tu Tiểu thừa đi đến giải thoát và đường tu Đại thừa đi đến giác ngộ. Trong Đại thừa, ta có thể hiểu các đường tu Kinh điển và Mật điển, cũng trong bối cảnh của ba đạo lộ này.

Điều mà Mật tông bổ sung thêm là việc tưởng tượng hiện giờ mình có nhiều loại sắc tướng khác nhau của một vị Phật, và có thể làm mọi việc theo cách mà hiện tại, một vị Phật đang làm, dù mình biết rõ điều này chưa xảy ra, rằng nó chưa thật sự là như vậy. Dù sao đi nữa, nhờ luyện tập, hành trì và tưởng tượng trong hiện tại, điều này sẽ đóng vai trò của nhiều mãnh lực hơn, tạo thêm nhân để thành tựu trạng thái đó nhanh hơn. Đó là Mật tông, hãy tưởng tượng hiện nay mình có những sắc tướng giác ngộ của một vị Phật - những vị Bổn tôn này, Đức Lục Quán Âm (Tara), Đức Quán Thế Âm (Chenrezig), v.v... - và tưởng tượng mình đang thật sự giúp đỡ mọi người, tỏa ra vô lượng ánh sáng và vô lượng hóa thân, phổ độ chúng sinh. Tuy nhiên, ta biết rõ mình vẫn chưa đạt được điều đó.

Điều rất rõ ràng là nếu không có ba đạo lộ chính trong tâm thức thì không thể hành trì Mật tông; hoặc ít nhất nó sẽ là thảm họa, nếu như mình hành trì Mật tông mà không thật sự có tâm từ bỏ hiện tướng thông thường mà tâm mình tạo ra, sắc tướng thông thường của mình, để có thể tưởng tượng ra mình trong những sắc tướng này, là điều đại diện cho những gì mình muốn đạt được, và bằng cách phát bồ đề tâm, ta sẽ hướng về giác ngộ để tạo lợi lạc cho tha nhân.

Đó là điều chúng ta đang làm với các Bổn tôn này; chứ không phải là người điên tưởng tượng họ là Cleopatra hay Napoleon. Phải có sự hiểu biết về tánh Không để phân biệt pháp quán tưởng này về mặt hiện giờ điều gì đang thật sự xảy ra, và hiểu rằng bản tánh của tâm thì thanh tịnh, và có thể thông qua sự hiểu biết về tánh Không để thật sự thành tựu tâm không có rác rưởi.

Đó là ba đạo lộ chính trong tâm thức, tinh túy của lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ.

Vấn Đáp 

Khi tham gia lớp nghệ thuật, chúng ta được dạy là khi vẽ một cái ghế chẳng hạn, thì phải loại bỏ khái niệm “cái ghế”, các định kiến và v.v..., và chỉ vẽ điều gì đập vào mắt mình. Điều đó có đưa mình đi theo hướng hiểu biết tánh Không hay không?

Đó là điều khó nói, bởi vì trong mỗi một sát na trong sự tồn tại của chúng ta, ngoại trừ khi mình hoàn toàn nhập định trong tánh Không, thì tâm mình sẽ phóng chiếu thứ rác rưởi này, đường viền xung quanh mọi thứ. Bất cứ điều gì mình thấy, thì sẽ thấy như một vật. Phải phân tích nó một cách cẩn thận.

Để tôi giải thích. Chúng ta thấy cái gì? Chúng ta thấy các điểm ảnh của ánh sáng. Hay cũng có thể nói rằng chúng ta thấy những hình thù có màu sắc. Giả thuyết thứ ba là thấy một cái bàn. Cái tồn tại không chỉ là các điểm ảnh hay những hình thù có màu sắc, mà còn là bàn, ghế, v.v...

Có thể loại bỏ định kiến mà mình có thể có về chiếc ghế nên nhìn ra sao, và đó là một bước tiến lớn. Chúng ta không phủ nhận rằng đó là một bước tiến khá lớn, nhưng vẫn chưa đủ, bởi vì thật ra thì mình nhận thức được điều gì? Chúng ta cảm nhận được ranh giới giữa một hình thù có màu này và một hình thù có màu khác. Khi vẽ thì mình sẽ phải vẽ ranh giới giữa một hình thù có màu cụ thể và hình thù có màu tiếp theo, trừ khi mình chỉ vẽ thứ gì hoàn toàn trừu tượng, thì một số hình thù có màu nào đó sẽ đại diện cho chiếc ghế. Có vẻ như có một đường viền xung quanh nó, tách nó ra khỏi nền, dù có thể mình không có đường viền màu đen xung quanh nó.

Ở đây, phải đi sâu hơn và sâu hơn nữa. Đó chỉ là bước đầu tiên để loại bỏ định kiến về việc một chiếc ghế tốt hay một chiếc ghế đẹp sẽ trông như thế nào. Đó là bước đầu tiên, không phải là bước cuối cùng. Vấn đề là chúng ta có thấy một chiếc ghế, và trừ khi mình là Phật, thì nó sẽ xuất hiện trước mắt mình với đường viền xung quanh, tách rời nó với cái nền ở phía sau.

Câu hỏi thật sự là, nó tách rời với cái nền ở phía sau như thế nào? Liệu mình có thể xóa đi cái nền và vẫn còn chiếc ghế không? Rồi thì mình đi vào toàn bộ vấn đề về tính tương thuộc. Nếu như mọi thứ đều có đường viền xung quanh, thì ta có thể xóa những thứ khác, và vẫn còn chiếc ghế trong tranh. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Phải phân tích sâu hơn nữa.

Ngoài ra, khi nói về việc quy gán trong tâm thức, thì tôi nên đề cập, vì trước đây tôi không nói về điều này, nhưng đây là một điểm quan trọng mà mình không cần phải nhầm lẫn: việc quy gán trong tâm thức không tạo ra cái ghế. Dù mình có nghĩ đến “ghế” khi thấy món đồ bằng gỗ này hay không, thì điều đó không tạo ra chiếc ghế. Nếu chúng ta không nghĩ về “ghế”, liệu điều đó có nghĩa là không có chiếc ghế hay không? Liệu bất cứ thứ gì có thể được quy gán một cách xác thực như một chiếc ghế, chỉ vì nó thực hiện chức năng hỗ trợ người ngồi trên nó không? Chúng ta bắt đầu ngày càng tinh tế hơn trong việc phân tích.

Trước hết, hôm qua và hôm nay tôi nghe nói rằng việc hoàn toàn vững tin mình có thể thành tựu giác ngộ và giải thoát là điều rất quan trọng. Nhưng chúng ta, những người Tây phương, không quen với vấn đề tái sinh, nên nó rất khó khăn; chúng ta phải học hỏi rất nhiều về nó. Thứ hai, nhiều năm qua, tôi đã nghe là nếu muốn đạt được mục tiêu này, thì mình phải tu tập nhiều a tăng kỳ kiếp, a tăng kỳ kiếp và nhiều kiếp sống để đạt được mục tiêu. Không phải là vấn đề này sẽ khiến cho mình hơi thất vọng sao? Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Vâng, giáo lý nói rằng phải mất a tăng kỳ kiếp, a tăng kỳ kiếp và a tăng kỳ kiếp, một con số a tăng kỳ kiếp vô cùng to lớn để thật sự đạt được mục tiêu giác ngộ này. Tại sao? Bởi vì chúng ta cần tích tập một lượng công đức vô cùng to lớn, một số năng lượng tích cực vô cùng to lớn, để đoạn trừ tất cả những rác rưởi này. Phải xem điều này một cách nghiêm túc. Đừng nghĩ đến nó về mặt “công đức”, tích tập một số điểm, rồi thì mình thắng, mà là một mãnh lực to lớn, năng lượng tích cực phải tích tập ngày càng mạnh mẽ hơn và mạnh mẽ hơn. Điều này tốn rất nhiều thời gian, nhưng không cần phải vì vậy mà nản lòng.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần các ba la mật như nhẫn nhục và tinh tấn, v.v... Hãy nhớ rằng bản chất của luân hồi là thăng trầm. Nó sẽ thăng trầm cho đến khi mình đạt được giải thoát. Nếu mình nghe ai nói rằng, như cha mẹ nói với con cái trong một chuyến đi, “Chỉ ở cuối đường thôi”, và nếu mình nghe ai nói rằng điều này sẽ dễ dàng và nhanh chóng, đại loại như, “Hãy ngồi đây, tụng thần chú, lạy một trăm ngàn lạy là bạn sẽ đạt được điều đó”, thì mình sẽ càng chán nản hơn, bởi vì khi sau khi thực hiện những điều này, ta sẽ thấy mình chưa đạt được điều gì cả. Ngay cả khi mình cảm thấy hơi phấn khích một chút, thì khi tất cả những điều này kết thúc, mình lại xuống tinh thần trở lại. Đó là bản chất của luân hồi. nên mình càng nản lòng hơn nữa.

Nếu như mình có thái độ thực tế rằng việc này sẽ không dễ dàng, rằng nó sẽ mất rất nhiều thời gian, để không mong đợi kết quả có ấn tượng, và không thất vọng, thì sẽ tốt hơn nhiều. Đức Dalai Lama luôn nói rằng khi Ngài nghĩ một cách thực tế rằng việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, điều đó sẽ mang lại cho Ngài nhiều khích lệ và hy vọng hơn là nghĩ rằng nó dễ dàng, “Chỉ cần nhập thất và trì tụng những lời bí ẩn hay phức tạp nhưng vô nghĩa trong ba năm, rồi thì bạn sẽ đạt được nó, bạn sẽ giác ngộ.”.

Điều gì đang thúc đẩy chúng ta? Hãy nghĩ về tâm xả ly, “Nếu tôi không làm bất cứ điều gì, thì sự việc cứ tiếp diễn, tiếp tục với tất cả những vấn đề này”, và “Thật là kinh khủng, thật là nhàm chán!”. Thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta nghĩ rằng tất cả mọi người đều ở trong tình huống này, và nó thật khủng khiếp đối với tất cả mọi người. Giống như người mẹ nghĩ về những đứa con của mình đang đói bụng, thì việc kiếm ăn sẽ tạo ra cho bà nhiều năng lượng hơn là khi chỉ có một mình bà thấy đói. Vì vậy nên người mẹ sẽ nói: “Không cần biết phải làm bao nhiêu việc, tôi sẽ kiếm được thức ăn cho các con. Không cần biết phải mất bao lâu, khó khăn thế nào, tôi sẽ làm được”. Tương tự như vậy, việc mình tu tập để hướng về giác ngộ, không có ai nói rằng điều này sẽ dễ dàng.

Vậy thì có cái tôi giả dối và cái “tôi” quy ước. Cái tôi giả dối không tồn tại, nhưng cái “tôi” quy ước thì tồn tại. Có phải tất cả đều nhắm vào việc làm tan rã cấu trúc của cái “tôi” quy ước này, tất cả những pháp quy ước đã tạo ra cái “tôi” quy ước này?

Không, thứ mà chúng ta đang làm tan rã là cái tôi giả dối. Không có gì sai trái với quy ước. Bạn có quý danh là “Mickey”, nó rất hữu dụng, nên chúng tôi có thể nói về bạn. Trong một kiếp trước, bạn có cái tên khác. Có nhiều pháp quy ước có thể áp dụng một cách hợp lệ về bạn như “con người”, “nam giới”, “người Mễ Tây Cơ”. Chúng rất hữu ích. Điều chúng ta phải làm tan rã cấu trúc là cái tôi giả dối, rằng có điều gì từ phía bạn, khiến bạn là con người. “Con người” chỉ là một cấu trúc tinh thần, nhưng nó là một cấu trúc hữu ích.

Hãy nhìn các nhà cổ sinh vật học, những người đang cố gắng tìm ra, "Khi nhìn vào tất cả những chiếc xương này ở điểm nào trong sự tiến hóa thì chúng ta sẽ vạch ra ranh giới và nói rằng cái này là con người, còn cái kia không phải là con người?". Nó chỉ là cấu trúc tinh thần, nơi có ranh giới, ai đó đã đặt ra định nghĩa về những điều tạo nên con người - một cái xương đầu có hình dạng nhất định, hay bất cứ điều gì. Chúng ta phải làm tan rã sự thổi phồng của pháp quy ước, nhưng không loại bỏ pháp quy ước, nên đang làm tan rã cái tôi giả tạo, chứ không phải cái tôi quy ước. 

Xã hội khiến chúng ta trở nên cứng nhắc với tất cả các quy ước của nó. Chẳng phải nếu như có thể dẹp bỏ tất cả những quy ước xã hội đó, thì mình sẽ linh hoạt và tự do hơn sao?

Không. Chính sự thiếu nhận thức, tâm vô minh đã khiến mình cứng nhắc, chứ không phải các pháp quy ước này. Các pháp quy ước rất hữu ích. Nếu không có quy ước về “cha mẹ” và “con cái” v.v... thì xã hội sẽ không hoạt động. Chỉ khi mình nói: “Tôi có một định kiến, một khái niệm, một sự thổi phồng vững chắc về quy ước này, đối với việc một người cha nên là người như thế nào, một người cha tốt nên làm gì và một người mẹ, một người mẹ chân thật, một người mẹ tốt nên như thế nào”, rồi thì, "Bạn không sống đúng theo cấu trúc vững chắc đó!". Chúng ta tức giận và oán hận cha mẹ, rồi gặp rắc rối. Vấn đề không phải là quy ước về “cha mẹ”; nếu không thì không có ai sẽ chăm sóc những đứa bé.

Thế thì vấn đề không phải là pháp quy ước; vấn đề không phải là việc định danh trong tâm; vấn đề là sự hiểu biết của mình về những thứ mà mình đang định danh, bằng cách sử dụng những quy ước đó. Đừng biến chúng thành những thứ rắn chắc. Hãy linh hoạt để có thể có rất nhiều quy ước. Được không? Một số thì hợp lệ; một số không hợp lệ. Điều đó dẫn đến cuộc thảo luận hoàn toàn khác biệt. Chúng ta không thể đặt tên cho bất cứ cái gì. Chúng ta không thể đặt tên cho cái mà hầu hết chúng ta gọi là “cái ghế” thành “con chó”, và điều đó biến nó thành con chó. Đó không phải là định danh hợp lệ. Chỉ vì mình đã đặt tên cho nó trong đầu là điều gì đó, không có nghĩa là nó hợp lệ, khiến nó trở thành thứ đó.

Khi chúng ta thấy, nghe, ngửi và vân vân, thì cái gì nhìn thấy, nghe và ngửi?

Có thể nói theo thói thường rằng “Tôi đang nhìn”, “Tôi đang nghe”, nhưng cái “tôi” đó không tồn tại như một thực thể riêng biệt với toàn bộ quá trình với một đường viền lớn xung quanh nó, quan sát nó hay khiến cho nó xảy ra. Giống như những gì chúng ta đã giải thích, rằng “Có một cơ thể đang ngồi trên chiếc ghế này,” và mình có thể nói, “Tôi đang ngồi trên chiếc ghế này,” nhưng đó không phải là hai vật thể khác nhau, riêng biệt đang ngồi trên ghế. “Tôi” là một quy ước để kết nối các điểm của mỗi một sát na kinh nghiệm trong một dòng tâm thức tương tục.

Dĩ nhiên, một phần của tâm hành có thể là tác ý, giống như khi mình quay đầu lại để nhìn cái gì đó, nhưng không phải như thể có một thực thể riêng biệt, tôi, nhấn nút rồi quay cái đầu lại. Làm sao tôi có thể có tác ý làm điều đó? Tác ý là tâm hành, vậy thì làm sao một cái tôi, cách biệt với tâm hành, có thể có ý định quay đầu và nhấn nút? Toàn bộ sự việc đều vô lý. Tác ý là tâm hành, cũng như việc đưa ra quyết định – tất cả những điều này.

Khi nói về một vị Phật và cách mà Phật biết các pháp, có phải một vị Phật chỉ tiếp nhận kinh nghiệm tươi mới và biết các pháp quy ước và tên gọi trong đầu này, nhưng để chúng sang một bên và không làm việc với chúng, mà chỉ làm việc với kinh nghiệm tươi mới?

Trước hết, rất khó để thật sự biết hay mô tả tâm toàn tri của một vị Phật. Tất cả những gì chúng ta có thể có là một khái niệm về nó, bởi vì mình không biết nó theo cách vô niệm, trừ khi mình đã đạt được điều này. Thật ra thì có một cuộc tranh luận lớn trong các trường phái Phật giáo về điểm này. Một vị Phật không có nhận thức bằng khái niệm. Tâm toàn tri không có tính khái niệm; nó hoàn toàn vô niệm. Đó là mức độ tâm hành vi tế hơn nhiều, so với những gì mình thảo luận trong Kinh điển. Nó được gọi là “tâm hành thanh quang.” Tâm Phật không hoạt động với khái niệm hay tên gọi trong tâm. Thế thì câu hỏi là: Đức Phật có biết những tên gọi trong tâm không?

Một ý kiến cho rằng một vị Phật không biết các tên gọi trong tâm, vì chúng là các phạm trù, và các phạm trù chỉ được tâm khái niệm biết đến. Tâm khái niệm và sự quy gán của tâm là hoạt động của tâm hữu hạn, và vì Phật không có tâm hữu hạn, nên Phật không có những điều này. Vấn đề ở đây là Phật sẽ không toàn tri, bởi vì Phật không biết các khái niệm và tên gọi. Một ý kiến khác cho rằng một vị Phật biết tên gọi trong tâm của những chúng sinh khác, nhưng tâm toàn tri biết vạn pháp mà không có những tên gọi này.

Giải thích mà tôi đã nghe là một vị Phật biết tất cả những tên gọi quy ước bằng từ ngữ và những gì mà từ ngữ ám chỉ trong tất cả các ngôn ngữ một cách vô niệm. Nhưng một vị Phật không đặt tên cho các phạm trù trong tâm trí và nhận thức các từ ngữ cùng với ý nghĩa của chúng theo khái niệm, thông qua các phạm trù này, đó là cách chúng sinh hữu hạn biết và sử dụng ngôn ngữ.

Câu hỏi của bạn là một câu hỏi xuất sắc, nhưng khó trả lời, và là câu hỏi mà nhiều đạo sư Tây Tạng đã tranh luận qua lại qua nhiều thế kỷ. Thật ra, tranh luận qua lại với nhau về tất cả các chủ đề mà chúng ta đã thảo luận là cách tốt nhất để hiểu rõ hơn.

Vậy thì hãy kết thúc ở đây bằng lời hồi hướng. Nguyện cho bất kỳ công đức nào mà chúng ta đã tích tập được từ buổi thảo luận này sẽ trở thành nhân để tất cả chúng sinh thành tựu Phật quả, vì lợi lạc của tất cả chúng ta. Xin cảm ơn.

Top