Hiểu Biết Lẫn Nhau Là Nền Tảng Của Hòa Hợp Tôn Giáo

Tôi rất vui được nói về triết lý Phật giáo với những người phần đông ở các quốc gia không thuộc truyền thống Phật giáo. Đây là dịp quan trọng để phát triển sự hiểu biết lẫn nhau. Thông hiểu lẫn nhau là điều cần thiết, bởi vì tất cả chúng ta đều sống trên một hành tinh và nơi này có nhiều tôn giáo. Hiện nay, chúng ta đã có thông tin về rất nhiều truyền thống. Đôi lúc, trong quá khứ, khi người dân bị cô lập nhiều hơn thì người ta chỉ có khái niệm về một chân lý, một tôn giáo thì cũng được. Đó là điều tốt và phù hợp với họ. Tuy nhiên, hiện nay, cách thức sinh sống của chúng ta cho thấy rằng chúng ta cần phải tương tác với nhau, và chúng ta thực sự có sự tương tác. Trong giai đoạn này, đôi khi niềm tin vào một tôn giáo và một chân lý có thể rất hữu ích đối với một cá nhân; nó rất hữu ích cho một người để phát triển đức tin một lòng một dạ. Nhưng trong bối cảnh xã hội rộng lớn hơn, chúng ta phải phát triển khái niệm về đa chân lý. Đây là thực tế. Qua nhiều thế kỷ, đã có sự hiểu biết về nhiều chân lý và sự phát triển của nhiều tôn giáo. Vì vậy, để phát triển khái niệm về một số tôn giáo và một vài chân lý thì việc học hỏi về các truyền thống tôn giáo khác là điều hữu ích.

Đối với bản thân tôi, ở Tây Tạng thì người Hồi giáo (Muslims), người Hồi giáo Tây Tạng (Tibetan Muslims), đã sinh sống ở đó một vài thế kỷ, nên chúng tôi biết rằng Hồi giáo hiện hữu, nhưng không có nhiều sự thảo luận nghiêm túc về đức tin của họ. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có truyền thống Phật giáo là tốt nhất. Tuy nhiên, khi tới Ấn Độ, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều tín ngưỡng, nhiều người, nên chúng tôi bắt đầu nói chuyện nghiêm túc về các tôn giáo khác. Tôi đã học hỏi về sự khác biệt về Cơ Đốc giáo (Christianity), Hồi giáo, Ấn Độ giáo (Hinduism), đạo Sikh (Sikhism), Kỳ Na giáo (Jainism), Hỏa giáo (Zoroastrianism), và đạo Sufi (Sufism), vì vậy, có liên hệ nhiều hơn với những người thuộc các tôn giáo khác nhau. Điều này rất bổ ích để học hỏi về các tôn giáo, nhằm phát triển sự tôn trọng các giáo phái khác nhau. Đây là nền tảng để phát triển sự hòa hợp tôn giáo. Đó là lý do tại sao khi mọi người hỏi tôi về các giáo lý căn bản liên quan tới Phật giáo thì ý tưởng của tôi không phải là cải đạo họ, mà chỉ cung cấp thông tin cho họ.

Một số tăng ni Phật giáo Tây Tạng đã dành vài tuần sống trong các tu viện Cơ Đốc giáo, và họ đã học hỏi để thấy được giá trị của truyền thống Cơ Đốc. Tôi nói với họ rằng chúng ta, tăng ni Phật giáo, phải quan tâm hơn về dịch vụ xã hội, về giáo dục và y tế, như các tu sĩ Cơ Đốc giáo. Các anh chị em Cơ Đốc giáo đã có những đóng góp lớn lao cho nền giáo dục và y tế, và chúng ta cũng phải học hỏi để mang lại những cống hiến lớn lao cho nhân loại. Tuy nhiên, ở mặt khác, đôi khi công việc truyền giáo cũng tạo ra một số vấn đề. Chúng tôi có thể học hỏi nhiều điều hữu ích từ các truyền thống khác và quý vị theo những đức tin khác có thể học hỏi nhiều điều từ chúng tôi.

Phật giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa của Ấn Độ. Hơn ba ngàn năm qua ở Ấn Độ, khái niệm về chủ nghĩa thế tục đã phát triển. Điều này không có nghĩa là không có sự tôn trọng đối với tôn giáo, mà là tôn trọng tất cả các tôn giáo, kể cả những người vô thần. Những người theo chủ nghĩa đoạn kiến cổ đại, Charvakas, không tin vào những kiếp tương lai; họ không tin vào bất kỳ truyền thống tâm linh nào; nhưng chủ nghĩa thế tục có nghĩa là tôn trọng cả những người vô thần. Phật giáo đã phát triển trong bối cảnh đó, nên Phật giáo tôn trọng những con người khác nhau, có quan điểm khác nhau. Đó là lý do tại sao Đức Phật đã thuyết giảng các quan điểm triết học khác nhau, bởi vì trong số môn đệ của Ngài có những người có căn cơ khác nhau. Một số quan điểm và lập luận triết lý có vẻ mâu thuẫn với nhau, bởi vì các môn đệ của ngài có căn cơ khác nhau, nên một quan điểm triết học sẽ không giúp ích cho tất cả mọi người. Vì vậy, điều này có nghĩa là Đức Phật tôn trọng các quan điểm cá nhân khác nhau và thuyết giảng tùy theo khuynh hướng của họ. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sự tôn trọng và chấp nhận cả những người vô thần như anh chị em đồng loại. Vì vậy, một số kiến thức Phật giáo về tâm thức, về cảm xúc của chúng ta đối với những người vô thần cũng hữu ích, để họ có thể giải quyết phiền não. Đó là lý do mà tôi cảm thấy vui vì có dịp trình bày một số bài giảng về Phật giáo ở đây, trước quý khán giả gồm có các đạo hữu của các tôn giáo khác và những người vô thần.

Con người chúng ta bắt đầu có sự hiện hữu trên hành tinh này và cuối cùng, trí tuệ của chúng ta đã phát triển, từ đó mà phát sinh ra một số khái niệm nào đó để giúp chúng ta, khi phải đương đầu với những tình huống bất lực, khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta cần phát triển một số ý tưởng, một số khái niệm có thể giúp mọi người giữ vững hy vọng của họ, rồi thực sự tiến triển thành đức tin: tin rằng có chút hy vọng trong những tình huống khó khăn.

Năm ngàn năm qua, ở những nơi khác nhau, con người đã phát triển các hình thức đức tin khác nhau. Đức tin rất hữu ích để giữ gìn hy vọng; và dần dần, đức tin đó, cùng với lý luận, sẽ phát triển thành một số quan điểm triết học, củng cố đức tin này. Rồi trên cơ sở đó, các tôn giáo khác nhau với các quan điểm triết học khác nhau nảy sinh. Từ đó mà chúng ta có các hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới.

Trong vài ngàn năm qua, chúng ta đơn thuần đặt tất cả hy vọng của mình vào niềm tin tôn giáo, nhưng trong ba trăm năm nay, một lần nữa, trí tuệ của con người đã tìm ra các phương tiện để thực hiện nhiều khảo sát cơ bản hơn về vấn đề thực tại là gì. Do đó, khoa học hiện đại đã phát triển, rồi từ đó công nghệ hiện đại cũng phát triển. Công nghệ mang lại cho chúng ta những điều ta muốn ngay lập tức, và rồi nhân loại phát triển sự quan tâm đến chủ nghĩa vật chất. Bởi thế mà rất nhiều người không còn thực sự nghiêm túc về Thượng Đế, về niềm tin tôn giáo nữa.

Ngày nay, chúng ta có thể thấy những người tin theo Chúa Giê-Su hoặc một số chư thiên hoặc thiên nữ khác, kể cả những người theo Đức Phật, tự coi mình là tín đồ, ví dụ như các tín hữu Phật giáo, nhưng trong các tình huống của cuộc sống thực tế, họ không quan tâm đến điều mà tín ngưỡng của họ giảng dạy bao nhiêu. Họ chạy theo các phương tiện thế gian để đạt được nhiều quyền lực và giàu sang hơn, rồi nói những lời gian dối và bắt nạt người khác. Điều này cho thấy rằng họ không thực sự nghiêm túc về đức tin tôn giáo của mình. Nhóm người thuộc loại này dường như ngày càng tăng. Vì vậy, tôi coi tất cả những người tự nhận mình là người theo đạo theo cách như vậy thực sự là những người vô thần.

Một tín đồ chân chính là một người thực hành lòng từ bi hai mươi bốn tiếng một ngày. Còn về tâm ái ngã, kể cả loài vật cũng có. Tuy nhiên, tình yêu thực sự là tình yêu bao gồm cả sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Nếu xem điều này là nền tảng của mình thì người ta sẽ không dung túng cho việc nói dối, lừa gạt hay bắt nạt người khác. Làm sao chúng ta có thể đạt được điều mình muốn bằng một cách bất công? Tôi xem những người hành động như vậy là vô thần, hoặc không phải là người có đức tin nghiêm túc. Một số người còn công khai chỉ trích tôn giáo, bởi vì có rất nhiều người được xem là tín đồ, nhưng không thực sự thực hành giáo lý của mình. Vì vậy, chúng ta cần một sự nỗ lực để thúc đẩy các giá trị nội tâm một cách khoa học hơn, dù chúng ta là người có tín ngưỡng hay vô thần.

Hiện nay, điều này có thể thực hiện được. Hai yếu tố cho thấy điều này. Trước tiên, có nhiều người có mọi phương tiện cho một cuộc sống dễ dàng, nhưng là những người thiếu vắng điều gì đó trong sâu thẳm nội tâm. Họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và căng thẳng, nên họ không hạnh phúc, và rất cô đơn. Cuối cùng, những người này nhận ra giới hạn của giá trị vật chất. Họ thấy rằng riêng mình nó không mang lại sức mạnh nội tâm, hay một tâm thức vui vẻ, bình an hơn.

Điểm thứ hai là trong vòng hai hay ba trăm năm nay, khoa học đã phát triển. Các nghiên cứu khoa học đang tìm kiếm chân lý. Họ đang khảo sát thực tại. Các nhà khoa học chân chính có đầu óc cởi mở. Họ hoài nghi, họ khảo sát. Phật giáo cũng nhấn mạnh sự hoài nghi; sự hoài nghi tạo ra thắc mắc và điều này đưa đến việc khảo sát và tìm kiếm đáp án. Vì vậy, hoài nghi là điều có ích, nếu như nó khách quan. Do đó, các nghiên cứu khoa học tìm hiểu về thực tại.

Sau đó, trong những năm cuối thế kỷ hai mươi, khoa học hiện đại bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về não bộ, về các hạt, về vật chất, và đặc biệt là các chuyên gia thần kinh cùng với khoa học y khoa đã nhận ra rằng cảm xúc là yếu tố quan trọng đối với sức khoẻ. Có một sự liên hệ mạnh mẽ giữa các cảm xúc của chúng ta và cách thức não bộ vận hành, cách cơ thể phản ứng. Theo một số nhà khoa học, khi chúng ta sợ hãi, máu dồn xuống chân nhiều hơn để chuẩn bị cho chúng ta bỏ chạy. Khi tức giận thì máu di chuyển đến tay nhiều hơn, để chúng ta có thể sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ bản thân. Như vậy, các yếu tố cảm xúc và sinh học rất phụ thuộc lẫn nhau. Đôi khi vấn đề thể lực mang lại một hiệu ứng cảm xúc và đôi khi, cảm xúc mang lại một hiệu ứng vật lý. Do đó, các chuyên gia thần kinh ngày nay quan tâm đến cảm xúc nhiều hơn và cách chúng phát triển.

Cảm xúc là một thành phần của tâm thức. Hiện đã có một số nhà khoa học đang làm thí nghiệm: họ mở khóa luyện tâm bi và chánh niệm cho mọi người, kể cả trẻ em. Trước khóa học, họ kiểm tra huyết áp và mức độ của hóc-môn căng thẳng, và sau ba hoặc bốn tuần, họ kiểm tra lại một lần nữa. Họ thấy rằng huyết áp và sự căng thẳng đã giảm xuống nhờ các thực hành này. Ngay cả các học sinh nhận ra rằng khả năng tập trung của họ đã gia tăng và các mối giao hảo của họ cũng trở nên hòa hợp và thân thiện hơn. Vì thế, một số trường đại học, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, và ở Ấn Độ nữa, đang thực hiện một số dự án thí điểm. Vì vậy, hiện nay, từ khoảng cuối thế kỷ hai mươi và trong giai đoạn đầu của thế kỷ hai muơi mốt, lĩnh vực khoa học đã nghiên cứu nhiều hơn về cảm xúc, về tâm thức.

Truyền thống tôn giáo qua hàng ngàn năm cũng đã đối phó với tâm thức bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều mang thông điệp của lòng từ ái, bi mẫn, tha thứ và sự tự tiến; tất cả những điều này đều liên hệ với tâm thức. Đức tin cũng là một điều gì đó thuộc về mức độ tâm thức. Đức tin nhất tâm mang lại sức mạnh nội tâm, một loại hạnh phúc nào đó. Trong các tôn giáo lớn, có hai loại. Một loại là hữu thần, họ tin vào một đấng Thượng Đế sáng tạo, một dạng Thượng Đế tuyệt đối vĩnh cửu; được tìm thấy trong Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, và nhiều tín đồ Ấn Độ giáo cũng tin vào điều này nữa. Loại thứ hai là những người Kỳ Na giáo, Phật tử, và một nhóm tín đồ Số Luận (Samkhyas), những người không chấp nhận một đấng Thượng Đế sáng tạo. Vì vậy, không có khái niệm về Thượng Đế, đấng sáng tạo; mà sự việc xảy ra do các nhân duyên của nó. Ba tôn giáo này của Ấn Độ tin vào nhân quả, tương tự như học thuyết Darwin; tất cả mọi thứ xảy ra theo nhân quả mà không có một đấng sáng tạo.

Các tôn giáo hữu thần tin rằng Thượng Đế sáng tạo ra mọi thứ, đặc biệt là chúng ta, nên ngài thật sự là cha của chúng ta. Họ phục tùng Thượng Đế, đấng sáng tạo, bằng niềm tin nhất tâm. Điều này giảm thiểu tính kiêu mạn, vị kỷ. “Tôi là một sáng tạo của Thượng Đế, nên tôi phụng sự Ngài.” Một phần của việc phụng sự Thượng Đế là cầu nguyện, nhưng phần chính của việc phụng sự Thượng Đế là thể hiện tình yêu thương đối với các sinh vật đồng loại, các bạn hữu cùng được sáng tạo. Do đó, các tôn giáo hữu thần ít nhiều có cùng tác dụng làm giảm tâm vị kỷ và phát triển lòng vị tha.

Phật giáo và Kỳ Na giáo cũng cố gắng làm giảm thiểu tính vị kỷ và kiêu mạn. Phật tử nhấn mạnh vào việc không có niềm tin về một tự ngã độc lập, vững chắc và tự hiện hữu; cái “Tôi” hay “tự ngã” chỉ là một điều được định danh. Đây là một cách để giảm thiểu thái độ vị kỷ. Vì thế, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng chúng cùng có một tác dụng, đó là giảm thiểu tâm vị kỷ và tăng trưởng lòng vị tha.

Nếu nhìn vào truyền thống Phật giáo Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là truyền thống Na-lan-đà (Nalanda), chúng ta thấy rằng các bản văn của họ luôn đề cập tới các quan điểm triết học khác nhau. Các tác phẩm của Tây Tạng sau này nghiễm nhiên cho rằng các độc giả chủ yếu là Phật tử, vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần phải trở lại với truyền thống Ấn Độ. Có rất nhiều truyền thống ở đó, nên họ đã phân tích các quan điểm khác nhau và đôi khi tranh luận về quan điểm của họ. Tuy nhiên, ở Tây Tạng, từ thế kỷ thứ tám hoặc chín, đa số người Tây Tạng đã trở thành Phật tử nên việc thảo luận các quan điểm triết học khác nhau không mấy thích hợp. Tuy nhiên, hiện nay, bên ngoài Tây Tạng, có rất nhiều tôn giáo và quan điểm khác nhau, nên việc hiểu biết về các tôn giáo và quan điểm này là điều quan trọng, để có được kiến thức đúng đắn, giúp chúng ta phát triển sự hiểu biết lẫn nhau, và với sự thông hiểu lẫn nhau, chúng ta sẽ phát triển sự tôn trọng lẫn nhau và hòa hợp tôn giáo.

Top