Trách Nhiệm Xã Hội Và Bảo Vệ Môi Trường

Chủ đề thảo luận là sự so sánh giữa cách tiếp cận của các tôn giáo hữu thần và tôn giáo vô thần, đối với việc giảng dạy đạo đức cho tín đồ của họ, như nền tảng để các tín đồ gánh lấy trách nhiệm xã hội vì lợi ích chung nói chung, và bảo vệ môi trường nói riêng.

Video: 14. Dalai Lama — “Quan Tâm Đến Môi Trường Toàn Cầu Của Chúng Ta”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Phật Giáo

  • Trọng tâm là tìm hiểu thực tế, và dựa vào điều đó, phát lòng bi với tất cả chúng sinh.
  • Thực tế là môi trường và chúng sinh sinh sống trong đó không hề tồn tại độc lập với nhau, mà đều phụ thuộc lẫn nhau.
  • Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào sự sống còn của môi trường.
  • Tình trạng của môi trường sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên hành tinh, vì tất cả các hệ sinh thái của hành tinh tác động lẫn nhau, tạo nên một hệ sinh thái toàn cầu.
  • Giống như chúng ta muốn có một cuộc sống lành mạnh, bền vững cho bản thân và gia đình, thì mỗi một người khác trên hành tinh cũng muốn như thế.
  • Giống như chúng ta mong muốn không có thảm họa môi trường, thì người khác cũng vậy. Đối với điều này thì tất cả chúng ta đều bình đẳng.
  • Những ý tưởng và hiểu biết như vậy là cơ sở để phát triển lòng bi mẫn, và gánh trách nhiệm chăm sóc môi trường, qua hành vi cá nhân của chúng ta.
  • Những bước mà mỗi một người trong chúng ta thực hiện để bảo vệ môi trường sẽ góp phần cải thiện tình trạng môi trường nói chung.

Kinh Thánh Cựu Ước

  • Thiên Chúa tạo ra môi trường và tất cả chúng sinh trong đó.
  • Theo Exodus chương 23, từ câu số 10 đến 12 thì Thiên Chúa cho phép loài người gieo trồng trên đất đai và thu thập sản phẩm trong sáu năm liên tục. Nhưng cứ đến năm thứ bảy thì Thiên Chúa ra lệnh cho người dân không canh tác, để người nghèo có thể thu thập những gì mọc dại trên cánh đồng và ăn những thức ấy, và những gì còn sót lại thì để cho thú hoang ăn. Điều này cho thấy việc không lạm dụng đất đai vì lòng tham và sản xuất quá mức, cũng như việc chăm sóc các loài thú hoang.
  • Chúa cũng cho phép đàn ông làm việc sáu ngày, nhưng vào ngày thứ bảy thì họ phải nghỉ ngơi, để đàn bò và lừa của họ cũng có thể nghỉ ngơi. Điều này cho thấy việc thể hiện lòng nhân từ và quan tâm đến tất cả các loài thú, mang lại cho chúng cùng một quyền lợi, để có được đời sống lành mạnh như con người.

Kinh Koran

  • Thiên Chúa đã sáng tạo ra tất cả mọi thứ trên trái đất và trên các tầng trời, kể cả mọi loài thú, như một tặng phẩm để nhân loại sử dụng. Ngài đã sáng tạo ra loài người, để họ có thể tôn thờ ngài, qua việc phụng sự cho tất cả những tạo vật của Thiên Chúa một cách xuất sắc.
  • Theo Kinh Koran (Quran) 50: 7-8, khi liên quan đến các tạo vật của Thiên Chúa thì người ta nên nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo ra chúng bằng lòng nhân từ, cao cả và khoan dung của ngài.
  • Thế nên việc bảo vệ môi trường và làm việc vì lợi ích chung là những cách phụng sự cho các tạo vật của Thiên Chúa, nên đó là những hình thức suy tôn ngài.

Mạnh Tử

  • Trong một cuộc bàn luận với vua Hui của nước Lương (Liang) (梁惠王), Mạnh Tử (Mengzi/Mencius) đã khuyên nhà vua nếu thời gian thích hợp để cày cấy được xem trọng thì người dân sẽ có dư thừa lúa gạo để ăn. Nếu lưới kín không được sử dụng trong hồ và ao thì người dân sẽ có dư cá và rùa để ăn. Nếu rìu và dao rựa chỉ được sử dụng trong rừng núi vào những thời điểm thích hợp thì người dân sẽ có dư gỗ để dùng. Nếu tất cả những biện pháp này được thực hiện thì ngài sẽ là một nhà vua mẫu mực.
  • Mạnh Tử cũng cảnh báo nhà vua về những chính sách tai hại của ngài, “Những con chó và lợn của ngài đang ăn thức ăn mà con người có thể ăn, trong khi ngài không hạn chế điều này, nhưng người dân đang chết đói trên đường phố, trong khi ngài không phát gạo cho họ.”. Chúng ta có thể  mở rộng sự cảnh báo này đến việc sử dụng đất đai không được kiểm soát, để trồng thức ăn cho những con vật mà người giàu sẽ tiêu thụ thịt của chúng, trong khi nhiều người trên thế giới đang chết đói.

Từ phác thảo ngắn gọn này, chúng ta có thể thấy rằng cả hai tôn giáo hữu thần và vô thần đều đưa ra một cơ sở đạo đức chung, để các tín đồ gánh vác trách nhiệm xã hội đối với việc bảo vệ môi trường. Mặc dù niềm tin thần học và triết học đằng sau cơ sở này khác nhau, nhưng mục tiêu và kết quả thì đều như nhau.

Top