Cộng Nghiệp Và Thiên Tai

Thảo Luận Giữa Jonathan Landaw và Tiến sĩ Berzin

Landaw: Ngày nay, có nhiều người thắc mắc rằng: "Liệu cộng nghiệp có thể tạo ra điều gì giống như một trận động đất, ví dụ như trận động đất vừa tàn phá Haiti hay không?"
Để trả lời cho thắc mắc này, thì giải thích chung rằng cộng nghiệp của tất cả chúng sinh trên hành tinh này chịu trách nhiệm về các đặc điểm chung của hành tinh này, và các đại tạo ra nó. Với các đại này, thì các định luật vật lý khách quan sẽ khống chế mọi việc. Ví dụ như nhiệt độ sẽ gia tăng, dẫn đến kết quả của những sự chuyển động khác nhau, chẳng hạn như sự xê dịch của các mảng lục địa, v.v... Một biểu hiện của sự chuyển động đó là động đất. Từ quan điểm này, động đất là kết quả không thể tránh khỏi của việc hành tinh của chúng ta đã phát sinh như cách nó đã xảy ra, và nó đã phát sinh, vì đó là kết quả của cộng nghiệp rất rộng lớn của tất cả chúng sinh đã từng sống trên hành tinh này. Liệu ông có thể bình luận về điều này không?

Tiến sĩ Berzin: Nghiệp, hay cụ thể hơn là nghiệp lực thiện hay ác (bsod-nams hay sdig-pa) và chủng tử nghiệp (sa-bon), dù là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, sẽ trổ thành nhiều loại kết quả khác nhau. Một trong những kết quả này là tăng thượng quả (bdag-po’i ‘bras-bu). Tăng thượng quả là kinh nghiệm của mình về loại môi trường hay xã hội mà chúng ta sinh ra trong đó, và cách nó đối đãi với mình, hay những đồ vật như tài sản của mình, và điều gì xảy ra với chúng.

Trong trường hợp tăng thượng quả của cộng nghiệp – danh từ kỹ thuật thật ra là “nghiệp chung” (thun-mong-gi las) - của một nhóm chúng sinh, điều này chủ yếu đề cập đến kinh nghiệm chung của họ về môi trường hay xã hội, hay những biến cố mà nhóm này sẽ trải nghiệm. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng tăng thượng quả của cộng nghiệp cũng đề cập đến môi trường hay xã hội, hay những sự kiện xảy ra, tạo ra hoàn cảnh cho nhóm này trải nghiệm chúng.

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Câu cuối cùng không ngụ ý rằng cộng nghiệp của nhóm này là nguyên nhân duy nhất đối với môi trường mà họ trải qua, khi kinh nghiệm điều đó, chẳng hạn vậy. Môi trường mà họ trải nghiệm, chẳng hạn như sự hình thành của trái đất hay vũ trụ, là kết quả của vô số nhân duyên khác. Trong trường hợp của vũ trụ, thì chánh nhân của nó (nyer-len-gyi rgyu) - cụ thể là từ đó mà mình có được vũ trụ tiếp theo của nó, và nó sẽ không tồn tại nữa, khi vũ trụ tiếp theo sẽ xuất hiện - là Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Ta có thể phân chia thêm các chánh nhân thành các nguyên nhân đã xảy ra cách đây rất lâu, chẳng hạn như Vụ Nổ Lớn, và những nguyên nhân đã xảy ra ngay trước thời điểm hiện tại, chẳng hạn như sự xê dịch của mảng kiến tạo, là chánh nhân của kết quả là một trận động đất. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ trong từng sát na trong môi trường, một khi đã xuất hiện, chẳng hạn như một chiếc lá nào đó rụng từ một cây nào, là kết quả của định luật vật lý và vân vân của vũ trụ đó. Dù sao đi nữa, thì cũng có những kết quả nhân tạo (skyes-bu byed-pa’i ‘bras-bu) liên quan đến môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm không khí do hành động của con người. Ngoài ra, các đại ở một thời điểm cụ thể, chẳng hạn như vật chất và năng lượng của vũ trụ vào thời điểm đó, là các nhân sinh khởi đồng thời (lhan-cig ‘byung-ba’ rgyu) đối với vũ trụ vào thời điểm đó.

Cộng nghiệp đóng góp nguyên nhân cho việc hình thành trái đất và các quy luật vật lý liên quan đến nó đề cập đến nghiệp được chia sẻ không chỉ với tất cả những chúng sinh đã sống trên trái đất trước đây, mà còn cả những chúng sinh hiện đang sống trên trái đất, và sẽ sống ở đây trong tương lai. Tuy nhiên, vì trái đất là một thành phần của toàn bộ vũ trụ, và các quy luật vật lý áp dụng không chỉ với trái đất, mà còn với toàn bộ vũ trụ, nên phải xem xét phạm vi rộng lớn hơn của cộng nghiệp – cộng nghiệp của tất cả những chúng sinh đã sống, hiện đang sống, và sẽ sống trong vũ trụ của chúng ta. Sau cùng thì bản chất vật lý của vũ trụ là một con số khổng lồ, nếu không muốn nói là tất cả các hành tinh được cấu tạo bằng thể rắn, đều không ổn định ở thời điểm nào đó, và có thể tạo ra động đất.

Vì hiện nay, chúng ta đang nói về sự hình thành của vũ trụ, thì cộng nghiệp góp phần vào sự hình thành của nó, và đối với một số lượng lớn các chúng sinh sống trong vũ trụ này, thì vũ trụ này đã phải được tạo dựng trước Vụ Nổ Lớn của vũ trụ này, nhờ tất cả những chúng sinh có đúng nghiệp để sinh ra trong vũ trụ này.

Còn những người đang sống ở ngay tại nơi xảy ra trận động đất dữ dội, chẳng hạn như ở Haiti vào tuần trước thì sao? Nếu muốn hiểu điều này, thì điều quan trọng để nhớ là (1) không phải tất cả chúng sinh trên hành tinh này đều phải trải qua những tác động tàn phá của trận động đất này; và (2) ngay cả ở Haiti, không phải ai cũng chết hay bị thương trong trận động đất. Dù nó đã gây ra sự tàn phá trên bình diện rộng lớn, nhưng không phải tất cả mọi người trong khu vực bị tàn phá đều bị thương hay thiệt mạng. Điều này cho thấy là những người bị tổn thương nghiêm trọng đã có cộng nghiệp, cả biệt nghiệp và cộng nghiệp, để gánh chịu sự tổn thương vào thời điểm đó, trong khi những người tương đối không bị ảnh hưởng, thì không nhận lãnh nghiệp như vậy.
Điều này không có nghĩa là những người đã thiệt mạng là những người “xấu xa” hơn những người đã thoát chết. Tất cả chúng ta đều tích tập nghiệp lớn lao trong dòng tâm thức của mình, có cả thiện nghiệp và ác nghiệp, và các trợ duyên quyết định nghiệp nào sẽ trổ vào thời điểm nào thì rất nhiều, và khác biệt với nhau. Người nào có thể đã sống sót “một cách kỳ diệu” sau trận động đất lớn, rồi lại thiệt mạng trong một thiên tai khác vào ngày hôm sau, năm sau, hoặc kiếp sau. Liệu ta có thể phân biệt được giữa cộng nghiệp “rộng lớn” mà chúng ta chia sẻ với tất cả chúng sinh trên hành tinh, và cộng nghiệp tương đối “hạn hẹp”, mà mình chỉ chia sẻ với một nhóm nào đó, trong số tất cả những chúng sinh này hay không?

Có, chúng ta có thể phân biệt được điều đó. Có cộng nghiệp rộng lớn nhất, đã góp phần hình thành vũ trụ. Điều này được chia sẻ với tất cả những chúng sinh sẽ sống trong vũ trụ đó. Trong tập hợp đó, có một tập hợp nhỏ hơn của những chúng sinh có cộng nghiệp để chung sống trên trái đất. Điều này đã góp phần vào sự hình thành của trái đất. Trong tập hợp nhỏ hơn thì có một tập hợp nhỏ, gồm những chúng sinh có cộng nghiệp để trải qua trận động đất ở Haiti, thì điều này đã góp phần vào sự xuất hiện của trận động đất.

Tuy mỗi người trong tập hợp nhỏ hơn đó đã trải nghiệm trận động đất theo cách khác nhau, theo biệt nghiệp của họ (thun-mong ma-yin-pa’i las; biệt nghiệp), nhưng dù sao đi nữa, chúng ta vẫn có thể thấy những phân loại nhỏ hơn nữa, của cộng nghiệp được chia sẻ với những nhóm người nhỏ hơn trong số này. Chẳng hạn như một số người đã chết, và một số thì sống sót. Những người chết có một cộng nghiệp là đều thiệt mạng trong trận động đất, chứ không chỉ trải nghiệm trận động đất mà thôi. Trong số những người đã chết, một số người có thể đã có cộng nghiệp với một số người khác, để qua đời trong cùng một tòa nhà bị sập. Vì vậy, khi nói về biệt nghiệp, thì điều này đề cập đến việc trải qua điều gì đặc thù, không chia sẻ với ai khác, chẳng hạn như họ đã chết 15 phút sau khi bị một cây xà nhà nào đó đập vào đầu.

Nói về mặt vũ trụ, thì những chúng sinh đã tịnh hóa đủ nghiệp chướng của mình, và có tín tâm mạnh mẽ có thể được tái sinh trong cái gọi là “cõi tịnh độ” hay “cõi Phật”, chẳng hạn như tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Rồi thì họ sẽ thấy mình ở trong một thế giới không phải trải qua những sự biến động dữ dội như vậy. Tương truyền rằng tất cả mọi thứ trong một tịnh độ như vậy, chẳng hạn như tiếng gió thổi qua cây cối, cũng thuyết Pháp, để đưa chúng sinh trên tịnh độ đó đến gần với giác ngộ hơn. Tôi trích dẫn điều này, chỉ để nhấn mạnh điểm là có sự tương ứng giữa các tính chất của một nơi, và phẩm chất trong tâm thức của những chúng sinh sống ở nơi đó.
Nói tóm lại, thì những chúng sinh vẫn còn chịu ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, sẽ thấy mình đang sống trong một thế giới đầy nguy hiểm, trong khi những người đã đạt được một mức độ tự do, thoát khỏi những vọng tưởng độc hại này, sẽ trải nghiệm một môi trường mà những nguy hiểm như vậy ít phổ biến hơn, hay thậm chí như trong trường hợp tái sinh trong tịnh độ, thì hoàn toàn không xảy ra.

Trong trường hợp của một tịnh độ, chẳng hạn như tịnh độ của Đức A Di Đà, thì chánh nhân cho sự sinh khởi của nó là công đức mà Đức A Di Đà đã tích tập trước khi ngài giác ngộ, và những lời cầu nguyện mà ngài đã thực hiện trước khi thành tựu giác ngộ. Đó phải là lời cầu nguyện hồi hướng công đức mà ngài đã tích tập, để có thể thuyết Pháp trong các Hóa thân, những phàm nhân có nghiệp để thọ Pháp từ một vị Phật Hóa thân, đặc biệt là có nghiệp để được sinh ra trong một tịnh độ Hóa thân, để thọ nhận những giáo lý ấy. Ngoài ra, lời cầu nguyện của ngài phải là sẽ thuyết Pháp trong dạng Báo thân, cho chư Bồ tát thánh nhân có đúng nghiệp để thọ Pháp từ một vị Phật Báo thân, cụ thể là có nghiệp để sinh ra trong một tịnh độ Báo thân, để thọ nhận các giáo lý ấy. Vì Đức A Di Đà đã phát nguyện như vậy, với tư cách là một vị Bồ tát rất lâu trước khi thành Phật, nên cõi tịnh độ của ngài cũng có thể được xem là tăng thượng quả của việc tích tập công đức giác ngộ của Ngài.

Một duyên tác động đồng thời (lhan-cig byed-pa’i rkyen) để cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà được sinh khởi là nỗi khổ của tất cả chúng sinh, đã thúc đẩy Đức A Di Đà phát tâm bi, và cầu nguyện như vậy, trước khi ngài giác ngộ. Duyên tác động đồng thời là yếu tố tồn tại trước khi điều gì sinh khởi, và hỗ trợ cho điều đó phát sinh, nhưng không chuyển hóa thành thứ đã phát sinh.

Những pháp tu tịnh hóa của người nào sẽ tái sinh ở cõi tịnh độ của Đức A Di Đà được thực hiện trong kiếp ngay trước khi người đó sinh ra trong tịnh độ này thì không thể được coi là nhân cho sự sinh khởi của cõi tịnh độ của Đức A Di Đà. Đó là vì tịnh độ của Đức A Di Đà đã có mặt, vào thời điểm mà người đó hành trì pháp tu tịnh hóa. Pháp tu tịnh hóa được người nào thực hiện trong kiếp ngay trước khi tái sinh vào tịnh độ, cộng với lời cầu nguyện trong kiếp đó, để được tái sinh trong tịnh độ của Đức A Di Đà, giống như giọt cuối cùng trong việc tích lũy công đức mà người đó đã tạo tác qua vô lượng kiếp, đem lại kết quả là họ sẽ tái sinh trong tịnh độ đó. Chỉ những lời cầu nguyện để được tái sinh trong tịnh độ nói chung, mà tất cả chúng sinh có nghiệp để tái sinh trong tịnh độ của Đức A Di Đà đã thực hiện trong những kiếp sống mà Đức A Di Đà vẫn còn là một vị Bồ tát, mới có thể làm nhân để sinh vào tịnh độ của Đức A Di Đà, như tăng thượng quả của họ. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra, khi kết hợp với lời cầu nguyện của Đức A Di Đà, đã được thực hiện trước khi ngài thành Phật. Chỉ khi nào những người này đã biết Đức A Di Đà, khi ngài còn là Bồ tát, và cầu nguyện được tái sinh  trong tịnh độ của ngài, sau khi ngài thành Phật, thì lời cầu nguyện của họ mới trổ thành tịnh độ của A Di Đà, như kết quả toàn diện.

Tôi có đọc trong một vài kinh sách về việc động đất có liên quan đến vấn đề thổ đại của chúng sinh bị mất tính quân bình. Điều này thú vị, nhưng tôi không biết cách diễn giải câu đó. Ông có thể giúp gì được không?

Tôi chưa đọc câu này, nhưng tôi nghĩ ta có thể hiểu nó theo khai thị của  Kalachakra (Thời Luân) về nghiệp. Theo khai thị này, thì có vô số vũ trụ, và mỗi vũ trụ trải qua một chu kỳ của thời kiếp hình thành, thời kiếp an trụ, thời kiếp hoại diệt, và thời kiếp trống rỗng. Khi một vũ trụ đang trong giai đoạn hình thành, thì một vũ trụ khác có thể đang trải qua giai đoạn tan rã. Các chu kỳ mà các vũ trụ trải qua thì không nhất thiết phải đồng bộ với nhau.

Trong thời kiếp trống rỗng, giữa sự hiện diện của các vũ trụ, thì ngũ đại của mỗi một vũ trụ đã sụp đổ thành một hạt không gian (nam-mkha’i rdul-tshan). Hạt không gian này gợi nhớ đến một “lỗ đen” (“black hole”), mặc dù dĩ nhiên là có sự khác biệt. Ngũ đại là không gian, gió, lửa, nước và đất; hay ta có thể nghĩ về ngũ đại như không gian, khí hoặc năng lượng, hơi nóng, chất lỏng và chất rắn. Nói một cách cụ thể thì hạt không gian bao gồm dấu vết của các hạt nguyên tố thô trọng hơn của một vũ trụ, không còn liên kết với nhau nữa. Trong tình huống này, các định luật vật lý thông thường của vũ trụ đã sụp đổ trước đó không còn hoạt động giữa những dấu vết đó nữa. Hạt không gian của một vũ trụ chưa xảy ra sẽ vận hành như cơ sở cho các hạt thô trọng hơn của ngũ đại của vũ trụ đó, sẽ sinh khởi sau này.

Kalachakra cũng nói về gió nghiệp (las-kyi rlung), về những năng lượng vi tế mang theo nghiệp lực và chủng tử nghiệp của chúng sinh. Chẳng hạn như vào cuối đại kiếp trống rỗng, trước khi Vụ Nổ Lớn hình thành vũ trụ của mình, thì gió cộng nghiệp của những chúng sinh có nghiệp để sinh ra trong vũ trụ này đã ảnh hưởng đến hạt không gian trong vũ trụ này. Chúng đã khiến cho hạt không gian đó nổ tung với Vụ Nổ Lớn, và tiến hóa thành vũ trụ của chúng ta, với những đặc điểm và định luật vật lý cụ thể của nó.

Vào thời điểm mà Vụ Nổ Lớn xảy ra, thì những chúng sinh có nghiệp để sinh ra trong vũ trụ này, và có cộng nghiệp ảnh hưởng đến sự hình thành vũ trụ của chúng ta, đã phải an trú trong những vũ trụ khác. Là những chúng sinh trong luân hồi, nên ngũ đại trong thân thể của họ sẽ không quân bình. Do đó, gió cộng nghiệp của họ sẽ ảnh hưởng đến hạt không gian trong vũ trụ của mình, khiến cho ngũ đại thô trọng hơn của vũ trụ này, sẽ tiến hóa từ chúng, cũng không quân bình. Dựa vào cách này, thì có thể giải thích rằng việc thổ đại không quân bình trong những chúng sinh có nghiệp lực sinh ra trong vũ trụ của chúng ta, đã góp phần vào việc thổ đại trên hành tinh này mất sự quân bình, dẫn đến động đất.

Giáo pháp Kalachakra giải thích mối quan hệ giữa cộng nghiệp và sự kiện các hành tinh đá trong vũ trụ của chúng ta sẽ không được ổn định, và bị động đất. Nhưng đâu là ví dụ về cộng nghiệp dẫn đến việc một nhóm người cùng trải qua một trận động đất nào đó? Có phải đó là điều mà những chúng sinh này đã tạo tác, như trong trường hợp thường được trích dẫn là dân làng đã ném cát vào chư Tăng, nên sau đó, những dân làng này đã bị chôn vùi trong một cơn bão cát? Hay đó là điều gì vi tế hơn, và bao hàm nhiều hơn điều này?

Tất nhiên, đây là một thắc mắc rất khó trả lời. Một nhóm chúng sinh cùng trải nghiệm việc thổ đại trong hành tinh này mất quân bình, đã phải tích tập cộng nghiệp cho điều này, bằng cách tất cả đều tham gia vào một hành vi nào đó. Hành động đó đã phải tạo ra việc thổ đại mất quân bình trong một khu vực, mà những chúng sinh khác đã kinh qua, và bị tổn hại. Chẳng hạn như ác nghiệp đó có thể là một nhóm người cùng làm việc trong một dự án phá hoại môi trường, khiến cho các ngọn đồi bị sụp đổ, hay tạo ra lũ bùn (mudslide). Hoặc nhóm này có thể đã tham gia vào việc làm nổ mìn, để khai thác hầm mỏ.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các chúng sinh trong luân hồi đã sống trên vô số hành tinh trong vô số vũ trụ. Cộng nghiệp của những chúng sinh đã hứng chịu một trận động đất cụ thể trên một hành tinh nào đó không nhất thiết phải được tích tập bằng một ác nghiệp mà họ đã thực hiện với nhau trên hành tinh ấy. Có thể họ đã thực hiện hành vi này trên hành tinh khác, vào bất cứ lúc nào trong quá khứ. Vì lòng tham lam và si mê, tôi chắc chắn rằng chúng sinh trong luân hồi đã phá hủy môi trường trên vô số hành tinh vô số lần, nhưng chỉ có một vị Phật mới biết được hành vi nào đã trổ thành quả nào. Xét cho cùng thì nghiệp là đề tài khó hiểu nhất, về mặt tất cả các chi tiết của nó.

Top