Tiếp Tục Về Việc Không Nói Lời Chia Rẽ
Hôm qua, chúng ta đã nói về hành vi tiêu cực thứ năm, đó là nói lời chia rẽ. Chúng ta đã nói về ba hành vi tiêu cực của thân, và hành vi tiêu cực đầu tiên của ngữ. Chúng ta đang bàn luận về hành vi tiêu cực thứ hai của ngữ, đó là nói lời chia rẽ.
Đối tượng của lời chia rẽ là một nhóm người hòa thuận, hay bất hòa với nhau. Lý do có hai đối tượng, là vì quý vị có thể khiến cho một nhóm người hòa thuận chia rẽ với nhau, và tương tự như vậy, một nhóm đã bất hòa với nhau có thể trở nên tồi tệ hơn. Chủ ý gồm có một động lực, một sự phiền não, và thừa nhận. Sự thừa nhận là nhận thức đúng về tình trạng giữa những người mà quý vị đang nói chuyện. Phiền não có thể là tham, sân hay si. Động lực là làm cho người khác bất hòa với nhau không thể hợp tác với nhau, hoặc khiến cho những người hòa thuận với nhau phải chia tay.
Hành vi có thể là bất cứ hình thức nói năng nào, dù đó là sự thật hay không. Quý vị có thể nói những lời tốt đẹp, hay lời xấu xa. Có nhiều cách nói. Hành vi sẽ kết thúc, khi mình đã tạo ra sự chia rẽ nặng nề giữa những người này, khi giữa họ sẽ có một khoảng cách lớn, hay một khoảng cách nào đó.
Không Nói Nặng Lời
Hành tiêu cực tiếp theo của ngữ là nói nặng lời và lăng mạ, nói lời tàn nhẫn. Việc này cũng liên hệ đến một đối tượng, một chủ ý, một hành động và một kết luận. Đối tượng là một người đã làm tổn thương quý vị, hoặc làm tổn thương một người bạn, hay người thân của quý vị, và người mà quý vị cảm thấy sẽ tiếp tục làm tổn thương họ nữa trong tương lai. Vì vậy, quý vị rất tức giận với họ. Chủ ý là động lực để nói điều gì nặng nề. Lời nói này có thể là đúng hay sai. Nó có thể là bất cứ ngôn từ khó nghe nào. Chẳng hạn như việc gọi một người tật nguyền là một người “què” là một lời nói đúng, nhưng tàn nhẫn. Việc gọi một người không có khuyết tật là một người “què”, là một ví dụ về lời nói nặng sai lầm. Nó có thể liên quan đến cả những lời dễ chịu và khó chịu. Quý vị có thể gọi ai là người lùn, và chọc quê họ. Quý vị có thể nói một cách mỉa mai với người nào có da ngăm đen, với những lời nghe có vẻ dễ chịu, rằng, “Da của bạn trắng thật!”. Hay quý vị có thể chọc quê một người nghèo, bằng cách nói họ giàu có như thế nào. Nếu như người nào không phải là Phật, thì bạn có thể mỉa mai, gọi họ là Phật. Đó là cách nói lời tàn nhẫn với ai đó, bằng cách sử dụng ngôn từ nghe có vẻ dễ chịu. Hành vi sẽ được hoàn tất, khi người khác hiểu những điều quý vị nói.
Không Nói Chuyện Phiếm
Hành vi tiêu cực của ngữ tiếp theo là nói chuyện phiếm, chỉ nói những điều vô nghĩa. Nó cũng liên quan đến một đối tượng, chủ ý, hành vi và kết luận. Đối tượng là bất cứ lời nói vô nghĩa và vô vị nào. Phần còn lại của nó thì giống như những gì chúng ta vừa bàn luận, ngoại trừ kết luận. Không ai cần phải hiểu những điều quý vị đã nói. Chỉ cần nói điều gì ngu ngốc, vô nghĩa, và hoàn tất hành động này. Ví dụ như đọc tiểu thuyết vô nghĩa thành tiếng, sẽ thuộc về hình thức nói chuyện phiếm, khi việc này được thực hiện, mà không có mục tiêu gì.
Không Tham Lam
Những loại hành vi tiêu cực tiếp theo thuộc về tâm ý. Trước tiên là tâm tham lam, ý muốn sở hữu những điều người khác có. Đối tượng là bất cứ tài sản nào thuộc về người khác, tiền bạc, của cải, vật chất, nhà cửa của họ, v.v... Có thể là bất cứ thứ gì. Cách suy nghĩ là nhìn vào những thứ này, và ước gì mình cũng có được chúng. Hành vi sẽ được hoàn tất, khi quý vị quyết định làm điều gì đó, để cố gắng có được những thứ mà người khác có.
Không Có Ác Ý
Hành vi tiêu cực thứ chín là ác ý, hay muốn làm hại người khác. Đối tượng thì giống như trong lời nói nặng và lăng mạ. Cụ thể là người nào đã làm tổn thương quý vị, hay người thân, bạn bè của quý vị, người mà quý vị cảm thấy sẽ làm tổn thương họ nữa, nên tức giận với họ. Động lực là muốn đấm hay đánh người đó, hoặc làm tổn thương họ bằng cách nào đó. Hành vi sẽ được hoàn tất ở mức độ tinh thần, khi quý vị đã quyết định, để tạo ra một hành vi từ ác ý đó. “Mình sẽ đi tìm người này và đấm vào mặt họ”, hay “Nếu như không đánh người này thì tôi chịu không nổi.”.
Không Có Tà Kiến
Đối với tà kiến thì đối tượng phải là điều gì là tà kiến. Đó là việc bác bỏ điều gì là sự thật. Chẳng hạn như khẳng định là không có kiếp sau, khi thật sự có kiếp sau, hoặc khẳng định rằng nhân quả không có liên hệ gì với nhau, hay thiện hạnh không đưa đến hạnh phúc. Tất cả những điều này là ví dụ về tà kiến, phủ nhận những điều là sự thật.
Xung Lực (Nghiệp) Và Đạo Lộ Của Xung Lực (Nghiệp Đạo)
Có nhiều điểm mà quý vị có thể khảo sát thêm. Tất cả những hành vi trong số bảy hành vi tiêu cực của thân và ngữ là một loại xung lực, cũng như đạo lộ cho xung lực đó. Trong khi ba loại hành vi tiêu cực của ý là đạo lộ cho xung lực đó, nhưng bản thân chúng không phải là xung lực. Định nghĩa thật sự của nghiệp là một xung lực, để làm một điều gì đó. Bản thân xung lực là một thái độ tinh thần phụ trội, và không phải là đạo lộ của một xung lực. Đây là một sự khác biệt về mặt kỹ thuật, có thể được phân tích thêm.
Trong tương lai, khi quý vị có một vị Geshe thiện xảo ở đây, thì có thể hỏi Geshe la về điều này. Việc nêu ra thắc mắc về những thứ ở trên trời, hay bất cứ điều gì không thì không quá sâu sắc. Nếu quý vị hành trì một pháp tu và tụng mật chú, vân vân, thì sau một thời gian, câu trả lời cho những thắc mắc như thế này sẽ trở nên rất rõ ràng, mà không cần phải hỏi những người uyên bác. Đối với việc thắc mắc về mặt trăng và vân vân, thì câu trả lời sẽ rõ rệt, khi mình đọc sách và nghiên cứu sách vở. Ở đây, tôi chỉ đang giải thích những điều nhỏ nhặt ở bên lề thôi, vì không có đủ thời gian để đi vào chi tiết về tất cả những điều này.
Tính Trầm Trọng Của Hành Vi
Cũng có sự khác biệt về mức nặng nhẹ của hành vi. Khi người nào đã quen thuộc với hành vi tiêu cực, chẳng hạn như một người đồ tể, thì ngay cả việc thực hiện một hành động tiêu cực nhỏ nhoi cũng trở thành rất nặng nề. Chẳng hạn như về bản chất thì việc nói chuyện phiếm là hành vi nhẹ nhất trong thập ác, nhưng nếu như lúc nào mình cũng nói chuyện phiếm, thì bởi vì việc này xảy ra thường xuyên, nên nó trở thành khá nặng nề. Chẳng hạn như, ngay cả khi quý vị có thật nhiều những tờ giấy rất mỏng, thì chúng cũng trở nên rất nặng nề. Hơn nữa, nếu quý vị thực hiện một hành vi với ý định rất mạnh mẽ, thì nó sẽ nặng nề hơn. Tương tự như vậy, nếu quý vị thực hiện một hành vi tiêu cực hay phá hoại mà không hối tiếc, hay không áp dụng lực đối trị nào, trong số bốn lực đối trị để tịnh hóa tự thân, thì ác nghiệp mà quý vị đã tích tập sẽ khá nặng nề.
Công đức có thể được tích tập bằng cách hành động một cách xây dựng, cũng có thể rất nặng nề hay yếu ớt. Nếu quý vị không tức giận, thì công đức vẫn mạnh mẽ. Nếu như đối tượng của hành vi tích cực là một đạo sư, cha mẹ của quý vị, hay Tam Bảo, thì công đức sẽ trở nên rất nặng nề. Tương tự như vậy, nếu quý vị làm điều gì tiêu cực hay phá hoại đối với họ, thì ác nghiệp mà quý vị tích tập sẽ rất nặng nề.
Khi nghĩ về những điểm này, thì điều mà mình phải làm là quyết định thực hiện tất cả những hành vi tích cực, có tính cách xây dựng mạnh mẽ nhất và nặng nề nhất, và tránh những hành vi tiêu cực nặng nề nhất. Nếu quý vị có cùng số lượng chì và vàng, thì sẽ muốn có thêm vàng, chứ không muốn thêm chì. Tương tự như vậy, đối với những công đức và ác nghiệp này, nếu như có hai yếu tố đều nặng nề như nhau, thì quý vị sẽ muốn giữ lại công đức, và từ bỏ ác nghiệp.
Về mặt trình bày ba hành vi tiêu cực của thân và bốn hành vi của ngữ, thì hành vi đầu tiên trong số này là điều nặng nề nhất. Về bản chất thì những hành vi theo sau sẽ nhẹ hơn. Vì tất cả mọi người đều trân trọng cuộc sống của mình nhiều nhất, nên việc giết hại là ác nghiệp nặng nề nhất của thân, trong khi chỉ tước đoạt tài sản của người nào bằng cách trộm cắp thì ít nặng nề hơn, và có hành vi tà dâm với họ là nghiệp nhẹ nhất trong ba điều này. Điều tương tự cũng đúng, đối với hành vi tiêu cực của khẩu. Nghiệp nặng nề nhất là nói dối, rồi đến nói lời chia rẽ; nói nặng lời và nói chuyện phiếm thì dần dần trở nên nhẹ nhàng hơn. Nó ngược lại với những hành vi tiêu cực của ý. Điều đầu tiên thì nhẹ hơn, và những điều sau thì nặng hơn. Trong ba ý nghiệp thì tham lam là nhẹ nhất, rồi ác ý thì nặng nề hơn, và tà kiến thì nặng nề nhất.
Điều cực kỳ quan trọng là phải kềm chế việc tạo tác bất kỳ hành vi tiêu cực nào trong thập ác, và cố gắng thực hiện thập thiện. Trong quá khứ, có một vị Geshe rất thiện xảo và uyên bác ở Mông Cổ. Ngài là một đạo sư tôn quý, người đã trở thành vị Trụ Trì của một trong những học viện Mật tông. Chính tôi đã thọ giáo với Ngài. Một lần nọ, một nhà quý tộc đã đến và tham vấn bậc thầy vĩ đại này về tánh Không. Vị đại sư nói, “Hãy quên đi tánh Không, nhưng ông phải ngưng làm một tên trộm như vậy.”. Đó là vì Ngài biết nhà quý tộc này đang cướp đoạt tiền bạc. Đôi khi, một số người trong tầng lớp quý tộc có thể cúng dường cho các nhà tu trong các tu viện, nhưng họ cũng thường thu tập tiền của, bằng cách bóc lột người dân, và giữ hầu hết số tiền đó cho chính mình.
Bây giờ, chúng ta đã bàn luận xong về tính nặng nhẹ của những hành vi khác nhau.
Kết Quả Của Hành Vi
Quả trổ theo sau tất cả những hành vi tiêu cực này thì đều giống nhau, đó là tái sinh vào một trong những cõi tồi tệ nhất, như một chúng sinh trong địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh. Có hai loại quả tương ứng với nhân của chúng. Có quả tương ứng với nhân, về mặt kinh nghiệm, và quả tương ứng với nhân, về mặt hành vi theo bản năng. Điều này đã được bàn luận ngày hôm qua, về việc giết hại. Quả tương ứng với nhân của nó về mặt kinh nghiệm là quý vị sẽ có thọ mạng ngắn ngủi và nhiều bệnh tật.
Kết quả của việc nói nặng lời và lăng mạ là người khác luôn la hét, và nói những điều xấu xa với quý vị, và quý vị phải nghe lời xấu xa hoài. Kết quả của việc nói chuyện phiếm là không ai lắng nghe những gì quý vị nói. Không có ai chú ý đến quý vị, hoặc xem lời nói của quý vị một cách nghiêm túc. Nếu như người khác luôn lắng nghe quý vị nói, thì đó là kết quả của việc từ bỏ nói chuyện phiếm. Nếu như có tâm tham lam mạnh mẽ, thì kết quả là quý vị sẽ làm người có tâm tham ái và dục vọng to lớn. Kết quả của ác ý là quý vị sẽ làm một người rất nóng giận và thù hằn. Kết quả của tà kiến là quý vị sẽ làm một người rất khép kín và vô minh.
Quả tương ứng với nhân của nó về hành vi bản năng, đối với mỗi một hành vi tiêu cực này là từ thuở thơ ấu, quý vị sẽ lặp lại những hành vi này theo bản năng của mình. Như chúng tôi đã giải thích ngày hôm qua, kết quả toàn diện của việc không giết người là nơi quý vị sinh ra sẽ là một nơi có thực phẩm rất phong phú và bổ dưỡng. Tương tự như vậy, thuốc men sẽ rất hiệu quả. Kết quả toàn diện của hành vi trộm cắp, lấy những gì không ai cho là ở vùng đất mà quý vị sinh ra, mùa màng sẽ rất yếu kém. Thu hoạch vụ mùa sẽ rất ít ỏi, mưa rất ít, và rất bụi bặm, vân vân. Kết quả của tà dâm là quý vị sẽ sinh ra trong một quốc gia rất bẩn thỉu và ô uế, một nơi có rác rến và những thứ bẩn thỉu ở khắp nơi.
Kết quả của việc nói dối là khi gieo trồng, thì sẽ không gặt hái được gì, theo cách mình đã dự trù. Kết quả của việc nói lời chia rẽ là ở quốc gia mà quý vị sinh ra, đất đai sẽ rất gồ ghề; sẽ có khe núi sâu và hẻm núi. Việc đi bất cứ nơi nào sẽ rất khó khăn. Kết quả từ việc nói nặng lời và lăng mạ là đất nước của mình sẽ có nhiều chông gai và sỏi đá, môi trường sẽ rất khắc nghiệt. Kết quả của nói chuyện phiếm là vụ mùa sẽ đảo lộn. Quý vị sẽ thu hoạch vụ mùa không đúng lúc, hoặc không có thứ gì mọc vào đúng mùa trong năm.
Kết quả toàn diện của tâm tham lam là mọi thứ trong đất nước của mình sẽ mau bị hư hỏng, bất cứ điều gì tốt đẹp mà quý vị có sẽ sụp đổ. Kết quả toàn diện của ác ý là đất nước sẽ có nhiều bệnh tật và bệnh dịch. Guru Rinpoche vĩ đại, Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava), đã tiên đoán rằng trong tương lai, sẽ có nhiều căn bệnh mới mà không ai biết tên, và không có thuốc men hay cách trị liệu nào, đó là vì những tư tưởng mạnh mẽ của ác ý và thù hận. Chúng ta thấy điều này là đúng. Nhiều căn bệnh hiện đại đang ảnh hưởng đến nhân loại. Kết quả toàn diện của tà kiến là tài nguyên của một quốc gia sẽ cạn kiệt. Một đất nước có thể có nước, cây cối, hầm mỏ, của cải, dầu mỏ v.v... rất tốt, nhưng tất cả những thứ này đều cạn kiệt.
Kết quả toàn diện của thiện hạnh sẽ trái ngược với kết quả toàn diện của những ác hạnh này. Nhờ không giết hại mà đất nước sẽ có những loại thuốc men rất mạnh mẽ và công hiệu, thực phẩm rất phong phú và bổ dưỡng. Quý vị có thể suy ra phần còn lại về kết quả toàn diện của các thiện hạnh, bằng cách suy ra điều trái ngược với kết quả toàn diện của những hành vi tiêu cực.
Mãnh Lực Của Tiềm Năng
Ngoài ra, còn có một sự khác biệt về mãnh lực của tiềm năng được tích tập từ những hành vi, dựa vào bốn yếu tố khác nhau. Đó là đối tượng của hành vi; hoàn cảnh của người thực hiện hành động; sự kiện liên quan đến hành động; và sau đó là tâm trạng liên quan đến sự việc.
Xét về khía cạnh đầu tiên, tức đối tượng của hành động, thì hành vi sẽ trở nên rất mạnh mẽ, khi nhắm vào Tam Bảo và chư đạo sư. Chúng cũng rất mạnh mẽ, khi nhắm vào những người tương tự như các đạo sư hay Lạt ma, và điều đó đề cập đến những người khuyên bảo quý vị đâu là thiện hạnh và đâu là ác hạnh. Bất cứ người nào cho bạn lời khuyên hợp lý cũng giống như một đạo sư, hay Lạt ma. Tương tự như vậy, cha mẹ là đối tượng rất mạnh mẽ đối với hành động, bởi vì không cần biết loại hành vi mà quý vị sẽ thực hiện một cách trực tiếp đối với họ là gì, dù là tích cực hay tiêu cực, thì đều trở nên rất mạnh mẽ. Ngay cả khi quý vị chỉ giúp những người như vậy với những điều nhỏ nhặt, nhưng vẫn tạo ra công đức rất mạnh mẽ. Ngay cả khi quý vị chỉ làm điều gì hơi tiêu cực và phá hoại đối với họ, thì sẽ tạo ra ác nghiệp rất lớn lao.
Về mặt chủ thể thì hành động của người nào đã thọ giới sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Dựa trên cơ sở của việc thọ giới cư sĩ, giới Sa di hay Sa di ni, hay giới Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni, thì các hành vi tích cực và tiêu cực của những người này sẽ mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nếu như quý vị thực hiện một số hành vi có tính xây dựng, trên cơ sở của bồ đề tâm, lòng dấn thân vì tha nhân, và để thành tựu giác ngộ, thì hành vi ấy sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ và có hiệu lực. Nếu quý vị bắt đầu một ngày mới bằng cách nghĩ rằng, “Thật tuyệt vời là tối hôm qua, mình đã không chết. Bây giờ thì mình đã thức dậy, nên sáng nay, mình sẽ dấn thân vì người khác, và để thành tựu giác ngộ. Tôi sẽ có thái độ tích cực và xây dựng càng nhiều càng tốt”, rồi thì bất cứ điều gì quý vị làm trong suốt ngày sẽ được thực hiện bằng mãnh lực của chủ ý mạnh mẽ, ngay cả khi mình không có chánh niệm về nó trong suốt cả ngày. Thế thì điều quan trọng là bắt đầu ngày mới với một chủ ý rất tích cực như thế. Về mặt chủ ý thì tiềm năng của nó sẽ trở nên mạnh mẽ.
Ví dụ cuối cùng đó là một ví dụ về điểm thứ tư. Bây giờ, quay trở lại một ví dụ về điểm thứ ba thì đề mục liên quan là: Đối với việc bố thí, nếu như quý vị bố thí Pháp cho người khác, thì sẽ mạnh mẽ hơn nhiều, so với việc chỉ bố thí tài vật. Điểm thứ tư là cường độ được xác định bằng tâm trạng liên quan với nó, vừa mới được đề cập. Chẳng hạn, nếu như chỉ cúng dường một bông hoa, với mục tiêu tạo lợi lạc cho vô số chúng sinh, thì công đức tích tập được sẽ tương đối to lớn. Vậy thì điều quan trọng là phát khởi một chủ ý thiện hảo rất mạnh mẽ, trước khi thực hiện bất cứ điều gì. Nói một cách cụ thể thì điều rất quan trọng là trước khi làm việc gì thì phải phát bồ đề tâm, và ước mong điều mình làm sẽ tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Vào cuối ngày thì điều rất quan trọng là hồi hướng công đức mình đã tích tập trong ngày, bằng cách cúng dường công đức ấy cho thành tựu giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Theo cách này thì tác ý mà quý vị phát khởi vào buổi sáng, và việc hồi hướng mà quý vị sẽ thực hiện vào buổi tối là những điều vô cùng quan trọng. Nếu như trước khi đi ngủ mà quý vị phát khởi chủ ý rất tích cực và có tính xây dựng, rồi cố gắng làm việc tối đa vì lợi lạc của người khác vào ngày hôm sau, thì thời gian trong cả đêm ấy sẽ rất tích cực, vì nó sẽ trôi qua với tác ý mạnh mẽ này. Nếu như cứ trải qua ngày và đêm theo cách tích cực và xây dựng này, thì quý vị sẽ có thể viên mãn đường tu, và sống một đời trọn vẹn.
Tám Phẩm Chất Thiện Hảo Của Kiếp Người Quý Báu
Khi nghĩ về việc giữ gìn, để không tạo tác thập ác, thì phải quán chiếu rằng hiện nay, quý vị đã có được kiếp người quý giá này, là kết quả của việc giữ gìn thiện nghiệp trong quá khứ. Nếu muốn thành tựu giác ngộ một cách hữu hiệu và dễ dàng nhất, thì phải có nền tảng của kiếp người, thân người với đầy đủ tám phẩm chất thiện hảo. Đó là có thọ mạng lâu dài; tướng hảo trang nghiêm; xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, hay đẳng cấp cao; giàu có; lời nói có uy tín, để người khác tin cậy những điều mình nói; có oai lực và thế lực; có thân thể cường tráng, thể lực tốt và tâm thức hay ý chí mạnh mẽ. Điều cuối cùng là một nam nhân, bởi vì giữa nam và nữ, nếu như theo hoàn cảnh thì nam giới thường dễ có thời giờ để tu tập Pháp hơn - ít nhất là theo truyền thống vào thời đó.
Mỗi một điểm này đều có một công năng. Với thọ mạng lâu dài thì quý vị có thể hoàn thành tất cả những việc tu học. Nếu như có tướng hảo trang nghiêm, thì quý vị sẽ thu hút người khác, và họ sẽ lắng nghe mình nói. Nếu quý vị là người trong hoàng tộc, thì tự nhiên người khác sẽ nghe mình nói, và sẽ làm theo đề nghị của mình. Nếu như quý vị giàu có, thì sẽ thu hút người khác, và có tài nguyên cũng như khả năng để làm nhiều việc thiện lớn lao. Nếu lời nói của quý vị có uy tín, thì người khác sẽ lắng nghe lời mình nói, và tin tưởng mình. Nếu quý vị có thế lực và oai lực lớn, thì người khác sẽ phục tùng, và chấp nhận điều mình nói. Nếu như sinh ra là nam nhân, thì quý vị sẽ có ít chướng ngại hơn trong việc tu tập. Nếu quý vị rất mạnh khỏe, thì sẽ có khả năng thực hiện những công việc to tát, như Milarepa đã xây một tòa tháp chín tầng.
Mỗi phẩm hạnh thiện hảo này đều có nguyên nhân. Nhân của việc có thọ mạng lâu dài là không giết hại, cứu mạng chúng sinh, chăm sóc người bệnh và cung cấp thuốc men cho những người thiếu thốn. Nhân để có tướng hảo trang nghiêm là cúng dường đèn bơ cho Tam Bảo, bố thí quần áo, nữ trang và các vật trang trí cho người khác, không sân hận hay ganh tỵ. Nhân để sinh ra trong gia đình hay giai cấp xã hội tốt là luôn kính trọng đạo sư và cha mẹ, cũng như những người rất uyên bác, có phẩm hạnh cao cả. Một nhân khác là không khoa trương, mà phải khiêm tốn và tôn trọng người khác. Nhân của sự giàu sang là bố thí những thứ cần thiết như thực phẩm, quần áo, tiền bạc vân vân, cho những người thiếu thốn, ngay cả khi họ không xin những thứ này. Nhân của lời nói có uy tín là không nói lời tiêu cực như nói dối, nói nặng lời, nói lời chia rẽ, hay nói chuyện phiếm. Nhân của việc có thế lực và oai lực lớn mạnh là đã cầu nguyện với Tam Bảo, đặc biệt là để có được tất cả các phẩm hạnh thiện hảo, và có thế lực. Nhân để được tái sinh thành nam nhân là không thiến thú vật, tùy hỷ về sức mạnh và khả năng của nam giới, đối với việc tu hành không gián đoạn, trì tụng và tán thán chư Bồ tát như Đức Văn Thù, Đức Di Lặc. Nhân để có sức mạnh thể chất và tinh thần lớn lao là hoàn thành những việc mà người khác không có khả năng thực hiện, hay cảm thấy họ không thể làm.
Điều quan trọng là cầu nguyện để được tái sinh thành người, có đầy đủ những phẩm chất này, và thực hiện những thiện hạnh sẽ tạo ra những phẩm chất này. Điều cũng quan trọng là sử dụng thân thể và kiếp sống như vậy một cách tích cực, nếu như quý vị có được nó, bởi vì nếu quý vị sử dụng đời sống của mình để trở thành một người phá hoại và tiêu cực, thì nó sẽ trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng là phải dâng lời cầu nguyện trọn vẹn, để có được kiếp người, mà mình có thể sử dụng cho những mục tiêu tích cực. Nếu muốn hành thiền để tạo dựng những tập khí tốt, thì hãy nghĩ đến tất cả những phẩm chất mà mình sở hữu, rồi tùy hỷ và hoan hỷ về điều đó. Hãy rút tỉa tinh túy của kiếp này, khiến cho đời sống với những sự thuận lợi này sẽ có ý nghĩa. Đừng phí phạm nó, mà hãy sử dụng nó, để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai. Khi đã có được chứng ngộ này, thì đó là động lực sơ khởi.
Thực tế là tất cả quý vị có mặt ở đây, có nghĩa là quý vị đã nhận ra, nếu chỉ dành toàn bộ thời gian để làm việc, thì chưa đủ. Quý vị đã dành thời giờ để đến đây nghe thuyết Pháp. Đây là dấu hiệu cho thấy quý vị đã có một chứng ngộ nhỏ bé, vì việc có đến đây hay không đều dựa vào việc ngộ ra điều gì đó. Đừng nghĩ rằng chứng ngộ hay tuệ giác có nghĩa là mình có thể bay trên không trung, hoặc có thể để lại dấu chân trên tảng đá. Nếu sự việc là như vậy, thì những người như tôi, những người đã tu hành hơn sáu mươi năm, đều có những thần thông đó. Đừng nghĩ rằng việc có khả năng làm những việc này là điều hay ho. Có những người tu luyện những bài thiền về khí lực và tập thở, thì sẽ có khả năng khinh công. Việc thực hiện điều đó không phải là chuyện lớn. Việc không tạo tác hành vi nào trong thập ác mới là thành tựu khó khăn hơn nhiều.
Cần Phải Tránh Ác Hạnh, Để Chuẩn Bị Cho Hành Trì Mật Tông
Khi A Đề Sa (Atisha) được thỉnh mời đến Tây Tạng, thì Vua Jangchub Wo (Byang-chub ‘od) đã thỉnh cầu ngài thuyết Pháp về nhân quả. Nhà Vua nói rằng, “Xin ngài đừng dạy cho chúng tôi giáo pháp rất thậm thâm và phức tạp của Mật tông.”. Điều này đã làm cho A Đề Sa rất hài lòng. Nếu muốn hội ngộ với giáo pháp Mật tông, và nhận lễ điểm đạo v.v... thì trên thực tế, người ta phải gieo trồng những bản năng và chủng tử rất tốt đẹp. Nếu như quý vị có cơ hội, thì đó là điều rất tốt lành để thực hiện. Nếu như có thể làm được điều đó, thì rất may mắn. Tuy nhiên, cách để tiếp cận nó là hành trì các pháp tu của phạm vi sơ căn thật tốt, về mặt kềm chế ác hạnh. Rồi trên cơ sở đó, phát triển động lực của những phạm vi lớn hơn, và cuối cùng, phát bồ đề tâm, tâm nguyện hoàn toàn dấn thân vì tha nhân, để thành tựu giác ngộ và phổ độ chúng sinh. Nếu như dựa vào cơ sở đó mà quý vị thể nhập pháp tu Mật tông, thì nó sẽ trở thành một phương tiện để thành tựu giác ngộ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Mật tông, các pháp ẩn mật để bảo vệ tâm thức, là một phương tiện tu tập liên quan đến quả thừa. Các giáo pháp theo Kinh điển, tức các chủ đề tu tập thông thường, thì liên quan với nhân thừa. Quý vị không thể tiếp cận với thừa liên quan đến kết quả, trừ khi đã nghe giải thích về thừa liên quan đến nguyên nhân; quý vị không thể có kết quả, mà không có nguyên nhân. Nếu khởi đầu với nền tảng của nhân thừa, rồi thể nhập vào quả thừa, thì Kim Cang thừa của Mật điển sẽ trở thành một phương tiện rất nhanh chóng và hiệu quả để thành tựu giác ngộ.
Nếu như quý vị nghe là những phương pháp Mật tông này là đường tu thành tựu giác ngộ rất nhanh chóng, và chỉ muốn nhận lễ quán đảnh và tu tập ngay lập tức, thì sẽ rất khó mà đi đến đâu. Chẳng hạn như, tuy một chiếc máy bay thì bay rất nhanh trên trời, nhưng quý vị không thể lên máy bay trong giữa chuyến bay. Cách duy nhất để lên máy bay phản lực là phải trải qua những bước sơ khởi để mua vé, làm thủ tục hải quan, đi trên máy đi bộ di động ở phi trường, bước lên bậc thang, lên xe buýt nhỏ đón hành khách, đi lên cầu thang để lên máy bay, v.v... Quý vị phải tiếp cận nó từ từ như vậy. Nếu quý vị muốn lên một chiếc xe cao tốc để đến đích giác ngộ, thì điều quan trọng là phải trải qua những bước đầu tiên, để lên chiếc xe cao tốc này. Nói một cách cụ thể thì điều quan trọng là phải kềm chế việc tạo tác thập ác. Từ đó, quý vị sẽ có một cách tiếp cận vững vàng và ổn định đối với xe cao tốc.
Ngay cả khi những vị đại diện cho Đức Văn Thù, Đức Quán Thế Âm và Đức Di Lặc có trở nên sống động và nói chuyện với quý vị, thì đó sẽ là loại giáo pháp mà các ngài sẽ ban cho quý vị. Nếu quý vị đã tự tu tập và hành trì tất tốt đẹp, thì tất cả những chỉ giáo rất thậm thâm này sẽ có mặt sẵn sàng, để được trao truyền cho quý vị. Nếu như không khởi đầu với cơ sở học hỏi về cách kềm chế ác hạnh, thì không những quý vị không thể thọ nhận giáo huấn từ Đức Văn Thù và Đức Di Lặc, mà thậm chí sẽ không thể nhìn thấy các ngài, hay có linh kiến đúng đắn về các vị. Nếu quý vị thật sự hành trì những điều này một cách rất tốt đẹp, thì sẽ có lúc, quý vị sẽ gặp gỡ những đấng cao cả này một cách trực tiếp, mặt đối mặt.
Có ba anh em là đệ tử của A Đề Sa, và một trong những đệ tử này là Dromtonpa (‘Brom-ston-pa). Một trong ba người này được gọi là Puchungwa (Phu-chung-ba). Ông luôn luôn hành thiền rất miên mật. Ông đã tu hành rất miên mật trong chín năm, từ bỏ thức ăn bình thường của con người. Ông sống trên núi, để thu thập phân của các đàn thú. Những cục phân có tsampa (hạt lúa mạch) chưa được tiêu hóa trong đó. Ông sẽ nấu món này, rồi làm thành súp. Một lần nọ, ông đã xuống núi để đến Lhasa, để chiêm bái những tôn tượng rất lớn và nổi tiếng trong những ngôi chùa chính. Trong khi đi vào thị trấn thì ông thấy 21 vị Tara đi cùng với mình. Ông nói với họ rằng, “Tôi là một nhà sư, và nếu như có phụ nữ đi cùng với tôi vào thị trấn thì sẽ không đàng hoàng cho lắm.”. Chư vị Tara nói với ông rằng, “Ngài không cần phải lo lắng. Không có ai khác có thể nhìn thấy chúng tôi.”. Khi ông đến Lhasa và nhìn thấy tất cả những tôn tượng vĩ đại trong các ngôi chùa, thì những tôn tượng này đã nói chuyện với ông.
Lần đầu tiên nhập thất trên núi, ông đã cuộn những bó cỏ mọc trên đồng cỏ, và đốt chúng, để cúng dường hương. Vì đã cúng dường những phẩm vật thanh tịnh như vậy vào lúc đầu, nên về sau, ông đã có thể cúng dường hương liệu bằng dược thảo rất quý hiếm. Một cây nhang có giá trị khoảng sáu trăm đô la.
Việc Chuẩn Bị Và Hành Động
Đối với nghiệp hay hành vi thì có nhiều cách phân loại khác nhau. Một số hành vi sẽ được chuẩn bị, rồi mới được thực hiện; một số hành vi thì không cần chuẩn bị, mà được thực hiện ngay; một số hành vi thì được chuẩn bị, nhưng không được thực hiện; và một số thì không được chuẩn bị, cũng không được thực hiện. Đây là những điểm mà quý vị nên ghi chép xuống. Chúng là những điều rất thú vị, và là những điều quan trọng để học hỏi, để trong tương lai, khi có một đạo sư ở đây, thì quý vị có thể tham vấn thêm chi tiết. Việc nêu ra chi tiết lúc này sẽ mất quá nhiều thời gian.
Tác Ý Và Hành Vi
Người ta có thể có tác ý thiện, nhưng hành vi bất thiện; tác ý bất thiện nhưng hành vi thiện; cả hai tác ý và hành vi đều bất thiện; và cả hai tác ý và hành vi đều thiện. Nếu có thể, thì quý vị nên có cả tác ý và hành vi đều thiện hảo, hay cao thượng. Một ví dụ về việc có tác ý thiện và hành vi bất thiện, là khi quý vị có chủ ý dạy ai điều gì, mà họ không chịu học, thì dù ý định của mình là giúp đỡ họ, nhưng quý vị có thể đánh hay mắng họ. Một ví dụ về tác ý bất thiện, nhưng hành vi thiện là khiến cho người nào không thể hoàn thành việc gì, bằng cách khiến cho họ sao lãng tâm trí, ví dụ như đưa họ đi picnic hay ngắm cảnh, hoặc làm điều gì dễ chịu, để làm mất thời giờ của họ, và không thể hoàn tất những điều mà họ muốn làm. Tác ý của quý vị là bất thiện, nhưng hành vị lại thiện. Việc nêu ra ví dụ mà cả hành vi và tác ý đều thiện hảo thì dễ thôi.
Kết Quả Có Hại Và Có Lợi
Một cách phân loại khác gồm có bốn điểm như sau: Có những hành vi bề ngoài thì tạo ra lợi lạc, nhưng về lâu về dài thì có hại; có những hành vi bề ngoài thì có hại, nhưng lại có ích lợi lâu dài; có những điều có lợi cho cả bề ngoài và lâu dài; và những điều có hại cho cả bề ngoài và về lâu về dài. Nếu điều gì lợi ích về mặt thiển cận và lâu dài, thì nên làm điều đó. Nếu điều gì bề ngoài có hại, nhưng lại có lợi lạc lâu dài, thì cũng có thể thực hiện. Nếu như có điều gì có lợi lúc đầu, nhưng có hại về lâu về dài, thì tốt hơn là không nên làm. Nếu như điều gì không có lợi ngắn hạn hay dài hạn, thì đừng làm điều đó. Tất cả quý vị đều rất thông minh và sắc sảo, nên có thể hiểu điều này ngay.
Bốn Nguyên Tắc Hành Động
Một cách khác để phân chia hành động là có bốn loại: tính xác quyết về hành động; nghiệp và quả sẽ tăng trưởng; nếu chưa thực hiện hành vi nào, thì không thể gặt quả của nó; và nếu đã thực hiện một hành vi, thì nó sẽ không trở nên vô ích, mà sẽ có kết quả.
Yếu tố xác quyết là nếu quý vị đã làm điều gì thiện hảo, thì kết quả chắc chắn sẽ là hạnh phúc. Nếu đã làm điều xấu ác, thì kết quả chắc chắn sẽ là khổ đau, rắc rối hay bất hạnh. Chẳng hạn như khi trồng lúa thì quý vị không thu hoạch đậu. Yếu tố tăng trưởng được minh họa bằng những gì sẽ xảy ra, khi quý vị gieo một hạt bắp, thì sẽ thu hoạch được nhiều bắp. Rất nhiều niềm hạnh phúc có thể phát sinh từ một thiện hạnh nhỏ nhoi, trong khi từ một ác hạnh nhỏ thì rất nhiều vấn đề có thể xảy ra.
Đây là một ví dụ về yếu tố xác quyết. Người ta đang xây dựng một bảo tháp, tượng đài an vị xá lợi. Một người thợ làm việc trong công trình này gặp rất nhiều khó khăn với công việc, và luôn phàn nàn. Khi bảo tháp được xây xong, anh ta đã nhìn nó và nói rằng, “Rốt cuộc, đó là một điều tốt đẹp”, và cảm thấy rất vui sướng. Anh đã dùng tiền lương để thỉnh một chiếc chuông đặc biệt, và cúng dường nó trên đỉnh bảo tháp. Vào thời Đức Phật, anh đã tái sinh thành người được gọi là Giọng Nói Hay. Người này có giọng nói thanh tao, nhưng thân hình thì xấu xí, rất nhỏ thó và dị dạng. Tuy nhiên, giọng nói của ông rất hay, ngay cả thú vật ở gần đó cũng dừng lại để nghe ông tụng kinh. Một lần nọ, nhà Vua của lãnh thổ này đến viếng thăm Đức Phật. Vua nghe giọng nói tuyệt vời của nhà sư, và xin được gặp ông. Đức Phật nói rằng, “Tốt hơn hết là ngài đừng gặp ông ấy.”. Nhưng nhà Vua cứ van xin, nên Đức Phật đã đưa ngài đến gặp nhà sư. Khi nhà Vua thấy nhà sư nhìn ấu xí và dị dạng như thế nào, thì đã hỏi tại sao ông có một giọng nói hay, và một thân hình xấu xí như vậy, thì Đức Phật đã giải thích về tiền kiếp của nhà sư.
Đây là ví dụ về yếu tố tăng trưởng. Một người nói với một nhà sư rằng, “Giọng của thầy giống như giọng của con chó!”. Kết quả là người này đã tái sinh thành một con chó năm trăm lần. Phải rất cẩn thận, để không gọi người khác bằng những cái tên xấu, hay nói nặng lời và lăng nhục họ, bởi vì chỉ cần lỡ lời là quý vị có thể phạm sai lầm rất tai hại.
Trong số các đệ tử của Đức Phật, người đặc biệt lừng danh về trí tuệ là tôn giả Xá Lợi Phất (Shariputra, Sha-ri'i bu). Trong nhiều kiếp trước, ngài đã sinh ra làm người phát thơ. Một đêm nọ, ông đã tá túc trong một ngôi chùa có những bức tranh tường rất đẹp, vẽ hình chư Phật. Khi thắp đèn để sửa chiếc giày, thì ông đã nhìn thấy hình ảnh của toàn thể chư Phật. Kết quả là ông đã tái sinh với trí tuệ tuyệt vời như thế.
Yếu tố tiếp theo về nghiệp là nếu như chưa thực hiện một hành vi, thì quý vị sẽ không gặt quả của nó. Nhưng nếu đã thực hiện một hành vi, thì sẽ gặt quả của nó, chỉ là vấn đề lâu hay mau thôi. Tuy nhiên, nếu quý vị đã tạo thiện nghiệp, thì tâm sân có thể hủy hoại công đức mà mình đã tích tập, và nếu đã tạo ác nghiệp, thì quý vị có thể tịnh hóa ác nghiệp ấy, nếu như thành tâm thừa nhận điều sai trái, và áp dụng bốn lực đối trị. Nếu không thì quý vị sẽ phải gánh chịu kết quả của những điều mình đã làm. Tâm sân có thể hoàn toàn tiêu diệt khả năng mà công đức có thể đóng vai trò như thiện căn của hạnh phúc. Cách mà điều này xảy ra thì giống như khi một cuồn phim bị rọi bằng máy quang tuyến X ở phi trường, thì hình ảnh trên phim sẽ bị xóa hết.
Ngày xưa, có một Hoàng hậu, tên là Tsunmo Sangmo (bTsun-mo sNgo-bsangs-mo) đã đi dã ngoại (picnic) với các nữ tỳ. Ở nơi họ đang dạo chơi có một bụi cây nhỏ, và có một tổ chim trĩ nhỏ ở trên cây. Hoàng hậu và các nữ tỳ của bà đã đốt bụi cây và giết những con chim này để giải trí, nhưng một người nữ tỳ đã đi lấy nước và không tham gia vào việc này. Sau đó, vào thời Đức Phật, Hoàng hậu được tái sinh thành một nhà sư đắp y và thành tựu A la hán quả, có nhiều thần thông. Người nữ tỳ được sinh ra cùng một lúc, và cũng trở thành một nhà sư, nhưng không thành tựu A la hán quả. Kết quả của nghiệp được tích tập từ những hành động trước đó của họ là một ngày nọ, ngôi nhà mà họ đang sống bị cháy. Vị A la hán từng là Hoàng hậu vẫn còn sót lại một số ác nghiệp từ hành động trước đó, và không thể sử dụng thần thông để bay đi, nên đã chết cháy. Đây là một ví dụ về yếu tố nếu đã tích tập một nghiệp nào đó, thì nó sẽ không trở nên vô ích, mà quý vị sẽ nhận lấy quả của nó. Nhà sư đã từng là người nữ tỳ thì có thể ra khỏi ngôi nhà bị cháy, bằng đường ống cống mà nước từ trong nhà thoát ra. Đây là một ví dụ về cách nếu như chưa thực hiện một hành vi nào đó, thì quý vị sẽ không gặt quả của nó.
Câu hỏi được đặt ra là làm sao mà một vị A la hán vẫn còn sót lại một số ác nghiệp? Điều này có thể được hiểu theo cách áp dụng các lực đối trị để tịnh hóa tự thân. Nếu như chúng được áp dụng một cách hoàn hảo và đúng đắn, thì ta có thể tịnh hóa mọi ác nghiệp. Nhưng nếu như nó không được thực hiện một cách chính xác, thì vẫn còn sót lại một chút ác nghiệp hay sự bất tịnh.
Tín Tâm Xác Tín Về Chân Lý Của Giáo Pháp Về Nghiệp
Nghiệp, hay luật nhân quả là một đề tài rất xuất sắc. Quý vị có thể đọc thêm về đề tài này trong kinh gọi là Kinh Hiền Ngu (mDdo mdzangs-blun, Phạn ngữ: Damamuko-nama-sutra). Những câu chuyện trong kinh đó rất thú vị. Quý vị sẽ có được tín tâm xác tín về tất cả những điều này, về nhân quả, dựa trên thẩm quyền kinh điển. Đó không phải là điều mà quý vị có thể chứng minh bằng lý lẽ thuần túy.
Nếu quý vị hỏi làm thế nào để có được tín tâm xác tín vào thẩm quyền kinh điển của Phật, thì nó dựa trên việc tư duy về những gì Đức Phật đã dạy về tánh Không, thực tại. Những giáo pháp này đúng đắn. Nếu như tư duy về nó, thì quý vị có thể chứng minh tất cả những điều Ngài đã nói bằng lý lẽ. Nếu quý vị có được tín tâm xác tín, dựa trên lý lẽ rằng những gì Đức Phật nói về thực tại là đúng, thì dựa vào đó, quý vị cũng có thể có tín tâm xác tín rằng những gì Ngài nói về nhân quả cũng đúng như vậy.
Nếu quý vị làm theo lời khuyên của Đức Phật, đó là hãy phát triển lòng nhân từ và nhiệt tình, dấn thân vì người khác, vì thành tựu giác ngộ, và phát triển bồ đề tâm, thì trên thực tế, mọi việc sẽ tiến triển rất tốt đẹp đối với quý vị. Nếu quý vị nghĩ về những gì Đức Phật nói về tánh Không, và suy xét tất cả các lý luận, thì sẽ thấy nó hoàn toàn hợp lý và chính xác, nhờ mãnh lực của lý lẽ. Dựa trên những điểm này, quý vị có thể tin tưởng những điều khác mà Đức Phật đã dạy. Nếu không, nếu như quý vị không trải qua quá trình này, thì khó mà có được tín tâm xác tín vào những điều Đức Phật đã dạy. Nếu như đọc những kinh sách như Kinh Hiền Ngu, thì quý vị sẽ nghĩ rằng nó chỉ là một bộ sưu tập về những chuyện cổ tích, hay chuyện ngụ ngôn. Việc tuân theo luật nhân quả là điều rất quan trọng.
Quy Y – Chư Phật
Toàn bộ vấn đề về cách sống thuận theo luật nhân quả là điểm chính để tu tập, khi quý vị quy y, hay nói cách khác là khi quý vị đưa một phương hướng an toàn và đúng đắn vào trong cuộc sống. Để thật sự quy y, thì quý vị phải có cội nguồn có thể ban cho mình phương hướng an toàn đó. Có ba cội nguồn quy y. Đó là gì?
Phật, Pháp và Tăng.
Một vị Phật là gì?
Con không biết.
Một vị Phật là bậc toàn tri và giác ngộ viên mãn. Toàn tri là mẫu tự đầu tiên của chữ Phật trong tiếng Tây Tạng. Nó có nghĩa là ngài đã tịnh hóa tất cả phiền não trong tâm thức. Giác ngộ viên mãn là mẫu tự thứ hai. Điều đó có nghĩa là ngài đã hoàn toàn thành tựu tất cả các phẩm hạnh thiện hảo, và toàn tri về vạn pháp, nên đã đạt được trạng thái viên mãn khả dĩ nhất.
Sự Giáng Thế Của Chư Phật Trên Thế Giới Này
Vào lúc đầu, chư Phật đã toàn tâm toàn ý để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh hữu hạn. Các ngài đã quyết tâm một cách rất mạnh mẽ, để trở nên toàn tri và giác ngộ viên mãn, để có thể thực hiện điều này. Đây là cách mà các ngài phát triển bồ đề tâm. Các ngài không chỉ hết lòng như vậy, mà còn tu tập trong ba vô lượng a tăng kỳ kiếp, để tích tập công đức, giúp cho mình thành tựu trạng thái này.
Vào thời kỳ đầu của một a tăng kỳ kiếp thì thọ mạng của con người là con số vô cùng lớn (zillion). Nghĩa đen trong tiếng Tây Tạng là “vô lượng”. Điều này không có nghĩa là vô hạn, mà là hữu hạn, nhưng không thể đếm được. Cứ mỗi 100 năm thì thọ mang lại rút ngắn hơn một năm, nên cuối cùng, thọ mạng sẽ là 10 năm. Sau đó, cứ mỗi một thế kỷ thì nó sẽ tăng lên thêm một năm, cho đến khi thọ mạng kéo dài 80,000 năm. Sau đó, nó lại giảm xuống còn 10 năm. Nó sẽ đi lên và đi xuống như thế này 18 lần, tạo ra một a tăng kỳ kiếp trung gian. Khi trải qua một thời kỳ của các giai đoạn này, thì chúng được gọi là 20 a tăng kỳ kiếp trung gian, khi vũ trụ đang tồn tại, hay ở trong một trạng thái nào đó. Rồi thì một thời kỳ khác của 20 a tăng kỳ kiếp trung gian lại tiếp nối, đó là a tăng kỳ kiếp của sự hoại diệt, khi vũ trụ bị hủy diệt hay sụp đổ. Chẳng hạn như điều này sẽ xảy ra, vì sự xuất hiện của bảy mặt trời thiêu đốt trong bảy ngày, và đốt cháy vạn vật trên thế giới. Rồi thì có 20 a tăng kỳ kiếp trung gian khác, khi mà vũ trụ sẽ trống rỗng, tiếp theo là 20 a tăng kỳ kiếp trung gian khác, khi một vũ trụ bắt đầu được hình thành, khởi đầu từ mạn đà la khí, bầu khí quyển của chất ether. Toàn bộ quá trình đó là một thời gian 80 a tăng kỳ kiếp trung gian, tương đương với một đại a tăng kỳ kiếp. Nếu như nhân con số này với một con số vô cùng lớn (zillion), thì sẽ có một đại a tăng kỳ kiếp vô cùng lớn. Đức Phật đã tích tập công đức trong ba đại a tăng kỳ kiếp vô cùng lớn này, để thành tựu tâm toàn tri và giác ngộ viên mãn.
Có những đại a tăng kỳ kiếp của bóng tối và những đại a tăng kỳ kiếp của ánh sáng, khi một vị Phật giáng thế. Đại a tăng kỳ kiếp hiện tiền mà chúng ta đang sống là một a tăng kỳ kiếp của ánh sáng, được gọi là “a tăng kỳ kiếp may mắn”. Trong a tăng kỳ kiếp may mắn này thì một ngàn vị Phật sẽ giáng thế, như những bậc thầy của thế gian. Ba vị Phật đầu tiên đã giáng thế, khi thọ mạng của con người là 60,000 năm, 40,000 năm và 20,000 năm. Tôi không biết chắc về những con số này, nên sẽ phải phối kiểm trong sách. Bây giờ là lúc thọ mạng kéo dài 100 năm, là lúc bậc thầy thứ tư đã giáng thế, đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là vào thời gian mà tuổi thọ đang giảm dần.
Khi tuổi thọ từ 10,000 năm sẽ tăng lên trở lại đến 80,000 năm, thì sẽ có sự xuất hiện của các vị Chuyển Luân Thánh Vương, các hoàng đế chakravartin. Có bốn loại Chuyển Luân Thánh Vương: chuyển Pháp luân bằng vàng, bạc, đồng hay sắt. Khi Đức Phật giáng thế thì một số người đã sống thọ một trăm năm. Hiện giờ thì rất ít có người sống hơn một trăm tuổi. Tuổi thọ đang dần dần giảm thiểu. Cuối cùng thì nó sẽ còn mười năm thôi, và sau đó thì tuổi thọ sẽ từ từ tăng lên trở lại, trong một khoảng thời gian dài. Khi thọ mạng kéo dài 80,000 năm, thì Đức Phật Di Lặc sẽ xuất hiện.
Các Phẩm Chất Của Thân Phật
Chúng ta có thể thấy những vị như Đức Thích Ca Mâu Ni và Đức Di Lặc là những ví dụ về chư Phật toàn tri và giác ngộ viên mãn. Chư Phật có nhiều thân. Có trí Pháp thân, bao gồm vạn pháp (Jnanadharmakaya). Có nhiều Sắc thân khác nhau của một vị Phật (Rupakaya). Chúng gồm có Báo thân (Sambhogakaya) và Hóa thân (Nirmanakaya). Trí Pháp thân bao gồm vạn pháp là điều mà chỉ có chư Phật mới có thể nhận thức được giữa các ngài với nhau. Chỉ có Bồ tát thánh nhân trở lên mới có thể nhìn thấy Báo thân. Bất cứ ai có thành tựu thấp hơn thì không thể gặp gỡ Báo thân.
Còn về Hóa thân hay Nirmanakaya, thì có Hóa thân tối thượng, Hóa thân như nghệ sĩ, và một Hóa thân như con người. Hóa thân tối thượng là thân mà chúng sinh phàm trần có thể nhìn thấy và gặp gỡ. Mặc dù chúng sinh phàm trần có thể nhìn thấy Hóa thân tối thượng, nhưng họ phải có nghiệp rất thanh tịnh, hành vi và công đức rất thanh tịnh, thì mới thấy được Hóa thân tối thượng. Mặt khác, những người phàm như chúng ta thì không thể nhìn thấy Hóa thân tối thượng, với 32 tướng tốt và 80 tướng phụ. Bởi vì một Hóa thân tối thượng đã hiển lộ cách giải thoát sau cùng, đã hiển lộ vô dư niết bàn (parinirvana), mà không có Hóa thân nào ở quanh đây, để chúng ta nhìn thấy được.
Hóa thân tối thượng có nhục kế (ushnisha) trên đỉnh đầu. Các ngài có dấu ấn của Pháp luân rất nổi bật trong lòng bàn tay. Vai của các ngài nhô lên như vai sư tử. Ngày nay, các quan chức mặc đồng phục có cầu vai trên áo, đúng không? Có thể họ là những Hóa thân tối thượng, ai mà biết được? Các ngài có móng tay màu đồng, mà không phải vì sơn móng tay. Môi các ngài rất đỏ, không cần phải tô son. Các ngài có một lọn tóc trắng ở giữa trán, mà nếu như kéo nó ra, thì không bao giờ kéo hết được, vì nó chỉ càng ngày càng càng dài thêm. Nếu nghiên cứu những kinh sách lớn, thì quý vị sẽ học hỏi về tất cả những tướng tốt và tướng phụ này là gì. Ngoài ra, thân các ngài hoàn toàn được bao bọc bằng hào quang. Đây là ánh sáng vượt trội hơn bất kỳ loại ánh sáng nào khác, không cần biết nó có thể ở xa đến mức nào. Chẳng hạn như chư Thiên có hào quang rất rạng rỡ, nhưng so với một vị Phật thì hào quang ấy giống như những ngọn nến nhỏ, bên cạnh một cái đèn huỳnh quang lớn.
Phẩm Chất Của Phật Ngôn
Còn về lời giác ngộ của một vị Phật, thì có 60 phẩm chất đặc biệt. Chẳng hạn, khi một vị Phật đang nói, thì những người ngồi ở phía trước không nghe giọng của ngài rất lớn, và những người ở phía sau thì không nghe giọng của ngài rất nhỏ. Mọi người đều nghe giọng ngài với âm lượng đồng đều. Tương tự như vậy, nếu như đại chúng đến từ những quốc gia khác nhau, thì Đức Phật chỉ nói bằng một ngôn ngữ, và tất cả mọi người đều có thể hiểu ngài bằng ngôn ngữ của mình. Ngài không cần có thông dịch viên.
Phẩm Chất Của Tâm Phật
Còn về tâm giác ngộ của một vị Phật, thì có hai mươi mốt phạm trù hiểu biết và tri giác, hoàn toàn không liên quan đến sự vô minh nào (trí tuệ vô cấu). Điều này trở thành một chủ đề rất rộng lớn. Một trong những phạm trù này là 37 phẩm trợ đạo, đưa đến trạng thái tịnh hóa. Ngoài ra, còn có 18 phẩm chất không chia sẻ với chư A la hán thấp hơn, v.v... Có 21 phạm trù, mỗi phạm trù có những nhánh phụ khác nhau.
Tất cả những phẩm chất này, chẳng hạn như các tướng tốt của một vị Phật, là kết quả của lượng công đức lớn lao, phải được tích tập qua ba vô lượng a tăng kỳ kiếp. Ngay cả khi Hóa thân tối thượng của một vị Phật có xuất hiện trước mặt mình, nhưng vì không có nghiệp thanh tịnh, nên chúng ta không thể nhìn thấy ngài. Đối với các Hóa thân là người, thì đó là những thân mà mình có thể nhìn thấy và gặp gỡ. Chẳng hạn như có Đức Dalai Lama, là Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara). Ngài là hóa thân của một vị Phật, trong sắc tướng của một con người. Tuy vậy, có một số các vị Geshe không thể nhìn thấy Ngài, khi Ngài an tọa trên pháp tòa. Sự kiện mà chúng ta có thể nhìn thấy Ngài là điều rất may mắn.
Đây là một ví dụ về Hóa thân như nghệ sĩ. Có một vị Vua của các nhạc sĩ trên cõi trời, cảm thấy mình là nhạc sĩ giỏi nhất trên vũ trụ. Ông rất tự hào và kiêu hãnh. Ông chơi đàn luýt một ngàn dây. Đức Phật đã hóa hiện thành một nghệ sĩ, một nhạc sĩ, và thách thức nhà Vua tham dự cuộc thi chơi đàn. Mỗi một lần, họ sẽ tháo một sợi dây đàn ra khỏi chiếc đàn luýt của mình, để xem ai có thể tiếp tục chơi đàn được. Cuối cùng, mỗi người chỉ còn lại một sợi dây đàn. Sau đó, Đức Phật đã tháo luôn sợi dây đàn cuối cùng ra khỏi nhạc cụ của mình, và tiếp tục tạo ra âm thanh tuyệt vời. Khi nhà Vua gỡ bỏ sợi dây đàn cuối cùng, thì không thể tạo ra âm thanh nào, nên niềm tự hào của ông đã giảm bớt. Đây là một ví dụ về Hóa thân như nghệ sĩ.
Phật Bảo
Khi nói về quy y Phật, thì quý vị phải nghĩ về một đấng toàn tri trong bất cứ thân tướng nào của ba loại thân Phật này. Về mặt tu tập, thì điều quan trọng là phải xem tất cả các biểu tượng của chư Phật, như tranh vẽ và hình ảnh ở đây, như là chư Phật thật sự. Trong khi tu hành thì có ngũ đạo. Đường tu đầu tiên được gọi là Tư lương đạo. Đường tu này có ba mức độ: nhỏ, trung bình, và lớn. Khi thật sự thành tựu Tư lương đạo ở mức độ lớn, thì quý vị có thể nghe và thọ Pháp từ các vị đại diện cho chư Phật. Tương truyền rằng khi thấy những bức tranh và biểu tượng của Phật, nếu như mình hành xử một cách đúng đắn, thì sẽ có nhiều lợi lạc hơn là gặp một vị Phật thật sự. Do đó, điều quan trọng là phải rất cẩn thận. Hiện nay, khi thấy hình ảnh của chư Phật và những bậc giác ngộ được in ở khắp nơi, trên báo, vân vân, nếu như không cẩn thận về cách hành xử và kính trọng những biểu tượng này của chư Phật, thì quý vị sẽ gặp khó khăn.
Pháp Bảo
Pháp Bảo đề cập đến tất cả các phẩm chất của tâm giác ngộ của một vị Phật. Đây chính là quy y Pháp. Trong khi tu tập thì phải xem tất cả các kinh điển là Pháp Bảo thật sự. Điều quan trọng là phải tôn trọng những chữ viết được sử dụng để thể hiện Pháp. Đừng dùng giấy in Kinh sách để gói rác. Điều đó rất bất kính và tiêu cực. Điều quan trọng là phải tôn trọng những từ ngữ được in thành kinh sách.
Tương tự như vậy, khi có kinh sách in theo những trang rời, thì quý vị phải giữ cho các trang sách không bay, vì bị gió thổi, nên được phép để một chuỗi tràng hạt lên các trang sách. Nếu không thì đừng để bất cứ thứ gì lên trên kinh sách. Tương tự như vậy, đừng liếm ngón tay để lật trang sách và làm ướt sách. Thay vì vậy, nếu phải làm ướt ngón tay để lật trang sách, thì hãy đặt một bát nước sạch ở kế bên, và nhúng tay vào đó. Điều quan trọng là phải bọc bìa sách lại, để kinh sách không chạm vào những bề mặt trơ trọi. Tương tự như vậy, đừng dẫm lên hay bước qua kinh sách. Mình có thể để kinh sách ở phía trên, hoặc bên trên các bức tượng trên kệ, nhưng đừng đặt tôn tượng trên kinh sách, hoặc phía trên kinh sách.
Tăng Bảo
Tăng Bảo là bậc chứng ngộ cao, hay thánh nhân, người đã có nhận thức vô niệm về tánh Không, hay thực tại. Nói chung thì bốn vị Tỳ kheo sẽ tạo thành Tăng đoàn. Nếu chỉ có một, hai hoặc ba vị Tỳ kheo thì không phải là Tăng đoàn. Khi đang tu hành thì phải xem bất cứ vị nào đắp y trong nhà Phật là Tăng đoàn thật sự.
Phật Bảo là đấng ban giáo pháp và quy y. Pháp Bảo là cội nguồn của phương hướng an toàn, đó là quy y thật sự. Khi quý vị tu tập tất cả các giáo pháp này, thì nó sẽ tạo ra một phương hướng an toàn và đúng đắn trong đời sống. Tăng Bảo là những người giúp đỡ quý vị, và là người đồng hành, có cách sống theo phương hướng đúng đắn. Nếu tôi kể một câu chuyện, thì quý vị sẽ dễ hiểu hơn.
Ngày xưa, có một người con của chư Thiên, tên là Stiramati (Blo-gros brtan-pa). Ông là một vị trời ở cõi Tam Thập Tam Thiên. Mọi thứ ở đó vô cùng tráng lệ. Tất cả mọi thứ đều được làm bằng đá quý. Không có bụi bặm hay thứ gì bất tịnh. Mọi thứ đều sạch sẽ. Vị trời này đã có một đời sống hoàn toàn hạnh phúc, và chẳng bao giờ có nỗi khổ hay vấn đề gì. Khi sắp chết thì những vòng hoa của ông đã phai màu và héo úa, thân ông bắt đầu tỏa ra mùi hôi. Tất cả các chư Thiên là bằng hữu của ông không còn đến gần ông nữa. Trong số bạn bè của ông thì chỉ có những người thật sự rất chính chắn mới liên hệ với ông. Họ chỉ đứng từ xa để nhìn ông. Vị trời này có khả năng thấy rằng tất cả công đức mà mình đã tích tập đã cạn kiệt, và bây giờ, vì kết quả của ác nghiệp còn sót lại mà ông sẽ tái sinh vào một trong những cõi tồi tệ hơn. Ông thấy rằng mình không chỉ đọa vào một trong những cõi tái sinh tồi tệ hơn, mà sau đó còn tái sinh thành một con lợn. Vì ý tưởng này, ông đã trải qua nỗi khổ tâm khủng khiếp nhất mà quý vị có thể tưởng tượng. Không có nỗi khổ tâm nào lớn hơn nỗi khổ của một vị trời như vậy.
Ông đã đi gặp Vua Trời Đế Thích (Indra, brGya-byin), và cầu xin ngài giúp đỡ, ban cho ông phương tiện gì, để có thể thoát khỏi số phận này. Đế Thích nói rằng, “Xin lỗi, ta không biết cách nào để giúp ông thoát khỏi điều này, nhưng ta sẽ đưa ông đi gặp Đức Phật. Ngài có những phương tiện tốt nhất.”. Ông đã đến gặp Đức Phật, và Phật đã ban cho ông chỉ giáo về thiên nữ hay vị Hộ Phật gọi là Phật Đảnh Tôn Thắng (Ushnisha Vijaya, rNam-rgyal-ma). Bà là một trong ba vị Hộ Phật trường thọ. Bà có thân trắng, ba mặt và tám tay. Ông đã hành trì tất cả những pháp tu này. Khi qua đời, không những ông đã không rơi vào tái sinh tồi tệ nào, mà còn được tái sinh ở một cõi trời cao hơn trước kia, gọi là Đâu Suất (Tushita, dGa'-ldan, Ganden), Hỷ lạc thiên. Đế Thích không thể nhìn thấy ông, vì ngài chỉ có thể nhìn thấy những cõi trời ở cấp độ của mình, hoặc thấp hơn. Khi Đế Thích tham vấn với Đức Phật về việc vị Trời này đã được tái sinh ở nơi nào, Đức Phật nói với ông rằng vị Trời này đã tái sinh ở cõi trời Đâu Suất.
Với ví dụ này, chúng ta có thể thấy Đức Phật là đấng đạo sư, người thật sự tỏ bày pháp quy y. Điều thật sự ban bố pháp quy y là pháp tu mà vị Trời này đã tu tập, đó là Phật Đảnh Tôn Thắng. Đây là ví dụ về Pháp Bảo. Người đã giúp ông tìm cầu pháp tu và quy y là Vua của chư Thiên, Đế Thích. Vì vậy, Đế Thích là một ví dụ về Tăng Bảo.
Lời Khuyên Cuối
Nếu muốn thiền định về điều gì, để tạo dựng một tập khí tốt trong tâm thức, thì quý vị phải quán tưởng Đức Dalai Lama ở trước mặt mình, đại diện cho toàn thể chư Phật, và thỉnh cầu để Ngài ban lực gia trì. Hãy trì tụng OM MANI PEME HUNG, và tưởng tượng ánh sáng vân vân, tỏa ra từ thân Ngài, và tịnh hóa ác nghiệp của mình.
Còn về những điểm rất thực tiễn trong pháp tu mà quý vị phải cố gắng áp dụng trong hành vi hàng ngày, thì những điểm chính là khi thức dậy vào buổi sáng, quý vị nên phát khởi một chủ ý tích cực rất mạnh mẽ: “Hôm nay tôi sẽ làm người tích cực và xây dựng, và sẽ cố gắng làm những điều lợi lạc cho người khác.”. Vào cuối ngày, hãy nghĩ đến tất cả những điều tích cực mà quý vị đã làm, rồi hồi hướng công đức mình đã tích tập được cho lợi lạc của tất cả chúng sinh, và cho sự thành tựu tâm toàn tri và giác ngộ, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Toàn bộ đề tài về pháp quy y là điều rất quan trọng. Ngày mai, tôi sẽ nói với quý vị nhiều hơn về điều này.
Quý vị có thắc mắc gì về những điều tôi đã nói hôm nay không?
Pháp thân là gì?
Pháp thân là tâm toàn tri của một vị Phật, bao gồm tất cả các pháp. Như đã được giải thích, có 21 phạm trù đặc biệt của trí tuệ, không liên hệ đến vô minh. Điều này bao gồm thập lực, tứ vô úy và vân vân. Nếu đi vào chi tiết về tất cả những điều này, thì sẽ mất rất nhiều thời giờ. Chúng rất rộng lớn, nhưng ví dụ như thập lực mà một vị Phật sở hữu, chẳng hạn như biết được những hệ quả thích ứng và không thích ứng của những hành vi khác nhau, biết kết quả sẽ xảy ra từ mọi hành động, biết những đường tu sẽ dẫn tất cả chúng sinh đến mục tiêu của họ, v.v. .
Còn về tứ vô úy của một vị Phật thì đó là: Ngài không sợ hãi, khi nói rằng mình đã đoạn trừ tất cả lỗi lầm; khi nói rằng mình đã thành tựu tất cả các phẩm chất thiện hảo cần phải đạt được, v.v... Không cần biết đại chúng ở trước mặt một vị Phật đông đảo như thế này, thì Ngài có thể nói mà không hề sợ hãi, với sự tự tin hoàn toàn, rằng mình biết tất cả các pháp. Một vị Bà la môn tên là Kapila (Ser-skya) đã đến tất cả các ngôi làng xung quanh và lấy một hạt gạo từ mỗi nhà, ghi chú đặc biệt trên mỗi hạt gạo. Anh ta đã mang giỏ gạo khổng lồ đến trước mặt Đức Phật, và nói với Ngài rằng, “Ngài thấu rõ vạn pháp. Liệu Ngài có biết những hạt gạo này đến từ đâu không?”. Đức Phật nói, “Ta biết.”. Đức Phật đã cho anh biết mỗi hạt gạo xuất xứ từ đâu, khi nó được đưa ra, cho đến khi họ xem xét nguyên giỏ gạo.
Vào thời Đức Phật, có những cội cây khổng lồ. Một lần nữa, một Bà la môn lại muốn thử sức Đức Phật, nên đã đi đến một trong những cây này, và đếm hết lá trên cây. Phải mất một vài tháng ông mới làm xong việc này. Sau đó, ông đến gặp Đức Phật và nói, “Ngài quá thông tuệ. Ngài thấu rõ vạn pháp. Vậy thì cây này có bao nhiêu lá?”. Đức Phật đã nêu ra con số chính xác ngay lập tức.
Việc quý vị có thể đọc được ý nghĩ của tôi là điều rất khó, và tương tự như vậy, việc tôi có thể đọc được ý nghĩ của quý vị cũng khó khăn, nhưng không thể nào biết được tâm thức của một vị Phật, và nó giống như thế nào. Ngay cả chư Bồ tát có tâm thức ở địa thứ mười, là địa cao nhất trong thập địa, cũng không thể thấu rõ tâm thức của một vị Phật là như thế nào. Nếu muốn thật sự nghiên cứu tất cả những phẩm chất và khía cạnh khác nhau của Trí Pháp thân (Jnanadharmakaya), thân trí tuệ của một vị Phật, bao gồm vạn pháp, thì quý vị nên nghiên cứu một trong những bộ kinh của Đức Di Lặc, gọi là Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Filigree of Realifying, mNgon-rtogs rgyan, Phạn ngữ: Abhisamaya-alamkara). Chương thứ tám nói về đề tài này một cách rất chi tiết. Nếu quý vị không biết tất cả những phẩm chất thiện hảo của một vị Phật, thì khó mà có tín tâm vững chắc về một vị Phật. Một phiên bản xuất phát từ Tây Tạng.
Ở Tây Tạng, vị Thủ Ngôi Ganden là một địa vị rất cao. Người thủ ngôi pháp tòa đó được xem là một Lạt ma rất tôn quý. Khi đi đâu thì ngài có một chiếc lọng vàng. Tôi đã hỏi Rinpoche rằng liệu ngài có thật sự có chiếc lọng này ở bất cứ nơi nào mà ngài đến hay không, và Rinpoche nói rằng tôi không cần phải ngu ngốc như vậy, tất nhiên là ngài không dùng lọng, khi đi vệ sinh. Một ngày nọ, một bà lão đang viếng thăm Tu Viện Ganden, khi vị Thủ Ngôi Ganden đi ngang qua trong đám rước. Một nhà sư đứng cạnh bà đã nói, “Xem kìa, đó là vị Thủ Ngôi Ganden.”. Vì nghĩ rằng vị Thủ Ngôi Ganden là chiếc lọng, nên bà đã chấp hai tay một cách cung kính và nói rằng, “Con quy y vị Thủ Ngôi Ganden.”. Sau đám rước, bà quay sang nhà sư và nói, “Vị sư già đi dưới vị Thủ Ngôi Ganden nhìn đáng yêu làm sao phải không?”.
Thế thì chúng ta phải có khả năng nhận ra một vị Phật là gì một cách chắc chắn.
[Thiếu phần còn lại của bài Pháp âm.]