Mối Quan Hệ Lành Mạnh Với Đạo Sư
Điều rất quan trọng đối với các đệ tử là tìm hiểu và xem xét vị Lạt ma một cách rất cẩn thận, trước khi theo học với ngài. Đừng theo học chỉ vì một giáo pháp lừng danh đang được vị thầy đó ban truyền. Quý vị phải tìm hiểu vị Lạt ma rất cẩn thận. Một quyển sách Phật có nói, phải mất khoảng 12 năm để thầy và trò tìm hiễu lẫn nhau, để xem họ có thể thiết lập một mối quan hệ đúng đắn hay không. Tuy sự việc là như vậy, nhưng thật sự đó là một thời gian rất dài, và khi mất quá nhiều thời gian thì sẽ có nhiều sự thiếu sót.
Có một ví dụ về một bậc thầy Sakya vĩ đại được mời đến Trung Quốc để giảng dạy cho Hoàng Đế. Hoàng Đế đã tìm hiểu vị đạo sư này trong chín năm, trước khi quyết định tu học với ngài. Sau chín năm, Hoàng Đế đã thỉnh cầu ngài thuyết Pháp. Khi vị đạo sư hỏi, “Tại sao ngài lại đợi những chín năm mới thỉnh cầu giáo pháp?", thì nhà Vua nói, “Ta đã tìm hiểu ông suốt thời gian này.”. Vị đạo sư trả lời rằng, “Bây giờ, tôi sẽ mất thêm chín năm nữa để tìm hiểu ngài!”. Trên thực tế thì vị đạo sư này đã không thể giảng dạy cho Hoàng Đế. Nếu như bạn chờ đợi quá lâu, thì điều đó có thể xảy ra.
Ngày nay, đối với cách tìm hiểu một vị Lạt ma thì điểm đầu tiên có thể được thực hiện, với hai câu hỏi như sau: Bạn có cảm giác gì, khi gặp gỡ vị thầy lần đầu tiên? Có phải bạn thấy rất vui vẻ ngay lập tức, hay không có gì xảy ra? Ngoài ra, khi bạn chỉ nghe danh hiệu của thầy lần đầu tiên, thì nó có làm cho bạn vui vẻ hay không? Điểm thứ hai là khi bạn đến gặp vị thầy lần đầu tiên, thì ngài có mặt ở đó hay không? Đôi khi, người ta đến gặp vị đạo sư lần đầu tiên, thì ngài không có ở nhà. Đó không phải là một dấu hiệu cát tường. Điểm thứ ba là hãy nghe những điều mà người khác nói về vị đạo sư này, và lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau. Tuy rất khó để các đạo sư có đủ các phẩm chất đúng đắn, nhưng điểm chính là họ phải có tấm lòng rất nồng hậu và nhân từ, một sự quan tâm thương yêu tất cả mọi người rất mãnh liệt, và phải trung thực.
Điều rất quan trọng là tìm hiểu cặn kẽ về vị đạo sư hay Lạt ma, trước khi tu học với họ. Đừng chỉ cảm thấy phấn khởi khi nghe tin một vị Lạt ma nào sắp đến, và đi thọ Pháp mà không hề đắn đo suy nghĩ chút nào. Điều đó không đúng chút nào. Nhưng một khi đã hết lòng tận tụy với một vị thầy, thì đó không phải là thời điểm thích hợp để nghi ngờ và phối kiểm về vị thầy đó nữa.
Trong quá khứ, các dịch giả và người dân từ Tây Tạng, như vị đại dịch giả Marpa, đã trải qua rất nhiều khó khăn để thu thập vàng, để sang Ấn Độ diện kiến các đạo sư. Milarepa, người đã thọ giáo với Marpa, phải tự mình xây một tòa tháp chín tầng. Ông đã khiêng những tảng đá trên lưng, và có những vết loét khủng khiếp. Ông đã trải qua rất nhiều đau đớn. Ngay cả sau khi xây dựng xong tòa tháp thì Marpa vẫn không ban cho ông lễ điểm đạo hay giáo pháp nào. Marpa có một đệ tử khác tên là Ngog Choku Dorje (rNgog Chos-sku rdo-rje), người đã thỉnh cầu lễ điểm đạo Chakrasamvara. Ông sống cách Marpa khoảng một ngày đường đi bằng ngựa. Khi tòa tháp được xây xong thì vợ của Marpa là Dagmema (bDag-med-ma) đã sinh hạ một đứa con trai tên là Darma-dodey (Dar-ma mdo-sde). Để chào mừng sự ra đời của con trai, cũng như ăn mừng Milarepa đã xây xong tòa tháp chín tầng, Marpa đã nhắn tin cho Ngog Choku Dorje, nói rằng ông sẽ ban lễ điểm đạo Chakrasamvara, nên Ngog Choku Dorje cần phải đến đó.
Ngog Choku Dorje đã mang theo tất cả những gì mình sở hữu, để cúng dường cho Marpa. Trong số tài sản của ông thì có một con dê bị gãy chân, và không thể đi đứng được, nên ông đã để nó ở nhà. Marpa đã nói, “Có chuyện gì vậy? Con đã không mang theo con dê? Ta đã trải qua những khó khăn khủng khiếp như vậy để đến Ấn Độ ba lần, để thọ nhận những giáo pháp này, và đây là một lễ điểm đạo rất quý giá. Con sẽ phải trở về nhà và đem con dê đến đây.”. Khi Marpa ban lễ điểm đạo Chakrasamvara thì Dagmema, vợ của Marpa đã thương hại Milarepa, nên đưa ông vào để nhận lễ quán đảnh. Marpa đã dùng một cây gậy lớn và đuổi Milarepa ra ngoài, và mắng nhiếc ông, không cho phép ông nhận lễ điểm đạo. Vợ của Marpa cứ nài nỉ xin ông hãy để cho Milarepa ở lại và nhận lễ điểm đạo.
Cuối cùng, Marpa đã đồng ý ban lễ điểm đạo cho Milarepa, vì lòng trắc ẩn đối với vợ của mình. Lý do mà Milarepa gặp những trở ngại như vậy là vì Marpa đã thành tựu giác ngộ bằng cách trải qua những trở ngại lớn, để được tu học với Naropa ở Ấn Độ, và Naropa cũng đã trải qua vô số khó khăn và gian khổ, để tu học với thầy của ngài là Tilopa. Giác ngộ không xảy ra một cách dễ dàng, nên nếu muốn đạt được một thành tựu như vậy, thì Milarepa cũng phải trải qua những khó khăn.
Marpa nói, “Trong khi Milarepa phụng sự cho ta, thì ta luôn rất phẫn nộ và quyết liệt với hắn. Nhưng nhờ vào kết quả của việc phụng sự cho ta mà hắn có thể thành tựu giác ngộ ngay trong kiếp này. Hắn đã làm những việc khó khăn như xây dựng tòa tháp.”. Nhưng Marpa đã thương hại vợ mình, người đã giàu lòng trắc ẩn đối với Milarepa, nên ông mới cho phép Milarepa nhận lễ điểm đạo. Sau lễ điểm đạo thì Milarepa phải ra đi, để hành thiền và tu tập, để thành tựu giác ngộ trong kiếp này. Nhờ đã làm một người đầy tớ rất trung thành với Marpa, mà Milarepa mới có thể thành tựu giác ngộ, nhưng thậm chí, vẫn phải trải qua gian khó trong khi thiền định trong hang động.
Dịp May Hiếm Có Để Gặp Gỡ Giáo Pháp
Nếu như áp dụng tất cả những điều này trong thời điểm hiện tại, thì ngay cả chữ “Pháp” còn không được biết đến ở rất nhiều quốc gia vĩ đại trên thế giới. Thậm chí, không có một biểu tượng thân, khẩu, ý của chư Phật nhỏ bằng một ngón tay ở đó. Ngay cả khi có bất cứ biểu tượng nào, thì chúng không được xem là thánh vật, và không được xem là quý giá. Ở những quốc gia này thì tất cả mọi người hoàn toàn lao mình vào việc cố gắng làm cho mọi việc được tốt đẹp trong kiếp này, và dồn hết sức lực cho bản thân họ. Nhờ vậy mà họ tự lừa dối bản thân rằng đây là điều duy nhất trong cuộc sống. Dựa trên cơ sở đó, nên họ muốn có sự tiến bộ lớn về vật chất, xây dựng đường sá và làm tất cả các việc. Dù họ có làm cho mọi thứ tuyệt vời như thế nào, dù họ có tiến bộ về mặt vật chất bao nhiêu đi nữa, thì nó chỉ tạo ra thêm nhiều vấn đề, khổ đau và bất toại nguyện. Đây là điều mà tất cả quý vị đều biết. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã sinh ra trong một gia đình hoàng tộc. Ngài là con trai của một vị Vua, và có khối tài sản khổng lồ. Ngài đã thấy rằng điều này không có chút thực chất nào cả, nên đã rời bỏ chúng, và đã thành tựu giác ngộ, nhờ công phu tu hành khó nhọc.
Tất cả quý vị cũng đã thấy rằng nếu chỉ dành toàn bộ đời sống của mình để theo đuổi những thứ vật chất cho hạnh phúc của kiếp này, thì nó không có chút thực chất hay ý nghĩa tuyệt vời nào cả. Vì vậy mà quý vị đã quan tâm đến vấn đề tâm linh của giáo pháp, và tôi nghĩ điều này rất tốt. Còn đối với việc vấn đề tâm linh là gì, thì chúng là những pháp tu sẽ tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai của mình, và hơn thế nữa. Những phương pháp tốt nhất đối với việc này đã được giảng dạy ở Ấn Độ trước tiên, và sau đó, đã lan truyền đến Tây Tạng.
Khi tình trạng ở Tây Tạng trở nên quá khó khăn, thì người ta không thể tu tập Pháp ở đó nữa. Chúng tôi cảm thấy nếu như sống một cuộc đời mà không tu tập Pháp thì không có giá trị gì cả, nên đã rời bỏ Tây Tạng như những người tị nạn. Chúng tôi đã đến các nước như quốc gia này, và ở đây, chúng tôi gặp gỡ những người như quý vị, những người rất quan tâm đến giáo pháp, cũng như vấn đề tâm linh, và không biết tiếng Tây Tạng. Đó là vì sự quan tâm lớn lao và chủ ý thực hành Pháp của quý vị, mà chúng tôi sẽ giải thích cho quý vị một cách tường tận nhất, theo khả năng của mình.
Nếu quý vị xem tôi như một ví dụ, thì ở Tây Tạng, chủ yếu là tôi đã tu học với các Lạt ma và đạo sư từ truyền thống Gelug. Trên thực tế thì tôi cũng thọ nhận giáo pháp từ nhiều Lạt ma và đạo sư từ các truyền thống Sakya, Kagyu và Nyingma. Tôi đã tu học với tất cả 53 đạo sư. Tôi rất lo ngại là sự tiếp nối của giáo pháp sẽ suy giảm, và biến mất. Tất cả quý vị đều quan tâm đến việc học hỏi giáo pháp. Do đó, tôi sẽ cố gắng giảng dạy cho những người như quý vị, và cố gắng tạo lợi lạc cho quý vị.
Quý vị đã thấy rằng nếu như chỉ quan tâm đến những vấn đề trong kiếp này, thì không có thực chất gì cả. Tất cả quý vị đều muốn học hỏi những hành trì tâm linh này, nhưng lại không biết tiếng Tây Tạng. Điều này rất khó khăn đối với quý vị. Tôi thì đã khá già nua, và nếu như không thuyết Pháp, thì giáo pháp sẽ không tồn tại nữa. Do đó, thậm chí khi không biết mọi điều một cách trọn vẹn, nhưng tôi đã cố gắng giải thích giáo pháp Kinh điển và Mật điển một cách tốt nhất, theo khả năng của mình.
Có lẽ quý vị có sự nghi ngờ. Quý vị có nghe là việc thỉnh cầu giáo pháp là điều đúng đắn, để thỉnh cầu trong thời gian ba năm. Quý vị biết rằng việc thỉnh cầu một lễ điểm đạo nhiều lần, trước khi nó được ban truyền là một thông tục, và việc ban lễ điểm đạo ngay lập tức sau khi có lời thỉnh cầu là điều không đúng đắn. Vậy thì chúng ta có thể nghi ngờ về lý do tại sao giáo pháp và lễ điểm đạo được ban truyền một cách dễ dàng như vậy vào lúc này. Trong trường hợp của tôi, thì tôi nghĩ về việc không muốn cho giáo pháp và dòng truyền thừa này biến mất. Vì tất cả quý vị đều có sự quan tâm và chủ ý tu tập, mà tôi thì đã già nua, nên đã đồng ý thuyết Pháp và ban lễ điểm đạo, khi người khác thỉnh cầu, mà không bắt họ phải chờ đợi lâu. Tôi đã thực hiền điều này với ý nghĩ tạo lợi lạc cho người khác.
Ý Nghĩa Của Pháp, Và Ba Cấp Độ Tu Tập
Ý nghĩa của Pháp là gì? Pháp là một biện pháp phòng ngừa, sẽ tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai và hơn thế nữa. Bất cứ nỗ lực nào quý vị bỏ ra để cải thiện hoàn cảnh trong kiếp này, để có thức ăn thức uống ngon lành, và một ngôi nhà đẹp đẽ, thì không có điều nào được xem là Pháp. Đó không phải là hành trì tâm linh. Nếu như quý vị mong muốn mọi việc tốt đẹp cho mình trong kiếp này, và gởi tặng $100,000 đồng tiền vàng của Hà Lan (Dutch guilders) cho một quan chức, thì đó không thể được xem là một biện pháp phòng ngừa. Cách mà quý vị nghĩ rằng, nếu như mình cho đi $100,000 đồng tiền vàng Hà Lan, thì sẽ nhận lại một triệu đồng. Đó là việc kinh doanh, chứ không phải là hành trì tâm linh. Nếu như quý vị chỉ tạo ra một hành động nhỏ, như cho thú vật ăn một mẩu bánh mì, với ý định là nó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình trong những kiếp tương lai, thì trên thực tế, đó là một biện pháp phòng ngừa; đó là hành trì tâm linh.
Giáo pháp có nhiều cấp độ và phạm vi khác nhau, để cải thiện những kiếp tương lai, và xa hơn thế nữa. Nếu quý vị đang thực hành Pháp để có được hạnh phúc cho tự thân trong những kiếp tương lai, thì đây là pháp tu Tiểu thừa, với tâm lượng khiêm nhường. Nếu như quý vị đang thực hành Pháp, để đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, trong tất cả những kiếp tương lai, thì đây là pháp tu Đại thừa, với tâm lượng quảng đại. Do đó, điều tốt nhất là luôn làm việc với ý tưởng cố gắng làm cho mọi việc tốt đẹp hơn, và giúp đỡ tất cả chúng sinh có tâm thức hạn hẹp, tất cả chúng sinh.
Tất cả mọi người đều có ý niệm khác nhau về cách để được hạnh phúc, và mỗi người có một phương pháp khác nhau, mà họ sẽ áp dụng, để có được hạnh phúc. Tương tự như vậy, có nhiều phương tiện tu tập khác nhau, để theo đuổi hạnh phúc trong những kiếp tương lai. Trong số này, thì điều cần thiết là phải tu tập theo cách mà mình mong muốn hạnh phúc cho tất cả chúng sinh - cho tất cả chúng sinh hữu hạn, bất ngoại lệ. Loại động lực thấp nhất mà quý vị phải có là không muốn rơi vào tái sinh nào thấp hơn trong những kiếp tương lai. Đối với điều này thì quý vị sẽ học hỏi pháp tu từ bỏ thập ác, tức mười hành vi xấu ác. Một người thuyết Pháp sẽ bắt đầu bằng việc giải thích làm thế nào để tránh những hành vi tiêu cực, để không phải tái sinh trong tình trạng tồi tệ hơn.
Có nhiều loại hành trì tâm linh và tôn giáo khác nhau, và tất cả đều nhắm vào mục tiêu đem lại hạnh phúc, giảm thiểu hay chấm dứt vấn đề, khổ đau và bất hạnh. Có ba phương pháp chánh trong đạo Phật. Trước tiên là tu tập để tránh thập ác, để không phải tái sinh trong tình trạng tồi tệ hơn. Rồi có cách tu tập theo tam vô lậu học, để thoát khỏi mọi vấn đề cứ tái diễn một cách bất tự chủ, đó là luân hồi. Phương pháp tu tập thứ ba là hành trì tất cả những pháp tu khác nhau, để thành tựu giác ngộ, để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Đây là ba mức độ tu tập.
Thành Tựu Hạnh Phúc
Khi thuyết Pháp thì ý định của tôi là trao truyền cho quý vị những phương pháp khác nhau, để đạt được những mục tiêu này. Tôi không giảng dạy, với ý định làm cho mọi người trở thành các hành giả của phái Gelug, bằng cách thuyết Pháp của phái Gelug. Thậm chí, tôi không thuyết Pháp với ý niệm rằng tất cả mọi người phải trở thành Phật tử. Điều mà tôi muốn giải thích, hay nói với quý vị, vì quý vị không muốn khổ, là tất cả những vấn đề và nỗi khổ của quý vị bắt nguồn từ ác nghiệp. Và nếu như chấm dứt hành vi tiêu cực, thì quý vị sẽ không có thêm khó khăn hay đau khổ nữa. Nếu như quý vị muốn được hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc là kết quả của thiện hạnh, thì phải hành động một cách tích cực. Đó là những gì tôi phải nói với quý vị. Tất cả mọi người đều giống nhau ở chỗ ai cũng đều muốn được hạnh phúc, và không ai muốn khổ đau và rắc rối. Tất cả mọi người đều muốn có được hạnh phúc lớn lao nhất, là loại hạnh phúc tồn tại mãi mãi.
Đối với việc có thể mang lại trạng thái hạnh phúc lâu dài, tiếp nối mãi mãi, và là mức độ hạnh phúc lớn lao nhất, thì chỉ xảy ra, bằng cách thành tựu trạng thái giác ngộ viên mãn của Đức Phật. Việc thành tựu trạng thái này có nghĩa là trở nên toàn tri và giác ngộ viên mãn, và đạt được mức độ cao nhất của mọi tiềm năng. Đối với việc làm thế nào để trở thành một vị Phật toàn tri và giác ngộ viên mãn ngay trong kiếp này, thì những phương pháp để thực hiện điều này được giải thích trong giáo pháp Mật tông. Đây là những pháp tu ẩn mật, để bảo vệ tâm thức. Còn về hạng người có thể tu tập những pháp tu như vậy, thì tất cả chúng ta đều có nền tảng để thực hiện chúng. Chúng ta có nền tảng của kiếp người này.
Dù chúng ta có nền tảng thân tâm của con người, thì cách tốt nhất để sử dụng nó, để chứng ngộ ngay trong kiếp này, là tu tập như cách mà Milarepa vĩ đại đã làm. Từ đáy lòng, ngài đã toàn tâm toàn ý dồn hết sức lực của mình, để chịu đựng bất kỳ sự khó khăn nào mà ngài phải trải qua, để thành tựu giác ngộ. Bởi vì chúng ta không sẵn sàng dấn thân vào một sự cam kết trọn vẹn như vậy, và không sẵn sàng trải qua những khó khăn lớn lao như vậy, nên không thể thành tựu tâm toàn tri và giác ngộ viên mãn trong kiếp này. Nếu nhìn vào ví dụ của Milarepa, thì ngài đã phải trải qua gian khổ lớn lao, và bỏ ra rất nhiều công phu khó nhọc, ngay cả trước khi ngài thọ nhận được chỉ giáo hay giáo pháp nào. Sau đó, dựa vào pháp tu Mật tông, ngài đã thành tựu tiềm năng trọn vẹn, và trở thành một vị Phật ngay trong kiếp đó. Tất cả quý vị đều rất may mắn, bởi vì trên thực tế thì Đức Dalai Lama, một bậc giác ngộ viên mãn, đã đến đây, ở phương Tây. Ngài đã ban cho quý vị các lễ điểm đạo, và thực tế là quý vị đã rất may mắn mới thọ nhận những lễ điểm đạo như vậy. Việc quý vị đã có đủ may mắn để nhận được chúng, cho thấy là quý vị đã có may mắn để trở thành những pháp khí thích hợp, để thọ nhận chúng.
Chánh Niệm Về Cái Chết Và Vô Thường
Nếu như quý vị thắc mắc mình nên bắt đầu tu tập Pháp từ đâu, thì điểm đầu tiên là đừng tự lừa dối mình, khi chỉ lo toan cho những vấn đề của kiếp này. Nếu quý vị hỏi tại sao chúng ta lại tự lừa dối mình, để chỉ làm việc vì những lo toan cho kiếp này, thì lý do là mình đã không chánh niệm về sự thật là chúng ta sẽ chết. Chúng ta đã không chánh niệm về cái chết hay vô thường, về thực tế là không có tình huống nào trong đời sống này sẽ thường hằng, hay tồn tại mãi mãi. Đầu tiên, điều cực kỳ quan trọng là tư duy và chánh niệm về cái chết và lẽ vô thường.
Nếu như quý vị có thể làm cho cái chết bỏ đi, bằng cách không lắng nghe về nó, vì không ưa thích nó, thì sẽ tất tốt. Nhưng dù quý vị có ưa thích nó hay không, thì cái chết vẫn sẽ đến với tất cả mọi người. Khi nó đến, thì quý vị sẽ gặp nhiều nỗi bất hạnh, vấn đề và đau khổ. Đó chỉ là vấn đề thời gian, và không có cách nào ngăn cản nó. Điều mà quý vị có thể ngăn ngừa là những nỗi bất hạnh và đau khổ, khi cái chết xảy ra. Nếu như chịu noi theo cách tu tập, để cố tạo tác càng nhiều thiện hạnh càng tốt, và tránh thập ác càng nhiều càng tốt, và sống theo cách này, thì khi càng lớn tuổi, quý vị sẽ càng thấy hạnh phúc nhiều hơn nữa. Quý vị sẽ không cảm thấy bất hạnh, và có tâm trạng tệ hại khi qua đời. Đó là khi mà việc tu tập Pháp bắt đầu. Khi đi xa hơn nữa, thì có tất cả những phương pháp thuộc về các pháp tu theo các chủ đề trong Kinh điển, và trong các dòng truyền thừa tu tập Hộ Phật (Mật tông) dài lâu. Tôi sẽ giải thích một chút về sự khác biệt giữa những điều này trong nhưng bài thuyết Pháp sau.
Nếu như quý vị muốn hành thiền, để tích lũy tập khí lợi lạc, thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là khi mình đã sinh ra, thì không có cách gì khác, ngoài việc chết đi vào phút cuối. Đây là kết cuộc tự nhiên của việc được sinh ra. Quý vị sẽ tích tập được tâm trạng rất lợi lạc, nếu như có thể ý thức và chánh niệm về sự thật là một ngày nào đó, quý vị sẽ qua đời, và xem điều đó một cách nghiêm chỉnh. Khi nghĩ về nó một cách nghiêm chỉnh, thì quý vị sẽ thấy rằng nếu như mình chỉ tốn thời giờ làm việc, để tích lũy của cải cho kiếp này, thì vào lúc lâm chung, những thứ này sẽ không giúp ích gì cả. Trong tất cả những thứ mà mình đã tích lũy, thì không có thứ gì ta có thể mang theo. Đó là tập khí mạnh mẽ mà quý vị sẽ tích tập được.
Kiếp Người Quý Báu
Quý vị cũng sẽ tích lũy một tập khí rất tốt đẹp, nếu như cố gắng tùy hỷ về sự kiện là hiện nay, mình đang có một kiếp người quý báu. Phải nghĩ rằng đây là kết quả của tất cả thiện nghiệp mà mình đã tạo tác trong những kiếp trước. Nên tùy hỷ và hoan hỷ về những điều mình đã làm trong quá khứ, để tạo ra kiếp người quý báu này. Dựa trên nền tảng của kiếp người này thì ta có thể áp dụng giáo pháp, để mình được tái sinh trong những cõi giới và hoàn cảnh rất hạnh phúc. Chúng ta có thể thực hiện điều này ngay bây giờ, dựa vào nền tảng mà mình có được.
Dĩ nhiên, điều tốt nhất mà ta có thể làm là đạt được tiềm năng trọn vẹn của mình, trở thành một vị Phật toàn tri và giác ngộ viên mãn ngay trong kiếp này. Đây là điều mà chúng ta có thể thực hiện, dựa trên nền tảng kiếp người quý báu mà hiện nay, mình đang có. Do đó, điều rất quan trọng là học cách quý trọng kiếp người quý báu của mình, tùy hỷ và hoan hỷ về tất cả những khả năng mà quý vị đang có, đối với việc tiến tu. Nếu như quý vị thiền quán, tư duy về nền tảng kiếp người mà mình đang có được, thì có thể giúp cho mình không rơi vào một tái sinh tệ hại hơn trong tương lai. Nhờ vậy mà quý vị có thể thoát khỏi những vấn đề và nỗi khổ cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi. Quý vị thật sự có thể đạt được tiềm năng trọn vẹn, thành tựu trạng thái giác ngộ của một vị Phật, và có khả năng tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Trước tiên, quý vị sẽ thiền quán, để tích lũy tập khí có ý thức về tất cả những khả năng này, và hoan hỷ về điều đó.
Cách nói chuyện như thế này có giúp ích cho quý vị hay không? Quý vị có muốn tôi giảng dạy theo cách khác không? Nếu như tất cả quý vị đã biết những điều này rồi, thì tôi có thể giải thích theo một cách khác. Nhưng nếu như đây là điều mà quý vị thấy ích lợi, thì tôi có thể tiếp tục giảng giải theo cách này. Ngay cả khi quý vị đã biết tất cả những điều này, thì việc lắng nghe Pháp hết lần này đến lần khác sẽ là điều rất quan trọng. Có thể là quý vị đã biết tất cả những điều này, và khi đi nghe thuyết Pháp thì quý vị có thể biết rằng hiện nay, vị thầy đang giải thích điều này, và tiếp theo, thầy sẽ giảng giải điều kia, rồi sẽ sử dụng ví dụ nọ. Ngay cả khi đó là cùng một lời nói, nhưng một đệ tử có thể có sự hiểu biết khác nhau, khi lắng nghe nó hai lần, vì mức độ lãnh hội giáo pháp của họ sẽ thay đổi. Khi lắng nghe giáo pháp thì đừng chỉ nghe với ý tưởng là để thu thập thông tin, mà đúng hơn là phải lắng nghe để thật sự đưa nó vào việc tu tập. Đây là điểm chánh.
Làm Việc Cho Thành Tựu Chỉ Trong Kiếp Này Là Điều Vô Nghĩa
Đây là câu chuyện về Geshe Langri Tangpa (Glang-ri thang-pa). Trong suốt cuộc đời, ngài chỉ cười ba lần thôi. Trong khi cúng dường mạn đà la (mandala) thì ngài có một miếng ngọc lam rất lớn. Một lần nọ, ngài nhìn thấy năm con chuột. Một con chuột nằm ngửa, ôm miếng ngọc trên bụng của nó, và bốn con chuột kia mỗi con ngậm một chân của nó, để lôi nó đi. Khi nhìn thấy điều này thì ngài đã cười. Cuối cùng thì việc tích lũy tài sản không phải là thành tựu lớn lao, vì ngay cả thú vật như chuột cũng có thể tích lũy những thứ như vậy.
Lần thứ hai mà đạo sư vĩ đại này cười là khi ngài nhìn thấy một người đang sửa chiếc giày trong đêm hôm trước, khi họ sẽ bị tử hình vào ngày hôm sau. Lần thứ ba là khi ngài nhìn thấy một số người trên cánh đồng đi lượm đá, để xây lò sưởi. Một người trong số họ nhìn thấy cái gì giống như một tảng đá, mà cỏ mọc trên đó, nên họ đào nó lên, không ngờ đó là đầu của một con yêu tinh trên mặt đất. Như chúng ta thấy, thì không có gì tuyệt diệu về khả năng hoàn thành những công việc trong kiếp này. Việc làm một người quan tâm đến hành trì tâm linh, điều sẽ làm lợi lạc cho những kiếp tương lai của mình và xa hơn nữa, là thành tựu cao cả hơn nhiều.
Khi có được kiếp người quý báu mà mình rất quan tâm đến, thì nên vô cùng hoan hỷ về điều đó. Nói chung, nếu như có $100,000 đồng tiền vàng trong trương mục ngân hàng, thì ta sẽ rất vui mừng. Nhưng với số tiền đó, quý vị vẫn không thể tránh được việc tái sinh vào một cõi tệ hại hơn, và không thể mua được giác ngộ. Dựa trên nền tảng kiếp người quý báu này thì thật sự là ta có thể đạt được trạng thái giác ngộ của một vị Phật. Do đó, nên hoan hỷ về điều mà mình đang có. Dĩ nhiên, điều tốt nhất là noi theo gương của Milarepa vĩ đại, và từ bỏ mọi lo toan của kiếp này, chỉ một lòng dấn thân tu tập, để thành tựu giác ngộ trong kiếp này. Nhưng việc làm như vậy đối với tất cả các hành giả tu tập Pháp là điều rất khó khăn. Nếu như không thể giống như Milarepa, hoàn toàn từ bỏ mọi việc trong kiếp này, thì ít nhất, nên có một thái độ không quá dính mắc và quan tâm về mọi việc trong kiếp này.
Chẳng hạn như, ta có thể cố gắng phát triển thái độ xem tài sản mà mình có là không có thực chất gì cả, bởi vì khi lâm chung thì mình không thể sở hữu chúng nữa. Vậy thì theo một cách nào đó, chúng đã thuộc về người khác. Nếu như nghĩ như vậy, thì ta sẽ không bám chấp vào những thứ mà mình đang sở hữu một cách quá chặt chẽ. Ta sẽ sử dụng chúng cho hành trì tâm linh, như bố thí chúng cho những người thiếu thốn.
Ngay cả khi quý vị có thái độ không quá dính mắc hay liên hệ với mọi việc trong kiếp này, nếu như quý vị sinh ra trong hoàn cảnh tốt đẹp, có nhiều tiền bạc và của cải dồi dào, là kết quả của những thiện nghiệp mà mình đã tạo tác trong những kiếp trước, thì đừng nên vứt bỏ và lãng phí chúng. Cực đoan khác là giữ chặt những thứ mình có, và không cam lòng lìa xa chúng. Đó là điều nguy hiểm, vì nếu như quý vị quá giữ của và ôm đồm chúng quá chặt chẽ, thì có thể tái sinh thành ngạ quỷ bám víu. Có một vài điều phải suy xét, về cách mình sẽ tu tập Pháp như thế nào.
Sự kiện mà chúng ta đã có được cơ hội diện kiến Đức Dalai Lama, là một vị Phật chân thật, và sự kiện mà mình quan tâm đến vấn đề tâm linh, là kết quả của việc đã khổ công tu tập trong những kiếp trước, nên mới tạo được nhiều công đức như hiện nay. Giờ đây, dựa vào nền tảng kiếp người quý báu, ta phải dày công tu tập, để thành tựu bồ đề tâm, và cố gắng thành tựu trạng thái giác ngộ của một vị Phật. Chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức tu tập trong những kiếp trước, để tiến xa đến mức này, và nếu muốn có được kiếp người quý báu như vầy, thì phải nghĩ đến vấn đề liệu mình có nên hành động như vậy một lần nữa hay không.
Nếu như có một thỏi vàng to bằng bàn tay, thì quý vị sẽ không vứt nó đi. Nếu như quý vị vứt thỏi vàng ấy xuống sông, rồi lại cầu nguyện để có được một thỏi vàng khác, thì sẽ rất khó thành tựu được ước muốn. Việc không noi theo hành trì tâm linh nào trong kiếp này, lãng phí cuộc đời, rồi lại cầu nguyện để có được một kiếp người quý báu trong tương lai, thì giống y như vậy. Nếu như quý vị đặt câu hỏi là “Đâu là những biện pháp ngăn ngừa mà tôi có thể áp dụng?”, thì có nhiều điều mà quý vị có thể làm. Tôi sẽ giải thích một vài điều trong số những biện pháp này.
Không Giết Hại Chúng Sinh
Điểm đầu tiên là thân nghiệp. Đừng cướp đoạt mạng sống của sinh vật nào. Để thật sự giết hại một chúng sinh, thì bốn yếu tố phải được hoàn tất. Đối tượng của hành vi giết hại có thể là một con trừu, ví dụ vậy. Tác ý, hay ý tưởng bao gồm cả hai yếu tố động lực và nhận thức. Quý vị có thể giết hại bằng ba động lực khác nhau: vì lòng tham, sân, hay si. Cách mà quý vị giết hại vì lòng tham là ví dụ như làm thịt con vật, vì muốn ăn thịt nó. Hay quý vị có thể tức giận và thù hằn chúng sinh nào quá mức, đến nỗi sẽ giết chúng sinh ấy. Cách mà quý vị có thể giết hại vì tâm vô minh, si mê là vì không hiểu biết về điều gì tốt đẹp hơn. Có những người dùng máu của thú vật để tế thần, còn một số người thì nghĩ rằng nếu như dùng thú vật để tế thần, thì họ sẽ hết bệnh. Còn về nhận thức thì quý vị phải có tác ý giết một con trừu, và có hai con thú ở đó, đó là một con dê và một con trừu, và nếu muốn hoàn tất hành vi giết hại, thì quý vị phải giết con trừu, chứ không phải con dê.
Còn về hành vi giết hại, thì một số người giết hại thú vật bằng cách làm cho chúng ngộp thở, chúng, bằng cách bịt mũi và miệng của chúng. Những người khác thì dùng tay moi ruột gan của chúng ra. Có những người thì cắt cổ thú vật. Nếu muốn cho hành vi giết trừu được hoàn tất, khi con trừu phải chết, sinh mạng của nó phải chấm dứt.
Có bốn loại kết quả. Loại kết quả thứ nhất xảy ra là quả trổ. Quả trổ của việt giết hại là tái sinh thành một chúng sinh trong địa ngục, hoặc ngạ quỷ, hay súc sinh. Ngay cả khi tái sinh đó chấm dứt, và quý vị được tái sinh thành người một lần nữa, thì kết quả của hành vi trước đó vẫn chưa chấm dứt. Có những kết quả xa hơn, tương tự như nhân của nó, về mặt mình sẽ trải nghiệm điều gì. Kết quả của việc giết hại và rút ngắn thọ mạng của một chúng sinh khác là chính mình sẽ có thọ mạng ngắn ngủi, và nhiều bệnh tật. Còn có một kết quả tương tự với nhân của nó, về mặt hành vi theo bản năng. Kết quả của việc giết hại là khi được tái sinh làm người, thậm chí từ lúc nhỏ, quý vị sẽ có bản năng thích thú với việc giết hại các sinh vật. Rồi có kết quả toàn diện, là dân cư của cả một vùng, hay một nhóm người đều bị giết. Khả năng mưu sinh ở nơi mà quý vị sinh ra sẽ rất thấp kém. Thức ăn rất nghèo nàn và thiếu chất bổ, thuốc men thì không hiệu nghiệm, hay không đủ mạnh v.v...
Nếu như thấy rõ tất cả những điều bất lợi và khuyết điểm theo sau việc giết hại chúng sinh, và kết quả là quý vị quyết định không giết hại, rồi tránh tạo tác hành vi giết hại, thì đó là thiện nghiệp. Kết quả của một thiện hạnh là mình sẽ tái sinh thành người, hay một vị Trời. Kết quả tương ứng với nhân của nó, qua kinh nghiệm của mình, là sau khi được sinh ra làm người, quý vị sẽ có thọ mạng dài lâu, sức khỏe tốt, không có bệnh tật. Bởi vì tất cả mọi người đều muốn có thọ mạng lâu dài và không đau yếu, không ai muốn chết sớm và có bệnh tật, nên điều sẽ mang lại việc này là không giết hại. Kết quả tương ứng với nhân của nó, qua hành vi của mình là ngay khi còn là một đứa bé, ta sẽ luôn kinh sợ hành vi giết hại. Quý vị sẽ không bao giờ giết hại chúng sinh, và sẽ có ác cảm đối với việc ăn thịt. Kết quả toàn diện là thức ăn sẽ dồi dào và có nhiều chất bổ, thuốc men sẽ rất mạnh mẽ và hữu hiệu, ở nơi mà quý vị được sinh ra.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nhiều đại đệ tử, là chư Thanh văn và Duyên giác, và mỗi một vị đều có khả năng đặc biệt. Một số vị có thần thông, một số vị thì có trí tuệ, v.v... Người có khả năng đặc biệt để điều phục tâm của dân cư nơi biên địa là vị Thánh nhân có chứng ngộ cao, tôn giả Ca Chiên Diên (Katyayana, Ka-tya’i bu). Một lần nọ, ngài Ca Chiên Diên đang đi thọ bát, và đến nhà của một người đồ tể. Ngài giải thích những khuyết điểm và bất lợi của việc giết hại thú vật, và người đồ tể đã nói rằng, “Con không thể hứa không giết hại thú vật vào ban ngày, nhưng sẽ hứa không bao giờ giết chúng vào ban đêm.”. Và anh ta đã làm theo lời hứa.
Một thời gian sau, có một hành giả khác có chứng ngộ cao, được gọi là Sangharakshita (dGe-’dun ’tsho). Vào thời đó, có rất nhiều người đã đi tìm kho tàng trên biển. Họ không có những chiếc thuyền lớn như chúng ta có vào thời nay. Họ chỉ có thuyền buồm. Theo thông tục thì người ta sẽ mời một vị có chứng ngộ cao để làm vị giáo sĩ (chaplain) cho mỗi một chiếc thuyền như vậy, nên họ đã mời ngài Sangharakshita. Họ đã đi lạc, và cuối cùng trôi dạt đến một vùng đất xa xôi, kỳ lạ. Sangharakshita đã đi vào vùng đất ấy, và đến một ngôi nhà tuyệt đẹp. Vào buổi tối thì mọi việc đều tốt đẹp. Có nhiều thức ăn và thức uống, mọi việc đều thoải mái và dễ chịu. Người chủ nhà nói rằng, “Xin ngài đừng ở đây, khi mặt trời mọc vào buổi sáng.”. Ông ta giải thích rằng vào ban ngày, khi mặt trời vừa mọc thì các loài thú sẽ đến nhà và tấn công ông. Một số sẽ cắn ông, một số sẽ đá ông, và những loài khác thì dùng sừng để húc ông. Sự việc vô cùng kinh hãi. Nhưng vào buổi tối thì mọi việc trở nên bình an và yên lặng, khi mặt trời vừa lặn. “Do đó, ngài hãy rời khỏi nơi đây khi mặt trời mọc, rồi trở lại đây khi trời tối.”.
Sau đó, Sangharakshita đã trở về đất liền và đến gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và nói về điều ông đã nhìn thấy. Đức Phật giải thích rằng người sống trong căn nhà đó là tái sinh của một người đồ tể, đã thọ giới không giết hại thú vật vào buổi tối, nhưng lại tiếp tục làm thịt chúng vào ban ngày. Vì người đồ tể đã không giết hại trong buổi tối, nên mỗi tối thì mọi việc rất êm thắm. Nhưng vì ông ta đã tiếp tục giết hại thú vật vào ban ngày, nên chúng luôn luôn tấn công ông khi trời sáng.
Về mặt đối tượng mà mình giết hại, thì có một sự khác biệt về loại ác nghiệp được tích tập, tùy theo kích cỡ của chúng sinh. Việc giết hại con người thì tệ hại hơn nhiều, so với việc giết một côn trùng. Nếu như quý vị giết một vị A la hán, một bậc giải thoát, hay giết mẹ hoặc cha của mình, thì điều này được xem là một trọng tội cực kỳ tàn ác, và là việc giết hại nghiêm trọng nhất mà ta có thể làm. Chẳng hạn như quý vị có thể giết một con chí nhỏ bé. Ngay cả khi đó là một hành vi bất thiện, và nếu như quý vị giết hại nó hôm nay, mà không thú nhận rằng điều mình đã làm là sai trái, và không cố gắng tịnh hóa điều này, thì ác nghiệp sẽ tích tập, và đến ngày hôm sau, thì nó sẽ giống như quý vị đã giết hai con chí. Nếu như quý vị để yên sự việc thêm một ngày nữa, thì ác nghiệp sẽ tăng lên, như thể quý vị đã giết bốn con chí. Nó cứ tiếp tục gia tăng như vậy, mỗi ngày nhân lên gấp hai, so với ngày hôm trước. Nếu quý vị cứ để như vậy trong một năm, thì ác nghiệp của việc giết hại một con chí nhỏ bé sẽ trở nên rất to lớn.
Kết quả của việc đã dùng tay giết chết một con côn trùng là tái sinh vào cõi bất hỷ, một địa ngục mà quý vị có một thân thể rất to lớn, và sẽ bị siết chặt giữa hai quả núi lớn. Đây là điều mà quý vị cũng thấy được trong cõi người. Có những người rơi xuống vực thẳm, và thân thể bị va vào những tảng đá ở phía dưới, hay có những người bị nhà sập, đè lên trên người họ. Điều này cũng giống như kết quả của hành vi tương tự của việc dùng tay giết chết một sinh vật trong những kiếp trước của họ. Nếu như quý vị suy nghĩ về những điều khủng khiếp đang xảy ra, tất cả những điểm bất lợi và thiếu sót sẽ theo sau hành vi giết hại, và tự hứa sẽ không bao giờ cướp đi sinh mạng của sinh vật nào nữa, thì điều này sẽ rất lợi lạc. Khi quý vị đi bộ, và thấy có nhiều côn trùng trên mặt đất, thì không nên dẫm lên chúng. Nếu như trong khi đang đi mà mình dẫm lên trên những côn trùng nhỏ bé một cách tình cờ, không có ý thức về điều đó, thì đó là điều không có chủ ý. Do đó, nó không phải là ác nghiệp, như khi mình cố ý dẫm lên chúng.
Điều rất quan trọng là thấy những điểm bất lợi của việc giết chóc, và hứa không giết hại chúng sinh nữa. Nhờ cách hứa hẹn như vậy mà quý vị có thể sống thọ, có sức khỏe tốt và không bệnh tật. Nếu như đang tu tập như một vị Bồ tát, như một người tận tâm, thì quý vị sẽ có tâm thức và mục tiêu cực kỳ quảng đại, rộng lớn. Chúng ta có thể xem ví dụ về những tiền kiếp của Đức Phật, khi chính Ngài là một vị Bồ tát.
Một lần nọ, có 500 hành khách trên một chiếc thuyền, và họ đang trở về với kho tàng ngọc trai lớn và những thứ quý giá khác. Trong số đó có một tội phạm tên là Minag Dungdung (Mi-nag gDung-gdung). Lúc đó, Đức Phật là một người chèo thuyền rất cường tráng. Ngài biết rằng Minag sẽ giết chết 499 hành khách kia, cướp kho báu của họ, và chỉ huy chiếc thuyền. Vì Đức Phật đã có tâm đại bi, nên nghĩ rằng điều này sẽ khủng khiếp ra sao, đối với tất cả các nạn nhân. Không chỉ vậy, nó sẽ là điều kinh khủng đối cho tên tội phạm, bởi vì sau khi giết hại 499 người, thì hắn sẽ tích tập ác nghiệp khủng khiếp, đến mức sẽ tái sinh trong một cõi giới tồi tệ không thể tưởng tượng. Là một vị Bồ tát tận tâm, Đức Phật thấy rằng điều duy nhất có thể giúp ích trong cảnh ngộ này là chính ngài sẽ giết Minag Dungdung. Ngài biết rằng nếu mình làm như vậy, thì 499 người sẽ không mất mạng, và sẽ ngăn chận việc Minag sẽ tích tập ác nghiệp khủng khiếp như vậy. Ngài nghĩ rằng, “Nếu như giết tên tội phạm này, thì mình sẽ tạo ác nghiệp giết hại một người, nhưng điều đó không sao. Việc mình sẽ phải trải qua những nỗi khổ và hậu quả rất tồi tệ từ việc này thì không sao. Nếu như có thể giảm bớt đau khổ cho những người khác liên quan trong hoàn cảnh này, thì cũng đáng giá. Với ý nghĩ rất can đảm này, ngài đã giết Minag Dungdung. Nếu như quý vị là Bồ tát, thì trong những tình huống như vậy, việc giết hại là điều cần thiết. Nhưng nếu như quý vị không ở cấp độ đó, thì việc giết người là không đúng.
Quý vị có thể tự tay giết người, hoặc nhờ người khác làm việc đó cho mình, thì điều này cũng tạo ra ác nghiệp rất nặng nề cho mình. Trên thực tế thì nó tồi tệ hơn nhiều. Nó sẽ tạo ra gấp đôi ác nghiệp, bởi vì quý vị không chỉ tích tập ác nghiệp sai bảo người khác giết hại chúng sinh, mà người kia cũng tạo ra ác nghiệp, bằng cách thực hiện hành vi đó cho mình. Nếu quý vị tham gia một trận chiến như một thành viên của đội quân có 500 binh sĩ, và có cảm giác mạnh mẽ trong tâm trí rằng chúng ta sẽ tham gia trận chiến để tàn sát kẻ thù, thì ngay cả khi không giết hại ai, nhưng quý vị vẫn tích tập ác nghiệp như thể mình đã tự tay đã giết bao nhiêu người mà quân đội này sẽ tiêu diệt. Ngay cả khi một chiến binh trong nhóm 500 người đó sẽ giết 1,000 người, thì quý vị sẽ tích tập ác nghiệp của việc giết hại 1,000 người.
Khi quý vị ở trong một nhóm binh lính, thì có cái được gọi là “lời thề không kềm chế”. Nói cách khác là người ta có một sự xác quyết sẽ không kềm chế việc giết chóc, chỉ cần phá hủy tất cả những gì xuất hiện trước mặt mình. Thậm chí, điều đó sẽ tạo ra ác nghiệp to lớn hơn nữa. Nếu như người nào thực hiện lời cam kết hay lời thề kiểu này, thì họ sẽ tiếp tục tích lũy ác nghiệp, ngay cả khi đang ngủ. Mặt khác, dù có mang danh phận của một người lính, nhưng nếu như quý vị không có ý nghĩ về việc giết hại ai, thì không có lỗi lầm. Vậy thì ngay cả khi là một người lính, nếu như quý vị nhận ra việc giết chóc là rất xấu xa, không có ý định làm như vậy, và hứa sẽ không giết hại, thì không có lỗi lầm gì cả. Nếu như ai đó sẽ giết hại nhiều người, và không có cách nào để ngăn chận họ, ngoại trừ cách giết người này, thì hãy làm như vậy với động lực thanh tịnh, như trong ví dụ về tiền kiếp của Đức Phật, là một hành vi thiện hảo, dù nó đã tích tập ác nghiệp của việc giết chóc.
Đây là một số trong những điều liên quan đến việc không giết hại. Nếu như quý vị hứa sẽ không giết hại, thì điều này rất tích cực. Đôi khi, có những loài côn trùng làm phiền hà như muỗi, là loài có thể tạo ra bệnh sốt rét, v.v... Có những loại thuốc xịt và hóa chất mà quý vị có thể xịt hay để ở ngoài, để diệt chúng. Nếu như quý vị dùng các hóa chất đó, khi không có côn trùng ở trong nhà, để không cho chúng vào nhà, thì không có lỗi lầm gì. Nhưng nếu như quý vị làm như vậy, trong khi côn trùng đã vào trong nhà, thì đó là lỗi lầm giết hại côn trùng. Đối với cách kềm chế việc giết hại thì có nhiều cách để thực hành.
Không Trộm Cắp
Điểm thứ hai là không làm người trộm cắp, không ăn trộm. Đối tượng phải là một món gì thuộc về người khác. Động lực có thể là dục vọng hay sân hận. Như đã mô tả trước đây, bạn có thể lấy món gì của ai, vì rất ham muốn món đó, hay vì rất tức giận với ai. Hành vi trộm cắp sẽ được hoàn tất, khi bạn thấy rằng bây giờ thì món mình đã ăn cắp là của mình. Kết quả của điều này là tái sinh như một chúng sinh trong địa ngục, hay ngạ quỷ. Ngay cả khi được tái sinh thành một con người, thì quý vị có thể tái sinh thành một người vô cùng nghèo khó, không có tài sản. Hay bất cứ khi nào quý vị có được món gì, thì sẽ luôn luôn bị mất cắp. Đó là quả tương ứng với nhân của nó, đối với kinh nghiệm mà quý vị sẽ trải qua. Còn về mặt quả tương ứng với nhân của nó về hành vi bản năng, thì có những đứa trẻ đi trộm cắp theo bản năng, ngay cả khi chúng được tái sinh trong gia đình giàu có. Kết quả hoàn diện là tái sinh ở một nơi rất nghèo nàn, hay trong một quốc gia mà mọi người không có gì cả. Mặt khác, kết quả của việc luôn luôn kềm chế hành vi trộm cắp là được sinh ra như một người rất giàu có, ở một đất nước rất phồn thịnh.
Ở thời điểm này thì tôi có thể nêu ra một ví dụ về cuộc đời của Geshe Ben Gungyal vĩ đại, ('Ban Gung-rgyal, 'Phen rKun-rgal), một tên cướp lớn từ Penpo. Quý vị đã nghe chuyện đời của ngài chưa? Ai đã nghe rồi? Quý vị đã nghe chuyện này từ đâu? Nếu như quý vị không ngại, thì tôi sẽ kể lại chuyện này cho những người chưa nghe nó. Tôi muốn kể chuyện này, bởi vì nó rất hữu ích cho tâm thức của quý vị. Nó minh họa một điểm tuyệt vời, và không chỉ là chuyện cổ tích, hay bịa đặt.
Ben Gungyal là một tên trộm khét tiếng. Ông sống trong một ngôi nhà với bốn mươi mẫu đất mà ông đã dùng để làm ruộng. Ông cũng đi săn bắn, giết thú vật và cá, và trộm cắp. Một lần nọ, từ nhà của ông đến Lhasa có một sườn núi cao ở giữa đường, thì ông gặp một du khách đang cỡi ngựa đến đó. Vì không biết mình đang nói chuyện với ai, nên người du khách này đã hỏi, “Tên cướp Ben Gungyal không có mặt ở đây chứ?”. Khi Ben Gungyal nói, “Tôi là Ben Gungyal.”, thì người du khách đã sợ hãi đến nỗi ngã xuống lưng ngựa và rơi xuống núi. Ben vô cùng buồn bã, vì chỉ cần nghe đến tên của ông là đã khiến cho người khác rơi xuống núi, nên ông quyết định từ đó trở đi, sẽ không bao giờ cướp bóc nữa.
Sau đó, ông đã tu tập Pháp. Ông đã cố gắng không tạo thập ác, và luôn luôn noi theo thập thiện. Mỗi khi làm điều gì thiện hảo thì ông sẽ gạch một lằn trắng trên tảng đá. Nếu như làm điều gì xấu xa hay phá hoại, thì ông sẽ gạch một lằn đen. Lúc đầu, ông có rất ít lằn trắng và rất nhiều lằn đen. Cuối cùng, ông có ít lằn đen hơn, và nhiều lằn trắng hơn. Vào buổi tối, nếu như có nhiều lằn đen hơn, thì ông sẽ dùng tay trái nắm lấy tay phải, và nói rằng, “Này vua thổ phỉ từ Penpo! Mi là một người tồi tệ! Trước đây, mi đã là một tên trộm tệ hại, và bây giờ, mi lại tiếp tục làm một người tệ hại!”. Ông sẽ tự trách mắng mình như vậy. Nếu như vào cuối ngày mà có nhiều lằn trắng hơn, thì ông sẽ dùng tay phải nắm lấy tay trái, bắt tay và tự chúc mừng mình. Ông sẽ tự gọi mình bằng Pháp danh Tsultrim Gyalwa (“Người chiến thắng với giới luật”) và nói, “Bây giờ thì bạn đang trở thành một người tích cực”, và ông sẽ tự chúc mừng bản thân.
Cuối cùng, ông đã lừng danh như một hành giả vĩ đại. Một lần nọ, một vị thí chủ mời ông đến nhà cô thọ trai. Khi vị thí chủ đi ra ngoài, thì vì đã có thói quen trộm cắp, nên ông đã thò tay vào cái giỏ mà cô đựng trà, và bắt đầu lấy trộm trà. Ông đã tự bắt quả tang, nắm lấy tay của mình và hét lên, “Này mama, hãy mau mau đến đây, tôi đã bắt được một tên trộm!”.
Một lần khác, ông và nhiều hành giả khác đã được mời đến nhà của một người nào đó, nơi người ta đang được dọn món sữa chua. Ông đang ngồi ở phía sau, nhìn vị thí chủ rót những phần sữa chua rất lớn cho những người ở phía trước. Ông bắt đầu lo lắng và buồn bực, rằng khi tới phiên mình thì sẽ không còn gì nữa. Ông ngồi đó với những tư tưởng tiêu cực, nhìn sữa chua được dọn ra cho những người khác. Đến khi vị thí chủ đến chỗ ngồi của ông, thì ông đã nhận ra mình có tâm địa như thế nào, nên đã úp bát lại và nói rằng, “Không, cảm ơn, tôi đã dùng hết sữa chua, trong khi nhìn những người khác.”.
Một lần khác, một vị thí chủ sẽ đến viếng nhà của ông. Sáng hôm đó, ông đã thức dậy rất sớm, dọn dẹp phòng óc thật sạch sẽ và sắp xếp bàn thờ đẹp đẽ với hoa và đủ loại nhang. Rồi ông ngồi xuống và thành thật quán sát động lực của mình, đối với những điều ông đã làm. Ông nhận ra là mình đã trải qua rất nhiều rắc rối để lập một bàn thờ đẹp đẽ, chỉ vì thí chủ của mình sắp đến, và ông muốn cô có ấn tượng tốt với mình. Ông đã đi ra ngoài, nhặt một nắm tro, quay vào bên trong và ném tro lên tất cả mọi thứ. Ông nói, “Trước đây, khi tôi là một tên trộm và làm việc rất chăm chỉ, thì miệng tôi thường không thể tìm đủ thức ăn để nuôi dưỡng nó. Bây giờ, khi đã trở thành một người tu tập Pháp, thì có rất nhiều người cúng dường cho tôi, đến nỗi thức ăn không tìm thấy đủ miệng để đi vào bên trong.”.
Nếu như nghĩ về tất cả những điểm được minh họa trong đời sống của Geshe Ben Gungyal, thì chúng sẽ khiến cho quý vị có nhiều điều để suy nghĩ, và nhiều sự chỉ dẫn về cách thực hành.Quý vị không thể chấm dứt việc làm người tiêu cực và hành xử một cách rất tiêu cực như vậy ngay lập tức, mà phải từ từ thay đổi.
Nếu quý vị tu tập hết sức mình, thì sẽ trở thành người tích cực và xây dựng hơn. Sau đó, vào phút lâm chung, quý vị sẽ không có những vấn đề, bất hạnh hay nỗi khổ nào. Tất cả mọi người đều phải chết. Quý vị không phải là người duy nhất phải đối mặt với tình huống này. Nếu như phải chết sau khi đã làm việc cả đời để trở thành người tốt hơn, thì quý vị sẽ cảm thấy rằng “Tôi thật sự không có điều gì ân hận về cuộc đời mà mình đã sống. Tôi đã làm hết sức mình, và đã làm việc một cách chăm chỉ nhất, để trở nên tích cực.”. Rồi thì quý vị có thể qua đời, mà không cảm thấy kinh hãi. Điều đó rất tốt.
Không Tà Dâm
Chúng ta đã nói về hai hành vi tiêu cực đầu của thân. Loại thân nghiệp tiêu cực thứ ba là tà dâm. Một ví dụ là một người đàn ông đã có vợ, lại ăn nằm với một phụ nữ khác. Kết quả là khi quý vị tái sinh làm người một lần nữa, thì vợ của quý vị sẽ không chung thủy, và ngoại tình nhiều lần sau lưng quý vị. Hơn nữa, khi nhìn vào côn trùng sinh ra trong nhà vệ sinh, hay những nơi rất bẩn thỉu, có rất nhiều rác rưởi như ruồi và giòi, thì hầu hết là kết quả của việc tà dâm.
Bậc chứng ngộ vĩ đại Katyayana đã từng gặp một người luôn luôn có hành vi tà dâm và ngoại tình. Anh ta đã hứa sẽ không làm những điều như thế vào ban ngày, nhưng không thể tự chế hay chấm dứt những hành vi như vậy vào ban đêm. Vì vậy, anh ta đã thọ giới chỉ không tà dâm vào ban ngày. Về sau, bậc chứng ngộ Sangharakshita tình cờ gặp một gia đình với một người rất hạnh phúc vào ban ngày, nhưng vào ban đêm thì tình huống trở nên rất khủng khiếp, không thể chịu đựng nổi. Anh ta đã có những vấn đề tệ hại. Sangharakshita đã tham vấn Đức Phật về điều này, và Đức Phật giải thích rằng đó là kết quả từ lời hứa của người này, mà họ đã hứa sẽ không có hành vi tà dâm vào ban ngày, nhưng lại không kềm chế điều đó vào ban đêm.
Không Nói Dối
Về mặt lời nói thì nếu quý vị nói dối, và nói những điều không đúng sự thật, thì cũng tạo ra ác nghiệp. Một lời nói dối là khi điều gì là như vậy, mà mình lại nói là nó không phải như vậy, hay khi nó không phải như vậy, mà lại nói nó là như vậy, hoặc nói rằng người nào không có thứ gì, trong khi họ lại có, và ngược lại. Kết quả của việc nói dối sẽ giống như những người luôn luôn bị mọi người dối gạt, mà ta có thể thấy trong đời này - họ luôn bị lường gạt và dối trá. Kết quả của việc kềm chế lời nói dối là quý vị sẽ được tái sinh trong một đất nước mà mọi người đều trung thực, và không bao giờ bị ai lừa dối. Không có ai nói dối với mình.
Vào thời Đức Phật, có một người tên là Kyewo Sude (sKye-bo bsu-bde). Kết quả của việc không bao giờ nói dối là mỗi lần người này cười, thì một viên ngọc trai sẽ rơi ra từ trong miệng của anh. Mọi người thường kể những chuyện vui, để cố làm cho anh cười, nhưng anh rất ít khi cười. Một ngày nọ, một nhà sư phô trương, đắp cà sa vàng, cầm tích trượng đi đến triều đình của nhà Vua trong vùng đó. Nhà Vua dẫn nhà sư đi khắp nơi để ngắm nhìn cung điện. Có rất nhiều vàng rải rác xung quanh, đôi khi chất thành những đống lớn. Nhà sư đã bôi một ít mật ong vào đáy tích trượng. Khi đi vòng quanh thì nhà sư đặt tích trượng trên những đồng tiền vàng, và vàng sẽ dính vào đáy tích trượng của ông. Khi ra khỏi cung điện thì một sợi lông, giống như lông chim, dính vào tăng bào của ông. Nhà sư nghĩ rằng nó sẽ khiến cho ông nhìn không tề chỉnh, nên đã lấy nó ra và thổi nó đi. Kyewo Sude nhìn thấy nhà sư phô trương bước ra khỏi cung điện với những đồng tiền vàng dính dưới tích trượng của mình, nhưng lại nhặt một mảnh lông trắng nhỏ bé trên tăng bào, và thổi cho nó bay đi, vì quan tâm đến bề ngoài của mình, nên anh đã cười. Chỉ có những dịp như thế này mới khiến cho Sude bật cười
Hoàng Hậu của vùng đất này không có đức hạnh đoan trang. Bà sẽ vào phòng của người hầu chăm sóc những con ngựa của hoàng cung. Một ngày nọ, bà đã làm điều gì mà người hầu này không thích, nên đã tát vào mặt Hoàng Hậu. Nhưng bà không nghĩ gì về điều đó. Một lần khác, nhà Vua lấy chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay và ném nó vào Hoàng Hậu một cách tinh nghịch. Nó chạm vào người bà một cách nhẹ nhàng, và bà bắt đầu khóc. Sudey nhìn thấy điều này và phá lên cười. Nếu như không nói dối, thì quý vị cũng có thể có loại kết quả này, mỗi khi cười, thì một viên ngọc trai sẽ rơi ra từ miệng của quý vị. Những loại kết quả như vậy sẽ xảy ra.
Không Nói Lời Chia Rẽ
Kết quả của việc sử dụng lời chia rẽ giống như bạn thấy ở một số gia đình. Các thành viên trong gia đình luôn gây gỗ và tranh cãi với nhau; cha mẹ và con cái không hòa thuận với nhau. Đó là kết quả của việc nói lời chia rẽ, và nói những điều khiến cho mọi người cách xa nhau. Tương tự như vậy, nếu như quý vị ở một nơi mà mọi việc rất rắc rối và khó khăn, nơi mà đường sá không bằng phẳng và địa hình rất gồ ghề, thì đó cũng là kết quả của lời chia rẽ. Kết quả của việc không nói lời chia rẽ là quý vị sẽ tái sinh ở một nơi rất bằng phẳng, đẹp đẽ, và có quan hệ hài hòa với tất cả mọi người.