Giúp Cho Pháp Quy Y Vững Vàng

Quy Y Pháp Cứu Cánh Ở Trong Chân Diệt Và Chân Đạo

Quy y là một quá trình chủ động, để đưa một phương hướng an toàn và có ý nghĩa vào trong đời sống, như đã được Tam Bảo Quý Hiếm, Phật, Pháp, Tăng nêu ra. Có nhiều mức độ hiểu biết về Tam Bảo, nhưng ở mức độ sâu sắc nhất, thì Pháp Bảo nói về các chân diệt và chân đạo, Phật Bảo là những bậc đã thành tựu Pháp Bảo viên mãn, và Tăng Bảo là những người đã thành tựu Pháp Bảo một phần nào.

Khía cạnh đầu tiên này của Pháp Bảo sâu sắc nhất, diệu đế thứ ba, đề cập đến các chân diệt của mọi khiếm khuyết, phiền não, xu hướng, vô minh và sự thúc bách của nghiệp, xảy ra trong hoạt động tinh thần (tâm hành) của mình. Điều này có nghĩa là chúng sẽ biến mất mãi mãi, và không bao giờ có thể phát sinh nữa. Đó là vì tâm hành của mình bẩm sinh không bị ô nhiễm vì yếu tố phiền não này, là điều dựa trên vô minh.

Khía cạnh khác của Pháp Bảo sâu nhất này, tức diệu đế thứ tư, đề cập đến chân đạo. Điều này có nghĩa là chân đạo của sự hiểu biết, chứng ngộ và tất cả các phẩm chất tốt đẹp khác, chẳng hạn như lòng từ và lòng bi, có thể phát triển trong tâm hành của mình. Đó là vì tâm hành của chúng ta có mọi tiềm năng và khả năng để hiểu bất cứ điều gì, có tình thương và sự quan tâm dành cho bất cứ ai, v.v... Tuy sự thể là như vậy, nhưng hiện nay, vì phần cứng (hardware) hạn hẹp của mình, trên cơ bản là thân tâm hạn hẹp, nên mình chỉ hiểu biết chút ít thôi, và thường bị mê lầm. Thường thì mình chỉ quan tâm đến bản thân. Có thể mình có mở rộng điều này cho gia đình và những người thân yêu, nhưng không phải là cho tất cả mọi người, nên nó bị giới hạn.

Khi nói về bản tánh của tâm hành và kinh nghiệm cá nhân, thì mình phải suy nghĩ rất nhiều, để tin rằng chân diệt và chân đạo là điều khả dĩ. Chỉ có như vậy thì mới nhận thức được chư Phật là những vị đã thành tựu chúng một cách viên mãn, và chư Thánh Tăng (Arya Sangha) là những người đã thành tựu phần nào. Mặt khác, nếu như mình nghĩ rằng không thể nào đạt được chúng, thì làm sao có được chư Phật và chư Thánh Tăng, là những người đã có những thành tựu này? Và nếu như họ chưa bao giờ thành tựu Pháp Bảo, thì làm sao chúng ta có thể làm được điều đó?

Bản Tánh Của Tâm Hành

Để khảo sát xem liệu có thể đạt được Pháp Bảo hay không thì điều quan trọng là phải xem xét bản tánh của tâm hành, vì các chân diệt và chân đạo xảy ra với tâm hành. Tâm hành, hay tâm thức, là kinh nghiệm chủ quan và cá nhân trong từng sát na một về điều gì đó. Ngay cả khi nó trải qua giấc ngủ, hay lúc bất tỉnh, hay thậm chí cái chết, thì vẫn luôn luôn có kinh nghiệm về một điều gì đó. Chính xác hơn thì đó là sự phát sinh của một tâm ảnh ba chiều phức tạp của một đối tượng hay ý nghĩ, cùng với cảm giác về một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh nào đó, và một sự pha trộn cảm xúc đối với nó. Sự sinh khởi này tương đương với sự nhận thức hướng về đối tượng hay ý nghĩ ấy, và nó xảy ra mà không có một “cái tôi” riêng biệt, hay “tâm thức” làm cho nó xảy ra, hoặc quan sát nó. Đây là bản tánh quy ước của tâm hành.

Tâm hành chủ quan và cá nhân của chúng ta cũng có thể được mô tả từ quan điểm vật lý. Có một số năng lượng, hay một số cơ sở vật chất dành cho nó, như bộ não và cơ thể. Bằng cách nào đó thì năng lượng này tỏa ra, và nhờ vậy mà mình có sự giao tiếp. Trong thuật ngữ Phật giáo thì điều này thường được gọi là lời nói. Nhưng lời nói không nhất thiết chỉ có nghĩa là lời nói. Nó là tất cả các hình thức giao tiếp.

Nếu như bản chất bẩm sinh của tâm hành là làm phát sinh tâm ảnh ba chiều, thì điều đó có nghĩa là nó có thể làm phát sinh tâm ảnh ba chiều của bất cứ thứ gì. Trên thực tế thì nó có thể làm phát sinh tâm ảnh ba chiều của mọi thứ. Tất nhiên, việc nhận thức có thể mê lầm, nhưng cũng có thể là sự hiểu biết trọn vẹn, tình thương và nhẫn nại trọn vẹn, cũng như tất cả những phẩm chất tích cực khác.

Khi nói về bản chất quy ước bẩm sinh của tâm, thì mình đang nói đến cấu trúc mà nó hoạt động như thế nào, cụ thể là với sự phát sinh đơn thuần của một tâm ảnh ba chiều, và một sự chú ý. “Bẩm sinh” có nghĩa nó là một phần cần thiết của tâm hành. Chúng ta không nói về nội dung thực tế, hay về loại hình ảnh ba chiều nào mà nó tạo ra, hay ở mức độ nhận thức nào.

Nội dung có thể bị giới hạn, giống như mình có thể nhận thức được những gì trực tiếp hiện ra trước mũi của mình. Thường thì cũng có rất nhiều sự phóng chiếu, và việc nhận thức có thể rất mê lầm. Tuy nhiên, đây là những ví dụ về sự hạn chế của nội dung. Chúng không giới hạn hay ảnh hưởng đến cấu trúc của những gì đang xảy ra với tâm hành. Cấu trúc vẫn duy trì như vậy, bất kể nội dung là gì.

Những Giới Hạn Của Cơ Thể Con Người

Nếu như mình hỏi vấn đề ở đây là gì, thì vấn đề là sự hạn chế trong tâm hành được tạo ra, vì những điều kiện của phần cứng (hardware) hạn hẹp của mình. Hãy xem xét phần cứng hạn hẹp này của cơ thể con người, tuy nó là loại phần cứng tối ưu mà mình có thể có được trong một tái sinh. Trước tiên thì mình sẽ bắt đầu như một đứa trẻ sơ sinh, và là một đứa bé thì mình không hiểu gì hết. Chúng ta không thể giao tiếp. Điều duy nhất mà mình có thể làm là khóc. Khi lớn lên và đến tuổi thiếu niên thì mình phải chịu ảnh hưởng của các nội tiết tố (hormone), nên có sự ham muốn tình dục mạnh mẽ, và trở nên hung hăng. Tất cả những điều này là những sự hạn chế lớn, đúng không?

Cơ thể chúng ta sẽ bị bệnh, và khi mình già nua hơn nữa, thì nó bắt đầu hư hoại. Chúng ta không còn trí nhớ tốt, và bị lầm lẫn về sự việc. Đó là một hạn chế lớn của phần cứng. Những hạn chế khác bao gồm việc chỉ có thể nhìn thấy những thứ trực tiếp ở phía trước hai lỗ hổng này ở phía trước, trên đầu của mình. Chúng ta không thể nhìn thấy những thứ ở ngoài phạm vi đó, và chắc chắn không thể thấy bất cứ điều gì, ngoài những gì đang xảy ra ngay bây giờ.

Tất cả những sự hạn chế này liên quan đến những gì mình có thể nhận thức được, và mức độ nhận thức mà mình có thể có được trên cơ bản, là vấn đề của phần cứng. Vì vô minh và nghĩ rằng những gì mình cảm nhận là toàn bộ thực tại, rồi thông qua một cơ chế rất phức tạp gọi là thập nhị nhân duyên, thì mình sẽ khiến cho phần cứng hạn hẹp này tiếp tục phát sinh thêm nhiều lần nữa, từ kiếp này sang kiếp khác.

Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến cấu trúc của tâm hành, thì cấu trúc đó tự nó không có giới hạn. Đó là cái mà ta gọi là “thanh tịnh”. Nó không bị cấu uế vì những sự hạn chế mà phần cứng và tâm vô minh tạo ra. Điều đó có nghĩa là khi tâm hành của mình xảy ra mà không có loại phần cứng này, không có sự tạo tác miên viễn này từ kiếp này sang kiếp khác, với phần cứng hạn hẹp, thì vì cấu trúc của nó có tất cả tiềm năng và khả năng nhận thức vạn pháp một cách tuyệt đối, nên tâm hành có thể sở hữu tâm toàn tri, lòng từ viên mãn, lòng quan tâm viên mãn, và khả năng giao tiếp tuyệt vời, mà không có giới hạn nào. Điều đó rất tuyệt vời, phải không?

Không phải là mình sẽ giải quyết vấn đề bằng cách tự tử, để thoát khỏi phần cứng giới hạn này. Vì mãnh lực của vô minh và tất cả các tập khí và nghiệp lực mà mình đã tạo tác, bằng cách hành động dựa vào tâm vô minh này, mà ta sẽ tạo ra thêm phần cứng hạn hẹp nữa, thậm chí còn hạn chế hơn những gì mình đang hiện có.

Mặc dù nguyên nhân sâu xa nhất của việc có phần cứng hạn hẹp là tâm vô minh của mình, nhưng tâm thức vẫn có khả năng hiểu biết một cách đúng đắn. Vô minh không thể có hiệu lực, trong khi sự hiểu biết đúng đắn thì có thể có hiệu lực. Điều này có nghĩa là thông qua việc xác nhận lại nhiều lần và hoàn toàn quen thuộc với nó, thì ta có thể điều chỉnh lại hoạt động tinh thần của mình, để sự hiểu biết đúng đắn sẽ thay thế tâm vô minh, và ta sẽ đạt được một sự chân diệt của vô minh và các yếu tố phiền não xuất phát từ đó.

Càng thấu hiểu và xác tín hơn về cách sự thấu hiểu đúng đắn có thể thay thế tâm vô minh, thì ta càng vững tin mình có thể đạt được một chân diệt, diệu đế thứ ba, và diệu đế thứ tư, chân đạo, dựa trên tánh thanh tịnh bẩm sinh của tâm hành này, và khả năng bẩm sinh của nó. Diệu đế thứ ba và thứ tư là Quy Y Pháp sâu sắc nhất.

Có Bao Giờ Có Một Vị Phật Hay Không?

Dựa trên lý lẽ này thì mình có thể tự tin rằng có điều gì như là Quy Y Pháp, và có điều gì như là chân diệt và chân đạo, và có thể đạt được chúng. Tất nhiên, câu hỏi có thể nảy sinh là nếu như mình có thể đạt được chúng, thì điều này nhất thiết có nghĩa là người nào đã thành tựu chúng không? Phải nói rằng đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Đây là câu hỏi thật sự. Có bao giờ có một vị Phật không, và tại sao không có rất nhiều vị Phật hiện nay? Mặc dù có lẽ người Tây Tạng nói rằng có rất nhiều vị Phật hiện nay, nhưng liệu mình có thể tin điều đó hay không? Phải nói rằng đó một câu hỏi khó trả lời.

Bây giờ thì phải phân tích. Đức Dalai Lama và chư đạo sư vĩ đại luôn nhấn mạnh là mình phải phân tích. Tôi sẽ đi vào chi tiết về vấn đề này, bởi vì nếu như nói về việc áp dụng pháp quy y thực tiễn trong đời sống hàng ngày, mà nếu như mình không tin là có điều gì như Phật, Pháp, Tăng ở mức độ sâu sắc nhất, thì làm sao có thể đưa quy y vào trong đời sống? Chúng ta đang hướng về một mục tiêu là giải thoát hay giác ngộ, nhưng lại không tin rằng đó là điều khả thi. Tất cả mọi việc sẽ trở thành đạo đức giả, nếu như mình không tự tin là có Phật, Pháp và Tăng, và mình có thể quy y theo cách mà chư vị đã nêu ra.

Bạn thấy đó, đây là điều mà tôi nghĩ sẽ phá hoại khả năng làm cho quy y trở thành điều chủ yếu, quan trọng nhất trong đời sống của mình. Một là mình không biết quy y có nghĩa là gì, hai là ngay cả khi mình hiểu ý nghĩa của nó, thì lại không tin mình có thể đạt được những trạng thái quy y này. Ngay cả khi tin rằng điều đó có thể xảy ra, thì mình vẫn không biết cách áp dụng nó trong đời sống. Một lần nữa, đó là lý do tại sao tôi lại đi vào một ít chi tiết về việc phân tích, và không nghiêng về việc liệt kê mọi phẩm chất của Phật, Pháp và Tăng.

Hãy xem mình có thể đạt được điều gì từ sự phân tích từ đầu đến giờ. Chúng ta đã xác định rằng các cấu uế làm ô nhiễm tâm hành – đó là biệt ngữ của đạo Phật, được sử dụng để mô tả nó - có thể được đoạn diệt mãi mãi, và tất cả các phẩm chất và tiềm năng tích cực của nó có thể được chứng ngộ viên mãn. Phải bổ sung thêm sự khẳng định của đạo Phật về thời gian vô thỉ. Bây giờ, nếu như mình có thể vay mượn biệt ngữ khoa học - dù có lẽ không chính xác - trên cơ sở sự khẳng định này, thì có một xác suất thống kê rằng có người đã thật sự thành tựu tất cả những chân diệt và chân đạo này. Không thể nói rằng không có khả năng là điều này đã từng xảy ra, với điều kiện là trên lý thuyết thì đó là điều khả thi, và thời gian thì vô thỉ.

Từ lý luận này thì xác suất mà có thể có một vị Phật rất cao và, thêm vào đó thì đã có một người mà tất cả kinh sách gọi là “Đức Phật”. Rồi thì mình sẽ khảo sát xem Đức Phật này đã dạy điều gì về cách Ngài đạt được các chân diệt và chân đạo, để trở thành một vị Phật giác ngộ. Khi thực hành giáo lý của Ngài, thì ta sẽ bắt đầu trải nghiệm những kết quả mà Đức Phật nói là mình có thể đạt được. Dựa trên lý lẽ này thì ta có thể bắt đầu vững tin là đã có một vị Phật.

Hiện nay thì Phật giáo khá khác biệt với một số triết lý Ấn Độ khác, theo nghĩa là đạo Phật không nói rằng tất cả mọi người chắc chắn sẽ đạt giải thoát và giác ngộ. Mọi người đều có thể thành tựu giải thoát và giác ngộ, bởi vì bản tánh cơ bản của tâm hành cá nhân của mình thì thanh tịnh, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả chúng ta sẽ nhất thiết đạt được giải thoát và giác ngộ. Lý do của điều này là vì thời gian thì vô hạn, vô thỉ, và nếu như tất cả chúng sinh có thể đạt được giải thoát và giác ngộ, thì họ đã làm như vậy rồi. Nhưng rõ ràng vấn đề không phải là như vậy. Do đó, mặc dù tất cả chúng sinh đều có thể thành tựu giải thoát và giác ngộ, nhưng không có nghĩa là tất cả chúng sinh sẽ nhất thiết đạt được điều này.

Nhưng nếu như có một xác suất thống kê là người nào đó đã trải qua toàn bộ quá trình tịnh hóa này, và trở thành một vị Phật, thì cũng có xác suất thống kê là có những người đã trải qua một phần đoạn đường, dù họ chưa kết thúc quá trình. Đó là chư Thánh Tăng. Nếu như người khác có thể làm điều đó, như đạo Phật cũng khẳng định rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng, thì có một xác suất thống kê rằng chúng ta cũng có thể đạt được giải thoát và giác ngộ. Do đó, đó không chỉ là việc mơ tưởng để đưa quy y vào trong đời sống, và tu tập để đạt được Pháp Bảo cứu cánh trong dòng tâm thức của mình, theo cách mà chư Phật đã làm, và cách mà chư Thánh Tăng đang làm.

Khả Năng Chưa Hề Có Một Vị Phật Giác Ngộ

Có thêm một điều nữa mà tôi muốn nói thêm về cuộc thảo luận của chúng ta, về việc có bao giờ có một vị Phật hay không. Về mặt xác suất thống kê thì có một khả năng là không bao giờ có vị Phật nào cả. Điều này sẽ nêu ra một vấn đề rất thú vị. Chúng ta có thể phân tích nó từ một số quan điểm.

Về mặt xác suất thì có một xác suất là có thể đã có một vị Phật, có thể có hai, có thể có ba, có thể có bốn, năm vị Phật - lên đến con số của vô lương chúng sinh. Vậy thì có một xác suất lớn hơn, xét về tất cả những khả năng này, hơn là khả năng không bao giờ có vị Phật nào.

Đó là một cách nhìn vào vấn đề, nhưng có một cách phân tích khác. Một trong những đặc điểm của Đức Phật là một đấng giác ngộ, biểu hiện ảnh hưởng giác ngộ, giống như nam châm, thu hút người khác hướng về giải thoát và giác ngộ, bằng cách truyền cảm hứng cho họ tu tập, hướng về những mục tiêu này. Thêm vào đó, một trong những khía cạnh của Phật tánh mà tất cả chúng ta đều có là dòng tâm thức của mình có thể được ảnh hưởng giác ngộ này tác động, để phát triển, qua con đường tâm linh. Vì vậy, nếu như không bao giờ có một vị Phật, và do đó, không bao giờ có ảnh hưởng giác ngộ của một vị Phật, thì làm sao ai có thể đạt được tiến bộ tâm linh trên đường tu trong nhà Phật? Nhưng rõ ràng là có những người đã tu tập theo đường tu nhà Phật, và đã đạt được tiến triển về mặt tâm linh. Chúng ta có thể thấy điều đó, ngay cả với chính bản thân mình, nếu như mình chịu thử tu tập giáo pháp.

Hiển nhiên là điều này đòi hỏi việc tư duy sâu sắc hơn về việc cảm hứng là gì, và đâu là tầm quan trọng của việc được truyền cảm hứng hay được kích thích, để cố cải thiện tình huống của mình bằng cách noi gương của người khác, hay bằng lời dạy của họ. Liệu mình có thể tiến bộ mà không cần có điều này hay không? Phải suy nghĩ khá nhiều về vấn đề này. Nếu như nói rằng những người đạt được tiến triển có thể đã nhận được ảnh hưởng giác ngộ chỉ từ chư đạo sư không phải là Phật, vậy thì những vị thầy chưa giác ngộ đã nhận được ảnh hưởng giác ngộ từ đâu? Và nếu như có một vị Phật đầu tiên, thì vị Phật đó đã nhận nguồn cảm hứng từ đâu? Có phải là luôn luôn có những vị Phật phát huy ảnh hưởng giác ngộ này, hay ảnh hưởng giác ngộ xuất phát từ chư đạo sư chưa giác ngộ? Theo loại lý luận này thì chúng ta sẽ đi đến kết luận là không bao giờ có vị Phật đầu tiên, đặc biệt là vì thời gian thì vô thỉ.

Tiếp theo thì phải nhìn vào những điều Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy. Nếu như áp dụng giáo lý này ở bất cứ mức độ nào mà mình có thể thực hiện, thì về mặt thực nghiệm, từ kinh nghiệm bản thân thì mình biết rằng chúng thật sự hữu hiệu, để đem lại kết quả đã được nêu ra. Chúng sẽ làm giảm bớt nỗi khổ và những vấn đề của mình. Ở đây thì mình không nói về những phương tiện mà Đức Phật đã dạy, mà được chia sẻ trong hầu hết các triết lý và hệ thống Ấn Độ, giống như các phương tiện để đạt được định tâm, v.v... Đây không phải là giáo lý đặc thù trong đạo Phật, mà những điều cụ thể trong nhà Phật là tứ diệu đế - nói chung, cho cả Tiểu thừa và Đại thừa - và trong bối cảnh Đại thừa là giáo lý về tánh Không. Khi tu tập những giáo lý này, thì mình sẽ có kinh nghiệm là càng thấu hiểu về tánh Không nhiều hơn, và càng áp dụng sự hiểu biết đó trong cuộc sống hàng ngày nhiều hơn, thì ta sẽ càng có ít vấn đề hơn. Chúng thật sự có hiệu quả.

Hơn nữa, nếu như nhìn vào những bước tuần tự mà Đức Phật đã dạy để thành tựu giải thoát và giác ngộ, thì ta sẽ thấy rằng từ kinh nghiệm tu tập càng nhiều bước càng tốt, thì chúng đều hữu hiệu, để đem đến kết quả như đã được nêu ra. Nếu như vấn đề là như vậy, thì như mình thấy trong cuộc thảo luận về điểm này trong sách vở nhà Phật, có lý do nào để Đức Phật phải nói dối về những bước tiếp theo, để thành tựu đường tu và đạt giác ngộ hay không? Rốt cuộc thì động lực duy nhất để Đức Phật đạt giác ngộ là lòng bi mẫn vô biên, bình đẳng của Ngài đối với tất cả chúng sinh. Việc giác ngộ của Ngài sẽ không thể xảy ra, nếu như không có mức độ bi mẫn ấy. Vì quá bi mẫn để giúp tất cả chúng sinh thoát khổ, nên không có lý do gì để Đức Phật muốn lừa dối mình, khi Ngài tuyên bố rằng, “Ta đã đạt giác ngộ, và mặt đất là nhân chứng của ta.” Không có lý do gì để Phật phải nói dối. Đó là luận cứ cổ điển. Ngoài ra, nếu như nhìn vào tất cả các hoạt động của Đức Phật, thì sẽ không phù hợp để nói rằng Đức Phật đã nói dối về khía cạnh này, vì tất cả những công hạnh khác mà Ngài đã thực hiện đều lợi lạc và trung thực.

Nhưng nếu như phân tích vấn đề này nhiều hơn - và hiện giờ thì tôi đang phân tích trong khi nói chuyện – thì mình có thể nêu ra một sự phản đối khác. Nếu như nhìn vào giai đoạn cuối cùng của đường tu thì mình sẽ biết rằng, nếu như có thể lãnh hội tánh Không một cách hoàn hảo, vô niệm trong mọi lúc, thì tâm vô minh sẽ không bao giờ phát sinh nữa. Đó là cách mà mình đạt được chân diệt của nguyên nhân sâu xa nhất tạo ra nỗi khổ, và thành tựu giải thoát. Và nếu như nhận thức vô niệm về tánh Không của mình mạnh mẽ đủ, bằng cách có sự ủng hộ của bồ đề tâm, thì mình sẽ đạt được chân diệt của tất cả ám chướng, và thành tựu giác ngộ.

Bây giờ, đây là sự phản đối của tôi. Điều gì sẽ xảy ra, nếu như Đức Phật có chứng ngộ vô niệm về tánh Không chỉ trong phần lớn thời gian - nhiều hơn những gì mình có thể đạt được hiện nay - và thấy rằng càng có nhận thức vô niệm này, thì tâm vô minh, phiền não và nghiệp sẽ càng trở nên yếu ớt hơn, và Ngài sẽ càng trải nghiệm ít đau khổ hơn. Nếu như Ngài chỉ suy luận rằng nếu như lúc nào mình cũng có nhận thức vô niệm về tánh Không này, thì sẽ đoạn trừ được nguyên nhân thật sự tạo ra mọi nỗi khổ mãi mãi. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là Ngài đã thật sự đạt được trạng thái cứu cánh này. Ngài có thể chỉ đơn thuần suy đoán về sự tồn tại của nó, và đó là sự hiểu biết dựa trên suy luận hợp lệ. Ngài không cần phải tự mình đạt được giác ngộ. Đó là điểm mà tôi đã đi xa nhất theo khả năng phân tích của mình, bởi vì tôi vẫn chưa có câu trả lời cho sự phản đối này.

Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một sự phản đối quan trọng mà mình phải nêu ra, đặc biệt là về vai trò thích hợp của quy y trong đời sống hàng ngày. Đó là lý do để đặt câu hỏi là liệu có ai thật sự trở thành một vị Phật không? Thậm chí là mình có thể thành tựu Phật quả hay không? Và nếu như chưa bao giờ có một vị Phật, và không thể nào thành tựu giác ngộ, vậy thì mình đang làm gì đây, khi quy y Phật, Pháp và Tăng? Có phải chúng ta xem cội nguồn quy y của mình là điều gì bất khả thi? Có phải nó giống như phấn đấu để trở thành con Chuột Mickey (Mickey Mouse), hay là cái gì đó? Có phải pháp tu của mình thật sự nhắm nhiều hơn vào việc đi theo chiều hướng chỉ cố cải thiện mọi việc càng nhiều càng tốt? Và nếu như đúng là vậy, và chúng ta đang noi theo đường tu nhà Phật, mà lại không tin mình có thể thành tựu giác ngộ viên mãn - hay thậm chí được giải thoát - thì tốt thôi. Nhưng tôi nghĩ mình phải hiểu rõ những điều chúng ta đang làm, bằng cách hành trì Phật pháp, và không tự lừa dối mình: Thật ra thì chúng ta đang phấn đấu cho cái gì, và nghĩ rằng điều gì là khả dĩ?

Điều quan trọng khi quy y là giúp cho phương hướng này, pháp quy y này được an toàn và ổn định trong tâm thức, không có nghi ngờ gì. Những điều tôi đang giới thiệu ở đây là những sự nghi ngờ có thể phát sinh. Tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta không bao giờ thật sự đặt câu hỏi về khả năng đạt được giải thoát và giác ngộ. Chúng ta chỉ chấp nhận nó, nhưng sau một thời gian thì sẽ bắt đầu đặt câu hỏi. Sau đó thì điều sẽ xảy ra là một là mình bỏ cuộc, và nói rằng những điều mà mình phấn đấu để đạt được là bất khả thi. Chưa có ai thành tựu nó cả, vậy thì tôi đang lừa phỉnh ai đây, khi nghĩ mình có thể thành tựu nó? Vì vậy nên mình sẽ bỏ cuộc. Hai là chấp nhận việc thành tựu giác ngộ là điều bất khả, nhưng vẫn hài lòng với việc đi càng xa càng tốt về hướng này. Theo lý lẽ thì mình có thể vững tin rằng việc đạt được giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ, trên lý thuyết. Có đủ lý luận và phương pháp để đi đến suy luận hợp lệ rằng giác ngộ là điều khả dĩ, về mặt lý thuyết, nhưng sau đó, câu hỏi sẽ là, ở mức độ thực tế thì nó có thật sự khả thi hay không? Và đó là một phép biện chứng rất thú vị, giữa những điều khả dĩ trên lý thuyết, và những điều thật sự khả thi.

Cách duy nhất mà mình có thể vững tin là có thể đạt được giác ngộ trên thực tế, là tự mình thành tựu nó. Rốt cuộc thì kinh sách nói rằng chỉ có một vị Phật mới có thể nhận ra một vị Phật khác. Vậy thì làm thế nào để mình biết ai là Phật? Chỉ vì họ nói họ là Phật? Rất nhiều người điên nói rằng họ là Phật. Chỉ có thể biết bằng cách suy luận người nào là một vị Phật, bởi vì trừ khi mình là Phật, còn không thì không thể biết điều đó một cách trực tiếp.

Chúng ta có thể nói rằng, “Trên lý thuyết thì tôi có thể suy ra là phải có một vị Phật.”. Nhưng để thật sự được thuyết phục, thì chúng ta phải tự mình thành Phật, nên quyết định sẽ tu tập theo phương hướng ấy. Đây có thể là giải pháp cho tất cả những sự phản đối của mình về việc liệu một vị Phật đã từng hiện hữu hay chưa, và liệu sự giác ngộ có khả thi hay không.

Đạo Phật Không Chỉ Là Một Trường Phái Tâm Lý Học Khác

Điều đáng kể trong cuộc thảo luận dài này là dù không tin rằng mình có thể đạt được mục tiêu cứu cánh của đạo Phật, nhưng vẫn có thể đưa phương hướng đó vào đời sống, chỉ với ý tưởng là nếu như mình có thể tiến xa hơn vị trí trong hiện tại, thậm chí nếu như không đạt được mục tiêu, thì nó vẫn là một sự cải thiện. Tuy nhiên, nếu như chỉ nghĩ về mặt cải thiện, mà không đi trọn con đường, vì nghĩ rằng điều đó bất khả thi, thì pháp tu của mình đã thoái hóa, thay vì tiến hóa. Nó đã biến thành tâm lý học. Giáo lý nhà Phật chỉ trở thành một trường phái tâm lý học khác, và pháp tu nhà Phật chỉ trở thành một hình thức tâm lý trị liệu khác. Nhưng chắc chắn không phải là như vậy. Tuy mình có thể hành trì đạo Phật ở mức độ đó, nhưng đây là điều mà tôi gọi là “Pháp Nhẹ Nhàng” (“Dharma-lite”). Nó không phải là Pháp thực thụ. Đương nhiên là nó có lợi ích của nó. Không thể nói rằng không có lợi ích gì, khi nghĩ về việc tu tập để cải thiện kiếp này, nhưng đó không thật sự là điều mà quy y đang nói đến.

Một điều cực đoan nên tránh về mặt quy y là nghĩ về Đức Phật như vị cứu tinh riêng của mình. Nhưng một cực đoan khác là nghĩ rằng đạo Phật chỉ dạy cách làm việc với cảm xúc và hành vi của mình, giống như một hình thức trị liệu tâm lý. “Chỉ cần làm việc với bản thân mình”. Điều đó nghe giống như tâm lý trị liệu, đúng không? Phải tránh cực đoan đó, bởi vì theo một nghĩa nào đó thì nó bỏ qua sự kiện là có Tam Bảo, và chỉ xem xét Pháp. Nhưng còn có Đức Phật và chư Thánh Tăng. Không giống như nhà trị liệu, Đức Phật và chư Thánh Tăng là gương mẫu của mình. Chư vị là những người mà mình muốn được giống như vậy. Nhà trị liệu thì không chính xác là gương mẫu của mình. Nếu như quen biết những nhà trị liệu, thì ta sẽ thấy họ cũng có thể có nhiều vấn đề. Thêm vào đó, đạo Phật còn liên quan đến đạo đức. Tâm lý trị liệu không nhất thiết phải liên quan đến việc tu tập đạo đức. Trên thực tế thì một số trường phái tâm lý trị liệu muốn tránh bất cứ lời khuyên nào về mặt đạo đức. 

Khía Cạnh Sùng Mộ Của Quy Y

Đạo Phật có khía cạnh sùng mộ, có thể tăng cường pháp quy y của mình. Nó không phải là điều mình nên phủ nhận hay bác bỏ. Khía cạnh sùng mộ này bao gồm việc nhận lấy nguồn cảm hứng, và có một sự biểu hiện về mặt nghi thức, cho những cảm xúc tích cực của mình. Có lẽ ta có thể đưa các hành trì sùng mộ hướng về chư Phật và chư Bồ tát như Tara và Đức Quán Thế Âm (Chenrezig) vân vân, là đại diện của Tăng đoàn. Nhưng phải tránh nguy cơ, khi mình biến các ngài thành những vị thánh và cứu tinh cá nhân.

Đối với nhiều người trong chúng ta, những người không thể hoàn toàn liên hệ với Đức Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni lịch sử, hay Đức Quán Thế Âm, thì những người đại diện cho các ngài là chư đạo sư - cả những đạo sư trong lịch sử như Guru Rinpoche và Milarepa, hay chư đạo sư thời nay. Chúng ta không chỉ nói về người nào tự gọi mình là đạo sư. Có thể họ không hội đủ điều kiện. Chúng ta đang nói về những người hội đủ trình độ nhất, như Đức Dalai Lama. Bất cứ người nào cũng có thể tự gọi mình là “lama”, và thuyết phục người khác gọi họ là “lama”, nhưng không có nghĩa là họ có bất cứ phẩm chất tốt đẹp nào. Nó chỉ biểu hiện sự lôi cuốn, có khả năng ảnh hưởng người khác, và tham vọng.

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì yếu tố cảm hứng này thường được dịch là “ban phép lành”, và tôi nghĩ đây có thể là một cách dịch lệch lạc. Cảm hứng cung cấp cho mình năng lượng và sự khuyến khích để đi theo phương hướng này trong đời sống của mình. Không có gì thần bí về điều này. Nguồn cảm hứng như vậy là điều mà mình nhận được từ chư đạo sư. Nhờ có các ngài mà mình mới có được một sự hiểu biết về chư Phật và chư Thánh Tăng. Nhờ có chư vị mà mình mới có được lời giảng giải về giáo pháp. Dù mình có thể đọc giáo pháp trong một cuốn sách, hay trên Internet, nhưng thường thì nó không quá rõ ràng. Thường thì phải có người nào có khả năng giải thích và trả lời thắc mắc của mình. Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần có ai đó là hiện thân cho những điều mình đang hướng tới, để có ý tưởng thực tế hơn nhiều về tất cả những điều mà giáo pháp đang nói đến.

Having a Role Model/ Có Một Tấm Gương

Để đưa quy y vào mức độ thực tế hàng ngày trong đời sống, thì tôi nghĩ điều thật sự quan trọng là có một tấm gương mà mình có thể tiếp cận. Có lẽ đối với một số người thì khó mà xem Guru Rinpoche như một tấm gương. Guru Rinpoche đản sanh trong hoa sen, và có thể đi trên lửa mà không bị phỏng, và những điều như vậy. Thật sự rất là khó để tiếp cận với một tấm gương như vậy, đúng không? Chắc chắn là tôi không hề hạ thấp tầm quan trọng của Guru Rinpoche, và tấm gương của Guru Rinpoche có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều người, nhưng đối với một số người thì điều đó rất khó liên hệ đến, ở mức độ cá nhân. Làm sao mà điều này lại phù hợp với tôi như là một tấm gương về những điều tôi có thể làm? Đó là lý do tại sao các đạo sư bình thường của mình, và dĩ nhiên là những đạo sự thật cao cấp, là tấm gương mà mình có thể tiếp cận dễ hơn một chút. Ngay cả khi mình không thể liên hệ với một người như Đức Dalai Lama, thì vẫn có những vị thầy ít thành tựu hơn, mà mình có thể liên hệ dễ dàng hơn một chút.

Điều mà tôi thấy rất thú vị là Đức Dalai Lama nói rằng đối với Ngài thì tấm gương mà Ngài cố gắng noi theo, và có được cảm hứng là từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Dalai Lama rất thường thuyết Pháp cho đại chúng từ một trăm ngàn người trở lên. Rõ ràng là mình chưa bao giờ có loại kinh nghiệm đó. Ngài đã ảnh hưởng rất nhiều người trên khắp thế giới, và để có thể làm điều này thì Ngài có nguồn cảm hứng từ tấm gương cấp tiến hơn nhiều của một vị Phật, có thể giảng dạy tất cả chúng sinh trong cùng một lúc. Mỗi một người trong chúng ta có thể có những tấm gương càng ngày càng cấp tiến hơn, khi mình tiến bộ hơn, tiến đến Phật quả. Ngay cả đối với Đức Dalai Lama thì vai trò tạo nguồn cảm hứng từ các đạo sư của Ngài, hay từ chính Đức Phật, là điều rất quan trọng và tất yếu. 

Quy Y Có Ý Nghĩa Trọng Đại Gì Trong Đời Sống?

Cho đến nay thì mình đã thiết lập điều gì? Chúng ta đã thiết lập phương hướng an toàn cứu cánh này, và đang cố gắng đưa vào đời sống. Theo ngôn ngữ rất đơn giản thì mình đang tự tu tập, để đoạn trừ những khiếm khuyết và phiền não, và để chứng ngộ tất cả những tiềm năng tích cực. Tôi đã đưa ra một số chỉ dấu về cách mình có thể bắt đầu suy nghĩ hay phân tích, và hy vọng là sẽ vững tin là mình có thể đi trọn đường tu. Ta có thể đoạn trừ toàn bộ khía cạnh phiền não, và chứng ngộ toàn bộ khía cạnh tích cực trong tâm hành của mình. Đó là điều khả thi. Có những vị Phật đã thực hiện điều này, và không chỉ vậy, mà các ngài đã dạy ta cách tự thực hiện nó. Có chư Thánh Tăng, những người đã thực hiện nó nửa chừng, và vẫn đang tu tập hướng về mục tiêu đó. Có những vị thầy có thể chưa đạt đến giai đoạn thánh nhân của chân diệt và chân đạo, tuy nhiên, họ vẫn tiến bộ hơn mình trên đường tu. Nhờ có tất cả các ngài mà ta có thể nhận được nguồn cảm hứng tuyệt vời, và có những tấm gương chân chính, tùy theo căn cơ của mình. Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng đi trọn đường tu, theo phương hướng này. Mình sẽ có khả năng đạt được mục tiêu giải thoát này, và theo ý nghĩa của Đại thừa thì thành tựu giác ngộ, với sự giúp đỡ của chư đạo sư và rất nhiều công phu khó nhọc.

Khi đã vững tin vào tất cả những điều này, thì quy y hay phương hướng an toàn sẽ thật sự trở thành mục tiêu chính trong đời sống, tràn đầy ý nghĩa đối với mình trong mọi lúc. Nhưng để có được điều này thì mình phải thật sự vững tin, và phải có cảm hứng từ những tấm gương sáng. Quy y phải thích hợp với đời sống. Khi gặp những giai đoạn khó khăn, thì không phải vì vậy mà mình phải nản lòng. Phải nhận thức rằng mình có thể xử lý nó. Đó là điều khả thi. Có thể hiện giờ thì không dễ dàng như vậy, nhưng bằng cách đưa quy y vào trong đời sống, thì ta có thể dần dần khắc phục tâm sân hận, ví dụ vậy. Ta có thể vượt qua tất cả những khó khăn mà mình phải đối diện. Ta sẽ xử lý chúng.

Khi vấn đề xuất hiện trong đời sống hàng ngày, thì ta sẽ không phủ nhận nó. Không phải là mình sẽ cố quên nó đi, và chỉ quay qua rượu chè, ma túy, tình dục, truyền hình hay bất cứ điều gì, để làm cho sự việc tốt đẹp hơn một chút. Thay vì vậy thì mình có pháp quy y trong đời sống. Ta sẽ nương tựa vào các phương tiện của nhà Phật, để cố gắng đối phó với tình hình. Nếu như ta làm như vậy, thì đây là dấu hiệu rõ ràng là mình có phương hướng này trong đời sống, rồi thì mình đã thật sự quy y.

Hãy dành một vài phút để khẳng định lại những điểm mà mình đã thảo luận. Tôi nghĩ một phần của sự quán chiếu này phải có mặt: nếu như ta xem mình là Phật tử, thì liệu quy y có ý nghĩa trọng đại nào trong cuộc sống hay không? Nó có ý nghĩa gì đối với mình? Liệu nó có ý nghĩa tương tự như những gì chúng ta đã bàn luận, hay là điều gì rất tầm thường, và là một điều bên lề, trong đời sống của mình? Liệu nó có nghĩa là không nhiều lắm? Nếu như nó không có rất nhiều ý nghĩa, thì điều đó rất đáng buồn, vì mình đã bỏ lỡ rất nhiều.

[tạm dừng]

Đạo Phật Có Gì Đặc Biệt: Mục Tiêu Và Phương Tiện

Điểm tiếp theo mà tôi muốn đề cập là chúng ta có thể tin theo bất cứ hệ thống nào, như là người thuyết giảng sự thật. Chúng ta có thể được thúc đẩy vì bất cứ nhà lãnh đạo tinh thần nào có sức lôi cuốn, từ bất kỳ truyền thống nào. Ở đây thì điều khác biệt với đạo Phật là gì? Chúng ta phải xem xét hai điều: mục tiêu của đạo Phật và phương pháp để đạt được những mục tiêu này. Có thể có nhiều tôn giáo có khả năng giảng dạy mình mục tiêu là lên thiên đàng. Họ có thể dạy các phương pháp hữu hiệu, và điều đó sẽ đưa mình lên thiên đàng. Chúng ta có thể tin vào tôn giáo đó, và tự tin vào giáo lý của nó, và tuân theo giáo lý này, để có một con đường tâm linh rất lợi lạc. Hay mình có thể có một mục tiêu để thoát khỏi luân hồi, và tất nhiên là điều này suy đoán là có sự tái sinh. Có loại mục tiêu này, nhưng hầu hết các tôn giáo Ấn Độ đều dạy điều đó. Trong đạo Phật thì có giác ngộ, nghĩa là mình sẽ tu tập để thành tựu giác ngộ. để có thể giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu giải thoát này. Tôi không nghĩ ra hệ thống nào khác của Ấn Độ mà giảng dạy điều này.

Nhưng đối với những điều mà những hệ thống Ấn Độ khác xem là giải thoát, phương pháp để đạt được nó, nguyên nhân không đạt được giải thoát, nguyên nhân của việc tái sinh bất tự chủ - mà thậm chí họ còn sử dụng chữ “samsara” (“luân hồi”) - theo quan điểm của đạo Phật thì chúng chỉ là một phần thôi. Sự hiểu biết mà họ giảng dạy không hoàn toàn đúng. Để thật sự có tâm quy y, phương hướng an toàn này trong đời sống, thì ta phải tin chắc vào không chỉ những điều mà chúng ta đã thảo luận từ đầu cho đến nay. Đó là một phần của nó. Phần bổ sung thêm, và là phần rất quan trọng, là phải vững tin về tính hợp lệ của phương pháp mà Đức Phật đã giảng dạy, để đạt được mục tiêu. Phương pháp của đạo Phật liên quan đến sự hiểu biết về cái mà mình gọi là “Không tướng” hay “tánh Không”, và những cách để phát tâm bi. Phải hiểu một cách đúng đắn chúng là gì, và vững tin là chúng hữu hiệu.

Do đó, để thật sự quy y trong đời sống, ở mức độ hàng ngày thì cũng cần có một sự hiểu biết về phương pháp liên quan đến việc cải thiện bản thân, và phải tin rằng nó sẽ hữu hiệu. Thêm vào đó, nên có một ý niệm rõ ràng về mục tiêu mà mình đang nhắm đến, để thành tựu nó, và như chúng ta đã thảo luận, thì việc đạt được mục tiêu này bằng phương pháp mà Đức Phật đã dạy là điều thực tế.

Nhu Cầu Để Có Tâm Xả Ly Và Hiểu Biết Đúng Đắn Về Tánh Không

Bây giờ thì phải đem ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ vào đây, như ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã bàn luận. Trước tiên là quyết tâm để được tự do, hay còn gọi là “tâm xả ly”. Để noi theo phương hướng an toàn của quy y thì mình phải xác định tình trạng đau khổ và nhân tạo khổ, và thấy kinh sợ là nếu như không làm gì cả, thì chúng sẽ tiếp diễn mãi mãi, nên phải thật sự từ bỏ chúng. Phải hiểu rằng đây là những điều mà mình muốn thoát khỏi, và quyết tâm thoát khỏi chúng. Nếu như không có tâm xả ly, thì quy y sẽ không có ý nghĩa gì, đúng không? Việc đưa phương hướng này vào trong đời sống sẽ không có ý nghĩa gì. Mình sẽ làm như vậy để làm gì?

Điểm tinh yếu thứ hai là sự hiểu biết đúng đắn về tánh Không. Nói một cách đơn giản thì tánh Không giải quyết vấn đề là mình tưởng tượng ra tất cả những điều bất khả dĩ về cách vạn pháp tồn tại, nhưng những điều mà mình tưởng tượng và tin tưởng đều là rác rến. Nó không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Tánh Không có nghĩa là sự vắng bóng, hoàn toàn vắng bóng của một đối tượng ám chỉ những điều được thêu dệt trong trí tưởng tượng của mình.

Ví dụ như khi người nào đối xử với mình rất tệ hại và rất xấu xa, v.v..., thì mình sẽ thấy dường như đây là cách duy nhất mà người này tồn tại. Họ là một người xấu xa. Đó là điều duy nhất xuất hiện, vì phần cứng (hardware) hạn hẹp của mình. Phán quyết của mình chỉ dựa trên những điều đang xảy ra hiện nay, ngay trước mắt. Họ là người xấu. Dường như việc là người xấu là bản sắc chân thật của họ, độc lập với hàng triệu yếu tố ảnh hưởng đến cách mà người này đã lớn lên - gia đình của họ, kinh nghiệm sống của họ, tình hình kinh tế trên thế giới, kiếp trước của họ, v.v... Và có vẻ như họ đã, và sẽ luôn luôn là một người khó chịu. Chúng ta tưởng tượng và tin rằng sự xuất hiện của người nào hiện hữu như một người xấu xa “cố hữu”, chỉ bằng mãnh lực của cách họ đang hành xử ngay bây giờ, là bản sắc chân thật và vững chắc của họ. Họ thật sự được thành lập như một người xấu.

Một người như vậy, hay chính xác hơn là sự xuất hiện của một người như vậy thì không tương ứng với điều gì chân thật. Không có ai tồn tại như vậy. Đó là sự thêu dệt trong trí tưởng tượng của mình. Sự thêu dệt này là con người thật sự tồn tại theo cách đó, cách họ xuất hiện. Nhưng họ xuất hiện như vậy đối với mình, đơn giản là vì phần cứng hạn hẹp và tâm mê lầm của mình. Vì tâm mê lầm và không biết điều gì khá hơn, nên mình mới tin vào ảo tưởng của mình, rằng họ thật sự là một người xấu xa, nên mình tức giận với họ, la mắng họ, v.v... Chúng ta không khoan dung với họ, và không thấu hiểu vấn đề.

Hiểu Biết Về Tánh Không Sẽ Giúp Mình Tránh Các Cực Đoan Trong Việc Quy Y

Điều này áp dụng vào đề tài quy y như thế nào? Sự hiểu biết về tánh Không sẽ giúp mình thoát khỏi nguy cơ trở thành người cầu toàn trong khi tu tập, để khắc phục những thiếu sót và chứng ngộ tiềm năng của mình. Nó xuất hiện theo một cách sai lầm rằng mình có mặt ở đây như một “cái tôi” tồn tại một cách vững chắc, trong tình trạng khá tệ hại. Ta sẽ tưởng tượng đó là bản sắc chân thật của mình, và để vượt qua điều này thì mình phải là người hoàn hảo. “Cái tôi” vững chắc này phải hoàn hảo. Tất cả những sự khiếm khuyết và vân vân thì rất là kinh khủng. Nếu như theo thuật ngữ Cơ Đốc giáo thì đó là việc làm của Quỷ. Phải đoạn diệt điều đó. Ta làm cho những khiếm khuyết của mình trở thành điều gì vững chắc mà “cái tôi” phải hoàn hảo, sẽ phải khắc phục chúng.

Tập khí vô minh của mình làm cho mục tiêu mà mình đang cố gắng đạt được, mục tiêu để thành tựu Tam Bảo, có vẻ là một điều tuyệt vời, tồn tại một cách vững chắc ở ngoài kia. Một là tôi thật sự muốn đạt được mục tiêu đó, vì nó rất tuyệt vời, hai là nó quá cao xa đối với mình, nên không thể nào đạt được nó.

Đây là một hiểm họa thường xảy ra trong một số hành giả nhà Phật. Họ tiếp cận Phật pháp như một người cầu toàn, và trở nên rất cứng nhắc, không linh hoạt, và rất không vui. Họ xem mọi việc hoàn toàn theo nghĩa đen. Họ chỉ nghiêm khắc với bản thân một cách không tưởng tượng nổi. Thường thì nó đi cùng với lòng tự ti, “Tôi không phải là người tốt đủ”, và họ hành hạ bản thân về mặt tâm lý. Đó là một cách tu tập rất loạn thần, chỉ tạo ra rất nhiều nỗi khổ trên đường tu. Theo cách tiếp cận sai lầm này thì mình còn tạo ra một điều vững chắc, lớn lao từ động lực của mình. “Ồ, tôi thương mến tất cả mọi người!”, và tất cả những điều như vậy. “Tôi phải thật là đáng yêu và tuyệt vời.”.  Một lần nữa thì mình không thể sống theo đúng tiêu chuẩn này, rồi lại tự làm khổ mình, vì không phải là người hoàn hảo.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể bàn luận tất cả những điều này về mặt thiền quán về tánh Không, nhưng điều đó thật sự có ý nghĩa gì ở mức độ thực tế? Điều gì sẽ xảy ra, nếu như mình không có sự hiểu biết sâu sắc như vậy về tánh Không? Ở một mức độ rất thực tế thì tôi nghĩ nó chỉ có nghĩa là mình sẽ không làm chuyện lớn về việc tu tập giáo pháp, mà chỉ tu tập thôi. Ta sẽ cải thiện bản thân. Cố gắng kiên nhẫn hơn. Chỉ tu tập mà không tạo tác ra một “cái tôi” phải hoàn hảo, và không có ý tưởng nào về việc phải là như vậy, hay phải làm điều đó một cách hoàn hảo. Khi những ý nghĩ này xuất hiện thì chỉ cần cố gắng hiểu chúng là rác rến. Chúng chỉ tạo ra chuyện lớn rất loạn thần và không vui về giáo pháp, và mình không muốn biến Pháp thành vấn đề của bản ngã to lớn. Nó thường là vấn đề mà chủ nghĩa hoàn hảo sẽ trở thành như vậy.

Khi mình nói, “Cứ làm đi”, thì không có nghĩa là chỉ làm điều đó một cách máy móc và không có cảm giác, bởi vì đó cũng là một cực đoan khác mà mình có thể đi đến. Ví dụ, về mặt cơ học thì chúng ta có thể có thói quen lạy ba lạy và cúng dường nước, khi thức dậy vào buổi sáng. Nó có thể hoàn toàn máy móc, và mình cứ làm điều đó. Chúng ta không nghĩ về một “cái tôi” vững chắc, và “tôi là một hành giả thánh thiện như vậy đó. Tôi có những chén nước này và một cây nhang.”. Chúng ta chỉ làm một cách máy móc với việc tu hành. Cần phải có một động lực, mà không làm ra chuyện lớn từ động lực ấy. Đây là lý do tại sao mình có toàn bộ danh sách những việc phải làm, để có thể tu tập theo chiều hướng tích cực, phương hướng an toàn này trong đời sống.

[Xem: Tu Tập Sau Khi Quy Y]

Tuy nhiên, nếu chỉ giới thiệu chút ít thôi thì một trong những điều này là có một đạo sư tâm linh. Với yếu tố này thì mình sẽ có được nguồn cảm hứng nào đó, và có một tấm gương để noi theo. Ngoài ra, ta sẽ nhắc nhở bản thân về phương hướng mà mình đang noi theo mỗi ngày, và lợi ích của việc có được phương hướng này trong đời sống, để có được động lực nào đó. Theo cách này thì ta sẽ cố gắng tránh những cực đoan mà mình có thể rơi vào, ngăn cản việc quy y trong đời sống. Ta sẽ làm điều này một cách thực tiễn, thiết thực, có ích lợi, không phải theo cách loạn thần hay tầm thường. Cũng không làm điều này theo cách bộ phái. Chủ nghĩa bộ phái cũng dựa trên việc tưởng tượng và tin tưởng vào một “cái tôi” vững chắc và “truyền thống vững chắc của tôi là một chuyện lớn như vậy. Tôi đang đi theo con đường đúng đắn; còn bạn thì không.”.

Có một số học sinh đã thảo luận với tôi về vấn đề kiêu căng và tự hào, đối với việc trở thành Phật tử: “Tôi đã tìm thấy ánh sáng! Tôi đã tìm thấy phương cách chân thật! Tôi tốt đẹp hơn nhiều, so với những người bạn học chung trường ngày xưa, những người đang lạc lõng trong việc theo đuổi các pháp thế gian.”. Chúng ta có thể cảm thấy khá hơn người khác, thậm chí phát tâm bi với họ, nhưng có vẻ thương hại và xem thường họ. Một lần nữa, vấn đề ở đây là không có sự hiểu biết về tánh Không. Mình có thể xem “tôi” là chuyện lớn, những gì tôi đã làm, đã quy y trong đời sống, rồi cảm thấy tự hào và kiêu căng về điều đó. Người khác không có được điều đó, nên họ thấp kém hơn mình. Nếu như không cẩn thận, thì nó có thể đi theo chiều hướng rất nặng nề: “Tôi đã thấy ánh sáng. Tôi sẽ được cứu rỗi, và bạn sẽ xuống địa ngục.”. Có rất nhiều vấn đề mà mình có thể phát triển, vì thái độ kiêu căng như vậy.

Tầm Quan Trọng Của Tâm Xả Ly Trong Pháp Quy Y

Để ôn lại thì mình cần có tâm xả ly và sự hiểu biết về tánh Không, để có thể quy y một cách vững chãi, và không loạn thần trong đời sống. Tâm xả ly không chỉ đơn thuần từ bỏ và cố gắng thoát khỏi một số vấn đề, và nhân tạo ra chúng, nhưng lại muốn giữ những điều khác, như tính cách tranh cãi, hung hăng của mình, vì chúng làm cho cuộc sống thú vị hơn. Nó có thể là một cách tiếp cận ngây thơ. Một điều khác có thể là không từ bỏ những sự chấp thủ nào đó, bởi vì mình ưa thích tình dục, phương tiện truyền thông xã hội, truyền hình, hay bất cứ điều gì.

Đương nhiên là một lần nữa, ta sẽ không muốn làm người cuồng tín, và hoàn toàn từ bỏ tất cả mọi thứ đã tạo ra cho mình những khó khăn trong cuộc sống, khi mình chưa sẵn sàng để làm điều đó. Hãy nhớ rằng tâm xả ly không có nghĩa là không bao giờ có được điều gì mà mình ưa thích, mà mình đang nói về việc từ bỏ tâm chấp thủ vào chúng, và sự nghiện ngập, nghĩ rằng chúng là nguồn hạnh phúc tối thượng. Chúng ta muốn thoát khỏi lối suy nghĩ sai lầm đó, và quyết tâm cải thiện điều đó một cách chậm rãi, từ từ, nhưng đều đặn.

Có thể mình chưa có khả năng xả ly hoàn toàn, nhưng muốn có điều này như mục tiêu của mình. Đó là lý do tại sao tôi sử dụng chữ “phương hướng”. Đó là phương hướng mà mình đang nhắm đến, ngay cả khi không trọn vẹn trong kiếp này, mà là trong những kiếp sau. Chúng ta đang tu tập về điều này.

Nhu Cầu Để Có Bồ Đề Tâm

Đối với yếu tố thứ ba của ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ, tức là bồ đề tâm, thì điều này có liên quan đến việc quy y, khi mình đưa phương hướng này vào trong đời sống, với tư cách là một hành giả Đại thừa. Tuy nhiên, nói chung thì quy y được thảo luận theo truyền thống, trong bối cảnh nhắm vào giải thoát. Nó được hành trì như pháp tu chung, dù mình đang noi theo đường tu gọi là Tiểu thừa hay Đại thừa. Chân diệt và chân đạo được nhắm vào trong bối cảnh quy y thì đề cập đến những người liên quan đến việc giải thoát khỏi luân hồi. Một vị A la hán là người đã giải thoát, và trở thành A la hán, là mục tiêu trong Tiểu thừa. Nhưng ta cũng có thể quy y, khi hướng về bồ đề tâm, để giác ngộ viên mãn.

Bồ đề tâm là tâm thái chú trọng vào giác ngộ cá nhân mà mình chưa đạt được, mà ta có khả năng đạt được, vì tánh thanh tịnh bản nhiên của tâm hành. Nó nhắm vào việc thành tựu chân diệt và chân đạo của trạng thái giác ngộ ấy, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Theo pháp ẩn dụ thì ta có thể tập trung vào sự giải thoát mà mình chưa thành tựu, chưa xảy ra, mà mình cũng có khả năng đạt được, và có thể nhắm đến việc đạt được nó, để chấm dứt mọi nỗi khổ vì tái sinh trong luân hồi. Cách để đạt được điều này thì không chỉ bằng việc thấu hiểu sự mô tả về tánh Không trong Tiểu thừa, mà còn bằng lòng từ bi. Trên đường tu Tiểu thừa thì ta sẽ giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt, bởi vì cũng trên đường tu này thì mình phải tích tập công đức. Điều đó được hoàn thành bằng pháp tu về lòng từ bi. Do đó, không nên nghĩ rằng những hành trì như vậy không có mặt trên đường tu Tiểu thừa, vì chúng không hề vắng mặt.

Tuy nhiên, cũng có thể quy y theo nghĩa Đại thừa. Ta không chỉ nhắm đến giải thoát, mà còn hướng về giác ngộ. Mình không chỉ tu tập lòng từ bi càng nhiều càng tốt trên đường tu, mà khi đạt được giác ngộ thì mình sẽ thật sự giúp đỡ tha nhân một cách trọn vẹn nhất.

Để ôn lại thì tâm xả ly bổ sung thêm một chiều của những điều mà mình muốn đoạn diệt, những gì mình muốn khắc phục, khi noi theo phương hướng này. Một là hướng về giải thoát, hai là với bồ đề tâm, nhắm đến giác ngộ, để tạo cho mình mục tiêu. Chúng ta sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này? Một khía cạnh của những điều sẽ giúp mình là phát triển thêm lòng từ bi, và một khía cạnh khác là có sự hiểu biết chính xác về tánh Không. Những điều này trình bày cho chúng ta những cách mà mình có thể đạt được những mục tiêu này một cách thực tế, và những điều thật sự là những khía cạnh chính, khắc phục những thiếu sót của mình. Làm thế nào để tu tập những phương pháp này một cách không loạn thần? Chúng ta sẽ làm điều đó, nhờ vào sự hướng dẫn và tấm gương đầy cảm hứng của các đạo sư – hãy nhớ rằng đây là những đạo sự hội đủ trình độ một cách đúng đắn. 

Việc Sợ Hãi Về Nỗi Khổ Tệ Hại Hơn, Như Động Lực Để Quy Y

Một điểm nữa xuất hiện trong đầu, mà tôi muốn chia sẻ với các bạn. Khi nhìn vào cách trình bày truyền thống về các nguyên nhân để quy y, hay đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống, là sợ hãi về nhiều nỗi khổ hơn nữa trong tương lai, và tự tin là có một cách để tránh làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta đã thảo luận về cách làm thế nào mà điều này có thể phát sinh, theo một cách không loạn thần. Khi làm việc này trong bối cảnh Đại thừa thì có nguyên nhân thứ ba để đi theo phương hướng này: lòng bi đối với tha nhân. Mình muốn quy y, để giúp tha nhân khắc phục nỗi khổ của họ.

Ở Berlin, nơi tôi sống thì tôi có một khóa học hàng tuần về lam-rim (đường tu tuần tự đến giác ngộ). Bạn có thể lắng nghe những bài giảng này. Chúng ở trên trang mạng của tôi, và cũng có sẵn trong podcast. Khi bắt đầu về chủ đề nghiệp thì tôi đã yêu cầu mọi người tự quán sát một cách trung thực: “Tại sao bạn không lừa đảo? Tại sao bạn thành thật? Tại sao bạn trung thực? Có phải vì lý do được nêu ra trong kinh sách: bởi vì bạn sợ hậu quả tiêu cực của việc không trung thực, chẳng hạn như tái sinh tồi tệ hơn và những điều khủng khiếp như vậy? Điều gì thật sự là lý do mà bạn không gian lận?”. Tất nhiên là mình suy đoán rằng họ không lừa đảo hay trộm cắp.

Chúng ta có thể tự hỏi mình câu hỏi tương tự về lý do tại sao mình phải cải thiện bản thân. Có phải vì mình sợ những tái sinh tồi tệ hơn và những điều như vậy, nếu như không tu tập? Hãy dành một hay hai phút để khảo sát điều này một cách trung thực.

[tạm dừng]

Điều mà hầu hết mọi người đều nói, kể cả cả tôi, đó là chúng ta trung thực và không lừa gạt, vì đó là điều đúng đắn để làm. Mình chỉ cảm thấy đúng. Mình không cảm thấy đúng, khi lừa gạt hay nói dối, hay không trung thực. Nó làm cho mình cảm thấy khó chịu. Chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, khi làm người thành thật. Tại sao phải tu tập, để cố gắng cải thiện bản thân mình? Có điều gì khác để làm trong cuộc sống không? Đó là điều duy nhất thật sự có ý nghĩa. Một lần nữa, nó có vẻ như là điều đúng đắn để thực hiện. Tất cả những việc khác dường như chỉ đem lại nhiều vấn đề hơn. Tôi muốn sống cuộc đời của mình như thế nào? Có phải là để xem truyền hình nhiều hơn, hay là sao?

Điều này trở nên rất thú vị. Cuộc thảo luận về Pháp có liên quan đến chúng ta như thế nào, về việc lo sợ về hậu quả trong tương lai, nếu như mình không tu tập, và không tự tin rằng có một lối thoát? Phải nói rằng đó không phải là một vấn đề dễ trả lời. Có lẽ việc đi theo chiều hướng này dường như là điều đúng đắn, ngay cả khi mình chưa nghĩ về những điều này. Nhưng để cho việc noi theo phương hướng này được ổn định, thì tôi nghĩ mình cũng phải khảo sát sự liên quan và thực tiễn của động lực cổ điển đã được giải thích. Có phải chúng là những điều mà mình thật sự cảm nhận? Nó hoạt động như thế nào?

Việc noi theo phương hướng của Phật, Pháp, Tăng vì điều này có vẻ đúng, cũng có thể hữu hiệu. Nhưng đàng sau đó thì tôi nghĩ phải có ít nhất một chút tự tin về tất cả những điều mà mình đã thảo luận: có một mục tiêu - giải thoát và giác ngộ - và có thể đạt được nó, và đáng để nhắm vào điều đó. Để làm như vậy thì phải đoạn trừ tất cả phiền não ngăn chận những thành tựu này. Nếu như mình tự tin vào tất cả những điều này, rồi dựa trên điều đó thì việc noi theo phương hướng này có vẻ đúng đắn, và tôi nghĩ nó có thể hữu hiệu. Mặt khác, tôi không biết là việc chỉ noi theo phương hướng này, bởi vì nó có vẻ là điều đúng đắn để thực hiện thì có nhiều chiều sâu hay không.

Để làm sáng tỏ thì điều tôi đang nói là nếu không có sự hiểu biết cơ bản, không có động lực cảm xúc tiềm ẩn nào, nếu như để qua một bên toàn bộ vấn đề sùng mộ của việc có được nguồn cảm hứng này, và chỉ đi theo phương hướng đơn giản này, bởi vì “nó có vẻ đúng” là không có chiều sâu và mãnh lực mà nó có thể có được, với những yếu tố khác củng cố cho nó. Nếu như mình chỉ làm điều gì, bởi vì nó có vẻ đúng, có thể đi theo chiều hướng muốn làm những điều tốt và trở thành một người tốt. Nhưng cũng có nguy cơ trở thành một người cuồng tín cầu toàn với điều đó, như chúng ta đã nêu ra.

Nếu như phân tích sâu hơn một chút thì điều đó có nghĩa là gì, khi mình cảm thấy nó đúng, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ phải nói rằng mình cảm thấy hạnh phúc hơn, khi hành động theo cách này. Nếu như mình gian lận và không trung thực, hay cảm thấy mình chỉ lãng phí cuộc đời, và nó không đi đến đâu cả, thì ta sẽ thấy không thoải mái và bất hạnh hơn. Điều đó khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong đạo Phật: mọi người đều muốn được hạnh phúc, và không ai muốn bất hạnh. Việc quy y trong đời sống sẽ mang lại cho mình nhiều hạnh phúc hơn; trong khi nếu như không quy y, hay không có phương hướng nào cả, thì mình sẽ gặp nhiều bất hạnh hơn. Việc quy đòi hỏi mình phải noi theo giáo pháp và trung thực.

Hiện nay thì tất nhiên chúng ta có thể phản đối, và nói rằng có một số tội phạm lừa đảo và làm đủ mọi chuyện bất hợp pháp, và họ cảm thấy rất vui về chiều hướng này trong đời sống của họ. Họ đã không bị trừng phạt vì những tội ác đó, nhưng rồi thì mình phải phân tích sâu hơn là cảm giác thỏa mãn của họ sẽ kéo dài được bao lâu, và chúng có dựa trên sự hiểu biết hợp lệ về nghiệp hay không? 

“Cái Tôi” Quy Ước Thọ Pháp Quy Y

Câu hỏi cuối cùng mà mình phải nêu ra là ai là “cái tôi” mà muốn được hạnh phúc và không bất hạnh, nên mới đưa phương hướng an toàn của quy y vào trong đời sống của anh ấy, hay cô ấy? Đó là “cái tôi” quy ước, “cái tôi” duy danh. Chúng ta có một dòng tương tục của tâm hành. Tôi không nên nói rằng chúng ta có một điều như vậy, như thể có một “cái tôi” riêng biệt sở hữu nó, theo cách “tôi có một con bò”, hay “tôi có một cánh tay” - một là sở hữu điều gì là một phần của tôi, hai là không phải là một thành phần của tôi. Nhưng đúng hơn, chính xác hơn thì mình nên nói rằng có một dòng tâm thức riêng lẻ của tâm hành, tạo ra những khoảnh khắc kinh nghiệm liên tục, dựa vào hành vi nhân quả, nghiệp. Vì vậy mà có một chuỗi sự kiện hợp lý về những gì được trải nghiệm bằng tâm hành này. Là một cá nhân và chủ quan, nên mỗi một dòng tâm thức đóng vai trò như nền tảng cho sự định danh của một chúng sinh, một bản ngã.

Vậy thì một người, một “cái tôi” quy ước, là một sự quy gán trên một dòng tâm thức của tâm hành, giống như một bộ phim là một sự quy gán về những hoạt cảnh riêng rẽ, được trình chiếu liên tục. Nó tồn tại một cách quy ước, như trong “Tôi đang trải qua những điều đang xảy ra từ sát na này đến sát na kia, và tôi đang quy y trong đời sống.”. Nhưng làm sao để thiết lập là “cái tôi” quy ước này hiện hữu? Nó không thể được tìm thấy trong bất cứ thành phần nào trong nền tảng định danh của nó. Nhưng nó có thể được dán nhãn về mặt tinh thần, với khái niệm hay phạm trù “tôi”, và được chỉ định bằng chữ "tôi". Khái niệm và từ ngữ này dùng để nói về “cái tôi” quy ước. Vậy thì mặc dù “cái tôi” không thể được tìm thấy một cách vững chắc ở bất cứ nơi nào, nhưng mình có thể thiết lập sự tồn tại của nó như chỉ đơn thuần là điều mà khái niệm và chữ “tôi” đề cập đến.

Vấn đề là các khái niệm và từ ngữ ngụ ý những thứ này thật sự tồn tại, và phù hợp với phạm trù của chúng. Nhưng không có gì thật sự tồn tại theo cách đó. Không có cái gọi là một cái “tôi” thật sự tồn tại, tự lập, tương ứng với khái niệm và từ ngữ “tôi”. Vậy thì điều chủ yếu là mình phải phân biệt một nhãn hiệu tinh thần, một khái niệm, đề cập đến cái gì, và điều gì tương ứng với một nhãn hiệu tinh thần, hay khái niệm.

Hãy để tôi giải thích sự khác biệt bằng một ví dụ. Chúng ta sẽ nhận thức một mức độ cảm giác nào đó trong mỗi một sát na. Ta có thể định danh cho chúng bằng một khái niệm như phạm trù “hạnh phúc”, và chỉ định tất cả những điều này bằng chữ “hạnh phúc”. Tất cả những điều này sẽ là những khoảnh khắc của cảm giác hạnh phúc, mặc dù rõ ràng là những điều mình cảm thấy sẽ thay đổi từ sát na này đến sát khác. Cường độ và chất lượng của niềm hạnh phúc mà mình cảm nhận thì hơi khác nhau trong mỗi lúc. Khi mình nói, “Tôi cảm thấy hạnh phúc”, thì nó nói về điều gì. Ta đang cảm thấy điều gì, nhưng không có “niềm hạnh phúc” nào hiện hữu một cách vững chắc, riêng biệt, tương ứng với nhãn hiệu tinh thần, khái niệm, phạm trù hay từ ngữ này, có thể được tìm thấy ở đâu đó, mà tôi có thể kết nối với nó, và bây giờ đang cảm nhận nó.

Nhãn hiệu tinh thần, tương đương với các phạm trù và khái niệm, là hiện tượng tĩnh tại. Giống như những chiếc hộp tinh thần, chúng không bị bất cứ điều gì ảnh hưởng; chúng là những khái niệm cố định. Mặc dù chúng có thể được thay thế bằng những khái niệm mới hơn, nhưng không phát triển một cách hữu cơ. Khi nói về những thứ tương ứng với nhãn hiệu tinh thần - tương ứng với những khái niệm cố định và phạm trù tĩnh tại – thì chúng là những thứ thật sự tồn tại, vừa vặn trong những chiếc hộp tinh thần cố định này. Có vẻ như chúng ở trong những chiếc hộp này, có thể được tìm thấy ở đó, nhưng điều đó không tương ứng với điều gì có thật. Không có điều gì tồn tại như thế. Tương tự như vậy, không có điều gì tồn tại như một danh mục trong tự điển, mà những từ ngữ quy ước dành cho những thứ này ngụ ý.

Khi nói về tánh Không thì mình đang nói về sự vắng mặt của điều gì tương ứng với cái mà những nhãn hiệu và từ ngữ này ám chỉ - điều gì được thiết lập như một sự tồn tại thật sự trong một cái hộp cố định. Tuy nhiên, thông thường thì mình có thể nói rằng, “Tôi cảm thấy hạnh phúc”, và niềm hạnh phúc mà mình đang cảm nhận đề cập đến một cái gì đó. Không phải là nó hoàn toàn không có gì. Nói một cách thông thường thì mình đang cảm thấy một điều gì đó, thông thường thì mình gọi nó là “hạnh phúc”, và hầu hết mọi người sẽ đồng ý, và cũng gọi đó là “hạnh phúc”. Tuy là vậy, nhưng dĩ nhiên là nó chủ quan và cá nhân: Làm sao họ biết tôi cảm thấy như thế nào?

Nó giống như “tôi”, hay bản ngã, con người, cá nhân - bạn muốn gọi nó là gì cũng được. Nó là một sự định danh về một cá nhân, dòng tâm thức chủ quan của tâm hành. Ta có thể dán nhãn cho “cái tôi” tồn tại theo quy ước này với khái niệm mà mình có về tự thân như là “tôi”, và chỉ định nó bằng chữ "tôi". Cả hai đều đề cập đến một điều gì đó, về “cái tôi” hiện hữu trên quy ước này, nhưng không có điều gì tương ứng với cái mà những khái niệm, phạm trù và từ ngữ mà “tôi” ngụ ý. Không có “tôi” tồn tại một cách vững chắc như một thực thể cố định, có thể được tìm thấy vừa vặn trong chiếc hộp tinh thần của khái niệm cố định mà mình có về tự thân. Nó có vẻ như một “cái tôi” như vậy đang sống trong thân hay tâm của mình, như thể ở trong một ngôi nhà, và đang quan sát hay kiểm soát những gì mình làm, nói và nghĩ, nhưng đó là một sự bịa đặt hoàn toàn về mặt tinh thần. Cái “tôi” quy ước không tồn tại theo cách bất khả ấy.

Vậy thì cái gì hiện hữu một cách quy ước? Có những dòng tâm hành cá nhân với tiềm năng, năng lượng giao tiếp với người khác, một thân thể làm cơ sở vật chất của nó, v.v... Một cá nhân, “tôi”, là một sự định danh trên một dòng tâm thức như vậy, là cơ sở của nó. Giống như cơ sở của nó, nó sẽ tiếp tục từ sát na này đến sát na khác, nhưng không có bất cứ điều gì vững chắc hay tĩnh tại từ sát na này đến sát na khác, như thể nó ở trên một băng tải di động.

Nếu như nối kết điều này với việc thảo luận về quy y, thì ta sẽ thấy rằng nó là “cái tôi” mà có thể quy y, đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống của nó, đạt được giải thoát và giác ngộ. “Cái tôi” quy ước đó là một sự định danh về một dòng tâm thức cá nhân vô thỉ và vô chung, thậm chí vượt qua thành tựu giác ngộ của nó. Nó có thể được dán nhãn về mặt tinh thần, bằng khái niệm về một “cái tôi” và chữ “tôi”, và họ sẽ nói về nó một cách hợp lệ. Nhưng cái “tôi” quy ước không tồn tại như một thực thể riêng biệt, vững chắc đã quy y, và không bao giờ tốt đủ, và bây giờ thì phải hoàn hảo.

Khi tôi nói rằng, sau khi đã quy y thì chúng ta chỉ cần làm điều đó, chỉ cải thiện tự thân, thì ý của tôi là làm điều này mà không cảm thấy rằng mình là một “cái tôi” riêng biệt, và bây giờ, theo một cách nhị nguyên thì tôi phải bắt mình - như thể có hai “cái tôi” ở đây – tự cải thiện bản thân. Hay là có ba “cái tôi”? “Tôi phải bắt mình cải thiện bản thân". Điều này là một cách rất rắc rối để nhìn vào tự thân, như thể có một “cái tôi” là người giữ kỷ luật, và phải bắt “cái tôi” lười biếng tu tập, để cải thiện “cái tôi” không tốt đủ. Điều này thật là loạn thần.

“Hãy làm điều đó” có nghĩa là đưa quy y vào trong đời sống với sự quyết đoán, ý chí, lưu tâm, kiên trì và vân vân. Tất cả những điều này là những tâm sở phải đi kèm với tâm hành, mà không có một “cái tôi” riêng biệt nào đó nhấn nút ở tổng đài: “Bây giờ thì hãy làm việc chăm chỉ hơn. Bây giờ thì tôi sẽ lấy món này trong cái hộp gọi là 'ý chí và tự chủ', và kết nối nó với “cái tôi” lười biếng ở đàng kia.”. Đó không phải là cách nó sẽ vận hành. Khi mình chỉ làm điều đó, thì việc mình quy y sẽ xảy ra mà không có một “cái tôi” riêng biệt nào đang làm điều đó. Dĩ nhiên là về mặt quy ước thì tôi đang làm điều đó; không có ai khác thực hiện nó.

Vậy thì cuối cùng, vấn đề là “Hãy thực hiện nó! Hãy quy y Phật, Pháp, Tăng trong đời sống!”. Nếu như làm như vậy, thì pháp quy y của mình sẽ trở nên vững chãi.

Top