Kiếp Người Quý Báu, Cái Chết Và Quy Y

Kiếp Người Quý Báu

Điều rất quan trọng là xem trọng sự kiện mình có một thân người quý giá làm nền tảng tu tập, và thân này cũng có đầy đủ tự do, thoát khỏi mọi tình huống khó khăn mà trong đó, người ta sẽ không có cơ hội để tu tập, và cũng có những thuận lợi về cơ hội để cải thiện bản thân. Trên cơ sở đó mà chúng ta có thể rèn luyện đạo đức, và luôn hành xử một cách thiện hảo, bởi vì nếu như mình tái sinh thành một con thú, thì không có cách nào để noi theo bất cứ loại hành vi đạo đức nào. Thân người mà chúng ta có được không phải là điều gì mà quý vị có thể đi ra cửa hàng để mua. Nó không phải là thứ mà mình có thể có được, bằng cách đi làm mỗi ngày, dành dụm tiền lương, rồi mua nó ở đâu đó. Đó là điều gì cực kỳ khó khăn để có được.

Nếu muốn tái sinh thành người, để có một thân người quý báu, thì phải tạo ra nguyên nhân, và nguyên nhân cho việc này là trì giới. Việc có được thân người trong hiện tại là dấu hiệu cho thấy trong quá khứ, chúng ta đã hành xử một cách rất đạo đức. Do đó, giờ đây, một khi đã gặp gỡ giáo pháp trong kiếp này, thì điều cực kỳ quan trọng là duy trì hành vi đạo đức rất thanh tịnh. Thêm vào đó, thì phải tiếp tục hành trì các hạnh như bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn đối với những điều thiện hảo, thiền định và trí tuệ. Những điều này cũng cần thiết.

Nếu như nhìn vào bản thân mình, thì chúng ta thấy rằng thay vì có lòng hào phóng và bố thí quảng đại, thì ngược lại, chúng ta lại rất keo kiệt; thay vì rất kiên nhẫn và khoan dung, thì chúng ta lại dễ tức giận và có sức chịu đựng rất kém. Nếu như mình hành động như vậy, thì sẽ rất khó mà tiếp tục có được tái sinh quý giá làm người trong tương lai.

Ngoài những yếu tố này ra, chúng ta còn phải có lời cầu nguyện thanh tịnh, để có được tái sinh quý báu làm người, như một nhân khác nữa. Nhưng nếu như nhìn vào bản thân, thì chúng ta rất hiếm khi cầu nguyện điều gì. Ngay cả khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cầu nguyện cho những việc trong kiếp này, để có sức khỏe tốt, không bị bệnh, sống lâu, vân vân. Một lần nữa, điều này cho thấy việc có được một tái sinh làm người trong tương lai là điều khó khăn như thế nào.

Việc tìm ra một người thật sự có chí hướng tâm linh, theo ý nghĩa trọn vẹn về việc tu tập Pháp sẽ đòi hỏi những gì: đó là người quan tâm đến việc tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai. Nếu quý vị nhìn quanh quẩn ở đây, thì thậm chí có bao nhiêu người quan tâm đến vấn đề này? Nếu như quý vị đếm, thì chỉ có 14 hay 15 người đã đến tham dự buổi thuyết Pháp này, trong số những người đang sống ở vùng này.

Do đó, khi nhìn vào những gì chúng ta đã đạt được, và nhận thức rằng hiện nay, mình đang có kiếp người quý giá. Đây là kết quả của rất nhiều công phu tu tập và nỗ lực mà chúng ta đã thực hiện trong những kiếp trước. Trừ khi mình sẽ làm điều gì đó, nếu không thì sẽ rất khó mà có được kiếp người một lần nữa trong những kiếp tương lai. Nếu tu tập rất chăm chỉ, thì chúng ta sẽ chuẩn bị tất cả các nguyên nhân để tiếp tục có được tái sinh làm người quý báu như vậy, một thân thể quý giá với tất cả cơ hội. Nếu như không làm gì cả, thì sẽ vô cùng khó khăn để có được tái sinh với cơ hội tốt đẹp như vậy một lần nữa trong tương lai.

Hơn nữa, với thân người quý giá mà mình có được, chúng ta có thể hoàn thành nhiều việc hơn nữa, bởi vì trên thực tế, chúng ta có thể trở nên toàn tri, giác ngộ viên mãn, và thành tựu tiềm năng tối đa của mình, bằng cách trở thành một vị Phật giác ngộ. Nếu chúng ta thắc mắc rằng “Ai đã thật sự làm được điều này?”, thì có tấm gương của Milarepa vĩ đại, người đã thành tựu giác ngộ trong kiếp đó.

Còn về nền tảng của thân người mà Milarepa và chúng ta có được, thì không có gì khác biệt. Chúng giống y như nhau, vì cả hai đều là thân người. Nhưng Milarepa là người chủ yếu đặt trọng tâm vào những kiếp tương lai, thay vì vào những pháp trong kiếp hiện tại; và giữa việc quan tâm đến bản thân hay tha nhân, thì ngài chú trọng vào vấn đề làm việc cho tha nhân; giữa hoạt động thế tục và tâm linh, thì ngài đã chú trọng vào vấn đề tâm linh. Nhờ ưu tiên cho những điều này, mà ngài đã thành tựu giác ngộ trong kiếp đó.

Ngài đã đi gặp thầy của mình, dịch giả Marpa, và bắt đầu tu học, khi đã 40 tuổi, rồi khởi sự tu hành và tiếp tục từ đó. Nếu như nghĩ đến tấm gương của ngài, thì tất cả chúng ta đều có khả năng tu tập rất siêng năng, không thể viện cớ gì nữa. Tất cả chúng ta đều có thể đạt được những thành tựu tương tự như Milarepa, và đều có thể giác ngộ trong kiếp này. Tất cả những điều này có thể được thực hiện, dựa trên cơ sở của thân người quý giá.

Video: Mingyur Rinpoche — “Đối Phó Với Lòng Tự Ti”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Quý vị phải nghĩ về những điều mà chúng ta đã nói về việc từ bỏ, kềm chế việc tạo thập ác, và luôn cố gắng có hành vi thiện hảo, tạo thập thiện, giữ gìn đạo đức nghiêm ngặt này, và tận dụng kiếp người quý giá của mình một cách tối đa. Nhờ cách xây dựng những bước, hay giai đoạn này, mà quý vị sẽ thành tựu giác ngộ trên nền tảng này.

Chánh Niệm Về Tính Xác Quyết Của Cái Chết

Nếu như nền tảng tuyệt vời của thân người sẽ tồn tại trong một thời gian rất dài, thì chúng ta có thể thư giãn và không xem nặng nó, nhưng vì sự việc không phải như vậy, nên phải tu tập rất siêng năng, để tận dụng nó. Hơn nữa, nếu như thân này không chết đi, thì sẽ không cần phải tu tập Pháp, hoặc ngay cả khi đã thực hành Pháp, thì quý vị có thể làm điều đó bất cứ lúc nào tùy thích. Tuy nhiên, như đã bàn luận trước đó, ngay cả chính Đức Phật cũng đã chứng minh việc nhập niết bàn. Nếu quý vị nhìn vào tất cả các đạo sư vĩ đại trong quá khứ, tất cả các học giả uyên bác, các đại thành tựu giả, các bậc thầy chứng ngộ rất cao của Ấn Độ, và nhìn vào tất cả các bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng trong tất cả những truyền thống khác nhau, Kagyu, Nyingma, Gelug và Sakya, thì con số chư đạo sư nhiều như sao trên trời. Tuy nhiên, không hề nghe nói rằng có vị nào trong số các ngài đã không viên tịch, đã không qua đời. Ngay cả đối với chúng sinh phàm trần, đã có hàng ngàn nhân vật lịch sử vĩ đại, các nhà vua, v.v..., nhưng không có ai trong số này không chết. Một khi quý vị đã được sinh ra, thì không có điều gì khác, ngoài việc chết đi. Người ta chưa bao giờ nghe nói về một người sinh ra mà lại không chết.

Đây là những điều mà quý vị phải xem xét và tư duy. Khi muốn thiền về điều gì đó, thì đây là những điều quý vị nên thiền quán. Phải tạo dựng những tập khí lợi lạc cho tâm thức, bằng cách tư duy nhiều lần rằng không có cái gì là thường hằng; tất cả mọi thứ đều vô thường, đặc biệt là cuộc sống của chúng ta.

Đối với vấn đề này, đâu là mục tiêu của việc thiền quán và tạo dựng tập khí luôn chánh niệm về vô thường? Vấn đề là, nếu như nghĩ về tất cả những ác nghiệp mà quý vị đã tích tập, và áp dụng các lực đối trị, để tịnh hóa những hậu quả tai hại sẽ xảy ra từ những ác nghiệp này, thì khi cái chết đến, quý vị sẽ không sợ hãi. Khi thời gian đã hết, và đến lúc quý vị phải chết, thì không cần biết có bao nhiêu bệnh viện tốt, họ cũng sẽ không giúp ích được gì. Cho dù quý vị đang ở Ấn Độ, và muốn quay trở lại phương Tây để điều trị, hay đến bệnh viện Tây phương ở đó, hoặc đi bác sĩ Tây Tạng để chữa trị, thì cũng không có ích lợi gì, bởi vì khi thời gian của quý vị đã hết, thì nó sẽ hết, và không có bệnh viện nào sẽ giúp ích gì được. Không cần biết quý vị có bao nhiêu bạn bè hay người thân, ngay cả khi quý vị là một nhà vua có nhiều thần dân và những người dưới quyền. Là một nhà vua hay một người cai trị, quý vị có thể có cả một quân đội bao quanh mình, nhưng nó sẽ không tạo ra sự khác biệt nào. Vào phút lâm chung, thậm chí quý vị không thể mang theo một người với mình.

Vì vậy, khi nghĩ về những điều này, rồi quý vị sẽ kết luận rằng “Bây giờ, tôi phải thật sự tu tập Pháp. Ngoài điều đó ra, không có phương pháp nào khác, và không có cách nào để xử lý cái chết sắp xảy ra”, thì sẽ rất tốt, vì quý vị đã có tiến bộ. Nhưng nếu quý vị bỏ qua việc hành trì Pháp cho cái chết của mình cho đến ngày mai, tuần tới, năm sau, thì không thể bỏ qua việc này, vì không ai biết chắc lúc nào quý vị sẽ chết.

Không có gì chắc chắn về thời điểm mà cái chết sẽ đến. Quý vị có thể dễ dàng qua đời trong một tai nạn xe cộ vào lúc trẻ. Cái chết có thể đến với quý vị một cách bất ngờ, bất cứ lúc nào. Chẳng hạn như những người còn sống ngày hôm qua thì đã chết ngày hôm nay; những người còn sống vào buổi sáng đã chết vào buổi chiều. Việc này rất dễ xảy ra, và không có cách nào để nói khi nào cái chết của mình sẽ đến.

Nếu như quý vị nghĩ rằng khi mình còn trẻ, và ở tuổi thanh xuân, thì không cần phải tu tập cho tương lai, rằng quý vị có thế thực hiện điều đó sau này, thì sẽ phạm một sai lầm lớn. Quý vị không chỉ có thể chết khi còn trẻ, mà còn có thể lên cơn điên loạn, và phải vào bệnh viện tâm thần sau này, chẳng hạn vậy, hay có thể mắc một căn bệnh đáng sợ, rồi phải vào bệnh viện, và trong những tình huống như vậy, thì quý vị sẽ không thể đối phó với vấn đề. Vì vậy, khi nghĩ đến việc tu tập Pháp, thì phải thực hành ngay lập tức, bắt đầu ngay bây giờ.

Nếu như cơ thể của chúng ta mạnh như kim cương, hay cứng như đá, thì đó là việc khác. Nhưng nếu như nghĩ về nó, thì cơ thể của mình gồm có thịt, xương và máu. Nội tạng trong cơ thể giống như một chiếc đồng hồ rất dễ vỡ, chỉ cần va chạm chút ít là sẽ vỡ tan. Vì vậy, hãy nghĩ về cách mà tất cả các cơ quan nội tạng, tim, phổi, gan, tất cả các tĩnh mạch và động mạch trong cơ thể, hệ thần kinh, vân vân, giống như một chiếc đồng hồ rất, rất là tinh vi, và rất, rất là dễ vỡ.

Hơn nữa, phải thấy rằng có rất nhiều trường hợp có thể khiến cho quý vị qua đời, trong khi các điều kiện có thể giúp mình sống sót thì rất hiếm hoi và ít ỏi. Nếu quý vị bị bệnh, và vào bệnh viện, thì y học có thể giúp cho quý vị sống còn, nhưng quá trình chữa trị một số căn bệnh trầm kha sẽ rất lâu dài và khó khăn. Trong khi đó, nếu như nghĩ về những điều có thể tạo ra cái chết, thậm chí là thực phẩm, thứ mà quý vị nghĩ là điều thường nuôi sống mình - chỉ cần ăn một ít món gì không thích hợp với cơ thể, cũng có thể khiến cho mình mất mạng. Một nông dân trồng khoai tây mà tôi biết ở Ấn Độ đã cho một ít dầu vào chảo rán, và đang chiên một miếng bánh mì cho bữa ăn trưa, rồi bước ra ngoài một lát, và đã qua đời.

Khi nghĩ về sự việc như vậy, về cách mà quý vị có thể chết bất cứ lúc nào, trong khi đang làm bất cứ điều gì, thì phải xác quyết rằng ngay bây giờ, bắt đầu từ lúc này, quý vị sẽ bắt đầu thực hành Pháp, sẽ bắt đầu tu tập. Điều mà tu tập nói đến ở đây là từ nay trở đi, tôi sẽ trở thành một người rất đạo đức. Tôi sẽ chấm dứt ác hạnh. Tôi sẽ cố gắng làm người rất tích cực trong mọi việc làm, nói và nghĩ, và cố gắng có lòng tử tế và nồng hậu. Tu tập không có nghĩa là ngồi trong một tư thế long trọng, giả vờ hành thiền, mà là thay đổi con người mình, có những ý nghĩ nhân từ và tấm lòng nồng hậu.

Chẳng hạn như tất cả chúng ta đều sợ hiểm họa của một đại thế chiến sắp xảy ra, nhưng khi nghĩ về điều đó, thì không có cách nào chắc chắn là thế chiến kế tiếp sẽ xảy ra hay không. Tuy nhiên, cái chết của quý vị thì không phải như thế. Đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra, không phải là vấn đề mà mình phải thắc mắc và suy đoán xem liệu thế giới này sẽ tận thế, vì thế chiến kế tiếp sẽ xảy ra hay không. Không có cách nào để hối lộ, để qua mặt Thần Chết. Dù sao đi nữa thì quý vị sẽ chết, nên chỉ là vấn đề tu tập Pháp, để quý vị có thể chết theo đúng cách, mà không phải vô cùng kinh hãi. Do đó, hãy xác quyết rằng ngay từ bây giờ, quý vị sẽ không lãng phí khoảng thời gian nào, và sẽ bắt đầu tu tập Pháp ngay bây giờ.

Khi cái chết đến, quý vị sẽ phải để lại thân thể của mình. Quý vị sẽ phải để lại bất cứ tài sản, tiền bạc và của cải nào mình đã có được. Quý vị sẽ phải để lại tất cả bạn bè và người thân. Ngay cả khi có hàng trăm ngàn đô la, thì không có cách nào quý vị có thể nó mang theo, dù chỉ là một tờ tiền nhỏ. Điều duy nhất mà quý vị có thể mang theo bên mình là công đức mà quý vị đã tích tập từ những thiện hạnh, và những ác nghiệp đã được tạo tác từ ác hạnh. Đây là những điều duy nhất đi theo quý vị, những tiềm năng mà quý vị đã tích tập. Vì Pháp, tức là thực hiện các pháp ngăn ngừa, là phương tiện để quý vị tích tập công đức, nên phải xác quyết rằng mình sẽ dành toàn bộ thời gian và sức lực cho hành trì tâm linh, để tích lũy công đức, và không lãng phí thời gian cho việc chỉ mưu cầu vật chất cho đời sống thế tục.

Tuy có thể quyết định rằng quý vị sẽ dành cả đời cho việc mưu cầu tâm linh, nhưng có thể có một số quý vị có rất nhiều tài sản, mà quý vị đã có được, từ kết quả của việc tích tập công đức trong những kiếp trước. Nếu quý vị là người rất giàu có, thì có thể nghĩ rằng mình nên ném tất cả tiền bạc và tài sản xuống sông, để noi theo việc mưu cầu tâm linh, nhưng không cần phải làm như vậy. Điều đó không đúng đắn chút nào. Điều mà quý vị nên làm với bất cứ số tiền nào mà quý vị có được, từ kết quả của công đức đã được tích tập trong những kiếp trước, là không lãng phí nó, mà là sử dụng nó một cách đúng đắn. Hãy sử dụng nó để giúp đỡ những người nghèo khó và thiếu thốn, hay cúng dường Tam Bảo, đặc biệt là đừng keo kiệt về điều đó. Hãy tận dụng tiền bạc và của cải một cách khôn ngoan và đúng đắn, để tiếp tục theo đuổi con đường tâm linh.

Nếu như nghĩ về của cải vật chất và sự giàu sang mà mình có thể có, thì ở mức độ tối hậu, chúng không phải là những thứ có thể giúp đỡ quý vị, mà ngược lại, chúng là những thứ có thể gây ra rất nhiều rắc rối và tác hại cho mình. Chẳng hạn như một khi đã kiếm được rất nhiều tiền bạc và tài sản, thì điều mà quý vị sẽ có được là rất lo âu về chúng, và vấn đề sẽ tập trung vào sự thịnh vượng mà quý vị đã tích lũy được. Hãy xem tấm gương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài được sinh ra như một hoàng tử, nhưng đã từ bỏ cuộc sống vương giả, và cống hiến cả đời cho việc mưu cầu tâm linh.

Dù Milarepa có đủ mọi chứng ngộ cần thiết, để có thể bay trên không trung, và có đủ các thần thông, nhưng ngài đã không sử dụng điều này để kiếm tiền. Ngài đã dành toàn bộ thời gian để tu hành miên mật trong những khóa nhập thất trong hang động. Như quý vị đã thấy trong những tấm hình của ngài, thân ngài đã xanh xao vàng vọt, vì phải duy trì sự sống bằng món súp tầm ma. Ngài không có muối để ăn với súp, không có thịt hay mỡ, hay bất cứ món ngon nào khác để ăn, nhưng đã tu hành miên mật, và chỉ sống bằng súp tầm ma. Do đó, việc hành thiền và học hỏi về cái chết và lẽ vô thường là điều mà quý vị không phải học từ sách vở, không cần phải dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết về điều này từ sách vở. Thay vì vậy, chỉ cần nhìn xung quanh mình. Khi quý vị đi đây đi đó, và đi ngang qua một nghĩa trang, chẳng hạn vậy, thì hãy nghĩ rằng việc mỗi một người trong chúng ta sẽ kết thúc trong nghĩa trang chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Khi nghĩ như vậy, quý vị có thể cảm thấy khiếp sợ cái chết. Đây là điều rất tích cực, vì nó sẽ giúp cho quý vị thật sự tu tập Pháp. Nếu như nhìn vào bức tranh của Milarepa, thì ngài có một cái bát làm bằng sọ người, mà ngài cầm nó trong tay, và dùng nó để ăn uống. Lý do của điều này là để luôn luôn chánh niệm về cái chết và vô thường. Nếu quý vị luôn ghi nhớ sự thật về cái chết và vô thường, rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào, và sự kiện là quý vị có một kiếp người quý báu trong hiện tại, nhưng sẽ mất đi nó, thì đây là những nền tảng rất quan trọng, bởi vì chúng sẽ giúp cho quý vị thật sự làm điều gì đó, để tu tập Pháp.

Ai Và Điều Gì Có Thể Ban Pháp Quy Y?

Nếu chúng ta đã sống cả đời, mà chưa bao giờ tích tập ác nghiệp nào, để không có nguy cơ là một tái sinh kinh khủng nào sẽ chờ đợi mình, thì không có lý do gì để sợ chết. Nhưng nếu như trong suốt đời này, chúng ta đã tích tập hầu hết ác nghiệp, từ những hành vi phá hoại và tiêu cực, thì điều sẽ chờ đợi mình, khi chúng ta lâm chung, là tái sinh ở một trong những trạng thái tồi tệ nhất khả dĩ, đó là những cõi thấp. Trong tình huống như vậy, thì việc có được thân người quý báu một lần nữa, như chúng ta đang có hiện nay là điều cực kỳ khó khăn. Việc tái sinh trong những cõi tồi tệ nhất không phải là một điều gì rất xa vời và cách biệt, mà là điều gì có thể xảy ra khi quý vị thở ra, rồi không hít vào nữa, và vào thời điểm đó, quý vị sẽ chết, và sẽ đọa vào những cõi thấp hơn. Nó không xa xôi lắm đâu, vì quý vị đang ở bên bờ vực thẳm.

Tuy không thể nhìn thấy hay thấu hiểu những nỗi khổ và sự ghê rợn mà các chúng sinh trong địa ngục và ngạ quỷ phải chịu đựng, chúng ta có thể thấy tất cả những nỗi khổ, vấn đề và khó khăn mà loài súc sanh phải trải qua. Điều này rất đơn giản và rõ rệt đối với mình. Chúng ta sẽ nghĩ nếu như phải trải qua những vấn đề và khó khăn này, khi phải tái sinh làm súc sanh, thì sẽ khủng khiếp như thế nào, nên chúng ta sẽ trông cậy vào ai, và điều gì có thể ban pháp quy y cho mình, để không phải trải nghiệm những điều đó? Ngoài Tam Bảo, đó là Phật, Pháp và Tăng ra, không có điều gì khác có thể ban cho mình pháp quy y, để thoát khỏi những khó khăn này.

Hãy nghĩ về chư Thanh văn, những người lắng nghe giáo pháp, đã đoạn trừ phiền não của tự thân, và đã thành tựu rất nhiều thần thông, oai lực hóa thân, vân vân. Tuy các ngài có tất cả những oai lực này, nhưng cuối cùng, vẫn không thể giúp chúng ta thoát khỏi tất cả những điều cam go của mình. Mẹ của vị Thanh văn vĩ đại Mục Kiền Liên (Maudgalyayana), đã tái sinh trong một địa ngục, ở dưới một thế giới cách biệt, xa xôi. Vì vẫn là một chúng sinh với tâm thức hạn hẹp, không phải là một vị Phật giác ngộ viên mãn, nên oai lực của ngài bị hạn chế. Dù có thần thông, nhưng ông không thể nhìn thấy thế giới cực kỳ xa xôi này, nơi mà mẹ của ông đã tái sinh trong địa ngục. Tuy nhiên, với thần thông vô hạn của Đức Phật, thì Ngài có thể thấy điều đó, mà không cần phải dụng công.

Vì không thể nhìn thấy nơi mẹ mình đã tái sinh, nên Mục Kiền Liên đã hỏi Đức Phật về điều đó, và Đức Phật nói với ông rằng: “Mẹ của con đã tái sinh trong một địa ngục, ở dưới một thế giới cực kỳ xa xôi ấy.”. Trong cõi địa ngục ở dưới thế giới đó, mẹ của ông ở trong một ngôi nhà, ở bên trong một ngôi nhà khác, và ngôi nhà ấy lại ở trong một ngôi nhà khác nữa, và tất cả những ngôi nhà này đều không có cửa và cửa sổ, và được xây bằng sắt nóng đỏ rực. Mục Kiền Liên đã dùng thần thông để bay đến đó, và nhìn cảnh trí này, nhưng không có cách giúp đỡ hay giải thoát mẹ của mình. Ông đã quay trở lại và hỏi Đức Phật mình phải làm gì. Đức Phật chỉ vào tích trượng của mình và nói rằng: “Nếu con trở lại nơi đó và dùng tích trượng này dộng xuống đất ba lần, thì con sẽ có thể xử lý tình huống.”. Thế là Mục Kiền Liên quay trở lại địa ngục đó với tích trượng của Đức Phật, và dộng xuống đất ba lần, thì những ngôi nhà mà mẹ ông bị nhốt trong đó đã sụp đổ. Thế thì một vị Phật là người có khả năng tuyệt vời như vậy, để biết cách xử lý mọi tình huống, và nhìn thấy mọi việc. Do đó, chỉ có một vị Phật mới có thể ban cho chúng ta một phương hướng hoàn toàn an toàn và đúng đắn trong đời sống, chỉ có một vị Phật giác ngộ viên mãn mới có thể ban pháp quy y cho chúng ta. Tương tự như vậy, bản thân chúng ta cũng có thể giác ngộ viên mãn, và trở thành một vị Phật. Các vị Phật mà chúng ta sẽ trở thành, cũng sẽ ban pháp quy y cho mình.

Việc tư duy về cái chết và vô thường, và khả năng tái sinh trong tất cả những tình huống này, và phát tâm vô cùng sợ hãi rằng điều đó sẽ xảy ra, là điều quan trọng. Đây là một điều rất quan trọng để phát triển, bởi vì với cảm giác sợ hãi này, quý vị sẽ tìm cầu quy y, để giúp mình không phải trải qua những điều khủng khiếp này. Rồi khi quý vị nhìn xung quanh và khảo sát, thì sẽ phát hiện ra rằng chỉ có chư Phật, chỉ có giáo pháp mà các ngài đã thuyết, và Tăng đoàn, mới có khả năng và oai lực để ban pháp quy y cho quý vị. Do đó, khi nghĩ về cách mà Tam Bảo có khả năng làm như vậy, quý vị sẽ có tín tâm xác tín lớn lao về điều đó, đối với việc có thể nương tựa Tam Bảo, và Tam Bảo thật sự có thể ban pháp quy y cho mình.

Trên hết, phải nghĩ rằng quý vị không chỉ quy y cho riêng mình, mà tất cả mọi người cũng phải quy y. Với ý nghĩa như vậy, khi đã có tất cả những điều này, đó là nhân cho pháp quy y trong Đại thừa, thì quý vị đã hướng tâm mình hoàn toàn theo phương hướng mà Tam Bảo đã ban cho và nêu ra. Đây là điều được xem là quy y, hay đưa một phương hướng an toàn và đúng đắn vào trong đời sống.

Những Phẩm Chất Và Đặc Tính Của Một Vị Phật

Còn về những phẩm chất và đặc tính thiện hảo của một vị Phật, một đấng toàn tri và giác ngộ viên mãn, thì thân tướng của ngài gồm có 32 tướng tốt và 80 tướng phụ, chẳng hạn như nhục kế lớn trên đỉnh đầu. Ngài có một lọn tóc quăn mọc ra từ giữa hai lông mày, mà khi được kéo ra, thì sẽ dài vô tận. Ngài có dấu ấn Pháp luân trong lòng bàn tay và lòng bàn chân, vân vân, và có nhiều đặc điểm phi thường trong thân tướng.

Còn về những phẩm hạnh về lời nói của Phật, thì có 60 đặc điểm của lời khai ngộ. Chẳng hạn như dù đang ngồi gần hay xa một vị Phật, nhưng khi ngài nói, thì mọi người đều có thể nghe tiếng của ngài theo cùng một âm lượng, hơn nữa, mọi người đều có thể hiểu và nghe Đức Phật nói bằng ngôn ngữ của mình, vì ngài có khả năng nói mọi thứ tiếng.

Xét về tâm giác ngộ, thì một vị Phật có tâm toàn tri, có khả năng hiểu biết vạn pháp. Vì vậy, một vị Phật có thể nhìn thấy vạn pháp rõ ràng, như chúng ta có thể thấy một vật nhỏ trong lòng bàn tay của mình.

Tất cả những phẩm chất của thân, khẩu và ý giác ngộ của một vị Phật đều xuất phát từ các nguyên nhân. Chính Đức Phật, trong những câu chuyện lịch sử, đã mô tả 500 kiếp bất tịnh, với thân bất tịnh, và 500 kiếp với thân thuần tịnh, mà Ngài đã có trên đường tu, và kể về cách Ngài đã tu hành và tích tập công đức lớn lao trong những kiếp ấy. Chẳng hạn như sáng nay, chúng ta đã nói về chuyện trong một tiền kiếp, Đức Phật đã từng là một con vượn lớn, đã dùng thân mình để làm chiếc cầu cho tất cả các loài thú băng qua một dòng suối. Tương tự như vậy, có nhiều câu chuyện về việc một vị Phật đã bố thí những bộ phận trong thân thể của mình, để tu hạnh bố thí. Ngài đã bố thí cái đầu của mình, đã cắt cổ họng của mình, đã bố thí đôi mắt, vân vân và tất cả những điều này đều được thực hiện, để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Kết quả của việc này là Ngài đã trở thành một đấng giác ngộ viên mãn và toàn tri.

Ngài đã tu tập như vậy, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, mà không khởi tâm thiên vị. Ngài đã không tu tập vì lòng quyến luyến bạn bè và người thân, với lòng sân hận và ghét bỏ kẻ thù, và dửng dưng với người xa lạ. Ngài đã tu tập với bố thí ba la mật, bố thí cho tất cả chúng sinh như nhau, noi theo bố thí ba la mật và trì giới ba la mật. Kết quả là Ngài đã từ bỏ hay đoạn trừ mọi khiếm khuyết, thành tựu mọi phẩm hạnh tốt đẹp, và trở thành một đấng giác ngộ viên mãn, khắc phục mọi nỗi sợ hãi của mình. Đây là người mà chúng ta nên hướng về, để ban cho mình pháp quy y an toàn và đúng đắn.

Hơn nữa, không chỉ Đức Phật đã thoát khỏi mọi sự sợ hãi, mà bất kỳ người nào chúng ta sẽ hướng về để quy y, và là người có thể ban cho mình pháp quy y ấy, còn phải sở hữu mọi phương tiện cần thiết, để giúp cho tất cả chúng sinh thoát khỏi nỗi sợ hãi của mình. Trong một kiếp trước, Đức Phật đã sinh ra trong thân tướng giống như một con sư tử, có hào quang rực rỡ phát ra từ mỗi một sợi lông trên cơ thể. Một lần nọ, con sư tử đang ở trong một khu rừng rậm, và nhìn thấy một người đã rơi xuống vách đá, đang gặp khó khăn, vì đó là một nơi cô lập trong rừng rậm, không có ai giúp đỡ, và không có cách nào để trèo lên. Con thú hoang của rừng xanh này là Đức Phật trong một tiền kiếp, đã có lòng từ, rất quan tâm đến người này, nên đã nhảy xuống để giúp anh ta, và cứu anh ra khỏi đáy vực. Nhưng lúc đầu, con sư tử này không có đủ sức để đưa người đàn ông này lên, nên đã tự rèn luyện mình, bằng cách đeo đá trên lưng. Đầu tiên, nó mang một tảng đá nhỏ, rồi mang những tảng đá lớn hơn và lớn hơn nữa, cho đến khi có được sức mạnh và khả năng cõng người đàn ông này trên lưng, nên dựa theo cách này, nó đã tự rèn luyện, và cứu anh ta. Sau khi tự rèn luyện thì cuối cùng, con sư tử đã có thể cõng người đàn ông này, và đưa anh ta lên trên cao. Thế là với lòng bi mẫn và sự quan tâm lớn đối với người này, con sư tử nhảy xuống và cõng anh ta trên lưng, để đưa anh ta lên. Sau khi giải cứu anh ta, con sư tử nói với anh rằng: “Xin đừng nói với ai về tôi, rằng tôi ở trong khu rừng này nhé.”.

Tình cờ, một vị vua ở một vương quốc gần đó đã nằm mơ thấy một con thú rừng tuyệt vời, và đã ra lệnh cho tất cả thợ săn trong vương quốc đi lùng bắt con thú này. Nhưng các thợ săn không bắt được con thú này. Sau đó, nhà vua đã đăng cáo thị ở khắp nơi, nói rằng nếu ai có thể bắt được con thú này, thì ông sẽ ban cho một phần thưởng lớn. Dĩ nhiên là người được con sư tử này cứu mạng đã nhìn thấy con vật này, và vì muốn nhận được phần thưởng, nên anh ta đã nói rằng mình đã nhìn thấy con thú ấy. Những người thợ săn đã làm theo hướng dẫn của anh, để đi tìm con thú, và đã giết nó, đem xác của nó về cho nhà vua. Đây là cách mà Đức Phật đã hành động trong nhiều kiếp, để giúp đỡ chúng sinh, ngay cả những người không bao giờ biết ơn.

Đây là những câu chuyện về Đức Phật, trước khi Ngài giác ngộ. Sau khi đã giác ngộ, Ngài còn phổ độ nhiều chúng sinh hơn nữa, bất kể họ đã đối xử với Ngài ra sao! Một thuở nọ, có một gia đình giàu có, có đứa con dị dạng và xấu xí. Khi đứa trẻ lớn hơn một chút, thì gia đình đã bỏ đứa bé này vào trong rừng. Cậu bé sống ở trong rừng, và rất đau buồn, vì gia đình không muốn nuôi cậu, và không ai thích cậu, vì cậu nhìn rất xấu xí và ghê rợn. Tuy cậu bé là con người, nhưng nếu như quý vị nhìn vào cậu ấy, thì bất cứ nơi nào trên thân thể cậu bé đều biến dạng và xấu xí. Thế là cậu bé đã sống trong rừng, và một ngày nọ, khi đang đi lang thang, thì cậu bé bắt gặp một người thậm chí còn xấu xí và dị dạng hơn mình nữa. Khi nhìn thấy một người thậm chí còn xấu hơn mình, thì cậu bé cảm thấy vui vẻ một chút, và mừng vì mình không phải là người tồi tệ nhất thế giới. Thế là cậu đã bắt người này trở thành người hầu của mình. Người xấu xí hơn này là một hóa thân của Phật, đang làm việc này để giúp đỡ cậu bé. Thời gian trôi qua, Đức Phật đã hiển lộ tự thân trong một hình tướng càng ngày càng hoàn hảo hơn, và hướng dẫn cậu bé, và cuối cùng, cậu đã có thể chuyển hóa tự thân theo cách mà cơ thể của cậu không còn nhìn xấu xí và ghê rợn nữa.

Đây là một minh họa về cách Đức Phật có phương tiện thiện xảo, để giúp người khác vượt qua mọi nỗi sợ hãi và khó khăn của họ. Có rất nhiều ví dụ và câu chuyện, để minh họa điều này. Đức Phật sẽ phổ độ cho tất cả chúng sinh, dù họ có giúp đỡ Ngài hay không, chứ không phải là Ngài chỉ giúp đỡ những người đã giúp đỡ mình, và bỏ mặc những người không giúp cho mình. Hơn nữa, Ngài không ưa chuộng ai một cách đặc biệt, và không có lòng thiên vị, không có một số người mà Ngài xem là thân thiết, như bạn bè và người thân, mà Ngài sẽ chăm sóc, và những người khác mà Ngài xem như rất xa cách, nên sẽ quên đi họ. Hoàn toàn không phải như vậy. Đức Phật không ưa chuộng ai một cách đặc biệt, mà bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Chẳng hạn như, hãy xem người anh em họ của Phật là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người đã ganh tỵ với Đức Phật, và luôn cạnh tranh với Ngài, đã toan tính trở thành đối thủ của Ngài, để thuyết Pháp và thu hút tín đồ. Ngoài ra, còn có một vị vua tên là A Xà Thế (Ajatashatru), người đã ám sát cha của mình, để chiếm lấy vương quốc. Hai người này luôn cùng nhau mưu tính, để làm những điều ác độc với Đức Phật. Chẳng hạn như họ đã dùng máy lăn đá và đủ loại thiết bị như vậy, để lăn những tảng đá lên người Đức Phật, như ngày nay, chúng ta có súng đại bác và những thứ tương tự, có thể bắn ra những vật nặng. Họ cũng đã sử dụng đủ các phương pháp để làm hại Đức Phật, nhưng tất nhiên, là một bậc giác ngộ, những phương pháp như vậy không thể hãm hại Ngài. Đức Phật đã đối xử với tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, ngay cả những chúng sinh thù ghét Ngài.

Thân Phật rất mạnh mẽ, vì Ngài có sức mạnh để hạ gục một con voi, chỉ bằng một cái búng tay, chẳng hạn vậy. Có một vương quốc có một con voi to lớn, và khi con voi này chết đi, thì không có cách nào để đem cơ thể của nó đi, vì không có máy móc hay xe tải lớn, hay những thứ như vậy để đem nó đi. Xác của con voi này đã mục rữa và bốc mùi hôi, tạo ra đủ loại dịch bệnh trong vùng đó. Vì vậy, Đức Phật đã đến đó, và chỉ cần dùng chân đá nhẹ một cái, là đã có thể làm cho xác của con voi văng đến một vùng xa xôi.

Có những y sĩ giỏi vào thời Đức Phật, và họ đã kê một vài loại thuốc cho Ngài, và vì Ngài có thể lực lạ thường như vậy, nên họ đã dâng cho Ngài những loại thuốc có hiệu lực rất mạnh. Đề Bà Đạt Đa, người luôn cạnh tranh với Đức Phật, một mực đòi các y sĩ này cũng cho ông một liều thuốc mạnh, tương đương với liều thuốc của Đức Phật, và nói rằng ông muốn uống loại thuốc mạnh như Đức Phật có thể uống. Các y sĩ nói với Đề Bà Đạt Đa rằng Đức Phật có thể dùng một liều cực mạnh và nhiều như vậy, vì thể chất lạ thường của Ngài, nhưng “Ông không có sức mạnh như vậy, để uống liều thuốc đó.”.

Đề Bà Đạt Đa rất bực bội với họ, và cứ khăng khăng rằng mình có thể uống một liều như vậy. Vì Đề Bà Đạt Đa không nghe lời, nên cuối cùng, các y sĩ phải nhượng bộ, và cho ông uống một liều thuốc lớn hơn liều mà họ thường kê cho những người bình thường, và Đề Bà Đạt Đa đã uống liều thuốc ấy. Tất nhiên, vì thang thuốc rất mạnh, nên đã khiến cho ông bị bệnh, và gần kề cái chết. Ông chỉ nằm đó, lăn qua lăn lại, rên rỉ và than van, bệnh tình vô cùng nặng nề. Đức Phật đã đến nơi Đề Bà Đạt Đa đang quằn quại trên mặt đất, và nói rằng: “Nếu như ta không có  thấy sự khác biệt đối với con trai của ta là La Hầu La (Rahula) và em, người luôn cố gắng làm tổn thương ta, cạnh tranh với ta, và luôn luôn làm một người phá hoại. Nếu như ta không có tâm phân biệt giữa em và con trai của ta, thì nguyện cho em có thể lành bệnh.”. Sau đó, Ngài đặt tay lên đầu Đề Bà Đạt Đa, và ông đã lành bệnh. Ông đã bình phục, ngước lên nhìn Đức Phật, và những lời duy nhất mà ông có thể nói với Đức Phật là: “Hãy nhấc bàn tay bẩn thỉu của ngài ra khỏi đầu tôi.”.

Vậy thì Đức Phật là người không có lòng thiên vị, và sẵn sàng giúp đỡ người khác, cho dù họ ác độc đối với Ngài đến mức nào. Chỉ có loại người này, một vị Phật giác ngộ viên mãn, mới có thể ban pháp quy y cho quý vị. Do đó, có tất cả những phẩm chất tuyệt vời của thân, khẩu và ý giác ngộ của một vị Phật. Quý vị có thể tìm hiểu về những điều này, qua việc nghiên cứu kinh sách. Càng hiểu biết nhiều về những điều này, thì tín tâm xác tín và lòng tôn trọng dành cho Đức Phật sẽ càng to lớn hơn, như một người thật sự có thể ban pháp quy y cho quý vị trong đời sống.

Còn về các thân Phật (kaya), thì chúng ta đã bàn luận về Pháp thân, một thân bao gồm vạn pháp, và những loại Sắc thân khác nhau, như Báo thân, là thân Thọ Dụng, và các loại Hóa thân. Không cần phải nói lại về điều đó nữa. Quý vị có thể nhận thức và biết một vị Phật là gì, chẳng hạn như bằng cách xem xét một người như Đức Dalai Lama.

Hơn nữa, điều quan trọng là phải nhận ra, và nhìn vào tất cả những cách minh họa về một vị Phật, như tranh vẽ và tôn tượng, với lòng tôn kính lớn lao nhất. Thậm chí, dù đó là một tượng Phật nhỏ nhất, có kích thước bằng móng tay của quý vị, thì hãy nhìn vào đó, và thấy rằng đây thật sự là một vị Phật, bởi vì khi quý vị phát triển những đường tu trong tâm thức, thì những tôn tượng này sẽ nói chuyện với quý vị. Có ngũ đạo. Đạo lộ đầu tiên trong số này được gọi là Tư Lương đạo, và được chia thành ba phần: tiểu đạo, trung đạo và đại đạo. Khi đã thành tựu giai đoạn của một đại đạo trong Tư Lương đạo, thì vào lúc đó, quý vị có thể nhận được lời khai thị từ tất cả những vật minh họa về Đức Phật, mà quý vị đã nhìn thấy, và công nhận là một vị Phật, họ thật sự sẽ nói chuyện với quý vị. Do đó, điều quan trọng là bây giờ, phải thừa nhận rằng tất cả những sự minh họa này như là chư Phật thật sự. Tương truyền rằng khi gặp được những minh họa mà mình đã nhận thức như một vị Phật, thì sẽ có nhiều lợi lạc hơn là gặp gỡ chính Đức Phật.

Pháp Bảo Và Tăng Bảo

Còn về Pháp Bảo, những phẩm chất thật sự trong dòng tâm thức của một vị Phật, thì được xem như Pháp Bảo. Khi đang tu tập, thì quý vị có thể xem kinh sách, là điều bắt nguồn từ những phẩm chất này trong tâm thức, như là Pháp Bảo.

Còn về Tăng Bảo, cộng đồng có chủ ý, thì thật ra điều này đề cập đến Tăng đoàn Thánh nhân, hay những bậc có chứng ngộ cao, những bậc đã nhìn thấy thực tại. Ngay cả khi đó là một vị cư sĩ đã chứng ngộ tánh Không, thì người đó cũng là thành viên của Tăng Bảo, vì đã gia nhập tầng lớp của cộng đồng có chủ ý của chư Thánh nhân.

Còn về những điều đại diện cho Tăng Bảo, chư Thánh nhân, thì nói về một Tăng thân có ít nhất là bốn nhà sư, đang cùng nhau tu tập, hướng về một mục tiêu tích cực. Nếu chỉ có một hay hai nhà sư, thì không được xem là một Tăng đoàn, mà chỉ được xem là một hay hai nhà sư thôi.

Vai Trò Riêng Của Mỗi Một Bảo Trong Tam Bảo

Chư Phật là những người dạy cho quý vị, và chứng minh phương hướng an toàn và đúng đắn để quy y, chẳng hạn như dạy chúng ta từ bỏ thập ác, và hành trì thập thiện. Chẳng hạn như quy y là noi theo giới luật từ bỏ ác hạnh và hành trì thập thiện. Đây là những điều mà Đức Phật đã dạy, và sự phát triển của giới luật ấy trong dòng tâm thức của quý vị là quy y. Tăng đoàn là chư thiện tri thức, giúp cho quý vị noi theo pháp quy y này.

Có một câu chuyện về một trưởng tử của chư Thiên, Stiramati, là điều sẽ giúp quý vị hiểu được tính ưu việt của Tam Bảo. Vào một thời, ở cõi Tam Thập Tam Thiên, có một vị trưởng tử của chư Thiên, tên là Stiramati, được dịch là “người có tâm thức vững vàng”. Ở cõi trời này, mặt đất và mọi thứ đều tuyệt đẹp và lộng lẫy, được lát bằng những loại đá quý. Thế nên suốt đời, vị trưởng tử này đã được bao bọc bằng những thứ vô cùng xinh đẹp và đáng yêu, nên hoàn toàn hạnh phúc, và không hề lo lắng bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, khi sắp chết trên cõi trời, thì quý vị sẽ nhận được nhiều dấu hiệu khác nhau, rằng mình sẽ chết, và khi nhận thấy những dấu hiệu đó, thì quý vị sẽ trải qua vô vàn nỗi khổ. Những dấu hiệu này sẽ xuất hiện như thế nào? Chẳng hạn như chư Thiên đều đeo vòng hoa trên cổ, và vòng hoa luôn luôn tươi tắn, nhưng bảy ngày trước khi họ chết, những vòng hoa này đột nhiên sẽ héo úa và có mùi hôi. Tương tự như vậy, chư Thiên là những người luôn có mùi thơm dễ chịu, cũng bắt đầu có mùi hôi thối khi sắp chết, và vào lúc đó, không ai trong số chư Thiên và chư Thiên nữ là bằng hữu của quý vị, những người luôn đến để chơi nhiều trò chơi và vui đùa với quý vị, sẽ đến gần quý vị nữa. Trong số chư Thiên, có một số người là bạn bè thân thiết với quý vị hơn một chút, so với những người khác, nhưng ngay cả những người bạn thân thiết này thì nhiều nhất là chỉ đứng xa xa để nhìn quý vị, rồi bỏ đi, vì họ sẽ không muốn dính líu gì với quý vị nữa.

Hơn nữa, khi sắp chết trên một trong những cõi trời, thì tất cả những công đức mà quý vị đã tích tập để được sinh ra ở đó đã cạn kiệt, và quý vị có thể thấy được tái sinh kế tiếp của mình, nơi mà quý vị sẽ bị đọa vào. Linh kiến này mà chư Thiên có được thì tương tự như thần thông. Thế là vị trưởng tử của chư Thiên, Stiramati, đã nhận được dấu hiệu về cái chết sắp đến của mình, và thấy rằng trước tiên, ông sẽ tái sinh trong một địa ngục, rồi sau đó, sẽ tái sinh thành một con lợn. Nỗi thống khổ mà ông trải qua vì điều này thì không thể tưởng tượng được. Những nỗi khổ và đau đớn về thể xác mà quý vị phải trải qua trong các địa ngục là nỗi khổ lớn lao nhất về mặt thể xác, nhưng nói về sự khổ não và thống khổ về tinh thần, thì không ai trải nghiệm điều này nhiều hơn chư Thiên, khi họ có những linh kiến như vậy, trước khi chết.

Stiramati không thể chịu đựng thêm nữa, nên đã đến gặp Vua Trời Đế Thích (Indra), và nói rằng: “Con rất đau khổ. Con có nỗi thống khổ, vì những tái sinh này đang chờ đợi con, ngài có thể giúp con được không? Có cách nào để con thoát khỏi điều này không?”. Đế Thích nói rằng: “Không, rất tiếc là ta không thể giúp con. Ta không biết cách, nhưng sẽ đưa con đến gặp Đức Phật, và chúng ta sẽ hỏi Ngài.”. Thế là họ đã đến gặp Đức Phật, và Ngài nói với vị Trời này rằng ông nên hành trì pháp tu của một vị Hộ Phật, gọi là Phật Đảnh Tôn Thắng (Ushnishavijaya), hay Namgyelma trong tiếng Tây Tạng.

Phật Đảnh Tôn Thắng là một nữ Hộ Phật. Ngài có ba mặt và tám tay; mặt ở giữa màu trắng, mặt bên phải màu vàng, mặt bên trái màu xanh da trời. Ở hai cánh tay đầu tiên, một tay thì cầm một chày kim cang bắt chéo, và tay kia cầm một sợi dây thòng lọng. Ở ba cánh tay kế tiếp bên phải thì ngài cầm một vị Phật A Di Đà nhỏ, rồi đến một mũi tên và cánh tay dưới cùng thì bắt ấn bố thí tối thượng. Cánh tay trái đầu tiên cầm dây thòng lọng ở ngay tim, bắt ấn hàng phục, và những cánh tay bên trái tiếp theo trước tiên là cầm một cây cung, rồi tay kế tiếp bắt ấn bố thí tối thượng, và cánh tay thứ tư ở phía dưới bắt ấn thiền, đặt trên đùi, cầm một bình bát chứa đầy cam lồ. Đức Phật đã bảo vị trưởng tử của chư Thiên hành thiền, và thực hành mọi nghi lễ của nữ Hộ Phật này.

Trong thangka dành cho pháp tu này, ở bên phải của vị Hộ Phật chủ, trên một dĩa mặt trăng là Đức Quán Thế Âm (Chenrezig hay Avalokiteshvara), màu trắng, tay phải cầm một cái quạt trắng làm bằng đuôi yak, tay trái cầm một bông sen trắng. Ở bên trái của ngài, trên một dĩa mặt trời, là Đức Kim Cang Thủ (Vajrapani) đang an tọa, tay phải cầm một chiếc quạt đuôi yak, và tay trái cầm một bông hoa ưu bát la màu xanh da trời, được đánh dấu bằng một chày kim cang. Ở phía Đông, phía trước là một vị Hộ Phật hung nộ màu xanh da trời, tên là Achala, cầm một chày kim cang, và bên phải về phía Nam là Takkiraja, cũng là một vị Hộ Phật hung nộ, tay cầm một viên ngọc. Ở phía sau là một vị Hộ Phật hung nộ khác, tên là Niladanda, cầm một cây tích trượng màu xanh da trời, và ở phía Bắc, bên trái, là vị Hộ Phật hung nộ Mahabala, cầm cây đinh ba. Ở trên là hai chư Thiên, cầm những chiếc bình châu báu, chứa đầy cam lồ mà họ đang đổ ra, để làm lễ cúng dường tẩy tịnh. Đây là một bộ chín vị Hộ Phật.

Thế là vị trưởng tử của chư Thiên đã hành trì tất cả các nghi lễ của nhóm chư Hộ Phật này, và có thể tịnh hóa mọi ác nghiệp của việc phải tái sinh thành một con lợn. Hơn nữa, ông đã tích tập rất nhiều công đức, và kết quả là được tái sinh trong cõi trời Đâu Suất (Tushita) hoan hỷ, đó là một cõi trời cao hơn Tam Thập Tam Thiên. Mặc dù chư Thiên có thần thông để nhìn thấy những cõi thấp hơn cõi trời của họ, nhưng lại không có oai lực để nhìn thấy cõi nào cao hơn cõi mà họ đang sống. Do đó, Đế Thích, Vua của chư Thiên, và là người cai trị Tam Thập Tam Thiên, không thể thấy trưởng tử của chư Thiên đã được tái sinh trên cõi trời Đâu Suất, một cõi trời cao hơn cõi của mình, nên ngài đã hỏi Đức Phật rằng Stiramati đã tái sinh ở đâu. Thế là khi Đế Thích muốn biết điều này, thì phải nhờ Đức Phật, và Đức Phật đã nói cho ông biết.

Như quý vị thấy từ ví dụ này, Đức Phật có khả năng giáo huấn tất cả các loài chúng sinh khác nhau, để không phải tái sinh trong địa ngục. Do đó, Đức Phật là người có thể ban pháp quy y cho chúng ta, để tránh những thảm trạng khủng khiếp này. Thật ra, điều có thể ban cho chúng ta quy y trong ví dụ này là chẳng hạn như việc hành trì các pháp tu của vị Hộ Phật Phật Đảnh Tôn Thắng, bởi vì nhờ làm như vậy mà vị trưởng tử này của chư Thiên mới tránh được tái sinh trong địa ngục. Đối với Tăng đoàn, là những người giúp mình quy y, ví dụ ở đây là Đế Thích, người đã giúp trưởng tử của chư Thiên đến với Đức Phật, và học hỏi về những phương tiện này.  

Pháp Tu Quy Y

Cách mà quý vị tạo dựng tập khí quy y lợi lạc này, noi theo phương hướng an toàn và đúng đắn, là quán tưởng trước mặt mình, chẳng hạn như sắc tướng của một vị Phật, và lặp lại lời nguyện này: “Xin quy y chư Bổn sư; xin quy Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.”. Hãy trì tụng câu này ba lần. Sau đó, hãy quán rằng ánh sáng và cam lồ tỏa ra từ Đức Phật được quán tưởng trước mặt mình sẽ tịnh hóa tự thân và tất cả những chúng sinh mà quý vị quán tưởng đang ở xung quanh mình. Đây là cách mà quý vị sẽ hành trì pháp quy y.

Nếu quý vị lặp lại câu: “Xin quy y chư Bổn sư” bảy lần, chẳng hạn vậy, thì hãy tưởng tượng rằng trong bảy lần trì tụng này, ánh sáng sẽ tỏa ra từ thân của Đức Phật, thấm vào và hoàn toàn tràn ngập thân mình, tịnh hóa tự thân, quét sạch tất cả ác nghiệp của thân. Hãy quán rằng tất cả những ác nghiệp, ám chướng và chướng ngại của mình đã thoát ra khỏi thân mình dưới dạng than đen và bồ hóng, giống như một chất lỏng tuôn ra khỏi thân mình, cũng như nước bẩn thỉu, chẳng hạn vậy - như sau khi đã giặt một số quần áo rất dơ, còn lại nước dơ bẩn này. Hãy quán rằng tất cả ác nghiệp đã rời khỏi thân mình dưới dạng đó. Sau đó, tất cả những chất ô nhiễm và bẩn thỉu mà quý vị có thể chứa đựng trong cơ thể, như kết quả của những nghiệp xấu ác mình đã tạo ra trong quá khứ, hãy quán rằng tất cả những thứ này sẽ thoát ra khỏi thân mình dưới dạng phân, nước tiểu, cứt mũi, vân vân. Cuối cùng, hãy quán rằng những căn bệnh mà quý vị đã mắc phải, những sự khó khăn này, sẽ thoát ra khỏi thân mình dưới hình tướng của rắn, bọ cạp, nhện và ếch.

Sau đó, khi trì tụng vòng kế tiếp trong bảy vòng, và tiếp tục lặp lại câu: “Xin quy y chư Bổn Sư”, hãy quán tưởng ánh sáng lại thấm vào thân mình, và bây giờ, chúng sẽ tịnh hóa mọi ác nghiệp, chướng ngại, ô nhiễm, bệnh tật vân vân, về mặt khẩu nghiệp. Hãy quán rằng tất cả những thứ này thoát ra khỏi thân mình bằng cách đi từ dưới lên, và thoát ra khỏi thất khiếu ở trên mặt mình.

Ở vòng thứ ba trong bảy vòng này, quý vị lại quán ánh sáng thấm vào thân mình, và bây giờ, chúng tịnh hóa tất cả ác nghiệp vân vân, mà mình đã tích tập trong tâm thức, như tham lam, ác ý và tà kiến. Hãy quán rằng mọi ác nghiệp từ những những ý tưởng xấu ác này đều ở trong tim mình, dưới dạng một khối lớn màu đen ghê rợn. Rồi hãy quán rằng những ánh sáng này đi vào tim, và có một tia chớp sáng rực, làm cho cả khối đen này bốc hơi và tan biến.

Sau đó, ở vòng thứ tư của bảy lần trì tụng này, hãy quán rằng ánh sáng lại thấm vào thân mình, và lần này, cả ba quá trình quán tưởng ở trên đều xảy ra trong cùng một lúc, và quý vị đã hoàn toàn loại bỏ mọi cấu uế trong thân, khẩu, ý. Khi kết thúc việc này, hãy cảm thấy như mình đã lau sạch một chiếc bình pha lê, và bây giờ, nó hoàn toàn sạch sẽ, tinh khiết và trong suốt, và giống như vậy, giờ đây, toàn thân quý vị đã được sạch sẽ, thanh tịnh và trong suốt. Cuối cùng, một lần nữa, hãy quán ánh sáng và cam lồ thấm vào và tràn đầy thân mình, và ta đã có đủ mọi lực gia trì và nguồn cảm hứng, để có đầy đủ công đức, thọ mạng, trí tuệ, tuệ giác, vân vân.

Quý vị có thể lặp lại bốn vòng này 7 lần, và sẽ có 28 lần, hay lặp lại bốn vòng này 3 lần, tạo ra 12 lần, hay lặp lại bốn vòng này 100 lần, là có 400 lần. Không cần biết quý vị sẽ hành trì bao nhiêu lần, thì đây là pháp tu cơ bản. Khi hành trì pháp tu này, quý vị có thể quán tưởng sắc tướng của một vị Phật trước mặt mình, cảm nhận rằng Đức Phật đã phối hợp tất cả những khía cạnh của quy y, cô đọng thành một pháp. Một cách khác là quý vị có thể tạo ra một quán tưởng phức tạp, với tất cả chư Bổn Sư, chư Phật, chư Bồ tát, daka và dakini, chư Hộ Pháp, Bổn tôn v.v... Quý vị có thể quán tưởng một hình ảnh cực kỳ phức tạp, với rất nhiều nhân vật, hay quán tưởng một vị Phật đơn giản, theo cách nào thích hợp với mình, vì điều này sẽ không có gì khác biệt. Khi tu tập như vậy, thì nên quy y ba lần mỗi ngày, và ba lần mỗi đêm, nhờ vậy mà khẳng định lại tâm quy y của mình.

Cúng Dường Và Những Hành Trì Khác

Tương tự như vậy, nên cúng dường chư Phật hàng ngày. Quý vị có thể làm điều này một cách đơn giản, chỉ cần sử dụng tách cà phê của mình, hay bất cứ loại ly nào, đổ đầy nước và cúng dường nó, hay cúng dường bánh mì hoặc bánh quy, hay bất cứ món gì mà mình sẽ ăn. Tất cả quý vị đều ăn ba lần mỗi ngày, nên trước khi ăn, hãy cúng dường thức ăn hay ly nước của mình. Đây là một cách rất giản dị, để hành trì pháp tu này. Chỉ cần tụng bằng ngôn ngữ của mình là đủ: “Xin chư Bổn sư thọ dụng thức cúng dường này. Xin chư Phật thọ dụng thức cúng dường này. Xin Pháp thọ dụng thức cúng dường này. Xin Tăng đoàn thọ dụng thức cúng dường này.”, và quý vị sẽ cúng dường theo cách như vậy. Không cần phải trì tụng bằng ngôn ngữ Á châu kỳ lạ nào.

Khi có những vật minh họa về Đức Phật và Tam Bảo, thì không nên để thứ gì lên trên chúng, đừng để quần áo hay chuỗi tràng hạt, hay bất kỳ thứ gì như vậy, vì đó là điều bất kính. Ngoài ra, khi nhìn vào những bức tranh của Đức Phật, quý vị không nên chỉ trích, nói rằng vị Phật này có mắt lé, hay chiếc mũi nhìn buồn cười, vân vân. Nếu thấy những lỗi lầm này, thì quý vị có thể nói, chẳng hạn như đây không phải là một họa sĩ rất tài ba, quý vị có thể nói như vậy, nhưng không nên nói rằng Đức Phật có mắt lé, hay đây là một vị Phật tệ hại, bởi vì đó là điều hạ thấp Đức Phật. Hơn nữa, không nên dùng tượng Phật và những món như vậy để cầm đồ rồi lấy tiền, giả sử như đến tiệm cầm đồ.

Có một câu chuyện về một người thấy một tượng Phật nhỏ bằng đất sét ở dưới đất, và khi trời bắt đầu mưa, anh ta lo là tượng Phật sẽ tan rã, nên đã cởi giày ra, để nó trên bức tượng, để che mưa cho nó. Một người khác đã đi ngang và nhìn thấy điều này, nghĩ rằng việc để chiếc giày trên tượng Phật là điều sai lầm, nên đã lấy chiếc giày ra. Khi nhìn vào hai người này, thì cả hai đều có tâm rất thanh tịnh, đối với những điều họ đã làm. Hơn nữa, quý vị phải sử dụng lý lẽ thông thường, chẳng hạn như nói chung thì không nên để chuỗi tràng hạt lên trên kinh sách, nhưng nếu như có một cơn gió lớn, thì phải để thứ gì lên trên sách, để những trang giấy không bay đi. Trong trường hợp đó thì quý vị sẽ có ý nghĩ và lý do thanh tịnh, nên có thể để một chuỗi tràng hạt lên trên kinh sách, mặc dù thông thường thì không được phép làm như vậy. Vậy thì quý vị phải sử dụng lý lẽ thông thường.

Nói chung, quý vị không nên sử dụng loại giấy nào có chữ viết hay chữ in về giáo pháp, cho bất cứ nhữmg việc dơ bẩn nào. Chẳng hạn như dùng giấy báo có in giáo pháp trong đó để bọc rác, hay gói giày của mình là bất kính với ngôn từ của giáo pháp. Việc để kinh sách trên mặt đất, mà không lót vải bên dưới cũng là điều bất kính. Hơn nữa, không nên liếm ngón tay khi lật kinh sách. Nếu phải làm ướt ngón tay để lật sách, thì quý vị nên dùng một bát nước nhỏ, hay miếng bọt biển, hoặc thứ gì ở gần đó, chứ đừng dùng nước miếng. Hơn nữa, việc buôn bán kinh sách để lấy lời và những việc như vậy cũng không đúng đắn. Nếu như có nhà in, thì hãy sử dụng số tiền thu được từ việc bán sách, để ấn tống thêm sách nữa thì không sao, nhưng việc sử dụng lợi nhuận từ việc in ấn và buôn bán sách, chỉ để mua thực phẩm và kiếm sống, thì đó là điều không đúng đắn.

Điều quan trọng là phải nghĩ về tất cả những điểm này, về kiếp người quý báu mà mình có được; thực tế là nó có thể mất đi, rằng mình sẽ mất nó, khi cái chết đến; rằng sẽ không có tình huống nào tồn tại mãi mãi; rằng cái chết chắc chắn sẽ đến; và nghĩ về việc mình sẽ tái sinh trong những cõi thấp hơn. Hãy sử dụng tất cả những điều này để có động lực quy y.

Thế thì hãy nghĩ rằng, chẳng hạn như nếu như mình chết ngay bây giờ, và tái sinh trong một địa ngục nóng, có lửa bao bọc chung quanh, thì sẽ ra sao? Hoặc nếu như tái sinh trong một vạc dầu sôi, thì ta sẽ làm gì? Khi nghĩ về những điều như vậy sẽ xảy ra cho mình, quý vị sẽ thấy rất khiếp sợ và kinh hãi, và sẽ sử dụng điều này để có động lực trì tụng câu: “Xin chư Bổn Sư cho con quy y, để thoát khỏi những cõi này, xin ban cho con pháp quy y.”, và quý vị sẽ hành trì như thế.

Bước đầu tiên là nghĩ rằng mình đã tái sinh ở một trong những địa ngục, và quý vị thỉnh cầu chư Bổn Sư ban pháp quy y, để thoát khỏi nơi đó. Trong vòng thứ hai, hãy nghĩ rằng mình chưa tái sinh ở một trong những địa ngục, nhưng chỉ gần kề cái chết, và sẽ rơi vào địa ngục, rồi hãy lặp lại lời thỉnh cầu pháp quy y, để thoát khỏi nơi đó. Rồi ở vòng thứ ba, hãy nghĩ rằng mình chưa tái sinh trong địa ngục, cũng không sắp đọa địa ngục, nhưng còn một tháng, trước khi đọa vào nơi này, rồi dựa vào đó, hãy nghĩ một cách rất mạnh mẽ rằng: “Hỡi chư Bổn Sư, xin hãy cho con quy y, để thoát khỏi cảnh ngộ này.”. Những ý nghĩ này sẽ cho tạo ra động lực mạnh mẽ. Sau đó, hãy trì tụng bài quy y này một lần nữa, và thúc đẩy bản thân một cách mạnh mẽ, để tu tập. Đây là cách mà quý vị sẽ quy y một cách tốt đẹp, và thọ pháp quy y với chư đạo sư, Phật, Pháp và Tăng.

Pháp Tu Phát Bồ Đề Tâm

Sau khi đã hành trì pháp tu này, thì nên hết lòng hướng về thành tựu giác ngộ. Quý vị sẽ hết lòng hướng về tha nhân và thành tựu giác ngộ, để có thể phổ độ tất cả chúng sinh. Nói cách khác là phát bồ đề tâm. Cách tu tập là hành trì những vòng quán tưởng với cam lồ và ánh sáng thấm nhập vào thân mình, để quy y, rồi phát bồ đề tâm. Cuối cùng, hãy tưởng tượng Đức Phật được quán tưởng trước mặt mình sẽ hòa nhập và hòa tan vào trong thân mình, và chính mình sẽ thành tựu giác ngộ. Quý vị thật sự trở thành một vị Phật, và hãy quán tưởng mình trong sắc tướng của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau đó, hãy quán thân mình tỏa ra hào quang, thấm vào thân của tất cả chúng sinh xung quanh mình.

Trước đây, khi quy y, thì quý vị đã tu tập, để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Sau đó, quý vị đã phát bồ đề tâm, và bây giờ, hãy quán rằng mình đã giác ngộ, là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tỏa ra hào quang, thật sự đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ, và đoạn trừ mọi nỗi khổ của họ. Tất cả chúng sinh đều trở thành Thích Ca Mâu Ni Phật, và hãy quán tưởng họ trong sắc tướng ấy. Nếu hành trì pháp tu này, thì quý vị sẽ thấy nó vô cùng lợi lạc. Có thắc mắc gì không?

Trở lại điểm mà Rinpoche đã nói, là vì những thiện hạnh của mình trước đây, mà bây giờ ta mới khá giả, có tiền bạc hay tài sản, hoặc bất cứ thứ gì, và nếu như chỉ vứt bỏ chúng, thì không đúng đắn. 

Tiến sĩ Berzin: Rinpoche nói rằng liệng chúng xuống sông. 

Đúng vậy. Sau đó, ví dụ về Đức Phật chỉ đơn thuần từ bỏ chúng xuất hiện trong đầu con, Ngài đã không ném chúng xuống sông, mà đã từ bỏ chúng. Ngài đã tiếp tục sống, và không bao giờ lấy lại chúng, và điều đó làm con hơi bối rối. Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen), người đã mang Soto Zen đến nước Nhật. và được xem là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất ở Nhật Bản, cũng đã sử dụng ví dụ này, để giải thích tâm xả ly kiên định. Một thương gia khá giàu có, quan tâm đến giáo pháp, đã để tất cả những bức tranh có giá trị của mình vào một chiếc xe đẩy lớn, và bắt đầu đẩy chiếc xe về phía biển, điều này cũng giống như sẽ ném chúng xuống sông. Có người đã chận ông lại, và nói rằng ông thật là ngu xuẩn, vì có bao nhiêu người có thể sử dụng chúng, và thương gia nói rằng: “Tôi xem chúng như một gánh nặng. Tại sao tôi lại muốn tặng chúng cho người khác chứ?”. Điều này được nêu ra như một ví dụ tuyệt vời về việc hết lòng dấn thân với Pháp.

Trước hết, ví dụ đầu tiên về việc Đức Phật từ bỏ tất cả mọi thứ, và rời bỏ hoàng cung, thì Ngài đã không vứt hết tài sản của mình vào trong thùng rác, mà đã để lại cho vợ con, và đó là cách mà Ngài đã rời bỏ chúng. Điều đó không có nghĩa là Ngài đã vứt chúng đi, bởi vì Ngài đã chu cấp cho vợ và gia đình của mình. Ví dụ mà quý vị đã đề cập về Thiền sư thì lại nêu ra một điểm khác. Phải cố hiểu rằng những khai thị khác nhau sẽ được nêu ra, để nói về những điểm khác nhau, và mỗi một điểm trong đó đều xác thực như nhau. Vì vậy, điểm mà tôi cố gắng nêu ra trước đây là không nên nghĩ rằng quý vị phải vứt mọi thứ mà mình sở hữu vào thùng rác, để tu tập Pháp. Đó sẽ là điều lãng phí, và quý vị sẽ không hiểu ý của điều này. Quý vị phải sử dụng những gì mình có một cách tích cực, đó là điểm chính ở đây, trong khi trong ví dụ về Thiền sư, thì nó lại nêu ra một điểm khác.

Ở Tây Tạng, cũng có nhiều vị Lạt ma có phong cách giảng dạy khác nhau, và các ngài đã làm những việc khác nhau, để nêu ra những điểm khác nhau. Chẳng hạn, có một vị Lạt ma sống trên núi, và khi được cúng dường, thì ngài đã vứt chúng xuống núi, ở một nơi không có ai ở đó. Ngài thấy rằng người cúng dường những phẩm vật này có động lực không thanh tịnh, và điểm mà Ngài muốn chứng minh, bằng cách vứt chúng đi, là những phẩm vật như vậy là vô ích. Mặt khác, ví dụ trước đó đã nói về chúng ta ở đây, là phàm nhân. Chúng ta không nên nghĩ rằng nếu muốn tu tập Pháp, thì phải vứt bỏ mọi thứ vào thùng rác, vì đó không phải là cách hợp lý. Nhưng nếu giống như Thiền sư Đạo Nguyên, quý vị đã vứt bỏ thứ gì, mà quý vị nghĩ rằng chỉ tạo ra rắc rối và khó khăn cho mình, và nếu như trao tặng nó cho ai, thì nó cũng sẽ tạo ra rắc rối cho họ, thì đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó cũng là một cách thực hành Pháp, là một thái độ tâm linh đúng đắn. Nhưng nếu quý vị sử dụng tiền bạc của mình để giúp đỡ Tăng đoàn nào đang gặp khó khăn, để họ có thức ăn thức uống, và có điều kiện thích hợp để tu hành, thì đó là cách rất tốt để sử dụng của cải của mình. Đó là lý do tại sao trước đây, tôi đã nói rằng có một người đã cởi giày và đặt nó lên tượng Phật làm bằng đất sét, và có một người khác đã lấy chiếc giày ra, và cả hai đều hành trì Pháp một cách rất thanh tịnh và chân thành, dù ý của họ hoàn toàn khác nhau.

Top