Ví Dụ Về Quy Luật Của Nghiệp

Thiền Quán Về Quy Luật Của Nghiệp

Hôm qua, chúng ta đã nói về quy luật của nghiệp, luật nhân quả. Nói chung về nghiệp, thì điều cụ thể mà hành trì chính đòi hỏi là phải tránh tạo ra bất cứ ác nghiệp nào trong thập ác, hay mười nghiệp bất thiện, và nỗ lực tạo ra thiện hạnh. Chúng ta cũng đã bàn luận về những đặc điểm khác nhau của luật nhân quả, đặc biệt, trước hết là yếu tố xác quyết, nếu như mình tạo ra thiện nghiệp, thì chắc chắn kết quả của điều đó sẽ là hạnh phúc. Chúng ta cũng bàn luận về yếu tố tăng trưởng, rằng từ một hành vi nhỏ, mà rất nhiều kết quả tuyệt vời có thể xảy ra. Cách thiền quán về tất cả những điều này, hay để tích lũy tập khí lợi lạc đối với điều này, là nghĩ về tính xác quyết của nhân và quả của nó, nghĩ rằng hạnh phúc là kết quả của thiện hạnh, trong khi bất hạnh, đau khổ và vấn đề là những điều bắt nguồn từ ác hạnh.

Hãy bắt đầu bằng cách tư duy về tất cả những loại hạnh phúc khác nhau mà mình muốn có, và tự hỏi rằng: “Điều gì sẽ là nhân cho những điều này?”. Tiếp theo, hãy nghĩ về những thiện hạnh, và cách chúng sẽ trổ, xem xét rằng chúng có quả trổ, có quả tương ứng với nhân của chúng, về kinh nghiệm và hành vi bản năng của mình, và có kết quả toàn diện. Hãy nghĩ về tất cả những kết quả này, và hạnh phúc mà mình muốn đạt được, và cách chúng bắt nguồn từ những nguyên nhân này, cụ thể là thiện hạnh. Sau đó, hãy nghĩ rằng: “Tôi muốn có khả năng đạt được hạnh phúc ấy.”. Do đó, hãy nhất quyết rằng mình sẽ cố gắng đạt được hạnh phúc này.

Sau đó, hãy nghĩ rằng ác hạnh là điều sẽ tạo ra vấn đề, và ngăn cản việc mình đạt được hạnh phúc. Rồi hãy nghĩ về những ác hạnh và kết quả của chúng, quả trổ, quả tương ứng với nhân của nó trong kinh nghiệm và hành vi bản năng của mình, và kết quả toàn diện. Cuối cùng, hãy nghĩ rằng: “Tôi không muốn phải gặp khó khăn và nỗi khổ nào”, nên quý vị sẽ nhất quyết từ bỏ việc tạo tác bất cứ hành vi nào trong thập ác này.

Sau đó, hãy xem xét yếu tố tăng trưởng, cách mà những kết quả lớn có thể xảy ra từ một hành động nhỏ, và quyết định rằng: “Tôi sẽ cố gắng thực hiện ngay cả loại thiện hạnh nhỏ nhoi nhất, và tránh tạo tác ngay cả một ác hạnh nhỏ nhoi nhất.".

Sau đó, hãy nghĩ về hai yếu tố tiếp theo, đó là nếu như chưa tạo tác hành vi, thì sẽ không phải gánh lấy kết quả của nó, và nếu đã thực hiện một hành vi nào, thì nó sẽ không trở nên vô ích, và quả của nó sẽ trổ. Chẳng hạn như đối với những điều quý vị nghĩ, nếu như đã có ý bất thiện, tích lũy ác nghiệp, thì chỉ có hai khả năng. Quý vị có thể tịnh hóa tự thân về việc phải trải qua nghiệp ấy, nhờ cách áp dụng bốn lực đối trị, như ăn năn và v.v..., nếu không thì chắc chắn quý vị sẽ phải trải nghiệm kết quả của nó. Tương tự như vậy, khi đã tạo tác những thiện hạnh nào đó, thì việc hạnh phúc sẽ phát sinh từ đó chỉ là vấn đề thời gian thôi, hoặc nếu như đã tạo ra nghiệp bất thiện, thì kết quả là khổ đau và vấn đề sẽ xảy ra. Những điều này chắc chắn sẽ trổ, và quý vị có thể chắc chắn về điều đó, không bao giờ có chuyện khi đã tạo ra tiềm năng cho điều gì, mà nó sẽ không trổ vào thời điểm nào đó.

Tuy nhiên, nếu như chưa hề tích tập tiềm năng nào cho điều gì, thì không bao giờ có nhân, để cho nó xảy ra. Chẳng hạn, nếu như nghĩ về nhiều loại hạnh phúc mà quý vị có thể mong muốn, thì không có cách nào mình sẽ trải nghiệm những loại hạnh phúc ấy, trừ khi ta đã tích tập nhân, khiến cho chúng xảy ra. Vì vậy, dựa theo cách đó, hãy nghĩ về cách nếu như chưa tích tập nhân, thì mình sẽ không gặt quả, và một khi đã tích tập nhân, thì nó sẽ không trở nên vô ích.

Những Câu Chuyện Minh Họa Luật Nhân Quả

Nếu Đã Tạo Tác Hành Vi Nào, Thì Nó Sẽ Không Trở Nên Vô Ích

Để minh họa cho điều này, có một trường hợp một người con trai đã nhốt mẹ mình trong nhà, và không cho bà ăn uống. Người mẹ nài nỉ, xin một ít thức ăn, và người con chỉ lấy một ít tro, trộn với một ít nước, rồi đưa cho mẹ. Cuối cùng, người mẹ đã chết đói.

Người con trai này đã qua đời, và trong một kiếp sau, đã tái sinh vào thời mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Ông đã xuất gia, tu học, và thành tựu quả vị A la hán, một bậc giải thoát. Tuy nhiên, ngay cả sau khi thành tựu quả vị của một bậc giải thoát, của một A la hán, thì ông bị bệnh nặng. Vào thời đó, các nhà sư tu học với Đức Phật thường đi thọ bát vào buổi sáng, nhưng vị A la hán này không thể đi được. Đức Phật đề nghị một số nhà sư có thần thông lấy bình bát của nhà sư bị bệnh này để đi khất thực giùm ông, và đem một số thức ăn về cho ông. Thế là một trong những nhà sư đã lấy bình bát của vị A la hán này, và đi thọ bát cho ông, nhưng khi đem bình bát về cho nhà sư, thì một con chim đã lấy mất bình bát và thức ăn trong đó, nên không có cách nào để đưa thức ăn cho ông.

Điều này đã lặp đi lặp lại trong sáu hay bảy ngày, không có cách nào để mang thức ăn đến cho vị A la hán này. Rồi một ngày nọ, chính ngài Xá Lợi Phất (Shariputra) đã đi thọ bát cho ông, và mang thức ăn cho nhà sư này. Khi ngài cầm bình bát đi về hướng ngôi nhà, thì cánh cửa của ngôi nhà bỗng nhiên biến mất, và vì không có lối vào, nên không có cách nào để ngài đi vô trong nhà. Tất cả những điều này đã xảy ra, vì kết quả của ác nghiệp mà nhà sư này đã tích tập trước đây.

Ngài Xá Lợi Phất đã sử dụng thần thông để tạo ra một cánh cửa, và bước vào cửa đó, mang bình bát vào nhà, đặt nó xuống đất, trước mặt nhà sư bị bệnh, và bình bát đã biến mất vào trong lòng đất, cũng là quả của nghiệp trước đó của nhà sư này. Tuy nó đã chui vào trong lòng đất, nhưng ngài Xá Lợi Phất lại dùng thần thông để thò tay xuống đất, lấy chiếc bình bát trở lại. Nhà sư kia đã cố gắng dùng thức ăn, nhưng khi đưa nó đến trước mặt, thì miệng của nhà sư lại biến mất, và sư không có miệng để ăn.

Tuy điều này nghe có vẻ rất kỳ lạ, nhưng đó là những điều phi thường đã xảy ra, như quả của nghiệp được tích lũy từ những kiếp trước. Sau sự kiện này, nhà sư giải thích với ngài Xá Lợi Phất rằng tất cả những điều này là quả trổ từ quá khứ, “Tôi đã không cho mẹ của mình thức ăn, và vì kết quả của điều đó, tôi không thể ăn bất cứ món gì, không thể có được món ăn nào. Dù đã thành tựu quả vị của một bậc giải thoát, nhưng dù sao đi nữa thì chắc chắn, tôi phải gánh lấy quả của tiền nghiệp. Nhưng trong kiếp ấy, tôi đã cho mẹ của mình ăn cháo làm bằng tro, nên nếu như ngài có thể làm món đó cho tôi, thì tôi có thể ăn nó.”. Nhà sư đã ăn món cháo làm bằng tro, và sau đó, đã hiển lộ tất cả thần thông của bậc A la hán, một bậc giải thoát, như bay trong không khí, tạo ra lửa và nước, và đủ các đại sẽ thoát ra từ thân thể của mình. Sau khi biểu hiện tất cả những thần thông này, nhà sư đã nhập niết bàn.

Câu chuyện này cho thấy nếu như quý vị đã tích tập một nghiệp lực nào đó, thì hành động ấy sẽ không trở nên vô ích, và ngay cả khi đã thành tựu quả vị của một bậc giải thoát, một A la hán, thì những điều như vậy sẽ trổ.

Nếu Chưa Tịnh Hóa Mọi Nghiệp Lực, Thì Chắc Chắn Chúng Sẽ Trổ

Con có thể đặt câu hỏi không ạ?

Được.

Một mặt thì người ta nói rằng hạt giống nghiệp có thể bị thiêu đốt, tịnh hóa bằng bốn lực đối trị, nhưng mặt khác thì dường như ngay cả những bậc thầy vĩ đại, những vị như A la hán cũng chắc chắn phải gánh chịu kết quả từ hành vi của họ? Làm sao sự việc lại như vậy? 

Như con đã nêu ra, nếu như con thừa nhận, phát lồ những sai lầm mà con đã tạo ra, và áp dụng các lực đối trị để tịnh hóa tự thân, thì không cần phải trải nghiệm quả của những hành vi mà con đã tạo ra trong quá khứ. Tuy nhiên, hành vi của các bậc giải thoát thì không thể nghĩ bàn, và có những trường hợp như thế này, khi các vị đã không thừa nhận sai lầm trong quá khứ, và không tịnh hóa tự thân, và kết quả là các ngài phải trải qua hậu quả của những ác nghiệp ấy.

Một ví dụ khác về điều này là chuyện đời của ngài Long Thọ vĩ đại. Có một nhà vua có mối quan hệ đặc biệt với ngài Long Thọ. Trừ khi ngài Long Thọ sẽ viên tịch, nếu không thì nhà vua sẽ không chết, và con trai của nhà vua, tức hoàng tử, không thể lên ngôi, cho đến khi cha ông qua đời. Hoàng tử này rất muốn được làm vua, nên đã đến gặp Long Thọ, và yêu cầu ngài viên tịch. Long Thọ nói rằng ngài đồng ý nhập diệt, nhưng ngài đã thành tựu một loại thân không thể bị giết hại, một thân bất tử. Vị hoàng tử này đã sử dụng đủ loại vũ khí và phương tiện để cố gắng giết ngài, nhưng vẫn không làm được; vì không có cách nào hữu hiệu. Ngài Long Thọ nói rằng: “Hoàng tử nên ngừng tay, vì sẽ lãng phí thời gian. Ngài không thể giết chết ta theo cách đó. Có một hành động mà ta đã làm trong quá khứ. Trong một kiếp nọ, ta là người cắt cỏ, và một lần nọ, đã chặt đầu con kiến trong khi cắt cỏ. Tiềm năng từ điều đó vẫn còn tồn tại, và nếu như ngài lấy một ngọn cỏ để cắt cổ ta, thì ngài có thể giết ta bằng cách đó.”. Thế là hoàng tử đã ra ngoài, lấy một cọng cỏ cứa vào cổ ngài Long Thọ, và đã có thể cắt cổ ngài bằng cọng cỏ ấy. Đó là vì ngài Long Thọ chưa tịnh hóa ác nghiệp này, đã không phát lồ sám hối và tịnh hóa nó trong dòng tâm thức của mình.

Điều đó có nghĩa là ta phải ý thức về mọi hành vi mà mình đã tạo tác, và tịnh hóa từng hành vi một, hay có trạng thái nào mà mình có thể đạt được, mà tất cả các hành vi của mình đều được tịnh hóa hay không?

Cách xử lý tình huống này là xem xét sự kiện rằng tái sinh là điều xảy ra từ vô thỉ, nên không có ác nghiệp nào mà mỗi một chúng ta chưa thực hiện vào lúc này hay lúc khác. Do đó, khi thừa nhận những sai lầm mà con đã tạo ra trong quá khứ, và tịnh hóa chúng, thì điều mà con phải làm là nghĩ về tất cả những điều xấu ác mà mình đã có thể tạo tác, và thừa nhận mình đã làm tất cả những điều đó. Con có thể suy luận về điều này, để nó trở thành một quá trình hợp lý, bằng cách nghĩ về tất cả những nghiệp xấu ác mà con đã tạo tác trong kiếp này, và nghĩ rằng nếu như nhớ hết mọi điều, thì con sẽ có một danh sách về những điều xấu ác lạ thường mà mình đã tạo ra. Dựa trên cơ sở của những kiếp trước, con đã có những hành vi tương tự, thì sẽ hợp lý, khi cho rằng vì đã có vô lượng tái sinh, nên con đã tạo tác tất cả những nghiệp xấu ác có thể xảy ra, vào lúc này hay lúc khác. Nên khi tịnh hóa tự thân, con sẽ thừa nhận mình đã tạo ra mọi hành vi sai trái có thể xảy ra, và quán tưởng những dòng cam lồ tuôn chảy từ chư Phật, thấm vào thân mình, và tịnh hóa tự thân, khi áp dụng bốn lực đối trị.

Điều tương tự cũng đúng về mặt tùy hỷ về những thiện hạnh mà con đã tạo tác trong quá khứ. Nó cũng dựa vào lý luận, bởi vì nếu như nghĩ về kiếp người quý giá mà con hiện có, và tất cả những cơ hội, tự do và thuận lợi mà con có được, thì đó là vì con đã tạo tác những thiện nghiệp lớn lao trong những kiếp trước. Vì vậy, khi tùy hỷ về tất cả những thiện nghiệp mà con đã tạo tác trong quá khứ, con nên tùy hỷ một cách rất rộng lớn. Không có nghi ngờ gì là con cũng đã tạo tác rất nhiều điều thiện hảo.

Hành Vi Vô Ý

Con có thể hỏi một câu được không ạ? Hôm qua, con đã hiểu rằng nếu muốn hoàn tất một hành động, thì nó phải được thực hiện với chủ ý, và không phải ngẫu nhiên. Nhưng ngài Long Thọ đã tình cờ giết con kiến. Vậy thì chuyện gì đang xảy ra ở đây?

Trong kiếp ấy, hành vi chặt đầu con kiến là điều cố ý. Câu chuyện không nói rằng Long Thọ đã vô tình chặt đầu con kiến. Ngài đang cắt cỏ, rồi nhìn thấy con kiến này, và đã chặt đầu nó.

Quá trình của nghiệp, nhân và quả của nó, liên quan đến việc vô tình dẫm lên con kiến thì không phải là mình đã tích tập trọn vẹn tiềm năng, với tất cả những yếu tố của nó, rằng con sẽ tái sinh thành một chúng sinh trong địa ngục, nếu như vô tình dẫm lên con kiến. Tuy nhiên, dù không có hậu quả đầy đủ, nhưng nó vẫn có một số hậu quả. Ví dụ, nó sẽ có hậu quả của điều tương tự xảy ra với con, ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Chẳng hạn như kiến bị người ta dẫm lên, thì điều tương tự sẽ xảy ra với con, như kết quả của việc con dẫm lên một con kiến. Đôi khi, con là một con kiến, thì con cũng sẽ bị những chúng sinh khác dẫm lên.

Phải hiểu ý nghĩa của việc nói rằng hậu quả của hành vi của con sẽ quay trở lại với con. Việc vô tình dẫm lên con kiến sẽ không trổ quả như bị tái sinh trong địa ngục, hay có thọ mạng ngắn ngủi, và những điều tương tự, nhưng sẽ có một số hậu quả. Hành vi sẽ quay trở lại với con theo một số hình thức. Đây là lý do mà các tu viện có phong tục thọ giới an cư kiết hạ. Trong ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ, chư Tăng Ni phải an cư trong các tu viện và ni viện, không được đi ra ngoài. Lý do mà điều đó đã được thiết lập trong ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ, là vì trong mùa mưa, thì sẽ có rất nhiều côn trùng ở khắp nơi trên mặt đất. Để tránh việc dẫm lên côn trùng trong khi chư Tăng Ni đi khất thực, Đức Phật ra lệnh rằng trong thời gian đó, Tăng đoàn nên an cư trong chùa, chủ yếu là hành thiền.

Điều này liên quan đến ba sinh hoạt của việc giảng giải và hành trì, nên một danh sách về các sinh hoạt và hành trì được viết ra cho chư Tăng Ni. Điểm đầu tiên trong ba điều này là từ bỏ mọi thứ, và thành tựu định tâm; thứ hai là làm việc; và thứ ba là đọc kinh sách và học hỏi bằng việc lắng nghe (văn) và tư duy (tư). Các pháp tu của khóa tu an cư kiết hạ sẽ thuộc về lãnh vực đầu tiên, từ bỏ các hành vi, nhờ việc thành tựu định tâm và hành thiền. Vì vậy, khi côn trùng xuất hiện nhiều nhất trong ba tháng mùa mưa, là thời gian để áp dụng việc buông bỏ mọi hoạt động, nhờ việc thành tựu định tâm.

Một Vị Phật Nhập Niết Bàn

Đôi khi, con nghe nói rằng các Lạt ma cao cấp, như Đức Dalai Lama và Ling Rinpoche, cũng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi Ngài nhập diệt, thì không phải vì nghiệp, mà chỉ hiển lộ điều đó thôi. Có phải nó là như vậy, hay là trong khi có một thân tướng, thì ngay cả khi chỉ để phổ độ chúng sinh, nhưng các ngài thật sự phải chịu tác động của nghiệp mà chính các ngài đã tạo tác trong quá khứ? 

Con đang hỏi câu này từ quan điểm của Kinh điển hay Mật điển?

Con nghĩ rằng từ quan điểm của Kinh điển.

Kinh Kim Quang Minh, Kinh Suvarnaprabha, nói rằng Đức Phật không có sự nhập diệt cuối cùng hay niết bàn (parinirvana), và Pháp không có khung cảnh như hoàng hôn. Tuy nhiên, khi nghiệp và tiềm năng của các đệ tử có thể gặp gỡ một vị Phật đã cạn kiệt, thì vị Phật ấy sẽ hiển lộ việc nhập niết bàn. Kinh này cũng nói rằng tuy thân của một vị Phật không được tạo ra bằng thịt, xương và máu, nên không có cách nào có thể tạo ra xá lợi thật sự; tuy nhiên, vì mãnh lực của tín tâm của chư đệ tử, mà chư Phật đã hiển lộ và tạo ra những xá lợi này cho họ.

Nếu có tín tâm và lòng tôn kính, thì con sẽ thấy sự xuất hiện của các bậc giác ngộ, như nhìn thấy mặt trăng phản chiếu trên mặt nước của một hồ nước trong. Nhưng nếu như không có lòng tôn kính và tín tâm, thì con sẽ không nhìn thấy các ngài. Chẳng hạn như Đức Dalai Lama có thể ngự trên pháp tòa, và mọi người sẽ đến để diện kiến Ngài, và thọ nhận lực gia trì của Ngài, nhưng có nhiều ví dụ về những người đi ngang qua, mà thậm chí không nhìn thấy Ngài.

Hiện nay, về mặt Hóa thân (Nirmanakayas) mà từ ngữ trong tiếng Tây Tạng là tulku, thì có nhiều loại khác nhau. Có loại Hóa thân tối thượng, chẳng hạn như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiển lộ với thân tướng đầy đủ 32 tướng tốt và 80 tướng phụ. Ngài đã hiển lộ cách nhập diệt theo cách mà chúng ta có thể nhận thức và nhìn thấy sự việc. Kinh Hiền Kiếp (The Sutra of the Fortunate Eon) mô tả cuộc đời của 1002 vị Phật của thời kiếp may mắn này, có nói về hai cách khác nhau mà chư Phật sẽ nhập diệt, và điều gì sẽ được thực hiện với nhục thân của các ngài. Một số vị Phật, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã nhập diệt như Ngài đã làm ở Kushinagar, và tôn thân của Ngài được làm lễ trà tỳ. Những vị khác, khi nhập diệt thì thân thể của các ngài sẽ để yên như vậy. Điều đó không có nghĩa là nhục thân nhất thiết sẽ được chôn cất, mà có thể sẽ được lưu lại trong một hang động, hay trên một ngọn núi, và theo cách đó, được an vị y nguyên như vậy.

Có hai cách để nhìn sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt ở Kushinagar. Một là từ quan điểm của hàng Thanh văn, những người lắng nghe giáo pháp, và thứ hai là từ quan điểm của các hành giả Đại thừa. Hàng Thanh văn, các hành giả Tiểu thừa, giải thích về niết bàn vô dư, khi không còn lại uẩn nào, giống như một ngọn nến tắt lửa. Hệ thống Đại thừa mô tả những điều xảy ra sau khi một vị Phật nhập diệt theo cách hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, đều có khai thị về việc nhập diệt của Đức Phật, tức nhập niết bàn (parinirvana). Trong Đại thừa, người ta nói rằng Đức Phật chỉ hiển lộ việc nhập diệt, và không thật sự có một sự nhập diệt như Ngài có trong hệ thống Tiểu thừa. Nhưng cách Ngài hiển lộ việc nhập diệt thì theo cách thông thường mà chúng ta đã quen thuộc.

Khi Đức Phật đang tu tập trên đường tu, vẫn còn phải tu tập, thì Ngài đã có nhiều tái sinh, và có một mô tả về 500 tái sinh trong thân tướng thanh tịnh, và 500 tái sinh trong thân tướng bất tịnh. 500 tái sinh bất tịnh này có thân tướng phi nhân, và một trong số đó là tái sinh như một con vượn rất lớn. Vào thời đó, có những thợ săn đi săn bắt thú rừng. Khi tất cả các loài thú đang chạy trốn những người thợ săn, thì con vượn lớn này, vốn là tiền kiếp của Đức Phật, đã nhìn thấy một dòng suối. Nó để hai chân ở một bên bờ suối, nằm bắt ngang trên dòng suối, đặt tay ở bên kia bờ suối, tạo thành một cây cầu để những con nai và các thú rừng khác có thể băng qua suối, chạy trốn những người thợ săn. Sau khi tất cả các con vật đã đi qua, con vượn nhìn lại, và thấy có một con thú nhỏ bé vẫn đang chạy đến, nên nó đã đợi cho đến khi con vật cuối cùng này vượt qua dòng suối. Tất cả những loài thú có móng vuốc rất sắc bén, như hươu và vân vân đã dẫm trên mình con vượn, làm trầy lưng nó, tạo ra thương tích nặng nề. Thân thể con vượn ở trong tình trạng thảm hại, và không còn sử dụng được nữa, nên nó đã buông tay, rơi xuống suối và chết.

Sau này, khi Đức Phật tái sinh thành Thích Ca Mâu Ni, thì đã có rất nhiều đệ tử, mà Ngài đã dẫn dắt đến trạng thái chứng ngộ và chứng đắc. Khi Đức Phật sắp nhập diệt, Ngài nhận thấy có một người ngoại đạo vẫn còn nghiệp để trở thành đệ tử của mình, và sẽ thành tựu chứng ngộ, nên Ngài đã gia trì, để thọ mạng của mình sẽ kéo dài thêm một tháng nữa, để có thể dạy cho vị đệ tử cuối cùng này. Sau một tháng kéo dài thọ mạng, Ngài đã đến Kushinagar và nhập niết bàn. Lý do cho điều này là vì vị đệ tử cuối cùng này là con thú nhỏ bé trong rừng, đã bị bỏ rơi lại, sau khi tất cả những loài thú khác đã vượt qua dòng suối, và vẫn có nghiệp để đi qua cây cầu mà trong tiền kiếp là thân của con vượn. Vì vậy, con thú nhỏ bé này vẫn có nghiệp làm đệ tử của Đức Phật, và câu chuyện này xuất hiện là vì vậy.

Các Thân Phật

Loại Hóa thân này (Nirmanakaya) của một vị Phật được gọi là Hóa thân Tối thượng, có 32 tướng tốt và 80 tướng phụ, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nếu như mình đã tích tập công đức để gặp gỡ một Hóa thân Tối thượng của một vị Phật, thì ngay cả khi là chúng sinh phàm trần, chúng ta vẫn sẽ gặp một vị như vậy, nhưng nếu như không có công đức, thì sẽ không gặp được. Đối với Báo thân (Sambhogakaya), hay Thọ dụng thân của một vị Phật trong Đại thừa, thì đây là những đấng ở trong cõi Wo-min hay Sắc Cứu Cánh Thiên (Akanishta), đó là cõi mà không có cõi nào cao hơn, và chỉ có chư Bồ tát thánh nhân mới nhìn thấy được.  Bồ tát thánh nhân là những bậc cống hiến hết lòng, đã trực tiếp chứng ngộ tánh Không vô niệm. Ngoài những vị Bồ tát thánh nhân này ra, không ai khác có thể nhìn thấy các Báo thân. Đối với Pháp thân (Dharmakaya), tức thân Phật bao trùm vạn pháp, thì trừ chư Phật ra, không có chúng sinh nào khác, thậm chí cả Bồ tát thánh nhân, có thể nhận thức được.

Trong số các loại thân Phật, là chúng sinh phàm trần, thì chúng ta không thể nhìn thấy Pháp thân, Báo thân, tức Thọ dụng thân, và thậm chí hầu hết chúng ta không thể nhìn thấy Hóa thân Tối thượng. Tuy nhiên, có ba loại Hóa thân, đó là:

  • Hóa thân Tối thượng
  • Hóa thân như Nghệ sĩ
  • Hóa thân như một Nhân vật

Những chúng sinh phàm trần như chúng ta có khả năng nhìn thấy một Hóa thân như một nghệ sĩ, hay một nhân vật bình thường. Ví dụ về Hóa thân là những nhân vật, những người đã được sinh ra theo nghĩa đen, là vị Trợ Giáo Chánh Yongdzin Ling Rinpoche và Đức Dalai Lama.

Đối với Tăng đoàn, thì tiếng Phạn có ý nghĩa là “cộng đồng tối thượng”, và tiếng Tây Tạng thì có ý nghĩa là “chủ ý” và “mục tiêu tích cực”. Vì vậy, khi kết hợp những điều này với nhau như “cộng đồng tối thượng, có chủ ý về một mục tiêu tích cực”, hay “cộng đồng có chủ ý”, thì sẽ truyền đạt toàn bộ ý nghĩa của cả tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng.

Việc trì tụng bằng cả hai thứ tiếng Tây Tạng và tiếng Anh, và có được bài dịch thuật truyền đạt ý nghĩa của từ ngữ chánh gốc thì sẽ rất hữu ích, thay vì chỉ có những từ thông dụng mà mình đã thừa hưởng từ những thông dịch viên trước đó, khi quý vị thọ giới Đại thừa, 

Có một câu chuyện, cho thấy một ví dụ về Hóa thân như một Nghệ nhân, hay nghệ sĩ. Ngày xưa, có một vị Vua của Càn thát bà (gandharvas). Càn thát bà là những nhạc sĩ trên thiên giới; theo nghĩa đen thì tên của họ có nghĩa là “những người tự bảo trì bằng nước hoa”. Vua của các nhạc sĩ trên thiên giới đã vô cùng tự hào và kiêu hãnh, vì là một người chơi đàn vina tuyệt vời, đó là nhạc cụ có dây của Ấn Độ. Để điều phục nhà vua tự hào này, Đức Phật đã hóa thân thành một Nghệ nhân, lần này là một nhạc sĩ. Hai người đã có một cuộc thi âm nhạc, chơi đàn vina, có 1000 dây. Ở mỗi một vòng thi đấu thì họ sẽ cắt bỏ nhiều dây đàn hơn nữa, và tiếp tục chơi đàn vina, càng ngày càng có ít dây hơn nữa, cho đến khi chỉ còn một dây. Nhà vua vẫn có thể theo kịp Đức Phật, nhưng sau đó, Đức Phật đã cắt sợi dây đàn cuối cùng, và tiếp tục chơi những bản nhạc hay, mà không có dây đàn, và nhà vua phải chịu thua. Bằng cách này, Đức Phật đã có thể hạ thấp niềm kiêu hãnh của nhà vua, và cuối cùng, đã điều phục tâm trí của ông. Đây là một ví dụ về Hóa thân như một Nghệ sĩ.

Vậy thì những Sắc thân mà chúng ta có thể gặp, trước khi mình thành Phật, sẽ giống như Hóa thân Tối thượng, Hóa thân như một Nghệ sĩ, Hóa thân như một Nhân vật, đó là những Hóa thân khác nhau, và cũng như Báo thân, hay Thọ dụng thân. Trong số các Sắc thân này, thì thân Thọ dụng, hay Báo thân, là một thân không hề có sự nhập diệt. Trong khi các Hóa thân, là thân Tối thượng, hay một Nghệ sĩ, hay Nhân vật, là những thân mà Đức Phật sẽ hiển lộ sự nhập diệt.

Vậy thì thắc mắc đó đã xảy ra như thế nào, từ điểm nào trong bài thuyết pháp? Trong dịp nào?

Con nghĩ là Thầy đã nói về bốn lực đối trị, và chúng ta có thể tịnh hóa nghiệp. Sau đó, thì có câu chuyện về vị A la hán vẫn phải gánh chịu kết quả khổ đau từ hành vi của ngài. 

Câu hỏi đã phát sinh từ câu chuyện này về ngài Long Thọ, mà ngài đã nói rằng: “Cách duy nhất mà ngài có thể giết ta, là vì ta còn sót lại một nghiệp lực  vẫn chưa được công khai thừa nhận. Ta đã giết một con kiến, nhưng đã không tịnh hóa nghiệp này, nên có một cách để ngài có thể giết ta, là làm theo cách giống như ta đã giết con kiến ấy. Thế thì câu hỏi là đối với chư Phật, khi các ngài thị hiện nhập diệt, thì đó có phải là một trường hợp tương tự hay không? Có phải nó được dựa trên một nghiệp lực mà các ngài chưa tịnh hóa hay không?

Chư Phật giải thích nó là như thế, nhưng trên thực tế thì các ngài chỉ muốn chứng minh luật nhân quả thôi. Chư Phật đã tịnh hóa mọi ác nghiệp, nên không có lý do gì mà các ngài phải trải nghiệm kết quả của ác nghiệp nào, đã được tạo tác trong quá khứ. Tuy nhiên, để chứng minh tính xác quyết của quy luật về nghiệp, đôi khi, các ngài sẽ thị hiện những điều khác nhau xảy ra cho tự thân, mặc dù đây chỉ là một sự thị hiện mà các ngài đã tạo ra, để giảng dạy một bài học cụ thể.

Những Ví Dụ Khác, Về Việc Nếu Đã Tạo Tác Hành Vi Nào, Thì Sẽ Gặt Quả Của Nó

Có một câu chuyện lịch sử về Đức Phật, khi chân Ngài bị gai đâm. Người ta thắc mắc rằng: “Vì sao Ngài lại bị gai đâm?”. Ngài đáp rằng: “Trong một kiếp trước, ta là thuyền trưởng trên một chiếc tàu đi buôn, chở 500 thương nhân. Tàu đã ra khơi, để lấy kho báu từ đáy biển, rồi trở về bờ, nên chứa đầy châu báu và những vật quý báu.

Có một tên tội phạm trên tàu, tên là Minag Dungdung, người muốn chiếm đoạt chiếc thuyền, giết tất cả mọi người và cướp lấy kho báu. Lúc đó, ta thấy rằng nếu như không làm điều gì để ngăn cản tên tội phạm này, thì hắn sẽ giết tất cả mọi người. Vì vậy, ta đã hoán chuyển tự thân với tha nhân, và thay vì để cho tên tội phạm này tích lũy ác nghiệp to lớn, khi giết hại mọi người, và để cho các thương nhân phải chịu khổ, vì sẽ bị hắn giết hại, thì ta đã tự gánh lấy mọi quả khổ, bằng cách giết hắn, để ngăn chận hành động này của hắn. Vào thời điểm ấy, khi giết người này, ta đã sẵn sàng chấp nhận tất cả những hậu quả tai hại sẽ xảy ra sau đó. Việc ta bị gai đâm vào chân là kết quả của điều đó.”.

Đương nhiên là Đức Phật đã tự tịnh hóa ác nghiệp ấy, nhưng Ngài đã bị gai đâm, để đệ tử dạy bài học ấy. Thế thì có những loại ví dụ này, ngay cả với chư Phật. Đây là những ví dụ thực tế, là nếu đã tạo tác hành vi nào đó, thì quý vị sẽ phải gặp quả của nó, và nếu như chưa hề tạo ra nó, thì sẽ không trải nghiệm quả của nó.

Một ví dụ khác mà tôi đã bỏ qua là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đã đánh, hay cố gắng đánh Đức Phật. Điều này cũng có thể dạy cho mọi người cùng một loại bài học về nghiệp.

Những Ví Dụ Khác Về Việc Nếu Như Đã Tạo Ra Hành Vi Nào, Thì Nó Sẽ Không Trở Nên Vô Ích

Tuy nhiên, vẫn có một loại ví dụ khác. Vào thời xa xưa, có mười sáu tên trộm, đã ăn cắp một con bò, và đem nó đến nhà của một người phụ nữ trong thị trấn, là chủ nhân của một nhà trọ. Sau đó, họ đã làm thịt con bò để ăn. Vào thời Đức Phật, một người vợ của một vị Thượng thơ đã có mười sáu đứa con trai. Mười sáu người con trai cực kỳ tài giỏi, uyên bác và thông minh, nên nhà vua rất yêu thích họ. Vào thời điểm đó, con bò đã bị lấy trộm trong kiếp trước đã tái sinh thành một vị Thượng thơ khác, cũng phụng sự cho nhà vua này, và ông đã không ưa những đứa trẻ này. Có một lần, mười sáu đứa con trai này, là những thanh niên khá ồn ào và năng động, đang băng qua một cây cầu, và đang phá phách, la hét, đâm thọt nhau. Vị Thượng thơ đã từng là con bò bèn nói với nhà vua rằng: “Ngài yêu thích những đứa trẻ ở đàng kia, nhưng thật ra, chúng không tốt lành gì, mà chỉ giả vờ rất tốt lành và ngây thơ trước mặt ngài thôi.”.

Một ngày nọ, vị Thượng thơ này đã tặng cho mười sáu đứa con trai này những cây gậy rỗng ruột, làm bằng một loại pha lê, nhưng trong mỗi cây gậy đều có một con dao bén, được giấu bên trong. Ở bên ngoài thì người ta không thể thấy con dao được giấu bên trong, và chúng trông giống như những cây gậy pha lê rất đẹp đẽ. Sau đó, vị Thượng thơ này nói với nhà vua rằng: “Ngài nghĩ rằng những cậu bé đó rất ngây thơ và dễ thương, nhưng thật ra, một ngày nào đó, chúng sẽ đến đây với những cây gậy pha lê có giấu vũ khí bên trong, và sẽ giết ngài.”. Nhà vua thấy mấy cậu bé chơi đùa bên ngoài với những cây gậy này, và dù không tin lời vị Thượng thơ này, nhưng cũng đã sai người mang vào một trong những cây gậy này, và bẻ nó ra, để xem có cái gì ở bên trong hay không.

Bấy giờ, Đức Phật đã biết mưu đồ khủng khiếp này đang diễn ra, nên trong đêm ấy, đã đến nhà mẹ của những đứa trẻ này, và thuyết Pháp cho bà, và bà đã chứng ngộ tánh Không, thành tựu quả vị của một bậc giải thoát, một vị A la hán. Ở triều đình thì nhà vua đã ra lệnh bẻ gẫy một trong những cây gậy này, và thấy rằng nó thật sự có giấu vũ khí ở bên trong. Ngài rất tức giận với các cậu bé, nên không cần xử án hay điều tra thêm nữa, đã ra lệnh chặt hết đầu của những đứa bé này, và đặt đầu của chúng trong một cái hộp lớn, rồi gởi nó đến nhà mẹ của chúng. Nhưng như tôi đã giải thích, người mẹ đã được Đức Phật viếng thăm vào tối hôm đó, và đã chứng ngộ tánh Không vô niệm, nên khi mở chiếc hộp với thủ cấp của mười sáu đứa con trai của mình, thì bà đã giữ được bình tĩnh, và không buồn bã.

Trong câu chuyện này, mười sáu đứa con trai là mười sáu người đã ăn trộm con bò trong kiếp trước, và người mẹ là người chủ nhà trọ, người phụ nữ đã giúp họ chuẩn bị bữa ăn, và đã dọn món thịt bò cho những người đã ăn trộm con bò. Điều này cho thấy rằng nếu đã tạo tác hành vi nào đó trong quá khứ, thì nghiệp lực được tính lũy từ hành vi ấy sẽ không bị lãng phí, mà trên thực tế, sẽ trổ quả.

Những Ví Dụ Khác Về Nghiệp Trổ

Vào thời của Đức Phật, có một thương nhân buôn gỗ, đã cúng dường tiền vàng cho Đức Phật và Tăng đoàn. Kết quả là người này đã tái sinh với những bông tai bằng vàng. Một người khác đã cúng dường vàng cho Đức Phật, và khi người này tái sinh, thì bất cứ khi nào người này nắm chặt tay, rồi xòe tay ra, thì một đồng tiền vàng sẽ rớt ra.

Ở một nơi khác, có một người đang xây dựng một bảo tháp khổng lồ, một tượng đài an vị xá lợi, và có một công nhân luôn phàn nàn về mọi việc liên quan đến công việc này: “Tại sao bạn lại xây dựng một thứ quái dị to lớn như vậy? Có quá nhiều việc!”. Lúc nào anh cũng phàn nàn. Thế là anh ta tiếp tục phàn nàn rằng bảo tháp quá to lớn. và là một điều quái dị, nhưng cuối cùng, thì nó đã được xây xong. Khi nhìn thấy bảo tháp được hoàn tất, anh ta đã tùy hỷ, và nghĩ rằng nó thật là đáng giá. Anh đã dùng tiền lương của mình để mua một chiếc chuông vàng, cúng dường cho bảo tháp, và nó đã được đặt trên đỉnh tháp. Kết quả là anh đã được tái sinh vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như một nhà sư, được gọi là “người có giọng nói ngọt ngào”, vì giọng nói của ông vô cùng ngọt ngào. Tuy nhiên, thân thể của nhà sư thì hoàn toàn quái dị và thảm thương. Nhà sư là một người lùn rất dị dạng, và bất cứ ai nhìn thấy ông, đều thấy ghê sợ và buồn nôn. Nhưng giọng của nhà sư ngọt ngào đến nỗi bất người nào đi ngang qua, cũng sẽ dừng lại và lắng nghe giọng của ông. Khi nhà sư này tụng kinh, thì ngay cả những con thú cũng vểnh tai lên để nghe.

Một lần nọ, một vị thí chủ giàu có đến thăm Đức Phật, và nghe giọng tụng kinh thanh thoát này, nên đã nói rằng: “Con muốn gặp nhà sư đang tụng kinh .”. Đức Phật đáp rằng: “Không, con sẽ không muốn gặp đâu. Tốt hơn là con không nên nhìn thấy ông ấy.”. Nhưng vị thí chủ khăng khăng muốn gặp nhà sư này, và khi nhìn thấy ông, thì vị thí chủ đã quá ghê sợ. Ông đã hỏi nguyên nhân của điều này là gì, và Đức Phật giải thích rằng trong một kiếp trước, nhà sư là một công nhân xây dựng bảo tháp, mà cứ phàn nàn rằng bảo tháp là một thứ quái dị, và không nên xây quá lớn. Kết quả là anh ta đã tái sinh thành một người lùn dị dạng rất nhỏ con, một người quái dị. Tuy nhiên, khi công trình xây dựng bảo tháp kết thúc, thì người công nhân ấy đã cúng dường một cái chuông cho bảo tháp, nên kết quả là đã có giọng nói tuyệt vời trong kiếp này.

Có một câu chuyện khác về một vùng đất có bảy vị nữ hoàng, đã đi dã ngoại (picnic) cùng với người hầu của họ. Trong buổi dã ngoại, họ muốn đốt lửa trại, và thấy một bụi cây có tổ chim trĩ trong đó. Trong khi người thị nữ đi lấy nước, thì bảy vị nữ hoàng đã dùng bụi cây này để đốt lửa, khiến cho những con chim trĩ bị chết cháy. Khi các nữ hoàng này tái sinh vào thời Đức Phật, thì đều trở thành ni cô, và đã thành tựu quả vị A la hán, những bậc giải thoát. Là những bậc giải thoát, họ có tất cả thần thông, có thể bay trên không trung, và có thể phóng ra các đại như lửa và nước, v.v..., từ thân thể của mình. Người thị nữ cũng tái sinh vào thời đó, và cũng sống chung với các ni sư này, nhưng lại chưa thành tựu quả vị A la hán.

Một ngày nọ, khi có đủ mặt mọi người, thì bỗng nhiên ngôi nhà bốc cháy, và dù cho bảy ni sư đã thành tựu giải thoát, có thần thông, có thể bay trên không gian, nhưng lại không thể sử dụng thần thông vào lúc đó, nên đều bị chết cháy. Một lần nữa, đây là một ví dụ rằng nếu đã tích tập nghiệp lực nào đó, thì mình phải gánh lấy hậu quả của nó, và nó sẽ không mất đi. Một lần nữa, trong ví dụ này, các ni sư đã không thừa nhận sai lầm của họ, và tịnh hóa ác nghiệp mà họ đã tích lũy. Người thị nữ đã không tham gia vào hành động đốt bụi cây có chim trĩ trong đó, cũng bị kẹt trong đám cháy trong kiếp sau, nhưng đã thoát khỏi đám cháy, bằng cách chui vào ống cống để ra khỏi căn nhà. Ví dụ này cũng cho thấy rằng khi chưa tích lũy một nghiệp nào đó, thì mình không phải trải nghiệm kết quả của nó.

Phát Khởi Tín Tâm Xác Tín Vào Giáo Lý Về Nghiệp

Tất cả các chi tiết chính xác, phức tạp và tinh vi của luật nhân quả là điều mà chỉ có một vị Phật giác ngộ viên mãn mới có thể ý thức một cách trọn vẹn. Điều rất quan trọng là hãy nghiên cứu những quy luật này, và những vấn đề này. Những kinh sách giải thích đề tài này là những bản dịch về lời Phật dạy, Kangyur (Kinh tạng), trong một vài bộ Kinh, đặc biệt là trong Kinh Hiền Ngu (Sutra of the Wise and Fool). Tất cả những kinh này đều bàn luận về nghiệp, và quý vị nên cố gắng nghiên cứu chúng.

Còn về khai thị về nhân quả, thì việc tái sinh ở những cõi thấp hơn và những điều như vậy là điều mà chúng ta không thể thấy bằng nhận thức trực tiếp, bằng mắt của mình. Cách duy nhất mà mình có thể tin vào điều đó là dựa vào thẩm quyền kinh điển của Đức Phật, dựa vào lời Phật dạy. Làm thế nào để có tín tâm xác tín, rằng những điều Đức Phật nói về nghiệp và những điều này là đúng? Nếu như chỉ chấp nhận điều đó, bởi vì Đức Phật rất tôn quý, và là một thánh nhân, thì đó là điều không ổn đối với mọi người, và không phải là lý do rất vững chắc, hay ổn định, để tin vào những điều Phật dạy, bởi vì cuối cùng, quý vị có thể nghĩ rằng Phật chỉ bịa đặt ra tất cả những điều này.

Làm sao để có được tín tâm xác tín về những điều mà Đức Phật đã dạy về nghiệp và những quy luật này? Chúng ta sẽ xem xét tất cả những điều Đức Phật đã nói về tánh Không, về thực tại. Đức Phật đã đưa ra nhiều lý luận hợp lý, để xác định rằng không có điều gì giống như những cách tồn tại ảo tưởng, bất khả dĩ. Nếu như chúng ta sử dụng khả năng suy luận, noi theo những lý luận hợp lý này, thì cũng sẽ vững tin rằng những điều Đức Phật nói về thực tại là đúng. Tương tự như vậy, Đức Phật đã giảng dạy đủ mọi phương pháp, để chúng ta có thể thành tựu định tâm, để có thể phát triển shamatha, thiền chỉ, và nếu như mình tu tập nó, thì có thể thành tựu định tâm. Khi đã tự chứng minh tất cả những điều này, thì quý vị sẽ có được tín tâm xác tín, rằng những điều Đức Phật nói là đúng, nên khi mở rộng thêm, thì quý vị sẽ có tín tâm xác tín về những điều Đức Phật đã nói về luật nhân quả.

Tất cả những điều này đã bắt nguồn từ việc bàn luận về thập ác và thập thiện. Đây là những điều rất quan trọng để biết, và áp dụng vào việc tu hành.

Top