Chi Tiết Về Thập Ác

Nếu như giải thích như cách tôi đã làm, thì quý vị thấy có lợi ích không? Tôi hỏi quý vị, bởi vì có nhiều cách khác nhau để thuyết Pháp. 

Tiến sĩ Berzin: Rinpoche  muốn nghe ý kiến của quý vị. Đây có phải là cách thích hợp để thuyết giảng đề tài này cho quý vị hay không?

Nếu quý vị thấy đây là cách thuyết Pháp tốt, thì tôi sẽ tiếp tục như vậy, bởi vì toàn bộ vấn đề là giải thích điều gì có ích cho quý vị, và giúp cho điều này trở thành kinh nghiệm ích lợi. Dù quý vị lắng nghe giáo pháp nào, dù quý vị học hỏi được điều gì về các pháp ngăn ngừa này, đó là điều mà quý vị sẽ lắng nghe trước hết, rồi sau đó, dựa vào đó, quý vị sẽ hiểu biết về chúng. Khi hiểu biết rồi, thì quý vị nên cố gắng áp dụng chúng vào việc tu tập, đó là điều mà chúng ta đang làm ở đây.

Nếu như chỉ hiểu biết về các pháp ngăn ngừa, mà không đưa chúng vào việc tu tập, thì sẽ không có thành tựu lớn lao. Ngay cả khi muốn áp dụng các pháp ngăn ngừa và tu tập chúng, nếu như không biết phải thực hiện pháp nào, thì quý vị không thể áp dụng chúng. Do đó, điều quan trọng là vừa học hỏi, vừa áp dụng kiến thức vào việc tu tập. Phải nghe thuyết Pháp, lắng nghe lời giải thích về các biện pháp này, học hỏi về chúng và thực hành chúng. Tất cả những điều này phải đi cùng với nhau, vì đó là một quá trình.

Ba Ác Nghiệp Về Thân

Bình Luận Về Việc Không Sát Sanh

Tôi đã giải thích cho quý vị những điều liên quan đến ác nghiệp của việc cướp đi mạng sống của bất kỳ sinh vật nào, và bây giờ, quý vị đã biết điều này, dựa vào việc đã nghe lời giải thích này của tôi. Vậy thì quý vị đã nghe những gì? Quý vị đã nghe tất cả những khuyết điểm và bất lợi của việc giết hại, và đã nghe tất cả những lợi điểm và ích lợi của việc kềm chế, không cướp đi mạng sống của sinh vật nào. Vậy thì bây giờ, quý vị đã biết, và khi đã hiểu biết về nó, thì việc đưa nó vào hành trì có nghĩa là có một lời hứa rất mạnh mẽ, hay thệ nguyện rằng từ giờ trở đi, “tôi sẽ không cướp đi mạng sống của bất cứ sinh loài nào, ngay cả mạng sống của một côn trùng nhỏ bé.”.

Việc kềm chế bản thân, để không tạo ác nghiệp như vậy là việc tu hành. Nhưng trong đời sống hàng ngày, quý vị sẽ đi bộ, và khi đi bộ thì chắc chắn quý vị sẽ dẫm lên những côn trùng nhỏ trên mặt đất. Trong trường hợp này, quý vị sẽ làm điều đó một cách tình cờ, mà không nhận thức rõ ràng về những điều mình đang làm. Không có động lực để ra ngoài và dẫm lên những côn trùng này. Đó là điều vô tình, và tất cả các yếu tố liên quan đến việc hoàn tất hành động không có mặt đầy đủ, nên đó là một trường hợp khác.

Một thời nọ, có một người đồ tể sống cùng thời với bậc thánh nhân, hay bậc có chứng ngộ cao, đó là Ma Ha Ca Chiên Diện (Katyayana). Khi gặp ngài, thì người đồ tể đã thọ giới với ngài. Người đồ tể nói rằng: “Con không thể ngưng giết thú vật vào ban ngày, nhưng thề sẽ không giết mổ chúng vào ban đêm.”. Thế là ông đã thề rằng sẽ tiếp tục làm đồ tể vào ban ngày, nhưng sẽ dừng tay vào ban đêm, và không bao giờ giết một con thú sau khi trời tối. Kết quả là trong tái sinh kế tiếp, vào ban đêm, tương ứng với thời gian mà ông đã tránh việc giết hại thú vật, thì mọi việc diễn ra vô cùng tốt đẹp. Ông có đủ thức ăn thức uống, mọi việc đều thoải mái và tốt đẹp. Nhưng vào ban ngày, tất cả những con thú ở quanh đó sẽ tấn công ông, và sự việc hoàn toàn kinh khủng, vì tất cả những loài thú hoang và động vật ở quanh đó sẽ cố gắng dùng sừng để húc ông, và tấn công ông.

Nếu như nghĩ về một ví dụ mà sự việc được đảo ngược lại, với việc làm thịt thú vật vào ban đêm, và kềm chế việc giết mổ vào ban ngày, thì trong trường hợp như vậy, sự tình sẽ rất dễ chịu vào ban ngày. Quý vị sẽ có rất nhiều thức ăn và thức uống; mọi việc sẽ thoải mái, và mọi người xung quanh quý vị sẽ ôn hòa với nhau. Có một nhà sư tình cờ gặp một người đã trải qua tình huống này, khi mọi việc diễn ra tốt đẹp vào ban ngày, nhưng vào ban đêm, thì bị thú vật tấn công. Ông đã xin Phật giải thích nguyên nhân của việc này, và Đức Phật nói rằng đó là kết quả của việc người này đã làm đồ tể trong kiếp trước, và đã không giết thú vật vào ban ngày, nhưng đã làm thịt chúng vào ban đêm.

Trộm Cắp

Loại ác nghiệp tiếp theo của thân là trộm cắp, lấy những thứ mà mình không được ai cho. Điều này nói về bất cứ thứ gì không thuộc về mình. Việc lấy những gì không được trao tặng cho mình, không chỉ bao gồm việc trộm cắp, mà còn kể cả việc lái xe qua trạm thu phí, trên đường thu lệ phí, mà không chịu trả tiền, chẳng hạn vậy. Đó cũng là lấy những gì mình không được cho, đó là trộm cắp.

Đối với kết quả sẽ trổ từ đó, về mặt tái sinh, thì đương nhiên, cũng như đối với những ác nghiệp khác, nó sẽ là tái sinh trong một những trạng thái tồi tệ nhất như một chúng sinh trong địa ngục, hay ngạ quỷ, hoặc súc sanh. Nếu như quý vị được tái sinh thành người một lần nữa, và khi điều đó xảy ra, thì kết quả sẽ là trong kiếp đó, quý vị sẽ vô cùng nghèo hèn, không có gì cả. Đó là quả tương ứng với nhân của nó, theo kinh nghiệm của mình, đó là quý vị sẽ rất nghèo. Vì quả tương ứng với nhân của nó, về mặt hành vi bản năng, rồi thì dù quý vị có giàu có đến mức nào, hay có thể uyên bác hay thiện xảo đến đâu, thì theo bản năng, quý vị sẽ thích việc trộm cắp. Xét về kết quả toàn diện, thì quý vị sẽ tái sinh ở một nơi rất nghèo nàn, nơi mà không có mưa đúng mùa, và những thứ như thức ăn và thức uống rất khan hiếm.

Chẳng hạn như Mỹ là một quốc gia rất giàu có, dồi dào thức ăn và thức uống, và đó là kết quả của việc người dân ở đây đã không trộm cắp trong quá khứ. Do đó, nếu như muốn tiếp tục tái sinh ở những nước thịnh vượng, ở những nơi giàu có, thì quý vị phải tránh việc trộm cắp, không lấy thứ gì thuộc về người khác, bất cứ thứ gì không thuộc về mình. Quý vị sẽ được tái sinh ở một nơi giàu có như thế này, như quả trổ từ việc không trộm cắp. Xét về quả tương ứng với nhân của nó, trong kinh nghiệm của bản thân, thì quý vị sẽ rất giàu có, và có được mọi thứ mà quý vị muốn. Kết quả toàn diện sẽ là nơi mà quý vị tái sinh sẽ thịnh vượng và giàu có. Do đó, nên xem xét những khuyết điểm và bất lợi của việc trộm cắp, việc trở thành một tên trộm, và nghĩ về kết quả lợi lạc của việc kềm chế những hành vi này. Sau đó, nếu như quý vị thọ giới để kềm chế và hứa nguyện không bao giờ trộm cắp nữa, thì điều này sẽ có tính cách rất tích cực, và sẽ đưa đến kết quả rất tốt đẹp.

Pháp là hành trì tâm linh, liên quan đến việc thực hiện những pháp ngăn ngừa cho những kiếp tương lai, từ kiếp sau trở đi. Do đó, chẳng hạn, đó là việc nghĩ rằng trong kiếp sau, tôi muốn sống lâu và khỏe mạnh, nên sẽ áp dụng pháp ngăn ngừa, không giết hại. Trong những kiếp tương lai, tôi muốn được giàu có và thịnh vượng, nên sẽ áp dụng pháp ngăn ngừa, không trộm cắp, không lấy những thứ mà không ai cho mình. Đây là những điều liên quan trong đó, khi nói về việc thực hiện các pháp phòng ngừa của Pháp.

Tà Dâm

Ác nghiệp tiếp theo của thân là tà dâm. Những điều liên quan đến tà dâm là ngoại tình, chẳng hạn như quan hệ tình dục với người nào không phải là bạn tình của mình. Đối với những hành vi tà dâm như vậy thì kết quả sẽ trổ về mặt tái sinh là chẳng hạn như quý vị sẽ tái sinh thành một chúng sinh trong một cõi thấp hơn, ở một nơi cực kỳ bẩn thỉu. Ví dụ, quý vị có thể thấy những loài côn trùng và ruồi nhặn sống trong hầm phân, ở những đầm lầy ô nhiễm, hoàn toàn khủng khiếp. Đó là một quả trổ từ việc tà dâm. Một quả tương ứng với nhân của nó, trong kinh nghiệm của mình, là khi được tái sinh thành người sau này, thì bạn tình của quý vị sẽ không chung thủy, quý vị không thể sống với người bạn đời lâu dài, và thân thể quý vị sẽ có mùi hôi. Mặt khác, nhờ kết quả của việc kềm chế những hành vi tà dâm, mà thân thể quý vị sẽ có hương thơm và sáng lạng, và quý vị sẽ hòa thuận với người bạn đời.

Khi nói về việc trộm cắp, lấy những gì không ai cho, thì hãy nhớ rằng trong việc phân tích những hành vi này, có bốn yếu tố phải được hoàn tất. Việc hoàn tất việc trộm cắp là có cảm giác rằng những gì mình lấy đã thuộc về mình. Điều mà ta phải hoàn tất trong một hành vi tà dâm là đạt được cực khoái.

Đây là ba ác hạnh của thân.

Bốn Ác Nghiệp Về Ngữ

Nói Dối

Ác hạnh thứ tư dẫn đến ác nghiệp về lời nói. Có bốn loại khẩu nghiệp, và nghiệp đầu tiên là nói dối. Những vấn đề mà quý vị sẽ nói dối là một trong bốn điều sau đây: điều gì mà quý vị đã nghe; hoặc thấy; điều gì mà quý vị đã gặp gỡ; hay biết về nó. Tương tự như vậy, nó có thể là bốn điều đối ngược với những điều này: điều gì mà quý vị chưa thấy; hoặc chưa nghe; chưa gặp hoặc chưa trải qua; hay điều gì mà quý vị chưa biết.

Việc công nhận phải trái ngược với những điều mà quý vị đã trải qua. Nói cách khác là quý vị phải nhận ra là mình đã thấy điều gì đó, nhưng lại nói rằng mình không thấy, hoặc đã nghe điều gì đó, nhưng lại nói rằng mình chưa nghe nó; hay đối ngược với những điều này, là nhận ra rằng mình chưa nhìn thấy điều gì, nhưng lại nói rằng đã nhìn thấy nó. Nó phải là việc công nhận như vậy.

Bất kỳ loại động lực nào cũng có thể liên quan đến việc nói dối, và những điều này có thể ở trong phạm trù của tham, hay sân, hay si. Điều tương tự cũng áp dụng với bất cứ ác nghiệp nào; chúng có thể xuất phát từ bất cứ thái độ độc hại nào trong tam độc, tham, sân, si.

Yếu tố thúc đẩy, tạo ra việc nói dối, sẽ là thói quen nói dối liên tục. Nói cách khác, nếu quý vị luôn lừa dối người khác, nếu quý vị luôn luôn bịa đặt, thì mãnh lực của điều đó sẽ khiến cho việc nói dối của quý vị tự động phát sinh, như người bắt buộc phải nói dối. Còn về hành động liên quan đến việc nói dối này, thì nó có thể là việc nói điều gì. Nhưng thậm chí, quý vị không phải nói điều gì, mà nó có thể là cử chỉ của thân thể, hay cách biểu hiện, hoặc tỏ ra dấu hiệu nào đó về sự dối trá bằng lời nói hay thân thể. Kết cuộc là khi người kia hiểu sự dối trá của quý vị, cho dù đó là bằng lời nói, cử chỉ hay biểu hiện, hay không tỏ ra điều gì, mà họ hiểu được điều đó, và nhận thức được những điều quý vị đang cố truyền đạt, thì hành vi đã được hoàn tất.

Khi tôi nói rằng người kia hiểu những gì mà quý vị đã dối trá, điều đó không có nghĩa là họ hiểu rằng quý vị đã nói dối, mà nó có nghĩa là họ hiểu những điều quý vị nói, và tin tưởng quý vị, theo cách là quý vị nói mình đã thấy điều gì, khi chưa thấy nó, và họ hiểu ý của quý vị, và bây giờ, họ hiểu rằng quý vị thật sự đã nhìn thấy điều đó, trong khi trên thực tế thì quý vị không thấy. Điều đó không có nghĩa là họ nhận ra là quý vị đã nói dối, mà chỉ là quý vị đã thông tin với họ, và họ hiểu được điều mà quý vị đang cố gắng truyền đạt cho họ.

Bây giờ, hãy cho tôi biết, tôi vừa mới nói điều gì? Đâu là sự kết cuộc của lời dối trá, nó được hoàn tất như thế nào?

Khi người nào hiểu bạn, nếu bạn đã lừa gạt họ.

“Hiểu” có nghĩa là gì? 

Nếu họ hiểu ý nghĩa của điều mà bạn muốn nói với họ.

Nó không có nghĩa là người kia hiểu rằng quý vị nói dối. Nó chỉ có nghĩa là họ hiểu những gì quý vị nói, hay cử chỉ mà quý vị đã thể hiện. Nếu họ không hiểu rằng quý vị đã nói dối, thì điều đó có nghĩa là họ hiểu những điều mà quý vị nói, hay cử chỉ mà quý vị biểu hiện, là đúng.

Lời Chia Rẽ

Ác nghiệp tiếp theo là điều thứ năm trong số thập ác, hoặc thứ hai trong bốn khẩu nghiệp, hay hành vi bất thiện của ngữ, là nói lời chia rẽ, để tạo ra sự chia rẽ, bằng lời nói. Đối tượng phải là những người hòa hợp với nhau, hoặc không hòa hợp với nhau, có thể là một trong hai trường hợp này. Giống như trước đây, chủ ý phải liên quan đến cả hai việc nhận ra đối tượng, cũng như một động lực. Chẳng hạn như việc nhận thức là quý vị thấy hai người, và nhận ra rằng đây là những người mà mình muốn chia rẽ. Quý vị muốn làm cho họ không thân thiện với nhau, nên nhận ra hai đối tượng mà quý vị muốn tạo ra một sự chia rẽ. Rồi động lực phải là một trong hai trường hợp sau: nếu họ là bạn bè, thì sẽ tạo ra sự rạn nứt giữa hai bên, và khiến họ trở thành kẻ thù; hoặc nếu họ là kẻ thù, thì sẽ làm cho vấn đề tồi tệ hơn.

Hành động có thể là nói điều gì, dù đó là sự thật hay không thì không quan trọng, mà chỉ cần nói bất cứ điều gì. Dù quý vị đã nghe điều đó, hay chưa nghe về điều đó, thì không quan trọng; nhưng cứ nói điều gì, để khiến hai người chia tay nhau, hoặc nếu như họ đã xa cách nhau, thì sẽ xa lìa hơn nữa. Điểm kết cuộc là khi hai bên hiểu những gì mình nói, những lời mình nói sẽ khiến cho họ mất đi sự hòa hợp, đó là kết cuộc của hành động. Một lần nữa, điều đó không có nghĩa là họ hiểu rằng điều mình nói là để tạo ra sự bất hòa giữa hai bên.

Về mặt hành động, thì ngoài việc nói lời chia rẽ, còn phải liên quan đến ít nhất hai đối tượng khác mà mình đang chia rẽ, ngoài bản thân mình ra. Nó có thể là bất cứ điều gì, nhiều hơn hai người. Chẳng hạn như quý vị có thể cố tạo ra sự chia rẽ trong một quốc gia, hay cả vùng, khiến mọi người bất hòa với nhau.

Nói Nặng Lời

Loại ác nghiệp tiếp theo là điều thứ sáu trong số thập ác, hoặc là điều thứ ba trong bốn khẩu nghiệp, và đó là nói nặng lời và lăng mạ. Người liên hệ đến lời nói nặng của mình là bất cứ người nào, mà không phải là bản thân mình - là kẻ thù, bạn bè hoặc người thân - người mà trong quá khứ hay hiện tại, hoặc trong tương lai có thể làm hại mình hay người khác, hay chỉ đơn giản là làm phiền mình. Động lực và việc nhận thức thì tương tự như những ác nghiệp trước đó, và chủ ý là la hét, hay nói điều gì nặng nề và lăng mạ đối với người, hay chúng sinh này.

Rồi thì hành vi thật sự là la hét điều gì, nói điều gì nặng nề và lăng mạ, cho dù đó là sự thật hay không, về giai cấp xã hội của người khác, hoặc điều gì về sự giàu có hay thân thể của họ, hay đạo đức của họ, hoặc bất cứ điều gì, nói chung là nói điều gì rất nặng nề và tàn nhẫn với họ, về bản thân họ.

Về mặt đầu tiên, việc gọi người nào bằng một cái tên xấu xa, liên quan đến đẳng cấp hay địa vị xã hội của họ, chẳng hạn như trong tiếng Anh, có thể là gọi người nào như một tên khốn kiếp, hay điều gì đại loại như thế. Ở Ấn Độ, một hoạn quan giả trang khác giới tính và đánh trống cho lễ hội, hay một người quét rác, hoặc gác cổng, hay điều gì tương tự, là một đẳng cấp rất thấp, nên việc gọi ai là người quét rác hay người gác cổng là điều rất tệ hại. Hoặc ở Tây Tạng, chẳng hạn như một người thợ rèn, hay đồ tể, hoặc người làm việc trong nhà xác, là đẳng cấp rất thấp. Do đó, việc gọi người nào bằng cái tên nào trong số này, thì giống như gọi họ là thằng khốn.

Xét về mặt thể chất, thì việc này có thể giống như gọi ai là người què quặt, hay “mày bị mù”, hay “mày bị điếc”, hay “mày xấu xí”, đại loại là những điều như vậy, về tình trạng thể chất của họ. Tương tự như vậy, quý vị có thể lăng mạ người nào về hành vi của họ, như gọi họ là thằng ngốc, hay con lừa đực, hoặc con chó, hay điều gì tương tự. Tóm lại, đó là bất cứ lời lăng nhục nào mà ta sẽ nói với người nào, và kết cuộc sẽ là khi người đó hiểu những điều mình nói.

Nói Chuyện Phiếm

Ác nghiệp tiếp theo là điều thứ bảy trong số thập ác, là điều thứ tư trong bốn khẩu nghiệp, đó là nói chuyện phiếm. Đối tượng phải là việc nói về điều gì hoàn toàn vô nghĩa, tầm thường. Quý vị phải nhận ra, và cho rằng điều vô nghĩa mà mình đang nói đến là có ý nghĩa. Động lực phải là muốn nói những điều nhảm nhí, tầm thường này, để thể hiện chúng. Hành động là nói ra những điều vô nghĩa, nhảm nhí này. Kết cuộc là không cần có người khác hiểu những gì mình nói, mà chỉ cần thể hiện nó, như tự lẩm bẩm với chính mình, là đủ để hành động được hoàn tất.

Có nên hiểu rằng điều này bao gồm cả những ý nghĩ tản mạn, trong khi đang hành thiền hay không?

Không. Việc diễn đạt những ý nghĩ tản mạn, liên quan trong thời thiền, như khi quý vị đang tìm kiếm cái “tôi”, và có phải “tôi” ở trong đầu hay chân mình, những điều như vậy không phải là nói chuyện phiếm. Đối với việc nói chuyện phiếm thì đối tượng phải là điều gì hoàn toàn vô nghĩa và tầm thường. Ngay cả việc nói những ý tưởng tản mạn trong thời thiền ra thành tiếng, cũng không phải là nói chuyện phiếm, bởi vì quá trình thiền quán không phải là điều vô nghĩa và ngu ngơ, ngay cả khi những ý tưởng tản mạn trong đó là điều gì ngu xuẩn và vô nghĩa.

Có phải ý Thầy nói là những điều như những ý nghĩ tình cờ có thể phát sinh trong thời thiền?

Tiến sĩ Berzin: Ý tôi là những ý tưởng lan man.

Điều mà tôi nghĩ đến như là việc nói lăng nhăng, khi thấy tâm mình tán loạn?

Tiến sĩ Berzin: Giống như là gì?

Bất cứ điều gì sẽ phát sinh. Giống như mình sẽ làm gì, sau thời thiền.

Tiến sĩ Berzin: Nói những điều đó thành lời?

Không, chỉ suy nghĩ thôi.

Tiến sĩ Berzin: Việc nghĩ về điều gì không phải là hành vi của lời nói, nhưng tôi sẽ hỏi Rinpoche, liệu việc nói chuyện phiếm có phải nói thành tiếng hay không.

Serkong Rinpoche: Trước tiên, nó phải được nói thành tiếng, để trở thành việc nói chuyện phiếm, còn việc nói nhảm trong đầu là điều khác biệt. Những điều đang được bàn luận ở đây là một hành động bằng lời nói thật sự, và về mặt đó, thì phải là điều gì hoàn toàn vô nghĩa và ngu ngốc. Nếu như quý vị đang hành thiền, và đói bụng, rồi nói to lên rằng: “Tôi đói bụng. Tôi nên làm món gì cho bữa trưa đây?”. Đó không phải là nói chuyện phiếm, vì nó có ý nghĩa. Nhưng nếu như quý vị nói điều gì hoàn toàn ngu xuẩn và vô nghĩa, không có mục đích, thì đó mới là nói chuyện phiếm.

Ba Ác Nghiệp Của Ý

Tham Lam

Tiếp theo là ác nghiệp thứ tám, và điều này khởi đầu ba ác nghiệp về ý, điều đầu tiên là ý tưởng tham lam, muốn có những thứ thuộc về người khác. Đối tượng của điều này là tài sản của người khác. Động lực sẽ đòi hỏi việc nhận ra đâu là điều mà mình thèm khát, và muốn sở hữu. Chẳng hạn như nếu quý vị thấy ngôi nhà của ai, thì ngôi nhà sẽ là đối tượng, và ý nghĩ sẽ là: “Ồ, ước gì mình có được nó” sẽ là nhận thức, nhận ra đúng điều gì mình đang thèm muốn. Động lực liên quan đến điều này là thói quen liên tục thèm muốn và thèm muốn, tham lam đủ thứ. Hành động là ý nghĩ muốn có được thứ này, và quyết định làm điều gì, để có được điều mà mình muốn. Vậy thì hành vi là nghĩ rằng mình sẽ làm gì, để có được nó, rồi kết cuộc là đưa ra quyết định sẽ cố gắng để có được thứ mà mình muốn.

Ác Ý

Ác nghiệp tiếp theo của ý là nghĩ về những điều có ác ý với người khác. Đối tượng của điều này tương tự như việc nói lời tàn nhẫn, nặng lời và lăng mạ. Chẳng hạn như người đó có thể là kẻ thù, hay người mà mình không thích, kẻ đã làm hại mình trong quá khứ, hay đang làm tổn thương mình trong hiện tại, hoặc có thể làm tổn thương mình trong tương lai. Tương tự như vậy, nó có thể là một người bạn hay người thân, người đã làm điều gì để hãm hại ta, hay làm phiền mình trong quá khứ, hoặc đang làm điều đó hiện nay, hay có thể làm điều đó trong tương lai. Thế thì bất cứ chúng sinh nào cũng có thể là đối tượng của ác ý. Động lực, ý định là nghĩ về người đó, và muốn đấm họ, hay đánh họ, hoặc làm điều gì xấu xa với họ. Ý nghĩ thúc đẩy nên là suy nghĩ để hành động tiếp tục, chẳng hạn như để đi ra ngoài và đánh người đó. Sau đó, hành động là suy nghĩ, để đi ra ngoài và thực hiện ác ý của mình, và không chỉ có ý nghĩ độc hại làm tổn thương người nào, mà còn nỗ lực để thực hiện điều đó, để thật sự làm điều đó. Kết cuộc là khi mình quyết định một cách chắc chắn, chẳng hạn như: “Tôi sẽ lấy cây gậy lớn ở đàng kia, và sẽ đập người nào đó.”. Khi mình quyết định chắc chắn để làm điều đó, thì ác ý đã được hoàn tất.

Tà Kiến

Đối với tà kiến thì đối tượng phải là điều gì là như vậy. Việc nhận thức là tin rằng điều gì không phải là sự thật là thật, và động lực hay chủ ý là phủ nhận nó là sự thật. Hành động là nghĩ rằng ta sẽ nói với người khác về những điều mình nghĩ, chẳng hạn như không có những kiếp tương lai, trong khi thật ra là có, hoặc không có mối quan hệ nào giữa nhân và quả, hay hạnh phúc không bắt nguồn từ thiện hạnh. Kết cuộc là khi mình quyết định chắc chắn sẽ truyền bá niềm tin sai lạc của mình.

Tóm Tắt

Điều rất quan trọng là phải biết những điều này, không chỉ để hiểu biết về những ác nghiệp này, mà còn thật sự áp dụng những giáo pháp này vào việc tu tập, bằng cách kềm chế ác hạnh. Đó thật sự là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể nói đến. Khi A-đề-sa (Atisha) vĩ đại được thỉnh mời đến Tây Tạng, thì nhà vua đã thỉnh mời ngài, và nói rằng: “Xin ngài hãy dạy về nghiệp trước tiên, dạy cho chúng tôi luật nhân quả. Xin đừng nói về những pháp tu cao trong Mật tông.”. Khi nghe lời thỉnh cầu này, A-đề-sa đã rất hoan hỷ.

Các giáo pháp về lojong, đó là pháp luyện tâm, và giáo pháp về Đại thủ ấn (Mahamudra), là đại ấn của thực tại - tất cả đều bao gồm những điểm này về nghiệp, về hành vi và kết quả của nó, như pháp tu sơ khởi của chúng. Không có cách nào để thể nhập vào những giáo pháp này một cách đúng đắn, mà không hiểu điều này, vì nó là nền tảng và bối cảnh.

Thế thì bây giờ, hãy trở lại điểm mà cuộc bàn luận này đã bắt đầu, với câu hỏi ban đầu, Pháp là gì, đâu là pháp ngăn ngừa, hay hành trì tâm linh? Ở cấp độ đầu tiên, thì việc hành trì Pháp bao gồm việc thực hiện các pháp phòng ngừa, để ngăn chận một tái sinh rất tệ hại. Nói cách khác là liên quan đến việc tu tập cho những kiếp tương lai. Do đó, khi quán sát hành vi của mình, và nghĩ về kết quả của hành vi như vậy trong những kiếp tương lai, rồi không tạo ra những ác hạnh, sẽ khiến cho những kiếp tương lai của mình trở nên khốn khổ và tệ hại, thì đó là việc tu tập Pháp.

Bốn Quy Luật Của Nghiệp

Chẳng hạn như quý vị có thể rất vô minh, và nghĩ rằng việc giết thú vật để tế thần, cúng máu, sẽ mang lại cho mình hạnh phúc trong tương lai. Những người làm những việc như vậy là lầm lẫn, bởi vì không có cách nào mà kết quả là mọi việc có thể tốt đẹp trong tương lai, bằng cách giết hại những chúng sinh khác. Kết quả duy nhất có thể xảy ra với việc giết hại chúng sinh để lấy máu tế thần là bất hạnh và đau khổ. Đó là quy luật đầu tiên của nghiệp, rằng nếu như quý vị đang gặp bất hạnh, thì chắc chắn đó là kết quả của những ác nghiệp mà mình đã tạo ra trước đó.

Khía cạnh tiếp theo của luật nhân quả là yếu tố tăng trưởng. Điều này có thể được hiểu ở cấp độ bên ngoài, nếu như quý vị gieo một hạt đào, thì một cây đào rất lớn sẽ mọc ra từ đó. Nếu như gieo hạt táo nhỏ, thì cây táo lớn sẽ mọc ra từ đó. Tương tự như vậy, nếu quý vị tạo ra một thiện hạnh nhỏ như nguyên nhân, thì kết quả sẽ phát sinh từ đó là hạnh phúc, có thể rất lớn lao và không cạn kiệt.

Chẳng hạn, nếu như có một ý nghĩ rất đúng đắn và thiện hảo, và lễ lạy toàn thân, với tác ý cực kỳ thiện hảo ấy, thì quý vị có thể tích tập tiềm năng để tái sinh thành một vị vua cai quản vũ trụ nhiều lần, như số cát dưới thân thể của mình khi lễ lạy. Điều tương tự cũng đúng đối với ác hạnh, nên những vấn đề và đau khổ sẽ xảy ra có thể rất to lớn, ngay cả từ một ác nghiệp nhỏ nhoi. Có một ví dụ về một người đã lăng mạ một nhà sư, khi nói rằng: “Giọng nói của thầy giống như tiếng của một con chó”, và kết quả là người này đã tái sinh thành một con chó năm trăm lần. Vì vậy, có một hiểm họa lớn, trong việc nói lời nhục mạ và la hét với ai. Nếu như quý vị la mắng ai, và gọi họ là một con chó, thì điều đó không có khả năng biến người đó thành một con chó, nhưng có hiểm họa lớn là chính quý vị sẽ tái sinh thành một con chó.

Trong số các đại đệ tử của Đức Phật, người được ghi nhận là có trí tuệ cao cả nhất là Xá Lợi Phất (Shariputra). Trong số các đệ tử, thì ngài có trí óc sáng suốt và trí tuệ cao cả nhất. Lý do của điều này là vì trong kiếp trước, ngài đã là một người phát thơ. Một lần nọ, người này đang đi trên đường để phát thơ và đưa tin nhắn, thì đã dừng lại để nghỉ đêm trong một ngôi chùa cũ, bị bỏ hoang. Trong ngôi chùa này, có những bức tranh vẽ trên tường, với nhiều hình ảnh đại diện cho thân, khẩu, ý của chư Phật. Tối hôm đó, khi ở trong ngôi chùa này, ông đã thắp một ngọn đèn để sửa giày, và ngọn đèn đã soi sáng tất cả những bức tranh đại diện cho các phẩm hạnh của Đức Phật. Kết quả của việc làm cho những bức ảnh này hiện ra rõ ràng và chiếu sáng, là trong đời sau, chính ông cũng có trí óc sáng suốt nhất, và trí tuệ rộng lớn nhất. Vì vậy, trong bất cứ phòng nào mà quý vị có thể thờ tranh ảnh của các bậc giác ngộ, chư Phật, vân vân, nếu như quý vị soi sáng những tranh ảnh này, nếu như quý vị cúng dường nến hay đèn, và chiếu sáng chúng bằng đèn điện, thì lợi lạc sẽ rất lớn lao. Tất nhiên, quý vị phải rất cẩn thận, và sử dụng lý lẽ thông thường, bởi vì khi cúng dường nến và thắp nhang, thì ngôi nhà có thể bị cháy. Vì vậy, nên cẩn thận với cách mà mình cúng dường tranh ảnh.

Còn về quy luật thứ ba của nghiệp, trong số các đệ tử lớn tuổi của Đức Phật, có một nhóm gồm 16 vị, đôi khi được gọi là 16 vị A la hán, một vị trong số này tên là Ca Nặc Ca Phạt Sa (Kanakavatsa). Trong một kiếp trước, người này đã sống vào thời của vị Phật đầu tiên của thời đại này. Vị Phật này đã từng cỡi một con voi rất lộng lẫy, và người này đã cúng dường vàng lá, làm đồ trang sức cho con voi, với lòng kính trọng và tín tâm lớn lao. Kết quả là khi ông tái sinh trong một gia đình vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì một con voi bằng vàng, có phân là vàng thỏi, cũng đến với gia đình này, cùng lúc ông tái sinh trong gia đình đó. Nhà vua ở vùng đất nơi ông tái sinh là vua A Xà Thế (Ajatashatru) đầy quyền uy, đã ra lệnh phải đưa con voi vàng lộng lẫy này vào cung điện. Tuy nhiên, mỗi khi quan lính cố gắng đưa con voi ra khỏi nhà này, để đưa nó đến cung điện của nhà vua, thì con voi lại biến mất vào trong mặt đất, và xuất hiện một cách kỳ diệu trong ngôi nhà này. Họ đã cố gắng đưa con voi đi ba lần, nhưng mỗi lần như vậy thì con voi lại biến mất, và xuất hiện trở lại với gia đình này, đó là vì nhà vua đã không tạo ra công đức nào để sở hữu con voi này, trong khi đứa bé trong gia đình này thì lại có công đức. Đây là một ví dụ về cách mà nếu như chưa hề tích tập công đức từ một hành động nào, thì quý vị sẽ không trải nghiệm kết quả của nó.

Còn về quy luật thứ tư, nếu như đã thực hiện một hành vi, thì tiềm năng của nó sẽ không bao giờ trở nên vô ích hay lãng phí, mà trên thực tế, sẽ trổ, như sự việc đã xảy với đứa trẻ có công đức, để có được con voi bằng vàng. Cuối cùng, đứa trẻ này đã từ bỏ đời sống tại gia, để xuất gia với Đức Phật, và Đức Phật nói rằng: “Bây giờ thì con không cần phải có con voi vàng này nữa.”, và nhờ oai lực của Ngài, con voi vàng đã biến mất. Nhà sư này đã khổ công tu tập, và thành tựu quả vị A la hán, một bậc giải thoát, và được biết như một vị trưởng lão, A la hán Ca Nặc Ca Phạt Sa.

Top