Cách Phát Triển Lòng Quan Tâm Đến Giáo Pháp
Quy cách ở đây sẽ là một cuộc đối thoại, đặt câu hỏi, bởi vì nếu tôi chỉ ngồi đây thuyết Pháp, thì sẽ không có nhiều lợi lạc, vì chúng ta chỉ có vài ngày thôi. Trong khi đó, nếu như quý vị đặt câu hỏi và bàn luận với nhau một cách thoải mái hơn, thì sẽ có lợi cho quý vị hơn nhiều.
Hôm nay, tất cả các bạn đều có mặt ở đây, sống ở một nơi rất đáng yêu, rất xa xôi, và rất quan tâm về việc tu tập Pháp, và cống hiến bản thân cho sự phát triển tâm linh. Điều này rất tuyệt vời. Trước tiên, tôi sẽ hỏi quý vị một câu hỏi. Làm thế nào để quý vị quan tâm đến Pháp?
Chúng con đã nói về điều đó trong lớp thiền trong mấy ngày qua, cố gắng quyết định làm thế nào để điều phục tâm, nhưng không có ai biết chắc chắn về điều này. Con đoán rằng mình phải thật sự nhìn thấy nỗi khổ, quyết định phải đối phó với nó nhiều hơn, và chấp nhận là mình phải gánh lấy trách nhiệm về việc đoạn trừ khổ đau.
Theo một nghĩa nào đó thì điều này đúng. Khi nhìn vào nỗi khổ và vấn đề, thì đây là những điều mà không ai muốn. Không ai muốn có đau khổ và vấn đề, và ai cũng muốn hạnh phúc. Về việc mưu cầu hạnh phúc, có nhiều thức ăn thức uống và một nơi thoải mái để sinh sống, thì những yếu tố này sẽ mang lại niềm hạnh phúc nào đó, nhưng đó không phải là hạnh phúc mà chúng ta đang nói đến, đúng không?
Không, nó không phải! Trong trường hợp đó, thì nó là ý thức về lẽ vô thường?
Để trả lời câu hỏi này, nếu chúng ta có một vài hạnh phúc nào đó, đó là có đủ thức ăn thức uống, và một nơi để sống, thì như vậy có đủ chưa? Đó có phải là hạnh phúc mà mọi người đang tìm kiếm hay không?
Dường như không có điều gì toại nguyện cả.
Ở đất nước này, quý vị có thể kiếm một công việc, và có thể dễ dàng kiếm đủ tiền để sống, và như quý vị nói, thì điều này không đủ, nó không làm cho mình thấy thỏa mãn. Tại sao vậy? Tại sao lại chưa đủ?
Vì nó sẽ thay đổi, không thường hằng?
Đúng vậy. Như quý vị đã nói, loại hạnh phúc này là điều gì không thường hằng, không tồn tại mãi mãi, nên nó bất toại nguyện. Vậy thì quý vị đang mưu cầu loại hạnh phúc vĩnh viễn nào?
Không có gì là hạnh phúc thường hằng cả.
Loại hạnh phúc vô thường, không tĩnh tại này là cái gì chưa đủ. Liệu nó có nghĩa là quý vị muốn mưu cầu hạnh phúc lâu dài, hay không muốn mưu cầu bất cứ niềm hạnh phúc nào?
Chúng ta muốn mưu cầu hạnh phúc trường tồn, mà không bị hạn chế vì thiên hướng, vì nghiệp.
Vậy nếu như không có cái gì gọi là hạnh phúc thường hằng, bất biến, thì có phải là quý vị muốn có hạnh phúc rất lâu dài, một thứ hạnh phúc tốt đẹp và tuyệt vời nhất mà mình có thể có? Nếu như đó là loại hạnh phúc mà quý vị muốn, thì như quý vị đã nói, đúng là loại hạnh phúc mà quý vị có được, khi theo đuổi những pháp thế gian là điều rất hạn hẹp. Nó sẽ thay đổi và không bền lâu. Do đó, ngoài giáo pháp và việc tu tập tâm linh ra, không có cách nào để có được một loại hạnh phúc thật sự tuyệt vời, rất lâu bền, và có chất lượng rất tuyệt hảo.
Vậy thì quý vị hiểu gì về chữ Pháp, nó có nghĩa là gì? Khi chúng ta nói “tu tập Pháp”, thì việc quý vị nên tu tập Pháp có nghĩa là gì?
Giáo pháp của Đức Phật.
Phải suy nghĩ thêm một chút. Ý nghĩa của việc tu tập Pháp là gì, đâu là ranh giới giữa một người tu tập Pháp, và một người không tu tập Pháp?
Một người có lương tâm, có ý thức nỗ lực học hỏi giáo pháp?
Hành trì tâm linh hay Pháp là điều gì không đơn giản như việc xây dựng một tòa nhà đẹp ở đây, để mọi việc diễn ra một cách tốt đẹp trong kiếp này. Một hoạt động mà quan tâm chủ yếu là để có được thức ăn thức uống, và những điều thoải mái cho kiếp này, không phải là việc tu tập Pháp hay hành trì tâm linh thật sự, mà bất cứ hành trì nào nhắm vào việc tạo ra lợi lạc cho điều gì trong những kiếp tương lai, mới là tu tập Pháp. Đó là ranh giới. Quý vị hiểu không?
Nó tùy thuộc vào việc quý vị có chấp nhận sự tồn tại của kiếp trước và kiếp sau hay không. Nếu như không chấp nhận sự tồn tại của kiếp sau, thì không có cách nào quý vị có thể tu tập Pháp một cách chân thật. Nếu như quý vị quan tâm đến việc đem lại hạnh phúc lâu dài, thì đó không phải là hạnh phúc chỉ trong một thời gian ngắn trong kiếp này, mà nên quan tâm đến việc đem lại loại hạnh phúc sẽ tồn tại trong tất cả những kiếp tương lai. Vậy thì việc đem lại hạnh phúc lâu dài cho những kiếp tương lai là điều liên quan đến việc tu tập Pháp.
Chữ “hành trì tâm linh”, hay Pháp trong tiếng Phạn, có ý nghĩa của pháp ngăn ngừa, điều gì giúp cho quý vị tránh, hay ngăn chận để điều gì không xảy ra. Về cách mà nó ngăn chận điều gì, thì có ba cách quý vị có thể hiểu điều này. Chữ “giúp cho mình tránh”, có ba ý nghĩa.
- Trước tiên là giúp cho quý vị không phải đọa vào địa ngục trong một kiếp tương lai.
- Tuy quý vị có thể thực hiện một số biện pháp nào đó, sẽ ngăn ngừa, hay giúp cho mình khỏi đọa vào một trong những tái sinh tồi tệ nhất trong những kiếp tương lai, nhưng dù có tránh khỏi một tái sinh như vậy trong kiếp kế tiếp, thì quý vị lại có thể rơi vào một trong những cõi thấp hơn trong những kiếp sau đó. Nên cũng có những pháp ngăn ngừa mà mình có thể thực hiện, để ngăn ngừa việc tái sinh trong cõi luân hồi nào, mà luân hồi là tái sinh bất tự chủ.
- Ngoài việc chỉ áp dụng những pháp ngăn ngừa việc tái sinh trong những tình huống cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi, quý vị cũng có thể áp dụng những biện pháp giúp cho bất cứ chúng sinh nào không bao giờ rơi vào tình huống đó nói chung, vì tất cả chúng sinh đều cùng cảnh ngộ với mình.
Vì vậy, khi nói về các pháp phòng ngừa của Pháp, thì đây là những biện pháp có thể được thực hiện, để ngăn chận ba điều sau đây sẽ xảy ra:
- Ta sẽ tái sinh trong một cõi thấp hơn
- Ta sẽ tái sinh trong bất cứ tình huống nào trong luân hồi, hay
- Bất cứ chúng sinh nào sẽ tái sinh trong tình huống ấy.
Vậy thì quý vị có hiểu ba cách mà Pháp ngăn ngừa sự việc xảy ra, hay giữ gìn cho mình, hay giữ gìn tất cả chúng sinh hay không? Có lẽ “ngăn ngừa” là một chữ tốt hơn, các pháp ngăn ngừa của Pháp. Quý vị có hiểu nó có nghĩa là gì, khi tôi nói về “ngăn ngừa” không?
Khi tu tập Pháp thì con có thể làm gì, để giúp người khác không rơi vào luân hồi?
Điều đó sẽ xảy ra, vào đúng lúc đúng thời. Chúng ta sẽ đối phó với mỗi một loại biện pháp mà quý vị có thể áp dụng, để ngăn ngừa ba điều đó xảy ra. Nhưng điểm đầu tiên là chỉ cần nhận ra đâu là ba cấp độ mà quý vị đang tu tập, để ngăn ngừa những điều đó sẽ xảy ra. Vậy thì quý vị có hiểu ba điểm này nói chung là gì không, rồi chúng ta sẽ đi vào chi tiết?
Giới Luật: Không Tạo Thập Ác
Bây giờ, điều trước hết để ngăn ngừa việc không phải tái sinh trong bất kỳ trạng thái tồn tại nào tồi tệ nhất, các pháp ngăn ngừa mà quý vị sẽ áp dụng, để ngăn chận điều này, là không tạo tác bất cứ hành vi nào trong mười ác hạnh này. Bằng cách quan sát loại hành vi đạo đức đó, quý vị sẽ giúp cho mình không phải tái sinh trong cõi thấp hơn.
Nếu muốn tuân theo giới luật này, thì quý vị phải biết thập ác là gì, và có lẽ đó là điều mà quý vị đã biết. Quý vị có biết không?
Không.
Ba Ác Nghiệp Của Thân: Sát Sanh
Trước hết, có ba ác nghiệp về thân. Ác nghiệp đầu tiên trong số những ác nghiệp này là cướp đi sự sống của chúng sinh nào, đó là giết hại họ. Nếu như nghĩ về điều này, thì điều mà chúng ta quý trọng nhất, xem là điều quý giá nhất mà mình sở hữu, là sinh mạng của mình. Nếu có ai tước đoạt sinh mạng của mình, thì đó là điều tồi tệ nhất mà họ có thể làm đối với mình, đối với điều mà chúng ta quý trọng nhất, trong số tài sản của mình. Tương tự như vậy thì điều này cũng đúng đối với tất cả những chúng sinh khác, vì điều mà họ quý trọng nhất là mạng sống của họ.
Nếu muốn cho hành vi sát sanh được hoàn tất, thì phải hội đủ bốn yếu tố. Phải có đối tượng cho hành vi của mình; phải có một ý nghĩ, hay chủ ý; tương tự như vậy, một hành vi thực tế phải diễn ra; và kết cuộc sẽ xảy ra.
- Nếu muốn hành động xảy ra một cách trọn vẹn, thì trước tiên, mình phải có đối tượng để giết hại. Nói cách khác là quý vị phải có một con dê hoặc con trừu, hay một chúng sinh nào đó mà mình sẽ giết.
- Về chủ ý hay ý nghĩ liên quan đến việc này, thì phải có nhận thức chính xác, cũng như động lực. Về mặt này, nếu muốn hành động được hoàn tất, và kết quả sẽ xảy ra một cách đầy đủ, thì phải có nhận thức chính xác. Nói cách khác là giả sử như có một con dê và một con trừu, và quý vị muốn đi giết con trừu, nhưng lại không nhận ra con nào là con trừu, rồi lại giết nhằm con dê. Việc này không giống như khi mình làm điều đó với nhận thức rõ ràng về những gì mình đang làm. Quý vị phải nhận ra đối tượng mà mình muốn giết hại.
Xét về loại động lực có thể liên quan đến việc giết hại thú vật, thì có thể có bất cứ động lực nào trong ba loại động lực. Động lực được thúc đẩy vì dục vọng và tham ái; được thúc đẩy vì sân hận và thù địch; hay được thúc đẩy vì vô minh hoặc si mê. Vì lòng tham ái hay ham muốn, mà quý vị có thể giết con trừu, vì muốn ăn thịt nó. Quý vị có lòng tham ăn thịt. Hay quý vị có thể sát sanh vì tâm sân hận và thù địch, chẳng hạn như khi quý vị rất tức giận với con vật, thì mới đánh đập nó, và giết nó. Hay vì vô minh và si mê mà quý vị có thể tin rằng nếu như mình tế mạng con vật này, thì sẽ có một tái sinh tốt hơn, nên mới đi giết rất nhiều thú vật, và tế máu vì động lực ấy. Đó là sát sanh vì vô minh và si mê.
- Phần thứ ba là phải có một hành vi liên quan đến việc này. Hành vi liên quan là, ví dụ như cắt cổ con trừu, hoặc mổ bụng và rút ruột của nó ra, hay bất cứ phương pháp nào mà quý vị có thể nghĩ ra, để giết con vật. Phải có một hành vi thực tế, liên quan đến việc này.
- Rồi kết cuộc của hành vi phải xảy ra, nói cách khác là con vật phải chết, để hoàn tất việc sát sanh.
Vậy thì nên hiểu rằng về mặt cướp đoạt một sinh mạng, dù đó là mạng sống của chính mình, hay của người khác, thì tất cả những yếu tố này phải có mặt, để trở thành một hành vi sát sanh trọn vẹn.
Bây giờ, về mặt giết hại một chúng sinh khác, thì chúng sinh ấy phải chết, hay người khác phải chết trước mình, để hoàn tất hành vi này. Việc tự tử không hoàn toàn giống với hành vi cướp đoạt sinh mạng của chúng sinh nào, bởi vì trong trường hợp này, nó không phải là đối tượng mà ta sẽ giết hại, trước khi mình chết, nên đó là một loại hành vi khác.
Đối với kết quả xuất phát từ một ác hạnh, như tước đoạt sự sống của một chúng sinh nào, thì điều này được hiểu theo bốn loại kết quả khác nhau.
- Loại đầu tiên trong số này là quả trổ, hay dạng tái sinh trổ từ hành động đó. Nó sẽ là tái sinh như một chúng sinh trong địa ngục, hay quỷ đói, hoặc súc sanh - nói cách khác là tái sinh ở một trong ba trạng thái tồi tệ nhất này.
- Sau đó, một khi quả trổ đã cạn kiệt, và vì những thiện nghiệp mà mình đã tạo ra trong quá khứ, nên quý vị sẽ được tái sinh làm người một lần nữa, thì trong kiếp người đó, quý vị sẽ có thọ mạng ngắn, nhiều bệnh tật và khó khăn. Đây là loại kết quả tiếp theo, là quả tương ứng với nhân của nó, về những gì mình sẽ trải qua. Khi đã cướp đi một mạng sống, và rút ngắn đời sống của người khác, thì thọ mạng của mình cũng sẽ ngắn ngủi.
- Sau đó, kết quả tiếp theo, cũng trong một kiếp người xảy ra về sau này, là từ nhỏ, quý vị sẽ thích thú với việc giết hại những chúng sinh khác. Quý vị sẽ rất tàn ác, và hành hạ những chúng sinh khác, chẳng hạn như côn trùng. Đó sẽ là quả tương ứng với nhân của nó, về hành vi bản năng của mình. Quý vị sẽ tiếp tục có bản năng trở thành một kẻ giết người tàn bạo.
- Kết quả thứ tư được gọi là kết quả toàn diện, và điều này toàn diện, theo nghĩa là quý vị sẽ tái sinh trong một vùng đất với nhiều chúng sinh khác, cũng đã bị giết hại trong quá khứ. Kết quả là tất cả các bạn sẽ cùng nhau trải nghiệm một kết quả toàn diện, rằng ở nơi mình sinh ra, mọi thứ sẽ rất yếu kém. Chẳng hạn như dịch vụ y tế rất nghèo nàn, thuốc men rất yếu kém và không có hiệu lực, thực phẩm và mùa màng sẽ rất nghèo nàn, thực phẩm sẽ có ít chất dinh dưỡng. Đây là kết quả toàn diện, mà tất cả quý vị sẽ cùng nhau trải nghiệm.
Vì vậy, nếu như nhìn vào tất cả những khuyết điểm, kết quả thảm hại sẽ xảy ra sau khi cướp đi mạng sống của những chúng sinh khác, trên cơ sở nhận ra những điều này, thì quý vị sẽ nỗ lực hết sức để kềm chế bản thân, không bao giờ sát sanh nữa. Đó là một thiện hạnh, và là hành vi đầu tiên trong thập thiện: đó là không giết hại bất kỳ chúng sinh nào. Chẳng hạn như hiện nay, chúng ta được tái sinh thành người, với thân thể và nền tảng tu tập tuyệt vời, mà mình đã có được, từ kết quả của việc tạo ra những loại thiện hạnh như vậy trong quá khứ.
Nếu muốn được sinh ra làm người, hay một vị trời, hoặc A tu la, bất cứ trạng thái tái sinh tốt hơn nào, thì phải tuân theo giới luật của việc không sát sanh. Tương tự như vậy, một quả theo sau, tương ứng với nhân của nó, theo kinh nghiệm của mình, là quý vị sẽ trường thọ, và rất khỏe mạnh, không có bệnh tật. Quả tương ứng với nhân của nó theo hành vi bản năng của mình, là quý vị sẽ không có ý tưởng giết hai bất cứ chúng sinh nào, và không thích ăn thịt. Theo bản năng, quý vị sẽ không thích ăn thịt. Kết quả toàn diện là sẽ được tái sinh với nhiều người đã không sát sanh, và tất cả các bạn sẽ cùng nhau trải nghiệm mọi việc rất lành mạnh, tất cả mọi thứ đều có giá trị dinh dưỡng cao, thực phẩm rất lành mạnh, thuốc men rất hiệu quả, vân vân, ở nơi mình sinh ra.
Điều quan trọng là nhận thức đâu là ác hạnh, và biết cách kềm chế bản thân, để không tạo tác chúng, rồi dựa theo đó mà có hành vi thiện hảo. Việc làm như vậy là pháp ngăn ngừa, hay Pháp, để ngăn ngừa việc tái sinh trong bất cứ tái sinh nào tồi tệ nhất. Tuy nhiên, để trở thành một biện pháp được tính đến ở mức độ kế tiếp của Pháp, đó là tu tập các pháp để ngăn ngừa tái sinh trong bất cứ tình huống nào trong luân hồi, thì nó phải phù hợp với tam vô lậu học. Điểm thứ ba trong tam vô lậu học là tu tập định vô lậu học.