Lam-rim: Các Phiên Bản Pháp Nhẹ Nhàng Và Pháp Thực Thụ

Pháp Tu Sơ Khởi, Trước Khi Nghe Thuyết Pháp

Hãy bắt đầu thời Pháp này với một vài pháp tu sơ khởi. Trước tiên, để tĩnh tâm, chúng ta sẽ chú ý vào hơi thở. Hãy thở bình thường bằng mũi. Nếu như tâm rất sao lãng, thì hãy đếm chu kỳ của hơi thở. Nếu tâm khá tĩnh lặng, thì chỉ cần tập trung vào cảm giác của hơi thở đi vào và đi ra lỗ mũi.

Sau đó, chúng ta sẽ tái khẳng định động lực của mình, điều đó có nghĩa là ta sẽ tái khẳng định lại những điều mình đang nhắm đến. Chúng ta đang đến đây như một bước để quy y, đó là phương hướng để cải thiện bản thân, khắc phục nỗi khổ và nhân tạo khổ, và chứng ngộ tất cả tiềm năng. Chúng ta muốn tìm hiểu về đường tu tuần tự đến giác ngộ, tức Lam-rim, để giúp mình thành tựu mục tiêu này. Chúng ta có thể thực hiện điều này như một phần của phạm vi "Pháp Nhẹ Nhàng (“Dharma-Lite"), trong trường hợp này, thì sẽ quan tâm đến việc cải thiện kiếp này, như một bước đệm, để cuối cùng, sẽ cải thiện những kiếp tương lai, và cuối cùng, thành tựu giải thoát và giác ngộ. Tất nhiên, với điều kiện là chúng ta phải có sự hiểu biết căn bản về ý nghĩa của những kiếp tương lai, giải thoát và giác ngộ, hay ít nhất là một sự thừa nhận về tầm quan trọng của việc thấu hiểu chúng, và ý định cố gắng học hỏi, để thấu hiểu chúng. Hay chúng ta có thể thực hiện điều này, với chủ ý "Pháp Thực Thụ", để thành tựu giải thoát, thoát khỏi luân hồi, và thành tựu quả vị giác ngộ của một vị Phật, để giúp tất cả chúng sinh cũng thành tựu điều tương tự. Dù đang ở trong phạm vi nào, thì chúng ta sẽ muốn thực hiện điều này, không chỉ để tạo lợi lạc cho tự thân, mà còn giúp đỡ cho tất cả chúng sinh một cách tốt đẹp nhất.

Cụ thể hơn, chúng ta đang có mặt ở đây, để tìm hiểu về đường tu tuần tự đến giác ngộ, như một cách để quy y Phật, Pháp và Tăng. Nói cách khác là chúng ta đang noi theo phương hướng quy y Pháp. Quy y Pháp đề cập đến sự chân diệt của những nỗi khổ và nhân tạo khổ, và chân đạo, cụ thể là sự hiểu biết chân chính về thực tại, sẽ đưa đến những chân diệt, và sẽ giúp ta chứng ngộ và sử dụng tất cả tiềm năng của mình một cách trọn vẹn. Việc học hỏi về đường tu tuần tự đến giác ngộ sẽ giúp mình đi theo phương hướng này, cách mà chư Phật đã viên thành đường tu này, và chư Thánh Tăng (những người đã chứng ngộ tánh Không) đã thực hiện một phần nào. Chúng ta sẽ làm như vậy với lòng bi mẫn, với ước nguyện có thể giúp đỡ tha nhân khắc phục khổ đế và tập đế. Nếu muốn giúp đỡ họ một cách tối đa, thì phải thành Phật. Như vậy, chúng ta cũng có động lực bồ đề tâm. Nói tóm lại là chúng ta muốn tìm hiểu về đường tu tuần tự đến giác ngộ, để giúp đỡ chúng sinh một cách tốt đẹp nhất.

Với mục tiêu như vậy, chúng ta sẽ cúng dường Thất chi nguyện. Trước tiên, hãy quán mình đang lễ lạy. Chúng ta hoàn toàn dấn thân vào chiều hướng này, với lòng tôn trọng những người đã noi theo phương hướng này, và thành tựu những mục tiêu này, tôn trọng giác ngộ trong tương lai của tự thân, mà mình đang hướng đến, để thành tựu với bồ đề tâm, và tôn trọng tiềm năng Phật tánh của tự thân, sẽ giúp cho mình thành tựu mục tiêu ấy.

Chúng ta sẽ cúng dường. Hãy sẵn sàng cống hiến tất cả mọi thứ - thời gian, năng lượng và lòng mình - để có thể phát triển tự thân ngày càng xa hơn, để thật sự có thể giúp đỡ tha nhân một cách tối đa, theo khả năng của mình.

Theo cách của đạo sư Chogyal Pagpa (Chos-rgyal 'Phags-pa) của phái Sakya, chúng ta sẽ cúng dường định tâm, là điều nói về việc cúng dường những khía cạnh khác nhau trong hành trì của mình. Chúng ta sẽ cúng dường tất cả những gì mình đã đọc và nghiên cứu, dưới hình thức của nước, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Bất cứ điều gì mình nghiên cứu, thì sẽ sử dụng nó, để giúp đỡ tha nhân. Tiếp theo, chúng ta sẽ cúng dường tất cả những kiến thức mà mình đã có được từ việc đọc kinh sách và nghiên cứu dưới hình thức của hoa. Chúng ta sẽ cúng dường kỷ luật hành thiền, dựa trên cơ sở kiến thức này, dưới hình thức hương thơm của nhang. Chúng ta sẽ cúng dường tuệ giác mà mình đã có được từ việc tu tập với kỷ luật, dưới hình thức ánh sáng của nến và đèn bơ. Chúng ta sẽ cúng dường tín tâm xác tín mà mình đã có được từ những tuệ giác này, dưới hình thức nước hoa tươi mát. Chúng ta sẽ cúng dường định tâm mà mình có khả năng áp dụng, trên cơ sở của tín tâm xác tín này, không chút nghi ngờ, dưới dạng thực phẩm. Sau đó, sẽ cúng dường những lời giảng giải cho những người khác, dựa trên tất cả những điều này, dưới dạng âm nhạc.

Tiếp theo, với lòng trung thực với bản thân, chúng ta sẽ thừa nhận rằng mình có những khó khăn, khi noi theo đường tu này trong đời sống. Thông thường, chúng ta không thích tu hành. Chúng ta không hiểu tại sao mình phải tu hành. Chúng ta tức giận, ích kỷ, tham lam và quyến luyến, v.v... Đôi khi, chúng ta không thật sự biết mình đang làm gì với đời sống của mình. Chúng ta hối hận về điều này. Chúng ta thật sự ước gì mình không hành xử như như vậy. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để khắc phục vấn đề, và không lặp lại những điều này nữa. Vì vậy, hãy khẳng định về phương hướng tích cực mà mình đang noi theo, và cố gắng áp dụng bất cứ điều gì mình đã học hỏi về đường tu tuần tự đến giác ngộ này như pháp đối trị, để khắc phục những khó khăn và vấn đề mà ta phải đối diện.

Hãy tùy hỷ về sự kiện là mình có Phật tánh, có khả năng phát triển và khắc phục những nỗi khổ, cũng như nhân tạo khổ, và chứng ngộ tiềm năng của mình. Bản  tánh của tâm thì thanh tịnh. Những sự khó khăn hay mê lầm của mình thì không sâu sắc lắm. Chúng giống như mùi thuốc lá trong hơi thở của người hút thuốc. Chúng là những thứ nhân tạo. Chúng chỉ có mặt tạm thời, và sẽ biến mất. Chúng không phải là bản tánh sâu sắc nhất của mình. Tất cả chúng ta đều có Phật tánh, tất cả chúng ta đều có khả năng phát triển tự thân. Hãy tùy hỷ về điều đó.

Chúng ta cũng tùy hỷ với chư Phật và chư đạo sư vĩ đại, những vị đã chứng ngộ mọi tiềm năng trong Phật tánh của mình. Chúng ta sẽ tùy hỷ, vì các ngài đã dạy mình cách noi theo đường tu này: "Đó là điều thật tuyệt vời. Xin tạ ơn các ngài!".

Chúng ta sẽ thỉnh cầu giáo pháp: "Con muốn tu học. Con thật sự phải học hỏi. Con muốn tu học, để có thể giúp đỡ tha nhân và tự thân.".

Chúng ta sẽ thỉnh cầu các ngài trụ thế: "Con nghiêm túc với việc này. Xin các ngài đừng bỏ đi. Xin đừng nhập diệt. Con muốn tu tập hết đường tu đến giác ngộ. Đối với giáo pháp, con không chỉ là một du khách.".

Sau cùng, nguyện cho sự hiểu biết và công đức được tích tập từ những pháp tu sơ khởi này, bằng cách lắng nghe những giáo pháp sau đây và thực hành chúng, có thể là nhân, để con trở thành một vị Phật, để phổ độ tất cả chúng sinh. Nguyện cho chúng không chỉ là nhân để cải thiện luân hồi.

Sau đó, hãy quyết định lắng nghe giáo pháp với định tâm. Nếu như tán tâm, thì ta sẽ đưa tâm ý trở lại. Nếu như buồn ngủ, thì ta sẽ cố gắng tỉnh dậy. Để giúp cho trí óc minh mẫn hơn, thì hãy điều chỉnh tư thế và ngồi thẳng lên, nhưng không cứng nhắc.

Sau đó, để nâng năng lượng của mình lên, nếu nó hơi thấp, thì hãy tập trung vào điểm giữa hai chân mày, mắt ngước nhìn lên, và đầu giữ thăng bằng.

Cuối cùng, nếu cảm thấy hơi bồn chồn hay căng thẳng, thì phải giúp cho năng lượng an tĩnh lại. Nếu muốn làm điều đó, thì hãy chú tâm vào rốn, mắt nhìn xuống, nhưng đầu vẫn giữ thăng bằng, và khi hít vào một cách bình thường, thì hãy nín thở, cho đến khi mình phải thở ra.

Nếu như thật sự hiểu điểm trọng yếu của những pháp tu sơ khởi này, và không chỉ thực hiện chúng như nghi thức trống rỗng, thì ta có thể đưa hết tâm ý của mình vào những pháp tu này, và có được nguồn cảm hứng lớn lao. Chúng không phải là hành động tôn sùng ai, mà là một pháp tu thật sự hướng năng lượng của mình về phía tích cực, và giúp cho mình cởi mở với việc cải thiện bản thân, học hỏi và tiến bộ. Đó là điểm chính. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là "pháp tu sơ khởi." Khi đang nghiên cứu và tu tập đường tu tuần tự đến giác ngộ này, chúng ta luôn nhấn mạnh việc khởi đầu một thời thiền bằng những pháp tu sơ khởi này. Chúng giúp cho mình dễ tiếp thu giáo pháp. Chúng ta thật sự muốn cố gắng thấu hiểu điều gì, để học hỏi điều gì đó. Thế thì nhờ những pháp tu sơ khởi này, chúng ta sẽ đưa hết tâm ý của mình vào đó. Ngay cả khi không thể hành trì thêm pháp thiền nào nữa, thì chính những pháp tu sơ khởi này cũng rất hữu ích, như một pháp tu hàng ngày.

Sắp Xếp Giáo Pháp Của Đức Phật

Chủ đề của buổi tối hôm nay là cấu trúc của Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. Nói một cách chính xác hơn, thì Lam-rim có nghĩa là đường tu tuần tự của tâm thức, cụ thể là những mức độ tiến triển về sự hiểu biết, đóng vai trò như những đường tu, đưa ta đến mục tiêu giải thoát và giác ngộ, nhưng có thể nói về chúng đơn giản như đường tu tuần tự đến giác ngộ.

Giáo huấn Lam-rim xuất phát từ đâu? Đức Phật đã thuyết giảng nhiều đề tài khác nhau, và những điều này phân chia thành các phương tiện Kinh điển và Mật điển. Phương tiện Kinh điển là phương tiện cơ bản. Trong tiếng Phạn, chữ 'sutra' ('Kinh điển') có nghĩa là chủ đề tu tập. Mật điển là những giáo lý cao cấp, dựa trên Kinh điển, giúp ta chứng ngộ Phật tánh, bằng cách kết hợp tất cả các giáo lý Kinh điển trong cùng một lúc.

Đức Phật đã thuyết giảng các phương tiện Kinh điển theo nhiều cách khác nhau, cho những đệ tử khác nhau. Nhiều lời khai thị đã mang hình thức đối thoại, như Đức Phật nói, rồi người khác nêu ra thắc mắc, và Đức Phật trả lời, v.v... Vì vậy nên Kinh điển có vẻ không đi theo hệ thống. Những điều mà Đức Phật nói ở một nơi dường như lại mâu thuẫn với những điều Ngài đã nói ở nơi khác. Thật khó mà thấy làm thế nào để tất cả những điều này ăn khớp với nhau. Ngoài ra, vì không có điều gì được ghi chép vào thời Đức Phật, nên truyền thống vào lúc đó là phải ghi nhớ và đọc thuộc lòng những gì Ngài đã dạy. Vì vậy, có rất nhiều điều được lặp đi lặp lại trong Kinh điển, để giúp mọi người ghi nhớ những điểm quan trọng.

Hơn nữa, theo Kinh điển thì cách đưa giáo huấn vào việc tu tập không quá rõ ràng. Vì vậy nên chư đạo sư vĩ đại của Ấn Độ đã viết nhiều luận giải về Kinh điển, giải thích chi tiết hơn về tôn ý của Đức Phật, và sắp xếp các tài liệu, để mình dễ hấp thụ hơn, và đưa vào việc tu tập. Chẳng hạn như có năm bộ Kinh của Đức Di Lặc, vị Phật tương lai. Những lời khai thị của Ngài đã được tiết lộ cho Vô Trước (Asanga), người sau đó đã ghi chép lại những lời này. Trong đó, chúng ta bắt đầu có được cấu trúc mà mình sẽ thấy sau này, khi các phương pháp trình bày giáo lý của Đức Phật được phát triển. Cấu trúc này là cách giới thiệu, khai thị ngắn gọn về giáo pháp, một khai thị dài dòng, và sau đó là một bản tóm tắt. Những khai thị dài dòng là những danh sách khác nhau. Chính Đức Phật đã liệt kê những điều này, nên chúng ta không nên nghĩ rằng nó hoàn toàn là sự phát minh của Tây Tạng. Chúng ta sẽ thấy loại cấu trúc này trong nhiều khai thị về Lam-rim.

Một số chủ đề cơ bản là tu tập Kinh điển cơ bản, và có nhiều cách khác nhau để sắp xếp chúng. Ví dụ như có "Bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp", được thấy trong truyền thống Nyingma, "Bốn Pháp của Gampopa" trong truyền thống Kagyu, và "Thoát khỏi bốn sự bám chấp" trong truyền thống Sakya. Đôi khi, truyền thống Sakya cũng sắp xếp cùng một tài liệu theo Tứ diệu đế. Trong truyền thống Kadam thì khởi đầu là A-đề-sa (Atisha), và sau ngài là truyền thống Gelug, và trong truyền thống Shangpa Kagyu cũng vậy, có sự khai thị của tài liệu này, được sắp xếp theo ba phạm vi động lực. Đây là điều mà chúng ta gọi là "Lam-rim." Không nên nghĩ rằng Lam-rim là cách độc quyền để trình bày các tài liệu trong đó, mà có nhiều cách khác để trình bày cùng một giáo lý.

Ba Phạm Vi Động Lực 

Đâu là lợi ích đặc biệt của việc trình bày những đề tài này, đó là kiếp người quý báu, quy y, nghiệp, tâm xả ly, bồ đề tâm, tánh Không, v.v..., trong bối cảnh Lam-rim của ba phạm vi động lực? Tôi nghĩ một trong những lợi điểm lớn là nó tạo ra việc tiếp cận giáo lý, bằng cách đề ra những bước đi trước "Pháp Thực Thụ". Hãy để tôi triển khai điều này.

Khi nói về đạo Phật, chúng ta đang nói về quy y, điều mà tôi muốn gọi là "đưa phương hướng an toàn vào trong đời sống". Thật ra thì điều gì sẽ nêu ra phương hướng này? Đó là Pháp Bảo. Pháp Bảo đề cập đến diệu đế thứ ba và thứ tư, cụ thể là sự chân diệt của những nỗi khổ và nhân tạo khổ, và chân đạo của chứng ngộ vô niệm về tánh Không. Chư Phật đã thành tựu viên mãn những điều này trong dòng tâm thức của các ngài. Nói cách khác là dòng tâm thức của chư Phật đã có đầy đủ các chân diệt và chân đạo. Mặt khác thì chư Thánh Tăng đã bắt đầu thành tựu một số chân diệt và chân đạo, nhưng chưa đầy đủ.

Ví dụ, nếu nghĩ về một cái máy truyền hình thời xưa, có những cái ống bị trục trặc ở bên trong, thì việc loại bỏ những cái ống bị hư sẽ giống như những chân diệt, và việc gắn những cái ống hoạt động tốt nhất thì tương tự như các chân đạo. Khi thành tựu giác ngộ, chư Phật đã loại bỏ tất cả những cái ống bị hư, và gắn tất cả những cái ống hoạt động tốt nhất. Chư A la hán chỉ mới loại bỏ một số ống bị hư, và thay thế chúng, nên đó là giải thoát. Với nhận thức vô niệm về tánh Không, chúng ta sẽ trở thành Thánh nhân, và tự loại bỏ những cái ống bị hư đầu tiên, và thay thế chúng. Toàn bộ phạm vi thành tựu đó, từ một Thánh nhân cho đến một vị A la hán, đến một vị Phật, tạo thành việc quy y Pháp.

Bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp – kiếp người quý báu, cái chết và vô thường, nghiệp và những điểm bất lợi của luân hồi - đang nói về việc hướng tâm về quy y Pháp. Nói một cách cụ thể, thì chúng là những bước để thành tựu tâm xả ly, ước nguyện thành tựu giải thoát. Nếu như thông dịch bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp vào trong bối cảnh Lam-rim, thì ta có thể thấy chúng sẽ khởi đầu với động lực ở mức độ trung căn, với tâm xả ly, tu tập để giải thoát. Rồi thì bốn tư tưởng luôn được noi theo bằng giáo huấn về phát tâm bồ đề, và chứng ngộ tánh Không, để thành tựu giác ngộ. Ưu điểm đặc thù của việc trình bày Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ, là nó có một mức độ động lực sơ căn, đó là tu tập để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, như một bước đệm, để tu tập đến giải thoát, và sau đó là giác ngộ. Do đó, nó nêu ra một bước đệm, để tu tập, hướng về những mục tiêu giải thoát và giác ngộ trong nhà Phật.

Trong pháp thoát khỏi bốn sự bám chấp của truyền thống Sakya, chúng ta cũng đưa tâm thoát khỏi sự bám chấp vào kiếp này, và nghĩ về những kiếp tương lai, nên đây không phải là điểm đặc thù đối với khai thị Lam-rim, nhưng thực tế là việc tu tập để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai được xem là một trong ba cấp độ động lực trong Lam-rim, cho thấy điều này như một bước đệm rõ ràng hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng điều này rất có ý nghĩa đối với người Tây phương, đối với việc tiếp cận giáo pháp.

Pháp Nhẹ Nhàng Như Một Bước Đệm

Trong Lam-rim, phạm vi của động lực thượng căn là một phạm vi dành riêng cho Đại thừa, nhưng được chia sẻ với Kinh điển Đại thừa và Mật điển Đại thừa. Nó đề cập đến việc tu tập để giác ngộ. Phạm vi trung căn được chia sẻ với tất cả các truyền thống Phật giáo, cả Tiểu thừa và Đại thừa, cụ thể là tu tập để giải thoát. Phạm vi sơ căn chỉ tu tập để cải thiện những kiếp tương lai, và đây là một bước cũng được chia sẻ với nhiều tôn giáo khác.

Nhiều sách vở nhà Phật nói rằng ranh giới giữa Pháp và phi Pháp là liệu mình có làm điều gì lợi lạc cho những kiếp tương lai hay không. Hơn nữa, Phật tử được giải thích là người đưa phương hướng an toàn vào trong đời sống, một người quy y Tam Bảo. Như chúng ta vừa đề cập, quy y thật sự là Pháp Bảo, và Pháp Bảo đề cập đến giải thoát và giác ngộ, hay về những giai đoạn của Thánh nhân tiếp cận giải thoát và giác ngộ. Những điểm này ăn khớp với nhau như thế nào? Câu trả lời nằm ở sự kiện là giáo pháp về quy y được trình bày trong phạm vi sơ căn.

Khi nói về việc tu tập cho những kiếp tương lai như lằn ranh phân chia giữa Pháp và phi Pháp, thì tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể nói một con chiên Cơ đốc đang tu hành để lên thiên đàng, hay một con chiên Hồi giáo đang tu tập để lên thiên đàng, là Phật pháp. Thực tế là pháp quy y nằm trong phạm vi sơ căn này, đối với tôi có vẻ nêu ra rằng khi nói về việc làm lợi lạc cho những kiếp tương lai như là ranh giới phân chia giữa Pháp và phi Pháp, chúng ta đang đặc biệt nói về việc tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai như một bước đệm, để có thể tiếp tục tu tập trên đường tu, hướng về việc trở thành một Thánh nhân, sau đó là thành tựu giải thoát, và sau cùng là giác ngộ. Khi nhìn vào đó theo cách này, chúng ta sẽ không còn ôm ấp điều có vẻ mâu thuẫn, rằng việc tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai là một mục tiêu được chia sẻ với các tôn giáo ngoại đạo, và vẫn là ranh giới phân chia giữa Phật pháp và các pháp ngoại đạo.

Động lực phạm vi sơ căn là một bước đệm, theo chiều hướng tu tập, để thành tựu các chân diệt, tức Pháp Bảo. Chính từ khai thị này về phạm vi sơ căn như một bước đệm, mà tôi đã rút ra khái niệm "Pháp Nhẹ Nhàng" như một bước đệm đi trước. Tôi nghĩ rằng cấu trúc của Lam-rim cho phép mình có một giai đoạn trước phạm vi sơ căn, điều này có thể giúp người Tây phương thể nhập vào đường tu tuần tự đến giác ngộ một cách dễ dàng hơn. Đó là mức độ động lực mà chúng ta sẽ làm việc, để cải thiện kiếp này, như một bước đệm, để tu tập và cải thiện những kiếp tương lai. Với Pháp Nhẹ Nhàng, chúng ta sẽ tu tập với mức độ động lực đó, thậm chí trước khi phát khởi động lực sơ căn của Lam-rim.

Pháp giống như một chiếc xe buýt đang chạy, và nếu mình muốn nhảy lên xe thì rất khó. Nếu như nhìn vào Lam-rim, thì mục tiêu của phạm vi sơ căn để cải thiện những kiếp tương lai sẽ giả định về sự hiểu biết và niềm tin cơ bản về những kiếp tương lai. Kinh sách truyền thống thậm chí không hề quan tâm đến việc giải thích sự tồn tại của kiếp trước và kiếp sau, hay cố gắng chứng minh sự tồn tại của chúng. Người ta cho rằng tất cả mọi người đều đã tin tưởng về vấn đề này. Rất khó cho những người Tây phương, những người không xuất thân từ bối cảnh này, để chấp nhận về kiếp quá khứ và vị lai, nói gì đến việc những kiếp từ vô thỉ. Kinh sách Phật giáo truyền thống không nêu ra điểm khó khăn này, nhưng Đức Dalai Lama giải thích nó như thế này bằng miệng.

Giống như phạm vi sơ căn thì phổ biến đối với tôn giáo ngoại đạo, nếu như chúng ta đi đến một bước sớm hơn, đến bước Pháp Nhẹ Nhàng, và tu tập để cải thiện kiếp này, được chia sẻ với Đại thừa và Tiểu thừa, các liệu pháp, triết học thế tục, triết học nhân văn, vân vân, cũng như với những tôn giáo khác, thì đó là một cơ sở chung rộng lớn hơn. Một pháp tu sẽ trở thành Pháp Nhẹ Nhàng, nếu nó được thực hiện như một bước đệm, để hướng về việc tu tập cho những kiếp tương lai, giải thoát và giác ngộ, trong cấu trúc chung của pháp quy y. Chúng ta có thể bắt đầu đi theo chiều hướng này, nhờ Pháp Nhẹ Nhàng. Nếu như quy y là đường cao tốc, thì Pháp Nhẹ Nhàng sẽ là đường đi lên dốc, để vô đường cao tốc.

Ý Nghĩa Của Động Lực

Cấu trúc của các mức độ động lực trong đường tu tuần tự đến giác ngộ rất quan trọng. Động lực không nói về những lý do cảm xúc để thực hiện điều gì. Chúng ta đang nói về mục tiêu của mình. Chủ ý của chúng ta đằng sau việc tu học là gì; mục tiêu mà chúng ta dự định sẽ đạt được nhờ việc tu học là gì? Cấu trúc của Lam-rim cho thấy một quá trình tiến triển, và chúng ta phải khởi sự từ đầu. Một sai lầm lớn mà nhiều người mắc phải là đã bỏ qua phạm vi sơ căn, và chỉ đi thẳng vào phạm vi thượng căn, tức Đại thừa. Họ tuyên bố với lòng tự hào rằng: "Tôi đang tu tập cho tất cả chúng sinh, để thành tựu giải thoát và giác ngộ." Tuy nhiên, nếu không có động lực của phạm vi sơ căn trước đó, thì nó sẽ tầm thường hóa việc tu tập cho tất cả chúng sinh, và khiến cho việc tu tập của mình trở thành Pháp Nhẹ Nhàng. Chúng ta không thật sự tu tập để tất cả chúng sinh thành tựu giác ngộ, bởi vì thậm chí, mình còn không biết điều đó có nghĩa là gì, không biết giác ngộ có nghĩa là gì. Chúng ta chắc chắn không tu tập, để tất cả côn trùng trong vũ trụ thoát khỏi luân hồi, nếu như mình còn không tin vào tái sinh! Nếu quán sát tự thân một cách trung thực, thì chúng ta đang tu tập, để chỉ giúp đỡ một số chúng sinh, và chúng ta đang giúp họ, chỉ để cải thiện cuộc sống của họ trong kiếp này. Tuy một động lực như vậy vô cùng tích cực và lợi lạc, nhưng việc gọi một động lực như vậy là động lực thượng căn của Đại thừa là xem thường Đại thừa. Tôi nghĩ việc nhấn mạnh thật sự phải nhắm vào việc phát triển mục tiêu của mỗi một cấp độ động lực Lam-rim một cách chân thành từ đáy lòng, làm việc với từng động lực một, theo thứ tự tiệm tiến, mà không giả vờ rằng mình có động lực cao cấp hơn, trong khi thực tế thì chúng ta không có.

Việc tu tập Pháp Nhẹ Nhàng và phạm vi sơ căn như bước đệm, có nghĩa là chúng ta đánh giá tầm quan trọng của việc thấu hiểu về tái sinh, giải thoát và giác ngộ một cách rất rõ ràng. Chúng ta thừa nhận rằng hiện nay, mình không hiểu những điều này, nhưng nhận thức được tầm quan trọng của việc hiểu biết chúng, nên dự tính sẽ cố gắng thấu hiểu chúng một cách trọn vẹn. Nếu như chưa hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận vấn đề tái sinh, vân vân, thì ta sẽ để yên chúng ở đó, nhưng đang đi theo chiều hướng của việc thấu hiểu những điểm này.

Chúng ta có thể học hỏi tất cả các giáo lý Lam-rim với Pháp Nhẹ Nhàng, hay thậm chí động lực ở phạm vi sơ căn. Không có vấn đề gì đối với việc này. Lòng vị tha, bố thí, giúp đỡ tha nhân, thấu hiểu những phiền não, một số ý niệm về tánh Không, v.v... đều hữu ích cho kiếp này, đúng không? Chúng ta không thể có sự hiểu biết sâu sắc nhất về những điều này, nếu như không có yếu tố tái sinh vô thỉ, vân vân, nhưng có thể có phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng về chúng.

Ví dụ như nếu không có kiếp trước và kiếp sau, thì nghiệp (giáo lý về luật nhân quả) sẽ không có ý nghĩa. Đó là vì chúng ta có thể có hành thiện suốt đời, rồi lại chết vì một trận động đất. Những điều như vậy không có ý nghĩa gì, nếu chỉ nói về kiếp này thôi. Điều đó không có nghĩa là những giáo lý về nghiệp không giúp ích trong kiếp này. Nó vẫn có ích, nhưng chúng ta sẽ không có sự hiểu biết sâu sắc về nghiệp, trừ khi nghĩ về những kiếp quá khứ và vị lai. Hơn nữa, nếu không hiểu tái sinh, thì việc thừa nhận tất cả chúng sinh là mẹ của mình là điều hơi vô lý, và rất nhiều giáo pháp về bồ đề tâm dựa vào điều này. Tương tự như vậy, trừ khi mình thật sự tu tập với khái niệm về tâm vô thỉ và vô chung, nếu không thì không thể hiểu được tánh Không một cách sâu xa. Tâm vô thỉ có ngụ ý nói về tái sinh, đúng không?

Việc cảm nhận động lực ở mỗi cấp độ một cách chân thành là điều trọng yếu. Chỉ cần bỏ qua động lực ở phạm vi sơ căn này, là sẽ thiếu sót điểm mấu chốt của Lam-rim. Hãy xem các chủ đề của phạm vi sơ căn, ví dụ vậy. Kiếp người quý báu, cái chết và vô thường, v.v... bắt nguồn trực tiếp từ Kinh điển, và các truyền thống Phật giáo Tây Tạng cũng như chư đạo sư đã trình bày chúng theo nhiều hệ thống khác nhau. Chúng không phải là điểm đặc thù của Lam-rim. Điểm đặc thù của Lam-rim là việc trình bày chúng theo cấu trúc của phạm vi động lực được phân loại.

Hiểu Bối Cảnh Của Lam-rim 

Các truyền thống Tây Tạng khác nhau đã giải thích mối quan hệ lành mạnh với đạo sư ở những phần khác nhau trong khai thị về các tài liệu giống như Lam-rim. Ví dụ như truyền thống Gelug nói về mối quan hệ lành mạnh giữa thầy và trò, trước khi trình bày về các giai đoạn đưa đến giác ngộ.

Tôi nên nói thêm rằng Lam-rim không chỉ là một bản văn mà thôi. Trong truyền thống Gelug, có bảy hay tám phiên bản lớn về Lam-rim. Tông Khách Ba đã sáng tác ba phiên bản. Ngoài ra, còn có các phiên bản của Đức Dalai Lama thứ Ba, Đức Dalai Lama thứ Năm, Đức Panchen Lama thứ Tư và Đức Panchen Lama thứ Năm. Một trong những phiên bản gần đây nhất là của Pabongka Rinpoche. Trong khoảng thời gian mà phiên bản của Panchen Lama thứ Năm và phiên bản của Pabongka Rinpoche ra đời, còn có một vài phiên bản khác nữa. Chúng ta có thể thảo luận về lịch sử phát triển của Lam-rim, nhưng sẽ không làm điều đó ở đây. Tuy nhiên, điểm quan trọng là phong cách trình bày đã thay đổi theo thời gian.

Nếu bổ sung thêm một điều khác nữa, thì có một điều mà tôi nghĩ có thể hữu ích, và phải nêu ra về phiên bản lam-rim của Pabongka Rinpoche, như đã được đệ tử của ngài là Trijang Rinpoche viết lại. Tuy đó là phiên bản đầu tiên được dịch sang tiếng Anh, nên khá phổ biến, nhưng đây là một cách tiếp cận khá cơ bản đối với Lam-rim. Đó là người theo trào lưu chính thống của phái Gelug. Điều đó không có nghĩa là tốt hay xấu, mà chỉ là xác định nó là như thế nào thôi. Đừng nghĩ rằng nó đại diện cho toàn bộ truyền thống Lam-rim, hay toàn bộ truyền thống Gelug. Có một vài lời tuyên bố rất nặng nề trong đó, chống lại các hành giả đạo Bon, ví dụ vậy. Ngoài ra, việc nhấn mạnh vào những điều như, nếu lễ lạy mà nắm chặt tay lại, thì bạn sẽ tái sinh thành một con thú có móng vuốt, phản ánh một cách tiếp cận cơ bản. Việc đánh giá xem điều nào là tốt hay xấu không phải là chuyện của mình, mà chỉ cần biết nó là như thế nào thôi. Đối với nhiều người thì trào lưu chính thống phù hợp với họ, còn đối với người khác thì không. Tuy nhiên, Lam-rim chính thống của Gelug là Lam-rim chen-mo của Tông Khách Ba. Nếu muốn biết về truyền thống Gelug, thì nó chính là điều đó. Đức Dalai Lama luôn nhấn mạnh phiên bản này. Hiện nay, sách này cũng có tiếng Anh.

Trở lại quan điểm của tôi, thì phần đầu của Lam-rim trong dòng Gelug là pháp tu sơ khởi, và mối quan hệ với đạo sư. Trong một số phiên bản, thì mối quan hệ với đạo sư đi trước, rồi đến pháp tu sơ khởi, còn trong những phiên bản khác, thì lại đảo ngược lại. Dù thế nào đi nữa, thì tại sao hai điểm này lại đi trước? Nếu như nghĩ về việc này, thì rõ ràng là cách trình bày này không dành cho những người mới đến trung tâm Phật giáo, không biết gì về đạo Phật. Làm sao một người mới tu tập lại có thể bắt đầu với lễ lạy, quy y, bồ đề tâm và Thất chi nguyện? Có phải một người mới tu học phải xem thầy như Phật, ngay khi mới bước vào trung tâm Phật giáo không? Rõ ràng là những người tu học ở phương Tây không phải là đối tượng của Lam-rim. Điều phơi bày sự thật xa hơn nữa là trong cuộc bàn luận về việc xem thầy như Phật, thì các sách Lam-rim sẽ trích dẫn Mật điển. "Đức Kim Cang Trì nói...". Điều gì đang diễn ra ở đây, mà chúng ta phải hiểu.

Trước hết, những giáo lý này đã được thuyết giảng ở đâu, trong bối cảnh nào? Thính chúng là những nhà sư hoàn toàn dấn thân trong đường tu nhà Phật, với giới nguyện, v.v... Chư Tăng đã được chuẩn bị, để nhận lễ quán đảnh Mật tông, là lễ điểm đạo. Việc ban lễ quán đảnh Mật tông đòi hỏi việc trước hết là phải ôn lại đường tu Kinh điển, là nền tảng để tu tập Mật tông. Vậy thì Lam-rim đã được nêu ra như cách ôn lại giáo lý cơ bản trong Kinh điển, cho chư Tăng đang dấn thân tu tập, những người sắp nhận lễ quán đảnh Mật tông. Ngoài ra, thính chúng đã xuất thân từ bối cảnh văn hóa mà tái sinh được chấp nhận; đã có một mối quan hệ nào đó với đạo sư; và đã sẵn sàng để nhận lễ quán đảnh Mật tông với đạo sư này. Trong bối cảnh này, thì tất cả giáo lý về mối quan hệ với vị thầy sẽ có ý nghĩa. Và pháp tu sơ khởi rõ ràng có ý nghĩa, bởi vì thính chúng là chư Tăng, nên dù sao đi nữa thì các ngài cũng đã thực hiện những nghi lễ này rồi.

Một manh mối khác là Tông Khách Ba gọi mối quan hệ lành mạnh với vị thầy là "cội rễ của đường tu". Thứ đầu tiên mọc ra trên cây không phải là rễ, vì cây mọc ra từ hạt giống. Ngài đã không gọi mối quan hệ với thầy là "hạt giống của đường tu". Khi cây đã mọc, thì rễ cây là thứ sẽ hỗ trợ nó, và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Đạo sư không phải là điều mà dựa vào đó, toàn bộ đường tu sẽ phát triển. Vì vậy, tuy mối quan hệ với đạo sư là điểm đầu tiên trong khai thị của Tông Khách Ba, nhưng không có nghĩa nó là điểm đầu tiên đối với những người mới tu học. Tông khách Ba đang trình bày đường tu cho những người đã tu tập trên đường tu này rồi. Đối với họ thì sự hỗ trợ cho đường tu là mối quan hệ mà họ đã có, đối với đạo sư của mình. Đó là lý do tại sao Ngài đã nêu ra điểm này trước tiên.

Đây là ý nghĩ đầu tiên của tôi về những điều mà chúng ta phải biết về cấu trúc của Lam-rim, cụ thể là tại sao nó nằm trong các giai đoạn tiệm thứ, và có thể có một giai đoạn đi trước ba giai đoạn truyền thống, rằng cách mà ba giai đoạn truyền thống được sắp xếp sẽ cho phép giai đoạn sơ khởi bổ sung này có mặt, và những điều mà cấu trúc này sẽ cho mình biết, về mối quan hệ với vị thầy, và các pháp tu sơ khởi.

Đâu Là Những Điều Cần Thiết, Trước Khi Bước Vào Phạm Vi Sơ Căn Truyền Thống Của Lam-rim

Chúng ta phải có sự hiểu biết gì và pháp tu nào, trước khi bước vào động lực của phạm vi sơ căn trong Lam-rim? 

Sonam Tsemo (bSod-nams rtse-mo), một trong năm vị sáng lập dòng truyền thừa Sakya, nêu ra ba điều cần thiết để thể nhập giáo pháp. Trước tiên là thừa nhận nỗi khổ. Thứ hai là tự tin rằng mình có thể thoát khổ. Thứ ba là Pháp nêu ra cách để thoát khổ. Nếu như nghĩ về điều này, thì nó hoàn toàn có ý nghĩa. Nếu không thấy vấn đề nào trong đời sống của mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ không trông cậy vào Pháp. Nếu như thấy mình có vấn đề, nhưng lại không nghĩ là có cách nào để thoát khỏi chúng, thì ta cũng sẽ không nương tựa vào Pháp. Nếu như không nghĩ rằng Pháp nêu ra giải pháp, thì chắc chắn chúng ta sẽ không trông cậy vào đó, để tìm ra giải pháp. Ba điều này là những điều khiến cho chúng ta thật sự muốn tìm kiếm và noi theo đường tu nhà Phật. Ẩn ý của điểm thứ ba là trước tiên, phải nghiên cứu giáo pháp, để có được dấu hiệu nào cho thấy nó có một giải pháp khả thi. Vậy thì trước khi có thể hết lòng với Pháp, chúng ta phải học hỏi điều gì về nó.

Ông có thể nói thêm về ẩn dụ về hạt giống và rễ cây, liên quan đến đạo sư hay không? Hạt giống là gì? Làm sao để nó phát triển thành rễ cây? Nếu ông nói rằng chúng ta phải có một số kiến thức về giáo pháp, trước khi dấn thân tu tập, thì làm sao để dấn thân với một vị thầy ngay từ đầu?

Tôi sẽ lấy một ví dụ. Ba điểm mà Sonam Tsemo giải thích giống như hạt giống. Việc thể nhập vào Pháp sẽ phát triển từ hạt giống. Nhưng nếu muốn hiểu cách mà rễ cây có thể phát triển từ hạt giống ấy, thì hãy nhìn vào điểm thứ ba của Sonam Tsemo – đó là phải tiếp xúc với giáo pháp, và cảm thấy phần nào xác tín rằng giáo pháp có khả năng đưa ra giải pháp cho những vấn đề trong đời sống của mình.

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi đã học Phật pháp bảy năm ở trường đại học rất chuyên nghiệp, nghiên cứu các ngôn ngữ cổ điển chính. Tuy có linh cảm đó là hướng đi đúng đắn, nhưng chỉ khi đến Ấn Độ và gặp gỡ Đức Dalai Lama, rồi sau đó gặp một vài vị thầy của Ngài, thì tôi mới thấy rằng đạo Phật vẫn còn là một truyền thống sống động. Nó không chỉ là một môn học cứng nhắc trong sách vở, mà các giáo sư đang cố gắng tìm hiểu, như một trò chơi ô chữ. Đó là cách tiếp cận trong thập niên 60. Đây là một bậc thầy còn tại thế; giáo pháp sống động; và khi noi theo giáo pháp này, thì nó có thể thật sự đem lại kết quả. Những gì tôi đã trải nghiệm là mục tiêu và công năng chính của một vị thầy, như được giải thích trong sách vở truyền thống, đó là để truyền cảm hứng. Khi thấy rằng pháp tu nhà Phật là điều khả thi và sống động, là điều đã đưa tôi đến điểm thật sự dấn thân vào việc tu tập, và hết lòng với đạo Phật.

Vì lý do này, đạo sư là người rất hữu ích, và cần thiết để giúp cho mình thể nhập vào giáo pháp. Tôi không nghĩ chúng ta có thể thể nhập giáo pháp, nếu chỉ dựa vào việc đọc kinh sách, dù chúng ta có thể bị lôi cuốn theo chiều hướng đó, dựa vào sách vở, và có một chút cảm hứng. Cảm hứng mạnh mẽ nhất sẽ bắt nguồn từ tấm gương sống động của một đạo sư. (Điểm thứ ba của Sonam Tsemo) khi hạt giống trở thành rễ cây, vì nguồn cảm hứng từ chư đạo sư sẽ giúp mình đi trọn đường tu. Nhưng nếu muốn cho việc gặp gỡ với một đạo sư trở thành hạt giống, rồi bắt rễ, thì vị thầy phải là một người thật sự có trình độ, không phải là một người lừa bịp có sức lôi cuốn.

Nếu như chỉ gặp một đạo sư không hội đủ trình độ, người "khiến cho mình choáng váng", và chúng ta không biết gì về đạo Phật, thì liệu điều đó có đủ để cho mình thể nhập đường tu không? Tôi sẽ nói rằng không đủ. Giống như việc đọc sách về đạo Phật, mà không có một tấm gương sống động, có thể dẫn dắt mình theo phương hướng của giáo pháp, và ban cho ta một chút cảm hứng, thì việc chỉ gặp gỡ một vị thầy, thậm chí là một người không đủ trình độ, cũng giống như vậy. Nhưng việc noi theo phương hướng đó sẽ không vững chắc, trừ khi chúng ta học hỏi được điều gì từ sách vở hay đạo sư, chứ không chỉ được ban nguồn cảm hứng.

Cái nào nguy hiểm hơn, đối với việc khởi đầu bằng cách chỉ đọc sách về đạo Phật, hay bắt đầu bằng việc có ấn tượng với một đạo sư? Cả hai đều có nguy cơ của nó. Nếu như chỉ đọc sách thôi, thì ta có thể có sự diễn dịch riêng của mình về giáo pháp, mà có thể không liên quan gì đến giáo pháp thật sự. Nếu chỉ đi theo vị thầy, thì sẽ có nhiều nguy cơ trở thành con mồi của một người truyền cảm hứng cho mình rất nhiều, nhưng không hội đủ trình độ. Chúng ta có thể lạc lối. Ngay cả khi người đó hội đủ điều kiện, thì ta có thể phóng chiếu rất nhiều vọng tưởng vào người đó, đến nỗi sẽ bị lạc đường, vì ảo tưởng của mình.

Bất kể ta đã khởi sự như thế nào, thì phải cố gắng để có cả hai việc học hỏi và cảm hứng. Cảm hứng ban sơ từ một vị thầy không giống như mối quan hệ lành mạnh với một đạo sư. Điều đó sẽ đến muộn hơn nhiều, khi hành giả đã phát triển một cách tốt đẹp trên đường tu, khá dấn thân vào đó, và đã tìm hiểu vị thầy cặn kẽ. Sách vở nói rằng điều biểu thị mối quan hệ chính thức với một đạo sư là việc thọ giới từ vị thầy ấy, cho dù là biệt giải thoát giới, bồ tát giới hay Mật giới. Việc đi đến điểm này sẽ đòi hỏi khá nhiều việc phát triển trước đó, để mình không chỉ thọ giới, vì bị một nhóm Phật tử làm áp lực, hay vì lý do loạn thần nào đó, nên không chỉ tham dự buổi lễ, mà không biết là điều gì đang xảy ra. Khi có thể thật sự hết lòng cam kết như vậy, thì chúng ta sẽ bắt đầu nói về mối quan hệ với đạo sư, như được bàn luận trong kinh sách truyền thống. Người ta thường nói rằng đạo sư là yếu tố quan trọng ở lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối của đường tu, nhưng phải hiểu điều đó có nghĩa là gì, trong mỗi giai đoạn. Điều đó không có nghĩa là mình sẽ xem thầy như Phật, ở điểm khởi đầu của đường tu.

Xem Trọng Kiếp Người Quý Báu

Ở đây, chúng ta không có thời gian để đi sâu vào chi tiết về những điểm trong Lam-rim. Thay vì vậy, thì hãy xem xét cấu trúc của các giai đoạn tiệm tiến trên đường tu, và hãy làm điều đó, bằng cách so sánh hai cách khác nhau để tiếp cận những giai đoạn này, đó là theo cách Pháp Nhẹ Nhàng, đó là cách mà hầu hết chúng ta sẽ tiếp cận chúng, và Pháp Thực Thụ.

Chúng ta sẽ bắt đầu với việc xem trọng kiếp người quý giá mà mình có được. Chữ quý giá trong tiếng Tây Tạng ở đây là cùng một chữ được sử dụng trong Tam Bảo Quý Giá, với ý nghĩa là một kiếp người được phú bẩm đầy đủ, không chỉ quý giá, mà còn rất hiếm hoi. Nếu như nghĩ về hoàn cảnh của mình, thì đó là điều lạ thường. Nó có thể tồi tệ hơn nhiều, so với hiện nay. Việc chúng ta không bị chậm trí, dị dạng, tật nguyền, mất trí, v.v... là điều rất phi thường. Chúng ta không sống ở vùng có chiến tranh khốc liệt, hay chết đói, bị tra tấn trong trại tập trung, v.v... Rất nhiều người đã và đang ở trong những tình huống như vậy. Thật là phi thường, khi chúng ta thoát khỏi những điều đó, nhưng lại xem thường nó.

Tình hình thế giới hiện nay thật ra rất có lợi cho việc nhận thức điều này, về kiếp người quý giá. Những phương pháp để cải thiện bản thân thì có sẵn, và chúng ta thật sự quan tâm đến việc học hỏi chúng, đưa chúng vào việc tu tập. Ngay cả khi những phương pháp này có sẵn, nhưng hầu hết mọi người lại không quan tâm đến chúng, và có nhiều người thậm chí không có sẵn những phương pháp này. Hơn nữa, điều đáng kinh ngạc là ngoài sự quan tâm ra, chúng ta còn có cơ hội nghiên cứu và hành trì những phương pháp này. Nếu so sánh hoàn cảnh của mình với những nơi khác trên thế giới, thì ta có thể thấy sự việc có thể tồi tệ hơn nhiều.

Khi biết rằng mình có cơ hội quý báu để cải thiện bản thân, thì điều này sẽ thúc đẩy ta tận dụng cơ hội này. Điều quan trọng là không lãng phí cơ hội như vậy. Nó rất mong manh và rất hiếm hoi. Việc lãng phí cơ hội này, bằng cách dành hầu hết thời gian để đến quán bar, xem truyền hình, hay bất cứ điều gì, là một sự lãng phí không tưởng tượng nổi. Chúng ta rất vinh dự, khi có được tự do để làm những việc có ích hơn, lợi lạc hơn với đời sống của mình. Hầu hết chúng ta đều có một số tiền. Chúng ta không phải là nô lệ. Chúng ta có sức khỏe. Chúng ta có đặc quyền. Dù đang hành trì Pháp Nhẹ Nhàng hay Pháp Thực Thụ, thì điểm này hoàn toàn giống nhau.

Đây là điểm khởi đầu. Nó đi trước những cấp độ động lực tiệm thứ. Dù chúng ta có thể nghiên cứu phần còn lại của đường tu, nhưng nếu điểm đầu tiên này không thật sự đi vào lòng mình, và trở nên hoàn toàn chân thật với mình, ở mức độ cảm xúc sâu sắc, chứ không chỉ về mặt trí tuệ, thì rất khó để có được sự tiến triển nào. Nếu như điều này không chân thành, thì toàn bộ đường tu sẽ dễ trở thành như một môn thể thao. Nó chỉ là một hoạt động như chơi bóng gỗ (bowling) hay tập thể dục. Chúng ta không thấy mối liên hệ sâu sắc của nó đối với đời sống của mình, nhưng trên thực tế, việc cải thiện bản thân phải là đời sống của mình!

Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ dừng lại ở điểm này, và không nghiên cứu bất cứ điều gì khác về đường tu tuần tự đến giác ngộ, cho đến khi lòng cảm kích về kiếp người quý giá của mình thật sự lắng đọng trong nội tâm. Phải mất nhiều năm, trước khi nó sẽ lắng đọng trong lòng. Vấn đề là đừng xem thường nó. Tuy phải nỗ lực để xem trọng và tận dụng lợi thế của kiếp người quý giá, nhưng đối với giáo pháp thì chúng ta không phải trở thành người cuồng tín. Điều đó sẽ đưa đến thất bại. Dĩ nhiên là nên thư giãn.

Chúng ta có cơ hội hiếm hoi này, và có được kiếp người quý báu này. Nếu đã có cơ hội học hỏi và gặp gỡ chư đạo sư hội đủ trình độ, thì điểm này càng trở nên thực tế hơn nữa. Làm sao có thể lãng phí điều đó được? Việc có thể học hỏi và gặp gỡ những đạo sư như vậy là cả một đặc ân.

Nhắm Vào Những Tái Sinh Tốt Hơn

Động lực ở mức sơ căn là tư duy về việc tránh những tái sinh tồi tệ hơn, và cố gắng để có được hoàn cảnh tốt hơn trong kiếp tương lai. Đó là vấn đề có nhiều dạng sống khác, ngoài cõi người mà chúng ta có thể tái sinh vào, nhưng việc đến một trong những cõi trời, và tránh một trong những cõi địa ngục không phải là mục tiêu tối hậu. Nếu như đó là mục tiêu tối hậu của mình, thì không phải là Phật pháp.

Thực tế mà nói, chúng ta sẽ đi được bao xa trong một kiếp? Chúng ta sẽ không thành tựu tất cả mọi việc trong một kiếp. Thậm chí, sẽ mất nhiều thời gian, để có sự tiến bộ đáng kể trên đường tu nhà Phật, nên chúng ta phải tiếp tục có được kiếp người quý báu. Chúng ta phải tiếp tục có những cơ hội như những bước đệm thuận lợi, để thành tựu những mục tiêu cao hơn trong nhà Phật. Do đó, việc muốn cải thiện những kiếp tương lai sẽ dựa vào kiếp người quý báu, và chúng ta đang có một kiếp người quý giá, và muốn tiếp tục có được nó trong tương lai.

Một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng là nếu như không thật sự thấu hiểu, hay tin vào tái sinh, đừng nói gì đến sự tồn tại của những cõi vô hình như thiên đàng và địa ngục, thì có thể chúng ta muốn làm lợi lạc cho những thế hệ tương lai. Giống như mình đã có kiếp người quý báu, thì ta cũng muốn các thế hệ tương lai có được cơ hội quý giá này, dù chỉ nghĩ về gia đình của mình, hay theo nghĩa rộng hơn. Ý niệm về việc tạo lợi lạc cho những thế hệ tương lai thật ra không nằm trong kinh sách nhà Phật, nhưng nó hài hòa với Phật pháp, nên tôi nghĩ chúng ta có thể tiếp cận nó, từ quan điểm này của người Tây phương. Tôi nghĩ rằng việc có một mục tiêu như vậy là hoàn toàn hợp lệ, và hoàn toàn hữu ích, miễn là chúng ta không khẳng định đó là điều mà Phật pháp nói, và phủ nhận những gì Phật pháp đang thật sự nói đến, đó là làm lợi lạc cho những kiếp tương lai.

Kế đến, chúng ta sẽ tu tập với ý thức về cái chết. Chúng ta sẽ xem cái chết một cách nghiêm túc. Chắc chắn là chúng ta sẽ chết. Tất cả mọi người được sinh ra đều đã chết, và chúng ta không biết khi nào thì mình sẽ chết. Nếu chỉ nghĩ đến cái chết, mà không nghĩ xa hơn nữa, thì có thể thấy phiền muộn. Điểm mấu chốt trong Pháp Thực Thụ là sẽ có kiếp sau, nên chúng ta đã sẵn sàng chưa? Nếu như phải chết ngay bây giờ, thì ta có cảm thấy mình đã thật sự sẵn sàng đối với những điều sẽ xảy ra hay không? Ta có hối tiếc về những điều mình đã làm trong kiếp này hay không? Chúng ta có lãng phí nó không? Nếu đây là một tiếng đồng hồ cuối cùng của mình, thì liệu chúng ta có thấy vui về cách mình đã sống cuộc đời này hay không? Đây là những điều quan trọng để suy nghĩ.

Một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng là nghiêm túc về sự kiện rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào. Trong tình hình thế giới hiện nay thì điều này càng trở nên thực tế hơn, đối với chúng ta. Chúng ta sẽ để lại di sản nào cho thế hệ tương lai? Chúng ta đã làm gì? Có phải chúng ta chỉ để lại tình trạng hỗn độn về tài chánh và cảm xúc, hay đang để lại điều gì tích cực? Mọi người sẽ nhớ đến mình như thế nào?

Sau khi nghĩ về cái chết, chúng ta sẽ nghĩ về điều gì có thể xảy ra sau khi mình chết. Chúng ta sẽ nghĩ về những tái sinh tồi tệ hơn. Liệu ta có muốn tái sinh thành một con gián, để mọi người nhìn thấy là chỉ muốn dẫm lên mình hay không? Chúng ta có thể đi khá xa, để tưởng tượng ra những tình huống tồi tệ hơn. Không nhất thiết là trong cõi súc sanh, mà cũng có thể là cõi người, như làm người bị kỳ thị một cách thậm tệ, không có cơ hội, v.v... Khi nhận thức rằng hiện giờ, chúng ta đang có cơ hội quý giá và vận may tuyệt vời như vậy, và tưởng tượng là mình sẽ không có những cơ hội như vậy trong những kiếp tương lai, thì sẽ cảm thấy điều đó thật kinh hoàng! Chúng ta sẽ không muốn điều đó xảy ra. Nếu thật sự nghĩ như vậy, thì ta sẽ tu tập hết mình, để chuẩn bị cho những kiếp tương lai. Chúng ta sẽ muốn tạo lập mọi việc một cách tốt đẹp.

Đối với hầu hết những người Tây phương, thì ý tưởng này rất khó khăn, bởi vì chúng ta không biết thật ra tái sinh có nghĩa là gì. Nếu như mình có ý tưởng nào, thì rất có thể đó là một khái niệm đơn giản, mà chắc chắn Phật tử sẽ không khẳng định. Điều này rất khó cảm nhận ở mức độ chân thành, rất là khó. Như tôi đã đề cập đến một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng, nghĩ về các thế hệ tương lai, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ về việc muốn tránh cho sự việc trở nên tồi tệ hơn trong kiếp này. Liệu chúng ta có muốn kết thúc bằng cách ngồi trên xe lăn trong viện dưỡng lão, sau khi đã không làm điều gì có ý nghĩa trong cuộc sống của mình, hoàn toàn chán nản, cô đơn và không có khả năng đối phó với những nỗi khổ của tuổi già hay không? Nếu nghĩ đến điều này, thì thật là kinh khủng. Chúng ta sẽ muốn chuẩn bị tinh thần và sự hiểu biết, để có thể đối phó với điều mà mình không thể tránh khỏi (trừ khi ta sẽ đột ngột qua đời vào ngày mai), đó là bệnh tật, mất trí nhớ, mất đi các giác quan, mất khả năng kiểm soát đường ruột, phải phụ thuộc vào người khác, và cái chết. Chúng ta sẽ đối phó với những điều này như thế nào, và giữ phẩm giá của mình, thay vì bị trầm cảm, là điều sẽ xảy ra đối với hầu hết mọi người. Chúng ta phải xem xét điều này một cách khá nghiêm túc, không chỉ phủ nhận nó. Việc phủ nhận nó sẽ không giúp được gì. Đó là điểm quan trọng. Pháp không phải là chỉ nhìn vào những điều tốt đẹp, mà chúng ta đang xem xét những điều kinh khủng, và cố gắng làm điều gì đó, để lánh xa chúng, hay đối phó với chúng bằng những cách để giảm bớt khổ đau.

Bước kế tiếp là quy y. Dù muốn tránh những tái sinh tồi tệ hơn, hay những điều tồi tệ hơn trong cuối cuộc đời này, hoặc trong những thế hệ tương lai, chúng ta sẽ thấy rằng Phật, Pháp và Tăng đã đưa ra lối thoát. Chư Phật đã hoàn toàn đoạn trừ mọi phiền não, chư A la hán đã giải thoát, và chư Thánh nhân có chứng ngộ cao đã làm như vậy một phần nào. Chúng ta đang tu tập, để hướng về mục tiêu này, đó là giải thoát hay giác ngộ. Nếu như tu tập để có một kiếp tốt đẹp hơn trong tương lai, thì quy y sẽ chỉ cho mình cách làm điều đó, để sau nhiều kiếp, ta có thể thành tựu giải thoát và giác ngộ. Đó là phương hướng cải thiện bản thân, nói theo ngôn ngữ giản dị.

Trong phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng, chúng ta sẽ cải thiện bản thân, và noi theo phương hướng này trong kiếp này, như một bước đệm. Khó mà vững tin rằng ta có thể thoát khỏi mọi mê lầm, và chứng ngộ mọi tiềm năng của mình. Thậm chí, chúng ta không biết điều đó có nghĩa là gì. Để thật sự tu tập theo phương hướng đó, thì mình phải hiểu nó, và tin chắc rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả thi. Thế thì như một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng, chúng ta sẽ cố tìm hiểu cách để khắc phục tất cả phiền não của mình, và tin tưởng rằng đó là điều khả thi. Trong khi đó thì ít nhất là ta có thể noi theo phương hướng đó. Chúng ta không biết liệu mình có thể đi hết đường tu này hay không, nhưng có thể thấy rằng việc noi theo phương hướng này là điều lợi lạc.

Hiện nay, chúng ta có một ý nghĩa và hướng đi trong đời sống. Đó là lý do tại sao có sự nhấn mạnh lớn như vậy về bước quy y này, bởi vì nó thật sự tạo ra một sự khác biệt lớn lao, dù mình đang tu tập phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng, hay phiên bản Pháp Thực Thụ. Việc cảm nhận rằng mình biết những gì mình đang làm trong cuộc sống là một bước khá lớn! Nó sẽ tạo ra cảm giác an toàn và trưởng thành rất lớn lao. Chúng ta không nói về thái độ non nớt như "Hỡi Đức Phật, Đức Phật ơi, hãy cứu con!", trong khi lại không làm gì cả. Đó không phải là Phật pháp.

Nếu muốn quy y Phật, Pháp và Tăng, thì phải hiểu nghiệp (luật nhân quả), và sửa đổi hành vi của mình, dựa theo đó. Nếu đang tạo ra ác nghiệp, thì phải nhận ra điều đó và kềm chế hành vi này, và phải cư xử một cách tốt đẹp hơn. Cách ta hành động sẽ ảnh hưởng đến những điều mình trải nghiệm. Nếu ta hành động như tên ngốc, thì mọi người sẽ xem mình như kẻ ngốc. Nếu như mình hung ác, thì ta có trông mong mọi người sẽ đối tốt với mình hay không? Nếu như ta hành động một cách tàn nhẫn, làm tổn thương và lừa dối người khác, thì người ta sẽ đáp lại với mình như vậy. Nếu như ta tử tế với gia đình của mình, thì sự việc sẽ suôn sẻ hơn một chút.

Theo phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng, chúng ta có thể nghĩ rằng cách mình hành động sẽ ảnh hưởng đến kinh nghiệm trong kiếp này của mình, nhưng sự việc không rõ ràng như vậy. Chúng ta có thể rất tốt với gia đình, những vẫn gặp nhiều rắc rối và khó khăn. Hoặc chúng ta có thể rất tham nhũng, nên rất giàu có, mà chẳng bao giờ bị bắt. Vậy thì nói chung, chúng ta có thể nói rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn trong kiếp này, nếu như mình xử sự tốt, và sẽ tệ hại hơn, nếu như mình không xử tốt, nhưng không có gì đảm bảo điều đó. Pháp Thực Thụ đòi hỏi ta phải nghĩ đến những kiếp quá khứ và vị lai, bởi vì hầu hết kết quả sẽ không trổ trong kiếp này, và những gì sẽ trổ trong kiếp này thì hầu hết không phải là kết quả của những điều ta đã làm trong kiếp này.

Một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng khác của giáo lý về nghiệp là hãy cố giúp đỡ người khác, và không làm tổn thương họ. Điều này phù hợp với Pháp, nhưng làm sao để biết hành vi của mình sẽ tạo ra tác động gì? Ta có thể nấu một bữa ăn ngon để làm cho người nào vui lòng, và người đó có thể nuốt nhằm xương, mắc nghẹn rồi chết. Ảnh hưởng mà hành vi của mình sẽ tạo ra cho tự thân, về mặt kinh nghiệm của mình, là điều chắc chắn duy nhất. Đó là điều mà nghiệp đang nói đến.

Tất cả những điều này nằm trong bối cảnh nghĩ về những kiếp tương lai, và muốn tránh những sự khiếm khuyết trong đó, để có được kiếp người quý giá trong mỗi kiếp sống, và có thể tu tập nhiều hơn nữa, hướng về giải thoát và giác ngộ.

Phạm Vi Trung Căn 

Với động lực của phạm vi trung căn, chúng ta đang hướng về việc thoát khỏi luân hồi. Nếu như không hiểu hay không tin vào tái sinh, thì làm sao mình lại muốn thoát khỏi tái sinh? Đó là một trò đùa. Một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng thì hướng đến việc thoát khỏi bất cứ nỗi khổ nào trong kiếp này, nhưng điều đó khá mơ hồ. Về mặt Pháp Thực Thụ thì ở phạm vi sơ căn, chúng ta chỉ nghĩ đến việc tránh những nỗi khổ thô thiển, đặc biệt là nỗi khổ của những tái sinh tồi tệ hơn. Ở đây, trong phạm vi trung bình, chúng ta sẽ nghĩ về vấn đề của hạnh phúc thông thường, đặc trưng là nỗi khổ của những cảnh giới cao hơn. Ngay cả trong các cõi Trời hay cõi người, chúng ta có đủ những nỗi khổ. Chúng ta cũng xem xét "nỗi khổ thâm nhập khắp nơi", đó là tình trạng luân hồi nói chung, cụ thể là bất cứ điều gì mà mình trải qua trong bất kỳ tái sinh nào, đều do vô minh tác động, đi kèm với vô minh, kéo dài và tạo ra thêm vô minh. Nhưng với Pháp Nhẹ Nhàng, chúng ta có thể nhìn vào hai loại khổ này một cách tổng quát hơn, để chúng cũng liên quan đến kiếp này.

Những loại hạnh phúc thông thường mà chúng ta có thì có khiếm khuyết. Tại sao? Bởi vì chúng bất toại nguyện. Chúng ta không bao giờ có đủ. Chúng ta không muốn quan hệ tình dục chỉ một lần. Chúng ta không muốn chỉ ăn một lần thôi. Chúng ta muốn những điều này hết lần này đến lần khác, lặp đi lặp lại hoài. Điều thật khủng khiếp là đôi khi, chúng ta còn không thích những điều mình yêu thích nữa. Không có gì đảm bảo rằng mình sẽ thích ăn cùng một món ăn mỗi một lần, hay tận hưởng quan hệ tình dục mỗi một lần. Điều thậm chí còn khủng khiếp hơn nữa, là kế đến, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Có lúc thì mình có tâm trạng tuyệt vời, rồi tiếp theo thì lại có tâm trạng thậm tệ. Đó là điều vô cùng bất toại nguyện.

Bằng mọi cách, chúng ta phải vượt ra việc suy nghĩ để cố gắng có được bất cứ niềm vui nào mà mình có thể đạt được. Thông thường, những gì ở đằng sau niềm vui đó là huyền thoại, ảo tưởng rằng ta sẽ tìm ra hạnh phúc hoàn hảo nào đó qua thực phẩm, tình dục, tình bạn, tiền bạc, hay bất cứ điều gì. Nhưng một niềm tin như vậy xuất phát từ vô minh, đi kèm với việc theo đuổi những điều này và, khi thấy rằng những điều này không làm cho mình thỏa mãn, thì sẽ càng tạo ra thêm nhiều vô minh. Chúng ta nghĩ rằng có thể khi mình hưởng thụ chúng lần sau, thì nó sẽ mang lại hạnh phúc hoàn hảo. Phải đi đến điểm mà chúng ta sẽ có cái gọi là "tâm xả ly". Đó không chỉ là quyết tâm thoát khỏi vòng tròn lẩn quẩn này, mà còn dựa vào tâm nhàm chán và ghê tởm tất cả những điều này. Thật là ngu ngốc và nhàm chán, khi cứ đập đầu vào tường, và cố gắng để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu từ những thứ này. Với tâm xả ly, chúng ta sẽ quyết tâm để được tự do, và điều này dựa trên sự hiểu biết rằng mình có khả năng được tự do, có một sự lựa chọn khác.

Với tâm xả ly, ta sẽ nhận ra rằng không có nơi nào trên vũ trụ này mà mình thật sự muốn đi đến. Tất cả mọi nơi đều khá giống nhau. Một vài nơi thì đẹp đẽ hơn những nơi khác, nhưng tất cả đều là rác rưởi. Không có trung tâm Phật giáo nào mà ta cảm thấy mình phải lệ thuộc vào đó, để được hạnh phúc. Chúng ta sẽ nhận ra là không có trung tâm nào hoàn hảo, và chắc chắn là bất cứ trung tâm nào cũng sẽ liên quan đến những thứ rác rưởi như chánh trị nội bộ. Không có tu viện nào mà ta muốn lệ thuộc vào. Bất cứ tu viện nào chắc chắn cũng sẽ liên quan đến vấn đề chánh trị nội bộ. Không có tình bạn nào mà ta muốn vun bồi, bởi vì bất cứ tình bạn nào chắc chắn cũng sẽ tràn đầy vấn đề và khó khăn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mình chỉ đi tự sát, bởi vì mọi việc thật đáng buồn. Đúng hơn là vì không bị bất cứ điều gì lôi cuốn, và không có huyền thoại rằng ta sẽ tìm thấy trung tâm Phật giáo lý tưởng, tu viện, bạn bè, nơi sinh sống, công việc, bạn đời lý tưởng, v.v..., mà chỉ tìm kiếm điều gì thuận lợi nhất, để có thể tiến xa hơn nữa trên đường tu đến giải thoát. Với tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ chọn một trung tâm Phật giáo, tu viện, chỗ ở, vân vân, mà không phóng đại rằng nó là điều tuyệt vời nhất trên thế giới. Không có thứ gì trong số những điều này là tuyệt vời nhất cả. Đó là luân hồi. Hoàn cảnh trong luân hồi thì chẳng bao giờ toại nguyện, không bao giờ hoàn hảo, luôn luôn thăng trầm. Chúng ta phải hiểu tâm xả ly theo cách này.

Phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng của tâm xả ly là mong muốn thoát khỏi nỗi khổ trong kiếp này. Phiên bản Pháp Thực Thụ còn nghĩ về những kiếp tương lai, không chỉ kiếp này. Ba loại khổ cứ lặp đi lặp lại từ kiếp này sang kiếp khác, trừ khi chúng ta sẽ làm điều gì đó, để thoát khỏi chu kỳ cứ tái diễn một cách bất tự chủ này.

Ở đây, chúng ta có thể thấy cách mà toàn bộ giáo pháp giống như những mảnh nhỏ trong trò chơi ghép hình, được ghép lại với nhau theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, nếu như không gắn mảnh kiếp người quý giá với tâm xả ly với nhau, thì chúng ta sẽ đi đến một điểm mà mình cảm thấy không có nơi nào tốt đẹp, chúng ta không muốn đi đâu cả, tất cả đều là rác rưởi, nên không muốn làm bất cứ điều gì. Đó không phải là điểm chính của tâm xả ly. Tâm xả ly sẽ giúp ta tận dụng kiếp người quý giá một cách tốt đẹp hơn.

Điều tiếp theo mà chúng ta phải xem xét, khi có động lực của phạm vi trung căn, là đâu là nguyên nhân tạo ra tất cả những vấn đề, khó khăn và phiền não này. Tất cả đều bắt nguồn từ vô minh. Pháp đưa ra một lời giải thích tinh vi đến mức khó mà tưởng tượng nổi, về cách mà tất cả những điều này vận hành. Một ví dụ đơn giản là huyền thoại về Hoàng tử hay Công chúa quyến rũ trên con bạch mã, khiến mình sẽ phóng chiếu đủ các điều lý tưởng lên người khác. Rồi thì ta sẽ sinh tâm quyến luyến với họ, và tức giận, khi anh ấy hay cô ấy không sống theo kỳ vọng không thực tế của mình, hoặc ganh tỵ, vì ai đó sẽ lấy Hoàng tử hay Công chúa của mình. Đạo Phật nêu ra phân tích đầy đủ về việc vấn đề này bắt nguồn từ đâu. Thật là tuyệt vời

Phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng xem xét nguyên nhân của những hội chứng này, chỉ trong bối cảnh của kiếp này, và có lẽ mở rộng việc tìm kiếm nguyên nhân từ những ảnh hưởng bắt nguồn từ những thế hệ trước. Do đó, phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng có xu hướng là một sự phân tích tâm lý, không đủ sâu sắc. Phiên bản Pháp Thực Thụ thì xem xét các hội chứng này và nguyên nhân của chúng, về những lề thói từ kiếp trước. Việc xem xét điều này chỉ về mặt cái gì đã xảy ra với chúng ta trong kiếp này thôi thì không đủ để giải thích mọi việc một cách đầy đủ. Nó chỉ là một phần của vấn đề mà thôi.

Đề tài tiếp theo trong Lam-rim là bàn luận về Thập nhị nhân duyên. Đó là một sự phân tích rất tinh vi, phức tạp về cách mà tái sinh hoạt động, cách mà phiền não và nghiệp sẽ kích hoạt một số lề thói nào đó, rồi tái diễn thành thiên hướng, thành nhân cách trong những kiếp khác nhau, v.v... Chỉ khi nào có bức tranh hoàn chỉnh này, thì ta mới thật sự có được khái niệm về việc toàn bộ quá trình luân hồi này kinh khiếp và vô lý ra sao. Tuy ta có thể có một vài khái niệm về cách mà những lề thói của mình sẽ tái diễn trong kiếp này, theo quan điểm của Pháp Nhẹ Nhàng, những Pháp Thực Thụ đang nói về cách tái sinh hoạt động. Đó là sự thâm thúy thật sự ở đây.

Để thoát khỏi chu kỳ khủng khiếp này, thì phải có tam vô lậu học về giới, định và tuệ. Ở đây, giới đang nói đến việc thọ biệt giải thoát giới (cư sĩ hay xuất gia). Bởi vì chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi, nên sẽ cam kết, để tránh những điều cản trở sự giải thoát của mình. Ở đây, không cần phải thảo luận dài dòng về việc thọ giới. Việc thọ biệt giải thoát giới này ngụ ý rằng trước hết, chúng ta phải có một vài khái niệm rằng giải thoát là điều khả dĩ, và việc cam kết tuyệt đối để tránh tạo ra ác nghiệp, sẽ giúp mình đi theo chiều hướng đó. Nó dựa vào tâm xả ly, từ bỏ ác nghiệp, bởi vì chúng ta thấy rằng việc hành động, nói năng và suy nghĩ một cách tiêu cực, sẽ khiến cho mình đi lạc hướng.

Thực tế là việc bàn luận về thọ giới sẽ theo sau bàn luận về phiền não, ngụ ý rằng chúng ta không thọ giới vì những lý do loạn thần, chẳng hạn như, "Tôi muốn trở thành người tốt", "Tôi muốn làm cho thầy tôi vui lòng.". v.v... Khi thọ giới, vì biết rằng giải thoát là điều khả thi, và giới sẽ vạch ra ranh giới, để ta không vượt qua những điều đó, và không phải đắn đo về cách mình nên hành xử. Ví dụ như mình không uống rượu, vì hiểu rằng nó sẽ khiến cho tâm mình mê muội, nên không thể thành tựu định tâm. Chúng ta phải thiết lập ranh giới. Nó không liên quan gì đến việc ngoan ngoãn. Việc thọ giới dựa vào trí tuệ sáng suốt rằng việc tuân theo chỉ giáo của giới nguyện là điều ích lợi. Sau đó, trên cơ sở của giới, chúng ta sẽ phát triển định tâm, và với trí tuệ, chú trọng vào tánh Không, tri kiến thậm thâm nhất về thực tại, để đoạn trừ tâm vô minh, tạo tác luân hồi. Định và tánh Không không được bàn luận chi tiết trong phạm vi trung bình, mà chỉ được đề cập đến.

Phạm Vi Thượng Căn

Phạm vi thượng căn là tu tập để giác ngộ. Một khi đã đi đến điểm tu tập để thành tựu giải thoát, để thoát khỏi tái sinh bất tự chủ của chính mình, thì phải tiến tới điểm mà mình muốn tiến xa hơn trong quá trình phát triển tự thân, để cũng có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh. Trong phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng của động lực này, thì ta chỉ muốn xử tốt với mọi người, và giúp đỡ họ. Chúng ta không chỉ nói về điều đó, mà còn muốn giúp họ khắc phục luân hồi. Không chỉ là đối xử tốt với họ, mà còn nhiều hơn thế nữa.

Định và tuệ cần có nguồn năng lượng lớn lao ở đằng sau, để đưa ta đến giác ngộ, và điều đó bắt nguồn từ bồ đề tâm. Nói một cách đơn giản thì bồ đề tâm là ý nghĩ rằng: "Tôi phải giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách trọn vẹn nhất, và nếu muốn thực hiện điều đó, thì tôi phải thành tựu giác ngộ, nên sẽ nhắm vào thành tựu ấy.".

Hiện nay, trí óc của chúng ta bị hạn chế, cơ thể chúng ta bị hạn chế. Nó giống như mình đang ở trong một chiếc tàu ngầm, nhìn qua kính tiềm vọng. Tất cả những điều ta có thể thấy là những gì hiện ra trước mắt mình. Chúng ta không thể thấy sự tương quan của vạn pháp đã tồn tại, hay sẽ tồn tại. Khi nhìn vào người khác, chúng ta không thấy tâm trạng hiện giờ của họ đã chịu ảnh hưởng của mỗi con người và mỗi một con thú đã từng sinh sống, của lịch sử, kinh tế, xã hội, v.v... Chúng ta phải biết tất cả những điều này, để biết cách giảng dạy thích hợp với họ. Chúng ta cũng không biết việc giảng dạy của mình sẽ có tác động gì, đối với tất cả những người lắng nghe lời giảng này, và vì ảnh hưởng của giáo huấn này, họ sẽ tạo ra ảnh hưởng gì, đối với tất cả những người mà họ sẽ gặp gỡ sau này. Hãy nghĩ về điều đó. Chúng ta chỉ nhìn qua kính tiềm vọng. Chúng ta không thấy được tính tương quan, nói gì đến những kiếp quá khứ và vị lai của tất cả mọi người? Trừ khi mình nhận thức được tất cả những điều này, còn không thì làm sao ta có thể biết đâu là điều tốt nhất để dạy cho bất cứ người nào?

Phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng của điều này sẽ nghĩ về việc mọi người có một kiếp thôi, nên chỉ nghĩ về nhân quả trong một đời. Phiên bản Pháp Thực Thụ thì tính đến việc tất cả chúng sinh đều có vô lượng kiếp, nên phức tạp hơn nhiều. Nếu muốn biết cách giúp đỡ mọi người càng nhiều càng tốt, thì phải tiêu diệt cái kính tiềm vọng ngu ngốc này, điều đó có nghĩa là mình phải giác ngộ. Ngay cả khi đã thoát khỏi luân hồi, thì ta vẫn nhìn qua kính tiềm vọng, dù ở thời điểm đó, chúng ta không còn bị lừa gạt nữa, và không tin rằng vạn pháp tồn tại theo cách mà chúng có vẻ tồn tại như vậy. Khi dẹp đi kính tiềm vọng, thì chúng ta không còn là những chiếc tàu ngầm, là chúng sinh nữa. Nếu như không có một khái niệm đơn giản tối thiểu về việc giác ngộ có nghĩa là gì, và tại sao mình phải thành tựu giác ngộ, thì làm sao ta có thể phát bồ đề tâm? Đó là những điều mà chúng ta đang học hỏi.

Một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng có thể là: "Ồ, tôi muốn thành Phật, bởi vì đó là điều rất tuyệt vời! Đó là quả vị cao nhất, và tôi sẽ có khả năng giúp đỡ tất cả chúng sinh!". Đó là chuyện thần tiên. Có lẽ chúng ta có thể khởi sự với điều đó, nhưng phải nhận ra rằng có điều gì sâu sắc hơn đang diễn ra.

Sau đó, chúng ta sẽ thọ bồ tát giới. Những giới nguyện này sẽ nêu ra những hành vi và thái độ mà mình phải tránh, và những điều phải làm, để tạo ra lợi lạc tốt nhất cho tha nhân, và thành tựu giác ngộ. Thật là tuyệt vời. Chúng ta biết điều gì sẽ ngăn cản mình trên đường tu này, nên sẽ tránh những điều đó.

Trong khi noi theo đường tu này, chúng ta sẽ tu tập Lục độ ba la mật, thường được gọi là sáu hạnh hoàn hảo. Có thể nghĩ về chúng theo hai cách: về mặt tạo ích lợi cho bản thân, để có thể làm lợi lạc cho tha nhân, và về mặt thật sự tạo lợi lạc cho tha nhân. Chúng ta phải sẵn sàng bố thí tất cả mọi thứ. Đó là hạnh thí. Nếu như không có thái độ này, thì làm sao ta có thể noi theo đường tu này? Sau đó thì phải trì giới, vì nếu như không trì giới, thì làm sao sử dụng sức lực và thời gian của mình? Việc trì giới giúp cho mình chú tâm vào việc hành thiền, tu tập, vân vân, và giữ gìn những điều này. Đó là điều khó khăn. Phải biết nhẫn nhục, để không thất vọng và tức giận, khi cố gắng tu tập đường tu. Sau đó, phải tinh tấn, bởi vì tất nhiên là trong khi tu tập và cải thiện bản thân, thì mọi việc sẽ thăng trầm, và ta không nên vì vậy mà bỏ cuộc. Bất kể điều gì xảy ra, chúng ta sẽ tiếp tục tu hành và hoan hỷ với việc tu tập mà mình đang thực hiện, bởi vì ta thấy nó có rất nhiều lợi lạc.

Chúng ta sẽ áp dụng hạnh tinh tấn cho việc gì? Trước tiên, chúng ta sẽ tu tập định tâm. Thật ra, thuật ngữ ở đây không chỉ nói về định tâm, mà còn nói đến sự ổn định tinh thần nói chung. Khi tinh thần được ổn định, thì không những tâm trí sẽ không tán loạn hay hôn trầm, mà còn không thăng trầm vì phiền não. Tâm thức và tâm trạng của mình sẽ ổn định. Sau đó, khi rơi vào tình huống khó khăn về mặt cảm xúc, thì ta sẽ không mất sức tập trung. Trong tình hình thế giới hiện nay, với mọi sự căng thẳng và lo lắng, ta có thể thừa nhận rằng mọi việc thật đáng buồn, hay khó khăn, nhưng sẽ không mất sức tập trung. Chúng ta không chỉ sử dụng định tâm này để chú ý vào hơi thở, mà còn chú trọng vào trí tuệ chứng ngộ tánh Không, để đoạn trừ mọi vọng tưởng về những cách tồn tại bất khả, tất cả những ảo tưởng của mình, và chú tâm vào điều gì là thực tại.

Về mặt giúp đỡ người khác, thì với hạnh thí, ta sẽ bố thí không chỉ vật chất, mà còn cả lòng tôn trọng và cơ hội học hỏi cho người khác. Chúng ta sẽ giúp đỡ, bằng cách dạy cho người khác. Chúng ta sẽ bố thí cho họ tâm vô úy, để họ không lo sợ rằng mình có thể dửng dưng với họ, từ bỏ họ, chối bỏ họ, bám lấy họ, v.v... Chúng ta sẽ dành cho họ tình thương chân thành. Chúng ta thật sự muốn họ được hạnh phúc, chứ không chỉ lợi dụng họ, để làm cho mình vui lòng. Chúng ta sẽ sử dụng hạnh trì giới, để giúp đỡ họ, và không làm họ tổn thương càng nhiều càng tốt. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình. Chúng ta sẽ cố gắng giúp đỡ họ, thay vì nói rằng: "Xin lỗi, tôi đang bận. Hôm nay, tôi không thể giúp bạn.". Chúng ta phải kiên nhẫn, vì mọi việc sẽ khó khăn. Mọi người sẽ làm khó mình. Phải kiên nhẫn, để không tức giận hay thất vọng, vì mình không phải là Thượng đế, và không thể búng tay, để khiến cho tất cả vấn đề của mọi người biến mất. Phải có hạnh tinh tấn, để tiếp tục tu hành, tiếp tục giúp đỡ, tiếp tục cố gắng, dù cho mọi người có cải thiện hay không, và bất kể mình sẽ trải qua thăng trầm như thế nào.

Chúng ta phải có định tâm, để tập trung vào việc giúp đỡ mọi người, không bị phân tâm, không cần biết mình sẽ thấy người này lôi cuốn, hay thấy người kia khó chịu. Sau đó, phải có trí tuệ để phân biệt giữa các vọng tưởng và ảo tưởng của mình về con người, và cách họ tồn tại. Chúng ta phải phân biệt giữa những điều hữu ích và những điều có hại.

Với Pháp Nhẹ Nhàng thì chúng ta đang tu tập, chỉ để giúp đỡ mọi người trong kiếp này. Còn Pháp Thực Thụ thì giúp đỡ tha nhân, và hồi hướng công đức của việc này, để vượt qua tầm nhìn qua kính tiềm vọng của mình, để có thể giúp đỡ họ một cách trọn vẹn nhất, với lòng từ bi v.v...


Video: Khandro Rinpoche — “Lòng Bi Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Kết Luận

Đó là thảo luận chung về cấu trúc cơ bản của các giai đoạn tuần tự của đường tu. Nó đòi hỏi rất nhiều công phu tu tập. Không cần phải thấy xấu hổ hay tệ hại, nếu nhưng mình đang ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng, bởi vì trên thực tế, đó là mức độ mà hầu hết chúng ta đang tu tập. Hãy cố gắng dấn thân vào Pháp Nhẹ Nhàng, nếu đó là vị trí của bạn trong hiện tại, và tu tập một cách chân thành, nhưng luôn luôn có tầm nhìn rằng đây là một bước đệm. Chúng ta phải hiểu và thừa nhận tầm quan trọng của việc học hỏi về tái sinh, vân vân, để cuối cùng, có thể thật sự tu tập để thành tựu giải thoát và giác ngộ. Không được xem thường những giáo lý này, tự phụ hay giả vờ mình đang ở một mức độ có động lực cao hơn thực trạng của mình. Dù ở giai đoạn nào, chúng ta sẽ luôn luôn cố gắng giúp đỡ mọi người.

Hồi Hướng

Như tôi đã nói nhiều lần, nếu như mình có một chút hiểu biết và công đức nào từ việc bàn luận về những điều này, và cứ để nó như vậy, thì công đức ấy sẽ tự động trở thành nhân cho việc cải thiện luân hồi. Điều đó rất tốt, nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn với mãnh lực đó. Chúng ta không chỉ muốn nó làm cho cuộc sống của mình dễ dàng hơn một chút. Đó sẽ là Pháp Nhẹ Nhàng. Điều mà chúng ta muốn là hồi hướng nó như nhân để thành tựu giác ngộ, để không chỉ khắc phục phiền não, mà còn cả tầm nhìn bằng kính tiềm vọng của mình, để có thể giúp đỡ mọi người một cách tốt đẹp nhất. Cảm ơn quý vị.

Top