Xem Đường Tu Một Cách Nghiêm Túc

Đời Sống Bình Thường Có Mãn Nguyện Không?

Điều quan trọng nhất trong việc noi theo đường tu tuần tự đến giác ngộ, lam-rim, là phải nhìn nó một cách rất nghiêm túc. Xem điều gì một cách nghiêm túc không có nghĩa là nghiệt ngã, không vui về điều đó, hoặc đôi khi không đùa cợt về nó trong quá trình học tập. Không có nghĩa như vậy. Đúng hơn thì điều này có nghĩa là nếu ta noi theo con đường tâm linh này, thì không chỉ có lòng tôn trọng sâu sắc đối với đường tu và những người đã thành tựu nó, mà còn tôn trọng chính mình nữa.

Hơn nữa, ta sẽ không xem nhẹ nó mà nghĩ rằng, “Nếu sẽ cải thiện tự thân và noi theo con đường này, thì tôi muốn làm điều gì một cách đúng đắn, bằng cách tốt nhất mình có thể làm.”. Điều này dựa trên việc thật sự thấu hiểu tầm quan trọng của nó, rằng tầm quan trọng không chỉ dựa trên “lạt ma thánh thiện, thánh thiện” hay “thiêng liêng, thiêng liêng” hay điều gì tương tự.

Đây không phải là pháp tu tập thuần túy về lòng sùng mộ. Đúng hơn là chúng ta nhìn vào đời sống của mình và của tất cả những người xung quanh, tất cả những người mà mình quen biết, ngay cả những người mà mình không quen biết, những người nghèo mà mình thấy trên đường phố và những chú chó sống ngoài đường. Nghĩ về những người chỉ lao động, lao động và lao động, và càng ngày càng gặp nhiều rắc rối hơn, rồi cuối cùng thì họ chết. Tất cả mọi người mà mình quen biết, khi hiểu rõ hơn về họ, thì ta sẽ thấy dù họ có giàu có đến mức nào, hay bề ngoài lúc nào cũng có vẻ hạnh phúc, thì tất cả đều mang nhãn hiệu luân hồi riêng, có nỗi khổ của riêng mình. Vấn đề của họ khác nhau, nhưng có một số vấn đề thông thường – những cơn đau nhức khi chúng ta già nua và tất cả những điều như vậy. Tất cả những điều này thật khủng khiếp.

Liệu đây có phải là tất cả những gì trong đời sống không? Nếu cuộc sống chỉ có vậy thôi, thì thật là khủng khiếp, đúng không? Tuy nhiên, thật ra nếu như mình có thể làm được điều gì đối với vấn đề này, nếu như mình thật sự có thể thoát khỏi trạng thái tồn tại này, thì thật tuyệt vời. Hơn nữa, nếu như tất cả mọi người đều có thể thoát khỏi cảnh này, thì còn tuyệt vời hơn nữa. Chúng ta phải tìm hiểu xem có cách nào để thoát khỏi nó không? Đừng hài lòng với việc ở trong đàn trừu, để cuối cùng đến phiên mình bị làm thịt. Phải nghĩ xem có lối thoát nào không, và nếu như có, thì liệu nó có thật sự khả thi hay không?

Trước tiên, ta sẽ xem xét tình huống một cách nghiêm túc: đây là những gì mình thấy, đây là những điều đang diễn ra, “Liệu mình có muốn tiếp tục với điều này, hay muốn cố thoát khỏi cảnh ngộ đó?”. Đây là đạo lộ đầu tiên trong ba đạo lộ mà chúng ta đang nói đến, tâm xả ly. Tuy nhiên, khi nói về một đạo lộ, điều đó có nghĩa gì? Chúng ta không nói về những hòn đá trên đường mà mình đang dẫm lên, mà là một tâm trạng, cách giao tiếp và hành xử xuất phát từ tâm trạng đó sẽ đóng vai trò như một đạo lộ để đạt được mục tiêu. Ở đây, mục tiêu đầu tiên của mình là thoát khỏi tất cả những điều này.

Như tôi đã nói, phải xem xét điều đó một cách nghiêm túc. “Nếu tôi có thể làm được điều này và đi theo phương hướng này, thì nó sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Tôi đang làm điều gì đó cho đời mình, không chỉ đi đi lại lại trong vòng tròn chờ đợi cho đến khi mình chết, chỉ cố gắng có được những kinh nghiệm hạnh phúc nhỏ nhoi và những điều tương tự, những điều mà ban đầu thì dễ chịu, nhưng không thật sự toại nguyện.”. Nếu chúng là những điều mãn nguyện, thì chúng không cần phải được lặp đi lặp lại hoài. Hơn nữa, niềm vui nào mình có được cũng tan biến; chúng ta không chắc chắn tiếp theo thì mình sẽ cảm thấy như thế nào, hay điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Điều đó không mãn nguyện lắm; không an toàn lắm.

Tất cả những món đồ chơi mà mình đã thu thập trong đời, vật chất, v.v..., chúng sẽ làm gì khi mình lâm chung? Không nhiều lắm. Suy cho cùng thì tiền cũng chỉ là những mảnh giấy ghi những con số trên đó. Chúng ta thấy điều này xảy ra cho nhiều người là sau khi họ chết, tất cả tài sản quý giá của họ sẽ trở thành rác và bị vứt đi ngay lập tức. Thế thì điểm chính là gì? Chắc chắn việc có tài sản là điều tốt đẹp, nhưng cuộc sống chỉ có vậy thôi sao? Tất nhiên, chúng ta cần có một môi trường tốt đẹp và hoàn cảnh thuận lợi, nhưng khi đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thì không cần có thêm nữa. Như người Tây Tạng nói, chúng ta chỉ có thể nhét đầy dạ dày của mình; lượng thức ăn mà ta có thể nhét vào bụng mình cũng có giới hạn.

Trưởng Dưỡng Ba Đạo Lộ Tâm Thức

Nếu thật sự muốn dồn hết năng lượng vào việc noi theo con đường này, thì phải nhìn nó một cách nghiêm túc. Đương nhiên, chuẩn bị là điều rất quan trọng, để có tâm trạng đúng đắn, để có thể thật sự phát triển ba đạo lộ tâm thức này trong lam-rim, các giai đoạn tuần tự đến giác ngộ. Cơ bản hơn cả việc chuẩn bị là những điều mình thực hiện ngay từ đầu, đó là phát khởi động lực. Trong tâm trạng của động lực đó, có cảm giác hay cảm xúc thúc đẩy, và có mục tiêu thúc đẩy. Tuy nhiên, điều rất quan trọng để có thể xem xét toàn bộ vấn đề một cách nghiêm túc là phải vững tin mình có thể đạt được mục tiêu đó.

Tất nhiên, chúng ta phải hiểu mục đích đó là gì - không chỉ là một chữ hay ho như “giác ngộ”, và không có ý tưởng rõ ràng về ý nghĩa của nó. Nếu hiểu rõ giác ngộ là gì, thì ta có thể phát triển đạo lộ tâm thức thứ hai, đó là bồ đề tâm; nhắm vào mục tiêu để thành tựu điều đó.

Ví dụ, nếu muốn thực hiện một chuyến đi, và không có ý tưởng rõ ràng về nơi mình sẽ đến, thì cơ hội thật sự đến đó rất mong manh, đúng không? Thậm chí có thể mình không đi đúng hướng. Để hướng về mục tiêu đó thì ta cần phải thật sự, thật sự không chỉ hiểu mục tiêu là gì, mà còn phải hiểu tin chắc mình có thể đi đến đó; nếu không thì sao lại thực hiện chuyến đi? Hơn nữa, chúng ta phải được thuyết phục không chỉ về mặt lý thuyết rằng mình có thể đạt được mục tiêu đó, mà chính cá nhân mình cũng có khả năng đạt được nó. Tuy nhiều người trong số chúng ta dấn thân vào đạo Phật và pháp tu nhà Phật, nhưng chưa thật sự nhìn vào ý tưởng này một cách rất sâu sắc: “Liệu mình có thật sự nghĩ rằng thành tựu giác ngộ là điều khả dĩ hay không? Bởi vì nếu như không thể thì mình đang làm cái quái gì đây? Tại sao tôi lại cố gắng ngồi thiền và hành hạ đầu gối của mình?”

Nếu muốn vững tin mình có thể thành tựu giác ngộ, thì phải có đạo lộ tâm thức thứ ba, hiểu biết về Không tướng hay thực tại. Khi nói về ba đạo lộ tâm thức chính này thì chắc chắn có một thứ tự để phát triển chúng – trước tiên là tâm xả ly, sau đó là bồ đề tâm, rồi đến sự hiểu biết về tánh Không. Đặc biệt, nếu sẽ viết sách và dẫn dắt mọi người trên đường phát triển, ta chỉ có thể nói và thực hành từng yếu tố một. Tuy nhiên, một khi đã có ý tưởng tổng quát về ba điều này, thì phải gom chúng lại và quay lại từ đầu, và mỗi một bước nhỏ từ đó trở đi, hãy cố gắng áp dụng cả ba yếu tố.

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc tái khẳng định động lực, như tôi đã nói, bao gồm mục tiêu và cảm xúc thúc đẩy, thôi thúc mình thành tựu mục tiêu này. Ở đây, cả ba đạo lộ tâm thức chính đều liên hệ. Chúng ta phải từ bỏ cảnh khổ mà mình và người khác đang gánh chịu, điều đó có nghĩa là ta sẽ nghĩ rằng: “Tôi sẵn sàng từ bỏ nó, vì nó không chỉ kinh tởm và khủng khiếp, mà còn thật sự nhàm chán”. Nó chỉ đi loanh quanh trong vòng tròn. Chúng ta gặp hết vấn đề này đến vấn đề khác, hết mối quan hệ không lành mạnh này đến mối quan hệ không lành mạnh khác, hết cơn giận này đến cơn giận khác. Nó cứ tiếp tục và lặp đi lặp lại mãi. Đúng là hết sức nhàm chán!

Khi ngoảnh mặt với điều đó và sẵn sàng từ bỏ nó, quyết tâm thoát khỏi nó, đó là tâm xả ly. Sau đó, ta sẽ xem xét đến việc “Tôi muốn đạt được điều gì? Mục đích là gì? Mục tiêu là gì?”. Không chỉ là để thoát khỏi nó. Mục tiệu thật sự là thành tựu giác ngộ để giúp tất cả tha nhân thoát khổ; đó là bồ đề tâm.

Nếu muốn nhắm vào mục tiêu này, thì phải tin chắc mình có thể thật sự đạt được nó. Nếu muốn thực hiện điều này thì phải hiểu biết về tánh Không, rằng tất cả những vọng tưởng, phóng chiếu và những thứ đang tạo ra tất cả những vấn đề của mình – không có điều nào trong số này tương ứng với điều gì chân thật. Chẳng hạn như vọng tưởng rằng “Có một Hoàng Tử hay Công Chúa quyến rũ cỡi bạch mã ở đâu đó, và họ sẽ trở thành người tình hoàn toàn tuyệt hảo của tôi. Họ sẽ bổ sung tôi về mọi mặt, và điều duy nhất họ quan tâm trong đời sống là tôi; tôi và bổ sung cho tôi, chú ý đến tôi và dành cho tôi mọi khoảnh khắc của họ. Họ hoàn toàn tuyệt hảo.”

Một là ta chưa tìm được người nào, nên liên tục cố gắng tìm một người như vậy, hoặc ngay cả khi đã tìm ra một người bạn đời, thì ta luôn mong đợi họ sẽ như vậy, và sẽ thấy thật khó chịu khi họ không hành xử như vậy. Đó là ảo tưởng. Nó không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Điều này không khác gì với việc tin ông già Noel hay thỏ Phục Sinh. Đây là chuyện cổ tích dành cho trẻ em, nhưng rất tiếc là không có thứ gì như vậy.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng có một người như vậy, vì sự vô ý thức, vô minh của mình – chúng ta không biết rằng người đó không tồn tại. Bởi vì một người như vậy không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật, nên không có cơ sở để mình tin rằng nó hiện hữu. Nó không hợp lý; không đứng vững trước bất cứ sự quán xét nào, vì vậy nên niềm tin mê lầm của mình là điều có thể được đoạn trừ.

Đó là cách nhìn rất hời hợt về vấn đề tánh Không; tuy nhiên, đó là một cách hay để bắt đầu. Cần phải khởi đầu từ đâu đó, để với sự hiểu biết này, thì ta có thể bắt đầu nghĩ rằng, “Có lẽ là có thể đoạn trừ được tâm mê lầm đang tạo ra tất cả vấn đề của mình. Có lẽ mình không hiểu ở mức độ sâu sắc về cách điều này tiếp tục tác động ra sao từ đời này sang đời khác, và đi lẩn quẩn trong vòng tròn như thế này… nhưng chờ một chút, tôi có thật sự tin vào tái sinh không?”

Đây không phải là chuyện dễ. Khi nói về mục tiêu của mình ở bước đầu để phát khởi động lực, và cố áp dụng ba đạo lộ chánh ngay bây giờ, thì mình xem việc trình bày những mục tiêu này nghiêm túc ra sao? Chúng ta đang từ bỏ điều gì? Đó không chỉ là vấn đề trong kiếp này. Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) nói khá rõ ràng rằng giai đoạn đầu tiên của tâm xả ly là thiền quán về một tái sinh tốt đẹp hơn. “Nhưng mà này, tôi không tin vào tái sinh. Tôi không hiểu nó, vậy thì bây giờ tôi phải làm gì?”

Rồi thì ta sẽ tiến thêm một bước nữa trong sách lam-rim, và sách nói rằng mình phải nhắm vào việc hoàn toàn loại bỏ tái sinh bất tự chủ. Nhưng rồi ta lại nghĩ rằng, “Làm sao tôi có thể nhắm vào điều đó, nếu như không chắc chắn về toàn bộ vấn đề tái sinh?”

Chúng ta sẽ đi xa hơn một chút và muốn giúp đỡ tha nhân thoát khỏi tái sinh bất tự chủ – đó là lý do tại sao mình muốn đạt giác ngộ, phải không? Vậy thì, “Tôi đang nhắm vào cái gì?”. Chẳng phải nếu như mình chỉ nói như thế này, thì sẽ tốt hơn một chút, rằng “Tôi chỉ muốn đoạn trừ mọi vấn đề tâm lý và cảm xúc trong kiếp này, và có thể thật sự giúp đỡ tất cả mọi người ngay bây giờ? Không lẽ mình không thể làm được điều đó, mà không có việc tái sinh ở đây sao? Bởi vì thật tình tôi không chắc về điều đó. Tôi không cảm thấy thoải mái với nó. Được rồi, tâm xả ly, bồ đề tâm, hiểu biết về tánh Không, hãy áp dụng chúng trong giới hạn này, chỉ trong kiếp này thôi.”

Nếu xem xét bản thân một cách trung thực, ngay cả khi tin chắc là mình thật sự có thể đạt được mục tiêu như vậy trong kiếp này, thì ta có thoải mái với điều đó không? Nếu mọi người đang nói về tái sinh ở đây trong kinh sách tiêu chuẩn, thì liệu có thật sự thích hợp hay không, nếu như mình chỉ nói, “Tôi không thích phần đó, nên hãy vứt nó đi? Nếu có thể vứt đi phần đó vì tôi không thích nó, vậy còn những phần khác thì sao?”. Liệu mình có vứt chúng luôn hay không? Chúng ta sẽ rút ra kết luận gì ở đây?

Kết luận là nếu ta xem toàn bộ sự việc này và bản thân mình một cách nghiêm túc, thì phải xem trọng những gì Đức Phật đã dạy. Đức Phật đã nói về tái sinh; trên thực tế thì dường như điều này xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trong giáo lý, nên ta phải nghĩ rằng, “Có lẽ đó là điều mà tôi nên cố gắng hiểu. Có lẽ đó là điều quan trọng.”. Tôi nghĩ đây là một bước rất quan trọng mà mình cần phải thực hiện, bởi vì có nhiều điều trong giáo lý không phù hợp lắm với tâm lý phương Tây. Đây là những điều mà mình phải quyết định, và nghĩ rằng, “Mình phải xem xét và thật sự cố hiểu điều gì đang xảy ra ở đây, chứ không chỉ chấp nhận nó ở mức độ hời hợt.”.

Pháp Nhẹ Nhàng So Với Pháp Thực Thụ

Trên trang mạng của tôi, tôi có nói về Pháp Nhẹ Nhàng so với Pháp Thực Thụ ở vài điểm trong một bài viết, như Coca-Cola Không Có Đường và Coca-Cola Thực Thụ.

Pháp Nhẹ Nhàng là khi chúng ta có ý tưởng rằng “Hãy bỏ tái sinh và tất cả những thứ này qua một bên; đó không phải là thứ thiệt. Hãy hành trì Pháp trong bối cảnh của kiếp này thôi.”. Trên cơ bản, nếu như mình thành thật với bản thân, thì tất cả những gì ta thật sự muốn làm là khiến cho luân hồi tốt đẹp hơn một chút. Đó là Pháp Nhẹ Nhàng.

Hiện nay, có hai phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng. Một phiên bản nói rằng “Tái sinh và những điều khác về địa ngục và v.v... chỉ là điều mê tín đối với người Á châu, và chúng thật sự không tốt cho bạn. Chúng có chất caffeine, đường và những thứ tương tự. Còn Pháp Nhẹ Nhàng, đó mới là điều tốt nhất.”.

Một phiên bản khác của Pháp Nhẹ Nhàng mà tôi nghĩ dễ chấp nhận hơn nhiều là khi mình nói rằng “Được, tôi thừa nhận tái sinh và tất cả những vấn đề này đều rất quan trọng trong giáo pháp. Tôi cũng thừa nhận mình thật sự không hiểu rõ lắm về nó, đặc biệt về tái sinh, tôi nhận ra mình sẽ phải hiểu cái gì đi tái sinh và những giáo huấn về tánh Không của bản ngã, và tất cả những điều khác liên quan đến nó. Đó là vì, “Trừ khi hiểu tất cả những điều đó, thì ngay cả khi chấp nhận có điều gì như tái sinh, tôi sẽ không tin tưởng nó một cách nghiêm túc. Thế thì tôi thật sự phải hiểu người ta đang nói về điều gì trong đạo Phật, khi nói về tái sinh. Chắc chắn nó không phải là linh hồn nào đó bay từ cơ thể này sang cơ thể khác - nó hoàn toàn không phải là điều người ta đang nói đến. Vậy thì tôi sẽ noi theo Pháp Nhẹ Nhàng như một bước đệm, chỉ là một giai đoạn trên đường tu. Nói một cách khác là tôi nghiêm túc về bản thân và ở giai đoạn phát triển này, điều duy nhất tôi có thể thật sự chân thành là cố tu tập trong bối cảnh của kiếp này; đó là điều duy nhất thật sự sâu thẳm trong lòng, mà tôi có thể dồn sức lực và cảm xúc của mình vào đó.”.

Hơn nữa, “Việc nói rằng tôi đang hướng về việc thoát khỏi tái sinh và giúp mọi người thoát khỏi tái sinh, đó chỉ là ngôn từ đối với mình hiện nay. Tôi không và không thể thật sự cảm nhận được điều đó, nên không muốn giả vờ. Thậm chí, thật sự tôi không hiểu nó, vì vậy ở giai đoạn này, tôi sẽ làm việc trong bối cảnh của những gì tôi có thể xử lý về mặt cảm xúc và trí tuệ, vì tôi muốn thành thật đối với những gì mình đang làm. Tôi xem xét toàn bộ vấn đề này một cách nghiêm túc, nhưng hoàn toàn thừa nhận rằng đây chỉ là một giai đoạn; đây không phải là cách cuối cùng để tu hành.”.

Sau đó thì “Tôi sẽ thật sự cố gắng hiểu một vài khía cạnh khó khăn hơn, bắt đầu từ tái sinh, bởi vì điều đó thật sự là điểm vô cùng chủ yếu – kiếp người quý báu, những kiếp vô thỉ, và sự thật là mình sẽ chết, rồi tái sinh – điều này có mặt ở tất cả mọi nơi trong giáo pháp. Trong bối cảnh của những kiếp vô thỉ, thực tế rằng đây là cơ hội hiếm có mà hiện nay mình đang có với kiếp người quý báu, nên nếu như không có tái sinh thì sẽ không hợp lý; tất cả đều dựa trên sự tái sinh. Tôi sẽ thật sự cố thấu hiểu nó.”.

“Ngay cả khi đã nghiên cứu xong ba đạo lộ chính này, tôi vẫn phải quay lại và giải quyết những vấn đề chính như tái sinh, bởi vì thật ra tôi đã hiểu được bao nhiêu? Tôi thật sự nghiêm túc xem đó là đường tu tiệm thứ. Tôi đang nhìn những bước kế tiếp mà mình muốn tu tập và phải tu tập. Như vậy, hiện nay tôi đang thực hành Pháp Nhẹ Nhàng, vì đây là điều tôi có thể xử lý hiện giờ, và đang hướng tới phần còn lại.”. Điều đó hoàn toàn ổn. Với thái độ đó thì Pháp Nhẹ Nhàng là điều thích hợp; đó là nước uống phù hợp.

Đây là điều tôi muốn thảo luận trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta tối nay. Bởi vì như tôi đã nói, điều đó sẽ đặt ra lối suy nghĩ, “Được rồi, đây là trình độ của tôi. Một là tôi là người mới, hai là tôi đã tu học một thời gian và xem điều này một cách nghiêm túc, và đây là bối cảnh mà tôi thấy mình đang ở đâu và làm gì.”. Bởi vì nếu muốn áp dụng tất cả những điều này vào trong đời sống hàng ngày, thì ta phải thành thật về nó. Nó phải là điều mà mình thật sự cảm nhận, và cảm nhận trên nền tảng ổn định.

Nó không dựa trên việc giả vờ quá tuyệt vời, quá cao siêu và khoe khoang rằng “Tôi đang làm việc để giải thoát tất cả chúng sinh”. Chúng ta sẽ xem xét rằng “Liệu mình có đang thật sự nỗ lực để giải thoát tất cả các con gián trong vũ trụ khỏi sự tái sinh cứ tái diễn một cách bất tự chủ không? Thật sự đó có phải là điều tôi chân thành cảm nhận từ đáy lòng không?”. Chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi về ý tưởng rằng mình thật sự được thúc đẩy với niềm tin chắc chắn rằng mỗi một con gián đều đã là mẹ của mình trong một kiếp trước. Thật sự thì mình chân thành đến mức nào về điều đó? Chúng ta có muốn giải thoát tất cả các chú gián vì chúng đều đã là mẹ của mình trong những kiếp trước hay không?

Nếu ta nhận thức toàn bộ bối cảnh của điều mình đang làm là gì, và chân thành, thành thật tự hỏi bản thân, “Hiện nay mình đang ở mức độ nào?” rồi thì khi áp dụng tất cả những điều này trong đời sống hàng ngày, nó sẽ bắt đầu có những kết quả nào đó, có một số tác dụng. Điều rất quan trọng là phải thực tế. Một trong những đặc điểm tổng quát nhất của luân hồi là nó sẽ thăng trầm, và điều này sẽ tiếp tục cho đến khi mình được giải thoát như một vị A la hán, đó là điều còn lâu mới xảy ra. Đôi khi, ta cảm thấy muốn tu tập, còn đôi khi thì không. Đôi khi, việc tu hành sẽ diễn ra tốt đẹp, đôi khi thì không tốt lắm. Chúng ta mong đợi điều gì từ luân hồi đây?

Không phải là khi mình tu tập, và với mỗi một minh chú mà ta trì tụng, thì luân hồi sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Không có cách nào điều đó sẽ xảy ra theo kiểu tuyến tính. Nếu thực tiễn về điều đó thì ngay cả khi mọi việc không suôn sẻ, là điều mà mình nên mong đợi sẽ xảy ra, thì ta vẫn tiếp tục tu hành. Không sao hết. Đó không phải là vấn đề. Chúng ta nên nghĩ rằng, “Tôi chỉ muốn duy trì nỗ lực”, thì sẽ ổn định hơn nhiều. Chúng ta chỉ có thể thực hiện điều này trên cơ sở thật sự chân thành và trung thực về vị trí hiện tại của mình.

Như Đức Dalai Lama luôn nói, đừng đánh giá sự tiến bộ của mình chỉ dựa vào thời gian ngắn hạn, mà hãy xem xét sau vài năm. Nếu xu hướng chung của mình trước đây, chẳng hạn như ba hoặc năm năm trước, và cách hành xử hiện tại của mình đã cải thiện, tuy nó có thể thăng trầm từ ngày này qua ngày khác, thì mình sẽ biết điều gì đó đã có hiệu quả. Đừng bao giờ mong đợi phép màu.

Có lẽ chúng ta có một chút thời gian cho một vài câu hỏi.

Vấn Đáp 

Tôi là người mới, nhưng muốn hỏi ông có ý gì khi nói rằng: “Đừng mong đợi phép màu?”.

Phép màu là khi chúng ta nói những lời thần kỳ, minh chú hay pháp thuật, rồi thì đột nhiên tất cả vấn đề của mình đều biến mất. Chúng ta có thể thật sự đoạn trừ tất cả những vấn đề cứ tái diễn và vân vân, mà không cần bỏ ra nhiều công sức và nỗ lực, và nó sẽ dễ dàng. Hoặc tin rằng một thế lực bên ngoài nào đó sẽ cứu rỗi mình, mà không cần phải tự mình làm bất cứ điều gì. Đó là phép màu. Nói chung thì chúng không xảy ra. Đó là điều rất quan trọng trong đạo Phật: sự việc không xảy ra mà không có nguyên nhân.

Vào thời Đức Phật, có phải tất cả những giáo huấn này và khía cạnh của đường tu đưa đến giác ngộ đã giúp Ngài đạt được giác ngộ của riêng mình hay không?

Đó là câu hỏi khó trả lời theo cách mà chúng ta có thể nghiền ngẫm và lãnh hội một cách dễ dàng. Tôi có thể cho bạn câu trả lời, nhưng có thể nó không làm bạn hài lòng cho lắm. Đạo Phật nói về dòng tâm thức không có điểm khởi đầu. Nếu muốn hiểu điều đó, chúng ta phải có nguyên một cuộc thảo luận về nhân quả. Vậy thì làm sao sự tương tục có thể có một sự khởi đầu tuyệt đối? Hơn nữa, những sự tương tục biến đổi từ sát na này qua sát na khác không thể bắt đầu từ hư vô, hay có một sự khởi đầu tuyệt đối. Bởi vì nếu như ta nói rằng ai đó đã tạo ra nó, thì một thế lực nào đó lớn hơn đã tạo ra nó, vậy thì thế lực vĩ đại đó có sự khởi đầu không? Hoặc nếu thế lực vĩ đại đó không có sự khởi đầu, thì điều còn lại vẫn là không có sự khởi đầu. Hay với ý tưởng là trước đó thì không có gì cả, liệu cái không có gì đó có sự khởi đầu không? Không, nó luôn ở đó. Dù có cố gắng giải đáp câu đố theo cách nào đi nữa, thì cuối cùng cũng không có cách nào để đối mặt với vấn đề không có sự khởi đầu. Từ quan điểm đó thì không có vị Phật đầu tiên, và vì lý do đó nên giáo huấn và phương tiện luôn có sẵn.

Như tôi đã nói, đó không phải là câu trả lời dễ hiểu hay dễ chấp nhận, nhưng đó chính là câu hỏi. Không phải là Đức Phật đã diện kiến một vị Phật khác có mặt vào thời điểm đó và tu học. Tất nhiên, Đức Phật có thầy, nhưng chủ yếu là Ngài đã quyết định những điều mà các vị thầy của mình dạy chưa đủ sâu sắc, nên Ngài đã tọa thiền và tự mình tìm hiểu. Có phải Ngài chỉ bịa chuyện hay không? Đó không phải là câu trả lời thỏa đáng theo quan điểm nhà Phật, dù chúng ta có thể nhìn nó theo cách đó, với tư cách là người Tây phương và nói rằng, “Ngài đã tìm ra giải pháp. Ngài là một thiên tài.".

Theo quan điểm nhà Phật thì chúng ta sẽ nói rằng: “Trong những kiếp trước, Đức Phật đã tu học những điều này với các vị thầy có mặt vào thời đó. Những ý tưởng, sự hiểu biết này đã phát sinh trong tâm Ngài, dựa trên một nguyên nhân – rằng Ngài đã tu học những điều này trước đây - và bây giờ, cuối cùng thì chúng hữu lý đối với Ngài.”.

Khi bắt đầu xem xét bất cứ câu hỏi nào trong đạo Phật, ta có thể thấy những câu trả lời hời hợt. Nhưng khi bắt đầu quán xét ngày càng sâu hơn, thì mọi việc sẽ bắt đầu ngày trở nên sâu sắc hơn. Có phải luôn luôn có bóng đèn điện không? Phải chăng người phát minh ra bóng đèn điện đã học cách làm điều đó trong tiền kiếp nào đó? Đây có phải là điều chúng ta đang nói đến không?

Chúng ta sẽ quán xét, chứ không chỉ chấp nhận lời giải thích nào đó. Chúng ta sẽ cố gắng xem, "Liệu nó có lý hay không?". Như tôi đã nói, câu hỏi này có thể dẫn dắt người ta ngày càng đi sâu hơn vào toàn bộ câu hỏi về kiến thức và cách mình hiểu biết bất cứ điều gì. Nó có bắt nguồn từ một nguyên nhân hay không? Đó là câu hỏi cơ bản.

Tôi cố ý trả lời theo cách này, vì điều tôi muốn chứng minh là chúng ta nêu ra thắc mắc và có câu trả lời, và câu trả lời nghe có vẻ rất đơn giản, “Đúng, Đức Phật đã tìm ra giải pháp. Ngài thông tuệ, tu hành rất chăm chỉ và đã tìm ra giải pháp.”. Tuy nhiên, chúng ta chẳng bao giờ hài lòng với những câu trả lời kiểu này. Nó cũng giống như Pháp Nhẹ Nhàng, khi mà mình nghĩ rằng, “Được, bây giờ tôi có thể giải quyết phần này; tôi có thể chấp nhận câu trả lời đó. Được thôi, tôi hài lòng với điều đó.”. Hãy lưu ý rằng có nhiều lời giải thích sâu sắc hơn, phức tạp hơn rất nhiều, và liên quan đến nhiều, rất nhiều vấn đề về bất cứ điểm nào.

Tuy nhiên, chúng ta nên nghĩ rằng: “Khi đã đến một mức độ hiểu biết khác, thì mình có thể nêu ra câu hỏi đó nữa và xem xét nó ở mức sâu hơn.”. Đó là điều tôi muốn nói. Một điều rất quan trọng trong giáo pháp là đừng bao giờ hài lòng với mức độ hiểu biết của mình, cho đến khi đạt được mức độ chứng ngộ siêu phàm. Chúng ta luôn có thể hiểu nó ở mức sâu hơn. Luôn luôn có một mức độ sâu sắc hơn. Nếu xem xét chư đạo sư vĩ đại nhất trong số người Tây Tạng – và có thể các ngài rất thâm niên – nhưng vẫn nghe các đạo sư thậm chí còn vĩ đại hơn thuyết Pháp. Các ngài vẫn học hỏi thêm, vẫn nỗ lực để tiến bộ và đi sâu hơn.

Chỉ một lời cuối, ví dụ cuối cùng. Ở tuổi cao niên thì Trijang Rinpoche, vị Giáo Thọ phụ của Đức Dalai Lama, thường nói về Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ của Tông Khách Ba rằng: “Tôi đã đọc sách này hàng trăm lần, và mỗi khi đọc nó, thì lại có sự lãnh hội sâu sắc hơn.”. Ngài đã đọc sách này vài trăm lần trong kiếp này, đó là cách học hỏi giáo pháp.

Top