Tu Tập Sau Khi Quy Y

Dẫn Nhập

Quy y (skyabs-'gro) có nghĩa là chính thức đưa phương hướng an toàn và tích cực mà Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng - đã nêu ra, vào trong cuộc sống, và hứa nguyện duy trì phương hướng ổn định này một cách vững vàng, cho đến khi nó đưa ta đến giải thoát hay giác ngộ.

Việc quy y chính thức trong lễ thọ bồ tát giới hay lễ điểm đạo Mật tông, dù đó là lễ quán đảnh đầy đủ (dbang, "wang") hay là lễ gia trì (rjes-snang, "jenang"), đều tương đương với việc quy y trong một nghi lễ riêng biệt, với một đạo sư. Việc cắt một lọn tóc và nhận Pháp danh không phải là phần thiết yếu của lễ quy y. Những điều này được ban cho đại chúng, khi người ta quy y trong lễ thọ bồ tát giới, hay một lễ điểm đạo, ngay cả khi đó là lần đầu tiên.

Khi chính thức định hướng cuộc sống của mình theo phương hướng an toàn và tích cực của quy y, thì mình sẽ cam kết thực hiện hai hành vi tu tập (skyabs-'gro bslabs-bya), rất hữu ích cho việc duy trì phương hướng này: 

  1. Pháp tu được nêu ra trong Kinh Sách Bao Gồm Tất Cả Các Pháp (bsdu-ba-las 'byung-ba'i bslabs-bya
  2. Pháp tu được nêu ra trong các giáo pháp tinh túy (man-ngag-las 'byung-ba'i bslabs-bya).

Pháp tu đầu bắt nguồn từ Kinh Sách Bao Gồm Tất Cả Các Pháp Để Liễu Ngộ (gTan-la dbab-pa bsdu-ba, Phạn ngữ: Vinishcaya-samgraha), là một trong năm tác phẩm của Du Già Sư Địa Luận (rNal-'byor spyod-pa'i sa, Phạn ngữ: Yogacaryabhumi) của Vô Trước (Asanga), đạo sư người Ấn Độ, vào thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 5.

Pháp tu sau gồm có hai bộ:

  1. Pháp tu cá nhân cho mỗi một Bảo trong Tam Bảo (so-so'i'bslab-bya)
  2. Các pháp tu chung cho Tam Bảo (thun-mong-ba'i bslab-bya).

Ba nhóm hành vi để tu tập không phải là giới nguyện. Nếu lỡ vi phạm bất kỳ điều nào trong số này, thì mình chỉ làm cho pháp quy y suy yếu đi, nhưng không mất đi nó, trừ khi mình chính thức từ bỏ nó.

Pháp Tu Được Nêu Ra Trong Kinh Sách Bao Gồm Tất Cả Các Pháp 

Các hành vi tu tập trong này xuất xứ từ tác phẩm của Vô Trước, bao gồm hai nhóm, mỗi nhóm có bốn hành vi. Nhóm thứ nhất gồm có một hành vi song song với việc quy y Phật, hai hành vi với việc quy y Pháp và một hành vi với việc quy y Tăng. Nhóm thứ hai có bốn hành vi, liên quan đến Tam Bảo nói chung.

Song song với việc quy y Phật là (1) hết lòng tận tụy với đạo sư. Nếu như chưa tìm được thầy để chỉ dẫn mình cách tu tập, thì cam kết này là để tìm cầu đạo sư.

Việc chính thức quy y trước sự hiện diện của một đạo sư không có nghĩa là nhất thiết phải cam kết noi theo vị thầy này như người dẫn dắt mình trên đường tu. Tất nhiên, điều quan trọng là luôn có lòng tôn trọng và biết ơn đối với vị này, với tư cách là người mở ra cánh cửa quy y cho mình trong đời sống. Tuy nhiên, pháp quy y là quy y Tam Bảo - được đại diện bằng một tượng Phật hay tranh Phật trong buổi lễ - chứ không phải quy y người chủ trì lễ quy y. Chỉ trong bối cảnh của một lễ điểm đạo Mật tông thì vị thầy mới tượng trưng cho Tam Bảo, và việc quy y mới tạo ra mối liên hệ chính thức giữa thầy trò.

Hơn nữa, bất kể trong bối cảnh nào thì đối tượng quy y của mình là Tam Bảo nói chung, không phải là một dòng truyền thừa cụ thể nào, hay truyền thống Phật giáo nào. Nếu vị thầy chủ trì lễ quy y hay lễ điểm đạo thuộc về một dòng truyền thừa nào đó, thì việc thọ giới quy y hay lễ quán đảnh từ vị này không nhất thiết khiến cho mình trở thành đệ tử của dòng truyền thừa đó.

Để duy trì việc quy y Pháp trong đời sống, thì phải (2) nghiên cứu Phật pháp và (3) chú ý vào những khía cạnh của giáo pháp, đặc biệt là để khắc phục phiền não. Nếu chỉ nghiên cứu học thuật thôi thì không đủ; mà còn phải áp dụng Pháp vào trong đời sống.

Để quy y Tăng đoàn, gồm các hành giả có chứng ngộ cao (Thánh nhân), thì phải (4) noi gương chư vị. Điều này không có nghĩa là mình nhất thiết phải trở thành một tu sĩ, mà là nỗ lực một cách chân thành để chứng ngộ tứ diệu đế (bốn chân lý cao quý) một cách trực tiếp và vô niệm. Bốn điều này là đời sống thì khó khăn; những khó khăn này xuất phát từ một nguyên nhân, cụ thể là vô minh về thực tại; chúng ta có thể chấm dứt vấn đề của mình; và để thực hiện điều này thì phải chứng ngộ tánh Không như  một đạo lộ trong tâm thức.

Song song với việc quy y Tam Bảo nói chung thì phải, (5) buông bỏ việc theo đuổi các thú vui của giác quan, khi tâm vô tình chạy theo chúng, thay vì vậy thì nhiệm vụ chính trong đời sống của mình là cải thiện bản thân. Điều này có nghĩa là dành thời gian và sức lực để khắc phục những thiếu sót, và chứng ngộ tài năng và tiềm năng của mình, thay vì theo đuổi thêm nhiều trò giải trí, thức ăn, kinh nghiệm tình dục, tích lũy thêm tiền bạc và của cải vật chất.

(6) Áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức mà chư Phật đã đề ra. Đạo đức này dựa trên sự phân biệt rõ ràng giữa những gì có lợi và những gì có hại cho phương hướng tích cực trong đời sống, thay vì tuân theo giới xuất gia thiêng liêng. Do đó, việc tuân theo đạo đức nhà Phật có nghĩa là tránh những cách hành xử nào đó, vì chúng tiêu cực và ngăn cản khả năng tạo lợi lạc cho tự thân hay tha nhân, và tiếp nhận những cách hành xử khác, vì chúng có tính xây dựng, và giúp mình phát triển thêm.

(7) Hãy cố gắng thông cảm và có lòng bi mẫn với người khác càng nhiều càng tốt. Ngay cả khi các mục tiêu tâm linh của mình bị hạn chế, chỉ để thành tựu giải thoát, để thoát khỏi những vấn đề cá nhân, thì điều này sẽ không bao giờ xảy ra, từ sự mất mát của người khác.

Cuối cùng, để duy trì mối liên hệ của mình với Tam Bảo, thì hãy (8) cúng dường các phẩm vật đặc biệt như hoa, quả, v.v..., vào các ngày lễ Phật giáo, chẳng hạn như ngày  Đức Phật thành đạo. Việc theo dõi các ngày lễ tôn giáo, theo phong tục truyền thống sẽ giúp mình cảm thấy là một thành phần của cộng đồng rộng lớn hơn.

Pháp Tu Riêng Cho Mỗi Một Bảo Trong Tam Bảo

Nhóm hành vi đầu tiên xuất phát từ giáo pháp tinh túy, bao gồm việc tu tập ba hành vi để lánh xa (dgag-pa'i bslabs-bya), và ba hành vi để thực hành (sgrub-pa'i bslab-bya), được kết nối riêng với mỗi một Bảo trong Tam Bảo. Các hành vi phải tránh sẽ đưa đến chiều hướng đối nghịch trong đời sống, trong khi những hành vi phải được áp dụng thì nuôi dưỡng chánh niệm về mục tiêu.

Ba hành vi phải lánh xa, dù đã quy y Phật, là (1) quy y tối thượng với đối tượng khác. Điều quan trọng nhất trong đời sống là không còn tích lũy càng nhiều vật chất và kinh nghiệm giải trí càng tốt, mà là tích tập càng nhiều phẩm chất tốt đẹp càng tốt – chẳng hạn như lòng từ, nhẫn nhục, định tâm và trí tuệ - để tạo ra nhiều lợi lạc hơn cho người khác. Đây không phải là lời nguyện sống trong nghèo khó và tiết chế, mà là một sự khẳng định của việc có một pháp quy y sâu sắc hơn trong cuộc sống.

Cụ thể hơn thì cam kết này có nghĩa là không quy y với chư Thiên hay quỷ thần. Đạo Phật, đặc biệt là trong Phật giáo Tây Tạng, thường có các lễ cúng dường (puja) nhiều Bổn tôn khác nhau (yidam), hoặc những vị Hộ Pháp hung nộ để xua tan chướng ngại và thành tựu các mục tiêu thiện hảo. Việc thực hiện các nghi lễ này tạo ra hoàn cảnh thuận lợi cho ác nghiệp trổ quả thành những chướng ngại tầm thường, thay vì thành chướng ngại lớn lao, và cho thiện nghiệp trổ quả sớm hơn, thay vì muộn hơn. Tuy nhiên, nếu như mình đã tạo ra những ác nghiệp quá nặng nề, thì lễ cúng dường này không có hiệu quả, đối với việc ngăn chận khó khăn. Do đó, việc làm lành với chư Thiên, quỷ thần, Hộ Pháp hay thậm chí chư Phật, không bao giờ có thể thay thế cho việc trông nom nghiệp của mình, đó là hành thiện và tránh ác. Đạo Phật không phải là một đường tu tôn thờ Hộ Pháp, hay thậm chí tôn thờ Phật. Pháp quy y của đường tu nhà Phật là tu tập để trở thành những bậc giải thoát, hay giác ngộ.

Dù đã quy y Pháp, nhưng lại (2) gây hại hay làm tổn thương con người hay thú vật. Một trong những tôn chỉ mà Đức Phật đã dạy là giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt, và nếu như không thể giúp đỡ, thì ít nhất là đừng làm hại ai.

Dù đã quy y Tăng, nhưng lại (3) liên hệ gần gũi với những người tiêu cực. Việc lánh xa những người như vậy sẽ giúp cho mình không xa rời mục tiêu tích cực một cách dễ dàng, khi mà pháp quy y của mình vẫn còn yếu ớt. Điều đó không có nghĩa là phải sống trong một cộng đồng Phật tử, mà là cẩn thận đối với những người mà mình thân cận, và thực hiện những biện pháp nào phù hợp và cần thiết, để tránh những ảnh hưởng bất lợi.

Ba hành vi phải thực hành như dấu hiệu của lòng kính trọng là thờ phượng (4) tất cả các tôn tượng, tranh vẽ, và những tác phẩm nghệ thuật khác về chư Phật, (5) tất cả sách vở, đặc biệt là về Pháp và (6) tất cả những người thọ giới xuất gia, thậm chí y áo của họ. Theo truyền thống thì dấu hiệu của việc không tôn trọng là dẫm lên hay bước qua những vật này, ngồi hay đứng ở trên chúng, và để chúng trực tiếp trên sàn nhà hay mặt đất, mà không lót một mảnh vải phía dưới. Dù những đối tượng này không phải là cội nguồn quy y thật sự, nhưng chúng đại diện cho cội nguồn quy y, và giúp ta có chánh niệm về các bậc giác ngộ, thành tựu tối thượng của chư vị, và các hành giả có chứng ngộ cao, đang hướng về mục tiêu này.

Những Pháp Tu Chung Cho Toàn Thể Tam Bảo

Nhóm cam kết cuối cùng của việc quy y là tu tập sáu hành vi liên quan đến Tam Bảo nói chung. Sáu hành vi này là:

(1) Khẳng định lại tâm quy y bằng cách liên tục nhắc nhở tự thân về những phẩm chất của Tam Bảo, và sự khác biệt giữa Tam Bảo và những phương hướng khác trong đời sống.

(2) Hãy cúng dường phần đầu tiên của nước uống và thức ăn nóng của mình cho Tam Bảo mỗi ngày, để tri ân lòng tốt và công ơn dưỡng dục về mặt tâm linh của Tam Bảo. Điều này thường được thực hiện trong trí tưởng tượng, dù mình cũng có thể cúng dường một phần nhỏ của thức uống nóng đầu tiên trong ngày trước tượng Phật hay tranh Phật. Sau đó, hãy tưởng tượng chư Phật ban nó lại cho mình, để ta uống và thưởng thức. Việc đổ nước cúng dường vào bồn cầu hay bồn rửa chén là điều vô cùng bất kính.

Khi cúng dường thức ăn hay thức uống thì không cần thiết phải tụng một câu bằng tiếng nước ngoài mà mình không hiểu, trừ khi mình thấy sự huyền bí của nó tạo ra nguồn cảm hứng. Chỉ cần nghĩ rằng, "Xin chư Phật thọ dụng thức cúng dường này", là đủ. Nếu những người ngồi ăn chung với mình không phải là Phật tử, thì tốt nhất là nên thực hiện việc cúng dường này một cách kín đáo, để không ai biết mình đang làm gì. Việc phô trương hành trì của mình chỉ tạo ra sự khó chịu hay chế giễu của người khác mà thôi.

(3) Việc chánh niệm về lòng bi mẫn của Tam Bảo sẽ gián tiếp khuyến khích người khác noi theo phương hướng của Tam Bảo. Chủ ý của cam kết này không phải là mình sẽ trở thành nhà truyền giáo, và cố gắng cải đạo người khác. Dù sao đi nữa thì những người đã mất phương hướng trong cuộc sống, không có định hướng, hay có chiều hướng tiêu cực, nhưng lại cởi mở với mình, và nếu họ nghe ta giải thích về tầm quan trọng và lợi ích mà chính bản thân mình đã có được từ việc quy y Tam Bảo, thì thường là họ sẽ thấy đây là điều hữu ích. Việc người khác có trở thành Phật tử hay không thì không phải là vấn đề. Tấm gương của mình có thể khuyến khích họ làm điều gì có tính xây dựng trong đời sống của họ, bằng cách tự phát triển và cải thiện bản thân.                    

(4) Hãy nhớ đến lợi ích của việc quy y, tái khẳng định điều này một cách trang trọng ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm - thường là vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy, và buổi tối, trước khi đi ngủ. Sự khẳng định này thường được thực hiện bằng cách lặp lại câu, "Con quy y chư đạo sư, Phật, Pháp và Tăng.". Chư đạo sư không tạo ra Bảo thứ tư, nhưng lại giúp mình tiếp cận với Tam Bảo. Trong bối cảnh Mật tông thì chư đạo sư là hiện thân của Tam Bảo.                     

(5) Dù cho điều gì có xảy ra, thì hãy nương tựa vào pháp quy y của mình. Khi gặp khủng hoảng thì quy y là pháp tu tốt nhất, bởi vì nó đối phó với nghịch cảnh bằng cách tìm cách loại bỏ nguyên nhân của nó. Bạn bè có thể thông cảm với mình, nhưng trừ khi họ là bậc giác ngộ, nếu không thì chắc chắn họ sẽ làm cho mình thất vọng. Họ có những vấn đề của riêng họ, và bị hạn chế về những điều mà họ có thể làm. Hãy luôn tu tập để khắc phục những thiếu sót và khó khăn một cách tỉnh táo và thực tế, tuy nhiên, đừng bao giờ thất bại trong giờ phút cấp thiết.

Điều này đưa đến cam kết cuối cùng, (6) không bao giờ từ bỏ quy y trong đời sống, bất kể điều gì sẽ xảy ra.

Quy Y Và Việc Theo Đạo Khác, Hay Đường Tu Tâm Linh Khác

Một số người thắc mắc có phải việc thọ giới quy y có nghĩa là cải đạo sang đạo Phật, và rời bỏ tôn giáo cũ của mình mãi mãi. Không phải như vậy, trừ khi mình muốn làm như vậy. Không có thuật ngữ nào trong tiếng Tây Tạng có nghĩa đen tương đương với một "Phật tử". Từ ngữ được sử dụng cho một hành giả có nghĩa là "người sống bằng nội tâm", cụ thể là trong ranh giới của pháp quy y. Để sống theo cách sống này thì không cần phải đeo dây bảo hộ màu đỏ trên cổ, và không bao giờ bước chân vào nhà thờ, giáo đường, đền thờ Ấn giáo, hay đền thờ Khổng giáo. Đúng hơn thì nó có nghĩa là tự tu tập, để khắc phục những khiếm khuyết và chứng ngộ tiềm năng của mình - nói cách khác là để viên thành giáo pháp - như chư Phật đã làm, và các hành giả có chứng ngộ cao, tức Tăng đoàn, đang thực hiện. Ta sẽ dồn hết nỗ lực vào phương hướng này. Như nhiều đạo sư đã nói, kể cả vị cố đạo sư của tôi, Tsenshap Serkong Rinpoche, đã nói rằng nếu như nhìn vào giáo lý từ thiện và lòng bác ái trong các tôn giáo khác như Cơ đốc giáo, thì mình phải kết luận rằng việc theo những tôn giáo này không phải là chống lại phương hướng được dạy trong đạo Phật, vì thông điệp nhân đạo trong tất cả các tôn giáo đều giống nhau.

Phương hướng an toàn và tích cực trong pháp quy y chủ yếu là kềm chế mười hành vi tiêu cực nhất (thập ác) – giết hại mạng sống của bất cứ chúng sinh nào; lấy những gì không được cho; tà dâm; nói dối; nói lời chia rẽ; nói lời độc ác và nặng lời; trò chuyện vô nghĩa, và có ý tưởng tham lam; ác ý; hay tà kiến. Quy y Tam Bảo trong đời sống chỉ đòi hỏi mình từ bỏ những giáo lý trong các hệ thống tôn giáo, triết học hay chánh trị nào mà khuyến khích những hành động, lời nói hoặc suy nghĩ liên quan đến những hành vi tiêu cực này, có hại cho mình và người khác. Hơn nữa, dù không có việc cấm đi nhà thờ, nhưng việc duy trì pháp quy y vững chãi có nghĩa là không dồn tất cả năng lượng vào khía cạnh đó trong đời sống, để bỏ bê việc tu học đạo Phật.

Một số người thắc mắc liệu việc quy y như một phần trong nghi lễ Mật tông có đòi hỏi họ ngưng việc tu tập Zen, hay các hệ thống rèn luyện thân thể như Hatha yoga, hay võ thuật không. Câu trả lời là không, bởi vì đây cũng là những phương pháp để chứng ngộ tiềm năng tích cực của mình, chứ không làm hại pháp quy y của mình trong đời sống. Tuy nhiên, tất cả các đạo sư vĩ đại đều có lời khuyên không nên pha trộn các pháp thiền với nhau. Nếu như mình muốn ăn súp và uống một ly cà phê cho bữa ăn trưa, thì sẽ không đổ cà phê vào súp, và uống cả hai thứ một lượt. Việc tham gia vào một số hình thức tu tập khác nhau mỗi ngày là điều tốt đẹp. Tuy nhiên, tốt nhất là nên thực hiện chúng trong các thời khóa riêng biệt, và thực hiện mỗi một pháp tu bằng cách tôn trọng phong tục riêng của nó. Cũng giống như việc lạy ba lạy trước bàn thờ, khi đi vào nhà thờ là điều không phù hợp, thì cũng giống như vậy, việc trì tụng mật chú trong một thời khóa hành thiền theo Zen, hay thiền Vipassana, sẽ không phù hợp.

Top