Phát Triển Lòng Tự Trọng Và Ý Chí

Bình Luận: Kiếp Người Quý Báu

Chúng ta đã xem xét Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ, từ quan điểm nó sẽ giúp ta phát triển ý thức lành mạnh về bản ngã như thế nào. Chúng ta đã thấy cách quán chiếu về kiếp người quý báu, và nhận thức là mình may mắn như thế nào, nên điều này đưa đến thái độ rất tích cực về tự thân. Chúng ta hiểu rằng việc có tất cả những yếu tố hỗ trợ này là điều hiếm hoi như thế nào, đó là tự do, tạm thời thoát khỏi những cõi tồi tệ hơn, và rất nhiều cơ hội để giúp cho đời sống trở nên phong phú, đặc biệt là khi so sánh bản thân với hầu hết dân số. Nếu như khó nghĩ về chúng sinh trong lục độ, hay xem trọng họ, thì ít nhất, ta có thể so sánh bản thân mình với tất cả những dạng sống khác trên hành tinh này. Ngay cả từ quan điểm sơ khởi này, ta sẽ thấy trên thực tế thì hoàn cảnh của mình khá hiếm hoi.

Từ quan điểm này, ta sẽ phát triển ý thức xem trọng kiếp người. Chúng ta sẽ rất tri ân về sự kiện là mình hiện đang có kiếp người quý báu này, và nếu như tin vào kiếp trước, thì sẽ tin vào sự kiện là trong những kiếp trước, ta đã tạo ra nhân để có được kiếp người này, bằng thiện nghiệp của mình.

Ta sẽ rất quý trọng kiếp người quý báu, và nhận ra nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Chúng ta sẽ già nua, và cũng có thể bị bệnh nặng. Chắc chắn là ta sẽ chết. Sau khi chết, nếu như nghĩ về cái “tôi” tồn tại một cách bất diệt, thì ta sẽ tiếp tục ở một dạng nào đó, với một vài khả năng để trải nghiệm thêm các việc. Hiện nay, có lẽ mình không biết tất cả những điều này, nhưng chắc chắn nó có thể là điều tồi tệ hơn rất nhiều.

Các Dạng Sống Khác, Những Mức Độ Hạnh Phúc Và Bất Hạnh

Khi nghĩ về những dạng sống khác nhau mà đạo Phật khẳng định, đó là điều luôn luôn khó khăn, vì khó mà xem trọng vấn đề này, nhưng cách mà tôi tiếp cận điều này là lại nghĩ về hoạt động tinh thần (tâm hành). “Tôi” là một sự quy gán trên một dòng tương tục cá nhân của tâm hành trải nghiệm mọi việc, và tâm hành ấy có nhiều tâm sở khác nhau đi kèm với nó, và những loại ý thức khác nhau. Có nhiều loại thức của các căn khác nhau, khả năng tiếp thu khác nhau của ý thức và cường độ khác nhau của các tâm sở, đặc biệt là những mức độ hạnh phúc và bất hạnh. Ranh giới của những điều chúng ta có thể trải nghiệm với mỗi dạng sống - dù đang nói về cảm giác thể chất, thị giác, thính giác, hay cảm giác như hạnh phúc và bất hạnh, v.v... - tất cả các yếu tố này sẽ tương quan với phần thể chất của mình, như bộ não, hệ thần kinh, các bộ phận giác quan, vân vân.

Có thể hiểu điều này bằng cách sử dụng một ví dụ đơn giản. Với bộ não của con người, rõ ràng là chúng ta có thể hiểu nhiều điều hơn, so với bộ não của một con ruồi, tuy cả hai đều có bộ óc. Ví dụ, nếu có bộ óc của một con ruồi, thì phần thể chất sẽ không giúp cho mình được bao nhiêu, đúng không? Tuy nói như vậy, nhưng mắt của những loại thú khác nhau sẽ giúp cho chúng nhìn thấy trong bóng tối. Đối với mắt của con người thì chúng ta không thể nhìn thấy trong bóng tối. Mắt đại bàng có thể nhìn rất xa, trong khi mắt người không thể nhìn xa. Hơn nữa, chó có khả năng đánh mùi ở khoảng cách xa hơn nhiều, so với con người. Trên thực tế, nhiều loài thú có thể nghe tiếng động ở phạm vi xa hơn con người, và một số loài có những giác quan khác nhau, như khả năng cảm nhận điện trường và từ trường. Điều khá rõ ràng là phạm vi của những điều ta có thể trải nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng thể chất của bộ máy giác quan của mình.

Vậy thì sự khác biệt cũng nên xảy ra về mặt cảm giác thể chất, về mặt trải nghiệm lạc thọ và khổ thọ. Với cơ thể con người, khi vượt qua một mức độ đau đớn nào đó, thì ta sẽ bất tỉnh. Chúng ta không thể trải nghiệm quá khả năng chịu đựng của cơ thể. Ngoài ra, khi mở rộng thêm, thì cảm giác hạnh phúc và bất hạnh cũng bị hạn chế giống như vậy. Khi nói về nỗi khổ, thì ta không nói về cảm giác đau đớn của thân thể, mà đang nói về tâm sở hạnh phúc hay bất hạnh. Đối với hạnh phúc, thì ta muốn nó tiếp tục, và không muốn rời xa nó. Đối với bất hạnh, thì rất muốn nó chấm dứt.

Có thể khả năng chịu đựng nỗi bất hạnh và hạnh phúc cũng tỷ lệ thuận, hay phụ thuộc vào phần thể chất của mình, để trải nghiệm đời sống, như bộ não và đôi mắt của mình? Điều này khá thú vị để phân tích, khi cố gắng so sánh các mức độ bất hạnh. Chẳng hạn như có thể so sánh nỗi khổ tinh thần của một người mắc hội chứng Down (Down syndrome), không nhận thức rõ về tình trạng của họ, với một người rất thông minh, phân tích quá mức, nên bị trầm cảm và suy nhược thần kinh một cách nặng nề. Giáo pháp luôn nói rằng nỗi khổ tinh thần to lớn hơn nhiều, so với nỗi khổ của thân xác.

Với điều này trong tâm, tôi nghĩ rằng quang phổ của mức độ hạnh phúc và bất hạnh mà chúng ta có thể trải nghiệm khác nhau khá nhiều, tùy theo loại cơ thể và dạng sống của mình. Vậy thì khi mở rộng thêm, chúng ta có thể bao gồm toàn bộ quang phổ hạnh phúc/bất hạnh và lạc thọ/khổ thọ, và tưởng tượng rằng có thể có những nền tảng thể chất có khả năng cảm nhận những phần xa hơn trong những quang phổ này, so với những gì cơ thể con người có thể hỗ trợ, chẳng hạn như chịu đựng được nhiều đau đớn hơn.

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Hãy tưởng tượng sau khi chết, ta sẽ không là gì cả, nếu đó là điều mình tin tưởng. Ý nghĩ “Bây giờ thì tôi chết rồi”, và không biết điều gì sẽ xảy ra là điều khá đáng sợ. Khi chúng ta không là gì cả, thì điều này có đau buồn không? Nó là gì? Người ta bắt đầu tự hỏi những đặc điểm của việc trải nghiệm “không có gì cả” là gì? Tuy nhiên, “không có gì cả” đang xảy ra. Khi mà “không có gì cả” đang xảy ra, thì không phải là mình thấy rất chán hay sao? Thật ra chúng ta sẽ không vui, khi không có gì xảy ra cả. Bây giờ, hãy tưởng tượng không có gì sẽ xảy ra mãi mãi, và ta sẽ buồn chán như thế nào. Chúng ta sẽ rất đau khổ.

Tôi không biết điều đó có ý nghĩa gì không, hay chỉ là đùa giỡn, nhưng tôi nghĩ nó sẽ giúp cho mình có ý thức rằng “Sau khi chết, tôi muốn tránh làm cho mọi việc tồi tệ hơn tình trạng hiện nay.” Chúng ta không muốn bị mắc kẹt trong “không có gì cả” mãi mãi. Nếu noi theo Phật pháp, thì chắc chắn chúng ta không muốn tái sinh với một loại thân thể mà mình sẽ chịu nhiều đau đớn, đau khổ và gặp nhiều vấn đề hơn. Ngoài ra, chúng ta không muốn có một thân thể không có khả năng tiếp tục đường tu.

Quy Y

Do đó, ta sẽ phát triển cảm giác sợ hãi lành mạnh về những điều có thể xảy ra với mình, sau khi chết. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải hiểu rằng có hai nỗi sợ. Loại thứ nhất là cảm giác rằng mình không thể làm gì được, rằng mình bất lực và vô vọng, là nỗi sợ hãi ghê gớm, rất khó chịu đựng. Loại thứ hai là cảm giác sợ hãi lành mạnh, là khi chúng ta biết mình có thể làm điều gì đó, để tránh tình huống tồi tệ, nên sẽ cẩn thận. Chẳng hạn như khi lái xe, vì sợ bị tai nạn, nên ta sẽ lái xe cẩn thận. Nếu không quan tâm đến việc mình có bị tai nạn hay không, nếu không sợ gặp tai nạn, thì ta sẽ liều lĩnh. Đó có thể là một thảm họa.

Khi nói về nỗi sợ là một trong những nguyên nhân của pháp quy y, hay “phương hướng an toàn”, thì chúng ta đang đề cập đến cảm giác sợ hãi lành mạnh này. Trước hết, đó là một nỗi sợ hãi dựa trên ý thức lành mạnh về cái “tôi” quy ước. Chúng ta quan tâm đến những điều sẽ xảy ra cho bản thân, và không muốn ở trong bất cứ tình huống kinh khiếp nào, mà mình không thể tiến bộ hơn nữa. Chúng ta sẽ thấy có một cách để tránh tương lai khủng khiếp đó, nên muốn noi theo phương hướng ấy. Điều quan trọng là phải hiểu rằng nếu không có ý thức lành mạnh về “tôi”, thì ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình có một phương hướng tích cực và an toàn trong đời sống, điều được biểu thị bằng cái gọi là “quy y”.

Nếu như không quan tâm, thì thậm chí ta sẽ không nỗ lực để tránh khổ. Chúng ta thấy thái độ này ở những người không chịu bỏ thuốc lá, bất kể điều gì xảy ra. “Tôi không cần biết, nếu có bị ung thư hay không. Không cần biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi muốn hút thuốc.". Họ thật sự không quan tâm đến bản thân. Những người trong khán giả vẫn còn hút thuốc đang có nụ cười tội lỗi, và thật sự lúng túng. Tuy nhiên, nếu xem trọng tất cả những điều này, rằng mình có một kiếp người quý báu, và không muốn mất nó, thì sẽ muốn nó kéo dài càng lâu càng tốt. Hơn nữa, chúng ta muốn sử dụng cơ hội này, trước khi mất nó, và cố gắng tránh việc mất đi những cơ hội khác trong tương lai. Tâm lý này đều dựa trên ý thức lành mạnh về “tôi”.

Hiện tại, có những điều mà chúng ta có thể làm, để tránh những tình huống tồi tệ hơn trong tương lai. Đó là đưa phương hướng an toàn của Phật, Pháp và Tăng vào trong đời sống. Phương hướng đó là gì? Tam Bảo là gì? Có một vài cấp độ về Phật, Pháp và Tăng, nhưng nếu nhìn vào mức độ sâu sắc nhất, thì Pháp Bảo đề cập đến chân diệt của mọi hình thức của nỗi khổ, và chân đạo, những mức độ hiểu biết chân thật, sẽ dẫn đến chân diệt của các vấn đề, để chúng không bao giờ tái diễn nữa. Pháp Bảo sâu sắc nhất là Diệu Đế thứ ba và thứ tư. Đó là phương hướng mà mình muốn noi theo. Chúng ta muốn noi theo phương hướng cố gắng thành tựu một chân diệt của nguyên nhân chân thật tạo ra nổi khổ và vấn đề, và muốn đạt được sự hiểu biết chân thật, hay chân đạo trong tâm thức, để hiểu một cách chính xác những gì sẽ đưa đến chân diệt ấy. Nói một cách tổng quát, thì đây là phương hướng tích cực mà mình muốn hướng tới.

Chư Phật là những đấng đã thành tựu chân diệt của nỗi khổ này một cách viên mãn, và đã giảng dạy, chỉ cho ta cách để thành tựu nó. Thánh Tăng nói về những bậc đã thành tựu các chân diệt và chân đạo một phần nào. Vì chư Thánh nhân đều ở những mức độ khác nhau, nên chư vị là tấm gương rất hữu ích, vì các ngài khuyến khích mình, để thấy rằng việc thành tựu cấp độ của một vị Phật là điều mà chúng ta sẽ tu tập theo các giai đoạn. Các ngài làm cho nó có vẻ dễ thành tựu hơn, và hỗ trợ cho mình, đó là điều cần thiết trên đường tu.

Đó là Tam Bảo, và đó là chiều hướng mà chúng ta muốn noi theo. Chúng ta sẽ quan tâm đến tự thân, nghiêm túc với bản thân, nên muốn noi theo phương hướng này, để có thể tránh khổ, và thấy rằng đó là điều khả thi. Chúng ta muốn được hạnh phúc, và không muốn khổ đau, nên sẽ cố gắng noi theo chiều hướng ấy. Hãy nghĩ về điều này.

[Thiền]

Chẳng may là nhiều người xem thường quy y, và tôi nghĩ đó là vì họ không thật sự hiểu quy y là gì, ở mức độ sâu sắc hơn. Những bài thiền được đề cử trong một số tác phẩm Lam-rim rất hữu ích cho điều này.

Chúng ta sẽ thiền quán, bằng cách tưởng tượng mình đang rơi xuống vách đá, rơi vào những cõi thấp hơn, vào một tái sinh khủng khiếp hơn, và điều đó đáng sợ đến mức nào. Sau đó, nếu biết rằng có một cách để tự cứu mình, bằng cách mở dù, hay bất cứ điều gì, thì chắc chắn ta sẽ muốn làm điều đó.

Tiếp theo, hãy tưởng tượng mình sắp rơi xuống vực thẳm. Chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm, và sắp sửa rơi xuống dưới. Ta rất sợ mình sẽ rơi xuống vực thẳm, và ước gì mình đã dành thời gian để tập luyện cho các cơ bắp chính được mạnh mẽ, để có thể giữ thăng bằng, và không rơi xuống vực thẳm.

Sau đó, hãy tưởng tượng mình đang ở trên một băng tải di động, và nó đang đi thẳng về bờ vực thẳm, và sẽ thả mình xuống vực thẳm, và chúng ta sẽ nghĩ mình muốn nhảy ra khỏi băng tải di động đến mức nào.

Đây là những hình ảnh khá mạnh mẽ mà ta có thể sử dụng, để gợi lên cảm giác sợ hãi, kêu gọi những bản năng rất cơ bản. Đó là bản năng sinh tồn để sống còn, và không rơi vào lửa. Đó là loại bản năng cơ bản mà ta muốn sử dụng, để đưa quy y vào trong cuộc sống của mình, để nó trở nên rất cơ bản đối với mình. Tùy theo niềm tin của mình, mà nhờ vào kết quả của việc suy nghĩ như vậy, ta sẽ muốn đoạn trừ nhân tạo ra những tái sinh tồi tệ hơn, tạo ra một sự nguyền rủa đời đời trong địa ngục, hay chết vì hối hận và sợ hãi, vì phải đi vào một cõi hư vô, mà ta không biết đến.

Hãy nghĩ về tất cả những điều này. “Tôi muốn tránh tái sinh tồi tệ hơn, và nếu muốn làm như vậy, thì phải tránh tạo tác và đoạn trừ nhân của những tái sinh tồi tệ hơn. Tôi muốn thực hiện một vài pháp ngăn ngừa.”. Trên thực tế, theo nghĩa đen, chữ “Dharma” (“Pháp”) trong tiếng Phạn được dịch là “các pháp ngăn ngừa”.

[Thiền]

Nghiệp

Để noi theo phương hướng an toàn ấy, điều đầu tiên mà ta muốn làm là loại bỏ nhân tạo ra nỗi khổ ô trược, được gọi là khổ vì đau khổ (khổ khổ). Chúng ta muốn loại bỏ những nguyên nhân của sự bất hạnh và kinh nghiệm của tái sinh khủng khiếp, cũng như tất cả những điều khó chịu có thể xảy ra. Theo giáo lý về nghiệp trong nhà Phật, nếu ta phải kinh qua nỗi khổ ô trược này, thì đó là kết quả của ác nghiệp. Đây là quy luật đầu tiên về nghiệp.

Khi nói về nghiệp, tôi muốn nói rằng chúng ta không nói về hành động, dù tiếng Tây Tạng cho “nghiệp” là las, là từ ngữ thông tục cho “hành động”. Khi người Tây Tạng thuyết Pháp bằng tiếng Anh, thì rất thường xuyên dịch chữ "nghiệp" là hành động. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là hành động. Nếu nó là hành động, thì hãy nghĩ về những điều theo sau. Nếu muốn dứt sạch nghiệp, và nếu nghiệp chỉ có nghĩa là hành động, thì điều mà ta phải làm là không thực hiện bất cứ điều gì nữa, thì sẽ được giải thoát. Nghiệp chắc chắn không có nghĩa là như vậy.

Việc đưa điều gì đến một kết luận vô lý khả dĩ là một phương pháp phân tích khác, thường được sử dụng trong đạo Phật. Đó là khi ta thấy nếu như có kết luận vô lý nào theo sau một sự khẳng định. Chẳng hạn như nếu nghiệp là hành động, thì nếu muốn dứt sạch nghiệp, có nghĩa là phải loại bỏ tất cả các hành động. Nếu như chấm dứt hết mọi hành vi, thì liệu mình có được giải thoát không? Không. Do đó, việc khẳng định rằng nghiệp có nghĩa là hành động là không chính xác. Nó có vấn đề về mặt dịch thuật.

Điều mà nghiệp đề cập đến là tính cưỡng bách. Có một khía cạnh cưỡng bách trong hành vi của mình, bắt buộc vì bản năng và khuynh hướng mạnh mẽ, đã được tích tập vì phiền não và vô minh. Do đó, ta sẽ hành động một cách bất tự chủ, như một người bắt buộc phải ăn, hay bắt buộc phải gõ ngón tay liên tục, hay người nào bắt buộc phải nói dối.

Đâu là sự khác biệt giữa “bốc đồng” và “cưỡng bách”?

Hai điều này liên quan chặt chẽ với nhau. “Bốc đồng” có nghĩa là làm hay nói bất cứ điều gì phát sinh trong đầu, mà không suy nghĩ đắn đo trước đó. “Cưỡng bách” có nghĩa là làm hay nói, hoặc nghĩ về điều gì vì một sự thôi thúc không thể cưỡng lại, nên có sự lo lắng một cách cưỡng ép. Nhân tiện đây, “ám ảnh” có nghĩa là liên tục làm, nói hay nghĩ điều gì khiến cho mình bận tâm, và ngăn chận mình hành động theo cách khác. Thật ra cả ba chữ này đều liên quan với nhau một cách chặt chẽ.

Ở đây, khi nói về nghiệp, “cưỡng bách” có thể không chỉ nói về ác hạnh, mà còn về thiện hạnh nữa. Chẳng hạn như ta có thể là người cầu toàn một cách cưỡng bách, rất loạn thần về việc phải làm người hoàn hảo và tốt đẹp, hay là người bắt buộc phải dọn dẹp nhà cửa, hay bắt buộc phải rửa tay hoài. Loại hành vi này dựa vào một cái “tôi” to lớn, người phải kiểm soát tất cả mọi việc. Đây là những hành động tích cực. Không có gì tiêu cực về việc dọn dẹp nhà cửa hay rửa tay, nhưng trong trường hợp này, nó hoàn toàn mất đi tính tự chủ, và rất loạn thần. Nó cũng có thể là bắt buộc phải sửa sai người khác, những điều như vậy.

Đó là điều chúng ta đang nói về nghiệp. Điều mà ta muốn thoát khỏi là hành vi cưỡng ép này. Không phải là mình muốn chấm dứt việc làm bất cứ điều gì. Hãy để cho điều này lắng xuống, vì có lẽ nó là điều mới mẻ.

Nó phù hợp với định nghĩa của nghiệp, và đó là điều quan trọng. Trước hết, chúng ta sẽ học hỏi định nghĩa, rồi cố tìm hiểu xem nó nói về cái gì. Khi ta cảm thấy muốn nói dối hay muốn đi tới tủ lạnh, thì những ý muốn này phát sinh từ tập khí của nghiệp. Chúng ta thấy thích làm điều đó, và muốn làm điều đó. Vậy thì nghiệp là sự thôi thúc cưỡng ép, lôi kéo ta vào hành động. Trước tiên, ta sẽ thấy muốn làm điều gì đó, rồi tính cưỡng bách sẽ lôi kéo mình vào hành động, và ta sẽ làm điều đó.

[Thiền]

Khai thị cổ điển về nghiệp trong phạm vi sơ căn của Lam-rim là nỗi khổ vì đau khổ và nhân tạo ra nỗi khổ này là tâm vô minh về luật nhân quả. Chúng ta không biết rằng nếu như mình đang đau khổ, thì điều này phát sinh từ ác nghiệp của mình. Một là ta không biết điều đó, hai là có tà kiến rằng nỗi bất hạnh của mình xảy ra một cách ngẫu nhiên từ hư không, hay những nguồn gốc bên ngoài. Ở đây, chúng ta sẽ tu tập, để đoạn trừ mức độ vô minh đầu tiên này về nhân quả. Ở đây, chúng ta không nói về nhân quả như khi mình đá trái banh, và nó sẽ lăn đến đó, mà đang nói về nhân quả về mặt hành vi của mình, và những gì ta trải nghiệm.

Khai thị cổ điển là “Tôi không muốn bất hạnh, tôi không muốn trải qua nỗi khổ ô trược, và hiểu rằng nó bắt nguồn từ ác nghiệp. Do đó, khi muốn hành động một cách tiêu cực - bởi vì cảm giác đó sẽ sinh khởi từ những nguyên nhân trước đó - tôi sẽ không làm theo nó. Tôi sẽ kềm chế bản thân.”. Đó là giáo lý tiêu chuẩn của phạm vi sơ căn, để đối phó với nghiệp.

Lý Do Để Không Có Hành Động Tiêu Cực – Các Tâm Sở Liên Quan Trong Đó

Ở Berlin, tôi đã dạy Lam-rim chen-mo (Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ) của Tông Khách Ba (Tsongkhapa). Chúng tôi đã nghiên cứu nó một cách rất chậm rãi, mỗi tuần một lần trong hơn bốn năm, và khi đến phần này, tôi đã hỏi các học sinh của mình, “Tại sao các bạn không nói dối? Tại sao các bạn không lừa gạt? Lý do là gì?”.

Xin hãy xem xét điều này một chút. Nếu như các bạn không lừa dối, bắt nạt hay nói dối, thì tại sao không? Có phải là vì các bạn sợ những tái sinh tồi tệ hơn và nỗi bất hạnh sẽ xảy ra sau những hành động này, nên mới kềm chế bản thân? Hãy trung thực. Tại sao các bạn không lừa dối và làm tổn thương người khác?

[Quán chiếu]

Chúng tôi không muốn người khác nghĩ xấu về mình.

Nếu như không có ai biết, thì việc hành xử một cách xấu xa như vậy có ổn không?

Việc nói dối chỉ là điều vô nghĩa, bất kể là người khác có biết hay không. Nó chỉ có nghĩa là lợi ích ngắn hạn. Về lâu về dài thì nó sẽ không có lợi lạc gì.

Được rồi, vậy thì bạn có một chút tín tâm về nhân quả.

Ngoài ra, còn có cảm giác tội lỗi, vì tôi sẽ thấy bản thân mình tồi tệ. 

“Vì tôi sẽ thấy bản thân mình tồi tệ.”. Điều này tương tự với những điều mà một số học sinh của tôi đã trả lời.

Tôi không nói dối, vì không muốn người khác nói dối với tôi.

Điều này đi đến giáo pháp thật sự, rằng người khác sẽ nói dối với mình, như kết quả của việc mình đã nói dối. Hậu quả của việc lừa đảo, là người khác sẽ lừa gạt mình. Kết quả của việc luôn luôn ngắt lời và nói chuyện vô nghĩa, là không ai coi trọng mình.

Nếu như chúng ta khá chân thành là không muốn gánh lấy hậu quả hay vấn đề trong tương lai, thì mong muốn đó hoàn toàn phù hợp với giáo pháp. Tuy nhiên, những điều tôi thấy, đối với cá nhân tôi, và các học sinh của tôi, thì câu trả lời thường là: “Tôi không cảm thấy điều đó đúng.”. Họ không cảm thấy đúng, khi lừa gạt, nói dối, hay làm một người ác độc. Đó là câu trả lời rất đơn giản, nhưng sâu sắc. Chúng ta cảm thấy không yên tâm.

Bây giờ, phải đem vào đây khuôn khổ khái niệm từ giáo pháp về 51 tâm sở, để xem tâm sở nào đại diện cho cảm giác này. Làm thế nào để mô tả hiện tượng “Tôi không cảm thấy đúng?”. Có một tâm sở được gọi là “tàm (ngo-tsha shes-pa)”. Chúng ta quan tâm về điều gì xảy ra cho mình, và cách mà hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến bản thân như thế nào. Đó là ý thức về phẩm cách và giá trị của bản thân. Chúng ta nghĩ về bản thân, rằng ta sẽ không hạ thấp mình, để hành động như vậy. Chúng ta có nhiều lòng tự trọng hơn, và không thấy đúng, khi hành động một cách hèn hạ như vậy. Chúng ta quá tôn trọng bản thân, và đó không phải là hạng người mà ta muốn trở thành.

Trong tác phẩm A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharmkosha), Thế Thân (Vasubandhu) nói rằng tâm sở này đi kèm với tất cả các thiện hạnh. Chúng ta sẽ hành xử một cách bất thiện, khi không có ý thức về lòng tự trọng. Chúng ta không quan tâm đến cách hành vi của mình sẽ phản ánh về bản thân như thế nào. Đó không phải là những điều người khác nghĩ về mình, mà là những gì mình nghĩ về bản thân, sẽ ảnh hưởng đến hành vi của mình. Điều đó có nghĩa là với ý thức lành mạnh về cái “tôi” quy ước, thì ta sẽ tôn trọng bản thân. Từ việc này, ta sẽ thấy rằng khi tiến tu qua các giai đoạn tuần tự trong Lam-rim, ta đang phát triển một thái độ ngày càng tích cực hơn đối với tự thân. Một thái độ như vậy là những gì tôi đang mô tả, khi sử dụng thuật ngữ Tây phương, “ý thức lành mạnh về bản ngã”. Hãy nghĩ về điều này.

[Thiền]

Video: Tiến sĩ Chönyi Taylor — “Khắc Phục Sự Hổ Thẹn Vì Nghiện Ngập”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Tâm sở thứ hai mà Thế Thân nói rằng nó đi kèm tất cả thiện hạnh, có lẽ phù hợp hơn nhiều trong bối cảnh Á châu. Tuy vậy, chúng ta phải tìm hiểu xem nó liên quan như thế nào đối với mình. Tâm sở này là quan tâm đến cách mà hành vi của mình sẽ phản ánh về người khác như thế nào (quý, khrel-yod). Nói chung thì người Á châu thường không chỉ nghĩ về bản thân như những cá nhân, mà là thành viên trong một gia đình. Cách mà một người hành động sẽ phản ánh về danh dự của cả gia đình. Vì vậy, họ không muốn tạo ra sự xấu hổ hay tiếng xấu cho nhóm lớn hơn mà họ phụ thuộc vào đó. Lòng trung thành đối với gia đình là điều rất quan trọng. Lòng trung thành đó có thể mở rộng đến những nhóm lớn hơn mà họ đồng hóa bản thân trong đó, như làng mạc của họ, đẳng cấp của họ, đất nước của họ, tôn giáo của họ. Vấn đề là hành vi của chúng ta phản ánh như thế nào về người khác? Nếu như quan tâm đến điều này, thì ta cũng sẽ kềm chế hành vi tiêu cực. Theo Thế Thân thì mối quan tâm này được bao gồm trong tâm trạng kềm chế hành vi có tính tiêu cực, và một phần nào đó, là cách mà “hành vi tích cực” được định nghĩa.

Trong xã hội Tây phương, với rất nhiều sự nhấn mạnh về cá nhân, nên tôi tự hỏi làm sao mà tâm sở này luôn luôn có mặt trong thiện hạnh. Chúng ta phải khảo sát bản thân. Liệu có một ý nghĩa rộng lớn hơn về cái “tôi” quy ước lành mạnh này, là điều bao gồm cả gia đình của mình hay không? Nói một cách cơ bản, thì có một nhóm lớn hơn mà ta cảm thấy là một phần trong bản sắc của mình không? Tôi nghĩ đây là vấn đề cá nhân. Chẳng hạn như một người phụ nữ có thể xem những hành động cá nhân sẽ phản ánh về tất cả phụ nữ như thế nào. Cô có thể nghĩ rằng nếu một người phụ nữ hành động như thế này hay thế kia, thì mọi người sẽ có cái nhìn rất thấp về phụ nữ. Do đó, cô sẽ cảm thấy quyết liệt rằng phụ nữ phải hành xử theo cách nào, để khiến cho xã hội có lòng tôn trọng đối với phụ nữ, để họ được đối xử một cách bình đẳng.

Với tâm sở này, chúng ta sẽ quan tâm về những điều mà người ta có thể nghĩ về cách Phật tử sẽ hành động. Người ta sẽ nghĩ gì về một nước nhỏ bé như Latvia? Ví dụ, nếu như thế giới nghĩ rằng đây là một quốc gia nhỏ bé không đáng kể, thì người dân ở đây có thể được thúc đẩy vì nhận xét này, và nỗ lực để thành công và đổi mới, hay làm điều gì sáng tạo, đúng đắn và đáng khen, vì nó sẽ phản ánh tốt về đất nước của họ, như một tổng thể.

Trong bất cứ trường hợp nào, điều mà chúng ta sẽ phát triển với hai tâm sở này là ý thức trách nhiệm đối với cách mình hành động, nói năng và suy nghĩ. Điều này sẽ tạo ra ý thức lành mạnh về cái “tôi”. Chúng ta không muốn khổ. Chúng ta muốn được hạnh phúc, và không chỉ có sự hài lòng ngay lập tức, mà còn muốn hạnh phúc trong tương lai. Chúng ta sẵn sàng trì hoãn sự hài lòng ngay lập tức, để đảm bảo hạnh phúc trong tương lai. Một ví dụ hiện đại hơn là tiết kiệm cho tuổi già, hoặc chỉ mua những gì vừa với túi tiền của mình, và không mua bằng thẻ tín dụng, để không phải lo lắng về việc không thể trả tiền lại cho nhà băng, hay là mất tất cả.

Đó là ý thức trách nhiệm, dựa trên ý thức lành mạnh về “tôi”, đó là nguyên nhân giúp ta kềm chế hành vi tiêu cực. Ý thức trách nhiệm này bắt nguồn từ việc trước hết, biết rằng mình sẽ gánh lấy hậu quả từ những hành vi của bản thân. Phải hiểu rằng mình sẽ cảm thấy tồi tệ hơn, khi lừa gạt và nói dối, khi gây rắc rối cho người khác. Điều này không chỉ xảy ra trong hiện tại, mà còn trong tương lai nữa. Nói một cách đơn giản là chúng ta sẽ cảm thấy tồi tệ.

Một ví dụ rất tốt để nghĩ đến là việc lo lắng thái quá. Liệu ta có thấy vui vẻ, trong khi đang lo lắng hay không? Không, hoàn toàn không. Lúc nào chúng ta cũng lo lắng một cách thái quá, nên nó cứ lặp đi lặp lại hoài, và trở thành nỗi bất hạnh lâu dài, có thể đưa đến trầm cảm. Phải tạo ra sự liên hệ, rằng loại hành vi tự hủy hoại này sẽ tạo ra nỗi khổ cho mình. Chúng ta phải gánh trách nhiệm, và nghĩ rằng “Tôi muốn tránh nó, và muốn chấm dứt nó.”. Có lẽ điều này không dễ dàng. Rất khó chấm dứt hành vi cưỡng bách, vì việc này đòi hỏi tính tự chủ rất mạnh mẽ.

[Thiền]

Rèn Luyện Tính Tự Chủ

Toàn bộ phương thức trong phạm vi sơ căn của Lam-rim là rèn luyện tính tự chủ. Khi muốn hành xử một cách tiêu cực, ta sẽ hiểu rằng việc này sẽ tự hủy hoại bản thân, và sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn, nên ta sẽ áp dụng tính tự chủ, để không thực hiện những điều mình muốn làm. Nếu đã từng cố gắng ăn kiêng, thì ta sẽ biết tất cả những điều này. Chúng ta sẽ ăn kiêng, vì nghĩ rằng: “Tôi muốn giảm cân”, vì bất cứ lý do gì. Có thể là vì lý do cá nhân, sức khỏe của mình, để nhìn đẹp hơn, hay bất cứ điều gì. Tuy nhiên, chỉ vì quyết định ăn kiêng, không có nghĩa là ta sẽ không còn cảm giác muốn ăn nữa. Tất nhiên, chúng ta vẫn muốn ăn. Đó là vấn đề tập khí trước đây đang trổ, ví dụ như khi đi ngang qua tiệm bánh, và thấy một chiếc bánh, ta sẽ rất thích có được một miếng bánh. Mong muốn này sẽ tự động phát sinh, vì đó là một tập khí đang trổ. Chúng ta sẽ không thể dẹp bỏ những cảm giác như vậy ở giai đoạn này. Điều quan trọng là không cảm thấy tồi tệ vì điều này. Vấn đề là rèn luyện khả năng tự chủ vào thời điểm đó, khi ta muốn đi vào cửa hàng để mua bánh. Chỉ cần không làm điều đó. Đừng mua nó, hay cứ đến tủ lạnh hoài.

Điều này không dễ, phải không? Nhưng tính tự chủ phụ thuộc vào cái gì? Nó không chỉ dựa vào trí phân biệt giữa điều gì hữu ích và điều gì có hại. Chúng ta biết rằng “Nếu tôi hành động một cách tiêu cực, thì sẽ tạo ra vấn đề”, nên có thể phân biệt một cách đúng đắn. Nhưng thường thì ta cũng nói rằng “Tôi biết vậy, nhưng không thể tự chủ.”. Điều đó có xảy ra, đúng không? Chúng ta biết mình không nên hút thuốc, và đang cố gắng bỏ hút thuốc, nhưng vẫn thích hút thuốc. Cảm giác đó, mong muốn đó sẽ sinh khởi. Do đó, ngoài việc phân biệt và biết điều gì có lợi và có hại, còn phải có ý thức lành mạnh về cái “tôi”. Chúng ta cần có lòng tự trọng, cảm giác tích cực này đối với bản thân, để trên cơ sở đó, có thể rèn luyện ý chí của bản ngã quy ước, “tôi”.

Hiện giờ, những người hút thuốc trong phòng trông rất khó chịu, và mặt họ đỏ lên. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, tôi nghĩ rất đúng là chúng ta chỉ có thể áp dụng tính tự chủ và nghị lực theo cách rất tích cực, nếu như có ý thức về lòng tự trọng và thái độ tích cực này đối với bản thân. Mặt khác, nếu không quan tâm đến điều này, thì ta sẽ không áp dụng tính tự chủ, không có nghị lực. Điều này rất thú vị để phân tích, rằng điều gì sẽ tăng cường tính tự chủ và nghị lực của mình?

Phải cẩn thận một chút, bởi vì tuy mình đang xây dựng ý thức lành mạnh về cái “tôi” quy ước này, để có thể áp dụng tính tự chủ tốt hơn, v.v..., nhưng nó cũng có thể củng cố bản ngã được thổi phồng. Theo đó, trong khi đang xây dựng cái “tôi” quy ước, và nỗ lực với việc này, thì giờ đây, ta có thể bắt đầu trông chừng ý thức về cái “tôi” bị thổi phồng. Cảm giác về cái “tôi” bị thổi phồng là bản ngã cảm thấy như “Đáng lẽ mình nên có khả năng tự chủ, nhưng đã không làm như vậy, nên ta yếu đuối, ta tội lỗi, ta không tốt.”. Đó là cái “tôi” bị thổi phồng - một cái “tôi” đáng lẽ phải ở trong giai đoạn phát triển, nhưng mình vẫn chưa đi đến mức đó. Điều này giống như một người liên tục tự khống chế bản thân, để kiểm soát mọi hành vi, vì vậy nên hoàn toàn cứng nhắc. Điều này không lành mạnh. Khi họ sơ suất và mất tự chủ, thì sẽ cảm thấy tội lỗi, vì nghĩ rằng: “Đáng lẽ tôi phải có khả năng kiểm soát bản thân mình.”. Họ sẽ tự trách bản thân về mặt tâm lý.

Khi xem xét giáo pháp và các ví dụ, ta có thể nghĩ rằng việc đi đến cực đoan này sẽ dễ dàng như thế nào. Tôi đang nghĩ về ví dụ của Ben Gungyal ('Ban Gung-rgyal,' Phen rKun-rgal), một đạo sư Tây Tạng lừng danh, người đã giữ một số đá trắng và đá đen, đại diện cho tất cả những ý nghĩ tích cực và tiêu cực, hay tất cả những điều thiện và ác mà ngài đã làm. Mỗi ngày, ngài sẽ để một viên đá đen sang một bên, đối với mỗi một ý nghĩ tiêu cực, và sẽ lấy một viên đá trắng, đối với mỗi ý nghĩ tích cực. Vào cuối ngày, nếu có nhiều đá đen hơn đá trắng, thì ngài sẽ tự trách mắng bản thân, và quyết tâm làm tốt hơn trong tương lai. Nếu có nhiều đá trắng hơn, thì ngài sẽ tự chúc mừng bản thân, và vẫn quyết tâm làm tốt hơn trong tương lai. Loại hành vi này có thể trở nên khá nhị nguyên, đúng không?

Tuy nhiên, cách tự kiểm này vào cuối ngày sẽ rất hữu ích, đặc biệt, nếu như ta không nhận thức được những gì đang xảy ra trong đời sống của mình. Chúng ta sẽ hành xử một cách tiêu cực hay tích cực thường xuyên như thế nào? Việc có ý thức hơn về điều này rất hữu ích. Tuy nhiên, phải cẩn thận, để không đi đến biên kiến nhị nguyên về một cái “tôi” vững chắc, là cảnh sát viên, và cái “tôi” này ở đây đang bị xét xử. Một bậc thầy vĩ đại nói rằng nếu chúng ta xem xét đời sống của mình một cách trung thực, để xem mình đã tức giận, hoặc xấu xa và không tử tế bao nhiêu lần, và đã thật lòng tử tế và làm điều gì có lợi cho người khác bao nhiêu lần, với một danh sách như vậy, thì việc ta sẽ đi về đâu trong những kiếp tuơng lai sẽ rất rõ ràng.

Vậy thì việc xem xét hành vi của mình là để thúc đẩy bản thân làm điều gì đó, nếu như ta thấy nó chủ yếu là điều phá hoại. Nhưng sự phát triển của tính tự chủ và nghị lực này, dựa vào trí tuệ và việc đánh giá đúng đắn về cách mình hành động, phải được thực hiện với ý thức lành mạnh về cái “tôi”. Hãy coi chừng cảm giác bị thổi phồng này về “tôi”.

Thật ra, trong trình tự sơ khởi của việc phát triển ý thức lành mạnh về bản ngã qua Lam-rim, thì việc rèn luyện khả năng tự chủ và nghị lực chắc chắn sẽ dựa vào cảm giác về một cái “tôi” bị thổi phồng. Chúng ta sẽ cảm thấy như “Tôi phải tự chủ.”. Ở phạm vi trung căn, khi mà ta sẽ giải quyết vấn đề này, về cảm giác về cái “tôi” bị thổi phồng. Lúc đầu, chúng ta sẽ tiếp cận nó với cái “tôi” bị thổi phồng ở mức độ nào đó, theo một cách rất tự nhiên. Đó là cách ta sẽ bắt đầu, và sau đó, phải tinh luyện cách áp dụng giới luật. 

Câu Hỏi

Phân Tích Chủng Tử Nghiệp

Khi nghĩ về ví dụ tiệm bánh, một khi đến gần tiệm bánh tỏa mùi thơm, và nhìn thấy chiếc bánh, thì ta không thể làm được gì nữa. Chúng ta sẽ chạy theo ý thích. Đâu là phương thức để tiếp cận vấn đề này? Có lẽ nên đi qua con đường khác, hay làm điều gì khác. Đề nghị của ông là gì?

Trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát (Thirty-Seven Practices of a Bodhisattva), Togme Zangpo nói về thời điểm mà chúng ta có thể phải rời xa quê hương, như một Bồ tát có tâm nguyện tu tập. Vần kệ nói rằng:   

(2) Pháp tu Bồ tát là rời bỏ quê hương, nơi mà tâm quyến luyến bạn bè khuấy động mình như sóng nước; tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt ta như lửa cháy; và bóng đêm si mê bao phủ, khiến ta quên hết những điều nên làm, những điều nên bỏ.  

Nói cách khác là khi một tình huống là trợ duyên hay hoàn cảnh quá mạnh mẽ, khiến cho phiền não phát sinh, và nếu không thể xử lý tình huống này, thì nên lánh xa nó. Việc này không giải quyết được vấn đề, nhưng ít nhất sẽ cho ta thời gian tạm thời, để có thể xử lý vấn đề.

Khi có tình huống này, rồi có một thời gian cách xa với vấn đề, thì ta sẽ lánh xa những điều sẽ khiến cho nghiệp và phiền não phát sinh. Tuy nhiên, sau đó thì phải bắt đầu phân tích. Làm thế nào để giải quyết tình hình? Chúng ta sẽ cố gắng tìm một phương thức, bằng cách phân tích để xem điều gì thật sự đang xảy ra. Phân tích về nhiều nhân duyên đối với nghiệp của mình trong tình huống này sẽ rất hữu ích. Phải thấy rằng nó phát sinh không chỉ từ các nguyên nhân, mà còn từ rất nhiều trợ duyên khác nữa.

Có nhiều trợ duyên sẽ giúp cho chủng tử nghiệp này trổ, để muốn ăn quá nhiều, để mua cái bánh đó, hay thực hiện những loại hành vi tương tự. Tất nhiên, một trong những trợ duyên đó là yếu tố kích thích bên ngoài của chiếc bánh ở đằng kia, và người nào đã tặng nó cho mình. Tình trạng này thậm chí còn khiến cho nó tồi tệ hơn. Nếu phân tích vấn đề, thì ta sẽ thấy có rất nhiều, rất nhiều nhân duyên khác liên quan đến lý do tại sao mình thích ăn bánh. Còn có cả áp lực xã hội, chẳng hạn nếu như tất cả mọi người đều đang ăn bánh, và nó được dọn ra, thì ta sẽ cảm thấy mình cũng nên ăn một miếng. Một mặt, ta có thể xem xét chế độ ăn kiêng của mình, nhưng lại thấy đói, và không có món gì khác để ăn. Cũng có thể có tình hình kinh tế là hiện nay, có nhiều bánh ngọt ở Latvia hơn, so với thời kỳ của chính quyền Xô Viết (Soviet). Có thể có rất nhiều điều kiện đang diễn ra ở đây, ngoài tập khí ăn quá nhiều, hay tập khí khao khát làm thỏa mãn giác quan của mình.

Bằng cách phân tích như vậy, nó sẽ giúp ta vượt qua trở ngại của cảm giác về cái “tôi” bị thổi phồng này - cảm giác rằng “Tôi nên tự chủ, nhưng lại không tự chủ được. Tôi cảm thấy rất tội lỗi.”. Khi những ý tưởng như vậy cứ ám ảnh mình, thì đừng đi ngang tiệm bánh trong một thời gian. Tuy nhiên, trong thời gian đó, đừng cảm thấy tồi tệ. Đó là thời gian để cải thiện bản thân. Thời gian cách biệt với hoàn cảnh không phải là hình phạt. Đó là cách nhìn không lành mạnh về nó, như thể mình chưa đủ bản lãnh, để có thể đối phó với việc đi ngang qua tiệm bánh, nên phải đi đường khác. Đó là lòng tự ti, liên quan đến cách suy nghĩ như vậy.

Thay vì vậy, ta phải nỗ lực một chút, để giải tỏa cảm giác bị thổi phồng này về “tôi”. Không phải chỉ vì mình không đủ khả năng tự chủ. Chúng ta sẽ làm việc với vấn đề này, và thấy rằng việc khống chế tình hình, cũng như việc có cảm giác mạnh mẽ muốn ăn, đều dựa vào rất nhiều nhân duyên. Tuy nhiên, vì chúng dựa vào rất nhiều nhân duyên, việc này sẽ không giảm bớt trách nhiệm của mình, mà chỉ đặt hoàn cảnh này vào trong bối cảnh lớn hơn.

Một ví dụ dễ hiểu hơn có thể là khi có mối quan hệ không lành mạnh, thì ta sẽ liên tục cãi cọ với người bạn đời của mình, và cả hai thật sự hành hạ lẫn nhau bằng lời nói, và về mặt tâm lý. Chúng ta không thể xử lý vấn đề. Cách tốt nhất ở đây là chia tay và rời xa người kia. Đây là phương thức tương tự như việc đối phó với tiệm bánh. Phải làm gián đoạn hội chứng, bằng cách bỏ đi. Nhưng sau đó, nếu như ta lại có cảm giác “Tất cả là lỗi của tôi.”, hay “Tất cả là lỗi của bạn.”, và cứ ôm ấp điều đó, thì sẽ không bình phục rất dễ dàng, và hoàn toàn có khả năng rơi vào những lề thói tương tự, trong mối quan hệ kế tiếp. Chẳng hạn như ta không có bánh, nên không ăn bánh một cách bắt buộc, nhưng lại bắt buộc phải ăn món khác. Rõ ràng là ta vẫn chưa xử lý vấn đề bắt buộc phải ăn thứ gì.

Khi rời xa mối quan hệ không lành mạnh này, thì một lần nữa, phải phân tích rằng ta đã hành động như vậy trong mối quan hệ, vì hàng loạt nhân duyên. Người kia cũng hành động như vậy, vì hàng loạt nhân duyên, và toàn bộ sự việc đang diễn ra trong một môi trường, trong một xã hội, trong một thời điểm và hoàn cảnh kinh tế, mà những điều này cũng phát sinh từ hàng triệu nhân duyên. Phải giải tỏa toàn bộ tình huống. Tuy ta phải chịu trách nhiệm về cách mình hành động, nhưng lỗi lầm cụ thể không phải là của ai. Chúng ta phải có ý thức lành mạnh về cái “tôi” quy ước, không phải là ý thức bị thổi phồng mà “Tất cả đều là lỗi của tôi”, hay “Tất cả đều là lỗi của bạn.”.

Có lẽ bằng cách rời xa quan hệ không lành mạnh này, chúng ta không giải quyết được vấn đề, bởi vì vẫn chưa giải quyết vấn đề với người này. Bằng cách rút lui khỏi mối quan hệ này, có lẽ ta sẽ đi vào mối quan hệ kế tiếp với cùng một lề thói tương tự, dựa theo cách này thì ta sẽ không giải quyết được tình huống.

Đó là lý do mà tôi nói rằng khi sử dụng thời gian cách biệt này, khi đưa bản thân ra khỏi hoàn cảnh, thì phải sử dụng thời gian đó để phân tích, và cố gắng thấu hiểu thực tại của tình huống. Những gì đã xảy ra phụ thuộc vào số nhân duyên khổng lồ, và không chỉ vì “Bạn là người ghê gớm”, hay “Tôi là người không tốt”, hay “Tôi luôn luôn đúng.”. Đó là tất cả những sự phóng đại mà chúng ta tạo ra cho bản thân và người khác. Tất nhiên, ta không chỉ bỏ đi, rồi lại bước vào một mối quan hệ khác ngay lập tức, mà sẽ sử dụng không gian này để phân tích và cố gắng thấu hiểu vấn đề. Trên cơ bản thì ta phải cải thiện bản thân mình.

Hiện nay, chúng ta có thể làm việc với bản thân, rồi quyết định mình có muốn trở lại mối quan hệ đó hay không. Có một số quan hệ mà ta có thể rời xa, và sẽ không còn dính líu gì nữa. Tuy nhiên, có những quan hệ khác, như đối với cha mẹ hay con cái của mình, thì không thể bỏ đi mãi mãi. Ý tôi là chúng ta có thể làm như vậy, nhưng điều đó không tốt đẹp. Rõ ràng là tùy theo mình, nhưng điều quan trọng là phải biết rằng nếu như phải tiếp xúc với người đó nữa, thì chỉ vì ta đã làm việc với bản thân, điều đó không có nghĩa là người kia cũng đã làm như vậy. Chúng ta vẫn phải đối phó với những vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ này, từ phía người kia.

Trong một ví dụ khác, một người bạn của tôi đã làm việc trong một văn phòng khá hỗn loạn. Áp lực thật khủng khiếp, và anh ấy không thể chịu đựng điều này. Anh rất buồn bã, trải qua những cơn hoảng loạn (panic attacks), vân vân. Vì vậy, anh đã bỏ công việc đó. Hiện nay, anh đang có một thời gian nghỉ ngơi, và có thể làm việc với bản thân. Nếu như anh ấy có trở lại lãnh vực mà anh đã làm việc, thì không bắt buộc phải trở lại với công việc đó. Tuy nhiên, anh không nên mong đợi một văn phòng khác, hay công việc khác sẽ hoàn toàn tuyệt vời. Sự việc sẽ không xảy ra như vậy. Sẽ có những áp lực khác nhau. Như ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói, chúng ta phải thực tế, khi giao tiếp với người khác. Tất cả chúng sinh mắc kẹt trong luân hồi đều là trẻ sơ sinh, và ta phải có khả năng đối phó với thực tế này, với lòng nhẫn nhục cao độ.

Do đó, chúng ta sẽ tu tập, để phát triển tất cả những phẩm chất cần thiết cho lòng nhẫn nhục, tinh tấn và thông hiểu người khác, v.v... Thế gian tràn đầy những người non dại, đó là nguyên nhân tốt, để phát tâm bi. Nhưng nếu muốn phát tâm bi, thì phải có ý thức rất mạnh mẽ và lành mạnh về “tôi”. Chúng ta cũng cần có lòng tự tin và sức mạnh, để có thể giúp người khác đối phó với nỗi khổ của họ. Việc này phải dựa trên nền tảng của ý thức lành mạnh về cái “tôi”, không phải là một dạng phức hệ bị thổi phồng như “Tôi sẽ cứu rỗi thế gian.”.

Sự Sinh Khởi Của Các Chủng Tử Và Tâm Sở

Câu hỏi là về các ý nghĩ. Chúng đến từ đâu? Chẳng hạn như trong trường hợp ví dụ thông dụng về tiệm bánh này thì một lần nữa, có thể có một ý nghĩ muốn mua cái bánh này để thỏa mãn mong muốn của tôi. Ý nghĩ khác có thể là chúng ta có thể mua bánh để làm cho người khác vui vẻ. Ý nghĩ thứ ba thì không liên quan gì cả, là bầu trời màu xanh dương. Những ý nghĩ này bắt nguồn từ đâu, và điều gì quyết định loại quá trình suy nghĩ nào sẽ khởi động?

Bây giờ, chúng ta sẽ đi vào phân tích phức tạp hơn về luật nhân quả. Chúng ta sẽ nói theo nhà Phật, về điều mà tôi muốn dịch là “khuynh hướng”. Theo nghĩa đen, đó là chữ “chủng tử”, nhưng không nên nghĩ về những hạt giống vật chất, được gieo vào trong tâm thức. Đó là một ẩn dụ đơn giản, để cho các nông dân hiểu. Thật ra thì từ vô thỉ, chúng ta đã tích tập rất nhiều chủng tử khác nhau. Có những chủng tử nghiệp từ hành vi của mình, và chúng trổ thành cảm giác thích lặp lại một hành vi cụ thể nào đó, theo nghĩa đen là ước muốn lặp lại nó. Chúng cũng trổ thành lạc thọ hay khổ thọ, và trổ thành việc trải nghiệm những hành động mà người khác sẽ đối xử với mình theo cách tương tự như vậy.

Nếu chúng ta sẽ mua bánh, thì trước tiên, sau khi nhìn thấy chiếc bánh trong cửa sổ ở tiệm bánh, cảm giác muốn mua bánh sẽ phát sinh. Nó được đi kèm với lòng khao khát, ví dụ vậy, phát sinh từ chủng tử riêng của nó. Tiếp theo là đến nghiệp thúc đẩy, lôi kéo mình vào ý nghĩ đi vào tiệm để mua bánh, mà vẫn còn ham muốn cái bánh. Một khi ta đã quyết định mua nó, thì tiếp theo, sẽ có cảm giác đi vào cửa hàng, rồi nghiệp thúc dục sẽ lôi cuốn mình vào hành động đi vào tiệm bánh, vân vân, từng bước một, tất cả vẫn với lòng ham muốn cái bánh. Vậy thì có một trình tự, và nhiều nhân duyên khác nhau có thể phát sinh, ảnh hưởng từng bước một.

Có nhiều tâm sở khác, có thể ảnh hưởng điều ta sẽ nghĩ và làm, tất cả đều phát sinh từ chủng tử của chúng, và sẽ được kích hoạt bằng nhiều yếu số thay đổi. Có tâm sở của hạnh bố thí, hoặc tâm sở của lòng tham, hay dục vọng. Các chủng tử dành cho những tâm sở này không trổ liên tục, mà thỉnh thoảng mới trổ thôi, tùy theo những nhân duyên khác nhau. Thêm vào đó, còn có 13 yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tần số của điều gì tạo nên những chủng tử này, ảnh hưởng đến sức mạnh của những điều sẽ trổ từ cả hai yếu tố, chủng tử nghiệp và chủng tử của các tâm sở khác nhau. Cảm giác đi vào tiệm bánh để mua bánh và ham muốn cái bánh có thể yếu ớt hay mạnh mẽ.

Như đã bàn luận trước đây, có nhiều yếu tố và điều kiện liên quan đến lý do tại sao một chủng tử nào sẽ trổ vào thời điểm nào đó. Phải có một trợ duyên cho nó, ví dụ như điều gì khách quan như thời tiết. Trời đang mưa, vì mình muốn tránh mưa, và chỗ gần nhất là tiệm bánh, nên mới vô tiệm bánh. Đó là trợ duyên khơi dậy ước muốn đi vào tiệm bánh. Sau đó, một khi đã vào bên trong, thì ta nhìn thấy chiếc bánh, và điều đó khơi dậy lòng khao khát, và mong muốn có một miếng bánh. Nếu không phải như vậy, nếu không có mưa, thì ta sẽ đi ngang qua đó, và không bao giờ bước vào cửa hàng.

Tôi cười, vì nghĩ về tình huống của mình. Tôi rất có duyên với Tây Tạng, và thích những món ăn Tây Tạng, đặc biệt là momo, há cảo nhân thịt. Cách đây nhiều năm, tôi đã dọn về Berlin, sống trong một căn phố của một người bạn mà trước đó, chưa bao giờ nhìn thấy nó. Có cơ hội để chia sẻ căn phố này với một người bạn, nên tôi quyết định sẽ làm như vậy. Tôi đã dọn vào khu nào? Đó là một khu phố có bốn nhà hàng bán thức ăn Tây Tạng, có món momo, tất cả đều rất gần căn phố đó, chỉ cần đi bộ một chút thôi. Làm thế nào điều đó lại xảy ra? Không chỉ một nhà hàng, mà là bốn! Ý tôi là nó thái quá. Nếu đó không phải là một ví dụ về việc một loại nghiệp lực nào đó trổ quả, để duy trì kinh nghiệm ăn thức ăn Tây Tạng, thì nó là gì?

Vấn đề là liệu mình có đi vào tiệm bánh hay không, liệu tâm bố thí có sinh khởi hay không, và ta sẽ nghĩ đến việc mua bánh cho người khác, hay chỉ đi có tâm tán loạn sinh khởi, thì tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào sức mạnh của mỗi một chủng tử này, đối với loại tâm sở đó, hay quá trình suy nghĩ sẽ xảy ra. Nó cũng phụ thuộc vào bất cứ hoàn cảnh bên ngoài nào có mặt ở đó, để đóng góp thêm cho tình huống. Bất cứ điều gì xảy ra đều sinh khởi dựa vào sự kết hợp của tất cả những điều này, cũng như chủng tử nào mạnh hơn, và chủng tử nào yếu hơn. 

Trực Giác

Đôi khi, sự chọn lựa được quyết định bằng trực giác. Trong đạo Phật thì trực giác là gì? 

Trên cơ bản thì trực giác là điều gì mà chúng ta cảm thấy, đúng không? Nó chỉ phát sinh, và với trực giác, thường thì có một vài mức độ xác quyết nào đó, tùy theo ta tin vào trực giác của mình đến mức nào. Chúng ta có thể có trực giác về nhiều việc khác nhau, và điều đó không dễ phân tích. Ví dụ, ta có thể có trực giác về cách sửa chữa món gì. Có cái gì không xong với máy vi tính của mình, nên theo trực giác, chúng ta biết phải bấm nút nào. Tuy nhiên, trên cơ bản thì điều này xuất phát từ kinh nghiệm trước đây, với những loại máy móc và cơ chế khác, đúng không? Chúng ta có thể không biết cách cụ thể để giải quyết vấn đề này với máy vi tính của mình, nhưng theo trực giác, sẽ tìm ra cách, vì kiến thức và kinh nghiệm trước đây, đối với những máy móc khác, tương tự như vậy.

Giáo lý về nghiệp sẽ phân biệt giữa các hành vi được cân nhắc trước khi thực hiện, và những hành vi khác không được cân nhắc - những việc mà ta chỉ làm thôi. Chúng ta sẽ nói rằng mình chỉ thực hiện nó theo trực giác. Nó không được cân nhắc, suy nghĩ hay suy tính một cách có ý thức trước đó. Nhưng rõ ràng, ngay cả những hành động không được dự tính, cũng dựa vào kinh nghiệm trước đó.

Khi ta có linh tính là trời sẽ mưa, hay linh tính về những sự kiện trong tương lai, thì hơi khó khăn hơn một chút, để phân tích tại sao điều này xảy ra. Ví dụ, ta có linh tính người nào sẽ gọi điện thoại cho mình, rồi họ lại gọi ngay lập tức, điều gì tương tự như vậy. Tôi không biết các bạn đã trải qua điều này chưa. Tôi đã có kinh nghiệm về điều đó, khi vừa nghĩ về ai đó, thì họ lại gọi điện thoại cho tôi. Rõ ràng là chúng ta không thể thổi phồng bản thân mình, giống như điều gì trong phim Star Wars (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao) như trong “Hãy Sử Dụng Thần Lực, Luke, bây giờ thì bạn sẽ gọi điện thoại cho tôi”. Ý tôi là chúng ta không chịu trách nhiệm về việc khiến cho người kia gọi điện thoại cho mình.

Tôi không biết loại linh tính này bắt nguồn từ đâu, bởi vì đôi khi, nó rất đáng tin cậy, và đôi khi thì không. Có phải nó dựa vào sự suy luận nào đó? Hay nó dựa vào thần giao cách cảm? Tôi không biết. Chắc chắn tôi không nghĩ rằng tôi đã khiến cho người kia gọi điện thoại cho mình. Nếu ta có định tâm và oai lực rất cao, thì có thể ảnh hưởng người khác. Nhưng chắc chắn chúng ta không ở mức độ này.

Đôi lúc, khi bạn giao hảo với người nào rất thân thiết, thì hai người sẽ gọi điện thoại cho nhau trong cùng một lúc, ngay cả khi không có thỏa thuận trước về việc này. Dường như một số người sẽ có cách hành động một cách đồng bộ như vậy, mà nó có thể xảy ra hầu như một cách tự nhiên.

Nếu chúng ta có thói quen giao tiếp nhiều với người nào, trò chuyện và vân vân, thì có tỷ lệ là đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ nói chuyện cùng một lúc. Vâng, điều đó sẽ xảy ra, theo thống kê. Để bước vào ý thức về Thời Đại Mới (New Age) này, rằng chúng ta có cùng rung cảm, thì tôi nghĩ nó hơi phóng đại một chút, nhưng điều này có xảy ra. Chúng ta rất quen thuộc với nhau, đến mức có tỷ lệ là chúng ta sẽ cảm thấy muốn nói chuyện cùng một lúc. Đó không phải việc bất thường.

Tôi là một người rất hâm mộ điều mà một trong những đạo sư của tôi luôn nhấn mạnh, đó là “không có gì đặc biệt”. Chúng ta gọi điện thoại cho nhau trong cùng một lúc, thì không có gì đặc biệt. Đừng xem đó là chuyện lớn. Nó không phải là phép thuật! Nó không phải là một dấu hiệu cho thấy chúng ta có duyên nợ với nhau, và tất cả những việc như vậy.

Nó có vẻ rất tự nhiên.

Dường như nó rất tự nhiên, nhưng không có gì đặc biệt. Hãy để cho nó trôi qua. Tất nhiên, vấn đề là khi mình trông đợi nó. Nếu như ta mong đợi rằng nó sẽ luôn luôn xảy ra, rồi lại không xảy ra, thì mới có vấn đề. Vì vậy, việc nghĩ rằng “Không có gì đặc biệt” là điều rất hữu ích.

Được rồi, hãy kết thúc ở đây. Trong buổi nói chuyện tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục với các phạm vi trung căn và thượng căn.

Top