Phát Triển Thái Độ Tích Cực Về Bản Ngã

Tâm Hành Và Cách Cái “Tôi” Tồn Tại

Chúng ta sẽ bắt đầu bàn luận về sự phát triển lành mạnh của bản ngã, thông qua Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. Chúng ta đã thấy được nhu cầu để phân biệt một cách rõ ràng giữa bản ngã quy ước và bản ngã giả dối, điều phải được bác bỏ. Khi nói về bản ngã hay “tôi”, đó là một sự quy gán trên mỗi sát na kinh nghiệm của mình, được tạo nên từ cái gọi là “ngũ uẩn”.

Mỗi sát na có kinh nghiệm của một loại hoạt động tinh thần (tâm hành) nào đó. Với tâm hành này thì có nội dung, nghĩa là có một đối tượng phát sinh như một tâm ảnh ba chiều, và có một sự tri giác về đối tượng ấy. Nhận thức về điều gì dựa vào ánh sáng, sự rung động của không khí, vân vân, đi vào và đi qua các tế bào giác quan nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh trong cơ thể. Sau đó, não bộ và hệ thần kinh biến đổi dữ liệu của các tín hiệu này thành thông tin, hơi giống như một tâm ảnh ba chiều của một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương, vân vân. Đó là những điều chúng ta nhận thấy. Nói một cách tổng quát thì quá trình này mô tả việc tri giác điều gì. Vậy thì tâm hành đòi hỏi việc nhận thức một đối tượng, thông qua việc tạo ra tâm ảnh ba chiều.

Sự sinh khởi của một tâm ảnh ba chiều của một đối tượng, và sự nhận thức về một đối tượng thì tương đương với nhau. Chúng là hai cách mô tả cùng một sự kiện, không xảy ra liên tiếp với nhau. Không phải là trước tiên, một tâm ảnh ba chiều sẽ sinh khởi, rồi người ta sẽ nhìn thấy, hoặc nghe thấy nó. Dù đó là một ý nghĩ hay một nhận thức bằng giác quan, thì cùng một cơ chế sẽ xảy ra.

Về mặt ngũ uẩn, thì các đối tượng như các hình ảnh và âm thanh được nhận thức theo dạng tâm ảnh ba chiều, là những thành phần của sắc uẩn, của hiện tượng vật chất. Rồi có thức uẩn. Có sự tri giác về đối tượng, với một ý thức nào đó, chẳng hạn như một trong ngũ thức của giác quan, hay ý thức. Một uẩn khác là thọ uẩn, liên quan đến việc cảm nhận đối tượng với mức độ lạc thọ hay khổ thọ. Thêm vào đó, nếu muốn tri giác bất cứ điều gì, thì phải có sự phân biệt các đối tượng riêng rẽ trong toàn bộ lãnh vực giác quan. Nếu không thì hình ảnh chỉ là một khối điểm ảnh (pixel). Tuy nhiên, điểm ảnh không phải là tất cả những gì mình đang thấy. Chúng ta đang phân biệt các đối tượng trong trường điểm ảnh này. Ngoài ra, còn có đủ các loại cảm xúc và những cơ chế tinh thần khác đi kèm với quá trình này, chẳng hạn như việc tập trung tinh thần, sự quan tâm, chú ý, v.v ... Những yếu tố này tạo thành uẩn thứ năm, tức hành uẩn.

Tất cả những điều này đang diễn ra trong từng sát na, và mỗi khía cạnh của nó đang biến đổi theo mỗi sát na, ở những mức độ khác nhau. “Tôi” là một thành phần của tất cả những điều này, và hiện diện trong mỗi sát na như một sự quy gán trên toàn bộ mạng lưới của các uẩn luôn biến đổi, trải nghiệm những gì đang xảy ra trong mỗi sát na. Không phải là người khác đang trải nghiệm dòng tương tục của các uẩn này, mà là “tôi” đang trải nghiệm chúng.

Về cách làm thế nào để xác định có một cái “tôi”, rằng cái “tôi” quy ước có tồn tại, đó là điều phức tạp. Điều duy nhất có thể thiết lập sự tồn tại của nó là theo quy ước, có phạm trù hay khái niệm về một cái “tôi” có thể được định danh trên tinh thần, trên cơ sở của một dòng tương tục riêng biệt của ngũ uẩn, và cái “tôi” quy ước chỉ là điều mà phạm trù đó đề cập đến - những khoảnh khắc của cái “tôi” quy ước. Thêm vào đó, còn có một chữ “tôi”, có thể được chỉ định cho phạm trù này, cũng như một cái tên, như “Alex”, cũng có thể được chỉ định cho nó, và cái “tôi” quy ước chỉ là điều mà từ ngữ và cái tên này đề cập đến.

Hiện tại, rõ ràng mình không chỉ là một từ ngữ, “tôi”, hay chỉ là một cái tên, nhưng cái tên đó, hay chữ “tôi” có thể được sử dụng để chỉ dòng tương tục riêng rẽ của kinh nghiệm này, dòng tương tục cá nhân của tâm hành này. Hơn nữa, cái “tôi” đó nói về người nào. Nó đề cập đến ai? Nó đề cập đến “tôi”. Nó không đề cập đến bạn, và không đề cập đến cái bàn. Nó đề cập đến “tôi”. Đó là cái “tôi” quy ước, điều thật sự tồn tại và hoạt động. Chúng ta có làm các việc, và trải nghiệm sự việc.

Khi nghĩ về “tôi”, chúng ta sẽ nghĩ về “tôi” luôn luôn thông qua cùng một phạm trù “tôi”, mặc dù mỗi lần, mỗi sát na, thì điều mà chúng ta trải nghiệm đều khác nhau. Cái gọi là “nền tảng của sự định danh” luôn luôn biến đổi. Dù phạm trù “tôi” vẫn y nguyên, và chữ “tôi” vẫn y nguyên như vậy, nhưng cái “tôi” quy ước mà chúng được quy gán hay chỉ định vào đó, thì lại khác biệt trong từng sát na, dựa vào những gì được trải nghiệm như nền tảng của sự định danh của “tôi”.

Hãy lấy ví dụ về một bộ phim. Có tựa đề của bộ phim, đúng không? Nhưng bộ phim không chỉ là tựa đề. Mỗi khoảnh khắc của bộ phim thì khác nhau, nhưng tất cả những khoảnh khắc này vẫn là bộ phim. Chúng không phải là những khoảnh khắc trong một bộ phim khác. Tên của bộ phim đề cập đến từng khoảnh khắc của nó, nhưng bây giờ thì đây là cảnh này của bộ phim, hay cảnh kia của bộ phim, rồi đến cảnh tiếp theo trong bộ phim. Nó thay đổi theo từng khoảnh khắc. Nguyên bộ phim không xảy ra trong một khoảnh khắc, đúng không? Nó là một sự định danh trên dòng tương tục của nội dung của từng khoảnh khắc.

Dù cái “tôi” quy ước không phải là bộ phim, nhưng về mặt nào đó, nó cũng tương tự như bộ phim. Tên của bộ phim là “tôi”, và nó đề cập đến nguyên bộ phim, toàn bộ dòng tương tục của “tôi”, mặc dù mỗi sát na của “tôi”, giống như từng khoảnh khắc của một bộ phim, thì khác nhau. Nhưng giống như tựa đề của bộ phim, chữ "tôi' đề cập đến điều gì đó, cái “tôi” quy ước. Có một cái “tôi”.

Nếu như chúng ta trải qua cuộc đời của mình với ý thức về cái “tôi” quy ước, suy nghĩ và vận hành với sự hiểu biết này, thì đó là một bản ngã lành mạnh. Trên cơ sở đó, ta sẽ chịu trách nhiệm về những điều mình đã làm. Ta sẽ trải nghiệm kết quả của những gì mình đã làm. Dựa vào cơ sở này, mà ta sẽ nỗ lực và có nghị lực để hoàn thành điều gì, chẳng hạn như ra khỏi giường vào buổi sáng. Chúng ta sẽ thức dậy để đi làm, hay chăm sóc con cái. Đó là một ý thức quy ước, ý thức lành mạnh về cái “tôi”. Xin hãy dành chút thời gian để khẳng định sự hiểu biết của bạn về cái “tôi” quy ước.

[Thiền]

Sự Khác Biệt Giữa Sự Quy Gán Và Định Danh Trong Tâm Thức

Nếu muốn hiểu một cách rõ ràng hơn, thì phải phân biệt sự tồn tại của cái “tôi” quy ước, được thành lập chỉ là điều mà nhãn hiệu trong tâm thức “tôi” đề cập đến, trên nền tảng của ngũ uẩn, từ cái “tôi” quy ước, là một sự quy gán trên ngũ uẩn. Tối hôm qua, chúng ta đã có một bài tập, để cố gắng nghĩ về “tôi”, và đã phát hiện ra mình không thể nghĩ về “tôi”, mà không có nền tảng ấy. Phải có cái gì đại diện cho cái “tôi” đó trong ý nghĩ của mình, dù nó chỉ là âm thanh trong đầu của chữ "tôi", khi mình nghĩ về “tôi”, hay một tâm ảnh ba chiều về việc mình nhìn ra sao, hay một cảm giác nào đó. Nó chứng minh rằng cái “tôi” quy ước là một sự quy gán -  nói một cách đầy đủ, là một hiện tượng quy gán - chỉ có thể tồn tại trên một nền tảng, đó là ngũ uẩn, và chỉ có thể được nhận biết, khi thành phần nào của nền tảng đó xuất hiện trong cùng một lúc. Như một sự quy gán thì cái “tôi” quy ước có thể được nhận thức một cách vô niệm. Chúng ta có thể nhìn thấy mình trong gương. Chúng ta không chỉ thấy những hình dạng có màu sắc của một khuôn mặt, mà còn nhìn thấy “tôi”. Việc nhìn thấy bản thân, khi thấy khuôn mặt của mình trong gương, không phải là tùy theo ý thích hay không.

Phạm trù “tôi” - không phải là cái “tôi” quy ước - được định danh bằng tâm thức,  trên nền tảng của ngũ uẩn. Chính nhờ phạm trù này, mà chúng ta mới sắp xếp người mà mình nhìn thấy trong gương với tất cả những khoảng khắc riêng biệt khác, mà ta đã nhận thức là “tôi”. Phạm trù là đối tượng dành riêng cho tư tưởng. Nó chỉ được nhận biết bằng khái niệm. Khi nhìn vào gương, ta sẽ thấy bản thân mình. Khi nhìn thấy chính mình thì ta có thể nghĩ, hay không nghĩ rằng: “Đó là 'tôi'”. Nếu như có nghĩ như vậy, thì điều đó sẽ thông qua một phạm trù, và chúng ta đang dán nhãn phạm trù đó trong tâm thức, và có thể cũng dán nhãn chữ “tôi” vào hình ảnh mà mình thấy trong gương. Trái ngược với điều này, chúng ta không phải nghĩ rằng “Đó là 'tôi'”, để thấy chính mình, khi nhìn vào trong gương.

Làm thế nào để thiết lập sự tồn tại của “tôi”? Tất cả những gì chúng ta có thể nói là nó chỉ là điều mà phạm trù “tôi” đề cập đến, trên nền tảng mà nó được định danh cho ngũ uẩn, hay cái gì mà chữ “tôi” đề cập đến, khi được chỉ định trên cùng một nền tảng ấy. Tuy nhiên, chúng ta không phải là chữ "tôi", và không chỉ là một tâm ảnh ba chiều, hay cảm giác. Chữ "tôi" là một sự chỉ định bằng khái niệm, trên cơ sở của điều gì đại diện cho “tôi”, tôi giống như hình ảnh của khuôn mặt mà chúng ta nhìn thấy trong gương.

Các bạn có hiểu chút nào không? Trong đạo Phật, chúng ta nói rất nhiều về việc định danh trong tâm thức, nhưng nó không dễ hiểu lắm. Có lẽ tổng quan này làm cho nó dễ dàng hơn một chút. Chúng ta sẽ bàn luận về vấn đề này một lần nữa, vào cuối buổi hội thảo này.

[Thiền]

Cái “Tôi” Quy Ước Và Cái “Tôi” Bất Khả

Bây giờ, cái “tôi” đó tồn tại như thế nào? Nó tồn tại theo một cách thực tế, và chúng ta có thể tưởng tượng rằng nó tồn tại theo một cách bất khả. Nhưng nó không thể nào tồn tại theo cách này, bởi vì đó là điều bất khả. Tối hôm qua, tôi đã sử dụng những ví dụ mô tả:

  • “Tôi là một trong bảy tỷ người, và không có gì đặc biệt về bản thân mình. Tôi phải tương tác và sống với mọi người.”. Điều đó đúng.
  • “Tôi là người đặc biệt nhất trên vũ trụ, và mọi việc phải luôn luôn xảy ra theo ý của tôi. Tôi luôn luôn đúng.". Đó là điều bất khả.

Chúng ta đang nói về điều gì trong hai ví dụ này? Đề tài mà chúng ta đang nói đến là cái “tôi” quy ước, có tồn tại, nhưng hai ví dụ này là hai cách khác nhau mà chúng ta có thể xem xét cái “tôi” quy ước. Thứ nhất là cách thực tế, và thứ hai là cách bất khả thi. Cách thực tế đề cập đến một cách tồn tại tương ứng với thực tại của mình. Cách không thể tồn tại thì không tương ứng với bất cứ cách tồn tại nào có thật. Đó là vọng tưởng của chúng ta. Đó là ảo tưởng rằng “Tôi là trung tâm vũ trụ”, hay bất cứ ai cũng có thể là người quan trọng nhất trên thế giới, luôn luôn đúng, và mọi việc phải xảy ra theo ý họ. Nó không tương ứng với bất cứ cách tồn tại nào có thể xảy ra.

Đây là hai cách xem xét cách tồn tại của điều gì, sử dụng cùng một cơ sở, đó là cái “tôi” quy ước. Điều giả dối thật ra không phải là cái “tôi” quy ước. Điều giả dối và bị bác bỏ là cách sai lầm mà ta tưởng tượng rằng cái “tôi” quy ước này tồn tại. Vậy thì cái “tôi” giả dối là một cái “tôi” quy ước, hiện hữu một cách bất khả. Không có cái “tôi” nào giống như vậy cả. “Kiện hàng” của cái “tôi” tồn tại một cách quy ước, và một cách tồn tại bất khả, cái kiện hàng mà chúng ta gọi là cái “tôi” giả mạo thì không tồn tại. Hoàn toàn không có điều gì giống như loại người này tồn tại cả.

Đương nhiên, thậm chí chúng ta có thể phân tích một cách chính xác và sâu sắc hơn mức này nữa, nhưng mức độ phân tích này đã đủ cho việc bàn luận hiện tại của mình.

Ai Trải Nghiệm Bệnh Tật?

Tóm lại, điều chúng ta muốn bác bỏ là cách tồn tại bất khả này của cái “tôi” quy ước. Nếu chúng ta hiểu điều này, và phân biệt rõ ràng, thì những thắc mắc như câu hỏi được nêu ra ngày hôm qua là “Ai trải nghiệm bệnh tật của thể xác, cái ‘tôi' quy ước hay cái 'tôi' giả dối?” sẽ không phát sinh. Không có cái “tôi” giả dối, nên cái “tôi” giả dối không thể trải nghiệm bất cứ điều gì. Nhưng chúng ta có trải qua bệnh tật và đau đớn. Không có ai khác. Đây là cái “tôi” quy ước. Nó không thể là bất kỳ ai khác.

Thật sự thì vấn đề duy nhất là làm thế nào để nhận thức về “tôi”, người đang trải qua bệnh tật? Chúng ta có thể nghĩ về cái “tôi” đó một cách thực tế, khả dĩ. Chẳng hạn như “Tôi không phải là người duy nhất trải qua căn bệnh này. Có rất nhiều người khác đã bị bệnh. Nó đã phát sinh từ nhân duyên, nhưng những nhân duyên ban đầu không còn xảy ra nữa. Vì căn bệnh này chịu sự tác động của những trợ duyên phát sinh sau đó, là những điều biến đổi từ sát na này đến sát na khác, nên bệnh tật cũng sẽ thay đổi từ sát na này sang sát na khác. Bởi vì không có tác nhân mới phát sinh, có thể truyền bệnh cho tôi thêm một lần nữa, khiến cho căn bệnh tái phát trở lại, nên cuối cùng thì nó cũng sẽ chấm dứt, vì nó vô thường.”. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ kiên nhẫn đối phó với bệnh tật một cách lành mạnh.

Hãy xem xét phóng tưởng bị thổi phồng về hoàn cảnh này: “Tôi là người duy nhất trên vũ trụ đã từng mắc bệnh này. Thật tội nghiệp cho tôi, tôi đã trở thành nạn nhân, và mọi người nên thấy tội nghiệp cho tôi, và nên đặc biệt chú ý đến mình, vì tôi rất khốn khổ.”. Đâu là kết quả của thái độ này? Chúng ta sẽ hoàn toàn khốn khổ. Đây là một ví dụ về cách suy nghĩ theo cách không thể tồn tại, và trải nghiệm bệnh tật với quan niệm sai lầm về bản thân. Nhưng bất kể ta khái niệm hóa kinh nghiệm của mình như thế nào về bệnh tật, thì nó vẫn là cái “tôi” quy ước, đang trải qua cơn bệnh. Không có ai khác.

Điều rất quan trọng là khi thảo luận về đề tài này về cái “tôi” quy ước, so với cái “tôi” giả dối, chúng ta sẽ  không nhận xét chúng như cái “tôi” tốt và cái “tôi” xấu. Nó không phải là cái “tôi” giả mạo này có tồn tại, và là cái “tôi” xấu xa, ngu ngốc và không tốt. Hoặc đây là cái “tôi” tốt, quy ước. Khi nghĩ theo những mặt này, thì chúng ta đang tự lừa dối bản thân về cách mình sẽ đối phó với việc mình bị bệnh một cách xây dựng, và cách ta sẽ khắc phục khổ đau.

Mối quan tâm chính là những gì chúng ta nghĩ về “bản ngã” của mình, và tưởng tượng về cách mình tồn tại. Vấn đề không phải là “tôi”. Có một cái “tôi”. Được chứ? Hãy nghĩ về điều đó. Nó có liên quan đến thái độ của mình nhiều hơn. Nếu như mình nghĩ vấn đề là cái “tôi” giả dối, là điều gì mà ta phải vứt ra khỏi đầu óc của mình, thì đó là điều khá kỳ lạ. Nó giống như một kẻ xâm lăng từ không gian, đang ở trong đầu của mình, một con quái vật mà mình phải vứt nó ra. Chúng ta không nói về điều đó. Chúng ta đang nói về việc thay đổi thái độ về bản thân mình, nhờ sự hiểu biết. Đạo Phật là như vậy.

Hãy sử dụng một thuật ngữ khác làm ví dụ. Giả sử như ta nghĩ rằng vấn đề của cái “tôi” giả dối giống như có một bản ngã mà mình xem như một cái “tôi” giả dối. Chúng ta có thể nghĩ rằng, chẳng hạn như, “Tôi phải đoạn diệt bản ngã của mình; nếu không thì tôi đang hoạt động để làm gia tăng tầm quan trọng của bản ngã. Chúng ta nghĩ rằng có một bản ngã lớn thật sự là vấn đề, và bây giờ, có chiến dịch để tiêu diệt bản ngã. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm về đường tu nhà Phật. Nhiều người trong chúng ta xuất thân từ bối cảnh Tây phương, với một chút hiểu biết về tâm lý học theo lý thuyết phương Tây, sẽ áp đặt niềm tin này về bản ngã vào trong đạo Phật, và nghĩ rằng đây là điều mà chúng ta đang nói đến. Một lần nữa, nó không phải như vậy. Chúng ta đang loại bỏ một thái độ, một sự hiểu lầm về cách mình tồn tại. Đừng nghĩ về mặt bản ngã và phi bản ngã, và loại thuật ngữ này, vì nó chỉ tạo ra sự lầm lẫn thôi.

Xin hãy nghiền ngẫm điều này trong giây lát.

[Thiền]

Đi Từ Khuôn Khổ Khái Niệm Phương Tây Đến Khuôn Khổ Khái Niệm Nhà Phật

Tôi nghĩ sẽ mất khá nhiều thời gian để sửa đổi việc phân tích và suy nghĩ theo khuôn khổ khái niệm phương Tây. Là những người mới tu học, chúng ta sẽ tiếp cận Phật pháp với những điều mình đã học hỏi trước đây trong đời sống. Chúng ta có thể có một khuôn khổ khái niệm Tây phương về mặt tâm lý học, hay tôn giáo Tây phương. Chúng ta đã có nhiều khuôn khổ khái niệm khác nhau, trước khi nghiên cứu đạo Phật. Tự nhiên là ta sẽ cố gắng hiểu những điều mình học hỏi về Phật pháp theo khuôn khổ khái niệm mà mình đã quen thuộc trước đây. Tuy nhiên, điều này có thể đưa đến sự hiểu lầm.

Để đối trị quan niệm sai lầm, thì chúng ta phải học hỏi về khuôn khổ khái niệm của nhà Phật. Đó là lý do tại sao trong việc nghiên cứu giáo pháp có nhiều danh sách, chẳng hạn như 51 tâm sở, ngũ uẩn v.v... Chúng không phải là những điều vô dụng. Thật ra, chúng cung cấp khuôn khổ khái niệm mà chúng ta có thể phân tích và hiểu những khía cạnh sâu sắc hơn, thậm thâm hơn của Phật pháp. Việc cố thấu hiểu Phật pháp bên ngoài khuôn khổ khái niệm này sẽ không hữu hiệu.

Rõ ràng là mình không thể chỉ khởi sự nghiên cứu với khuôn khổ khái niệm hoàn toàn mới mẻ này. Thái độ tốt nhất mà ta phải có, là chấp nhận rằng sự hiểu biết sơ khởi của mình về Phật pháp, thông qua khuôn khổ khái niệm Tây phương chỉ là điều tạm thời. Chúng ta sẽ phải xem xét lại nó, khi đi sâu hơn vào việc nghiên cứu, và không quá quyến luyến với nó. Nếu muốn sửa đổi cách suy nghĩ của mình, thì không được quyến luyến với nó, bởi vì nếu không thì ta sẽ bám chấp vào một quan điểm, và nhấn mạnh rằng đó là cách duy nhất để thấu hiểu vấn đề.

Tuy vậy, mỗi khuôn khổ khái niệm đều có thể hợp lệ. Chúng ta không nói rằng khuôn khổ khái niệm phương Tây để phân tích, như tâm lý học, v.v..., là ngu ngốc hay không hợp lệ. Chúng hợp lệ. Tuy nhiên, có thể có nhiều khuôn khổ khái niệm để thấu hiểu cùng một hiện tượng, hay để hiểu kinh nghiệm sống của mình, về mặt cơ bản. Nếu chúng ta thật sự muốn được lợi lạc từ Phật pháp, theo cách ích lợi nhất, thì phải tiếp cận nó ở mức độ sâu sắc hơn và sâu sắc hơn nữa, qua khuôn khổ khái niệm của nhà Phật. Ngay cả trong khuôn khổ khái niệm nhà Phật, cũng có những hệ thống học thuyết khác nhau, đưa ta đến sự hiểu biết dần dần trở nên sâu sắc hơn. Khuôn khổ khái niệm chỉ là một công cụ hữu ích, nhưng phải chọn những khuôn khổ khái niệm thích hợp.

Để ôn lại một cách ngắn gọn về những điều chúng ta đã xem xét, thì cái “tôi” quy ước có tồn tại, nhưng điều duy nhất có thể thiết lập rằng nó tồn tại một cách quy ước, là nó chỉ là điều mà phạm trù hay khái niệm “tôi” đề cập đến, khi được tâm thức định danh, dựa vào nền tảng của những sát na biến đổi liên tục trong kinh nghiệm cá nhân của mình. Không có điều gì có thể được tìm thấy từ chính phía nó, thiết lập sự tồn tại của nó, dù chúng ta chưa bắt đầu bàn luận về điều này, nhưng nó sẽ xảy ra sau này. Chúng ta đã bàn luận về cách không cần biết khuôn khổ khái niệm trước đây của mình về việc bản ngã sẽ tồn tại bao lâu, khi xem xét một cách nghiêm túc, ta sẽ thấy rằng mình nghĩ về một bản ngã bất diệt, như trong ví dụ, “Tôi chết rồi”. Chúng ta tưởng tượng rằng mình sẽ chết mãi mãi. Quan niệm này về bản thân mình là bất diệt, có thể không rõ ràng trong tâm trí, nhưng thật ra, đó là điều mà mình nghĩ.  

Giáo Pháp Lam-rim Sơ Căn

Hiện nay, chúng ta đã sẵn sàng để bắt đầu xem xét Lam-rim. Làm thế nào để làm việc với cái “tôi” quy ước, là điều bất diệt? Làm thế nào để xây dựng nó một cách lành mạnh, để khắc phục vấn đề của mình, và đoạn trừ nỗi khổ? Đó là mục tiêu của đạo Phật, đúng không? Để đối phó với nỗi khổ và đoạn trừ nó, thì phải có ý thức lành mạnh về bản ngã quy ước. Một lần nữa, chúng ta phải có ý thức lành mạnh về bản ngã, chịu trách nhiệm về đời sống của mình, và điều này sẽ tạo ra nghị lực nào đó, để chỉ đạo hành vi của nó. Nếu như không có điều này, thì thậm chí, ta sẽ không ra khỏi giường vào buổi sáng để chăm sóc con cái, hoặc đi làm. Nếu sự việc là như vậy, thì mình còn phải có thêm bao nhiêu ý thức lành mạnh về bản thân, để tiến bước trên đường tu, để thành tựu giải thoát và giác ngộ?

Kiếp Người Quý Báu

Để bắt đầu cuộc thảo luận về Lam-rim, chúng ta sẽ khởi sự với kiếp người quý báu. Nếu có ý thức bất diệt về bản ngã, thì cơ hội của kiếp người quý giá mà mình đang hiện có rất hiếm hoi. Nói cho cùng thì chúng ta có thể tái sinh trong bất cứ dạng sống nào, và khi xem xét số lượng côn trùng trên thế giới, thì số lượng con người rất nhỏ. Thật đáng kinh ngạc và tuyệt vời làm sao, rằng chúng ta không chỉ là con người, mà còn quan tâm và cởi mở với việc phát triển tâm linh. Do đó, phải tận dụng kiếp người của mình theo cách tốt nhất.

Với ý nghĩ về kiếp người quý báu và xem trọng nó, chúng ta sẽ phát triển thái độ tích cực về tự thân. “Tôi thật may mắn làm sao; thật là điều đáng kinh ngạc, khi tôi đang trải nghiệm đời sống này. Tôi đang trải qua kiếp người quý báu. Với thái độ này, chúng ta sẽ bắt đầu có thái độ tích cực về bản thân.

Một người bạn của tôi, một giảng viên Phật giáo, đã cho các học viên làm một bài tập rất mạnh mẽ, để xem trọng thị giác của mình, nếu như họ có được nó như một phần trong kiếp người quý báu. Anh ấy đã bảo các học viên dùng một miếng vải dày màu đen để bịt mắt cả ngày, để sống như người mù suốt ngày. Khi họ tháo miếng vải bịt mắt ra, và thấy đường trở lại, thì đã xem trọng thị giác của mình. Đó là một bài tập rất sâu sắc.   

Ở Berlin, chúng tôi có cái gọi là “nhà hàng mù”, 100% tối đen, và mọi người sẽ dùng bữa ăn trong bóng tối. Ngoài ra, còn có một viện bảo tàng triển lãm một khu chợ trong bóng tối. Mọi người đã phải cố gắng mua sắm, mà không nhìn thấy gì cả. Ngay cả khi tưởng tượng điều này, chúng ta có thể bắt đầu xem trọng những gì mình có, ngay cả khi đó chỉ là giác quan cơ bản của thị giác. Nhưng nếu không có cơ hội để được giáo dục thì sao? Điều gì sẽ xảy ra, nếu cả xã hội đều man rợ, hay hoàn toàn không có đạo sư, và không có sự hỗ trợ của sự quan tâm về mặt tâm linh nào cả. Ví dụ như một số các bạn ở Latvia đã trưởng thành đủ để so sánh giữa những cơ hội có mặt trong thời Xô Viết (Soviet), với cơ hội hiện thời. Hãy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ nhận ra mình may mắn như thế nào.

Với tất cả những ví dụ này, chúng ta đang nói về cái “tôi” quy ước. Điều này liên quan đến cách nhìn rất tích cực về bản thân mình. Đối với việc tu hành trong nhà Phật, khi bắt đầu phát triển ý thức lành mạnh về “tôi”, thì chúng ta sẽ khởi sự bằng cách cảm kích sự may mắn của mình. Thật là một cơ hội mà ta phải làm điều gì tích cực với đời sống của mình, đặc biệt với sự kiện là mình sẽ tiếp nối, ngay cả sau kiếp này.

Trí Tuệ Và Phó Thác Bản Thân Cho Chính Mình

Làm sao để nghĩ về kiếp người quý giá của mình? Làm thế nào để thiền quán về nó? Ở đây, trong bài thiền này, chúng ta sẽ nghĩ về cái “tôi” quy ước. Hãy nhớ rằng nếu muốn nghĩ về cái “tôi” quy ước, thì phải có điều gì xuất hiện, đại diện cho “tôi”. Chúng ta có thể có một hình ảnh về bản thân ở trong đầu, hay bất cứ điều gì mình muốn. Điều đó không quan trọng. Nó có thể là âm thanh của chữ “tôi” trong đầu. Bây giờ, chúng ta tồn tại như thế nào? Vấn đề chính là xác định đâu là tri kiến đúng đắn hay sai lầm về điều đó. Chúng ta sẽ sử dụng cái gọi là “trí tuệ”, để phân biệt điều gì đúng và điều gì sai.

Điều đúng đắn là tất cả chúng ta ở trong phòng này không bị mù, ví dụ vậy. Nếu một số người thật sự bị mù, và đang nghe bài giảng này ở nhà, thì có thể sử dụng ví dụ về việc không bị điếc. Tuy nhiên, tạm thời, chúng ta không bị mù, nhưng có thể mất thị lực, khi lớn tuổi hơn. Ngay bây giờ thì chúng ta đang sáng mắt. Chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật, và không bị mù. Chúng ta có thể phân biệt giữa những gì mình không có, và những gì mình có: điều không có mặt là việc bị mù, và điều có mặt là khả năng nhìn thấy mọi thứ. Tương tự như vậy, chúng ta không ở trong trại cải tạo của Liên Xô (gulag), mà có tự do. Đây là loại trí tuệ mà chúng ta đang sử dụng ở đây.

Hiện nay, chúng ta có thể đưa vào đây hai thái độ chính trong giáo pháp, về cách phó thác bản thân cho đạo sư. Một thái độ là tín tâm xác tín về những phẩm chất tốt đẹp của thầy. Trong bối cảnh của kiếp người quý báu, chúng ta đã nói về tín tâm xác tín về sự kiện là mình có được tự do đáng kinh ngạc này. Chúng ta sáng mắt, không bị mù. Chúng ta có tự do, không sống trong một trại cải tạo của Liên Xô. Có một danh sách dài về những tự do và cơ hội mà mình có được, trong giáo huấn về kiếp người quý báu.

Chúng ta nghĩ rằng, “Đúng, tôi thật sự có tự do, ít nhất là hiện nay, đang thoát khỏi những trở ngại này. Tôi có cơ hội đối với những yếu tố sẵn có như thị giác, và tự do vì không phải sống ở trong trại cải tạo của Liên Xô. Vâng, tôi thật sự có những điều này.". Chúng ta phải rất vững tin về điều này. Đó là một phần trong thái độ của mình ở đây, khi nghĩ về “tôi”.

Thái độ thứ hai trong bối cảnh của mối quan hệ lành mạnh với đạo sư, là xem trọng lòng nhân từ của thầy. Trong những bài thiền về kiếp người quý báu, thì không nói nhiều về lòng tốt, mà là lợi ích mà mình có được, vì đã thoát khỏi những trở ngại này, và đời sống phong phú, nhờ có cơ hội. Chúng ta sẽ dành thời gian để cảm kích điều này. Nói một cách đơn giản là “Tôi thật sự có cơ hội này, nên nó thật tuyệt vời.”. Đó là cách mà ta tập trung vào cái “tôi” có được kiếp người quý giá này. “Tôi thật sự có nó, chao ôi! Thật đáng kinh ngạc và tuyệt vời. Tôi rất trân trọng điều này.". Hãy nghĩ như vậy một lát.

[Thiền]

Hãy nhớ phẩm chất quan trọng nhất mà chúng ta có là không khép kín lòng mình đối với giáo pháp và đường tu. Chúng ta rất cởi mở, và nghĩ rằng đó là điều tuyệt vời nhất mà mình có được trong đời sống.

Với sự cảm kích này, chúng ta sẽ bắt đầu đối trị thái độ “tội nghiệp cho tôi quá”, khi nghĩ rằng bản thân mình tồn tại một cách bất khả, một cách sai lầm như cái gọi là “cái tôi giả dối”. “Tội nghiệp cho tôi, tôi không thể làm bất cứ điều gì.”.

Việc xem xét thái độ “tội nghiệp cho tôi” này là điều rất thú vị. “Tội nghiệp cho tôi quá, tôi không có bạn gái.”, “Tôi không có bạn trai.”, “Tôi không có con.”. “Tội nghiệp cho tôi quá, tôi không kiếm đủ tiền.”. Chúng ta đang nghĩ về tất cả những phẩm chất này, khiến cho “tôi” trở thành một cái “tôi đáng thương”. Điều này sẽ làm được gì? Nó sẽ khiến cho mình khốn khổ, đúng không? Trong khi đó, nếu nghĩ về mặt tuyệt vời như thế nào, khi ta không bị mù, hay không bị bại liệt, hay tâm địa hoàn toàn khép kín, thì đó là cái nhìn hoàn toàn khác biệt. Chúng ta sẽ có thái độ tích cực hơn nhiều về cái “tôi” quy ước, và điều này sẽ bắt đầu tạo ra một ý thức lành mạnh về “tôi”.

Bổ Sung Thêm Lòng Tử Tế, Tri Ân Và Lòng Từ Bi  

Hãy đưa một yếu tố khác trong Phật pháp vào đây. Toàn bộ nghệ thuật nghiên cứu giáo pháp là càng học hỏi nhiều, thì ta càng có khả năng ráp những mảnh nhỏ trong giáo pháp lại với nhau, theo nhiều cách sáng tạo và ích lợi hơn. Đối với việc này, hãy tính thêm một vài lời khuyên trong giáo pháp, về bài thiền bảy điểm nhân quả, để phát bồ đề tâm.

Chúng ta sẽ làm việc này như thế nào? Chúng ta đã nghĩ về việc cảm kích lòng nhân từ của đạo sư, và kết nối điều này với kiếp người quý báu. Chúng ta cảm kích lòng tốt của những cơ hội tuyệt vời mà mình có được. Hiện nay, chúng ta sẽ đánh chữ “lòng tốt” trong máy vi tính, để tìm kiếm tài liệu về lòng tốt. Nó là gì? Một ví dụ là nhận thức rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình, trong một kiếp nào đó trong quá khứ, và đã cực kỳ tử tế với mình, khi làm mẹ của mình. Hãy xem liệu ta có thể ghép hai mảnh giáo pháp này lại với nhau hay không.

Trong bài thiền bảy điểm nhân quả, chúng ta thấy bước sau khi nhớ đến lòng tốt của tình mẫu tử, là một cảm giác nào đó sẽ phát sinh. Thông thường, nó được dịch là ước muốn “đền đáp lòng tốt ấy”, nhưng điều này nghe có vẻ như mình mắc nợ, và sẽ thấy tội lỗi, nếu như không trả nợ. Đó là quan niệm sai lầm. Thật ra, cảm giác và thái độ nên là “Bạn đã tử tế với tôi, và tôi thật sự rất biết ơn.”. Bởi vì chúng ta rất biết ơn, nên muốn đối xử tốt với họ. Tâm trạng của ta không phải là mình có một món nợ, mà thay vì vậy, đó là lòng biết ơn. Chúng ta thật lòng biết ơn kiếp người quý giá của mình. “Tôi xem trọng việc có được kiếp người quý giá này, tôi rất biết ơn.”.

Nhưng chúng ta  sẽ biết ơn ai? Theo đạo Phật, thì không phải một oai lực cao cả hơn đã ban cho mình kiếp người quý báu này. Không phải người khác đã ban nó cho mình, mặc dù tất nhiên là mình đã được cha mẹ thụ thai. Nhưng cha mẹ của chúng ta chỉ đơn thuần cung cấp hoàn cảnh cho kiếp người quý giá này. Nếu tin vào tái sinh, thì ta sẽ nhận ra chính hành vi của mình trong những kiếp trước, và công đức mà nó đã tích tập, đã dẫn đến việc mình được cha mẹ thụ thai, để có được kiếp người quý báu này. Vậy thì trên thực tế, chúng ta đã ban cho mình kiếp người quý báu này. Khi phân tích như vậy, thì ta sẽ biết ơn chính mình.

Trong bài thiền bảy điểm nhân quả, điều gì sẽ tự động xảy ra, khi ta có lòng biết ơn và cảm kích này, trong bối cảnh nhận ra tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình? Điều gì sẽ phát sinh, khi nhớ về lòng tốt của tình mẫu tử mà mình đã thọ nhận? Đó là lòng từ. Trên cơ bản, bất cứ khi nào gặp ai, thì lòng mình sẽ thấy ấm áp. Chúng ta sẽ nghĩ rằng, “Thật tuyệt vời khi nhìn thấy họ. Nếu như họ gặp chuyện không hay, thì thật là kinh khủng.”.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể áp dụng cảm giác này vào bài thiền quán về kiếp người quý giá. Chúng ta có thể nghĩ về việc khi có được tất cả những cơ hội này, thì tuyệt vời ra sao. Chúng ta sẽ cảm kích và tri ân tất cả chúng sinh, và biết ơn chính bản thân mình trong những kiếp trước, vì đã tích tập nhân, để có được những cơ hội này. Vì lòng tri ân đó, khi nghĩ về bản thân, ta sẽ có thái độ tích cực về tình thương nồng nhiệt. Chúng ta sẽ thấy bản thân mình tốt đẹp, và sẽ thấy khủng khiếp, nếu như làm hỏng và lãng phí những cơ hội quý giá này.

Trong những bài thiền để phát bồ đề tâm, điều tiếp theo là lòng từ và lòng bi. Lòng từ là mong muốn cho chúng sinh được hạnh phúc, và có nhân hạnh phúc. Lòng bi là mong cho họ thoát khổ và nhân tạo khổ. Tương tự như vậy, ở đây, trong bối cảnh bài thiền về kiếp người quý báu mà mình có được, thì thái độ nồng hậu tích cực đối với bản thân mà ta cảm nhận, từ việc rất cảm kích những điều tự do mà mình có được, và rất biết ơn những cơ hội của mình, và những gì ta đã làm, để tạo ra chúng, sẽ đưa đến việc phát tâm từ bi cho chính mình. Chúng ta thật sự muốn được hạnh phúc, và có nhân tạo ra hạnh phúc, cũng như thoát khổ và nhân tạo khổ. Điều này đưa đến việc gánh trách nhiệm cho sự phát triển của mình, để đem lại điều đó. Các bạn có theo dõi được điều này không?

Chánh Niệm Về Cái Chết

Tất nhiên, tình huống mà mình có được, những cơ hội này, sẽ không kéo dài mãi mãi. Chúng ta sẽ chết. Đó là thực tại. Chúng ta sẽ mất đi những trợ duyên tích cực này. Vì vậy, phải tận dụng chúng, trong khi còn có được chúng. Giống như chúng ta đến quán ăn tự phục vụ, và quán sẽ đóng cửa lúc 2 giờ trưa. Vậy thì tốt hơn là nên ăn trước giờ đó, bởi vì sau đó thì quán sẽ đóng cửa, và không còn thức ăn nữa. Về cơ bản thì mình nên tận dụng cơ hội, trước khi nó chấm dứt.

Thậm chí, chúng ta không phải nghĩ về một mình cái chết, mà còn có nỗi khổ của bệnh tật và tuổi già. Phải sử dụng cơ hội mà mình đang có, trước khi bắt đầu mất trí nhớ, thị giác, thính giác, năng lượng, vân vân. Khi ở tuổi 20 và 30, thì tuổi già có vẻ rất xa xôi, nhưng ở tuổi của tôi, 68 tuổi, thì chúng ta sẽ bắt đầu nghiêm túc về việc còn lại bao nhiêu năm hữu dụng trong đời sống của mình. Chúng ta không bao giờ biết điều gì sắp xảy ra.

Khi tư duy về điều này, ta sẽ có ý thức quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra với mình, và ta sẽ trải nghiệm điều gì, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong tương lai. Điều này rất quan trọng, về mặt phát triển ý thức lành mạnh về bản ngã. Chúng ta sẽ có thái độ tích cực đối với bản thân, vì xem trọng những gì mình có, và nghĩ rằng: “Tôi muốn hạnh phúc trong hiện tại, mà còn trong tương lai nữa, vì lo lắng điều gì sẽ xảy ra. Những cơ hội mà tôi đang hiện có sẽ không kéo dài mãi mãi.”. Trong khi quán ăn tự phục vụ còn mở cửa, thì chúng ta sẽ muốn lấy càng nhiều thức ăn càng tốt, đúng không? Hãy dự trữ cho tương lai, vì nó có thể không mở cửa nữa.

Trong thời kỳ Xô Viết, thì nó là như vậy, đúng không?

Bạn phải đứng xếp hàng nửa tiếng đồng hồ để có một tách cà phê, và thậm chí lâu hơn, để mua một ít thịt.

Đúng, vì vậy nên khi có sẵn các thứ, thì mọi người sẽ cố gắng mua càng nhiều càng tốt, bởi vì họ chẳng bao giờ biết khi nào thì có thể mua những thứ này một lần nữa.

Bổ Sung Thêm Điều Gì Sẽ Xảy Ra, Sau Khi Chết 

Còn sau khi chết thì sao? Nếu tin đạo Phật hay Ấn Độ giáo, hay bất cứ hệ thống nào tin tưởng vào tái sinh, thì ta có thể có một tái sinh tồi tệ hơn, khi mà mình sẽ không có những cơ hội này thêm lần nữa. Nếu như mình xem việc trở thành một con gián là điều nghiêm trọng, ví dụ vậy, thì sẽ rất đáng sợ. Bất cứ người nào nhìn thấy mình, thì chỉ muốn dẫm lên mình. Hoặc nếu tin vào các tôn giáo phương Tây hoặc Trung Đông, thì ta có thể kinh qua sự nguyền rủa đời đời trong địa ngục. Điều này cũng không phải là ý tưởng rất tốt đẹp. Hoặc, nếu như tin rằng mình sẽ trở thành hư vô, thì điều đó khá đáng sợ đối với hầu hết mọi người, bởi vì nó sẽ rơi vào tình trạng mà mình không biết khi trở thành hư vô, thì sự việc sẽ ra sao. “Bây giờ thì tôi không là gì cả” - những vẫn còn có “tôi”. Thật ra, điều đó cũng khá đáng sợ.

Như đã đề cập trước đây, chúng ta cũng có thể nghĩ về thế hệ tương lai. Có lẽ mọi người chỉ có ký ức tồi tệ về mình, hoặc ta sẽ để lại đủ loại vấn đề cho thế hệ tương lai. Điều này cũng không tốt lắm. Không ai trong chúng ta muốn được nhớ đến như một người tệ hại, đúng không?

Cả bài thiền về những tái sinh tồi tệ hơn sau khi mình chết, có thể rất hữu ích về mặt lại phát triển ý thức lành mạnh này về “tôi”. Chúng ta sẽ thật sự muốn ngăn chận một tái sinh không may mắn. Chúng ta sẽ biết ơn những cơ hội mà mình có được, và có cảm giác ấm áp này với bản thân, rằng ta muốn mình được hạnh phúc. Kết quả là hiển nhiên, ta muốn lánh xa điều gì khủng khiếp sẽ xảy ra, sau khi mình chết. Rõ ràng là chúng ta muốn làm điều gì để ngăn chận việc này.

Hơn nữa, nếu như mình cảm thấy bất lực và vô vọng, thì điều này sẽ không tạo ra cảm giác lành mạnh về “tôi”. Đúng hơn thì chúng ta có thể chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra với mình, và đó là lúc mà quy y, điều mà tôi gọi là “phương hướng an toàn”, sẽ góp mặt. Vấn đề không vô vọng, và chúng ta không bất lực. Chúng ta có thể làm điều gì, để tránh việc mất đi cơ hội này, và không có được tái sinh làm người quý giá một lần nữa. Trong buổi kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận về quy y, và những gì mình có thể làm, để tránh tái sinh tồi tệ hơn, hay tương lai tồi tệ hơn.

Với thời gian ngắn ngủi còn lại, hãy nghe một vài thắc mắc.

Câu Hỏi

Những Hoàn Cảnh Khó Khăn, Đối Với Việc Ngăn Ngừa Nỗi Khổ 

Nói về việc làm vơi bớt nỗi khổ của người khác, ví dụ như chúng ta phải đối mặt với tình huống mà cách duy nhất để giảm bớt nỗi khổ của một con chim đói khát là cho nó ăn một con sâu béo bổ, thì chúng ta sẽ nhận thức điều đó ra sao? 

Hiển nhiên, đây không phải là tình huống dễ dàng. Khi đó là trường hợp tôi phải cứu mạng con mình, hay cứu mạng con giun làm ký sinh trùng trong bụng con tôi, thì rõ ràng là chúng ta sẽ cứu mạng đứa bé. Với thân người, đứa bé có thể làm rất nhiều điều lợi ích cho người khác, so với những điều mà dòng tâm thức mang sắc tướng của con sâu có thể làm. Trong ví dụ này thì cách mình phân biệt khá rõ ràng, nhưng khi nó là ví dụ về con nhện và con ruồi, hoặc con chim và con sâu, thì việc chúng ta sẽ làm gì, hay sẽ chọn lựa như thế nào sẽ không rõ ràng cho lắm.

Chúng ta sẽ xem xét những ví dụ trong văn học Phật giáo. Trong một tiền kiếp, Đức Phật đã xử lý những tình huống này như thế nào? Trong một kiếp trước, Đức Phật đã gặp một con hổ đói, với những con hổ con đói khát. Ngài đã làm gì? Đức Phật đã cho con hổ cái ăn thịt của mình. Ngài Vô Trước (Asanga) đã cắt một miếng thịt ở chân của mình để nuôi một con chó. Đây là những ví dụ của các đại Bồ tát. Vậy thì chúng ta phải tự hỏi mình, “Liệu tôi có thể làm điều đó hay không?”.

Nếu nghĩ về điều này, về những điều mình có thể làm hiện nay, thì trước tiên, ta sẽ xem xét nghiệp quả của việc cứu mạng con sâu hay con ruồi, và ngoài ra, để ngăn chận việc con nhện hay con chim sẽ tích tập ác nghiệp vì sát sanh. Đây là hai điều tích cực về mặt nghiệp. Nếu như không làm gì cả, khi ta có thể làm điều gì đó, thì con ruồi sẽ mất mạng, hay con sâu sẽ mất mạng, và con chim hay con nhện sẽ tạo ra ác nghiệp đó. Khi không làm gì cả, thì ta có làm điều gì tích cực không? Chúng ta đã không để cho con nhện hoặc con chim đó chết đói, dù nó có thể tìm thức ăn ở nơi khác.

Khi có sự thắc mắc như vậy, thì mình phải có khả năng phân tích. Nếu có được khuôn khổ khái niệm trong nhà Phật, để phân tích một tình huống như vậy, thì ta có thể suy ra mình phải làm gì. Điều mà chúng ta đang sử dụng là giáo pháp về nghiệp quả, luật nhân quả. Đâu là nghiệp quả của sự lựa chọn này, hay lựa chọn khác? Sau đó, mình sẽ phân biệt hai sự chọn lựa này, để xác định cái nào sẽ tạo ra hậu quả bất thiện nặng nề hơn, và cái nào sẽ tạo ra hậu quả thiện hảo mạnh mẽ hơn. Đó là cách mình sẽ quyết định. Tôi sẽ để cho mỗi người tự phân tích điều này.

Tâm Ái Ngã Và Ý Thức Lành Mạnh Về Bản Ngã

Khi nghĩ về lợi lạc của kiếp người quý báu, rồi phát lòng từ với bản thân, và quan tâm đến phúc lạc của mình, thì việc này có đi theo chiều hướng ái ngã không?

Vâng, nó chắc chắn đang đi theo chiều hướng ái ngã, nhưng không phải là sự sai lầm ở đây. Khi làm việc với ý thức lành mạnh về bản thân, so với ý thức về bản thân bị thổi phồng, không lành mạnh, thì trước tiên, phải xây dựng ý thức lành mạnh, trước khi có thể giải tỏa ý thức không lành mạnh. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn luôn được khuyên không nên thuyết tánh Không cho trẻ em hoặc thiếu niên, những người chưa thật sự thiết lập ý thức lành mạnh về bản thân. Tương tự như vậy, không nên dạy điều này cho những người bị rối loạn cảm xúc một cách nghiêm trọng, hay những người không có ý thức lành mạnh về bản thân. Đó là vì nếu như bắt đầu giải tỏa bất kỳ ý thức nào về bản ngã, khi không có ý thức lành mạnh về bản ngã quy ước, thì ta sẽ không còn gì cả. Điều này có thể rất nguy hại.

Khi học hỏi Lam-rim như người mới bắt đầu tu học, thì chúng ta đang xây dựng tâm ái ngã này, đang xây dựng một ý thức mạnh mẽ về “tôi”, v.v... Điều này ổn thôi, bởi vì trong những giai đoạn sau, chúng ta sẽ giải tỏa bất cứ sự phóng đại nào, vẫn còn có nền tảng lành mạnh. Hãy nhớ rằng, như tôi đã giải thích, nền tảng lành mạnh đó là cái “tôi” quy ước. Đó là thái độ của mình đối với cái “tôi” quy ước mà chúng ta phải làm việc. Trước tiên, phải xác nhận là mình có một cái “tôi” quy ước, và phát triển thái độ tích cực đối với với nó, trước khi bắt đầu loại trừ cách xem xét không đúng đắn về nó.

Như đã đề cập tối hôm qua, có hai mức độ để tìm hiểu Lam-rim. Một mức độ là người mới bắt đầu tu học, không có tri kiến về tánh Không trong nhà Phật, v.v... Mức độ thứ hai là với tri kiến Phật giáo Đại thừa, và một chút hiểu biết về tánh Không. Sau khi đã xem xét các giai đoạn một lần rồi, chúng ta sẽ quay lại và xem qua toàn bộ quá trình một lần nữa. Chúng ta sẽ xem xét đường tu tuần tự hết lần này đến lần khác. Mỗi lần như vậy, thì mình càng xem xét một cách sâu sắc hơn.

Hầu hết chúng ta sẽ tiếp cận Lam-rim như Pháp Nhẹ Nhàng. Khi làm như vậy, chúng ta không thật sự nghĩ về những kiếp tương lai, hay tin tưởng vào nó. Nó chỉ làm lợi lạc cho kiếp này, và như tôi đã nói, việc trải qua quá trình phát triển Lam-rim với phạm vi này là điều rất hữu ích. Nó nằm trong lãnh vực khoa học Phật giáo và triết học Phật giáo. Chúng ta không đi vào tín ngưỡng tôn giáo, chẳng hạn như về những kiếp tương lai.

Tuy nhiên, nếu như giới thiệu kiếp tương lai, thì hãy xem điều gì sẽ xảy ra. “Tôi muốn có một kiếp người quý báu trong tương lai, vì muốn tiếp tục đường tu.”. Nhưng làm thế nào để nghĩ về điều này? Có lẽ chúng ta đang nghĩ về điều đó về mặt “Tôi muốn hội ngộ chư đạo sư của mình một lần nữa”, và “Tôi muốn gặp lại bạn bè của mình một lần nữa.”. Có tâm luyến ái trong đó. Liệu ta có xem mình là một Tulku (Lạt ma tái sinh) không, và nghĩ rằng: “Họ sẽ tìm ra mình một lần nữa, và tôi sẽ được đoàn tụ với tất cả bạn bè và đạo sư của mình, và cứ tiếp tục đời sống đó.”. Chắc chắn là không phải như vậy, dù nó có thể là mức độ sơ khởi, khi tu tập với tài liệu này. Trong những ví dụ này, có rất nhiều tâm luyến ái và ái ngã, theo cách mình nhắm đến kiếp người quý báu một lần nữa. Tạm thời thì việc này ổn thôi, bởi vì ít nhất, chúng ta đang nghĩ về việc tu tập, để tránh những tái sinh tồi tệ hơn.

Chỉ ở phạm vi trung căn, chúng ta mới bắt đầu nghĩ rằng: “Ngay cả khi ở gần bạn bè và thầy cũ của mình một lần nữa, thì vẫn còn có vấn đề.”. Chúng ta phải phát tâm xả ly, buông bỏ lòng tham ái. Đó là bước kế tiếp. Chỉ khi mình đã xem xét toàn bộ quá trình phát triển Lam-rim, và trở lại từ đầu, thì mới có thể bắt đầu phát triển ước nguyện tránh những tái sinh tồi tệ hơn, và có những tái sinh tốt hơn, không phải vì quyến luyến với thầy và bạn trong kiếp này, mà theo cách thanh tịnh hơn. Ở mức độ cao hơn, chúng ta sẽ nghĩ rằng: “Phải mất một thời gian dài để thành tựu giải thoát và giác ngộ, nên mình phải có nhiều tái sinh làm người, kiếp người quý báu, để tích tập tất cả công đức và chứng ngộ cần thiết. Đây là một mức độ khác. Vậy thì ta sẽ không nghĩ đến việc tạo lợi lạc cho bản thân vì tâm ái ngã, mà điều đó sẽ xảy ra, khi mình trải qua tất cả những sự phát triển này ở mức độ cao hơn. 

Có Động Lực Chân Thành

Một trong những vấn đề là tài liệu này đã được giới thiệu cho mình quá nhanh. Chúng ta đã nghe nói là phải đoạn trừ tâm ái ngã. Chúng ta đã nghe một chút về tánh Không, nhưng đã bỏ qua việc phải tu tập ở mức độ sơ khởi, rất cơ bản này, để học hỏi Lam-rim, và cảm nhận những động lực này một cách chân thành. Thật ra thì rất khó mà cảm nhận những động lực này một cách chân thành. Ta có thể nói những lời này, nhưng nó không thật sự khiến cho lòng mình rung động.

Việc phát triển ý thức lành mạnh về bản ngã thì sẽ ổn định và thực tế hơn một chút. Nếu như thật sự đi đến điểm mà mình chân thành nghĩ về việc tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, thì trước hết, nó sẽ xảy ra với tâm ái ngã, và điều đó ổn thôi. “Tôi muốn có một kiếp người quý báu, để luôn luôn được chư đạo sư bảo hộ”, và tất cả những tư tưởng ấy. Khi đã thật sự phát triển hơn nữa, thì ta sẽ có khả năng áp dụng hiểu biết về tánh Không. Tuy nhiên, đừng cố gắng áp dụng nó ngay từ đầu, vì nguy cơ lớn là mình sẽ rơi vào đoạn kiến.

Miễn là ta hiểu rằng mức độ tu tập này cho những kiếp tương lai, với tâm ái ngã và tham ái là điều tạm thời, thì ổn thôi. Chúng ta sẽ không xem nó như điều tối hậu thật sự, mà sẽ xem nó như một bước tạm thời, giúp cho mình dễ cảm nhận nó một cách chân thành hơn. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phát triển động lực “Tôi đang tu tập cho những  kiếp tương lai. Tôi đang làm điều gì về nó” một cách chân thành. Sau này, chúng ta có thể nghĩ về cách mình tồn tại trong những kiếp tương lai, vân vân, rồi có thể giúp cho sự hiểu biết của mình tinh tế hơn.

Tôi sẽ nêu ra một ví dụ từ đời sống của chính mình. Tôi rất nhiệt tình với việc tạo ra trang mạng khổng lồ này, cho việc nghiên cứu Phật pháp. Tôi thật sự hy vọng là nhờ tất cả công lao mà tôi đang đầu tư vào trang mạng này, thì tôi sẽ có được tái sinh làm người quý báu, và sẽ tìm thấy trang mạng này trên mạng lưới điện tử toàn cầu (internet) thật nhanh, và sẽ thích thú với giáo pháp. Tôi hy vọng là khi còn rất trẻ, tôi sẽ thấy giáo pháp có sức hấp dẫn. Những ý tưởng như vậy thật ra chỉ chú trọng vào lợi ích mà tôi sẽ có được từ trang mạng. Người khác có thể có được lợi lạc từ trang mạng này, và đó là điều tuyệt vời, nhưng tôi thật sự mong rằng tôi sẽ tìm ra nó một cách rất nhanh chóng và dễ dàng, rồi có thể tiếp tục với đề án này, và hy vọng mình sẽ làm việc với nó một lần nữa, và giúp cho nó tiến xa hơn nữa. Chắc chắn là có lòng quyến luyến ở đó, nhưng nó cũng giúp cho tôi có động lực này, để nhắm vào việc cải thiện những kiếp tương lai của mình một cách rất chân thành. Cuối cùng, tôi có thể nghĩ rằng có lẽ mình đang ở cấp độ nào đó của động lực thuộc phạm vi sơ căn, ở mức độ chân thành.

Điều tôi đang nói là việc cố gắng để có những động lực này, để có lòng chân thành là bước đầu tiên, và là bước quan trọng nhất. Sau đó, chúng ta có thể giúp cho sự hiểu biết về thực tại của bản ngã và vân vân trở nên tinh tế hơn, về mặt động lực chân thành. Tuy nhiên, nếu như động lực của mình không chân thành, và còn bỏ qua việc làm cho nó chân thành, mà lại nhảy vào việc làm cho nó tinh tế hơn, thì chúng ta đang tinh luyện những gì? Chúng ta sẽ không còn lại điều gì cả. Nếu như vội vàng nghĩ rằng mình không nên có tâm ái ngã, vì không có bản ngã, nhưng nếu không có bản ngã, thì tại sao ta lại phải làm bất cứ điều gì, để cố gắng có được tái sinh làm người trong tương lai, cho một bản ngã? Rồi thì ta không còn lại điều gì cả.

Đây là những điểm quan trọng để xem xét. Xin hãy nghiền ngẫm chúng.

[Thiền]

Top