Cái Tôi Quy Ước, Cái Tôi Giả Dối Và Cái Tôi Bất Diệt

Dẫn Nhập: Khảo Sát Bản Ngã Và “Tôi”

Chủ đề cho loạt bài nói chuyện này là sự phát triển lành mạnh của bản ngã, thông qua Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. “Bản ngã” là điều rất trọng yếu trong đường tu nhà Phật. Chúng ta có thể thấy điều này, ngay cả khi phát khởi động lực để lắng nghe những buổi nói chuyện này. Có lẽ chúng ta sẽ cảm động vì lòng bi mẫn, để cuối cùng sẽ thành tựu những quả vị, để giúp tha nhân khắc phục những khó khăn của họ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, ai là người cảm động vì lòng bi, để giúp đỡ tha nhân? Chúng ta sẽ phải nói đó là “tôi”. Ai là người sẽ cố gắng đưa tha nhân đến giải thoát và giác ngộ? Một lần nữa, đó lại là “tôi”. Điều gì sẽ ngăn cản tôi thực hiện điều này? Ở đây cũng vậy, chúng ta sẽ phải nói đó là “tôi”, dù cho mình đang nói về sự lười biếng, thiếu can đảm hay thiếu cảm giác đối với người khác.

Bất kể câu trả lời là gì, tất cả đều đi đến vấn đề liên quan đến “tôi”, đúng không? “Tôi không thích làm điều đó.”. “Tôi không muốn làm điều đó.”. “Tôi sợ phải cố gắng làm điều đó.”. Những cách suy nghĩ này đều xoay quanh cái “tôi”, đúng không? Tất cả đều dựa trên những điều chúng ta nghĩ về mình, và những điều  chúng ta nghĩ mình có thể làm.

Theo giáo lý nhà Phật, khi nhìn sâu hơn một chút, thì vấn đề thực tế hay trở ngại để đạt được mục tiêu từ động lực của mình là tâm vô minh về cách mình thật sự tồn tại. Một là không hiểu cách mình tồn tại, hai là có một vài khái niệm đảo lộn, ý tưởng trái ngược với những điều thật sự đúng. Do đó, việc khảo sát toàn bộ vấn đề này về bản ngã, về “tôi”, để hiểu rõ hơn thực tại là gì, là điều rất quan trọng.

Một cách để bắt đầu là mỗi một người trong chúng ta sẽ dành một khoảng thời gian ngắn để quán chiếu về những điều chúng ta đang đề cập đến, khi nói về bản thân, hay về “tôi'. Khi nói về “tôi”, thì hãy cố gắng nhận diện ra nó. Tuy có thể khó tìm ra cách để thể hiện ý nghĩa của nó, nhưng tất cả chúng ta vẫn nghĩ về “tôi”, đúng không? Tất cả chúng ta đều có ý thức về “tôi”. "Tôi sẽ làm gì đây?". “Mọi người nghĩ gì về tôi?”. “Tôi là một người thua cuộc như vậy đó.”. “Tôi là một người thắng cuộc như vậy đó.”. Chúng ta có đủ các ý tưởng về bản thân.

Ngay bây giờ, hãy thử nghĩ về “tôi”, không phải là về phẩm chất của nó, chẳng hạn như trẻ, già, đàn ông hay phụ nữ. Đừng nhận diện nó như vậy, hay đặt câu hỏi, tôi là ai? “Tôi là ai?” thật ra là một câu hỏi rất khó, nhưng nó thường đưa đến câu trả lời “Tôi là tôi”. Điều này thật sự có nghĩa là gì? Có phải mình là một cái tên, hay một từ ngữ?

Chúng ta không nói về lý thuyết tâm lý về bản ngã, ví dụ như siêu ngã (super-ego), và tất cả những thứ này. Đúng hơn thì ở đây, chúng ta đang nói về ý nghĩa thông thường về “tôi”. Chúng ta đang nói về điều gì, khi nói về “tôi”, hay khi nghĩ về bản thân mình? Hãy dành một vài phút để tư duy về điều này.

[Thiền]

Top