Thương Yêu Tất Cả Chúng Sinh Với Tâm Bình Đẳng, Và Phát Tâm Bi

Nhu Cầu Phát Tâm Bình Đẳng Đối Với Tất Cả Chúng Sinh

Nếu muốn phát tâm bi, thì điều cần thiết là tịnh hóa tâm thức và luyện tâm. Định nghĩa của tâm bi là thái độ mong muốn mọi người thoát khỏi những khó khăn và nỗi khổ của họ. Thái độ mong muốn mọi người có được hạnh phúc, được gọi là lòng từ. Lý do mà chúng ta không có thái độ mong muốn mọi người được hạnh phúc, và không muốn ai phải gặp bất cứ vấn đề gì, là vì mình không có tâm bình đẳng đối với tất cả mọi người. Đó là vì mình cảm thấy thù địch và sân hận đối với kẻ thù, và quyến luyến, mê đắm với bạn bè và người thân.

Khắc Phục Tâm Tham Ái, Sân Hận Và Thờ Ơ

Để khắc phục tâm tham ái, bạn nên nhận ra nó có liên quan đến một loại dục vọng mê đắm, và đây là điều có tính rất phá hoại, tạo ra nhiều ác nghiệp. Việc quá say mê người nào là điều tiêu cực, nên tâm tham ái và dục vọng tạo nên ác nghiệp lớn lao. Nếu như thù địch với kẻ thù, thì bạn sẽ tức giận, và sinh tâm thù hận, và điều này cũng mang đến rất nhiều vấn đề. Phải khắc phục những thái độ và cảm giác quyến luyến và thù địch cực đoan này, và phát tâm bình đẳng với tha nhân, để không cảm thấy thù địch và tức giận với những người mà bạn xem là kẻ thù, và không quyến luyến với những người mà bạn yêu thích, và xem là bằng hữu của mình.

Một lý do khác khiến cho ta không có tâm bình đẳng với tất cả mọi người là vì chỉ khi nào người khác giúp đỡ mình, thì ta mới muốn giúp lại. Lý do duy nhất mà ta muốn giúp đỡ người nào là vì họ đã làm điều gì tốt với mình, và đã giúp mình. Lý do mà ta muốn làm hại kẻ thù, tại sao ta tức giận và muốn hãm hại họ, là vì họ đã làm tổn thương mình bằng cách nào đó. Cách xử lý tình huống này là nghĩ về ba người trước mặt mình: một người đã giúp đỡ bạn, một người đã làm bạn tổn thương rất nhiều, và một người lạ, không giúp đỡ, cũng như không làm hại bạn. Nên nhìn vào cảm giác phát sinh, khi nghĩ về ba người trước mặt mình. Đối với người đã giúp đỡ mình, thì bạn thấy muốn làm điều gì tốt đẹp cho họ, muốn giúp đỡ họ. Đối với người đã làm tổn thương mình, thì bạn muốn làm họ tổn thương. Đối với người không giúp đỡ, cũng không làm hại, thì bạn hoàn toàn thờ ơ với họ, và không muốn làm tổn thương hay làm hại họ. Bạn chỉ không có cảm giác gì với họ thôi.

Những Điểm Phải Xem Xét, Đối Với Việc Bình Đẳng Hóa Thái Độ Của Mình Đối Với Người Khác

Nếu xem xét thái độ của mình, thì chủ yếu, đó là thái độ thiên vị. Chúng ta có tâm thiên vị, yêu thích người mà mình muốn giúp đỡ. Nên xem xét hai người, một người đã làm bạn tổn thương rất nặng nề ngày hôm qua, nhưng hôm nay, đã giúp bạn rất nhiều; và một người khác đã giúp bạn rất nhiều ngày hôm qua, nhưng sáng nay, lại làm bạn tổn thương rất nặng nề. Nên cân nhắc xem bạn muốn giúp đỡ ai, và muốn làm hại người nào? Nếu bạn sẽ giúp đỡ người đã giúp bạn ngày hôm qua, thì sáng nay, họ đã làm hại bạn, đúng không? Nếu bạn muốn hãm hại người đã làm bạn tổn thương ngày hôm qua, thì không phải anh ta đã giúp bạn sáng nay sao? Nên xem xét cách bạn có những ý tưởng này về mọi người, rằng bạn tưởng tượng tất cả mọi người là kẻ thù thật sự của mình, luôn hãm hại bạn, và đó là cách mà họ luôn luôn hành xử như vậy. Họ đang ở đó, lúc nào cũng cố làm hại bạn, hay bạn nghĩ mọi người là những người tuyệt vời, luôn giúp đỡ mình trong mọi lúc, và không ngừng muốn giúp đỡ bạn. Nếu nghĩ về cách mà bạn xem mọi việc theo những phạm trù cụ thể như vậy, và nhận thức là thật ra, nó không phải như vậy, thì điều này sẽ giúp bạn có thái độ quân bình về người khác.

Khi xem xét một người lạ, chưa hề làm hại hay giúp đỡ bạn trong kiếp này, và thấy mình hoàn toàn thờ ơ với người này, không có cảm xúc nào về việc giúp đỡ hay làm tổn thương người này, thì nên xem xét khả năng người này có thể giúp bạn rất nhiều trong tương lai. Rất có thể một người mà bạn chưa bao giờ nghĩ có thể giúp bạn chút nào, lại có thể trở thành người giúp đỡ rất nhiều. Tương tự như vậy, không có nghĩa là người mà bạn cho là sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều, sẽ giúp bạn chút nào. Trong mọi trường hợp, nên cố gắng nhận ra là tất cả chúng sinh đã giúp đỡ bạn bằng cách nào đó trong quá khứ, đang giúp bạn trong hiện tại, và có thể giúp bạn trong tương lai.

Nhưng bạn có thể phản đối, và nói rằng mọi người luôn giúp đỡ bạn, nhưng không phải là đôi khi, người ta cũng làm tổn thương bạn hay sao? Đúng là một số người có thể làm tổn thương bạn, nhưng nếu như xem xét điều đó, thì sự giúp đỡ mà họ dành cho bạn to lớn hơn nhiều, so với sự tổn hại mà họ có thể tạo ra cho bạn. Hơn nữa, khi họ làm tổn thương và hãm hại bạn, bạn có thể có được rất nhiều lợi lạc từ sự tổn hại đó. Chẳng hạn như bạn có thể xem trường hợp của tôi. Đất nước của tôi đã bị tấn công và xâm chiếm, nên chúng tôi đã chịu rất nhiều tổn hại. Nhưng điều này đã trở thành điều kiện để tôi có thể đi đến nhiều nước trên thế giới như thế này, và gặp gỡ những người như các bạn, nên thật ra điều tai hại này đã trở nên tốt đẹp.

Hơn nữa, khi có ai đang hãm hại bạn một cách thậm tệ, và làm bạn tổn thương, thì điều này sẽ cho bạn cơ hội để tu hạnh nhẫn và khoan dung, và nhờ cách hoàn thiện hạnh nhẫn nhục và khoan dung, mà bạn mới thành tựu giác ngộ. Đây là một phần của quá trình cần thiết. Khi A-đề-sa (Atisha) đến Tây Tạng, ngài đã mang theo một thị giả người Ấn Độ cực kỳ khó chịu và phiền phức. Mọi người nói rằng: “Sao ngài lại đem theo một người phiền phức như vậy? Việc này chỉ làm cho mọi người rất tức giận.". A-đề-sa nói rằng: "Không, tôi luôn luôn phải tu hạnh nhẫn và khoan dung với người này.".

Nếu chúng ta có nhiều kẻ thù, rất tức giận và thù địch với những người này, và muốn làm tổn thương họ, nếu như vấn đề là không có ai chết bao giờ, thì đó là một việc. Nhưng nếu kẻ thù của mình sẽ bị xử tử vào ngày mai, chẳng hạn vậy, và chắc chắn là ngày mai, hắn sẽ chết, thì việc cố gắng làm tổn thương hắn tối nay cũng chẳng có ích lợi gì. Tương tự như vậy, nếu bản thân bạn sắp bị hành quyết vào tối nay, thì việc đi loanh quanh để làm tổn thương và hãm hại người khác sẽ có lợi ích gì?

Có nhiều điều để suy nghĩ. Một điểm khác là hãy nghĩ nếu có mười người đang rất đói khát đến trước cửa nhà bạn, thì tất cả những người này sẽ có quyền được nhận thức ăn như nhau. Tất cả mọi người đều đói như nhau. Tương tự như vậy, nếu có mười bệnh nhân, thì họ đều có quyền lợi như nhau, và cần được cho thuốc và điều trị. Nên cân nhắc rất kỹ lưỡng về việc bạn muốn được hạnh phúc như thế nào, không muốn khổ đau và rắc rối, thì người khác cũng cảm thấy y như vậy.

Hơn nữa, không có gì chắc chắn về địa vị của con người. Không phải người nào luôn luôn là bằng hữu, hay luôn luôn là kẻ thù của mình. Bạn có thể thấy chỉ một vài câu nói có thể biến người bạn thân nhất thành kẻ thù của mình. Điều họ chỉ cần làm là nói điều gì làm bạn tổn thương, và ngay lập tức, họ là kẻ thù của bạn. Tương tự như vậy, đối với một người mà bạn không thể chịu đựng được, thì rất có thể chỉ vì chuyện nhỏ nào đó, mà họ có thể trở thành bạn rất thân thiết, mà thậm chí bạn không thể chịu đựng được, khi phải rời xa họ một hay hai tiếng đồng hồ. Dựa vào cách này, bạn nên thấy rằng không có điều gì chắc chắn, về cách bạn bè có thể trở thành kẻ thù, và ngược lại.

Chúng ta luôn suy nghĩ bằng những phạm trù rất cụ thể về tự thân và tha nhân, như thể chúng là những phạm trù thật cụ thể, nhưng nếu đúng như vậy, thì chư Phật cũng đã nhìn thế giới theo những phạm trù cụ thể này, nhưng các ngài đã không thấy như vậy. Chúng ta có thể xem một ví dụ về cuộc đời của Đức Phật. Ngài có một người em họ tên là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), và Đề Bà Đạt Đa luôn cố gắng hãm hại Ngài. Ộng đã làm những việc như ném đá vào Ngài, và thường cạnh tranh với Ngài. Đức Phật là một người có thể chất cực kỳ mạnh mẽ, đó là kết quả của tất cả công đức mà Ngài đã tích tập trong quá khứ. Bất cứ khi nào phải dùng một loại thuốc hay dược phẩm nào, thì Ngài sẽ phải dùng một liều cực mạnh, tương ứng với việc Ngài là một người mạnh mẽ như vậy, có thể chất mạnh mẽ như vậy. Tương tự như vậy, người em họ của Ngài cảm thấy phải cạnh tranh với Ngài, và nên dùng liều thuốc mạnh giống như anh họ của mình, vì ông cảm thấy mình cũng mạnh mẽ như anh họ, đó là Đức Phật. Vị y sĩ nói với Đề Bà Đạt Đa rằng: “Ngài không mạnh khỏe như Đức Phật, nên không thể dùng thuốc với liều lượng lớn như vậy. Nó sẽ làm hại ngài, và khiến cho ngài bị bệnh.”. Nhưng Đề Bà Đạt Đa vẫn khăng khăng đòi hỏi. Ông nói rằng: "Không, tôi cũng mạnh mẽ như Đức Phật, và có thể dùng liều lượng tương tự như Ngài đã dùng.". Cuối cùng, vị y sĩ phải nhượng bộ, và chỉ kê cho ông một liều thuốc mạnh hơn liều mà người bình thường được khuyên nên dùng.

Đề Bà Đạt Đa đã uống liều thuốc mạnh này, và nó hoàn toàn không thích hợp với ông, nên đã khiến ông lâm bệnh nặng, và suýt chết. Đức Phật đến gặp người em họ của mình, và nói rằng: "Ta có đứa con trai là La Hầu La (Rahula), và em, là em họ của ta, người luôn ném đá vào ta và cố gắng làm cho ta tổn thương, nhưng ta không có tâm thiên vị giữa hai người. Ta có tâm bình đẳng đối với cả hai. Nhờ vào sự thật trong lời nói của ta, nguyện cho em được lành bệnh.". Ngài để tay lên đầu em họ của mình, và Đề Bà Đạt Đa đã khỏi bệnh. Đề Bà Đạt Đa đã được lành bệnh nhờ việc này, và phản ứng duy nhất của ông là nhìn lên người anh họ của mình, người đang đặt tay trên đầu ông, và nói rằng: "Hãy lấy bàn tay bẩn thỉu của anh ra khỏi đầu của tôi.".

Nếu Đức Phật nhìn mọi người theo phạm trù những người là bạn của mình, gần gũi với mình, và những người thuộc về người khác và xa cách với mình, thì chúng ta cũng nên nhìn mọi người theo cách đó. Nhưng trên thực tế, Đức Phật không bao giờ có sự thiên vị nào.

Tâm Ái Ngã Là Nhân Của Tất Cả Vấn Đề

Hơn nữa, bạn nên cân nhắc xem tâm ích kỷ và chỉ quan tâm đến bản thân có phải là cội nguồn của mọi rắc rối, căn nguyên của mọi sự cố hay không. Chẳng hạn như, nếu bạn rất ích kỷ, và chỉ quan tâm đến phúc lợi của tự thân, thì bạn có thể làm việc để gầy dựng một khối tài sản lớn. Vì vậy mà những kẻ trộm sẽ đến, và muốn ăn cắp tài sản của bạn, và bạn có thể bị tên trộm giết hại. Căn nguyên của điều đó là gì? Đó là vì bạn có lòng vị kỷ như vậy, nên ngay từ đầu, đã cố gắng gầy dựng tài sản.

Nếu nhìn vào ví dụ về tai nạn xe hơi, thì người ta lái xe quá nhanh, nên mới gặp tai nạn. Lý do của điều này là gì? Lý do là họ chỉ quan tâm đến tự thân. Họ chỉ có ý tưởng ích kỷ là mình phải đến đích trước, và là người đi nhanh nhất, nên vì vậy mà mới gặp tai nạn. Khi ở một nơi rất trơn trợt và lầy lội, và bạn đi rất nhanh, vì muốn đến nơi bạn muốn đến, nên mới bị té và gãy chân, rồi phải đến bệnh viện, thì nguyên nhân của tai nạn đó là gì? Một lần nữa, đó là lòng vị kỷ của bạn. Bạn đã bị lôi cuốn vào việc cố gắng hành động theo cách của mình, để đến đó nhanh nhất, nên đã bị té.

Tương tự như vậy, tất cả những bất hòa và rắc rối giữa các quốc gia, tất cả những điều đó cũng là vì lòng ích kỷ của những thành viên liên quan trong đó. Tương tự như vậy, khi người ta sử dụng nhiều ma túy và có thói quen uống rượu rất tệ hại, họ luôn luôn uống rượu, thì tất cả những vấn đề và khó khăn mà họ gặp phải là vì lòng vị kỷ này đã khiến cho họ dính mắc vào những thói quen này. Tương tự như vậy, khi người nào có thái độ ích kỷ và chỉ nghĩ cho bản thân mình, thì mọi người sẽ phản ứng ra sao đối với người đó? Không có ai ưa thích người đó, không có ai thích người ích kỷ. Dựa vào cách này, bạn nên nghĩ về tất cả những điểm bất lợi mà mình phải gánh lấy, khi có thái độ ích kỷ. Nếu như không loại bỏ được tính ích kỷ, thì giống như bạn đang mang một căn bệnh khủng khiếp.

Tâm Ái Tha Là Cội Nguồn Của Mọi Niềm Hạnh Phúc

Mặt khác, tất cả những điều tốt đẹp xảy ra với mình đều là kết quả của lòng quan tâm đến tha nhân. Nếu như ta luôn luôn làm việc vì người khác, hoặc luôn quan tâm đến người khác, thì mọi người sẽ yêu thích mình, và luôn muốn ở bên cạnh mình. Nếu một người như vậy qua đời, thì mọi người đều rất đau buồn, vì cảm thấy đó là sự mất mát lớn, và sẽ cầu nguyện cho họ. Hơn nữa, những người luôn quan tâm đến tha nhân sẽ luôn thành công trong công việc của họ. Nếu bạn luôn quan tâm đến người khác và giúp đỡ họ, thì không chỉ loài người sẽ yêu mến bạn, mà còn sẽ thấy tất cả các loài thú cũng sẽ yêu thích bạn nữa.

Nếu xem xét thành tựu của Đức Phật, thì Ngài là người đã vượt qua tất cả những ám chướng trong tâm thức, khắc phục mọi vấn đề, mọi chướng ngại và khiếm khuyết của mình. Ngài là người có thể thành tựu mọi phẩm chất tốt đẹp mà ai cũng có thể đạt được. Ngài đã chứng ngộ tiềm năng lớn nhất, trọn vẹn nhất của mình, và lý do tại sao Ngài có thể làm tất cả những điều này, là vì Ngài đã từ bỏ lòng quan tâm đến tự thân, và chỉ nghĩ đến tha nhân. Khi luôn nghĩ đến việc tạo lợi lạc cho tha nhân, và mối quan tâm của bạn luôn hướng về người khác, thì người ta sẽ hài lòng với bạn, rằng bạn đang làm việc vì họ, và họ sẽ không thấy buồn, vì bạn không quan tâm đến họ. Nhưng nếu bạn ngồi đó và luôn chỉ nghĩ về bản thân mình, để mọi việc được tốt đẹp cho bản thân, thì khi mọi chuyện được hanh thông cho người, bạn sẽ thấy không vui.

Hoán Chuyển Thái Độ

Cho đến bây giờ, những gì chúng ta đang làm là bỏ mặc người khác, và chỉ làm việc vì lợi lạc của tự thân, nên điều mà chúng ta phải làm là thay đổi thái độ của mình, chỉ cần hoán chuyển thái độ đối với hai điều này, và thay vì bỏ mặc người khác, thì giờ đây, ta nên bỏ mặc bản thân mình, và thay vì chỉ trân trọng bản thân, thì nên trân trọng tha nhân. Đây là ý nghĩa của việc thay đổi thái độ, hay hoán chuyển thái độ về tự thân và tha nhân. Hoán chuyển ngã tha không có nghĩa là bây giờ tôi là bạn, và bạn là tôi. Trừ khi bạn hoán chuyển thái độ của mình về tự thân và tha nhân, ngoài ra thì không có cách nào bạn có thể thành tựu quả vị giác ngộ của một vị Phật. Nếu như bạn tạo dựng những ý tưởng này như những tập khí ích lợi, nếu bạn thiền quán về chúng, thì trên cơ sở đó, bạn có thể phát tâm từ bi, mà sẽ không gặp khó khăn gì.

Nhớ Đến Lòng Tốt Của Tất Cả Chúng Sinh, Và Biết Ơn Chúng Sinh 

Hơn nữa, nên cân nhắc cách mà không có ai đã đối tốt với mình hơn tất cả những chúng sinh khác, có tâm thức hạn hẹp. Chẳng hạn, bạn nên xem xét cách mà người ta thích ăn mật ong ở một số quốc gia, và mật ong bắt nguồn từ đâu? Nó được chế biến như thế nào? Đó là nhờ công lao của những con ong nhỏ bé này. Chúng phải xây tổ, phải đi ra ngoài thu thập phấn hoa từ những bông hoa. Chúng sẽ tạo ra mật ong, và tất cả những thứ này được khai thác, rồi mình lại sử dụng những thứ này cho bản thân. Trên thực tế thì làm con người mà chúng ta có được mật ong, là nhờ công lao khó nhọc của những con ong. Chúng đã làm mọi việc, rồi mình lại hưởng thụ thành quả của chúng, nên chúng rất tử tế với mình. Tương tự như vậy, bạn nên nghĩ xem sữa và thịt mà bạn dùng bắt nguồn từ đâu. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng tốt của những chúng sinh hữu hạn, những chúng sinh có tâm thức rất hạn hẹp.

Khi nghĩ như vậy về lòng tốt của người khác, thì nên cảm thấy biết ơn, và thấy rằng mình nên cố gắng đền đáp lòng tốt ấy, và ta có thể thực hiện điều này bằng cách tu tập. Nếu nghĩ về tất cả lòng tốt của tha nhân, thì bạn sẽ phát tâm thương yêu họ, giống như khi có thứ gì rất quý giá, thì bạn sẽ nâng niu và chăm sóc nó một cách rất chu đáo. Tương tự như vậy, bạn sẽ phát triển thái độ này đối với những người mà mình yêu quý, muốn chăm sóc họ, và sẽ rất buồn, khi điều gì không may xảy ra với họ.

Phát Tâm Bi

Tất cả những điều này phụ thuộc vào việc phát tâm bình đẳng với tha nhân. Khi có thể bình đẳng hóa thái độ của mình đối với mọi người, và không có người mà mình đặc biệt yêu thích, thì bạn có thể thật sự phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh. Ví dụ, để phát tâm từ, thì nên nghĩ về cách mà những con vật đáng thương bị làm thịt. Ví dụ như ở một số quốc gia, khi giết mổ trâu bò thì họ sẽ lấy một cái búa và đập vào đầu con vật đáng thương, đôi khi nhiều hơn mười ba lần, mà con vật vẫn không chết. Tương tự như vậy, ở một số nơi, cách người ta giết mổ những con rùa lớn hoặc con ba ba là chỉ đến gần nó, và cắt những lát thịt của nó, khi nó vẫn còn sống, và giết hại nó một cách rất chậm rãi như vậy. Bạn nên nghĩ về việc bản thân mình đã tích tập ác nghiệp như thế nào, để phải sinh ra như một con thú, và trải nghiệm điều tương tự. Nên nghĩ về cảm giác của mình sẽ ra sao, nếu những điều khủng khiếp này sẽ xảy ra với bạn.

Điều tiếp theo mà bạn nên nghĩ đến là cách mà người mẹ của mình trong kiếp này cũng đã tạo ra ác nghiệp để tái sinh thành súc sanh, và trải qua điều tương tự như vậy. Bạn sẽ làm gì, nếu như thấy điều này xảy ra với mẹ của mình? Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Sau đó, hãy nghĩ về việc cha của mình sẽ trải qua điều tương tự như vậy. Rồi hãy nghĩ về việc mỗi một người bạn của mình sẽ phải trải qua điều đó. Sau đó, hãy tiếp tục nghĩ về việc điều này sẽ xảy ra với kẻ thù của mình. Rồi hãy nghĩ về tất cả các sinh vật nói chung sẽ trải qua điều này. Nếu nghĩ theo cách như vậy trong suốt quá trình này, thì bạn sẽ phát khởi lòng bi mẫn rất chân thành, mong muốn tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi nỗi khổ và rắc rối. Nếu bạn có thể thật sự phát tâm đại bi này một cách chân thành, thì Phật quả sẽ không quá xa xôi. Đây là một thái độ cực kỳ quan trọng và rất cao cả để phát triển.

Top