Giải Thoát Bản Ngã Quy Ước Ra Khỏi Tâm Bất An

Ôn Lại Giáo Pháp Của Phạm Vi Sơ Căn Trong Lam-rim

Chúng ta đã bàn luận về cách phát triển bản ngã một cách lành mạnh, thông qua Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. Chúng ta đã xác định rằng có một bản ngã quy ước, và nó tồn tại trong từng sát na, như một pháp quy gán, trên cơ sở của bất cứ điều gì mình đang trải nghiệm trong mỗi sát na. Nếu muốn nghĩ về “tôi”, thì điều gì từ sát na đó phải phát sinh trong tư tưởng, đại diện cho “tôi”, ngay cả khi đó chỉ là âm thanh trong tâm thức về chữ “tôi”. Thêm vào đó, ta có thể hiểu các mình tồn tại một cách đúng đắn hay sai lầm. Khi nghĩ về bản ngã quy ước tồn tại một cách sai lầm, bất khả, thì ta đang nghĩ đến cái “tôi” giả dối. Đây là bản ngã phải được bác bỏ. Nếu muốn làm bất cứ điều gì về cảnh ngộ trong cuộc sống, để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình, khắc phục khổ đau và rắc rối, thì phải có ý thức lành mạnh về cái “tôi” quy ước. Nếu không có ý thức lành mạnh về bản thân, thì ta sẽ không quan tâm đến những điều mình trải nghiệm, hay nỗ lực để lo lắng cho cuộc sống của mình.

Sự tiến triển của hiểu biết và tuệ giác về Lam-rim, điều hình thành đường tu tuần tự đến giác ngộ, sẽ khởi đầu bằng việc xem trọng kiếp người quý báu mà mình đang có. Chúng ta sẽ bắt đầu xem trọng tự do của mình, ít nhất là sự nghỉ ngơi tạm thời này, thoát khỏi những điều kiện tồi tệ hơn, khiến cho mình không thể làm điều gì thiện hảo trong đời sống, và nhận ra cách mà đời sống của mình có nhiều cơ hội, để làm điều gì có thiện hảo. Việc xem trọng hoàn cảnh của mình sẽ giúp ta có thái độ tích cực hơn về bản thân, và muốn tận dụng cơ hội tuyệt vời này. Thay vì nghĩ về “tội nghiệp cho tôi”, và phàn nàn về hoàn cảnh của mình trong cuộc sống, thì ta sẽ rất biết ơn những điều mình có được. Nói cách khác là ta sẽ tập trung vào những khía cạnh tích cực, thay vì tiêu cực. Tuy nhiên, ta sẽ không phủ nhận rằng có những khuyết điểm trong đời sống. Tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm này, nhưng nếu phàn nàn về chúng, hay chú trọng vào chúng, thì không có ích lợi gì.

Tôn chỉ đó bắt nguồn từ việc giảng dạy về cách liên hệ với đạo sư một cách lành mạnh. Không có đạo sư nào hoàn hảo, cũng như không có tình huống nào trong đời sống là hoàn hảo. Khi nhận ra điều đó, chúng ta sẽ không chối bỏ những  khuyết điểm của thầy mình, nhưng nếu chú trọng vào những điều này, thì không có lợi ích gì cả. Thay vì vậy, hãy nhìn vào những phẩm chất tốt đẹp, bởi vì những điều này sẽ truyền cảm hứng cho mình. Tương tự như vậy, khi xem xét những phẩm chất tốt đẹp về tình huống của mình trong đời sống, với kiếp người quý báu này, thì ta sẽ có cảm hứng, để có thái độ tích cực hơn về tự thân, và tận dụng những điều mà mình đang hưởng thụ một cách tối đa.

Chúng ta cũng nhận thức rằng dù hiện nay, mình đang có được hoàn cảnh của kiếp người quý báu này, nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Cái chết chắc chắn sẽ đến và trước khi nó đến, nếu như mình sống lâu và già nua, thì có lẽ sẽ đau yếu, v.v... Khi nhận ra điều đó, và vì có lòng nhiệt tình đối với bản thân, thật sự muốn cho mình được hạnh phúc, thì ta sẽ không muốn hạnh phúc đó chấm dứt, khi mình qua đời. Chúng ta sẽ muốn hạnh phúc ấy tiếp tục, vì thấy rằng dù mình có tin tưởng vào tái sinh một cách có ý thức hay không, vào thế giới bên kia, hay bất cứ hệ thống tín ngưỡng nào đi nữa, thì ta cho rằng mình sẽ tiếp nối mãi mãi - ngay cả khi về mặt “Bây giờ thì tôi chết rồi.”. Theo cách này, thì chúng ta sẽ chết vĩnh viễn, và có một cái “tôi” là người trải nghiệm cái chết mãi mãi, hay mãi mãi trở thành Hư Không Rộng Lớn. Nhưng thậm chí như vậy, rõ ràng là chúng ta vẫn muốn được hạnh phúc, ngay cả trong cái Hư Không To Lớn đó.

Chúng ta không muốn bất hạnh, điều đó có nghĩa là mình không muốn có những kiếp tương lai tồi tệ hơn. Vậy thì cách tốt nhất để tận dụng tái sinh làm người quý báu, trong khi nó còn tồn tại, là đảm bảo mình sẽ tiếp tục có được hạnh phúc trong tương lai. Chúng ta đã bắt đầu tự chăm sóc bản thân, và quan tâm không chỉ cho hiện tại, mà còn nhìn về tương lai. Khi nghĩ về những kiếp tương lai, chúng ta sẽ có một thái độ rất xây dựng và lành mạnh, đối với việc chăm sóc bản thân. Trên thực tế, thái độ lành mạnh nhất mà mình có thể phát triển, là tìm cách lánh xa rắc rối, khổ đau và bất hạnh.

Với tất cả những điều này trong tâm, chúng ta sẽ tìm kiếm một hướng đi an toàn, một cách để lánh xa nỗi khổ trong tương lai, vì nghĩ rằng: “Tôi rất sợ khổ, tôi thật không muốn nó là một phần trong tương lai của mình.”. Sau khi quyết định điều này, chúng ta sẽ thật sự đưa phương hướng an toàn ấy, pháp quy y ấy, vào trong đời sống. Phương hướng này mà Phật, Pháp, Tăng nêu ra, và ở mức độ tối hậu, là việc thành tựu chân diệt của nhân tạo ra các vấn đề, do đó, là chân diệt của nỗi khổ, và để có được chứng ngộ, tức chân đạo sẽ đưa đến chân diệt, cách mà chư Phật đã chứng ngộ viên mãn, và Thánh Tăng đã thực hiện một phần nào.

Để tiếp tục bài bình luận ngắn gọn này, ta sẽ thấy rằng điều đầu tiên mà mình phải làm khi quy y, là tránh nhân tạo khổ, là cái gọi là “khổ vì đau khổ”, nghĩa là bất hạnh và đau đớn. Đó là những điều mình chú trọng vào, khi nghĩ về những tái sinh tồi tệ nhất, mà chúng ta có thể trải nghiệm, và cách mà mình không muốn trải nghiệm bất kỳ điều gì trong những điều này. Trước tiên, chúng ta sẽ cố gắng đoạn trừ nhân tạo ra những tái sinh tồi tệ nhất, bởi vì khi thật sự quan tâm đến bản thân, thì ta sẽ xem những kiếp tương lai và những gì mình có thể trải nghiệm một cách nghiêm túc.

Hơn nữa, phải hiểu rằng nếu như mình đang đau khổ, thì đó là kết quả của ác nghiệp. Mặt khác, nếu như đang hạnh phúc, thì đó là kết quả của thiện nghiệp, không tạo ra ác nghiệp, bất cứ khi nào mình cảm thấy muốn hành động theo cách đó. Ví dụ về ác nghiệp là sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, v.v... Loại hành vi này thường xảy ra, khi mình chịu sự tác động của phiền não như ham muốn, tham lam, sân hận hay si mê. Khi những phiền não này phát sinh, khiến cho mình tạo ra ác nghiệp một cách cưỡng ép, thì ta sẽ nhận thấy từ định nghĩa của phiền não, đó là một tâm trạng khiến cho mình không an lạc và mất đi tính tự chủ. Chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, nói chung là không vui. Vì mất tự chủ, nên mình mới hành động một cách cưỡng ép.

Nếu như mình tạo ác nghiệp, với tâm trạng phiền não, không vui và không an lạc, thì hãy sử dụng một ví dụ mà dịch giả của tôi đã chia sẻ với tôi trên đường đến đây, là hành vi của mình giống như việc nâng một tảng đá lên, và đặt nó lên cây cột. Chúng ta sẽ tạo ra một hành động, rồi từ động năng của hành vi ấy, sẽ tạo ra tiềm năng của năng lượng hiện tại của tảng đá ở trên cây cột. Có tiềm năng của năng lượng ở đó. Như trong vật lý với định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, động năng bây giờ là năng lượng ở dạng tiềm năng. Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cây cột có thể bị gẫy, và tiềm năng của năng lượng đó sẽ lại biến đổi thành động năng, khi tảng đá rơi xuống. Nó sẽ tạo ra hơi nóng, hay bất cứ thứ gì, khi rơi xuống mặt đất.

Thế thì động năng này tương ứng với cách mà nghiệp lực trổ, sẽ ở trong những ác nghiệp xảy ra về sau. Nếu như nghĩ về quá trình động năng này trở thành tiềm năng, rồi trở thành động năng trở lại, thì trong trường hợp này, toàn bộ tiến trình đều tiêu cực, do phiền não thúc đẩy, tràn đầy bất hạnh. Nó sẽ bắt đầu có ý nghĩa, rằng mình sẽ trải nghiệm khổ đau như kết quả của ác nghiệp, bởi vì hành vi tiêu cực được thực hiện với tâm trạng không vui.

Về cơ bản thì trong phạm vi sơ căn này, chúng ta sẽ áp dụng tính tự chủ. Khi có cảm giác muốn tạo ra ác nghiệp, cảm thấy sự căng thẳng vì muốn nói dối, làm tổn thương người nào, hay nói điều gì ác độc, vân vân, thì ta sẽ kềm chế điều đó, vì nhận ra nó sẽ tạo ra thêm bất hạnh, hay đau khổ.

Tạm thời, với sự kềm chế này, ít nhất là ngay trước mắt, mình có thể tránh được những tái sinh tồi tệ hơn, và nỗi khổ ô trược trong những kiếp tương lai. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đoạn diệt nhân tạo khổ. Nói một cách chủ yếu, thì những điều mà chúng ta đang lánh xa ở mức độ này là những tái sinh tồi tệ hơn trong những kiếp sau. Chúng ta vẫn sẽ có những lúc bất hạnh, ngay cả khi có được tái sinh làm người thật quý báu. Không phải mình đã hoàn toàn diệt trừ nỗi khổ vì đau khổ, mà ít nhất là có thể phấn đấu và có được kiếp người quý báu một lần nữa. Nói chung thì đây thật sự là điều mình mong muốn, để có thể tiếp tục đường tu.

Hạnh Phúc Thông Thường Bất Toại Nguyện

Ở phạm vi trung căn, chúng ta sẽ khảo sát thêm cảnh ngộ của mình, khi có được tái sinh hạnh phúc. Hãy nhớ rằng trong phạm vi sơ căn, thiện nghiệp có nghĩa là kềm chế việc tạo ra ác nghiệp. Hiển nhiên là điều đó đòi hỏi nghị lực và tính tự chủ, dẫn đến sự phát triển bản ngã lành mạnh. Giống như ví dụ đơn giản về việc thức dậy vào buổi sáng, đi làm và chăm sóc con cái, đòi hỏi tính tự chủ đối với việc không chỉ nằm trên giường, và nghị lực để thức dậy. Khi ta chịu trách nhiệm cho đời sống của mình, đó là một ví dụ về ý thức lành mạnh về bản ngã.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra đàng sau tính tự chủ và nghị lực này là cảm giác rất mạnh mẽ về một cái “tôi” vững chắc. Chúng ta cảm thấy rằng “Tôi phải tự chủ, và phải làm điều này.”. Ngoài ra, còn có một ý thức rất mạnh mẽ về “tôi”, khi cảm thấy tội lỗi, thì ta sẽ nghĩ rằng: “Đáng lẽ mình phải có khả năng tự chủ, nhưng đã không làm được như vậy.”. Cách suy nghĩ này đi theo hướng đồng hóa với “bản ngã” giả dối.

Ý tưởng này đòi hỏi lòng tin vào một “bản ngã” giả mạo, phải có tự chủ, và có thể khống chế mọi việc, bất kể mình sẽ gặp nhân duyên gì, nên có thể hành động độc lập với nhân duyên. Tuy nhiên, đây là điều bất khả thi. Lòng tin này chịu sự kiểm soát của cái mà chúng ta gọi là “thái độ phiền não”, là một thái độ phiền não đối với tự thân. Đó là thái độ mình có thể tự chủ, không cần biết điều gì sẽ xảy ra, nên mình luôn luôn có khả năng tự chủ. Trên cơ bản, dù có tâm trạng đó, thì mình sẽ thấy an lạc hơn, khi nghĩ rằng: “Mình có tự chủ”, vì không chịu ảnh hưởng của phiền não như sân hận, ham muốn, vân vân, nhưng dù sao đi nữa, thì hành vi của mình sẽ trở nên cưỡng ép. Mình sẽ trở thành cái mà chúng ta gọi trong tiếng Anh là “người thích khống chế mọi việc” (“control freak”), vẫn có nghiệp liên quan với hành vi cưỡng bách, dựa vào thái độ phiền não như vậy. Hội chứng này tương tự như ví dụ mình đã sử dụng, về việc trở thành một người bắt buộc phải cầu toàn, chẳng hạn như bắt buộc phải dọn dẹp nhà cửa, hay bị cưỡng ép về mặt đạo đức, nên rất cứng nhắc.

Chúng ta sẽ cảm nhận loại hạnh phúc nào, như kết quả của sự cưỡng ép, trong những hành vi có tính thiện hảo hơn? Đó là hạnh phúc không bền lâu. Chẳng hạn như là một người cầu toàn về việc lau chùi nhà cửa, thì ta sẽ lau chùi, nhưng chẳng bao giờ hài lòng với kết quả, vì nó không bao giờ đủ sạch. Ngay cả khi mình cho là nó sạch sẽ, nhưng sẽ không lâu dài. Rồi thì mình phải lau chùi hết lần này đến lần khác. Một ví dụ khác về chủ nghĩa hoàn hảo có thể là sửa một bản thảo, và không bao giờ hài lòng, hay biết được khi nào thì nên chấm dứt việc hiệu đính. Thế thì loại hạnh phúc này được gọi là “khổ của sự thay đổi” (“hoại khổ”), đề cập đến hạnh phúc thông thường, và điều này mở rộng đến tất cả những lãnh vực khác, trong kinh nghiệm của mình. Trên cơ bản, bất cứ loại hạnh phúc nào mà mình trải qua đều không bền lâu, và luôn luôn biến đổi. Ta sẽ ăn một bữa ăn, và rất thưởng thức nó, nhưng nếu cứ tiếp tục ăn mãi, ăn hoài mà không dừng lại, thì sẽ bị bệnh.

Giải Tỏa Quan Niệm Sai Lầm Về Bản Ngã

Ở thời điểm này, chúng ta đã tạo dựng một ý thức lành mạnh về bản ngã, về mặt cái “tôi” quy ước. Chúng ta hiểu rằng mình phải chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân, và những gì mình trải nghiệm. Nếu muốn đoạn trừ nhân tạo khổ, thì ta sẽ cảm thấy phải làm điều gì. Thậm chí, mình còn muốn đoạn trừ nhân tạo ra hạnh phúc bất toại nguyện, tức là hoại khổ nữa. Vấn đề ở đây là gì? Nguyên nhân của vấn đề là gì? Điều mà mình thấy là trước tiên, phải bắt đầu với cách giải tỏa những quan niệm sai lầm mà ta nhận thức về bản thân, về mặt cái “tôi” giả dối.

Để giải thích về cái “tôi” giả dối này một cách đơn giản, thì ta sẽ nhận thức và trải nghiệm rằng cái “tôi” quy ước như trong việc “Tôi đang làm điều này và tôi đang làm điều kia”, là một “thực thể” vững chắc, sống trong đầu mình, là tác giả của tiếng nói đang diễn ra trong đầu. Nó là cái đang tự hỏi: “Tôi nên làm gì làm bây giờ, và mọi người nghĩ gì về mình?”. Nó là cái đang lo ngại cho “chính mình”. Nó là cái đang ngồi đó, gần giống như đang điều hành một cái máy, đó là cơ thể, như là: “Bây giờ thì tôi nên làm gì đây? Tôi sẽ làm điều đó.”. Sau đó, nó là người bấm những cái nút trên bàn điều khiển, và khiến cho cơ thể làm điều này, hay nói điều kia. Nó đang thu nhận mọi dữ liệu từ màn hình video và loa của giác quan. Nó là người đang ngồi trong bộ chỉ huy bên trong bộ não, và nói vào micrô trong đầu của mình, để chỉ có  mình nghe được điều đó.

Tất cả những điều này hoàn toàn là giả tưởng, là hư cấu. Không có điều gì như vậy xảy ra. Chúng ta không tồn tại như vậy. Tuy nhiên, đó là người mà ta tin là mình, vì ta cảm thấy như vậy, nó có vẻ như vậy. Chúng ta tin rằng thật sự có cái “tôi” này đang ngồi trong đầu mình. Chúng ta trải nghiệm điều này như thế nào? Chúng ta trải nghiệm việc này như điều bất an. Tất nhiên, nó bất an, bởi vì cái “tôi” này không hề tồn tại. Vậy thì làm sao mình có thể an tâm về nó? Do đó, mình mới có tất cả những phương cách này, để cố gắng làm cho cái “tôi” nhỏ bé này được an toàn.

Những loại phương thức gì? Ví dụ như niềm tin rằng nếu như cái “tôi” này có thể có được những thứ gì ở xung quanh nó, thì chúng sẽ làm cho “tôi” được an toàn. Dục vọng có nghĩa là như vậy. Sau đó, khi đã có được điều mình muốn, thì mình không muốn buông tay, nên sẽ sinh tâm quyến luyến. Hơn nữa, ngay cả khi có được điều gì, thì mình lại muốn có nhiều hơn, và điều này dẫn đến lòng tham. “Phải chi tôi có đủ tiền”, “Nếu như tôi có đủ những lượt “thích” trên trang Facebook của mình”, hay bất cứ điều gì, thì nó sẽ giúp cho “tôi” cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, dĩ nhiên là không. Nó không bao giờ làm được điều đó.

Trên cơ bản thì mỗi một phương thức này đều dựa vào hội chứng phiền não của dục vọng, quyến luyến và tham lam. Một phương thức khác là đẩy mọi thứ ra khỏi cái “tôi”, bất cứ điều gì đe dọa sự an toàn của mình. Do đó, ta sẽ sinh tâm sân hận, ác cảm, thù địch và đủ loại phiền não như vậy. Ta cũng có thể si mê và phủ nhận, không muốn nghĩ về bất cứ điều gì đe dọa bản thân, và kết quả là bị dồn đến chân tường. Ta tưởng tượng là bằng cách nào đó, đằng sau bức tường phủ nhận và si mê, thì mình sẽ an toàn. Tất nhiên là mình luôn luôn cảm thấy bất an sau bức tường này, và sợ rằng điều gì sẽ vượt qua nó, rồi đụng chạm đến mình.

Hơn nữa, vì bất an, nên mình mới sử dụng những cơ chế này, và chúng sẽ dẫn đến ác nghiệp như trộm cắp, để có được những gì mình muốn, hay giết hại bất cứ chúng sinh nào mà mình không thích, hoặc chỉ trốn tránh vấn đề vì si mê, và mong muốn nó sẽ tự động biến mất. Những loại ác nghiệp này đều dựa trên quan niệm sai lầm về bản thân, và nghĩ rằng mình tồn tại như một cái “tôi” giả dối này.

Niềm tin vào cái “tôi” giả dối cũng nằm sau hành vi thiện hảo cưỡng ép của mình. Tuy có thể có những thiện hạnh không cưỡng ép - không dựa trên niềm tin vào cái “tôi” giả dối – nhưng ở đây, chúng ta đang nói về nghiệp. Đó là điều ở đằng sau hành vi thiện hảo ép buộc này. Khi sử dụng ví dụ trước đây về chủ nghĩa cầu toàn, thì loại hành vi này phản ảnh niềm tin mãnh liệt vào cái “tôi” giả dối.

Thái Độ Phiền Não

Chúng ta không nhất thiết chỉ có cảm xúc phiền não, mà còn có thái độ phiền não, có thể ở đàng sau cảm xúc phiền não, hay tồn tại mà không có chúng. Điều nổi bật nhất trong những thái độ phiền não này có một tên kỹ thuật rất rắc rối. Đó là “tà kiến về một mạng lưới tạm bợ” (“hoại thân kiến”). Điều này có nghĩa như sau:

  • “Mạng lưới” là ngũ uẩn, nói đơn giản là tất cả những điều tạo nên mỗi sát na kinh nghiệm của mình. 
  • Nó là điều “tạm bợ”, có nghĩa là mỗi một thành phần của các uẩn này thay đổi liên tục.
  • Chúng ta có “tà kiến” về các uẩn này, hay tri kiến sai lầm về những gì mình đang trải qua.

Thái độ này thật ra là gì? Để giải thích các định nghĩa và mô tả của nó trong A Tỳ Đạt Ma, tôi thích sử dụng ẩn dụ về một ngư dân, với một cái lưới. Với thái độ phiền não này, thì mình giống như ngư dân, quăng lưới về mặt tinh thần, để chụp lên cái gì trong các uẩn của mình, và cái lưới đó là khái niệm về một cái “tôi” đơn giản, là một cái “tôi” giả dối – hay “tôi như người sở hữu cái gì đó”, hay nói cách khác là khái niệm về thứ gì như là “của tôi”.

Ví dụ như về mặt thân thể trẻ trung, thì ta sẽ quăng ra cái lưới của “tôi” trên thân thể của mình, và đồng hóa với nó, “Đó là 'tôi'.”. Rồi thì mình sẽ ôm ấp niềm tin đó, với thái độ phiền não hơn nữa như “nó thường hằng”. Ta sẽ nhìn mình trong gương, thấy tóc bạc, và cảm thấy rằng: “Đó không phải là tôi.”. Với thái độ phiền não này, ta sẽ có một hình ảnh cố định về “tôi”. Một ví dụ khác là khi mình quăng cái lưới của “tôi” về một phẩm chất của điều gì trong các uẩn, hãy cho là cơ thể của mình đi, và đồng hóa với nó. Chẳng hạn như nhận diện với việc “Tôi mập” - dù cho điều đó có phù hợp với thực tế hay không – sẽ đưa đến việc bắt buộc phải ăn kiêng, để cố giảm cân. Ví dụ như khi xuống được 1 ký lô, thì ta sẽ thấy vui một chút. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc đó không kéo dài, vì mình không hài lòng, và cảm thấy phải xuống thêm một ký nữa. Ta có thể có thái độ này, đối với việc noi theo chế độ ăn kiêng lành mạnh một cách cưỡng ép. Không có gì sai trái với việc ăn uống cẩn thận, nhưng khi nó trở thành điều bắt buộc, dựa trên ý tưởng rằng: “Tôi phải gầy”, thì ở phương Tây, chúng ta sẽ nói rằng điều đó hơi loạn thần một chút.

Một thái độ phiền não khác là khái niệm về “của tôi”. Chúng ta nghĩ rằng: “Tôi là người sở hữu các thứ, người điều khiển mọi việc. Chúng thuộc về tôi.”. Điều này có liên quan đến ví dụ về cảm giác là mình nên có khả năng kiểm soát mọi việc. Ta sẽ quăng cái lưới “của tôi” vào một tình huống mà mình đang trải nghiệm - “tình huống này thuộc về quyền kiểm soát của tôi - và nghĩ rằng: “Mình nên có khả năng kiểm soát nó.”. Cái “tôi” vững chắc này là ông chủ trong đầu mình, và nói rằng: “Nếu như không khống chế nó, thì mình không tốt; mình có tội.". Việc quăng cái lưới “tôi” và “của tôi” là thái độ phiền não, đằng sau bất cứ điều gì mình đang trải qua.

Hơn nữa, ta tưởng tượng rằng: “Nếu có thể khống chế tất cả mọi việc, thì mình sẽ cảm thấy an toàn.”. Chúng ta có thể thấy an toàn trong vài khoảnh khắc, và vui vẻ một chút, nhưng điều đó không lâu bền, đúng không? Đó là vì mình không thể nào kiểm soát được mọi thứ. Chúng ta quăng cái lưới của “tôi”, và nghĩ rằng “Tôi sẽ sửa chữa lỗi lầm của tất cả mọi người.”. Được rồi, điều đó có thể có tính xây dựng và tích cực, nhưng nó có hơi quá đáng, đúng không? Việc không bao giờ tạo ra thêm lỗi lầm nào nữa là điều bất khả thi. Bởi vì những sai lầm sẽ xảy ra, hay sự việc sẽ thoái hóa đến nỗi trở thành hỗn loạn, vân vân, đều chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân duyên. Niềm tin rằng mình là Thượng đế toàn năng là ảo tưởng.

Vậy thì có những cảm xúc và thái độ phiền não ở đằng sau hành vi tiêu cực cưỡng ép của mình, và không chỉ vậy, mà còn ở đằng sau những hành vi tích cực cưỡng ép nữa. Cả hai yếu tố cảm xúc và thái độ phiền não đều dựa vào niềm tin này, quan niệm sai lầm về bản thân, rằng mình tồn tại như cái “tôi” giả dối này. Nói một cách đơn giản, thì ta tin rằng có một người điều khiển nhỏ bé vững chắc ở trong đầu mình, cũng khiến cho mình cảm thấy bất an. Do đó, ta sẽ cố gắng chiếm hữu các thứ cho nó, xua đuổi những thứ khác, để chúng không thể đến gần nó, dựng những bức tường xung quanh nó, hay quăng cái lưới của nó, để kiểm soát mọi việc. Không có cách nào trong số những cách này sẽ hữu hiệu, và điều mà chúng sẽ tạo ra là những thăng trầm bất tự chủ trong luân hồi – khổ đau, hạnh phúc, khổ đau, hạnh phúc - trong kiếp này và những kiếp tương lai.

Hãy bỏ một chút thời gian, để nghĩ về những gì mình gọi là “bản ngã giả dối”, bản ngã phải được bác bỏ. Nó dựa vào khái niệm sai lầm và sự phóng chiếu của một ảo tưởng áp đặt lên bản ngã quy ước, về cách bản ngã đó tồn tại như thế nào. Có một bản ngã, nhưng nó không phải là người điều khiển nhỏ bé, ngồi trong đầu mình, đằng sau bàn điều khiển. Vẫn có một cái “tôi” quy ước, mà ta đã xây dựng trong những giai đoạn trước. Nếu như chỉ đi đến giai đoạn giải tỏa những ảo tưởng về nó, mà không trải qua những giai đoạn trước, thì ta có thể tiêu diệt người điều khiển trong đầu, nhưng sau đó thì không còn gì cả. Điều đó có thể dẫn đến việc nghĩ rằng tại sao ta phải làm bất cứ điều gì, nếu như mình không tồn tại. Việc này không đúng. Do đó, điều rất quan trọng là phải trải qua những giai đoạn này trước đó, để xây dựng ý thức lành mạnh về “tôi”, là người chịu trách nhiệm cho đời sống, và những gì mình trải nghiệm.

Cách Nghiệp Và Tái Sinh Vận Hành

Dựa trên tất cả những điều này, ta có thể bắt đầu phát triển cái gọi là “tâm xả ly”, là quyết tâm thoát khỏi những thăng trầm trong luân hồi. Nếu muốn phá vỡ hội chứng luân hồi tái diễn một cách thiếu tự chủ này, và tái sinh lặp đi lặp lại hỗ trợ cho nó, thì phải vượt qua nền tảng mà dựa vào đó, nó cứ tiếp tục, có vẻ như không có đoạn kết. Tại sao nó đang tiếp diễn? Nếu như nghĩ về khía cạnh Lam-rim, tại sao mình lại có những loại tái sinh này, tiếp tục làm nền tảng, để trải qua những thăng trầm của khổ đau và hạnh phúc bất toại nguyện? Nếu muốn trả lời câu hỏi này, thì phải xem xét cơ chế của cách mà hội chứng tái sinh vận hành, được mô tả trong giáo pháp về “thập nhị nhân duyên”.

Không cần phải nói về toàn bộ thập nhị nhân duyên trong dịp này, nhưng điều đáng kể là hai khoen sẽ kích hoạt nghiệp lực để tái sinh, thường được dịch là khoen “ái” và “thủ”. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chữ tiếng Phạn được dịch là “ái”, thì đó là trsna, thật ra là chữ “khát nước”. Điều đang xảy ra trong đời sống hàng ngày, cũng như trong những tái sinh của mình, là ta đang liên tục trải qua chu kỳ khổ đau và hạnh phúc bất toại nguyện này, đồng thời hình dung về bản thân mình như cái “tôi” vững chắc trong đầu, là người trải nghiệm những điều này. Và trong khi trải nghiệm chúng, chúng ta sẽ chết vì khát. Đó là một thành ngữ tiếng Anh, và nó có nghĩa là mình rất khát nước.

Khi mình gặp điều bất hạnh, thì giống như là rất khát nước, và mình muốn thoát khỏi nỗi khổ một cách rất mạnh mẽ như vậy. Rõ ràng là có thể có những mức độ khát khao mãnh liệt khác nhau, và mức độ mà mình muốn tiêu diệt nỗi khổ, hay cảm giác khó chịu của cơn khát. Tuy nhiên, đây là tâm lý hiện thời, khi mình đang đau khổ. Nó xuất phát từ tiền đề trong nhà Phật rằng tất cả chúng sinh đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn khổ.

Và khi thật khát nước, nếu chỉ có được ngụm nước nhỏ xíu thôi, thì sẽ không đủ, đúng không? Chúng ta không muốn xa rời ngụm nước nhỏ đó, và muốn uống nhiều nước hơn nữa. Đây là tâm trạng của mình, liên quan đến hương vị hạnh phúc nhỏ bé mà mình có được. Vì vậy, dù khổ đau hay hạnh phúc, thì mình vẫn liên tục khao khát.

Khoen thứ hai kích hoạt nghiệp lực, đối với tái sinh kế tiếp, thường được dịch là “chấp thủ”. Tuy nhiên, khi dịch theo nghĩa đen, thì đó là “thủ”. Đó là phiền não chiếm được một tái sinh khác cho mình. Có cả một danh sách về những điều này, nhưng điểm chính là mình quăng cái lưới “tôi” vào nỗi khổ đau hay hạnh phúc bất toại nguyện này, mà ta đang trải qua. Nếu như không vui, thì ta sẽ nghĩ rằng: “Mình phải khống chế và xử lý tình huống này bằng cách nào đó. Mình phải tiêu diệt nỗi khổ  này.”. Ta sẽ đồng hóa với nó. Đó là “tôi”, như là “Tôi rất bất hạnh và quá khốn khổ”, dẫn đến “tội nghiệp cho tôi” và chứng trầm cảm, và tất cả những khổ đau xảy ra sau đó. Ta có thể cảm thấy mình rất thiếu thốn hạnh phúc. “Nó luôn luôn lãng tránh tôi.”. Có tất cả những cách để quăng cái lưới của “tôi” và “tôi, người sở hữu, người trải nghiệm và người điều khiển” niềm hạnh phúc hay bất hạnh này.

Hai khoen này, thái độ “ái” và “thủ” của việc quăng cái lưới này của “tôi” lên tất cả mọi thứ, là điều kích hoạt nghiệp lực. Rồi kết quả của quá trình kích hoạt đó, như được mô tả bằng cơ chế của thập nhị nhân duyên, là mình sẽ bắt buộc phải tái sinh. Tuy nhiên, ta cũng có thể nghĩ về kiếp này. Chúng ta sẽ hành động một cách cưỡng ép, để tiêu diệt cơn khát đó. Bằng cách này hay cách khác, ta sẽ cố gắng làm cho nó thỏa mãn, điều mà mình không bao giờ làm được.

Tất nhiên, căn nguyên của tất cả những điều này là vô minh, hay khoen đầu tiên của thập nhị nhân duyên. Đó là vô minh về bản thân, và cách mình tồn tại, đằng sau chu kỳ luân hồi bất tự chủ của khổ đau, hạnh phúc bất toại nguyện, khổ đau, v.v... Do đó, bằng cách nào đó, phải đoạn trừ niềm tin rằng mình tồn tại như bản ngã giả dối này, cái “tôi” nhỏ bé đang ngồi trong đầu, rất khát khao và bất an. Hãy nghĩ về điều này.

[Thiền]

Việc phân tích mình có thái độ nào đối với khổ đau và hạnh phúc là điều rất thú vị. Thật sự là rất thú vị. Ta sẽ đối phó với những cảm xúc này như thế nào? Có phải mình giống như người đang khát nước ở trong sa mạc? Hiển nhiên là trước tiên, phải nhận thức mình đang có cảm giác gì, đặc biệt là nếu như mình không cảm nhận điều gì cả. Nhưng nếu quán sát kỹ hơn, ta sẽ nhận ra rằng sự tê liệt này là một trạng thái không vui. Rồi thì điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến những cảm giác của mình. Nếu không, thì ta sẽ không làm bất cứ điều gì. Tuy nhiên, điểm khởi đầu là mình đã phát triển ý thức lành mạnh về bản thân, quan tâm đến những điều mình trải nghiệm.

Nhưng mình có quan tâm quá nhiều như người ở trong sa mạc không, người đang khát nước không thể tưởng tưởng được? Đó là vấn đề ở đây, người tuyệt vọng này khát đến nỗi họ sẽ uống bất cứ loại nước gì, với hy vọng là nó sẽ làm cho họ vui vẻ. Điều này rất thú vị, khi tìm hiểu thêm về hình ảnh này. Vì đang chết khát, nên ta sẽ chụp giựt: “Có lẽ bộ phim này sẽ làm mình vui. Có lẽ trang mạng này sẽ làm cho mình vui, hoặc có thể là người này, hay bữa ăn này.”. Chúng ta luôn khát khao, và không có điều gì có thể làm dịu cơn khát đó.

Ngoài ra, có lẽ ta đang dựng lên bức tường, khi nghe nhạc liên tục, để không phải nghĩ về bất cứ điều gì. Nó giống như si mê cực độ, dựng lên bức tường lớn xung quanh mình, để không phải đối phó với những vấn đề trong cuộc sống. Có lẽ việc làm như vậy sẽ khiến mình hạnh phúc, nên không bao giờ phải nghĩ về tình huống của mình, và có lẽ, nếu như ta phủ nhận mọi việc, và nhấn chìm nó bằng âm nhạc một cách liên tục, thì cũng sẽ giúp cho mình hạnh phúc. Nhưng dĩ nhiên là nó không làm cho mình hạnh phúc. Mình phải luôn luôn nghe một bài hát khác, vì một bài thì chẳng bao giờ đủ.

Câu Hỏi

Chỉ Phủ Định Cái “Tôi” Giả Dối

Nếu sử dụng thuật ngữ “khát khao” theo nghĩa đen, thì mình sẽ có chữ “khát nước”. Chúng ta là con người, và phải uống nước. Vậy thì chúng ta đang nói về cái gì, về thái độ loạn thần bị ám ảnh về nó, hay cái gì? 

Vâng, chúng ta đang nói về một thái độ loạn thần bị ám ảnh vì cơn khát của mình. Đây là lý do tại sao nó rất quan trọng, để không phủ định cái “tôi” quy ước, nhưng chỉ phủ định cái “tôi” giả dối. Cách tạm thời để đối phó với toàn bộ hội chứng hạnh phúc/khổ đau, khát khao này và vân vân, là có thái độ hữu ích về “không có gì đặc biệt”. “Tôi không vui”, và đó là điều không có gì đặc biệt. Chúng ta mong đợi điều gì trong đời sống? Bây giờ thì tôi đang hạnh phúc, nỗi khổ của mình đã biến mất?”. Một lần nữa, ta sẽ sử dụng thái độ không có gì đặc biệt. Mọi việc sẽ biến đổi, chúng ta mong đợi điều gì?

Ta sẽ không làm cho việc khổ đau hay hạnh phúc trở thành chuyện lớn. Đừng làm cho việc khát nước trở thành chuyện lớn. Nếu như thấy khát nước, và có thứ gì để uống, thì tốt thôi, hãy uống nó. Chúng ta không thể hy vọng mình sẽ không bao giờ khát nước nữa. Tất nhiên là mình sẽ lại khát nước. Vậy thì không có gì đặc biệt về việc giải khát, hay khát nước, về mặt cái “tôi” quy ước. Mình chỉ xử lý nó thôi. Tuy nhiên, không phải với cái “tôi” giả dối này: “Ồ, nếu như mình có thứ nước hoàn hảo này, thì mọi việc sẽ tuyệt vời. Và đừng đem nó đi!”. Việc này giống như con chó với chén đồ ăn, đang nhìn quanh, như thể người nào sẽ đem nó đi. Đừng bị lừa vì những quảng cáo trên truyền hình, khi họ cầm chai nước ngọt này, hay bất cứ món gì, và tuyên bố rằng: “Món giải khát sẽ chấm dứt cơn khát của bạn!”. Đó là điều vô lý.

Có Sự Hiểu Biết Sâu Sắc Hơn

Ông có nói rằng chúng ta phải biết cách tồn tại của bản ngã quy ước. Nhưng tôi nghĩ kiến thức không đủ. Làm sao để có sự hiểu biết sâu sắc hơn, một sự hiểu biết chuyển hóa? Có cách nào để làm cho nó hữu hiệu?

Vấn đề có thể là cách mình khái niệm hóa việc này. Có một sự hiểu biết về mặt trí thức, và có một sự hiểu biết bằng cảm xúc sâu sắc hơn. Chúng ta thật sự phải xem xét các thông số liên quan ở đây. Một trong những thông số là “tính xác quyết”. Mình chắc chắn đến mức nào? Chúng ta vững tin đến mức nào, rằng đây là cái “tôi” quy ước, và đây là cách nó tồn tại, và đây là cách nó không tồn tại. Trước tiên, ta phải vững tin rằng sự hiểu biết của mình là đúng.

Có cả một sự tiến triển của các tâm sở, liên quan đến việc phát triển một sự hiểu biết chuyển hóa. Chẳng hạn như đối với bản ngã quy ước, thì ta phải phân biệt giữa cách nó thật sự tồn tại, và cách nó không tồn tại, rồi phát triển trí tuệ về điều đó, điều sẽ tạo ra tính xác quyết về sự phân biệt đó. Một khi mình đã chắc chắn, rồi khi quen thuộc hơn nữa với sự chắc chắn đó, thì nó sẽ phát triển thành tín tâm xác tín, khi không có điều gì có thể lây chuyển tâm mình. Vậy thì có một sự tiến triển:

  • Chúng ta sẽ phân biệt giữa cách mà cái “tôi” quy ước tồn tại, và cách mà nó không tồn tại.
  • Với trí tuệ, ta sẽ chắc chắn về điều đó. 
  • Ta sẽ phát triển lòng xác tín vững vàng, để không có điều gì có thể khiến mình đổi ý. Chúng ta thật sự vững tin.

Nếu như cho rằng việc này vẫn còn ở mức độ trí thức, thì hãy tìm hiểu xem còn thiếu sót điều gì? Ta phải hành động với sự hiểu biết này, và đây là phần cốt yếu của toàn bộ vấn đề về việc “vững tin”. Một phần của cuộc thảo luận này là vững tin rằng nếu như mình hành động với niềm tin ta là bản ngã giả dối này, thì nó sẽ tạo ra bất hạnh và khổ đau. Nếu như mình diệt trừ niềm tin đó, và chỉ hành động dựa trên cơ sở của cái “tôi” quy ước, thì sẽ không tạo ra loại khổ này. Để thật sự vững tin về điều đó, thì mình phải áp dụng nó. Rồi thì ta sẽ thấy kết quả sẽ xảy ra, tương ứng với giáo pháp, rồi thì ta sẽ thật sự vững tin.

Nếu như mình hiểu sự khác biệt này một cách đúng đắn, giữa hành động dựa trên cơ sở của cái “tôi” giả dối, và cái “tôi” quy ước, thì tại sao mình lại không thử – để hành động trên cơ sở của cái “tôi” quy ước? Tại sao mình không thực hành nó? Sau đó, thì phải phân tích. Có lẽ mình vẫn nghi ngờ. Chúng ta không chắc chắn lắm, và nghi ngờ, không vững tin. Bây giờ, ta có thể thử hành xử theo cách này, trên cơ sở của sự suy đoán, suy nghĩ: “Tôi cho rằng đó là sự thật, nên sẽ thử xem sao.”. Tại sao mình không làm như vậy? Có thể là vì lười biếng. Sau đó, ta sẽ khảo sát thêm, và xem xét tất cả những hình thức lười biếng, và lý do mà mình lười biếng. Nó có thể là nỗi sợ hãi, hay ảnh hưởng của những người xung quanh, khi họ nói rằng: “Đây là điều ngu xuẩn”, v.v...

Việc có được sự hiểu biết chuyển hóa hơn phát sinh từ nhiều nhân duyên. Đừng làm cho nó trở nên huyền bí, như là “Ooh, bây giờ thì tôi có một sự chuyển hóa sâu sắc về cảm xúc rồi.”. Nó không phải là kinh nghiệm huyền bí. Việc đi đến điểm này là một sự tiến triển rất hợp lý, và tham số chính ở đây là mức độ xác quyết và xác tín rằng sự hiểu biết của mình là đúng.

Tâm Xả Ly, Trí Tuệ Và Giới Luật

Việc có được sự hiểu biết chuyển hóa này sẽ đưa đến việc phát tâm xả ly. Chúng ta thấu hiểu toàn bộ cơ chế tái sinh bất tự chủ, thậm chí cả những thăng trầm lặp đi lặp lại một cách bất tự chủ, trong một tái sinh của việc “hạnh phúc” và “khổ đau”. Tâm xả ly có nghĩa là “Tôi đã mệt mỏi và chán chường với điều này.”. Trên cơ bản là mình thấy nó nhàm chán, và muốn dừng lại. Chúng ta muốn thoát ra khỏi nó. Việc này đòi hỏi một ý thức rất mạnh mẽ về cái “tôi” quy ước, có nghị lực và quyết tâm để làm điều gì đó, để thành tựu giải thoát. Nếu không có ý thức lành mạnh về cái “tôi” quy ước, thì ta sẽ không làm gì cả. Hãy xem trọng điểm đó. Cần phải có rất nhiều nghị lực để tu tập đến khi giải thoát. “Tôi sẽ làm điều đó!”. Đó là tâm xác quyết này, và thêm vào đó, tự tin rằng đó là điều khả thi, và “Tôi có thể làm việc này.”.

Nếu muốn đạt được giải thoát, thì ta hiểu rằng mình phải có trí tuệ mà nhờ đó, ta sẽ tin chắc rằng bản ngã giả dối này, cách tồn tại giả dối này của bản ngã, hay của “tôi”, không tương ứng với điều gì chân thật. Có cái “tôi” quy ước. Nó tồn tại như một sự quy gán trên nền tảng của một dòng tâm thức của các uẩn luôn luôn biến đổi, và không thể được nhận thức một cách riêng rẽ với các uẩn, cũng không được nhận thức như một vài thành phần của các uẩn này trong cùng một lúc. Nó tiếp nối mãi mãi. Đó không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nó không tồn tại một cách bất khả. Chúng ta phải bác bỏ cách tồn tại bất khả của nó. Chúng ta phải thoát khỏi niềm tin ấy.

Chúng ta phải có định vô lậu học, để chú tâm vào sự phân biệt và hiểu biết đó. Và nếu muốn thành tựu định tâm, thì phải có giới, nhờ vậy nên mới phát triển chánh niệm. Chánh niệm là chất keo tinh thần cần thiết, để duy trì sự phân biệt và hiểu biết này. Chúng ta cũng cần có tâm tỉnh giác, để phối kiểm xem mình có lạc hướng hay không. Ta sẽ phát triển những kỹ năng này với giới luật hướng vào hành vi thô thiển hơn của thân và khẩu. Sau đó, với sức mạnh mà mình có được, ta có thể sử dụng nó, để hướng kỷ luật tự giác ấy vào hành vi của tâm thức, để phát triển định tâm. Sau đó, ta sẽ áp dụng định tâm này, để chú tâm vào cách mình thật sự tồn tại, hay chính xác hơn, là chú trọng vào tánh Không, sự vắng mặt của những cách tồn tại bất khả. Vậy thì đối với giới vô lậu học, định vô lậu học và tuệ vô lậu học, phải có ý thức lành mạnh và mạnh mẽ về “tôi”. 

Chúng Ta Đang Cố Gắng Giải Thoát Cái “Tôi” Nào?

Vấn đề chính là mình đang cố gắng giải thoát loại “tôi” nào? Chúng ta phải hiểu cách mà cái “tôi” đó tồn tại, mà mình muốn giải thoát. Không phải là mình muốn giải thoát cái “tôi” giả dối, và bây giờ thì cái “tôi” giả dối đó đã được giải thoát. Chúng ta muốn giải thoát cái “tôi” quy ước. Đây là lý do tại sao mức độ hiểu biết đầu tiên mà ta phải có, sự bác bỏ mà mình phải thực hiện, là về bản ngã được khẳng định trong các truyền thống Ấn Độ ngoại đạo khác. Họ cũng dạy phương tiện để thành tựu giải thoát. Tuy nhiên, điều mà họ nhắm vào để giải thoát là cái “tôi” giả dối, một cái “tôi” hay bản ngã có thể tồn tại một cách riêng rẽ, không có thân thể, hay thậm chí không có tâm thức, và có thể tự chủ, để tự giải thoát. Nếu như nghĩ về nó, thì điều này rất thú vị. Có một cái “tôi”, người sẽ khống chế tất cả mọi việc, và giờ đây, sẽ tự giải thoát khỏi khổ đau và hạnh phúc bất toại nguyện này, rồi sẽ được tự do. Cuối cùng, cái “tôi” này sẽ thoát khỏi việc phải ngồi ở vị trí trung ương để kiểm soát trong đầu, bởi vì dù sao đi nữa thì ai lại muốn ngồi ở bàn điều khiển ngu ngốc? Dựa theo cách đó, thì cái “tôi” sẽ được giải thoát.

Điều đó không hài hước lắm, vì nếu như xem xét bản thân, thì đó thường là khái niệm mà mình có về ai là người mà chúng ta đang cố gắng giải thoát. Chúng ta đang cố giải thoát cái “tôi” giả dối, bản ngã sai lầm.

Hãy khảo sát các đặc điểm của bản ngã giả dối. Chúng ta muốn có một bản ngã không bị ảnh hưởng vì phiền não và tính cưỡng ép của nghiệp. Điều đó ổn thôi. Tuy nhiên, nếu như nghĩ về cái “tôi” giả dối, thì điều mà ta muốn đạt được là một cái “tôi” không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì.

Điều này giới thiệu ba đặc điểm của tà kiến về bản ngã dựa trên học thuyết - một bản ngã được khẳng định bằng các học thuyết của các truyền thống ngoại đạo ở Ấn Độ. Đặc điểm đầu tiên là bản ngã tĩnh tại. Một số người dịch chữ này là “thường hằng”, nhưng chúng ta đã bàn luận về việc ngay cả trong đạo Phật, ta sẽ nghĩ như thế nào về một bản ngã bất diệt. Ở đây, “thường hằng” không có nghĩa là bất diệt. Nó có nghĩa là tĩnh tại, không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì. Nó là một pháp vô vi.

Điểm này có thể tạo ra sự lầm lẫn. Không phải là mình phải chứng ngộ rằng bản ngã không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì. Điều mà mình muốn là để bản ngã ấy không bị phiền não tác động. Tất nhiên, mình vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của lòng bi mẫn và quan tâm đến người khác. Có rất nhiều điều mà ta vẫn sẽ chịu ảnh hưởng. Một quan niệm sai lầm là trong chính bản thân nó, bản ngã giả dối có thể không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì. Đây là loại bản ngã mà các trường phái ngoại đạo tin rằng họ đang giải thoát. Hơn nữa, một khi đã được giải thoát, thì nó vẫn sẽ tiếp tục như một bản ngã không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì, và hoàn toàn tách rời với toàn bộ hệ thống của thân và tâm, tách rời với tất cả mọi thứ.

Hãy xem xét nó một cách chậm rãi hơn. Trong phủ định đầu tiên này, cái mà chúng ta đang khảo sát gồm có ba điểm. Như nó thường được dịch, chúng ta đang xem xét một bản ngã được xem là (1) “thường hằng”; (2) “nhất thể”; và (3) “độc lập”. Phải xem xét kỹ hơn những đặc điểm khác biệt này của một bản ngã.

(1) “Thường hằng” thật ra có nghĩa là tĩnh tại, rằng bản ngã không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì. Tuy nhiên, trong nhà Phật, về cơ bản thì mình chỉ muốn nó không bị ảnh hưởng vì vô minh, cũng như phiền não. Tuy nhiên, như đã thảo luận, nó không thể là cái không thể bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì.

(2) Đặc điểm thứ hai là “nhất thể”. Điều đó nghĩa là gì? “Nhất thể” có nghĩa là điều gì không có thành phần; nói cách khác, là một đơn tử không thể được phân chia ra nữa. Các hệ thống ngoại đạo chủ yếu bị bác bỏ ở đây là Số Luận (Samkhya), Chính Lý (Nyaya) và Thắng Luận (Vaisheshika). Hai trường phái đầu khẳng định rằng bản ngã là một đơn tử không có thành phần, bao trùm vũ trụ. Điều này có nghĩa là nó là kích thước của cả vũ trụ. Trường phái Thắng Luận nói rằng bản ngã là một đơn tử không có thành phần, mà có kích thước của một hạt nhỏ xíu, giống như một tia lửa của sự sống. Bây giờ, chúng ta phải khảo sát ý nghĩa của chữ không có thành phần, là một đơn tử là gì? Sự liên hệ ở đây là gì? 

Để tìm ra câu trả lời này, ta sẽ đánh chữ “không có thành phần” vào công cụ tìm kiếm về các học thuyết Phật giáo, và sẽ có sự khẳng định của Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika) về hai loại hiện tượng chân thật. Học thuyết nhà Phật này bàn luận về thuật ngữ “không có thành phần”, và qua đó, ta có thể hiểu được ý nghĩa của nó trong đạo Phật. 

  • Một loại hiện tượng mà khi được mổ xẻ bằng phương tiện vật lý, hay phân tích bằng tinh thần, sẽ không giữ được bản sắc thông thường của nó. Ví dụ như đây là một cái bàn, và nó có các thành phần. Khi mình tách nó ra, thì không còn cái bàn nữa.
  • Loại hiện tượng khác thì khi được mổ xẻ hoặc phân tích, vẫn giữ được bản sắc thông thường của nó. Chẳng hạn như ngay cả sát na ngắn ngủi nhất của tình thương, vẫn là tình thương.

Theo Tỳ Bà Sa Bộ thì trong loại hiện tượng thứ hai này là những hạt tối hậu nhỏ nhất, không thể được phân chia thêm. Dù có cố gắng làm gì để phân tích hay cắt xẻ một hạt như vậy nữa, thì nó vẫn giữ được bản sắc của nó như là hạt này, đơn giản chỉ vì nó không có các thành phần. Nó là một đơn tử không có thành phần.

Hiện nay, nếu như áp dụng ý nghĩa này của việc “không có các thành phần” cho cái ngã, bản ngã được giải thoát, thì có gì sai lầm không? Sự sai lầm là nó ngụ ý rằng bản ngã không phải là một sự định danh trên nền tảng có các thành phần. Theo nhà Phật thì bản ngã, cái ngã quy ước, là một sự định danh trên một dòng tương tục của ngũ uẩn - một thân thể, tâm thức, cảm xúc, v.v..., mà tất cả đang biến đổi trong mọi lúc. Do đó, là một sự định danh trên tất cả những thành phần này, với tư cách là con người, chúng ta có các bộ phận, giống như cái bàn, cũng là một sự định danh trên những bộ phận của nó. Khi phân tích bản thân thành một thân thể, một tâm thức, một nhân cách, những cảm xúc khác nhau, những trải nghiệm khác nhau, v.v. và nhìn chúng một cách riêng biệt, giống như nhìn vào tất cả những bộ phận của một cái bàn đã được tháo ra, thì mình không giữ được bản sắc thông thường nữa. Có phải nó vẫn là “tôi” hay không, nếu tách rời tâm thức ra khỏi cơ thể? 

Nếu bản ngã là cái này, cái không có các thành phần, thì không thể có nền tảng của sự định danh có các thành phần. Không thể có cái “tôi” như một đứa trẻ 6 tuổi, như một thiếu niên16 tuổi, như một thanh niên 25 tuổi, v.v... Không thể có cái “tôi” về mặt thân, tâm, cảm xúc, hay điều gì mà mình cảm nhận và vân vân. Nó phải là một đơn tử, và đó là điều không thể xảy ra.

Các Trường Phái Ngoại Đạo Ấn Độ Khẳng Định Một Bản Ngã Mà Đạo Phật Bác Bỏ

Điều mà các hệ thống ngoại đạo Ấn Độ này đang cố gắng thực hiện là giải thoát thứ gì không có các thành phần. Chẳng hạn như theo trường phái Số Luận thì bản ngã không giống như vật chất căn bản, được tạo thành từ ba thành phần, ba gunas: rajas, tamassattva; nên nếu như thiếu những thành phần này, thì nó không có các thành phần. Trong hệ thống của nhà Phật, chúng ta sẽ nói rằng cái “tôi” không phải là một sự quy gán trên ba gunas, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có các thành phần. Nó là một sự quy gán trên ngũ uẩn, nên có các thành phần.

Nếu như nói theo ngôn ngữ đơn giản, thì các hệ thống khác nói rằng bản ngã không được tạo thành từ bất cứ thứ gì, nên không có các thành phần. Đừng nghĩ rằng cái ngã mà mình đang cố gắng giải thoát không có các thành phần. Bản ngã được tạo ra từ một thân thể, tâm thức, cảm xúc và vân vân, và những thứ này đều thay đổi theo tuổi tác. Tự ngã chắc chắn có các thành phần.

Nếu muốn phân tích xa hơn, thì phải đặt câu hỏi. Có phải cơ thể là bản ngã? Có phải tâm thức là bản ngã? Không. Nếu chỉ nhìn vào các bộ phận, thì ta sẽ thấy không còn bản ngã. Nó đã mất bản sắc của nó như một bản ngã, nên điều này phù hợp với định nghĩa về điều gì có các thành phần, và mất bản sắc của nó, khi các thành phần bị tách ra.       (3) Phẩm chất thứ ba mà mình muốn bác bỏ là một bản ngã độc lập với thân thể hay tâm thức nào. Điều này có nghĩa là một bản ngã có thể tồn tại tách rời với thân và tâm, hay với nền tảng của sự định danh. Đó là cái mà Số Luận, Chính Lý và Thắng Luận muốn giải thoát. Rồi thì ta sẽ có một bản ngã hoàn toàn tách rời với thân tâm, tách rời với bất cứ điều gì, không có nền tảng của sự định danh. Tôi chỉ muốn nói rõ là phần thứ hai của định nghĩa về bản ngã giả dối này là sự phủ nhận rằng bản ngã có bất cứ nền tảng nào của sự định danh. Với khía cạnh thứ ba, nó khẳng định rằng bản ngã vẫn có thể tồn tại, tách rời với nền tảng của sự định danh.

Việc đi sâu vào những điều mà các hệ thống ngoại đạo nói là điều rất thú vị. Ví dụ như Số Luận khẳng định rằng bản ngã là một ý thức thụ động, không được tạo ra bằng vật chất, đó là chất căn bản mà họ nói đến. Vậy thì bản ngã không giống như thân căn cho khả năng tri giác, mà theo thuật ngữ phương Tây là bộ não. Thế thì ý thức thụ động này không giống như bộ não. Nó là bộ não, thứ vật chất mà trải nghiệm luân hồi của hạnh phúc và khổ đau, và bản ngã chỉ trải nghiệm nó qua bộ não như kết quả của nghiệp, nhưng bản ngã không chủ động nhận thức bất cứ điều gì. Ngoài ra, cái ngã không phải là tác nhân của nghiệp, mà thân thể mới là tác nhân. Bản ngã không thể làm điều gì, hay biết điều gì, bởi vì nếu nó đã làm hay hiểu, thì có nghĩa là nó sẽ thay đổi. Vậy thì nếu mình có thể giải thoát bản ngã khỏi nền tảng thể chất này, tức bộ não, thì nó sẽ chỉ còn là ý thức thụ động, không trải nghiệm bất cứ điều gì.

Đó là khẳng định của Số Luận về cách mà ta sẽ thoát khỏi khổ đau và hạnh phúc bất toại nguyện. Chỉ cần nhận thức là mình tách rời với bộ não. Chính bộ não và vô minh của nó chịu trách nhiệm cho kinh nghiệm của mình về luân hồi, vậy thì ai lại muốn điều đó? Nếu như ta hiểu rằng mình tách rời với bất cứ nền tảng vật chất nào, thì sự hiểu biết này sẽ đem lại giải thoát cho mình. Là một tự ngã được giải thoát, ta sẽ không cảm nhận bất cứ điều gì, không kinh nghiệm bất cứ điều gì. Là ý thức thụ động, chúng ta chỉ tồn tại mãi mãi, bao trùm vũ trụ.

Có phải điều này có nghĩa là hạnh phúc lâng lâng không?

Không phải là hạnh phúc lâng lâng, vì hạnh phúc là một cảm giác. Không có cảm giác. Não bộ mới có cảm giác, chứ không phải là mình, đó là điều thú vị, bởi vì trên thực tế, nhiều người trong chúng ta muốn không có cảm giác, bởi vì chúng rất đau buồn. Từ quan điểm của Số Luận, cảm giác hạnh phúc hay khổ đau chỉ đơn thuần là việc bắn ra các tế bào thần kinh và vân vân. Nó chỉ là quá trình điện hóa học đang xảy ra trong não. Nó là một hiện tượng vật lý thuần túy. Nhưng bản ngã không phải là vật chất, nên nó hoàn toàn tách rời với tất cả những thứ đó.

Quan điểm của Chính Lý và Thắng Luận là cái ngã không có ý thức. Số Luận nói rằng nó có ý thức thụ động, và Chính Lý lập luận rằng nó hoàn toàn không có ý thức, và không có phẩm chất nào khác như cảm giác hạnh phúc, cảm xúc, và chắc chắn cũng không có phẩm chất về thể chất nào. Chính Lý khẳng định rằng thật ra, thứ có ý thức là cái gọi là “hạt tâm”. Bản ngã chỉ có ý thức một cách ngẫu nhiên, hay tạm thời, khi được kết nối với một hạt tâm, bằng một quan hệ cũng ngẫu nhiên.

Tôi luôn nghĩ về hệ thống Chính Lý giống như một món đồ chơi ở Mỹ, khi tôi còn nhỏ. Nó được gọi là “Tinkertoy”, gồm có một bộ các thanh gỗ và những quả bóng. Các quả bóng có những lỗ nhỏ, mà qua đó, nhiều thanh gỗ và nhiều quả bóng có thể được kết nối với nhau, để tạo ra những vật thể có hình thù khác nhau. Đây là cách mà hệ thống Chính Lý và Thắng Luận trình bày sự việc, chỉ với một vài biến thể giữa chúng.

Có một bản ngã, một hạt tâm, một cơ thể và cảm giác. Những thứ này giống như những quả bóng nhỏ được kết nối bằng những thanh gỗ, và thanh gỗ là những loại quan hệ khác nhau, sự thu nhận, hay bất cứ điều gì.

Đây là một quan điểm rất vật chất về cách mọi thứ được kết nối. Nó giải thích bản ngã như điều gì được kết nối tạm thời với nhiều thứ khác nhau, như một hạt tâm, không được kết nối một cách cố hữu. Điều mà ta phải làm là tách rời bản ngã ra khỏi một hạt tâm, một cơ thể và vân vân. Nó giống như rút hết những thanh gỗ ra, thế là có một bản ngã được giải thoát. Chúng ta sẽ lấy hết những thanh gỗ ra, nên không có ý thức. Đó là cách mà mình sẽ không còn cảm nhận khổ đau hay hạnh phúc bất toại nguyện nữa. Chỉ cần rút hết các thanh gỗ kết nối ra.

Nói một cách rõ ràng hơn, thì đây không phải là cái ngã mà mình muốn giải thoát. Điều mình muốn giải thoát là cái ngã quy ước, điều chịu ảnh hưởng của các thứ. Nó không còn bị phiền não ảnh hưởng, nhưng ngay cả khi đã được giải thoát, nó vẫn chịu ảnh hưởng của những điều tích cực, và có thể tương tác với người khác. Nó không phải là không có các thành phần, có nghĩa là nó không phải là không có thân và tâm, vân vân. Nó vẫn sẽ có một thân, tâm, cảm giác và cảm xúc tích cực. Nó sẽ không trải qua khổ đau hay hạnh phúc bất toại nguyện, mà sẽ trải nghiệm một loại hạnh phúc thanh tịnh, hay một loại cảm giác vô ký, khi nhập định. Vẫn sẽ có những cảm giác, những cảm giác thanh tịnh này. Vậy thì điều rất quan trọng là cố giải thoái cái “tôi” quy ước, không phải là cái “tôi” giả dối, không hề tồn tại.

Không Có Điều Gì Là Một Bản Ngã Tự Túc, Có Thực Chất

Mức độ sâu hơn mà mình phải bác bỏ là có một cái ngã có thể tự tri, mà không có một nền tảng nào, cũng xuất hiện trong cùng một lúc. Danh từ kỹ thuật cho điều này là một “bản ngã tự túc, có thực chất”. Không có cái gì là như vậy cả.

Ví dụ mà tôi luôn sử dụng là: “Tôi muốn mọi người yêu thương tôi vì 'tôi', chỉ vì ‘bản thân tôi' thôi, chứ không phải vì thân thể hay tiền bạc của mình.”. Ta muốn người nào chỉ yêu thương mình chỉ vì “mình” thôi, như thể cái “tôi” đó có thể là một đối tượng mà tự thân nó có thể được yêu thương. Tuy nhiên, nó không thể được tri giác, nên không thể tự nó được yêu thích. Cái ngã, “tôi”, luôn luôn có một nền tảng xuất hiện đồng thời với nó, khi được nhận biết, hay yêu thương.

Khi làm việc với vấn đề “Tôi muốn hiểu biết về bản thân mình”, thì làm sao chúng ta có thể tự tri? Chúng ta hiểu biết về bản thân mình, về mặt tâm trí, kiến thức, kinh nghiệm, cơ thể và vân vân. Đó là cách mà mình tự tri. Tự ngã là một sự định danh trên tất cả những điều này. Tương tự như vậy, làm sao để giải thoát tự thân? Chúng ta không thể cải thiện bản thân, mà không làm việc với tâm thức và cảm xúc của mình, chẳng hạn vậy. Một bản ngã có thể được xử lý một cách độc lập với tất cả những thứ khác. Như tôi đã nói, nó luôn luôn có một nền tảng.

Hãy nhớ rằng chúng ta đã khởi sự loạt bài nói chuyện này bằng cách yêu cầu mọi người nghĩ về cái “tôi”, hay tự ngã. Cách duy nhất mà chúng ta có thể nghĩ về bản thân mình là với âm thanh trong đầu của chữ "tôi", một tâm ảnh, hay một cảm giác, hay điều gì đó. Chúng ta không thể chỉ nghĩ về “tôi”, mà không có điều gì như nền tảng cũng xuất hiện. Tương tự như vậy, chúng ta không thể giải thoát một mình cái “tôi”, mà không cần phải làm việc với một cái “tôi” như một sự định danh trên một nền tảng, và được nhận biết đồng thời với nền tảng của nó. Ngay cả khi được giải thoát, thì bản ngã vẫn sẽ là một sự định danh trên một nền tảng, nhưng bây giờ thì trên một nền tảng thanh tịnh.

Hệ quả của điều này là gì? Khi đang tu tập để thành tựu giải thoát, thì ta phải nghĩ về kinh nghiệm hàng ngày của mình, với tất cả các vấn đề và phiền não mà mình phải đối diện, và cái “tôi” như một sự định danh trên những điều này. Đó là cách mà ta sẽ tu tập, để thành tựu giải thoát cho tự ngã. Không phải là chỉ nghĩ về một bản ngã trừu tượng, mà không có điều gì khác xuất hiện, và nghĩ rằng mình đang giải thoát điều đó. Đó là điều bất khả. Nếu là như vậy, thì ta sẽ không liên hệ các bài thiền với đời sống hàng ngày, nên chúng sẽ có rất ít tác dụng. 

Tóm Tắt

Do đó, tuy phải có ý thức thông thường về tự ngã có nghị lực và quyết tâm để được tự do, nhưng điều quan trọng là khi tu tập tam vô lậu học giới, định, tuệ, để thành tựu giải thoát, thì phải cẩn thận, để không nghĩ rằng mình là cái “tôi” vững chắc, đang tự giải thoát cho mình. Phải thận trọng, để không tiếp cận các vô lậu học này với thái độ như: “Tôi sẽ khống chế tâm mình”, “Tôi sẽ kiểm soát hành vi của mình”, và “Tôi sẽ tự giải thoát bản thân”, như thể ta là một cái “tôi” riêng biệt, vững chắc.

Hãy hấp thụ điều này trong chốc lát. Tất nhiên, có rất nhiều điều để tiếp thu. Chúng ta chỉ có thể tóm gọn trong một câu nhỏ: Đừng cố gắng giải thoát một bản ngã giả dối, bởi vì một cái ngã như vậy không hề tồn tại. Thay vì vậy, ta sẽ tu tập để giải thoát cái “tôi” quy ước. Hãy quán chiếu về điều này, trước khi kết thúc buổi thảo luận.

[Thiền]

Top