Phát Triển Lòng Quan Tâm Lành Mạnh Đối Với Tha Nhân

Bình Luận: Kiếp Người Quý Báu Và Tu Tập Để Đoạn Diệt Khổ Đau 

Trong quá trình tiến triển của Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ, chúng ta đã xem xét phạm vi sơ căn và trung căn. Dựa vào bàn luận từ đầu đến giờ, chúng ta thấy rằng trước khi bắt đầu loại trừ cái ngã giả dối, thì điều rất quan trọng là phải xây dựng ý thức về cái ngã quy ước, và xem trọng sự tồn tại của nó. Với sự hiểu biết này, thì ta sẽ xem trọng sự kiện là mình đang có một thời gian nghỉ ngơi, tạm thời thoát khỏi những tình trạng kinh hoàng và chướng ngại lớn. Sau đó, ta sẽ nhận ra là trong khi có được tự do, thì mới có nhiều cơ hội để làm điều gì đáng kể và có ý nghĩa với đời sống của mình.

Một trong những giả định cơ bản trong nhà Phật là tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc, và không ai muốn khổ đau. Nỗ lực theo bản năng để có được hạnh phúc thì tương tự như nỗ lực theo bản năng để các sinh vật phát triển và lớn lên, giống như bản năng sinh tồn. Chúng ta không muốn bị suy sụp và chết, mà muốn tiếp tục sống và phát triển.

Khi xem trọng kiếp người quý báu, ta sẽ nhận ra mình có thể làm điều gì đó, để hạnh phúc hơn, và điều này sẽ giúp cho mình trân trọng cuộc sống này hơn nữa. Để cố gắng giúp cho bản thân hạnh phúc hơn, thì trước tiên, mình phải quan tâm đến bản thân, và những gì ta trải nghiệm, phải nhìn bản thân một cách nghiêm túc. “Nghiêm túc” có nghĩa là công nhận là mình tồn tại, và muốn được hạnh phúc, và có quyền được hạnh phúc, giống như người khác. Chúng ta phải nhận ra là không có gì sai lầm, khi quan tâm đến những điều mình trải nghiệm. Trên thực tế, đó là dấu hiệu của một tự ngã tích cực, một ý thức lành mạnh về bản thân.

Chúng ta có tự do tạm thời, hay thời gian nghỉ ngơi, thoát khỏi những nỗi khổ thật kinh hoàng, và nếu không làm điều gì để đảm bảo cho sự tự do này sẽ tiếp tục, thì rất có thể ta sẽ lại trải qua những nỗi khổ khủng khiếp. Rõ ràng là mình muốn tránh điều đó. Điều này cũng rất lành mạnh.

Chúng ta đã bắt đầu học cách tránh né nỗi khổ, khi mới chập chững biết đi. Lúc còn nhỏ, chúng ta đã biết nếu như thọt tay vào lửa, hay chạy ra đường sá có nhiều xe cộ, thì sẽ khiến cho mình đau đớn và khổ sở. Trên thực tế, có đủ thứ nguy hiểm, và trong quá trình phát triển ý thức lành mạnh về bản thân khi còn nhỏ, ta đã học cách tránh nhiều nguyên nhân tạo ra khổ. Trong quá trình phát triển Lam-rim, chúng ta cũng đang làm điều tương tự, nhưng ở mức độ người lớn hơn.

Hơn nữa, ta sẽ nhận ra nếu muốn đoạn trừ nỗi khổ, thì phải đoạn trừ nhân tạo khổ. Trước tiên, phải cải thiện tính tự chủ, để không tạo ra ác nghiệp, đặc biệt là hành vi tự hủy hoại bản thân, bởi vì ta thấy cách mà hành vi này sẽ tạo ra khổ đau như thế nào. Ở giai đoạn này, chúng ta đang cố gắng chấm dứt nhân tạo khổ, bằng cách đoạn diệt một mức độ nào đó của vô minh, nghĩa là vô minh về luật nhân quả. Việc luyện tập khả năng tự chủ và ý chí để kềm chế ác hạnh, sẽ đem lại hạnh phúc thông thường. Tuy nhiên, hạnh phúc thông thường này không bền lâu, hay làm cho mình vui lòng rất lâu dài, như đã bàn luận trước đây.

Những Cách Tồn Tại Bất Khả: Cái “Tôi” Giả Dối, So Với Cái “Tôi” Quy Ước

Chúng ta hiểu rằng vấn đề là mình đang nghĩ về một “cái tôi” vững chắc, điều sẽ áp dụng tính tự chủ, và kiểm soát cái tôi hư đốn, v.v... Đây là sự sai lầm về cách nhận thức về cái tôi đang áp dụng kỷ luật với bản thân. Những phẩm chất như kỷ luật tự giác, ý chí, tự chủ, v.v..., đều cần thiết. Chúng được phát triển trên cơ sở của cái “tôi” quy ước, và không phải là những phẩm chất mình muốn loại bỏ. Tuy nhiên, chúng ta muốn loại bỏ những quan niệm sai lầm mà mình có về cái “tôi” đang phát triển chúng. Tất nhiên, nếu muốn thực hiện điều này, thì phải bác bỏ những cách bất khả mà mình tưởng tượng cái “tôi” quy ước đang tồn tại, rồi loại bỏ tâm vô minh và mê lầm về chúng. Bằng cách đó, ta sẽ không tin rằng mình tồn tại theo những cách bất khả này.

Để bác bỏ những cách bất khả mà ta tưởng tượng mình đang tồn tại, thì trước tiên, phải xác định và nhận ra chúng trong kinh nghiệm của mình. Sau đó, ta sẽ bác bỏ từng cái một, khi thấy rằng chúng không tương ứng với thực tế. Theo từng bước một, quá trình này sẽ ngày càng trở nên tinh vi hơn. Nó dựa trên ý nghĩa lành mạnh của cái “tôi” quy ước, người muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau.

Điều quan trọng cần lưu ý là những gì mình đang trải qua trong cuộc sống là trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, không phải mình là tác nhân duy nhất, vì có rất nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến những điều mình trải nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta đóng một vai trò quan trọng, đối với những gì mình trải qua, và thực hiện trong đời sống. Vì vậy, phải chủ động kiểm soát cách mình hành xử và lèo lái cuộc đời. Tuy nhiên, ta sẽ không làm điều này như một người điều khiển tuyệt vời ở trong đầu mình.

Quyết Tâm Để Được Tu Do

Vấn đề sẽ không tự biến mất, mà ta phải làm điều gì để giải quyết chúng. Điều này có nghĩa là:

  • Ta muốn đoạn trừ nỗi khổ vì đau khổ.
  • Hạnh phúc thông thường mà mình trải nghiệm thì bất toại nguyện, không bao giờ đủ, nên ta cũng muốn diệt trừ những tình huống rắc rối như vậy.
  • Thêm vào đó, ta cũng muốn đoạn trừ tính cưỡng ép của những thăng trầm trong đời sống cứ tái diễn, và nền tảng để trải nghiệm chúng.

Vì những điểm này, ta sẽ quyết tâm một cách mạnh mẽ để được tự do, điều thường được gọi là “tâm xả ly”, để thoát khỏi luân hồi. Đó là cái “tôi” quy ước muốn được tự do. Chúng ta muốn được mạnh khỏe, và thấy rõ ràng điều gì sẽ đem lại lợi ích to lớn nhất, và có nghị lực để làm điều đó. Nhưng điều này sẽ không thể xảy ra, nếu như mình cố gắng thực hiện nó như một hoạt động mạnh mẽ, để gia tăng tầm quan trọng của bản ngã, như cách nói ở phương Tây. Đây không phải là cái ngã to lớn, mạnh mẽ đang tồn tại một cách tự túc, đang nghĩ rằng: "Tôi sẽ giải thoát bản thân.". Thái độ này sẽ không hữu hiệu. Nói một cách chính xác thì chúng ta đang cố gắng giải thoát điều gì? Nếu như mình đang cố gắng giải thoát cái “ngã” giả tạo, như đã mô tả trước đây, thì cái “ngã” giả dối đó không tồn tại. Điều đó vô ích. Thay vì vậy, thì phải giải thoát cái ngã quy ước.

Với ý chí và quyết tâm của cái ngã quy ước, ta sẽ tu tập giới vô lậu học, thọ giới và giữ giới v.v... Các loại giới trong nhà Phật sẽ uốn nắn hành vi của mình. Sau đó, dựa trên chánh niệm và tâm tỉnh giác ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, từ giới luật của việc giữ giới, ta sẽ có công cụ để đạt được định vô lậu học. Hơn nữa, với định vô lậu học này, thì ta có thể tập trung vào tuệ vô lậu học, mà mình sẽ sử dụng, để bác bỏ bất cứ niềm tin nào về cách tồn tại bất khả của “tôi”. Ta sẽ thấy rõ rằng những cách bất khả này không tương ứng với điều gì chân thật, đó là ý nghĩa của tánh Không -  sự vắng bóng của cách mà một đối tượng hiện hữu một cách bất khả, dựa vào sự phóng chiếu của tâm. 

Có điều gì khác bất khả về bản ngã không, ngoài việc nó thường hằng, không có các thành phần, tách rời khỏi bất cứ uẩn nào, và là sự tồn tại tự túc, có thực chất? Chúng ta không thể tồn tại và sống hoàn toàn độc lập với những người xung quanh. Không chỉ là không có cái “tôi” tách rời với nền tảng của một thân, tâm, cảm xúc, cảm giác, vân vân, mà ngoài ra, còn không có cái “tôi” riêng biệt và không liên hệ với người khác. Tất nhiên, chúng ta là những cá nhân, nên theo quy ước, thì ta tách rời với người khác. Tôi không phải là bạn. Khi bạn ăn một bữa ăn, thì nó không làm cho tôi no. Vâng, chúng ta là những cá thể riêng biệt, nhưng không phải theo cách sai lầm mà ta nghĩ là mình tồn tại, hoàn toàn không liên quan và độc lập với người khác.

Phát Tâm Từ Bi Với Bản Thân Và Tất Cả Chúng Sinh, Về Mặt Tình Cảm Và Lý Trí

Do đó, nếu thật sự muốn phát triển ý thức lành mạnh về bản thân qua Lam-rim, thì cũng phải quan tâm đến người khác, đến cái “tôi” quy ước của họ. Ta sẽ bắt đầu phát triển lòng quan tâm lành mạnh với người khác, một khi nhận ra sự tồn tại của mình phụ thuộc vào công việc của người khác, vào việc mình được họ nuôi dưỡng v.v... Nếu muốn làm việc này, thì phải mở lòng, và mở rộng phạm vi tích cực về cách mình suy nghĩ. Phải mở rộng mối quan tâm tích cực đối với cái “tôi” hữu hạn này, để bao gồm cả tha nhân, trong phạm vi của nó.

Điều mà mình muốn xây dựng là nhận thức rằng: "Giống như mình muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau, thì người khác cũng vậy.". Với nhận thức đó, ta sẽ muốn phát triển không chỉ ước muốn cho mình được hạnh phúc và không đau khổ, mà trên cơ bản là lòng từ bi đối với tự thân, mà còn ước mong cho người khác cũng được hạnh phúc và không đau khổ, nên đó là lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Chỉ khi có lòng từ bi với tự thân, thì ta mới có cảm xúc chân thành đối với người khác. Do đó, phải mở rộng ước nguyện này. Ta sẽ mở rộng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh, bắt đầu từ bản thân mình. Nếu không, nếu như nghĩ rằng mình không đáng được hạnh phúc, thì ta sẽ tự hỏi tại sao người khác lại xứng đáng được hạnh phúc? Đây là một thái độ thiếu quân bình và không lành mạnh.

Có hai cách để phát tâm từ bi: bằng tình cảm và bằng lý trí. Điều rất quan trọng là phải có cả hai, vì chúng sẽ củng cố lẫn nhau. Nếu chỉ có một cách thôi, thì sẽ thiếu sót.

Khi tu tập theo phạm vi trung căn, để đoạn trừ phiền não, thì rất có thể ta đã không thành tựu quả vị A la hán của bậc giải thoát, hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não. Trong hầu hết trường hợp, thì ta sẽ tiến bộ một chút, và sau đó tiếp tục cố gắng phát triển phạm vi Đại thừa, trước khi thành tựu giải thoát hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bỏ qua phạm vi sơ căn và trung căn. Nó đơn giản có nghĩa là không đi đến kết cuộc của phạm vi trung căn. Đây là cách mà Lam-rim được cấu trúc.

Trình Tự Cảm Xúc, Để Phát Tâm Từ Bi

Hiện giờ, nhiệm vụ của ta là mở lòng và quan tâm đến tất cả chúng sinh, không chỉ bản thân mình. Đây là phạm vi Đại thừa. Nó rộng lớn, vì nó bao gồm tất cả chúng sinh. Điều ngăn cản lòng cởi mở này là vì ta thấy một số người thì hấp dẫn, một số người thì đáng ghét, và thờ ơ với những người khác. Đây là cái gọi là tam độc:

  • Tham
  • Sân
  • Si, hay thờ ơ với sự kiện là người khác hiện hữu, nên sẽ bỏ mặc họ.

Nếu như nghĩ về mặt cái ngã vô thỉ và vô chung, thì ta đã có những phiền não này đối với tất cả những chúng sinh mà mình đã từng tiếp xúc. Vì lẽ đó, vào lúc nào đó, tất cả mọi người đã từng là bạn, là kẻ thù, là người xa lạ với mình. Vấn đề chỉ là họ đã đóng như vai trò đó vào thời điểm nào thôi. Những vị trí này đã thay đổi liên tục. Dựa vào sự kiện đó, có một phương pháp để phát tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, được chia sẻ trong phạm vi trung căn và thượng căn, bởi vì nó sẽ cải thiện những phiền não căn bản về sự lôi cuốn, ác cảm và thờ ơ. Đó là cơ sở cho cả hai cách phát lòng từ và lòng bi một cách bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, bằng tình cảm và lý trí.

Hãy xem trọng điểm này. Phương pháp này để phát tâm bình đẳng, là phương pháp tu tập đầu tiên trong giáo pháp của phạm vi thượng căn, được chia sẻ với các pháp tu của phạm vi trung căn. Đó là vì nó dựa trên những phiền não ô trược. Dựa trên quan niệm sai lầm về một cái “tôi” vững chắc đang ngự trị trong đầu mình, rồi để làm cho cái “tôi” đó vui vẻ, thì ta sẽ thấy người khác lôi cuốn. Ta cảm thấy nếu như có thể khiến cho một vài người trong số những người khác ưa thích “mình”, để trở thành bạn của mình, và chú ý đến mình, thì điều đó sẽ giúp cho cái “tôi” vững chắc đó hạnh phúc. Ngoài ra, nếu như có thể lánh xa một số người mà mình không thích, hoặc những người đã chơi xấu với "mình", thì điều đó sẽ khiến cho "mình" hạnh phúc. Cuối cùng, nếu như phớt lờ người khác, và không giao du với họ, thì cũng sẽ làm cho “tôi” hạnh phúc và an toàn hơn. Tất cả những ví dụ này đang đối phó với nỗ lực vô ích này, để tạo ra cái ngã vững chắc này, ngồi sau bàn điều khiển, cảm thấy an toàn, bằng cách dựa vào những phiền não ô trược.

Tuy nhiên, nếu như nghĩ về tái sinh vô thỉ, qua thời gian vô thỉ, thì tất cả chúng sinh đã tử tế với mình, ở một lúc nào đó. Hơn nữa, tất cả chúng sinh cũng đều đã xử tệ với ta, đôi khi làm tổn thương ta, và đã có lúc thì họ không làm gì cả. Trên cơ bản thì không có lý do gì để ưa thích hay ghét bỏ, hoặc thờ ơ với bất cứ chúng sinh nào, bởi vì tất cả mọi người đều đã hành động theo cả ba cách này đối với mình, vào lúc này hay lúc khác. Bây giờ, nếu như sự việc là như vậy, nếu như mình phát tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, thì không chỉ hiểu rằng tất cả chúng sinh đã từng là bạn, là kẻ thù và người xa lạ với mình, ở một thời điểm nào đó, mà còn nhận ra tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình, người tử tế nhất đối với mình. Đây là bước đầu tiên trong trình tự cảm xúc, để phát tâm từ và tâm bi.

Dựa theo cách này, ta đã làm cho phiền não ô trược đối với tất cả chúng sinh lắng dịu, và bây giờ, muốn xây dựng những cảm xúc tích cực đối với họ. Ta sẽ thực hiện điều này, trên cơ sở là tất cả chúng sinh đã từng là người tử tế nhất với mình, trong một kiếp nào đó. Theo khai thị cổ điển, thì cách đối xử tử tế nhất là của người mẹ. Nếu không có lòng tốt của tình mẫu tử và sự chăm sóc của mẹ - nếu không phải từ mẹ của mình, thì từ người khác - thì ta đã không sống sót ở giai đoạn phôi thai. Nói một cách rốt ráo thì điểm mấu chốt là mẹ của mình đã không phá thai, khi bà đang mang thai, nên ngày nay, ta mới có được kiếp người quý giá.

Sau đó, ta sẽ tập trung vào lòng tốt mà mình đã thọ nhận từ người khác. Có thể mẹ của mình đã đối xử không tốt với mình, nhưng nếu chú trọng vào điều đó, thì không có ích lợi gì. Việc thừa nhận lòng tốt của chúng sinh sẽ dẫn đến lòng biết ơn. Ta thật sự tri ân tất cả những tấm lòng tử tế đối với mình. Có thể bổ sung cho cảm giác này, bằng cách nghĩ về cách mà người khác đã đối xử tốt với mình ra sao, ngay cả khi họ không phải là mẹ của mình. Ví dụ như họ đã trồng trọt và vận chuyển thực phẩm mà mình đã ăn. Họ đã xây dựng đường sá và hệ thống dây điện. Trên thực tế thì tất cả mọi thứ mà mình sử dụng, đều xuất phát từ công lao của người khác. Cho dù họ có làm việc này với mục tiêu tạo lợi lạc cho mình hay không thì không quan trọng. Vì công lao của họ với lòng tử tế, mà ta rất biết ơn, và vì rất tri ân và cảm kích lòng tốt này, nên tự nhiên, mình sẽ muốn giúp đỡ họ. Ta sẽ muốn làm điều gì để trả ơn cho họ. Đó không phải là vì cảm giác tội lỗi, mà chỉ vì lòng biết ơn.

Trong cuộc bàn luận này, điều quan trọng là phải nhận ra rằng việc đền đáp lòng tốt của người khác không giống như thể mình mắc nợ, nên sẽ thấy tội lỗi, nếu như không trả nợ cho họ. Đó không phải là nghĩa vụ mà mình phải làm. Thay vì vậy, ta chỉ muốn sửa chữa và khắc phục những điều bất ổn cho họ thôi. Đây là ý nghĩa của thuật ngữ Tây Tạng được sử dụng ở đây, dran-gso. Tất nhiên là mình rất biết ơn, nên mới muốn giúp đỡ người khác, vì cảm thấy mình có một sự liên hệ thân thiện với họ. Cảm giác này tự nhiên sẽ dẫn đến tình thương ấm áp. Với tình thường nồng nhiệt này, thì ta sẽ rất vui, khi gặp gỡ bất cứ người nào, và sẽ đau lòng, nếu như họ gặp điều không may.

Những tác phẩm Lam-rim tiêu chuẩn không liệt kê việc phát triển tình thương ấm áp như một bước riêng biệt trong trình tự này. Nó sẽ tự động phát sinh, khi ta thật lòng biết ơn lòng tốt mà người khác đã dành cho mình. Nhưng nếu như nghĩ rằng: “Tôi có món nợ này, và phải trả nợ”, thì chắc chắn mình sẽ không vui, khi gặp bất cứ người nào. Nó không phải là : “Không xong rồi, bây giờ thì ta phải xử tốt với người này, bởi vì họ đã tử tế với mình năm triệu kiếp trước đây.”. Phải cố gắng hiểu ý nghĩa của giáo pháp.

Tình thương ấm áp này sẽ đưa đến sự phát triển lòng từ và lòng bi bằng cảm xúc, nghĩa là muốn cho họ được hạnh phúc và nhân hạnh phúc, và thoát khổ và nhân tạo khổ. Và ta sẽ cố gắng giúp cho họ được hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau.

Chúng ta sẽ thấy tinh thần trách nhiệm giúp đỡ người khác, trong những bước phát triển tứ vô lượng tâm: từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, và xả vô lượng. Ví dụ như, ta sẽ nghĩ rằng:

  1. Nếu tất cả chúng sinh đều hạnh phúc, thì tuyệt vời biết bao nhiêu.
  2. Nguyện cho họ được hạnh phúc.
  3. Nguyện cho con có thể đem lại hạnh phúc cho họ, và con sẽ làm điều gì đó, để tạo ra điều này.
  4. “Xin chư Bổn sư, chư đạo sư, chư Phật gia hộ cho con, để con có thể làm điều đó.”.

Việc gánh trách nhiệm để làm điều gì đó, để giúp đỡ tha nhân là một phần không thể thiếu của lòng từ bi.

Đây là việc phát triển cảm xúc của lòng từ bi, nhưng nó phải được củng cố. Chỉ làm việc theo cảm xúc đơn thuần thì không ổn định. Nhưng trước khi tìm hiểu cách giúp cho những cảm xúc tích cực này được ổn định, thì hãy nghiền ngẫm việc phát tâm từ bi bằng tình cảm một chút. Để ôn lại một cách ngắn gọn, thì ta sẽ tu tập để khắc phục bất kỳ dấu vết nào có thể còn sót lại của những phiền não ô trược, như sự lôi cuốn, ác cảm và thờ ơ. Ta sẽ xóa bỏ những điều này trong tâm, ở mức độ tốt nhất theo khả năng của mình, rồi phát triển những cảm xúc tích cực như lòng từ và lòng bi.

Tất nhiên, người cảm nhận lòng từ bi là cái “tôi” quy ước. Người khác đã tử tế với "tôi." Họ đã tử tế với ai? Họ đã đối xử tốt với cái “tôi” quy ước. Thậm chí, ta không thể nghĩ về lòng tốt của người khác, nếu như không nghĩ rằng có một cái “tôi” quy ước. Họ đã bày tỏ lòng tốt đó cho ai? Không có ai cả? Trên cơ bản, những bài thiền này sẽ tái khẳng định cái “tôi” quy ước.

[Thiền]

Trình Tự Hợp Lý Để Phát Tâm Từ Bi

Ngoài những phiền não thô, còn có khai thị về phiền não vi tế. Phiền não vi tế là những gì còn sót lại, khi đã bác bỏ mức độ đầu tiên của phiền não thô, về những điều bất khả, liên quan đến bản thân. Phải chứng ngộ rằng một cái ngã không có cách nào để tồn tại, mà không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì, và không có các thành phần. Ở đây, chúng ta muốn nói đến một cái ngã không phụ thuộc vào bất cứ nền tảng nào, có thể được giải thoát và tự nó tồn tại, và có thể được nhận biết một mình. Tuy nhiên, một khi đã bác bỏ điều này, thì vẫn chưa đủ để đoạn trừ tất cả phiền não. Theo một vài khai thị trong nhà Phật, thì việc bác bỏ cái “tôi” giả dối ở mức độ ban đầu sẽ giúp ta đoạn trừ những phiền não thô, nhưng vẫn còn sót lại phiền não vi tế.

Chúng ta thật sự phải suy nghĩ nhiều, và cố gắng tìm hiểu xem những phiền não vi tế còn sót lại là gì. Rất khó nhận diện ra chúng. Chúng không dựa vào việc nghĩ về cái “tôi” này, người điều khiển nhỏ bé nằm trong đầu, muốn làm cho một số người yêu thích “tôi”, và những người khác lánh xa “tôi”. Chúng ta không nghĩ như vậy về bản thân. Chúng ta biết rằng đó là ảo tưởng, một sự hư cấu hoàn toàn.

Nếu không có sự lôi cuốn hay ác cảm, hoặc thờ ơ nào đối với ai, thì còn sót lại cái gì về một cái “tôi” giả dối? Chúng ta vẫn còn lại một cái “tôi” giả dối mà mình tưởng rằng nó tồn tại riêng rẽ với tất cả những pháp khác, như thể nó được gói trong bao nhựa. Ta hiểu rằng đó là một sự quy gán trên các uẩn, và chỉ có thể được nhận biết về mặt các uẩn, và tất cả những điều đó. Tuy nhiên, vì mỗi một người trong chúng ta là một cá thể, nên có vẻ như ta và người khác đều được gói trong bao nhựa, giống như những quả bóng bàn, và mỗi người chúng ta thiết lập sự tồn tại của mình bằng một thứ gì đó, có thể tìm thấy trong bản thân mình, tạo ra lớp vỏ nhựa này. Đây cũng là một chuyện hư cấu hoàn toàn, và không tương ứng với cách mình thật sự tồn tại.

Không phải là mình cảm thấy bị lôi cuốn hay có ác cảm với bất kỳ thứ gì khác, cái gọi là những quả bóng bàn. Tuy nhiên, ta sẽ phân biệt chúng một cách rõ ràng, như thể mỗi quả đã tự tạo cho mình một bản sắc cố hữu, nên ta cảm thấy một số quả bóng bàn này gần gũi với mình, còn một số khác thì cách xa. Giả thuyết của tôi là những cảm giác như vậy là những phiền não vi tế. Đó là cảm giác là một số người và sinh vật thì gần gũi với mình, nên ta sẽ giúp họ trước, còn một số ở xa, rất xa, nên sẽ không giúp đỡ họ, cho đến sau này, nếu có bao giờ giúp đỡ họ.

Chúng ta thường tạo ra sự khác biệt này, dựa vào cách mình quan niệm về người khác. Do đó, phải tu tập việc phát tâm từ bi một cách hợp lý, và điều này sẽ khắc phục phiền não vi tế này. Ngay cả khi giả thuyết của tôi không đúng, và những cảm giác gần gũi và xa cách này không phải là những gì mà kinh sách nhà Phật gọi là phiền não vi tế, thì tôi nghĩ rằng việc phân biệt phiền não theo những mức độ vi tế là điều ích lợi.

Vậy thì sự phát triển cảm xúc của lòng từ bi chú trọng vào việc khắc phục những phiền não thô, trong khi cách phát triển lòng từ bi bằng lý trí được nhắm vào mục tiêu khắc phục phiền não vi tế. Trong trình tự cảm xúc này, không có lý do gì để bị lôi cuốn, có ác cảm, hay thờ ơ với người khác, vì tất cả chúng sinh đều rất tử tế với mình vào lúc này hay lúc khác. Nhờ trình tự này, ta sẽ phát triển cảm giác ấm áp. Tuy nhiên, vì vẫn tin rằng một số người gần gũi với “tôi” và người khác thì xa cách với “tôi”, nên phải có một cách tiếp cận hợp lý hơn, để phát triển một thái độ bình đẳng đối với mọi người. Ta sẽ làm điều này, dựa trên lý luận rất hợp lý rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng, vì tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ. Do đó, việc có thái độ bình đẳng đối với tất cả chúng sinh là điều hợp lý. Tuy nhiên, sự hiểu biết này không phải là cảm xúc; không dựa trên lý luận rằng tất cả chúng sinh đều đã tử tế với mình.

Có chín quan điểm mà ta có thể sử dụng, để chứng minh một cách hợp lý rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Tuy nhiên, không có thời gian để xem xét tất cả những quan điểm này. Tôi chỉ nêu ra một ví dụ - dù cho người nào là mẹ của mình trong kiếp này, hay là mẹ của mình cách đây 10,000 kiếp, thì vẫn là mẹ của mình. Tương tự như vậy, cho dù ai đó đã tử tế với mình trong kiếp này, hay 10,000 kiếp trước, thì họ vẫn tử tế như nhau. Nhờ chín điểm này, ta sẽ phát tâm bình đẳng, khắc phục những phiền não vi tế này. Đây được gọi là tâm bình đẳng đặc thù trong Đại thừa.

Sau đó, dựa vào cách rất lý trí, ta sẽ nhận ra nỗi khổ bắt nguồn từ tâm ái ngã, và hạnh phúc bắt nguồn từ tâm ái tha. Chúng ta đã có một ý thức lành mạnh về tự ngã, nên không phải là không có cảm giác tích cực về bản thân. Ta cũng sẽ không tạo ra thêm cảm giác tiêu cực rằng: “Khi mình ích kỷ và ái ngã thì thật là kinh hoàng.” Trong trường hợp này thì ta sẽ trút vào bản thân nhiều điều tiêu cực hơn. Sự trao đổi này, mà ta sẽ bác bỏ và đoạn trừ tâm ái ngã, và thay vì vậy thì có tâm ái ngã, phải dựa vào ý thức lành mạnh về bản ngã quy ước.

Theo một cách rất hợp lý, ta sẽ thấy rằng thân thể của mình bắt nguồn từ những mảnh nhỏ trong cơ thể của hai người khác, đó là tinh trùng và trứng của cha mẹ mình, và thân thể của người khác cũng vậy. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa việc lau mũi cho mình và lau mũi cho người khác? Không có sự khác biệt. Đó là mũi của một thân thể bắt nguồn từ cơ thể của những người khác. Chúng đều giống nhau, chúng chỉ là những cái mũi. “Tôi chùi đít mình, tôi chùi đít bạn, tôi chùi đít em bé, hay tôi chùi đít em bé của người khác”. Có gì khác biệt không? Nó chỉ là việc chùi đít thôi. Vậy thì cũng như mình có thể chăm sóc cơ thể này, thì ta có thể chăm sóc cơ thể của bất cứ người nào khác. Nó chỉ là một cơ thể thôi. Đây không phải là cách quan tâm đến người khác bằng cảm xúc, đúng không? Nó rất hợp lý.

Chúng ta có pháp tu hoán chuyển ngã tha, và đi cùng với nó là pháp tu Tonglen, cho và nhận, với lòng từ và lòng bi: Với lòng bi, ta sẽ nhận lấy nỗi khổ của người khác, và với lòng từ, ta sẽ trao tặng hạnh phúc của mình cho họ. “Nguyện cho bạn được hạnh phúc. Nguyện cho bạn thoát khổ.”.

Việc có phát tâm từ bi bằng tình cảm và lý trí này rất quan trọng. Nếu chỉ có nó về mặt lý trí, thì sẽ thiếu sót chất lượng tình cảm. Nếu chỉ có nó về mặt cảm xúc, thì không ổn định. Hai yếu tố phải bổ sung cho nhau.

Quyết Tâm Phi Thường

Tiếp theo, ta sẽ phát triển quyết tâm phi thường. Với lòng từ bi, ta không chỉ ước nguyện rằng: “Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, và không bao giờ đau khổ”, mà ta sẽ gánh trách nhiệm thực hiện điều đó, với ước nguyện: “Nguyện cho tôi có thể đem lại điều đó”. Với quyết tâm phi thường, ta sẽ xác quyết là mình sẽ dấn thân giúp đỡ tất cả chúng sinh khắc phục những chướng ngại không chỉ ngăn cản giải thoát, mà còn ngăn trở giác ngộ của họ nữa. Đó là quyết tâm phi thường. Ta quyết định làm điều đó, chứ không chỉ có hảo ý giúp đỡ thôi.

Từ việc tu tập Lam-rim, ta sẽ thấy cách mình có ý thức mạnh mẽ hơn và lành mạnh hơn về tự ngã, một ý thức có chủ ý rằng: “Chắc chắn tôi sẽ giúp cho tất cả chúng sinh hạnh phúc hơn, và không đau khổ. Không chỉ vậy, tôi sẽ đưa tất cả chúng sinh khác đến giải thoát và giác ngộ.". Quyết tâm mạnh mẽ này dựa trên một bản ngã quy ước lành mạnh. Chúng ta đã bắt đầu phát triển một bản ngã quy ước lành mạnh, với sự phát triển lại nghị lực và tính tự chủ trong việc tu tập phạm vi sơ căn, khi đã kềm chế ác nghiệp. Sau đó, ta đã tiếp tục tu tập để thành tựu giải thoát cho tự thân. Bây giờ, ta đã đi đến giai đoạn giúp những chúng sinh khác thành tựu những điều tương tự. Dựa vào cách này, chúng ta đang phát triển ý thức rất mạnh mẽ và lành mạnh về bản thân.

Bồ Đề Tâm Và Các Phẩm Chất Của Bản Ngã Quy Ước

Tuy nhiên, phải bác bỏ những cách bất khả mà ta tưởng tượng là bản ngã tồn tại, trong khi phát triển quyết tâm phi thường này. Không phải là người điều khiển đang ở trong đầu mình, và cũng không phải là một cái “tôi” giống như quả bóng bàn. Ngoài ra, ta sẽ thấy rằng để có khả năng giúp tất cả chúng sinh thành tựu giải thoát và giác ngộ, thì chính mình phải giác ngộ, nên ta sẽ phát bồ đề tâm.

Với bồ đề tâm, ta sẽ chú trọng vào giác ngộ của riêng mình. Đây không phải là tâm giác ngộ của Đức Thích Ca Mâu Ni, không phải là giác ngộ chung chung, mà là giác ngộ của riêng mình, điều chưa xảy ra, nhưng có thể xảy ra, trên cơ sở của những tác nhân sẽ giúp cho nó xảy ra. Các tác nhân bao gồm hai điều gọi là “công đức và trí tuệ”, thường được gọi là “hai bồ tư lương”. Đây là hai trong số những yếu tố được gọi là “những yếu tố Phật tánh” của mình.

Công đức là yếu tố chịu trách nhiệm cho việc thành tựu các Sắc thân của một vị Phật, và trí tuệ là yếu tố chịu trách nhiệm cho việc thành tựu trí toàn giác của Phật. Chúng ta không có thời gian cho một bài giảng chi tiết về Phật tánh, nhưng nói một cách ngắn gọn, thì ngoài hai bồ tư lương này, Phật tánh còn bao gồm bản chất vô tự tánh của tâm, điều sẽ giúp cho sự chuyển hóa xảy ra, và thực tế là dòng tâm thức có thể được thăng hoa và gia trì. Đây là những yếu tố của Phật tánh.

Những yếu tố này là tất cả những phẩm chất của tự ngã, cái ngã quy ước của mình, theo nghĩa là chúng đều là những sự định danh trên dòng tâm thức của mình, cũng như cái “tôi” quy ước. Tất cả chúng ta đều có một số công đức. Làm sao để biết mình có một số công đức? Đó là vì nếu như ta đã từng trải nghiệm hạnh phúc ở mức độ nào, thì nó đã bắt nguồn từ công đức. Do đó, tất cả chúng ta đều có công đức, nếu không thì ta sẽ không bao giờ trải nghiệm hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có một mức độ hiểu biết, nếu không thì thậm chí ta sẽ không hiểu thực phẩm là gì, và cách ăn nó, v.v..., nên tất cả mọi người cũng đều có trí tuệ. Tất cả chúng ta đều “có” hai bồ tư lương này, bởi vì ta và hai bồ tư lương này chia sẻ cùng một nền tảng của sự định danh, một dòng tâm thức riêng biệt.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng không phải là “Tôi đã là Phật, tôi đã giác ngộ.”. Không phải việc làm một vị Phật chỉ ngồi trong tâm mình, và ta chỉ cần nhận ra nó, rồi sẽ hiển lộ nó. Tà kiến về tự ngã là một biên kiến. Một biên kiến khác là "Tôi không bao giờ có thể giác ngộ.". Nhưng nếu như hiểu theo cách lý trí và hợp lý rằng dòng tâm thức có những nguyên nhân như những sự định danh trên nền tảng của nó, là điều sẽ giúp cho mình giác ngộ, thì ta sẽ hiểu rằng giác ngộ của mình là điều khả dĩ. Đó là vì dòng tâm thức này cũng là nền tảng của cái “tôi” quy ước.

Giác ngộ cá nhân mà mình đang hướng tới vẫn chưa xảy ra. Nó không xảy ra hiện nay, nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn không hiện hữu trong hiện tại. Tâm giác ngộ chưa xảy ra của mình tồn tại một cách quy ước, theo nghĩa là nó có thể được nhận biết và hướng tới một cách xác thực. Ví dụ như ngày mai vẫn chưa xảy ra. Nó không xảy ra hôm nay. Nhưng liệu có cái gì như là ngày mai hay không? Có. Nếu ngày mai thật sự không tồn tại, thì nó sẽ luôn luôn là như vậy, và không bao giờ có thể xảy ra. Nhưng nếu ngày mai đã thật sự tồn tại, thì nó đã xảy ra rồi. Nhưng bởi vì ngày mai không tồn tại theo hai cách cực đoan này, mà vẫn tồn tại một cách quy ước, nên ta có thể nhắm vào đó, và dự định làm điều gì vào ngày mai, như giúp mẹ của mình. Tương tự như vậy, giác ngộ chưa xảy ra của chúng ta cũng tồn tại một cách quy ước, và ta có thể nhắm vào việc thành tựu nó, với ý định là sau đó, sẽ làm việc để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Rõ ràng là trên cơ sở của bồ đề tâm, chúng ta có một sự xác nhận vô cùng mạnh mẽ về cái “tôi” quy ước. “Tôi sẽ làm điều đó. Đó là điều có thể thực hiện. Tôi sẽ hướng về giác ngộ”. Đây là bồ đề tâm nguyện. Vượt qua điều đó, thì bồ đề tâm hành là: "Tôi sẽ không bao giờ quay đầu lại.". Hãy nhớ rằng ta đã có những trạng thái chắc chắn rằng:

  • Tôi chắc chắn về điều đó. “Tôi sẽ tu tập để thành tựu giác ngộ.”.
  • Thậm chí, còn có lòng xác tín mạnh mẽ và vững chắc hơn. “Không có điều gì có thể khiến cho mình bỏ cuộc.”
  • Rồi thì: “Tôi sẽ dấn thân vào những pháp tu, để đưa mình đến giác ngộ.”.

Điều thú vị là chữ “dấn thân” này là avatara trong tiếng Phạn, và là avatar trong tiếng Hindi. Chúng ta sẽ trở thành hiện thân (avatar) của Bồ tát. Chúng ta sẽ cố gắng thể hiện bản thân như một vị Bồ tát, với các ba la mật.

Với tư cách là một hiện thân, dấn thân vào bồ tát hạnh, thì ta sẽ làm gì? Trước tiên, ta sẽ thọ bồ tát giới, tạo ra cấu trúc và hình tướng như hiện thân của Bồ tát. Những giới nguyện này đề ra ranh giới về những hành vi mà ta sẽ không vượt qua. Để giữ những giới này, ta sẽ hành trì Lục độ ba la mật, được gọi là “hạnh hoàn hảo” hay paramitas.

Lục Độ Ba La Mật

Lục độ ba la mật cũng củng cố ý thức lành mạnh về cái “tôi” quy ước. Hãy xem xét mỗi một ba la mật.

Bố Thí

Bố thí là một thái độ hào phóng. "Tôi có cái gì để bố thí.". Cái “tôi” quy ước có cái gì đó để cho đi. Khi có thể bố thí, ta sẽ thấy mình đáng giá và có giá trị. Ta có một cái gì đó để trao tặng cho người khác.

Trì Giới

Trì giới củng cố cái “tôi” quy ước. “Tôi sẽ tự chủ và kềm chế ác nghiệp. Thay vì vậy, thì tôi sẽ tạo thiện nghiệp.

Nhẫn Nhục

Hạnh nhẫn đòi hỏi ý thức lành mạnh về “cái tôi” quy ước mà có thể chờ đợi. Sẽ mất nhiều thời gian để thành tựu giác ngộ, và việc giúp đỡ tha nhân cũng rất khó khăn. Chúng ta chỉ có thể hoàn thành những mục tiêu này trên cơ sở của cái “tôi” quy ước. Ta sẽ không nghĩ rằng mọi việc có thể xảy ra ngay lập tức, nên sẽ không tức giận, và có thể chịu đựng khó khăn trong việc tu hành. 

Tinh Tấn

Tinh tấn theo tiếng Phạn là virya, là một từ khó dịch. Virya liên quan đến chữ vira, có nghĩa là “anh hùng” trong tiếng Phạn, hay “quả cảm”. Nó liên quan với chữ vir trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “đàn ông”, nên virya có nghĩa là lòng dũng cảm anh hùng nam tính. Tất nhiên, phụ nữ cũng có thể có phẩm chất này. Không nên nghĩ về điều này theo cách phân biệt giới tính. Việc cam kết để thành tựu giác ngộ thật sự là một chuyến phiêu lưu anh hùng, đòi hỏi rất nhiều sức mạnh, năng lượng và can đảm, chứ không chỉ tinh tấn. "Tôi sẽ làm điều đó, và không có điều gì có thể ngăn cản tôi.". Việc này sẽ giúp ta khắc phục tâm giải đãi lười biếng.

Có nhiều tâm trạng khác nhau, sẽ hỗ trợ cho hạnh tinh tấn mạnh mẽ này, để ta cảm thấy mình muốn thực hiện chuyến phiêu lưu này cho đến cùng, và không bao giờ bỏ cuộc, bất kể điều gì sẽ xảy ra. Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng một trong những yếu tố hỗ trợ này là ý thức tự hào về bản thân. Trong tiếng Tây Tạng, đó là nga-rgyal, có nghĩa là “Tôi sẽ chiến thắng”. Có lòng tự tin này. Nga là “tôi”, cái “tôi” quy ước, và rgyal có nghĩa là “chiến thắng”. "Tôi sẽ chiến thắng." Để có được sức mạnh can đảm này, thì mình phải tự tin. Đây là điều mà niềm tự hào này đề cập đến, và khi bàn luận về niềm tự hào của Hộ Phật trong Mật tông, thì nó cũng là chữ đó. “Tôi sẽ làm việc này. Tôi có thể thực hiện nó, để thành Phật.". Trên cơ bản, ta tự xem mình như cái “tôi” quy ước, là sự định danh trên các uẩn trong từng sát na, kể cả tâm sở tinh tấn (virya), và tất cả các hành vi liên quan trong đó. "Đó là 'tôi.'".

Thiền Định

Thiền định không chỉ bao gồm định tâm, mà còn cả sự ổn định về cảm xúc. Ý thức về cái “tôi” quy ước phải được ổn định, để cảm xúc và tinh thần của mình cũng ổn định.

Trí Tuệ

Cuối cùng, với trí tuệ, thì ta không chỉ phân biệt được cách mình, mà còn phân biệt được cách vạn pháp tồn tại ra sao, và cách mà chúng không tồn tại. Ta có thể bác bỏ việc chúng không tồn tại, và đâu là điều bất khả. Để thành tựu giải thoát hay giác ngộ, thì ta phải đi sâu hơn nhiều, để hiểu điều gì là bất khả. Nói cách khác là ta phải hiểu những cách tồn tại bất khả, mà mình đang phóng chiếu vào tự ngã và vạn pháp.

Điều Gì Thiết Lập Là Mình Hiện Hữu?

Hy vọng là chúng ta đã hiểu rằng không có cái tôi nào không bị tác động vì bất cứ điều gì - nói cách khác là tĩnh tại - và không có các thành phần, không phải là sự quy gán bất khả phân trên nền tảng của sự định danh, mà có thể tồn tại một cách riêng biệt và độc lập với một nền tảng, khi được giải thoát. Chúng ta cũng hiểu rằng cái ngã không thể được nhận thức một mình, nếu như không có điều gì từ nền tảng của sự định danh của nó cũng xuất hiện trong cùng một lúc, và được nhận biết cùng với nó. Hơn nữa, về mặt cái “tôi” quy ước mà trên thực tế là sự định danh trên một dòng tương tục của ngũ uẩn, chúng ta hiểu rằng phạm trù hay khái niệm “tôi” có thể được định danh bằng tâm thức trên các uẩn này, và cái mà nhãn hiệu này đề cập đến là cái “tôi” quy ước, ”không phải là cái “tôi”giả dối, tồn tại một cách vững chắc.

Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi làm thế nào mà phạm trù hay khái niệm về cái ngã có thể được định danh một cách chính xác trên những sát na của kinh nghiệm, được tạo nên từ ngũ uẩn luôn biến đổi? Chúng ta nghĩ rằng các uẩn đang neo giữ bản ngã phải có một vài điểm đặc trưng của nó, vì chúng là nền tảng của sự định danh của nó. Và chính điểm đặc trưng này đã cho phép việc định danh hợp lệ của khái niệm và phạm trù “tôi” trên các uẩn này, như nền tảng của sự định danh. Nó phải là điểm đặc trưng này, khiến cho tôi là “tôi”. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy dấu hiệu đặc trưng xác định này ở đâu, từ phía các uẩn, là nền tảng cho cả hai yếu tố quy gán và định danh trên tinh thần của “tôi?”. Chúng ta thường nghĩ mình có thể tìm thấy dấu hiệu đó trong ý thức, hay tâm thức của mình. Ta nghĩ rằng có điều gì đó có thể tìm thấy ở phía của tâm thức, là nét đặc trưng tạo ;à, cho nó là tâm thức “của tôi”, thiết lập tính chất cá nhân của mình, và thiết lập sự tồn tại của mình như là “tôi”.

Hãy nghĩ về điều này. Nó thật sự rất là tinh tế. Khi ta nghĩ “tôi”, thì không thể nghĩ “tôi” mà lại không nghĩ đến “tâm tôi”, vì đó thường là điều mà ta liên kết với “tôi”, bởi vì ta đồng hóa với việc là người phát ngôn của giọng nói dường như đang diễn ra trong đó . Do đó, ta nghĩ “tâm” hay ý thức là “tôi”, và đặc tính xác định về “tôi” phải ở trong tâm thức. Ta có thể hiểu và tin rằng đúng là bản ngã là một sự quy gán trong tâm thức, và phạm trù “tôi” có thể được định danh trong tâm thức, nhưng vẫn nghĩ rằng phải có một vài dấu hiệu đặc trưng được tìm thấy từ phía ý thức, cho phép sự quy gán và định danh trên tinh thần này trở nên hợp lệ. Dấu hiệu có thể tìm thấy này khiến cho giọng nói trong đầu mình là “tôi”, không phải là “bạn”, hay một chúng sinh ngoài hành tinh nào. Tuy nhiên, khi ta khảo sát, thì không thể tìm thấy một dấu hiệu đặc trưng hay nét đặc biệt nào như vậy, từ phía ý thức. Đây là điều mà mình phải bác bỏ ở mức độ vi tế hơn, rằng có một dấu hiệu đặc trưng như vậy, có thể được tìm thấy. Một bản ngã, “tôi”, có một dấu hiệu đặc trưng có thể được tìm thấy từ phía nền tảng của sự định danh của nó, từ phía nền tảng của sự dán nhãn trên tinh thần không hề tồn tại. Một cái “tôi” như vậy là cái “tôi” bất khả, giả dối.

Để đi sâu hơn một chút, nếu xem xét các thuật ngữ tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng thường được dịch là “sự tồn tại thật sự”, thì thật ra, chúng có nghĩa là “sự tồn tại thật sự được thiết lập”, mà “được thiết lập” là chữ chánh. Trong tiếng Tây Tạng, chữ mà tôi dịch là “thiết lập” là sgrub, và tiếng Phạn là siddha. Điều gì sẽ thiết lập rằng cái gì tồn tại? Điều gì sẽ thiết lập rằng chúng ta tồn tại? Không phải vấn đề là điều gì khiến cho “tôi” tồn tại, hay làm sao ta biết mình tồn tại, mà là điều gì sẽ chứng minh điều đó. Mãnh lực này bắt nguồn từ đâu? Chữ “thiết lập” đó cũng được dùng cho chữ “chứng minh” điều gì đó. Điều sai lầm là có một cái gì có thể được tìm thấy từ phía của “tôi”, một dấu hiệu đặc trưng xác định, hay một “bản tánh tự lập” rằng cái “tôi” ấy tồn tại, bằng tự lực của nó. Cũng không đúng là dấu hiệu đặc trưng xác định của “tôi” có thể được tìm thấy ở phía nền tảng của sự định danh, và dán nhãn “tôi”, tức tâm thức - hay chính xác hơn là ý thức - thiết lập rằng cái “tôi” đó tồn tại. Không có điều gì ở nơi nào mà ta có thể tìm thấy, sẽ thiết lập bằng tự lực của nó, rằng mình tồn tại. Không có cái gì là sự tồn tại tự lập - thường được dịch là “sự tồn tại cố hữu”.

Một cái tôi thiết lập sự tồn tại của chính nó, bằng tự lực của nó, hay bằng điều gì có thể được tìm thấy bên trong nó, hoặc bên trong nền tảng của sự định danh của nó, thì không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Đây là điều vắng mặt, khi nói về tánh Không ở mức độ sâu sắc nhất. Đối tượng được ám chỉ, mà mình đang tưởng tượng ra, thì hoàn toàn vắng bóng. Không có gì là cái “tôi” tự lập. Không có điều gì có thể được tìm thấy bên trong ý thức, bằng tự lực của nó, khiến cho tôi là “tôi”. Đó là ảo tưởng.

Định Danh Trên Tinh Thần

Thật ra điều gì thiết lập là mình tồn tại? Đó là việc định danh trên tinh thần. Điều đó có nghĩa là gì? Nó không có nghĩa là chỉ khi nào tôi gọi thầm tên mình trong đầu là “Alex, Alex, Alex”, “tôi, tôi, tôi”, thì tôi mới tồn tại, và nếu như không làm như vậy nữa, thì tôi không tồn tại. Chắc chắn là nó không có nghĩa như vậy. Việc định danh trên tinh thần không tạo ra bất cứ điều gì. Vậy thì sự tồn tại của “tôi” được thiết lập một cách độc quyền về mặt định danh trên tinh thần có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là sự tồn tại của cái “tôi” quy ước được thiết lập một cách độc quyền, bằng sự kiện là cái tên “tôi” trong tâm thức - cụ thể là phạm trù hay khái niệm “tôi” - được định danh trong tâm thức, trên cơ sở của một dòng tâm thức riêng lẻ của các uẩn, nói về một cái gì đó, cái "tôi" quy ước. Việc định danh như vậy thì hợp lệ, vì “tôi” là một pháp quy ước được chấp nhận, mà không mâu thuẫn với nhận thức xác thực của chân lý quy ước hay tối hậu. Trường hợp tương tự cũng xảy ra, về sự chỉ định của chữ “tôi” trên phạm trù “tôi”, và thông qua phạm trù ấy, việc chỉ định chữ “tôi” trên các uẩn. Sự tồn tại của cái “tôi” quy ước được thiết lập một cách độc quyền, như điều mà chữ đó đề cập đến.

Trong công thức này, "một cách độc quyền" có nghĩa là cả hai việc định danh trên tinh thần hay chỉ định đều không dựa trên cơ sở của một dấu hiệu đặc trưng xác định, có thể được tìm thấy từ phía của các uẩn. Hơn nữa, không có “sự vật” được ám chỉ, tự lập mà tự nó đứng đàng sau đối tượng được ám chỉ của việc định danh trên tinh thần và chỉ định - đứng đằng sau “cái tôi” quy ước - dựng nó lên như một cột trụ. dựng lên một phần phong cảnh trong một vở kịch trên sân khấu. Các phạm trù, từ ngữ, danh xưng, v.v... đề cập đến điều gì đó, nhưng điều mà chúng đề cập đến thì không tự chúng đứng một mình, được gia lực từ phía chúng.

Đây là lý do tại sao tôi phân biệt, và cũng có sự phân biệt trong tiếng Tây Tạng, giữa chữ btags-chos “đối tượng được ám chỉ” và btags-don “điều ám chỉ”. Các phạm trù có vẻ như thật sự tồn tại, như thể chúng là những cái hộp. Điều tương tự cũng có thể được nói về các từ ngữ trong tự điển: chúng cũng có vẻ tồn tại như thể chúng ở trong những chiếc hộp. Rồi thì những thứ thuộc về các phạm trù như vậy, hay những từ như vậy đề cập đến, có vẻ tồn tại theo cách mà chúng có thể được tìm thấy trong những chiếc hộp này. Chúng có vẻ tương ứng với những gì mà các phạm trù và ngôn từ ngụ ý: cụ thể là các đối tượng thật sự tồn tại trong những chiếc hộp, với các đặc điểm xác định của các phạm trù dành cho chúng, và định nghĩa của các từ ngữ dành cho chúng được thiết lập, và có thể được tìm thấy từ phía các danh mục này. Ở đó, chúng thiết lập bằng tự lực của chúng, sự tồn tại của những thứ này trong những chiếc hộp của các phạm trù và từ ngữ dành cho chúng.

Đây là hiện tướng lừa đảo, và sai lầm. Nó không tương ứng với thực tại. Các đối tượng của tri thức, như cái “tôi” quy ước, lòng từ, màu đỏ, v.v..., không tồn tại trong hộp. Vậy thì không có cái gì tương ứng với điều mà nhãn hiệu trong tâm thức và sự chỉ định ngụ ý, những đối tượng tự lập. Tuy nhiên, nhãn hiệu quy ước trên tinh thần và ngôn từ quy ước có đề cập đến điều gì đó, bởi vì tất cả mọi thứ đều hoạt động, nhân và quả vận hành, chúng ta làm các việc, v.v... Đây là một sự phân biệt rất tinh vi ở đây, giữa những gì mà các từ ngữ ám chỉ đến - cụ thể là các đối tượng quy ước, như bạn và tôi - và những gì tương ứng với ngôn từ, như cái “tôi” giả dối.

Việc hiểu được sự phân biệt này, giữa những gì mà các từ ngữ này đề cập đến, và những gì tương ứng với ngôn từ là điều mà mình phải nỗ lực để đạt được. Nó khá tinh vi và phức tạp. Nhưng làm thế nào để tất cả những điều này chuyển dịch thành kinh nghiệm thông thường? Làm sao để nó chuyển dịch thành người bạn cũ của mình, đó là "không có gì đặc biệt?" Không có gì đặc biệt về “tôi”, về phía “tôi”, điều khiến cho “tôi” trở nên rất đặc biệt. Không có gì làm cho tôi là “tôi” cả.

“Không có gì đặc biệt” này có thể được hiểu theo nhiều mức độ sâu sắc. Trên thực tế, toàn bộ cuộc thảo luận này về điều gì thiết lập sự tồn tại của “tôi” đều có thể được bao hàm với sự hiểu biết rằng không có gì đặc biệt về “tôi”. Tôi chỉ là một trong số bảy tỷ người, và chỉ là một trong số vô lượng chúng sinh, nên không có gì đặc biệt. Không có đặc điểm xác định đặc biệt nào từ phía “tôi”, hay tâm tôi, bằng tự lực của nó, khiến cho mình trở nên đặc biệt. Vì vậy nên không có cái “tôi” tự lập để cảm thấy bất an, bởi vì không có cái “tôi” tự lập. Không có cái gì phải được đảm bảo an toàn, không có cái gì bị đe dọa. Chúng ta chỉ cần tiếp tục với đời sống, đặc biệt là cố gắng cải thiện hoàn cảnh của mình, và hoàn cảnh của tha nhân. Hãy cứ làm như vậy. Không có gì đặc biệt về việc làm điều này, vì không có gì đặc biệt về “tôi”.

Kết Luận

Điều này kết thúc đề tài về sự phát triển lành mạnh của tự ngã, nhờ vào Lam-rim. Đó là quá trình tái khẳng định và củng cố ý thức lành mạnh về một “cái tôi”, rồi một khi điều đó đã được xây dựng đến một mức nào đó, xóa bỏ những quan niệm sai lầm về cách mà cái “tôi” quy ước tồn tại, điều sẽ định nghĩa cái “tôi” giả dối. Khi mà quá trình xây dựng ý thức lành mạnh về bản ngã, và loại bỏ ý thức sai lầm về nó sẽ diễn ra ngày càng sâu sắc hơn, thì mức độ của những điều mình bác bỏ sẽ càng trở nên vi tế hơn.

Câu Hỏi

“Không Có Gì Đặc Biệt” So Với Sự Thờ Ơ

Câu hỏi của tôi liên quan đến “không có gì đặc biệt”, và làm thế nào để phân biệt ranh giới giữa tâm ái ngã, hay một loại kỷ luật lành mạnh, và sự thờ ơ hay thư giãn và bỏ bê, vì không có gì đặc biệt? 

"Không có gì đặc biệt" rất khác với "không có gì quan trọng, nên mặc kệ nó.". Với thái độ “không có gì đặc biệt” thì ta sẽ không khiến cho những việc mình đang làm trở thành chuyện lớn. Chúng ta không cần phải quảng cáo nó, và không cần người khác phải cảm ơn mình, vì ta đã làm điều đó. Không có điều gì như vậy cả. Đây là một ví dụ. Giả sử như ta sống trong một tòa nhà của khu chung cư, và ở lối vào của sảnh đường có rất nhiều giấy và rác, và đồng thời, cũng có một thùng rác ở đó. Vậy thì không có gì đặc biệt, ta sẽ nhặt giấy lên và bỏ chúng vào thùng rác. Như ngài Tịch Thiên có nói, các vấn đề không có sở hữu chủ. Nó không phải là vấn đề của tôi, cũng không phải là vấn đề của bạn. Nó chỉ là một vấn đề. Nó chỉ cần được sửa chữa, vì nó là một vấn đề. Vậy thì có những tờ giấy trên sàn nhà, và chúng phải được lượm lên, nên không có gì đặc biệt về điều đó, không có gì đặc biệt về việc mình nhặt chúng lên. Ta chỉ cần làm việc đó thôi.

Ta sẽ nhặt chúng lên, mà không cần phải dán một tấm biển nhỏ trên tường, nói rằng: “Giấy trên sàn nhà đã được .... nhặt lên”, và ký tên của mình lên đó. Việc nhặt chúng lên cũng không đi kèm với cảm giác: “Tôi là nạn nhân, và tất cả mọi người trong tòa nhà này thật kinh khủng. Họ rất cẩu thả, và tại sao tôi phải luôn luôn dọn dẹp cho họ?". Rồi thì ta thấy bất mãn với mọi người, hay nghĩ rằng: "Tôi thật đặc biệt, tôi là người dọn dẹp.". Ta chỉ làm việc này, vì nó cần được làm, không có gì to tát cả. Chúng ta sẽ nhặt giấy lên. Vậy thì sao? Đó là thái độ "không có gì đặc biệt", không phải là thái độ thờ ơ, mà mình không làm gì cả, và chắc chắn cũng không phải là thái độ ái ngã, khi nghĩ rằng: "Tôi đã không xả giấy ở đó, vậy thì tại sao tôi phải nhặt nó lên?". Chúng ta chỉ làm những điều cần làm.

Việc hành động như vậy sẽ hữu hiệu, khi nó dựa trên cảm giác lành mạnh về cái “tôi” quy ước, chứ không phải cái “tôi” giả tạo, cảm thấy bắt buộc là mình phải đi  vòng vòng để dọn dẹp cho mọi người, và nghĩ rằng: “Tôi thật tốt” và “Tôi rất hoàn hảo, và những người khác thì quá khủng khiếp.". Không phải mình là Bồ tát tử vì đạo, và sẽ dọn dẹp cho mọi người. Không phải vậy.

Nếu như mình thấy người làm việc đó, người đã xả giấy trên sàn nhà thì sao?

Nếu như mình thấy người xả giấy, thì mọi việc tùy theo người đó có nghe lời khuyên của mình hay không. Phải sử dụng trí phán đoán của mình.

Để xem người đó có mạnh mẽ hơn mình hay không?

Đây là những tình huống rất khó khăn. Chẳng hạn như ở ga tàu điện ngầm, ga U-Bahn ở Berlin, nơi tôi sống, có quy tắc là “không hút thuốc”. Tuy nhiên, đôi khi thì một số thanh niên nhìn rất mạnh mẽ và hung hãn sẽ hút thuốc ở đó. Tôi là một ông già tóc bạc, và nếu tôi đến gần họ và nói: "Này, đừng hút thuốc!", thì tôi có thể bị đấm vào mặt. Trong trường hợp này, người ta sẽ rèn luyện tính kiên nhẫn. Việc họ hút thuốc thì không quá tệ. Nó sẽ không giết hại tất cả mọi người. Chúng ta sẽ cố gắng không chỉ trích họ trong đầu, và nghĩ rằng: “Ôi, những người đàn ông trẻ tuổi này” và blah, blah, blah với những cách suy nghĩ tiêu cực này. Trên cơ bản thì điều này chỉ khiến cho mình không vui.

Sau đó, có những tình huống thật sự nguy hiểm. Liệu mình sẽ can thiệp hay không, khi người nào làm tổn thương người khác, đánh đập họ, vân vân? Phải đánh giá xem mình có khả năng ngăn chận họ hay không, hay bằng cách nào đó, ta có thể kêu gọi người khác ngăn cản họ. Nếu như có khả năng, thì ta sẽ can thiệp. Nếu không, thì ta sẽ tìm một số biện pháp khác, để ngăn chận họ.

Đôi khi, điều này rất tế nhị và khó khăn. Tôi nhớ đến việc mà hai ông bà trên tàu điện ngầm đã la hét với nhau một cách thật là kinh hoàng và hung hãn. Một người nào đó đã quyết định can thiệp, và nói với người đàn ông rằng: "Này, hãy để cô ấy yên.". Sau đó thì cả hai ông bà đã quay qua người này và mắng anh ta là hãy tự lo chuyện của mình. Đó là vì họ là vợ chồng, và thường tranh cãi, la hét với nhau. Đó là cách mà họ giao tiếp với nhau, nên cảm thấy đó không phải là chuyện của người khác. Đó là lý do tại sao người ta phải thành Phật, để thật sự biết điều gì đang xảy ra trong tình huống này.

Tôi có những người hàng xóm như thế, một cặp vợ chồng già người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi có thể nghe tiếng họ nói, và đôi khi, họ la hét với nhau bằng giọng lanh lảnh. Tuy nhiên, khi được họ mời, nên tôi đã sang thăm họ, thì đó là một cặp vợ chồng thương yêu nhau, và hạnh phúc nhất. Đây chỉ là phong tục về cách họ nói chuyện với nhau, và cách nêu ra quan điểm, khi họ không đồng ý. Trong những tình huống như vậy thì tâm toàn tri sẽ rất hữu ích.   

Một cách tiếp cận thú vị khác là nếu như mình thấy người nào xả giấy, thì hãy nhặt những tờ giấy này, và bỏ chúng vào trong thùng rác, trong khi người đó thấy mình làm như vậy.

Phải hết sức cẩn thận, để không làm điều đó, mà nghĩ rằng: "Hãy nhìn xem tôi tốt như thế nào", với ý định làm cho người kia thấy tội lỗi. Đó là một tình huống rất khó khăn. Tôi đang nghĩ đến ví dụ về một em bé một tuổi ngồi trên chiếc ghế cao, và luôn ném bất cứ thứ gì xuống sàn nhà. Làm sao để dạy đứa bé một tuổi đừng làm điều đó? Điều này không quá dễ dàng. Nó đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Nếu chỉ la mắng hoặc đánh em bé, vì nó đã làm điều đó, là sai. Đứa bé không hiểu. Người lớn cũng có thể rất giống như trẻ em. Đó là thuật ngữ mà ngài Tịch Thiên luôn sử dụng: mọi người là trẻ sơ sinh. Nó sẽ giúp mình phát tâm nhẫn nhục, giống như ta sẽ làm, đối với một đứa bé ... hy vọng là vậy.

Ôn Lại Những Đặc Tính Của Cái “Tôi” Quy Ước Lành Mạnh

Ông có thể ôn lại những đặc tính của cái “tôi” quy ước lành mạnh hay không?

Cái “tôi” quy ước lành mạnh là điều mà nhờ đó, chúng ta sẽ:

  • Gánh trách nhiệm cho hành vi của mình.
  • Quan tâm về hậu quả của việc mình đã làm, đối với bản thân và người khác.
  • Tu tập một cách thực tế, để cố gắng cải thiện phẩm chất trong đời sống của mình và người khác, tùy theo khả năng.
  • Đủ mạnh mẽ để có thể áp dụng tính tự chủ, để không làm điều gì có hại.
  • Có nghị lực, để thực hiện những điều tích cực và lợi lạc.

Tất cả những ví dụ này là ý thức lành mạnh về cái “tôi” mà không thổi phồng “tôi” thành điều gì hoàn toàn bất khả. Đó không phải là cái “tôi” luôn luôn phải tự chủ, hoàn hảo, được mọi người chú ý hay yêu thích.

Tôi luôn thấy câu nói này rất, rất là hữu ích: "Không phải ai cũng yêu thích Đức Phật, vậy thì chúng ta mong đợi điều gì - rằng tất cả mọi người sẽ yêu thích mình hay sao?". Khi phạm phải sai lầm, thì có một cái khác là: "Chúng ta mong đợi điều gì từ luân hồi?". Ta không phải là bậc giải thoát, vậy thì mình mong đợi điều gì? Tất nhiên là ta sẽ phạm sai lầm. Đôi khi, chúng ta vẫn sẽ nổi giận, cho đến khi mình trở thành một bậc giải thoát. Không có lý do gì để cảm thấy tội lỗi.

Chắc chắn là ta sẽ cải thiện bản thân, nhưng không cảm thấy tội lỗi, khi làm cho mọi việc rối tung lên. Cảm giác tội lỗi là khi xem những điều mình đã làm là xấu xa, và “tôi” thật tệ, vì đã làm điều đó, rồi ôm ấp nó trong lòng, mà không buông bỏ. Đó là cảm giác tội lỗi. Đó là việc hoàn toàn nghĩ về bản thân mình về mặt cái “tôi” giả dối này, cái “tôi” vững chắc rất tệ hại. Thay vì vậy thì ta chỉ nghĩ rằng: “Tôi đã phạm sai lầm. Tôi đã bị phiền não và vô minh tác động. Dĩ nhiên, tôi chưa phải là một bậc giải thoát, nhưng đang tu tập, để được như vậy.". Sau đó, ta sẽ áp dụng các lực đối trị, trong khi đang làm điều này – và hãy nhớ rằng nó không có gì đặc biệt.

Hồi Hướng

Điều này sẽ kết thúc hội thảo này. Nguyện cho bất cứ sự hiểu biết nào phát sinh từ hội thảo này, bất kỳ công đức nào đã được tích tập, sẽ trở thành nhân cho tất cả chúng sinh thành tựu quả vị giác ngộ của một vị Phật, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Xin cảm ơn.

Top