Bình Luận Ngắn
Đối với đề tài tâm ganh tỵ thì chúng ta đã nói về vấn đề tình cảm. Chúng ta đã thấy đàng sau tất cả những điều này là tâm vô minh về thực tại, về cách con người tồn tại, và về cách người khác và chính mình hiện hữu.
Một khía cạnh của tâm vô minh này là mình nghĩ rằng trong các phạm trù vững chắc thì ta luôn luôn là “người chiến thắng”, hay “người thua cuộc”, chẳng hạn vậy. Chúng ta tưởng tượng bản thân mình và người khác là những thực thể vững chắc, với những đường viền bao quanh mình, và đặt cái “tôi” rắn chắc vào chiếc hộp “kẻ thua cuộc” vững chắc, và “những người khác” vững chắc vào hộp “chiến thắng” vững chắc. Chúng ta đông lạnh tất cả trong tủ đá.
Tuy nhiên, với “tôi” và “bạn” thì chúng ta không nói về các loại phạm trù chung như táo hay cam. Nó rắc rối hơn, bởi vì “tôi” và “bạn” là những phạm trù khác, vì mọi người đều nghĩ rằng họ là “tôi”, và những người khác là “bạn”. Ở đây, tôi đang đề cập đến một cá nhân “tôi”, và một cá nhân “bạn”.
Cái Gì Sẽ Xác Lập Rằng Điều Gì Hiện Hữu?
Chúng ta đã thấy trên cơ bản thì tánh Không nói về cái gì chứng minh rằng điều gì tồn tại. Trong đạo Phật, ngôn từ kỹ thuật cho việc này là “thiết lập”, như là, “cái gì thiết lập là điều gì tồn tại?”. Đây là một chữ tế nhị, bởi vì nó không đề cập đến cái gì làm cho điều gì là thật, hay tồn tại, nó là những gì chứng minh điều gì tồn tại, hoặc chứng minh nó là thật. Chứng minh thật sự là ý nghĩa ở đây, và cùng một từ được sử dụng trong bối cảnh Tây Tạng, để chứng minh điều gì.
Định nghĩa của điều gì tồn tại là cái gì có thể được nhận biết một cách xác thực. Nó không giống như kẻ đột nhập vào nhà từ chiều không gian thứ năm, bởi vì họ không thể được nhận biết một cách xác thực. Chúng ta có thể có những ảo tưởng về một sinh vật như vậy, nhưng không có thứ gì như vậy hết. Một tâm thức xác thực sẽ không nhìn thấy nó. Đó sẽ là ảo giác, hay cái thấy theo hoang tưởng.
Khi áp dụng điều này vào đời sống, thì vấn đề là làm sao mình biết rằng “tôi là kẻ thua cuộc, và bạn là người chiến thắng?”. Thật ra, vấn đề thật sự không phải là làm sao mình biết, mà là mình sẽ chứng minh điều đó như thế nào? Cái gì chứng minh điều đó? Đó là một câu hỏi thú vị, bởi vì nếu như mình buồn bực, thì dựa trên cơ sở buồn bực mà ta tin rằng lời nói này là đúng. Chúng ta thật sự tin rằng, “Tôi là một người thua cuộc” tương ứng với thực tại. Nhưng nó có phải là ảo tưởng không? Tất cả những người khác là người thắng cuộc, chứ không phải là mình. Nó có cảm giác như vậy, và đó là điều rất kinh khủng. Mình cảm thấy như vậy, và thật sự tin tưởng nó. Tâm vô minh và những vọng tưởng này tự động sinh khởi, bởi vì không phải như thể là mình nghĩ về nó, và quyết định rằng, “Hãy tìm kẻ thua cuộc trong tự điển, hay thậm chí tệ hơn, hãy tìm nó trong Google. À đúng rồi, đó là tôi!”. Nó sẽ rất buồn cười, nếu như bạn đến gặp bác sĩ hay nhà tư vấn, và họ có thể đưa cho bạn một mảnh giấy, xác nhận rằng mình là kẻ thua cuộc!
Vậy thì chúng ta có các phạm trù này của “người thua cuộc” và “người chiến thắng”, và phải khảo sát xem điều gì đã tạo nên những phạm trù này. Chúng ta sẽ thấy rằng họ được chỉ định bằng các từ ngữ. Các phạm trù dựa trên các định nghĩa, và những định nghĩa này bắt nguồn từ tâm mình.
Tạo Ra Ý Nghĩa Về Những Sát Na Kinh Nghiệm: Lề Thói, Đặc Điểm Xác Định Và Định Danh Trên Tinh Thần
Bây giờ, chúng ta có thể nhìn vào cuộc sống nói chung. Nói một cách rất đơn giản thì đời sống được tạo ra từ những sát na kinh nghiệm của vô số chúng sinh riêng biệt. Thú vật, côn trùng, con người, tất cả chúng sinh đang trải nghiệm mỗi sát na trong đời sống của họ về mặt các sự kiện. Sự việc đang diễn ra. Không phải lúc nào nó cũng rất kịch tính, bởi vì sự kiện có thể đơn giản là việc đứng lên, hay gãi đầu. Kinh nghiệm từ sát na này đến sát na khác trong đời sống là như vậy đó, đúng không? Đây là nội dung của cuộc sống.
Mỗi sự kiện đều khác nhau, và đối với bất cứ cá nhân nào thì có một sự tương tục về các sự kiện có ý nghĩa. Chúng tiếp nối nhau, và không chỉ là những sát na ngẫu nhiên, không gắn liền với nhau. Theo đó thì mình không phải là người duy nhất có cuốn phim đang chiếu. Có vô số chúng sinh và vô số sát na trải nghiệm các sự kiện. Ví dụ, nếu như nhìn vào hành động của việc đưa một cái tách từ phía bên này sang phía bên kia bàn, thì nó đã tạo nên những sát na riêng rẽ. Mỗi sát na là một sự kiện khác nhau, từ lúc mình cầm cái tách lên, cho đến khi mình di chuyển nó và đặt nó xuống. Nó là như vậy, đối với tất cả những sát na.
Làm sao mình có thể tạo ra ý nghĩa về những sát na của kinh nghiệm? Chúng ta sẽ tìm kiếm những lề thói và đặc điểm xác định, để giúp mình phân loại, và theo ý nghĩa nào đó là lãnh hội và liên hệ với các sự kiện, bằng cách đưa chúng vào một số phạm trù lớn hơn về những gì đang xảy ra. Làm sao để phân loại chúng? Chúng ta sẽ làm điều đó với các đặc điểm xác định của phạm trù, và các đặc điểm này có thể rất đa dạng. Thuật ngữ kỹ thuật cho điều này là “định danh bằng tinh thần”, và nhiều nhãn hiệu tinh thần mà mình tạo ra có thể hợp lệ và chính xác.
Chúng ta có thể minh họa nó bằng ví dụ về việc uống trà. Tôi có thể bao gồm sự kiện này trong những phạm trù nào? Phạm trù đầu tiên là di chuyển cánh tay của mình. Tôi cũng đã uống trà. Có lẽ tôi đã khát nước? Hoặc có thể là tôi muốn tỉnh táo. Cái tách không rơi xuống sàn, nên tôi đặt cái tách xuống. Đồng thời thì tôi có thở không? Tôi đã có mặt ở một nơi nào đó không? Có rất nhiều điều và phạm trù có thể mô tả sự kiện này một cách chính xác.
Mỗi một trong những phạm trù này mà mình sử dụng để hiểu sự kiện đều được dựa trên một định nghĩa nào đó. Các từ ngữ đều có định nghĩa. Câu hỏi là, điều gì chứng tỏ rằng những gì đang diễn ra phù hợp với một phạm trù nào đó?
Điều Gì Tạo Ra Ranh Giới?
Tôi nói rằng tôi đã lấy việc uống nước trà làm ví dụ về một trong những phạm trù mà tôi có thể đặt sự kiện này trong đó. Đâu là ranh giới khi sự kiện bắt đầu và kết thúc?
Khi mà mình nêu ra một sự tương tục không gián đoạn vào trong một kinh nghiệm nào đó, thì đó là việc tùy tiện. Trong ví dụ này, chúng ta thấy mình cũng có thể cắt nó ra thành nhiều phần của việc “di chuyển bàn tay đến cái tách” v.v... Nhưng thật ra thì phần uống trà chỉ là khi cái tách ở ngay miệng mình thôi, là một phần nhỏ của sự kiện. Chúng ta cũng có thể tính luôn việc để cái tách trở lại trên bàn, hoặc tính nó trong sự tương tục của việc đang dạy lớp này. Nhưng đó là một khoảng thời gian giới hạn, vì không phải lúc nào tôi cũng dạy học, nên có thể xếp nó vào bối cảnh lớn hơn của việc hít thở. Sự kiện đã trải qua trong hơi thở, và trong khi thở thì tôi uống trà. Làm thế nào để phân chia tính tương tục thì hoàn toàn tùy theo ý mình.
Thổi Phồng Sự Việc Quá Mức
Cách mà chúng ta cắt những mảnh của sự tương tục này thường là điều tạo ra những vấn đề lớn. Mình sẽ chú tâm vào một sự kiện nhỏ trong đời sống, và thổi phồng nó quá mức. Ví dụ như mình chú trọng vào việc “tôi đã mất việc”, hay người đó mới vừa la lối với tôi”, và biến nó thành sự kiện lớn nhất trong đời của mình. Chúng ta mất đi ý thức về tính tương tục rộng lớn về những kinh nghiệm trong cả đời của mình, mà nếu như mình ghi nhớ, thì bất cứ điều gì xảy ra chỉ là một sự kiện nhỏ bé thôi. Giống như khi mình hai tuổi thì bị té, và cánh tay bị bầm. Vào thời điểm đó thì điều này có vẻ như kinh khủng nhất trên thế giới, nhưng theo viễn cảnh thời thơ ấu của mình, đừng nói gì đến cả đời mình, thì nó thật sự không phải là chuyện lớn.
Đâu Là Điều Khiến Cho Cái Gì Phù Hợp Với Một Phạm Trù?
Điều gì phù hợp với định nghĩa của mình về việc uống trà? Liệu nó có bao gồm ý định và việc muốn uống trà, ngay cả trước khi tôi di chuyển bàn tay của mình để lấy cái tách không? Có phải nó đã kết thúc sau khi trà đã được rót vào trong miệng, hay sẽ tiếp tục cho đến khi trà đi vào dạ dày của tôi? Vậy còn một khi nó rời khỏi dạ dày của mình thì sao? Có phải đó cũng là “uống một tách trà” không? Ngay cả ranh giới của việc uống trà cũng tùy tiện thôi. Khi nói như vậy thì tôi không ý nói rằng nó là điều hỗn loạn, nhưng có thể được thiết lập theo nhiều cách khác nhau.
Làm sao để biết một định nghĩa là chính xác?
Làm sao mình biết điều gì khiến cho một sự kiện phù hợp với phạm trù nào? Điều gì chứng tỏ rằng nó ở trong một phạm trù? Chúng ta đặt ra phạm trù và định nghĩa phù hợp với kinh nghiệm. Nhưng điều gì sẽ chứng minh điều này?
Chúng ta đã đồng ý về định nghĩa và đặt ra phạm trù, nhưng liệu có bất cứ điều gì từ phía đối tượng cho phép mình định danh nó một cách đúng đắn hay không? Mình cũng có thể quyết định đặt tên cho điều mà bạn gọi là “uống một tách trà” như “gãi đầu tôi”.
Vậy thì mình đã thay đổi ngôn ngữ rồi.
Hay mình đã thay đổi ý nghĩa?
Có phải vì mình có cùng ngôn ngữ, nên có thể nói nó không hợp lệ để gọi việc “uống một tách trà” là “gãi đầu”?
Tốt! Đây là một điểm quan trọng. Chúng ta nói cùng một ngôn ngữ, và đã đồng ý về định nghĩa của các từ ngữ, và những điều chúng đề cập đến. Nhưng liệu có đặc điểm xác định nào tương ứng với các định nghĩa này, mà mình có thể tìm thấy từ phía của sự kiện không? Nếu như chúng là điều cho phép mình đưa sự kiện vào đúng phạm trù, được gọi bằng những từ ngữ với định nghĩa mà mình hay một số người đã tạo ra tự điển đã quyết định, thì chúng ở đâu? Hãy nhớ rằng một sự kiện là một dòng tương tục, và mỗi sát na đều khác nhau, nhưng lại liên hệ với nhau.
Ở đây, chúng ta nói về điều gì rõ ràng hơn một chút, khi nói về một sự kiện hay một hành động mà mình gọi là “uống” hay “thở”, hay “cử động bàn tay”. Nó trở nên phức tạp hơn một chút, khi mình nhìn vào một đối tượng, nhưng với một hành động hay sự kiện thì nó lại rõ ràng hơn một chút. Xin hãy nghĩ về điều này.
[thiền]
Có cái gì hiện diện từ phía nội dung của mỗi sát na, làm cho nó phù hợp với phạm trù “uống” hay không? Trong mỗi sát na tạo ra chuỗi hành động mà mình gọi là “uống”, thì có điều gì nói về cùng một việc không? Nó phải nói về cùng một điều, khiến cho nó trở thành một phần của phạm trù “uống”. Chúng ta có thể làm điều này với tất cả mọi thứ, từ việc cử động tay, đến gãi đầu, đến việc đang ở một nơi nào đó. Nó sẽ được đóng gói với những điều từ chính phía nó, đúng không?
Nếu như có những người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau quan sát sự kiện, thì liệu nó có được đóng gói với tất cả những từ ngữ khác nhau không? Làm sao để mình biết một từ được liên kết với một ý nghĩa? Liệu nó có tồn tại từ phía của sự kiện, từ phía của ý nghĩa, hay từ phía của từ ngữ không? Ở đâu?
Nhân Quả Ảnh Hưởng Mỗi Một Kinh Nghiệm
Chúng ta nói về các sự kiện như một chuỗi không gián đoạn, như thể chúng đến và đi từ hư không. Trước đó, ông đã đề cập đến động lực và mục tiêu. Có phải chuỗi sự kiện liên quan đến động lực và mục tiêu không?
Nó không chỉ liên quan đến động lực và mục tiêu, mà còn phải liên quan đến tất cả các nguyên nhân. Trong trường hợp uống trà thì các nguyên nhân bao gồm người pha trà, cửa hàng bán trà, người nông dân trồng trà, v.v... Thêm vào đó, còn có tất cả những hệ quả xảy ra sau khi uống trà, như không bị chết khát, hoặc không thể tiếp tục giảng dạy. Điều mà chúng ta làm là vẽ một đường thẳng, để nói về một phần nào đó của nó.
Chúng ta không chỉ nói về nhân quả liên quan đến kinh nghiệm riêng của mình, mà còn cả nhân quả như một phần kinh nghiệm của người khác, như loại động lực của người pha trà. Nó cũng có thể dẫn đến hiệu quả, khi người nào trong phòng nhìn thấy việc tôi uống trà trở thành một hoàn cảnh khiến cho họ nghĩ rằng, “Ước gì mình có một tách trà.”. Nó có thể đóng vai trò như một tình huống cho phiền não của việc ganh tỵ đi cùng với những khoảnh khắc tiếp theo trong cuộc sống của người khác. Nhân quả không giới hạn trong bất cứ khoảng thời gian cụ thể nào. Thật ra, nó vô tận, theo cả hai phương hướng quá khứ và tương lai.
Chúng ta vẽ những đường viền này, để có thể tạo ra ý nghĩa cho mỗi sát na trong đời sống của mình, và tạo ra ý nghĩa cho nó một cách tự nhiên, về mặt các phạm trù và ngôn ngữ này. Việc có khả năng giao tiếp với người khác hoàn toàn phụ thuộc vào điều này. Ngay cả ở mức độ cơ bản nhất, khi nhìn tôi uống tách trà này, nếu như mỗi một người trong các bạn chụp một bức ảnh, thì nó sẽ trông khác nhau, bởi vì bạn đã nhìn thấy tôi từ những góc độ và khoảng cách khác nhau. Vâng, tất cả chúng ta đều đồng ý về quy ước, và đó là từ chủ yếu. Dựa vào việc có một ngôn ngữ chung, thì tất cả chúng ta đều đồng ý rằng tôi đã “uống một tách trà”. Điều đó đáng kinh ngạc, đúng không?
Một số hình ảnh bạn chụp có thể rõ nét, và một số có thể không. Một số bạn có thể đã không chú ý, và thậm chí không chụp hình nữa. Vậy thì làm sao mình có thể chứng minh rằng tôi đã uống một tách trà? Chúng ta có thể đưa điều này xa hơn nữa! Bạn có thể đến đây để kiểm tra dạ dày của tôi và thấy trà trong đó không? Có phải đó là việc uống trà không? Có lẽ chất lỏng đã đi vào dạ dày tôi theo cách khác, làm sao bạn biết được?
Quá Trình Giải Thể
Khi bắt đầu quá trình giải thể này, thì theo một nghĩa nào đó, mọi thứ bắt đầu tan rã từ phía đối tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là mình sẽ rơi vào chủ nghĩa hư vô, nơi mà hoàn toàn không có điều gì tồn tại. Phải rất cẩn thận.
Vậy thì làm sao mình biết, khi nhìn vào bên trong một cái tách màu trắng trống rỗng, và thấy những màu khác nhau, và có nhiều màu trắng hơn màu nâu, thì trước đó, đã có trà ở trong tách không? Làm sao mình có thể chứng minh điều đó? Nó không còn ở đó nữa, vậy thì có bao giờ, nó đã có mặt ở đó chưa? Làm sao mình biết được?
Chúng ta sẽ liên hệ với những kinh nghiệm trước đây, nhưng không có điều gì từ phía đối tượng cả. Tất cả mọi thứ được chứng tỏ và chứng minh từ phía tâm thức. Các quy ước cũng do tâm tạo. Ngôn ngữ do tâm tạo. Định nghĩa do tâm tạo. Điều gì làm cho tất cả đều chính xác?
Tiêu Chuẩn Để Xác Định Tính Hợp Lệ Của Một Quy Ước
Như đã nói trước đây, có một ngôn ngữ thường được chấp nhận, một quy ước, đó là tiêu chuẩn đầu tiên. Tất cả chúng ta đều đồng ý với các từ ngữ và ý nghĩa của chúng, rồi thứ hai là nó không mâu thuẫn với một tâm thức nhìn thấy chân lý quy ước. Điều này có nghĩa là hình ảnh mà mình có không bị mờ hay tối, mà rõ nét, và chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng đó là điều mà chúng ta đồng ý với nhau. Theo ý nghĩa nào đó thì nó được tái xác nhận. Đó là cái nhìn chính xác.
Tiêu chuẩn tiếp theo là nó không mâu thuẫn với một tâm thức nhìn thấy chân lý tối hậu. Vậy thì, nếu như có một sự hoang tưởng rằng có điều gì có thể tìm thấy được từ phía sự kiện, thiết lập nó như việc “uống một tách trà”, thì nó giống như việc tuyên bố là mình đã tìm thấy điều gì ở phía của kẻ đột nhập vào nhà từ chiều không gian thứ năm, chứng minh rằng anh ta đến từ chiều không gian thứ năm. Khi thật sự hiểu thực tại một cách chính xác, thì tâm mình sẽ mâu thuẫn với điều đó. Vậy thì nó không mâu thuẫn với tâm thức nhìn thấy chân lý tối hậu. Tất cả ba tiêu chuẩn này vẫn xuất phát từ phía tâm thức, không phải từ đối tượng.
Hãy áp dụng điều này vào đời sống của mình, khi ta đã mất việc làm hay người bạn đời, hoặc bất cứ điều gì. Có phải mình là kẻ thua cuộc không? Ta có thể nghĩ mình là như vậy, nhưng điều gì có làm cho mình là người thua cuộc không? Nếu như mô tả một sự kiện, khi mà mình “đã mất món gì”, thì đó là điều khá trừu tượng, đúng không? Đặc biệt là khi mình phân chia nó ra thành từng sát na của điều gì đã xảy ra. Tuy nhiên, hãy cứ phân tích nó.
Tiêu chuẩn đầu tiên là: chúng ta có quy ước và chữ “mất”. Vậy thì chúng ta đã mất việc và không còn công việc đó nữa; chúng ta đã mất người bạn đời, và họ đã bỏ đi. Vậy thì nó phù hợp với quy ước mất đi điều gì đó. Điều đó chính xác, bởi vì đó là điều mà tất cả mọi người cũng nói như vậy.
Tiêu chuẩn thứ hai là: Nếu tôi đi đến văn phòng một lần nữa, thì người khác sẽ nói, “Bạn đang làm gì ở đây? Bạn đã mất việc rồi mà.”. Vậy thì nó không mâu thuẫn với điều họ quan sát. Tôi đến gặp người bạn đời cũ của mình, thì họ và người phối ngẫu mới của họ sẽ nhìn tôi và nói rằng, “Bạn đang làm gì ở đây vậy? Mọi chuyện đã kết thúc rồi mà!". Vậy thì mình có thể thấy điều này không mâu thuẫn với một tâm thức nhìn thấy chân lý quy ước.
Nhưng tiêu chuẩn thứ ba là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Tôi có thể nghĩ rằng tôi là kẻ thua cuộc, một người thua cuộc thật sự với điều gì cố hữu, có thể tìm thấy từ chính phía mình, khiến cho tôi trở thành người thua cuộc, và những người khác có điều gì cố hữu, và có thể tìm thấy, khiến cho họ là người thắng cuộc. Thế là tôi thấy tổn thương và ganh tỵ. Chúng ta cảm thấy như thể có một số đặc điểm xác định có thể tìm thấy từ phía tôi, khiến cho tôi thích hợp với phạm trù cụ thể này của “người thua cuộc”, và mình phải cam chịu ở trong đó mãi mãi.
Tuy nhiên, từ một tâm thức nhìn thấy chân lý tối hậu, thì đây là điều mâu thuẫn. Khi mình khảo sát, thì tôi sẽ tìm thấy đặc điểm xác định này của việc làm người thua cuộc ở đâu? Có phải nó ở trong mũi của tôi? Tóc của tôi? Những ngón chân của tôi? Tâm trí tôi? Nó ở đâu? Sự kiện nào đã khiến cho nó ở đó? Có phải nó luôn ở đó không? Có phải nó ở đó từ lúc mình mới chào đời không? Thật ra thì nó không ở đâu cả. Nó chỉ là một quy ước để mô tả sự kiện này, nhưng tất cả chỉ là vậy thôi, không có gì khác. Tôi không phải là kẻ thua cuộc cố hữu, vì điều đó vô lý. Khi hiểu điều này, thì phản ứng về mặt cảm xúc của mình sẽ hoàn toàn khác biệt.
Cây cối thì phổ biến trong tất cả các nền văn hóa, bởi vì tất cả chúng ta đều biết về cây cối. Những nền văn hóa khác nhau có thể vẽ ranh giới giữa một bụi cây và một cái cây ở những cấp độ khác nhau, điều này chứng tỏ nó là một phạm trù tùy tiện. Được, tôi có thể chấp nhận điều đó. Nhưng chúng ta có việc nhận ra khuôn mặt con người, phổ biến cho bất cứ xã hội loài người nào. Thậm chí, không có một xã hội loài người nào có thể nhầm lẫn khuôn mặt của con người với khuôn mặt của loài vượn.
Vâng, điều đó rất rõ ràng. Nhưng khi bạn nhìn vào các cuộc thảo luận khoa học về quá trình tiến hóa, và chúng ta có các phạm trù của “con vượn” và “loài giống con người”, thì đâu là ranh giới của điều tạo ra con người?
Nếu như nói rằng các phạm trù được định nghĩa bằng ngôn ngữ và văn hóa, hay một cách tùy tiện, thì không có nghĩa là nó hỗn loạn. Không phải cái gì cũng có thể được gọi là bất cứ điều gì, đó là lý do mà có ba cách để xác nhận hay định danh. Câu hỏi luôn được đặt ra là: “Nhưng nó có thật sự là một cái cây không? Không phải là thật sự có một cây hay sao?”.
Giống Như Ảo Ảnh
Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng về phía đối tượng thì không có điều gì chứng minh nó là một cái cây. Chúng ta sẽ đạt được một mức độ hiểu biết sâu sắc hơn, khi mà cây giống như ảo ảnh. Nó giống như một ảo ảnh, rất khác với việc nó thật sự là một ảo ảnh. Đối với chúng ta, dường như có một cái gì đó ở phía cái cây, làm cho nó trở thành cây, nhưng không phải như thế. Tuy nhiên, nó vẫn hoạt động, và những người khác có cùng ngôn ngữ với mình cũng đồng ý với định nghĩa, và gọi nó là một cái cây. Họ sẽ không gọi nó là con chó.
Đây là một mức độ vi tế hơn, và đó là lý do mà chúng ta bắt đầu ở mức độ dễ dàng hơn. Chúng ta nói rằng, “Tôi không lọt từ trên ghế xuống dưới đất”, ngay cả khi mình biết ở mức độ cứu cánh thì cái ghế không vững chắc, mà được tạo ra từ các nguyên tử, mà chính chúng được tạo thành từ những hạt hạ nguyên tử (subatomic particles), và nó chủ yếu là không gian trống rỗng. Đối với cơ thể của mình thì chúng ta biết điều tương tự cũng đúng. Dù sao đi nữa thì mình không lọt từ trên ghế xuống dưới đất, vì cái ghế sẽ nâng đỡ mình.
Công Năng Có Chứng Minh Sự Hiện Hữu Không?
Liệu thực tế là chiếc ghế nâng đỡ tôi có chứng minh là nó tồn tại như một cái ghế, hay cái thứ ở đàng kia tồn tại như một cái cây? Nó trở nên phức tạp, bởi vì làm sao để biết là nó hoạt động như một cái cây, và điều gì chứng tỏ là nó hoạt động như một cái cây?
Khi nói về nhân quả thì chỉ có một sát na trong một thời điểm, và mình kết nối chúng lại với nhau, để nói rằng điều gì thực hiện một công năng. Nhưng cái gì thực hiện công năng? Nó là một điều rất phức tạp. Thế thì ở mức độ đơn giản hơn, chúng ta nói rằng điều thiết lập cái gì tồn tại là vì nó vận hành. Chúng ta có thể tạm thời xác lập là việc uống một tách trà tồn tại, bởi vì nó có công năng làm dịu cơn khát của tôi. Một lần nữa, phải cẩn thận, bởi vì mình có thể nói, “Tôi nghĩ có một con quái vật dưới gầm giường”, nhưng điều đó có hoạt động không? Nó có thể khiến cho mình sợ hãi, nhưng con quái vật không tạo ra nỗi sợ hãi, mà chính sự tin tưởng của mình, rằng có một con quái vật đã khiến cho mình sợ hãi. Nên phải xem xét một cách cẩn thận.
Vậy thì ở một mức độ đơn giản, chúng ta có thể nói rằng “nó hoạt động”, và điều đó chứng tỏ là cái gì tồn tại.
Tánh Không Không Phải Là Thuyết Hư Vô, Nên Đừng Lo Lắng
Khi giải thể các phạm trù như một cách để phân hóa những thứ như “người thua cuộc” và “người chiến thắng”, thì không phải là sau cùng, điều đó chỉ đưa đến một sự bất an to lớn hay sao? Hơn nữa, trong xã hội hậu hiện đại này thì chúng ta nói rất nhiều về sự trống rỗng, không phải về tánh Không, mà là sự trống rỗng về ý nghĩa, đạo đức, quy tắc, v.v... Liệu những điều này có thể được phân biệt không?
Vâng, đó là vấn đề hư vô. Khi nói về tánh Không trong nhà Phật, thì các pháp không có cái gì? Nó không có bất cứ điều gì từ chính phía nó, chứng minh rằng nó tồn tại. Đây là điều vắng mặt. Nó không có nghĩa là không có cái gì tồn tại. Nó có nghĩa là các pháp tồn tại như ảo ảnh. Điều gì chứng tỏ là nó tồn tại? Chúng ta có ngôn từ và mọi người đồng ý với mình, nên nó không mâu thuẫn. Các pháp có vẻ vững chắc, nhưng chúng không vững chắc, nhưng mọi thứ vẫn hoạt động. Hiện giờ, như vậy là đủ rồi; đừng lo lắng về điều đó, bởi vì không có lý do gì để bất an.
Tất nhiên, khi bạn tiếp cận vấn đề này, thì nó có thể làm cho bạn bất an. Khi một trong các đệ tử của Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đang thiền quán về tánh Không, thì bỗng dưng người này phải nắm lấy y áo của mình. Tông Khách Ba nói, “Rất tốt, con vừa xác nhận lại thực tại thông thường của các pháp.”. Vậy thì mình cần phải xác nhận lại thực tại thông thường, vì nó không bị phủ nhận, bởi vì điều đó sẽ lố bịch.
Điều lố bịch không kém là khi nghĩ rằng các đối tượng được ám chỉ bằng từ ngữ và khái niệm của mình thật sự có thể được tìm thấy ở ngoài kia, như những “điều” được ám chỉ, với những đặc điểm xác định có thể tìm thấy, tương ứng một cách chính xác với các phạm trù mà các từ ngữ và khái niệm ngụ ý. Rồi mình nghĩ rằng mình có thể tìm thấy chúng, và điều đó xác lập là chúng tồn tại. Chúng ta không thể tìm thấy những điều được ám chỉ, hay bất cứ đặc điểm xác định nào từ phía đối tượng, nên việc tìm kiếm những thứ như vậy không thể chứng minh sự tồn tại của đối tượng. Chúng hoàn toàn vắng mặt. Các đối tượng có tồn tại, nhưng không có những điều xác lập rằng chúng tồn tại.
Tiếp Tục Với Đời Sống
Điều này không có nghĩa là từ ngữ và khái niệm không liên quan với bất cứ điều gì. Chúng có đề cập đến điều gì, nhưng điều chúng đề cập đến không thể được tìm thấy, và không tương ứng một cách chính xác với từ ngữ và khái niệm. Các phạm trù ngôn ngữ không tồn tại ở ngoài kia, mà do tâm tạo. Nó là cách mình sinh hoạt trong thế giới, hiểu biết và mô tả nó. Điều này tốt thôi, bởi vì nó hoạt động. Rồi thì chúng ta tiếp tục với đời sống. Chân lý quy ước không phải là một mức độ mà như thể có một mức độ siêu việt và mức độ thế gian. Không có nhị nguyên ở đây. Không có lý do để buồn bực về bất cứ điều gì.
Trong tình huống tương tự, khi một đệ tử hoảng hốt, nghĩ rằng không có điều gì tồn tại, thì một thiền sư sẽ đánh người đệ tử. “Con có cảm thấy điều đó không?”, ông sẽ nói. "Dạ có.". "Có đau không?". "Dạ có.". Vậy thì đó là chân lý quy ước.
Quy Y, Lòng Bi Và Sự Hiểu Biết
Còn những người đi gặp bác sĩ tâm thần và nói rằng, “Tôi vẫn sinh hoạt trong thế giới, không có vấn đề gì với thực tại, nhưng lại cảm thấy trống rỗng ở bên trong, có sự vô nghĩa này trong nội tâm. Tôi không thể thật sự liên hệ với những điều mình đang làm, tôi cảm thấy rất cô lập.”. Điều này tương ứng với những điều chúng ta đang nói như thế nào?
Đây là lý do mà việc bàn luận về tánh Không nằm trong bối cảnh của phần còn lại trong giáo lý nhà Phật, chứ không chỉ tồn tại riêng rẽ một mình. Trong nhà Phật có cái gọi là “quy y”, khi mà ta muốn nói đến một phương hướng trong đời sống, khi mình tu tập để thành Phật. Nói một cách cơ bản là mình muốn đoạn trừ tất cả vô minh như cách mà Đức Phật đã làm, và cách mà Tăng đoàn thánh nhân đã thực hiện được một phần nào, nên đang tiếp tục tu tập. Chúng ta chọn phương hướng này, và một lý do có thể là ta đã chán ghét tất cả những vấn đề của mình, và muốn chúng chấm dứt, hoặc có thể là mình có lòng bi mẫn với tha nhân, và muốn giúp đỡ họ, vì họ cũng đang thống khổ. Nếu như mình tạo ra rắc rối cho bản thân, thì không thể thật sự giúp đỡ họ, đúng không? Sự hiểu biết về tánh Không nằm trong bối cảnh này, khi mà đời sống có ý nghĩa lớn lao.
Chỉ có lòng bi mẫn thôi thì chưa đủ, vì ta sẽ dễ nản lòng, “Ồ, mọi người đang rất khổ, mà mình không thể giúp đỡ họ.”. Nếu chỉ có lòng từ bi thì không đủ; mà còn phải có sự thấu hiểu nữa. Nếu chỉ có lòng bi thôi mà không có sự hiểu biết, thì ta sẽ phát tâm quyến luyến với những người mà mình đang giúp đỡ, và sẽ tham lam vì muốn họ chú ý đến mình, rồi tức giận với họ, khi họ không nghe theo lời khuyên của mình, rồi thấy chán nản và phiền muộn. Chỉ có sự hiểu biết thôi cũng chưa đủ, vì như vậy thì đời sống sẽ vô nghĩa, không có mục tiêu. Đạo Phật luôn luôn kết hợp hai yếu tố này với nhau, trong bối cảnh quy y, khi ta biết mình đang làm gì, đang đi về đâu. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi nó là “quy y”. Nhưng “quy y” là một từ ngữ quá thụ động. Như thể mình là một con vật đang đi đến khu bảo vệ thú rừng, và bây giờ thì mình đã có nơi ẩn náu, và được bảo vệ. Điều này không thụ động. Nó rất tích cực, vì chúng ta đang đưa một phương hướng tích cực, an toàn, có ý nghĩa vào trong đời sống của mình.
Ngã Không
Vậy còn tánh Không của “bản ngã” thì sao?
“Tôi” và “bạn” là những phạm trù, giống như “cây cối”. Nhưng “tôi” không cùng một loại hiện tượng giống như cây cối. Một cây có những đặc tính thể chất, còn “tôi” thì không; cơ thể tôi thì có đặc tính thể chất. “Tôi” là một pháp trừu tượng, nếu như nói theo ngôn ngữ giản dị thì không phải là điều gì có những đặc tính thể chất, và không phải là cách ý thức về điều gì, như nhìn thấy hay tức giận, hay yêu thương.
Làm sao để sử dụng tính trừu tượng này? Có một sự tương tục của kinh nghiệm chủ quan, từ sát na này đến sát na khác, việc này và việc kia. Và nó luôn luôn có nội dung. Bạn không thể chỉ trải nghiệm, mà luôn luôn kinh nghiệm điều gì đó. Nội dung liên tục thay đổi theo từng sát na, từ nội dung của cái thấy đến cái nghe, đến tất cả các loại nội dung. Rồi thì mình có nhiều cách nhận thức khác nhau: nhìn, nghe, cảm xúc như sân hận, tham ái, hạnh phúc, chú ý và vân vân. Tất cả những thành phần này tạo ra một mạng lưới phức tạp khó mà tưởng tượng nổi, và chúng đang tương tác với nhau. Mỗi một phần đều thay đổi với tốc độ khác nhau.
Nhưng có một sự tương tục. Điều gì tạo nên sự tương tục này? Đó là một câu hỏi rất khó. Ở mức độ tối hậu thì không có gì có thể tìm thấy từ phía của mỗi một sát na của việc trải nghiệm, điều tạo ra sự tương tục. Nhưng chúng ta nghĩ rằng lúc nào cũng có điều gì vững chắc ở đó, ràng buộc tất cả mọi thứ lại với nhau, và tạo ra sự tương tục này, và gọi nó là “tôi”. Ta cảm thấy như vậy. Tối qua, tôi đã đi ngủ và sáng nay thì thức dậy, và bây giờ thì tôi ở đây, cùng một cái “tôi”. Ta thật sự cảm thấy như vậy, và chắc chắn là tin vào điều đó. Tất nhiên, nó giống như ảo ảnh nhưng trên cơ sở của việc “Bạn làm tôi tổn thương, tôi là người thua cuộc”, thì ta tin rằng mình có một cái “tôi” rắn chắc, có thể tìm thấy.
Cái “tôi” này thật sự là một pháp trừu tượng. Trong nhà Phật, chúng ta gọi nó là một “sự định danh” về dòng tương tục của kinh nghiệm này. Nó giống như “sự chuyển động” là một sự định danh về một đối tượng ở những vị trí hơi khác nhau, trong một chuỗi sát na. “Sự chuyển động” không chỉ là điều gì do trí tưởng tượng tạo ra, và cũng không phải là cái “tôi” thông thường. Nói một cách thông thường thì có một cái “tôi”, vì tôi không phải là “bạn”, và đó là “nhà của tôi”, và “kinh nghiệm của tôi”.
Bây giờ, chúng ta có ngôn từ và khái niệm, hay phạm trù “tôi”, mà mình có thể đặt cái “tôi” trong đó, là một sự định danh cho từng sát na kinh nghiệm. Giống như cá nhân “tôi” trong mỗi sát na, cũng là một pháp trừu tượng, nhưng có một sự khác biệt lớn. Cái “tôi” trong mỗi sát na biến đổi từ sát na này đến sát na khác, bởi vì trong mỗi sát na thì tôi làm điều gì khác, hoặc nghĩ hay nói điều gì khác. Phạm trù hay khái niệm về tôi thì không làm bất cứ điều gì. Nên điều quan trọng là hiểu rằng “tôi” không chỉ là một ngôn từ hay khái niệm. Chúng ta không chỉ là ngôn từ, và không chỉ là khái niệm. Chúng ta là cái mà từ ngữ và khái niệm đề cập đến. Và chúng ta không chỉ là ảo ảnh. Xã hội đã tạo ra và thống nhất về một số mô hình âm thanh, để đại diện cho “tôi”, rồi chúng ta đã đồng ý về một chuỗi từ ngữ, để đại diện cho âm thanh ở dạng chữ viết. Những âm thanh và dòng chữ đó đề cập đến, và có nghĩa là “tôi”, nhưng chúng không phải là tôi, và không phải là chúng không có nghĩa gì cả.
Hãy sử dụng một ví dụ khác. Chúng ta cũng có chữ “cái tách”, và điều đó nói về một cái tách. Nhưng đâu là cơ sở cho sự định danh này, đâu là cơ sở để gọi nó là cái tách? Là vành cốc, hay tay cầm? Khoảng trống bên trong cái tách có phải là cái tách không? Có tất cả những thành phần này và tất cả các nguyên nhân, và trên cơ sở đó, xã hội mới áp dụng chữ “cái tách”. Thật ra mình có thể tìm thấy cái tách không? Không. Chúng ta có chữ “cái tách”, nhưng rõ ràng nó không phải là cái tách.
Chắc chắn mình không thể tìm thấy các đặc điểm xác định của một cái tách ở đâu trên nền tảng này. Vậy thì thật ra cái tách là gì? Nó giống như một ảo ảnh. Nó là cái mà ngôn từ đề cập đến, khi nó được đặt tên cho nền tảng của sự định danh, mà những người khác sẽ đồng ý với nhau. Nó cũng phải hợp lệ, bởi vì chúng ta không thể chỉ gọi một cái bàn là cái tách. Có vẻ như thật sự có một cái tách, nhưng thật ra thì nó giống như ảo ảnh, dù nó hoạt động. Có phải là mình hoàn toàn không thể tìm thấy nó không? Chỉ khi nào phân tích rất sâu, thì mới thấy là mình không thể tìm thấy nó. Nếu như bạn thư giãn, ngừng phân tích và hỏi chung chung, “Cái tách ở đâu?”, thì có thể trả lời một cách khá đúng đắn là, “Nó ở đằng kia.”. Và nó hoạt động như một cái tách. Vũ trụ cũng hoạt động. Nhưng khi bạn nhìn thật sâu, thì không thể tìm ra thứ gì cả; không có bất cứ điều gì từ phía nó, để thiết lập sự tồn tại của nó như một cái tách.
Vậy thì “tôi” là một pháp trừu tượng, một sự định danh, nối kết một dòng kinh nghiệm lại với nhau, giống như sự chuyển động là một pháp trừu tượng, một sự định danh, để nối kết một dòng tương tục của điều gì liên tiếp xảy ra ở những vị trí hơi khác nhau. Tôi không chỉ là một ngôn từ hay khái niệm, giống như sự chuyển động không chỉ là một ngôn từ hay khái niệm. Những sát na kinh nghiệm của cái “tôi” này được tạo ra từ hàng triệu thành phần biến đổi trong mọi lúc, ở tốc độ khác nhau. Vậy thì tôi có thể tìm thấy cái “tôi” ở đâu, trong số những thành phần này? Không có cái nào là tôi cả. Có cái gì từ phía “tôi” làm cho “tôi” trở thành “tôi” không? Không, không có cái gì tạo ra “tôi” cả – một là như cái “tôi” nói chung, hai là cái tôi xác lập tính chất cá nhân của tôi.
Tính Chất Cá Nhân
Chúng ta có vấn đề to lớn này ở phương Tây, khi mà mình luôn luôn muốn chứng minh tính chất cá nhân của mình. Tôi phải chứng minh tôi là “tôi”, và thiết lập tính chất cá nhân của mình, tách rời với cha mẹ tôi. Nhưng điều đó vô nghĩa, bởi vì chúng ta là những cá nhân, nhưng lại không có điều gì chứng minh việc này. Tất nhiên, mỗi một chúng ta đều trải nghiệm cuộc sống của mình trong từng khoảnh khắc, với tính tương tục của nó về nhân quả.
Thậm chí nhân quả là điều trừu tượng, một sự định danh về tính tương tục của các sự kiện và kinh nghiệm. Tuy không thể tìm thấy nhân quả ở đâu cả, nhưng nhân quả có xảy ra, và hoạt động. Vì vậy, ta phải xác định lại là có một cái “tôi” mà không phải là bạn, là người tạo ra hành vi nhân quả, rồi mình phải chịu trách nhiệm cho ảnh hưởng mà hành vi của mình đã tạo ra. Cách mình cư xử chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những gì tôi sẽ trải nghiệm sau đó, và sẽ ảnh hưởng đến người khác. Phải chăm sóc việc ăn ngủ của mình, và trong lúc đi thì không đâm đầu vào tường, hay đâm sầm vào người khác.
Vấn đề sẽ xảy ra, khi mình làm cho cái “tôi” này trở thành một vấn đề lớn, khi mà ta lo lắng là người khác sẽ không thích mình, rồi cảm thấy bất an, hay sự việc không đi theo ý muốn của mình, nên tức giận. Rồi thì mình muốn có được nhiều thứ hơn nữa, để làm cho cái “tôi” này an toàn. Chúng ta nên hài lòng với kiến thức là mình tồn tại và hoạt động. Chúng ta sẽ tiếp tục với đời sống, với một phương hướng tích cực, cố gắng giúp đỡ người khác ngày càng nhiều hơn, mà không đặt cái “tôi” có vẻ vững chắc này vào một cái hộp dường như vững chắc của “người thua cuộc”, khi mọi việc không suôn sẻ, hay một cái “tôi” dường như vững chắc vào một chiếc hộp dường như vững chắc của “người chiến thắng”, khi mình thành công. Đây là quan niệm sai lầm lớn, đằng sau lòng ganh tỵ của mình.
Tóm Tắt
Chúng ta đã xem xét những hình thức ganh tỵ khác nhau mà mình có thể cảm nhận được, và cách mà một vài loại trong số này thậm chí còn được xã hội hay văn hóa của mình khuyến khích. Cách tốt nhất để khắc phục lòng ganh tỵ là giải tỏa toàn bộ quan niệm sai lầm mà mình có về bản thân và người khác, và về các phạm trù mà mình tạo ra. Tuy các pháp có vẻ vững chắc và có thể tìm thấy, dù ta có nghĩ mình là kẻ thua cuộc đến mức nào đi nữa, thì điều đó không làm cho nó trở thành sự thật. Tương tự như vậy, như khi mình nghĩ người khác có thể là người chiến thắng, thì nó cũng vô nghĩa như vậy. Khi thoát khỏi những quy ước và phạm trù này, để thấy các sự kiện và đời sống một cách chính xác như thị, thì ta có thể khắc phục lòng ganh tỵ, và một loạt những cảm xúc phiền não khác. Nhờ vậy mà ta có thể đối phó với những thăng trầm của sự hiện hữu, mà không buồn bực, và không tạo ra quá nhiều nỗi khổ cho bản thân và người khác. Rồi thì có lẽ mình có thể giúp đỡ người khác một cách tốt nhất.