Tối nay, tôi đã được yêu cầu nói chuyện về tâm xả ly - quyết tâm thoát khỏi những vấn đề của chúng ta - và đặc biệt là cách mình có thể hiểu điều đó trong bối cảnh căng thẳng, khi phải sinh sống trong một thành phố lớn như ở đây, tại Mạc Tư Khoa (Moscow). Nhưng tôi nghĩ khi bắt đầu phân tích chủ đề này thì bạn sẽ thấy rằng hầu hết các vấn đề mà chúng ta gặp phải trên thế giới hiện đại không chỉ hạn chế vào việc sinh sống trong một thành phố lớn.
Sự Kích Thích Quá Độ, Như Nguồn Gốc Tạo Ra Căng Thẳng
Đương nhiên là trong một thành phố lớn thì có những vấn đề như ô nhiễm, giao thông, v.v..., những điều mà bạn có thể không thấy ở một ngôi làng, nhưng chúng không phải là những yếu tố duy nhất tạo ra tình trạng căng thẳng của mình. Khi nhìn sâu hơn thì ta sẽ thấy các vấn đề mà hầu hết mọi người trong thế giới hiện đại đang phải đối mặt, bất kể họ sống ở đâu, và tôi nghĩ rằng đó là vì chúng ta ngày càng có nhiều thứ có sẵn, ngày càng có nhiều sự lựa chọn, nhiều thông tin hơn, nhiều đài truyền hình hơn, nhiều phim hơn, nhiều sản phẩm để lựa chọn hơn. Hầu hết mọi người đều mang theo điện thoại di động, nên bạn nhận được email, tin nhắn liên tục, trò chuyện và những việc như vậy, nên có cảm giác căng thẳng, khi phải xem xét mọi việc, phải trả lời ngay lập tức, bởi vì người khác sẽ trông đợi hồi âm của mình ngay lập tức. Tuy những điều này có lợi ích về việc giữ liên lạc với người khác, khi việc giữ liên lạc là điều rất quan trọng, nhưng đôi khi thì lại quá nhiều; nó cứ xảy ra liên tục, và mình rất bất an, bởi vì nếu như bạn nghĩ về nó, thì tâm lý đằng sau đó là tôi không muốn bỏ lỡ điều gì, vì nó có thể là việc quan trọng. Tôi không muốn bỏ lỡ điều gì hết.”.
Vậy thì chúng ta cảm thấy bắt buộc phải luôn xem xét những gì đang diễn ra, nhưng tất nhiên là điều đó không bao giờ khiến cho mình cảm thấy an toàn, bởi vì luôn luôn có điều gì mới mẻ xảy ra, một tin nhắn mới và một cuộc trò chuyện mới. Nếu như mình chọn xem cái gì đó, cho là trên YouTube, hay truyền hình - tôi không biết bạn có bao nhiêu đài truyền hình ở Mạc Tư Khoa, nhưng ở châu Âu và châu Mỹ thì có hàng trăm đài, nên bạn không cảm thấy thoải mái khi xem chương trình nào đó, bởi vì bạn nghĩ rằng, “Có thể có chương trình gì hay hơn”, và thế là luôn có sự bắt buộc phải nhìn vào, để xem xem “Có thể có cái gì hay hơn mà mình đang bỏ lỡ.”.
Tìm Kiếm Sự Chấp Thuận Và Chấp Nhận Trong Thế Giới Ảo
Tôi nghĩ những điều này thật sự làm cho sự căng thẳng của mình tăng lên, bất kể chúng ta sống ở đâu; trong một thành phố lớn, hay một ngôi làng, đặc biệt là trong thế giới hiện đại này. Chúng ta muốn thuộc về một xã hội nào đó, một nhóm bạn nào đó; vì vậy nên mình muốn được người khác bấm “thích” về tất cả những điều mà mình đăng trên trang Facebook, để cảm thấy bằng cách nào đó thì mình được người khác chấp nhận và thừa nhận, nhưng chúng ta không bình tĩnh về điều đó. Chúng ta không bao giờ hài lòng với số lượt thích mà mình nhận được, và luôn luôn muốn có nhiều hơn, hay là “Họ có thật sự có ý như vậy không?”. Họ chỉ bấm một cái nút, hay có thể là một cái máy đang bấm nút (bạn có thể trả tiền để có rất nhiều lượt thích). Và mình cảm thấy phấn khích với sự dự đoán, khi điện thoại báo cho mình biết đã nhận được một tin nhắn; có lẽ đó là điều gì đặc biệt.
Và chúng ta cảm thấy phấn khích về dự đoán này, khi vào trang Facebook của mình và xem “Mình có nhận được nhiều cái “thích” hơn không?”. Hay chúng ta sẽ giống như cách mà tôi thường mô tả bản thân mình, một người nghiện tin tức, và tôi luôn luôn nhìn vào tin tức, để xem có tin gì mới mẻ hay không, có điều gì thú vị đang xảy ra, bởi vì tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì.
Tất nhiên, nếu như phân tích vấn đề này một cách sâu sắc hơn, thì ta sẽ thấy đằng sau đó là một cảm giác về “Tôi rất quan trọng, đến nỗi phải biết tất cả mọi việc đang diễn ra. Và mọi người phải yêu thích mình.”. Từ quan điểm của đạo Phật, chúng ta có thể phân tích một cách sâu sắc về lý do tại sao tôi cảm thấy rằng mình rất quan trọng, và phải biết tất cả mọi việc, và phải được thừa nhận. Tại sao mình quá bận tâm về bản thân, nhưng tối nay thì tôi không muốn đi sâu vào chiều hướng này.
Trốn Tránh Thực Tại Về Hoàn Cảnh Của Mình
Mặt khác, chúng ta thường cảm thấy choáng ngợp với tình huống xung quanh, và cố trốn tránh nó bằng cách nhìn vào thiết bị di động, hoặc nghe nhạc trên tàu điện ngầm, hay trong khi đi dạo. Chúng ta luôn có tai nghe (earphones) với iPod, đây là một sự mâu thuẫn rất thú vị, nếu như bạn nghĩ về nó. Một mặt thì mình muốn được chấp nhận trong một nhóm người, nhưng mặt khác, khi có mặt trong xã hội thì mình lại xua đuổi mọi người bằng cách chơi một trò chơi trên điện thoại, hay nghe nhạc thật lớn.
Việc này nói lên điều gì? Nó nói lên sự cô đơn, đúng không? Chúng ta muốn có được sự công nhận đó trong xã hội; chúng ta cô đơn, bởi vì không bao giờ cảm thấy mình thật sự được chấp nhận, nhưng mặt khác thì mình tự nhốt bản thân, bằng cách trốn tránh vào thế giới ảo, cũng là một nơi rất cô đơn, đúng không?
Chúng ta cảm thấy bắt buộc phải được giải trí; không thể có một khoảnh khắc nào mà không có điều gì xảy ra. Điều đó lại là một sự mâu thuẫn, bởi vì một mặt thì chúng ta khao khát hòa bình và yên tĩnh, nhưng mặt khác thì lại sợ sự trống rỗng, thiếu vắng thông tin, hay không có âm nhạc.
Theo cách nào đó thì mình muốn trốn tránh sự căng thẳng của thế giới bên ngoài, trên xe điện ngầm, hay bất cứ điều gì, nên sẽ đi vào thế giới ảo nhỏ bé trên điện thoại, internet, nhưng ngay cả ở đó thì mình cũng tìm kiếm sự chấp thuận của bạn bè, v.v... và không bao giờ cảm thấy an toàn. Đó là điều mà mình phải thật sự suy nghĩ: liệu việc rút lui vào thiết bị di động có thật sự là giải pháp cho vấn đề căng thẳng của mình không? Cho dù chúng ta sống trong một thành phố lớn hay bất cứ nơi nào, thì đó có phải là giải pháp hay không?
Nhận Ra Những Tập Khí Tiêu Cực, Và Phát Khởi Quyết Tâm Để Được Tự Do
Điều cần phải làm là nhận ra nỗi bất hạnh mà mình phải trải qua, khi mắc kẹt trong những thói quen này, và nhận diện ra căn nguyên. Tại sao mình bị mắc kẹt trong những thói quen này?
Sau đó, để quyết tâm thoát khỏi nỗi bất hạnh này, dựa trên việc hiểu biết các phương pháp để đoạn diệt căn nguyên của nó, và tự tin là chúng sẽ hữu hiệu. Nhưng không phải là mình chỉ muốn loại trừ nỗi bất hạnh này, rồi giống như thây ma, không có cảm giác gì hết, đi khắp thành phố như người chết đang đi bộ. Hạnh phúc không chỉ là sự vắng bóng của nỗi bất hạnh; nó là điều gì bổ sung thêm cho cảm giác trung hòa, bình tĩnh. Chúng ta không hướng vào mục tiêu vô cảm, vì đó cũng không phải là chủ ý.
Sau đó thì phải nhận ra rằng các đối tượng và tình huống bên ngoài không phải là nguồn gốc của nỗi bất hạnh, đau khổ và căng thẳng mà mình đang trải qua. Nếu chúng là căn nguyên, thì mọi người sẽ trải nghiệm nó theo cùng một cách.
Và vấn đề không phải là internet, không phải là các thiết bị di động của mình. Khi được sử dụng một cách đúng đắn thì đương nhiên, chúng có thể cực kỳ hữu ích trong đời sống. Vấn đề là thái độ của mình đối với chúng, và cảm xúc mà chúng tạo ra và củng cố, và cách mình xử lý thế giới tuyệt vời của internet, và cách mình xử lý tình huống trong cuộc sống.
Chúng ta có nhiều, rất nhiều thói quen tự hủy hoại bản thân, và tất cả những thói quen này đều do phiền não tạo ra, cho dù đó là sự bất an, lo sợ mình không được chấp nhận, bị bỏ rơi, sự ép buộc, đại loại như vậy. Nhưng những cách mà mình cố gắng áp dụng để khắc phục chúng, bằng cách trốn tránh vào phương tiện truyền thông xã hội, v.v..., chỉ khiến cho mình thêm căng thẳng; nó là một vòng tròn lẩn quẩn. Nó chỉ làm cho nỗi lo lắng về “Liệu người ta sẽ yêu thích mình hay không?” vân vân, trở nên mạnh mẽ hơn.
Và nó càng trở nên tồi tệ hơn, khi nghĩ về các thiếu niên và việc bắt nạt trên internet. Không chỉ là bạn nhận được những lượt thích, và mọi người đều thấy bạn có bao nhiêu lượt thích, nhưng nếu như bạn bị bắt nạt, “không thích”, đại loại như vậy, thì mọi người cũng thấy điều đó. Điều này thật là kinh khủng, phải không?
Người ta gởi hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội, những hình ảnh họ đang vui vẻ, đúng không? Họ không đăng hình ảnh khi đang trải qua thời gian xui xẻo. Nên bạn thấy tất cả bạn bè của mình có một thời gian tuyệt vời, và tội nghiệp cho tôi, đang ngồi một mình trong phòng, nhìn vào điện thoại của mình. Đó không phải là tâm trạng rất hạnh phúc, đúng không?
Phải có thái độ thực tế đối với những điều đang xảy ra trên những phương tiện truyền thông xã hội này, v.v... Phải nhận ra việc có rất nhiều lượt thích trên trang Facebook sẽ không giúp cho bạn cảm thấy an toàn, vì nó không có khả năng làm điều đó, mà còn làm ngược lại nữa. Chúng ta ngây thơ và nghĩ rằng nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn, nhưng nó chỉ tạo ra sự khao khát muốn có nhiều lượt thích hơn – lòng tham, vì mình không bao giờ có đủ - và nỗi bất an, khi liên tục xem có nhiều lượt thích hơn hay không.
Phải thừa nhận là tôi có vấn đề này với trang mạng của tôi. Tôi liên tục nhìn vào số liệu thống kê, để xem hôm nay có bao nhiêu người xem trang mạng. Nó cũng giống như vậy. Hay là xem tỷ giá hối đoái mỗi ngày, để xem hôm nay bạn đã mất bao nhiêu tiền. Chúng ta không bao giờ có sự bình an (cười). Hay là suy nghĩ một cách ngây thơ là mình có thể trốn tránh vào thế giới ảo của một trò chơi trên máy vi tính, và bằng cách nào đó, vấn đề của mình sẽ biến mất. Nó không khác gì với việc uống nhiều vodka, phải không, và nghĩ rằng vấn đề sẽ biến mất.
Nếu như đánh giá hội chứng này thì ta sẽ thấy là nó là điều rất hủy hoại bản thân, và cách mình cố gắng đối phó với áp lực và căng thẳng trong cuộc sống chỉ tạo ra thêm vấn đề.
Cần Có Trí Tuệ, Xử Để Lý Hoàn Cảnh Một Cách Hữu Hiệu
Để đối phó với những hội chứng này thì phải có trí tuệ về những tình huống mà mình gặp phải. Ví dụ như khi có công việc khó khăn thì phải xử lý nó; đó là thực tế. Phải chấp nhận thực tế đó. Và thực tế là mình chỉ có thể làm tối đa, theo khả năng của mình. Nếu như mình chấp nhận thực tế này, thì nó sẽ giúp cho mình ngưng phóng chiếu vào công việc của mình rằng đây là một sự tra tấn khủng khiếp, và vào bản thân mình là “Tôi chưa đủ tốt.”.
Vấn đề là ta nghĩ rằng mình phải hoàn hảo, nhưng trừ khi mình là Phật, ngoài ra thì không có ai hoàn hảo. Ngay cả khi ông chủ của mình nghĩ rằng mình nên hoàn hảo, và gây áp lực để mình trở nên hoàn hảo, thì thực tế là điều đó bất khả dĩ. Và vì điều đó không thể xảy ra, vậy thì tại sao ta lại đập đầu vào tường và cảm thấy tội lỗi, rằng mình không thể làm điều gì bất khả dĩ?
Vậy thì ta chỉ làm theo cách tốt nhất trong khả năng của mình, và chấp nhận thực tế của tình huống. Rồi hãy cố gắng tập trung tinh thần; hãy chánh niệm về thực tại của tình huống mà mình đang đối diện, mà không đánh giá quá cao - “đây là điều bất khả” - hoặc đánh giá thấp, “Tôi chỉ cần dùng điện thoại để chơi và xem internet, để trốn tránh vấn đề.”.
Bạn phải đối phó với nó. Bạn phải xử lý công việc. Nếu như đánh giá điều đó quá thấp, thì ta sẽ nghĩ rằng đó là điều mà mình không thể thực hiện được. Ví dụ như khi bạn có một vài nhiệm vụ phải làm ở công sở, và không thật sự thích làm việc đó, thì bạn sẽ làm gì? Liệu bạn có kỷ luật để làm điều đó, hay là bắt đầu lên internet ngay lập tức, hay cảm thấy thôi thúc để nhìn vào điện thoại ngay lập tức, và thấy là, “Có thể có một tin nhắn mới, có thể ai đó đã đăng điều gì thú vị hơn.”. Điều đó đã đánh giá thực tại thấp hơn, về sự kiện là bạn phải làm công việc này. Tất cả những điều này có liên quan với quyết tâm để được tự do. Cố gắng nhận ra đâu là điều thật sự đang tạo ra vấn đề cho mình.
Chúng ta sẽ xử lý việc này như thế nào?
Hiểu Cách Mà Hành Động Của Mình Sẽ Ảnh Hưởng Đến Phản Ứng Của Nội Tiết Tố
Chúng ta sẽ bắt đầu với kỷ luật, và bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, và có thể hiểu cách mà mình đang đối phó với sự căng thẳng là có hiệu quả, thậm chí từ quan điểm khoa học, nếu như nhìn vào khía cạnh nội tiết tố (hormone). Nó sẽ cho mình một cái nhìn hoàn toàn khác, và một cơ sở khoa học đối với những gì đạo Phật đang nói đến.
Nội Tiết Tố Cortisol Và Dopanime
Bạn cảm thấy căng thẳng, vậy thì điều đang xảy ra ở mức nội tiết tố là mức cortisol của mình đã tăng lên. Cortisol là hoóc môn căng thẳng, nên mình sẽ tìm cách giải tỏa căng thẳng. Cách của mình là gì, mà ta nghĩ là sẽ mang lại cho mình hạnh phúc, để loại bỏ chất cortisol này ra khỏi cơ thể. Ta nghĩ rằng, “Tôi sẽ hút một điếu thuốc, và điều đó sẽ giúp ích”; hay là sẽ lên internet, xem phương tiện truyền thông xã hội, để có điều gì thú vị, để giảm bớt sự căng thẳng này. Điều sẽ xảy ra là mình sẽ cảm thấy phấn khích và hạnh phúc, khi tiên liệu rằng điều này sẽ làm cho mình cảm thấy vui hơn, nên mức dopamine sẽ tăng lên. Dopamine là hoóc môn tiên liệu một phần thưởng. Đó là điều mà một con thú sẽ cảm thấy, khi đuổi theo một con thú khác; có sự tiên liệu này. Điều này rất dễ nhận ra, khi bạn đi gặp một người thân yêu, đại loại như thế. Dopamine được nâng lên rất cao, với sự tiên đoán sự việc sẽ tuyệt vời ra sao. Khi bạn ở gần người đó, thì có thể sự việc lại không tốt đẹp chút nào, nhưng chính sự tiên đoán sẽ tăng mức độ hạnh phúc của mình lên, dựa vào dopamine; loại hoóc môn này.
Chúng ta là những chúng sinh có bản chất rất sinh học, nhưng sau khi hút thuốc hay xem internet thì mình không thấy thỏa mãn, nên sự căng thẳng lại quay trở lại. Vậy thì nó không phải là một cách hay.
Vậy thì phải phân biệt những bất lợi của việc tin vào quan niệm sai lầm rằng thuốc lá sẽ giải quyết vấn đề. Hay việc tìm kiếm tin tức gì thú vị, hoặc điều gì thú vị trên trang Facebook của mình sẽ giải quyết vấn đề căng thẳng.
Và ta sẽ thấy khi mình hiểu sự bất lợi của việc nghĩ rằng đây là cách tốt nhất để làm theo, thì mình có thể quyết tâm thoát khỏi thói quen này; thói quen không hữu hiệu.
Kềm Chế Việc Noi Theo Những Phản Ứng Tiêu Cực Theo Thói Quen
Thế là mình sẽ không nương tựa vào thuốc lá. Và hút thuốc là một lãnh vực hoàn toàn khác, về mặt: Có lợi ích gì khi hút thuốc lá không? Không, không có. Nhưng về mặt sử dụng internet, phương tiện truyền thông xã hội, và xem tin nhắn hoài thì mình phải điều chỉnh nó, không phải lúc nào cũng mở nó ra. Nói cách khác là ngưng sử dụng nó như nơi ẩn náu của mình. Ngừng sử dụng nó như lối thoát của mình. Hãy sử dụng nó vì mục tiêu lợi lạc của nó, không phải vì mục đích mà nó không thể hoàn thành.
Và tất nhiên là điều đó rất khó khăn, khi mình buồn chán, khi đối diện với điều mình không thích làm cho lắm ở công sở hay ở nhà, thì có một sự thôi thúc để nhìn vào điện thoại, đúng không. Nhưng cũng giống như khi mình phải ăn kiêng, để không bị béo phì về mặt thể chất, thì mình phải ăn kiêng thông tin, để không bị béo phì về mặt tinh thần. Phải cố hạn chế việc thu nhận thông tin, tin nhắn, âm nhạc, v.v... giống như hạn chế việc dùng thức ăn.
Bây giờ, lúc đầu thì việc kềm chế thói quen cũ tự hủy hoại bản thân sẽ làm tăng mức cortisol, mức độ căng thẳng của mình. Vì những tập khí cũ thì rất là mạnh mẽ. Vì vậy, giống như mình có những triệu chứng cai nghiện tệ hại khi bỏ thuốc lá, bỏ rượu hay ma túy – hoómôn căng thẳng cortisol - thì tương tự như vậy, khi bạn từ bỏ và ngưng sử dụng internet hay tin nhắn xã hội, hay âm nhạc, thì cũng có một sự căng thẳng. Nó giống như cai nghiện; người ta đã mô tả việc cai nghiện âm nhạc, đặc biệt là khi họ ghiền việc luôn luôn man tai nghe (earphones) với iPod, và một thời gian sau đó thì bạn sẽ liên tục hát trong đầu. Phải mất một thời gian dài để cho điều đó lắng xuống. Tôi nghĩ đó là một hình ảnh rất tốt; bị béo phì với âm nhạc trong đầu..., bạn biết mà, nó có mặt ở đó.
Bạn không thể sinh hoạt, vì không thể nghĩ về bất cứ điều gì, bởi vì dòng nhạc này đang diễn ra trong đầu. Đặc biệt là khi cùng một dòng nhạc cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến bạn phát điên lên. Nhưng nếu như kiên trì với điều đó, thì cuối cùng, mức độ căng thẳng đó sẽ giảm xuống, và ta sẽ cảm thấy một sự bình an, tĩnh lặng trong tâm hồn. Sau đó thì mình sẽ ở trong một vị trí tốt hơn để thay thế những thói quen tiêu cực bằng những thói quen tích cực.
Ở đây, chúng ta có những phương pháp của nhà Phật rất hay, mà không nhất thiết phải giới hạn cho Phật tử thôi, như nhận ra mình là một thành phần của nhân loại, và chúng ta đều liên hệ với nhau, phúc lợi của mình phụ thuộc vào người khác, và đây là cách ổn định hơn nhiều để thỏa mãn nhu cầu cảm thấy mình có liên hệ và gắn bó với người khác, mà việc làm một thành viên của mạng xã hội trên internet không thực hiện được.
Nội Tiết Tố Oxytocin
Có một loại hoócmôn dành cho điều đó, là oxytocin. Và oxytocin là hoócmôn gắn bó mà bạn có; giữa bà mẹ với đứa con, vân vân. Chính là nội tiết tố này trong người mình thúc đẩy nhu cầu gắn bó với nhau, để cảm thấy mình là một thành phần của một nhóm nào đó. Điều này có thể được thỏa mãn theo cách tích cực, như cảm thấy mình là một thành phần của nhân loại, tất cả chúng ta đều bình đẳng, mọi người đều muốn hạnh phúc, không ai muốn bất hạnh – đại loại như vậy, là điều ổn định hơn nhiều, so với việc cố gắng thỏa mãn nó bằng cách là một thành phần của một nhóm truyền thông xã hội, phụ thuộc vào những lượt thích.
Tôi đã nêu ra thông tin về hoócmôn vì một lý do cụ thể. Đức Dalai Lama thường nói chúng ta phải làm Phật tử thế kỷ 21, và điều này có nghĩa là có một nhịp cầu kết nối giữa giáo lý nhà Phật và khoa học, để chứng minh rằng có rất nhiều điều trong Phật pháp hài hòa với khoa học, nên Ngài thường xuyên có các hội thảo về Tâm Thức và Đời Sống, để gặp gỡ các nhà khoa học, để xem đâu là những điều được hiểu theo cách giống nhau, và làm thế nào hai bên có thể giúp đỡ nhau, để có được bức tranh hoàn chỉnh hơn về đời sống.
Nếu như ta hiểu rằng, ở mức độ rất là vật lý sinh học thì mình cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy tốt hơn, dựa vào một số hoócmôn trong cơ thể, thì có thể phân tích những cách mà mình đang sử dụng, để cố gắng đáp ứng nhu cầu của những nội tiết tố này, và nếu như những cách này không hữu hiệu, thì hãy tìm cách khác để có thể tận dụng chúng một cách tích cực, mà không tự hủy hoại.
Dopamine, Nội Tiết Tố Tiên Liệu Và Thiết Lập Mục Tiêu Tích Cực
Chúng ta đã nói về dopamine, là loại hoócmôn tiên liệu về phần thưởng. Nó làm cho bạn cảm thấy rất phấn khích, giống như một con sư tử đuổi theo một con linh dương để ăn thịt nó. Vậy thì chúng ta có một vài cách tiêu cực, không hữu hiệu, để cố tận dụng hội chứng dopamine đó, như việc tiên liệu nhiều lượt thích hơn trên trang Facebook của mình, nhưng nó không hữu hiệu.
Hay mình có thể có những cách trung lập để cố gắng thỏa mãn nó. Tôi có một người bạn là dân tập tạ. Anh dự đoán rằng bây giờ, anh có thể nâng 180 kg, và có thể nâng 200 kg. Anh rất phấn khởi, điều này khiến cho anh rất vui vẻ, khi dự đoán về một phần thưởng. Nhưng ngay cả như vậy, cứ cho là anh có thể nâng 200 kg đi, thì như một Phật tử, chúng ta sẽ nói một cách rất mỉa mai là liệu điều đó sẽ giúp cho bạn có một tái sinh tốt hơn hay không?
Nhưng nếu như mình tận dụng hội chứng dopamine đó để tu tập, cho là nhắm vào việc đạt được shamatha, định tâm hoàn hảo, hay có được hạnh nhẫn, khắc phục tâm sân hận, v.v..., thì ở đây, nó sẽ trở nên rất thú vị. Thay vì cảm thấy thất vọng; “Tôi chưa đủ tốt, tôi không thể chịu đựng được”, thì bạn có thể bắt đầu làm việc với nó ở khía cạnh “Đây là một thử thách, tôi thật sự rất vui khi cố gắng đối diện với sự thử thức này.”.
Chúng ta phải cố gắng làm điều này mà không có kỳ vọng hay thất vọng, và điều này nằm trong chỉ giáo về thiền. Thật khó khăn khi bạn mong đợi mình sẽ có được kết quả ngay lập tức, và dĩ nhiên là bạn sẽ thất vọng. Vì vậy nên sẽ không có kỳ vọng, nhưng bạn đang tu tập để hướng về một mục tiêu. Và khi làm việc để hướng về một mục tiêu, đặc biệt khi đó là mục tiêu có ý nghĩa, thì đó là một nguồn hạnh phúc. Chúng ta sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc có một cơ sở sinh học, nên nó hoàn toàn phù hợp với phương pháp khoa học, đó là đạo Phật thế kỷ 21. Nói cách khác là chúng ta có thể giải thích theo cách mà các nhà khoa học có thể chấp nhận, làm thế nào và tại sao các phương pháp của đạo Phật có hiệu quả. Đó là mục tiêu.
Tam Vô Lậu Học: Giới, Định, Tuệ
Nói tóm lại là phải phát tâm quyết tâm để được tự do, điều mà chúng ta gọi là tâm xả ly. Sau đó, để thoát khỏi những tập khí tiêu cực cũ thì mình phải rèn luyện giới, định và tuệ; cái gọi là tam vô lậu học: để phân biệt điều gì hữu ích, điều gì có hại, điều gì hữu hiệu, điều gì không hữu hiệu, tập trung tinh thần vào điều đó với định tâm và giới luật để sửa đổi hành vi của mình một cách thích hợp.
Chướng Ngại Cho Giới Luật: Hối Hận
Ba điều này phải phối hợp hài hòa với nhau, nhưng để phát triển chúng một cách đúng đắn thì mình phải loại bỏ các yếu tố cản trở chúng. Hối hận cản trở giới luật. Ví dụ như mình rất hối tiếc, vì đã không xem internet, hay trả lời ngay tin nhắn, hoặc email. Việc hối tiếc như vậy sẽ làm hại kỷ luật chỉ xem nó vào những giờ nào đó trong ngày thôi.
Cách hữu ích là tắt chức năng thông báo - “Bạn có điện thơ” - hay tắt chức năng thông báo trên máy vi tính, hay điện thoại di động của mình, và chỉ xem email vào những khoảng thời gian cố định trong ngày. Chỉ trả lời ngay lập tức những câu hỏi quan trọng, vậy thì mình cần có kỷ luật, để trả lời sau những câu hỏi có thể đợi đến khi mình ít bận rộn hơn, hay xử lý nó trong thời gian nhất định trong ngày mà bạn thường xuyên dành cho việc trả lời tin nhắn.
Tôi phải thú nhận là mình khá tội lỗi về điều này, nên đã áp dụng một cách để xử lý các email mà tôi nhận được. Tôi không tham gia truyền thông xã hội, và không nhận những tin nhắn này, nhưng mỗi ngày, tôi nhận được ít nhất ba mươi email, hay nhiều hơn. Cách tôi làm là thay vì trả lời chúng ngay lập tức, thì sẽ không bao giờ làm xong công việc, nên tôi sẽ như làm như vầy... Tôi sẽ xem xét và trả lời những câu hỏi nào thật là quan trọng, nhưng sẽ gắn cờ cho những email còn lại. Và tôi biết là khi đầu óc không sáng suốt để viết lách, hoặc làm những việc quan trọng hơn, thì sẽ trả lời những email này. Vậy thì bạn sẽ dành một thời gian nhất định. Nếu không thì bạn sẽ mất kiểm soát.
Chướng Ngại Đối Với Định Tâm: Thụy Miên, Hôn Trầm Và Trạo Cử
Thụy miên (buồn ngủ), hôn trầm và trạo cử cản trở định tâm của mình. Khi có yếu tố nào trong những điều này thì mình sẽ mất chánh niệm về sự thật là nếu như mình kềm chế việc xem nhắn tin liên tục, thì đời sống sẽ bớt phức tạp hơn. Việc tập trung vào điều này và ghi nhớ nó, là ý nghĩa của chánh niệm.
Hãy nhớ rằng cuộc sống của tôi sẽ bớt căng thẳng hơn, ít áp lực hơn, nếu như tôi chấp nhận thực tế là tôi sẽ trả lời hầu hết những tin nhắn này vào buổi tối, hãy cho là vậy, hay bất cứ lúc nào, bất cứ thời gian nào mà mình chọn để xử lý việc này. Điều cản trở việc này là khi bạn ngủ buồn và mệt mỏi, thì sẽ quên mất. Và việc vô trang Facebook thì dễ dàng hơn. Hay bạn cảm thấy buồn tẻ, nên thay vì thức dậy rồi uống nước, hay đại loại như vậy, thì bạn lại vô internet. Hay là trạo cử, khi tâm tôi đi lang thang khắp nơi, và điều này đang xảy ra, điều kia đang xảy ra, và bạn sẽ trả lời tin nhắn mà không cần suy nghĩ. Bạn sẽ đọc tin nhắn. “Tôi không muốn bỏ lỡ điều gì.”.
Chướng Ngại Đối Với Trí Tuệ: Do Dự Và Nghi Ngờ
Cuối cùng thì tâm do dự cản trở trí tuệ của mình. Chúng ta cứ do dự hoài về việc xem tin nhắn chỉ trong một những thời điểm cố định - “Đây có phải là quyết định đúng đắn không?” - không có sự xác quyết trong lòng. Nghi ngờ.
Những sự nghi ngờ như vậy xảy ra, bởi vì nó khó khăn và căng thẳng, khi phải kềm chế việc không xem tin nhắn. Để đối phó với những nghi ngờ này thì phải nhắc nhở bản thân về những lợi ích của việc thay đổi thói quen của mình; nó sẽ làm cho cuộc sống của tôi bớt rời rạc hơn, nếu như chỉ chú trọng vào một việc, và chăm nom mọi việc theo một trật tự thỏa đáng, một cấu trúc phù hợp. Nếu không thì nó sẽ hỗn loạn, và hỗn loạn thì sẽ tạo ra sự căng thẳng.
Tâm Bình Đẳng Và Lòng Bi
Có những phương pháp khác mà mình cũng có thể áp dụng, để làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn. Ví dụ như cách xử lý việc ở trong tàu điện ngầm đông đúc. Càng chú ý đến bản thân, muốn bảo vệ chính mình và trốn tránh vào điện thoại di động, thì ta càng cảm thấy khép kín. Tôi không nói về việc sử dụng thời gian trên tàu điện ngầm một cách bình tĩnh để đọc một cuốn sách, vì phải mất một thời gian dài để đến bất cứ nơi nào. Tôi đang nói về việc khi bạn trốn tránh vào điện thoại di động, âm nhạc, hoặc một trò chơi. Càng chú tâm vào bản thân và muốn bảo vệ chính mình, và trốn tránh vào điện thoại di động, thì mình càng cảm thấy khép kín, nên năng lượng của mình sẽ bị siết chặt, và cảm thấy căng thẳng hơn. Chúng ta không thoải mái, vì cảm thấy bị nguy hiểm đe dọa, đặc biệt là ở Mạc Tư Khoa, nơi mà các xe điện ngầm rất đông đúc. Ở Berlin thì không quá đông đúc như vậy.
Ngay cả khi bị cuốn hút vì trò chơi mà mình đang chơi trên điện thoại di động, hay âm nhạc lớn tiếng mà mình đang nghe trên iPod, thì ta đã dựng bức tường xung quanh mình, không muốn bị làm phiền, nên có thái độ phòng thủ. Thật ra thì đó là một kinh nghiệm rất khó chịu, dù mình đang cố gắng giải trí, nhưng lại không bình tĩnh.
Mặt khác, nếu như mình xem bản thân là một thành phần của cả đám đông trên tàu điện ngầm, và có sự quan tâm và lòng trắc ẩn cho mọi người trong tình huống giống như mình, thì lòng mình sẽ cởi mở. Tất nhiên là mình có thể cảnh giác với nguy hiểm, nhưng không hoang tưởng, chỉ chú ý vào bản thân. Chúng ta muốn mọi người đều được an toàn, và không cố gắng loại trừ người khác bằng âm nhạc, hay trốn tránh họ bằng cách chơi một trò chơi. Điều đó chỉ cô lập bản thân mình. Chúng ta không muốn cô lập bản thân.
Có Cảm Giác Cởi Mở Với Tất Cả Mọi Người
Điều hữu ích hơn nhiều là cởi mở với mọi người, nhưng việc cởi mở cũng là một vấn đề rất tinh tế. Nếu như bạn chấp vào một cái tôi vững chắc ở bên trong, thì bây giờ tôi đã cởi mở, tôi dễ bị tổn thương, và tôi sẽ đau lòng. Nó có thể được thực hiện trên cơ sở đó. Đối với việc cởi mở để nghĩ về mọi người thì một mặt nó sẽ làm thỏa mãn bản năng động vật, là một thành phần của một đàn thú. Bạn cảm thấy an toàn hơn, khi bạn là một thành phần của bầy đàn, thay vì tự cô lập mình ra khỏi đàn. Vì vậy, ở mức độ động vật thì nó hữu hiệu. Nhưng cũng phải cẩn thận về việc làm tan rã cái tôi rắn chắc bên trong hiện giờ, và hạ những bức tường xuống... “Bây giờ thì mọi người sẽ tấn công tôi.”.
Đó là một hoạt động tinh vi, nhưng rất hữu ích, nếu như bạn làm được như vậy. Để làm điều này thì phải kết hợp giới, định, tuệ.
Nghỉ Ngơi Đầy Đủ Sau Khi Làm Việc Chăm Chỉ
Có nhiều phương pháp khác mà mình có thể áp dụng, để cố gắng đối phó với sự căng thẳng trong đời sống, ngay cả những phương pháp rất đơn giản. Giống như nếu như mình cần phải nghỉ ngơi sau khi làm việc chăm chỉ, thay vì vào internet thì hãy đứng lên, uống nước, nhìn ra cửa sổ - đại loại như thế. Nói cách khác là hãy có mức độ kích thích thấp hơn, thay vì nhiều hơn. Sự căng thẳng xuất phát từ sự kích thích quá mức. Bạn không muốn giải quyết nó bằng cách có nhiều sự kích thích hơn nữa. Ít hơn thì sẽ tốt hơn.
Với tâm xả ly, áp dụng tam vô lậu học, giới, định và tuệ, thì ta có thể giảm bớt sự căng thẳng trong đời sống hàng ngày, và thói quen tự hủy hoại bản thân. Ta sẽ bình tĩnh hơn nhiều, để có thể đối phó với áp lực của công việc, gia đình, tình hình kinh tế, v.v... Và điều này sẽ đặc biệt hiệu quả, đối với việc xử lý hoàn cảnh trong thời hiện đại, khi mà chúng ta có sẵn rất nhiều thứ như internet, phương tiện truyền thông xã hội, âm nhạc, v.v... Điều đó không có nghĩa là mình phải từ bỏ internet, vứt bỏ máy móc di động, không bao giờ nghe nhạc nữa; không có nghĩa là như vậy, mà là để phát triển một chiến lược tốt hơn, những thói quen tốt hơn về cách sử dụng chúng một cách lành mạnh và lợi lạc. Cảm ơn các bạn.
Câu Hỏi
Vấn đề là trong đời sống hiện đại, chúng ta phải phản ứng với sự việc. Chẳng hạn, nếu như xem tin tức thì mình không chỉ xem vì quan tâm đến bản thân, mà cũng muốn biết mình nên làm gì, cách phản ứng với sự việc. Chẳng hạn như đôi khi, người ta nêu ra về cách lãi suất thay đổi trên mạng, và có thể mình phải ứng phó với vấn đề này. Hoặc ai đó có thể gởi cho bạn tin người nào bị bệnh, và cần sự giúp đỡ. Hay đồng nghiệp của mình có thể gởi điện thơ, muốn hỏi thăm điều gì, và nếu như không xem thì ta sẽ không thấy tin tức đó. Hay ví dụ như dự báo thời tiết. Nếu như không xem dự báo thời tiết vào buổi sáng mà đi ra ngoài thì mình có thể bị lạnh, và vì không biết về điều đó, nên có thể bị bệnh. Trong tất cả những trường hợp này thì mình sẽ sinh hoạt với hiệu quả thấp hơn, và có thể lãng phí thời gian hay sức khỏe, hay điều gì khác.
Đó là lý do tại sao tôi nói rằng chúng ta phải có một phương pháp lành mạnh, thông minh về cách sử dụng internet. Nếu như mình bị béo phì, và đang ăn kiêng, thì không có nghĩa là mình ngưng ăn hoàn toàn. Chúng ta chỉ hạn chế những thực phẩm mà mình tiêu thụ thôi. Tương tự như vậy, nếu như mình bị béo phì về mặt thông tin, thì phải hạn chế những thông tin mà mình sẽ xem, và chỉ đọc những điều cần thiết, những điều hữu ích và những thứ khác, như tôi đã nói theo cách của tôi, ít nhất là trong chương trình email của tôi, thì bạn có thể gắn cờ cho email nào đó, để mình biết, rồi xem nó sau này; để xử lý với nó sau.
Nhưng phương pháp này ngụ ý là trong bất cứ trường hợp nào thì mình cũng nhận được tất cả thông tin, rồi sẽ chọn những email nào mà mình sẽ trả lời, những email nào mình không trả lời, nhưng vẫn đọc hết các tin nhắn, và tất cả các tin tức, v.v...
Một lần nữa, bạn phải áp dụng những cách khác nhau. Có một sự khác biệt khá lớn giữa việc xem dự báo thời tiết vào buổi sáng, khi bạn thức dậy, và việc xem thử bạn có bao nhiêu lượt thích sau đêm hôm qua. Bạn không phải xem mình có bao nhiêu lượt thích. Và những tin nhắn mà bạn nhận được thì một số trong số đó là quảng cáo, một số là từ những người không quá quan trọng, về mặt công việc của bạn và v.v..., một số vấn đề thì bạn có thể giải quyết sau. Bạn biết trong sổ địa chỉ của mình thì điều gì quan trọng, và điều gì ít quan trọng hơn. Tôi có một người bạn thích chụp hình bữa ăn sáng mà anh ấy làm, và gởi cho mọi người. Chắc chắn là tôi không phải xem tin tức này.
Anh ấy biết là ông không xem?
Tôi sẽ xem nó sau, nhưng chắc chắn là tôi sẽ không ngưng làm việc để xem nó.
Các tôn giáo khác cũng cung cấp cho chúng ta những phương pháp để có cảm giác của nội tiết tố “vui vẻ” này. Đâu là sự khác biệt giữa các tôn giáo này và đạo Phật?
Đúng là các tôn giáo khác chắc chắn cũng cung cấp điều này, về mặt “Chúa Giê-su yêu thương tôi”, và “Thượng Đế yêu thương tôi, v.v... - vấn đề được chấp nhận và tu tập để hướng về mục tiêu. Chắc chắn là có điều này, đó là sự thật. Các phương pháp mà tôi nói đến không chỉ riêng biệt trong đạo Phật, mà không cần có bối cảnh tôn giáo nào. Chúng chỉ là những phương pháp chung chung hữu ích cho bất cứ ai. Không có gì riêng biệt trong đạo Phật trong những điều tôi đã nói.
Khi mình đặt câu hỏi đâu là điểm đặc thù của đạo Phật, thì đó là tri kiến về thực tại, ở một mức độ rất vi tế. Và điều mà những cuộc thảo luận với các nhà khoa học đang tiết lộ là thậm chí điều đó không quá đặc thù, bởi vì quan điểm này về thực tại khá phù hợp với quan điểm của vũ trụ lượng tử. Nếu như đưa lý thuyết lượng tử vào kết luận hợp lý của nó về mặt cấu trúc của vũ trụ, thì bạn sẽ có được giáo lý của nhà Phật về tánh Không và lý duyên khởi.
Ta phải làm gì, nếu như đang chuẩn bị gặp người nào, và sẽ gặp họ, nhưng đến khi gặp họ rồi thì anh ta chỉ nhìn vào điện thoại di động và không chú ý nhiều đến mình. Trong tình huống này thì có ổn không, nếu như mình nói rõ với người này la điều đó không chấp nhận được, bởi vì chúng ta đang có một buổi họp mặt thật sự?
Cá nhân tôi thì nghĩ vậy. Tôi nghĩ việc nói với người đó rằng: “Xin chào! Tôi có mặt ở đây!” là điều thích hợp. Có một điều gọi là phép lịch sự về điện thoại di động, rất là quan trọng, đặc biệt là khi bạn là cha mẹ, và có con cái ở tuổi dậy thì, thì hãy đưa ra luật lệ không được gởi tin nhắn và nói điện thoại trong khi ngồi ở bàn ăn. Vâng, bạn sẽ nói không được phép làm điều đó, và bảo họ cất điện thoại đi. Tôi có một người bạn dạy ở một trường đại học Mỹ, và cô ấy bắt sinh viên để điện thoại trên bàn trong giờ học. Họ không được phép giữ nó ở chỗ ngồi. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn thích hợp. Điều rất thú vị là - tôi không nhớ rõ là mỗi 45 phút hay một tiếng, bởi vì đó là một buổi hội thảo dài ba tiếng đồng hồ – thì cô ấy phải cho mọi người dùng điện thoại. Không phải là họ phải đi nhà vệ sinh, mà là rất lo lắng về việc không xem điện thoại, nên họ phải vội vàng cầm điện thoại lên và xem nó trong giờ nghỉ. Về mặt xã hội học thì đó là điều rất thú vị.
Đây thật sự là một bệnh ghiền kinh niên mà mọi người mắc phải, đối với điện thoại, và là điều mà bạn thường phải giúp mọi người có một số kỷ luật xã hội nào đó. Tôi nghĩ điều này thích hợp, nếu như được thực hiện một cách lịch sự. Một lần nữa, có một sự khác biệt giữa những tin khẩn cấp mà họ phải biết, hay chỉ là việc tán gẫu về việc gì không quan trọng. Và trên thực tế thì chúng ta sẽ nhận những cú điện thoại báo tin khẩn cấp thường xuyên bao nhiêu? Và nếu như gặp ai đó, mà mình đang chờ một cú điện thoại để biết là con mình đã về nhà an toàn, hay điều gì tương tự, thì bạn sẽ nói với người đó. Hãy nói một cách lịch sự rằng: “Tôi đang đợi một cú điện thoại. Tôi đang trông tin cho biết là con tôi đã về nhà an toàn”, thì họ sẽ thông cảm, và mọi thứ đều rõ ràng.
Trong khi đi tàu điện ngầm thì tôi luôn luôn nghe nhạc, nhưng tôi làm điều đó không phải để có thêm sự kích thích, mà thật ra là để giảm lượng kích thích tiêu cực. Đó là vì xung quanh tôi là những người nói về chuyện gì đó, và đôi khi, tôi không muốn nghe những điều đó, có rất nhiều điều tiêu cực trong những câu chuyện này. Ngoài ra, còn có quảng cáo trên tàu điện ngầm, nói về điều mà bạn đã thuộc lòng, nên tôi chỉ nghe nhạc, để tránh tất cả những điều kích thích tiêu cực này. Có phải là tôi đang trốn tránh không? Hay tôi đang thay đổi những yếu tố kích thích tiêu cực và rất mạnh mẽ, thành những yếu tố ít mãnh liệt và tiêu cực hơn?
Đó là một câu hỏi rất thú vị. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là cách trả lời của người Ấn Độ, mà có thể không phải là câu trả lời thích hợp nhất: khi bạn đi xe buýt qua đêm ở Ấn Độ, một chiếc xe buýt mở video suốt cả đêm. Nó là một bộ phim lặp đi lặp lại, mở âm thanh lớn hết mức. Nếu như bạn hỏi người tài xế, “Làm ơn vặn nhỏ âm thanh lại được không”, hay bất cứ điều gì, thì câu trả lời của người Ấn Độ là “Đừng lắng nghe nó.”.
Bạn không phải nghe những điều mà tất cả mọi người nói trên tàu điện ngầm. Đó là vấn đề chú ý. Bạn đang tập trung vào điều gì? Nếu sự chú ý của bạn hướng về tất cả mọi người, và nhìn thấy, cho là nét mặt của họ, và có thể là họ không vui cho lắm, thì với lòng bi mẫn, hãy mong cho họ thoát khỏi nỗi bất hạnh, để họ được hạnh phúc, rồi thì sự chú ý của bạn sẽ không tập trung vào những điều họ đang nói, và bạn không nhìn vào quảng cáo. Sự chú ý của bạn sẽ hướng về điều gì khác.
Nếu như mình không có khả năng làm điều đó thì nghe nhạc cũng ổn thôi. Nhưng âm nhạc không nên là một cái cớ để mình thờ ơ với mọi người. Đó là một cơ hội hoàn hảo để tu tập lòng bi.
Hãy nghĩ về nguyên tắc của tonglen, pháp tu cho và nhận khá cao cấp của đạo Phật. Điều bạn cố gắng làm trong tình huống này là thay vì đẩy người khác ra, và đặt những bức tường xung quanh những điều họ nói, thì bạn sẽ chấp nhận nó, nên bạn sẽ cởi mở, và chấp nhận rằng họ đang nói về điều gì tầm thường, hay tiêu cực. Sau đó thì hãy trao tặng cho họ lòng thương mến, ước mong họ có thể vượt qua bất cứ điều gì khiến cho họ buồn phiền. Họ có thể tham gia nhiều hơn vào những điều tích cực có ý nghĩa hơn. Vậy thì đó là một cơ hội tuyệt vời để tu tập tonglen.
Điều rất thường xảy ra là khi mình phát tâm xả ly lần đầu tiên, thì đến một lúc nào đó, nó sẽ giảm thiểu, và có thể vì mình lười biếng, hay những vấn đề khác, và không cảm thấy điều này nữa, thì ta phải làm gì để khôi phục nó, nếu như điều này xảy ra?
Lời khuyên chủ yếu thường được nêu ra là hãy nhắc nhở bản thân về sự bất lợi của bất cứ điều gì mà mình nhất quyết phải thoát khỏi; bất cứ tình huống đau khổ nào, và lợi ích của việc thoát khỏi điều này. Hãy tự nhắc nhở mình phương pháp để thoát khỏi nó là gì, và khẳng định lại lòng tự tin rằng không chỉ phương pháp này hữu hiệu, mà mình còn có khả năng thực hiện nó. Tất cả những điều này là một phần rất quan trọng của quyết tâm để được tự do. Nói cách khác là nhắc nhở bản thân rằng “Mình có thể thoát khỏi nó, nếu như tu tập đủ siêng năng”. Nếu không thì bạn chỉ thấy nản lòng, rồi thì không làm gì cả, và bỏ cuộc.
Nếu như mình hành thiền, thì việc này sẽ giúp cho mình ổn định hơn, và đây là điều mà mình sẽ đạt được. Nhưng khi uống thuốc để giúp cho mình ổn định hơn, thì đây là điều mà mình sẽ có được, mà không cần nỗ lực, và nó không thay đổi con người mình. Tất nhiên là nếu như người nào bị bệnh, thì phải uống thuốc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu như người đó sử dụng điều gì trong đời sống hàng ngày, chỉ để cải thiện một trạng thái, để giảm sự căng thẳng và những ảnh hưởng
Tôi nghĩ chúng ta cần phải thực tế về phương pháp của đạo Phật. Các phương pháp trong nhà Phật sẽ hữu hiệu đối với những người đã có một mức độ trưởng thành và ổn định nào đó. Nếu như đang bị xáo trộn về mặt cảm xúc và tinh thần một cách nghiêm trọng, thì bạn không thể áp dụng các phương pháp nhà Phật. Bạn cần phải có một sự ổn định, và thuốc men có thể rất hữu ích - cho dù đó là thuốc an thần, là thuốc chống trầm cảm, hay thuốc gì đi nữa. Bạn cần một cái gì đó để giúp cho bản thân. Nếu như chỉ nói rằng, "Cứ hành thiền đi", thì những người như vậy chưa có khả năng. Nhưng một khi đã ổn định hơn, thì tất nhiên bạn phải khắc phục cơn ghiền thuốc men. Khi ổn định hơn thì bạn sẽ có được tâm trạng có thể áp dụng các pháp thiền. Trước đó thì tâm bạn quá xáo trộn; nên không thể tập trung.
Ở Miến Điện có ba người bị vào tù vì treo quảng cáo nhà hàng với hình ảnh Đức Phật đeo tai nghe. Ông nhận xét như thế nào về điều này, từ quan điểm của đạo Phật?
Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người anh em họ ganh tỵ của Đức Phật, luôn cố hãm hại Ngài, nhưng dĩ nhiên là Đức Phật không thể bị hại, và chắc chắn Ngài đã không buồn phiền về điều đó. Thế thì Phật sẽ không cảm thấy bị xúc phạm về việc có một bức ảnh vẽ Ngài đeo tai nghe (earphones). Nhưng đối với tín đồ Phật giáo, hoặc tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào, khi người khác không tôn trọng nhân vật chính của họ, thì đó là điều rất đụng chạm. Và không có lý do gì để xúc phạm người khác, vì đó là điều rất bất lịch sự. Việc bắt họ vô tù, hay phạt tiền rất nặng thì có lẽ không thích hợp chút nào. Tuy nhiên, họ không nên làm như vậy. Tự do ngôn luận không nhất thiết có nghĩa là có quyền xúc phạm người khác; đặc biệt là khi bạn biết điều này sẽ làm cho người dân khích động. Hiện giờ, dĩ nhiên là điều đó tùy thuộc vào vấn đề ai là người quyết định điều gì là xúc phạm hay không, và điều đó có thể bị lạm dụng. Nhưng khi nói về lãnh vực tôn giáo, như khi làm điều gì bất kính với Chúa Giê-su, với Mohammed, hay Đức Phật, thì rõ ràng là điều này không phù hợp. Các Kitô hữu sẽ phản ứng ra sao, với một quảng cáo có Chúa Giê-su trên thánh giá, mang tai nghe (headphones) để nghe iPod, như một quảng cáo cho một loại iPod mới? Tôi không nghĩ rằng các tín đồ Kitô giáo ngoan đạo sẽ vui lòng về điều đó.
Chúng ta có thể phấn đấu để đạt được mục tiêu thế gian, hay mục tiêu tâm linh. Tôi thấy có thể có hai cực đoan. Một là chú tâm nhiều hơn vào mục tiêu thế gian, nhưng trong trường hợp này thì nó vô hạn, và bạn sẽ hoàn thành một mục tiêu, rồi lại có một mục tiêu khác. Một cực đoan khác mà tôi có thể thấy trong các cộng đồng Phật giáo chẳng hạn, là cố đạt được mục tiêu tâm linh, nhưng lại quên mất mục tiêu thế gian. Có phương pháp nào, hay cách nào, để giải quyết vấn đề này, và có được sự cân bằng hay không?
Đức Dalai Lama luôn luôn nói 50/50. Chúng ta phải xem thực tế về cuộc đời của mình là gì, trách nhiệm của mình là gì: tình hình tài chánh của mình, chúng ta có phải nuôi ai hay không? Vậy thì hãy thực tế.