Đối Trị Lòng Ganh Tỵ: Khái Niệm Về Mối Quan Hệ Giữa Màu Sắc

Câu Hỏi

Có Quyền Lợi Cố Hữu Để Được Hạnh Phúc Hay Không?

Liệu chúng sinh có quyền lợi cố hữu để có được hạnh phúc hay không?

Liệu cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc con cái và yêu thương chúng càng nhiều càng tốt hay không? Tôi sẽ nói là có, nếu như chúng ta quyết định trở thành cha mẹ. Tuy nhiên, tôi không thể thấy cách chúng ta có thể thiết lập hay chứng minh quyền lợi cố hữu nào đó về phía đứa trẻ. Đức Dalai Lama thường sử dụng ví dụ về rùa biển đẻ trứng trên bờ rồi bỏ đi, rồi những con rùa con nở ra, và phải tự chăm sóc bản thân.

Vậy thì khó mà nói rằng đó là điều gì cố hữu trong tất cả chúng sinh. Tuy nhiên, là cha mẹ thì chúng ta có trách nhiệm yêu thương và chăm sóc con cái, bất kể chúng sẽ cư xử như thế nào. Chúng không phải làm điều gì, hay xứng đáng để có được lòng yêu thương và chăm sóc của cha mẹ. Ở đây, Đức Dalai Lama thường nói về việc loài người có tình cảm tự nhiên cho trẻ con. Đó là lý do mà Ngài nói đó sẽ là một thí nghiệm thú vị, để đem một con rùa mẹ trở lại với các con của nó, một khi chúng đã nở, để xem rùa mẹ có tình cảm tự nhiên nào đối với các con hay không, hay rùa biển là một ngoại lệ trong trường hợp này.

Ngài cũng sử dụng ví dụ tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc, và không muốn bất hạnh, và mọi người đều có quyền hạnh phúc và không bất hạnh. Nếu như mình khảo sát nó một cách chặt chẽ thì đúng, đó là sự thật quy ước, nhưng nếu như mình đi sâu hơn, thì có một kết luận khác. Đối với việc mưu cầu hạnh phúc và tránh né khổ đau thì mình không có quyền làm như vậy, bằng cách hy sinh hạnh phúc của người khác, hay nếu như điều đó sẽ khiến cho họ đau khổ. Vấn đề không phải là về phía họ thì mọi người có quyền được hạnh phúc, mà là mình không có quyền làm cho họ khổ, hay ngăn trở hạnh phúc của họ, để có được hạnh phúc cho riêng mình. Từ quan điểm nhà Phật thì điều đó phù hợp hơn với cách nhìn sâu sắc hơn. Vậy thì việc mưu cầu hạnh phúc của riêng mình cũng bao gồm sự kiện là tất cả những người khác cũng muốn được hạnh phúc.

Nếu như có người nói rằng quyền tự do mà tôi đang sử dụng cho bản thân mình đang làm cho người khác đau khổ thì sao? Khi nhìn vào lối sống của chính mình thì tất nhiên, chúng ta có thể gặp khó khăn, vì không thể làm cho tất cả mọi người hạnh phúc.

Đầu tiên, chúng ta nói rằng mình không có quyền lợi cố hữu, và chữ “cố hữu” là từ chủ yếu. Chúng ta đơn giản không có quyền lợi cố hữu để có được hạnh phúc, bất kể mình làm gì, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có quyền được hạnh phúc. Không phải là hạnh phúc của mình không được phép xảy ra, nên đừng hiểu lầm điều này. Tất cả các pháp đều phụ thuộc vào nhân quả, nên nếu như mình chỉ nhận và tiếp nhận càng ngày càng nhiều, mà không cho ra điều gì hết, thì điều đó không hợp lý. Ở đây, tôi đang nói về người bạn đời, khi mà cả hai người đều phải cho và nhận một cách đồng đều, để mối quan hệ sẽ xảy ra một cách tốt đẹp.

Ví dụ như một người đóng góp cho mối quan hệ bằng cách nuôi dạy con cái, nên theo ý nghĩa thông thường thì họ có quyền nghỉ ngơi một thời gian. Cả hai vợ chồng đều phải đóng góp một cái gì đó, để cho công bằng. Đây không phải là quy luật cố hữu, mà là cách mọi việc vận hành một cách tương đối. Dĩ nhiên, nếu như người kia không chấp nhận điều này, thì sự dàn xếp này phải được xem xét lại. Không phải là một người trở thành người chịu đọa đày hay nạn nhân, và nhượng bộ, bởi vì đó cũng không phải là một giải pháp lý tưởng, hành động như thể mình không có quyền được hạnh phúc, và lúc nào cũng là một người hầu.

Đạo Phật luôn luôn cố gắng tránh hai cực đoan, và đôi khi, khi bạn nêu ra một mặt, thì sẽ dễ quên đi mặt kia. Nó giống như phủ nhận rằng người mặc trang phục ông già Noel là ông già Noel, nhưng rồi lại quên khẳng định rằng có một người ở đó.

Làm Sáng Tỏ Những Điểm Về Dân Chủ Và Chủ Nghĩa Tư Bản

Tôi không đồng ý với ý kiến của ông về dân chủ, bởi vì ông có vẻ hạ thấp giá trị của nó. Theo hiểu biết của tôi thì không có cách nào tốt hơn để mọi người chia sẻ quyền hạn. Dường như ông chỉ xem nó ngang hàng với lòng ganh tỵ và tranh đua.

Vâng, tôi đã nêu ra một cực đoan mà không nêu ra cực đoan kia, xin lỗi nhé. Tôi không ủng hộ hoàng gia hay chế độ chuyên quyền, hoặc vô chính phủ, hay bất cứ điều gì tương tự. Nhưng tôi nói rằng nó rất khó khăn, khi một chiến dịch bầu cử dựa trên việc hạ thấp các ứng cử viên khác, và bươi móc những chuyện tai tiếng của họ v.v..., chỉ để cho người dân thấy phe bên kia tồi tệ như thế nào. Có một sự khác biệt khá lớn, giữa một cuộc bầu cử dựa trên chiến dịch bôi nhọ, và một cuộc bầu cử dựa trên việc thảo luận về các vấn đề, nêu rõ những phẩm chất tốt đẹp và trình độ cần thiết cho vị trí này. Hầu như chắc chắn là ta có thể trình bày những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, mà không cần hạ thấp người khác. Rồi thì người dân có thể chọn lựa. Nếu như đó là xã hội của người Tây Tạng, thì việc nêu ra những phẩm chất tốt đẹp của mình là điều khiếm nhã, nên người khác có thể làm điều đó cho bạn.

Tất nhiên, đây là điều lý tưởng về toàn bộ hệ thống. Nhưng thật ra, nếu như mình tưởng tượng một hệ thống lý tưởng, thì liệu nó có phải là một hệ thống mà ứng viên tranh cử hoàn toàn trung thực về những phẩm chất tốt đẹp của mình, và không cố che giấu điểm yếu của họ? Từ quan điểm trung thực, thì đây là cách sự việc sẽ xảy ra. Không có ai hoàn hảo cả, nên việc cố gắng giả vờ mình là người hoàn hảo là điều vô lý. Chúng ta có thể thừa nhận rằng có, mình đã hút cần sa hai mươi, ba mươi lăm năm về trước, vậy thì sao? Chúng ta không cố che giấu nó. Chuyện đó đã xảy ra, và nó không xảy ra trong hiện tại.

Tuy nhiên, ngay cả khi không hạ thấp người khác, thì các chánh trị gia tranh cử thường nói chuyện như một trong những người bán xe hơi không đứng đắn, không đáng tin cậy, đang cố gắng bán một chiếc xe bị hư, và giới thiệu nó như điều tuyệt vời nhất trên thế giới. Nếu như nền dân chủ dựa trên điều đó, và chúng ta đang chọn lựa ai là người bán xe cũ tốt hơn, thì thật là thảm hại. Việc bỏ ra cả năm, thậm chí hai năm để vận động bầu cử là điều không cần thiết, và giống như một môn thể thao. Vậy thì chúng ta cũng có thể có các đấu sĩ (gladiator)! Tôi không nói rằng có điều gì sai trái với dân chủ, tôi chỉ nói về cách mình có thể làm cho nó có đạo đức, và không phải là điều gì dựa trên phiền não. 

Phê Bình Xây Dựng Trong Quan Hệ Cá Nhân

Làm sao đưa ra lời phê bình, để cải thiện vấn đề, mà không hạ thấp người kia, hay biến họ thành người xấu?

Trước tiên, nên trấn an họ, đặc biệt là nếu họ quá mẫn cảm với lời phê bình, rằng mình muốn nêu ra một lời phê bình có tính xây dựng, và hỏi liệu họ có đồng ý với điều đó không. Thậm chí, bạn có thể phải nói về việc bạn ưa thích hay yêu mến họ như thế nào, và họ không phải là một người tệ hại. Sau đó, bạn có thể đưa ra lời phê bình.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc trách mắng và nêu ra đề nghị về cách cải thiện đời sống, hay làm thế nào để hoàn thành công việc tốt hơn. Giọng nói và động lực của mình cũng ảnh hưởng đến điều này. Việc nói rằng, “Tôi thật sự thấy buồn vì bạn đã không làm tốt công việc”, đi vào việc chỉ trích một cách chi tiết về nhiệm vụ này thì rất khác với việc nói rằng, “Tôi đã yêu cầu bạn làm điều này, vì tôi quá bận để làm nó, và việc tôi hy vọng là bạn sẽ làm điều đó y hệt như cách tôi muốn là điều vô lý.”. Rồi thì ta có thể đề nghị cách cải thiện vấn đề với lòng kiên nhẫn, chẳng hạn như: “Đây chính là những điều tôi đã nghĩ. Bạn có thể làm điều này không?”.

“Pháp Luyện Tâm” Trong Nhà Phật: Trao Tặng Chiến Thắng Cho Người Khác

Tôi cố gắng noi theo lời khuyên được đưa ra trong khóa tu tập trong đạo Phật, gọi là “luyện tâm”, mặc dù tôi thích thuật ngữ “rèn luyện thái độ” hơn, khi mà chúng ta chấp nhận lỗi lầm hay thua thiệt cho chính mình, và trao tặng chiến thắng cho người khác. Điều này có nghĩa là ta nói rằng đó là lỗi của mình, vì đã không giải thích rõ những điều mình muốn. Điều đó giúp cho người khác cải thiện dễ dàng hơn rất nhiều, khi không có ai đổ lỗi cho họ. Đây là một cách gián tiếp, và rất có tính cách của người Tây Tạng, để làm điều đó một cách ngấm ngầm. Không cần phải nêu ra là người khác phạm sai lầm, mà ta có thể tự trách mình.

Một ví dụ là khi tôi nhờ ai dịch bài gì cho trang mạng của mình, nhưng họ thật sự không có kinh nghiệm. Đó là lần đầu tiên họ dịch bài, và sau khi họ gởi bản dịch cho tôi, thì tôi đã gởi nó cho những người làm việc trong bộ phận của ngôn ngữ đó. Họ đã gởi bài dịch lại cho tôi, và sửa rất nhiều lỗi, trên cơ bản là có rất nhiều điểm dịch sai. Theo pháp rèn luyện thái độ nhà Phật, thì có thể nói rằng đó là lỗi của tôi. Tôi đã không giải thích rõ ràng rằng đây là lần dịch thử đầu tiên, và tôi đã không mong đợi một bài dịch hoàn hảo, và tôi tính gởi nó cho người khác hiệu đính, để người này có thể học hỏi và cải thiện thêm. Đó đúng là lỗi của tôi. Một cách gián tiếp thì dịch giả mới đã hiểu ý, và họ có thể học hỏi và cải thiện, mà không có cảm giác là họ không có khả năng.

Tôi có thể chấp nhận điều này ở mức độ cá nhân, giữa hai người. Nhưng còn về mức độ rộng lớn hơn thì sao, như khi một tổ chức môi trường phải đứng lên chống lại một số công ty công nghiệp. Làm sao mình có thể chỉ trích một cách đúng đắn? 

Có một sự khác biệt giữa việc tìm hiểu sự kiện, và lên án phe kia vì tội ác mà họ đã tạo ra. Với việc tìm hiểu sự kiện thì chúng ta đang trình bày thông tin một cách khách quan. Sau đó, cố gắng kêu gọi mọi người thực hiện các chính sách hành động dựa vào thông tin. Việc gọi tên hay dán nhãn họ là quỷ quyệt hay xấu xa sẽ làm cho đối phương tự động trở nên phòng thủ, và có nhiều khả năng tấn công lại mình. Bạn có thể mong đợi phản ứng nào khác, nếu như bạn quá hung hăng như vậy?

Nếu bạn nêu ra điểm yếu trong những điều người khác đang làm, thì phải nhìn vào bối cảnh lớn hơn, không chỉ chú trọng vào một khía cạnh nhỏ bé. Họ cũng có lý lẽ, vì nếu bạn chấm dứt công nghiệp sản xuất gỗ ở những vùng nào đó, thì không ai trong tỉnh đó sẽ có việc làm. Vậy thì làm sao họ có thể nuôi con? Bạn cũng phải giải quyết vấn đề này, với sáng kiến về cách đối phó với nó, ngay cả khi nó liên quan đến việc người chế tạo vũ khí sẽ bị mất việc.

Chúng ta không thể hoàn toàn lý tưởng. Cần phải đưa ra một giải pháp khả thi, để giải quyết những hậu quả tiêu cực sẽ xảy ra từ những điều mà mình đề xuất. Nếu không thì ta sẽ bị người khác tấn công lại. Nếu như chỉ nói một cách lý tưởng là “Không còn vũ khí nữa, không còn gì nữa hết”, thì người ta sẽ sống sao đây? Cũng phải có kế hoạch khả thi cho những người này. Rồi thì đó là cách chỉ trích có tính xây dựng, và nó có thể giúp họ thực hiện một sự thay đổi, bởi vì họ có một giải pháp khác để áp dụng.

Định Danh Bằng Tâm Thức: Phân Chia Thế Giới Thành Những Phạm Trù

Chúng ta đã xem xét chủ đề quan trọng này về các phạm trù, và tôi muốn tiếp tục với ví dụ về cách chúng ta phân chia thế giới thành kẻ thắng và người thua. Ở đây, chúng ta đang đi vào chủ đề “định danh bằng tâm thức” trong nhà Phật, cũng liên quan đến việc bàn luận về tánh Không. Tánh nhị nguyên của kẻ thắng và người thua chỉ là một thể loại nhỏ của một chủ đề lớn hơn nhiều, và chữ “phạm trù” là một từ đơn giản mà hầu hết mọi người ở phương Tây dường như có thể dễ dàng liên hệ đến, nên hãy nhìn vào những phạm trù này.

Về cơ bản thì phạm trù là cách mà ta cố gắng thấu hiểu thế giới và kinh nghiệm của mình. Do đó, chúng hoàn toàn do tâm tạo, được tạo dựng 100% trong tinh thần. Chúng ta có thể sử dụng một ví dụ dễ hiểu về màu sắc, nhưng tôi không phải là nhà khoa học, nên xin hãy bỏ qua, nếu tôi nói không chính xác. Có toàn bộ quang phổ của những làn sóng ánh sáng. Làm thế nào để phân chia quang phổ màu sắc này? Điều này hoàn toàn tùy tiện. Chúng ta có thể phân chia nó theo bất cứ cách nào, bởi vì không có gì cố định từ phía quang phổ phân chia màu này với màu khác. Mỗi nền văn hóa cụ thể quyết định bằng cách tạo ra định nghĩa riêng về một thể loại, nói rằng phần ở giữa làn sóng này và làn sóng kia tạo thành một loại màu.

Dù mình định nghĩa về mặt “từ số này đến số kia”, hay về mặt của “bất cứ màu nào đậm hơn màu này sẽ là màu đỏ, và bất cứ màu nào nhạt hơn là màu cam”, thì không sao cả. Chúng ta đang tạo ra ranh giới, và nêu ra một định nghĩa. Đây là vấn đề mà mình phải xem xét: Liệu các định nghĩa là điều cố hữu trong bất cứ thứ gì, hay chúng được sáng tạo từ văn hóa, bằng tâm thức của mình? Đạo Phật sẽ nói rằng chúng chắc chắn do tâm tạo. Chúng ta đặt các ranh giới và định nghĩa, khẳng định đây là màu này, và đó là màu kia trên quang phổ màu. Không có lằn ranh nào trong vũ trụ phân chia màu đỏ với màu cam cả. Đâu là cơ sở của việc tạo ra phạm trù là điều không quan hệ. Vấn đề là các ranh giới này được đặt ra một cách tùy tiện.

Ngôn Ngữ: Sắp Đặt Mẫu Âm Thanh

Văn hóa cũng liên quan đến các mẫu âm thanh, có thể là bất cứ âm thanh nào, chẳng hạn như “Oh, Er, Ah, En, Ju”. Những âm thanh này không có ý nghĩa cố hữu nào trên thế giới, nhưng các nền văn hóa kết nối chúng lại với nhau, và nói rằng chúng có ý nghĩa, “màu cam” (“orange”).

Nó có nghĩa là chúng ta thiết lập một định nghĩa giữa những điểm nào đó trong quang phổ màu. Chúng ta không ngồi xuống và lên kế hoạch như vậy, nhưng đây là cách mà quá trình tinh thần của mình vận hành. Chúng ta tạo ra các từ ngữ và câu nói, khi các mẫu âm thanh được kết nối lại với nhau, nhưng chúng chỉ là âm thanh. Nếu bạn đã từng nghe một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, thì thậm chí có thể bạn không phân biệt được nó thành từ ngữ nữa. Nó chỉ là các âm thanh, và âm thanh thì không có bất cứ ý nghĩa cố hữu nào trong tự thân của chúng.

Sự Khác Biệt Về Phạm Trù Trong Các Xã Hội

Thế thì chúng ta thiết lập các phạm trù này, và mỗi xã hội tạo ra sự phân chia. Một số có thể có cùng một cách phân chia, nhưng không phải tất cả các xã hội đều phân chia mọi thứ theo cùng một cách. Một nền văn hóa có thể có các phạm trù màu “đỏ”, “cam”, và “vàng”, trong khi một nền văn hóa khác sẽ chỉ có màu “đỏ” và “vàng”. Một nửa của màu cam thì thuộc về màu đỏ, và một nửa kia thì thuộc về màu vàng. Có lẽ màu đỏ của họ hơi nghiêng về cái mà chúng ta xem là màu nâu.

Khi tôi ở Harvard, có những thí nghiệm thú vị, khi mọi người từ các nền văn hóa khác nhau sẽ xem những màu sắc khác nhau, và được yêu cầu nhận diện chúng. Cùng một bức tranh mà một số người sẽ nói là “màu xanh dương”, còn một số thì sẽ nói là “màu xanh lá cây”. Không có điều gì cố hữu từ phía màu sắc. Các nền văn hóa khác nhau đặt ra các khái niệm và ranh giới khác nhau về màu sắc và thể loại. Ngay cả giữa những người trong một nền văn hóa cũng có thể có sự khác biệt.

Tư Duy Bằng Khái Niệm

Ở đây, tôi đang giới thiệu thuật ngữ “khái niệm” có ý nghĩa gì trong nhà Phật. Với tư duy bằng khái niệm, chúng ta sẽ nghĩ về mặt các phạm trù, và tuy những điều này được kết nối một cách sâu sắc với ngôn ngữ, nhưng nó không nhất thiết phải là như vậy. Thú vật chắc chắn suy nghĩ bằng các phạm trù, ngay cả khi chúng có thể không có từ ngữ cho những phạm trù này. Một con chó sẽ tạo ra phạm trù “chủ của tôi”, và nghĩ về phạm trù này, khi nó ở một mình, bị nhốt, hay nhớ chủ của nó. Loài chó có khái niệm về lãnh thổ, kẻ thù, kẻ đột nhập vào nhà, v.v... và mặc dù không có khái niệm nào trong số này là phạm trù bằng lời nói, nhưng chúng vẫn là các thể loại. Chúng ta sẽ phải nói rằng một con chó suy nghĩ bằng khái niệm về các phạm trù này.

Nếu như hiểu được điều này về màu sắc, thì mình có thể áp dụng nó cho những thứ tinh tế hơn, như cảm xúc. Thế thì cái mà một nền văn hóa gọi là “ganh tỵ”, thì một nền văn hóa khác có thể định nghĩa là điều gì hơi khác biệt. Như ta đã thấy, nó có thể không phù hợp với khái niệm của người Tây Tạng, được chỉ định bằng một chữ khác. Chúng là những cấu trúc tinh thần, nên không nhất thiết phải trùng lặp với nhau. Nó không chỉ là phiền não, mà đối với tất cả cảm xúc thì ranh giới không phải lúc nào cũng trùng lặp với nhau một cách chính xác. Ngay cả sự phân biệt giữa “ganh tỵ” và “đố kỵ” thì không giống hệt như cách phân biệt hai từ ngữ tiếng Đức là “Eifersucht” và “Neid”. Trong tiếng Đức, một chữ được nhắm vào người và các mối quan hệ, trong khi chữ kia thì nhắm vào những thứ vật chất nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta không chỉ nói về sự khác biệt giữa quan điểm của châu Âu và châu Á, bởi vì ngay cả trong các nền văn hóa châu Âu thì các phạm trù liên quan đến cảm xúc có thể được định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Mặc dù các từ ngữ trùng lặp trong nhiều trường hợp, nhưng chúng không tương ứng một cách chính xác. Tất nhiên, ngay cả trong một ngôn ngữ thì có thể có các định nghĩa khác nhau, cách hiểu và cách sử dụng từ ngữ khác nhau.

Quy Ước

Điều này có nghĩa là về cảm xúc thì không có lằn ranh vững chắc nào tạo ra các phạm trù trên quang phổ cảm xúc. Nó là điều gì được quyết định bằng cái mà sự phân tích trong nhà Phật gọi là “quy ước”. Chúng ta đã đồng ý với nhau về các quy ước. Chúng ta tạo ra những quy ước riêng cho những thứ mà mình gọi là cái gì đó. Chúng giúp cho mọi việc được thuận tiện. Trên thực tế thì chữ “thuận tiện” có liên quan đến quy ước. Nó rất thuận tiện cho việc giao tiếp, và thấu hiểu những gì đang xảy ra.

Hãy nghĩ về điều này, nó thật sự đúng, dù họ có thể nói cùng một ngôn ngữ, nhưng hai người trong một mối quan hệ có thể định nghĩa chữ “trung thành” bằng một cách rất khác nhau, hay thậm chí “mối quan hệ” có nghĩa là gì. Điều gì sẽ khiến cho quy ước của mình có giá trị hơn, so với quy ước của người khác? Lấy một ví dụ đơn giản như lịch sự, đâu là điều lịch sự, và đâu là điều bất lịch sự. Điều này khác nhau rất nhiều trong các nền văn hóa khác nhau. Điều gì làm cho phong tục của mình, định nghĩa của mình là đúng, và tất cả những phong tục, định nghĩa của người khác là sai? Lỗi lầm là nghĩ rằng những phạm trù này tồn tại ở ngoài kia, và thế giới thật sự tồn tại trong những phạm trù từ chính phía chúng một cách cố hữu. “Cố hữu” nghĩa là điều gì được thiết lập hoàn toàn từ chính phía nó.

Đặc Điểm Xác Định: Hình Ảnh Hữu Ích Của Sách Tô Màu

Tôi thấy việc sử dụng hình ảnh sách tô màu của trẻ em là điều hữu ích, bởi vì trong khi mình có thể không có ý thức, nhưng lại có xu hướng nghĩ rằng thế giới tồn tại như một bức tranh, với những đường nét phát họa mọi thứ như là “cái này” hay “cái kia”. Có bao giờ bạn có một trong những bức tranh được tô màu theo con số không, khi mà bạn có một con số nhỏ trong các phần được chia ra, để bạn biết nên tô nó bằng màu gì? Như thể là các phạm trù ở ngoài kia có một đường viền lớn bao bọc xung quanh chúng, và một con số được đặt để cho chúng. Nhưng đây rõ ràng là điều nhảm nhí. Các con số là một ví dụ về cách suy nghĩ sai lầm này, rằng các định nghĩa là điều cố hữu từ phía các đối tượng. Có con số này, định nghĩa này, nên mình phải tô chỗ đó bằng một màu nào đó, bởi vì đó là điều cố hữu từ phía của chỗ đó. Ngôn từ kỹ thuật cho điều này trong đạo Phật là “đặc điểm xác định”.

[thiền]

Không Phải Là Một Nồi Súp Lớn

Chỉ vì ta nói rằng không có những đường thẳng hay phạm trù cố hữu ở ngoài kia, không có nghĩa là toàn bộ vũ trụ là một nồi súp lớn, không có sự phân biệt. Đó là kết luận sai lầm thông thường, khi nghĩ rằng tất cả chúng ta là một, và thật sự không có sự phân biệt giữa “tôi” và “bạn”. Nếu không có ranh giới thì tôi có thể sử dụng vật dụng của bạn mà không cần phải xin phép. Đây không phải là kết luận mà mình nên có.

Chúng ta phải phân biệt. Các phạm trù và từ ngữ liên quan đến cách sự vật là như thế nào. Chúng đề cập đến một cái gì đó, nhưng vũ trụ không tương ứng với những từ ngữ và phạm trù này. Cái mà chúng đề cập đến thì không tương ứng với tài liệu tham khảo thực tế. Các phạm trù và từ ngữ là những điều quy ước, nên theo quy ước thì nó đúng là: “Đây là nhà của tôi, không phải là nhà của bạn. Đây là bạn đời của tôi, không phải bạn đời của bạn.”. Khi chúng ta sử dụng những từ ngữ và phạm trù này thì chúng có đề cập đến một cái gì đó, nhưng đó chỉ là một quy ước. Chân lý thông thường này đúng.

Điều này không có nghĩa là giống như gia súc thì có một thương hiệu “của tôi” được đóng dấu trên tất cả mọi thứ mà một người sở hữu, giống như nó đã là như vậy, từ khi mình ra khỏi bụng mẹ, và sự vật thật sự tương ứng với các phạm trù vững chắc, thường hằng. Các phạm trù có vẻ như những điều cố định mà mình có thể tra cứu trong từ điển, nên nó phải tuân theo các đối tượng được đặt để một cách cố định bằng từ ngữ và ý nghĩa. Tuy nhiên, vũ trụ không tương ứng với điều này. 

Tính Tiện Lợi Của Ngôn Ngữ

Khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ, thì nó đề cập đến điều gì đó. Dĩ nhiên là chúng ta cần có ngôn ngữ, nếu không thì mình không thể giao tiếp. Chúng ta sẽ không thể hiểu bất cứ điều gì mà mình trải nghiệm, nếu như không có các phạm trù. Chúng ta không thể nhận ra đây là một cánh cửa, và đó cũng là một cánh cửa, mặc dù chúng trông khá khác nhau. Thậm chí, làm sao mình có thể sinh hoạt mà không có những phạm trù này? Nó không phải là về ngôn từ, mà còn về ý nghĩa. Đạo Phật phân biệt “các phạm trù âm thanh” với “các phạm trù ý nghĩa”, rằng có một thứ như “cánh cửa” được định nghĩa theo một cách như vậy, và đó là một quy ước. Vũ trụ đã không khởi đầu với những cánh cửa. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết cánh cửa là gì, không cần biết mình có từ ngữ gì dành cho nó. Ngay cả một con bò cũng biết cánh cửa là gì, bởi vì chúng không đi vào bức tường, khi muốn vào chuồng. Một con bò có thể nhận ra cánh cửa trong nhiều tòa nhà.

Rõ ràng là chúng ta cần những thứ này, và không muốn vứt chúng đi. Không nên nghĩ rằng tất cả chỉ là những quy ước, nên mình có thể quên nó đi. Những quy ước này rất thuận tiện, và mình cần có chúng để sinh hoạt, nhưng nên biết rằng thế giới không tương ứng với chúng.

Một ví dụ điển hình là một bản đồ. Bản đồ không phải là lãnh thổ, và bản đồ về đường sá không phải là đường sá. Trong nhiều nền văn hóa không có bản đồ, nên có thể khó mà giải thích khái niệm bản đồ cho người nào từ một bộ lạc bị cô lập, ngay cả khi chúng ta xem đó là điều hiển nhiên. Bản đồ cho đường sá là điều hữu ích, bởi vì nó đề cập đến cách đường sá được bố trí trong một thành phố, nhưng bản đồ không phải là đường sá. Nó không có cùng màu sắc hay kích cỡ với đường sá, hay bất cứ điều gì. Các khái niệm, ngôn ngữ và phạm trù mà mình sử dụng cũng giống như vậy. Đây là những điểm tinh tế!

Tính Phù Hợp: Đặt “Tôi” Vào Trong Một Phạm Trù

Điều quan trọng là không làm mất đi tính phù hợp của tất cả những điều này, mà chủ yếu là chúng ta đã đưa “mình” vào trong một phạm trù nào đó của người chiến thắng, kẻ thua cuộc, thành công, thất bại, v.v... Chúng chỉ là những phạm trù. Thông thường thì một người có thắng cuộc đua, và những người khác thì thua cuộc. Điều đó đúng: “Bạn được thăng chức trong công việc, còn tôi thì không. Người bạn đời của tôi bây giờ sống với bạn, chứ không sống với tôi.”. Thông thường thì điều này có thể đúng, và mô tả tình huống thực tế, nhưng tất cả những gì nó làm là mô tả tình huống. Điều đó không có nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta nằm trong phạm trù vững chắc này của “người thua cuộc”, hay “người chiến thắng”. Hơn nữa, điều đó cũng không có nghĩa là “Bạn không xứng đáng với điều đó.”.

Khi tất cả những điều này lắng xuống, và chúng ta thật sự, thật sự hiểu rằng đó là sự thật, thì phản ứng cảm xúc của mình đối với tình huống sẽ trở nên hoàn toàn khác biệt. Mình sẽ không có ranh giới lớn giữa sự hiểu biết về trí thức và cảm xúc, vì đó cũng là các phạm trù. Khi thật sự thấu hiểu điều gì, thì mình sẽ cảm nhận nó. Từ một cách nhìn sự việc, chúng ta sẽ không thay đổi nó thành cách khác. Sự hiểu biết sẽ thật sự, chắc chắn ảnh hưởng đến cảm xúc của mình.

[thiền]

Những Câu Hỏi Khác

Cách Vượt Qua Khái Niệm

Đâu là sự khác biệt giữa sự vật và khái niệm? Sự xuất hiện phải liên quan với khái niệm mà tôi tạo ra cho nó, và theo thời gian thì tôi có thể tạo ra những khái niệm tốt hơn, nhưng có cách nào để đi đến chính đối tượng, vượt qua khái niệm hay không?

Đó là một câu hỏi hay, và là một vấn đề chúng ta cũng có trong triết học phương Tây, về “chính bản thân sự vật”. Chắc chắn là về mặt khái niệm và phạm trù thì một số sẽ chính xác hơn những khái niệm và phạm trù khác, và một số hoàn toàn không chính xác. Có nhiều tiêu chuẩn khác nhau để xác định độ chính xác, nhưng đó là một cuộc thảo luận dài về hiện lượng.

Nếu tôi đặt câu hỏi theo cách của nhà Phật, thì nó sẽ là liệu chúng ta có thật sự tìm thấy đối tượng trong chính bản thân nó, và vượt qua khái niệm hay không. Câu hỏi này được xem xét rất nghiêm túc trong triết học Phật giáo, và chúng ta thấy những mức độ giải thích khác nhau. Khó mà đi đến lời giải thích tinh vi nhất, vi tế nhất, nên có thể tiếp cận nó theo từng giai đoạn. Phải mất rất nhiều năm! Toàn bộ vấn đề về tánh Không nằm ở mức độ sâu sắc nhất, liên quan đến vấn đề liệu cuối cùng thì mình có thể tìm thấy thứ gì hay không.

Theo đó thì không có câu trả lời đơn giản. Đâu là điều chứng tỏ cái gì tồn tại? Trong đạo Phật thì chữ “tồn tại” được định nghĩa như điều gì “được tri giác một cách hợp lệ”. Tôi có thể nghĩ rằng có một kẻ đột nhập vào nhà, đến từ chiều không gian thứ năm, đang ở dưới gầm giường của mình, nhưng đó không phải là một ý tưởng hợp lệ. Nó không có mặt ở đó, dù cho mình có nghĩ nó tồn tại ra sao đi nữa. Rồi thì chúng ta cũng có một cuộc thảo luận dài về việc “được tri giác một cách hợp lệ” có nghĩa là gì. Dù sao thì chỉ vì tôi nghĩ về điều gì đó, thì việc này không chứng minh sự tồn tại của nó.

Những cách giải thích ít phức tạp hơn thì chấp nhận tất cả những điều này về các phạm trù và quy ước, nhưng nói rằng dù sao thì vẫn có một đối tượng có thể tìm thấy, mà các ngôn từ và khái niệm đề cập đến. Nếu người ta có thể tìm thấy nó, thì điều đó chứng tỏ nó tồn tại. Khi chúng ta nói “bông hoa” thì đúng, đó là một phạm trù và quy ước, nhưng có bông hoa ở đó, tự mình nó mọc lên từ mặt đất. Đó là những gì họ nói sẽ chứng minh rằng nó tồn tại. Điều có thể được tìm thấy là vật ám chỉ về từ ngữ dành cho nó.

Chúng ta không chỉ nói về mức độ đơn giản, khi mình không thể tìm thấy kẻ đột nhập vào nhà dưới gầm giường, mà chỉ thấy một con mèo. Chúng ta không nói về mức độ tìm kiếm điều gì theo nghĩa đen. Nếu không thì ta sẽ không bao giờ tìm thấy chìa khóa của mình, hay đường về nhà.

Chúng ta sẽ phân tích xem các đặc điểm xác định có thể tìm thấy ở phía của thứ gì ở dưới gầm giường mà khiến cho nó là một con mèo, có thật sự chứng minh là có một con mèo ở đó hay không. Có một cái đuôi dài và nó tạo ra âm thanh đặc biệt, khi bạn vuốt ve nó, và những điều như thế. Đâu là đặc điểm xác định, và tôi có thể tìm thấy nó hay không? Nó ở trong tế bào này hay tế bào nọ? Có phải ở cái đuôi không? Hay ở móng vuốt? Nó đâu rồi? Khi bạn nhìn sâu hơn và gần hơn, thậm chí dưới kính hiển vi, thì sẽ thấy rằng bạn không thể tìm thấy “con mèo”.

Có bất cứ điều gì ở phía con mèo, khiến cho nó trở thành một đối tượng tri giác không? Liệu có một đường viền xung quanh nó, tách rời nó với điều gì là một nguyên tử rời xa nó không? Thế còn khoảng trống ở giữa những sợi lông mà không phải là con mèo? Có một đường viền xung quanh nó, làm cho nó trở thành một vật thể rắn chắc không? Bạn không thể tìm thấy đường viền nào cả. Các nguyên tử của con mèo chấm dứt ở đâu, và các nguyên tử của không khí bên cạnh nó bắt đầu từ đâu? Không có đường viền nào cả. Đâu là lằn ranh tách rời các trường năng lượng của hai nguyên tử? Có thể tìm thấy nó không?

Điều này đi sâu hơn là chỉ nghĩ về các phạm trù. Chúng ta phóng chiếu đặc điểm xác định đó ở phía đối tượng, tạo ra một đường viền xung quanh đối tượng, làm cho nó trở thành một “thứ” hoàn toàn nhận biết được. Chúng ta phóng chiếu rằng đối tượng có điều gì làm cho nó trở thành một cá nhân, điều gì được tri giác, bất kể mình đặt nó vào phạm trù nào. Tất cả những điều này được tạo tác trong tinh thần. Không nên nghĩ rằng khi hiểu các khái niệm như “con mèo” và “kẻ đột nhập vào nhà”, thì mình đã hiểu tất cả. Nó sâu sắc hơn nhiều, so với điều này. Có một phạm trù sâu sắc hơn về “thứ” có thể nhận biết được. Chúng ta không thể tìm thấy một “thứ” gì. Không có cái gì ở ngoài kia mà khiến cho bất cứ cái gì trở thành một “thứ” được nhận biết, với đường viền bao quanh nó.

Quy Ước Không Chứng Minh Một Đối Tượng Có Thể Tìm Thấy

Mình không thể đo độ dày của lông mèo sao?

Đó cũng là một quy ước, khi mà mình nói, “Cao hơn số này thì nó là cái này, và dưới số này thì nó là cái đó.”. Tất cả những điều này là quy ước. Chúng ta không nói rằng tất cả mọi thứ là một nồi súp lớn, đó là một cực đoan khác. Điều cực đoan mà chúng ta thường nghĩ về mặt đó là thật sự có một cái gì đó có thể tìm thấy ở ngoài kia, vốn có từ phía của đối tượng, không phải là một quy ước. Việc xây dựng phạm trù cho chỗ mà con mèo chấm dứt, trên cơ sở độ dày của lông mèo thì một lần nữa vẫn nói về những con số. Nhưng đâu là lằn ranh? Nó vẫn là một quy ước, nhưng mình không phủ nhận chức năng của quy ước đó.

Nếu như nói rằng điều gì có thể tìm thấy, thì không chứng minh là nó tồn tại. Giống như nói rằng điều chứng minh rằng tôi tồn tại là tôi có thể đi đến chiều không gian thứ năm, thì đó là lý do vô lý. Trước hết, chiều không gian thứ năm không tồn tại như một nơi có thể tìm thấy, vậy thì làm sao bạn có thể đến đó? Chúng ta không thể tìm thấy điều gì giống như vậy. Cuối cùng thì không thể nói rằng bất cứ thứ gì có thể tìm thấy từ phía của đối tượng sẽ chứng minh rằng nó tồn tại. Điều mà mình có thể nói là chúng ta chỉ có những quy ước, rằng mình có một con mèo, và ranh giới thông thường giữa một con mèo và một con chó là như thế này, hay như thế kia. Hãy hài lòng với điều đó, bởi vì trên cơ sở này thì mọi thứ hoạt động. Tánh Không là như vậy. Việc có thể tìm thấy là điều bất khả. Cuối cùng thì chúng ta không thể tuyên bố rằng từ phía của đối tượng thì có cái gì chứng minh là điều gì hiện hữu. Đó là điều gì trống rỗng.

Con mèo là một quy ước, và nó đề cập đến cái gì ở dưới gầm giường. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy thứ này ở đâu? Chúng ta không thể tìm ra nó. Có phải nó ở trong nguyên tử này hay tế bào kia? Chúng ta không thể tìm thấy nó.

Đối với “tôi” cũng vậy. Chúng ta nói, “tôi đã mất việc”, điều này rõ ràng đề cập đến điều gì đó, nhưng không có gì từ phía của “tôi” mà có thể được tìm thấy, khiến cho tôi trở thành kẻ thua cuộc bằng tự lực của mình. Không có điều gì về mình mà là kẻ thua cuộc một cách cố hữu! Vậy thì có phải cái “tôi” này chỉ là một khái niệm không? Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này nhiều hơn trong phần tiếp theo. Một con mèo không chỉ là một khái niệm, bởi vì không phải mọi thứ chỉ là ảo ảnh trong đầu mình. Ngôn ngữ có thể mắc mỏ, nên mình phải tinh tế. Cuối cùng thì phải vượt qua ngôn ngữ, vì nó tạo cho mình ý tưởng sai lầm. Nhưng ngay bây giờ thì phải làm việc với nó, nếu không thì chúng ta không thể giao tiếp với nhau.

Top