Đối Trị Lòng Ganh Tỵ: Phiền Não

Ganh tỵ là vấn đề phổ quát. Khi đồng nghiệp của mình được thăng chức, và ta nghĩ rằng, “Họ không xứng đáng với điều đó!”. Khi bạn của mình tìm được một người bạn đời tốt, và ta nghĩ rằng, “Còn tôi thì sao?”. Thỉnh thoảng, tất cả chúng ta đều có những cảm giác này. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét các hình thức ganh tỵ khác nhau, và cách mà mình có thể khắc phục chúng.

Định Nghĩa Phiền Não

Ganh tỵ là một trong những điều mà đạo Phật gọi là “phiền não”. Chúng được định nghĩa là những tâm trạng khiến cho mình không an lạc, và mất khả năng tự chủ. Nếu như bạn nghĩ về điều đó, khi mình thật quyến luyến với một cái gì đó, hoặc ai đó, hay giận dữ, hoặc ganh tỵ, thì chắc chắn là mình không an lạc, đúng không? Theo một nghĩa nào đó thì mình sẽ mất tự chủ, vì tất cả những sự thôi thúc điên rồ sẽ xuất hiện trong đầu mình, để làm hay nói những điều nào đó, mà thường là mình sẽ hối hận về sau. Những phiền não này có thể khiến cho mình hành xử một cách thật là tiêu cực, làm tổn thương người khác, và cuối cùng, cũng tự hủy hoại bản thân. Cuối cùng thì mình là người thua cuộc.

Tự nhiên là các nền văn hóa khác nhau sẽ định nghĩa và chỉ định những cảm xúc khác nhau, và những cảm xúc này bao gồm hàng loạt những cảm xúc khác nhau. Giống như cắt một chiếc bánh ra thành nhiều phần, có kích cỡ khác nhau. Chẳng hạn như trong ngôn ngữ Tây Tạng, là ngôn ngữ thường bắt nguồn từ các định nghĩa từ Phật giáo Ấn Độ, thì chúng ta chỉ nói về lòng ganh tỵ, trong khi ở phương Tây thì mình phân biệt hai điều ganh tỵ và đố kỵ.

Ganh Tỵ: Một Phần Của Vấn Đề Lớn Hơn

Khi phân tích các pháp đối trị mà đạo Phật đề ra, để đối trị lòng ghen tỵ, thì mình sẽ thấy rằng chúng chỉ giải quyết một phần nhỏ của một vấn đề lớn hơn. Phải xem xét kỹ điều mà mỗi nền văn hóa đang nói đến, bởi vì có thể mình phải áp dụng các phương pháp nhà Phật không thuộc về phạm trù ganh tỵ, để đối phó với những vấn đề tiềm ẩn to lớn hơn.

Đạo Phật định nghĩa ganh tỵ là một phần của tâm thù địch, khi mình chú tâm vào thành tựu, phẩm chất tốt đẹp, tài sản, gia đình và địa vị của người khác, mà không thể chấp nhận những thành tựu này. Khi ganh tỵ thì mình không thể chấp nhận là người khác đã thành tựu những điều nào đó, hay sở hữu những thứ gì đó, với lý do là mình khá quyến luyến với tình huống của mình. Vậy thì khi ganh tỵ, ta có thể chú trọng vào những phẩm chất tốt đẹp của người khác một cách cụ thể, hoặc chung chung. Nó có thể là trí thông minh, vẻ đẹp, sự giàu sang, thành công của họ. Nó có thể là họ có một đứa con trai, và gia đình mình thì không có con trai. Mình không chịu nổi, và yếu tố cảm xúc mạnh mẽ nhất ở đây là lòng oán hận, vì người khác có những điều này. Vì quyến luyến với hoàn cảnh của mình, nên nói một cách cơ bản là ta thấy thương hại bản thân. Đây là điều mà đạo Phật có ý nói đến, khi nói về lòng ganh tỵ; và trái ngược với ganh tỵ là tâm tùy hỷ về thành công của người kia.

Đố Kỵ: Sự Kết Hợp Của Lòng Ganh Tỵ Và Ham Muốn

Rõ ràng là kinh nghiệm của mình về lòng ganh tỵ có thể rộng lớn hơn điều này, và chúng ta có thể gọi những điều trên chỉ là một hình thức ganh tỵ. Khi nghĩ về những hình thức khác thì cũng có thể bao gồm cái mà mình gọi là “đố kỵ”. Trong nhà Phật thì chúng ta định nghĩa đây là một loại phiền não khác, là tham dục. Tham dục là dục vọng quá đáng, một sự ham muốn thật sự quá mức, đối với điều mà người khác sở hữu.

Nếu như bạn tra cứu chữ “đố kỵ” trong tự điển tiếng Anh, thì nó sẽ nói rằng đó là một ý thức đau đớn và oán hận về lợi điểm mà người khác có được, cộng với ước muốn được tận hưởng lợi điểm đó. Thêm vào việc không thể chấp nhận thành tựu của người khác thì mình còn muốn có được nó. Tuy không phải lúc nào cũng vậy, nhưng thường thì nó cũng kèm theo điều gì xấu xa hơn. Như một sự kết hợp của lòng ganh tỵ và tham dục, thì đố kỵ thường dẫn đến sự cạnh tranh. Một số các bạn có thể quen thuộc với khai thị của Chogyam Trungpa Rinpoche về pháp nhận thức không gian Maitri, mà trong đó, ngài đã bàn luận về lòng ganh tỵ như phiền não khiến cho mình trở nên rất cạnh tranh, và làm việc điên cuồng để qua mặt người khác, hay thậm chí qua mặt chính bản thân mình.

Thêm vào đó, mình còn có thể mong cho người khác mất đi những gì họ có, như thể họ không xứng đáng với điều đó. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ rằng, “Tại sao họ nên có công việc đó? Tôi mới xứng đáng để làm công việc đó, chứ không phải họ!”. Đôi khi, không phải là mình cảm thấy như vậy hay sao? Theo đạo Phật thì đây là một phiền não khác, và ta phải tìm kiếm trong một phạm trù khác, để tìm ra cách đối phó với nó.

Rõ ràng là khi cảm nhận một trong những phiền não này, mà ta có thể gọi nó là “lòng ganh tỵ”, thì phải phân tích cảm thọ của mình, để có cách đối trị và khắc phục nó. Tất cả các thành phần trong cảm thọ của mình là gì? Nói cách khác là lòng “ganh tỵ” thì hơi quá bao quát. Nó bao gồm rất nhiều thứ, và ta sẽ thấy rằng nó còn gồm có nhiều hơn những điều mình đã bàn luận từ đầu đến giờ.

Cuộc Đua Ngựa

Vì ganh tỵ hay đố kỵ với những điều mà người khác đạt được, nên ta thúc đẩy bản thân mình hay những người làm việc dưới quyền mình, để làm việc nhiều hơn nữa. Một ví dụ tốt là sự cạnh tranh cực độ mà mình thấy trong ngành kinh doanh và thể thao. Đặc biệt là nó mạnh mẽ trong lãnh vực thể thao! Đạo Phật bàn luận về việc cạnh tranh này, bằng cách sử dụng con ngựa làm biểu tượng, để đại diện cho lòng ganh tỵ. Khi một con ngựa chạy đua với những con ngựa khác, thì nó không thể chấp nhận con ngựa khác chạy nhanh hơn nó. Quan điểm nhà Phật sẽ kết nối hành vi này với lòng oán hận nhiều hơn là ganh tỵ, khi con ngựa thật sự oán hận là con ngựa kia đang chạy nhanh hơn. Đạo Phật không nói về một cuộc cạnh tranh thật sự để chiến thắng. Nó giống như thế này nhiều hơn: “Tại sao con ngựa đó chạy nhanh hơn tôi? Tôi phải chạy nhanh hơn chứ.”. Đó là lý do tại sao chúng chạy đua.

Dù đối với quan điểm của đạo Phật thì lòng ganh tỵ có liên quan mật thiết đến khả năng cạnh tranh, nhưng ganh tỵ không luôn luôn đưa đến sự cạnh tranh. Ví dụ, liệu mình có cạnh tranh với người phụ nữ này hay người đàn ông khác, để có được người mình thương hay không? Điều gì có thể liên quan ở đây? Với lòng tự ti thì mình có thể ganh tỵ với người khác, nhưng thậm chí không cố cạnh tranh, với thái độ như: “Có lẽ tôi không thể nào tìm được người thương yêu mình, vậy tại sao còn cố gắng làm gì? Có lẽ tôi không thể nào tìm được một công việc tốt, vậy thì tại sao còn nộp đơn xin việc để làm gì?”. Nhưng ta vẫn ganh tỵ với những người có công việc tốt.

Mặt khác, chúng ta có thể cạnh tranh, nhưng không nhất thiết phải có lòng ganh tỵ. Chẳng hạn như một số người thích thi đấu thể thao chỉ để vui chơi và tận hưởng nó, nhưng lại không tính điểm. Họ không cạnh tranh với ai cả. Tuy nhiên, chúng ta thường liên kết lòng ganh tỵ và cạnh tranh với nhau nhiều hơn. Chúng ta thấy đạo Phật kết hợp hai điều lại với nhau một cách khá khác biệt, so với cách mình thường nghĩ về nó.

Tầm Quan Trọng Của Việc Xem Người Khác Một Cách Bình Đẳng

Bậc thầy vĩ đại Tịch Thiên (Shantideva) của Ấn Độ đã có một bài thuyết Pháp mà trong đó, chúng ta thường ganh tỵ với những người ở vị trí cao hơn, cạnh tranh với những người ngang hàng với mình, và kiêu hãnh với những người có địa vị thấp hơn mình. Toàn bộ sự bàn luận về việc khắc phục lòng ganh tỵ nằm trong bối cảnh của việc học cách xem tất cả mọi người bình đẳng như nhau. Toàn bộ vấn đề là mình không tôn trọng mọi người một cách bình đẳng. Điều này có lẽ khá khác biệt với cách mình suy nghĩ, để tiếp cận vấn đề này.

Tôi Là Người Đặc Biệt

Trên cơ bản thì phải đi sâu vào khái niệm về “tôi”, bởi vì đạo Phật nêu ra vấn đề thật sự là tất cả chúng ta đều có cảm giác là “tôi đặc biệt”. Điều đó có nghĩa là tôi giỏi hơn tất cả mọi người, hoặc tôi dở hơn tất cả mọi người, hay những người khác nghĩ rằng tôi tệ hơn tất cả mọi người, nhưng họ nghĩ sai. Sự bất bình đẳng xuất hiện ở đây, bởi vì khi mình nghĩ rằng “tôi đặc biệt”, điều này có nghĩa là tôi không giống như những người khác, và họ không giống như tôi.

Chúng ta có thể xem xét điều này đối với lòng ganh tỵ của mình. Ta có thể nghĩ rằng mình là người duy nhất có thể làm tốt nhiệm vụ nào đó, hay làm việc một cách đúng đắn, như dạy bạn mình lái xe, và sẽ ganh tỵ, khi người khác dạy họ. Một ví dụ khác là nếu như mình ở trong lớp học, và cảm thấy ta là người duy nhất có khả năng trả lời một câu hỏi, rồi lại ganh tỵ và không vui, khi có người khác làm điều đó. Tất cả những điều này đều xảy ra, bởi vì ta cảm thấy mình đặc biệt. Mình nên làm điều đó, chứ không phải người khác. Điều này không nhất thiết phải dẫn đến sự cạnh tranh, đúng không?

Một ví dụ khác là khi suy nghĩ và cảm nhận, thì “Tôi là người duy nhất nên tiến xa trong cuộc sống. Tôi nên là người chiến thắng, tôi là người nên giàu có”, nên mình sẽ ganh tỵ, nếu như người khác thành công. Rồi thì chúng ta cạnh tranh, và phải qua mặt người khác, ngay cả khi mình đã khá thành công.

Có một sự khác biệt lớn ở đây, và mình phải tự phân tích nó. Khi không có thứ gì mà người khác có, thì mình lại ganh tỵ với họ. Việc này hơi khác biệt với khi mình có một số tiền, nhưng lại ganh tỵ, vì người khác có nhiều tiền hơn. Trường hợp này thì có sự tham lam, cũng như cạnh tranh trong đó, nên sẽ có cách khác để đối trị nó. Trong bất cứ trường hợp nào thì đằng sau tất cả những điều này là cảm giác mạnh mẽ về “tôi”, và mối bận tâm mạnh mẽ với một mình “tôi” thôi. Trên thực tế thì ta không xem người khác giống như cách mình nhìn bản thân. Ta là người đặc biệt.

Pháp Đối Trị Là Tâm Bình Đẳng

Có một cách mà nhà Phật đưa ra, để đối trị tất cả những vấn đề ganh tỵ, cạnh tranh và kiêu mạn này, đó là xem mọi người đều bình đẳng. Thật sự thì không có gì đặc biệt về “tôi”, vì tất cả mọi người đều có khả năng cơ bản giống nhau. Điều này đề cập đến thực tế là tất cả chúng ta đều có Phật tánh như nhau, khả năng phát triển bản thân đến tiềm năng tối đa của mình. Trên hết, tất cả mọi người đều có cùng ước muốn được hạnh phúc và thành công, không phải khổ đau hay thất bại. Tất cả mọi người đều có quyền hạnh phúc như nhau, và đều có quyền không phải khổ đau. Về mặt này thì không có gì đặc biệt về “tôi” cả.

Lòng Từ: Nguyện Tất Cả Mọi Người Có Được Hạnh Phúc Và Nhân Hạnh Phúc

Chúng ta sẽ kết nối tất cả những điều này với lòng từ, được định nghĩa trong nhà Phật như ước mong tất cả mọi người đều hạnh phúc, và có được nhân hạnh phúc như nhau. Thật ra lòng từ là cách khắc phục lòng ganh tỵ. Khi biết rằng tất cả mọi người đều bình đẳng về khía cạnh Phật tánh, và bắt đầu mở lòng với tâm từ, thì ta sẽ cởi mở hơn, để xem cách mình liên hệ với tất cả những người này như thế nào, cho dù họ thành công hơn mình, hay chưa hề thành công.

Ngài Tịch Thiên đã dạy rằng ngay cả khi người nào thành công hơn mình, mà nếu như mình thật sự mong muốn cho tất cả mọi người được hạnh phúc, thì ta sẽ tùy hỷ và vui vẻ khi họ thành công. Chẳng hạn như ta cũng cố gắng giúp những người ngang hàng với mình thành công, thay vì cạnh tranh với họ, bằng cách giúp tất cả các sinh viên khác trong lớp làm bài thi, thay vì ăn cắp sách từ thư viện cho để xài, để họ không thể đọc sách đó. Đối với những người ít thành công hơn mình, thì ta sẽ cố giúp họ thành công, thay vì hả hê và ngạo nghễ, khi thấy mình giỏi hơn họ.

Cảm Xúc Tự Động Phát Sinh Và Cảm Xúc Dựa Trên Học Thuyết

Thật ra thì những phương pháp nhà Phật này rất cao cấp, và rất khó áp dụng. Đó là vì có hai hình thức phiền não. Có loại tự động phát sinh, mà tất cả mọi người, thậm chí cả loài chó cũng kinh nghiệm. Ví dụ, nếu như một em bé mới về nhà, thì con chó trong nhà có thể ganh tỵ với em bé. Rồi có những phiền não dựa vào học thuyết, xuất phát từ việc học hỏi chúng từ một hệ thống nào đó. Điều này có thể bắt nguồn từ việc tuyên truyền hay tôn giáo, hoặc văn hóa, hay điều gì trong xã hội dạy mình phải ganh tỵ. Hệ thống này giảng dạy một thế giới quan nào đó, tạo ra lòng ganh tỵ, và còn khiến cho nó mạnh mẽ hơn.

Nếu như nhìn vào những điều tự động phát sinh, thì ta sẽ thấy hầu như tất cả trẻ em đều tự động thích thắng cuộc, và sẽ khóc khi thua cuộc. Điều này tự động phát sinh trong hầu hết các nền văn hóa. Ở phương Tây thì điều này khó khăn đối với mình, vì lòng ganh tỵ và cạnh tranh được củng cố, trở nên mạnh mẽ, thậm chí còn được nhiều giá trị văn hóa phương Tây khen thưởng. Chẳng hạn như văn hóa phương Tây dạy chủ nghĩa tư bản là hình thức tốt đẹp nhất một cách tự nhiên cho xã hội dân chủ, điều lây lan đến lối suy nghĩ của chúng ta, ngay cả khi mình tiếp cận những mối quan hệ cá nhân. Tiềm ẩn đằng sau điều này là lý thuyết về sự sống còn của kẻ mạnh nhất, mà chúng ta không bao giờ đặt câu hỏi, mà chỉ cho đó là điều hoàn toàn đúng. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh như động lực cơ bản của sự sống, thay vì niềm tin trong nhà Phật rằng tình thương và tình cảm là động lực cơ bản của đời sống, chẳng hạn vậy. 

Những Sự Khó khăn Được Củng Cố Trong Văn Hóa Phương Tây

Việc văn hóa phương Tây nhấn mạnh vào sự sống còn của người mạnh mẽ nhất sẽ củng cố tầm quan trọng của thành công và chiến thắng. Nỗi ám ảnh này càng được củng cố thêm bằng những môn thể thao cạnh tranh, và việc tôn vinh các vận động viên hàng đầu, và những người giàu nhất thế giới. Đây không phải là điều mới mẻ; việc đề cao những người giàu có và các vận động viên hàng đầu (hãy xem Thế Vận Hội Olympic) đã ăn sâu trong nền văn hóa của mình. Nó thấm nhập trong mọi tầng lớp xã hội, đúng không? Chúng ta bị ám ảnh vì bóng đá, và các cầu thủ bóng đá là những anh hùng của mình. Điều này thật là buồn cười, vì Đức Phật không phải là anh hùng của mình, mà một vận động viên đá banh lại là anh hùng. Thật buồn cười khi nghĩ rằng chúng ta có một nhà vô địch quyền anh hạng nặng trên thế giới, nhưng lại không có một nhà vô địch về lòng bi mẫn trên thế giới. Thật ra, việc có Giải Vô Địch Thế Giới (World Cup) về Lòng Bi thì mới thú vị!

Thậm chí toàn bộ cách suy nghĩ này còn xảo quyệt hơn, khi nhìn vào hệ thống bầu cử các nhà lãnh đạo ở phương Tây, là điều cũng được dựa trên lòng ganh tỵ, cạnh tranh và rao bán bản thân như một ứng cử viên, bằng cách công khai tuyên bố là mình tốt hơn nhiều, so với đối thủ của mình. Phương pháp này thậm chí còn được xem là đáng khen ngợi, và là điều mà cả thế giới nên áp dụng.

Điều thú vị là tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra, khi bạn cố gắng áp đặt những giá trị này lên xã hội Tây Tạng. Xã hội Tây Tạng xem trọng tính khiêm nhường và thật sự coi thường những người nói rằng họ giỏi hơn người khác. Việc làm như vậy được xem là một cá tính thật xấu xa. Dân chủ và vận động bầu cử là điều hoàn toàn xa lạ, và không hoạt động trong xã hội này. Không có ai sẽ bầu cho người nói rằng, “Tôi giỏi hơn người kia.”. Thay vì vậy, bạn có thể phải nói rằng, “Tôi không phải là người có trình độ, tôi không giỏi lắm.”. Điều đó thật sự khá khác biệt! Điều này nhấn mạnh giá trị văn hóa của mình đặc thù như thế nào. Chúng không phổ biến. Chúng ta nghe Đức Dalai Lama tự mô tả mình là một nhà sư giản dị, và Ngài không biết gì cả. Chính Đức Dalai Lama nói như vậy!

Rõ ràng là khi lòng ganh tỵ, cạnh tranh và định hướng hướng về sự thành công đã bị thúc đẩy một cách mạnh mẽ bằng sự tuyên truyền trong nền văn hóa của mình, đi ngược về thời Hy Lạp cổ xưa và xa hơn nữa, thì khó mà có thể chuyển sang phương pháp của nhà Phật ngay lập tức, để tùy hỷ với chiến thắng của người khác. Trong các phương pháp luyện tâm của đạo Phật thì pháp tu là trao tặng chiến thắng cho người khác, và hoàn toàn chấp nhận thất bại cho mình. Đối với người phương Tây chúng ta  thì đó là một viên thuốc thật khó nuốt! 

Đánh Giá Lại Giá Trị Văn Hóa

Là người Tây phương thì cách khởi đầu tốt đẹp là đánh giá lại tính hợp lệ của các giá trị văn hóa của mình, và các hình thức ganh tỵ và cạnh tranh mà mình có, dựa trên học thuyết. Nếu phân tích một cách sâu sắc, thì ta có thể thấy cách nó lây lan đến các mối quan hệ cá nhân của mình ra sao, và cách mình đối phó với người khác. Với thái độ cạnh tranh thì mình phải thành công, nên đối với quan hệ cá nhân thì mình phải có hoàng tử hay công chúa xinh đẹp nhất cỡi bạch mã. Rồi thì người khác sẽ ngưỡng mộ mình, đúng không? Hãy nghĩ về điều đó, có bao nhiêu cha mẹ sẽ rất vui vẻ, nếu như mình kết hôn với một người rất giàu có. Nếu mình cưới một người không có tiền, nhưng lại là một người rất tốt, thì có lẽ họ sẽ không vui. Tôi nghĩ đối với nhiều người trong chúng ta ở phương Tây, thì có thể chúng ta thường khá ganh tỵ, khi người khác có một người bạn đời giàu sang, và cha mẹ của mình có thể khá ganh tỵ với gia đình mà con của họ cưới người giàu có.

Vậy thì trước hết, đó là một ý tưởng tốt để đánh giá lại giá trị văn hóa của mình, để xem liệu chúng có thật sự là những điều mà mình muốn chấp nhận hay không, nếu chúng chỉ là lời tuyên truyền rất cũ xưa.

Một ví dụ để giúp mình thấy tính tương đối của lòng ganh tỵ và cạnh tranh, dựa vào văn hóa là một khu chợ hay hàng quán ở Ấn Độ. Ở Ấn Độ và Trung Đông, và tất nhiên trong lịch sử ở phương Tây, bạn sẽ thấy những khu chợ này, nơi có những dãy hàng quán bán cùng một món hàng, từ quần áo đến đồ trang sức, đến rau quả, v.v... Họ đều ngồi bên cạnh nhau và uống trà, trò chuyện cả ngày. Tâm lý đằng sau điều này là họ có đắt hàng hay không là tùy theo nghiệp của họ. Nếu như bạn làm ăn khấm khá, thì đó là nghiệp của bạn. Nếu bạn không làm ăn khá, thì đó cũng là nghiệp của bạn.

Họ không nghĩ rằng, “Làm sao tôi có thể làm ăn khá hơn người khác được?”. Đó là điều dựa trên văn hóa. Có một bộ luật thật sự của nước Đức, không cho phép hai cửa hàng bán cùng một món hàng ở kế bên nhau. Bạn có thể kiện người chủ đã cho thuê cửa hàng kế bên, để người khác bán cùng một mặt hàng với bạn. Điều này rất tương đối về mặt văn hóa. Chúng ta có thể nghĩ rằng cách mình làm việc là cách cả thế giới làm việc, hoặc họ nên làm việc như vậy. Chúng ta phải vượt qua điều này.

Ganh Tỵ Như Lòng Bất Khoan Dung Về Việc Ganh Đua, Hay Không Chung Thủy

Tất cả chúng ta đều trải qua một số hình thức ganh tỵ ở công sở và với bạn bè, v.v... Nhưng ở phương Tây, chúng ta nói về một hình thức ganh tỵ hơi khác biệt, khiến cho mình đau khổ hơn. Nếu như bạn tra cứu chữ “đau khổ” trong tự điển, thì nó sẽ nói rằng đó là “lòng bất khoan dung về việc ganh đua, hay không chung thủy”. Ví dụ như chúng ta cảm thấy ganh tỵ, nếu như người bạn đời của mình tán tỉnh, hay dành nhiều thời gian với người khác. Có một sự bất khoan dung, như thể người kia không chung thủy, vì chỉ muốn ở gần người khác. Có một sự cạnh tranh ở đây.

Một ví dụ khác mà chúng ta đã đề cập đến là về con chó, khi có một em bé mới về nhà. Em bé là người cạnh tranh sự chú ý của chủ nhà. Chủ nhà sẽ đem xương cho em bé, chứ không cho con chó. Giống như lòng ganh tỵ được định nghĩa trong nhà Phật, thì điều này có yếu tố oán hận, cộng thêm cảm giác bất an và không tin tưởng một cách mạnh mẽ.

Bất An

Cách đối phó với sự bất an là một cuộc bàn luận hoàn toàn khác biệt trong nhà Phật. Nếu như bất an, thì mình sẽ ghen tuông, khi người bạn đời hay bạn bè của mình giao tiếp với người khác. Chúng ta cảm thấy bất an về tự thân, về giá trị của bản thân, và tình yêu mà người bạn đời dành cho mình. Ta cũng không tin tưởng người bạn đời, và lo sợ rằng cái “tôi” này sẽ bị bỏ rơi.

Một lần nữa, nếu muốn đối phó với hình thức ganh tỵ này, thì phải nhận ra tánh bình đẳng của tất cả mọi người, nhưng từ một quan điểm hơi khác biệt. Đúng ra thì đối với người Tây phượng, điều này sẽ dễ dàng hơn một chút, bởi vì nó không được củng cố bằng văn hóa, như một số khía cạnh khác. Nó là điều tự động phát sinh, nên mình không cần phải đối phó với gánh nặng văn hóa bổ sung thêm vào đó nữa. Không có ai phải dạy mình cách cảm thấy bất an, dù tôi chắc chắn là một số người sẽ nói rằng tuổi thơ của mình có một vài ảnh hưởng. Ví dụ như một em bé luôn luôn được bế bên hông, hay cõng trên lưng mẹ, như người ta thường làm ở châu Á, sẽ cảm thấy an toàn hơn nhiều, so với một em bé chỉ ở một mình trong giường cũi. Hãy tưởng tượng sự việc sẽ ra sao, khi mình là một đứa trẻ ngồi trên xe đẩy, trong khi mẹ mình đang đẩy xe qua đường. Bạn sẽ thấy tất cả những chiếc xe ồn ào này chạy qua, nhưng bạn không thấy mẹ của mình. Làm sao em bé cảm thấy an toàn được? Theo một vài cách thì sự bất an tự nhiên được củng cố về mặt văn hóa, nhưng đó là cuộc bàn luận hoàn toàn khác biệt.

Về mặt bất an thì phải tư duy về tính bình đẳng của tất cả mọi người, về một khía cạnh nào đó trong Phật tánh của chúng ta. Yếu tố này là tấm lòng có khả năng yêu thương tất cả mọi người. Đối với vấn đề ganh tỵ thì điều này có thể giúp mình rất nhiều, vì ta thấy rằng việc một người bạn hay bạn đời của mình có khả năng yêu thương và rất thân thiện với nhiều người, không chỉ một người, là điều hoàn toàn tự nhiên. Xin đừng xem đây là sự đồng ý về việc ngoại tình. Thay vì nghĩ rằng “tôi” là người độc quyền đặc biệt, nên phải chiếm vị trí quan trọng nhất trong lòng người bạn đời, hay người bạn của mình, thì ta sẽ cởi mở về tình huống này. Theo nhiều cách thì mình phải phát triển lòng bi, khi cảm thấy như vậy, bởi vì mình không hiểu rằng Phật tánh có khả năng thân thiện và nồng hậu với tất cả mọi người.

Không Phải Là Người Duy Nhất

Lần đầu tiên mà tôi học được tuệ giác thú vị này là từ chiêm tinh học. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm một người đặc biệt, và với chiêm tinh học thì mình có thể ghép đôi những ngôi sao, và tìm ra những con sao nào sẽ hợp với sao Kim (Venus) của mình. Nhưng nếu bạn nghĩ về điều này, thì phải có hàng triệu, hàng triệu người mà sao Kim của họ sẽ hợp với sao Kim của mình. Vậy thì có gì đặc biệt về người nào đó? Tại sao chỉ có một hoàng tử hay công chúa ở ngoài kia có thể yêu mình thôi?

Việc học cách mở lòng với tất cả mọi người là điều thật quan trọng. Nếu như người bạn đời của mình không cư xử được như vậy, thì nên từ bi với họ. Đó là điều mà họ phải học hỏi. Khi ta mở lòng ra, thì người mà mình rất ghen tuông, khi họ ở gần người khác, sẽ trở nên nhỏ bé hơn nhiều trong đời sống của mình. Họ không phải là người duy nhất trên thế giới mà mình có thể yêu thương. Với tấm lòng rộng mở thì ta có thể có tình thương rộng lớn cho bạn bè, những người cộng tác với mình, cho thú nuôi trong nhà, cho cha mẹ của mình. Chúng ta có thể yêu đất nước, con người, thiên nhiên, Thượng đế, sở thích, công việc của mình. Danh sách sẽ kéo dài hơn nữa.

Ta có thể đối phó với tất cả những đối tượng mà mình thương yêu, bởi vì tấm lòng của mình rộng lớn đủ cho tất cả. Ta có thể biểu hiện tình thương của mình - và đây là một điểm quan trọng - một cách phù hợp đối với mỗi người, hay vật mà mình thương yêu. Tất nhiên là ta không bày tỏ tình thương đối với con chó, giống như cách mình thể hiện nó với chồng hay vợ của mình, hay với cha mẹ mình. Bạn không bao giờ biết được, nhưng thường thì mình không có quan hệ tình dục với tất cả những người này. Thật ra, nếu như người bạn tình của mình không chung thủy, hay ngay cả khi họ không có quan hệ tình dục với người khác, mà dành hết thời gian đi ra ngoài với những người bạn khác, thì việc phản ứng bằng lòng ghen tuông hay chiếm hữu không bao giờ là điều ích lợi. Nó không giúp ích gì cho tình huống cả.

Khi ta phản ứng bằng lòng ghen tuông và chiếm hữu, thì việc này chịu một phần ảnh hưởng của văn hóa. Nếu bạn nghĩ về một người vợ Nhật Bản truyền thống và một người vợ truyền thống Tây phương, đối mặt với tình huống người chồng rất thường đi chơi với những người đàn ông khác trong công sở, thì họ sẽ cảm nhận điều đó hoàn toàn khác nhau. Vì nền văn hóa của họ khác nhau, nên một lần nữa, nên xem xét bao nhiêu phần trong sự phản ứng thuộc về văn hóa, và bao nhiêu phần là phản ứng tự nhiên. Điều này có thể rất quan trọng trong các cuộc hôn nhân có những nền văn hóa hỗn hợp. Chúng ta thường có khuynh hướng xem thường ảnh hưởng của văn hóa trong cảm xúc của mình. Điều này cũng có sự liên hệ, khi một cặp vợ chồng thuộc về hai thế hệ khác nhau, vì họ cũng có thể có những giá trị khác nhau. 

Mở Lòng Ra

Nếu như ta nghĩ rằng tình yêu và tình bạn thân thiết chỉ có thể xảy ra với một người mà thôi, rồi nếu người này có một người bạn khác, thì sẽ không còn chỗ trống cho mình, thì đó là ganh tỵ. Nên thấy rằng tất cả đều dựa trên một cái “tôi” vững chắc, là người đặc biệt. Nhưng một vị Phật sẽ như thế nào, khi yêu thương tất cả chúng sinh một cách đồng đều?

Khi một vị Phật ở gần người nào thì ngài sẽ chú ý 100% vào người đó. Đức Dalai Lama là một ví dụ tuyệt vời về tình thương bình đẳng cho tất cả mọi người, và Ngài gặp gỡ rất nhiều người mỗi năm, thậm chí mỗi ngày. Tất cả những người gặp gỡ Ngài đều bày tỏ cảm giác này, rằng khi họ ở bên Ngài, thì Ngài hoàn toàn chú ý đến họ, không phải là một trong những cách nhìn chằm chằm đáng sợ. Ngài chỉ hoàn toàn có mặt 100% với bạn. Ngay cả khi Ngài nhìn quanh khán giả, thì người ta vẫn có cảm giác đặc biệt này. Nó hầu như làm cho bạn cảm thấy đặc biệt, nhưng không phải theo cách kỳ lạ, vị kỷ. Nó chỉ đơn giản là vì Ngài chú ý đến mỗi người mà Ngài gặp gỡ 100%. Nó không bị loãng, chỉ vì có rất nhiều người. Khi Đức Dalai Lama nhìn bạn thì bạn sẽ cảm thấy gần như bị điện giật, vì một chút năng lượng của lòng từ. Đó là mục tiêu mà chúng ta nên hướng đến!

Đây là một điểm cực kỳ quan trọng. Đức Dalai Lama luôn nhấn mạnh rằng cách khắc phục những vấn đề như ganh tỵ, oán hận, vân vân, thật sự là bằng lòng bi mẫn và mở rộng lòng mình.

Tuy nhiên, ở giai đoạn của chúng ta thì hầu hết mọi người vẫn gặp khó khăn đối với việc mở lòng ra, dù chỉ đối với một người thôi, khi mình không an tâm, rằng họ sẽ làm mình tổn thương. Vì vậy nên mình ít khi mở lòng. Làm sao để đi từ vị trí này, đến giai đoạn mở lòng cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ? Nếu như ta mở lòng một cách chậm rãi, và nhận ra rằng không có gì phải sợ hãi, rằng mình có thể yêu một người nhiều hơn, thì nỗi đau mà người nào đó đã không đáp trả lòng yêu thương của mình sẽ không quá nặng nề. Rốt cuộc, không phải ai cũng yêu thích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vậy thì chúng ta mong đợi điều gì, rằng tất cả mọi người sẽ yêu thương mình hay sao?

Tôi thấy ví dụ này về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất hữu ích. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện về người anh em họ của Phật, Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người rất oán ghét Ngài. Đề Bà Đạt Đa luôn ganh tỵ với Đức Phật, và đã dùng mọi cách để hãm hại Ngài. Việc nghĩ về điều này là một điều tốt. Khi có người chỉ trích mình, hoặc không ưa mình, thì ta sẽ mong đợi điều gì? Hãy xem ví dụ thời nay của Đức Dalai Lama và người Trung Quốc. Hãy tưởng tượng có cả một quốc gia, cả một chánh phủ và hàng tấn lời tuyên truyền lan truyền khắp thế giới, gieo rắc lòng oán ghét đối với mình. Nếu như người nào không thích tôi, hay đi theo người khác, thì không có chuyện gì lớn cả. Khi bạn thấy tính tương đối của việc này, thì nó không phải là ngày tận thế. Hãy nghĩ về cách diễn đạt bằng tiếng Anh, “Không phải là con cá duy nhất trên đại dương.”.

Không Sợ Hãi

Đôi khi, có ý kiến cho rằng nếu như ta mở lòng với nhiều người, thì những mối quan hệ cá nhân của mình sẽ ít có chất lượng hơn. Nhưng không có gì phải lo sợ. Chúng ta sẽ bớt bám víu, và ít phụ thuộc vào mối quan hệ nào, để cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn. Chúng ta có thể dành ít thời gian hơn cho mỗi cá nhân, nhưng sẽ có một mối quan hệ trọn vẹn với mỗi một người.

Chúng ta cũng sẽ nhận ra là nó giống như vậy, đối với tình thương mà bạn bè dành cho mình. Không có lý do gì để nghĩ rằng nếu họ có những người bạn khác, thì tình thương của họ dành cho mình sẽ yếu ớt hơn. Tại sao người này không nên có nhiều bạn bè chứ? Điều đó không có nghĩa là mình sẽ có ít tình thương của họ hơn, như thể tình thương giống như là thức ăn trong tủ lạnh. Tình thương không bao giờ giống như vậy.

Xua Tan Huyền Thoại

Một lần nữa, chúng ta lại đi đến yếu tố văn hóa, khi mà mình có huyền thoại rằng một người sẽ là người bạn đời hoàn hảo, đặc biệt của mình, phân nửa kia của mình, người sẽ bổ sung cho mình trong mọi mặt, và mình có thể chia sẻ mọi khía cạnh trong đời sống. Đó là một huyền thoại phi thực tế. Nó xuất phát từ nhà triết học Plato người Hy Lạp cổ xưa, người đã nói rằng vào lúc đầu thì chúng ta đều là những người toàn vẹn, nhưng đến một lúc nào đó thì tất cả mọi người đều bị xẻ làm đôi. Điều này làm cho mục tiêu của đời sống là tìm ra phân nửa kia của mình, người sẽ là phân nửa hoàn hảo của mình, và sẽ giúp cho mình được trọn vẹn trở lại. Dường như đây là huyền thoại đằng sau toàn bộ lịch sử lãng mạn phương Tây. Chẳng may là giống như Ông Già Noel (Santa Claus) và Thỏ Phục Sinh (Easter Bunny), nó là một huyền thoại. Ở đây, chúng ta có Hoàng tử quyến rũ trên con bạch mã, đó là khái niệm lãng mạn phương Tây, nhưng nó không giống như vậy trong các nền văn hóa khác.

Chúng ta phóng chiếu rằng người này sẽ là phân nửa kia của mình. Rồi thì khi họ không hợp nhất với mình, không dành tất cả thời gian của họ cho mình, hay không chia sẻ tất cả bí mật của họ với mình, thì ta lại ghen tuông. Ta sẽ bực bội và tức giận. Nếu như họ chia sẻ điều gì nhỏ bé về cuộc đời của họ với người khác, thì ta sẽ rất ganh tỵ. Nhưng khi nghĩ về điều đó, thì nó thật sự khá vô lý, khi ta hy vọng là mình có thể chia sẻ mọi khía cạnh trong đời sống của mình với chỉ một người. Một điều thực tế hơn là tìm một nhóm người có thể chia sẻ sở thích nào đó của mình, chẳng hạn như chơi thể thao. Tại sao chúng ta lại mong đợi vợ mình sẽ chia sẻ sở thích bóng đá với mình?

Khi mình không chia sẻ mỗi một khía cạnh với một người thôi thì sự việc sẽ thú vị hơn. Một người có rất nhiều sở thích khác nhau, và việc chia sẻ những điều này với những người khác nhau là điều tốt đẹp. Nhờ vậy mà mình sẽ học được điều gì đó. Nếu như không có kỳ vọng về một mối quan hệ huyền thoại trọn vẹn, thì điều này sẽ giảm thiểu khả năng ghen tuông của mình.

Giải Tỏa Lòng Ganh Tỵ

Chúng ta đã xem xét một vài cách để bắt đầu giải tỏa vấn đề tình cảm. Khi có một cảm xúc phiền não, thì ta có thể bắt đầu phân tích nó, thay vì biến nó thành điều vững chắc lớn lao này, đó là ganh tỵ! Nếu như mình làm cho nó trở thành điều này, thì nó sẽ trở thành điều vững chắc nặng nề này, với những đường viền bao quanh nó. Khi bắt đầu phân tích thì ta sẽ thấy là lòng ganh tỵ được tạo ra bằng những thành phần khác nhau, như oán hận, tham lam, kỳ vọng vô lý. Có những thứ bắt nguồn từ văn hóa của mình, có sự cạnh tranh, có một chút lòng tự ti, bất an. Chúng ta có thể giải tỏa những thành phần này, và nó sẽ không còn quá nặng nề, không phải là một con quái vật lớn. Rồi thì mình có thể bắt đầu áp dụng những pháp đối trị, để đối phó với những khía cạnh khác nhau trong đó.

Liều Thuốc Mạnh Để Mở Lòng 

Trong nhà Phật thì việc hiểu biết về Không tướng (tánh Không), và cách mà “tôi” và “bạn” tồn tại được xem là liều thuốc mạnh mẽ nhất mà người ta có thể áp dụng. Một loại thuốc mạnh mẽ khác mà Đức Dalai Lama luôn luôn nhấn mạnh là cởi mở lòng mình. Đây là cách mà ta sẽ thấy mình có khả năng yêu thương tất cả chúng sinh. Nó không nói về việc có quan hệ tình dục với tất cả mọi người, mà có ý nói về một mối quan hệ ấm áp, thân thiện, cởi mở, trọn vẹn với nhiều người. Rồi nếu như mối quan hệ nào không suôn sẻ, thì cũng phải chấp nhận thôi. Chúng ta có thể thấy buồn cho người kia, khi họ không nhận thức là họ có thể mở lòng ra với nhiều người. Việc bỏ ra một tiếng đồng hồ với người nào mà mình hết lòng với họ thì sẽ lợi lạc hơn nhiều, so với việc sống cả đời với người nào, khi mà lòng mình hoàn toàn khép kín, phải không? 

Câu Hỏi

Làm thế nào để giúp một người có lòng ganh tỵ?

Điều này phụ thuộc vào việc lòng ganh tỵ này có nhắm vào mình hay không, giống như nếu mình không dành đủ thời gian cho họ, hay nó nhắm vào người khác. Ví dụ như phương thuốc chung cho người nào ghen tuông với mình, cảm thấy khó chịu vì ta không bao giờ dành đủ thời gian cho họ, mà lại dành nhiều thời gian hơn cho người khác, thì cũng là hết lòng với họ, khi mình ở gần họ. Ta có thể giải thích là, “Tôi đang làm rất nhiều việc khác, nhưng có thể dành cho bạn một khoảng thời gian nào đó.”. Đây là cách nói 'không', và nêu ra những giới hạn nào đó, mà không khiến cho họ cảm thấy như thể họ đang bị bỏ rơi. Tất nhiên, nếu bạn đã kết hôn với ai đó, thì vấn đề sẽ khác. Bạn nên cố gắng ăn sáng hay làm điều gì với họ mỗi ngày. Có thể là nó không nhiều, nhưng ít nhất là có thể dành cho người phối ngẫu của mình một khoảng thời gian nào đó.

Chị tôi lúc nào cũng kêu tôi gọi điện thoại cho chị ấy, và tôi không làm như vậy. Tôi sẽ gọi điện thoại cho chị ấy mỗi thứ Bảy, vào khoảng thời gian nhất định, và chị có thể tin tưởng là tôi sẽ gọi. Rồi thì chúng tôi sẽ nói chuyện trong một giờ, và tôi toàn tâm toàn ý nói chuyện với chị ấy trong thời gian đó. Tuy vậy, trong tuần thì chị ấy vẫn luôn kêu tôi gọi điện thoại cho chị, và tôi chỉ nói với chị ấy rằng tôi sẽ nói chuyện với chị vào ngày thứ Bảy. Như vậy thì chị sẽ không cảm thấy bị bỏ rơi hay từ chối. Tôi thấy đây là cách tốt nhất để đối phó với vấn đề. Việc cung cấp cho một người một khoảng thời gian nào đó mà họ có thể tin tưởng và trông cậy vào đó. Trong khoảng thời gian bạn nói chuyện với họ thì đừng nhìn đồng hồ hoài, và tự hỏi khi nào thì bạn có thể đi, vì bạn rất bận rộn. Thay vì vậy, hãy ở bên họ 100%, hết lòng với họ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều. Các từ ngữ chủ yếu là “đây là thời gian đặc biệt của chúng ta” - và điều đó sẽ khiến cho họ hài lòng.

Trong tình huống mà có sự cạnh tranh, thì bạn không thật sự muốn có thời gian đặc biệt với người đó, đặc biệt là nếu tôi đã đạt được điều gì, hay được thưởng một cái gì đó, và họ ganh tỵ với điều đó. Làm sao để đối phó với điều này?

Ở đây, điều rất quan trọng là giải tỏa việc nhận diện ra “tôi” với điều này. Giải thưởng chỉ là một khía cạnh nhỏ thôi. Có thể bạn đã nhận được giải thưởng thể thao hay học thuật, hay nghệ thuật, nhưng bạn luôn luôn có thể chỉ cho họ thấy là có nhiều vận động viên, học giả hay nghệ sĩ giỏi hơn bạn nhiều. Có hàng triệu phẩm chất, và người nào trong số họ sẽ luôn luôn giỏi hơn bạn. Ngoài ra, hãy làm cho họ biết rằng đó không phải là điều duy nhất về mình, “Bạn biết tôi mà. Có nhiều điều khác về tôi, ngoài việc tôi đã được giải thưởng.”.

Nhưng nếu có những lời phê bình ác ý thì sao?

Việc phê bình với ác ý thường xảy ra, khi người khác có cảm giác tự ti. Bằng cách nêu ra những lãnh vực mà họ giỏi hơn mình, thì điều này sẽ củng cố giá trị bản thân của họ. Họ chỉ hạ thấp mình, vì họ cảm thấy họ bị tấn công, và không có giá trị. Bạn có thể nêu ra cái giá mà bạn phải trả, để thắng được giải thưởng. Hãy cho là bạn đã phải tập luyện không ngừng, để thắng một sự kiện thể thao, hay phải học nhiều lắm, hoặc dành nhiều thời gian ở công sở, và bạn ước gì có được thời gian để làm những gì họ có thể làm. Không phải là bạn nên khoe khoang về điều này, “Ồ, tôi đã bỏ hết công sức cho việc này, còn bạn thì không”, mà hãy làm cho nó thực tế hơn, “Hãy nhìn đi, nó không tuyệt vời đến vậy đâu. Tôi đã hy sinh rất nhiều. Việc thắng lợi không lớn lao đến thế đâu.”. Bạn làm cho nó có vẻ tương đối, đưa nó xuống từ mức độ cao cấp này, khi mà sự việc rất tuyệt vời. Ngoài ra, nếu như bạn ngưỡng mộ điều gì về họ, mà bạn không có, thì điều này sẽ đặt họ ở cơ sở bình đẳng hơn với bạn.

Điều cũng quan trọng là không biến mình thành nạn nhân. Tôi sẽ dùng bản thân tôi làm ví dụ. Trong cuộc đời này thì tôi đã thành tựu rất nhiều về việc du lịch, nghiên cứu và những công việc mà tôi đã làm. Thường thì những người bạn thời thơ ấu và những người bạn thời đại học của tôi sẽ nói rằng ước gì họ có thể làm những gì tôi đã làm, và đạt được những gì tôi đã đạt được. Họ nói rằng tất cả những điều họ đã làm là thành lập một doanh nghiệp thành công và nuôi gia đình, đại loại như thế. Tôi nói với họ rằng, “Hãy nhìn vào cái giá mà tôi đã trả: Tôi chưa bao giờ kết hôn, tôi chưa bao giờ có gia đình”, và họ sẽ nói rằng, “Đó là việc không quá quan trọng.”. Tôi luôn luôn nói rằng, “Có chứ, đó cũng là điều quan trọng trong đời sống. Nếu bạn dồn hết năng lượng của mình vào điều gì, thì bạn không thể đưa nó vào một điều khác. Tôi ngưỡng mộ là bạn đã có kinh nghiệm trong đời sống của bạn. Nhờ vậy mà bạn có thể chia sẻ với tôi những gì bạn đã học được, và tôi có thể chia sẻ với bạn những điều tôi đã học được.”.

Rồi thì chúng tôi ở trên cơ sở bình đẳng, không có việc “tội nghiệp cho tôi”, chỉ vì tôi chưa bao giờ kết hôn. Tôi hoàn toàn hạnh phúc với đời sống của mình. Nhưng nhờ cách đặt cả hai chúng tôi ở mức độ ngang hàng với nhau, với thực tế là cả hai chúng tôi đều đã đạt được điều gì đó, thì lòng ganh tỵ và đố kỵ hoàn toàn giảm bớt. Điều quan trọng là phải có và thể hiện lòng tôn trọng đối với họ. Không phải vì những điều tôi đã làm, mà tôi là người tốt hơn. Chúng ta phải giúp người khác nhìn thấy phẩm chất của họ.

Đó cũng là một khía cạnh lành mạnh của lòng ganh tỵ. Nó làm cho bạn làm việc vì mục tiêu nào đó, hay đặt câu hỏi về cách bạn đã làm việc trước đây.

Tôi đoán là nó có thể hữu hiệu đối với một số người, để nói rằng có một khía cạnh lành mạnh trong sự ganh tỵ, khiến cho một người làm việc chăm chỉ hơn, theo kiểu cạnh tranh. Tôi không phủ nhận rằng điều này có thể hữu hiệu đối với một số người. Nhưng phải cẩn thận ở đây, bởi vì “chúng ta đang đùa với lửa”. Nó có thể dễ dàng dẫn đến việc cạnh tranh nặng nề, khi mà mình đang cố gắng qua mặt người khác, hay chính mình. Chúng ta có thể được thúc đẩy để làm việc tốt hơn và tốt hơn nữa, để đạt được khả năng tốt nhất của mình. Điều này hơi nguy hiểm, vì nó sẽ củng cố ý thức về “tôi” một cách mạnh mẽ. “Tôi phải làm tốt hơn.”. Tại sao? Đó là vì “tôi".

Trong nhà Phật, chúng ta có mục tiêu thành tựu giác ngộ, trạng thái tiến hóa cao nhất mà mình có thể đạt được. Tuy nhiên, động lực không bao giờ là vì mình muốn làm người tốt nhất theo khả năng của mình. Chúng ta có động lực cải thiện, để có thể giúp đỡ người khác tốt hơn, không phải vì lòng ganh tỵ, cạnh tranh với chính mình. Điều này lành mạnh hơn nhiều, và tạo ra ít phiền não hơn. Khi muốn làm tốt hơn và tốt hơn nữa cho chính mình, thì việc này sẽ gia tăng phiền não. Ta sẽ tự trừng phạt mình và tự bắt mình làm việc, mà không biết khi nào thì nên nghỉ ngơi. Chắc chắn là có rất nhiều trí tuệ trong toàn bộ đường tu Đại thừa.

Theo cách khác thì động lực cạnh tranh và ganh tỵ là một vấn đề cảm xúc rất nặng nề. Cảm giác về “Tôi không đủ tốt, đáng lẽ tôi nên làm tốt hơn nữa” thì bị trói buộc vào cảm giác tội lỗi. Việc thành tựu giác ngộ để giúp đỡ người khác không phải là một cuộc đua. Việc có những cách để giải tỏa cảm xúc của mình, để có thể thấy những gì thật sự liên quan trong đó là điều hữu ích. Một khi đã làm như vậy, thì chúng ta không nên tự nhốt mình trong các phạm trù, mà hãy thật sự đối phó với đời sống của mình.

Tôi có thể chia sẻ một ví dụ về một người bạn tốt của tôi, là một bác sĩ tâm thần ở Philadelphia. Cô làm việc với một số người hung hăng nhất, từ 18 đến 24 tuổi, sống ở những nơi tệ hại nhất trong thành phố. Đây là ngành chuyên môn của cô, và cô ấy là người thành công nhất trong số những người có thể làm việc với những người này, nên họ hoàn toàn yêu mến cô, và lúc nào cũng mong được nói chuyện với cô ấy. Đây là những người vô gia cư, và đến 18 tuổi là đã có một vài đứa con, một số thì có vấn đề về ma túy và mãi dâm, và một số người thì bị nhiễm HIV. Không có ai khác có thể tiếp cận những người này, ngoài cô ấy ra.

Tự nhiên là đồng nghiệp của cô luôn luôn hỏi cô có bí mật gì về việc giao tiếp với những người trẻ này một cách thành công như vậy. Trước tiên, cô nói rằng khi gặp gỡ họ thì cô sẽ có mặt 100% với họ, và không tạo ra ranh giới về giờ giấc. Nếu bạn chỉ nói rằng, “Xong rồi, thời gian của bạn đã hết, xin hãy đi ra”, thì bạn không bao giờ biết là một trong những người này có thể sẽ rút súng ra bắn bạn hay không, bởi vì họ rất hung hăng. Thế thì quy tắc đầu tiên là thật sự có mặt với người đó. Một trong những vấn đề lớn của họ là không có ai dành thời gian cho họ cả.

Rồi cô nói rằng cô không đưa họ vào các phạm trù. Cô nói rằng toàn bộ hệ thống tâm thần học dựa vào việc điền đơn cho công ty bảo hiểm, bởi vì bạn phải điền vào phần chẩn bệnh. Người này bị tâm thần phân liệt; người kia thì có chứng bệnh khác. Các loại bệnh lý mà người ta học hỏi ở trường có thể hữu ích không chỉ cho mục tiêu bảo hiểm, mà còn là chỉ dẫn hữu ích về cách đối phó với những căn bệnh khác nhau. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu nghĩ về mọi người như những phạm trù, thì sẽ không hiệu quả. Bạn phải quên tất cả những điều đó đi, và chỉ cần giao tiếp với người đó, cởi mở với họ, và xem xét tình trạng cá nhân của họ.

Việc đối phó với vấn đề tình cảm của mình cũng giống như vậy. Chúng ta có sự phân tích chung, hay cách đối phó, nhưng sau đó thì sẽ đối xử với bản thân như một con người. Chúng ta không phải là một thể loại trên kệ sách, mà là con người. Nếu như mình là người nghiện rượu, thì điều quan trọng là phải nhận diện “tôi là người nghiện rượu”, nhưng điều thường xảy ra là mình bị mắc kẹt trong danh tính của một người nghiện rượu, nên cảm thấy ghiền việc tham gia nhóm giúp đỡ người nghiện rượu và vân vân. Chúng ta thấy sợ hãi, khi phải rời khỏi nhóm này để tiếp tục đời sống của mình. Mặc dù vào lúc đầu thì việc chia sẻ cách mình trị liệu với người khác là điều hữu ích, nhưng điều cũng rất quan trọng để mọi người nhận ra là mình là con người có nhiều khía cạnh, và hãy tiếp tục với đời sống. Không nên mắc kẹt trong một phạm trù, mà hãy sống cuộc đời của mình. 

Tóm Tắt

Nếu muốn khắc phục phiền não như lòng ganh tỵ, thì ta sẽ thấy việc phân tích cảm xúc của mình trước tiên là điều rất quan trọng. Có nhiều hình thức ganh tỵ, và tất nhiên, mỗi hình thức cần có một phương pháp khác nhau để đối trị nó.

Khi nhìn sâu hơn một chút thì ta sẽ nhận ra lòng ganh tỵ thật ra chỉ là một triệu chứng của vấn đề to lớn hơn nhiều. Đó là vì mình vô minh về cách ta và người khác tồn tại, nên mới ganh tỵ. Vì sự mê lầm này mà ta thật sự quyến luyến với cảnh ngộ của mình, nghĩ rằng mình luôn luôn là người thua cuộc, và những người khác luôn luôn là kẻ chiến thắng, hay bạn bè mình nên luôn luôn dành thời gian cho mình, mà không nên dành thời gian cho người khác.

Khi mở rộng tim óc, nhìn thấy cách mà “tôi” và “bạn” thật sự tồn tại, thì ta có thể bắt đầu tạo ra một cuộc sống tràn đầy những mối quan hệ trọn vẹn với nhiều người, và  cảm giác ganh tỵ của mình sẽ giảm thiểu.

Top